Tìm kiếm "bóng người"

  • Quảng Nam là xứ tỉnh ta

    Quảng Nam là xứ tỉnh ta
    Trong là Quảng Ngãi, ngoài là Thừa Thiên
    Phía đông là biển sát miền
    Phía tây có núi, gần miền Ai Lao
    Đà Nẵng tàu lớn ra vào
    Hội An là phố đông người bán buôn
    Sông xanh một dải Thu Bồn
    Sông từ chợ Củi đến nguồn Ô Gia
    Tỉnh thành đóng tại La Qua
    Hội An toà sứ vốn là việc quan
    Bốn phủ, bốn huyện mọi đàng
    Quan viên cai trị luận bàn việc dân
    Đá than thì ở Nông Sơn
    Bồng Miêu vàng bạc, Quế Sơn có chè
    Thanh Châu buôn bán nghề ghe
    Thanh Hà vôi ngói, mía che Đa Hoà
    Phú Bông dệt lụa, dệt sa
    Kim Bồng thợ mộc, Ô Gia thợ rừng
    Ngà voi, tê giác, gỗ rừng
    Trân châu hải vị chẳng từng thiếu chi
    Tỉnh ta giàu nhất Trung kỳ
    Nên ta phải học lấy nghề tự sinh…

  • Một duyên hai nợ ba tình

    Một duyên, hai nợ, ba tình,
    Chiêm bao lẩn quất bên mình năm canh.
    Ðêm nằm lại nghĩ một mình,
    Ngọn đèn khêu tỏ bóng huỳnh bay cao.
    Trông ra nào thấy đâu nào,
    Ðám mây vơ vẩn, ngôi sao mập mờ.
    Mong người, lòng những ngẩn ngơ.

  • Chồng em nó chẳng ra gì

    Chồng em nó chẳng ra gì
    Tổ tôm, xóc đĩa nó thì chơi hoang
    Nói ra, xấu thiếp hổ chàng
    Nó giận, nó phá tan hoang cửa nhà
    Nói đây, có chị em nhà
    Còn năm thúng thóc với vài cân bông
    Em bán trả nợ cho chồng
    Còn ăn hết nhịn, hả lòng chồng con
    Đắng cay ngậm quả bồ hòn
    Cửa nhà gia thế, chồng con kém người
    Nói ra, sợ chị em cười
    Con nhà gia giáo lấy người đần ngu
    Rồng vàng tắm nước ao tù
    Người khôn ở với người ngu nặng mình

  • Coi tàu bay tại Lầu Đèn

    Đời xưa chí những đời nay
    Đời này mới thấy tàu bay nửa lừng
    Nguồn đào hải khẩu tứ tung
    Từ Hàn chí Phố rùng rùng đi coi
    Quan gia chầu chực hẳn hòi
    Sức bàn sức ghế lại đòi đến dân
    Khắp nơi cờ đóng rần rần
    Sức rơm un khói cực dân ba bốn ngày
    Ai ai cũng sức tàu bay
    Dân canh, lính gác tự ngày chí đêm
    Kẻ bán rượu, người bán nem
    Kẻ lận bạc giác người đem bạc đồng
    Đàn bà chí những đàn ông
    Bà già con nít cũng bồng ra đi
    Mười giờ tàu lại một khi
    đánh, lính ví ra gì nữa đâu

  • Truyện Kiều em đã kể làu

    – Truyện Kiều em đã kể làu
    Đố em kể được một câu ba càng
    Kể sao cho được rõ ràng
    Mảnh hương với lại phím đàn trao tay
    Bấy lâu mới được một ngày
    Dừng chân anh đố niềm tây gọi là
    Nhân tình trong đạo chúng ta
    Yêu nhau mới đố một và câu chơi
    Em khôn anh mới thử lời
    Em mà giảng được là người tài hoa
    – Lạ gì đôi lứa chúng ta
    Anh đố em giảng mới là mưu sâu
    Rút trâm sẵn giắt mái đầu
    Vạch da cây vịnh bốn câu ba vần
    Lại càng mê mẩn tâm thần
    Lại càng đứng lặng tần ngần chẳng ra
    Lại càng ủ dột nét hoa
    Sầu tuôn đứt nối châu sa ngắn dài
    Em nay phận gái nữ hài
    Anh đố em giảng một bài đã xong
    Xin anh đừng có đèo bòng
    Vui gì thế sự mà mong nhân tình
    Anh đố em mà làm thinh
    Thì anh lại bảo gái trinh không tài
    Bây giờ em đố một bài
    Anh mà giảng được dây hài xin trao
    Truyền Kiều kể lại tiêu hao
    Một câu anh kể làm sao hết Kiều
    – Em đố anh lại giảng ra
    Anh giảng chẳng được người ta chê cười
    Dây hài của đáng mấy mươi
    Bây giờ anh giảng em thời đem ra
    Trăm năm trong cõi người ta
    Mua vui cũng được một vài trống canh

  • Vè đi phu Cửa Rào

    Từ ngày có mặt thằng Tây
    Phu phen tạp dịch hàng ngày khốn thân!
    Tai vạ trửa dân
    Hắn mần đã nghiệt:
    Khắp nơi ráo riết
    Giở sổ đếm người
    Kể chi lão phụ con trai
    Người đi phu cũng tội
    Kẻ ở nhà cũng tội
    Vua quan bối rối
    Họ đập đánh lút đầu:
    – Phu phải đi cho mau
    Việc quan cần cho kịp!
    Một ngày phải kíp
    Để kiểm phu chợ Lường

  • Vô duyên lấy phải chồng già

    Vô duyên lấy phải chồng già
    Ra đường bạn hỏi rằng cha hay chồng?
    Nói ra đau đớn trong lòng
    Chính thực là chồng có phải cha đâu.
    Ngày ngày vác cối giã trầu
    Tay thời rót nước, tay hầu cái tăm.
    Đêm đêm đưa lão đi nằm
    Thiếp đặt lão xuống, lão nằm trơ trơ.
    Hỡi ông lão ơi! Ông trở dậy cho thiếp tôi nhờ
    Để thiếp tôi kiếm chút con thơ bế bồng.
    Nữa mai người có thiếp không
    Xấu hổ với chúng bạn, cực lòng mẹ cha.

    Dị bản

    • Vô duyên vô phúc húc phải ông chồng già
      Ra đường bị hỏi là cha hay chồng?
      Nói ra đau đớn trong lòng
      Ấy cái nợ truyền kiếp, chớ phải chồng em đâu!

    • Tốt số lấy được chồng già
      Ra đường bạn hỏi: Ông gia hay chồng?
      Không nói ra thì cực trong lòng
      – Ông gia tôi đó, nỏ phải chồng tôi đâu
      Cơm xong, múc nước, nhai trầu
      Đêm tắt đèn đi ngủ, hàm râu ông kề vào
      Tôi xê ra ông lại xịch vào
      Phận tôi là gái má đào mắt xanh
      Lẽ nào kêu cố bằng anh?

  • Cô mơ cô mận cô đào

    Cô mơ cô mận cô đào
    Trong ba cô ấy ai nào kém ai
    Cô mít thì chỉ nói dai
    Còn như cô dứa sởn gai cũng kì
    Bình boong lại giống hồng bì
    Trong lòng những hạt có gì nữa đâu
    Quý thay bậc nhất cô cau
    Cúng người cúng Phật khấn cầu bình yên
    Trước là hai chữ nhân duyên
    Nghinh hôn sính lễ được nên vợ chồng
    Trung thu mới thấy cô hồng
    Cô cam, cô quýt ra lòng đua chơi
    Lạ lùng anh mới tới nơi
    Hỏi thăm cô nhãn là người ở đâu
    Xuân xanh chừng mấy tuổi đầu
    Mà xem ăn vận ra mầu gái tơ
    Cô táo chính thực lẳng lơ
    Ở cao có ý đợi chờ tình nhân

  • Ở đâu năm cửa nàng ơi

    – Ở đâu năm cửa, nàng ơi?
    Sông nào sáu khúc nước chảy xuôi một dòng ?
    Sông nào bên đục bên trong?
    Núi nào thắt cổ bồng mà có thánh sinh?
    Đền nào thiêng nhất tỉnh Thanh?
    Ở đâu lại có cái thành tiên xây?
    Ở đâu là chín từng mây?
    Ở đâu lắm nước, ở đâu nhiều vàng?
    Chùa nào mà lại có hang?
    Ở đâu lắm gỗ thời nàng biết không?
    Ai mà xin lấy túi đồng?
    Ở đâu lại có con sông Ngân Hà?
    Nước nào dệt gấm thêu hoa?
    Ai mà sinh cửa, sinh nhà, nàng ơi?
    Kìa ai đội đá vá trời?
    Kìa ai trị thủy cho đời được yên?
    Anh hỏi em trong bấy nhiêu lời
    Xin em giảng rõ từng nơi từng người.
    – Thành Hà Nội năm cửa, chàng ơi
    Sông Lục Đầu sáu khúc nước chảy xuôi một dòng
    Nước sông Thương bên đục bên trong
    Núi đức thánh Tản thắt cổ bồng mà lại có thánh sinh
    Đền Sòng thiêng nhất tỉnh Thanh
    Ở trên tỉnh Lạng có thành tiên xây
    Trên trời có chín từng mây
    Dưới sông lắm nước, núi nay lắm vàng
    Chùa Hương Tích mà lại ở hang
    Trên rừng lắm gỗ thời chàng biết không
    Ông Nguyễn Minh Không xin được túi đồng
    Trên trời lại có con sông Ngân Hà
    Nước Tàu dệt gấm thêu hoa
    Ông Hữu Sào sinh ra cửa, ra nhà, chàng ơi
    Bà Nữ Oa đội đá vá trời
    Vua Đại Vũ trị thủy cho đời yên vui
    Anh hỏi em trong bấy nhiêu lời
    Em xin giảng rõ từng nơi từng người.

  • Bài thơ thuốc lào

    Người Việt Nam phải lấy thuốc lào làm quốc tuý
    Còn thú vị nào hơn thú vị yên vân!
    Từ vua, quan, đến hạng bình dân,
    Ai là chẳng bạn thân với điếu
    Từ ông thừa, trở lên cụ thiếu,
    Đi ngoài đường, phi điếu bất thành quan.
    Ngồi công đường, vin xe trúc nghênh ngang,
    Hút mồi thuốc, óc nhà quan thêm sáng suốt.
    Nhà thi sĩ gọt câu văn cho chuốt,
    Tất phải nhờ điếu thuốc gọi hồn thơ.
    Lại những khi óc mỏi, mắt mờ,
    Nhờ điếu thuốc mới có cơ tỉnh tớm
    Dân thuyền thợ thức khuya, dậy sớm,
    Phải cần dùng điếu đóm làm vui.
    Khi nhọc nhằn lau trán đẫm mồ hôi,
    Vớ lấy điếu, kéo một hơi thời cũng khoái.
    Dân cày cấy mưa dầm, nắng dãi,
    Bạn tâm giao với cái điếu cày.
    Lúc nghỉ ngơi, ngồi dưới bóng cây,
    Rít mồi thuốc, say ngây say ngất.
    Rồi ngả lưng trên đám cỏ tươi xanh ngắt,
    Dễ thiu thiu một giấc êm đềm.
    Bạn nhà binh canh gác thâu đêm,
    Nhờ điếu thuốc mới khỏi lim dim ngủ gật.
    Nội các thức say sưa nghiện ngập,
    Ngẫm mà coi, thú nhất thuốc lào.
    Nghiện thuốc lào là cái nghiện thanh tao,
    Chẳng hại tiền của, mà chẳng hao sĩ diện.
    Chốn phòng khách, anh em khi hội kiến,
    Có thuốc lào câu chuyện mới thêm duyên.
    Khi lòng ta tư lự không yên,
    Hút mồi thuốc cũng giải phiền đôi chút.
    Nghe tiếng điếu kêu giòn, nhìn khói bay nghi ngút,
    Nỗi lo buồn theo khói vút thăng thiên.
    Cái điếu cùng ta là bạn chí hiền,
    Từ thiên cổ tơ duyên chặt kết.
    Cũng có kẻ muốn dứt tình khăng khít,
    Vùi điếu đi cho hết đa mang.
    Nhưng nỗi nhớ nhung bứt rứt tấm gan vàng,
    Chút nghĩa cũ lại đa mang chi tận tuỵ.
    Cho nên bảo điếu thuốc lào là quốc tuý,
    Thật là lời chí lý không ngoa.
    Thuốc lào, ta hút điếu ta,
    Điếu ta thọ với sơn hà muôn năm…

  • Vè rắn U Minh

    U Minh nước đỏ
    Choại, dớn, cóc kèn
    Ăn ở cho hiền
    Dạo chơi với rắn
    Bất kỳ sâu cạn
    Rắn nước, rắn râu
    Bay trên trời cao
    Rắn rồng uốn khúc
    Chạy ngang chạy dọc
    Rắn ngựa phóng theo
    Hút gió thật kêu
    Là con rắn lục
    Mái gầm lục đục
    Bò chậm như rùa

  • Thơ thầy Thông Chánh

    Nhựt trình Vĩnh Ký đặt ra
    Chép làm một bổn để mà coi chơi
    Trà Vinh nhiều kẻ kỳ tời
    Có thầy Thông Chánh thiệt người khôn ngoan
    Đêm nằm khô héo lá gan
    Nghĩ giận Biện lý không an tấm lòng
    Chừng nào tỏ nỗi đục trong
    Giết tên Biện lý trong lòng mới thanh
    Lang sa làm việc Châu thành
    Mười bốn tháng bảy lễ rày Chánh Chung
    Chỉ sai đua ngựa rần rần
    Trát đòi làng tổng tư bề đến đây
    Bốn giờ đua ngựa cát bay
    Phủ Hơn, Biện lý đương rày ngồi coi
    Có thầy Thông Chánh hẳn hòi
    Xách súng nai nịt đi coi châu thành

  • Vè Cần vương

    Vâng lời troàn ngươn soái
    Mình đeo ấn Tổng nhung
    Lời khuyên rao chư sĩ anh hùng
    Mặt phải trái coi qua thời biết
    Mình là con trong đất Việt
    Chẳng phải người sanh sản cõi Tây phiên
    Mà ham di địch tước quyền
    Lại nỡ khiến tấm lòng vô hậu
    Chớ bắt chước những loài quân dậu
    A dua hùa lưng lớn thờ chồn
    Đừng bày theo những đảng ác côn

  • Rủ nhau chơi khắp Long Thành

    Rủ nhau chơi khắp Long Thành,
    Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai:
    Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Gai,
    Hàng Buồm, Hàng Thiếc, Hàng Hài, Hàng Khay.
    Mã Vĩ, Hàng Điếu, Hàng Giầy,
    Hàng Lờ, Hàng Cót, Hàng Mây, Hàng Đàn.
    Phố Mới, Phúc Kiến, Hàng Ngang,
    Hàng Mã, Hàng Mắm, Hàng Than, Hàng Đồng.
    Hàng Muối, Hàng Nón, Cầu Đông,
    Hàng Hòm, Hàng Đậu, Hàng Bông, Hàng Bè.
    Hàng Thùng, Hàng Bát, Hàng Tre,
    Hàng Vôi, Hàng Giấy, Hàng The, Hàng Gà.
    Quanh đi đến phố Hàng Da,
    Trải xem hàng phố thật là cũng xinh.
    Phồn hoa thứ nhất Long Thành,
    Phố giăng mắc cửi, đường quanh bàn cờ.
    Người về nhớ cảnh ngẩn ngơ,
    Bút hoa xin chép vần thơ lưu truyền.

  • Thơ thằng Lía

    Ngàn năm dưới bóng thái dương,
    Biết bao là sự lạ thường đáng ghi,
    Noi nghề hàng mặc bấy nay,
    Một pho dị sự vắn dài chép ra.
    Trước là giải muộn ngâm nga,
    Sau nêu gương nọ đặng mà soi chung.
    Xưa kia có một phú ông,
    Vợ chồng chuyên một nghề nông nuôi mình,
    Bấy lâu loan phụng hòa minh,
    Xóm làng kiêng nể tánh tình thiện lương.
    Tuy là sành sỏi ruộng nương,
    Ông bà xấu số gặp đường chẳng may,
    Thuở trước cũng chẳng thua ai,
    Tiền dư bạc sẵn tháng ngày thung dung,
    Ruộng vườn khai khẩn khắp cùng,
    Thôn lân đều thảy có lòng bợ nâng.
    Đến nay nhằm buổi lao lung,
    Ruộng nương thất phát vô cùng thảm thương,
    Tháng ngày khổ hại trăm đường,
    Bảy năm chịu sự tai ương nguy nàn,
    Bấm gan cam chịu gian nan,
    Vợ chồng đau đớn đoạn tràng thiết tha.
    Lần hồi ngày lụn tháng qua,
    Nghèo nàn túng tíu gẫm đà thói quen,
    Thét rồi cũng chẳng than phiền,
    Cắn răng mà chịu đảo điên qua hồi.
    Lão mụ tuổi đã lớn rồi,
    Vợ bốn mươi chẵn chồng thời bốn ba,
    Đêm ngày lo tính gần xa,
    Chẳng con kế tự thật là đáng lo,
    Choanh ngoảnh chồng vợ đơn cô,
    Tuổi già sức yếu biết nhờ cậy ai?

  • Đầu làng có con chim xanh

    Đầu làng có con chim xanh
    Ăn no tắm mát đậu cành dâu gia
    Đường về bên ấy bao xa
    Mượn mình làm mối cho ta một người
    Một người mười tám đôi mươi
    Một người vừa đẹp vừa tươi như mình
    Ai xinh thì mặc ai xinh
    Ông Tơ chỉ quyết xe mình với ta

    Dị bản

    • Đầu làng có con chim xanh
      Ăn no tắm mát đậu cành dâu gia
      Anh thương cô mình tha thiết, thiết tha
      Cành cao cao bổng, cành la, la đà

  • Anh thương em

    Anh thương em
    Thương quấn, thương quýt
    Bồng ra gốc mít, bồng xích gốc xoài
    Bồng ra ngoài đám sậy, bồng bậy vô mui
    Bồng lủi sau lái, bồng ngoái trước mũi
    Để em nằm xuống đây
    Kể từ em đau ban cua lưỡi trắng
    Tiếc công anh đỡ đứng bồng ngồi
    Bây giờ em vinh hiển, em bắt anh bán nồi làm chi.

  • Dĩa bàng thang con tôm càng dựng đứng

    Dĩa bàng thang con tôm càng dựng đứng
    Dĩa bàng xứng dựng đứng con tôm he
    Em nghiêng tai dưới gió, anh kể công khó cho em nghe
    Hồi nào em đau ban cua lưỡi trắng
    Cái miệng đắng, cơm cũng hôi
    Công anh đỡ đứng bồng ngồi
    Bây giờ em lành mạnh, phủi rồi công anh!

Chú thích

  1. Quảng Nam
    Tên một tỉnh ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, trước đây bao gồm cả thành phố Đà Nẵng, gọi chung là tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Quảng Nam có nghĩa là "mở rộng về phương Nam." Tỉnh Quảng Nam giàu truyền thống, độc đáo về bản sắc văn hóa với những danh tích như thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An...

    Vẻ đẹp Hội An

    Vẻ đẹp Hội An

  2. Quảng Ngãi
    Địa danh nay là một tỉnh nằm ở duyên hải Nam Trung Bộ, nằm hai bên bờ sông Trà Khúc, được mệnh danh là vùng đất Núi Ấn Sông Trà. Quảng Ngãi là mảnh đất có bề dày lịch sử về văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Chăm Pa, đặc biệt là hệ thống thành lũy Chàm. Tại đây cũng nổi tiếng cả nước với đặc sản đường mía (đường phèn, đường phổi, mạch nha...) và tỏi ở Lý Sơn.

    Núi Ấn

    Núi Ấn sông Trà

  3. Phủ Thừa Thiên
    Tên một đơn vị hành chính trực thuộc trung ương thời nhà Nguyễn, bắt đầu dưới triều Minh Mạng, nay là tỉnh Thừa Thiên-Huế với thủ phủ là thành phố Huế.
  4. Ai Lao
    Tên gọi cũ của nước Lào.
  5. Đà Nẵng
    Tên thành phố thuộc Nam Trung Bộ, trước đây thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Nguồn gốc từ "Đà Nẵng" là biến dạng của từ Chăm cổ Daknan, nghĩa là "vùng nước rộng lớn" hay "sông lớn", "cửa sông cái" vì thành phố nằm bên bờ sông Hàn. Dưới thời nhà Nguyễn, Đà Nẵng có tên là Cửa Hàn, là thương cảng lớn nhất miền Trung. Cuộc xâm lược của Pháp tại Việt Nam khởi đầu chính tại thành phố này.

    Hiện nay Đà Nẵng là một thành phố hiện đại, trong lành, có tiềm năng du lịch rất lớn, và được xem là thành phố đáng sống nhất Việt Nam.

    Bến sông Hàn ngày xưa

    Bến sông Hàn ngày xưa

    Cầu sông Hàn, một trong những biểu tượng của Đà Nẵng

    Cầu sông Hàn, một trong những biểu tượng của Đà Nẵng

  6. Hội An
    Một địa danh thuộc tỉnh Quảng Nam, nay là thành phố trực thuộc tỉnh này. Trong lịch sử, nhất là giai đoạn từ thế kỉ 15 đến thế kỉ 19, Hội An từng là một hải cảng rất phồn thỉnh. Hiện nay địa danh này nổi tiếng về du lịch với phố cổ cùng các ngành truyền thống: mộc, gốm, trồng rau, đúc đồng... Hội An còn được gọi là phố Hội hoặc Hoài Phố, hay chỉ ngắn gọi là Phố theo cách gọi của người địa phương.

    Vẻ đẹp của Hội An

    Vẻ đẹp của Hội An

  7. Sông Thu Bồn
    Tên con sông bắt nguồn từ núi Ngọc Linh tỉnh Kon Tum (phần thượng lưu này được gọi là Đak Di), chảy lên phía Bắc qua các huyện trung du của tỉnh Quảng Nam (đoạn chảy qua các huyện Tiên Phước và Hiệp Đức được gọi là sông Tranh - bắt đầu qua địa phận Nông Sơn, Duy Xuyên mới được gọi là Thu Bồn), đổ ra biển tại cửa Đại, một nhánh chảy vào sông Vĩnh Điện để đổ nước vào sông Hàn. Sông Thu Bồn cùng với sông Vu Gia tạo thành hệ thống sông lớn gọi là hệ thống sông Thu Bồn, có vai trò quan trọng đối với đời sống và văn hóa người Quảng.

    Sông Thu Bồn tại Hội An, Quảng Nam

    Sông Thu Bồn tại Hội An, Quảng Nam

  8. Sông Chợ Củi
    Sông thuộc đoạn hạ lưu của dòng Thu Bồn, từ xã Điện Phong, huyện Điện Bàn (Quảng Nam), ở về phía cuối Gò Nổi, băng qua cầu Mống (cầu Câu Lâu) ngang qua dinh trấn Thanh Chiêm xưa, nay là xã Điện Phương (huyện Điện Bàn). Theo sách Đại Nam nhất thống chí thì vào năm Tự Đức thứ 3 (1850), sông Chợ Củi được đổi tên thành Sài Thị giang và được ghi vào điển thờ. Tên đoạn sông được lấy từ tên chợ.

    Sông Chợ Củi

    Sông Chợ Củi

  9. Ô Gia
    Tên một làng nay thuộc xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.
  10. La Qua
    Một làng thuộc tổng Hạ Nông, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, nay thuộc khối phố 3, thị trấn Vĩnh Điện, Điện Bàn, Quảng Nam. La Qua là một trong những căn cứ quan trọng của thực dân dưới thời Pháp thuộc.
  11. Tòa sứ
    Nơi ở và làm việc của một cơ quan ngoại giao ở nước khác.
  12. Phủ
    Tên gọi một đơn vị hành chính thời xưa, cao hơn cấp huyện nhưng nhỏ hơn cấp tỉnh. Đứng đầu phủ gọi là quan phủ, cũng gọi tắt là phủ.
  13. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  14. Quan viên
    Chỉ chung những người có địa vị hoặc chức vụ trong làng xã.
  15. Nông Sơn
    Tên một huyện của tỉnh Quảng Nam, trước đây là phía Tây của tỉnh Quế Sơn. Tại đây có mỏ than Nông Sơn, thuộc địa bàn xã Quế Trung.
  16. Bồng Miêu
    Tên một địa danh trước là thôn Bồng Miêu thuộc xã Tam Lãnh, nay là thị trấn Bồng Miêu, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam. Đây là khu vực có nhiều mỏ vàng, dân gian hay gọi là mỏ Bồng Miêu hay mỏ Bông Miêu. Mỏ vàng này bao gồm các khu Hố Gần, Hố Ráy, Thác Trắng, Núi Kẽm. Mỏ đã từng được người Chăm phát hiện và khai thác từ hơn nghìn năm trước, rồi lần lượt người Trung Quốc, Việt và Pháp cũng đã đến đây khai thác khá thành công. Hiện nay mỏ vàng Bồng Miêu đang được Công ty Khai thác Vàng Bồng Miêu thuộc Tập đoàn Olympus Pacific Mineral Inc. Canada quản lý và khai thác.

    Khu vực nhà máy chế biến và mỏ vàng Bồng Miêu

    Khu vực nhà máy chế biến và mỏ vàng Bồng Miêu

  17. Quế Sơn
    Tên một huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam. Có ý kiến cho rằng gọi tên như vậy vì khu vực này có một ngọn núi này mọc rất nhiều cây quế.

    Nghe bài hát Quế Sơn đất mẹ ân tình của nhạc sĩ Đình Thậm.

  18. Thanh Châu
    Tên một làng nay thuộc xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.
  19. Ghe
    Thuyền nhỏ, thường đan bằng tre (gọi là ghe nan) hoặc bằng gỗ. Từ này đôi khi được dùng để chỉ tàu thuyền nói chung, nhất là ở vùng Trung và Nam Bộ.

    Chèo ghe

    Chèo ghe

  20. Thanh Hà
    Tên một ngôi làng ở Quảng Nam, nằm ngay bên bờ sông Thu Bồn, cách phố cổ Hội An chừng 3 km về hướng Tây. Làng có nghề làm gốm truyền thống từ đầu thế kỉ 16.

    Gốm Thanh Hà

    Gốm Thanh Hà

  21. Che
    Dụng cụ để ép mía lấy nước đường nấu thành đường tán tại các lò mía đường. Trước đây che mía được người hoặc trâu kéo, sau này thì có nơi dùng máy móc. Theo tác giả Hoàng Sơn: “Ông che” là hai súc gỗ lớn hình trụ tròn, bên giữa mỗi súc gỗ là trục quay được cố định một đầu để có thể tự đứng thẳng. Hai súc gỗ này được người ta đẽo rãnh răng cưa và khớp nhau như bánh nhông. Trên đỉnh một “ông che” được gắn một đoạn tre để nối ra ngoài. Đoạn tre này khi được buộc vào lưng trâu sẽ đóng vai trò như một thanh truyền lực. Chỉ cần đánh trâu đi vòng tròn, cả hai “ông che” sẽ quay đều và có thể nghiền nát bất cứ thứ gì lọt vào rãnh răng đó. Do vậy, ngày xưa người trực tiếp cho mía vào “máy” phải là người có kinh nghiệm nếu không sẽ gặp nguy hiểm. Bà Lệ tiếp lời: “Đến mùa làm đường, “ông che” được dựng ngay giữa bãi mía, bên trong một căn chòi gọi là chòi đạp. Khi cho mía vào “ông che”, nước mía sẽ chảy xuống một cái thùng đặt bên dưới sau đó được chuyển sang bếp nấu với những chiếc chảo gang đã nóng. Trung bình mỗi bận, nấu được khoảng 60 lít mật.”
  22. Đa Hòa
    Tên một tổng thuộc phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam dưới thời chúa Nguyễn, nay thuộc huyện Điện Bàn.
  23. Phú Bông
    Tên một làng nay thuộc xã Điện Phong, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
  24. Sa
    Vải dệt bằng tơ tằm, rất mỏng và thoáng.
  25. Kim Bồng
    Tên cũ là Kim Bồng Châu, nay một phần lớn thuộc xã Cấm Kim, Hội An, tỉnh Quảng Nam, nằm ở hữu ngạn hạ lưu nơi sông Thu Bồn chảy qua Hội An trước khi đổ ra biển. Đây là nơi hình thành nghề thủ công nổi tiếng mang tên nghề mộc Kim Bồng. (Đọc thêm: Làng mộc Kim Bồng).

    Làng mộc Kim Bồng

    Làng mộc Kim Bồng

  26. Ba kỳ
    Tức Tam Kỳ, tên gọi chung cho ba vùng đất do thực dân Pháp và triều đình bù nhìn nhà Nguyễn phân chia nước ta vào thế kỉ 19. Ba kỳ gồm có: Bắc Kỳ (Tonkin, từ phía Nam tỉnh Ninh Bình trở ra), Trung Kỳ (Annam, từ phía bắc tỉnh Bình Thuận đến Đèo Ngang) và Nam Kỳ (Cochinchine).

    Bản đồ Việt Nam thời Pháp thuộc

    Bản đồ Việt Nam thời Pháp thuộc

  27. Duyên nợ
    Theo giáo lí nhân quả của nhà Phật, hai người gặp nhau được là nhờ duyên (nhân duyên), và nên nghĩa vợ chồng để trả nợ từ kiếp trước.
  28. Có bản chép: nằm một mình, nghĩ một mình.
  29. Huỳnh
    Đom đóm.
  30. Tổ tôm
    Một trò chơi bài lá phổ biến trong dân gian ngày trước (hiện chỉ thấy được chơi ở nước ta), thường chơi trong các dịp lễ, Tết. Tên gọi của trò chơi được đọc chệch ra từ chữ "tụ tam" nghĩa là hội tụ của ba lại hàng Văn, Vạn và Sách.

    Lá bài tổ tôm

    Lá bài tổ tôm

  31. Xóc đĩa
    Lối đánh bạc ăn tiền bằng cách xóc bốn đồng tiền (hoặc bốn miếng bìa có hai mặt khác nhau) trong một cái đĩa, trên có bát úp kín, ai đoán trúng có mấy đồng sấp, mấy đồng ngửa thì được. Có nơi gọi xóc đĩa là xóc dĩa, hoặc có tên khác là mở bát.

    Đồ để xóc đĩa

    Đồ để xóc đĩa

  32. Bồ hòn
    Cây to cùng họ với vải, nhãn, quả tròn, khi chín thì thịt quả mềm như mạch nha. Quả bồ hòn có vị rất đắng, có thể dùng để giặt thay xà phòng.

    Quả bồ hòn

    Quả bồ hòn

  33. Gia thế
    Thế lực, tầm ảnh hưởng của một gia đình.
  34. Gia giáo
    Có nền nếp, có giáo dục (thường nói về gia đình phong kiến thời trước).
  35. Chí
    Đến, kéo dài cho đến (từ Hán Việt).
  36. Nửa lừng
    Nửa lưng chừng (phương ngữ Nam Bộ).
  37. Nguồn đào: ngọn suối; Hải khẩu: cửa biển. Nguồn đào hải khẩu: từ khắp mọi nơi.
  38. Sức
    Hành động quan truyền lệnh cho dân bằng văn bản.

    Việc này tuy là việc thể dục, nhưng các thầy không được coi thường, nếu không tuân lệnh sẽ bị cữu.
    Nay sức.
    Lê Thăng

    (Tinh thần thể dục - Nguyễn Công Hoan)

  39. Rần rần
    Đông đảo, ồn ào.
  40. Nem
    Một món ăn làm từ thịt lợn, lợi dụng men của các loại lá (lá ổi, lá sung...) và thính gạo để ủ chín, có vị chua ngậy. Nem được chia làm nhiều loại như nem chua, nem thính... Nem phổ biến ở nhiều vùng, mỗi vùng đều có hương vị riêng: Vĩnh Yên, làng Ước Lễ (Hà Đông), làng Vẽ (Hà Nội), Quảng Yên (Quảng Ninh), Thanh Hóa, Đông Ba (Huế), Ninh Hòa (Khánh Hòa), Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh), Lai Vung (Đồng Tháp)...

    Nem chua

    Nem chua

  41. Lận
    Nhét vào trong người (phương ngữ).
  42. Bạc giác
    Hào, bạc cắc, tiền lẻ nói chung (từ cũ).
  43. Cẩm
    Hay , chức danh cảnh sát trưởng thời nước ta bị Pháp đô hộ, nói gọn từ âm tiếng Pháp commissaire de police.

    Một sở cảnh sát (sở Cẩm) thời Pháp thuộc

    Một sở cảnh sát (sở Cẩm) thời Pháp thuộc

  44. Đuổi (theo). Từ này ở Trung và Nam Bộ phát âm thành .
  45. Truyện Kiều
    Tên gọi phổ biến của tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh gồm 3.254 câu thơ lục bát của đại thi hào Nguyễn Du. Nội dung chính của truyện dựa theo tác phẩm Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, Trung Quốc, xoay quanh quãng đời lưu lạc sau khi bán mình chuộc cha của Thúy Kiều.

    Truyện Kiều có ảnh hưởng rất lớn đối với nền văn hóa nước ta. Đối đáp bằng những ngôn từ, lời lẽ trong truyện Kiều cũng đã trở thành một hình thức sinh hoạt văn hóa của một số cộng đồng người Việt như lẩy Kiều, trò Kiều, vịnh Kiều, tranh Kiều, bói Kiều... Một số tên nhân vật, địa danh và các chi tiết trong Truyện Kiều cũng đã đi vào cuộc sống: Sở Khanh, Tú Bà, Hoạn Thư, chết đứng như Từ Hải...

  46. Niềm tây
    Nỗi lòng, tâm sự riêng.

    Sứ trời sớm giục đường mây,
    Phép công là trọng, niềm tây sá nào
    (Chinh Phụ Ngâm)

  47. Bài ca dao này sử dụng một số câu hoặc từ trong Truyện Kiều, ví dụ:

    Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa (câu 740)

    Rút trâm sẵn giắt mái đầu
    Vạch da cây vịnh bốn câu ba vần
    Lại càng mê mẩn tâm thần
    Lại càng đứng lặng tần ngần chẳng ra
    Lại càng ủ dột nét hoa
    Sầu tuôn đứt nối châu sa ngắn dài
    (câu 99 đến câu 104)

  48. Phận nữ hài
    Phận đàn bà con gái.

    Những tiếc riêng cho phận nữ hài,
    Đem thân giúp nước há nhường trai.

    (Cảm Vịnh Hai Bà Ngọc Vạn, Ngọc Khoa – Á Nam Trần Tuấn Khải)

  49. Đây là câu sáu đầu tiên và câu bát cuối cùng (câu thứ 3254) của Truyện Kiều:

    1. Trăm năm trong cõi người ta
    2. Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
    ...
    3253. Lời quê chắp nhặt dông dài
    3254. Mua vui cũng được một vài trống canh.

  50. Dân phu
    Người dân lao động phải làm những công việc nặng nhọc trong chế độ cũ (phu xe, phu mỏ, phu đồn điền).
  51. Tạp dịch
    Những việc lặt vặt (từ Hán Việt).
  52. Trửa
    Giữa (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  53. Mần
    Làm (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Như mần ăn, mần việc, đi mần...
  54. Nghiệt
    Ác nghiệt, nghiệt ngã.
  55. Kíp
    Gấp, vội. Từ này có nguồn gốc từ chữ Hán Việt cấp.
  56. Chợ Lường
    Tên dân gian của chợ Đô Lương, một ngôi chợ nay thuộc địa phận huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Thời Pháp thuộc, chợ là địa điểm tập trung dân phu để đi làm đường. Đến bây giờ, chợ Lường vẫn được coi như là biểu tượng của cảnh bán buôn sầm uất, tấp nập trong vùng.
  57. Có bản chép: múc.
  58. Có bản chép: người.
  59. Ông gia
    Bố chồng hoặc bố vợ (cách gọi ở một số địa phương miền Trung).
  60. Nỏ
    Không, chẳng (phương ngữ Trung Bộ).
  61. Cố
    Gắng, gắng gượng (phương ngữ Trung Bộ).
  62. Một loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, có hoa trắng hoặc đỏ, nở vào mùa xuân. Quả mơ vị chua chát, dùng để làm nước ép, ướp đường, làm ô mai, làm rượu, mứt, hoặc chế biến thành các món canh.

    Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, mơ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.

    Quả mơ

    Quả mơ

  63. Mận
    Loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, hoa trắng, nở vào mùa xuân. Quả mận vị chua ngọt, có loại vỏ màu tím, xanh nhạt, vàng, hay đỏ. Các bộ phận của cây mận như quả, rễ, nhựa, lá, nhân hạt... đều có tác dụng chữa bệnh.

    Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.

    Mận tam hoa ở Bắc Hà, Lào Cai

    Mận tam hoa ở Bắc Hà, Lào Cai

  64. Đào
    Loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, cũng được trồng để lấy quả hay hoa. Hoa đào nở vào mùa xuân, là biểu tượng của mùa xuân và ngày Tết ở miền Bắc. Quả đào vị ngọt hoặc chua, mùi thơm, vỏ quả phủ một lớp lông mịn. Đào xuất hiện rất nhiều trong văn học cổ Trung Quốc và các nước đồng văn. Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.

    Quả đào

    Quả đào

  65. Mít
    Loại cây ăn quả thân gỗ nhỡ, lá thường xanh, cao từ 8-15m. Cây ra quả vào mùa xuân, quả chín vào mùa hè. Vỏ quả có gai xù xì, ruột chứa nhiều múi, vị ngọt, có loại mít dai và mít mật. Mít là loại cây quen thuộc ở làng quê nước ta, gỗ mít dùng để làm nhà, đóng đồ đạc, thịt quả để ăn tươi, sấy khô, làm các món ăn như xôi mít, gỏi mít, hạt mít ăn được, có thể luộc, rang hay hấp, xơ mít dùng làm dưa muối (gọi là nhút), quả non dùng để nấu canh, kho cá...

    Quả mít

    Quả mít

  66. Dứa
    Còn gọi là thơm hoặc gai, loại cây ăn quả có thân ngắn, lá dài, cứng, có gai ở mép và mọc thành cụm ở ngọn thân, quả có nhiều mắt, phía trên có một cụm lá.

    Cây dứa đang ra quả

    Cây dứa đang ra quả

  67. Hồng bì
    Cũng gọi là quất bì, quất hồng bì hoặc hoàng bì, một loại cây được trồng nhiều ở miền Bắc. Quả hồng bì khi chín có vị chua, mùi thơm, có thể để ăn tươi, làm mứt, cất rượu hoặc làm thuốc.

    Quả hồng bì

    Quả hồng bì

  68. Cau
    Loại cây nhiều đốt, thân nhỏ và cao vút, có quả dùng để ăn với trầu.

    Cây cau

    Cây cau

    Quả cau và lá trầu

    Quả cau và lá trầu

  69. Nghinh hôn
    Cũng nói là nghênh hôn, nghĩa là đón dâu. Đây là một lễ trong phong tục cưới hỏi của người Việt.
  70. Sính lễ
    Lễ vật của nhà trai đem đến nhà gái để xin cưới.
  71. Hồng
    Loại cây cho trái, khi chín có màu vàng cam hoặc đỏ. Tùy theo giống hồng mà quả có thể giòn hoặc mềm, ngọt hoặc còn vị chát khi chín.

    Quả hồng

    Quả hồng

  72. Nhãn
    Tên đầy đủ là long nhãn (nghĩa là "mắt rồng," vì hạt có màu đen bóng), một loại cây cho quả khi chín có vị ngọt thanh, rất phổ biến ở nước ta. Nổi tiếng nhất có thể kể đến nhãn lồng ở Hưng Yên, và nhãn xuồng ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ.

    Nhãn lồng Hưng Yên

    Nhãn lồng Hưng Yên

  73. Thắt cổ bồng
    Eo thót ở giữa như cổ trống bồng.
  74. Thanh Hóa
    Một tỉnh nằm ở Bắc Trung Bộ, là một trong những cái nôi của người Việt. Cư dân Việt từ xa xưa đã sinh sống trên đồng bằng các sông lớn như sông Mã hay sông Chu. Nền văn minh Đông Sơn được coi là sớm nhất của người Việt cũng thuộc tỉnh này.

    Trong lịch sử, đã có giai đoạn Thanh Hóa được gọi là Thanh Hoa. Nhưng đến thời nhà Nguyễn, do kị húy với tên vương phi Hồ Thị Hoa mà tên tỉnh được đổi thành Thanh Hóa cho đến nay.

    Thanh Hóa có nhiều danh lam thắng cảnh và lịch sử nổi tiếng như Vườn quốc gia Bến En, suối cá thần Cẩm Lương, bãi biển Sầm Sơn, khu di tích Lam Kinh, cầu Hàm Rồng... Đây cũng là nơi địa linh nhân kiệt, là quê hương của các nhân vật lịch sử nổi tiếng như Dương Đình Nghệ, Lê Hoàn, Lê Lợi, các chúa Trịnh, Nguyễn...

    Suối cá thần Cẩm Lương

    Suối cá thần Cẩm Lương

  75. Ngân Hà
    Tên gọi của thiên hà bao gồm Trái Đất của chúng ta. Trên bầu trời đêm, Ngân Hà trông như một dải sáng trắng vắt ngang bầu trời, nên được hình tượng hóa thành một dòng sông trên thượng giới. Trong thần thoại Trung Quốc, Ngưu Lang và Chức Nữ bị sông Ngân Hà chia cách, nên sông Ngân còn tượng trưng cho sự ngăn cách lứa đôi.

    Nguồn: Rick Whitacre.

    Dải Ngân Hà. Nguồn: Rick Whitacre.

  76. Trị thủy
    Cải tạo sông ngòi và điều tiết dòng chảy để sử dụng sức nước và ngăn ngừa lũ lụt.
  77. Các cửa ô Hà Nội
    Theo sách Bắc thành dư địa chí soạn hồi đầu thế kỷ 19, Hà Nội có 21 cửa ô. Bản đồ Tòa thành Hà Nội (thành đất) dựng năm 1831 có ghi vị trí và tên 16 cửa ô. Bản đồ Tỉnh thành Hà Nội vẽ năm 1866 đời Tự Đức chỉ còn 15 cửa ô. Đến thế kỷ 20, trên sách vở, báo chí, trong các tác phẩm thi ca, người ta chỉ còn nhắc đến Hà Nội 5 cửa ô.

    Thời xưa, các cửa ô là cửa ra vào kinh thành, có cổng ba cửa, có vọng lầu, xây bằng gạch vồ nâu đỏ. Đến nay, chỉ sót lại duy nhất Ô Quan Chưởng là giữ được hình tích cũ. Các cửa ô còn lại chỉ còn là địa danh của một số phố phường.

    Ô Quan Chưởng thời Pháp thuộc

    Ô Quan Chưởng thời Pháp thuộc

  78. Sông Lục Đầu
    Còn được gọi là Lục Đầu Giang, tên cũ là sông Phù Lan, quãng sông tạo thành bởi hợp lưu của sáu con sông: Cầu, Thương, Lục Nam, Đuống, Kinh Thầy và Thái Bình, nay là vùng Vạn Yên, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Phong thủy gọi đây là thế đất “lục long tranh châu” (sáu con rồng tranh nhau hòn ngọc). Giặc ngoại xâm nhiều lần theo đường thủy vào cửa Bạch Đằng, vào sông Kinh Thầy, tập kết ở Lục Đầu Giang để tấn công vào Thăng Long. Tại đây đã diễn ra nhiều cuộc thủy chiến dữ dội, mà lớn nhất là cuộc chiến năm 1285 giữa quân nhà Trần (Đại Việt) với giặc Nguyên Mông.

    Ngày nay, trong lễ hội tháng tám âm lịch ở đền Kiếp Bạc, người dân vẫn tổ chức nghi lễ rước thủy trên sông Lục Đầu để tôn vinh Đức Thánh Trần (Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn) và tái hiện chiến thắng Vạn Kiếp năm 1285.

    Khám phá Lục Đầu Giang - Phóng sự của kênh truyền hình VTC10

  79. Sông Thương
    Còn có tên là sông Nhật Đức, xưa còn gọi là sông Nam Bình, sông Lạng Giang, sông Long Nhỡn, một con sông lớn ở miền Bắc. Sông bắt nguồn từ dãy núi Na Pa Phước, làng Man, xã Vân Thuỷ, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn, chảy qua các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Dương rồi đổ vào sông Thái Bình. Sông Thương có hiện tượng "nước chảy đôi dòng" do hiện tượng nhập giang của sông Sim mang nhiều phù sa đục vào dòng chính trong xanh, tạo thành hai dòng chảy song song không hòa với nhau.

    Nghe ca khúc Con thuyền không bến của nhạc sĩ Đặng Thế Phong, có nhắc đến sông Thương.

    Sông Thương đoạn chảy qua thành phố Bắc Giang

    Sông Thương đoạn chảy qua thành phố Bắc Giang

  80. Tản Viên
    Tên một ngọn núi nổi tiếng thuộc dãy núi Ba Vì, huyện Ba Vì, Hà Nội. Tản Viên còn có tên gọi khác là Ngọc Tản, Tản Sơn hoặc Phượng Hoàng Sơn.
    Tản Viên cao 1281m, gần đỉnh thắt lại, đến đỉnh lại xòe ra như chiếc ô nên gọi là Tản (傘). Chân núi này có đền Hạ, lưng chừng núi có đền Trung, đỉnh núi có đền Thượng là nơi thờ Sơn Tinh (Đức Thánh Tản). Núi Tản Viên là nơi gắn với huyền thoại về Sơn Tinh, một trong bốn vị thánh bất tử (tứ bất tử) của người Việt.

    Tản Viên

    Tản Viên

  81. Đền Sòng Sơn
    Gọi tắt là đền Sòng, một ngôi đền xưa thuộc trang Cổ Đam, Phú Dương, Phủ Tống, Thanh Hoá, nay thuộc phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Đền thờ Mẫu Liễu Hạnh - một trong Tứ bất tử của người Việt. Lễ hội Đền Sòng thường diễn ra từ ngày mùng 10 đến 26 tháng 2 âm lịch hàng năm, trong đó ngày 25 là chính hội, đó là ngày Thánh Mẫu hạ giới. Vào ngày 15 tháng 3 hàng năm tại đền lại diễn ra lễ hội tưởng nhớ bà Chúa Liễu Hạnh, có nhiều du khách thập phương tham dự.
  82. Lạng Sơn
    Còn gọi là xứ Lạng, một tỉnh ở vùng Đông Bắc nước ta. Lạng Sơn có nhiều thắng cảnh nổi tiếng như động Nhị Thanh, chùa Tam Thanh, ải Chi Lăng, núi Tô Thị...

    Phong cảnh Lạng Sơn

    Phong cảnh Lạng Sơn

  83. Động Hương Tích
    Tên một hang động rất đẹp thuộc quần thể di tích Hương Sơn thuộc huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội). Tháng ba năm Canh Dần (1770), Chúa Trịnh Sâm từng tham quan động và đặt tên cho động là "Nam Thiên đệ nhất động" tức "động đẹp nhất trời Nam." Trong động có pho tượng Phật bà Quan Âm làm bằng đá xanh tạc thời Tây Sơn và hàng vạn nhũ đá nhấp nhô đẹp mắt.

    Động Hương Tích

    Động Hương Tích

  84. Lý Quốc Sư
    (1065-1141) Tên thật là Nguyễn Chí Thành, tên hiệu Nguyễn Minh Không, đạo hiệu Không Lộ, được nhân dân tôn là Đức thánh Nguyễn. Ông sinh tại xã Đàm Xá, phủ Tràng An (nay thuộc Gia Viễn, Ninh Bình), là một vị cao tăng đứng đầu tổ chức phật giáo thời nhà Lý. Ông đã dựng tới 500 ngôi chùa trên đất Đại Việt, đồng thời là người sưu tầm và phục hưng nghề đúc đồng, được suy tôn là ông tổ nghề đúc đồng. Lý Quốc Sư là người đúc tượng Phật chùa Quỳnh Lâm ở Quảng Ninh và đỉnh đồng trên tháp Báo Thiên ở Thăng Long, hai trong số bốn báu vật nổi tiếng gọi là "An Nam Tứ đại khí” của nước Đại Việt thời Lý - Trần (hai báu vật còn lại là chuông Quy Điền và vạc Phổ Minh).

    Tháp Báo Thiên

    Tháp Báo Thiên

  85. Hữu Sào
    Một vị vua huyền thoại trong Tam Hoàng Ngũ Đế của Trung Quốc.

     

  86. Nữ Oa
    Tên một vị nữ thần khổng lồ có mặt trong cả trong thần thoại Trung Quốc và Việt Nam với tích "Nữ Oa đội đá vá trời." Theo đó, trước đây bầu trời được chống bởi một ngọn núi cao (gọi là trụ trời). Một hôm trụ trời bị gãy sụp, trời thủng, khắp nơi hỗn độn, trăm họ rơi vào cảnh lầm than. Không nỡ nhìn nhân dân lâm vào cảnh cực khổ, bà Nữ Oa bèn bay khắp nơi tìm đá ngũ sắc, vá lại bầu trời.

    Nữ Oa còn là một nhân vật huyền thoại trong Tam Hoàng Ngũ Đế của Trung Quốc.

  87. Hạ Vũ
    Tên khai sinh là Tự Văn Mệnh, thường được gọi là Đại Vũ, sinh vào khoảng năm 2205 - 2200 TCN, mất khoảng 2198 - 2100 TCN. Ông là người sáng lập ra triều đại nhà Hạ, là một vị vua huyền thoại ở Trung Quốc cổ đại, được nhớ tới nhiều nhất bởi đã có công phát triển kỹ thuật trị thủy chinh phục các sông ngòi Trung Quốc.

     

  88. Thuốc lào
    Theo học giả Đào Duy Anh, cây thuốc lào có lẽ từ Lào du nhập vào Việt Nam nên mới có tên gọi như thế. Sách Vân Đài loại ngữĐồng Khánh dư địa chí gọi cây thuốc lào là tương tư thảo (cỏ nhớ thương), vì người nghiện thuốc lào mà hai, ba ngày không được hút thì trong người luôn cảm thấy bứt rứt khó chịu, trong đầu luôn luôn nghĩ đến một hơi thuốc, giống như nhớ người yêu lâu ngày không gặp. Thời xưa, ngoài "miếng trầu là đầu câu chuyện," thuốc lào cũng được đem ra để mời khách. Hút thuốc lào (cũng gọi là ăn thuốc lào) cần có công cụ riêng gọi là điếu.

    Thuốc lào thường được đóng thành bánh để lưu trữ, gọi là bánh thuốc lào.

    Hút thuốc lào bằng ống điếu

    Hút thuốc lào bằng ống điếu

  89. Quốc túy
    Cái đặc sắc về tinh thần hoặc vật chất của một dân tộc.
  90. Yên vân
    Khói (yên) mây (vân).
  91. Thừa
    Một chức vụ nhỏ trong các nha phủ dưới thời phong kiến.
  92. Phi điếu bất thành quan: Không có điếu (cày) không thể thành quan.
  93. Đa mang
    Tự vương vấn vào nhiều tình cảm để rồi phải đeo đuổi, vấn vương, dằn vặt không dứt ra được.

    Thôi em chả dám đa mang nữa
    Chẳng buộc vào chân sợi chỉ hồng

    (Xuân tha hương - Nguyễn Bính)

  94. Sơn hà
    Núi sông (từ Hán Việt). Từ cũ, nghĩa rộng dùng để chỉ đất nước.

    Nam quốc sơn hà Nam Đế cư
    Tiệt nhiên phận định tại thiên thư
    Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
    Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư

    (Lý Thường Kiệt)

    Dịch thơ:

    Sông núi nước Nam vua Nam ở
    Rành rành định phận tại sách trời
    Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
    Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.

  95. U Minh
    Nay là tên một huyện thuộc tỉnh Cà Mau ở cực Nam nước ta. U Minh còn là tên của hai khu rừng tràm nước mặn U Minh Hạ (thuộc tỉnh Cà Mau ) và U Minh Thượng (thuộc tỉnh Kiên Giang ). U Minh có nghĩa là tối và mờ. Trước đây khi chưa khai khẩn, U Minh được coi là chốn "rừng thiêng nước độc," nhiều thú dữ như cá sấu, hổ beo, rắn rết, nhưng cũng rất nhiều tài nguyên quý báu. Hiện nay rừng nước mặn U Minh đã được quy hoạch thành vườn quốc gia dành cho mục đích du lịch và bảo tồn sinh thái. Một đặc điểm lý thú của rừng tràm U Minh là nước sông rạch bị nhuộm thành màu đỏ bởi lá tràm rụng trên đất rừng.

    Rừng U Minh

    Rừng U Minh

    Rạch nước đỏ ở rừng U Minh

    Rạch nước đỏ ở rừng U Minh

  96. Choại
    Một loài dương xỉ mọc hoang trong rừng ẩm nhiệt đới ven các con sông, kênh rạch. Ở nước ta dây choại có nhiều ở vùng Đồng Tháp Mười, Cà Mau, Hậu Giang, Rạch Giá. Lá và đọt non dùng làm rau, thân dai và bền, chịu được lâu trong nước nên được dùng làm dây thừng và dụng cụ đánh cá, và còn được dùng làm thuốc.

    Đọt choại non

    Đọt choại non

  97. Dớn
    Một loài rau dại có hình dáng gần giống cây dương xỉ, chỉ có ở vùng núi rừng hay nơi bờ suối, bờ khe, dưới các tán rừng thấp có độ ẩm ướt cao. Đặc biệt, rau dớn chỉ thích hợp với môi trường hoang dã nên ít khi nuôi trồng được. Rau dớn được dùng làm thực phẩm và làm thuốc.

    Rau dớn (Nguồn)

    Rau dớn

  98. Cóc kèn
    Tên một loài dây leo mọc phổ biến trong những khu rừng ngập mặn, hay xung quanh những sông ngòi, ao hồ nhiễm mặn ở nước ta. Dây cóc kèn có thể dài từ 8 đến 15 mét, đôi khi mọc thành bụi um tùm. Lá xanh mướt, bóng láng, một cành mang từ 3 đến 5 lá. Quả cây cóc kèn như quả đậu, khi chín màu nâu vàng, mang 1-2 hạt. Cây cóc kèn đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái rừng ngập mặn cùng với các loại cây đặc trưng khác như đước, mắm, vẹt. Thân rễ cây cóc kèn là những vị thuốc Nam trị nhiễm trùng, sưng, bong gân. Lá cóc kèn có độc tính, nhân dân ta thường dùng lá có kèn phơi khô đặt trong các chum vại và mảng trữ thóc để trừ mọt.

    Hoa của cây cóc kèn.

    Hoa của cây cóc kèn

    Lá và quả của cây cóc kèn.

    Lá và quả của cây cóc kèn

  99. Rắn nước
    Tên chung của một số giống rắn không có nọc độc, sống dưới nước, thức ăn chủ yếu là ếch nhái, cá nhỏ...

    Rắn nước

    Rắn nước

  100. Rắn râu
    Một loài rắn độc, nhưng lượng nọc và độc tố không đủ để gây nguy hiểm cho con người. Rắn râu sống ở vùng nước của nhiều địa phương thuộc miền Nam. Đặc điểm nổi bật của rắn râu là từ đầu mũi mọc ra hai xúc tu trông như hai sợi râu. Cặp "râu" này có tác dụng như một loại mồi nhử thu hút các loài cá đến gần.

    Rắn râu

    Rắn râu

  101. Rắn rồng
    Còn có tên là rắn hổ ngựa hoặc rắn sọc dưa. Rắn cỡ lớn, lưng có sọc, sống trên cạn, thường gặp ở đồng bằng và trung du, không độc, song rất dữ, dễ bị kích thích. Rắn rồng bắt mồi cả vào ban ngày và ban đêm và có tập tính săn đuổi mồi (chủ yếu là chuột, thằn lằn hoặc ếch nhái).

    Rắn rồng

    Rắn rồng

  102. Rắn lục
    Loại rắn cực độc, trọng lượng chỉ trên dưới 300gam và dài 30cm đối với con trưởng thành. Thường gặp là rắn lục xanh có đầu hình tam giác, phủ tấm nhỏ. Lưng có màu xanh lá cây, bụng nhạt hơn lưng. Có nhiều loại rắn lục như: rắn lục xanh, rắn lục đuôi đỏ, rắn lục sừng, rắn lục núi...

    Rắn lục xanh

    Rắn lục xanh

  103. Rắn mái gầm
    Loại rắn độc có kích thước khá lớn, dài trên một mét khi trưởng thành. Đầu to, trên đầu có dấu hiệu giống như một mũi tên màu vàng, mắt nhỏ màu đen. Thân rắn có khoanh đen và vàng xen kẽ, giữa lưng có gờ nổi dọc theo xương sống. Đây là một trong những loài rắn cực độc, nọc độc có thể giết chết nạn nhân trong vài phút nếu không được cứu chữa kịp thời. Rắn mái gầm chậm chạp, ít khi chủ động tấn công con người, thức ăn của chúng là rắn khác, cá, ếch, trứng rắn. Loài rắn này có nhiều tên khác như mai gầm, cạp nong, hổ lửa...

    Rắn mái gầm

    Rắn mái gầm

  104. Nhật trình
    Tờ báo đọc hằng ngày. Ở Trung và Nam Bộ, từ này cũng được phát âm thành nhựt trình.
  105. Trương Vĩnh Ký
    Nhà văn, nhà ngôn ngữ học, nhà giáo dục học, nhà văn hóa lỗi lạc của nước ta vào cuối thế kỉ 19. Ông sinh ngày 6/12/1837 tại ấp Cái Mơn, xã Vĩnh Thành, tổng Minh Lý, huyện Tân Minh, phủ Hoàng An, tỉnh Vĩnh Long (nay thuộc huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre), mất ngày 1/9/1898 tại Sài Gòn. Thông minh và ham học từ nhỏ, sau này ông đọc thông viết thạo 27 ngoại ngữ, là tác giả của hơn 100 tác phẩm về văn học, lịch sử, địa lý, từ điển và dịch thuật, có tri thức vô cùng uyên bác, được tấn phong Giáo sư Viện sĩ Pháp, được ghi tên trong Bách khoa Tự điển Larousse, và được xem là một trong 18 nhà bác học hàng đầu thế giới thế kỷ 19. Cùng với Nguyễn Văn Vĩnh, ông thường được coi là "ông tổ nghề báo Việt Nam" vì là người sáng lập Gia Định báo, tờ báo quốc ngữ đầu tiên của nước ta.

    Trường chuyên Lê Hồng Phong, thuộc thành phố Hồ Chí Minh hiện nay, trước đây có tên là trường Pétrus Ký, chính là đặt theo tên ông.

    Trương Vĩnh Ký

    Trương Vĩnh Ký

  106. Bổn
    Bản (phương ngữ Nam Bộ).
  107. Trà Vinh
    Tên một tỉnh ven biển ở đồng bằng sông Cửu Long, có kho tàng văn hoá đa dạng, đặc biệt là văn hoá vật thể và phi vật thể của người Khmer: chữ viết, lễ hội, đền chùa... Tại đây cũng có nhiều đặc sản như cốm dẹp trộn dừa kiểu Khmer; các món đuông như đuông chà là, đuông đất và đuông dừa; mắm rươi; rượu Xuân Thạnh, bánh tét, bánh tráng ba xe, mắm kho, bún nước lèo...

    Chùa Kompong Ksan tại Trà Vinh

    Chùa Kompong Ksan tại Trà Vinh

    Bún nước lèo - đặc sản Trà Vinh

    Bún nước lèo - đặc sản Trà Vinh

  108. Kỳ tời
    Đọc trại chữ kỳ tài, cách phát âm của người Nam Bộ.
  109. Thầy Thông Chánh
    Một người làm nghề thông ngôn tên là Chánh. Theo nhà nghiên cứu Trần Dũng thì thầy Thông Chánh tên thật là Nguyễn Văn Chánh, còn gọi là Nguyễn Trung Chánh, sinh khoảng năm 1850 tại Trà Vinh trong một gia đình theo đạo Thiên chúa, làm thông ngôn cho Pháp. Vợ (có nguồn nói là con gái) của thầy là cô Ba, sắc đẹp nổi tiếng lúc bấy giờ, nên tên Biện lý Jaboin rắp tâm chiếm đoạt. Quá uất ức, thầy đã dùng súng giết chết viên quan thực dân háo sắc ngày 14 tháng 5 năm 1893 (theo Sơn Nam), bị Tòa đại hình Mỹ Tho kết án ngày 19 tháng 6 năm 1893, và bị chém đầu ngày 8 tháng 1 năm 1894 tại Trà Vinh.
  110. Lang Sa
    Pha Lang Sa, Phú Lang Sa, Phú Lãng Sa, hay Lang Sa đều là những cách người Việt thời trước dùng để chỉ nước Pháp, ngày nay ít dùng. Các tên gọi này đều là phiên âm của từ "France".
  111. Châu thành
    Phố phường, thành thị, nơi dân cư đông đúc. Các tỉnh Nam Bộ ngày xưa đều có quận, huyện châu thành.
  112. Lễ Chánh Chung
    Tên nhân dân ta thời Pháp thuộc đặt cho lễ ngày Quốc khánh Pháp 14 tháng 7 (kỷ niệm phá ngục Bastille năm 1789). Vào ngày này thực dân Pháp tổ chức diễu binh, đua ngựa, vui chơi với mục đích mị dân.
  113. Trát
    Giấy truyền lệnh của quan lại ngày xưa. Từ chữ Hán 札 nghĩa là cái thẻ, vì ngày xưa không có giấy nên mọi mệnh lệnh muốn truyền đạt phải viết vào miếng gỗ nhỏ.
  114. Troàn
    Truyền.
  115. Ngươn soái
    Nguyên soái (phương ngữ Nam Bộ).
  116. Tổng nhung
    Vị quan võ thống lĩnh toàn bộ việc quân của một địa phương.
  117. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  118. Sanh sản
    Sinh sản.
  119. Thổ Phồn
    Cũng gọi là Thổ Phiên, Thổ Phiền hoặc Phiên, tên mà người Trung Quốc từ thời nhà Đường dùng để gọi một vương quốc thống trị vùng Tây Tạng từ khoảng thế kỷ thứ 6 đến thế kỷ thứ 9.
  120. Di địch
    Mọi rợ, chưa khai hóa. Người Trung Hoa thời cổ cho rằng nước mình ở giữa thế giới, gọi các dân tộc xung quanh họ, chưa tiếp thu văn hóa Trung Hoa, là Man (ở phía nam), Di (ở phía đông), Nhung (ở phía tây), Địch (ở phía bắc).
  121. Ác côn
    Đứa vô lại, hung dữ.
  122. Long Thành
    Thành Thăng Long, tên cũ của Hà Nội trước năm 1831.
  123. Ba mươi sáu phố
    Một cách gọi của đô thị cổ Hà Nội, khu vực dân cư nằm về phía đông của hoàng thành Thăng Long, nơi tập trung nhiều hoạt động buôn bán. Khu vực này rộng hơn khu phố cổ Hà Nội ngày nay.

    "Ba mươi sáu" là một con số mang tính ước lệ, số phố thực tế nhiều hơn con số này, và thay đổi theo thời kì.

  124. Hàng Bồ
    Một con phố của Hà Nội xưa, nay là đoạn phố Hàng Bồ từ ngã tư Hàng Thiếc - Thuốc Bắc đến ngã tư Hàng Cân - Lương Văn Can, thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phố Hàng Bồ xưa là nơi tập trung các cửa hàng bán đồ tre nứa như bồ, sọt, thúng, mủng.

    Một cửa hàng trên phố Hàng Bồ cũ

    Một cửa hàng trên phố Hàng Bồ cũ

  125. Hàng Bạc
    Một con phố của Hà Nội xưa, nay vẫn mang tên là phố Hàng Bạc, thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Thời Lê, trường đúc bạc của triều đình đặt ở đây, đến thời Nguyễn mới dời vào Huế. Phố Hàng Bạc xưa là nơi tập trung nhiều cửa hiệu làm đồ kim hoàn, đúc vàng bạc và đổi tiền.

    Phố Hàng Bạc, tranh của Bùi Xuân Phái.

    Phố Hàng Bạc, tranh của Bùi Xuân Phái.

  126. Hàng Gai
    Một con phố của Hà Nội xưa, nay vẫn mang tên là phố Hàng Gai, thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phố Hàng Gai thời Lê có nhiều cửa hàng bán các loại dây gai, dây đay, võng, thừng, nên dân gian còn gọi là phố Hàng Thừng. Sang thời Nguyễn, các sản phẩm này mai một dần, phố Hàng Gai trở thành khu in ấn và bán sách.

    Phố Hàng Gai thời Pháp thuộc

    Phố Hàng Gai thời Pháp thuộc

  127. Hàng Buồm
    Một con phố của Hà Nội xưa, nay vẫn mang tên là phố Hàng Buồm, thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phố Hàng Buồm xưa chuyên bán các loại buồm may bằng vải hoặc đan bằng cói cho thuyền bè, các loại vỉ buồm, chiếu buồm, cùng bị, giỏ, chiếu, mành, và các sản phẩm làm từ cói khác.

    Phố Hàng Buồm dưới thời Pháp thuộc

    Phố Hàng Buồm dưới thời Pháp thuộc

  128. Hàng Thiếc
    Một phố nghề có từ lâu đời của Hà Nội xưa, nay vẫn mang tên là phố Hàng Thiếc, thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ban đầu phố Hàng Thiếc chuyên làm các sản phẩm như đèn, lư hương, khay, ấm... bằng thiếc, về sau phát triển thêm các mặt hàng gia dụng bằng sắt tây. Ngày nay nghề làm đồ sắt vẫn phát triển mạnh ở đây, giúp Hàng Thiếc trở thành một trong số ít các phố nghề ở Hà Nội vẫn còn giữ được nghề truyền thống.
  129. Hàng Hài
    Một phố của Hà Nội xưa, tương ứng với đoạn đầu của phố Hàng Bông từ Hàng Hòm đến Hàng Mành, thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phố Hàng Hài xưa có nhiều hàng làm hài, giầy, guốc.
  130. Có bản chép "Hàng Bài," cũng là một con phố của Hà Nội xưa, nay là phố Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phố Hàng Bài xưa có nhiều hàng bán những cỗ bài lá (tam cúc, tổ tôm).
  131. Hàng Khay
    Còn gọi là phố Thợ Khảm, một phố của Hà Nội xưa, chạy dọc theo bờ nam hồ Hoàn Kiếm, tương ứng với phố Hàng Khay và đoạn cuối phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội hiện nay. Mặt hàng chính của phố Hàng Khay xưa là các sản phẩm gỗ khảm xà cừ như khay, mâm, sập, gụ, tủ, bàn.
  132. Mã Vĩ
    Một phố của Hà Nội xưa, nay là đoạn phố Hàng Nón ngắn từ ngã ba Hàng Thiếc đến ngã ba Hàng Hòm. Phố Mã Vĩ xưa có nhiều cửa hàng chuyên bán các loại trang phục sân khấu như mũ mão, mũ cánh chuồn, râu tóc, chủ yếu làm từ lông đuôi ngựa, nên có tên là phố Mã Vĩ (đuôi ngựa).
  133. Hàng Điếu
    Một phố của Hà Nội xưa, nay vẫn mang tên là phố Hàng Điếu, thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Mặt hàng chính của phố Hàng Điếu xưa là các dụng cụ để hút thuốc, như ống điếu, điếu bát, điếu cày, nghề này mai một vào đầu thế kỉ hai mươi.

    Phố Hàng Điếu ngày trước

    Phố Hàng Điếu ngày trước

  134. Hàng Giầy
    Một phố của Hà Nội xưa, nay vẫn mang tên là phố Hàng Giầy, thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phố Hàng Giầy xưa là nơi tập trung những người thợ đóng giầy dép gốc làng Chắm, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương lên Thăng Long làm ăn.
  135. Hàng Lờ
    Một phố của Hà Nội xưa, ngay là đoạn cuối của phố Hàng Bông, từ ngõ Hội Vũ đến Cửa Nam, thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phố Hàng Lờ xưa chuyên bán các dụng cụ bắt cá đan bằng tre như đó, đơm, lờ.
  136. Hàng Cót
    Một phố cổ của Hà Nội, thời Pháp thuộc tên Rue Takou, sau 1945 đổi thành Hàng Cót. Vào những năm đầu thế kỉ 20, cư dân ở đây chủ yếu sống bằng nghề đan và buôn bán cót.

    Phố Hàng Cót những năm 1980

    Phố Hàng Cót những năm 1980

  137. Hàng Mây
    Tên một phố cổ của Hà Nội xưa, nay là phía bắc của phố Mã Mây. Cư dân phố Hàng Mây trước đây chuyên làm các đồ dùng chế biến từ mây và cả sợi mây nguyên liệu.
  138. Hàng Đàn
    Một phố của Hà Nội xưa, nay là đoạn giữa của phố Hàng Quạt. Gọi là Hàng Đàn vì trước đây khu phố nay chuyên làm và bán các loại đàn như đàn tranh, đàn bầu, đàn nguyệt...
  139. Phố Mới
    Tên gọi khác của phố Hàng Chiếu, một phố nằm trong 36 phố cổ Hà Nội. Phố được xây trên thôn Thanh Hà cũ của huyện Thọ Xương. Ngày xưa, nơi đây bán nhiều chiếu cói và còn có bán cả bát (nên còn có tên là phố Hàng Bát). Thời Pháp thuộc, phố có tên là Rue Jean Dupuis, phía đầu phố là nơi chuyên buôn súng ống đạn dược cho quân đội Pháp. Đây là phố đầu tiên ở Hà Nội có kiến trúc kiểu Pháp, có vỉa hè, cây xanh, cột đèn... nên người dân quen gọi là phố Mới.
  140. Phúc Kiến
    Tên gọi dân gian của phố Lãn Ông, một phố thuộc ba sáu phố của Hà Nội ngày xưa. Gọi như vậy vì nơi đây là khu vực cư ngụ của nhiều người Hoa Kiều gốc tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc).
  141. Hàng Ngang
    Tên một phố cổ của Hà Nội. Vào thế kỉ 18 đoạn đầu phố giáp phố Hàng Đào gọi là phố Hàng Lam, chuyên bán đồ tơ lụa màu xanh lam; đến thế kỉ 19 có tên là phố Việt Đông do có nhiều người Trung Hoa gốc Quảng Đông sinh sống. Khu phố Hoa Kiều buôn bán sầm uất, giàu có, hai đầu phố làm hai cánh cổng để buổi tối đóng lại, đó có thể là một nguồn gốc của tên gọi Hàng Ngang.

    Cổng vào của phố Hàng Ngang, cuối thế kỉ 19.

    Cổng vào của phố Hàng Ngang, kí họa cuối thế kỉ 19.

  142. Hàng Mã
    Một phố cổ của Hà Nội, ngày xưa có nhiều cửa hàng bán đồ giấy và đồ mã.
  143. Hàng Mắm
    Một phố cổ của Hà Nội. Ngày xưa, khi sông Hồng chảy sát chân đê, phồ Hàng Mắm nằm cạnh bờ sông, các thuyền bán mắm đậu ở đây. Phố Hàng Mắm cho đến trước 1945 vẫn còn nhiều cửa hàng bán các loại mắm tôm, mắm cá, và cả nước mắm.
  144. Hàng Than
    Một phố cổ của Hà Nội, ngày xưa có nhiều lò nung vôi, bán than.
  145. Hàng Đồng
    Một phố cổ của Hà Nội, ngày xưa là nơi có các hàng sửa chữa cũng như bán các đồ dùng bằng đồng như mâm, nồi, chân nến, lư hương.

    Phố Hàng Đồng ngày trước

    Phố Hàng Đồng ngày trước

  146. Hàng Muối
    Một phố cổ của Hà Nội. Xưa kia phố này nằm sát bờ sông Hồng, có nhiều thuyền chở muối lên đem bán ở đây.
  147. Hàng Nón
    Một phố cổ của Hà Nội, thời Pháp thuộc tên là Rue des Chapeaux, ngày nay tương ứng với đoạn phía tây của phố Hàng Nón ngã ba Hàng Thiếc trở đi, thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội (đoạn phía đông phố Hàng Nón ngay nay xưa gọi là phố Mã Vĩ). Phố Hàng Nón ngày xưa có bán đủ loại nón đội đầu.

    Đoạn chính của phố Hàng Nón đầu thế kỉ 20.

    Đoạn chính của phố Hàng Nón đầu thế kỉ 20

  148. Cầu Đông
    Một phố cổ của Hà Nội, một trong những khu vực sầm uất nhất của Thăng Long - Hà Nội xưa, tương ứng với phố Hàng Đường ngày nay. Thời xưa, sông Tô Lịch chảy ngang Hà Nội từ sông Hồng, có cây cầu đá bắc qua sông (ở vị trí ngã tư Hàng Đường - Ngõ Gạch ngày nay) gọi là cầu Đông, người dân họp chợ ngay đầu cầu, gọi là chợ Cầu Đông hay chợ Chùa. Đoạn sông này bị lấp hoàn toàn vào năm 1889, cầu cũng không còn, và người Pháp giải tỏa chợ Cầu Đông và chợ Bạch Mã (họp quanh đền Bạch Mã), dời các hàng quán vào Đồng Xuân. Phố Cầu Đông nằm bên cạnh chợ Đồng Xuân ngày nay là một phố mới, đặt tên để kỉ niệm phố Cầu Đông cũ.

    Lọ là oanh yến hẹn hò,
    Cầu Đông sẵn lối cầu Ô đó mà.
    (Bích câu kì ngộ - Vũ Khắc Trân)

  149. Hàng Hòm
    Một phố cổ của Hà Nội, thời xưa có nhiều hàng làm nghề sơn gỗ, dần dần phát triển thành bán các loại rương, hòm, tráp bằng gỗ sơn, về sau lại phát triển thêm các mặt hàng mới như va li, cặp da, túi xách. Tên phố vẫn giữ nguyên qua nhiều thời đại, nghề làm hòm vẫn phát triển cho đến sau 1975, chỉ mới mai một gần đây, thay vào đó là nghề bán sơn phát triển mạnh.

    Phố Hàng Hòm

    Phố Hàng Hòm

  150. Hàng Đậu
    Một phố cổ của Hà Nội. Đầu phía đông phố là cửa ô Phúc Lâm, còn gọi là ô Hàng Đậu, đây là nơi ngày xưa mỗi phiên chợ người ngoại thành tập trung bán các loại đậu: đậu đen, đậu xanh, đậu trắng, đậu nành. Đầu phía tây phố là tháp nước Hàng Đậu, xây từ thời Pháp thuộc.

    Tháp nước Hàng Đậu thời Pháp thuộc

    Tháp nước Hàng Đậu thời Pháp thuộc

  151. Hàng Bông
    Tên một phố thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, gồm nhiều phố cổ gộp lại mà thành: Hàng Hài, Hàng Bông Đệm, Hàng Bông Cửa Quyền, Hàng Bông Lờ, Hàng Bông Thợ Nhuộm. Thời Pháp thuộc phố tên là Rue du Coton, sau 1945 mới chính thức mang tên Hàng Bông.

    Phố Hàng Bông đầu thế kỉ 20

    Phố Hàng Bông đầu thế kỉ 20

  152. Hàng Bè
    Một phố cổ của Hà Nội, nay vẫn mang tên là phố Hàng Bè. Phố này trước đây là một khúc của con đê cũ, khi dòng sông còn chảy sát chân đê, đây là nơi kết tập và bán các bè gỗ và vật liệu từ miền ngược.

    Phố Hàng Bè, tranh của Bùi Xuân Phái.

    Phố Hàng Bè, tranh của Bùi Xuân Phái.

  153. Hàng Thùng
    Một phố cổ của Hà Nội, xưa kia có nhiều nhà sản xuất các loại thùng bằng tre, nứa, rồi gắn sơn, vật liệu tre nứa được lấy từ phố Hàng Tre kế cận.
  154. Hàng Bát
    Một phố cổ của Hà Nội, phố này bán cả hai mặt hàng là chén bát và chiếu cói. Nay là đoạn đầu của phố Hàng Chiếu giáp với Ô Quan Chưởng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
  155. Hàng Tre
    Một phố cổ của Hà Nội. Ngày xưa, phố Hàng Tre nằm sát bờ sông Hồng, tre nứa từ các nơi tập kết lại rồi bán ở các gian hàng phía bờ sông.

    Phố Hàng Tre cuối thế kỉ 19.

    Phố Hàng Tre cuối thế kỉ 19.

  156. Hàng Vôi
    Một phố cổ của Hà Nội, trước đây nằm sát bờ sông Hồng, có nhiều chỗ nung vôi và bán vôi. Phố Hàng Vôi xưa tương đương với hai phố ngày nay là phố Hàng Vôi và phố Tông Đản, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
  157. Hàng Giấy
    Một phố cổ của Hà Nội, ngày xưa có nhiều hàng bán các loại giấy sản xuất ở làng Bưởilàng Cót, cũng như các loại giấy quyến, giấy bạch nhập khẩu từ Trung Quốc.
  158. Hàng The
    Một phố cổ của Hà Nội, nơi buôn bán các loại vải the, tơ lụa. Nay là đoạn đầu của phố Hàng Đào về phía phố Cầu Gỗ, thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
  159. Hàng Gà
    Một phố cổ của Hà Nội, ngày xưa phố này nằm trên con đường từ cửa Đông thành hướng ra, có nhiều người dân đem gà vịt và các loại gia cầm nói chung đến tập trung buôn bán, dần thành mối. Về sau, gà vịt được bán sỉ ở trong nhà, hoặc đem bán rong ở các hàng quán. Phố Hàng Gà xưa ngày nay tương ứng với đoạn phố Hàng Gà phía trên, giữa phố Cửa Đông và ngã tư Hàng Cót - Hàng Mã, còn đoạn phố Hàng Gà phía dưới, xưa gọi là phố Thuốc Nam.

    Phố Hàng Gà

    Phố Hàng Gà

  160. Hàng Da
    Một phố cổ của Hà Nội. Ngày xưa phố có nhiều hàng bán các loại da trâu, da bò thuộc. Da được chế biến ở các ngõ Tạm Thương, phố Yên Thái gần đó rồi đem ra phố Hàng Da để bán. Đầu phố Hàng Da có chợ Hàng Da, ban đầu chủ yếu buôn bán da sống phơi khô.
  161. Mắc cửi
    Mắc sợi lên khung cửi; nghĩa bóng chỉ sự tình trạng đan xen ngang dọc dày đặc như những sợ chỉ trên khung dệt.
  162. Bút hoa
    Cây bút nở hoa, ý nói tài năng văn chương. Theo một điển tích Trung Quốc, nhà thơ Lí Bạch đời Đường nằm mơ thấy cây bút của mình nở hoa rất đẹp, từ đó thơ văn của ông ngày càng xuất sắc, nổi tiếng khắp nơi.
  163. Dị sự
    Chuyện lạ thường (từ Hán Việt).
  164. Vắn
    Ngắn (từ cổ).

    Tự biệt nhiều lời so vắn giấy
    Tương tư nặng gánh chứa đầy thuyền

    (Bỏ vợ lẽ cảm tác - Nguyễn Công Trứ)

  165. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  166. Loan phụng hòa minh
    Chim loan, chim phượng cùng hót. Chỉ vợ chồng hòa thuận, thương yêu nhau.
  167. Thung dung
    Thong dong.
  168. Thôn lân
    Làng xóm láng giềng (từ Hán Việt).
  169. Lao lung
    Khổ cực (từ cổ).
  170. Thất phát
    Cũng như thất bát – mất mùa.
  171. Nàn
    Nạn (từ cũ).
  172. Đoạn trường
    Đau đớn như đứt từng khúc ruột (đoạn: chặt đứt, trường: ruột). Theo Sưu thần kí, có người bắt được hai con vượn con, thường đem ra hiên đùa giỡn. Vượn mẹ ngày nào cũng đến ở trên cây gần đầu nhà, kêu thảm thiết. Ít lâu sau thì vượn mẹ chết, xác rơi xuống gốc cây. Người ta đem mổ thì thấy ruột đứt thành từng đoạn.
  173. Túng tíu
    Túng thiếu (từ cũ).
  174. Thét
    Chịu đựng lâu thành quen (phương ngữ).
  175. Kế tự
    Nối dõi (từ Hán Việt).
  176. Đồng Tháp Mười
    Một vùng đất ngập nước thuộc đồng bằng sông Cửu Long, trải rộng trên ba tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp, là vựa lúa lớn nhất của cả nước. Vùng này có khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, vườn quốc gia Tràm Chim.

    Vườn quốc gia Tràm Chim

    Vườn quốc gia Tràm Chim

  177. Súng
    Loài cây sống lâu năm, mọc hoang dại trong ao, mương, kênh, rạch, láng nước, bàu trũng... Bông súng có lá tròn giống lá sen, phía trên màu xanh, phía dưới mầu hồng nhạt, gắn liền cọng với cuống. Hoa to, màu xanh nhạt, trắng hay hồng, có bốn lá đài. Củ súng nằm bồng bềnh trên mặt nước, ăn được.

    Hoa súng

    Hoa súng

  178. Mỹ An
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Măng Thít, tỉnh Vĩnh Long.
  179. Bình Thạnh
    Địa danh trước tên là Cồn Dâu thuộc tỉnh Kiến Phong cũ, nay là một xã cù lao thuộc huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.

    Cù lao Bình Thạnh (năm 1968)

    Cồn Dâu (năm 1968)

  180. Nha Mân
    Vùng đất nằm giữa sông Tiềnsông Hậu, nay thuộc xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp. Tương truyền, khi bại trận Rạch Gầm-Xoài Mút, trước khi tháo chạy ra đảo Phú Quốc, Nguyễn Ánh đã bỏ lại hàng trăm cung tần mỹ nữ. Sau đó, các cung phi sắc nước nghiêng thành này đã lấy các chàng trai ở đất Nha Mân. Chính vì vậy, con gái Nha Mân tuy xuất thân từ nông dân nhưng đều có nhan sắc. Đầu thế kỉ 20, nghe danh gái Nha Mân, vua Cao Miên cũng tìm sang kiếm vợ.
  181. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  182. Mui, lái, mũi
    Các bộ phận của một con thuyền.
  183. Ban cua lưỡi trắng
    Bệnh thương hàn, da nổi mẩn đỏ, lưỡi trắng.
  184. Vinh hiển
    Vẻ vang, rạng rỡ vì làm nên việc lớn, có tiếng tăm.
  185. Dĩa bàng thang
    Dĩa làm bằng sứ, lớn, thường dùng để đựng đồ thờ cúng.
  186. Tôm càng
    Một loài tôm lớn nước ngọt có càng dài. Tôm càng có thể dài đến 30 cm, là một loại hải sản có giá trị và nhiều dinh dưỡng. Trong lúc còn là ấu trùng, tôm càng sống ở nước lợ, nhưng khi trưởng thành chúng sống hoàn toàn ở nước ngọt. Vì là một loại hải sản quý, tôm càng được chăn nuôi rộng rãi ở nước ta.

    Tôm càng xanh

    Tôm càng xanh

  187. Tôm he
    Một loại tôm ngon và quý, đặc sản của vùng biển Quảng Ninh. Từ tôm he có thể chế biến thành nhiều món ngon và bổ dưỡng như ruốc tôm he, tôm he nhồi, tôm he nhúng...

    Tôm he

    Tôm he

  188. Hẹ
    Một loại rau được dùng nhiều trong các món ăn và các bài thuốc dân gian Việt Nam.

    Bông hẹ

    Bông hẹ

  189. Bài này có sự chơi chữ: Chanh, hành, hẹ, dâu đều là tên những loại cây.