Chẳng thà em lấy chồng khờ, chồng dại
Lo kinh thương mãi mại
Tính công nghệ nông tang
Không ham nhiều bạc lắm vàng
Mai sau sanh chuyện điếm đàng bỏ em
– Qua đây muốn kiếm một nàng
Thạo thông đường buôn bán
Rao cùng thôn quán mà chưa đáng chỗ nào
Thiếu chi những chị má đào
Họ mê bài phé, bài cào, anh thất kinh
Tìm kiếm "thất tịch"
-
-
Vè con dao
Nhà anh bất phú bất bần
Có con dao đoản hộ thân tháng ngày
Con dao anh rày
Dài vừa năm tấc
Khi mài đã sắc
Phá lở rú rừng hoang
Cũng biện đủ cỗ cho làng
Cũng no ngày đủ tháng.
Đèn có khêu mới rạng
Ngọc bất trác bất thành
Ngẫm như con dao anh
Nội trần gian không ai có
Nội dưới trời không ai có … -
Vè cậu Hai Miêng
Đêm thu bóng nguyệt soi mành
Bâng khuâng dạ ngọc chạnh tình ngâm nga
Xét trong thế sự người ta
Tài ba cho mấy cũng là như không
Cho hay thiên địa chí công
Dữ lành báo ứng vô cùng màu linh
Gương xưa trông thấy đành rành
Người nay xem đó giữ mình cho yên
Nam Kỳ có cậu Hai Miêng
Con quan lớn Tấn ở miền Gò Công
Cậu Hai là bực anh hùng
Ăn chơi đúng bực vô cùng liệt oanh
Nam Kỳ lục tỉnh nổi danh
Thật là một bực hùng anh trên đời … -
Kim là vàng, kim là nay
-
Ai ơi phải nghĩ trước sau
Ai ơi phải nghĩ trước sau
Đừng tham lắm của nhà giàu làm chi
Làm thì xem chẳng ra gì
Làm tất làm tả, nói thì điếc tai
Đi ngủ thì hết canh hai
Thức khuya dậy sớm, mình ai dãi dầu
Sớm ngày đi cắt cỏ trâu
Trưa về lại bảo: ngồi đâu, không đầy
Hết mẹ rồi lại đến thầy
Gánh cỏ có đầy cũng nói rằng vơi
Nói thì nói thật là dai
Lắm câu chua cạnh, đắng cay trăm chiều
Phận em là gái nhà nghèo
Lấy phải chồng giàu, ai thấu cho chăng
Nói ra đau đớn trong lòng
Chịu khổ chịu nhục suốt trong một đời -
Thiên triều văn
Thương thay, hỡi các chú ơi
Ăn uống đã rồi thầy kể một văn:
Quý Tỵ giữa ngày mồng năm,
Giờ Dần chính nguyệt ầm ầm huyên hoa
Một chi đánh ở Đống Đa
Cầu Duệ kéo đến tốt xa muôn phần
Phép voi bại trận tiên phong
Cầu nhương sụt cả xuống sông Bồ Đề
Đao binh tử trận đầy khe
Dọc đường gài gác nằm kề năn năn
Chú sang cứu viện nước Nam
Chẳng may gặp phải suối vàng thương thay
Chú thì thắt cổ trên cây
Chú thì tự vẫn ở nay trong nhà
Chú thì thác xuống Diêm La
Chú nào còn sống về nhà đại minh … -
Chỉ vì một chữ ăn
Ăn lông ở lỗ, từ thuở tạo thiên
Hôm sớm cửa thiền, ăn chay niệm Phật
Cả đời chật vật, làm không đủ ăn
Tánh hay hiểu lầm, làm sao ăn ở
Biết ăn theo thuở, biết ở theo thời
Tài sức thua người, thì bị ăn hiếp
Đờn ca ăn nhịp, mới thật tài năng
Người không chịu làm, hay đi ăn ké
Cần phải tránh né, cái bọn ăn dơ
Vừa vét vừa quơ, muốn ăn trọn gói
Hễ ăn một đọi, thì nói một lời
Ăn phải coi nồi, ngồi thời coi hướng … -
Vè thằng nhác
Lẳng lặng mà nghe
Cái vè thằng nhác
Trời đà phó thác
Tính khí anh ta
Buổi còn mẹ cha
Theo đòi thư sự
Cho đi học chữ
“Nhiều chữ ai vay?”
Cho đi học cày
Rằng “Nghề ở đợ!”
Cho đi học thợ
Nói “Nghề ấy buồn”
Cho đi tập buôn
“Ấy nghề ngồi chợ!” … -
Khó thay công việc nhà quê
Khó thay công việc nhà quê
Quanh năm khó nhọc dám hề khoan thai
Tháng chạp thì mắc trồng khoai
Tháng giêng trồng đậu tháng hai trồng cà
Tháng ba cày vỡ ruộng ra
Tháng tư bắc mạ thuận hòa mọi nơi
Tháng năm gặt hái vừa rồi
Bước sang tháng sáu lúa trôi đầy đồng
Nhà nhà vợ vợ chồng chồng
Đi làm ngoài đồng sá kể sớm trưa
Tháng sáu tháng bảy khi vừa
Vun trồng giống lúa bỏ chừa cỏ tranh
Tháng tám lúa giỗ đã đành
Tháng mười cắt hái cho nhanh kịp người
Khó khăn làm mấy tháng trời
Lại còn mưa nắng thất thời khổ trông
Cắt rồi nộp thuế nhà công
Từ rày mới được yên lòng ấm no. -
Trách phận (Nẫu ca)
Thân trách thân, thân sao lận đận
Mình trách mình số phận hẩm hiu
Bởi thân tui cực khổ tui eo nghèo
Nên vợ tui nó mới không ở nữa mà nó theo nẫu rồi
Em ơi chứ bây giờ em ở kìa nơi đâu
Để cho anh trông đứng trông ngồi canh khuya
Hồi nào qua Phú Lễ ăn ổi chua
Xuống Đại Lãnh uống nước ngọt, qua Hòn Chùa ăn mực nang
Bây giờ em không ngó nữa em không ngàng
Đến chồng nghèo cực khổ gian nan cơ hàn
Hồi nào em thất nghiệp em đi lang thang
Anh thấy em nữa tội nghiệp, anh di mang anh nuôi rày
Hồi nào em bán nước đá rồi anh đi may
Hai đứa mình chung sống không biết ngày mai sau
Hồi nào em bắt ốc rồi anh hái rau
Bây giờ em để lại mối sầu cho qua
Hồi nào trái chuối chín cũng cắn làm ba
Trái cam tươi cũng cắn làm bốn
Nửa trái cà cũng cắn làm năm
Bây giờ em lấy nẫu em ăn nằm
Bỏ qua hiu quạnh năm canh qua một mình
Anh bây giờ, khóe mắt sầu cứ rung rinh
Giọt lệ sầu, giọt lệ thảm như nước trong bình nó tuôn ra
Anh bây giờ như con cuốc nó kêu tù oa
Nó lẻ đôi, nó lẻ bạn, quớ chu choa ơi là buồn.Video
-
Ở đâu sáu tỉnh anh ơi
Ở đâu sáu tỉnh anh ơi
Sông nào chín cửa, nước chảy xuôi một nguồn
Sông nào có nước trong luôn
Núi nào có tiếng cả muôn dặm ngoài
Con gì có cánh không bay
Con gì không cẳng, chạy ngay trăm rừng
Con gì giống chó có sừng
Anh mà đáp được, em cùng theo anh
– Nam Kỳ sáu tỉnh em ơi
Sông Cửu Long chín cửa, nước chảy xuôi một nguồn
Sông Đồng Nai nước sạch trong luôn
Núi Thất Sơn danh tiếng cả muôn dặm ngoài
Con gà có cánh không bay
Con rắn không cẳng, chạy ngay trăm rừng
Con dê giống chó có sừng
Anh đà đáp được, em cùng theo anh -
Năm ngoái anh mới sang Tây
Năm ngoái anh mới sang Tây
Đồn rằng buôn bán năm nay phát tài
Lòng anh muốn lấy vợ hai
Rằng: “Nhà có thuận, nay mai nó về?
Rồi ra một quán đôi quê
Tôi muốn nó về làm bạn sớm hôm
Trước là sinh tử sinh tôn
Sau nữa thờ phụng công môn ông bà
Trước con nhà sau ra con nó,
Xin nhà rồi chớ có ghen tuông
Chợ rộng thì lắm gái buôn,
Sông rộng lắm nước trong nguồn chảy ra
Lòng anh ăn ở thật thà
Coi nó mười tám, coi nhà hai mươi
Lòng anh chẳng có như người,
Có mới nới cũ, tội trời ai mang
Lòng anh ăn ở bằng ngang
Nó giàu bằng mấy cũng nàng thứ hai”.
– “Thôi thôi, tôi biết anh rồi,
Bụng anh nông nổi giếng khơi không bằng!
Bây giờ anh khéo khôn ngoan,
Sau anh tư túi, tôi làm chi anh?
Anh mà bắt chước Thúc Sinh,
Thì anh đừng trách vợ mình Hoạn Thư” -
Mưa từ trong Quảng mưa ra
Mưa từ trong Quảng mưa ra
Mưa khắp Hà Nội mưa qua Hải Phòng
Hạt mưa trong thực là trong
Mưa xuống sông Hồng mưa cả mọi nơi
Hạt mưa vẫn ở trên trời
Mưa xuống hạ giới cho người làm ăn
Tháng Giêng là tiết mưa xuân
Đẹp người thục nữ thanh tân má hồng
Muốn cho đây đấy vợ chồng
Hay còn quyết chí một lòng chờ ai?
Tháng Giêng bước sang tháng Hai
Mưa xuân lác đác hoa nhài nở ra
Tháng Hai bước sang tháng Ba
Mưa rào mát mẻ nở hoa đầy cành … -
Bớ này anh nó ơi
Bớ này anh nó ơi
Số phận em giao phó cho trời xanh
Lấy anh em không lấy, nhưng dạ cũng không đành làm ngơ
Vốn em cũng chẳng bơ thờ
Em đã hằng chọn trong lóng đục, nhưng vẫn còn chờ nợ duyên
Vốn em muốn lấy ông thầy thuốc cho giàu sang, nhưng lại sợ ổng hay gia hay giảm
Em muốn lấy ông thầy pháp cho đảm, nhưng lại sợ ổng hét la ghê gốc
Em muốn lấy chú thợ mộc, nhưng lại sợ chú hay đục khoét rầy rà
Em muốn lấy anh thợ cưa cho thật thà, nhưng lại sợ trên tàn dưới mạt
Em muốn lấy người hạ bạc, nhưng lại sợ mang lưới mang chài
Em muốn lấy anh cuốc đất trồng khoai, nhưng lại sợ ảnh hay đào hay bới
Em cũng muốn chọn anh thợ rèn kết ngỡi, nhưng lại sợ ảnh nói tức nói êm
Bằng lấy anh đặt rượu làm men, thì lại sợ ảnh hay cà riềng cà tỏi … -
Trương Chi (hát xẩm)
Ngày xưa có anh Trương Chi
Người thì thậm xấu, hát thì thậm hay
Cô Mỵ Nương người ở lầu Tây
Con quan thừa tướng ngày rày cấm cung
Anh Trương Chi ở dưới dòng sông
Chở đò ngang dọc suốt đêm đông anh dãi dầu
Đêm thanh chàng hát một câu
Gió đưa thoang thoảng đến lầu cô Mỵ Nương
Cô Mỵ Nương nghe tiếng hát thì thương
Mà trông thấy mặt anh chường lại chê
Anh Trương Chi bèn trở ra về
Cắm sào cho chặt anh mới hát thề một câu:
“Kiếp này đã lỡ duyên nhau
Xin nguyền kiếp khác duyên sau lại thành!” … -
Khoan khoan gá nghĩa
Khoan khoan gá nghĩa
Thủng thỉnh giao hòa
Để cho em hỏi cửa nhà ra sao?
Anh em thúc bá thế nào?
Nói ra em biết âm hao em tường
Hà miền, hà thị, hà phương,
Hà quê, hà quán em chưa tường đục trong,
Và đây lời hỏi sau cùng,
Nói ra cho em biết đã tơ hồng đâu chưa ?
– Xa xôi chi đó mà hỏi miền hỏi thị
Lạ lùng chi em mà hỏi quán hỏi quê
Bình Dương vốn thật quê chàng,
Lánh nơi thành thị lạc đàng núi non
Xuân xanh hai tám tuổi tròn,
Hoa còn ẩn nhụy chờ bình đơm bông.Dị bản
Khoan khoan gá nghĩa
Thủng thỉnh giao hòa
Để cho em hỏi cửa nhà ra sao?
Anh em thúc bá thế nào?
Nói ra em biết âm hao em tường
Hà miền, hà thị, hà hương,
Hà quê, hà quán em chưa tường đục trong,
Và đây lời hỏi sau cùng,
Nói ra cho em biết đã tang bồng đâu chưa?
– Xa xôi chi đó,
Kẻ đơn người tống,
Lạ lùng gì em phải hỏi han.
Ở đây vốn thật quê chàng,
Lánh nơi thành phố lạc đàng núi non.
Xuân thu hai tám tuổi tròn,
Hoa còn ẩn nhụy chờ bình đơm bông .
-
Vè chửi Thượng Bắc
Văn thân kéo giữa ban ngày,
Bắt ông Thượng Bắc đi đày ở đâu?
Tiếc ngài có một bộ râu,
Để cho bà lớn ăn sầu lo toan.
Ngày thường độc ác gian ngoan,
Giờ bà kêu khóc lạy van dân lành.
Bởi chưng ngài muốn giàu sang,
Theo Tây hại nước hại làng hại dân
Đạo trời nổi nghĩa Văn thân,
Giết quân phản tặc vinh thân hại nòi!
Đao gươm vây kín trong ngoài,
Gia nhân ngài Thượng rụng rời thất kinh.
Thân hào đốt cháy tư dinh,
Đập gãy ghế bành, tràng kỷ, án thư
Phá hết của nả riêng tư,
Xé tan cả bộ kinh Thư phẩm màu … -
Cô gái Sơn Tây, yếm thủng tày giần
Cô gái Sơn Tây, yếm thủng tày giần
Răng đen hạt nhót, chân đi cù nèo
Tóc rễ tre cô chải lược bồ cào
Xù xì da cóc, hắc lào tứ tung
Trên đầu chấy rận như sung
Rốn lồi quả quít, má hồng trôn niêu
Cô tưởng mình cô ái ố mỹ miều
Chồng con chả lấy, để liều thân ru
Hai nách cô thơm như ổ chuột chù
Mắt như gián nhấm, lại gù lưng tôm
Trứng rận bằng quả nhãn lồng
Miệng cười tủm tỉm như sông Ngân Hà … -
Cuộc ở đời nói chơi anh đừng giận
– Cuộc ở đời nói chơi anh đừng giận
Hỏi đó một lời cho tận nhơn tâm
– Hễ gặp tri âm dẫu nói cả năm anh không mỏi,
Vậy chớ con bạn mình muốn hỏi sự chi?
– Hỏi anh một chuyện, em nguyện học đòi,
Anh ôi, vậy chớ người Tây sao sướng hẳn hòi,
An nam mình lại chịu thiệt thòi nắng mưa?
– Người có vinh có nhục, cũng như nước có đục có trong,
Bởi vì mình ít có đồng lòng,
Không lo học giỏi cho ròng như Tây
– À há? Thật họ hay, nên làm thầy mình chịu dở,
Mình chẳng lo mình, mấy thuở được nên?
– Phận em là gái còn phải trái xét nhằm,
Huống gì nam tử cam tâm
Nếu không lo học tập, hổ thầm phận trai. -
Cô mơ cô mận cô đào
Cô mơ cô mận cô đào
Trong ba cô ấy ai nào kém ai
Cô mít thì chỉ nói dai
Còn như cô dứa sởn gai cũng kì
Bình boong lại giống hồng bì
Trong lòng những hạt có gì nữa đâu
Quý thay bậc nhất cô cau
Cúng người cúng Phật khấn cầu bình yên
Trước là hai chữ nhân duyên
Nghinh hôn sính lễ được nên vợ chồng
Trung thu mới thấy cô hồng
Cô cam, cô quýt ra lòng đua chơi
Lạ lùng anh mới tới nơi
Hỏi thăm cô nhãn là người ở đâu
Xuân xanh chừng mấy tuổi đầu
Mà xem ăn vận ra mầu gái tơ
Cô táo chính thực lẳng lơ
Ở cao có ý đợi chờ tình nhân …
Chú thích
-
- Kinh thương mãi mại
- Phát triển gầy dựng cơ nghiệp bằng nghề buôn bán (kinh: gầy dựng phát triển; thương: việc buôn bán; mãi: mua; mại: bán).
-
- Nông tang
- Làm ruộng (nông) và trồng dâu tằm (tang).
-
- Đàng điếm
- Cũng viết là điếm đàng, nghĩa đen là người lang thang ngoài đường (đàng) trong quán (điếm), hiểu rộng là những kẻ "hay phỉnh phờ, lường gạt, thường hiểu là đứa hay ngồi lều ngồi chợ hay toa rập làm điều gian lận" (Đại Nam quấc âm tự vị).
-
- Cùng
- Khắp, che phủ hết.
-
- Xì phé
- Tên một lối chơi bài tây 52 lá. Lá bài chia đầu tiên úp mặt xuống gọi là tẩy. Các tụ chơi lần lượt rút những lá còn lại. Tùy theo bài tốt xấu, người ta có thể tố bằng cách thách một số tiền. Người khác có thể theo bằng cách bỏ thêm tiền vào. Người nào thấy mình không còn đủ tiền theo hoặc bài quá xấu thì quay ngang, tức là chấp nhận thua. Cuối cùng chỉ còn hai tụ. Bài ai tốt hơn sẽ thắng.
Tùy theo vùng mà trò bài này còn có các tên như xì tẩy, xì tố, hoặc bài tố.
-
- Bài cào
- Một kiểu đánh bài bằng bài Tây (bài tú-lơ-khơ). Luật chơi rất đơn giản: mỗi người chơi được chia ba lá bài, cộng điểm lại rồi lấy chữ số cuối cùng, ai điểm cao nhất thì thắng.
-
- Bất phú bất bần
- Không giàu không nghèo.
-
- Đoản
- Ngắn
-
- Rú rừng
- Rừng núi (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
-
- Biện
- Lo liệu, chuẩn bị.
-
- Cỗ
- Những món ăn bày thành mâm để cúng lễ ăn uống theo phong tục cổ truyền (đám cưới, đám giỗ...) hoặc để thết khách sang trọng.
-
- Rạng
- Sáng tỏ.
-
- Ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học bất tri lí
- Ngọc không mài giũa thì không thành món đồ (trang sức), người không học thì không hiểu lí lẽ. Đây là một câu trong Lễ Ký, một trong Ngũ Kinh.
-
- Thiên địa chí công
- Trời đất rất công bằng.
-
- Huỳnh Công Miêng
- Con trai của lãnh binh Huỳnh Công Tấn, một tay sai đắc lực của thực dân Pháp vào cuối thế kỉ 19. Trái ngược với cha, ông là người có máu giang hồ mã thượng, thích ngao du và làm việc nghĩa, tính tình hào phóng, hay bênh vực kẻ yếu, vì vậy được nhân dân yêu mến và gọi là "cậu." Nhờ oai danh cha, cậu hai Miêng được mệnh danh là "miễn tử lưu linh," có nghĩa là được miễn sưu thuế, đi đâu mặc tình, không ai được phép "hỏi giấy"... và cũng lợi dụng những đặc ân đó để làm những chuyện nghĩa hiệp.
-
- Lãnh binh Tấn
- Tên thật là Huỳnh Tấn hay Huỳnh Văn Tấn, cũng gọi là Huỳnh Công Tấn, một cộng sự đắc lực của thực dân Pháp trong việc đàn áp các cuộc khởi nghĩa của nông dân vào những năm gần cuối thế kỷ 19 tại các tỉnh Nam Kỳ. Tấn là người đã dẫn quân Pháp tấn công, vây bắt Trương Định năm 1864, Võ Duy Dương (1866) và Nguyễn Trung Trực (1968). Nhờ những "công lao" này, ông được Pháp ban cho huy chương “Bắc đẩu Bội tinh” và chức Lãnh binh, đồng thời xây dựng "đài ghi công" tại Gò Công (sau đã bị đập nát).
-
- Gò Công
- Nay là tên một thị xã thuộc tỉnh Tiền Giang, giáp với thành phố Mỹ Tho. Tỉnh Gò Công ngày xưa bao gồm thị xã Gò Công, huyện Gò Công Đông và huyện Gò Công Tây ngày nay. Gò Công Đông và Gò Công Tây là vùng duyên hải, có hai cửa biển của sông Tiền: cửa Đại và cửa Tiểu. Tên gọi Gò Công xuất phát từ việc vùng đất này trước đây có nhiều chim công (khổng tước), vì vậy tên Hán Việt của Gò Công là Khổng Tước Nguyên. Gò Công gắn liền với tên tuổi người anh hùng Trương Định.
-
- Nam Kỳ lục tỉnh
- Tên gọi miền Nam Việt Nam thời nhà Nguyễn, trong khoảng thời gian từ năm 1832 tới năm 1862 (khi Pháp chiếm 3 tỉnh Miền Đông) và năm 1867 (khi Pháp chiếm nốt 3 tỉnh Miền Tây), bao gồm sáu (lục) tỉnh:
1. Phiên An, sau đổi thành Gia Định (tỉnh lỵ là tỉnh thành Sài Gòn),
2. Biên Hòa (tỉnh lỵ là tỉnh thành Biên Hòa),
3. Định Tường (tỉnh lỵ là tỉnh thành Mỹ Tho) ở miền Đông;
4. Vĩnh Long (tỉnh lỵ là tỉnh thành Vĩnh Long),
5. An Giang (tỉnh lỵ là tỉnh thành Châu Đốc),
6. Hà Tiên (tỉnh lỵ là tỉnh thành Hà Tiên) ở miền Tây.
-
- Tương phùng
- Gặp nhau (từ Hán Việt).
-
- Nỉ
- Hàng dệt bằng sợi len chải xơ, che lấp sợi dọc và sợi ngang.
-
- Lập tâm thành chí
- Quyết tâm để đạt được chí hướng, ước nguyện.
-
- Canh
- Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
-
- Thầy
- Cha, bố (phương ngữ một số địa phương Bắc và Bắc Trung Bộ).
-
- Tức ngày mùng năm tháng Giêng năm Kỷ Dậu, bắt đầu trận Ngọc Hồi. Theo Lê quý kỷ sự và Việt sử Thông giám cương mục, mờ sáng mùng 5, 100 voi chiến Tây Sơn tiến lên. Ngựa quân Thanh sợ voi, lui lại, giẫm lên nhau lùi về đồn. Quân Thanh cố thủ trong đồn bắn ra. Quang Trung chia tượng binh làm hai cánh, một cánh vòng qua sau đồn Ngọc Hồi, đóng phía đông đê Yên Duyên để chặn đường địch rút; cánh kia dùng mộc tẩm rơm ướt tiến lên hãm đồn. Đại bác quân Thanh bị vô hiệu lực. Quân Tây Sơn tiến vào đồn hỗn chiến. Đại Nam chính biên liệt truyện mô tả, quân Thanh không chống nổi chạy tản ra tứ phía, lại giẫm phải địa lôi chính mình đặt từ trước nên chết rất nhiều. Đồn Ngọc Hồi bị quân Tây Sơn thiêu cháy.
-
- Chính nguyệt
- Tháng giêng âm lịch.
-
- Huyên hoa
- Huyên náo, ồn ào (từ cổ).
-
- Đống Đa
- Địa danh nay là một quận nằm ở trung tâm thủ đô Hà Nội. Tại đây năm 1789 quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy của vua Quang Trung đã đánh tan hai vạn quân Thanh xâm lược. Tương truyền sau chiến thắng, vua Quang Trung cho thu nhặt xác giặc xếp vào 12 cái hố rộng, lấp đất chôn và đắp thành gò cao, trên gò cây cối mọc um tùm nên có tên là gò Đống Đa.
-
- Cầu Duệ
- Chưa rõ ở đâu. Có ý kiến cho rằng đây là một cái cầu bắc qua sông Nhuệ, chảy qua Thăng Long.
-
- Tốt xa
- Quân lính (tốt) và xe (xa).
-
- Cầu nhương
- Tranh cướp nhau để lên cầu.
-
- Sông Bồ Đề
- Một đoạn sông Hồng thuộc thành Thăng Long ngày trước. Đây chính là nơi 20 vạn quân Thanh của Tôn Sĩ Nghị đóng quân khi sang xâm lược nước ta vào năm 1788, trước khi bị vua Quang Trung dẫn nghĩa quân Tây Sơn tiến ra Bắc đánh cho tan tành.
-
- Năn năn
- Xót thương, oán hận (từ cổ).
-
- Suối vàng
- Cõi chết. Từ này bắt nguồn từ chữ hoàng tuyền, cũng đọc là huỳnh tuyền. Hoàng tuyền vốn có nghĩa là suối ngầm, mạch nước ngầm ở dưới đất, vì đất màu vàng nên có tên như vậy.
Gọi là gặp gỡ giữa đường
Họa là người dưới suối vàng biết cho
(Truyện Kiều)
-
- Âm phủ
- Cũng gọi là âm ty, âm cung, một khái niệm trong tín ngưỡng dân gian của nhiều dân tộc. Theo đó, linh hồn của người chết sẽ được đưa đến âm phủ, được luận xét công tội khi còn là người trần, sau đó tuỳ mức độ công tội mà được đưa đi đầu thai (thành người hoặc vật) hoặc phải chịu các hình phạt khủng khiếp. Trong văn hoá Trung Hoa và Việt Nam, âm phủ cũng có hệ thống như trần gian: đứng đầu âm phủ là Diêm Vương (cũng gọi là Diêm La Vương, nên âm phủ còn có tên là Điện Diêm La), dưới là các phán quan, cuối cùng là các quỷ dạ xoa.
-
- Đại minh
- Giác ngộ, hiểu rõ.
-
- Thuở tạo thiên
- Lúc mới lập ra trời đất.
-
- Đọi
- Cái chén, cái bát (phương ngữ một số vùng ở Bắc Trung Bộ).
-
- Thời
- Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
-
- Thư sự
- Chuyện sách vở, học hành (chữ Hán).
-
- Rày
- Nay, bây giờ (phương ngữ).
-
- Nậu
- Nghĩa gốc là một nhóm nhỏ cùng làm một nghề (nên có từ "đầu nậu" nghĩa là người đứng đầu). Ví dụ: “Nậu nguồn” chỉ nhóm người khai thác rừng, “Nậu nại” chỉ nhóm người làm muối, “Nậu rổi” chỉ nhóm người bán cá, “Nậu rớ” chỉ nhóm người đánh cá bằng rớ vùng nước lợ, “Nậu cấy” chỉ nhóm người đi cấy mướn, “Nậu vựa” chỉ nhóm người làm mắm... Từ chữ “Nậu” ban đầu, phương ngữ Phú Yên-Bình Định tỉnh lược đại từ danh xưng ngôi thứ ba (cả số ít và số nhiều) bằng cách thay từ gốc thanh hỏi. Ví dụ: Ông ấy, bà ấy được thay bằng: “ổng,” “bả.” Anh ấy, chị ấy được thay bằng: “ảnh,” “chỉ.” Và thế là “Nậu” được thay bằng “Nẩu” hoặc "Nẫu" do đặc điểm không phân biệt dấu hỏi/ngã khi phát âm của người miền Trung. Người dân ở những vùng này cũng gọi quê mình là "Xứ Nẫu."
-
- Phú Lễ
- Tên một thôn nay thuộc xã Hòa Thành, huyện Đông Hoà, tỉnh Phú Yên.
-
- Mũi Đại Lãnh
- Còn có tên gọi khác là Mũi Nạy, Mũi Ba, Mũi Điện, Cap Varella (đặt theo tên một tướng giặc Pháp tự cho có công phát hiện nơi này), thuộc địa phận thôn Phước Tân, xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Đây là một nhánh của dãy Trường Sơn đâm ra biển. Trên mũi có ngọn hải đăng lớn chỉ đường cho tàu thuyền trong khu vực. Đây được xem là điểm cực Đông, nơi đón ánh nắng đầu tiên của nước ta.
-
- Mực nang
- Một loại mực có thịt dày, trắng ngần như cơm dừa, vị giòn, ngọt, thơm. Mực nang thường được chế biến thành món mực hấp, xào, nướng... đều rất ngon.
-
- Cơ hàn
- Đói (cơ 飢) và lạnh (hàn 寒). Chỉ chung sự nghèo khổ cơ cực.
Bạn ngồi bạn uống rượu khan
Tôi ngồi uống nỗi cơ hàn bạn tôi!
(Gặp bạn ở chợ Bến Thành - Hoàng Đình Quang)
-
- Qua
- Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
-
- Chu choa
- Cũng viết là chu cha, thán từ người miền Trung thường dùng để bộc lộ sự ngạc nhiên, sợ hãi, vui vẻ...
-
- Sông Đồng Nai
- Con sông dài nhất chảy trên lãnh thổ nước ta, chảy qua các tỉnh Lâm Đồng, Đăk Nông, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh. Trước đây sông có tên là Phước Long, đặt tên theo phủ Phước Long (Biên Hòa - Thủ Dầu Một) hiện nay. Sông chảy qua thành phố Biên Hòa và đến Nhà Bè thì có thêm chi lưu là sông Sài Gòn.
-
- Thất Sơn
- Còn có tên là Bảy Núi, chỉ hệ thống 37 ngọn núi mọc giữa đồng bằng Tây Nam Bộ, nằm trong địa phận hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn, tỉnh An Giang. Bảy ngọn núi tiêu biểu được dùng để gọi tên cả dãy Thất Sơn bao gồm: Núi Cấm, Núi Dài Năm Giếng, Núi Cô Tô, Núi Phụng Hoàng, Núi Dài, Núi Tượng, Núi Két, Núi Nước. Hiện nay chưa rõ vì sao tên Bảy Núi lại được dùng.
-
- Đà
- Đã (từ cổ, phương ngữ).
-
- Phát tài
- (Làm ăn, buôn bán) thuận lợi, gặp nhiều may mắn, kiếm được nhiều tiền.
-
- Sinh tử sinh tôn
- Sinh con sinh cháu (từ Hán Việt tử: con, tôn: cháu).
-
- Công môn
- Cửa công (từ Hán Việt). Thường chỉ cửa quan.
-
- Tư túi
- Lấy của chung làm của riêng một cách lén lút.
-
- Thúc sinh
- Một nhân vật trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Thúc sinh có nghĩa là thư sinh họ Thúc. Thúc sinh là một thương nhân, đã có vợ là Hoạn Thư, song lại đem lòng yêu Thúy Kiều. Thúc sinh chuộc Kiều khỏi chốn lầu xanh và giấu vợ cưới Kiều làm lẽ. Hoạn Thư biết được, bắt cóc Kiều về hành hạ, Thúc sinh nhu nhược không dám làm gì, Thúy Kiều phải đến nương nhờ cửa Phật.
Khách du bỗng có một người
Kỳ tâm họ Thúc, cũng nòi thư hương
Vốn người huyện Tích Châu Thường
Theo nghiêm đường mở ngôi hàng Lâm Tri
-
- Hoạn Thư
- Một nhân vật nữ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Là vợ của Thúc Sinh, Hoạn Thư là người thông minh, sắc sảo và thể hiện sự ghen tuông ghê gớm khi biết chồng lén cưới vợ lẽ là Thúy Kiều. Ngày nay những người phụ nữ hay ghen thường được gọi là Hoạn Thư hoặc "có máu Hoạn Thư."
Vốn dòng họ Hoạn danh gia
Con quan Lại bộ tên là Hoạn Thư
Duyên đằng thuận nẻo gió đưa
Cùng chàng kết tóc xe tơ những ngày
Ở ăn thì nết cũng hay
Nói điều ràng buộc thì tay cũng già
-
- Quảng Nam
- Tên một tỉnh ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, trước đây bao gồm cả thành phố Đà Nẵng, gọi chung là tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Quảng Nam có nghĩa là "mở rộng về phương Nam." Tỉnh Quảng Nam giàu truyền thống, độc đáo về bản sắc văn hóa với những danh tích như thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An...
-
- Hải Phòng
- Một địa danh nay là thành phố Hải Phòng, thành phố cảng lớn nhất thuộc miền Bắc nước ta. Theo thư tịch cũ, toàn địa bàn xứ Đông (Hải Dương) xưa - bao gồm cả Hải Phòng ngày nay - thời Hùng Vương thuộc bộ Dương Tuyền, là một trong 15 bộ của nhà nước Văn Lang. Đến cuối thế kỉ 19, Hải Phòng đã thành một trong các thành phố lớn nhất nước. Về văn hóa, tại đây có nhiều đền chùa thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo, Lê Hoàn và Ngô Quyền, đồng thời là quê hương của các nhạc sĩ lớn như Văn Cao, Hoàng Quý, Đoàn Chuẩn, Ngô Thụy Miên... Hải Phòng cũng là một trung tâm du lịch nổi tiếng của Việt Nam với bãi biển Đồ Sơn và quần đảo Cát Bà. Vì có nhiều hoa phượng nên Hải Phòng còn được gọi là thành phố hoa phượng đỏ.
-
- Sông Hồng
- Còn gọi là sông Cái, con sông lớn nhất chảy qua các tỉnh miền Bắc với nhiều phụ lưu cũng là các con sông lớn như sông Đà, sông Lô... Vùng hạ lưu sông gọi là đồng bằng sông Hồng, rất rộng lớn và màu mỡ, là vựa lúa lớn thứ hai của cả nước (sau đồng bằng sông Cửu Long). Đoạn chảy qua Thăng Long trước đây gọi là Nhị Hà.
Sông Hồng là con sông gắn liền với đời sống văn hoá, tình cảm của người dân Bắc Bộ.
-
- Hạ giới
- Nhân gian, theo quan niệm dân gian Trung Hoa và các nước đồng văn, là nơi người bình thường sinh hoạt, trái với thượng giới là nơi thần tiên ở.
-
- Bơ thờ
- Thẫn thờ và ngơ ngẩn vì không ổn định trong lòng.
-
- Lắng
- Để yên cho cấn, bã chìm xuống đáy. Cũng gọi là lóng.
-
- Thầy pháp
- Thầy phù thủy, theo tín ngưỡng dân gian được cho là có pháp thuật, trừ được tà ma quỷ quái.
-
- Hạ bạc
- Nghề bắt cá. Trong xã hội cũ, đây là một nghề bị coi thường, khinh rẻ.
-
- Ngỡi
- Tiếng địa phương Nam Bộ của "ngãi" (nghĩa, tình nghĩa).
-
- Thậm
- Rất, lắm.
-
- Tể tướng
- Chức quan cao nhất dưới thời phong kiến, có nhiệm vụ thay mặt vua để giải quyết chuyện chính sự của một đất nước. Tùy theo thời đại, vị trí này có thể có tên là thừa tướng hoặc tướng quốc. Nước ta có các tể tướng nổi danh như Nguyễn Quán Nho, Lý Đạo Thành, Tô Hiến Thành, Trần Thủ Độ...
-
- Cấm cung
- Cấm không được phép ra khỏi nhà, không được phép tự do tiếp xúc với người ngoài (thường nói về con gái nhà quyền quý thời phong kiến).
-
- Chường
- Chàng (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
-
- Gá nghĩa
- Kết nghĩa (gá nghĩa vợ chồng, gá nghĩa anh em), tiếng miền Nam còn đọc trại thành gá ngãi.
-
- Nghĩa giao hòa
- Nghĩa vợ chồng (dùng trong ca dao dân ca).
-
- Âm hao
- Tin tức. Như âm háo 音耗 tăm hơi. Ta quen đọc là âm hao (từ điển Thiều Chửu).
Cố hương đệ muội âm hao tuyệt,
Bất kiến bình an nhất chỉ thư.
Dịch thơ:
Xa cách các em tin tức bặt
Bình yên mấy chữ thấy đâu mà.
(Sơn cư mạn hứng - Nguyễn Du, người dịch: Nguyễn Thạch Giang)
-
- Tường
- Rõ ràng, hiểu rõ, nói đủ mọi sự không thiếu tí gì. Như tường thuật 詳述 kể rõ sự việc, tường tận 詳盡 rõ hết sự việc (Thiều Chửu).
-
- Tơ hồng
- Xem chú thích Nguyệt Lão.
-
- Bình Dương
- Một tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, có tỉnh lị là thành phố Thủ Dầu Một, cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 30 cây số. Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai lập thành tam giác kinh tế mũi nhọn của miền Nam.
-
- Đàng
- Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Thúc bá
- Chú bác (từ Hán Việt).
-
- Tang bồng
- Cung bằng gỗ dâu (tang) và tên bằng cỏ bồng. Theo Kinh Lễ, khi nhà vua sinh con trai, quan coi việc bắn sẽ lấy cung bằng gỗ dâu và tên bằng cỏ bồng, bắn bốn phát ra bốn hướng, một phát lên trời, một phát xuống đất, ngụ ý rằng người làm trai chí ở bốn phương, tung hoành trời đất, giúp nước giúp đời. Chí làm trai vì thế gọi là chí tang bồng.
-
- Văn thân
- Người có học thức ngày xưa, chọn khoa bảng làm đường tiến thân.
-
- Thượng Bắc
- Người Thanh Hóa, làm tay sai đắc lực cho Pháp.
-
- Bởi chưng
- Bởi vì (từ cổ).
-
- Án thư
- Bàn thời xưa dùng để sách vở bút nghiên trên đó.
-
- Ngũ Kinh
- Năm bộ sách kinh điển trong văn học Trung Hoa dùng làm nền tảng trong Nho giáo, được cho là do Khổng Tử san định, soạn thảo hay hiệu đính. Ngũ Kinh gồm có:
1. Kinh Thi: sưu tập các bài thơ dân gian có từ trước Khổng Tử, nói nhiều về tình yêu nam nữ.
2. Kinh Thư: ghi lại các truyền thuyết, biến cố về các đời vua cổ có trước Khổng Tử.
3. Kinh Lễ: ghi chép các lễ nghi thời trước.
4. Kinh Dịch: nói về các tư tưởng triết học của người Trung Hoa cổ đại dựa trên các khái niệm âm dương, bát quái...
5. Kinh Xuân Thu: ghi lại các biến cố xảy ra ở nước Lỗ, quê hương của Khổng Tử. Xuân thu có nghĩa là mùa xuân và mùa thu, ý nói những sự việc đã xảy ra.
-
- Tày
- Bằng (từ cổ).
-
- Giần
- Đồ đan bằng tre, hình tròn và dẹt, mặt có lỗ nhỏ, dùng làm cho gạo đã giã được sạch cám (tương tự như cái sàng). Hành động dùng giần để làm sạch gạo cũng gọi là giần.
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
Đất Nước có từ ngày đó
(Mặt đường khát vọng - Nguyễn Khoa Điềm)
-
- Nhót
- Một loại cây rất quen thuộc ở các vùng quê miền Bắc, thường được trồng lấy quả. Quả nhót hình trứng, khi chín có màu đỏ, có vị chua hoặc ngọt, dùng để nấu canh. Rễ, thân, lá còn được dùng làm thuốc.
-
- Cù nèo
- Gậy dài thường làm bằng tre, có móc hoặc mấu ở đầu để hái trái cây. Có vùng gọi là cây cù quèo.
-
- Bồ cào
- Đồ vật nhà nông có cán dài (thường bằng tre), một đầu có nhiều răng thưa, dùng để làm tơi đất, dọn cỏ, hoặc cào phơi nông sản. Động tác sử dụng bồ cào gọi là cào.
-
- Hắc lào
- Một loại bệnh ngoài da do nấm. Dấu hiệu nổi bật nhất của bệnh là ngứa, nổi mẩn đỏ, có mụn nước, vùng có nấm thường tròn như đồng tiền; vùng da bị tổn thương ngứa ngáy rất khó chịu.
-
- Sung
- Một loại cây gặp nhiều trên các vùng quê Việt Nam. Thân cây sần sùi, quả mọc thành chùm. Quả sung ăn được, có thể muối để ăn như muối dưa, cà, ngoài ra còn dùng trong một số bài thuốc dân gian.
-
- Trôn
- Mông, đít, đáy (thô tục).
-
- Niêu
- Nồi nhỏ bằng đất nung hoặc đồng, có nắp đậy, dùng để nấu nướng hoặc sắc thuốc. Niêu sắc thuốc thì có thêm cái vòi để rót thuốc.
-
- Ru
- Sao? (trợ từ nghi vấn cổ).
-
- Chuột chù
- Một giống chuột ăn thịt, thức ăn chủ yếu là côn trùng, chim non, ếch, chuột nhắt... Chuột chù có mùi rất hôi.
-
- Nhấm
- Gặm (thường dùng cho các loại sâu bọ, chuột, gián...)
-
- Nhãn lồng
- Một loại nhãn đặc sản của Hưng Yên, ngon nổi tiếng, thuở xưa thường để tiến vua.
-
- Ngân Hà
- Tên gọi của thiên hà bao gồm Trái Đất của chúng ta. Trên bầu trời đêm, Ngân Hà trông như một dải sáng trắng vắt ngang bầu trời, nên được hình tượng hóa thành một dòng sông trên thượng giới. Trong thần thoại Trung Quốc, Ngưu Lang và Chức Nữ bị sông Ngân Hà chia cách, nên sông Ngân còn tượng trưng cho sự ngăn cách lứa đôi.
-
- Nhân tâm
- Lòng người (từ Hán Việt).
-
- Tri âm
- Bá Nha đời Xuân Thu chơi đàn rất giỏi, thường phàn nàn thiên hạ không ai thưởng thức được tiếng đàn của mình. Một lần Bá Nha đem đàn ra khảy, nửa chừng đàn đứt dây. Đoán có người rình nghe trộm, Bá Nha sai lục soát, bắt được người đốn củi là Tử Kỳ. Tử Kỳ thanh minh rằng nghe tiếng đàn quá hay nên dừng chân thưởng thức. Khi Bá Nha ngồi gảy đàn, tâm trí nghĩ tới cảnh non cao, Tử Kỳ nói: Nga nga hồ, chí tại cao sơn (Tiếng đàn cao vút, ấy hồn người ở tại núi cao). Bá Nha chuyển ý, nghĩ đến cảnh nước chảy, Tử Kỳ lại nói: Dương dương hồ, chí tại lưu thủy (Tiếng đàn khoan nhặt, ấy hồn người tại nơi nước chảy). Bá Nha bèn kết bạn với Tử Kỳ. Sau khi Tử Kỳ chết, Bá Nha đập vỡ đàn mà rằng "Trong thiên hạ không ai còn được nghe tiếng đàn của ta nữa." Do tích này, hai chữ tri âm (tri: biết, âm: tiếng) được dùng để nói về những người hiểu lòng nhau.
-
- Bạn
- Người bạn gái, thường được dùng để chỉ người mình yêu (phương ngữ Nam Bộ).
-
- Mơ
- Một loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, có hoa trắng hoặc đỏ, nở vào mùa xuân. Quả mơ vị chua chát, dùng để làm nước ép, ướp đường, làm ô mai, làm rượu, mứt, hoặc chế biến thành các món canh.
Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, mơ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.
-
- Mận
- Loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, hoa trắng, nở vào mùa xuân. Quả mận vị chua ngọt, có loại vỏ màu tím, xanh nhạt, vàng, hay đỏ. Các bộ phận của cây mận như quả, rễ, nhựa, lá, nhân hạt... đều có tác dụng chữa bệnh.
Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, mơ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.
-
- Đào
- Loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, cũng được trồng để lấy quả hay hoa. Hoa đào nở vào mùa xuân, là biểu tượng của mùa xuân và ngày Tết ở miền Bắc. Quả đào vị ngọt hoặc chua, mùi thơm, vỏ quả phủ một lớp lông mịn. Đào xuất hiện rất nhiều trong văn học cổ Trung Quốc và các nước đồng văn. Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, mơ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.
-
- Mít
- Loại cây ăn quả thân gỗ nhỡ, lá thường xanh, cao từ 8-15m. Cây ra quả vào mùa xuân, quả chín vào mùa hè. Vỏ quả có gai xù xì, ruột chứa nhiều múi, vị ngọt, có loại mít dai và mít mật. Mít là loại cây quen thuộc ở làng quê nước ta, gỗ mít dùng để làm nhà, đóng đồ đạc, thịt quả để ăn tươi, sấy khô, làm các món ăn như xôi mít, gỏi mít, hạt mít ăn được, có thể luộc, rang hay hấp, xơ mít dùng làm dưa muối (gọi là nhút), quả non dùng để nấu canh, kho cá...
-
- Dứa
- Còn gọi là thơm hoặc gai, loại cây ăn quả có thân ngắn, lá dài, cứng, có gai ở mép và mọc thành cụm ở ngọn thân, quả có nhiều mắt, phía trên có một cụm lá.
-
- Hồng bì
- Cũng gọi là quất bì, quất hồng bì hoặc hoàng bì, một loại cây được trồng nhiều ở miền Bắc. Quả hồng bì khi chín có vị chua, mùi thơm, có thể để ăn tươi, làm mứt, cất rượu hoặc làm thuốc.
-
- Cau
- Loại cây nhiều đốt, thân nhỏ và cao vút, có quả dùng để ăn với trầu.
-
- Nghinh hôn
- Cũng nói là nghênh hôn, nghĩa là đón dâu. Đây là một lễ trong phong tục cưới hỏi của người Việt.
-
- Sính lễ
- Lễ vật của nhà trai đem đến nhà gái để xin cưới.
-
- Hồng
- Loại cây cho trái, khi chín có màu vàng cam hoặc đỏ. Tùy theo giống hồng mà quả có thể giòn hoặc mềm, ngọt hoặc còn vị chát khi chín.