Những bài ca dao - tục ngữ về "kinh nghiệm dân gian":

Chú thích

  1. Rau cần
    Một loại rau xanh thường được nhân dân ta trồng để nấu canh, xào với thịt bò, hoặc làm vị thuốc.

    Canh cá nấu cần

    Canh cá nấu cần

  2. Lưng chữ cụ, vú chữ tâm
    Lưng thẳng, cân đối (trông như chữ “cụ” 具), vú đầy đặn, săn chắc (hình dáng như chữ “tâm” 心) là hai nét hay gặp của người phụ nữ mắn đẻ, khéo nuôi con.
  3. Công
    Một loài chim thuộc họ Trĩ, có tên Hán Việt là khổng tước. Chim trống bộ lông có màu lục óng ánh, đuôi rất dài, có màu lục ánh đồng, mỗi lông ở mút có sao màu lục xanh, đỏ đồng, vàng, nâu. Mào dài, hẹp thẳng đứng, phần mặt của nó có màu vàng và xanh, khi nó múa đuôi xòe ra hình nan quạt để thu hút chim mái. Công mái không có đuôi dài và đẹp như công trống.

    Chim công

    Chim công

  4. Cốc
    Loài chim lội nước thuộc họ Bồ nông, thức ăn là các loại động vật thủy hải sản nhỏ

    Chim cốc

    Chim cốc

  5. Đầu công, mình cốc, cánh vỏ trai
    Những tiêu chuẩn để chọn gà chọi tốt.
  6. Lợn rọ, chó thui
    Lợn nằm trong rọ thì khó biết gầy béo, chó đã thui rồi thì không biết là chó lành hay chó bệnh.
  7. Lợn nhà, gà chợ
    Kinh nghiệm dân gian: mua lợn ở nhà để chọn được giống tốt, mua gà ngoài chợ để được chọn thoải mái.
  8. Đồ
    Từ tục, chỉ bộ phận sinh dục của người phụ nữ.
  9. Gà lấm lưng, chó sưng đồ
    Gà mái bị trống đạp nên lưng bị lấm, chó cái bị nhảy (sưng bộ phận sinh dục). Theo kinh nghiệm dân gian, gà và chó thời kì động dục thì thịt ngon.
  10. Rộc
    Đất trũng ven các cánh đồng, hoặc giữa hai sườn đồi núi. Cũng có nghĩa là ngòi nước nhỏ, hẹp.
  11. Ruộng gò
    Ruộng làm ở chỗ đất gò, đất cao.
  12. Tháng chín đôi mươi, tháng mười mùng năm
    Một kinh nghiệm về bắt rươi. Vào ban đêm những ngày 20 tháng 9 và mùng 5 tháng 10 âm lịch, nước thủy triều dâng lên, rất nhiều rươi chui ra khỏi mặt đất (gọi là nứt lỗ rươi).
  13. Đốm đầu thì nuôi, đốm đuôi thì thịt
    Kinh nghiệm dân gian: chó có đốm ở đầu (hoặc lưỡi) là chó tốt, trung thành với chủ, còn chó có đốm ở đuôi thì thường hung dữ, cắn cả chủ.
  14. Tháng bảy, nhìn ra hướng biển mà thấy mây nhiều thì trời sẽ mưa. Ngược lại tháng ba thì nhìn về hướng núi.
  15. Đây là một kinh nghiệm dành cho thợ may khi may quần áo: vì trẻ em mau lớn nên khi may phải may rộng hơn (may ra). Ngược lại người già thì ngày càng ốm đi, nên khi may nên may chật hơn một chút.
  16. Tra
    Già (phương ngữ Bắc Trung Bộ). Kẻ tra nghĩa là người già.
  17. Lần khân
    Lần lữa, dây dưa, kéo dài ra mà không chịu quyết định.

    Chày sương chưa nện cầu Lam,
    Sợ lần khân quá ra sàm sỡ chăng ?

    (Truyện Kiều)

  18. Gà ri
    Một giống gà đẻ trứng nhỏ, thường được nuôi ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung. Gà mái có màu lông màu vàng và nâu, có các điểm đốm đen ở cổ, đầu cánh và chót đuôi. Gà trống có lông màu vàng tía, sặc sỡ, đuôi có lông màu vàng đen dần ở phía cuối đuôi.

    Gà ri

    Gà ri

  19. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  20. Ráng
    Những đám mây sáng rực, có màu vàng hay màu hồng sẫm, do phản xạ ánh sáng mặt trời vào lúc rạng đông hay chiều tà. Từ màu sắc của ráng, nhân dân ta có thể dự đoán được thời tiết.

    Áo chàng đỏ tựa ráng pha
    Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in

    (Chinh phụ ngâm khúc)

    Ráng chiều (Ảnh: Trương Công Khả)

    Ráng chiều (Ảnh: Trương Công Khả)

  21. Ráng mỡ gà có nhà thì chống
    Khi bầu trời xuất hiện ráng màu mỡ gà thì có thể có bão lụt.