Ca dao Mẹ

  • Thơ thằng Lía

    Ngàn năm dưới bóng thái dương,
    Biết bao là sự lạ thường đáng ghi,
    Noi nghề hàng mặc bấy nay,
    Một pho dị sự vắn dài chép ra.
    Trước là giải muộn ngâm nga,
    Sau nêu gương nọ đặng mà soi chung.
    Xưa kia có một phú ông,
    Vợ chồng chuyên một nghề nông nuôi mình,
    Bấy lâu loan phụng hòa minh,
    Xóm làng kiêng nể tánh tình thiện lương.
    Tuy là sành sỏi ruộng nương,
    Ông bà xấu số gặp đường chẳng may,
    Thuở trước cũng chẳng thua ai,
    Tiền dư bạc sẵn tháng ngày thung dung,
    Ruộng vườn khai khẩn khắp cùng,
    Thôn lân đều thảy có lòng bợ nâng.
    Đến nay nhằm buổi lao lung,
    Ruộng nương thất phát vô cùng thảm thương,
    Tháng ngày khổ hại trăm đường,
    Bảy năm chịu sự tai ương nguy nàn,
    Bấm gan cam chịu gian nan,
    Vợ chồng đau đớn đoạn tràng thiết tha.
    Lần hồi ngày lụn tháng qua,
    Nghèo nàn túng tíu gẫm đà thói quen,
    Thét rồi cũng chẳng than phiền,
    Cắn răng mà chịu đảo điên qua hồi.
    Lão mụ tuổi đã lớn rồi,
    Vợ bốn mươi chẵn chồng thời bốn ba,
    Đêm ngày lo tính gần xa,
    Chẳng con kế tự thật là đáng lo,
    Choanh ngoảnh chồng vợ đơn cô,
    Tuổi già sức yếu biết nhờ cậy ai?
    Muộn màng tuổi lớn trễ chầy,
    Còn chi mong việc nghén thai nữa rồi!
    Lão rằng: “Đáng trách hận trời,
    Chẳng hay ổng ghét chi tôi chăng là ?
    Có đâu khiến việc xót xa,
    Thình lình chịu nỗi cửa nhà suy vi
    Đang cơn giàu có ai bì,
    Bỗng đâu sanh việc gian nguy lần lần.
    Bạc tiền thôi cũng chẳng cần,
    Chỉ không con cái muôn phần xót đau.
    Hiềm nay đầu bạc tuổi cao,
    Gần sa miệng lỗ ai đâu cậy nhờ?
    Xiết bao ảo não lòng tơ,
    Xiết bao thảm đạm âu lo ưu phiền.”
    Mụ rằng: Ông ráng dằn yên,
    Hết lòng cầu khẩn hoàng thiên xem nào!
    Tấc thành viễn thấu trời cao,
    Phúc hồng nhỏ xuống may đâu biết chừng.”
    Vợ chồng bàn luận đục trong,
    Cả hai lão mụ thành lòng vái van:
    “Nếu may nhờ phước Thiên Hoàng,
    Cho sanh con trẻ mới an sở nguyền,
    Chúng ta đều thảy đức hiền,
    Bấy lâu giữ dạ rất nên nhơn từ.
    Thành tâm phải động lòng trời,
    Khẩn may xem thử đây rồi ra sao?”
    Mụ rằng: “Non nưóc ca dao,
    Bấy lâu đồn đãi miễu nào trên non,
    Bất kì ai đến cầu con,
    Thảy đều đắc nguyện tiếng đồn không sai,
    Để tôi dò đến miễu này,
    Khẩn cầu van vái sau này xem sao?”
    Lão rằng: “Mụ khá lo âu,
    Nhang đèn sắm sửa ngõ hầu dời chơn,
    Đường đây lên tới đầu non,
    Gian nguy hiểm trở có hơn dặm tràng
    Bền lòng chớ quản gian nan,
    Ráng lên miễu thánh vái van khẩn cầu”
    Mụ vâng sửa soạn trước sau,
    Nhưng thiếu tiền bạc khó âu vô cùng,
    Lão rằng: “Còn cái nồi đồng,
    Đem lại anh cả ngõ phòng bán đi.
    Cũng không nên tiếc làm gì,
    Để chẳng dùng tới để chi trong nhà!”
    Lão ông đốc hối mụ bà,
    Cực bằng chẳng đã mới là nghe theo,
    Lòng mụ buồn biết bao nhiêu,
    Nhưng chồng đã định phải chiều ý ông.
    Mụ vào xách cái nồi đồng,
    Đến nhà ông cả đục trong giãi bày:
    “Nay tôi thưa thật anh hay,
    Chúng tôi nghèo khó tháng ngày khổ nguy,
    Túng bần chẳng nói làm chi,
    Hiềm không con cái sau đây tuyệt dòng.
    Tôi vì lo lắng họ chồng,
    Cho nên buồn bã trong lòng nào an,
    Sợ khi già yếu gian nan,
    Không con hiu quạnh gia đàng hôm mai
    Cho nên thảm đạm bi ai,
    Vái van cầu khẩn cao dày xin con.
    Nghe người đồn ở trên non,
    Có miễu linh hiển lòng son rất đành.
    Nay tôi toan đến miễu linh,
    Đặng dưng hết tấm dạ thành vái van
    Hiềm không tiền sắm đèn nhang,
    Thật là trong dạ xốn xang vô cùng.
    Của xưa còn cái nồi đồng,
    Nên đem theo đó chỉ mong đồng tiền.
    Xin anh mở dạ đức hiền,
    Làm ơn mua giúp rất nên ơn dày.”
    Ông cả nghe mấy lời này,
    Cười rằng: “Quả thật chằng ai lạ lùng,
    Nghe qua cảm động bấy lòng,
    Giúp tiền cho đó chớ không mua nồi.”
    Nói năng hòa nhã tươi cười,
    Lấy trao một lượng khúc nôi phân liền:
    “Lòng tôi thương kẻ đức hiền,
    Giúp cho đó thỏa lòng nguyền đấy thôi,
    Chớ không chi sá cái nồi,
    Thôi khá lấy bạc phản hồi cho xong”
    Mụ nghe tỏ rõ đục trong,
    Cám tình cám nghĩa ròng ròng lụy rơi,
    Cúi chào trỗi bước chơn lui,
    Trong lòng luống những ngậm ngùi nào an.
    Bươn bả về tới gia trang,
    Cùng chồng thuật rõ mọi đàng trước sau
    Lão nghe cảm bấy nghĩa sâu,
    Khen lòng anh cả xiết bao hữu tình
    Vợ chồng bàn bạc hắc minh,
    Mụ bèn quảy gói thượng trình bôn ba.
    Nhang đèn một gói kia là,
    Miễu linh đến đó đặng mà cầu con.
    Thiên hạ lên xuống trên non,
    Thật là tập nập tiếng đồn không sai.
    Lòng mụ mừng rỡ nỗi may,
    Nhìn xem phong cảnh chốn này rất ưng.
    Nếu không linh hiển vô cùng,
    Lẽ đâu thiên hạ đến đông thế này?
    Chắc là hiển hách chẳng sai,
    Cho nên người mới lên đây khẩn nguyền.
    Mụ lão lắc ống được liền,
    Lạy thần lạy thánh cầu nguyền đã xong,
    Cầm xăm vào thẳng liêu trong,
    Cậy thầy đoán thử cho thông đuôi đầu.
    Thầy xem xăm nọ giây lâu,
    Chậm rãi giải rõ âm hao chánh tà:
    “Xăm này ta đoán sâu xa,
    Ấy thật là bà có ý cầu con.
    Khá nên tích đức tu nhơn,
    Thiên tùng nhơn nguyện chẳng còn lo chi,
    Làm đoan làm phước từ đây,
    Sau bà sẽ đặng con trai nối dòng.”
    Lão bà rõ thấu đục trong,
    Rất nên hớn hở toại lòng biết bao
    Công đức vội vã tay trao,
    Lật đật từ giã cúi chào trở ra,
    Phăng phăng trỗi bước về nhà,
    Vì mừng quên lửng đàng xa nhọc nhằn.
    Trọn ngày lao nhọc khó khăn,
    Về đến gia nội hân hoan vô cùng,
    Đuôi đầu thuật lại cùng ông,
    Mấy lời thần dạy vợ chồng bàn nhau,
    Tương lai tuy chửa biết sao,
    Nhưng nay nghe vậy dễ nào chẳng vui.
    Lão rằng: “Mong ở Phật Trời,
    Cho sanh một trẻ nối đời về sau,
    Kẻo mà đầu bạc tuổi cao,
    Mà không con cái lòng nào lại an.”
    Trót đêm vui vẻ luận bàn,
    Từ đây chờ đợi lo toan làm lành.
    Thu sang hè đến chóng lanh,
    Ba năm chẳng thấy trong mình nghén thai,
    Lão mụ buồn bã bi ai,
    Lời thần vô hiệu ngày nay mới tường.
    Bà rằng: “Vô phước lạ thường,
    Nay đà tuyệt vọng dạ buồn xiết bao,
    Ai nấy am tự khẩn cầu,
    Thảy đều thỏa dạ có đâu như mình.”
    Lão rằng: Thôi hãy cam đành,
    Số trời định vậy thảm tình ích chi!”
    Mụ lão chẳng ngớt sầu bi,
    Hằng đêm van vái chẳng này nhọc tâm,
    Lần hồi cho đến bốn năm,
    Tưởng đâu tuyệt tự đành cam với phần,
    Chẳng ngờ thọ kết nhâm thần,
    Thình lình có nghén thỏa tâm vô cùng.
    Mụ bèn thuật lại cùng chồng,
    Nỗi mình có nghén toại lòng xiết bao.
    Nghe qua lão dễ tin nào,
    Cho đến bốn tháng về sau mới tàng.
    Thật mụ có nghén rõ ràng,
    Bây giờ chi xiết hân hoan thỏa tình.
    Rằng: “Trời phật cũng thương mình,
    Cho nên mới nhỏ phước lành cho ta,
    Chờ khi nở nhụy khai hoa,
    Dầu nam hay nữ cũng là mừng vui.”
    Ngày qua tháng lại lần hồi,
    Đã đúng mười tháng khác đời hơn ai,
    Mười tháng thêm đúng mười ngày,
    Mới là sanh đặng một trai thỏa lòng.
    Bà rằng: “Thỏa nguyện lòng son,
    Nay tôi với lão chẳng còn thở than,
    Tuy là con kẻ bần hàn,
    Nhưng xem chẳng khác bạc vàng báu châu,
    Đặt tên phải chọn tiếng nào,
    Cho không tổn đức ta hầu đặt con.”
    Lão ngồi ngẫm nghĩ nguồn cơn,
    Vui cười bày tỏ thiệt hơn sạ tình:
    “Văn Lía đặt tên con mình,
    Chẳng hay mụ nó có đành cùng chăng?”
    Mụ vui mừng rỡ đáp rằng:
    “Tự ông chọn lựa há ngăn mà phòng!”
    Đặt tên Văn Lía vừa lòng,
    Lão mụ nuôi dưỡng vô cùng tưng tiêu,
    Từ mai cho đến ban chiều,
    Thay phiên bồng ẵm chắt chiu thỏa lòng.
    Thằng Lía chẳng đẹp chẳng không,
    Mặt mày đề đạm giống ông hơn bà,
    Lại thêm săn chặt thịt da,
    Càng ngày càng lớn nay đà bốn xuân.
    Vợ chồng tuy chịu khổ bần,
    Nhưng có thằng Lía trăm phần đặng vui.
    Lão già cực nhọc vô hồi,
    Làm thuê làm mướn cho người nuôi thân.
    Mụ thì hôm sớm gian truân,
    Hái rau bắt ốc ngày lần tháng qua.
    Mấy thu lão cũng đã già,
    Văn Lía mười tuổi lão đà quy tiên,
    Mụ già chi xiết thảm phiền,
    Khi chồng tạ thế bạc tiền vốn không,
    Thật là nhiều nỗi cực lòng,
    Đưa ma tuần tự vô cùng lo âu
    Cút côi trong lúc thảm sầu,
    Xóm làng thương xót lẽ nào bỏ qua.
    Thảy đều giúp đỡ lão bà,
    Mãn khi tang chế cực ba năm tràng,
    Mẹ con rõ thiệt gian nan,
    Chòi tranh vách hé trăm đàng khổ nguy.
    Nhìn con chi xiết ai bi,
    Vì chưng thằng Lía lạ kì hơn ai,
    Tánh tình rắn mắt quả tay,
    Con nít khắp hết xóm nầy đều kiêng.
    Tánh nó quả thật chẳng hiền,
    Thường hay sanh sự rất nên cộc cằn
    Nhưng nó lòng hiếu vô ngần,
    Nhờ mẹ rầy mắng mới ngăn bớt chàng.
    Văn Lía đánh hết bạn trang,
    Đứa nào cũng sợ chẳng thằng nào không,
    Thằng Lía đã nổi tiếng hung,
    Xóm làng biết mặt nên không mến chàng.
    Thường ngày du hí ngoài đàng,
    Chơi đình phá miễu hung hoang vô cùng
    Mẹ già răn dạy hết lòng,
    Song tánh Văn Lía dữ hung chẳng chừa.
    Mụ lão chi xiết xót chua,
    Tấc lòng lo lắng sớm trưa ưu phiền:
    Trong nhà chẳng trự bạc tiền,
    Bình bồng thằng Lía rất nên hoang đàng.
    Cùng con hết nỗi thở than,
    Hăm he răn dạy mọi đàng phải chăng
    Văn Lía ngỗ nghịch vô ngần,
    Có mặt còn sợ nhược bằng không thôi.
    Lão bà hiền đức vô hồi,
    Xóm làng lớn nhỏ mọi người nể kiêng
    Nhưng bị thằng Lía chẳng hiền,
    Thành ra thiên hạ cũng phiền bà luôn.
    Văn Lía ngày tối đứng đường,
    Đánh người hiếp chúng lề thường dữ thay.
    Mụ lão kêu Lía giãi bày:
    “Sao con chẳng đổi chẳng thay tánh tình,
    Mẹ đây tánh rất hiền lành,
    Sao con hung dữ bất bình dại ngây?
    Khuyên con tự hối từ rày,
    Nếu mà cứ vậy sau này khổ thân.
    Mẹ nay già yếu trăm phần,
    Còn đây nào biết lánh trần nay mai!
    Nếu con hung tợn vầy hoài,
    Xóm làng người ghét sau này nhờ ai?
    Con ơi, mẹ nói con hay,
    Con tua khá sớm đổi ngay tánh tình.”
    Thằng Lía thưa lại hắc minh:
    “Mẹ chớ có nhọc lòng thành lo toan,
    Tuy con còn nhỏ cơ hàn,
    Ngày sau khôn lớn tầm đàng nuôi thân.
    Xóm làng thương ghét há cần,
    Chí con toan tính mọi phần đã xong:
    Một mai con trẻ lớn khôn,
    Con sẽ có thế vô cùng hiển vinh.”
    Nghe qua khẩu khiếu con mình,
    Mụ bà có ý giựt mình phân qua:
    “Con đừng tính việc cao xa,
    Sự đời trước mắt kia mà không hay
    Tài ba chi cái thằng mày,
    Tấm thân dốt nát sau này khó khăn
    Sợ làm chẳng đủ mà ăn,
    Tính chi vinh hiển oai vang thêm buồn.”
    Thưa rằng: “Vốn mẹ chưa tường,
    Thiếu chi kẻ dốt toại đường hiển vinh
    Ở đời phải biết sức mình,
    Họ có ăn học thông minh họ nhờ,
    Con tuy dốt nát không lo,
    Con làm theo dốt đặng cho họ tường!”
    Thấy con văn nói khác thường,
    Mụ lão trong dạ lo buồn nào an,
    Nghĩ mình xấu phước rõ ràng,
    Sanh ra con trẻ ngang tàng ương thay!
    Văn Lía tánh lạ ai tày,
    Tuy là hung dữ lâu nay tiếng đồn,
    Nhưng mà hiếu thảo ai hơn,
    Nhiều gương trông thấy vẫn còn nhớ ghi.
    Hành hung đang lúc ra oai,
    Hoặc đánh, hoặc chửi, hoặc rầy cùng ai.
    Dầu trời nó chẳng sợ thay,
    Nói chi làng xóm làm oai nó vì
    Chết sống nó chẳng kể gì,
    Hễ là nói đánh tức thì ra tay.
    Dầu ai thịnh nộ la rầy,
    Nó chẳng kiêng sợ một ai đâu là,
    Ai biết chạy đến mụ bà,
    Hễ Lía thấy mặt mẹ già thì kiêng.
    Dầu cho đang dữ cũng hiền,
    Trong lòng khiếp sợ rất nên kinh hoàng.
    Thằng Lía tâm tánh dọc ngang,
    Mẹ già buồn bã lo toan vô cùng.
    Ngày nọ thằng Lía buồn lòng,
    Đi khắp làng xóm ngỏ phòng giải khuây.
    Nó vì dang nắng tối ngày,
    Cho nên mày mặt chơn tay đen hù,
    Thật là ham việc vui chơi,
    Lía mười lăm tuổi vô hồi dại ngây.
    Lía ra cho tới làng ngoài,
    Gặp con chú Xã cả hai vui vầy.
    Thằng Lía tánh sẵn hay gây,
    Giành chơi sao đó ra tay đánh người,
    Đánh con chú Xã thằng Tư,
    Lỗ đầu phun máu vô hồi gớm ghê.
    Thằng Tư khóc lóc thảm thê,
    Bon bon chạy về phòng méc với cha.
    Chú Xã tức giận thay là,
    Thấy con bị bịnh xót xa tấm lòng.
    Vội vàng trỗi bước thẳng xông,
    Đến nhà thằng Lía hành hung vang dầy.
    Mụ già nào rõ vụ này,
    Mềm mỏng hỏi lại cho hay sự tình:
    “Chuyện chi Xã phải bất bình?
    Xin Xã phân lại đành rành thấp cao.
    Tôi đây có lỗi chi sao,
    Cho nên Xã giận đuôi đầu khá phân?”
    Xã nghe êm thuận phân trần:
    “Mụ thiệt không lỗi trăm phần hiền lương.
    Việc đó tôi cũng hãn tường,
    Thuở nay khen mụ vẹn đường đức nhân.
    Con mụ hung dữ nhiều lần,
    Thằng Lía ngang dọc chẳng cần kể ai
    Con tôi nó đánh thế này,
    Lỗ đầu phun máu mặt trầy thấy không?
    Thật mụ xấu phước vô cùng,
    Sanh con dường ấy mang gông có ngày!
    Sao mụ không đánh dạy rầy,
    Để cho thằng Lía quá tay dữ dằn?
    Nó thật ngang dọc vô ngần,
    Sao mụ không đánh dạy răn cho chừa?”
    Não nề nào dám hơn thua,
    Mụ bà trong dạ xót chua vô cùng,
    Hai hàng nước mắt ròng ròng,
    Thưa lại cùng Xã đục trong sạ tình :
    “Thân già thiểu phước gia đình,
    Sanh con hung tợn thất tình bi ai,
    Nó đâu đếm kể la rầy,
    Phải nào thả lỏng thường ngày dạy răn,
    Nhưng nó quen tánh dữ dằn,
    Hoang đàng khó nổi đón ngăn được nào.
    Xin Xã thương tưởng tình nhau,
    Bỏ qua vụ nọ biết sao bây giờ!
    Đêm ngày thảm đạm âu lo,
    Sanh con cũng tưởng cậy nhờ về sau
    Chẳng dè bạc mạng làm sao,
    Thằng Lía thật chẳng khác nào quỷ yêu.
    Đau lòng kể biết bao nhiêu,
    Xin Xã lượng thứ mọi điều bỏ qua.
    Thân này tuổi tác đã già,
    Nay mai xuống lỗ thật là chẳng hay,
    Sanh con ngỗ nghịch nước này,
    Lòng già đau đớn đắng cay vô cùng.”
    Dứt lời nước mắt ròng ròng,
    Làm cho chú Xã động lòng thương tâm,
    Ngẩn ngơ giây lát rồi phân:
    “Thôi mụ mựa chớ buồn thầm sầu riêng,
    Bớt điều thảm đạm ưu phiền,
    Hơi đâu chua xót chớ nên âu sầu,
    Hư nên do ở trời cao,
    Thật bà xấu phước biết sao bây giờ
    Thấy bà tóc bạc phơ phơ,
    Khiến tôi thương tưởng xót xa phận bà
    Nghiệt oan kiếp trước của bà,
    Mới sanh thằng Lía trong nhà vầy đây.
    May là bà gặp tôi đây,
    Phải gặp người khác thế này khó an
    Vậy bà khá ráng dạy răn,
    Dạy cho nó bỏ hung hăng với người.
    Thôi khuyên bà chớ ngậm ngùi,
    Không lẽ tôi nói nặng lời bà đâu,
    Nghĩ tình cố cựu lân giao,
    Dẫu con phản bộ biết sao bây giờ”
    Mụ già chi xiết âu lo,
    Tấm lòng thổn thức ngẩn ngơ thảm sầu
    Thằng Lía gia nội bước vào,
    Thấy mẹ buồn bã xiết bao lo lường
    Ân cần hỏi lại mọi đường:
    “Chuyện chi mà mẹ thảm buồn xin phân?”
    Mẹ già sầu thảm trăm phần,
    La rằng: “Con thật chẳng tuân theo lời,
    Mẹ nay tuổi đã già rồi,
    Chỉ có con đó nhờ hồi ốm đau
    Cửa nhà túng trước hụt sau,
    Giúp vùa sao chẳng lo âu chuyện gì?
    Sao không kiếm chước đỡ nguy,
    Hoang đàng chi địa kể chi mẹ già.
    Con không suy xét sâu xa,
    Ra đường gây họa thật là vô lương
    Đánh con chú Xã quá ương,
    Người đến mắng vốn trăm đường xấu xa.
    Thật mày gieo họa cho ta,
    Quả nhà vô phước mới là sanh mi.”
    Sụt sùi giọt lụy lâm li,
    Làm cho thẳng Lía xiết chi đau lòng,
    Lạy mẹ thưa lại đục trong:
    “Xin mẹ chớ có nhọc lòng lo âu,
    Con biết xét chớ không đâu,
    Nhưng con còn nhỏ biết sao bây giờ
    Xin mẹ bớt thảm lòng tơ,
    Con xin nghe mẹ đặng cho vui lòng
    Tánh con không phải dữ hung,
    Song le con trẻ vốn không nhịn người
    Thà là con chết thì thôi,
    Còn để họ hiếp nhớp đời chịu đâu!”
    Nghe con ngổ ngạnh lòng đau,
    Mụ rầy: “Con thật xiết bao dại khờ
    Mình đây đang lúc thất cơ,
    Muôn điều phải nhịn để lo sự mình
    Chớ nên ỷ sức đua tranh,
    Nghèo nàn há dễ chống kình lợi ai
    Mẹ sanh có một mình mày,
    Nếu con sanh sự chẳng may còn gì?
    Mấy lời mẹ dạy khá ghi,
    Chớ nên gây gổ làm chi với người.
    Đang cơn nghèo khó vô hồi,
    Trăm điều nhẫn nhịn ở đời mới an
    Từ rày con khá lo toan,
    Kiếm việc làm lụng hung hoang ích gì”
    Văn Lía hối hận đang khi,
    Cúi đầu lạy mẹ bước đi ra ngoài,
    Trong lòng chi xiết ai hoài,
    Lời răn dạy đó từ đây ghi lòng
    Vừa đi vừa xét đục trong:
    “Phương chi làm lụng ngỏ phòng nuôi thân?
    Thật là khốn bấy chữ bần,
    Làm cho ta phải khổ tâm với mày
    Xiết bao đau đớn đắng cay,
    Làm sao nuôi mẹ tháng ngày cho qua.”
    Văn Lía suy xét gần xa,
    Vừa đi ngang trước cửa nhà Hương Thân,
    Thình lình chó vện sủa rân,
    Làm cho Văn Lía kinh tâm hãi hùng
    Thằng Lía định tĩnh tinh thần,
    Cúi lượm cục đá đề phòng hộ thân.
    Chó vện hung tợn muôn phần,
    Nhảy a táp Lía, Lía gần nguy nan,
    Lía bèn lách trái gọn gàng,
    Cầm đá liệng đại ngỏ toan giữ mình.
    Con chó bị liệng chẳng kinh,
    Quyết rượt theo Lía tỏ tình hung hăng
    Văn Lía chẳng nói chẳng rằng,
    Lượm cục đá khác chống ngăn hộ mình
    Liệng chó trúng giữa tam tinh,
    Chó kia vỡ óc đã đành thác oan.
    Văn Lía vừa mới đặng an,
    Nhưng nỗi chó chết lo toan trong lòng,
    Vốn nó cũng biết nào không,
    Hương Thân là kẻ dữ hung hơn người
    Liệng con chó đã thác rồi,
    Thằng Lía sợ tội chơn dời bâng khuâng,
    Trong lòng lo liệu trăm phần,
    Hương thân theo kịp khổ thân dễ nào.
    Văn Lía thơ thẩn bước mau,
    Bồi hồi chưa biết đi đâu lánh mình,
    Thình lình bị thộp hãi kinh.
    Ngó ngoái lại nhìn là chú Hương Thân!
    Hương Thân mặt giận hầm hầm,
    Nạt vang: “Mầy thật lắm phần hung hoang!
    Mày liệng chó chết rõ ràng,
    Sao mày lớn mật to gan quá vầy?
    Mày phải đền lại cho tao,
    Bằng không mày phải nguy tai bây giờ!”
    Thằng Lía suy xét lai do,
    Chó đâu đền lại âu lo vô cùng,
    Nhẹ lời thưa lại đục trong,
    Hết lời năn nỉ ngỏ phòng xin dung:
    “Vốn tôi chẳng phải dữ hung,
    Bởi chó ấy điên chớ không phải hiền,
    Thấy tôi nó nhảy chụp liền,
    Trong cơn rối loạn rất nên kinh hoàng,
    Mau chơn bỏ chạy vội vàng,
    Nó theo kế cận nguy nan thay là
    Xin chú xét lại gần xa,
    Tôi mà liệng nó chẳng qua buộc lòng,
    Ai ai cũng biết nào không,
    Con chó của chú dữ hung vô cùng
    Tôi lỡ trong lúc rối lòng,
    Liệng dọa nó sợ ngỏ phòng lánh đi,
    Chẳng dè nó lại chết đi,
    Thật tôi quá rủi muốn chi nỗi này”
    Hương Thân thấy nói dông dài,
    Dến cho thằng Lía bạt tay nói rằng:
    “Thật mày khôn quỷ vô ngần,
    Xảo lanh lỗ miệng nói năng nhiều lời
    Chó tao nay đã thác rồi,
    Lần này tao thứ sau thời khó dung.”
    Dứt lời trở bước thẳng xông,
    Thằng Lía trong dạ vui mừng xiết bao.
    Hương Thân không phải hiền đâu,
    Nhưng người đã xét trước sau cạn rồi:
    “Thằng Lía nghèo khó vô hồi,
    Dầu mà đền nó uổng lời uổng công,
    Nó không một trự một đồng,
    Đóng gông đóng nỏ gẫm không ích gì
    Văn Lía mừng rỡ xiết chi,
    Thoát qua tai nạn khác gì lên mây,
    Ra đi từ lúc ban mai,
    Đến chiều bụng đói trở ngay về nhà.
    Mẹ già thấy trẻ hỏi qua:
    “Đi đâu con nói mẹ già đặng hay?
    Đi đâu đi trọn cả ngày,
    Mẹ già trông đợi ai hoài xót xa!”
    Văn Lía bị rủi vừa qua,
    Trong lòng thảm đạm thiết tha vô cùng,
    Thưa: “Con lo lắng chẳng không,
    Muốn đi tìm việc ngỏ phòng làm ăn,
    Nhưng mà con rủi vô ngần,
    Tìm không ra chuyện khó khăn thay là.”
    Mẹ già bày tỏ gần xa:
    “Con ôi! Nhìn lại trong nhà nguy nan
    Làm sao thân phận đặng an,
    Làm sao đỡ dạ nghĩ càng xót đau.
    Mẹ nay đầu bạc tuổi cao,
    Thật chẳng còn có sức nào nuôi con
    Nay con tuổi đã lớn khôn,
    Lo làm nuôi mẹ đỡ cơn túng cùng.
    Mẹ nay đang lúc đói lòng,
    Chẳng còn một trự một đồng thảm thay
    Mẹ chịu nhịn đói ngày nay,
    Chỉ ăn có một củ khoai đỡ lòng.”
    Lời mẹ như xói tâm trung
    Khiến cho Văn Lía não nùng thiết tha
    Rưng rưng lụy ứa thưa qua:
    “Xin mẹ an dạ ở nhà chờ con”
    Dứt lời trỗi bước dời chơn,
    Mẹ già vội vã kêu con hỏi rằng:
    “Đi đâu con khá bày tàng,
    Cho mẹ biết chốn ngỏ an tấc lòng?
    Văn Lía thưa lại đục trong:
    “Con đi chưa tính trong lòng đi đâu.”
    Mẹ già căn đặn trước sau:
    “Con nghe lời mẹ thấp cao chỉ bày,
    Tuy là nghèo túng nỗi này,
    Nhưng phải giữ dạ sạch ngay cho toàn,
    Chớ nên vì buổi nguy nan,
    Mà làm những việc tham gian của ngựời.
    Dầu cho có thác chịu thôi,
    Chớ những điều quấy trọn đời lánh xa”
    Văn Lía lạy mẹ thưa qua:
    “Xin mẹ an dạ con đà gắn ghi.”
    Bồi hồi vội bước chơn đi,
    Trong lòng buòn bã đoạn tràng thiết tha,
    Bỗng nghe văng vẳng nẻo xa,
    Tiếng người cười nói thật là rộn rang,
    Văn Lía bước đến vội vàng,
    Thấy nhà phú hộ vẫn đang vui mừng,
    Đám cưới thiên hạ quá đông,
    Uống ăn rần rộ vô cùng thỏa vui
    Ngậm ngùi suy xét khúc nôi:
    “Nhà này giàu có ắt ngưòi đức nhân,
    Âu ta vào đó nhờ thân,
    Cầu người thương xót thi ân đỡ mình.”
    Phú ông giàu có gia đình,
    Song le chằng đặng hiền lành đức nhân,
    Thật người ích kỉ muôn phần,
    Lại thêm có tánh khi nhân thay là.
    Tuy là giàu chẳng ai qua,
    Song việc bố thí ai mà nhờ đâu!
    Thôn lân quanh quẩn bấy lâu,
    Người người trông thấy sang giàu nể kiêng,
    Nhưng thấy chẳng đặng đức hiền,
    Cho nên ai nấy để phiền dạ riêng
    Văn Lía nào rõ sạ duyên,
    Tưởng đâu giàu có đức hiền như ai
    Họ hàng ăn uống đông dầy,
    Văn Lía vội vã bước ngay vào nhà,
    Bầy chó rộn rực tủa ra,
    Nhảy chòm bấu sủa rất là hung hăng.
    Văn Lía kinh sợ vô ngần,
    Tới lui chẳng tiện khó khăn trăm phần,
    Chó mực cắn tét ống quần,
    Làm cho Văn Lía kinh tâm sảng hoàng.
    Phú hộ trông thấy rõ ràng,
    Bưóc ra la chó nạt vang hỏi rằng:
    “Thằng này lớn mật to gan,
    Đi đâu mau khá bày tàng thấp cao?
    Chuyện chi mày tới nhà tao,
    Ăn bận rách rưới khác đâu ăn mày!”
    Văn Lía thưa lại lời này:
    “Tấm thân cùng khổ nguy tai vô cùng,
    Nghe đồn lượng cả phú ông,
    Đến xin cứu vớt mở lòng đoái thương.
    Tôi nay đang lúc tai ương,
    Mẹ già con nhỏ trăm đường gian nan,
    Cút côi thân phận cơ hàn,
    Thật là túng bấn trăm đàng xót xa.
    Tội nghiệp mẹ góa ở nhà,
    Mấy ngày chịu đói rất là đau thương
    Thân hèn đi khắp tứ phương,
    Kiếm nơi ở đợ mong đường nuôi thân,
    Đã đi rảo khắp thôn lân,
    Chẳng ai chịu mướn muôn phần nguy nan.
    Xin ông thương kẻ bần hàn,
    Ra tay tế độ ơn mang trọn đời.”
    Nghe qua cặn kẽ mấy lời,
    Phú hộ nhích miệng mỉm cười phân qua:
    “Mau mau mày khá đi ra,
    Chẳng nên đứng ở trong nhà tao lâu,
    Thân mày rách trước tét sau,
    Ai mà chịu mướn mày đâu mà phòng!
    Khá tầm nơi khác cho xong,
    Chớ nên đứng đó khó lòng chẳng chơi.”
    Văn Lía lụy ngọc nhỏ rơi:
    “Cúi nhờ mở lượng thương tôi nguy nàn,
    Nhà ông tột bực cao sang,
    Lại đang ăn tiệc rõ ràng hơn ai,
    Cơm thừa cá cặn thiếu chi,
    Ông đổ cũng vậy giúp đây no lòng.
    Xin ông thương kẻ túng cùng,
    Bố thí làm phước để phòng về sau”
    Đáp lời trổ giọng gắt gao:
    “Cơm thừa cá cặn dễ đâu cho mày,
    Chó tao lớn nhỏ một bầy,
    Cho chó chẳng đủ lại ai cho mày!
    Mau mau khá bước đi ngay,
    Chớ đừng đứng đó nói nhây làm gì
    Có khôn thì khá mau đi,
    Nhược bằng đứng đó khổ nguy bây giờ!”
    Văn Lía nghe rõ lai do,
    Trong lòng tức tối ngẩn ngơ bất bình:
    “Lẽ nào tàn nhẫn cho đành,
    Chẳng thương kẻ khó như mình nguy nan!
    Thật là con chó nhà sang,
    Hơn người nghèo khổ rõ ràng nào sai,
    Ngậm ngùi đau đớn chua cay,
    Mùi cơm rượu thịt phất bay ngọt ngào,
    Khiến lòng thèm lạc biết bao,
    Thèm chảy nước miếng khó âu tách vời”
    Phú hộ tức giận nạt bồi:
    “Biểu mày mau khá chơn dời khỏi đây!
    Sao còn đứng nói chi nhây,
    Hay là sổ mạng của mầy khiến nguy!
    Tại mày chẳng chịu sớm đi,
    Thôi mày chớ trách làm gì nghe không?”
    Bồi hồi tức tối tràn hông,
    Văn Lía ngơ ngẩn dằn lòng làm thinh,
    Xung gan chi xiết bất bình,
    Há nào dám nói sự tình nỗi chi.
    Phú hộ xít chó tức thì,
    Một bầy chó dữ thừa khi hiếp người,
    Chạy ra làm dữ vô hồi,
    Con chồm con sủa xem thôi kinh hoàng,
    Văn Lía sảng sốt kinh hoàng,
    Bỏ chạy ra ngõ tìm đàng lánh thân.
    Bào hao chó dữ muôn phần,
    Rượt theo Văn Lía sủa rân náo làng.
    Văn Lía chi xiết kinh mang,
    Chun vào bụi rậm bên đàng lánh thân.
    Phú hộ thấy vậy cười rân,
    Bèn tróc bầy chó vào sân tức thì
    Văn Lía phách tán hồn phi,
    Ngồi không cục cựa xiết chi kinh hoàng,
    Ngồi trong bụi rậm thở than,
    Đâu dè nhằm ổ kiến vàng tuôn ra,
    Đỏ au sa số hằng hà,
    Cắn chàng bấn loạn nhảy ra kêu trời,
    Phủi lia dông chạy tách vời,
    May sao bầy chó vô rồi cũng an.
    Não nề dạ ngọc xốn xang,
    Chạy thôi mệt đuối nghĩ càng xót đau,
    Trách người tàn nhẫn độc sâu,
    Chẳng lòng thương tưởng chút nào kẻ nguy:
    “Cơm thừa để đổ ích gì,
    Hoặc giả cho chó thôi thì uổng thay!
    Chớ chi họ giúp mình đây,
    Đem về cho mẹ ngày nay đỡ lòng,
    Mình ăn chút đỉnh cũng xong,
    Cớ sao cho chó mà không cho mình?”
    Đói lòng mỏi cẳng bực mình,
    Oán ông Phú hộ bất bình đắng cay:
    “Nếu họ chẳng xét ta đây,
    Ta cũng thù họ từ này về sau”
    Rối trí chẳng biết làm sao,
    Đặng mà nuôi mẹ xót đau tấc lòng,
    Mồ hôi nhỏ giọt ròng ròng,
    Tay chơn mỏi rụng vô cùng thiết tha
    Chẳng dám trở bước về nhà,
    Về nhà thấy mẹ đói mà sao an!
    Nhưng vì đi đã khắp làng,
    Vô phương hết kế biết toan lẽ nào?
    Bây giờ còn biết đi dâu,
    Đánh liều về đại biết sao bây giờ!
    Văn Lía chi xiết sầu lo,
    Ngập ngừng chơn bươc lòng tơ thảm sầu,
    Hai hàng lụy ngọc thấm bâu,
    Nhìn trời ngó đất xót đau trăm phần.
    Làu làu chói rạng trăng rằm,
    Bốn bề sáng sủa bâng khuâng tấc lòng,
    Tính về gia nội cho xong,
    Dầu đi đâu nữa gẫm không ích gì!
    Vừa đi vừa xét vừa suy,
    Ngang nhà Hương Quản cớ gì dừng chơn.
    Chú Hương với mấy đứa con,
    Xem trăng thưởng cảnh lòng son vui mừng
    Văn Lía đã đến nước cùng,
    Đề chừng Hương Quản có lòng hiền lương,
    Đánh liều vào đó bày tường,
    Cầu xin giúp đỡ kẻ đương nguy nàn
    Bạo gan chơn bước vội vàng,
    Vào thưa Hương quản mọi đàng thủy chung,
    Kể qua những nỗi lao lung,
    Kể qua những nỗi khốn cùng nguy nan .
    Chú Hương nghe rõ mọi đàng,
    Nhìn xem kĩ lại quả thằng Lía đây
    Chú Hương mói hỏi lời rày:
    “Đi đâu khuya khoắc như vầy hỡi mi?
    Ban ngày sao lại chẳng đi,
    Hay mày gian giảo ý chi chăng là?”
    Văn Lía lời mới thưa qua:
    “Cả ngày đi khắp gần xa xóm làng,
    Thân này quả thật khốn nàn,
    Chẳng ai cứu giúp trăm đàng rất nguy.”
    Chú Hương thương kẻ hàn vi,
    Rằng: “Mày nói vậy dễ gì mà tin…”
    Mới nói chưa dứt sự tình,
    Thím Hương trong cửa ứng thinh đuổi nà:
    “Thẳng này chẳng phải lạ xa,
    Vốn tôi biết nó rất là dữ hung!
    Khá mau đuổi nó cho xong,
    Đừng để nó đứng ở trong nhà mình!”
    Đáp lời có chút nhơn tình:
    “Dữ mà chẳng dữ với mình thì thôi,
    Hồi chiều cơm nguội còn dư,
    Cơn này giúp nó qua hồi làm ơn.”
    Thím rằng “Cơm nguội tuy còn,
    Nhưng chẳng cho nó nào nhơn ngãi gì!
    Tôi biểu mau đuổi nó đi,
    Đừng để nó đứng nói nhây nhiều lời.”
    Chú Hương sợ vợ hơn trời,
    Chẳng dám cãi vợ bồi hồi đuổi đi
    Văn Lía tức tối xiết chi,
    Đỡ lòng mừng hụt ngậm ngùi đắng cay:
    “Nước đời sâu độc thế này,
    Họ có thể giúp chớ nào không đâu
    Nhưng mà họ tính làm sao,
    Thà để họ đổ dễ đâu cho mình!
    Biết bao nông nỗi bất bình,
    Lòng người nham hiểm chẳng lành chi đâu.
    Sông biển dò đặng cạn sâu,
    Nhơn tình hiếm hóc dễ nào dò xong
    Đương hồi ta chửa lớn khôn,
    Ham điều giành giựt tranh hơn hoang đàng,
    Háo danh đánh lộn rộn ràng,
    Chẳng cho người hiếp họ rằng dữ hung
    Còn họ ác độc vô cùng,
    Nào ai trách họ họ không xét lường!”
    Văn Lía tức giận phi thường,
    Nó đà nghĩ cạn mọi đường gần xa
    Thầm rằng: “Thiên hạ ghét ta,
    Thiên hạ tàn nhẫn cùng là độc sâu,
    Ta thề đây sắp về sau,
    Ta thù thiên hạ dễ nào lạt phai.
    Họ không thương xót ta đây,
    Ta cũng ghét họ từ rày sắp lên,
    Họ làm ta rất đau phiền,
    Họ thật tàn nhẫn huyên thiên bất bình;
    Ghi lòng đến tuổi trưởng thành,
    Ta sẽ báo hận há đành bỏ qua,
    Ta thù ghét hết người ta,
    Có dịp hại họ ắt là chẳng dung”
    Oán hờn chất chứa đầy lòng,
    Vừa đi vừa xét đục trong nỗi mình.
    Rê chơn gần đến lều tranh,
    Nhớ trực mẹ đói lòng thành xót xa,
    Nghĩ thầm: “Chắc mẹ trông ta,
    Trông ta về nhà đỡ đói một khi.
    Trong nhà mẹ đói nằm lì,
    Nhưng ta chẳng có món gì biết sao?
    Nếu mà mình bước đại vào,
    Sợ mẹ mừng hụt càng đau đớn lòng
    Văn Lía lụy ngọc ròng ròng,
    Đứng sau chòi rách vô cùng thiết tha,
    Nghe mẹ rên xiết trong nhà,
    Rằng: “Sao thằng Lía con ta không về?
    Lòng ta đang đói trăm bề,
    Đêm nay đói nữa chẳng hề sống đâu”
    Mẹ già than thở âu sầu,
    Làm cho Văn Lía tâm bào héo don,
    Ối thôi buồn có chi hơn,
    Âu sầu thảm đạm lòng son vô cùng.
    Xiết bao nhiều nỗi não nùng,
    Chòi tranh chẳng dám dời chơn bước vào.
    Bồi hồi dạ ngọc xót đau,
    Nước cờ gần bí biết sao bây giờ!
    Nhớ lời mẹ dặn căn do,
    Tham lam chớ khá, giữ cho vẹn toàn;
    Nhưng mà trong lúc gian nan,
    Làm sao giữ đặng con đàng chánh ngay
    Chớ chi nghèo đến nước này,
    Mà trời cho chết toại thay tấc tình,
    Có chết âu mới trọn lành,
    Nhược bằng chưa chết thân mình biết sao?
    Tuy mẹ căn dặn trước sau,
    Trong lòng ghi nhớ dễ nào dám quên
    Song le trong buổi đảo điên,
    Cam đành trái mẹ mới yên thân mình
    Dốc lòng cố giữ lòng lành,
    Mà trời chẳng giúp phải đành gian tham,
    Văn Lía tính đã cùng đàng,
    Thăm nhà phú hộ vội vàng đến nơi,
    Bầy chó đã ngủ hết rồi,
    Tuốt ra chuồng vịt đề vời sợ chi
    Trong lòng đói khát đang khi,
    Dầu chết chẳng sợ sợ gì chó sao!
    Chuồng vịt Văn Lía chun vào,
    Núm hai cổ vịt thoát mau ra về,
    Trong lòng mừng rỡ trăm bề,
    Bây giờ thơ thới chẳng hề lo chi
    Chòi tranh vào đến tức thì,
    Lão bà trông thấy nan tri xa gần.
    Văn Lía lời mới tỏ phân:
    “Có cậu Hương Ấp đức nhân vô cùng,
    Thấy con khốn hại lao lung,
    Hỏi con đã rõ đục trong sạ tình
    Lời con bày tỏ đành rành,
    Người mới thương tình bắt vịt cho con”
    Mẹ già nào rõ thiệt hơn,
    Tin theo lời trẻ chẳng còn ngại nghi,
    Xúm nhau làm vịt một khi,
    Xong xuôi ăn uống đỡ khi nguy nàn,
    Đỡ lòng mừng rỡ trăm phần,
    Thoát tai chết đói nghĩ càng mừng vui.
    Từ đây tật xấu mang rồi,
    Văn Lía trộm cắp của người nuôi thân,
    Tánh quen khó bỏ trăm phần,
    Mẹ già nghi dạ tỏ trần cản ngăn;
    Nhưng Lía chẳng thế kiếm ăn,
    Cứ việc trộm cấp làm nhăn vô cùng.
    Mẹ già buồn bã tấc lòng,
    Rầy la biểu Lía mựa đừng gian tham,
    Kiếm người ở mướn làm ăn,
    Chớ nên trộm cấp nguy nan có ngày.
    Văn Lía thưa lại lời này:
    “Số mẹ chưa có thấu hay thế tình,
    Con đây cũng muốn làm lành,
    Ngặt vì thiên hạ bất bình lắm thay.
    Họ không xót tưởng con đây,
    Họ không chịu mướn ngày nay đã cùng.
    Con đi hỏi khắp nào không,
    Nghiệt cay ai nấy chẳng lòng tưởng thương.
    Ngày nay con đã cùng đưòng,
    Thật con nay đã vô phương nuôi mình
    Xin mẹ chớ khá bất bình,
    Của họ dư chẳng giúp mình cơn nguy,
    Của họ dư để làm chi,
    Mình xin chằng đặng lấy gì nuôi thân?
    Gian tham tuy xấu muôn phần,
    Song bởi họ chẳng khứng tâm giúp mình
    Lẽ nào ngồi bó tay nhìn,
    Làm sao nuôi đặng thân hình thì thôi
    Vả con đây oán thù người,
    Ngàn năm vẫn nhớ thâm cừu không quên.”
    Mẹ già nghe hãn sạ duyên,
    Tấc lòng thảm đạm ưu phiền nào an
    Văn Lía cố oán cả làng,
    Vì không cứu nó lúc đang hiểm nghèo,
    Thù kia chứa biết bao nhiêu,
    Thề không xao lãng sớm chiều gắn ghi.
    Ngày kia Văn Lía đang đi,
    Nhớ mẹ đang lúc khổ nguy đói lòng,
    Âu là phải tính cho xong,
    Há để mẹ đói mà không đau lòng
    Thói quen Văn Lía thường dùng,
    Bắt gà trộm vịt ngỏ phòng đỡ nguy,
    Chẳng dè Lía rủi một khi,
    Bị người thấy đặng xiết chi kinh hoàng
    Văn Lía tuy thật lẹ làng,
    Vừa toan tẩu thoát xóm làng tuôn ra
    Chiếc thân nguy hiểm thay là,
    Chủ nhà bắt đặng kéo ra giữa làng
    Chủ nhà Hương Quản rõ ràng,
    Hương Quản buộc gắt nguy nan vô cùng,
    Làng đem Văn Lía đóng gông,
    Hội tề nhóm lại om sòm hỏi han
    Hương Thân trổ giọng nạt vang:
    “Lía mày là đứa hung hoang làng này!
    Sao mày gan dạ lắm thay,
    Nhè nhà Hương Quản mà mày gian tham?”
    Lía rằng: “Tội thật đành cam,
    Nhưng vì cảnh ngộ nguy nan buộc mình.”
    Làng rằng: “Mày chớ nói lanh,
    Làm ăn chẳng muốn lại đành tà gian,
    Thật mày tội nặng trăm đàng,
    Phen này khó nỗi đặng an đâu là
    Sao không ở mướn người ta,
    Lấy tiền nuôi dưỡng mẹ già cho an?
    Mày cũng no ấm rõ ràng,
    Mẹ cũng được chỗ dựa nương tháng ngày.
    Vốn mày làm biếng nào sai,
    Thôi thôi chớ nói vắn dài làm chi”
    Văn Lía thưa lại tức thì:
    “Mấy ông nói ức nan tri xa gần,
    Tôi đây bao quản cực thân,
    Chẳng biết mấy lần đi hỏi làm ăn
    Nhưng mà khốn hại vô ngần,
    Chẳng ai chịu mướn khó khăn vô cùng.”
    Làng nghe nổi giận đùng đùng,
    Rằng: “Mày gian ác mựa đừng dối quanh.
    Trùm đâu mau khá phạt hành,
    Đánh sao cho nó thật kinh mà chừa
    Văn Lía chưa kịp tỏ thưa,
    Bị thằng trùm đánh chẳng vừa chi đâu.
    Cắn răng mà chịu biết sao,
    Da tan thịt nát xót đau vô cùng,
    Thét rồi lụy nhỏ ròng ròng,
    Văn Lía than thở não nùng xiết bao.
    Xóm làng đang lúc bàn nhau,
    Hương Sư đi trễ bước vào hỏi qua:
    “Chuyện chi đánh trẻ kêu la
    Khá tua phân lại gần xa mọi đàng?”
    Hương Sư quyền thế trong làng,
    Lại thêm hiền đức rõ ràng ai qua.
    Văn Lía khóc lóc kêu la,
    Thưa lại các việc gần xa đuôi đầu.
    Hương Sư nghe rõ âm hao,
    Truyền mở Văn Lía cho mau chớ chầy
    “Một thằng con nít thơ ngây,
    Chuyện chi mà đánh thế này nhẫn tâm!”
    Tỏ cùng hương chức xa gần:
    “Các ông quả thật nhẫn tâm thay là!
    Nó rất có hiếu mẹ già,
    Không tiền nuôi mẹ sanh ra kế cùng.
    Sao không suy xét đục trong,
    Mấy ai biết nhục mà không giữ mình?
    Bởi chưng cơn túng gia đình,
    Lại thêm đang tuổi xuân xanh biết gì!
    Nó mà gian ác nỗi này,
    Là cơn nguy khốn chẳng ai giúp giùm.
    Nó cũng biết xét nào không,
    Đem thân ở mướn khắp cùng ngoài trong,
    Mà cũng chẳng kẻ có lòng,
    Chẳng chịu mướn, nó lâm vòng hiếm nguy,
    Cơn túng chẳng biết làm chi,
    Sanh ra gian ác có gì lạ đâu!”
    Nghe lời biện bạch lý sâu,
    Các chức đều thảy nhìn nhau bất bình,
    Nhưng mà họ chỉ làm thinh,
    Vì chưng là lẽ công minh tỏ trần.
    Văn Lía thoát nạn cám ân,
    Trong lòng thơ thới vui mừng xiết bao,
    Bươn bả bước lại cúi đầu,
    Lạy người bốn lạy ngõ hầu đáp ơn.
    Hương Sư bèn tỏ thiệt hơn:
    “Từ nay bỏ tánh chớ còn gian tham”
    Văn Lía khép nép bày tàng:
    “Hiềm vì chẳng có chuyện làm nuôi thân,
    Thật là khốn hại muôn phần,
    Tôi đây cũng rất khổ tâm thay là”
    Mấy lời thành thật thiết tha,
    Hương Sư suy xét phân qua như vầy
    “Ta đây đành dạ mướn mày,
    Nhưng mà mày ráng đổi thay tánh tình.”
    Lía nghe thỏa dạ ưng đành,
    Thề nguyền thay đổi theo lành lánh gian
    Hương Sư trỗi bước vội vàng,
    Văn Lía theo dõi gia đàng đến nơi,
    Tiền mướn đâu đó tính rồi,
    Bạc trao cho Lía rất vui vô cùng
    Cầm bạc chi xiết vui mừng,
    Về nhà cùng mẹ đục trong giãi bày.
    Thuật qua các việc vắn dài,
    Mẹ già toại chí từ này khỏi lo.
    Mừng con có chốn ấm no,
    Phận mình cũng khỏi nguy cơ túng cùng
    Giấy tờ thuê mướn làm xong,
    Hương Sư biểu Lía ra đồng chăn trâu,
    Chẳng biểu làm chuyện khác đâu,
    Chăn trâu hôm sớm miễn sao vẹn phần.
    Văn Lía bao quản gian truân
    Đáp ơn làm phước làm nhơn cứu mình,
    Mai chiều trọn tấm lòng thành
    Chẳng dám sai sót phận mình chi đâu
    Hằng ngày chỉ việc chăn trâu,
    Ngoài đồng rộng rãi trăm phần toại vui,
    Thật là thỏa chí thảnh thơi,
    Mục đồng bè bạn hôm mai chung cùng.
    Có hơn hai chục mục đồng,
    Từ ngày biết Lía có lòng nể kiêng.
    Văn Lía tâm tánh chẳng hiền,
    Lại thêm sức mạnh rất nên lạ lùng,
    Chưa đầy mười sáu thu đông,
    Sức mạnh người lớn tưởng không sánh bì.
    Thằng sao tâm tánh lạ kỳ,
    Chẳng chịu ai hiếp nhiều khi sanh rầy.
    Thường lề ngày tháng ở ngoài,
    Cho trâu ăn cỏ ruộng này ruộng kia,
    Ngày kia nhìn thấy dưới khe,
    Gốc cây cá lóc nằm kề một bên,
    Phút đâu vùng cái nhảy lên,
    Rớt xuống cá đã nằm trên ruộng rồi.
    Văn Lía thấy vậy vui cười,
    Khen con cá lóc vô hồi tài ba:
    “Chớ chi cá lóc dạy ta,
    Dạy ta miếng đó thật là mang ơn”
    Mục đồng xúm lại hỏi đon:
    “Lía nhìn chi đó dừng chơn đứng hoài?”
    Lía rằng: “Cá lóc rất hay,
    Nó vùng một cái thật tài vô song
    Dưới khe sâu thật vô cùng,
    Một cái chỉ vùng nhảy khỏi lên trên”
    Mục đồng nghe rõ sạ duyên,
    Có đứa bày giải hư nên sạ tình:
    “Con cá nó cũng như mình,
    Tập lâu ắt được chẳng tin hãy làm
    Văn Lía bèn hỏi cho tàng,
    Làm sao lập thế bày đàng nhảy cao?”
    Mục đồng bày tỏ trước sau:
    “Cứ đào cái lỗ ban đầu cạn thôi,
    Mình tập nhảy đặng khỏi rồi,
    Thì đào sâu nữa lần hồi sẽ nên”
    Văn Lía nghe hãn sạ duyên,
    Tấc lòng thơ thới rất nên thỏa đành,
    Mấy lời gẫm xét đành rành.
    Chàng quyết chí tập cho mình nhảy cao.
    Mục đồng xúm xít cùng nhau,
    Văn Lía bèn biểu khá đào lỗ sâu
    Mấy đứa há dám cãi đâu,
    Vưng lời xúm xít cùng nhau đào liền
    Văn Lía xuống đó nhảy lên,
    Cứ làm như vậy rất nên gọn gàng.
    Kiên gan vững chí trăm đàng,
    Cứ vậy mà tập vẹn toàn một năm.
    Lần lần nhảy giỏi trăm phần,
    Lỗ nọ đào lần càng bữa càng sâu.
    Chẳng những Lía nhảy khỏi đầu,
    Nhảy còn qua khỏi hàng rào thiệt cao.
    Nghề chi năng luyện năng trau,
    Thét rồi cũng giỏi dễ nào đơn sai!
    Nghề nhảy Văn Lía ai tày,
    Nóc nhà nhảy khỏi ai ai cũng nhường,
    Mục đồng xem thấy hãn tường,
    Thảy đều lánh sợ dễ thường dám qua.
    Văn Lía toại dạ thay là,
    Học nghề cá lóc ai mà đám đương!
    Khắp cùng đồng nội ruộng mương,
    Mục đồng đều thảy kính nhường Lía ta.
    Ngày kia Lía tỏ gần xa:
    “Mình đây đủ mặt thảy là hai mươi,
    Chia ra một phía mười người,
    Giả đò đánh giặc chơi vui cho đành.”
    Thằng Mướp mười bảy xuân xanh,
    Lớn hơn các đứa vóc hình cũng to,
    Nghe Lía bày tỏ căn do,
    Mướp liền ứng chịu lựa người chia hai
    Xong xuôi hai phía ra tay,
    Cùng nhau đánh giặc toại thay tấc lòng
    Cùng nhau đánh giặc giữa đồng,
    Rượt qua rượt lại vô cùng vầy vui.
    Nửa ngày đánh giặc nhau chơi,
    Đến rốt cuộc rồi bên Lía thắng hơn.
    Chơi vui thỏa bấy lòng son,
    Mục đồng chơi vậy chẳng còn chơi chi.
    Văn Lía cũng toại lắm thay,
    Cuộc chơi thích chí chi tày nữa đâu.
    Sáu tháng cứ vậy chơi nhau,
    Nhưng mà chẳng xảy việc nào nguy nan.
    Ngày nọ Văn Lía bày tàng,
    Kêu mục đồng lại nghe chàng chỉ phân:
    “Đánh giặc vui vẻ trăm phần,
    Song le chưa đủ thỏa tâm đành lòng
    Có việc vui vẻ vô cùng,
    Để tao bày giải đục trong sạ tình.
    Tao có đi xem hát đình,
    Thấy rõ hát bội đành rành không sai:
    Trong lúc vua bị nịnh vây,
    Thật là vui vẻ toại thay tấc lòng
    Vậy ta mau hiệp nhau cùng,
    Ta làm y vậy thỏa lòng chẳng sai”
    Mục đồng nghe rõ vắn dài,
    Đành lòng ưng thuận chẳng ai bất bình.
    Văn Lía bèn tỏ hắc minh:
    “Để tao làm Chúa bây đành hay không?
    Thằng Mướp to lớn vô cùng,
    Để nó làm nịnh ắt xong chớ gì!
    Nhưng tao giao trước lời này,
    Làm vua phải để lâu ngày mới vây,
    Chớ chẳng phải mới lên ngai,
    Mà bị nịnh rượt chẳng hay đâu là!
    Thằng Mướp, thằng Bí, thằng Cà,
    Đều theo phe nịnh gian tà bất trung.
    Thằng Ổi, thằng Khế, thằng Hồng,
    Phò vua trọn dạ tròn lòng trung ngay
    Bao nhiêu còn lại phải vầy:
    Làm quan làm tướng tao sai vưng lời”
    Văn Lía truyền lịnh xong xuôi,
    Mục đồng hết thảy đều vui thỏa lòng.
    Thằng Mướp bèn tỏ đục trong:
    “Chơi vầy ở tại giữa đồng không vui,
    Vào trong miễu nọ mà chơi,
    Vậy âu mới giống việc đời phải không?”
    Văn Lía nghe hãn thủy chung,
    Rất nên đành dạ toại lòng phán qua:
    “Lời bàn rất đẹp lòng ta,
    Trâu ta khá cột đặng mà đi chơi”
    Mục đồng nghe rõ khúc nôi,
    Trâu đều thảy cột xong xuôi mọi đàng,
    Cùng nhau sau trước một đoàn,
    Kéo vào miễu nọ ngỏ toan vui vầy.
    Đến nơi đứng dưới gốc cây,
    Xúm nhau bàn luận vắn dài thấp cao.
    Văn Lía bèn tỏ âm hao:
    “Làm Vua phải ngự ngai cao mới là,
    Có ngai như ở trào ca,
    Tụi bây lo đẹp lòng ta bây giờ.”
    Thằng Mướp có tánh đôi co,
    Chau mày phân lại đặng cho Lía tàng:
    “Làm gì mình có ngai vàng?
    Mày khéo bày chuyện khó toan vô cùng!
    Ngồi đại dưới đất cho xong,
    Làm ngai khó nỗi thật không thể làm.”
    Văn Lía thấy cãi lịnh troàn,
    Nạt rằng: “Trẫm đã chỉ troàn cãi sao!
    Làm ngai có khó chi đâu,
    Vào rừng thì có vốn nào khó chi.”
    Nghe Văn Lía nói dị kì,
    Thằng Mướp hỏi lại nằn nì gần xa:
    “Ngai đâu ở chốn rừng già,
    Mi khá bày giải cho ta đặng tường?”
    Trái tai Văn Lía đâu nhường,
    Mắng rằng: “Mầy thật ngu bường con trâu!
    Ngai kia ở chốn rừng sâu,
    Ấy tao nói ý cớ sao không tàng?
    Đốn cây làm cái ngai vàng,
    Cột lại như thể cái thang khó gì
    Làm cho giống ở trào nghi,
    Chớ nên cãi lịnh diên trì dang ca.”
    Thằng Mướp bị quở bị la,
    Chẳng dám cãi nữa dần dà tỏ phân:
    “Lịnh trên dạy dưới phải vâng,
    Chúng ta mau khá dời chân đi liền.”
    Mục đồng nghe có lịnh truyền,
    Đồng nhau, trỗi bước rất nên trọn lòng,
    Vào rừng chằng quản gai chông,
    Đốn cây cột lại đã xong mọi đàng.
    Đem ra miễu nọ đã an,
    Làm cái ngai giả vẹn toàn trước sau.
    Văn Lía mừng rỡ xiết bao,
    Nghiêm nghị lên thẳng ngai cao mà ngồi,
    Bâng khuâng tấc dạ rất vui,
    Tỉ mình như đã trị ngôi thỏa lòng.
    Thằng Mướp liền nói bông lông:
    “Như vầy quả thật vô cùng cao sang!”
    Văn Lía bèn tỏ mọi đàng:
    “Từ đây y thửa lịnh troàn chớ sai”
    Các đứa phân lại vắn dài:
    “Cúi vưng nghe lịnh từ này về sau.”
    Văn Lía phỉ chí xiết bao,
    Tỉ mình thật chẳng khác nào như vua.
    Từ đây tối sớm chiều trưa,
    Làm vua Văn Lía rất vừa lòng thay,
    Mỗi ngày ngồi ở trên ngai,
    Mục đồng ngồi dưới vui vầy trào ca.
    Văn Lía ngang dọc thay là,
    Mục đồng đều sợ ai mà chẳng kiêng,
    Bày chơi nhiều việc chẳng nên,
    Làm vua làm chúa oai quyền vang rân.
    Hằng ngày chơi trước miễu thần,
    Mục đồng cùng Lía trăm phần vầy vui.
    Ngày kia Văn Lía trên ngôi,
    Nhìn xem xuống dưới đủ người trước sau,
    Thằng Mướp chẳng biết đi đâu,
    Ngày nay vắng mặt cớ nào chẳng thông?
    Văn Lía han hỏi đục trong:
    “Mướp sao vắng mặt nó không đến chầu?
    Tội nó luật phải chém đầu,
    Thật tội rất lớn dễ nào thứ dung
    Mục đồng quỳ tấu song song:
    “Ắt là thằng Mướp trái lòng chi đây,
    Cùng ta chằng chịu vui vầy,
    Không chừng có chuyện bữa nay ở nhà.”
    Văn Lía bèn tỏ gần xa:
    “Thằng Mướp nó chẳng phục ta không chừng!
    Chờ nó lai đáo trào trung,
    Đặng ta hỏi lại đục trong cho tường
    Ví bằng nó chẳng chịu nhường,
    Cùng ta thử sức đối đương thử tài:
    Nếu nó thắng được ta đây,
    Thì ta đây sẽ nhường ngai Mướp liền.”
    Còn đang bày tỏ sạ duyên,
    Bỗng thằng Mướp đến đứng bên kia là.
    Thằng Lía bèn hỏi gần xa:
    “Sao mày lai đáo trào ca trễ vầy?
    Khá tua bày tỏ vắn dài,
    Đặng ta rõ thấu cho hay sự tình?”
    Thẳng Mướp trổ giọng bất bình:
    “Chơi vầy thật chẳng công minh chút nào!
    Tài chi mày ngự ngai cao?
    Lẽ thì phải để cho tao ngai này
    Bởi tao lớn tuổi hơn mày
    Mày còn nhỏ tuổi lại tài cán chi?”
    Thằng Lía nghe đã tường tri,
    Trong lòng nổi giận tức thì phân qua:
    “Nếu mày muốn chiếm ngôi ta,
    Cùng ta thử sức mới là công minh,
    Nếu mi thiếu sức chống kình,
    Thì là mi phải chia đành nhường ngai
    Thường ngày tùng phục ta đây,
    Ta kêu phải dạ ta sai vưng lời.
    Cứ việc thử sức mà chơi,
    Đặng cho biết rõ ai tài hơn ai?”
    Thằng Mướp đáp lại vắn dài:
    “Nếu đặng như vậy ta đây đành lòng.”
    Thằng Lía tức giận trong lòng,
    Kế mưu sắp sẵn đục trong ai tàng?
    Lía ta phân lại rõ ràng:
    “Thử tài thử sức nghĩ càng quá hay,
    Nhưng ta nghĩ đặng việc này,
    Còn thêm thú vị chẳng sai đâu là
    Thẳng Mướp giả kẻ gian tà,
    Nịnh thần thí chúa đặng mà đoạt ngôi,
    Sẵn dịp đó rất là vui,
    Cho ta thử sức đặng coi thế nào?”
    Còn lắm chuyện ngộ biết bao,
    Hãy xem luôn tiếp cuốn sau rõ tường.

    (Bài này chúng tôi chưa sưu tầm được đầy đủ)

  • Bình luận

Cùng thể loại:

  • Vè ông Hường Hiệu

    Kể từ lịch sử nước Nam triều,
    Thương cho mấy người tài năng học sĩ chết đã nhiều vì Tây qua
    Quảng Nam có ông Hường Hiệu ở Thanh Hà,
    Trung thành với nước nên xa chốn triều thần
    Về nhà sầu thảm với nhân dân,
    Lâm vô tử trận chín mười phần còn chi
    Tụi Tây qua đã tới Trung Kỳ,
    Đế đô co kéo còn gì nước Nam
    Giận thay cho chú Cần Thân,
    Cầu tham lam mãi quốc biết ăn làm với ai
    Nước Nam mình thiếu chi kẻ anh tài,
    Văn chương đủ hết không dùi mài cho nên
    Để cho nhà dột khó ngăn,
    Thơ ông Hường để lại dưới đền đinh ninh
    Thương thay cho cộng sản hữu tình,
    Trung thành với Tổ quốc liều mình cho nên khô
    Nghĩ sự tình thảm biết chừng mô,
    Kẻ thì bị đày ra bỏ vợ, người bị giải vô bỏ chồng
    Thù xưa còn hỡi ghi lòng,
    Gang sơn Tổ quốc khi không mà thành
    Giậm chân kêu với ông trời xanh,
    Nhân dân xuất thế giặc Nam thành cũng tan
    Đánh Anh, Tây, Nhật đầu hàng,
    Sơn băng thuỷ kiệt mở mang cho nước nhà.

  • Giữa năm Đinh Dậu mới rồi

    Giữa năm Đinh Dậu mới rồi
    Sư ông chùa Lãng là người đảm đang
    Viết tờ quyên giáo các làng
    Lãng Đông, Năng Nhượng chuyển sang Trực Tầm
    Chiều hôm còn ở Đồng Xâm
    Rạng mai Đắc Chúng, tối tầm Dục Dương
    Cùng với nghĩa sĩ bốn phương
    Phất cờ thần tướng mở đường thiên binh
    Phá dinh công sứ Thái Bình
    Sa cơ ông đã bỏ mình vì dân.

  • Vè bình dân học vụ

    Lẳng lặng mà nghe
    Cài vè học vụ
    Đồng bào mù chữ
    Ở khắp mọi nơi
    Chiếm chín phần mười
    Toàn dân đất Việt
    Muôn bề chịu thiệt
    Chịu đui, chịu điếc
    Đời sống vùi dập
    Trong vòng nô lệ
    Hơi đâu mà kể
    Những sự đã qua
    Chính phủ Cộng hòa
    Ngày nay khác hẳn
    Đêm ngày lo lắng
    Đến việc học hành
    Mấy triệu dân lành
    Còn đương tăm tối
    Bị đời hất hủi
    Khổ nhục đáng thương
    Ngơ ngác trên đường
    Như mù không thấy
    Những điều như vậy
    Không thể bỏ qua

  • Vè chàng Lía

    Lía ta nổi tiếng anh hào
    Sơn hà một góc thiếu nào người hay
    Bạc tiền thừa đủ một hai
    Chiêu binh mãi mã càng ngày càng đông
    Làm cho bốn biển anh hùng
    Mến danh đều tới phục tùng chân tay.
    Kẻ nào tàn ác lâu nay
    Lía sai cướp của đoạt tài chẳng dung
    Nhà giàu mấy tỉnh trong vùng
    Thảy đều kinh sợ vô cùng lo toan
    Nhất nhì những bực nhà quan
    Nghe chàng Lía doạ kinh hoàng như điên
    Nhà nào nhiều bạc dư tiền
    Mà vô ân đức, Lía bèn đoạt thâu.
    Tuy chàng ở chốn non đầu
    Nhưng mà lương thực vật nào lại không
    Lâu la ngày một tụ đông
    Vỡ rừng làm rẫy, vun trồng bắp khoai
    Mọi người trên dưới trong ngoài
    Thảy đều no đủ sớm trưa an nhàn
    Tiếng tăm về đến trào đàng
    Làm cho văn võ bàng hoàng chẳng an.
    Nam triều chúa ngự ngai vàng
    Bá quan chầu chực hai hàng tung hô
    Có quan ngự sử bày phô
    Tâu lên vua rõ lai do sự tình
    Đem việc chàng Lía chiêu binh
    Trình lên cặn kẽ phân minh mọi đàng
    Nào khi Lía phá xóm làng
    Đến khi lên núi dọc ngang thế nào
    Kể tên những bậc phú hào
    Từng bị quân Lía đoạt thâu gia tài
    Vua ngồi nghe rõ một hai,
    Đập bàn, vỗ án giận rày thét la:
    – Dè đâu có đứa gian tà
    Giết người, đoạt của thiệt là khó dung
    Truyền cho mười vạn binh hùng
    Dưới cờ đại tướng binh nhung lên đàng
    Đại quân vâng lệnh Nam hoàng
    Hành quân tức khắc thẳng đàng ruổi dong
    Gập ghềnh bao quản núi non
    Dậy trời sát khí quân bon lên rừng.

  • Vè lính mộ

    Tai nghe nhà nước mộ dân,
    những lo những sợ chín mười phần em ôi.
    Anh đi ra mặt biển chưn trời,
    ơn cha nghĩa mẹ hai nơi chưa đền.
    Dầu mà ông Tây bắt làm phên,
    nhất thắng nhì bại, không quên cái nghĩa sinh thành.
    Xót em vò võ một mình,
    anh đi ra biển thẳm non xanh tư bề.
    Vai mang khẩu súng lưng dắt lưỡi lê,
    thôi thiếp bồng con dại lui về mần ăn.
    Ví dầu anh có mần răng,
    nơi mô xứng gió vừa trăng em đành.
    Phận chàng vạn tử nhứt sanh,
    trên thời mây đen kịt, dưới nước xanh dờn dờn.
    Tư bề sóng bể như sơn,
    đau lòng xót dạ nhiều cơn lắm bớ nàng.
    Trăm lạy ông trời đặng chữ bình an,
    đóng lon chức Đội về làng hiển vinh.
    Làm thịt con heo quy tế tại đình,
    rượu chè chàng đãi dân tình một diên.
    Tay bắt tay miệng lại hỏi liền:
    anh đi ra mấy tháng em có phiền hay không.
    Bảy giờ mai bước xuống tàu đồng,
    tối tăm mù mịt như rồng với mây.
    Hai bên những lính cùng Tây,
    quân gia kéo tới chở đầy tàu binh…

  • Vè đội Cấn

    Năm Đinh Tỵ mười ba tháng bảy
    Nước Nam mình phút dậy can qua
    Thái Nguyên nay có một tòa
    Khố xanh, khố đỏ được ba trăm người
    Cũng chí toan chọc trời khuấy nước
    Ông Đội ra đi trước cầm binh
    Rủ nhau lập tiểu triều đình
    Những là cai đội khố xanh bằng lòng
    Duy phó quản bất tòng quân lệnh
    Hóa cho nên hủy mệnh xót xa
    Sai người mở cửa nhà pha
    Đem tù ra điểm được là bao nhiêu?
    Truyền tù nhân cứ theo quân lệnh
    Chớ thị thường uổng mệnh như chơi
    Rồi ra làm lễ tế trời
    Cờ đề “Phục Quốc” tài bồi Nam bang

  • Vè Đông Kinh

    Cơn mây gió trời Nam bảng lảng
    Bước anh hùng nhiều chặng gian truân
    Ngẫm xem con tạo xoay vần
    Bày ra một cuộc duy tân cũng kì
    Suốt thân sĩ ba kì Nam Bắc
    Bỗng giật mình sực thức cơn mê
    Học, thương, xoay đủ mọi nghề
    Cái hồn ái quốc gọi về cũng mau
    Hồn đã tỉnh, bảo nhau cùng dậy
    Chưa học bò vội chạy đua theo
    Khi lên như gió thổi diều
    Trong hò xin thuế, ngoài reo hãm thành
    Cách hoạt động người mình còn dại
    Sức oai quyền ép lại càng mau
    Tội nguyên đổ đám nho lưu
    Bắc kì thân sĩ đứng đầu năm tên

Có cùng từ khóa:

Chú thích

  1. Dị sự
    Chuyện lạ thường (từ Hán Việt).
  2. Vắn
    Ngắn (từ cổ).

    Tự biệt nhiều lời so vắn giấy
    Tương tư nặng gánh chứa đầy thuyền

    (Bỏ vợ lẽ cảm tác - Nguyễn Công Trứ)

  3. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  4. Loan phụng hòa minh
    Chim loan, chim phượng cùng hót. Chỉ vợ chồng hòa thuận, thương yêu nhau.
  5. Thung dung
    Thong dong.
  6. Thôn lân
    Làng xóm láng giềng (từ Hán Việt).
  7. Lao lung
    Khổ cực (từ cổ).
  8. Thất phát
    Cũng như thất bát – mất mùa.
  9. Nàn
    Nạn (từ cũ).
  10. Đoạn trường
    Đau đớn như đứt từng khúc ruột (đoạn: chặt đứt, trường: ruột). Theo Sưu thần kí, có người bắt được hai con vượn con, thường đem ra hiên đùa giỡn. Vượn mẹ ngày nào cũng đến ở trên cây gần đầu nhà, kêu thảm thiết. Ít lâu sau thì vượn mẹ chết, xác rơi xuống gốc cây. Người ta đem mổ thì thấy ruột đứt thành từng đoạn.
  11. Túng tíu
    Túng thiếu (từ cũ).
  12. Thét
    Chịu đựng lâu thành quen (phương ngữ).
  13. Kế tự
    Nối dõi (từ Hán Việt).
  14. Chầy
    Trễ, chậm (từ cổ). Trong ca dao ta cũng thường gặp cụm từ "canh chầy," nghĩa là canh khuya, đêm khuya.
  15. Suy vi
    Suy yếu, lụn bại đi (từ Hán Việt).
  16. Hiềm
    Nghi, giận, lo buồn. Trước đây từ này cũng nói và viết là hềm.
  17. Hoàng thiên
    Trời vàng (từ Hán Việt). Gọi vậy vì mặt trời có màu vàng.

    Hoàng thiên hậu thổ soi xét lòng này. Nếu ai bội nghĩa quên ơn thì trời người cùng giết.
    (Tam Quốc diễn nghĩa, Phan Kế Bính dịch)

  18. Tấc thành viễn thấu trời cao: Lòng thành thấu đến tận trời cao.
  19. Sở nguyện
    Điều hằng mong muốn (từ Hán Việt). Cũng nói là sở nguyền.
  20. Nhơn
    Nhân (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  21. Đắc nguyện
    Được như nguyện, thỏa sự mong muốn.
  22. Chơn
    Chân (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  23. Tràng
    Một cách nói của trường trước đây, nhất là ở Trung và Nam Bộ (Tràng An, trưởng tràng, sa tràng, chiến tràng...)
  24. Gia đường
    (Gia: nhà, đường: nhà lớn) nhà cửa ở có thờ phụng ông bà. Cũng dùng để chỉ cha (xuân đường) và mẹ (huyên đường). Người Nam Bộ phát âm thành gia đàng.
  25. Cao dày
    Trời cao đất dày. Chỉ trời đất.
  26. Khúc nôi
    Nỗi lòng tâm sự thầm kín khó nói ra (từ cũ). Cũng nói là khúc nhôi.
  27. Gia trang
    Trang trại của một gia đình (từ cũ). Cũng chỉ những nhà có sân vườn rộng lớn.
  28. Hắc minh
    Sáng tối (chữ Hán). Chỉ tất cả mọi việc có thể nghĩ đến.
  29. Xăm
    Quẻ thẻ xin thần thánh ứng cho để biết việc tương lai, thường được viết trên một tấm thẻ tre. Người xin xăm cầm một ống chứa 100 thẻ xăm, khấn nguyện và lắc ống theo chiều thẳng đứng, nếu chỉ có một thẻ rơi ra thì coi như thành công. Thẻ xăm này sau đó được mang đến để lấy tờ diễn giải tương ứng, hoặc đưa cho người diễn giải. Xin xăm là một tục lệ thường thấy trong ngày Tết cổ truyền, nhất là ở miền Bắc.

    Xin xăm

    Xin xăm

  30. Liêu
    Lều, nhà nhỏ, quán nhỏ sơ sài, thường cất cạnh chùa miếu.
  31. Âm hao
    Tin tức. Như âm háo 音耗  tăm hơi. Ta quen đọc là âm hao (từ điển Thiều Chửu).

    Cố hương đệ muội âm hao tuyệt,
    Bất kiến bình an nhất chỉ thư.
    Dịch thơ:
    Xa cách các em tin tức bặt
    Bình yên mấy chữ thấy đâu mà.

    (Sơn cư mạn hứng - Nguyễn Du, người dịch: Nguyễn Thạch Giang)

  32. Thiên tùng nhơn nguyện: Trời (cũng) theo ý nguyện của người.
  33. Làm đoan làm phước
    Làm ơn làm phước.
  34. Quên lửng
    Quên bẵng, quên khuấy đi (phương ngữ Trung Bộ).
  35. Gia nội
    Trong nhà (từ Hán Việt).
  36. Am tự
    Ngôi chùa nhỏ. Xem Am.
  37. Phần
    Phận, số phận (từ cổ).
  38. Nhâm thần
    Từ chữ Hán 妊娠 (đàn bà có mang).
  39. Tàng
    Tường (rõ ràng) (phương ngữ Nam Bộ).
  40. Sạ
    Sự (từ cổ).
  41. Lía
    Dân gian còn gọi là chàng Lía, chú Lía, người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa nông dân chống ách thống trị của nhà Nguyễn vào thế kỉ 18 nổ ra tại Truông Mây, Bình Định. Có giả thuyết cho rằng ông tên thật là Võ Văn Doan, quê nội huyện Phù Ly (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định ngày nay), quê ngoại làng Phú Lạc, tổng Thời Hòa, huyện Tuy Viễn (nay là huyện Tây Sơn). Lía tập hợp dân nghèo nổi dậy, chọn Truông Mây (Hoài Ân, Bình Định) làm căn cứ, lấy của người giàu chia cho người nghèo. Tương truyền sau khi cuộc khởi nghĩa thất bại, ông uất ức bỏ lên núi và tự sát.
  42. Từ biểu thị ý như muốn hỏi nhưng thật ra là để khẳng định rằng: không có lẽ nào lại như thế (từ cũ).

    Bờ cõi xưa đà chia đất khác
    Nắng sương nay há đội trời chung

    (Ngóng gió đông - Nguyễn Đình Chiểu)

  43. Tưng tiu
    Nâng niu (từ cổ).
  44. Đề đạm
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Đề đạm, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  45. Đà
    Đã (từ cổ, phương ngữ).
  46. Quy tiên
    Về chầu tổ tiên, nghĩa là chết đi. Từ này thường dành cho người già hoặc người đáng kính trọng.
  47. Tạ thế
    Từ giã (tạ 謝) cõi đời (thế 世). Nghĩa là chết đi.
  48. Vì chưng
    Bởi vì (từ cổ).
  49. Hung hoang
    Hung hăng, hoang đàng (từ cổ).
  50. Trự
    Đồng tiền (từ cổ).
  51. Nhược bằng
    Nếu như (từ cổ).
  52. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  53. Tua
    Nên, phải (từ cổ).
  54. Khá
    Nên (từ cổ). Trong văn thơ cổ ta cũng hay gặp cụm từ "chớ khá," nghĩa là "không nên, không được."
  55. Cơ hàn
    Đói (cơ 飢) và lạnh (hàn 寒). Chỉ chung sự nghèo khổ cơ cực.

    Bạn ngồi bạn uống rượu khan
    Tôi ngồi uống nỗi cơ hàn bạn tôi!

    (Gặp bạn ở chợ Bến Thành - Hoàng Đình Quang)

  56. Tầm
    Tìm (từ Hán Việt)
  57. Khẩu khiếu
    Lời nói (từ Hán Việt).
  58. Toại
    Thỏa ý nguyện (từ Hán Việt).
  59. Ương
    Tai họa (từ Hán Việt).
  60. Tày
    Bằng (từ cổ).
  61. Ngỏ phòng
    Để mà, có mục đích (từ cổ).
  62. Dang nắng
    Phơi (người) ra ngoài nắng (phương ngữ Trung Bộ).
  63. Vô hồi
    Không ngừng, không hết, một cách nói của người Nam Bộ (cực vô hồi, mừng rỡ vô hồi...).
  64. Người có chức vị trong làng xã ngày xưa.
  65. Lỗ đầu
    Rách da đầu, chảy máu hoặc vỡ đầu (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  66. Hãn
    Rõ ràng, chắc chắn (cổ ngữ, phương ngữ Nam Bộ).

    Trước sau chưa hãn dạ này
    Hai nàng ai tớ, ai thầy nói ra?

    (Lục Vân Tiên - Nguyễn Đình Chiểu)

  67. Thiểu phước
    Ít phước, bạc phước.
  68. Mựa
    Chớ, đừng (từ cổ).

    Chăn dân mựa nữa mất lòng dân
    (Nguyễn Trãi)

  69. Giao lân
    Đi lại (giao) với hàng xóm láng giềng (lân).
  70. Phản bộ
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Phản bộ, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  71. Giúp vùa
    Giúp đỡ (từ cổ).
  72. Hoang đàng chi địa
    Cách nói nhấn mạnh của hoang đàng. Theo học giả An Chi, cụm từ này bắt nguồn từ cụm “hoang nhàn dư địa” (đất thừa, đất bỏ trống), do quá trình đọc chệch và lây nghĩa mà thành.
  73. Kình
    Chống báng, không nhịn thua (Đại nam quấc âm tự vị). Như kình địch, chống kình.
  74. Lợi
    Lại (phương ngữ Nam Bộ).
  75. Hương
    Tên gọi chung của một số chức tước ở cấp xã dưới thời Nguyễn, ví dụ hương chánh làm nhiệm vụ thu thuế, chi xuất, phân công sai phái, hương quản chuyên trách giữ gìn an ninh trật tự, kiểm tra nhân khẩu, hương thân làm nhiệm vụ giáo hóa thuần phong mỹ tục...
  76. A
    (Nhảy, lao) xổ vào (phương ngữ Trung Bộ).
  77. Tam tinh
    Khu vực đằng sau ót, gồm ba điểm: một đỉnh trên cùng gọi là “thọ cốt” và hai điểm hai bên gọi là “thọ cốt.”
  78. Vầy
    Như vậy, như thế này (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  79. Lai do
    Nguyên do sự việc.
  80. Dến
    Đánh (dến một bạt tai, dến một cùi chỏ vô ngực, dến một đạp...)
  81. Dầu
    Dù (phương ngữ Nam Bộ).
  82. Tâm trung
    Trong lòng (từ Hán Việt).
  83. Âu
    Chắc là, hay là (từ cổ).
  84. Thi ân
    Làm việc ơn nghĩa (từ Hán Việt).
  85. Song le
    Nhưng mà (từ cũ).

    Ta muốn lòng ta cứ lạnh lùng
    Gác tình duyên cũ chẳng đường trông
    Song le hương khói yêu đương vẫn
    Phảng phất còn vương vấn cạnh lòng

    (Giây phút chạnh lòng - Thế Lữ)

  86. Đông vầy
    Rất đông đúc, chen chúc nhau. Từ này ở miền Trung và miền Nam được phát âm thành đông dầy.
  87. Sảng hoàng
    Hoảng hốt (phương ngữ), kinh hoàng. Cũng nói là sảng hồn.
  88. Tế độ
    Qua bến (bên kia). Chữ nhà Phật, ý nói Phật cứu vớt người khỏi bể khổ, như người vớt kẻ chết đuối chở sang bên kia sông. Việc cứu vớt người nghèo khổ, bất hạnh vì thế cũng gọi là tế độ.
  89. Bào hao
    Chờm hơm, sôi nổi lên có bộ như giận dữ.
  90. Hằng hà
    Nhiều quá không đếm được. Nguyên từ câu thành ngữ "Hằng hà sa số" trong Phật giáo, nghĩa là số lượng cát của sông Hằng (một con sông lớn ở Ấn Độ, có cát rất mịn).
  91. Dông
    Bỏ chạy mất (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  92. Đại
    (Làm việc gì) ngay, chỉ cốt cho qua việc, hoặc không kể đúng sai (khẩu ngữ).
  93. Bâu
    Cổ áo.
  94. Thủy chung
    Trước và sau. Thường được dùng với nghĩa (tình cảm) trước sau như một, không thay đổi. Từ này trước đây cũng được viết là thỉ chung.
  95. Hàn vi
    Nghèo hèn (từ Hán Việt)
  96. Ứng thanh
    Nói ứng theo, nói tiếp lời (từ Hán Việt).
  97. Đuổi nà
    Đuổi gắt, đuổi đến kì cùng (từ cổ).
  98. Nhơn ngãi
    Nhân nghĩa (phương ngữ Nam Bộ).
  99. Từ rày sấp lên
    Từ nay trở đi (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Có nơi nói và viết là Từ rày sắp lên.
  100. Tâm bào
    Tấm lòng (từ cổ).
  101. Héo don
    Héo hon (phương ngữ Bình Định - Phú Yên).
  102. Đề vời
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Đề vời, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  103. Nan tri
    Khó biết, không biết (từ Hán Việt).
  104. Sạ tình
    Sự tình.
  105. Thế tình
    Tình đời (từ Hán Việt).
  106. Khứng
    Chịu, vừa lòng, thuận lòng (từ cổ).
  107. Chiếc thân
    Đơn độc, lẻ loi.
  108. Hội tề
    Tên gọi chung cho những người làm cấp hành chính cơ sở ở làng xã ngày trước.
  109. Quản
    E ngại (từ cổ).
  110. Trùm
    Người đứng đầu một phường hội thời xưa.

    Nghệ sĩ Minh Nhí trong vai trùm Sò (áo the xanh) trong vở cải lương Ngao Sò Ốc Hến

    Nghệ sĩ Minh Nhí trong vai trùm Sò (áo the xanh) trong vở cải lương Ngao Sò Ốc Hến

  111. Mục đồng
    Đứa trẻ chăn trâu (từ Hán Việt).
  112. Cá lóc
    Còn có các tên khác là cá tràu, cá quả tùy theo vùng miền. Đây là một loại cá nước ngọt, sống ở đồng và thường được nuôi ở ao để lấy giống hoặc lấy thịt. Thịt cá lóc được chế biến thành nhiều món ăn ngon. Ở miền Trung, cá tràu và được coi là biểu tượng của sự lanh lợi, khỏe mạnh, vì thế một số nơi có tục ăn cá tràu đầu năm.

    Cá lóc

    Cá lóc

  113. Vô song
    Không bì kịp (từ Hán Việt).
  114. Vưng
    Vâng (phương ngữ Trung Bộ).
  115. Giả đò
    Giả vờ (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  116. Hát bội
    Một loại hình văn nghệ dân gian cổ truyền phổ biến trước đây. Đây là một loại hình mang nặng tính ước lệ. Các diễn viên hát bộ phân biệt từ mặt mũi, râu tóc, áo quần để rõ kẻ trung nịnh, người sang hèn, ai thô lậu, thanh tú, ai minh chánh, gian tà. Sắc đỏ được dùng dặm mặt để biểu hiện vai trung thần; màu xám là nịnh thần; màu đen là kẻ chân thật; màu lục là hồn ma... Dàn nhạc dùng trong hát bội gồm có những nhạc cụ như: trống chiến, đồng la, kèn, đờn cò và có khi ống sáo. Nội dung các vở hát bội thường là các điển tích Trung Hoa.

    Về tên gọi, "bộ" đây có nghĩa là diễn xuất của nghệ sĩ đều phải phân đúng từng bộ diễn, nên gọi là "hát bộ", "diễn bộ", "ra bộ.. Gọi là “hát bội” là vì trong nghệ thuật hóa trang, đào kép phải đeo, phải giắt (bội) những cờ phướng, lông công, lông trĩ… lên người. Còn "tuồng" là do chữ "Liên Trường" (kéo dài liên tiếp thành một vở tuồng tích có khởi đầu truyện, có hồi kết cuộc, phân biệt với các ca diễn từng bài ngắn, từng trích đoạn), do ngôn ngữ địa phương mà thành "luông tuồng," "luôn tuồng..."

    Một cảnh hát bội

    Một cảnh hát bội

    Xem vở hát bội Thần nữ dâng Ngũ Linh Kỳ.

  117. Triều ca
    Triều đình nói chung. Cũng phát âm thành trào ca ở Trung và Nam Bộ.

    Sở vương phán trước trào ca,
    Thái sư cách chức về nhà làm dân

    (Lục Vân Tiên)

  118. Troàn
    Truyền.
  119. Bường
    Bằng (từ cổ).
  120. Triều nghi
    Nghi lễ, nghi thức ở triều đình. Cũng chỉ triều đình nói chung.
  121. Trì diên
    Trì hoãn, làm chậm trễ. Cũng nói là diên trì.
  122. Dang ca
    Nói chuyện dông dài (phương ngữ Nam Trung Bộ).
  123. Tỉ
    So sánh, ví dụ, giống như.
  124. Y thửa
    Tuân theo lệnh (từ cổ).
  125. Lai đáo trào trung: Đến triều.
  126. Quảng Nam
    Tên một tỉnh ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, trước đây bao gồm cả thành phố Đà Nẵng, gọi chung là tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Quảng Nam có nghĩa là "mở rộng về phương Nam." Tỉnh Quảng Nam giàu truyền thống, độc đáo về bản sắc văn hóa với những danh tích như thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An...

    Vẻ đẹp Hội An

    Vẻ đẹp Hội An

  127. Nguyễn Duy Hiệu
    Có sách ghi là Nguyễn Hiệu, tục gọi là Hường Hiệu, một chí sĩ và lãnh tụ thuộc phong trào Cần Vương. Ông sinh năm Đinh Mùi (1847) tại làng Thanh Hà, huyện Duyên Phúc (nay là xã Cẩm Hà, thành phố Hội An), tỉnh Quảng Nam. Năm 1885, hưởng ứng chiếu Cần Vương, ông cùng Trần Văn Dư (1839-1885), Phan Bá Phiến (còn gọi là Phan Thanh Phiến, 1839-1887), Nguyễn Tiểu La (tức Nguyễn Hàm, 1863-1911), thành lập Nghĩa hội Quảng Nam, rồi ra bản cáo thị kêu gọi toàn dân trong tỉnh cùng đứng lên đáp nghĩa. Đến năm 1887, cuộc khởi nghĩa thất bại, ông tự trói mình nạp cho giặc để cứu nghĩa quân. Ông bị chém ngày 15/10/1887, hưởng dương 40 tuổi, để lại hai bài thơ tuyệt mệnh bằng chữ Hán. Sau đây là một bài được Huỳnh Thúc Kháng dịch:

    Cần vương Nam Bắc kết tơ đồng
    Cứu giúp đường kia khổ chẳng thông
    Muôn thuở cương thường ai Ngụy Tháo?
    Trăm năm tâm sự có Quan Công
    Non sông phần tự thơ trời định
    Cây cỏ buồn trông thấy đất cùng
    Nhắn bảo nổi chìm ai đó tá?
    Chớ đem thành bại luận anh hùng.

  128. Thanh Hà
    Tên một ngôi làng ở Quảng Nam, nằm ngay bên bờ sông Thu Bồn, cách phố cổ Hội An chừng 3 km về hướng Tây. Làng có nghề làm gốm truyền thống từ đầu thế kỉ 16.

    Gốm Thanh Hà

    Gốm Thanh Hà

  129. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  130. Ba kỳ
    Tức Tam Kỳ, tên gọi chung cho ba vùng đất do thực dân Pháp và triều đình bù nhìn nhà Nguyễn phân chia nước ta vào thế kỉ 19. Ba kỳ gồm có: Bắc Kỳ (Tonkin, từ phía Nam tỉnh Ninh Bình trở ra), Trung Kỳ (Annam, từ phía bắc tỉnh Bình Thuận đến Đèo Ngang) và Nam Kỳ (Cochinchine).

    Bản đồ Việt Nam thời Pháp thuộc

    Bản đồ Việt Nam thời Pháp thuộc

  131. Nguyễn Thân
    (1854 - 1914) Võ quan nhà Nguyễn dưới triều vua Đồng Khánh, là cộng sự đắc lực của thực dân Pháp trong việc đàn áp các cuộc khởi nghĩa trong phong trào Cần Vương.
  132. Mãi quốc
    Bán nước (từ Hán Việt).
  133. Chừng mô
    Chừng nào (phương ngữ Trung Bộ).
  134. Sơn băng thủy kiệt
    Núi lở, sông cạn (thành ngữ Hán Việt). Tiếng Việt ta có thành ngữ tương tự là sông cạn đá mòn, thường dùng để thề nguyền. Ở một số ngữ cảnh, đây được coi là điềm báo đất nước sắp gặp họa lớn, dân chúng phải lầm than khổ sở.
  135. Tức năm 1897.
  136. Chùa Lãng Đông
    Tên một ngôi chùa ở thôn Lãng Đông, nay thuộc địa phận xã Trà Giang, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Chùa được xây dựng vào khoảng cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20. Tại chùa này vào năm 1897 đã nổ ra cuộc khởi nghĩa chống Pháp do trụ trì là thiền sư Thích Thanh Thụ khởi xướng.

    Tam quan chùa Lãng Đông

    Tam quan chùa Lãng Đông

  137. Quyên giáo
    Kêu gọi quyên góp về tiền của và công sức để làm những công việc liên quan đến đạo Phật.
  138. Năng Nhượng
    Tên một xã trước đây thuộc tổng Đồng Xâm, phủ Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, nay thuộc xã Trà Giang, huyện Kiến Xương.
  139. Trực Tầm
    Một xã trước đây thuộc tổng Đồng Xâm, phủ Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, nay thuộc xã Trà Giang, huyện Kiến Xương.
  140. Đồng Xâm
    Một làng nằm ở phía Bắc của huyện Kiến Xương, thuộc xã Hồng Thái, tỉnh Thái Bình. Làng có nghề chạm bạc truyền thống. Hằng năm làng tổ chức lễ hội vào các ngày 1-5 tháng 4 âm lịch.

    Chạm bạc ở Đồng Xâm

    Chạm bạc ở Đồng Xâm

  141. Đắc Chúng
    Tên một làng trước đây thuộc tổng Đồng Xâm, phủ Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, nay thuộc xã Quốc Tuấn, huyện Kiến Xương.
  142. Dục Dương
    Một làng trước đây thuộc tổng Đồng Xâm, phủ Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, nay thuộc xã Trà Giang, huyện Kiến Xương.
  143. Nghĩa sĩ
    Người anh dũng dấn thân vì việc nghĩa.
  144. Thiên binh, thần tướng
    Binh lính (của) trời, tướng (là) thần. Chỉ quân đội mạnh mẽ, anh dũng.
  145. Công sứ
    Chức danh cai trị của người Pháp trong thời kì Pháp thuộc, đứng đầu một tỉnh.
  146. Thái Bình
    Địa danh nay là một tỉnh ven biển ở đồng bằng Bắc Bộ, cách thủ đô Hà Nội khoảng 110 km. Phần đất thuộc tỉnh Thái Bình ngày nay trước đây thuộc về trấn Sơn Nam. Tới năm Thành Thái thứ hai (1890) tỉnh Thái Bình được thành lập. Tỉnh có nhiều khu du lịch và danh lam thắng cảnh nổi tiếng như bãi biển Đồng Châu, cồn Vành, chùa Keo... Các ngành nghề truyền thống như chạm bạc, làm chiếu ở đây cũng khá phát triển. Ngoài ra, Thái Bình còn được mệnh danh là Quê Lúa.

    Bãi biển Đồng Châu

    Bãi biển Đồng Châu

  147. Sa cơ
    Lâm vào tình thế rủi ro, khốn đốn.
  148. Bài vè này nói về cuộc nổi dậy chống Pháp tại chùa Lãng Đông, tỉnh Thái Bình. Tháng 11 âm lịch năm Đinh Dậu (1897), hưởng ứng phong trào Cần Vương, trụ trì chùa là nhà sư Thích Thanh Thụ đã lãnh đạo số binh sĩ lên đến trên 200 người từ các xã Trà Giang, Hồng Thái, Quốc Tuấn thuộc vùng tổng Đồng Xâm, theo bờ sông Trà Lý tiến về thị xã Thái Bình đánh thẳng vào dinh công sứ. Tuy nhiên, do lực lượng quá chênh lệch, cuộc bạo động mau chóng thất bại. Thiền sư cùng 21 nghĩa binh bị giặc Pháp bắt đưa về gò Mống chặt đầu, sau đó thủ cấp bị treo lên để thị chúng.
  149. Bình dân học vụ
    Tên một phong trào do chủ tịch Hồ Chí Minh phát động sau cách mạng tháng Tám để xóa nạn mù chữ (diệt giặc dốt), có sử dụng các câu văn vần mô tả bảng chữ cái cho dễ thuộc: I, tờ (t), có móc cả hai. I ngắn có chấm, tờ dài có ngang

    Từ "i tờ" về sau chỉ trình độ học vấn vỡ lòng.

    Bình dân học vụ

    Bình dân học vụ

  150. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
    Tên một nhà nước được Hồ Chí Minh tuyên bố thành lập năm 1945, tồn tại cho đến sau 1976 thì sáp nhập với nhà nước Cộng hòa miền Nam Việt Nam thành nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam hiện nay. Xem thêm.

    Hồ Chí Minh tuyên bố thành lập Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

    Hồ Chí Minh tuyên bố thành lập Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

  151. Anh hào
    Anh hùng hào kiệt, người có tài năng, chí khí. Hội anh hào là dịp để anh hào gặp và thi thố lẫn nhau để lập nên những công trạng hiển hách.

    Đường đường một đấng anh hào,
    Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài.

    (Truyện Kiều)

  152. Sơn hà
    Núi sông (từ Hán Việt). Từ cũ, nghĩa rộng dùng để chỉ đất nước.

    Nam quốc sơn hà Nam Đế cư
    Tiệt nhiên phận định tại thiên thư
    Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
    Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư

    (Lý Thường Kiệt)

    Dịch thơ:

    Sông núi nước Nam vua Nam ở
    Rành rành định phận tại sách trời
    Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
    Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.

  153. Chiêu binh mãi mã
    Chiêu mộ binh lính và mua ngựa chiến (để chuẩn bị cho chiến tranh). Hiểu rộng ra là tập hợp lực lượng, vây cánh.
  154. Dung
    Biết là việc xấu, sai nhưng vẫn để tồn tại.
  155. Lâu la
    Từ chữ Hán 嘍囉, chỉ quân lính, tay chân của giặc cướp.
  156. Trào đàng
    Triều đình (cách nói cũ của Trung và Nam Bộ).

    Trạng nguyên tâu trước trào đàng,
    Thái sư trữ dưỡng tôi gian trong nhà.

    (Lục Vân Tiên - Nguyễn Đình Chiểu)

  157. Bá quan
    Từ chữ Hán Việt 百 (trăm), và quan 官 (quan lại), chỉ tất cả các quan lại trong triều đình. Cũng nói là bá quan văn võ.
  158. Ngự sử
    Tên chung của một số chức quan có nhiệm vụ giám sát từ cấp cao nhất (vua) đến các cấp quan lại.
  159. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  160. Phú hào
    Những người giàu và có thế lực ở nông thôn thời phong kiến (từ Hán Việt).
  161. Ngờ (phương ngữ Nam Bộ).
  162. Binh nhung
    Binh 兵 (binh lính) và nhung 戎 (vũ khí, binh lính). Chỉ binh khí, quân đội, hoặc hiểu rộng ra là việc quân.
  163. Nam hoàng
    Vua nước Nam.
  164. Bảo Đại
    (1913-1997) Hoàng đế thứ mười ba và cuối cùng của triều Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng ở nước ta, đồng thời cũng là quốc trưởng đầu tiên của Đế quốc Việt Nam (3/1945) và Quốc gia Việt Nam (7/1949). Ông sinh tại Huế, là con vua Khải Định, có tên huý là Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy. Ông có một câu nói nổi tiếng khi chính thức thoái vị và trao ấn tín, quốc bảo của hoàng triều cho cách mạng vào ngày 23 tháng 8 năm 1945: Trẫm muốn được làm Dân một nước tự do, hơn làm Vua một nước bị trị. Cuối đời ông sống lưu vong tại Pháp và qua đời trong lặng lẽ vào ngày 31 tháng 7 năm 1997, thọ 85 tuổi.

    Vua Bảo Đại

    Vua Bảo Đại

  165. Le Mur
    Pháp âm là "lơ-muya," một kiểu áo dài cách tân do họa sĩ Cát Tường (nghệ danh là Le Mur Cát Tường) tung ra vào những năm 1930. Áo Le Mur lấy cảm hứng từ chiếc váy của phương Tây với nối vai, tay phồng, cổ lá sen..., đặc biệt những màu thâm, nâu, đen của áo dài truyền thống được thay bằng màu sắc sặc sỡ, tương sáng mặc kết hợp với quần trắng. Sau khi thịnh hành một vài năm, đến năm 1934, họa sĩ Lê Phổ cải tiến kiểu áo theo cách dung hòa giữa váy phương Tây với áo tứ thân truyền thống (gọi là áo "Lê Phổ"), áo Le Mur bớt phổ biến dần.

    Đám cưới họa sĩ Cát Tường, Bắc Ninh 1936. Chú rể đứng phía trái, đang giang hai tay. Cô dâu Nguyễn Thị Nội mặc áo trắng, đi bên cạnh phù dâu, đều mặc áo Le Mur.

    Đám cưới họa sĩ Cát Tường, Bắc Ninh 1936. Chú rể đứng phía trái, đang giang hai tay. Cô dâu Nguyễn Thị Nội mặc áo trắng, đi bên cạnh phù dâu, đều mặc áo Le Mur.

  166. Bóp phơi
    Cũng đọc trại thành bóp (bót) tơ phơi, từ chữ tiếng Pháp portefeuille, nghĩa là cái ví tiền. Đây cũng là gốc của từ "bóp," được dùng nhiều ở miền Nam.
  167. Ô cánh dơi
    Ô (dù) hình khum, những múi ô khi mở ra trông giống cánh con dơi căng ra, xưa kia nam giới thường dùng.
  168. Hồi đó, ngay tại thủ đô Huế, nơi có triều đình Việt Nam và Toà Khâm Sứ Pháp, một số các cô tân thời hay mặc "mốt" áo Le Mur. Dân Huế do đó mà có bài vè này.
  169. Lính mộ
    Lính được chiêu mộ. Từ này thường dùng để chỉ những người bị thực dân Pháp gọi (mộ) đi lính trước đây.

    Lính khố đỏ.

    Lính khố đỏ.

  170. Phên
    Đồ đan bằng tre, nứa, cứng và dày, dùng để che chắn. Một số vùng ở Bắc Trung Bộ gọi là phên thưng, bức thưng.

    Tấm phên

    Tấm phên

  171. Mần răng
    Làm sao (phương ngữ Trung Bộ).
  172. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  173. Vạn tử nhất sinh
    Vạn phần chết, một phần sống (thành ngữ Hán Việt).
  174. Bể
    Biển (từ cũ).
  175. Đội
    Một chức vụ trong quân đội thời thực dân Pháp, tương đương với tiểu đội trưởng hiện nay (Đội Cung, Đội Cấn...).
  176. Quy tế
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Quy tế, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  177. Diên
    Tiệc rượu (từ Hán Việt).
  178. Tức 30/8/1917 dương lịch, ngày nổ ra cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên do đội Cấn chỉ huy.
  179. Can qua
    Can 干 chữ Hán nghĩa là cái mộc để đỡ. Qua 戈 là cây mác, một loại binh khí ngày xưa. Can qua chỉ việc chiến tranh.
  180. Thái Nguyên
    Một tỉnh ở miền Bắc nước ta, nổi tiếng với nghề trồng và chế biến chè (trà).

    Đồi chè Thái Nguyên

    Đồi chè Thái Nguyên

  181. Lính tập
    Một lực lượng vũ trang của chính quyền thuộc địa Pháp ở Đông Dương, theo chính sách dùng người bản xứ làm quân đội chính quy trong việc đánh dẹp. Lính tập gồm lính khố đỏ, lính khố xanh, lính khố vàng, lính khố lục, những tên gọi xuất phát từ màu dải thắt lưng họ quấn quanh quân phục.

    Lính tập (Tập binh 習兵)

    Lính tập (Tập binh 習兵)

  182. Có bản chép: Rủ nhau.
  183. Đội Cấn
    Tên thật là Trịnh Văn Cấn (1881 - 1918), người làng Yên Nhiên, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên, nay thuộc xã Vũ Di, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Ông còn có tên khác là Trịnh Văn Đạt, là viên đội lính khố xanh trong cơ binh Pháp ở Thái Nguyên. Ông cùng Lương Ngọc Quyến - một chí sĩ yêu nước bị giam tại nhà tù ở Thái Nguyên - lãnh đạo binh lính người Việt đứng lên chống Pháp vào đêm 30/8/1917. Từ đó đến ngày 5/9, các cuộc tấn công của địch liên tiếp nổ ra. Do không chống nổi lực lượng của địch, nghĩa quân phải rút lui. Ngày 10/1/1918, trong trận chiến đấu với quân Pháp tại núi Pháo, Đội Cấn bị thương nặng và tự sát.

    Di ảnh Đội Cấn

    Di ảnh Đội Cấn

  184. Cai
    Từ gọi tắt của cai vệ, chức danh chỉ huy một tốp lính dưới thời thực dân Pháp.

    Lính lệ

    Lính lệ

  185. Theo lệnh của Đội Cấn, Đội Trường đã tiêu diệt Giám binh Noen, Ba Chén giết tên Phó quản Lạp và 7-8 binh sĩ chống đối.
  186. Nhà pha
    Nhà tù (từ cũ). Có ý kiến cho rằng từ này có gốc từ tiếng Pháp bagne, nghĩa là giam cầm.
  187. Thị thường
    Xem thường.
  188. Tài bồi
    Vun đắp, vun trồng (từ Hán Việt).
  189. Nam bang
    Bờ cõi nước Nam.
  190. Nghĩa quân sử dụng quân kì màu vàng đề bốn chữ "Nam binh phục quốc."
  191. Tự Đức
    (1829 – 1883) Vị hoàng đế thứ tư của nhà Nguyễn, vương triều cuối cùng trong lịch sử phong kiến nước ta. Thời gian ông ở ngôi đánh dấu nhiều sự kiện trong lịch sử nước ta, trong đó quan trọng nhất là tháng 8/1858, quân Pháp nổ phát súng đầu tiên tấn công Đà Nẵng, mở đầu cho thời kì thống trị của người Pháp ở Việt Nam.

    Vua Tự Đức

    Vua Tự Đức

  192. Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về , hãy đóng góp cho chúng tôi.
  193. Mần
    Làm (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Như mần ăn, mần việc, đi mần...
  194. Răng
    Sao (phương ngữ Trung Bộ).
  195. Con tạo
    Từ chữ hóa nhi, một cách người xưa gọi tạo hóa với ý trách móc, cho rằng tạo hóa như đứa trẻ nghịch ngợm, hay bày ra cho người đời những chuyện oái ăm, bất thường.
  196. Phong trào Duy tân
    Cuộc vận động cải cách công khai ở miền Trung Việt Nam, kéo dài từ 1906 đến 1908 do Phan Chu Trinh phát động.

    Phong trào Duy tân (duy tân: theo cái mới) chủ trương bất bạo động, mở mang dân trí, đổi mới giáo dục, văn hóa và kinh tế để tạo nên thế tự lực tự cường cho người Việt - lúc bấy giờ ở dưới nền thống trị thuộc địa của Pháp. Phong trào mang khẩu hiệu: "Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh".

    Cùng thời và cùng theo tư tưởng cải cách còn có Duy tân hội (1904-1912) của Phan Bội Châu, do hoạt động bí mật nên được gọi là Ám xã (Hội trong bóng tối). Phong trào Duy tân hoạt động công khai, được gọi là Minh xã (Hội ngoài ánh sáng).

    Một trong những đỉnh cao của phong trào Duy tân là Đông Kinh nghĩa thục (3/1907 - 11/1907).

    Phan Châu Trinh

    Phan Châu Trinh

  197. Thân sĩ
    Thân nghĩa là đai áo chầu. Thân sĩ là từ chỉ các quan đã về hưu.
  198. Ái quốc
    Yêu nước (từ Hán Việt).
  199. Phong trào chống sưu thuế Trung Kỳ
    Còn gọi là Trung kỳ dân biến, khởi phát bằng cuộc đấu tranh chống sưu thuế của nhân dân Quảng Nam vào đầu tháng 3 năm 1908, kéo dài hơn một tháng và lan ra các tỉnh lân cận như Quảng Ngãi, Bình Định, Thừa Thiên, Phú Yên, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Do nhiều người lãnh đạo chủ chốt trong phong trào này cũng tham gia phong trào Duy Tân nên chính quyền thực dân thẳng tay đàn áp cả hai. Đến cuối tháng 5 năm 1908, cả hai phong trào đều kết thúc.

    Xem bài Vè xin xâu liên quan đến phong trào này.

  200. Chỉ vụ Hà thành đầu độc năm 1908.
  201. Tội nguyên
    Người đứng đầu chịu tội.
  202. Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về , hãy đóng góp cho chúng tôi.
  203. Bình Định
    Tên một tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Đây là mảnh đất có bề dày lịch sử với nền văn hoá Sa Huỳnh, từng là cố đô của vương quốc Chămpa, đồng thời là quê hương của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ. Bình Định cũng là nơi có nghệ thuật tuồng rất phát triển, gắn liền với tên tuổi của Đào Duy Từ. Những món đặc sản của vùng đất này gồm có rượu Bàu Đá, bánh tráng nước dừa, bánh ít lá gai...

    Bình Định

    Bình Định

  204. Truông Mây
    Một địa danh của tỉnh Bình Định, ngày nay thuộc địa phận xóm Ba, thôn Phú Thuận, xã Ân Đức, huyện Hoài Ân. Đây là nơi đã nổ ra cuộc khởi nghĩa nông dân chống nhà Nguyễn vào giữa thế kỉ 18 do chàng Lía khởi xướng. Có tên gọi như vậy vì nơi đây trước kia là một cái truông có nhiều mây rừng mọc dày.