Ca dao Mẹ

  • Năm ngoái anh mới sang Tây

    Năm ngoái anh mới sang Tây
    Đồn rằng buôn bán năm nay phát tài
    Lòng anh muốn lấy vợ hai
    Rằng: “Nhà có thuận, nay mai nó về?
    Rồi ra một quán đôi quê
    Tôi muốn nó về làm bạn sớm hôm
    Trước là sinh tử sinh tôn
    Sau nữa thờ phụng công môn ông bà
    Trước con nhà sau ra con nó,
    Xin nhà rồi chớ có ghen tuông
    Chợ rộng thì lắm gái buôn,
    Sông rộng lắm nước trong nguồn chảy ra
    Lòng anh ăn ở thật thà
    Coi nó mười tám, coi nhà hai mươi
    Lòng anh chẳng có như người,
    Có mới nới cũ, tội trời ai mang
    Lòng anh ăn ở bằng ngang
    Nó giàu bằng mấy cũng nàng thứ hai”.
    – “Thôi thôi, tôi biết anh rồi,
    Bụng anh nông nổi giếng khơi không bằng!
    Bây giờ anh khéo khôn ngoan,
    Sau anh tư túi, tôi làm chi anh?
    Anh mà bắt chước Thúc Sinh,
    Thì anh đừng trách vợ mình Hoạn Thư”

  • Bình luận

Cùng thể loại:

Có cùng từ khóa:

Chú thích

  1. Phát tài
    (Làm ăn, buôn bán) thuận lợi, gặp nhiều may mắn, kiếm được nhiều tiền.
  2. Sinh tử sinh tôn
    Sinh con sinh cháu (từ Hán Việt tử: con, tôn: cháu).
  3. Công môn
    Cửa công (từ Hán Việt). Thường chỉ cửa quan.
  4. Tư túi
    Lấy của chung làm của riêng một cách lén lút.
  5. Thúc sinh
    Một nhân vật trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Thúc sinh có nghĩa là thư sinh họ Thúc. Thúc sinh là một thương nhân, đã có vợ là Hoạn Thư, song lại đem lòng yêu Thúy Kiều. Thúc sinh chuộc Kiều khỏi chốn lầu xanh và giấu vợ cưới Kiều làm lẽ. Hoạn Thư biết được, bắt cóc Kiều về hành hạ, Thúc sinh nhu nhược không dám làm gì, Thúy Kiều phải đến nương nhờ cửa Phật.

    Khách du bỗng có một người
    Kỳ tâm họ Thúc, cũng nòi thư hương
    Vốn người huyện Tích Châu Thường
    Theo nghiêm đường mở ngôi hàng Lâm Tri

  6. Hoạn Thư
    Một nhân vật nữ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Là vợ của Thúc Sinh, Hoạn Thư là người thông minh, sắc sảo và thể hiện sự ghen tuông ghê gớm khi biết chồng lén cưới vợ lẽ là Thúy Kiều. Ngày nay những người phụ nữ hay ghen thường được gọi là Hoạn Thư hoặc "có máu Hoạn Thư."

    Vốn dòng họ Hoạn danh gia
    Con quan Lại bộ tên là Hoạn Thư
    Duyên đằng thuận nẻo gió đưa
    Cùng chàng kết tóc xe tơ những ngày
    Ở ăn thì nết cũng hay
    Nói điều ràng buộc thì tay cũng già

  7. Lọ là
    Chẳng lọ, chẳng cứ gì, chẳng cần, hà tất (từ cũ).

    Bấy lâu đáy bể mò kim,
    Là nhiều vàng đá phải tìm trăng hoa?
    Ai ngờ lại họp một nhà,
    Lọ là chăn gối mới ra sắt cầm!

    (Truyện Kiều)

  8. Thiên
    Đơn vị đo lường thóc gạo. Mỗi thiên bằng một trăm giạ.
  9. "Tinh thần khoa trương, tự hào của người lưu dân cũng được thấy biểu lộ trong ngôn ngữ thường nhật bằng cách ngoa ngữ, nghĩa là họ nói quá đi. (...) Thí dụ như 10 giạ lúa thì gọi là "một trăm lúa"; còn 100 giạ thì gọi là "một thiên lúa", tức 1000 giạ." (Văn truyền khẩu trên đất Đồng Nai - Nguyễn Văn Hầu)
  10. O
    Cô, cô gái, thím (phương ngữ miền Trung). Trong gia đình, o cũng dùng để chỉ em gái của chồng.
  11. Nhiêu
    Chức vị ở làng xã thời phong kiến, thường phải bỏ tiền ra mua để được quyền miễn tạp dịch.
  12. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  13. Bác mẹ
    Cha mẹ (từ cổ).
  14. Huê
    Hoa (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Gọi như thế do kiêng húy tên của bà Hồ Thị Hoa, chính phi của hoàng tử Đảm (về sau là vua Minh Mạng).
  15. Vân vi
    Đầu đuôi câu chuyện, đầu đuôi sự tình (từ cũ).
  16. Chàng ràng
    Quanh quẩn, vướng bận, chậm chạp (để kéo dài thời gian hoặc gây chú ý).
  17. Bán chè lạng
    Buôn bán ế ẩm.
  18. Chẳng được ăn cũng lăn lấy vốn
    Trong buôn bán làm ăn, không được lãi cũng phải cố giữ cho được hoà vốn.
  19. Rậm
    Đông, nhiều, dày.
  20. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  21. Rau húng
    Tên chung cho một số loài rau thuộc họ Bac Hà. Rau húng có nhiều loài, tên gọi mỗi loài thường chỉ mùi đặc trưng hay cách sinh trưởng của cây như húng quế (miền Nam gọi là rau quế) có mùi quế, húng chanh (miền Nam gọi là rau tần dày lá) có mùi tương tự chanh, húng lủi vì cây rau bò sát mặt đất... Ở miền Trung và miền Nam, một số loài húng được gọi tên là é. Rau húng là gia vị đặc sắc và không thể thiếu trong các món ăn dân gian như nộm, dồi, lòng lợn, tiết canh, thịt vịt, phở, bún... Tinh dầu trong lá và ngọn có hoa của một số loại húng được có tác dụng chữa bệnh (ví dụ húng chanh trị ho) hoặc dùng làm nguyên liệu sản xuất hương phẩm. Ở miền Nam, người ta lấy hạt húng quế (hạt é) làm nước uống giải nhiệt.

    Làng Láng thuộc Thăng Long xưa là nơi nổi tiếng với nghề trồng rau húng lủi, gọi là húng Láng.

    Rau húng

    Húng lủi (húng Láng)

  22. Vợ bé
    Vợ lẽ, vợ thứ (phương ngữ). Làm vợ lẽ, vợ thứ cũng gọi là làm bé.
  23. Giã giấy
    Một công đoạn trong quá trình làm giấy dó. Vỏ cây dó được bào thành từng sợi, ngâm với nước vôi rồi đem giã nhuyễn thành bột giấy. Ngày nay công đoạn giã giấy được thay thế bằng máy xay.

    Giã dó ở Yên Thái

    Giã dó ở Yên Thái

  24. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  25. Buôn thất nghiệp, lãi quan viên
    Buôn bỏ ra ít vốn (như thất nghiệp) mà lại được nhiều lãi (như quan viên).
  26. Bắc Đẩu
    Cũng gọi là Bắc Thần, Tinh Đẩu, hoặc Đại Hùng Tinh (sao Gấu Lớn), một mảng sao gồm bảy ngôi sao sáng có hình dạng như cái gầu múc nước, hoặc như cái bánh lái (nên lại còn có tên là sao Bánh Lái). Cạnh ngắn phía dưới của chòm sao Bắc Đẩu (xem hình dưới) nối dài sẽ gặp sao Bắc Cực nằm rất gần với hướng Bắc. Vì vậy, người xưa thường dùng chòm sao Bắc Đẩu và sao Bắc Cực để tìm hướng Bắc.

    Chòm sao Bắc Đẩu

    Cụm sao Bắc Đẩu

  27. Đầu đàn quan mốt, rốt đàn quan hai
    "Đầu đàn" là con được người mua lựa chọn trước nên bán trước, còn "rốt đàn" là con xấu nhất, nhỏ nhất, bán sau cùng. Do bán chạy nên càng về sau người bán càng nâng giá, ép giá, thành thử con to bán rẻ, con nhỏ bán đắt. Nghĩa bóng chỉ giá cả lộn xộn do hàng ít, khan hiếm (Hoàng Tuấn Công).
  28. Hồng thủy
    Nước lụt (từ chữ Hán 洪水 – nước lớn).