Hệ thống chú thích

Trở ngại lớn nhất khi cảm thụ ca dao dân ca có lẽ là việc thường xuyên bắt gặp những điển tích, điển cố, những từ địa phương khó hiểu, hoặc những từ cổ ngày nay ít dùng (thậm chí không còn dùng đến nữa). Vì lí do đó, Ca dao Mẹ cố gắng tạo ra và duy trì một hệ thống chú thích riêng, ngõ hầu giúp bạn đọc hiểu hơn về lời ăn tiếng nói của ông cha mình từ xa xưa truyền lại.

Do hạn chế về kiến thức, chúng tôi không dám đảm bảo tất cả những chú thích, chú giải ở đây là chính xác. Nếu quý bạn đọc phát hiện thấy chỗ nào sai sót hoặc có thể bổ sung thêm, vui lòng giúp đỡ chúng tôi bằng cách dùng chức năng Đóng góp cho chú thích.

Ngoài ra, khi biên soạn hệ thống chú thích này, chúng tôi hướng đến tất cả các lứa tuổi, từ em nhỏ học cấp 1 trở đi. Điều này dẫn đến một số chú thích có vẻ quá đơn giản và thừa thãi – vui lòng bỏ quá cho chúng tôi về việc này.

  1. A
    Nông cụ dùng để cắt rạ hoặc cắt cỏ, có hai lưỡi tra vào cán dài. Có nơi còn gọi là cái gạc hoặc cái trang.
  2. Từ dùng để chỉ chị gái.
  3. A
    (Nhảy, lao) xổ vào (phương ngữ Trung Bộ).
  4. Ả chức
    Người con gái dệt vải. Chức là từ Hán Việt, nghĩa là dệt.
  5. A Di Đà
    Gọi tắt là Di Đà, tên của một vị Phật được tôn thờ nhiều nhất trong Đại thừa, tượng trưng cho từ bi và trí tuệ, có tâm nguyện giải thoát tất cả chúng sinh khỏi đau khổ, đưa họ về cõi Tịnh Độ. Ở các công trình Phật giáo ta thường thấy tượng A Di Đà với những nét đặc trưng: đầu có các cụm tóc xoắn ốc, mắt nhìn xuống, miệng thoáng nụ cười cảm thông cứu độ, mình mặc áo cà sa, ngồi hoặc đứng trên tòa sen. Câu niệm của nhà Phật Nam mô A Di Đà Phật là nhắc đến danh hiệu của vị Phật này.

    Tượng Phật A Di Đà trong một ngôi chùa tại Lấp Vò, Đồng Tháp

    Tượng Phật A Di Đà trong một ngôi chùa tại Lấp Vò, Đồng Tháp

  6. Ả em du
    Chị em dâu (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  7. Ả em du như tru một bịn
    Chị em dâu trong gia đình (nên) đoàn kết, chung lưng đấu cật xây dựng gia đình như những con trâu cùng chung một chạc bịn để kéo gỗ.
  8. A nả
    Xinh đẹp (tiếng Quảng Đông).
  9. A tòng
    A dua, vào hùa, tham gia làm chuyện xấu theo sự điều khiển của kẻ khác.
  10. A vào
    Xáp vào.
  11. A-men
    Một từ mà người theo đạo Chúa (Công giáo, Tin Lành...) thường nói khi kết thúc một bài kinh, có thể dịch thành "Thật vậy" hoặc "Xin được như nguyện."
  12. A-mi
    Bạn thân, bạn gái (từ tiếng Pháp amie).
  13. Ác
    Mặt trời. Tương truyền trong mặt trời có con quạ ba chân, nên mặt trời được gọi là kim ô (con quạ vàng, hoặc con ác vàng).
  14. Ác côn
    Đứa vô lại, hung dữ.
  15. Ác đen đậu cây quế
    Chỉ sự không tương xứng, thường là trong quan hệ lứa đôi.
  16. Ác là
    Còn có tên là bồ các, một loại chim lớn (có thể dài từ 40-50 cm) có đầu, cổ và ngực màu đen bóng, bụng và vai màu trắng. Ác là loài ăn tạp, chúng có thể ăn từ chim non tới trứng, thú, sâu bọ nhỏ, hạt ngũ cốc và nhiều thứ khác. Có lẽ vì vậy trong ca dao dân ca, ác là thường tượng trưng cho điều xấu hoặc những kẻ độc ác. Tuy nhiên trong văn hóa Trung Quốc, ác là lại có tên là hỉ thước, tượng trưng cho điềm lành.

    Bồ các (ác là)

    Ác là

  17. Ác mỏ
    Con vẹt.
  18. Ác tà
    Xế chiều, lúc mặt trời sắp lặn. Xem Ác.
  19. Ác tăng
    Người tu hành nhưng phạm các pháp giới của đạo Phật (độc ác, tham lam...).
  20. Ác thú
    Thú dữ.