Văn kì thanh bất kiến kì hình
Thế gian đàm tiếu vốn tình anh không
Tìm kiếm "đàm tiếu"
-
-
Em có chồng rồi như lúa đổ vào kho
Em có chồng rồi như lúa đổ vào kho
Quân canh lính gác, anh chớ có lần dò tới chi
Anh về bỏ thói ấy đi
Chồng em biết đặng, anh đi ở tù
– Qua cũng biết em như lúa đổ vào kho
Nhưng anh giả đò ăn trộm lần mò xúc chơi
Họa may có được vài hạt cũng sướng cái đời
Chồng em có bắt được, anh ở chơi năm tù
Cho tờ cải giá tha phu
Miệng thế gian đàm tiếu, họ cũng nói vợ thằng tù thuở xưa -
Đèn hết dầu đèn tắt
Đèn hết dầu đèn tắt
Nhang hết nhụy hết thơm
Biểu anh đừng lên xuống đêm hôm
Thế gian đàm tiếu, thế thường cười chê.Dị bản
-
Vè ăn thịt chó
Nghe vẻ, nghe ve
Nghe vè thịt chó
Anh nào chịu khó
Thì đi mua tương
Cái việc tầm thường
Ai ai cũng biết
Muốn cho tươm tất
Đậu phộng, đậu nành
Củ sả, củ hành
Mua ba tiền bún
Một tiền rau húng … -
Bà ôi, tôi nói bà hay
-
Chiều chiều mượn ngựa ông Đô
Chiều chiều mượn ngựa ông Đô,
Mượn kiều chú lính đưa cô tôi về.
Cô về chẳng lẽ về không,
Ngựa ô đi trước, ngựa hồng theo sau.
Ngựa ô đi tới Quán Cau,
Ngựa hồng đủng đỉnh còn sau Gò Điều.Dị bản
Chiều chiều mượn ngựa ông Đô
Mượn kiều chú lính đưa cô tui dìa
Dìa dầy chẳng lẽ dìa không?
Ngựa ô đi trước, ngựa hồng theo sau
Ngựa ô đi tới Quán Cau
Ngựa hồng lẽo đẽo theo sau chợ chiều
Chợ chiều nhiều khế ế chanh
Nhiều cô gái lứa nên anh chàng ràngChiều chiều mượn ngựa ông Đô
Mượn ba chú lính đưa cô tôi về
Đưa về chợ Thủ bán hũ bán ve
Bán bộ đồ chè bán cối đâm tiêuChiều chiều mượn ngựa ông Đô
Mượn kiều chú Xã đưa cô tôi về
Ngựa ô đi tới vườn cau
Ngựa hồng đủng đỉnh đi sau vườn dừaChiều chiều mượn ngựa ông Đô
Mượn ba chú lính đưa cô tôi về
Cô về thăm quán thăm quê
Thăm cha thăm mẹ, chớ hề thăm ai.
-
Không cánh mà bay mới lạ đời
-
Thơ thằng Lía
Ngàn năm dưới bóng thái dương,
Biết bao là sự lạ thường đáng ghi,
Noi nghề hàng mặc bấy nay,
Một pho dị sự vắn dài chép ra.
Trước là giải muộn ngâm nga,
Sau nêu gương nọ đặng mà soi chung.
Xưa kia có một phú ông,
Vợ chồng chuyên một nghề nông nuôi mình,
Bấy lâu loan phụng hòa minh,
Xóm làng kiêng nể tánh tình thiện lương.
Tuy là sành sỏi ruộng nương,
Ông bà xấu số gặp đường chẳng may,
Thuở trước cũng chẳng thua ai,
Tiền dư bạc sẵn tháng ngày thung dung,
Ruộng vườn khai khẩn khắp cùng,
Thôn lân đều thảy có lòng bợ nâng.
Đến nay nhằm buổi lao lung,
Ruộng nương thất phát vô cùng thảm thương,
Tháng ngày khổ hại trăm đường,
Bảy năm chịu sự tai ương nguy nàn,
Bấm gan cam chịu gian nan,
Vợ chồng đau đớn đoạn tràng thiết tha.
Lần hồi ngày lụn tháng qua,
Nghèo nàn túng tíu gẫm đà thói quen,
Thét rồi cũng chẳng than phiền,
Cắn răng mà chịu đảo điên qua hồi.
Lão mụ tuổi đã lớn rồi,
Vợ bốn mươi chẵn chồng thời bốn ba,
Đêm ngày lo tính gần xa,
Chẳng con kế tự thật là đáng lo,
Choanh ngoảnh chồng vợ đơn cô,
Tuổi già sức yếu biết nhờ cậy ai? … -
Vè chữ phu
Chữ phu là dại
Tơ hồng dán lại
Nên điệu vợ chồng
Đụng con gái hung
Lang dâm trắc nết
Mình làm chí chết
Nó duỗi cẳng nó ăn
Sắm áo sắm khăn
Sắm vòng sắm niểng … -
Vè bánh trái (II)
Bánh đứng đầu vè
Ðó là bánh tổ
Cái mặt nhiều lỗ
Là bánh tàn ong
Ðể nó không đồng
Ðó là bánh tráng
Ngồi lại đầy ván
Nó là bánh quy
Sai không chịu đi
Ðó là bánh bàng
Trên đỏ dưới vàng
Là bánh da lợn
Mây kéo dờn dợn
Là bánh da trời
Ăn không dám mời
Nó là bánh ít
Băng rừng băng rít
Ðó là bánh men
Thấy mặt là khen
Nó là xôi vị
Nhiều nhân nhiều nhị
Là bánh trung thu … -
Vè Lụt Bất Quá
Thuở vua Tự Đức trị vì
Thái hoà tự Võ khác gì Đường, Ngu
Nơi nơi kích nhưỡng khang cù
Thái Sơn bàn thạch cơ đồ vững an
Tuy loài hải thủy sơn man
Cũng mến oai đức thê bằng lai quy
Cớ sao vận hội bất kỳ
Năm ba mươi mốt can chi Mậu Dần
Tai trời khắp xuống chúng dân
Ba huyện Quảng Ngãi mười phần tả tơi
Nắng cho năm bảy tháng trời
Lúa lang bắp đậu cháy phơi cánh đồng
Tháng ba bị háp đã xong
Lúa nhồng, bát ngoạt làm đòng cũng khô … -
Thiên triều văn
Thương thay, hỡi các chú ơi
Ăn uống đã rồi thầy kể một văn:
Quý Tỵ giữa ngày mồng năm,
Giờ Dần chính nguyệt ầm ầm huyên hoa
Một chi đánh ở Đống Đa
Cầu Duệ kéo đến tốt xa muôn phần
Phép voi bại trận tiên phong
Cầu nhương sụt cả xuống sông Bồ Đề
Đao binh tử trận đầy khe
Dọc đường gài gác nằm kề năn năn
Chú sang cứu viện nước Nam
Chẳng may gặp phải suối vàng thương thay
Chú thì thắt cổ trên cây
Chú thì tự vẫn ở nay trong nhà
Chú thì thác xuống Diêm La
Chú nào còn sống về nhà đại minh … -
Vè ăn hàng
Vai mang xấp vải trong mo
Đi chưa tới chợ đã lo ăn hàng
Bánh in cùng những bánh bàng
Bánh bò bông, bánh ít trần, ngon thay.
Mít nghệ múi bằng cổ tay
Bánh đúc chấm mật, bánh gai, bánh bèo
Muốn ăn đừng có lo nghèo
Tiền tui trong túi đem theo đủ dùng,
Ăn một bụng ba mươi đồng
Mua mấy thứ để cho chồng tui đây
Vừa mới tới vuông đất cày
Ngồi dưới gốc cầy lật nón ra ăn
Làm vầy dạ cũng băn khoăn
Vì chưng lỗ miệng muốn ăn không chừng … -
Vè đội Cấn
Năm Đinh Tỵ mười ba tháng bảy
Nước Nam mình phút dậy can qua
Thái Nguyên nay có một tòa
Khố xanh, khố đỏ được ba trăm người
Cũng chí toan chọc trời khuấy nước
Ông Đội ra đi trước cầm binh
Rủ nhau lập tiểu triều đình
Những là cai đội khố xanh bằng lòng
Duy phó quản bất tòng quân lệnh
Hóa cho nên hủy mệnh xót xa
Sai người mở cửa nhà pha
Đem tù ra điểm được là bao nhiêu?
Truyền tù nhân cứ theo quân lệnh
Chớ thị thường uổng mệnh như chơi
Rồi ra làm lễ tế trời
Cờ đề “Phục Quốc” tài bồi Nam bang … -
Thơ thầy Thông Chánh
Nhựt trình Vĩnh Ký đặt ra
Chép làm một bổn để mà coi chơi
Trà Vinh nhiều kẻ kỳ tời
Có thầy Thông Chánh thiệt người khôn ngoan
Đêm nằm khô héo lá gan
Nghĩ giận Biện lý không an tấm lòng
Chừng nào tỏ nỗi đục trong
Giết tên Biện lý trong lòng mới thanh
Lang sa làm việc Châu thành
Mười bốn tháng bảy lễ rày Chánh Chung
Chỉ sai đua ngựa rần rần
Trát đòi làng tổng tư bề đến đây
Bốn giờ đua ngựa cát bay
Phủ Hơn, Biện lý đương rày ngồi coi
Có thầy Thông Chánh hẳn hòi
Xách súng nai nịt đi coi châu thành … -
Chỉ vì một chữ ăn
Ăn lông ở lỗ, từ thuở tạo thiên
Hôm sớm cửa thiền, ăn chay niệm Phật
Cả đời chật vật, làm không đủ ăn
Tánh hay hiểu lầm, làm sao ăn ở
Biết ăn theo thuở, biết ở theo thời
Tài sức thua người, thì bị ăn hiếp
Đờn ca ăn nhịp, mới thật tài năng
Người không chịu làm, hay đi ăn ké
Cần phải tránh né, cái bọn ăn dơ
Vừa vét vừa quơ, muốn ăn trọn gói
Hễ ăn một đọi, thì nói một lời
Ăn phải coi nồi, ngồi thời coi hướng … -
Ăn chanh nhớ tỏi bùi ngùi
Ăn chanh nhớ tỏi bùi ngùi
Ngồi trong liếp hẹ nhớ mùi rau răm
Hỡi người bạn cũ quanh năm
Quay tơ có nhớ mối tằm xa xưa?Dị bản
Ăn tiêu nhớ tỏi bùi ngùi
Ngồi bên đám hẹ nhớ mùi rau răm
Hỡi người quân tử trăm năm
Quay tơ có nhớ mối tằm hay không?
-
Có đỏ mà chẳng có thơm
-
Một tay đun chín bếp rơm
Một tay đun chín bếp rơm
Một tay nạo mướp chị nhường chồng choDị bản
Một tay đun chín bếp rơm
Tay vo bánh lọc chị nhường chồng cho
-
Nhất thời xóm ruộng khiêng ma
Chú thích
-
- Văn kì thanh bất kiến kì hình
- Chỉ mới nghe tiếng mà chưa gặp mặt (chữ Hán).
-
- Đàm tiếu
- Bàn tán (đàm) và chê cười (tiếu).
-
- Chi
- Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Đặng
- Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
-
- Qua
- Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
-
- Cải giá tha phu
- Lấy chồng khác vì chồng cũ đi lưu lạc không về.
-
- Biểu
- Bảo (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Thế thường
- Thói thường ở đời.
-
- Lạc
- Một loại cây lương thực ngắn ngày thuộc họ đậu, rất phổ biến trong đời sống của người dân Việt Nam. Lạc cho củ (thật ra là quả) mọc ngầm dưới đất, có vỏ cứng. Hạt lạc có thể dùng để ăn hoặc lấy dầu, vỏ lạc có thể ép làm bánh cho gia súc, thân và lá làm củi đốt. Ở miền Trung và miền Nam, lạc được gọi là đậu phộng, một số nơi phát âm thành đậu phụng.
-
- Đậu nành
- Một giống đậu rất phổ biến ở nước ta và trên cả thế giới. Hạt đậu nành được sử dụng rất đa dạng, bao gồm dùng trực tiếp (rang, luộc, nấu canh, nấu chè...) hoặc chế biến thành đậu phụ, ép thành dầu đậu nành, nước tương, làm bánh kẹo, sữa...
-
- Sả
- Một loại cỏ cao, sống lâu năm, có mùi thơm như chanh. Tinh dầu sả được dùng để ướp tóc. Thân cây sả có thể làm gia vị.
-
- Rau húng
- Tên chung cho một số loài rau thuộc họ Bac Hà. Rau húng có nhiều loài, tên gọi mỗi loài thường chỉ mùi đặc trưng hay cách sinh trưởng của cây như húng quế (miền Nam gọi là rau quế) có mùi quế, húng chanh (miền Nam gọi là rau tần dày lá) có mùi tương tự chanh, húng lủi vì cây rau bò sát mặt đất... Ở miền Trung và miền Nam, một số loài húng được gọi tên là é. Rau húng là gia vị đặc sắc và không thể thiếu trong các món ăn dân gian như nộm, dồi, lòng lợn, tiết canh, thịt vịt, phở, bún... Tinh dầu trong lá và ngọn có hoa của một số loại húng được có tác dụng chữa bệnh (ví dụ húng chanh trị ho) hoặc dùng làm nguyên liệu sản xuất hương phẩm. Ở miền Nam, người ta lấy hạt húng quế (hạt é) làm nước uống giải nhiệt.
Làng Láng thuộc Thăng Long xưa là nơi nổi tiếng với nghề trồng rau húng lủi, gọi là húng Láng.
-
- Luồng
- Cũng gọi là mét, một giống tre có giá trị kinh tế cao, thường được dùng làm nhà, đóng bè mảng, đan lát, làm đũa, làm mĩ nghệ, làm than... Tre có thể bóc mỏng như kiểu bóc gỗ, măng rất ngon. Ở nước ta tre luồng chủ yếu có ở Thanh Hóa, nơi hiện nay có nghề trồng và thu mua tre luồng làm nguyên liệu phục vụ cho sản xuất các mặt hàng xuất khẩu.
-
- Kiều ngựa
- Yên ngựa (từ địa phương).
-
- Quán Cau
- Đèo Quán Cau ở làng Mỹ Phú, còn chợ Quán Cau ở làng Phong Phú, đều thuộc xã An Hiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Tại đây nổi tiếng có giống ngựa thồ rất tốt. Phía đông đèo Quán Cau là đầm Ô Loan, một thắng cảnh nổi tiếng của nước ta.
Về địa danh Quán Cau, có câu chuyện sau: Ngày xưa, nơi chân đèo Quán Cau có một bà cụ già không rõ từ đâu đến. Bà cất quán bán trầu cau, khách bộ hành qua đèo khá dài nên dừng chân giải khát, mua trầu cau ăn nghỉ rồi tiếp tục hành trình. Người đi ra Bắc đến chân đèo thì chờ người bạn đường, cũng mua trầu cau ăn rồi tiếp tục trèo đèo. Vì thế có tên đèo Quán Cau.
-
- Gò Điều
- Tên một xóm thuộc ấp Bình Quang, thôn Phú Điềm (xã An Hòa, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên ngày nay). Giữa xóm có cây điều to lớn tán lá um tùm, trải bóng mát một vùng, khách qua lại thường dừng chân nghỉ mát. Về sau, khi làm đường cây điều bị chặt đi nhưng xóm vẫn được gọi là Gò Điều.
-
- Vìa
- Về (phương ngữ Trung và Nam Bộ), thường được phát âm thành dìa.
-
- Chàng ràng
- Quanh quẩn, vướng bận, chậm chạp (để kéo dài thời gian hoặc gây chú ý).
-
- Chợ Thủ
- Chợ ở tỉnh Thủ Dầu Một (nay là thành phố Thủ Dầu Một thuộc tỉnh Bình Dương), ban đầu gọi là chợ Phú Cường. Phần “Thị Điểm” (Chợ Quán) của sách Đại Nam Nhất Thống Chí ghi: “Chợ Phú Cường ở thôn Phú Cường, huyện Bình An tục danh gọi là chợ Thủ Dầu Miệt (hay Dầu Một) ở bên lị sở huyện, xe cộ ghe thuyền tấp nập đông đảo.” Đến năm 1889, trên địa bàn huyện Bình An, tỉnh Thủ Dầu Một được thành lập, chợ Phú Cường trở thành chợ tỉnh Thủ Dầu Một.
-
- Ve
- Cái ly (phiên âm từ danh từ tiếng Pháp "le verre"), còn được hiểu là chai nhỏ, lọ nhỏ.
-
- Cối đâm tiêu
- Cối nhỏ dùng để giã tiêu.
-
- Dị sự
- Chuyện lạ thường (từ Hán Việt).
-
- Vắn
- Ngắn (từ cổ).
Tự biệt nhiều lời so vắn giấy
Tương tư nặng gánh chứa đầy thuyền
(Bỏ vợ lẽ cảm tác - Nguyễn Công Trứ)
-
- Loan phụng hòa minh
- Chim loan, chim phượng cùng hót. Chỉ vợ chồng hòa thuận, thương yêu nhau.
-
- Thung dung
- Thong dong.
-
- Thôn lân
- Làng xóm láng giềng (từ Hán Việt).
-
- Lao lung
- Khổ cực (từ cổ).
-
- Thất phát
- Cũng như thất bát – mất mùa.
-
- Nàn
- Nạn (từ cũ).
-
- Đoạn trường
- Đau đớn như đứt từng khúc ruột (đoạn: chặt đứt, trường: ruột). Theo Sưu thần kí, có người bắt được hai con vượn con, thường đem ra hiên đùa giỡn. Vượn mẹ ngày nào cũng đến ở trên cây gần đầu nhà, kêu thảm thiết. Ít lâu sau thì vượn mẹ chết, xác rơi xuống gốc cây. Người ta đem mổ thì thấy ruột đứt thành từng đoạn.
-
- Túng tíu
- Túng thiếu (từ cũ).
-
- Thét
- Chịu đựng lâu thành quen (phương ngữ).
-
- Kế tự
- Nối dõi (từ Hán Việt).
-
- Phu
- Chồng (từ Hán Việt).
-
- Tơ hồng
- Xem chú thích Nguyệt Lão.
-
- Hung
- Dữ, quá (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Lang dâm
- Dâm ô, lăng nhăng, lang chạ bừa bãi.
-
- Trắc nết
- Tính nết hư hỏng, không đứng đắn.
-
- Bánh tổ
- Một loại bánh tết truyền thống của Quảng Nam. Bánh được chế biến từ nếp và đường, đựng trong những cái "rọ" bằng lá chuối. Bánh dẻo, ngọt, có thể cắt ăn ngay hoặc chiên giòn.
-
- Bánh kẹp
- Một loại bánh làm từ bột và trứng, thêm lá dứa, nước dừa, đường... nướng bằng khuôn gang đặt trên lò than nóng. Vì khuôn bánh thường có họa tiết dạng lỗ như tổ ong nên bánh cũng được gọi là bánh tàn ong, hoặc bánh kẹp tàn ong.
-
- Bánh tráng
- Miền Trung và miền Nam gọi là bánh tráng, miền Bắc gọi là bánh đa. Đây một dạng loại bánh làm từ bột gạo, tráng mỏng, phơi khô, khi ăn có thể nướng giòn hoặc ngâm sơ với nước cho mềm để cuốn các thức ăn khác. Ngoài ra, bánh tráng còn có thể được làm với các thành phần khác để tạo thành bánh tráng mè, bánh tráng đường, bánh tráng dừa... mỗi loại có hương vị khác nhau.
-
- Bánh bàng
- Một loại bánh làm từ bột mì, đường, và trứng, được nướng xốp, mặt vàng, gần giống bánh ga-tô, có hình dáng giống quả bàng,
-
- Bánh da lợn
- Một loại bánh tráng miệng được làm từ bột năng, đường trắng, dừa nạo, va ni hay lá dứa và một số gia vị khác. Nhân bánh được làm từ đậu xanh, khoai môn nghiền mịn hoặc bào sợi hấp chín và bột gạo, đường. Bánh được hấp rồi cắt nhỏ thành từng miếng khi ăn.
-
- Bánh da trời
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Bánh da trời, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Bánh ít
- Loại bánh dẻo làm bằng bột nếp, có mặt ở nhiều địa phương, có nơi gọi là bánh ếch hay bánh ết. Tùy theo từng vùng mà bánh ít có hình dạng và mùi vị khác nhau: hình vuông, hình tháp, hình trụ dài, gói lá chuối, lá dứa, không nhân, nhân mặn, nhân ngọt... Bánh ít là món bánh không thể thiếu trong các dịp lễ Tết, giỗ cúng.
-
- Bánh men
- Một loại bánh nướng làm từ bột năng (hoặc bột sắn dây) và nước cốt dừa, khi ăn giòn, tan trong miệng và rất thơm.
-
- Tự Đức
- (1829 – 1883) Vị hoàng đế thứ tư của nhà Nguyễn, vương triều cuối cùng trong lịch sử phong kiến nước ta. Thời gian ông ở ngôi đánh dấu nhiều sự kiện trong lịch sử nước ta, trong đó quan trọng nhất là tháng 8/1858, quân Pháp nổ phát súng đầu tiên tấn công Đà Nẵng, mở đầu cho thời kì thống trị của người Pháp ở Việt Nam.
-
- Nguyễn Phúc Khoát
- Còn gọi là Chúa Vũ, Chúa Khoát, hay Võ Vương, Vũ Vương (1714-1765), vị chúa Nguyễn thứ 8 trong lịch sử nước ta. Ông được đánh giá là có công xây dựng Đô thành Phú Xuân (thế kỷ 18), hoàn thành công cuộc Nam tiến của người Việt (bắt đầu từ thế kỉ 11 và hoàn tất vào thế kỉ 18 để có toàn vẹn lãnh thổ như hiện nay), và được xem là người có công khai sáng và định hình chiếc áo dài Việt Nam (theo sách Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn và Đại Nam Thực Lục Tiền Biên của nhiều sử quan thuộc Quốc Sử Quán).
Ông là con trai trưởng của chúa Nguyễn Phúc Chu và mẹ là Thục phi Trương Thị Thư. Lúc thế ngôi chúa của cha năm 24 tuổi, ông lấy hiệu là Từ Tế Đạo Nhân (vì chuộng đạo Phật). Năm 1744, sau nhiều thành tựu đối nội, quần thần dân biểu tôn Chúa Vũ lên ngôi vương, tục gọi là Võ Vương. Năm Võ Vương mất (1765), ông được truy tôn là Thế Tôn Hiếu Võ Hoàng Ðế.
-
- Kích nhưỡng khang cù
- Kích nhưỡng và Khang cù là tên hai bài ca dao thời vua Nghiêu bên Trung Hoa. Kích nhưỡng khang cù chỉ cảnh thiên hạ thái bình, nhân dân vui chơi ca hát.
-
- Thái Sơn
- Một ngọn núi ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, là một trong năm ngọn núi thiêng của Trung Quốc (gồm Hành Sơn, Hằng Sơn, Thái Sơn, Hoa Sơn và Tung Sơn). Núi Thái Sơn được xem là thiêng nhất trong năm ngọn núi này.
-
- Bàn thạch
- Đá tảng (từ Hán Việt).
-
- Hải thủy sơn man
- Những loài quái vật dưới nước và man di mọi rợ trên núi.
-
- Quảng Ngãi
- Địa danh nay là một tỉnh nằm ở duyên hải Nam Trung Bộ, nằm hai bên bờ sông Trà Khúc, được mệnh danh là vùng đất Núi Ấn Sông Trà. Quảng Ngãi là mảnh đất có bề dày lịch sử về văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Chăm Pa, đặc biệt là hệ thống thành lũy Chàm. Tại đây cũng nổi tiếng cả nước với đặc sản đường mía (đường phèn, đường phổi, mạch nha...) và tỏi ở Lý Sơn.
-
- Cháy háp
- Cháy một phần.
-
- Lúa nhồng
- Còn đọc là lúa nhộng, chỉ lúa trổ bông bị nghẽn không thoát ra gié lúa, giống như con nhộng còn trong tổ kén. Hiện tượng nhộng lúa thường xảy ra khi lúa sắp trổ gặp thời tiết hạn hán, khô nước.
-
- Tức ngày mùng năm tháng Giêng năm Kỷ Dậu, bắt đầu trận Ngọc Hồi. Theo Lê quý kỷ sự và Việt sử Thông giám cương mục, mờ sáng mùng 5, 100 voi chiến Tây Sơn tiến lên. Ngựa quân Thanh sợ voi, lui lại, giẫm lên nhau lùi về đồn. Quân Thanh cố thủ trong đồn bắn ra. Quang Trung chia tượng binh làm hai cánh, một cánh vòng qua sau đồn Ngọc Hồi, đóng phía đông đê Yên Duyên để chặn đường địch rút; cánh kia dùng mộc tẩm rơm ướt tiến lên hãm đồn. Đại bác quân Thanh bị vô hiệu lực. Quân Tây Sơn tiến vào đồn hỗn chiến. Đại Nam chính biên liệt truyện mô tả, quân Thanh không chống nổi chạy tản ra tứ phía, lại giẫm phải địa lôi chính mình đặt từ trước nên chết rất nhiều. Đồn Ngọc Hồi bị quân Tây Sơn thiêu cháy.
-
- Chính nguyệt
- Tháng giêng âm lịch.
-
- Huyên hoa
- Huyên náo, ồn ào (từ cổ).
-
- Đống Đa
- Địa danh nay là một quận nằm ở trung tâm thủ đô Hà Nội. Tại đây năm 1789 quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy của vua Quang Trung đã đánh tan hai vạn quân Thanh xâm lược. Tương truyền sau chiến thắng, vua Quang Trung cho thu nhặt xác giặc xếp vào 12 cái hố rộng, lấp đất chôn và đắp thành gò cao, trên gò cây cối mọc um tùm nên có tên là gò Đống Đa.
-
- Cầu Duệ
- Chưa rõ ở đâu. Có ý kiến cho rằng đây là một cái cầu bắc qua sông Nhuệ, chảy qua Thăng Long.
-
- Tốt xa
- Quân lính (tốt) và xe (xa).
-
- Cầu nhương
- Tranh cướp nhau để lên cầu.
-
- Sông Bồ Đề
- Một đoạn sông Hồng thuộc thành Thăng Long ngày trước. Đây chính là nơi 20 vạn quân Thanh của Tôn Sĩ Nghị đóng quân khi sang xâm lược nước ta vào năm 1788, trước khi bị vua Quang Trung dẫn nghĩa quân Tây Sơn tiến ra Bắc đánh cho tan tành.
-
- Năn năn
- Xót thương, oán hận (từ cổ).
-
- Suối vàng
- Cõi chết. Từ này bắt nguồn từ chữ hoàng tuyền, cũng đọc là huỳnh tuyền. Hoàng tuyền vốn có nghĩa là suối ngầm, mạch nước ngầm ở dưới đất, vì đất màu vàng nên có tên như vậy.
Gọi là gặp gỡ giữa đường
Họa là người dưới suối vàng biết cho
(Truyện Kiều)
-
- Âm phủ
- Cũng gọi là âm ty, âm cung, một khái niệm trong tín ngưỡng dân gian của nhiều dân tộc. Theo đó, linh hồn của người chết sẽ được đưa đến âm phủ, được luận xét công tội khi còn là người trần, sau đó tuỳ mức độ công tội mà được đưa đi đầu thai (thành người hoặc vật) hoặc phải chịu các hình phạt khủng khiếp. Trong văn hoá Trung Hoa và Việt Nam, âm phủ cũng có hệ thống như trần gian: đứng đầu âm phủ là Diêm Vương (cũng gọi là Diêm La Vương, nên âm phủ còn có tên là Điện Diêm La), dưới là các phán quan, cuối cùng là các quỷ dạ xoa.
-
- Đại minh
- Giác ngộ, hiểu rõ.
-
- Mo
- Phần vỏ ngoài của hoa dừa hay hoa cau. Khi hoa còn non chưa nở, mo màu xanh, hai cánh dạng thuyền úp lại che chở cho hoa bên trong. Mo tự tách ra khi hoa nở và khô dần đi khi cây đậu quả. Mo cau, mo dừa già sẽ tự rụng xuống hoặc được người trồng giật xuống khi thu hái quả. Mo cau mềm mại, dẻo dai, được dân ta sử dụng để gói giò (chả) và nhất là gói cơm nắm mang theo khi làm đồng làm rẫy. Cơm nắm mo cau là một hình ảnh quen thuộc và thân thương với người nông dân nước ta.
-
- Bánh in
- Một loại bánh có xuất xứ từ Huế, được làm từ bột năng, bột nếp, đậu xanh, đường, các nguyên liệu khác và được ép, đức thành khuôn mặt đáy của bánh thường khắc các hình chữ Phúc, Lộc, Thọ hoặc các hình trang trí khác và gói trong giấy bóng kính ngũ sắc. Đây là loại bánh để dùng trong ngày Tết, phục vụ việc thờ cúng và đãi khách.
-
- Bánh bò
- Một loại bánh làm bằng bột gạo, nước, đường và men, một số nơi còn cho thêm dừa nạo. Có một số loại bánh bò khác nhau tùy vùng miền, ví dụ Sóc Trăng có bánh bò bông, Châu Đốc có bánh bò thốt nốt...
-
- Bánh đúc
- Bánh nấu bằng bột gạo tẻ hoặc bột ngô quấy với nước vôi trong, khi chín đổ ra cho đông thành tảng, thường được ăn kèm với mắm tôm. Bánh đúc là món quà quen thuộc của làng quê.
-
- Bánh ít lá gai
- Gọi tắt là bánh gai, một loại bánh ít đặc sản của miền Trung. Bánh làm từ lá gai quết nhuyễn với bột dẻo, tạo cho lớp áo ngoài của bánh có màu xanh đen đặc trưng. Nhưn (nhân) bánh thường là đậu xanh, dừa, đường, thêm chút quế và vani để tạo mùi thơm; đôi khi người ta cũng làm nhân bánh từ tôm xào với thịt, tạo ra món bánh ít mặn.
-
- Bánh bèo
- Một món bánh rất phổ biến ở miền Trung và miền Nam. Bánh làm từ bột gạo, có nhân phía trên mặt bánh làm bằng tôm xay nhuyễn. Nước chấm bánh bèo làm từ nước mắm, và thường đổ trực tiếp vào bánh chứ không cần chấm. Thành phần phụ của bánh bèo thường là mỡ hành, đậu phộng rang giã nhỏ. Tuỳ theo địa phương, có những cách thêm bớt khác nhau cho món bánh này, ví dụ ở Sài Gòn thường bỏ đậu xanh, đồ chua, lại cho ăn kèm bánh đúc, bánh ít, bánh bột lọc...
-
- Kơ nia
- Người Kinh gọi là cây cầy hoặc cây cốc, một loại cây gỗ cứng mọc nhiều ở các tỉnh Tây Nguyên, ngoài ra còn phân bố từ Quảng Nam đến một số tỉnh Nam Bộ cũng như các đảo Phú Quốc, Côn Đảo. Cây kơ nia có một ý nghĩa tâm linh rất lớn đối với đồng bào các dân tộc thiểu số.
-
- Can qua
- Can 干 chữ Hán nghĩa là cái mộc để đỡ. Qua 戈 là cây mác, một loại binh khí ngày xưa. Can qua chỉ việc chiến tranh.
-
- Thái Nguyên
- Một tỉnh ở miền Bắc nước ta, nổi tiếng với nghề trồng và chế biến chè (trà).
-
- Lính tập
- Một lực lượng vũ trang của chính quyền thuộc địa Pháp ở Đông Dương, theo chính sách dùng người bản xứ làm quân đội chính quy trong việc đánh dẹp. Lính tập gồm lính khố đỏ, lính khố xanh, lính khố vàng, lính khố lục, những tên gọi xuất phát từ màu dải thắt lưng họ quấn quanh quân phục.
-
- Đội Cấn
- Tên thật là Trịnh Văn Cấn (1881 - 1918), người làng Yên Nhiên, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên, nay thuộc xã Vũ Di, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Ông còn có tên khác là Trịnh Văn Đạt, là viên đội lính khố xanh trong cơ binh Pháp ở Thái Nguyên. Ông cùng Lương Ngọc Quyến - một chí sĩ yêu nước bị giam tại nhà tù ở Thái Nguyên - lãnh đạo binh lính người Việt đứng lên chống Pháp vào đêm 30/8/1917. Từ đó đến ngày 5/9, các cuộc tấn công của địch liên tiếp nổ ra. Do không chống nổi lực lượng của địch, nghĩa quân phải rút lui. Ngày 10/1/1918, trong trận chiến đấu với quân Pháp tại núi Pháo, Đội Cấn bị thương nặng và tự sát.
-
- Cai
- Từ gọi tắt của cai vệ, chức danh chỉ huy một tốp lính dưới thời thực dân Pháp.
-
- Nhà pha
- Nhà tù (từ cũ). Có ý kiến cho rằng từ này có gốc từ tiếng Pháp bagne, nghĩa là giam cầm.
-
- Thị thường
- Xem thường.
-
- Tài bồi
- Vun đắp, vun trồng (từ Hán Việt).
-
- Nam bang
- Bờ cõi nước Nam.
-
- Nhật trình
- Tờ báo đọc hằng ngày. Ở Trung và Nam Bộ, từ này cũng được phát âm thành nhựt trình.
-
- Trương Vĩnh Ký
- Nhà văn, nhà ngôn ngữ học, nhà giáo dục học, nhà văn hóa lỗi lạc của nước ta vào cuối thế kỉ 19. Ông sinh ngày 6/12/1837 tại ấp Cái Mơn, xã Vĩnh Thành, tổng Minh Lý, huyện Tân Minh, phủ Hoàng An, tỉnh Vĩnh Long (nay thuộc huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre), mất ngày 1/9/1898 tại Sài Gòn. Thông minh và ham học từ nhỏ, sau này ông đọc thông viết thạo 27 ngoại ngữ, là tác giả của hơn 100 tác phẩm về văn học, lịch sử, địa lý, từ điển và dịch thuật, có tri thức vô cùng uyên bác, được tấn phong Giáo sư Viện sĩ Pháp, được ghi tên trong Bách khoa Tự điển Larousse, và được xem là một trong 18 nhà bác học hàng đầu thế giới thế kỷ 19. Cùng với Nguyễn Văn Vĩnh, ông thường được coi là "ông tổ nghề báo Việt Nam" vì là người sáng lập Gia Định báo, tờ báo quốc ngữ đầu tiên của nước ta.
Trường chuyên Lê Hồng Phong, thuộc thành phố Hồ Chí Minh hiện nay, trước đây có tên là trường Pétrus Ký, chính là đặt theo tên ông.
-
- Bổn
- Bản (phương ngữ Nam Bộ).
-
- Trà Vinh
- Tên một tỉnh ven biển ở đồng bằng sông Cửu Long, có kho tàng văn hoá đa dạng, đặc biệt là văn hoá vật thể và phi vật thể của người Khmer: chữ viết, lễ hội, đền chùa... Tại đây cũng có nhiều đặc sản như cốm dẹp trộn dừa kiểu Khmer; các món đuông như đuông chà là, đuông đất và đuông dừa; mắm rươi; rượu Xuân Thạnh, bánh tét, bánh tráng ba xe, mắm kho, bún nước lèo...
-
- Kỳ tời
- Đọc trại chữ kỳ tài, cách phát âm của người Nam Bộ.
-
- Thầy Thông Chánh
- Một người làm nghề thông ngôn tên là Chánh. Theo nhà nghiên cứu Trần Dũng thì thầy Thông Chánh tên thật là Nguyễn Văn Chánh, còn gọi là Nguyễn Trung Chánh, sinh khoảng năm 1850 tại Trà Vinh trong một gia đình theo đạo Thiên chúa, làm thông ngôn cho Pháp. Vợ (có nguồn nói là con gái) của thầy là cô Ba, sắc đẹp nổi tiếng lúc bấy giờ, nên tên Biện lý Jaboin rắp tâm chiếm đoạt. Quá uất ức, thầy đã dùng súng giết chết viên quan thực dân háo sắc ngày 14 tháng 5 năm 1893 (theo Sơn Nam), bị Tòa đại hình Mỹ Tho kết án ngày 19 tháng 6 năm 1893, và bị chém đầu ngày 8 tháng 1 năm 1894 tại Trà Vinh.
-
- Lang Sa
- Pha Lang Sa, Phú Lang Sa, Phú Lãng Sa, hay Lang Sa đều là những cách người Việt thời trước dùng để chỉ nước Pháp, ngày nay ít dùng. Các tên gọi này đều là phiên âm của từ "France".
-
- Châu thành
- Phố phường, thành thị, nơi dân cư đông đúc. Các tỉnh Nam Bộ ngày xưa đều có quận, huyện châu thành.
-
- Lễ Chánh Chung
- Tên nhân dân ta thời Pháp thuộc đặt cho lễ ngày Quốc khánh Pháp 14 tháng 7 (kỷ niệm phá ngục Bastille năm 1789). Vào ngày này thực dân Pháp tổ chức diễu binh, đua ngựa, vui chơi với mục đích mị dân.
-
- Trát
- Giấy truyền lệnh của quan lại ngày xưa. Từ chữ Hán 札 nghĩa là cái thẻ, vì ngày xưa không có giấy nên mọi mệnh lệnh muốn truyền đạt phải viết vào miếng gỗ nhỏ.
-
- Phủ
- Tên gọi một đơn vị hành chính thời xưa, cao hơn cấp huyện nhưng nhỏ hơn cấp tỉnh. Đứng đầu phủ gọi là quan phủ, cũng gọi tắt là phủ.
-
- Thuở tạo thiên
- Lúc mới lập ra trời đất.
-
- Đọi
- Cái chén, cái bát (phương ngữ một số vùng ở Bắc Trung Bộ).
-
- Thời
- Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
-
- Liếp
- Luống (liếp rau, liếp cà...)
-
- Hẹ
- Một loại rau được dùng nhiều trong các món ăn và các bài thuốc dân gian Việt Nam.
-
- Rau răm
- Một loại cây nhỏ, lá có vị cay nồng, được trồng làm gia vị hoặc để ăn kèm.
-
- Dâm bụt
- Phương ngữ Nam bộ gọi là bông bụp, bông lồng đèn, có nơi gọi là râm bụt, là một loại cây bụi thường được trồng ở bờ rào trên khắp các làng quê. Hoa dâm bụt lớn, màu đỏ sậm, nhưng không có mùi hương.