Gò Công rạch Lá nhớ lung
Quê hương Võ Tánh Trương Công oai hùng
Lạc loài cách bến xa sông
Gió thu hiu hắt chạnh lòng cố hương
Tìm kiếm "Đại Từ"
-
-
Xưa kia con ở nội gia
-
Nem chợ Sãi
Nem chợ Sãi,
Vải La Vang
Khoai Quán Ngang,
Dầu tràm Đại Nại
Mai phường Trúc
Nước độc Kim Giao
Gạo Phước Điền
Chiêng Sắc Tứ
Khoai từ Trà Bát
Quạt chợ Sòng
Cá bống Bích La
Gà Trà Lộc
Môn độn An Đôn
Tôm đồng Mai Lĩnh
Bánh ít Đạo Đầu
Trầu nguồn Khe Gió
Cỗ Trung Đơn
Thơm Bồ Bản
Nghệ vàng An Lộng
Xôi thống Hải Thành
Gạch Trí Bưu
Lựu Triệu Phước
…
Tối ăn khoai
Mai ăn sắn
Nắng Đông Hà
Đàn bà Hội Yên -
Nhớ cơn chung chiếu chung giường
Nhớ cơn chung chiếu chung giường
Nhớ cơn chung lược, chung gương, chung phòng
Nhớ cơn chung gối, chung mùng
Loan ôm lấy phượng, phượng bồng lấy loan
Nhớ cơn nguyệt đổi sao tàn
Cùng nhau thu cúc xuân lan sánh bày
Liễu đông sánh với đào tây
Nước non chỉ nguyện rồng mây đá vàng … -
Vè trái cây
Nghe vẻ nghe vè
Nghe vè trái cây
Dây ở trên mây
Là trái đậu rồng
Ðủ vợ đủ chồng
Là trái đu đủ
Cắt ra nhiều mủ
Là trái chuối chát
Mình tựa gà ác
Trái khóm, trái thơm.
Cái đầu chôm bôm
Là trái bắp nấu
Hình thù xâu xấu
Trái cà dái dê … -
Vè say rượu
Ngôn đa ngữ thất
Nói trật nhiều điều
Tiền rượu chúng kêu
Còn ngồi nói pháo
Nhiếc rằng nói láo
Uống chẳng biết lo
Rượu muốn đong cho
Tiền không chịu trả
Say rồi bậy bạ
Nói dọc nói ngang
Nằm sá nằm đàng
Té lên té xuống
Rượu bao nhiêu cũng uống
Uống quá mẹ hũ chìm
Nói như bìm bìm
Leo dây leo nhợ … -
Bốn thầy trò lên núi thỉnh kinh
Bốn thầy trò lên núi thỉnh kinh
Cái bụng chình ình là Trư Bát Giới
Cái mặt phơi phới là quỷ Sa Tăng
Cái mặt lăng nhăng là Đường Tam Tạng
Cái mặt liều mạng là Tôn Ngộ Không
Cái mặt có lông là Tam Thái Tử
Cái mặt hung dữ là Hồng Hài Nhi
Ai cầm cái li là Quan Âm Bồ Tát
Ai cầm cái bát là Phật Tổ Như Lai
Ai mà hay sai là Ngọc Hoàng Thượng Đế -
Vè ăn hàng
Vai mang xấp vải trong mo
Đi chưa tới chợ đã lo ăn hàng
Bánh in cùng những bánh bàng
Bánh bò bông, bánh ít trần, ngon thay.
Mít nghệ múi bằng cổ tay
Bánh đúc chấm mật, bánh gai, bánh bèo
Muốn ăn đừng có lo nghèo
Tiền tui trong túi đem theo đủ dùng,
Ăn một bụng ba mươi đồng
Mua mấy thứ để cho chồng tui đây
Vừa mới tới vuông đất cày
Ngồi dưới gốc cầy lật nón ra ăn
Làm vầy dạ cũng băn khoăn
Vì chưng lỗ miệng muốn ăn không chừng … -
Nghìn thu gặp hội thái bình
Nghìn thu gặp hội thái bình,
Trải xem phong cảnh khắp thành Thăng Long.
Phố ngoài bao bọc thành trong,
Cửa Nam, Giám, Bắc, Tây, Đông rõ ràng.
Ba mươi sáu mặt phố phường,
Hàng Giầy, Hàng Bạc, Hàng Ngang, Hàng Đào.
Người đài các, kẻ thanh tao,
Qua hàng thợ Tiện lại vào Hàng Gai.
Hàng Thêu, Hàng Trống, Hàng Bài,
Hàng Khay trở gót ra chơi Tràng Tiền
Nhác trông chẳng khác động tiên,
Trên đồn cờ kéo, dưới thuyền buồm giăng.
Phong quang lịch sự đâu bằng,
Dập dìu võng lọng, tưng bừng ngựa xe. … -
Thiên triều văn
Thương thay, hỡi các chú ơi
Ăn uống đã rồi thầy kể một văn:
Quý Tỵ giữa ngày mồng năm,
Giờ Dần chính nguyệt ầm ầm huyên hoa
Một chi đánh ở Đống Đa
Cầu Duệ kéo đến tốt xa muôn phần
Phép voi bại trận tiên phong
Cầu nhương sụt cả xuống sông Bồ Đề
Đao binh tử trận đầy khe
Dọc đường gài gác nằm kề năn năn
Chú sang cứu viện nước Nam
Chẳng may gặp phải suối vàng thương thay
Chú thì thắt cổ trên cây
Chú thì tự vẫn ở nay trong nhà
Chú thì thác xuống Diêm La
Chú nào còn sống về nhà đại minh … -
Vè xin xâu
Lẳng lặng mà nghe
Cái vè xin thuế
Mùa màng mất tệ
Buôn bán không ra
Kẻ gần người xa
Cũng nghèo cũng khổ
Hai đồng xâu nọ
Bảy ngày công sưu
Cao đã quá đầu
Kêu đà ngắn cổ
Ở đâu ở đó
Cũng rúc mà ra
Kẻ kéo xuống Tòa
Người nằm trên tỉnh
Đông đà quá đông
Trong tự Hà Đông
Ngoài từ Diên Phước … -
Bực mình lên tận thiên cung
Bực mình lên tận thiên cung
Bắt ông Nguyệt lão hỏi thăm vài lời
Nỡ lòng trêu ghẹo chi tôi
Lênh đênh bèo nổi mây trôi một thì
Biết người biết mặt nhau chi
Để đêm em tưởng ngày thì em mơ
Bắc Ninh cho đến Phủ Từ
Qua cầu sông Nhị ngẩn ngơ tìm người
Tìm người chẳng biết mấy nơi
Tìm ba mươi sáu phố thấy người ở đây. … -
Dai như đỉa
-
Đái dắt rau ngót, đái buốt rau sam
-
Đãi cát tìm vàng
Đãi cát tìm vàng
-
Dại bầy hơn khôn độc
-
Dài lưng tốn vải
Dài lưng tốn vải
-
Đãi cứt gà lấy tấm
Đãi cứt gà lấy tấm
-
Đãi cứt sáo lấy hạt đa, đãi cứt gà mót hạt tấm
-
Dai như bò đái
Dai như bò đái
Chú thích
-
- Gò Công
- Nay là tên một thị xã thuộc tỉnh Tiền Giang, giáp với thành phố Mỹ Tho. Tỉnh Gò Công ngày xưa bao gồm thị xã Gò Công, huyện Gò Công Đông và huyện Gò Công Tây ngày nay. Gò Công Đông và Gò Công Tây là vùng duyên hải, có hai cửa biển của sông Tiền: cửa Đại và cửa Tiểu. Tên gọi Gò Công xuất phát từ việc vùng đất này trước đây có nhiều chim công (khổng tước), vì vậy tên Hán Việt của Gò Công là Khổng Tước Nguyên. Gò Công gắn liền với tên tuổi người anh hùng Trương Định.
-
- Rạch Lá
- Tên gọi khác của sông Tra, một nhánh của sông Vàm Cỏ. Trong cuộc khởi nghĩa Gò Công của người anh hùng Trương Định, rạch Gò Công và rạch Lá là hai chiến lũy quan trọng.
-
- Võ Tánh
- Danh tướng triều Nguyễn dưới thời Nguyễn Ánh. Ông có công giúp Nguyễn Ánh chống nhà Tây Sơn và mất trước khi nhà Nguyễn chính thức thành lập.
Năm 1800, ông và Lễ bộ tham tri Ngô Tùng Châu trấn giữ thành Bình Định. Thành bị hai đại tướng Tây Sơn là Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng bao vây suốt 18 tháng liền. Đến ngày 7/7/1801, nhắm không cầm cự được nữa, ông cho người trao Trần Quang Diệu bức thư xin tha chết cho quân sĩ trong thành, rồi sai thuộc hạ lấy rơm củi chất dưới lầu Bát Giác, đổ thuốc súng vào, châm ngòi tự vẫn.
Đương thời, ông được xếp cùng với Đỗ Thành Nhơn và Châu Văn Tiếp là "Gia Định tam hùng" (ba người hùng đất Gia Định). Ông giữ chức Hậu quân nên nhân dân yêu mến gọi ông là quan Hậu, hoặc ông Hậu.
-
- Trương Định
- Còn có tên là Trương Công Định hoặc Trương Đăng Định, một võ quan dưới thời vua Tự Đức triều Nguyễn và là thủ lĩnh chống Pháp trong giai đoạn 1859-1864. Ông sinh tại làng Tư Cung, phủ Bình Sơn, Quảng Ngãi (nay là xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi). Tháng 2 năm 1859, quân Pháp đánh chiếm thành Gia Định, Trương Định đem quân đồn điền của mình lên đóng ở Thuận Kiều, bắt đầu chống Pháp. Ông tổ chức lực lượng, triển khai tác chiến trong các vùng Gò Công, Tân An, Mỹ Tho, Chợ Lớn, Sài Gòn, Đồng Tháp Mười và kéo dài đến tận biên giới Campuchia. Ngày 5 tháng 6 năm 1862, triều đình Huế ký kết hòa ước với Pháp, ra lệnh cho tất cả các lực lượng chống Pháp phải bãi binh. Trương Định kháng mệnh vua, rút quân về Gò Công, xưng là Trung thiên tướng quân, và được nhân dân tôn là Bình Tây Đại Nguyên soái, tiếp tục đánh Pháp. Ngày 19 tháng 8 năm 1864, Huỳnh Công Tấn phản bội dẫn đường cho quân Pháp bất ngờ bao vây đánh úp. Bản doanh Đám lá tối trời thất thủ, Trương Định bị trọng thương và rút gươm tự sát lúc rạng sáng ngày 20. Khi ấy, ông 44 tuổi.
Xem vở cải lương Cờ nghĩa giồng Sơn Quy nói về cuộc khởi nghĩa Trương Định.
-
- Cố hương
- Quê cũ (từ Hán Việt).
Sao chưa về cố hương?
Chiều chiều nghe vượn hú
Hoa lá rụng buồn buồn
Tiễn đưa về cửa biển
Những giọt nước lìa nguồn
(Hương rừng Cà Mau - Sơn Nam)
-
- Nội gia
- Trong nhà.
-
- Tam tòng
- Những quy định mang tính nghĩa vụ đối với người phụ nữ phương Đông trong xã hội phong kiến ngày trước, xuất phát từ các quan niệm của Nho giáo. Tam tòng bao gồm:
Tại gia tòng phụ: khi còn nhỏ ở với gia đình phải theo cha,
Xuất giá tòng phu: khi lập gia đình rồi phải theo chồng,
Phu tử tòng tử: khi chồng qua đời phải theo con.
-
- Cương thường
- Cũng đọc là cang thường, cách nói tắt của tam cương ngũ thường, một khái niệm về đạo lí của Nho giáo trong chế độ phong kiến dành cho nam giới. Tam cương nghĩa là ba giềng mối (cương là đầu mối của lưới, nắm được cương thì các mắt lưới sẽ giương lên), gồm có quân thần (vua tôi), phụ tử (cha con), và phu phụ (chồng vợ). Ngũ thường (năm đức tính phải có) gồm: Nhân (đức khoan dung), lễ (lễ độ), nghĩa (đạo nghĩa), trí (trí tuệ) và tín (lòng thành thật).
Trong ca dao - dân ca, đạo cang thường thường dùng để chỉ tình cảm vợ chồng.
-
- Phu phụ
- Vợ chồng (từ Hán Việt: phu là chồng, phụ là vợ).
-
- Chữ đồng
- Từ cụm từ Hán Việt "đồng tâm đái," hoặc "dải đồng," chỉ sợi thắt lưng ngày xưa có hai dải lụa buộc lại với nhau. Văn chương cổ dùng từ "chữ đồng" hoặc "đạo đồng" để chỉ sự kết nguyền chung thủy của vợ chồng.
Đã nguyền hai chữ đồng tâm
Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai
(Truyện Kiều)
-
- Sãi
- Một địa danh nay thuộc xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Sãi là gọi theo chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, người đã cho lập nên vùng đất này. Tại đây có chợ Sãi nổi tiếng với món nem lụi.
-
- La Vang
- Địa danh nay thuộc xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Có giả thuyết cho rằng tên gọi này bắt nguồn từ cây lá vằng (một loại cây có thể nấu làm nước uống), hoặc chỉ tiếng kêu la của người dân để xua đuổi thú dữ. Theo truyền thuyết của người Công giáo, dưới thời vua Cảnh Thịnh, triều Tây Sơn, Ðức Mẹ đã hiện ra tại đây. Vì thế, La Vang hiện nay được xem là một thánh địa Công giáo, hàng năm có hơn nửa triệu người về hành hương.
-
- Quán Ngang
- Một địa danh thuộc huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.
-
- Dầu tràm
- Loại dầu được chiết xuất từ lá của cây tràm, có hương thơm và mùi vị dễ chịu nên được dùng trong nhiều loại thuốc ho, nước súc miệng, thuốc sát khuẩn…
-
- Đại Nại
- Tên một làng cũ thuộc xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Hiện nay làng đã được sáp nhập với làng An Thái và làng Ba Khê thành một làng lớn là Đại An Khê.
-
- Phường Trúc
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Phường Trúc, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Kim Giao
- Địa danh nay là một làng thuộc xã Hải Dương, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
-
- Phước Điền
- Địa danh nay thuộc xã Hải Thành, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
-
- Chùa Tịnh Quang
- Còn có tên là chùa Sắc Tứ, một ngôi chùa ở vùng núi phía tây nam làng Ái Tử, thuộc huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Đây là ngôi tổ đình duy nhất của tỉnh Quảng Trị thuộc hệ phái Phật giáo Bắc tông, là biểu tượng tâm linh của Phật giáo Quảng Trị.
-
- Trà Bát
- Địa danh nay là làng Trà Liên, xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
-
- Chợ Sòng
- Một địa danh nay thuộc làng Kim Đâu, xã Cam An, huyện Cam Lộ, Quảng Trị, cũng là tên một ngôi chợ ở đây. Chợ Sòng cùng với chợ phiên Cam Lộ từng là hai trung tâm thương mại sầm uất nhất Quảng Trị ngày trước. Theo Phủ biên tạp lục: Xã Phổ-lạc huyện Đăng-xương tục gọi là Chợ Sòng đấy là nơi đường thủy, đường bộ đến thâu tập lại, đi về tất phải qua lối ấy, tự chợ ấy theo con đường chính mà đi, qua cửa Điếu-ngao đến dinh Cát thì trong một trống canh.
-
- Bích La
- Địa danh nay là một làng ở xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, nằm bên bờ Đông của sông Thạch Hãn. Đây là một ngôi làng cổ có bề dày lịch sử và truyền thống văn hoá lâu đời, nơi được coi là vùng đất "địa linh nhân kiệt."
-
- Trà Lộc
- Địa danh nay là một làng thuộc xã Hải Xuân, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Làng có trằm (bàu nước) Trà Lộc, nay là một khu du lịch sinh thái có tiếng trong vùng.
-
- An Đôn
- Địa danh nay là một phường thuộc thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị.
-
- Mai Lĩnh
- Địa danh nay là một quận thuộc tỉnh Quảng Trị.
-
- Đạo Đầu
- Địa danh nay là một thôn thuộc xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
-
- Trầu nguồn
- Loại trầu của đồng bào dân tộc trồng trên núi, có lá to, hương đậm.
-
- Khe Gió
- Địa danh thuộc địa phận xã Cam Thành, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Khe Gió vốn là một khe suối và một thung lũng nhỏ nằm giữa hai dãy núi cao chạy theo hướng đông, tạo nên một địa hình lòng máng hút gió từ sông Hiếu đổ về. Đây là một địa điểm du lịch sinh thái nổi tiếng của tỉnh.
-
- Trung Đơn
- Địa danh nay là một làng thuộc xã Hải Thành, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
-
- Dứa
- Còn gọi là thơm hoặc gai, loại cây ăn quả có thân ngắn, lá dài, cứng, có gai ở mép và mọc thành cụm ở ngọn thân, quả có nhiều mắt, phía trên có một cụm lá.
-
- Bồ Bản
- Địa danh nay là một làng thuộc xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
-
- An Lộng
- Địa danh nay là một làng thuộc xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
-
- Xôi thống
- Một loại xôi đặc sản ở xã Hải Thành, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Xôi làm từ loại nếp rất thơm, khi ăn có vị ngọt.
-
- Hải Thành
- Địa danh nay là một xã thuộc huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Xuất hiện trên bản đồ nhà Nguyễn khoảng đầu thế kỷ 19, hiện nay Hải Thành còn lưu giữ một vài truyền thống như lễ cúng thần hoàng, lễ chạp mã làng, chạp mã họ, lễ đua ghe...
-
- Trí Bưu
- Tên một làng nay thuộc phường 2, thị xã Quảng Trị. Làng có tên cũ là Cổ Bưu (gọi trại là Cổ Vưu), do trước đây có một nhà trạm để lo việc chuyển nhận thư từ và công văn từ triều đình.
-
- Triệu Phước
- Địa danh nay là một xã thuộc huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
-
- Đông Hà
- Địa danh nay là thành phố trung tâm của tỉnh Quảng Trị.
-
- Hội Yên
- Địa danh nay là một làng thuộc xã Hải Quế, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
-
- Loan
- Theo một số điển tích thì phượng hoàng là tên chung của một loại linh vật: loan là con mái, phượng là con trống. Cũng có cách giải nghĩa khác về loan, mô tả loan là một loài chim giống với phượng hoàng. Trong văn thơ cổ, loan và phụng thường được dùng để chỉ đôi vợ chồng hoặc tình cảm vợ chồng (đèn loan, phòng loan...)
Nào người phượng chạ loan chung,
Nào người tiếc lục tham hồng là ai
(Truyện Kiều)
-
- Nguyệt
- Mặt trăng (từ Hán Việt).
-
- Rồng mây
- Còn nói hội rồng mây, hội long vân, chỉ việc gặp thời cơ tốt, công danh hiển đạt, nguyên từ một câu trong Kinh Dịch "Vân tùng long, phong tùng hổ" (mây theo rồng, gió theo hổ), ý nói những vật cùng khí loại thường cảm ứng mà tìm đến nhau. Trong ca dao Nam Bộ, rồng mây lại biểu trưng cho sự hòa hợp gắn bó giữa đôi lứa trong tình yêu.
-
- Đá vàng
- Cũng nói là vàng đá, lấy ý từ từ Hán Việt kim thạch. Kim là kim khí để đúc chuông, đỉnh. Thạch là đá. Ngày trước, những lời vua chúa hoặc công đức của nhân vật quan trọng được khắc ghi trên bia đá hay chuông, đỉnh đồng để lưu truyền mãi mãi. Đá vàng vì thế chỉ sự chung thủy son sắt, hoặc sự lưu truyền tên tuổi mãi mãi về sau.
-
- Đậu rồng
- Còn gọi là đậu khế, hay đậu xương rồng, hoặc đậu cánh, thuộc loại thân thảo leo, nếu được dựng giàn, đậu rồng có thể bò lan trên 3m. Đậu rồng sinh trưởng và phát triển chủ yếu ở những nước nhiệt đới và cận nhiệt đới, giàu dinh dưỡng lại rất dễ trồng.
-
- Đu đủ
- Loại cây ăn quả rất thường gặp ở Việt Nam. Quả đu đủ có thể ăn xanh (làm nộm, hầm, hoặc làm mắm) hoặc ăn chín.
-
- Chuối chát
- Chuối hột lúc còn non, thường được dùng trong các món trộn hoặc rau sống.
-
- Khóm
- Loại cây có họ hàng với dứa, ở mép lá có răng như gai nhọn, khi chín quả không có màu vàng như dứa. Ở một số vùng người ta cũng gọi chung khóm và dứa là một.
-
- Cà dái dê
- Còn có tên là cà tím, quả mọng nhiều cùi thịt, chứa nhiều hạt nhỏ và mềm, được dùng để chế biến thức ăn trong nhiều nền ẩm thực Á, Âu. Tên cà tím và cà dái dê đều không thực chính xác vì có nhiều quả cà tím không mang màu tím, hay không có hình thù như dái dê.
-
- Ngôn đa ngữ thất
- Trích từ sách Cảnh Hạnh Lục (Minh Tâm Bảo Giám): Ngôn đa ngữ thất giai nhân tửu, nghĩa đoạn thân sơ chỉ vị tiền (nói nhiều, nói bậy đều do rượu, dứt tình nghĩa, chia lìa thân thuộc cũng vì tiền).
-
- Nói pháo
- Nói khoác.
-
- Đàng
- Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Bìm bìm
- Một loại cây leo, hoa hình phễu, trắng hoặc tím xanh, thường mọc hoang hoặc được trồng làm cảnh ở các bờ rào.
-
- Trư Bát Giới
- Một trong ba đồ đệ phò tá Đường Tam Tạng đi Tây Thiên lấy kinh trong truyện Tây Du Ký. Vốn là Thiên Bồng Nguyên Soái trên thiên đình, vì say rượu và trêu ghẹo Hằng Nga mà y bị đày xuống hạ giới trong bộ dạng nửa người nửa lợn với tính cách lười biếng, tham ăn, mê sắc dục, và hay đố kị với Tôn Ngộ Không. Bát Giới có tổng cộng 36 phép biến hóa thần thông, sử dụng vũ khí là cái bồ cào.
-
- Sa Ngộ Tịnh
- Thường gọi là Sa Tăng, đồ đệ út (sau Tôn Ngộ Không và Trư Bát Giới) của Đường Tam Tạng trong tiểu thuyết Tây Du Ký. Y vốn lãnh chức Quyển Liêm Đại Tướng trên thiên đình, chuyên coi rèm cho Ngọc Hoàng Thượng Đế, vì say rượu đánh vỡ chén lưu ly ở hội Bàn Đào mà bị đày xuống sông Lưu Sa làm thủy quái, rồi sau được Đường Tăng thu phục, chuyên gánh đồ đạc và giữ ngựa Bạch Long trên đường thỉnh kinh. Sa Tăng có 18 phép thuật, giỏi chiến đấu dưới nước, và dùng vũ khí là một cây bảo trượng nặng 5.048 cân.
-
- Huyền Trang
- Thường gọi là Đường Tam Tạng hoặc Đường Tăng, một cao tăng sống vào thời Đại Đường ở Trung Quốc (nên cũng gọi là Đường Huyền Trang). Ông tên tục Trần Huy (Trần Vĩ hoặc Trần Y), sinh khoảng năm 602-604 tại Lạc Châu, huyện Câu Thị, tỉnh Hà Nam, quy y từ rất sớm. Ông là người đã sang Ấn Độ (thời ấy gọi là Tây Trúc) để học Phật pháp trong nguyên gốc tiếng Phạn và đem về phổ biến ở Trung Quốc. Chuyến đi Ấn Độ của ông được dân gian thần thoại hóa, và được Ngô Thừa Ân chép lại thành bộ tiểu thuyết Tây Du Ký, một trong những tác phẩm kinh điển của văn học Trung Hoa. Trong truyện, Đường Tăng được mô tả là một người hiền lành nhưng nhu nhược và u mê, thường bị yêu quái đón bắt để ăn thịt.
-
- Tôn Ngộ Không
- Một trong số các nhân vật chính trong tiểu thuyết Tây Du Ký của nhà văn Trung Quốc Ngô Thừa Ân, rất quen thuộc trong văn hóa Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc. Tôn Ngộ Không vốn là một con khỉ nứt từ đá ra, học được 72 phép biến hóa, có phép Cân đẩu vân (bay lộn trên mây, nhún mình một cái bay được một vạn tám ngàn dặm), sử dụng vũ khí là gậy sắt (thiết bảng), tự xưng là Tề Thiên Đại Thánh. Sau Tôn Ngộ Không theo phò Đường Tam Tạng sang Tây Trúc thỉnh kinh, dọc đường có nhiều công trạng trong việc đánh yêu ma quỷ quái, bảo vệ Đường Tăng, đồng thời cũng gặp phải nhiều kiếp nạn.
-
- Na Tra
- Một vị thần trong thần thoại dân gian Trung Hoa, được nhắc đến nhiều trong các tác phẩm văn học cổ Trung Quốc như Tây du ký và Phong thần diễn nghĩa. Ông là con út của Thác Tháp Thiên Vương Lý Tịnh, em của Kim Tra và Mộc Tra (nên cũng gọi là Tam thái tử). Na Tra được miêu tả là một vị thiên tướng khôi ngô, tuấn tú, mặt đẹp như ngọc, mắt sáng, môi đỏ, bản tính nóng nảy, thẳng thắn, tay cầm thương, tay cầm vòng càn khôn, chân đi bánh xe Phong Hỏa.
-
- Hồng Hài Nhi
- Một con yêu quái trong truyện Tây Du Ký. Hồng Hài Nhi là con của Ngưu Ma Vương và Thiết Phiến Công chúa (Bà La Sát), có hình hài của một đứa bé nhưng đã trên ba trăm tuổi, ngụ ở Hỏa Vân Động. Hồng Hài Nhi là khắc tinh của Tôn Ngộ Không, đã đốt chết Tôn Ngộ Không một mạng tại núi Hồng Lĩnh. Sau Hồng Hài Nhi được Quan Âm thu phục, phong làm Thiện Tài Đồng Tử.
-
- Quan Âm bồ tát
- Quan Âm, Quan Thế Âm, Quán Âm, Phật Bà đều là các tên gọi khác nhau của Quán Thế Âm, một trong những vị Bồ Tát quan trọng nhất trong Phật giáo Đại thừa. Theo đạo Phật cũng như dân gian, Quan Âm có hình hài của một người phụ nữ, gương mặt hiền lành phúc hậu, đứng hoặc ngồi xếp bằng trên tòa sen, tay cầm bình nước cam lồ, thường hiện ra để cứu khổ cứu nạn - vì vậy những người gặp nạn thường niệm "Nam mô Quan Thế Âm bồ tát." Một số tài liệu, hình vẽ và tượng lại mô tả Quan Âm là một vị phật có nghìn mắt, nghìn tay để quán xuyến việc thế gian.
-
- Thích Ca
- Người sáng lập đạo Phật. Thích Ca (hay Thích Già) là phiên âm Hán Việt của 釋迦, từ này lại là chuyển ngữ của từ शाक्य Shakya trong tiếng Sanskrit. Shakya là tên một bộ tộc định cư ở miền bắc Ấn Độ thời cổ. Đức Phật là một thành viên của bộ tộc này, vì thế người ta còn gọi ngài là Phật Thích Ca (để phân biệt với các vị Phật khác). Trong dân gian, người ta cũng hay gọi tên ngài là Phật Tổ Như Lai.
-
- Ngọc Hoàng Thượng Đế
- Thường được gọi tắt là Ngọc Hoàng, cũng gọi là Ngọc Đế hoặc Thiên Đế, vị vua tối cao của bầu trời, cai quản Thiên đình trong quan niệm của Trung Quốc và Việt Nam. Theo thần thoại, Ngọc Hoàng Thượng Đế là người trần, tu luyện một nghìn bảy trăm năm mươi kiếp, mỗi kiếp mười hai vạn chín nghìn sáu trăm năm. Ngọc Hoàng cai quản toàn bộ lục giới : Nhân, Thần, Ma, Yêu, Quỷ, Tiên.
-
- Mo
- Phần vỏ ngoài của hoa dừa hay hoa cau. Khi hoa còn non chưa nở, mo màu xanh, hai cánh dạng thuyền úp lại che chở cho hoa bên trong. Mo tự tách ra khi hoa nở và khô dần đi khi cây đậu quả. Mo cau, mo dừa già sẽ tự rụng xuống hoặc được người trồng giật xuống khi thu hái quả. Mo cau mềm mại, dẻo dai, được dân ta sử dụng để gói giò (chả) và nhất là gói cơm nắm mang theo khi làm đồng làm rẫy. Cơm nắm mo cau là một hình ảnh quen thuộc và thân thương với người nông dân nước ta.
-
- Bánh in
- Một loại bánh có xuất xứ từ Huế, được làm từ bột năng, bột nếp, đậu xanh, đường, các nguyên liệu khác và được ép, đức thành khuôn mặt đáy của bánh thường khắc các hình chữ Phúc, Lộc, Thọ hoặc các hình trang trí khác và gói trong giấy bóng kính ngũ sắc. Đây là loại bánh để dùng trong ngày Tết, phục vụ việc thờ cúng và đãi khách.
-
- Bánh bàng
- Một loại bánh làm từ bột mì, đường, và trứng, được nướng xốp, mặt vàng, gần giống bánh ga-tô, có hình dáng giống quả bàng,
-
- Bánh bò
- Một loại bánh làm bằng bột gạo, nước, đường và men, một số nơi còn cho thêm dừa nạo. Có một số loại bánh bò khác nhau tùy vùng miền, ví dụ Sóc Trăng có bánh bò bông, Châu Đốc có bánh bò thốt nốt...
-
- Bánh ít
- Loại bánh dẻo làm bằng bột nếp, có mặt ở nhiều địa phương, có nơi gọi là bánh ếch hay bánh ết. Tùy theo từng vùng mà bánh ít có hình dạng và mùi vị khác nhau: hình vuông, hình tháp, hình trụ dài, gói lá chuối, lá dứa, không nhân, nhân mặn, nhân ngọt... Bánh ít là món bánh không thể thiếu trong các dịp lễ Tết, giỗ cúng.
-
- Bánh đúc
- Bánh nấu bằng bột gạo tẻ hoặc bột ngô quấy với nước vôi trong, khi chín đổ ra cho đông thành tảng, thường được ăn kèm với mắm tôm. Bánh đúc là món quà quen thuộc của làng quê.
-
- Bánh ít lá gai
- Gọi tắt là bánh gai, một loại bánh ít đặc sản của miền Trung. Bánh làm từ lá gai quết nhuyễn với bột dẻo, tạo cho lớp áo ngoài của bánh có màu xanh đen đặc trưng. Nhưn (nhân) bánh thường là đậu xanh, dừa, đường, thêm chút quế và vani để tạo mùi thơm; đôi khi người ta cũng làm nhân bánh từ tôm xào với thịt, tạo ra món bánh ít mặn.
-
- Bánh bèo
- Một món bánh rất phổ biến ở miền Trung và miền Nam. Bánh làm từ bột gạo, có nhân phía trên mặt bánh làm bằng tôm xay nhuyễn. Nước chấm bánh bèo làm từ nước mắm, và thường đổ trực tiếp vào bánh chứ không cần chấm. Thành phần phụ của bánh bèo thường là mỡ hành, đậu phộng rang giã nhỏ. Tuỳ theo địa phương, có những cách thêm bớt khác nhau cho món bánh này, ví dụ ở Sài Gòn thường bỏ đậu xanh, đồ chua, lại cho ăn kèm bánh đúc, bánh ít, bánh bột lọc...
-
- Kơ nia
- Người Kinh gọi là cây cầy hoặc cây cốc, một loại cây gỗ cứng mọc nhiều ở các tỉnh Tây Nguyên, ngoài ra còn phân bố từ Quảng Nam đến một số tỉnh Nam Bộ cũng như các đảo Phú Quốc, Côn Đảo. Cây kơ nia có một ý nghĩa tâm linh rất lớn đối với đồng bào các dân tộc thiểu số.
-
- Hoàng thành Thăng Long
- Gọi tắt là thành Hà Nội hoặc Hà thành, một công trình kiến trúc đồ sộ, được xây dựng qua nhiều triều đại phong kiến nước ta. Khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, tại thành Hà Nội đã xảy ra ít nhất hai trận đánh quan trọng: trận thành Hà Nội thứ nhất (20/11/1873) và trận thành Hà Nội thứ hai (25/4/1882). Chỉ huy thành trong hai trận này lần lượt là đô đốc Nguyễn Tri Phương và tổng đốc Hoàng Diệu.
-
- Hoàng thành từ thời Lý mở ra 4 cửa: Diệu Đức (cửa Bắc), Đại Hưng (cửa Nam), Quảng Phúc (cửa Tây), Tường Phù (cửa Đông). Giám là khu tập trung các sở quan lại, trung tâm văn hóa, giáo dục (Quốc Tử Giám, Khâm Thiên Giám, Giảng Võ Đường...).
-
- Ba mươi sáu phố
- Một cách gọi của đô thị cổ Hà Nội, khu vực dân cư nằm về phía đông của hoàng thành Thăng Long, nơi tập trung nhiều hoạt động buôn bán. Khu vực này rộng hơn khu phố cổ Hà Nội ngày nay.
"Ba mươi sáu" là một con số mang tính ước lệ, số phố thực tế nhiều hơn con số này, và thay đổi theo thời kì.
-
- Hàng Giầy
- Một phố của Hà Nội xưa, nay vẫn mang tên là phố Hàng Giầy, thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phố Hàng Giầy xưa là nơi tập trung những người thợ đóng giầy dép gốc làng Chắm, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương lên Thăng Long làm ăn.
-
- Hàng Bạc
- Một con phố của Hà Nội xưa, nay vẫn mang tên là phố Hàng Bạc, thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Thời Lê, trường đúc bạc của triều đình đặt ở đây, đến thời Nguyễn mới dời vào Huế. Phố Hàng Bạc xưa là nơi tập trung nhiều cửa hiệu làm đồ kim hoàn, đúc vàng bạc và đổi tiền.
-
- Hàng Ngang
- Tên một phố cổ của Hà Nội. Vào thế kỉ 18 đoạn đầu phố giáp phố Hàng Đào gọi là phố Hàng Lam, chuyên bán đồ tơ lụa màu xanh lam; đến thế kỉ 19 có tên là phố Việt Đông do có nhiều người Trung Hoa gốc Quảng Đông sinh sống. Khu phố Hoa Kiều buôn bán sầm uất, giàu có, hai đầu phố làm hai cánh cổng để buổi tối đóng lại, đó có thể là một nguồn gốc của tên gọi Hàng Ngang.
-
- Hàng Đào
- Một con phố của Hà Nội xưa, nay thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, phía nam là quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục sát bờ hồ Hoàn Kiếm, đầu phía bắc giáp phố Hàng Ngang. Ở đây còn di tích của trường Đông Kinh Nghĩa Thục (nhà số 10). Tên phố có nguồn gốc từ mặt hàng vải nhuộm đỏ được bán nhiều ở phố.
-
- Đài các
- Từ chữ Hán đài 臺: lầu cao, và các 閣: tầng gác. Chỉ những chỗ cao sang, quyền quý.
-
- Hàng Tiện
- Một phố cổ của Hà Nội, nay là phố Tô Tịch, thuộc quận Hoàn Kiếm. Phố lập nên do những người thợ gốc ở làng tiện Nhị Khê (huyện Thường Tín, Hà Tây cũ) đến buôn bán và hành nghề. Thời đó thợ tiện dùng bàn tiện đạp hai chân làm ra các đồ thờ, các vật dụng hàng ngày như mâm, bát hay đồ chơi gỗ cho trẻ em bằng gỗ mít, xoan hoặc gỗ tạp…
-
- Hàng Gai
- Một con phố của Hà Nội xưa, nay vẫn mang tên là phố Hàng Gai, thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phố Hàng Gai thời Lê có nhiều cửa hàng bán các loại dây gai, dây đay, võng, thừng, nên dân gian còn gọi là phố Hàng Thừng. Sang thời Nguyễn, các sản phẩm này mai một dần, phố Hàng Gai trở thành khu in ấn và bán sách.
-
- Hàng Thêu
- Một phố cổ của Hà Nội, xưa chuyên bày bán các mặt hàng thêu thùa. Phố dài khoảng 40 mét, cùng với Hàng Tranh, Hàng Trống hợp thành phố Hàng Trống ngày nay, thuộc quận Hoàn Kiếm.
-
- Hàng Trống
- Một con phố của Hà Nội xưa, nay thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, đi từ cuối phố Hàng Gai đến giữa phố Lê Thái Tổ. Gọi là Hàng Trống do trước đây những người dân làm trống làng Liêu Thượng (nay thuộc huyện Yên Mỹ, Hưng Yên) tới đây cư trú và buôn bán. Ngoài ra còn có nghề làm lọng của dân làng Đào Xá (Thường Tín, Hà Tây cũ), nghề vẽ tranh của dân làng Tự Tháp.
-
- Hàng Bài
- Một phố nằm trong khu phố cổ Hà Nội, được xây dựng trên nền đất xưa vốn thuộc thôn Hậu Lâu, tổng Hữu Túc và hai thôn Vũ Thạch Hạ, Hàm Châu, tổng Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ. Xưa ở đầu phố có chợ Mới (chợ Hàng Bài) có bày bán nhiều cỗ bài lá nên phố mới có tên gọi Hàng Bài.
-
- Hàng Khay
- Còn gọi là phố Thợ Khảm, một phố của Hà Nội xưa, chạy dọc theo bờ nam hồ Hoàn Kiếm, tương ứng với phố Hàng Khay và đoạn cuối phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội hiện nay. Mặt hàng chính của phố Hàng Khay xưa là các sản phẩm gỗ khảm xà cừ như khay, mâm, sập, gụ, tủ, bàn.
-
- Tràng Tiền
- Tên một khu phố của Thăng Long-Hà Nội, nằm theo hướng Đông - Tây, kéo dài từ đầu hồ Gươm, chỗ phố Hàng Khay, cho tới nhà hát Lớn. Có ý kiến cho rằng phố có tên gọi như vậy là vì vào khoảng năm 1808, tại đây là nơi đúc tiền được nhà Nguyễn lập ra, tên gọi Nôm là Tràng Tiền (xem Quan xưởng Tràng Tiền). Dưới thời Pháp thuộc, phố có tên gọi là Rue (phố) Paul Bert, đặt theo tên một nhà khoa học của Pháp. Từ xưa đến nay, đây luôn là một trong những khu phố nhộn nhịp nhất Hà Thành.
-
- Tức ngày mùng năm tháng Giêng năm Kỷ Dậu, bắt đầu trận Ngọc Hồi. Theo Lê quý kỷ sự và Việt sử Thông giám cương mục, mờ sáng mùng 5, 100 voi chiến Tây Sơn tiến lên. Ngựa quân Thanh sợ voi, lui lại, giẫm lên nhau lùi về đồn. Quân Thanh cố thủ trong đồn bắn ra. Quang Trung chia tượng binh làm hai cánh, một cánh vòng qua sau đồn Ngọc Hồi, đóng phía đông đê Yên Duyên để chặn đường địch rút; cánh kia dùng mộc tẩm rơm ướt tiến lên hãm đồn. Đại bác quân Thanh bị vô hiệu lực. Quân Tây Sơn tiến vào đồn hỗn chiến. Đại Nam chính biên liệt truyện mô tả, quân Thanh không chống nổi chạy tản ra tứ phía, lại giẫm phải địa lôi chính mình đặt từ trước nên chết rất nhiều. Đồn Ngọc Hồi bị quân Tây Sơn thiêu cháy.
-
- Chính nguyệt
- Tháng giêng âm lịch.
-
- Huyên hoa
- Huyên náo, ồn ào (từ cổ).
-
- Đống Đa
- Địa danh nay là một quận nằm ở trung tâm thủ đô Hà Nội. Tại đây năm 1789 quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy của vua Quang Trung đã đánh tan hai vạn quân Thanh xâm lược. Tương truyền sau chiến thắng, vua Quang Trung cho thu nhặt xác giặc xếp vào 12 cái hố rộng, lấp đất chôn và đắp thành gò cao, trên gò cây cối mọc um tùm nên có tên là gò Đống Đa.
-
- Cầu Duệ
- Chưa rõ ở đâu. Có ý kiến cho rằng đây là một cái cầu bắc qua sông Nhuệ, chảy qua Thăng Long.
-
- Tốt xa
- Quân lính (tốt) và xe (xa).
-
- Cầu nhương
- Tranh cướp nhau để lên cầu.
-
- Sông Bồ Đề
- Một đoạn sông Hồng thuộc thành Thăng Long ngày trước. Đây chính là nơi 20 vạn quân Thanh của Tôn Sĩ Nghị đóng quân khi sang xâm lược nước ta vào năm 1788, trước khi bị vua Quang Trung dẫn nghĩa quân Tây Sơn tiến ra Bắc đánh cho tan tành.
-
- Năn năn
- Xót thương, oán hận (từ cổ).
-
- Suối vàng
- Cõi chết. Từ này bắt nguồn từ chữ hoàng tuyền, cũng đọc là huỳnh tuyền. Hoàng tuyền vốn có nghĩa là suối ngầm, mạch nước ngầm ở dưới đất, vì đất màu vàng nên có tên như vậy.
Gọi là gặp gỡ giữa đường
Họa là người dưới suối vàng biết cho
(Truyện Kiều)
-
- Âm phủ
- Cũng gọi là âm ty, âm cung, một khái niệm trong tín ngưỡng dân gian của nhiều dân tộc. Theo đó, linh hồn của người chết sẽ được đưa đến âm phủ, được luận xét công tội khi còn là người trần, sau đó tuỳ mức độ công tội mà được đưa đi đầu thai (thành người hoặc vật) hoặc phải chịu các hình phạt khủng khiếp. Trong văn hoá Trung Hoa và Việt Nam, âm phủ cũng có hệ thống như trần gian: đứng đầu âm phủ là Diêm Vương (cũng gọi là Diêm La Vương, nên âm phủ còn có tên là Điện Diêm La), dưới là các phán quan, cuối cùng là các quỷ dạ xoa.
-
- Đại minh
- Giác ngộ, hiểu rõ.
-
- Sưu thuế
- Sưu (hay xâu) là số ngày người dân phải tham gia lao động công ích, nhưng cho phép nộp bằng tiền để thuê người làm thay; thuế là số tiền (hoặc hiện vật) người dân phải nộp cho chính quyền.
-
- Đà
- Đã (từ cổ, phương ngữ).
-
- Hà Đông
- Vùng đất nay là thành phố Tam Kỳ, thủ phủ của tỉnh Quảng Nam. Huyện Hà Đông thuộc phủ Thăng Hoa của đạo Thừa Tuyên – Quảng Nam, được hình thành từ năm 1471 dưới thời vua Lê Thánh Tông. Đến năm 1906, đời vua Thành Thái, huyện được nâng lên thành phủ Hà Đông, và sau đó đổi thành phủ Tam Kỳ.
-
- Diên Phước
- Tên một huyện ở phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam ngày trước (nay là xã Điện Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).
-
- Thiên cung
- Cung điện trên trời, cũng gọi là thiên đình. Theo thần thoại Trung Quốc và một số nước Đông Á (trong đó có Việt Nam), trên trời có cung điện cho Ngọc Hoàng và các thần thánh ăn ở, vui chơi và trông coi mọi việc trong vũ trụ.
-
- Nguyệt Lão
- Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.
-
- Bắc Ninh
- Một tỉnh thuộc khu vực phía bắc của vùng đồng bằng sông Hồng, rất giàu truyền thống văn hóa. Bắc Ninh có nhiều lễ hội (hội Lim, hội Đền Đô, hội Phù Đổng...), nhiều đền chùa (chùa Bút Tháp, chùa Dâu, chùa Phật Tích...), là quê hương của danh tướng Cao Lỗ, Lý Thái Tổ, Nguyên Phi Ỷ Lan, đồng thời là cái nôi của dân ca quan họ.
-
- Từ Sơn
- Một địa danh thuộc tỉnh Bắc Ninh. Trước đây Từ Sơn là một phủ (nên còn gọi là Phủ Từ), thuộc thừa tuyên Kinh Bắc. Sau cách mạng tháng Tám (1945), bỏ cấp phủ, đổi làm huyện Từ Sơn. Hiện nay Từ Sơn thị xã cửa ngõ phía Nam của Bắc Ninh, tiếp giáp Hà Nội. Từ Sơn là quê hương của các vị vua nhà Lý và nhiều danh nhân văn hóa - lịch sử như Vạn Hạnh Thiền sư, Ngô Gia Tự, Trần Đức Thảo...
-
- Nhị Hà
- Tên gọi trước đây của đoạn sông Hồng chảy qua địa phận Hà Nội, tính từ đoạn sông huyện Từ Liêm (hữu ngạn) và Đông Anh (tả ngạn) chảy qua phía Nam huyện Thanh Trì. Có thuyết nói rằng, đoạn sông này chảy uốn khúc như cái vòng đeo tai, nên có tên gọi là Nhị Hà (chữ Hán nhị 珥 là vòng đeo tai). Sông còn có tên khác là Phù Luông vì nước sông chảy cuốn theo phù sa sắc đỏ như son, đến mùa thu nước mới trong trở lại.
-
- Đỉa
- Một loại động vật thân mềm, trơn nhầy, sống ở nước ngọt hoặc nước lợ, miệng có giác hút để châm vào con mồi và hút máu. Tên gọi này có gốc từ từ Hán Việt điệt.
-
- Rau ngót
- Còn gọi là rau bồ ngót, bù ngọt hoặc bầu ngọt, một dạng cây bụi, có thể cao đến 2 m, phần thân khi già cứng chuyển màu nâu. Lá cây rau ngót hình bầu dục, mọc so le; sắc lá màu lục thẫm, rau có vị ngọt. Khi hái ăn, thường chọn lá non (món phổ biến là canh rau ngót thịt bằm). Rau ngót được dùng trong y học dân gian thuốc Nam để chữa một số bệnh.
-
- Rau sam
- Một loại cỏ dại sống quanh năm ở những vùng ẩm mát như bờ ruộng, bờ mương, ven đường hoặc mọc xen kẽ trong những luống hoa màu. Thân gồm nhiều cành màu đỏ nhạt, lá hình bầu dục, phiến lá dày, mặt láng, mọc bò lan trên mặt đất. Rau sam có thể dùng để ăn như những loại rau trồng khác. Rau sam phơi khô dùng làm thuốc.
-
- Độc
- Đơn lẻ (từ Hán Việt).
-
- Sáo
- Tên chung của một số loài chim nhỏ, có bộ lông sẫm màu, thường sống trong các hốc, lỗ, và đẻ trứng có vỏ màu xanh lam hoặc trắng. Vài loài sáo có khả năng bắt chước tiếng người, nên thường được nuôi làm chim cảnh.
-
- Đa
- Một loại cây thân thuộc, được coi như biểu tượng của làng quê Việt Nam, cùng với giếng nước và sân đình. Cây đa cổ thụ có tán rất rộng, có nhiều gốc và rễ phụ. Ở một số địa phương, cây đa còn được gọi là cây đa đa, hoặc cây da. Theo học giả An Chi, tên cây bắt nguồn từ đa căn thụ 多根樹 (cây nhiều rễ), “một hình thức dân dã mà văn chương Phật giáo dùng để mô tả và gọi tên cây một cách súc tích nhất có thể có.”
-
- Hạt tấm
- Mảnh vỡ từ hạt gạo.