Tìm kiếm "ba sáu"

  • Con cá lóc nằm trên bụi sặt

    Con cá lóc nằm trên bụi sặt
    Con cò mắc dò mà chết,
    Con quạ mua nếp làm chay,
    Con cu đánh trống ba ngày,
    Con ngỗng thức dậy dọn bày mâm ra,
    Cồng cộc ăn cá nghi nga,
    Con chim cà cưỡng phải ra ăn mày.

  • Làm người phải biết cương thường

    Làm người phải biết cương thường
    Xem trong ngũ đẳng quân vương đứng đầu
    Thờ cha kính mẹ trước sau
    Anh em hòa thuận mới hầu làm nên
    Vợ chồng đạo nghĩa cho bền
    Bạn bè chung thủy, dưới trên đàng hoàng

  • Trương Chi (hát xẩm)

    Ngày xưa có anh Trương Chi
    Người thì thậm xấu, hát thì thậm hay
    Cô Mỵ Nương người ở lầu Tây
    Con quan thừa tướng ngày rày cấm cung
    Anh Trương Chi ở dưới dòng sông
    Chở đò ngang dọc suốt đêm đông anh dãi dầu
    Đêm thanh chàng hát một câu
    Gió đưa thoang thoảng đến lầu cô Mỵ Nương
    Cô Mỵ Nương nghe tiếng hát thì thương
    Mà trông thấy mặt anh chường lại chê
    Anh Trương Chi bèn trở ra về
    Cắm sào cho chặt anh mới hát thề một câu:
    “Kiếp này đã lỡ duyên nhau
    Xin nguyền kiếp khác duyên sau lại thành!”

  • Chăn đơn gối chiếc nửa hòng

    Chăn đơn gối chiếc nửa hòng
    Cạn sông lở núi ta đừng quên nhau
    Từ ngày ăn phải miếng trầu
    Miệng ăn xôi đỏ dạ sầu đăm chiêu
    Biết rằng thuốc dấu hay bùa yêu
    Làm cho ăn phải nhiều điều xót xa
    Làm cho quên mẹ quên cha
    Làm cho quên cửa quên nhà
    Làm cho quên cả đường ra lối vào
    Làm cho quên cá dưới ao
    Quên sông tắm mát, quên sao trên trời
    Đất Bụt mà ném chim trời
    Ông Tơ bà Nguyệt xe dây nhợ nửa vời ra đâu
    Cho nên cá chẳng bén câu
    Lược chẳng bén dầu, chỉ chẳng bén kim
    Thương nhau nên phải đi tìm
    Nhớ nhau một lúc như chim lạc đàn.

  • Vè bán chiếu

    Ai mua chiếu hông
    Chiếu bông chiếu trắng
    Chiếu vắn chiếu dài
    Chiếu dệt lầu đài
    Cổ đồ bát bửu
    Chiếu tây hột lựu
    Da lợn bông bao
    Chiếu rộng màu cau
    Con cờ, mặt võng
    Dệt bông chong chóng
    Ngũ sắc, bá huê
    Đẹp hết chỗ chê
    Ngôi sao, tùng lộc
    Chiếu trải giường hộc
    Chiếu trải giường Tàu
    Chiếu trải giường trước
    Chiếu trải giường sau
    Chiếu nào cũng có đủ
    Trong gia chủ ai muốn mua thì mua

  • Một thương tóc bỏ đuôi gà

    Một thương tóc bỏ đuôi gà
    Hai thương ăn nói mặn mà có duyên
    Ba thương má lúm đồng tiền
    Bốn thương răng nhánh hạt huyền kém thua
    Năm thương cổ yếm đeo bùa
    Sáu thương nón thượng quai tua dịu dàng
    Bảy thương nết ở khôn ngoan
    Tám thương ăn nói dịu dàng thêm xinh
    Chín thương em ở một mình
    Mười thương con mắt có tình với ai.

  • Gặp anh, em đố mấy lời

    Gặp anh, em đố mấy lời
    Gì cao hơn núi gì dài hơn sông?
    Cái gì ăn lại no lòng
    Cái gì hồng hồng ăn lại đỏ môi?
    Cái gì hay ngáp hay ngồi?
    Cái gì cầm quạt đứng chơi vỗ đầu?
    Cái gì mà nhỏ như sâu?
    Cái gì đội đầu, gì lại kéo quân?
    Cái gì ngái lại nên ngưn?
    Cái gì rất gần mà lại nên xa?
    Cái gì có quả không hoa?
    Cái gì lắm cánh nở ra đầy cành?
    Cái gì mà lại có bành?
    Cái gì một mình mà lại có ang?
    Cái gì mà lắm quân quan?
    Cái gì nên đàn, gì lại nên say?
    Cái gì ăn với trầu cay?
    Cái gì thấp thoáng đợi ngày xe duyên?

  • Công anh đắp nấm, trồng chanh

    Công anh đắp nấm trồng chanh
    Ăn quả chẳng được, vin cành cho cam.
    Xin em đừng ra dạ bắc nam,
    Nhất nhật bất kiến như tam thu hề.
    Huống tam thu nhi bất kiến hề,
    Đường kia nỗi nọ như chia mối sầu.
    Chắc gì đâu đã hẳn hơn đâu,
    Cầu tre vững nhịp hơn cầu thượng gia
    Bắc thang lên thử hỏi trăng già
    Phải rằng phận gái hạt mưa sa giữa trời?
    May ra gặp được giếng khơi
    Vừa trong vừa mát lại nơi thanh nhàn
    Chẳng may số phận gian nan
    Lầm than cũng chịu, dễ phần nào cậy ai!
    Đã yêu nhau giá thú bất luận tài.

  • Ai làm Ngưu Chức đôi đàng

    Ai làm Ngưu Chức đôi đàng
    Để cho quân tử đa mang nặng tình
    Thuyền quyên lấp ló dạng hình
    Em đành chẳng chịu gởi mình cho anh
    Trách ai nỡ phụ lòng thành
    Đêm nằm thổn thức tam canh ưu sầu
    Ai làm ra cuộc biển dâu
    Gối luông chẳng đặng giao đầu từ đây

  • Tháng giêng ăn tết ở nhà

    Tháng giêng ăn tết ở nhà
    Tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè
    Tháng tư đong đậu nấu chè
    Ăn tết Đoan Ngọ trở về tháng năm
    Tháng sáu buôn nhãn bán trâm
    Tháng bảy ngày rằm, xá tội vong nhân
    Tháng tám chơi đèn kéo quân
    Trở về tháng chín chung chân buôn hồng
    Tháng mười buôn thóc, bán bông
    Tháng một tháng chạp nên công hoàn thành.

  • Anh muốn trông, anh lên Ba Dội anh trông

    Anh muốn trông, anh lên Ba Dội anh trông,
    Một Dội anh ngồi, hai Dội anh trông.
    Trống thu không ba hồi điểm chỉ,
    Anh ngồi anh nghĩ, thở ngắn, than dài.
    Trúc nhớ mai, thuyền quyên nhớ khách,
    Quan nhớ ngựa bạch, bóng lại nhớ câu
    Anh nhớ em đây biết bao giờ được,
    Đạo vợ chồng chẳng trước thời sau,
    Trăm năm xin chớ quên nhau.

  • Tôi chào cô Hai như sao mai rạng mọc

    Tôi chào cô Hai như sao Mai rạng mọc
    Tôi chào cô Ba như hạt ngọc lung linh
    Tôi chào cô Tư như thủy tinh trong vắt
    Tôi chào cô Năm như hương ngát bông lan
    Tôi chào cô Sáu như hào quang lóng lánh
    Tôi chào cô Bảy như cuốn sách chạm bìa vàng
    Tôi chào cô Tám như hai làng liễn cẩn
    Chào cô Chín như rồng ẩn mây xanh
    Chào cô Mười như chim oanh uốn lưỡi trên cành
    Chào rồi tôi chụp hỏi rành rành
    Hỏi căn cơ hà xứ phụ mẫu cùng huynh đệ thiểu đa
    Hỏi cho biết cửa biết nhà
    Nhờ ông mai tới nói, nay tới chết tôi cũng quyết giao hòa với một cô.

  • Năm voi anh đúc năm chuông

    Năm voi anh đúc năm chuông
    Năm cô anh đóng năm giường bình phong
    Còn một cô bé chửa chồng
    Lại đây anh kén cho bằng lòng cô
    Một là ông Cống, ông Đồ
    Hai là ông Bát, ông Đô cũng vừa
    Giả tên bà Nguyệt, ông Tơ
    Sớm đi cầu Thước, tối mơ mộng hùng
    Rồi ra, cửa lại treo cung
    Để cho cô đẻ, cô bồng cô ru
    Ru rằng: con bú, con nô
    Con lẫy, con bò, con chững, con đi
    Ngày sau con lớn kịp thì
    Con học, con viết, con thi cùng người

  • Hỡi người mặc áo nhuộm nâu

    Hỡi người mặc áo nhuộm nâu
    Tay bưng cơi trầu đi dạm gái choa
    Bưng vô rồi lại bưng ra
    Trai bây cờ bạc, gái choa không màng
    Gái choa là gái vẻ vang
    Khoét một cổ yếm khuyênh khoang ba vòng
    Trai bây như con mòng mòng
    Ăn rồi tắm mát chơi rong cả ngày
    Gái choa như ngọn trầu cay
    Ăn vào một miếng thơm bay nhiều mùi

  • Tháng giêng lúa mới chia vè

    Tháng giêng lúa mới chia vè
    Tháng tư lúa đã đỏ hoe đầy đồng
    Chị em đi sắp gánh gồng
    Đòn càn tay hái ta cùng ra đi
    Khó nghèo cấy mướn gặt thuê
    Lấy công đổi của chớ hề lụy ai
    Tháng hai cho chí tháng mười
    Năm mười hai tháng em ngồi em suy
    Vụ chiêm em cấy lúa đi
    Vụ mùa lúa ré, sớm thì ba giăng
    Thú quê rau cá đã từng
    Gạo thơm cơm trắng chi bằng tám xoan
    Việc nhà em liệu lo toan
    Khuyên chàng học tập cho ngoan kẻo mà
    Tháng sáu em cấy anh bừa
    Tháng mười em gặt anh đưa cơm chiều

  • Thấy anh hay chữ, em hỏi thử đôi lời

    Thấy anh hay chữ, em hỏi thử đôi lời
    Anh nhìn lên trời thấy sao mấy cái?
    Trâu ngoài đồng đực, cái mấy con?
    Chuối non mấy bẹ, chuối mẹ mấy tàu?
    Đất Ba Xuyên một mẫu mấy sào?
    Trai anh đối đặng, em mở rào cho anh vô
    – Anh nhìn trời cao thấy sao nhiều cái
    Trâu ngoài đồng đực, cái hai con
    Chuối non sáu bẹ, chuối mẹ mười hai tàu
    Đất Ba Xuyên một mẫu bảy mươi hai sào
    Anh đà đối đặng, em mở rào cho anh vô

  • Bài này có từ ngữ và/hoặc nội dung nhạy cảm.
    Hãy cân nhắc trước khi bấm xem.

    Năm xưa anh ở trên trời

    Năm xưa anh ở trên trời
    Đứt dây rớt xuống làm người trần gian
    Năm xưa anh vẫn đi hàn
    Là nghề truyền kiếp tông đàng nhà ta
    Anh hàn từ nồi bảy, nồi ba
    Gặp cô mười tám đem ra anh cũng hàn
    Cô này to lỗ, tốn than
    Đồng đâu mà đổ cho giàn lỗ ni
    Hết đồng anh lại pha chì
    Anh hàn chín tháng, cô thì thụ thai
    Sinh được thằng bé con trai
    Về sau giống bố, gặp ai cũng hàn.

  • Chim gì kêu suốt mùa hè

    Chim gì kêu suốt mùa hè,
    Nó kêu “nước nước” ven đê, ven đường?
    Chim gì kêu chẳng ai thương,
    Kêu ra người mắng tìm đường bay xa?
    Chim gì kêu giữa tháng ba,
    Giục chùm vải chín là đà bên sông?
    Chim gì nhảy nhót trên đồng,
    Trên lưng trâu đậu mà trông luống cày?
    Chim gì làm tổ trên cây,
    Chim gì sẵn đó đẻ ngay tức thì,
    Đẻ rồi chắp cánh bay đi,
    Ấp nở mặc trứng, con thì không nuôi?
    Chim gì mà lượn trên giời,
    Rình con gà nhỏ làm mồi nó ăn?
    Chim gì bé tị lăn tăn,
    Làm tổ cây ngáinhện chăng ven đường?
    Chim gì đuôi, cánh màu vàng,
    Véo von cho cả xóm làng đều thân?
    Chim gì bay ra ầm ầm?
    Chim gì ăn tối âm thầm đó ai?
    Chim gì hót đủ trăm bài?
    Chim gì mặt nguyệt xòe dài lông đuôi?
    Chim gì chả thấy ai nuôi,
    Chỉ đậu cửa điện, đứng nơi cửa đền?

    Là những loại chim gì?

    Chim cuốc kêu suốt mùa hè,
    Nó kêu “nước, nước” ven đê ven đường.
    Chim quạ kêu chẳng ai thương,
    Kêu ra người mắng, tìm đường bay xa.
    Tu hú kêu vào tháng ba,
    Giục chùm vải chín là đà ven sông.
    Sáo sậu nhảy nhót trên đồng,
    Trên lưng trâu đậu mà trông luống cày.
    Bồ các làm tổ trên cây,
    Tu hú đẻ đó liền ngay tức thì.
    Đẻ rồi chắp cánh bay đi,
    Ấp nở mặc trứng, con thì không nuôi.
    Diều hâu mà lượn trên giời,
    Rình con gà nhỏ làm mồi nó ăn.
    Chim sâu bé tị lăn tăn,
    Làm tổ cây ngái nhện chăng ven đường.
    Hoàng anh đuôi cánh màu vàng,
    Véo von cho cả xóm làng đều thân.
    Én, mòng bay lượn ầm ầm,
    Chim vạc ăn tối âm thầm đó ai.
    Chim khướu hót đủ trăm bài,
    Chim công mặt nguyệt xòe dài lông đuôi.
    Chim hạc chẳng thấy ai nuôi
    Chỉ đậu cửa điện, đứng nơi cửa đền.

     

     

  • Khoan khoan gá nghĩa

    Khoan khoan gá nghĩa
    Thủng thỉnh giao hòa
    Để cho em hỏi cửa nhà ra sao?
    Anh em thúc bá thế nào?
    Nói ra em biết âm hao em tường
    Hà miền, hà thị, hà phương,
    Hà quê, hà quán em chưa tường đục trong,
    Và đây lời hỏi sau cùng,
    Nói ra cho em biết đã tơ hồng đâu chưa ?
    – Xa xôi chi đó mà hỏi miền hỏi thị
    Lạ lùng chi em mà hỏi quán hỏi quê
    Bình Dương vốn thật quê chàng,
    Lánh nơi thành thị lạc đàng núi non
    Xuân xanh hai tám tuổi tròn,
    Hoa còn ẩn nhụy chờ bình đơm bông.

    Dị bản

    • Khoan khoan gá nghĩa
      Thủng thỉnh giao hòa
      Để cho em hỏi cửa nhà ra sao?
      Anh em thúc bá thế nào?
      Nói ra em biết âm hao em tường
      Hà miền, hà thị, hà hương,
      Hà quê, hà quán em chưa tường đục trong,
      Và đây lời hỏi sau cùng,
      Nói ra cho em biết đã tang bồng đâu chưa?
      – Xa xôi chi đó,
      Kẻ đơn người tống,
      Lạ lùng gì em phải hỏi han.
      Ở đây vốn thật quê chàng,
      Lánh nơi thành phố lạc đàng núi non.
      Xuân thu hai tám tuổi tròn,
      Hoa còn ẩn nhụy chờ bình đơm bông .

Chú thích

  1. Cá lóc
    Còn có các tên khác là cá tràu, cá quả tùy theo vùng miền. Đây là một loại cá nước ngọt, sống ở đồng và thường được nuôi ở ao để lấy giống hoặc lấy thịt. Thịt cá lóc được chế biến thành nhiều món ăn ngon. Ở miền Trung, cá tràu và được coi là biểu tượng của sự lanh lợi, khỏe mạnh, vì thế một số nơi có tục ăn cá tràu đầu năm.

    Cá lóc

    Cá lóc

  2. Sặt
    Một loại cây, thuộc họ cây trúc rừng, thân nhỏ, rất thẳng và chắc, sống nơi có khí hậu ẩm, mát mẻ. Cây phát triển chậm nhưng tươi tốt quanh năm. Măng sặt chỉ to cỡ chuôi liềm, trắng nõn, mềm và ngọt, rất dễ chế biến.

    Măng sặt

    Măng sặt

  3. Bẫy dò
    Gọi tắt là dò, một loại bẫy đặt dưới đất đễ bẫy các loại chim, gà rừng. Bẫy dò được làm rất công phu bằng những sợi mây cực dẻo, kết hợp với những sợi thòng lọng làm bằng các loại dây mảnh và chắc (dây gai, tơ tằm…), cài trên những vùng các loại chim hay qua lại kiếm ăn. Dò có nhiều cỡ: lớn, nhỏ, dài, ngắn… để đánh bắt các loại chim khác nhau.

    Hình vẽ bẫy dò

    Hình vẽ bẫy dò

  4. Quạ
    Còn gọi là ác, loài chim có bộ lông màu đen đặc trưng, ăn tạp. Theo mê tín dân gian, quạ có thể đem lại điềm xui xẻo.

    Con quạ

    Con quạ

  5. Làm chay
    Làm lễ cúng để cầu cho linh hồn người chết được siêu thoát, theo quan niệm dân gian.
  6. Cu gáy
    Một loài chim bồ câu, lông xám, bụng và đầu có phớt hồng, lưng và quanh cổ có chấm đen như hạt cườm.

    Chim cu gáy

  7. Cồng cộc
    Tên gọi miền Nam của chim cốc đế, một loại chim làm tổ trong các rừng ngập mặn đồng bằng sông Cửu Long. Chim có đầu, mào, cổ toàn bộ mặt lưng và đuôi màu đen, cánh xanh lục hay tím đỏ. Thức ăn chủ yếu là cá.

    Chim cồng cộc

    Chim cồng cộc

  8. Nghi nga
    Thả sức, tha hồ.
  9. Sáo sậu
    Còn được gọi là cà cưỡng, một chi chim thuộc họ Sáo, vì vậy mang các đặc tính họ này như: thích sống vùng nông thôn rộng thoáng, chủ yếu ăn sâu bọ và quả, hay làm tổ trong các hốc, lỗ và đẻ các trứng màu xanh lam hay trắng. Họ Sáo, đặc biệt là sáo sậu, có khả năng bắt chước âm thanh từ môi trường xung quanh, kể cả tiếng còi ô tô hay giọng nói con người. Các loài trong chi này có thân nhỏ, lông thường màu đen hoặc đen xám, tím biếc hoặc xanh biếc, mỏ và chân màu vàng. Ở nước ta, loại chim này được nuôi phổ biến để dạy cho nói tiếng người.

    Sáo sậu

    Sáo sậu

  10. Cương thường
    Cũng đọc là cang thường, cách nói tắt của tam cương ngũ thường, một khái niệm về đạo lí của Nho giáo trong chế độ phong kiến dành cho nam giới. Tam cương nghĩa là ba giềng mối (cương là đầu mối của lưới, nắm được cương thì các mắt lưới sẽ giương lên), gồm có quân thần (vua tôi), phụ tử (cha con), và phu phụ (chồng vợ). Ngũ thường (năm đức tính phải có) gồm: Nhân (đức khoan dung), lễ (lễ độ), nghĩa (đạo nghĩa), trí (trí tuệ) và tín (lòng thành thật).

    Trong ca dao - dân ca, đạo cang thường thường dùng để chỉ tình cảm vợ chồng.

  11. Ngũ đẳng
    Năm đẳng cấp phong cho quan chức thời phong kiến, theo thứ tự từ trên xuống thấp là công, hầu, bá, tử, nam. Trên ngũ đẳng là vương. Cách phân cấp này bắt nguồn từ Trung Hoa cổ đại.
  12. Hầu
    Mong (thực hiện được điều gì đó).
  13. Thậm
    Rất, lắm.
  14. Tể tướng
    Chức quan cao nhất dưới thời phong kiến, có nhiệm vụ thay mặt vua để giải quyết chuyện chính sự của một đất nước. Tùy theo thời đại, vị trí này có thể có tên là thừa tướng hoặc tướng quốc. Nước ta có các tể tướng nổi danh như Nguyễn Quán Nho, Lý Đạo Thành, Tô Hiến Thành, Trần Thủ Độ...

    Tể tướng Nguyễn Quán Nho

    Tể tướng Nguyễn Quán Nho

  15. Cấm cung
    Cấm không được phép ra khỏi nhà, không được phép tự do tiếp xúc với người ngoài (thường nói về con gái nhà quyền quý thời phong kiến).
  16. Chường
    Chàng (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  17. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  18. Cổ đồ bát bửu
    Bức tranh cổ vẽ tám món đồ quý – xem thêm về Bát bửu.
  19. Ngũ sắc, bá huê
    Năm màu, trăm hoa.
  20. Tùng lộc
    Cây tùng và con nai. Tùng tượng trưng cho sức sống bền bỉ và tuổi thọ, còn nai tượng trưng cho địa vị (lộc cũng đồng âm với tài lộc), vì vậy tranh vẽ, tranh khắc gỗ, họa tiết gốm… trong dân gian thường vẽ tùng lộc.

    Tranh tùng lộc

    Tranh tùng lộc

  21. Giường hộc
    Loại giường phía dưới có hộc có thể kéo ra vào, để đựng quần áo, đồ đạc.
  22. Giường Tàu
    Một loại giường theo kiểu Trung Hoa, có thành cao xung quanh.
  23. Gia chủ
    Chủ nhà (từ Hán Việt).
  24. Huyền
    Một loại đá màu đen nhánh, dùng làm đồ trang sức. Cũng chỉ màu đen nhánh như hạt huyền.

    Chuỗi hạt huyền

    Chuỗi hạt huyền

  25. Răng đen
    Người xưa có phong tục nhuộm răng đen. Từ điển Văn hoá cổ truyền Việt Nam, Nhà xuất bản Thế giới, 2002, trang 511, nói về nhuộm răng như sau:

    "Phong tục người Việt cổ coi răng càng đen càng đẹp. Trước khi nhuộm đen phải nhuộm đỏ. Thuốc nhuộm răng đỏ là cánh kiến đỏ trộn với rượu rồi đun quánh như bột nếp. Quét bột này lên mảnh lá chuối hột ấp vào răng trước khi đi ngủ. Làm nhiều lần cho đến khi hàm răng bóng ánh nổi màu cánh gián. Thuốc nhuộm đen: phèn đen, vỏ lựu khô, quế chi, hoa hồi, đinh hương nghiền nhỏ, hòa giấm hoặc rượu, đun cho quánh như hồ dán. Quét lên lá chuối đắp lên răng như nhuộm đỏ. Từ 5 đến 7 ngày thuốc mới bám vào răng, nổi màu đen thẫm rồi đen bóng. Súc miệng bằng nước cốt dừa. Kiêng ăn thịt mỡ, cua cá, vật cứng, nóng. Có khi chỉ nuốt cơm hoặc húp cháo. Kể cả nhuộm đỏ và đen, thời gian kéo dài đến nửa tháng."

    Xem phóng sự về phong tục nhuộm răng và ăn trầu.

    Răng đen

    Răng đen

  26. Áo yếm đeo bùa
    Một kiểu áo của phụ nữ ngày xưa. Người mặc yếm đeo thêm một cái bùa nhỏ, vừa để làm đẹp vừa có ý nghĩa tâm linh.
  27. Nón quai thao
    Còn gọi là nón ba tầm, nón thúng, một loại nón xưa của phụ nữ đồng bằng Bắc Bộ. Nón làm bằng lá gồi hoặc lá cọ, mặt nón rộng 70 - 80 cm, hình bánh xe, đỉnh bằng, có vành cao độ 10 - 12 cm. Mặt dưới nón gắn một vành tròn vừa đầu người đội, gọi là khua. Quai nón dài, khi đội thì thả võng đến thắt lưng, người đội dùng tay giữ quai. Quai nón làm bằng từ một 1 tới 8 dây thao đen kết bằng tơ, chỉ, ngoài bọc tơ dệt liên tục. Đời nhà Trần, nón này được cải tiến cho cung nữ đội và gọi là nón thượng.

    Phụ nữ Hà Nội đội nón quai thao (đầu thế kỉ 20).

    Phụ nữ Hà Nội đội nón quai thao (đầu thế kỉ 20).

  28. Xa ngái
    Xa xôi, rất xa. Ngái nghĩa là xa (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  29. Bành
    Ghế có lưng tựa, tay vịn, được mắc chặt trên lưng voi.

    Bành voi

    Bành voi

  30. Ang
    Đồ dùng bằng đất, hình dạng như cái nồi hoặc chậu, dùng để đựng nước hoặc thức ăn cho lợn. Có loại bằng đồng, dùng để đựng trầu.
  31. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  32. Tàu
    Cách nhân dân ta gọi nước Trung Quốc hay người Trung Quốc (người Hoa), thường có ý khinh miệt. Theo học giả An Chi, chữ này có gốc từ tào 曹 (quan lại). Bác sĩ Trần Ngọc Ninh giảng là do chữ Tào là họ cuả Ngụy Tào Tháo. Lại có tên Ba Tàu, đến nay vẫn chưa thống nhất nguồn gốc của tên này.
  33. Ngô
    Trung Quốc. Thời Lê - Mạc, dân ta gọi nước Trung Quốc là Ngô, gọi người Trung Quốc là người Ngô.
  34. Phướn
    Cũng gọi là phiến hoặc phan, một loại cờ của nhà chùa, thường treo dọc, hình dải hẹp, phần cuối xẻ như đuôi cá.

    Phướn

    Phướn

  35. Bảo phướn
    Một loại phướn dùng trong các nghi lễ tôn giáo, chủ yếu của Phật Giáo, nhưng cũng được nhiều tôn giáo khác sử dụng.

    Bảo phướn

    Bảo phướn

  36. Có bản chép: "bóng phướn".
  37. An Nam
    Tên gọi của nước ta trong một số giai đoạn lịch sử. Tiêu biểu nhất có lẽ là dưới thời kì đô hộ của thực dân Pháp, khi nước ta bị chia thành ba kỳ.
  38. Thuyền thúng
    Một loại thuyền làm từ thúng lớn, trét dầu rái để không bị ngấm nước.

    Chèo thuyền thúng.

    Chèo thuyền thúng.

  39. Một loại vải dệt thưa, thường dùng để may màn hoặc may tang phục.
  40. Nhất nhật bất kiến như tam thu hề
    Trích từ bài Thái Cát thuộc Kinh Thi. Câu đầy đủ là:

    Bỉ thái tiêu hề,
    Nhất nhật bất kiến
    Như tam thu hề.

    Nghĩa là: Người đi cắt cỏ tiêu, một ngày không thấy nhau, tựa như ba thu (chín tháng) chưa gặp.

  41. Huống chi ba mùa thu đã trôi qua mà không hề gặp mặt (nghĩa Hán Việt).
  42. Cầu thượng gia
    Tên đầy đủ là "thượng gia hạ kiều," một cấu trúc cầu có phía trên là nhà, phía dưới là cầu, thường gặp nhất ở các tỉnh Bắc Bộ. Cầu thường là nơi nối liền đôi bờ giữa khung cảnh có cây cao, bóng cả, lòng sông vừa phải, thuận tiện thi công vòm trụ, mái cầu giúp người bộ hành khi vào cầu có thể trú mưa, tránh nắng, an toàn như mái nhà của mình. Trạng nguyên Phùng Khắc Khoan được cho là người tạo nên kiến trúc cầu này.

    Cầu thượng gia

    Cầu thượng gia

  43. Giá thú bất luận tài
    Cưới xin không cần bàn đến tiền bạc (thành ngữ Hán Việt).
  44. Ngưu Lang, Chức Nữ
    Còn có các tên chàng Ngưu ả Chức hay ông Ngâu bà Ngâu, hai nhân vật trong truyện cổ tích Ngưu Lang Chức Nữ có mặt trong văn hóa của cả Việt Nam và Trung Quốc. Trong phiên bản Việt Nam, Ngưu Lang là vị thần chăn trâu của Ngọc Hoàng, còn Chức Nữ là một tiên nữ dệt vải, vì say mê nhau nên trễ nải công việc. Ngọc Hoàng giận dữ, bắt cả hai phải ở cách xa nhau, người ở đầu kẻ ở cuối sông Ngân, và chỉ được gặp nhau mỗi năm một lần vào đêm rằm tháng Bảy âm lịch, trên một cây cầu do đàn quạ bắc nên (gọi là cầu Ô Thước). Khi tiễn biệt nhau, Ngưu Lang và Chức Nữ khóc sướt mướt, nước mắt của họ rơi xuống trần hóa thành cơn mưa, người trần gọi là mưa ngâu.
  45. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  46. Quân tử
    Hình mẫu con người lí tưởng theo Nho giáo. Quân tử là người ngay thẳng, đứng đắn, công khai theo lẽ phải, trung thực và cẩn trọng.
  47. Đa mang
    Tự vương vấn vào nhiều tình cảm để rồi phải đeo đuổi, vấn vương, dằn vặt không dứt ra được.

    Thôi em chả dám đa mang nữa
    Chẳng buộc vào chân sợi chỉ hồng

    (Xuân tha hương - Nguyễn Bính)

  48. Thuyền quyên
    Gốc từ chữ thiền quyên. Theo từ điển Thiều Chửu: Thiền quyên 嬋娟  tả cái dáng xinh đẹp đáng yêu, cho nên mới gọi con gái là thiền quyên.

    Trai anh hùng, gái thuyền quyên
    Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng

    (Truyện Kiều)

  49. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  50. Bể dâu
    Từ tiếng Hán thương hải tang điền (biển xanh, nương dâu). Tiếng Việt ta có thành ngữ là bãi bể nương dâu. Theo Thần tiên truyện, tiên nữ Ma Cô nói với Vương Phương Bình rằng "Từ khi được hầu tiếp ông đến nay đã thấy biển xanh ba lần biến thành nương dâu."

    Các từ ngữ bể dâu, bãi bể nương dâu, dâu biển (biển dâu) đều chỉ sự biến đổi, thăng trầm của cuộc đời.

    Trải qua một cuộc bể dâu
    Những điều trông thấy mà đau đớn lòng

    (Truyện Kiều)

  51. Luông
    Cách may giấu đường chỉ một bên. Đối với luông là ép, cách may để lộ đường chỉ ra cả hai bên.
  52. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  53. Đoan Ngọ
    Còn gọi là tết giết sâu bọ, tết đoan dương, đoan ngũ, tổ chức ngày năm tháng năm âm lịch, là ngày tết truyền thống ở ta cũng như Trung Quốc và Triều Tiên. Truyền thuyết về ngày tết này ở mỗi nước đều khác nhau. Trong ngày này, dân ta thường uống rượu nếp hay ăn cơm rượu, bánh tro và các loại trái cây để cho sâu bọ trong người say và chết.

    Những món dùng trong ngày tết Đoan Ngọ

    Những món dùng trong ngày tết Đoan Ngọ

  54. Trâm
    Một loại cây gỗ cao, tán rộng, có quả nạc nhỏ hình bầu dục thon, xanh lúc ban đầu, khi chín chuyển sang màu hồng và cuối cùng có màu tím đen, ăn có vị ngọt chát.

    Quả trâm chín

    Quả trâm chín

  55. Xá tội vong nhân
    Xá tội: tha tội, vong nhân: người chết. Thời xưa quan niệm khi người ta chết, ai có tội sẽ bị giam dưới âm phủ, đến rằm tháng bảy (âm lịch) thì được Diêm Vương tha cho về dương thế một ngày. Do vậy cứ đến ngày này mỗi năm, người trần lại cúng cháo, gạo, muối, tiền vàng, quần áo... cho quỷ đói để chúng không quấy nhiễu.
  56. Đèn kéo quân
    Còn gọi là đèn cù, là một loại đồ chơi bằng giấy có nguồn gốc từ Trung Quốc, ngày xưa phổ biến trong nhiều dịp lễ tết, nay chỉ còn xuất hiện trong dịp Tết Trung Thu. Đèn có đặc điểm khi thắp nến thì những hình ảnh được thiết kế bên trong sẽ hiện ra trên mặt đèn và xoay vòng theo một chiều liên tục không dừng lại.

    Đèn kéo quân

    Đèn kéo quân

  57. Chung chân
    Góp vốn buôn bán chung với nhau.
  58. Tháng một
    Tháng thứ mười một trong âm lịch, tục gọi là tháng Một (không phải là nói tắt của "tháng Mười Một").
  59. Tam Điệp
    Tên một dãy núi nằm giữa Ninh Bình và Thanh Hóa, chạy ra biển theo hướng Tây Bắc–Đông Nam, gồm có 3 ngọn. Trên dãy núi này cũng có đèo Tam Điệp, con đường thiên lý cổ thời phong kiến từ Thăng Long vào Nam, đi qua 3 đoạn đèo: Đèo phía Bắc, đèo phía Nam, và đèo Giữa. Đèo Tam Điệp cũng có tên dân gian là Ba Dội (dội tiếng Việt cổ nghĩa là đợt, lớp).

    Một đèo, một đèo, lại một đèo,
    Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo.
    Cửa son đỏ loét tùm hum nóc,
    Hòn đá xanh rì lún phún rêu.

    (Đèo Ba Dội - Hồ Xuân Hương)

    Phòng tuyến Tam Điệp

    Phòng tuyến Tam Điệp

  60. Thu không
    (Trống hoặc chiêng) đánh vào mỗi mỗi chiều tối, lính huyện thu quân và đóng cổng thành (thành bảo vệ huyện đường) sau khi xem xét trong thành không có gì khả nghi.

    Kiều từ trở gót trướng hoa,
    Mặt trời gác núi chiêng đà thu không.

    (Truyện Kiều)

  61. Sao Kim
    Hành tinh thứ hai trong hệ Mặt Trời, khi xuất hiện lúc chiều tối thì được gọi là sao Hôm, khi xuất hiện lúc sáng sớm thì được gọi là sao Mai. Người xưa lầm tưởng sao Hôm và sao Mai là hai ngôi sao riêng biệt. Trong thi ca, sao Hôm là hoán dụ của hoàng hôn, còn sao Mai là hoán dụ của bình minh.
  62. Lan
    Tên chung của một họ cây thân thảo lưu niên, thường cho hoa đẹp, do đó được trồng rất phổ biến. Hoa lan rất đa dạng về màu sắc và hình dạng, nhưng hoa của tất cả những loài lan đều có cấu tạo gồm ba lá đài và ba cánh hoa, trong đó có một cánh môi, luôn to hơn và có hình dạng rất khác hai cánh hoa còn lại. Vì ba lá đài của hoa lan khá giống với những cánh hoa chính nên thường có sự nhầm lẫn là hoa lan có sáu cánh. Hoa lan thường được chia làm phong lan, sống trên những thân gỗ mục lơ lửng trên cao, và địa lan, mọc trên lớp đất mùn. Hoa lan ưa nơi râm mát và độ ẩm cao nên những khu rừng và cao nguyên ở nước ta như Nam Cát Tiên, Tây Nguyên, Yên Bái, Sa Pa là nơi sống của nhiều loài lan quý như giả hạc, ngọc điểm, lan hài, ...

    Lan ngọc điểm (còn gọi là nghênh xuân hay đai châu)

    Lan ngọc điểm (còn gọi là nghênh xuân hay đai châu)

  63. Liễn
    Dải vải hoặc giấy, hoặc tấm gỗ dài dùng từng đôi một, trên có viết câu đối, thường mang ý nghĩa tốt đẹp, cầu hạnh phúc may mắn cho chủ nhà. Liễn thường được treo song song với nhau, gọi là cặp (đôi) liễn.

    Liễn

    Liễn

  64. Oanh
    Tên gọi chung của một số loài chim có bộ lông đẹp và giọng hát hay. Trong văn chương cổ, chim oanh tượng trưng cho điều cao quý.

    Gần xa nô nức yến oanh
    Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân

    (Truyện Kiều)

    Chim oanh cổ đỏ

    Chim oanh cổ đỏ

  65. Cha mẹ quê quán ở đâu, anh chị em nhiều hay ít.
  66. Làm mai
    Còn gọi là làm mối, mai mối. Người làm mai gọi là ông (bà) mối hay ông (bà) mai, là người đứng trung gian, giới thiệu cho hai bên trai gái làm quen hoặc cưới nhau.
  67. Nghĩa giao hòa
    Nghĩa vợ chồng (dùng trong ca dao dân ca).
  68. Bình phong
    Bức vách làm bằng các tấm gỗ, mây tre đan hoặc gạch đất. Ngoài tác dụng chắn gió hoặc ngăn không gian trong nhà, bình phong còn dùng để trang trí.

    Bình phong tứ quý (mai, lan, cúc, trúc)

    Bình phong tứ quý (mai, lan, cúc, trúc)

  69. Chửa
    Chưa (từ cổ, phương ngữ).
  70. Cống
    Học vị dành cho những người thi đỗ khoa thi Hương dưới chế độ phong kiến.

    Nào có ra gì cái chữ Nho
    Ông Nghè, ông Cống cũng nằm co

    (Chữ Nho - Tú Xương)

  71. Thầy đồ
    Người dạy chữ Nho cho trẻ con ngày xưa.

    Thầy đồ, thầy đạc
    Dạy học, dạy hành
    Vài quyển sách nát
    Dăm thằng trẻ ranh

    (Tú Xương)

    Thầy đồ dạy học trò

    Thầy đồ dạy học trò

  72. Bát
    Bát phẩm. Ở một số triều đại phong kiến ngày trước, cấp bậc quan lại được chia theo phẩm trạch, cao nhất là nhất phẩm, thấp nhất là cửu phẩm.
  73. Đô
    Đô úy, một chức quan chuyên trông coi về mặt quân sự một quận dưới thời phong kiến.

    Cử nhân: cậu ấm Kỷ
    Tú tài: con đô Mỹ
    Thi thế cũng là thi
    Ới khỉ ơi là khỉ!

    (Than sự thi - Tú Xương)

  74. Cầu Ô Thước
    Chiếc cầu trong điển tích Ngưu Lang - Chức Nữ, tượng trưng cho sự sum họp đôi lứa.
  75. Mộng hùng
    Nằm mơ thấy con gấu. Từ này lấy từ một điển cố trong Kinh Thi, đại ý nói nằm mộng thấy gấu là điềm sinh con trai. Người sau hay lấy câu Mộng hiệp hùng bi làm lời chúc mừng người sinh con trai.
  76. Lẫy
    Động tác lật người từ nằm ngửa sang nằm sấp của em bé.
  77. Nâu
    Cũng gọi là bồ nâu, một loại cây mọc hoang ở vùng núi, có củ hình tròn, vỏ sần sùi, màu xám nâu, thịt đỏ hay hơi trắng, rất chát. Củ nâu có thể dùng để nhuộm (gọi là nhuộm nâu), luộc ăn, hoặc làm vị thuốc.

    Củ nâu

    Củ nâu

  78. Cơi trầu
    Một đồ dùng thường làm bằng gỗ, phủ sơn, trông như một cái khay tròn có nắp đậy, dùng để đựng trầu. Tục xưa khi khách đến nhà, chủ thường mang cơi trầu ra mời khách ăn trầu.

    Cơi đựng trầu

    Cơi đựng trầu

  79. Choa
    Tôi, tao, mình. Cách xưng hô của ngôi thứ nhất (phương ngữ của một số tỉnh miền Trung).
  80. Yếm
    Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

  81. Mòng
    Cũng gọi là mòng mòng hoặc ruồi trâu, loài ruồi lớn chuyên hút máu trâu bò, truyền nhiễm bệnh dịch ở gia súc.

    Ruồi trâu

    Ruồi trâu

  82. Nhánh cây.
  83. Lụy
    Nhẫn nhịn, chiều theo ý người khác vì cần nhờ vả họ.
  84. Chiêm
    (Lúa hay hoa màu) gieo cấy ở miền Bắc vào đầu mùa lạnh, khô (tháng mười, tháng mười một) và thu hoạch vào đầu mùa nóng, mưa nhiều (tháng năm, tháng sáu), phân biệt với mùa. Đây cũng là cách gọi tắt của "lúa chiêm." Theo sách Vân Đài Loại Ngữ của Lê Quý Đôn, người Việt trước đây đã học cách trồng một số giống lúa gieo vào mùa đông, thu hoạch vào mùa hạ từ người Chiêm Thành, nên gọi là lúa chiêm hay lúa chăm.

    Cấy lúa chiêm

    Cấy lúa chiêm

  85. Lúa ré
    Cũng gọi là lúa gié, một loại lúa mùa truyền thống, hạt lúa nhỏ, cơm ngon.
  86. Lúa Ba Trăng
    Một giống lúa cổ ở nước ta, thời xưa được trồng nhiều ở Nghệ An, từ lúc gieo mạ tới lúc lúa chín vừa vặn ba tháng. Lúa Ba Trăng cho gạo trắng, cơm dẻo, nhiều bột. (Theo Vân Đài Loại Ngữ, Lê Quý Đôn).
  87. Gạo tám xoan
    Cũng gọi là gạo tám thơm, loại gạo hạt nhỏ và dài, khi nấu thành cơm thì dẻo và thơm đặc biệt.

    Gạo tám xoan Hải Hậu

    Gạo tám xoan Hải Hậu

  88. Ba Xuyên
    Tên một phủ dưới thời nhà Nguyễn, gồm ba tổng: Vĩnh Định, Phong Nhiêu và Phong Thạnh. Từ năm 1889, Pháp nâng phủ lên thành tỉnh, lấy tên cũ là Sóc Trăng.
  89. Mẫu
    Đơn vị đo diện tích ruộng đất, bằng 10 sào tức 3.600 mét vuông (mẫu Bắc Bộ) hay 4.970 mét vuông (mẫu Trung Bộ).
  90. Sào
    Một đơn vị đo diện tích cũ ở nước ta trước đây. Tùy theo vùng miền mà sào có kích thước khác nhau. Một sào ở Bắc Bộ là 360 m2, ở Trung Bộ là 500 m2, còn ở Nam Bộ là 1000 m2.
  91. Đà
    Đã (từ cổ, phương ngữ).
  92. Tông đường
    Tổ tông, dòng họ (từ Hán Việt). Ở miền Nam, từ này cũng được phát âm thành tông đàng.
  93. Nồi bảy, nồi ba
    Cách phân loại độ lớn của nồi thời xưa. Nồi bảy nấu được bảy lon gạo, nồi ba nấu được ba lon.
  94. Ni
    Này, nay (phương ngữ miền Trung).
  95. Có bản chép: cô dì mình thụ thai.
  96. Đê
    Một lũy đất nhân tạo hay tự nhiên kéo dài dọc theo các bờ sông hoặc bờ biển để ngăn lũ lụt.

    Đường đê

    Đường đê

  97. Vải
    Tên Hán Việt là lệ chi, một loại cây ăn quả thân gỗ vùng nhiệt đới. Quả có lớp vỏ màu đỏ, sần sùi dễ bóc, bên trong là lớp cùi thịt màu trắng mờ, ăn rất ngọt. Quả được thu hoạch vào mùa hè.

    Vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang)

    Vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang)

  98. Giời
    Trời (phương ngữ Bắc và Bắc Trung Bộ).
  99. Ngái
    Một loại cây thuộc họ dâu tằm, có tên khác là sung ngái, dã vô hoa. Theo kinh nghiệm dân gian, tất cả các bộ phận của cây ngái đều có tác dụng chữa bệnh.

    Cây ngái

    Cây ngái

  100. Mặt nguyệt
    Một loại họa tiết cổ gồm một hình dĩa tròn tựa trên mấy cụm mây, thường xuất hiện trên mái đình, chùa. Họa tiết này thường kèm theo hình hai con rồng.

    Mặt nguyệt ở giữa hai con rồng trong họa tiết "rồng chầu mặt nguyệt"

    Mặt nguyệt ở giữa hai con rồng trong họa tiết "rồng chầu mặt nguyệt"

  101. Cuốc
    Còn gọi là chim quốc, con nghịt, một loại chim nhỏ thường gặp ngoài đồng ruộng, có tiếng kêu "cuốc, cuốc." Tương truyền chim cuốc (cũng gọi là chim đỗ quyên, xin xem chi tiết ở chú thích Đỗ quyên) là do vua Thục Đế mất nước khóc đến chảy máu mắt, chết đi hóa thành.

    Chim cuốc

    Chim cuốc

  102. Liên tưởng từ mô phỏng tiếng kêu "cuốc, cuốc" của loài chim này, đồng âm với "quốc, quốc" (Tiếng Hán Việt nghĩa là "nước").
  103. Tu hú
    Một loài chim có kích cỡ khá lớn, ăn quả và côn trùng, có tiếng kêu to dễ phân biệt. Chúng là chim đẻ nhờ, đẻ trứng của mình vào tổ của các loài chim khác, đặc biệt vào tổ của các loài chim dạng sẻ.

    Chim tu hú

    Chim tu hú

  104. Ác là
    Còn có tên là bồ các, một loại chim lớn (có thể dài từ 40-50 cm) có đầu, cổ và ngực màu đen bóng, bụng và vai màu trắng. Ác là loài ăn tạp, chúng có thể ăn từ chim non tới trứng, thú, sâu bọ nhỏ, hạt ngũ cốc và nhiều thứ khác. Có lẽ vì vậy trong ca dao dân ca, ác là thường tượng trưng cho điều xấu hoặc những kẻ độc ác. Tuy nhiên trong văn hóa Trung Quốc, ác là lại có tên là hỉ thước, tượng trưng cho điềm lành.

    Bồ các (ác là)

    Ác là

  105. Diều hâu
    Loài chim dữ, mỏ quặp, có thị lực rất sắc bén, hay bắt gà, chuột, rắn.

    Một loại diều hâu

    Một loại diều hâu

  106. Chim sâu
    Tên chung của một số loài chim nhỏ như chim sẻ, thường ăn mật hoa, quả mọng, nhện và sâu bọ.

    Chim sâu bình nguyên

    Chim sâu bình nguyên

  107. Hoàng anh
    Còn gọi là chim vàng anh hay hoàng oanh, là loài chim di cư nhỏ, ăn côn trùng và quả cây. Hoàng anh trống nổi bật với bộ lông vàng và đen, hoàng anh mái có bộ lông vàng ánh xanh lục.

    Chim Hoàng Anh (Chim Vàng Anh)

    Chim Hoàng Anh

  108. Én
    Loài chim nhỏ, cánh dài nhọn, đuôi chẻ đôi, mỏ ngắn, thường bay thành đàn.

    Chim én

    Chim én

  109. Hải âu
    Còn gọi là chim mòng hay mòng biển. Là loài chim có kích thước từ trung bình tới lớn, thường có màu xám hay trắng, với các đốm đen trên đầu hay cánh, mỏ dài khỏe, chân có màng bơi. Người đi biển có thể xem chim hải âu bay để dự đoán thời tiết.

    Chim mòng (hải âu)

    Chim hải âu

  110. Vạc
    Một loại chim có chân cao, cùng họ với diệc, , thường đi ăn đêm, tiếng kêu rất to.

    Vạc

    Vạc

  111. Khướu
    Loại chim nhỏ, lông dày xốp, thường có màu xỉn, cánh tròn, chân khỏe và cao, thích nghi với việc di chuyển trên mặt đất và các cành cây. Chim khướu có nhiều loài khác nhau, có tiếng hót hay và vang xa nên thường được nuôi làm cảnh.

    Chim khướu

    Chim khướu

  112. Công
    Một loài chim thuộc họ Trĩ, có tên Hán Việt là khổng tước. Chim trống bộ lông có màu lục óng ánh, đuôi rất dài, có màu lục ánh đồng, mỗi lông ở mút có sao màu lục xanh, đỏ đồng, vàng, nâu. Mào dài, hẹp thẳng đứng, phần mặt của nó có màu vàng và xanh, khi nó múa đuôi xòe ra hình nan quạt để thu hút chim mái. Công mái không có đuôi dài và đẹp như công trống.

    Chim công

    Chim công

  113. Hạc
    Loại chim cổ cao, chân và mỏ dài. Trong Phật giáo và văn chương cổ, hạc tượng trưng cho tuổi thọ hoặc tính thanh cao của người quân tử. Trước cửa các điện thờ thường có đôi hạc đá chầu.

    Đỉnh Hoa biểu từ khơi bóng hạc
    Gót Nam Du nhẹ bước tang bồng

    (Nhị thập tứ hiếu)

    Tranh vẽ hạc

    Tranh vẽ hạc

  114. Chim hạc nói đây là chim hạc bằng gỗ sơn hoặc bằng đồng

    Hạc gỗ trang trí nơi thờ phượng

    Hạc gỗ trang trí nơi thờ phượng

  115. Gá nghĩa
    Kết nghĩa (gá nghĩa vợ chồng, gá nghĩa anh em), tiếng miền Nam còn đọc trại thành gá ngãi.
  116. Âm hao
    Tin tức. Như âm háo 音耗  tăm hơi. Ta quen đọc là âm hao (từ điển Thiều Chửu).

    Cố hương đệ muội âm hao tuyệt,
    Bất kiến bình an nhất chỉ thư.
    Dịch thơ:
    Xa cách các em tin tức bặt
    Bình yên mấy chữ thấy đâu mà.

    (Sơn cư mạn hứng - Nguyễn Du, người dịch: Nguyễn Thạch Giang)

  117. Tường
    Rõ ràng, hiểu rõ, nói đủ mọi sự không thiếu tí gì. Như tường thuật 詳述  kể rõ sự việc, tường tận 詳盡  rõ hết sự việc (Thiều Chửu).
  118. nghĩa là "sao, thế nào" (từ Hán Việt). Câu này có thể hiểu nôm na là quê quán ở vùng nào, thành phố nào.
  119. Bình Dương
    Một tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, có tỉnh lị là thành phố Thủ Dầu Một, cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 30 cây số. Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai lập thành tam giác kinh tế mũi nhọn của miền Nam.

    Vòng xoay ngã 6 Bình Dương

    Vòng xoay ngã 6 Bình Dương

  120. Thúc bá
    Chú bác (từ Hán Việt).
  121. Tang bồng
    Cung bằng gỗ dâu (tang) và tên bằng cỏ bồng. Theo Kinh Lễ, khi nhà vua sinh con trai, quan coi việc bắn sẽ lấy cung bằng gỗ dâu và tên bằng cỏ bồng, bắn bốn phát ra bốn hướng, một phát lên trời, một phát xuống đất, ngụ ý rằng người làm trai chí ở bốn phương, tung hoành trời đất, giúp nước giúp đời. Chí làm trai vì thế gọi là chí tang bồng.