Ca dao Mẹ

  • Chỉ vì một chữ ăn

    Ăn lông ở lỗ, từ thuở tạo thiên
    Hôm sớm cửa thiền, ăn chay niệm Phật
    Cả đời chật vật, làm không đủ ăn
    Tánh hay hiểu lầm, làm sao ăn ở
    Biết ăn theo thuở, biết ở theo thời
    Tài sức thua người, thì bị ăn hiếp
    Đờn ca ăn nhịp, mới thật tài năng
    Người không chịu làm, hay đi ăn ké
    Cần phải tránh né, cái bọn ăn dơ
    Vừa vét vừa quơ, muốn ăn trọn gói
    Hễ ăn một đọi, thì nói một lời
    Ăn phải coi nồi, ngồi thời coi hướng
    Ăn càn nói bướng, là đứa du côn
    Mắc mưu thằng khôn, đồ ăn cám sú
    Thợ rèn không có, con dao ăn trầu
    Càng thấm về lâu, ăn cơm với mắm
    Ăn bát cơm hẩm, chạy ba quãng đồng
    Nhiều món coi thường, lại ăn nên thuốc
    Ăn mặn khát nước, quả báo nhãn tiền
    Phải biết ăn kiêng, bảo toàn xuân sắc
    Voi ăn bọ mắt, biết chừng nào no
    Ăn cơm thịt bò, thì lo ngay ngáy
    Ăn cơm với cáy, thì ngáy o o
    Kết tóc xe tơ, ăn đời ở kiếp
    Người không lịch thiệp, ăn nói vụng về
    Giàu có phủ phê, còn ăn bòn mót
    Gặp chuyện ấm ức, bỏ ngủ quên ăn
    Cái bọn vong ân, ăn cháo đá bát
    Ăn cho mập xác, chẳng ai được nhờ
    Ăn mà không lo, của kho cũng hết
    Người khôn thì biết, ở kiệm ăn cần
    Chợ búa ở gần, ăn hàng luôn miệng
    Không sợ mang tiếng, ăn đút tỉnh bơ
    Tiền không cạn túi, ăn nên làm ra
    Kẻ ăn cơm nhà, ta bà khắp xóm
    Tánh người xí xọn, ăn tục nói leo
    Người không biết điều, ăn xong quẹt mỏ
    Bới đất nhổ cỏ, ăn nhịn để dành
    Con nít lang thang, lượm đồ ăn mót
    Ăn mày đổ ruột, nhà giàu đứt tay
    Được ăn gia tài, như diều gặp gió
    Lương tâm sáng tỏ, ăn gian làm gì?
    Ăn xổi ở thì, cả đời nghèo khổ
    Đi xin đi xỏ, là kiếp ăn mày
    Ăn cắp quen tay, ngủ ngày quen mắt
    Ăn bám người khác, thiên hạ chê cười
    Mặt mũi vui tươi, thì dễ ăn ảnh
    Nửa đêm lanh lảnh, tiếng vạc ăn sương
    Khoét vách đào tường, thiệt quân ăn trộm
    Tay chưn nghịch ngợm, có bữa ăn đòn
    Một mất một còn, quyết ăn thua đủ
    Ngày ngày lam lũ, tới tháng ăn lương
    Thời thế nhiễu nhương, quan ăn hối lộ
    Gặp thời vận đỏ, rủ nhau ăn mừng
    Hết kế vô phương, ăn nhờ ở đậu
    Người hám danh lợi, chịu đấm ăn xôi
    Mấy đứa chơi bời, ăn ngang nói ngược
    Cò ke lục chốt, theo đóm ăn tàn
    Sửa soạn đàng hoàng, chờ ngày ăn hỏi
    Bảo ban chỉ vẽ, kẻ ăn người làm
    Có tính lưu manh, thường hay ăn quịt
    Chi nhiều thu ít, ăn đấu trả bồ
    Cái miệng bô bô, ăn càn nói bậy
    Khéo lo khéo chạy, thì khỏi ăn đong
    Lúa thóc đầy đồng, không còn ăn độn
    Người không thể thống, ăn tục nói thô
    Ăn nói hồ đồ, thường hay đôi chối
    Rào đường bít lối, hết chỗ ăn thông
    Nói chuyện lòng vòng, kể như ăn trét
    Mặc tình la hét, cũng chằng ăn thua
    Lỡ ăn xôi chùa, nên đành ngậm miệng
    Bao nhiêu vốn liếng, ăn lần ăn mòn
    Được bữa tinh tươm, tha hồ ăn vã
    Ăn trầu nhả bã, ăn tép bỏ đầu
    Người hay càu nhàu, ăn thoi cũng đáng
    Nhiều tay phá đám, cá chẳng ăn câu
    Vừa cấu vừa cào, muốn ăn trọn gói
    Hàng đem ký gởi, được ăn huê hồng
    Cả lũ a tòng, ăn tươi nuốt sống
    Ăn lời tùy chốn, bán vốn tuỳ nơi
    Giỏi lọc lừa đời, ăn gian qua mặt
    Gặp hồi cơ cực, ăn gởi nằm nhờ
    Giàu có bất ngờ, nhờ ăn đút lót
    Ngày rằm mùng một, sám hối ăn năn
    Bị vợ cằn nhằn, chồng bớt ăn nhậu
    Người mà sống ẩu, chỉ biết ăn chơi
    Ăn không ngồi rồi, nhà tan cửa nát
    Đứa nào chơi gác, ăn thẹo để đời
    Đừng ăn một nơi, nói thời khác nẻo
    Ăn bát cơm dẻo, nhớ nẻo đường làng
    Học hành giỏi giang, nói như ăn gỏi
    Cầm tinh thầy bói, ăn ốc nói mò
    Người mất tự do, ăn chung ở chạ
    Chồng thời ăn chả, vợ lại ăn nem
    Hò hát lem nhem, thì không ăn khách
    Ăn bám người khác, thiên hạ chê cười
    Giữ đạo làm người, ăn ngay nói thật
    Nói năng hoạt bát, kể như ăn tiền
    Sống mà quá hiền, thường bị ăn chận
    Than thân trách phận, cũng chẳng ăn nhằm
    Ăn tiêu kiệm cần, lo xa biết nghĩ
    Anh hùng hồ hải, uống máu ăn thề
    Lắp ráp vụng về, thì không ăn khớp
    Cái quân ăn cướp, đoạt của giết người
    Một cắc không lời, ăn khoai cả vỏ
    Không biết mắc cỡ, thì khoái ăn chui
    Út mà con trai, thì ăn hương hỏa
    Ăn no ngủ kĩ, người sống vô tư
    Kẻ ăn báo cô, không biết xấu hổ
    Ăn mày quen ngõ, mấy thuở đi lầm
    Ăn no lại nằm, dài lưng tốn vải
    Làm trai thời đại, ăn vóc học hay
    Nhớ kẻ trồng cây, khi mình ăn trái
    Đua đòi bay nhảy, tìm cách ăn lời
    Hứa hẹn tù tì, cho ăn bánh vẽ
    Chồn đèn mắc bẫy, vì bởi ăn quen
    Thua cú phạt đền, hết mong ăn cược
    Giở trò chấm mút, ăn bớt của dân
    Vấy máu ăn phần, là quân xỏ lá
    Hễ kiến ăn cá, thì cá ăn kiến
    Muốn cho thuận tiện, có mì ăn liền
    Nhờ làm ra tiền, ăn sung mặc sướng
    Gia đình lộn xộn, tính chuyện ăn riêng
    Cà tỏi cà riềng, ăn bóng nói gió
    Tay chưn nhám nhúa, ăn xén bạn bè
    Ngựa phải ăn xe, nước cờ gặp thế
    Lo giùm chút xíu, cũng ăn tiền đầu
    Thấy pháo nhảy vào, là lân ăn bạc
    Làm thơ lục bát, thì phải ăn vần
    Bị hà ăn chân, vì dầm dưới ruộng
    Người không tự trọng, ăn cơm hớt hoài
    Mồm miệng có quai, ăn thật làm giả
    Người hay ăn vạ, nào có ra chi
    Kẻ chạy người đi, coi không ăn rập
    Chuyện không ăn nhập, xin đừng xía vô
    Tuổi ăn chưa no, nên lo chưa tới
    Con nít một tuổi, thì ăn thôi nôi
    Chuyện đã lỡ rồi, vì ăn công kí
    Hở ra một tí, ngồi đợi ăn chia
    Nói chuyện trật chìa, vì không ăn ý
    Say sưa bí tỉ, cho chó ăn chè
    Xót phận gà què, cối xay ăn quẩn
    Số kiếp lận đận, ăn chực nằm chờ
    Hết bán hết mua, vì ăn hết vốn
    Vừa ăn vừa ngốn, như tằm ăn lên
    Con gái muốn nên, thì đừng ăn vụng
    Mấy thằng ba trợn, ăn có ó không
    Nếu biết đồng lòng, ăn trùm thiên hạ

  • Bình luận

Cùng thể loại:

  • Vè lương tháng

    Ve vẻ vè ve
    Nghe vè lương tháng
    Hai trăm ngồi phán
    Trăm tám ngồi nghe
    Tranh đài tranh xe
    Là thằng trăm rưỡi
    Tất ta tất tưởi
    Là lũ trăm hai
    Vừa làm vừa sai
    Là quân chín chục
    Vợ chồng lục đục
    Là bọn sáu mươi
    Dở khóc dở cười
    Là bọn bốn chịch
    Chẳng ta chẳng địch
    Là lũ con phe
    Nói chẳng ai nghe
    Là ông Nhà nước

  • Vè đánh bạc

    Nghe vẻ nghè ve
    Nghe vè đánh bạc
    Đầu hôm xao xác
    Bạc tốt như tiên
    Đêm khuya không tiền
    Bạc như chim cú
    Cái đầu xù xụ
    Com mắt trõm lơ
    Hình đi phất phơ
    Như con chó đói
    Chân đi cà khói
    Dạo xóm dạo làng
    Quần rách lang thang
    Lấy tay mà túm.

  • Thứ bảy thời bao cấp

    Chồng:
    Cắt cơm
    Bơm xe
    Nghe thời tiết
    Liếc đồng hồ
    Thồ bao gạo
    Cạo bộ râu
    Xâu quai dép
    Tránh mặt sếp
    Tót lên yên
    Guồng như điên
    Về với vợ

    Vợ:
    Mau tắm rửa
    Sửa lông mày
    Thay quần áo
    Báo thêm cơm
    Bơm nước hoa
    Xoa thêm phấn
    Quấn lại tóc
    Bóc coóc-xê
    Kê chân giường
    Giương mắt đợi
    Kêu ối ối

  • Vè cá biển

    Hai bên cô bác
    Lẳng lặng mà nghe
    Nghe tôi kể cái vè
    Ngư lương, tử hổ
    Lý sâm, lý chuối
    Dưới rạch, dưới ngòi
    Cá nục, cá úc
    Cá thơm, cá thác
    Hơi nào mà kể hết
    Cá nơi làng này
    Thần linh chiêm bái
    Vậy mới cất chùa chiền
    Mới đúc Phật, đúc chuông
    Cô bác xóm giềng
    Lẳng lặng mà nghe
    Cá nuôi thiên hạ
    Là con cá cơm,
    Không ăn bằng mồm
    Là con cá ngát
    Không ăn mà ú
    Là con cá voi,
    Hai mắt thòi lòi
    Là cá trao tráo

  • Vè chăn vịt

    Thân tôi coi vịt cực khổ vô hồi
    Sáng ra ngồi trông trời mau xế như chúa trông hiền thần
    Hai cẳng lần lần như Địch Thanh thắng trận
    Quần áo chưa kịp bận như Tào Tháo bị vây
    Tay cầm cái cây như Tề Thiên cầm thiết bảng
    Vịt chạy qua bờ ngăn đón cản như Tiết Nhơn Quý rượt Cáp Tô Văn
    Quần bận còn xăn như Uất Trì tắm ngựa
    Vịt ăn ngồi dựa bóng tùng như Tần Thúc Bảo lúc bệnh đau
    Vịt chạy đuổi lao xao như La Thông tảo Bắc
    Tối về nhà đèn chưa tắt như đãi yến công nương
    Ngày ra tới đứng ngoài đường, chiều về như Phàn Lê Huê nhập trại.

  • Vè hoa

    Hoa nhài thoang thoảng bay xa
    Mùi thơm khác hẳn, thật là có hương
    Hoa cúc không sợ thu sương
    Để màu ẩn dật, mùi hương đậm đà
    Hoa sen mùa hạ nở ra
    Ở bùn mà lại không pha sắc bùn
    Hoa mai chót vót đỉnh non
    Trắng như bông tuyết hãy còn kém xa
    Mẫu đơn phú quý gọi là
    Hải đường sắc đẹp nhưng mà không hương
    Hoa quỳ nhất ý hướng dương
    Hoa liễu trong trắng, trông thường như bông
    Phù dung mọc ở bên sông
    Hoa đào gặp được gió đông mới cười

  • Mười lo

    Một lo con nít trắng răng
    Hai lo kẻ thấp không bằng người cao
    Ba lo thầy bói té nhào
    Bốn lo con đĩ không chào lái buôn
    Năm lo thợ đúc méo khuôn
    Sáu lo trên nguồn không có hươu mang
    Bảy lo bà chúa chửa hoang
    Tám lo trai làng không vợ chạy rông
    Chín lo trong ngục không gông
    Mười lo ngoài đồng không đất chôn ma

    Dị bản

    • Một lo em bé trắng răng,
      Hai lo người thấp không bằng người cao.
      Ba lo thầy bói té rào,
      Bốn lo con đĩ miệng chào khách buôn
      Năm lo thợ đúc có khuôn,
      Sáu lo kẻ ở trên nguồn gian nan.
      Bảy lo bà góa chửa hoang,
      Tám lo dân làng hết gạo đi xâu
      Chín lo biển rộng hơn cầu,
      Mười lo bà vãi trọc đầu khó coi.

  • Vè con gái hư

    Đầu hôm ngủ tới canh tư,
    Còn nằm mà ngủ, muỗi thì nó cắn dư cả vùa
    Canh năm thì dộng trống chùa,
    Còn nằm mà ngủ, chúng lùa một bên
    Ngủ thì quên tuổi, quên tên,
    Ngủ cho mặt trời mọc đã lên ba sào
    Sáng ra đái dựa hàng rào,
    Còn đương ngây ngủ té nhào trong gai
    Quét nhà long mốt long hai,
    Con mắt dáo dác thấy trai ngó chừng
    Bày ra cắt áo, cắt quần,
    Cắt không kích tấc, nhằm chừng cắt ngang
    Vải thời một tấc một quan,
    Cắt thời khoét lỗ khoét hang đâu còn
    Bày ra bánh cục bánh hòn,
    Nắn bằng chiếc đũa, hấp còn bột không

Có cùng từ khóa:

Chú thích

  1. Thuở tạo thiên
    Lúc mới lập ra trời đất.
  2. Đọi
    Cái chén, cái bát (phương ngữ một số vùng ở Bắc Trung Bộ).
  3. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  4. Cám sú
    Cám trộn với nhiều thứ như rau lang, chuối cây... băm nhỏ với cơm canh cặn, để cho heo ăn.
  5. Ăn cám sú
    Tiếng dùng để rủa người dốt nát, ngu đần.
  6. Hẩm
    Chỉ thức ăn (thường là cơm, gạo) đã biến chất, hỏng.
  7. Quả báo nhãn tiền
    Câu thành ngữ, ý nói: Việc xấu mà một người đã gây ra bị báo ứng ngay tức thì. Xem thêm.
  8. Xuân sắc
    Vẻ trẻ trung xinh đẹp (từ Hán Việt).
  9. Bọ mắt
    Một loại động vật nhỏ như con bọ chét, màu đen, hay bay lởn vởn trước mắt, thường đốt người và vật, gây ngứa ngáy như muỗi đốt.
  10. Mắm cáy
    Mắm làm từ con cáy, loại cua nhỏ, sống ở nước lợ, chân có lông. Mắm cáy được xem là mắm bình dân, thuộc hạng xoàng trong các loại mắm ở vùng biển, thường chỉ dùng để ăn với rau muống, dưa, cà.

    Con cáy

    Con cáy

  11. Kết tóc xe tơ
    Kết tóc: Thuở xưa, con trai và con gái đều để tóc dài bới lên đầu. Trong đêm tân hôn, tóc của dâu rể được các nữ tì buộc vào nhau. Xe tơ: Xem chú thích Nguyệt Lão.

    Kết tóc xe tơ có nghĩa là cưới nhau, thành vợ thành chồng.

  12. Ăn bòn ăn mót
    Bòn rút người khác, tham những cái nhỏ nhặt.
  13. Ăn đút
    Nhận của đút lót, ăn hối lộ.
  14. Ta bà
    Dông dài, linh tinh, vớ vẩn, tùy tiện. Còn có nghĩa đi loanh quanh, bạ đâu ghé đó (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  15. Có bản chép: đuổi gà hàng xóm.
  16. Xí xọn
    Chưng diện, phô trương lố lăng những thứ thuộc về hình thức như ăn mặc, trang sức...
  17. Ăn mót
    Ăn đồ thừa của người khác do lượm, mót được. Nghĩa rộng có hàm ý chê bai, chỉ việc hưởng lấy của thừa, của bỏ đi của người khác. Còn có nghĩa bắt chước một tật xấu nào đó.
  18. Xem thành ngữ Ăn xổi ở thì.
  19. Vạc
    Một loại chim có chân cao, cùng họ với diệc, , thường đi ăn đêm, tiếng kêu rất to.

    Vạc

    Vạc

  20. Chưn
    Chân (cách phát âm của Trung và Nam Bộ).
  21. Cò ke lục chốt
    Hay lòng tong cá chốt, lòng tong lột chốt: Cá chốt, cá lòng tong thường bu lại rỉa mồi câu dành cho con cá khác. Nghĩa bóng chỉ hạng vô tích sự, chầu rìa, đeo bám ăn hại.
  22. Xem câu thành ngữ Theo đóm ăn tàn.
  23. Xem câu thành ngữ Ăn đấu trả bồ.
  24. Ăn đong
    Ăn bằng gạo mua từng bữa vì túng thiếu.
  25. Ăn độn
    Ăn cơm trong đó có độn thêm lương thực phụ như khoai, sắn, bo bo, v.v.

    Ngày hai bữa rau ta có muối
    Ngày hai buổi, không tìm củ pầu, củ nâu
    Có bắp xay độn gạo no lâu,
    Ðường ngõ từ nay không cỏ rậm

    (Dọn về làng - Nông Quốc Chấn)

  26. Thể thống
    Khuôn phép, nền nếp phải tôn trọng, tuân thủ.
  27. Đôi chối
    Phân rõ phải trái với nhau trước người làm chứng.
  28. Ăn trét
    Không được gì, không có kết quả, không hiệu quả (phương ngữ Nam Bộ).
  29. Ăn thoi
    Bị đấm, đánh.
  30. A tòng
    A dua, vào hùa, tham gia làm chuyện xấu theo sự điều khiển của kẻ khác.
  31. Chơi gác
    Chơi trội, lấn lướt người khác, hoặc dùng thủ đoạn để tranh được nhiều lợi hơn người khác (phương ngữ Nam Bộ).
  32. Thẹo
    Sẹo (phương ngữ Nam Bộ).
  33. Ăn gỏi
    Dễ dàng, không có trở ngại, khó khăn gì (phương ngữ Nam Bộ).
  34. Xem câu thành ngữ Ăn ốc nói mò.
  35. Anh hùng hồ hải
    Người anh hùng hào hiệp, rộng lượng.
  36. Hương hỏa
    Phần gia tài giao cho con trai trưởng, để lo việc thờ phụng ông bà, cha mẹ. Theo phong tục một số nơi ở Nam Bộ, có khi là con giữa hay con út mới là người giữ hương hỏa, lo việc thờ cúng.
  37. Ăn báo
    Ăn bám, sống nhờ vào ai đó. Cũng nói ăn báo cô. Nhưng theo Lê Gia trong 1575 thành ngữ tục ngữ cần bàn thêm: "Báo cô" là báo đáp lại tội lỗi ("cô" nghĩa là tội lỗi). "Ăn báo cô" là ăn đền vạ, ăn như ăn của người phải đền đáp, trả nợ mình.
  38. Xem câu thành ngữ Ăn vóc học hay.
  39. Bánh vẽ
    Hình vẽ chiếc bánh. Nghĩa bóng chỉ thứ trông có vẻ tốt đẹp nhưng không có thật, chỉ đưa ra để lừa bịp.
  40. Xem câu thành ngữ Vấy máu ăn phần.
  41. Cà riềng cà tỏi
    Nói năng lăng nhăng, ấm ớ, lôi thôi (theo Từ điển phương ngữ Nam Bộ).
  42. Bóng gió
    Nói mà dùng hình ảnh xa xôi để ngụ ý chứ không nói thẳng ra.
  43. Nhám nhúa
    Tình trạng sần sùi, không được nhẵn và sạch. Nghĩa bóng chỉ tính cách tham lam, hay ăn cắp vặt.
  44. Ăn xén
    Ăn bớt ăn xén, lấy bớt đi một cách không chính đáng.
  45. Lân thấy pháo
    Múa lân thường có đốt pháo cho thêm nhộn nhịp. Nghĩa bóng chỉ thói đam mê điều gì quá mức, không dứt ra được.
  46. Hà ăn chân
    Còn gọi là nước ăn chân, một loại bệnh do nấm gây ra. Bệnh xuất hiện ở những người thường xuyên tiếp xúc với nước hoặc môi trường ẩm ướt, biểu hiện bằng hình thức tróc vảy khô, mụn nước hoặc viêm kẽ chân, gây đau rát hoặc ngứa ngáy rất khó chịu.
  47. Ăn cơm hớt
    Ăn lớp cơm trên cùng trong nồi cơm. Nghĩa bóng chỉ hành động nói chen vào cuộc nói chuyện của người khác trong khi người ta không cần ý kiến của mình.
  48. Mồm miệng có quai
    Thành ngữ, chỉ người lắm mồm (cong mồm ra như cái quai mà nói).
  49. Ăn rập
    Ăn nhịp, hòa nhịp, đồng nhất trong một tập thể (phương ngữ Nam Bộ).
  50. Ăn nhập
    Có liên quan, dính dáng tới (phương ngữ Nam Bộ).
  51. Xem câu thành ngữ Ăn chưa no, lo chưa tới.
  52. Ăn công kí
    Hay ăn cân kí, đứng làm trung gian trong việc mua bán để được chia phần (phương ngữ Nam Bộ).
  53. Trật chìa
    Sai đề tài, không đúng với vấn đề đặt ra (phương ngữ Nam Bộ).
  54. Cho chó ăn chè
    Say xỉn quá đến nỗi phải nôn mửa ra, chó đói thường hay ăn phần nôn này.
  55. Cối xay
    Dụng cụ nhà nông dùng để bóc vỏ hạt thóc, tách trấu ra khỏi hạt gạo, hoặc để nghiền các hạt nông sản. Ngày nay cối xay ít được sử dụng vì được thay thế bằng các loại máy xay công nghiệp có hiệu suất cao hơn.

    Xay lúa

    Xay lúa

  56. Xem câu thành ngữ Gà què ăn quẩn cối xay.
  57. Tằm ăn lên
    Khi tằm đủ độ lớn sẽ từ nong phía dưới, nơi mà chúng đã ăn những lá dâu xắt nhuyễn, chui lên nong trên có lỗ thưa để ăn những cành dâu để nguyên lá.

    Tằm đang ăn lá dâu

    Tằm đang ăn lá dâu

  58. Ó
    Thét lên, kêu la ầm ĩ (phương ngữ Nam Bộ).
  59. Ăn trùm
    Ăn chắc, hơn hết mọi người một cách chắc chắn (phương ngữ Nam Bộ).
  60. Thiên hạ
    Toàn bộ mọi vật, mọi người. Đây là một khái niệm có gốc từ Trung Quốc (thiên 天 (trời) hạ 下 (ở dưới), nghĩa đen là "dưới gầm trời").

    "Nào ta biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ." (Chữ người tử tù - Nguyễn Tuân)

  61. Con phe
    Con buôn.
  62. Coóc-xê
    Áo ngực của phụ nữ, cũng phát âm là coọc-xê (từ tiếng Pháp corset).
  63. Ngư lương
    Chỗ đắp bờ để nuôi cá (từ Hán Việt).
  64. Tử hổ
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Tử hổ, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  65. Cá nục
    Một loại cá biển, có rất nhiều ở các vùng biển miền Trung. Cá nục được dùng làm nguyên liệu chính cho nhiều món ăn ngon như cá nục sốt cà, cá nục kho, cá nục hấp cuốn bánh tráng...

    Cá nục

    Cá nục

  66. Cá úc
    Một loài cá da trơn, chủ yếu sống ngoài biển, một số sống trong môi trường nước lợ hay ngọt, thường thấy ở khu vực ôn đới ấm và nhiệt đới. Cá úc được chế biến thành nhiều món đặc sản Nam Bộ.

    Cá úc

    Cá úc

  67. Cá thơm
    Một loại cá nước ngọt có nhiều ở đồng bằng sông Cửu Long.
  68. Cá thác lác
    Cũng gọi là cá thát lát hoặc cá phác lác, một loại cá nước ngọt rất thường gặp ở Trung và Nam Bộ, đặc biệt là Tây Nam Bộ. Cá thường được đánh bắt để làm chả cá thác lác - một đặc sản nổi tiếng - và các món ngon khác như lẩu cá, muối sả ớt, canh...

    Cá thác lác

    Cá thác lác

  69. Cá cơm
    Cũng gọi là cá duội (ruội) hay cá chi, một loại cá biển phổ biến ở Việt Nam, có thể chế biến thành các món ăn, phơi làm khô cá, hoặc làm nước mắm.

    Cá cơm

    Cá cơm

  70. Cá ngát
    Một loại cá sống ở biển và những vùng nước lợ, có da trơn, thân hình giống như con cá trê, đầu to có râu và hai chiếc ngạnh sắc nhọn hai bên, thân dài đuôi dẹt. Cá ngát khi đã trưởng thành thường to bằng cán dao đến cổ tay người lớn. Ngư dân đánh bắt cá ngát bằng cách giăng lưới hoặc câu nhưng hiệu quả nhất là giăng lưới ở những luồng nước đục, chảy nhẹ vì chỗ này thường có nhiều cá. Cá ngát có thể chế biến thành nhiều loại thức ăn, nhưng nổi tiếng nhất có lẽ vẫn là món canh chua cá ngát.

    Canh chua cá ngát

    Canh chua cá ngát

  71. Cá bã trầu
    Một loại cá biển thân dẹp, vẩy có màu hồng nhạt, mắt to. Cá cho thịt mềm, rất ngọt, được chế biến nhiều món ngon như nướng, chiên, nấu canh chua... Tùy vùng miền mà loại cá này có những cái tên khác nhau như cá thóc, cá mắt kiếng, cá trao tráo (hai tên sau có lẽ là dựa vào đặc điểm của mắt cá).

    Cá bã trầu

    Cá bã trầu

  72. Gio
    Tro (phát âm của các vùng Bắc Trung Bộ và Bắc Bộ).
  73. Vô hồi
    Không ngừng, không hết, một cách nói của người Nam Bộ (cực vô hồi, mừng rỡ vô hồi...).
  74. Hiền thần
    Người bầy tôi giỏi (trong xã hội phong kiến).
  75. Địch Thanh
    Một danh tướng của nhà Tống trong lịch sử Trung Quốc.

    Địch Thanh

    Địch Thanh

  76. Tào Tháo
    Một nhà quân sự kiệt xuất cuối thời Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc, được người Việt Nam biết đến chủ yếu qua tác phẩm Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, theo đó ông được miêu tả là một người gian hùng và đa nghi. Trong lịch sử, Tào Tháo là người đặt cơ sở cho thế lực quân sự cát cứ ở miền Bắc Trung Quốc, lập nên chính quyền Tào Ngụy thời Tam Quốc, và có công rất lớn trong việc dẹp loạn Khăn Vàng (Huỳnh Cân) và nạn Đổng Trác.

    Tào Tháo

    Tào Tháo

  77. Tôn Ngộ Không
    Một trong số các nhân vật chính trong tiểu thuyết Tây Du Ký của nhà văn Trung Quốc Ngô Thừa Ân, rất quen thuộc trong văn hóa Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc. Tôn Ngộ Không vốn là một con khỉ nứt từ đá ra, học được 72 phép biến hóa, có phép Cân đẩu vân (bay lộn trên mây, nhún mình một cái bay được một vạn tám ngàn dặm), sử dụng vũ khí là gậy sắt (thiết bảng), tự xưng là Tề Thiên Đại Thánh. Sau Tôn Ngộ Không theo phò Đường Tam Tạng sang Tây Trúc thỉnh kinh, dọc đường có nhiều công trạng trong việc đánh yêu ma quỷ quái, bảo vệ Đường Tăng, đồng thời cũng gặp phải nhiều kiếp nạn.

    Tạo hình nhân vật Tôn Ngộ Không trên phim

    Tạo hình nhân vật Tôn Ngộ Không trên phim

  78. Tiết Nhơn Quý
    Một danh tướng thời nhà Đường trong lịch sử Trung Quốc. Ông được biết đến nhiều bởi hình tượng nhân vật tiêu biểu trong văn hóa kinh kịch Trung Quốc. Hình ảnh Tiết Nhơn Quý được thần thoại hóa thành "tướng tinh cọp trắng" và có nhiều câu chuyện dân gian xung quanh nhân vật này.

    Ở nước ta, cuốn tiểu thuyết dã sử của Trung Quốc Tiết Nhơn Quý chinh Đông đã được chuyển thể thành vở cải lương cùng tên được nhân dân khá yêu thích. Xem trích đoạn vở cải lương này tại đây.

  79. Cáp Tô Văn
    Tướng tài của nước Cao Ly (bán đảo Triều Tiên ngày nay). Theo chuyện ghi trong bộ tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc Tiết Nhơn Quý chinh Đông sau được dựng thành tuồng và cải lương ở nước ta, trong chuyến xuất đại binh chinh phạt của vua Trung Quốc đời Đường là Đường Thái Tông, Cáp Tô Văn đánh bại tất thảy các tướng nhà Đường nhưng cuối cùng thua dưới tay Tiết Nhơn Quý, chặt đầu mình tự vẫn.
  80. Uất Trì Cung
    Một danh tướng thời Đường bên Trung Hoa. Ông họ Uất Trì tên Cung, tên chữ là Kính Đức, nổi tiếng có sức mạnh phi thường, phò tá vua Đường Thái Tông rất trung thành. Hình tượng Uất Trì Cung trong quan niệm dân gian Trung Hoa là một viên tướng mặt đen như than, cùng với Tần Quỳnh (mặt vàng) là hai vị thần giữ cửa (môn thần) trong tín ngưỡng truyền thống.

    Hai vị môn thần, mặt đen là Uất Trì Cung, mặt vàng là Tần Quỳnh.

    Hai vị môn thần, mặt đen là Uất Trì Cung, mặt vàng là Tần Quỳnh.

  81. Tần Thúc Bảo
    Danh tướng nhà Đường dưới thời Đường Thái Tông, là một trong những khai quốc công thần của nhà Đường, được dân gian tôn làm Môn Thần (thần giữ cửa) và được tiểu thuyết hoá trong nhiều tác phẩm văn học và sân khấu-điện ảnh.
  82. La Thông
    Một danh tướng đời Đường trong tiểu thuyết cổ điển của Trung Quốc La Thông tảo Bắc kể việc La Thông kéo quân lên cứu Đường Thái Tông bị vây khốn ở Bắc Phiên. Tiểu thuyết này đã được chuyển thể thành một vở cải lương cùng tên (còn có tên khác là "Công chúa Đồ Lư"), được nhân dân ta, đặc biệt là người miền trong, ưa chuộng. Nhân vật La Thông cũng được nhắc đến trong các vở tuồng cổ Tiết Nhơn Quý chinh ĐôngTiết Đinh San chinh Tây.

    Xem vở cải lương "La Thông tảo Bắc".

  83. Phàn Lê Huê
    Một nữ tướng thời Đường, vợ của Tiết Đinh San, cũng là một danh tướng trong dã sử Trung Quốc. Phàn Lê Huê là nhân vật chính trong nhiều vở tuồng và cải lương biên soạn dựa trên tiểu thuyết Trung Quốc ở nước ta.

    Xem trích đoạn cải lương Phàn Lê Huê phá Hồng thuỷ trận và Tiết Định San cầu Phàn Lê Huê tại đây.

  84. Nhài
    Còn gọi là lài, loại cây nhỏ có hoa màu trắng rất thơm. Nhân dân ta thường dùng hoa lài để ướp trà.

    Bông hoa nhài

    Bông hoa lài (nhài)

  85. Mẫu đơn
    Một loại cây sống lâu năm, cho hoa rất to, đường kính đạt tới 15-20 cm, màu đỏ, tím hoặc trắng, mùi thơm gần giống mùi thơm của hoa hồng, do vậy hay được trồng làm cảnh. Theo y học cổ truyền, bộ phận dùng làm thuốc là vỏ rễ phơi hay sấy khô, gọi là mẫu đơn bì. Mẫu đơn còn được gọi là hoa phú quý, hoa vương, thiên hương quốc sắc...

    Hoa mẫu đơn

    Hoa mẫu đơn

  86. Hải đường
    Loài cây nhỡ, sống nhiều năm, họ Chè. Lá dài, dày, mặt trên bóng, mép có nhiều răng cưa. Hoa mọc từ 1 đến 3 đóa ở gần ngọn cây, ngọn cành; hoa có cuống dài, tràng hoa đỏ tía, nhiều nhị đực. Hoa nở vào dịp Tết Âm lịch, đẹp nhưng không thơm.

    Hoa hải đường

    Hoa hải đường

  87. Dã quỳ
    Còn có tên là cúc quỳ, sơn quỳ hoặc hướng dương dại, một loại cây cho hoa màu vàng mọc nhiều ở các khu vực cận nhiệt đới và nhiệt đới. Ở nước ta, dã quỳ được người Pháp đưa vào các đồn điền ở Lâm Đồng, sau dần mọc hoang khắp các tỉnh Tây Nguyên.

    Hoa quỳ

    Hoa quỳ

  88. Liễu
    Một loại cây thân nhỏ, lá rủ. Liễu xuất hiện rất nhiều trong thơ ca Á Đông, và thường tượng trưng cho người con gái chân yếu tay mềm.

    Liễu rủ bên hồ Gươm

    Liễu rủ bên hồ Gươm

  89. Phù dung
    Còn gọi là mộc phù dung, địa phù dung, mộc liên, loại cây thân nhỡ có hoa, lá có năm cánh, hoa lớn, có hai loại là hoa đơn và hoa kép, hoa nở xòe to bằng cái bát, chất cánh xốp, trông như hoa giấy. Hoa thay đổi màu sắc từ sáng đến chiều (sáng trắng, trưa hồng, chiều đỏ).

    Hoa phù dung

    Hoa phù dung

  90. Câu này có lẽ lấy ý từ hai câu thơ của Thôi Hộ thời Đường:

    Nhân diện bất tri hà xứ khứ,
    Đào hoa y cựu tiếu đông phong

    Dịch:

    Mặt người giờ ở nơi nao?
    Hoa đào vẫn đó cười chào gió đông.

  91. Mang
    Cũng gọi là con mễn hay con mển, một loại hươu nai gặp trong những cánh rừng nhiệt đới và cận nhiệt đới.

    Con mang

    Con mang

  92. Gông xiềng
    Gông là một dụng cụ làm bằng gỗ hoặc tre, thường là rất nặng, để đeo vào cổ tội nhân ngày trước. Xiềng là sợi xích lớn có vòng sắt ở hai đầu để khoá chân tay người tù. Gông xiềng vì thế thường được dùng để chỉ ách nô lệ.

    Tù nhân đeo gông dưới thời Pháp thuộc

    Tù nhân đeo gông dưới thời Pháp thuộc

  93. Xâu
    Cũng gọi là sưu, món tiền mà người đàn ông từ mười tám tuổi trở lên phải nộp (sưu thế), hoặc những công việc mà người dân phải làm cho nhà nước phong kiến hay thực dân (đi xâu).
  94. Vãi
    Người phụ nữ chuyên giúp việc và quét dọn trong chùa nhưng không tu hành.
  95. Bảo Đại
    (1913-1997) Hoàng đế thứ mười ba và cuối cùng của triều Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng ở nước ta, đồng thời cũng là quốc trưởng đầu tiên của Đế quốc Việt Nam (3/1945) và Quốc gia Việt Nam (7/1949). Ông sinh tại Huế, là con vua Khải Định, có tên huý là Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy. Ông có một câu nói nổi tiếng khi chính thức thoái vị và trao ấn tín, quốc bảo của hoàng triều cho cách mạng vào ngày 23 tháng 8 năm 1945: Trẫm muốn được làm Dân một nước tự do, hơn làm Vua một nước bị trị. Cuối đời ông sống lưu vong tại Pháp và qua đời trong lặng lẽ vào ngày 31 tháng 7 năm 1997, thọ 85 tuổi.

    Vua Bảo Đại

    Vua Bảo Đại

  96. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  97. Vùa
    Một loại đồ đựng bằng sành hoặc đất nung. Ở một số địa phương Nam Bộ, người ta cũng gọi cái gáo (dừa) múc nước là vùa.

    Từ này cũng được phát âm thành dùa.

  98. Sào
    Một đơn vị đo diện tích cũ ở nước ta trước đây. Tùy theo vùng miền mà sào có kích thước khác nhau. Một sào ở Bắc Bộ là 360 m2, ở Trung Bộ là 500 m2, còn ở Nam Bộ là 1000 m2.
  99. Lồng mốt, lồng hai
    Có nơi gọi là "long mốt, long hai," hai kiểu đan nan tre hoặc mây. "Lồng mốt" hay "lồng một" là cách đan lồng từng sợi nan lẻ, dùng để đan các loại rổ rá thưa, lớn. Lồng hai (còn gọi là lồng đôi) là cách đan lồng từng cặp sợi nan, để đan rổ nhỏ, nan khít. Đan lồng mốt đòi hỏi kĩ thuật cao hơn đan lồng hai.

    Đan lồng mốt (trái) và lồng hai

    Đan lồng mốt (trái) và lồng hai

  100. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  101. Ăn khín
    Ăn nhờ, ăn chực.
  102. Mần
    Làm (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Như mần ăn, mần việc, đi mần...
  103. Ăn ở trần, mần mặc áo
    Lúc ăn thì cởi trần ra mà ăn cho khoẻ, đến khi làm thì làm (mần) thì (cứ như) vướng víu quần áo. Câu này hàm ý chê những người lười biếng, làm ít ăn nhiều.
  104. Ăn mật trả gừng
    Ăn thứ ngon ngọt, trả thứ đắng cay. Ý nói được người đối đãi tử tế, lại đối xử với người không ra gì.
  105. Ăn lấy đời chơi lấy thời
    Ăn thì lấy đời sống làm giới hạn, nghĩa là người ta phải ăn suốt đời, đến bao giờ chết mới thôi; còn chơi thì lấy thời gian làm giới hạn, nghĩa là người ta chơi thì tùy lúc, tùy thời, không thể lúc nào cũng chơi được.
  106. Ăn ít ngon nhiều
    Ăn ít thì thấy ngon miệng, ăn nhiều quá thì thấy ngán, mất ngon. Nghĩa bóng câu này có ý nói: không nên quá tham lam.
  107. Ăn cướp cơm chim
    Theo Lê Gia trong 1575 thành ngữ tục ngữ cần bàn thêm: Phần ăn của con chim chỉ nhờ vào mấy hạt cơm rơi của người, không đáng gì mà còn nỡ ăn cướp của nó, khiến mình cũng chẳng no mà nó thì chết đói. Câu này ý nói: Ăn cướp cả cái nhỏ nhặt nhất của kẻ hèn yếu.
  108. Ăn nồi bảy thì ra, ăn nồi ba thì mất
    Nồi bảy là nồi thổi được bảy suất cơm cho bảy người ăn. Nồi ba là nồi thổi được ba suất cơm cho ba người ăn. "Ăn nồi bảy thì ra" là nhà phải thổi cơm nhiều người ăn, thì làm ra tiền ra thóc. "Ăn nồi ba thì mất" là ít người ăn thì ăn bao nhiêu hết bấy nhiêu, không làm lợi ra chút nào. Câu này nói ý nhà có thợ làm nhiều (như vụ cày vụ gặt), thì lại làm ra tiền của; trái lại nhà nghèo chỉ có vợ chồng con cái, tuy ít tiêu nhưng ăn tiêu đồng nào hết đồng ấy, không làm ra tiền. (Theo Tục ngữ lược giải - Lê Văn Hòe)
  109. Hộ Pháp
    Theo quan niệm của một số tông phái đạo Phật, Hộ Pháp (dịch từ tiếng Sanskrit धर्मपाल Dharmapāla) là những vị thần tự nguyện bảo vệ và duy trì Phật pháp, phù hộ che chở những người tu hành. Các chùa thường có tượng các vị hộ pháp dưới nhiều hình ảnh khác nhau, nhưng phổ biến nhất là tượng Hộ Pháp Vi Đà, đặt đối diện với tượng Thích Ca. Một số chùa lại có tượng hai vị Hộ Pháp: một là Khuyến Thiện, một là Trừng Ác. Tượng Hộ Pháp thường mặc áo giáp, đội mũ trụ, tay cầm binh khí.

    Hộ Pháp Vi Đà

    Hộ Pháp Vi Đà

  110. Cắn chắt
    Cắn ăn hạt lúa (cho vui miệng hoặc đỡ đói).

    Về ngóng cô nàng xưa cắn chắt
    cười lia dăm hạt cốm
    giờ đã nằm sương giậu lả tầm xuân

    (Người không về - Hoàng Cầm)