Ca dao Mẹ

  • Vè đi phu Cửa Rào

    Từ ngày có mặt thằng Tây
    Phu phen tạp dịch hàng ngày khốn thân!
    Tai vạ trửa dân
    Hắn mần đã nghiệt:
    Khắp nơi ráo riết
    Giở sổ đếm người
    Kể chi lão phụ con trai
    Người đi phu cũng tội
    Kẻ ở nhà cũng tội
    Vua quan bối rối
    Họ đập đánh lút đầu:
    – Phu phải đi cho mau
    Việc quan cần cho kịp!
    Một ngày phải kíp
    Để kiểm phu chợ Lường
    Kẻ có vợ, vợ thương
    Theo lên đưa đón
    Tay xách cái nón
    Vai mang cái bù,
    Phải một lớp phu
    Tai trời ách nước
    Vợ về chồng ngược
    Đã cực lắm thay
    Kẻ bắt giữa ruộng cày
    Người không cho sắm sửa
    Chồng trốn, bắt vợ
    Con yếu, cha đi
    Tiếng khóc như ri
    Nông nỗi nước ni
    Ruộng cày bỏ trắng!
    Mẹ già lòng nặng,
    Nằm đêm nghĩ lại thương con
    Phải trèo núi lặn non
    Giữa chân sim bóng đá
    Thấy những đá với gỗ
    Chộ thấy săng lẻ với kiền kiền
    Con chim hót, vượn rên
    Con hùm kêu, mang toác
    Phu đi lớp trước
    Đến Khe Vẽ, Con Cuông
    Chộ phụ lão mà thương
    Đi đường xa chịu nắng
    Đi đường dài say nắng
    Phu đi lẳng lặng
    Một tháng trời tròn
    Có vàng ăn cũng nỏ biết ngon!

  • Bình luận

Cùng thể loại:

  • Vè ông Hường Hiệu

    Kể từ lịch sử nước Nam triều,
    Thương cho mấy người tài năng học sĩ chết đã nhiều vì Tây qua
    Quảng Nam có ông Hường Hiệu ở Thanh Hà,
    Trung thành với nước nên xa chốn triều thần
    Về nhà sầu thảm với nhân dân,
    Lâm vô tử trận chín mười phần còn chi
    Tụi Tây qua đã tới Trung Kỳ,
    Đế đô co kéo còn gì nước Nam
    Giận thay cho chú Cần Thân,
    Cầu tham lam mãi quốc biết ăn làm với ai
    Nước Nam mình thiếu chi kẻ anh tài,
    Văn chương đủ hết không dùi mài cho nên
    Để cho nhà dột khó ngăn,
    Thơ ông Hường để lại dưới đền đinh ninh
    Thương thay cho cộng sản hữu tình,
    Trung thành với Tổ quốc liều mình cho nên khô
    Nghĩ sự tình thảm biết chừng mô,
    Kẻ thì bị đày ra bỏ vợ, người bị giải vô bỏ chồng
    Thù xưa còn hỡi ghi lòng,
    Gang sơn Tổ quốc khi không mà thành
    Giậm chân kêu với ông trời xanh,
    Nhân dân xuất thế giặc Nam thành cũng tan
    Đánh Anh, Tây, Nhật đầu hàng,
    Sơn băng thuỷ kiệt mở mang cho nước nhà.

  • Giữa năm Đinh Dậu mới rồi

    Giữa năm Đinh Dậu mới rồi
    Sư ông chùa Lãng là người đảm đang
    Viết tờ quyên giáo các làng
    Lãng Đông, Năng Nhượng chuyển sang Trực Tầm
    Chiều hôm còn ở Đồng Xâm
    Rạng mai Đắc Chúng, tối tầm Dục Dương
    Cùng với nghĩa sĩ bốn phương
    Phất cờ thần tướng mở đường thiên binh
    Phá dinh công sứ Thái Bình
    Sa cơ ông đã bỏ mình vì dân.

  • Thơ thằng Lía

    Ngàn năm dưới bóng thái dương,
    Biết bao là sự lạ thường đáng ghi,
    Noi nghề hàng mặc bấy nay,
    Một pho dị sự vắn dài chép ra.
    Trước là giải muộn ngâm nga,
    Sau nêu gương nọ đặng mà soi chung.
    Xưa kia có một phú ông,
    Vợ chồng chuyên một nghề nông nuôi mình,
    Bấy lâu loan phụng hòa minh,
    Xóm làng kiêng nể tánh tình thiện lương.
    Tuy là sành sỏi ruộng nương,
    Ông bà xấu số gặp đường chẳng may,
    Thuở trước cũng chẳng thua ai,
    Tiền dư bạc sẵn tháng ngày thung dung,
    Ruộng vườn khai khẩn khắp cùng,
    Thôn lân đều thảy có lòng bợ nâng.
    Đến nay nhằm buổi lao lung,
    Ruộng nương thất phát vô cùng thảm thương,
    Tháng ngày khổ hại trăm đường,
    Bảy năm chịu sự tai ương nguy nàn,
    Bấm gan cam chịu gian nan,
    Vợ chồng đau đớn đoạn tràng thiết tha.
    Lần hồi ngày lụn tháng qua,
    Nghèo nàn túng tíu gẫm đà thói quen,
    Thét rồi cũng chẳng than phiền,
    Cắn răng mà chịu đảo điên qua hồi.
    Lão mụ tuổi đã lớn rồi,
    Vợ bốn mươi chẵn chồng thời bốn ba,
    Đêm ngày lo tính gần xa,
    Chẳng con kế tự thật là đáng lo,
    Choanh ngoảnh chồng vợ đơn cô,
    Tuổi già sức yếu biết nhờ cậy ai?

  • Vè bình dân học vụ

    Lẳng lặng mà nghe
    Cài vè học vụ
    Đồng bào mù chữ
    Ở khắp mọi nơi
    Chiếm chín phần mười
    Toàn dân đất Việt
    Muôn bề chịu thiệt
    Chịu đui, chịu điếc
    Đời sống vùi dập
    Trong vòng nô lệ
    Hơi đâu mà kể
    Những sự đã qua
    Chính phủ Cộng hòa
    Ngày nay khác hẳn
    Đêm ngày lo lắng
    Đến việc học hành
    Mấy triệu dân lành
    Còn đương tăm tối
    Bị đời hất hủi
    Khổ nhục đáng thương
    Ngơ ngác trên đường
    Như mù không thấy
    Những điều như vậy
    Không thể bỏ qua

  • Vè chàng Lía

    Lía ta nổi tiếng anh hào
    Sơn hà một góc thiếu nào người hay
    Bạc tiền thừa đủ một hai
    Chiêu binh mãi mã càng ngày càng đông
    Làm cho bốn biển anh hùng
    Mến danh đều tới phục tùng chân tay.
    Kẻ nào tàn ác lâu nay
    Lía sai cướp của đoạt tài chẳng dung
    Nhà giàu mấy tỉnh trong vùng
    Thảy đều kinh sợ vô cùng lo toan
    Nhất nhì những bực nhà quan
    Nghe chàng Lía doạ kinh hoàng như điên
    Nhà nào nhiều bạc dư tiền
    Mà vô ân đức, Lía bèn đoạt thâu.
    Tuy chàng ở chốn non đầu
    Nhưng mà lương thực vật nào lại không
    Lâu la ngày một tụ đông
    Vỡ rừng làm rẫy, vun trồng bắp khoai
    Mọi người trên dưới trong ngoài
    Thảy đều no đủ sớm trưa an nhàn
    Tiếng tăm về đến trào đàng
    Làm cho văn võ bàng hoàng chẳng an.
    Nam triều chúa ngự ngai vàng
    Bá quan chầu chực hai hàng tung hô
    Có quan ngự sử bày phô
    Tâu lên vua rõ lai do sự tình
    Đem việc chàng Lía chiêu binh
    Trình lên cặn kẽ phân minh mọi đàng
    Nào khi Lía phá xóm làng
    Đến khi lên núi dọc ngang thế nào
    Kể tên những bậc phú hào
    Từng bị quân Lía đoạt thâu gia tài
    Vua ngồi nghe rõ một hai,
    Đập bàn, vỗ án giận rày thét la:
    – Dè đâu có đứa gian tà
    Giết người, đoạt của thiệt là khó dung
    Truyền cho mười vạn binh hùng
    Dưới cờ đại tướng binh nhung lên đàng
    Đại quân vâng lệnh Nam hoàng
    Hành quân tức khắc thẳng đàng ruổi dong
    Gập ghềnh bao quản núi non
    Dậy trời sát khí quân bon lên rừng.

  • Vè phu làm đường lên Tam Đảo

    Tôi có nhời thăm u cùng bá
    Ở trên này khổ quá u ơi
    Khi nào thong thả mát giời
    Mời u quá bộ lên chơi vài ngày
    Làm kíp chả được tiền ngay
    Phải ăn gạo ngữ của thầy cai Sơn
    Một đồng mười sáu bơ đơn
    Đong đi đong lại chỉ còn mười lăm
    Thầy cai cứ đứng chăm chăm
    Hễ ai hút thuốc lại nhằm cắt công
    Trời mưa có thấu hay không
    Quanh năm chẳng có một đồng thừa ra
    Lấy gì đồng bánh, đồng quà
    Lấy gì mà gửi về nhà nuôi con
    Mười năm làm ở đỉnh non
    Ở nhà cha mẹ vợ con mất nhờ
    Thân tôi khổ đến bao giờ?

  • Vè ở mướn

    Nghe vẻ nghe ve
    Nghe vè ở mướn
    Muốn cho sung sướng
    Sanh tật quáng gà
    Đi thì đầu ngả tới ngả lui
    Thân tôi ăn cơm muối mặn
    Ăn rồi uống hai tô chẵn chọt
    Đầu đội nón chút
    Vai vác cuốc cùn
    Mần giùm mong cho mau tối
    Tối về ăn ba hột cơm
    Đầu hôm còn lao xao
    Khuya lại vắng hoe
    Chủ kêu làm bộ không nghe
    Ngủ thêm chút nữa

Có cùng từ khóa:

Chú thích

  1. Dân phu
    Người dân lao động phải làm những công việc nặng nhọc trong chế độ cũ (phu xe, phu mỏ, phu đồn điền).
  2. Tạp dịch
    Những việc lặt vặt (từ Hán Việt).
  3. Trửa
    Giữa (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  4. Mần
    Làm (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Như mần ăn, mần việc, đi mần...
  5. Nghiệt
    Ác nghiệt, nghiệt ngã.
  6. Kíp
    Gấp, vội. Từ này có nguồn gốc từ chữ Hán Việt cấp.
  7. Chợ Lường
    Tên dân gian của chợ Đô Lương, một ngôi chợ nay thuộc địa phận huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Thời Pháp thuộc, chợ là địa điểm tập trung dân phu để đi làm đường. Đến bây giờ, chợ Lường vẫn được coi như là biểu tượng của cảnh bán buôn sầm uất, tấp nập trong vùng.
  8. Cái bù
    Cái bầu (phương ngữ Nghệ An).
  9. Chim ri
    Một loài chim như chim sẻ, ăn thóc gạo và các loại hạt. Văn học thường dùng các thành ngữ "khóc như ri," "nổi như ri..."

    Chim ri

    Chim ri

  10. Ni
    Này, nay (phương ngữ miền Trung).
  11. Chân sim bóng đá
    Cũng nói là chân sim bóng núi, gốc của cây sim và chỗ khuất nắng của vách đá (vách núi), những chỗ trú chân tạm thời của những người bươn chải nơi rừng núi.
  12. Chộ
    Thấy (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  13. Săng lẻ
    Còn có tên là bằng lăng, một loại cây cho gỗ dùng làm nhà, đóng thuyền.

    Rừng săng lẻ

    Rừng săng lẻ

  14. Kiền kiền
    Còn gọi là tử mộc, mộc vương, một loại cây có nhiều ở các vùng đồi núi Trung Bộ và Tây Nguyên, chất gỗ cứng bền, lâu hỏng, xưa được dùng làm áo quan chôn sâu dưới đất hàng trăm năm không hư. Kiền kiền có ba loại: cây thớ trắng gọi là tử, thớ đỏ gọi là thu, thớ vàng gọi là . Lá cây kiền kiền dùng làm thuốc trị các chứng bệnh lở loét.

    Cây kiền kiền được chạm khắc trên Anh đỉnh (một trong Cửu đỉnh)

    Cây kiền kiền được chạm khắc trên Anh đỉnh (một trong Cửu đỉnh)

  15. Mang
    Cũng gọi là con mễn hay con mển, một loại hươu nai gặp trong những cánh rừng nhiệt đới và cận nhiệt đới.

    Con mang

    Con mang

  16. Tác
    Tiếng kêu của giống nai, mang.
  17. Khe Vẽ
    Địa danh nay thuộc xã Yên Na, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An.
  18. Con Cuông
    Huyện vùng cao ở phía tây tỉnh Nghệ An, có diện tích rừng bao phủ rộng với nhiều loài thực vật quý hiếm, được UNESCO đưa vào danh sách các địa danh thuộc Khu dự trữ sinh quyển miền tây Nghệ An. Nơi đây có vườn quốc gia Pù Mát, khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống.

    Một góc vườn quốc gia Pù Mát

    Một góc vườn quốc gia Pù Mát

  19. Phụ lão
    Người già (từ Hán Việt).
  20. Nỏ
    Không, chẳng (phương ngữ Trung Bộ).
  21. Cửa Rào
    Địa danh thuộc xã Xá Lượng, huyện Tương Dương, phía tây tỉnh Nghệ An, nơi khởi nguồn của sông Lam, hợp lưu của hai sông Nậm Nơn và Nậm Mộ bắt nguồn từ Lào. Cửa Rào là vùng lòng chảo nằm trong trung tâm của hướng gió phơn Tây Nam, nên có khí hậu được cho là nóng nhất nước ta. Nơi đây, vào những năm cuối thế kỉ 19, thực dân Pháp bắt dân đi phu làm con đường số 7, là con đường từ ngã ba Diễn Châu đến Đô Lương rồi dọc theo sông Cả đến tận biên giới Việt - Lào.

    Đầu nguồn sông Lam

    Đầu nguồn sông Lam

  22. Quảng Nam
    Tên một tỉnh ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, trước đây bao gồm cả thành phố Đà Nẵng, gọi chung là tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Quảng Nam có nghĩa là "mở rộng về phương Nam." Tỉnh Quảng Nam giàu truyền thống, độc đáo về bản sắc văn hóa với những danh tích như thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An...

    Vẻ đẹp Hội An

    Vẻ đẹp Hội An

  23. Nguyễn Duy Hiệu
    Có sách ghi là Nguyễn Hiệu, tục gọi là Hường Hiệu, một chí sĩ và lãnh tụ thuộc phong trào Cần Vương. Ông sinh năm Đinh Mùi (1847) tại làng Thanh Hà, huyện Duyên Phúc (nay là xã Cẩm Hà, thành phố Hội An), tỉnh Quảng Nam. Năm 1885, hưởng ứng chiếu Cần Vương, ông cùng Trần Văn Dư (1839-1885), Phan Bá Phiến (còn gọi là Phan Thanh Phiến, 1839-1887), Nguyễn Tiểu La (tức Nguyễn Hàm, 1863-1911), thành lập Nghĩa hội Quảng Nam, rồi ra bản cáo thị kêu gọi toàn dân trong tỉnh cùng đứng lên đáp nghĩa. Đến năm 1887, cuộc khởi nghĩa thất bại, ông tự trói mình nạp cho giặc để cứu nghĩa quân. Ông bị chém ngày 15/10/1887, hưởng dương 40 tuổi, để lại hai bài thơ tuyệt mệnh bằng chữ Hán. Sau đây là một bài được Huỳnh Thúc Kháng dịch:

    Cần vương Nam Bắc kết tơ đồng
    Cứu giúp đường kia khổ chẳng thông
    Muôn thuở cương thường ai Ngụy Tháo?
    Trăm năm tâm sự có Quan Công
    Non sông phần tự thơ trời định
    Cây cỏ buồn trông thấy đất cùng
    Nhắn bảo nổi chìm ai đó tá?
    Chớ đem thành bại luận anh hùng.

  24. Thanh Hà
    Tên một ngôi làng ở Quảng Nam, nằm ngay bên bờ sông Thu Bồn, cách phố cổ Hội An chừng 3 km về hướng Tây. Làng có nghề làm gốm truyền thống từ đầu thế kỉ 16.

    Gốm Thanh Hà

    Gốm Thanh Hà

  25. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  26. Ba kỳ
    Tức Tam Kỳ, tên gọi chung cho ba vùng đất do thực dân Pháp và triều đình bù nhìn nhà Nguyễn phân chia nước ta vào thế kỉ 19. Ba kỳ gồm có: Bắc Kỳ (Tonkin, từ phía Nam tỉnh Ninh Bình trở ra), Trung Kỳ (Annam, từ phía bắc tỉnh Bình Thuận đến Đèo Ngang) và Nam Kỳ (Cochinchine).

    Bản đồ Việt Nam thời Pháp thuộc

    Bản đồ Việt Nam thời Pháp thuộc

  27. Nguyễn Thân
    (1854 - 1914) Võ quan nhà Nguyễn dưới triều vua Đồng Khánh, là cộng sự đắc lực của thực dân Pháp trong việc đàn áp các cuộc khởi nghĩa trong phong trào Cần Vương.
  28. Mãi quốc
    Bán nước (từ Hán Việt).
  29. Chừng mô
    Chừng nào (phương ngữ Trung Bộ).
  30. Sơn băng thủy kiệt
    Núi lở, sông cạn (thành ngữ Hán Việt). Tiếng Việt ta có thành ngữ tương tự là sông cạn đá mòn, thường dùng để thề nguyền. Ở một số ngữ cảnh, đây được coi là điềm báo đất nước sắp gặp họa lớn, dân chúng phải lầm than khổ sở.
  31. Tức năm 1897.
  32. Chùa Lãng Đông
    Tên một ngôi chùa ở thôn Lãng Đông, nay thuộc địa phận xã Trà Giang, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Chùa được xây dựng vào khoảng cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20. Tại chùa này vào năm 1897 đã nổ ra cuộc khởi nghĩa chống Pháp do trụ trì là thiền sư Thích Thanh Thụ khởi xướng.

    Tam quan chùa Lãng Đông

    Tam quan chùa Lãng Đông

  33. Quyên giáo
    Kêu gọi quyên góp về tiền của và công sức để làm những công việc liên quan đến đạo Phật.
  34. Năng Nhượng
    Tên một xã trước đây thuộc tổng Đồng Xâm, phủ Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, nay thuộc xã Trà Giang, huyện Kiến Xương.
  35. Trực Tầm
    Một xã trước đây thuộc tổng Đồng Xâm, phủ Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, nay thuộc xã Trà Giang, huyện Kiến Xương.
  36. Đồng Xâm
    Một làng nằm ở phía Bắc của huyện Kiến Xương, thuộc xã Hồng Thái, tỉnh Thái Bình. Làng có nghề chạm bạc truyền thống. Hằng năm làng tổ chức lễ hội vào các ngày 1-5 tháng 4 âm lịch.

    Chạm bạc ở Đồng Xâm

    Chạm bạc ở Đồng Xâm

  37. Đắc Chúng
    Tên một làng trước đây thuộc tổng Đồng Xâm, phủ Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, nay thuộc xã Quốc Tuấn, huyện Kiến Xương.
  38. Dục Dương
    Một làng trước đây thuộc tổng Đồng Xâm, phủ Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, nay thuộc xã Trà Giang, huyện Kiến Xương.
  39. Nghĩa sĩ
    Người anh dũng dấn thân vì việc nghĩa.
  40. Thiên binh, thần tướng
    Binh lính (của) trời, tướng (là) thần. Chỉ quân đội mạnh mẽ, anh dũng.
  41. Công sứ
    Chức danh cai trị của người Pháp trong thời kì Pháp thuộc, đứng đầu một tỉnh.
  42. Thái Bình
    Địa danh nay là một tỉnh ven biển ở đồng bằng Bắc Bộ, cách thủ đô Hà Nội khoảng 110 km. Phần đất thuộc tỉnh Thái Bình ngày nay trước đây thuộc về trấn Sơn Nam. Tới năm Thành Thái thứ hai (1890) tỉnh Thái Bình được thành lập. Tỉnh có nhiều khu du lịch và danh lam thắng cảnh nổi tiếng như bãi biển Đồng Châu, cồn Vành, chùa Keo... Các ngành nghề truyền thống như chạm bạc, làm chiếu ở đây cũng khá phát triển. Ngoài ra, Thái Bình còn được mệnh danh là Quê Lúa.

    Bãi biển Đồng Châu

    Bãi biển Đồng Châu

  43. Sa cơ
    Lâm vào tình thế rủi ro, khốn đốn.
  44. Bài vè này nói về cuộc nổi dậy chống Pháp tại chùa Lãng Đông, tỉnh Thái Bình. Tháng 11 âm lịch năm Đinh Dậu (1897), hưởng ứng phong trào Cần Vương, trụ trì chùa là nhà sư Thích Thanh Thụ đã lãnh đạo số binh sĩ lên đến trên 200 người từ các xã Trà Giang, Hồng Thái, Quốc Tuấn thuộc vùng tổng Đồng Xâm, theo bờ sông Trà Lý tiến về thị xã Thái Bình đánh thẳng vào dinh công sứ. Tuy nhiên, do lực lượng quá chênh lệch, cuộc bạo động mau chóng thất bại. Thiền sư cùng 21 nghĩa binh bị giặc Pháp bắt đưa về gò Mống chặt đầu, sau đó thủ cấp bị treo lên để thị chúng.
  45. Dị sự
    Chuyện lạ thường (từ Hán Việt).
  46. Vắn
    Ngắn (từ cổ).

    Tự biệt nhiều lời so vắn giấy
    Tương tư nặng gánh chứa đầy thuyền

    (Bỏ vợ lẽ cảm tác - Nguyễn Công Trứ)

  47. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  48. Loan phụng hòa minh
    Chim loan, chim phượng cùng hót. Chỉ vợ chồng hòa thuận, thương yêu nhau.
  49. Thung dung
    Thong dong.
  50. Thôn lân
    Làng xóm láng giềng (từ Hán Việt).
  51. Lao lung
    Khổ cực (từ cổ).
  52. Thất phát
    Cũng như thất bát – mất mùa.
  53. Nàn
    Nạn (từ cũ).
  54. Đoạn trường
    Đau đớn như đứt từng khúc ruột (đoạn: chặt đứt, trường: ruột). Theo Sưu thần kí, có người bắt được hai con vượn con, thường đem ra hiên đùa giỡn. Vượn mẹ ngày nào cũng đến ở trên cây gần đầu nhà, kêu thảm thiết. Ít lâu sau thì vượn mẹ chết, xác rơi xuống gốc cây. Người ta đem mổ thì thấy ruột đứt thành từng đoạn.
  55. Túng tíu
    Túng thiếu (từ cũ).
  56. Thét
    Chịu đựng lâu thành quen (phương ngữ).
  57. Kế tự
    Nối dõi (từ Hán Việt).
  58. Bình dân học vụ
    Tên một phong trào do chủ tịch Hồ Chí Minh phát động sau cách mạng tháng Tám để xóa nạn mù chữ (diệt giặc dốt), có sử dụng các câu văn vần mô tả bảng chữ cái cho dễ thuộc: I, tờ (t), có móc cả hai. I ngắn có chấm, tờ dài có ngang

    Từ "i tờ" về sau chỉ trình độ học vấn vỡ lòng.

    Bình dân học vụ

    Bình dân học vụ

  59. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
    Tên một nhà nước được Hồ Chí Minh tuyên bố thành lập năm 1945, tồn tại cho đến sau 1976 thì sáp nhập với nhà nước Cộng hòa miền Nam Việt Nam thành nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam hiện nay. Xem thêm.

    Hồ Chí Minh tuyên bố thành lập Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

    Hồ Chí Minh tuyên bố thành lập Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

  60. Lía
    Dân gian còn gọi là chàng Lía, chú Lía, người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa nông dân chống ách thống trị của nhà Nguyễn vào thế kỉ 18 nổ ra tại Truông Mây, Bình Định. Có giả thuyết cho rằng ông tên thật là Võ Văn Doan, quê nội huyện Phù Ly (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định ngày nay), quê ngoại làng Phú Lạc, tổng Thời Hòa, huyện Tuy Viễn (nay là huyện Tây Sơn). Lía tập hợp dân nghèo nổi dậy, chọn Truông Mây (Hoài Ân, Bình Định) làm căn cứ, lấy của người giàu chia cho người nghèo. Tương truyền sau khi cuộc khởi nghĩa thất bại, ông uất ức bỏ lên núi và tự sát.
  61. Anh hào
    Anh hùng hào kiệt, người có tài năng, chí khí. Hội anh hào là dịp để anh hào gặp và thi thố lẫn nhau để lập nên những công trạng hiển hách.

    Đường đường một đấng anh hào,
    Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài.

    (Truyện Kiều)

  62. Sơn hà
    Núi sông (từ Hán Việt). Từ cũ, nghĩa rộng dùng để chỉ đất nước.

    Nam quốc sơn hà Nam Đế cư
    Tiệt nhiên phận định tại thiên thư
    Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
    Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư

    (Lý Thường Kiệt)

    Dịch thơ:

    Sông núi nước Nam vua Nam ở
    Rành rành định phận tại sách trời
    Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
    Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.

  63. Chiêu binh mãi mã
    Chiêu mộ binh lính và mua ngựa chiến (để chuẩn bị cho chiến tranh). Hiểu rộng ra là tập hợp lực lượng, vây cánh.
  64. Dung
    Biết là việc xấu, sai nhưng vẫn để tồn tại.
  65. Lâu la
    Từ chữ Hán 嘍囉, chỉ quân lính, tay chân của giặc cướp.
  66. Trào đàng
    Triều đình (cách nói cũ của Trung và Nam Bộ).

    Trạng nguyên tâu trước trào đàng,
    Thái sư trữ dưỡng tôi gian trong nhà.

    (Lục Vân Tiên - Nguyễn Đình Chiểu)

  67. Bá quan
    Từ chữ Hán Việt 百 (trăm), và quan 官 (quan lại), chỉ tất cả các quan lại trong triều đình. Cũng nói là bá quan văn võ.
  68. Ngự sử
    Tên chung của một số chức quan có nhiệm vụ giám sát từ cấp cao nhất (vua) đến các cấp quan lại.
  69. Lai do
    Nguyên do sự việc.
  70. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  71. Phú hào
    Những người giàu và có thế lực ở nông thôn thời phong kiến (từ Hán Việt).
  72. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  73. Ngờ (phương ngữ Nam Bộ).
  74. Binh nhung
    Binh 兵 (binh lính) và nhung 戎 (vũ khí, binh lính). Chỉ binh khí, quân đội, hoặc hiểu rộng ra là việc quân.
  75. Nam hoàng
    Vua nước Nam.
  76. Quản
    E ngại (từ cổ).
  77. Bảo Đại
    (1913-1997) Hoàng đế thứ mười ba và cuối cùng của triều Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng ở nước ta, đồng thời cũng là quốc trưởng đầu tiên của Đế quốc Việt Nam (3/1945) và Quốc gia Việt Nam (7/1949). Ông sinh tại Huế, là con vua Khải Định, có tên huý là Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy. Ông có một câu nói nổi tiếng khi chính thức thoái vị và trao ấn tín, quốc bảo của hoàng triều cho cách mạng vào ngày 23 tháng 8 năm 1945: Trẫm muốn được làm Dân một nước tự do, hơn làm Vua một nước bị trị. Cuối đời ông sống lưu vong tại Pháp và qua đời trong lặng lẽ vào ngày 31 tháng 7 năm 1997, thọ 85 tuổi.

    Vua Bảo Đại

    Vua Bảo Đại

  78. U
    Tiếng gọi mẹ ở một số vùng quê Bắc Bộ.
  79. Chị của mẹ.
  80. Gạo ngữ
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Gạo ngữ, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  81. Cai
    Người trông coi trong các công trường, nhà tù thời phong kiến, Pháp thuộc.
  82. Ống bơ
    Vỏ lon đồ hộp. Trước dân ta hay dùng vỏ lon sữa đặc để đong gạo.

    Ống bơ

    Ống bơ

  83. Quáng gà
    (Mắt) nhìn không rõ vào ban đêm hay trong điều kiện thiếu ánh sáng, như lúc chiều tối.
  84. Le Mur
    Pháp âm là "lơ-muya," một kiểu áo dài cách tân do họa sĩ Cát Tường (nghệ danh là Le Mur Cát Tường) tung ra vào những năm 1930. Áo Le Mur lấy cảm hứng từ chiếc váy của phương Tây với nối vai, tay phồng, cổ lá sen..., đặc biệt những màu thâm, nâu, đen của áo dài truyền thống được thay bằng màu sắc sặc sỡ, tương sáng mặc kết hợp với quần trắng. Sau khi thịnh hành một vài năm, đến năm 1934, họa sĩ Lê Phổ cải tiến kiểu áo theo cách dung hòa giữa váy phương Tây với áo tứ thân truyền thống (gọi là áo "Lê Phổ"), áo Le Mur bớt phổ biến dần.

    Đám cưới họa sĩ Cát Tường, Bắc Ninh 1936. Chú rể đứng phía trái, đang giang hai tay. Cô dâu Nguyễn Thị Nội mặc áo trắng, đi bên cạnh phù dâu, đều mặc áo Le Mur.

    Đám cưới họa sĩ Cát Tường, Bắc Ninh 1936. Chú rể đứng phía trái, đang giang hai tay. Cô dâu Nguyễn Thị Nội mặc áo trắng, đi bên cạnh phù dâu, đều mặc áo Le Mur.

  85. Bóp phơi
    Cũng đọc trại thành bóp (bót) tơ phơi, từ chữ tiếng Pháp portefeuille, nghĩa là cái ví tiền. Đây cũng là gốc của từ "bóp," được dùng nhiều ở miền Nam.
  86. Ô cánh dơi
    Ô (dù) hình khum, những múi ô khi mở ra trông giống cánh con dơi căng ra, xưa kia nam giới thường dùng.
  87. Hồi đó, ngay tại thủ đô Huế, nơi có triều đình Việt Nam và Toà Khâm Sứ Pháp, một số các cô tân thời hay mặc "mốt" áo Le Mur. Dân Huế do đó mà có bài vè này.
  88. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  89. Trúc
    Trốc, đổ (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  90. Hai Vai
    Còn có tên là lèn Dặm hoặc núi Di Lĩnh, một ngọn núi đá vôi (lèn) nằm giáp ranh giữa 3 xã Diễn Bình, Diễn Minh, Diễn Thắng của huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Lèn Hai Vai có chiều dài 800m, nơi rộng nhất 120m, nơi cao nhất 141m. Theo truyền thuyết, ông Đùng đánh giặc ngoại xâm đã đứng từ trên cao ném đá vào quân thù, tạo ra lèn Hai Vai, lèn Cờ, và lèn Trống.

    Lèn Hai Vai

    Lèn Hai Vai

  91. Sông Bùng
    Tên một con sông bắt nguồn từ xã Minh Thành, huyện Yên Thành, chảy qua thị trấn Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.

    Sông Bùng

    Vẻ đẹp sông Bùng

  92. Kẻ Dặm
    Tên chữ là Văn Tập, một làng nay thuộc xã Minh Châu, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, nằm dưới chân lèn Hai Vai. Người dân nơi đây sống bằng nghề đục đá, nấu vôi.
  93. Bà rú Lông đi ông rú Trà
    Về mùa gió Lào, gió thường đổi chiều từ rú Lông gây nên những cơn lốc nhỏ thổi xuống rú Trà (đều thuộc huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An), gây hại cho nhà cửa, mùa màng. Người dân gọi hiện tượng này là bà thần rú Lông đi thăm ông thần rú Trà.
  94. Dũng Quyết
    Cũng gọi là rú (núi) Quyết, một ngọn núi nằm trong quần thể Lâm viên Núi Quyết thuộc địa bàn phường Trung Đô, thành phố Vinh, Nghệ An. Từ xưa núi đã được đánh giá là có thế Long, Ly, Quy, Phượng, được vua Quang Trung chọn là nơi đóng đô, gọi là Phượng Hoàng Trung Đô.

    Đền thờ vua Quang Trung trên núi Quyết

    Đền thờ vua Quang Trung trên núi Quyết

  95. Cửa Lò
    Một địa danh ven biển nay là thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An và là một địa điểm du lịch nổi tiếng.

    Bãi biển Cửa Lò

    Bãi biển Cửa Lò

  96. Can trường
    Gan dạ, coi thường hiểm nguy.
  97. Tri Lễ
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An.
  98. Cao Thắng
    (1864 – 1893) Quê xã Sơn Lễ, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, là trợ thủ đắc lực của Phan Đình Phùng và là một chỉ huy xuất sắc trong cuộc khởi nghĩa Hương Khê (1885-1896) thuộc phong trào Cần Vương. Ông có công chế tạo súng cho nghĩa quân, gây ra tổn thất lớn cho thực dân Pháp. Tháng 11/1893, Cao Thắng hi sinh trong trận tấn công đồn Nu (Thanh Chương) khi mới 29 tuổi.
  99. Đông Thành
    Tên một huyện thuộc phủ Diễn Châu trước đây, nay phần lớn thuộc huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.
  100. Phố Dương
    Một huyện cổ thuộc quận Cửu Đức (Nghệ An - Hà Tĩnh ngày nay). Đời Tấn Vũ Đế tách lập huyện Phố Dương thành hai làng là Phố Châu và Phúc Dương, nay thuộc địa phận huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.
  101. Lúa (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  102. Trù
    Trầu (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  103. Kẻ Quát
    Một làng nằm về phía tả ngạn sông Ngàn Phố, thuộc địa phận xã Sơn Giang huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.
  104. Kiệt Thạch
    Tên Nôm là kẻ Cài, một làng nằm dưới chân núi Cài, nay thuộc địa phận xã Thanh Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.
  105. Độ Liêu
    Tên Nôm là kẻ Treo, một làng nay là phường đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. Đây là quê hương của Bùi Cầm Hổ, một vị quan thời Lê sơ. Tên "kẻ Treo" cũng bắt nguồn từ công trình dẫn nước trên núi về đồng ruộng của Bùi Cầm Hổ.