Nhà giàu ngồi mát bát vàng
Nàng tham chốn ấy anh sang làm gì
Xưa kia nói nói thề thề
Cá trê chui ống lọt về giếng khơi
Mới hay lấy vợ trên đời
Chẳng tại trời, tại không tiền nằm không
Dù em nên vợ nên chồng
Con bế con bồng nghĩ lại duyên xưa
Trời có mây mà chẳng có mưa
Sao em lại nỡ đong đưa với tình?
Mới hay duyên nợ ba sinh
Nhà giàu cướp cả cái tình đôi ta
Anh chẳng trách mẹ trách cha
Trách đời chênh lệch hóa ra thế này!
Tìm kiếm "bóng người"
-
-
Ngọn cờ phất ngọn lau cũng phất
Ngọn cờ phất ngọn lau cũng phất
Nồi đồng sôi nồi đất cũng sôi
Hai ta duyên nợ thề bồi
Dù xa nhau đi nữa chỉ tại ông trời không xeDị bản
-
Ai đi đâu đấy hỡi ai
Ai đi đâu đấy hỡi ai
Hay là trúc đã nhớ mai đi tìm?
Tìm em như thể tìm chim
Chim bay bể Bắc anh tìm bể Đông
Tìm bể Ðông thấy lông chim nhạn
Tìm bể cạn thấy đàn chim di
Ai mang nhân ngãi ta đi
Thì mang nhân ngãi ta về cho ta!Dị bản
Ai đi đâu đấy hỡi ai
Hay là trúc đã nhớ mai đi tìm?
Tìm em như thể tìm chim
Chim ăn bể Bắc anh tìm bể Đông
Bể Đông không bóng chim bay
Hôm qua là chín, hôm nay là mười
Tìm em đã mướt mồ hôi
Lại đứt nút áo, lại rơi khăn đầu
Tìm em chẳng thấy em đâu
Lội sông ướt áo, qua cầu tủi ghe
Có nghe nín lặng mà nghe
Những lời anh nói như se vào lòng
-
Nu na nu nống
-
Trông anh chẳng thấy anh ra
-
Nghé ọ, nghé ơ
Nghé ọ nghé ơ
Con nghé nhà ta
Như bông như hoa
Như gà trong trứng
Mẹ nuôi mẹ nấng
Cho vững đường cày
Cho ngay đường bừa
Đi sớm về trưa
Cày bừa khó nhọc
Ta săn ta sóc
Là nghé nghé ơ…Dị bản
-
Rớt tú tài anh đi trung sĩ
Rớt tú tài anh đi trung sĩ
Em ở nhà lấy Mỹ nuôi con
Bao giờ xong việc nước non
Anh về anh có Mỹ con anh bồng. -
Vè con gái hư thân
Ve vẻ vè ve
Nghe vè con gái
Tay chân mềm mại
Khác thể bông hoa
Chờ mẹ đi ra
Cắp tiền thu giấu
Muốn ăn khoai nấu
Ngồi xếp bè he
Miệng bằng cái ghè
Lưng bằng cái thúng
Ăn chùng ăn vụng
Đã sướng bụng chưa … -
Ơ nghé ơi, nghé à
-
Vè bán chiếu
Ai mua chiếu hông
Chiếu bông chiếu trắng
Chiếu vắn chiếu dài
Chiếu dệt lầu đài
Cổ đồ bát bửu
Chiếu tây hột lựu
Da lợn bông bao
Chiếu rộng màu cau
Con cờ, mặt võng
Dệt bông chong chóng
Ngũ sắc, bá huê
Đẹp hết chỗ chê
Ngôi sao, tùng lộc
Chiếu trải giường hộc
Chiếu trải giường Tàu
Chiếu trải giường trước
Chiếu trải giường sau
Chiếu nào cũng có đủ
Trong gia chủ ai muốn mua thì mua -
Anh muốn trông
Anh muốn trông
Anh lên Ba Dội anh trông
Một Dội anh trông
Hai Dội anh trông
Trống thu không ba hồi điểm chỉ
Anh ngồi anh nghĩ
Thở vắn than dài
Trúc nhớ mai
Thuyền quyên nhớ khách
Quan nhớ ngựa bạch
Bóng lại nhớ cây
Anh nhớ em đây
Biết bao giờ cho được
Đạo vợ chồng chẳng trước thì sau
Trăm năm xin chớ quên nhau. -
Em đi đâu đào liễu một mình
-
Cha mẹ nàng đòi ba ngàn anh đi đủ chín ngàn
Cha mẹ nàng đòi ba ngàn anh đi đủ chín ngàn
Anh mua gấm lát đàng, mua vàng lát ngõ
Chiếu bông, chiếu hoa trải ra sáng rõ
Mâm sơn, bát sứ, đũa ngự, chén ngà
Nhà ngói chín tòa phần anh liệu trăm cái
Trai như chàng trai đà xứng rể
Gái như nàng xứng điệu xuân nương
Voi bốn ngà anh chầu chực bốn phương
Họ anh đi bảy vạn, tiền anh tương chín ngàn
Cha mẹ em thách của em đừng khoe khoang -
Vuốt nổ, vuốt nổ
-
Anh muốn trông, anh lên Ba Dội anh trông
Anh muốn trông, anh lên Ba Dội anh trông,
Một Dội anh ngồi, hai Dội anh trông.
Trống thu không ba hồi điểm chỉ,
Anh ngồi anh nghĩ, thở ngắn, than dài.
Trúc nhớ mai, thuyền quyên nhớ khách,
Quan nhớ ngựa bạch, bóng lại nhớ câu
Anh nhớ em đây biết bao giờ được,
Đạo vợ chồng chẳng trước thời sau,
Trăm năm xin chớ quên nhau. -
Trường đồ tri mã lực
Trường đồ tri mã lực,
Sự cửu kiến nhân tâm.
Sen trong đầm lá xanh bông trắng,
Sen ngoài đầm bông trắng lá xanh.
Chim khôn lót ổ lựa nhành,
Gái khôn tìm chỗ trai lành kết duyên.
Vô dược khả y khanh tướng bệnh,
Hữu tiền nan mãi tử tôn hiền.
Bạc muôn khó chuộng bạn hiền sánh đôi.
Ở trên trời có ngôi sao Bắc Đẩu,
Ở dưới hạ giới có con sông Giang hà,
Sông Giang hà chảy ra biển rộng
Bắc đẩu tinh quay ngõng chầu trời,
Tôi thương mình lắm mình ơi,
Biết sao kể nỗi khúc nhôi ớ mình! -
Nắng lên cho mối bắt gà
Nắng lên cho mối bắt gà
Một trăm đàn bà đánh giặc cho vua
Con tép nó kẹp con cua
Một bầy cá mại cõng rùa đi ăn
Chồn đèn cắn cổ chó săn
Chuột kêu chút chít, đòi ăn con mèo
Chó chạy, chồn rượt đuổi theo
Chuột gặm chân mèo, muỗi đốt cánh dơi
Cây cao bóng mát chơi vơi
Gà con tha quạ lên ngồi cành tre
Con voi ấp trứng sau hè
Gà con đi kiện, vịt què vô Nha
Nực cười rết nuốt trứng gà
Đàn ông có chửa, đàn bà có râu
Trai tơ sắm cối giã trầu
Bà già bạc đầu nằm ngửa trong nôi
Chẳng tin đốt đuốc mà coi
Thầy chùa đang ướp cá mòi nấu chay -
Nhớ cơn chung chiếu chung giường
Nhớ cơn chung chiếu chung giường
Nhớ cơn chung lược, chung gương, chung phòng
Nhớ cơn chung gối, chung mùng
Loan ôm lấy phượng, phượng bồng lấy loan
Nhớ cơn nguyệt đổi sao tàn
Cùng nhau thu cúc xuân lan sánh bày
Liễu đông sánh với đào tây
Nước non chỉ nguyện rồng mây đá vàng … -
Thân thiếp như cánh hoa đào
Thân thiếp như cánh hoa đào
Đang tươi đang tốt thiếp trao cho chàng
Bây giờ nhuỵ rữa hoa tàn
Vườn xuân nó kém, sao chàng lại chê?
Chàng cho đôi chữ thiếp về
Dầu chàng năm thiếp, mười thê, mặc chàng
Lắm quân quan nhộn nhà hàng
Lắm nơi lịch sự hơn chàng, chàng ơi!
Chàng ngồi chàng nghĩ mà coi
Sao chàng chẳng nghĩ những hồi ngày xưa … -
Vè loài cá
Nghe vẻ nghe ve, nghe vè loài cá
No lòng phỉ dạ là con cá cơm
Không ướp mà thơm là con cá ngát
Liệng bay thoăn thoắt là con cá chim
Hụt cẳng chết chìm là con cá đuối
Lớn năm, nhiều tuổi là cá bạc đầu
Đủ chữ xứng câu là con cá đối
Nở mai tàn tối là con cá hoa
Xuống nước bệu da là cá úc thịt
Dài lưng hẹp kích là cá lòng tong
Ốm yếu hình dong là con cá nhái
Thiệt như lời vái là con cá linh
Từ miệng nhái in là con cá cóc
Răng phơi khô khốc là con cá hô
Gặp sự ái ố là con cá hố
Dầy mình chẳng hổ là con cá chai
Lội ngược lên hoài là con cá lóc
Thắp đèn coi sách là cá học Trò
Dài miệng hẹn hò là con cá Thệ
Đút đầu se sẻ là cá Bống Kèo
Cái nháp, cái keo là cá Bống Mú
Lớn năm nhiều tuổi là cá bạc đầu
Nó ở trong hầu, là con cá lẹp
Cái mình dẹp lép là con cá kình
Vẩy xủi đầy mình là cá thác lác
Đỏ mầu bỏ xác là cá bã trầu
Chưa tới bữa hầu là con cá cháo
Chân đi chí áo là con cá Còm
…
Chú thích
-
- Cá trê
- Tên một họ cá da trơn nước ngọt phổ biến ở nước ta. Cá trê có hai râu dài, sống trong bùn, rất phàm ăn. Nhân dân ta thường đánh bắt cá trê để làm các món kho, chiên hoặc gỏi.
-
- Ba sinh
- Ba kiếp người: kiếp trước, kiếp này và kiếp sau, theo thuyết luân hồi của Phật giáo. Văn học cổ thường dùng chữ "nghĩa ba sinh" hoặc "nguyện ước ba sinh" để nói về sự gắn kết nam nữ.
Ví chăng duyên nợ ba sinh,
Làm chi những thói khuynh thành trêu ngươi?
(Truyện Kiều)
-
- Lau
- Loại cây họ sậy, thân ống xốp, mọc nhiều ở các vùng đồi núi. Lau có lau có màu xám bạc, mọc nhiều thành thảm rất đặc trưng, nên cũng thường gọi là cây bông lau. Hoa lau có thể được thu hoạch để làm gối, đệm.
-
- Mãn
- Trọn, đầy đủ, hết (từ Hán Việt).
-
- Trúc
- Một loại cây giống tre, mọc thành bụi, lá nhỏ và thưa hơn lá tre. Do trúc có dáng đẹp nên được trồng làm cây cảnh. Trong văn chương ngày xưa, trúc thường được dùng tượng trưng cho hình ảnh người quân tử, hoặc người con gái.
-
- Mai
- Còn gọi là mơ, một loại cây thân nhỏ, nhiều cành, rất phổ biến các nước Đông Á, nhất là Trung Quốc và Nhật Bản. Cây ra hoa vào cuối mùa đông, đầu mùa xuân. Hoa mai nhỏ, mỗi hoa có năm cánh, thường hoa có màu trắng, mặc dù một số giống mai có thể cho hoa màu hồng hay đỏ sẫm. Trong văn học cổ, mai thường được dùng như một hình ảnh ước lệ, đại diện cho người phụ nữ. Lưu ý, cây mai này không phải là loại mai vàng của miền Nam nước ta.
-
- Nhạn
- Vốn nghĩa là con ngỗng trời. Theo Thiều Chửu: Chim nhạn, mùa thu lại, mùa xuân đi, cho nên gọi là hậu điểu 候鳥 chim mùa. Chim nhạn bay có thứ tự, nên anh em gọi là nhạn tự 雁序. Có khi viết là nhạn 鴈. Ta gọi là con chim mòng. Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của cũng chép “Nhạn: Thứ chim giống con ngỗng.” Trong văn học cổ ta thường bắt gặp những cụm từ "nhạn kêu sương," "tin nhạn." Hiện nay từ này thường được dùng để chỉ chim én.
-
- Chim di
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Chim di, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Nhân ngãi
- Người thương, người tình (từ cổ). Cũng nói nhân ngãi, ngỡi nhân.
-
- Sa
- Rơi xuống (từ Hán Việt).
-
- Cà muối xổi
- Món ăn dân dã, thành phần gồm cà pháo trộn đều với muối, nước cốt chanh, riềng, tỏi, ớt, ướp trong khoảng 30 phút là dùng được.
-
- Khác thể
- Chẳng khác nào, giống như.
-
- Xếp bè he
- Ngồi bệt và bó gối.
-
- Ghè
- Đồ đựng (nước, rượu, lúa gạo) làm bằng đất hoặc sành sứ, sau này thì có làm bằng xi măng.
-
- Con so
- Con đầu lòng.
-
- Cổ đồ bát bửu
- Bức tranh cổ vẽ tám món đồ quý – xem thêm về Bát bửu.
-
- Ngũ sắc, bá huê
- Năm màu, trăm hoa.
-
- Giường hộc
- Loại giường phía dưới có hộc có thể kéo ra vào, để đựng quần áo, đồ đạc.
-
- Giường Tàu
- Một loại giường theo kiểu Trung Hoa, có thành cao xung quanh.
-
- Gia chủ
- Chủ nhà (từ Hán Việt).
-
- Tam Điệp
- Tên một dãy núi nằm giữa Ninh Bình và Thanh Hóa, chạy ra biển theo hướng Tây Bắc–Đông Nam, gồm có 3 ngọn. Trên dãy núi này cũng có đèo Tam Điệp, con đường thiên lý cổ thời phong kiến từ Thăng Long vào Nam, đi qua 3 đoạn đèo: Đèo phía Bắc, đèo phía Nam, và đèo Giữa. Đèo Tam Điệp cũng có tên dân gian là Ba Dội (dội tiếng Việt cổ nghĩa là đợt, lớp).
Một đèo, một đèo, lại một đèo,
Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo.
Cửa son đỏ loét tùm hum nóc,
Hòn đá xanh rì lún phún rêu.
(Đèo Ba Dội - Hồ Xuân Hương)
-
- Thu không
- (Trống hoặc chiêng) đánh vào mỗi mỗi chiều tối, lính huyện thu quân và đóng cổng thành (thành bảo vệ huyện đường) sau khi xem xét trong thành không có gì khả nghi.
Kiều từ trở gót trướng hoa,
Mặt trời gác núi chiêng đà thu không.
(Truyện Kiều)
-
- Thuyền quyên
- Gốc từ chữ thiền quyên. Theo từ điển Thiều Chửu: Thiền quyên 嬋娟 tả cái dáng xinh đẹp đáng yêu, cho nên mới gọi con gái là thiền quyên.
Trai anh hùng, gái thuyền quyên
Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng
(Truyện Kiều)
-
- Tri âm
- Bá Nha đời Xuân Thu chơi đàn rất giỏi, thường phàn nàn thiên hạ không ai thưởng thức được tiếng đàn của mình. Một lần Bá Nha đem đàn ra khảy, nửa chừng đàn đứt dây. Đoán có người rình nghe trộm, Bá Nha sai lục soát, bắt được người đốn củi là Tử Kỳ. Tử Kỳ thanh minh rằng nghe tiếng đàn quá hay nên dừng chân thưởng thức. Khi Bá Nha ngồi gảy đàn, tâm trí nghĩ tới cảnh non cao, Tử Kỳ nói: Nga nga hồ, chí tại cao sơn (Tiếng đàn cao vút, ấy hồn người ở tại núi cao). Bá Nha chuyển ý, nghĩ đến cảnh nước chảy, Tử Kỳ lại nói: Dương dương hồ, chí tại lưu thủy (Tiếng đàn khoan nhặt, ấy hồn người tại nơi nước chảy). Bá Nha bèn kết bạn với Tử Kỳ. Sau khi Tử Kỳ chết, Bá Nha đập vỡ đàn mà rằng "Trong thiên hạ không ai còn được nghe tiếng đàn của ta nữa." Do tích này, hai chữ tri âm (tri: biết, âm: tiếng) được dùng để nói về những người hiểu lòng nhau.
-
- Rày
- Nay, bây giờ (phương ngữ).
-
- Đàng
- Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Ngự
- Từ dùng để chỉ những vật hay việc thuộc về hoàng cung. Về sau hiểu rộng ra, những vật quý đôi khi cũng gọi là ngự.
-
- Xuân nương
- Người con gái trẻ trung, xinh đẹp (từ Hán Việt).
-
- Hạt nổ
- Một thứ quả nhỏ, khi già vuốt tay thì nổ bung ra.
-
- Mây
- Tên chung của khoảng hơn 600 loài dây leo thuộc họ cọ, thân có nhiều gai, mọc nhiều ở các vùng rừng núi nước ta. Gỗ mây rất dẻo, được khai thác để sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, đồ dùng trong gia đình như bàn, ghế, đan giỏ đựng... Loài mây được trồng và sử dụng nhiều nhất ở nước ta là mây nếp.
-
- Trường đồ tri mã lực, sự cửu kiến nhân tâm
- Đường dài mới biết sức ngựa, việc lâu ngày mới biết lòng người. Câu này là một dị bản của một câu trong Cổ huấn: Lộ diêu tri mã lực, sự cửu kiến nhân tâm.
-
- Vô dược khả y khanh tướng bệnh, hữu tiền nan mãi tử tôn hiền
- Không có thuốc nào chữa được bệnh ham làm quan (khanh tướng bệnh), có tiền cũng khó mua được con cháu hiền. Câu này thật ra là một dị bản của một câu trong Minh Tâm Bửu Giám: Vô dược khả y khanh tướng thọ, hữu tiền nan mãi tử tôn hiền.
-
- Bắc Đẩu
- Cũng gọi là Bắc Thần, Tinh Đẩu, hoặc Đại Hùng Tinh (sao Gấu Lớn), một mảng sao gồm bảy ngôi sao sáng có hình dạng như cái gầu múc nước, hoặc như cái bánh lái (nên lại còn có tên là sao Bánh Lái). Cạnh ngắn phía dưới của chòm sao Bắc Đẩu (xem hình dưới) nối dài sẽ gặp sao Bắc Cực nằm rất gần với hướng Bắc. Vì vậy, người xưa thường dùng chòm sao Bắc Đẩu và sao Bắc Cực để tìm hướng Bắc.
-
- Hạ giới
- Nhân gian, theo quan niệm dân gian Trung Hoa và các nước đồng văn, là nơi người bình thường sinh hoạt, trái với thượng giới là nơi thần tiên ở.
-
- Giang hà
- Sông nước nói chung (từ Hán Việt).
Con chim chết dưới cội hoa
Tiếng kêu rụng giữa giang hà xanh xao
(Đưa em tìm động hoa vàng - Phạm Thiên Thư)
-
- Ngõng
- Mấu hình trụ để tra cán cối xay, làm điểm tựa, nếu không thì cối xay không quay được.
-
- Khúc nôi
- Nỗi lòng tâm sự thầm kín khó nói ra (từ cũ). Cũng nói là khúc nhôi.
-
- Chồn đèn
- Một loại chồn nhỏ, có bộ lông màu hoe hoe, hung hung đỏ, chân thấp, mỏ dài nhỏ, răng rất sắc. Chồn đèn thường sống trong bụi rậm, ăn thức ăn chính là thịt động vật nhỏ như gà con, vịt con, chim, chuột, cá, lươn...
-
- Nha
- Sở quan (từ Hán Việt), nơi các quan làm việc. Theo Thiều Chửu: Ta gọi là quan nha 官衙 hay là nha môn 衙門 vì ngày xưa trước quân trướng đều cắm lá cờ có tua như cái răng lớn, nên gọi là nha môn 衙門, nguyên viết là 牙門.
-
- Cá mòi
- Một loại cá thuộc họ cá trích, có tập tục bơi thành đàn từ biển ngược lên nguồn vào tháng giêng để đẻ trứng, vì vậy nhân dân ta thường giăng lưới bắt cá mòi ở sông vào dịp này. Cá mòi ngon nhất là trứng cá, và thường được chế biến thành các món nướng, món kho. Cá mòi có hai loại: cá mòi lửa và cá mòi he.
-
- Loan
- Theo một số điển tích thì phượng hoàng là tên chung của một loại linh vật: loan là con mái, phượng là con trống. Cũng có cách giải nghĩa khác về loan, mô tả loan là một loài chim giống với phượng hoàng. Trong văn thơ cổ, loan và phụng thường được dùng để chỉ đôi vợ chồng hoặc tình cảm vợ chồng (đèn loan, phòng loan...)
Nào người phượng chạ loan chung,
Nào người tiếc lục tham hồng là ai
(Truyện Kiều)
-
- Nguyệt
- Mặt trăng (từ Hán Việt).
-
- Rồng mây
- Còn nói hội rồng mây, hội long vân, chỉ việc gặp thời cơ tốt, công danh hiển đạt, nguyên từ một câu trong Kinh Dịch "Vân tùng long, phong tùng hổ" (mây theo rồng, gió theo hổ), ý nói những vật cùng khí loại thường cảm ứng mà tìm đến nhau. Trong ca dao Nam Bộ, rồng mây lại biểu trưng cho sự hòa hợp gắn bó giữa đôi lứa trong tình yêu.
-
- Đá vàng
- Cũng nói là vàng đá, lấy ý từ từ Hán Việt kim thạch. Kim là kim khí để đúc chuông, đỉnh. Thạch là đá. Ngày trước, những lời vua chúa hoặc công đức của nhân vật quan trọng được khắc ghi trên bia đá hay chuông, đỉnh đồng để lưu truyền mãi mãi. Đá vàng vì thế chỉ sự chung thủy son sắt, hoặc sự lưu truyền tên tuổi mãi mãi về sau.
-
- Thê thiếp
- Thê là vợ cả, thiếp là vợ lẽ. Thê thiếp chỉ vợ nói chung.
-
- Phỉ dạ
- Thỏa lòng, thỏa mãn.
-
- Cá cơm
- Cũng gọi là cá duội (ruội) hay cá chi, một loại cá biển phổ biến ở Việt Nam, có thể chế biến thành các món ăn, phơi làm khô cá, hoặc làm nước mắm.
-
- Cá ngát
- Một loại cá sống ở biển và những vùng nước lợ, có da trơn, thân hình giống như con cá trê, đầu to có râu và hai chiếc ngạnh sắc nhọn hai bên, thân dài đuôi dẹt. Cá ngát khi đã trưởng thành thường to bằng cán dao đến cổ tay người lớn. Ngư dân đánh bắt cá ngát bằng cách giăng lưới hoặc câu nhưng hiệu quả nhất là giăng lưới ở những luồng nước đục, chảy nhẹ vì chỗ này thường có nhiều cá. Cá ngát có thể chế biến thành nhiều loại thức ăn, nhưng nổi tiếng nhất có lẽ vẫn là món canh chua cá ngát.
-
- Cá chim
- Một loài cá biển, mình dẹp và cao, mồm nhọn, vẩy nhỏ, vây kín.
-
- Cá đuối
- Một loài cá biển, cùng họ với cá nhám, thân dẹp hình đĩa, vây ngực rộng, xòe hai bên, đuôi dài.
-
- Cá bạc đầu
- Loài cá nước ngọt, thân nhỏ, có đầu dẹp bằng, đỉnh đầu có một đốm trắng bạc, hiện diện nhiều ở vùng hạ lưu sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Cỏ Đông đổ ra cửa Vàm Láng vùng Cần Đước, tỉnh Long An.
-
- Cá đối
- Một loại cá có thân tròn dài, dẹt, vảy tròn, màu bạc. Cá đối được chế biến nhiều món ăn ngon, hấp dẫn như cá đối nướng, cá đối chiên, cá đối kho dưa cải, cháo cá...
-
- Cá úc
- Một loài cá da trơn, chủ yếu sống ngoài biển, một số sống trong môi trường nước lợ hay ngọt, thường thấy ở khu vực ôn đới ấm và nhiệt đới. Cá úc được chế biến thành nhiều món đặc sản Nam Bộ.
-
- Kích
- Chỗ tiếp nối giữa thân trước và thân sau áo, ở dưới nách.
-
- Lòng tong
- Còn gọi là lòng đong, tên gọi chung của một số loại cá nước ngọt hoặc nước lợ, thân nhỏ, thường được người dân đem kho khô hoặc kho nước với tiêu bột ăn cơm nóng.
-
- Hình dong
- Hình dung, hình dáng bên ngoài (từ Hán Việt).
-
- Cá lìm kìm
- Còn gọi là cá kìm hay cá nhái, tên chung của những loài cá có thân hình thuôn dài với đặc trưng là mỏ kéo dài ra như cái kìm (xem ảnh). Cá lìm kìm có nhiều loài khác nhau, một số loài sống ở nước ngọt (sông, hồ), một số loài khác lại sống ở nước lợ hay nước mặn. Cá lìm kìm nước ngọt trong hình dưới đây có thân màu trắng trong, dài từ 5 đến 10 milimet. Những loài khác sống ở nước mặn (biển) hay nước lợ có kích thước lớn hơn. Cá lìm kìm nước ngọt là loài cá rất dễ gặp ở đồng bằng sông Cửu Long, hầu như ở sông, hồ, mương kênh hay ao nào ta cũng có thể dễ dàng thấy chúng nếu để ý quan sát kỹ.
-
- Cá linh
- Một loại cá cùng họ với cá chép, thân nhỏ và dẹp, thường sống ở cửa sông, xuất hiện nhiều ở các sông rạch miền Tây Nam Bộ vào mùa nước nổi. Người dân miền Tây thường đánh bắt cá linh để làm các món ăn gia đình (kho tiêu, lẩu, gỏi...) và làm mắm.
-
- Cá cóc
- Một loại động vật lưỡng cư, có bề ngoài nhìn giống thằn lằn (nên còn gọi là thằn lằn nước), đuôi dẹp và da thiếu vảy. Trên da cá cóc có nhiều mụn xù xì và tiết chất nhầy, nếu chạm phải có thể gây đau nhức.
-
- Cá hô
- Một loài cá nước ngọt thuộc họ cá chép, có kích thước rất lớn (có những con nặng hơn 100kg), được đánh bắt để làm mắm và nhiều món ăn ngon. Cá hô trước đây có rất nhiều ở miền Tây Nam Bộ, nhưng hiện nay đã gần tuyệt chủng và được đưa vào sách đỏ.
-
- Cá chai
- Một loại cá có nhiều ở các vùng biển miền Trung, dài chừng từ 15 đến 20cm, thịt dày, thơm, rất ít xương nhỏ, thường được đánh bắt để làm thức ăn trong gia đình hoặc đãi khách. Cá chai chế biến được nhiều món, nhưng ngon nhất vẫn là nướng hoặc chiên.
-
- Cá lóc
- Còn có các tên khác là cá tràu, cá quả tùy theo vùng miền. Đây là một loại cá nước ngọt, sống ở đồng và thường được nuôi ở ao để lấy giống hoặc lấy thịt. Thịt cá lóc được chế biến thành nhiều món ăn ngon. Ở miền Trung, cá tràu và được coi là biểu tượng của sự lanh lợi, khỏe mạnh, vì thế một số nơi có tục ăn cá tràu đầu năm.
-
- Cá lẹp
- Một loài cá nhỏ, màu trắng bạc, thân mềm nhũn, sống ở biển hay vùng nước lợ. Cá lẹp nướng kẹp với lộc mưng chấm ruốc tôm (ruốc hôi) là món ăn quen thuộc của người dân Nghệ Tĩnh. Cá lẹp còn được làm mắm (một loại mắm xổi, tức mắm chỉ ép với muối vài ba ngày là ăn được).
-
- Cá kình
- Cá voi. Trong thơ văn cổ, hình ảnh cá kình thường tượng trưng cho những người mạnh mẽ hoặc hung tợn.
-
- Cá thác lác
- Cũng gọi là cá thát lát hoặc cá phác lác, một loại cá nước ngọt rất thường gặp ở Trung và Nam Bộ, đặc biệt là Tây Nam Bộ. Cá thường được đánh bắt để làm chả cá thác lác - một đặc sản nổi tiếng - và các món ngon khác như lẩu cá, muối sả ớt, canh...
-
- Cá bã trầu
- Một loại cá biển thân dẹp, vẩy có màu hồng nhạt, mắt to. Cá cho thịt mềm, rất ngọt, được chế biến nhiều món ngon như nướng, chiên, nấu canh chua... Tùy vùng miền mà loại cá này có những cái tên khác nhau như cá thóc, cá mắt kiếng, cá trao tráo (hai tên sau có lẽ là dựa vào đặc điểm của mắt cá).
-
- Cá khoai
- Còn gọi là cá cháo, cá chuối, một loài cá sống chủ yếu ở biển, đôi khi ở nước lợ. Cá có thân dài, hình ống hơi dẹp, dài trung bình khoảng 10-27 cm, thịt mềm, có màu trắng đục, xương rất ít, chỉ có một đường sụn chạy dọc theo sống lưng, đầu to, mắt nhỏ, miệng rộng có nhiều răng cứng, nhọn và rất sắc. Cá khoai được chế biến thành nhiều món ăn dân dã rất hấp dẫn như cháo cá khoai, canh cá khoai nấu ngót, nấu riêu, nhúng mẻ, làm khô nướng hay làm lẩu, v.v.