Ca dao Mẹ

  • Trương Chi (hát xẩm)

    Ngày xưa có anh Trương Chi
    Người thì thậm xấu, hát thì thậm hay
    Cô Mỵ Nương người ở lầu Tây
    Con quan thừa tướng ngày rày cấm cung
    Anh Trương Chi ở dưới dòng sông
    Chở đò ngang dọc suốt đêm đông anh dãi dầu
    Đêm thanh chàng hát một câu
    Gió đưa thoang thoảng đến lầu cô Mỵ Nương
    Cô Mỵ Nương nghe tiếng hát thì thương
    Mà trông thấy mặt anh chường lại chê
    Anh Trương Chi bèn trở ra về
    Cắm sào cho chặt anh mới hát thề một câu:
    “Kiếp này đã lỡ duyên nhau
    Xin nguyền kiếp khác duyên sau lại thành!”
    Cô Mỵ Nương tư lự thất tình
    Kém nhan sắc trước, sút võ hình hơn xưa
    Kém trang điểm, kém bữa ăn trưa
    Kém ăn, kém ngủ cô thẫn thờ chẳng yên
    Thất tình bệnh phát liên miên
    Ông bà thừa tướng lo đêm lo ngày
    Truyền mời đến một ông thầy
    Ông thầy bắt mạch đoán ngay sự tình
    Bệnh này duyên nợ ba sinh
    Tương tư ắt có cầu tình với ai
    Bệnh này nếu muốn khỏi ngay
    Truyền người xuống bến gọi ngay anh lái đò
    Nhờ chàng sắc thuốc hộ cho
    Chàng mà sắc thuốc tựa hồ thuốc tiên
    Anh Trương Chi ở dưới đò lên
    Quạt lò sắc thuốc anh ở bên cạnh lầu
    Ngồi buồn anh hát một câu
    Cô Mỵ Nương giải cơn sầu như không
    Mười phần đổ bệnh xuống sông
    Lấy vàng ba lạng mà thưởng công cho ông thầy
    Anh Trương Chi trở xuống đò ngay
    Cắm sào cho chặt anh nhảy rày xuống sông
    Xác thời trôi ở giữa dòng
    Hồn thời mới nhập vào trong cây bạch đàn
    Đến khi thừa tướng thăng quan
    Mua được cây gỗ bạch đàn quý thay
    Gỗ thời để đã lâu ngày
    Truyền gọi thợ khéo tiện ngay bộ chén chè
    Xong rồi quạt nước màn the
    Cha con mang bộ chén chè uống chơi
    Không cầm đến chén thì thôi
    Hễ cầm đến chén lại thấy người hò khoan
    Cô Mỵ Nương đau đớn can tràng
    Hạt châu rơi xuống vỡ tan thuyền tình.

  • Bình luận

Cùng thể loại:

Có cùng từ khóa:

Chú thích

  1. Thậm
    Rất, lắm.
  2. Tể tướng
    Chức quan cao nhất dưới thời phong kiến, có nhiệm vụ thay mặt vua để giải quyết chuyện chính sự của một đất nước. Tùy theo thời đại, vị trí này có thể có tên là thừa tướng hoặc tướng quốc. Nước ta có các tể tướng nổi danh như Nguyễn Quán Nho, Lý Đạo Thành, Tô Hiến Thành, Trần Thủ Độ...

    Tể tướng Nguyễn Quán Nho

    Tể tướng Nguyễn Quán Nho

  3. Cấm cung
    Cấm không được phép ra khỏi nhà, không được phép tự do tiếp xúc với người ngoài (thường nói về con gái nhà quyền quý thời phong kiến).
  4. Chường
    Chàng (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  5. Ba sinh
    Ba kiếp người: kiếp trước, kiếp này và kiếp sau, theo thuyết luân hồi của Phật giáo. Văn học cổ thường dùng chữ "nghĩa ba sinh" hoặc "nguyện ước ba sinh" để nói về sự gắn kết nam nữ.

    Ví chăng duyên nợ ba sinh,
    Làm chi những thói khuynh thành trêu ngươi?

    (Truyện Kiều)

  6. Tương tư
    Nhớ nhau (từ Hán Việt). Trong văn thơ, tương tư thường được dùng để chỉ nỗi nhớ nhung đơn phương trong tình yêu trai gái.

    Gió mưa là bệnh của Trời
    Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng

    (Tương tư - Nguyễn Bính)

  7. Sắc thuốc
    Sắc nghĩa là làm cho keo, đậm lại. Sắc thuốc là đun thuốc Bắc hoặc thuốc Nam với lượng nước lúc đầu khoảng ba chén, sau khi sôi thật lâu để thuốc ra hết chất và nước chỉ còn khoảng một chén, vừa uống.
  8. Hò khoan
    Một thể loại hò thường gặp ở miền Trung, trong đó người hò thường đệm các cụm "hò khoan" "hố khoan" "hố hò khoan" (nên cũng gọi là hò hố). Hò khoan thường có tiết tấu nhanh, nhộn nhịp.
  9. Can trường
    Cũng đọc là can tràng, nghĩa đen là gan (can) và ruột (trường), nghĩa bóng chỉ nỗi lòng, tâm tình.

    Chút riêng chọn đá thử vàng,
    Biết đâu mà gửi can tràng vào đâu?

    (Truyện Kiều)

  10. Châu
    Nước mắt. Người xưa ví nước mắt như giọt châu (ngọc).

    Giọt châu lã chã khôn cầm
    Cúi đầu chàng những gạt thầm giọt Tương

    (Truyện Kiều)

  11. O
    Cô, cô gái, thím (phương ngữ miền Trung). Trong gia đình, o cũng dùng để chỉ em gái của chồng.
  12. Bác mẹ
    Cha mẹ (từ cổ).
  13. Huê
    Hoa (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Gọi như thế do kiêng húy tên của bà Hồ Thị Hoa, chính phi của hoàng tử Đảm (về sau là vua Minh Mạng).
  14. Vân vi
    Đầu đuôi câu chuyện, đầu đuôi sự tình (từ cũ).
  15. Ni
    Này, nay (phương ngữ miền Trung).
  16. Với. Từ này ở Trung và Nam Bộ phát âm thành dí.
  17. Cắm thẻ ruộng
    Cắm thẻ để nhận và xác định chủ quyền của một mảnh ruộng.
  18. Cắm nêu ruộng
    Cắm cây nêu để báo cho mọi người biết là ruộng đang bị tranh chấp hay bị thiếu thuế, không ai được mua lúa, gặt hái.
  19. Vông đồng
    Loài cây tỏa cành rộng, tạo nhiều bóng mát, thân có nhiều gai, cành xốp dễ gãy đổ khi gặp gió lớn. Hoa màu đỏ, hoa đực mọc thành chùm dài, hoa cái mọc đơn độc tại các nách lá. Quả vông đồng thuộc dạng quả nang, khi khô sẽ nứt ra thành nhiều mảnh, tạo ra tiếng nổ lách tách.

    Cây vông đồng

    Cây vông đồng

    Hoa, lá, và quả vông đồng

    Hoa, lá, và quả vông đồng

  20. Này (phương ngữ Trung Bộ).
  21. Xẩm lai
    Người hát xẩm là con lai.
  22. Có bản chép: Tham giàu.
  23. Biện tuần
    Một chức vụ dưới thời Pháp thuộc, chuyên lo việc biên kí, sổ sách.
  24. Xẩm
    Một loại hình dân ca từng phổ biến ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ. Bộ nhạc cụ đơn giản nhất để hát xẩm chỉ gồm đàn nhị và sênh. Nhóm hát xẩm đông người có thể dùng thêm đàn bầu, trống mảnh và phách bàn. Ca từ của xẩm chủ yếu là thơ lục bát, lục bát biến thể có thêm các tiếng láy, tiếng đệm cho phù hợp với làn điệu. Nội dung của các bài xẩm có thể mang tính tự sự như than thân trách phận, nêu gương các anh hùng, liệt sĩ hay châm biếm những thói hư, tật xấu...

    "Xẩm" cũng còn được dùng để gọi những người hát xẩm - thường là người khiếm thị (mù) đi hát rong kiếm sống.

    Cụ bà Hà Thị Cầu (1928-2013), nghệ nhân hát xẩm cuối cùng của thế kỉ 20

    Cụ bà Hà Thị Cầu (1928-2013), nghệ nhân hát xẩm cuối cùng của thế kỉ 20

    Thưởng thức một bài hát xẩm do nghệ nhân Hà Thị Cầu trình bày.

  25. Xoan
    Một loại hình dân ca lễ nghi phong tục hát thờ thần, thành hoàng với nhiều yếu tố kết hợp: nhạc, hát, múa. Hát xoan thường được biểu diễn vào dịp đầu xuân, phổ biến ở Phú Thọ.

    Theo khảo sát của tỉnh Phú Thọ, hiện còn khoảng 70 nghệ nhân hát xoan, nhưng chỉ có khoảng 10 người có khả năng truyền dạy; toàn tỉnh có khoảng gần 100 người tham gia các phường xoan, nhưng chỉ khoảng 50 người biết hát. Các di tích như đình, miếu, nơi diễn ra các sinh hoạt hát xoan từ xa xưa nay chỉ còn khoảng hơn 10 di tích.

    Thưởng thức một bài hát xoan Phú Thọ