Thân trách thân, thân sao lận đận
Mình trách mình số phận hẩm hiu
Bởi thân tui cực khổ tui eo nghèo
Nên vợ tui nó mới không ở nữa mà nó theo nẫu rồi
Em ơi chứ bây giờ em ở kìa nơi đâu
Để cho anh trông đứng trông ngồi canh khuya
Hồi nào qua Phú Lễ ăn ổi chua
Xuống Đại Lãnh uống nước ngọt, qua Hòn Chùa ăn mực nang
Bây giờ em không ngó nữa em không ngàng
Đến chồng nghèo cực khổ gian nan cơ hàn
Hồi nào em thất nghiệp em đi lang thang
Anh thấy em nữa tội nghiệp, anh di mang anh nuôi rày
Hồi nào em bán nước đá rồi anh đi may
Hai đứa mình chung sống không biết ngày mai sau
Hồi nào em bắt ốc rồi anh hái rau
Bây giờ em để lại mối sầu cho qua
Hồi nào trái chuối chín cũng cắn làm ba
Trái cam tươi cũng cắn làm bốn
Nửa trái cà cũng cắn làm năm
Bây giờ em lấy nẫu em ăn nằm
Bỏ qua hiu quạnh năm canh qua một mình
Anh bây giờ, khóe mắt sầu cứ rung rinh
Giọt lệ sầu, giọt lệ thảm như nước trong bình nó tuôn ra
Anh bây giờ như con cuốc nó kêu tù oa
Nó lẻ đôi, nó lẻ bạn, quớ chu choa ơi là buồn.
Tìm kiếm "mang lại"
-
-
Thơ thầy Thông Chánh
Nhựt trình Vĩnh Ký đặt ra
Chép làm một bổn để mà coi chơi
Trà Vinh nhiều kẻ kỳ tời
Có thầy Thông Chánh thiệt người khôn ngoan
Đêm nằm khô héo lá gan
Nghĩ giận Biện lý không an tấm lòng
Chừng nào tỏ nỗi đục trong
Giết tên Biện lý trong lòng mới thanh
Lang sa làm việc Châu thành
Mười bốn tháng bảy lễ rày Chánh Chung
Chỉ sai đua ngựa rần rần
Trát đòi làng tổng tư bề đến đây
Bốn giờ đua ngựa cát bay
Phủ Hơn, Biện lý đương rày ngồi coi
Có thầy Thông Chánh hẳn hòi
Xách súng nai nịt đi coi châu thành … -
Vè đi phu Cửa Rào
Từ ngày có mặt thằng Tây
Phu phen tạp dịch hàng ngày khốn thân!
Tai vạ trửa dân
Hắn mần đã nghiệt:
Khắp nơi ráo riết
Giở sổ đếm người
Kể chi lão phụ con trai
Người đi phu cũng tội
Kẻ ở nhà cũng tội
Vua quan bối rối
Họ đập đánh lút đầu:
– Phu phải đi cho mau
Việc quan cần cho kịp!
Một ngày phải kíp
Để kiểm phu chợ Lường … -
Vè đi ở
Tóc quăn chải lược đồi mồi
Chải đứng chải ngồi, quăn vẫn hoàn quăn
Nên thì tớ ở tớ ăn
Không nên tớ giã đầu quăn tớ về.
Tháng năm công việc ê hề
Thằng ở ra về, chủ phải cưỡi trâu.
Giã ơn chúng bạn chăn trâu,
Tớ về đồng bãi hái dâu, chăn tằm.
Tớ ở chưa được nửa năm,
Chủ nhà mắng tớ, tớ nằm không yên … -
Vè Tà Lơn
Xứ hiểm địa chim kêu vượn hú
Dế ngâm sầu nhiều nỗi đa đoan
Ngó dưới sông thấy cá mập lội nghinh ngang
Nhìn dưới suối thấy sấu nằm hơn trăm khúc
Con tới đây là nguồn cao nước đục
Loài thú cầm nhiều thứ gớm ghê
Gấu chằn tinh lai vãng dựa bên hè
Còn gấu ngựa tới lui khít vách
Ra một đỗi xa ngoài mé rạch
Thấy beo nằm đếm biết mấy ngàn
Ngó lên bờ thấy cọp dọc ngang
Lần tay tính biết bao nhiêu chục
Bầy chồn cáo đua nhau lúc nhúc
Lũ heo rừng trừng giỡn bất loạn thiên … -
Vè giết đốc phủ Ca
Giáp Thân đã mãn
Ất Dậu tấn lai
Chánh ngoạt sơ khai
Bình yên phước thọ
Nhựt nguyệt soi tỏ
Nam chiếu phúc bồn
Tục danh Hóc Môn
Xứ Bình Long huyện
Hà do khởi chuyện?
Hà sự hàm mai?
Tích ác bởi ai?
Giết quan rửa hận … -
Vè rắn U Minh
U Minh nước đỏ
Choại, dớn, cóc kèn
Ăn ở cho hiền
Dạo chơi với rắn
Bất kỳ sâu cạn
Rắn nước, rắn râu
Bay trên trời cao
Rắn rồng uốn khúc
Chạy ngang chạy dọc
Rắn ngựa phóng theo
Hút gió thật kêu
Là con rắn lục
Mái gầm lục đục
Bò chậm như rùa … -
Vè lính mộ
Tai nghe nhà nước mộ dân,
những lo những sợ chín mười phần em ôi.
Anh đi ra mặt biển chưn trời,
ơn cha nghĩa mẹ hai nơi chưa đền.
Dầu mà ông Tây bắt làm phên,
nhất thắng nhì bại, không quên cái nghĩa sinh thành.
Xót em vò võ một mình,
anh đi ra biển thẳm non xanh tư bề.
Vai mang khẩu súng lưng dắt lưỡi lê,
thôi thiếp bồng con dại lui về mần ăn.
Ví dầu anh có mần răng,
nơi mô xứng gió vừa trăng em đành.
Phận chàng vạn tử nhứt sanh,
trên thời mây đen kịt, dưới nước xanh dờn dờn.
Tư bề sóng bể như sơn,
đau lòng xót dạ nhiều cơn lắm bớ nàng.
Trăm lạy ông trời đặng chữ bình an,
đóng lon chức Đội về làng hiển vinh.
Làm thịt con heo quy tế tại đình,
rượu chè chàng đãi dân tình một diên.
Tay bắt tay miệng lại hỏi liền:
anh đi ra mấy tháng em có phiền hay không.
Bảy giờ mai bước xuống tàu đồng,
tối tăm mù mịt như rồng với mây.
Hai bên những lính cùng Tây,
quân gia kéo tới chở đầy tàu binh… -
Trương Chi (hát xẩm)
Ngày xưa có anh Trương Chi
Người thì thậm xấu, hát thì thậm hay
Cô Mỵ Nương người ở lầu Tây
Con quan thừa tướng ngày rày cấm cung
Anh Trương Chi ở dưới dòng sông
Chở đò ngang dọc suốt đêm đông anh dãi dầu
Đêm thanh chàng hát một câu
Gió đưa thoang thoảng đến lầu cô Mỵ Nương
Cô Mỵ Nương nghe tiếng hát thì thương
Mà trông thấy mặt anh chường lại chê
Anh Trương Chi bèn trở ra về
Cắm sào cho chặt anh mới hát thề một câu:
“Kiếp này đã lỡ duyên nhau
Xin nguyền kiếp khác duyên sau lại thành!” … -
Vè ông Hường Hiệu
Kể từ lịch sử nước Nam triều,
Thương cho mấy người tài năng học sĩ chết đã nhiều vì Tây qua
Quảng Nam có ông Hường Hiệu ở Thanh Hà,
Trung thành với nước nên xa chốn triều thần
Về nhà sầu thảm với nhân dân,
Lâm vô tử trận chín mười phần còn chi
Tụi Tây qua đã tới Trung Kỳ,
Đế đô co kéo còn gì nước Nam
Giận thay cho chú Cần Thân,
Cầu tham lam mãi quốc biết ăn làm với ai
Nước Nam mình thiếu chi kẻ anh tài,
Văn chương đủ hết không dùi mài cho nên
Để cho nhà dột khó ngăn,
Thơ ông Hường để lại dưới đền đinh ninh
Thương thay cho cộng sản hữu tình,
Trung thành với Tổ quốc liều mình cho nên khô
Nghĩ sự tình thảm biết chừng mô,
Kẻ thì bị đày ra bỏ vợ, người bị giải vô bỏ chồng
Thù xưa còn hỡi ghi lòng,
Gang sơn Tổ quốc khi không mà thành
Giậm chân kêu với ông trời xanh,
Nhân dân xuất thế giặc Nam thành cũng tan
Đánh Anh, Tây, Nhật đầu hàng,
Sơn băng thuỷ kiệt mở mang cho nước nhà. -
Đời có sinh có tử
Đời có sinh có tử
Có người dữ người hiền
Đố anh trong truyện Vân Tiên
Có ai thọ bịnh theo tiên chầu trời?
Ai bị một gậy bỏ đời?
Ai mà thổ huyết chết nơi gia đàng?
Ai mà vừa tới lâm san
Bị cọp ăn thịt chẳng oan ức gì?
Ai mà ăn ở bất nghì
Giữa đường bị cá nuốt đi?
Ai mà hùng hổ một khi
Kéo quân chật đất, ngựa phi dậy trời
Xưng tài giỏi nhất trần đời
Bị Tiên một nhát đứt lìa đầu đi?
Anh mà phân rõ thị phi
Em đây thí phát vô chùa đi tu … -
Vè Đông Kinh
Cơn mây gió trời Nam bảng lảng
Bước anh hùng nhiều chặng gian truân
Ngẫm xem con tạo xoay vần
Bày ra một cuộc duy tân cũng kì
Suốt thân sĩ ba kì Nam Bắc
Bỗng giật mình sực thức cơn mê
Học, thương, xoay đủ mọi nghề
Cái hồn ái quốc gọi về cũng mau
Hồn đã tỉnh, bảo nhau cùng dậy
Chưa học bò vội chạy đua theo
Khi lên như gió thổi diều
Trong hò xin thuế, ngoài reo hãm thành
Cách hoạt động người mình còn dại
Sức oai quyền ép lại càng mau
Tội nguyên đổ đám nho lưu
Bắc kì thân sĩ đứng đầu năm tên … -
Vè đội Cấn
Năm Đinh Tỵ mười ba tháng bảy
Nước Nam mình phút dậy can qua
Thái Nguyên nay có một tòa
Khố xanh, khố đỏ được ba trăm người
Cũng chí toan chọc trời khuấy nước
Ông Đội ra đi trước cầm binh
Rủ nhau lập tiểu triều đình
Những là cai đội khố xanh bằng lòng
Duy phó quản bất tòng quân lệnh
Hóa cho nên hủy mệnh xót xa
Sai người mở cửa nhà pha
Đem tù ra điểm được là bao nhiêu?
Truyền tù nhân cứ theo quân lệnh
Chớ thị thường uổng mệnh như chơi
Rồi ra làm lễ tế trời
Cờ đề “Phục Quốc” tài bồi Nam bang … -
Ai đem tôi đến chốn này
Ai đem tôi đến chốn này
Bên kia Vạ Cháy, bên này Bang Gai
Trên đồn có lão quan hai
Cửa Lục tàu đậu một vài chỗ sâu
Thằng Tây mưu mẹo đã lâu
Đóng ba chiếc tầu chạy cạn cả ba
Một chiếc thì chạy Cốt Na
Chiếc vào Hà Sú, chiếc ra Hà Lầm
Mười giờ rưỡi nó kéo còi tầm
Cu li đâu đấy về nằm nghỉ ngơi
Đến mười hai giờ bốn mươi
Síp lê một tiếng muôn người kéo ra
Nó quát một tiếng chẳng là
Nó quát hai tiếng giãn ra hai hàng
Xướng thẻ thì xướng rõ ràng
Nó biên vào sổ đi làm táo tươi
Người thì ghè đá nung vôi
Người thì vác gỗ ai coi cho tường
Người thì xẻ đất đắp đường
Người thì đánh sắt ở trong lò rèn
Người thì xẻ ván đóng xe
Người thì chẻ trúc, chẻ tre đan lồng
Người xe hỏa, người máy rồng
Người biên kho gỗ, người trông kho dầu … -
Chỉ vì một chữ ăn
Ăn lông ở lỗ, từ thuở tạo thiên
Hôm sớm cửa thiền, ăn chay niệm Phật
Cả đời chật vật, làm không đủ ăn
Tánh hay hiểu lầm, làm sao ăn ở
Biết ăn theo thuở, biết ở theo thời
Tài sức thua người, thì bị ăn hiếp
Đờn ca ăn nhịp, mới thật tài năng
Người không chịu làm, hay đi ăn ké
Cần phải tránh né, cái bọn ăn dơ
Vừa vét vừa quơ, muốn ăn trọn gói
Hễ ăn một đọi, thì nói một lời
Ăn phải coi nồi, ngồi thời coi hướng … -
Em đi qua cầu qua trăm cái nhịp
Em đi qua cầu qua trăm cái nhịp
Em đi không kịp kêu bớ anh ơi
Nghĩa tào khang sao anh đành vội dứt
Đêm em nằm ấm ức ngày lụy ứa tuôn rơi
Bấy lâu nay em mang tiếng chịu lời
Xa nhau bởi tại ông trời biểu xaDị bản
Qua cầu một trăm cái nhịp
Em không theo kịp kêu bớ hỡi chàng
Cái điệu tào khang sao chàng vội dứt
Đêm nằm nghỉ tức, giọt lệ tuôn rơi
Nhón chân lên kêu: “Bớ hỡi trời
Ai bày mưu cho bạn, bạn dứt nơi ân tình!”Cầu cao ba mươi sáu nhịp,
Em theo không kịp, nhắn lại cùng chàng
Cái nợ tào khang, sao chàng vội dứt?
Ðê nằm thao thức, tưởng đó với đây.
Biết khi nao cho phượng gặp bầy
Cho le gặp nhạn
Ruột đau từng đoạn
Gan thắt chín từng
Anh với em như chanh với khế, như quế với gừng,
Dầu xa nhau nữa cũng đừng tiếng chi…
-
Ai đi đâu đấy hỡi ai
Ai đi đâu đấy hỡi ai
Hay là trúc đã nhớ mai đi tìm?
Tìm em như thể tìm chim
Chim bay bể Bắc anh tìm bể Đông
Tìm bể Ðông thấy lông chim nhạn
Tìm bể cạn thấy đàn chim di
Ai mang nhân ngãi ta đi
Thì mang nhân ngãi ta về cho ta!Dị bản
Ai đi đâu đấy hỡi ai
Hay là trúc đã nhớ mai đi tìm?
Tìm em như thể tìm chim
Chim ăn bể Bắc anh tìm bể Đông
Bể Đông không bóng chim bay
Hôm qua là chín, hôm nay là mười
Tìm em đã mướt mồ hôi
Lại đứt nút áo, lại rơi khăn đầu
Tìm em chẳng thấy em đâu
Lội sông ướt áo, qua cầu tủi ghe
Có nghe nín lặng mà nghe
Những lời anh nói như se vào lòng
-
Đồng ếch đồng ác
Đồng ếch đồng ác
Con đã về đây
Giường chiếu chẳng có
Thiệt thay trăm đường
Ban ngày ếch ở trong hang
Đêm khuya thanh vắng xở xang ra ngoài
Trời cho quan tướng nhà trời
Thắt lưng bó đuốc tìm tôi làm gì
Tìm tôi bắt bỏ vào thời
Tôi kêu ì ộp, chẳng rời tôi ra
Sáng rạng ngày ra
Con dao cái thớt xách mà đem băm
Ba thằng cầm đũa nhăm nhăm
Thằng gắp miếng thịt, thằng nhằm miếng da
Một thằng gắp miếng tù và
Nó thổi phì phà, nó lại khen ngonDị bản
Hồn ếch ta đã về đây
Phải năm khô cạn, ta nay ở bờ
Ở bờ những hốc cùng hang
Chăn chiếu chẳng có trăm đường xót xa
Lạy trời cho đến tháng ba
Được trận mưa lớn ta ra ngồi ngoài
Ngồi ngoài rộng rãi thảnh thơi
Phòng khi mưa nắng ngồi ngoài kiếm ăn
Trước kia ta vẫn tu thân
Ta tu chẳng được thì thân ta hèn
Ta gặp thằng bé đen đen
Nó đứng nó nhìn nó chẳng nói chi
Ta gặp thằng bé đen sì
Tay thì cái giỏ tay thì cần câu
Nó có chiếc nón đội đầu
Khăn vuông chít tóc ra màu xinh thay
Nó có cái quạt cầm tay
Nó có ống nứa bỏ đầy ngóe con
Nó có chiếc cán thon thon
Nó có sợi chỉ sơn son mà dài
Ếch tôi mới ngồi bờ khoai
Nó giật một cái đã sai quai hàm
Mẹ ơi lấy thuốc cho con
Lấy những lá ớt cùng là xương sông
Ếch tôi ở tận hang cùng
Bên bè rau muống phía trong bè dừa
Thằng Măng là chú thằng Tre
Nó bắt tôi về làm tội lột da
Thằng Hành cho chí thằng Hoa
Mắm muối cho vào, ơi hỡi đắng cay!
-
Tài trai đâu đáng tài trai
Tài trai đâu đáng tài trai
Tổ tôm xóc đĩa dông dài cả đêm
Canh trước tướng hãy còn tiền
Canh sau thua hết, ngồi bên lọ hồ
Cái ngoảnh đi, đưa tay thò
Cái ngoảnh lại, giả đò chén say
Còn tiền đánh cái cũng hay
Hết tiền đi ngủ, cũng hay giật mình
Tưởng sự tình, bạc nầy hai sấp
Chẳng ai ngờ, nó lại sấp ba … -
Vè Hà thành đầu độc
Một cơn gió táp mưa sa
Non sông nổi giận, cỏ hoa đeo sầu
Gió mưa nghe vẳng bên lầu
Tưởng hồn nghĩa sĩ ở đâu ngang trời
Than ôi cũng một kiếp người
Một lòng yêu nước thương nòi xót xa
Non sông Hồng Lạc một nhà
Nhớ người ta phải hương hoa cúng giàng
Mực hòa máu lệ một chương
Khóc trang nghĩa dũng nêu gương muôn đời
Nhớ xưa liệt sĩ bốn người
Ở trong ban lính đóng nơi Hà thành
Đòi phen trận mạc tập tành
Thấy người xe ngựa, tủi mình non sông …
Chú thích
-
- Nậu
- Nghĩa gốc là một nhóm nhỏ cùng làm một nghề (nên có từ "đầu nậu" nghĩa là người đứng đầu). Ví dụ: “Nậu nguồn” chỉ nhóm người khai thác rừng, “Nậu nại” chỉ nhóm người làm muối, “Nậu rổi” chỉ nhóm người bán cá, “Nậu rớ” chỉ nhóm người đánh cá bằng rớ vùng nước lợ, “Nậu cấy” chỉ nhóm người đi cấy mướn, “Nậu vựa” chỉ nhóm người làm mắm... Từ chữ “Nậu” ban đầu, phương ngữ Phú Yên-Bình Định tỉnh lược đại từ danh xưng ngôi thứ ba (cả số ít và số nhiều) bằng cách thay từ gốc thanh hỏi. Ví dụ: Ông ấy, bà ấy được thay bằng: “ổng,” “bả.” Anh ấy, chị ấy được thay bằng: “ảnh,” “chỉ.” Và thế là “Nậu” được thay bằng “Nẩu” hoặc "Nẫu" do đặc điểm không phân biệt dấu hỏi/ngã khi phát âm của người miền Trung. Người dân ở những vùng này cũng gọi quê mình là "Xứ Nẫu."
-
- Phú Lễ
- Tên một thôn nay thuộc xã Hòa Thành, huyện Đông Hoà, tỉnh Phú Yên.
-
- Mũi Đại Lãnh
- Còn có tên gọi khác là Mũi Nạy, Mũi Ba, Mũi Điện, Cap Varella (đặt theo tên một tướng giặc Pháp tự cho có công phát hiện nơi này), thuộc địa phận thôn Phước Tân, xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Đây là một nhánh của dãy Trường Sơn đâm ra biển. Trên mũi có ngọn hải đăng lớn chỉ đường cho tàu thuyền trong khu vực. Đây được xem là điểm cực Đông, nơi đón ánh nắng đầu tiên của nước ta.
-
- Mực nang
- Một loại mực có thịt dày, trắng ngần như cơm dừa, vị giòn, ngọt, thơm. Mực nang thường được chế biến thành món mực hấp, xào, nướng... đều rất ngon.
-
- Cơ hàn
- Đói (cơ 飢) và lạnh (hàn 寒). Chỉ chung sự nghèo khổ cơ cực.
Bạn ngồi bạn uống rượu khan
Tôi ngồi uống nỗi cơ hàn bạn tôi!
(Gặp bạn ở chợ Bến Thành - Hoàng Đình Quang)
-
- Rày
- Nay, bây giờ (phương ngữ).
-
- Qua
- Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
-
- Chu choa
- Cũng viết là chu cha, thán từ người miền Trung thường dùng để bộc lộ sự ngạc nhiên, sợ hãi, vui vẻ...
-
- Nhật trình
- Tờ báo đọc hằng ngày. Ở Trung và Nam Bộ, từ này cũng được phát âm thành nhựt trình.
-
- Trương Vĩnh Ký
- Nhà văn, nhà ngôn ngữ học, nhà giáo dục học, nhà văn hóa lỗi lạc của nước ta vào cuối thế kỉ 19. Ông sinh ngày 6/12/1837 tại ấp Cái Mơn, xã Vĩnh Thành, tổng Minh Lý, huyện Tân Minh, phủ Hoàng An, tỉnh Vĩnh Long (nay thuộc huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre), mất ngày 1/9/1898 tại Sài Gòn. Thông minh và ham học từ nhỏ, sau này ông đọc thông viết thạo 27 ngoại ngữ, là tác giả của hơn 100 tác phẩm về văn học, lịch sử, địa lý, từ điển và dịch thuật, có tri thức vô cùng uyên bác, được tấn phong Giáo sư Viện sĩ Pháp, được ghi tên trong Bách khoa Tự điển Larousse, và được xem là một trong 18 nhà bác học hàng đầu thế giới thế kỷ 19. Cùng với Nguyễn Văn Vĩnh, ông thường được coi là "ông tổ nghề báo Việt Nam" vì là người sáng lập Gia Định báo, tờ báo quốc ngữ đầu tiên của nước ta.
Trường chuyên Lê Hồng Phong, thuộc thành phố Hồ Chí Minh hiện nay, trước đây có tên là trường Pétrus Ký, chính là đặt theo tên ông.
-
- Bổn
- Bản (phương ngữ Nam Bộ).
-
- Trà Vinh
- Tên một tỉnh ven biển ở đồng bằng sông Cửu Long, có kho tàng văn hoá đa dạng, đặc biệt là văn hoá vật thể và phi vật thể của người Khmer: chữ viết, lễ hội, đền chùa... Tại đây cũng có nhiều đặc sản như cốm dẹp trộn dừa kiểu Khmer; các món đuông như đuông chà là, đuông đất và đuông dừa; mắm rươi; rượu Xuân Thạnh, bánh tét, bánh tráng ba xe, mắm kho, bún nước lèo...
-
- Kỳ tời
- Đọc trại chữ kỳ tài, cách phát âm của người Nam Bộ.
-
- Thầy Thông Chánh
- Một người làm nghề thông ngôn tên là Chánh. Theo nhà nghiên cứu Trần Dũng thì thầy Thông Chánh tên thật là Nguyễn Văn Chánh, còn gọi là Nguyễn Trung Chánh, sinh khoảng năm 1850 tại Trà Vinh trong một gia đình theo đạo Thiên chúa, làm thông ngôn cho Pháp. Vợ (có nguồn nói là con gái) của thầy là cô Ba, sắc đẹp nổi tiếng lúc bấy giờ, nên tên Biện lý Jaboin rắp tâm chiếm đoạt. Quá uất ức, thầy đã dùng súng giết chết viên quan thực dân háo sắc ngày 14 tháng 5 năm 1893 (theo Sơn Nam), bị Tòa đại hình Mỹ Tho kết án ngày 19 tháng 6 năm 1893, và bị chém đầu ngày 8 tháng 1 năm 1894 tại Trà Vinh.
-
- Lang Sa
- Pha Lang Sa, Phú Lang Sa, Phú Lãng Sa, hay Lang Sa đều là những cách người Việt thời trước dùng để chỉ nước Pháp, ngày nay ít dùng. Các tên gọi này đều là phiên âm của từ "France".
-
- Châu thành
- Phố phường, thành thị, nơi dân cư đông đúc. Các tỉnh Nam Bộ ngày xưa đều có quận, huyện châu thành.
-
- Lễ Chánh Chung
- Tên nhân dân ta thời Pháp thuộc đặt cho lễ ngày Quốc khánh Pháp 14 tháng 7 (kỷ niệm phá ngục Bastille năm 1789). Vào ngày này thực dân Pháp tổ chức diễu binh, đua ngựa, vui chơi với mục đích mị dân.
-
- Trát
- Giấy truyền lệnh của quan lại ngày xưa. Từ chữ Hán 札 nghĩa là cái thẻ, vì ngày xưa không có giấy nên mọi mệnh lệnh muốn truyền đạt phải viết vào miếng gỗ nhỏ.
-
- Phủ
- Tên gọi một đơn vị hành chính thời xưa, cao hơn cấp huyện nhưng nhỏ hơn cấp tỉnh. Đứng đầu phủ gọi là quan phủ, cũng gọi tắt là phủ.
-
- Dân phu
- Người dân lao động phải làm những công việc nặng nhọc trong chế độ cũ (phu xe, phu mỏ, phu đồn điền).
-
- Tạp dịch
- Những việc lặt vặt (từ Hán Việt).
-
- Trửa
- Giữa (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
-
- Mần
- Làm (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Như mần ăn, mần việc, đi mần...
-
- Nghiệt
- Ác nghiệt, nghiệt ngã.
-
- Kíp
- Gấp, vội. Từ này có nguồn gốc từ chữ Hán Việt cấp.
-
- Chợ Lường
- Tên dân gian của chợ Đô Lương, một ngôi chợ nay thuộc địa phận huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Thời Pháp thuộc, chợ là địa điểm tập trung dân phu để đi làm đường. Đến bây giờ, chợ Lường vẫn được coi như là biểu tượng của cảnh bán buôn sầm uất, tấp nập trong vùng.
-
- Đồi mồi
- Một loài rùa biển, mai có vân đẹp nên thường bị đánh bắt để làm đồ mĩ nghệ (lược, vòng tay, vòng đeo cổ...). Những đốm nám trên da hoặc trái cây cũng gọi là vết đồi mồi.
-
- Giã
- Như từ giã. Chào để rời đi xa.
-
- Giã ơn
- Cảm tạ ơn.
Kíp truyền thu lễ, trao lời giã ơn
(Nhị Độ Mai)
-
- Tằm
- Còn gọi là tằm tơ, ấu trùng của loài bướm tằm. Tằm ăn lá dâu tằm và nhả tơ thành kén. Tằm đã sẵn sàng nhả tơ được gọi là tằm chín, có màu vàng óng hoặc đỏ nâu bóng, trong suốt. Tơ tằm dùng để dệt lụa và có giá trị kinh tế cao.
-
- Hiểm địa
- Vùng đất hiểm trở, đi lại khó khăn (từ Hán Việt).
-
- Đa đoan
- Lắm mối, lắm chuyện lôi thôi, rắc rối.
Cơ trời dâu bể đa đoan,
Một nhà để chị riêng oan một mình
(Truyện Kiều)
-
- Nghinh ngang
- Nghênh ngang.
-
- Cá sấu
- Một loài bò sát ăn thịt, thường sống ở môi trường nước như đầm lầy, sông suối, có bộ hàm rất khỏe. Chữ sấu trong cá sấu bắt nguồn từ phiên âm tiếng Trung 兽 (shou) có nghĩa là "thú." Người Trung Quốc xưa gọi như vậy vì nó vừa sống dưới nước như cá vừa có nanh vuốt giống thú.
-
- Gấu ngựa
- Một loài gấu lớn có tai lớn, toàn thân lông đen, dài, thô, có yếm hình chữ V ở ngực màu kem hoặc trắng mờ, leo trèo giỏi, kiếm ăn chủ yếu vào ban đêm. Gấu ngựa ăn tạp, từ quả chín, mầm cây, mật ong tới các loài cá và chim thú nhỏ. Hiện gấu ngựa được xếp vào một trong số các động vật đang bị đe dọa.
-
- Rạch
- Sông nhỏ chảy ra sông lớn.
-
- Báo đen
- Còn gọi là beo, là một dạng biến dị di truyền xảy ra đối với một vài loài mèo lớn, có màu đen do mang đột biến gen liên quan đến quá trình chuyển hóa melanin. Biến dị này có thể đem lại một vài ưu thế chọn lọc giúp báo đen dễ sinh sống trong những khu vực có mật độ rừng dày dặc, mức chiếu sáng rất thấp. Báo đen không được xem là một loài riêng vì không có sự cách ly giao phối với các nhóm khác. Biến dị này phổ biến ở báo đốm Mỹ và báo hoa mai. Ở nước ta ghi nhận có 3 loại báo là báo hoa mai, báo gấm, và báo lửa.
-
- Hổ
- Còn gọi là cọp, hùm, dân gian còn gọi là ông ba mươi hay chúa sơn lâm, một loài động vật có vú, ăn thịt sống, có tuổi thọ khoảng 20 năm. Phần lớn các loài hổ sống trong rừng và đồng cỏ, kém leo trèo nhưng đa số bơi lội giỏi, hay đi săn đơn lẻ. Thức ăn của chúng chủ yếu là các động vật ăn cỏ cỡ trung bình như hươu, nai, lợn rừng, trâu, v.v., ngoài ra chúng cũng săn bắt và ăn thịt các loại mồi to hay nhỏ hơn nếu cần. Một con hổ trung bình có thể ăn tới 27 kg một ngày và có thể nhịn ăn khoảng 2 hoặc 3 ngày.
Loài hổ thường thấy ở Việt Nam là hổ Đông Dương. Tuy nhiên, ở nước ta, gần 3/4 lượng hổ đã bị giết. Năm 2010, số lượng hổ ở Việt Nam chỉ còn vỏn vẹn 30 con. Hổ thường bị săn bắt để lấy da, xương, hay các bộ phận khác. Nạn săn bắt, buôn bán hổ khiến số lượng loài động vật quý hiếm này giảm 95% so với đầu thế kỷ 20. Ngày nay trên thế giới chỉ còn khoảng 5.000 - 7.000 cá thể hổ hoang dã, trong đó có khoảng 200 ở Việt Nam và 1.500 ở Ấn Độ. Loài hổ đã được đưa vào danh sách các loài đang gặp nguy hiểm.
-
- Cáo
- Loài thú ăn thịt thuộc họ chó, cỡ trung bình, ăn các loài lợn rừng nhỏ, nai, hoẵng và các loài chim thú khác. Cáo thường sống thành đàn lớn, có thể lớn tới 15 - 20 con, ở các kiểu rừng khác nhau, từ rừng già, rừng tái sinh, đến rừng hỗn giao tre nứa. Đây là loài rất hiếm, hiện đang suy giảm, có nguy cơ tuyệt chủng. Ở nước ta, chúng thường phân bố ở các tỉnh phía Bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn.
-
- Lợn rừng
- Cũng gọi là lợn lòi, loài lợn được xem là thủy tổ của lợn nhà. Lợn rừng nặng 40-200 kg, lông thô cứng màu đen xám, thường có răng nanh to dài chìa ra ngoài mõm, sống thành đàn 5-20 con trong rừng hoặc ven các nương rẫy, kiếm ăn đêm , ngày nghỉ trong các bụi rậm, thích đằm mình trong vũng nước. Lợn rừng ăn tạp gồm các loại củ, quả giàu tinh bột, các loại quả cây rừng, măng tre nứa, chuối và nhiều động vật nhỏ như nhái, ngoé, giun đất, ong...
Tại nước ta, lợn rừng có mặt khắp các tỉnh miền núi và trung du.
-
- Bất loạn thiên
- Cũng nói là bắt loạn thiên hoặc nói tắt là bắt loạn, cách nói mô tả mức độ rất nhiều của người Nam Bộ.
-
- Mãn
- Trọn, đầy đủ, hết (từ Hán Việt).
-
- Tấn lai
- Bước đến.
-
- Chánh ngoạt
- Cách đọc trại của chính nguyệt (tháng đầu năm âm lịch, tháng Giêng).
-
- Nhật nguyệt
- Mặt trời (nhật) và mặt trăng (nguyệt), ở miền Nam cũng được phát âm thành nhựt nguyệt. Cùng là biểu tượng của sự trường tồn vĩnh cửu, hình ảnh nhật nguyệt thường được đem ra để thề thốt.
Mai sau dầu đến thế nào,
Kìa gương nhật nguyệt nọ dao quỷ thần
(Truyện Kiều)
-
- Nam chiếu phúc bồn
- Chậu úp khó mà soi thấu.
-
- Hóc Môn
- Một địa danh nay là huyện ngoại thành của thành phố Hồ Chí Minh. Từ năm 1698 đến năm 1731, một số lưu dân từ miền Bắc, miền Trung do không cam chịu sự thống trị hà khắc của triều Trịnh-Nguyễn nên đã đến vùng đất này để sinh cơ, lập nghiệp. Họ lập ra những thôn ấp và nông trại, lúc đầu có sáu thôn, dần dần phát triển thành mười tám thôn, nổi tiếng với nghề trồng trầu. Đến đầu thế kỷ 19, một số thôn của Hóc Môn vẫn còn những nét hoang dã, có cọp dữ nổi tiếng như “cọp vườn trầu” và có nhiều đầm môn nước mọc um tùm, nên thành địa danh Hóc Môn.
-
- Bình Long
- Tên của huyện Hóc Môn dưới thời nhà Nguyễn.
-
- Hà do
- Tại sao.
-
- Hàm mai
- Cái thẻ khớp miệng ngựa cho nó không hí lên được. Ý nói sự chèn ép, bụm miệng dân chúng của thực dân.
-
- U Minh
- Nay là tên một huyện thuộc tỉnh Cà Mau ở cực Nam nước ta. U Minh còn là tên của hai khu rừng tràm nước mặn U Minh Hạ (thuộc tỉnh Cà Mau ) và U Minh Thượng (thuộc tỉnh Kiên Giang ). U Minh có nghĩa là tối và mờ. Trước đây khi chưa khai khẩn, U Minh được coi là chốn "rừng thiêng nước độc," nhiều thú dữ như cá sấu, hổ beo, rắn rết, nhưng cũng rất nhiều tài nguyên quý báu. Hiện nay rừng nước mặn U Minh đã được quy hoạch thành vườn quốc gia dành cho mục đích du lịch và bảo tồn sinh thái. Một đặc điểm lý thú của rừng tràm U Minh là nước sông rạch bị nhuộm thành màu đỏ bởi lá tràm rụng trên đất rừng.
-
- Choại
- Một loài dương xỉ mọc hoang trong rừng ẩm nhiệt đới ven các con sông, kênh rạch. Ở nước ta dây choại có nhiều ở vùng Đồng Tháp Mười, Cà Mau, Hậu Giang, Rạch Giá. Lá và đọt non dùng làm rau, thân dai và bền, chịu được lâu trong nước nên được dùng làm dây thừng và dụng cụ đánh cá, và còn được dùng làm thuốc.
-
- Dớn
- Một loài rau dại có hình dáng gần giống cây dương xỉ, chỉ có ở vùng núi rừng hay nơi bờ suối, bờ khe, dưới các tán rừng thấp có độ ẩm ướt cao. Đặc biệt, rau dớn chỉ thích hợp với môi trường hoang dã nên ít khi nuôi trồng được. Rau dớn được dùng làm thực phẩm và làm thuốc.
-
- Cóc kèn
- Tên một loài dây leo mọc phổ biến trong những khu rừng ngập mặn, hay xung quanh những sông ngòi, ao hồ nhiễm mặn ở nước ta. Dây cóc kèn có thể dài từ 8 đến 15 mét, đôi khi mọc thành bụi um tùm. Lá xanh mướt, bóng láng, một cành mang từ 3 đến 5 lá. Quả cây cóc kèn như quả đậu, khi chín màu nâu vàng, mang 1-2 hạt. Cây cóc kèn đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái rừng ngập mặn cùng với các loại cây đặc trưng khác như đước, mắm, vẹt. Thân rễ cây cóc kèn là những vị thuốc Nam trị nhiễm trùng, sưng, bong gân. Lá cóc kèn có độc tính, nhân dân ta thường dùng lá có kèn phơi khô đặt trong các chum vại và mảng trữ thóc để trừ mọt.
-
- Rắn nước
- Tên chung của một số giống rắn không có nọc độc, sống dưới nước, thức ăn chủ yếu là ếch nhái, cá nhỏ...
-
- Rắn râu
- Một loài rắn độc, nhưng lượng nọc và độc tố không đủ để gây nguy hiểm cho con người. Rắn râu sống ở vùng nước của nhiều địa phương thuộc miền Nam. Đặc điểm nổi bật của rắn râu là từ đầu mũi mọc ra hai xúc tu trông như hai sợi râu. Cặp "râu" này có tác dụng như một loại mồi nhử thu hút các loài cá đến gần.
-
- Rắn rồng
- Còn có tên là rắn hổ ngựa hoặc rắn sọc dưa. Rắn cỡ lớn, lưng có sọc, sống trên cạn, thường gặp ở đồng bằng và trung du, không độc, song rất dữ, dễ bị kích thích. Rắn rồng bắt mồi cả vào ban ngày và ban đêm và có tập tính săn đuổi mồi (chủ yếu là chuột, thằn lằn hoặc ếch nhái).
-
- Rắn lục
- Loại rắn cực độc, trọng lượng chỉ trên dưới 300gam và dài 30cm đối với con trưởng thành. Thường gặp là rắn lục xanh có đầu hình tam giác, phủ tấm nhỏ. Lưng có màu xanh lá cây, bụng nhạt hơn lưng. Có nhiều loại rắn lục như: rắn lục xanh, rắn lục đuôi đỏ, rắn lục sừng, rắn lục núi...
-
- Rắn mái gầm
- Loại rắn độc có kích thước khá lớn, dài trên một mét khi trưởng thành. Đầu to, trên đầu có dấu hiệu giống như một mũi tên màu vàng, mắt nhỏ màu đen. Thân rắn có khoanh đen và vàng xen kẽ, giữa lưng có gờ nổi dọc theo xương sống. Đây là một trong những loài rắn cực độc, nọc độc có thể giết chết nạn nhân trong vài phút nếu không được cứu chữa kịp thời. Rắn mái gầm chậm chạp, ít khi chủ động tấn công con người, thức ăn của chúng là rắn khác, cá, ếch, trứng rắn. Loài rắn này có nhiều tên khác như mai gầm, cạp nong, hổ lửa...
-
- Lính mộ
- Lính được chiêu mộ. Từ này thường dùng để chỉ những người bị thực dân Pháp gọi (mộ) đi lính trước đây.
-
- Phên
- Đồ đan bằng tre, nứa, cứng và dày, dùng để che chắn. Một số vùng ở Bắc Trung Bộ gọi là phên thưng, bức thưng.
-
- Mần răng
- Làm sao (phương ngữ Trung Bộ).
-
- Mô
- Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
-
- Vạn tử nhất sinh
- Vạn phần chết, một phần sống (thành ngữ Hán Việt).
-
- Bể
- Biển (từ cũ).
-
- Quy tế
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Quy tế, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Diên
- Tiệc rượu (từ Hán Việt).
-
- Thậm
- Rất, lắm.
-
- Tể tướng
- Chức quan cao nhất dưới thời phong kiến, có nhiệm vụ thay mặt vua để giải quyết chuyện chính sự của một đất nước. Tùy theo thời đại, vị trí này có thể có tên là thừa tướng hoặc tướng quốc. Nước ta có các tể tướng nổi danh như Nguyễn Quán Nho, Lý Đạo Thành, Tô Hiến Thành, Trần Thủ Độ...
-
- Cấm cung
- Cấm không được phép ra khỏi nhà, không được phép tự do tiếp xúc với người ngoài (thường nói về con gái nhà quyền quý thời phong kiến).
-
- Chường
- Chàng (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
-
- Quảng Nam
- Tên một tỉnh ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, trước đây bao gồm cả thành phố Đà Nẵng, gọi chung là tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Quảng Nam có nghĩa là "mở rộng về phương Nam." Tỉnh Quảng Nam giàu truyền thống, độc đáo về bản sắc văn hóa với những danh tích như thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An...
-
- Nguyễn Duy Hiệu
- Có sách ghi là Nguyễn Hiệu, tục gọi là Hường Hiệu, một chí sĩ và lãnh tụ thuộc phong trào Cần Vương. Ông sinh năm Đinh Mùi (1847) tại làng Thanh Hà, huyện Duyên Phúc (nay là xã Cẩm Hà, thành phố Hội An), tỉnh Quảng Nam. Năm 1885, hưởng ứng chiếu Cần Vương, ông cùng Trần Văn Dư (1839-1885), Phan Bá Phiến (còn gọi là Phan Thanh Phiến, 1839-1887), Nguyễn Tiểu La (tức Nguyễn Hàm, 1863-1911), thành lập Nghĩa hội Quảng Nam, rồi ra bản cáo thị kêu gọi toàn dân trong tỉnh cùng đứng lên đáp nghĩa. Đến năm 1887, cuộc khởi nghĩa thất bại, ông tự trói mình nạp cho giặc để cứu nghĩa quân. Ông bị chém ngày 15/10/1887, hưởng dương 40 tuổi, để lại hai bài thơ tuyệt mệnh bằng chữ Hán. Sau đây là một bài được Huỳnh Thúc Kháng dịch:
Cần vương Nam Bắc kết tơ đồng
Cứu giúp đường kia khổ chẳng thông
Muôn thuở cương thường ai Ngụy Tháo?
Trăm năm tâm sự có Quan Công
Non sông phần tự thơ trời định
Cây cỏ buồn trông thấy đất cùng
Nhắn bảo nổi chìm ai đó tá?
Chớ đem thành bại luận anh hùng.
-
- Thanh Hà
- Tên một ngôi làng ở Quảng Nam, nằm ngay bên bờ sông Thu Bồn, cách phố cổ Hội An chừng 3 km về hướng Tây. Làng có nghề làm gốm truyền thống từ đầu thế kỉ 16.
-
- Chi
- Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Ba kỳ
- Tức Tam Kỳ, tên gọi chung cho ba vùng đất do thực dân Pháp và triều đình bù nhìn nhà Nguyễn phân chia nước ta vào thế kỉ 19. Ba kỳ gồm có: Bắc Kỳ (Tonkin, từ phía Nam tỉnh Ninh Bình trở ra), Trung Kỳ (Annam, từ phía bắc tỉnh Bình Thuận đến Đèo Ngang) và Nam Kỳ (Cochinchine).
-
- Nguyễn Thân
- (1854 - 1914) Võ quan nhà Nguyễn dưới triều vua Đồng Khánh, là cộng sự đắc lực của thực dân Pháp trong việc đàn áp các cuộc khởi nghĩa trong phong trào Cần Vương.
-
- Mãi quốc
- Bán nước (từ Hán Việt).
-
- Chừng mô
- Chừng nào (phương ngữ Trung Bộ).
-
- Sơn băng thủy kiệt
- Núi lở, sông cạn (thành ngữ Hán Việt). Tiếng Việt ta có thành ngữ tương tự là sông cạn đá mòn, thường dùng để thề nguyền. Ở một số ngữ cảnh, đây được coi là điềm báo đất nước sắp gặp họa lớn, dân chúng phải lầm than khổ sở.
-
- Lục Vân Tiên
- Tên nhân vật chính, đồng thời là tên tác phẩm truyện thơ Nôm nổi tiếng của Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), được sáng tác theo thể lục bát vào đầu những năm 50 của thế kỷ 19, đề cao đạo lý làm người. Lục Vân Tiên là một chàng trai khôi ngô tuấn tú, tài kiêm văn võ, cùng với Kiều Nguyệt Nga, một người con gái chung thủy, đức hạnh trải qua nhiều sóng gió nhưng cuối cùng cũng đạt được hạnh phúc.
Đối với người dân Nam Bộ, truyện Lục Vân Tiên có sức ảnh hưởng rất lớn, được xem là hơn cả Truyện Kiều của Nguyễn Du.
-
- Thọ bịnh
- Thọ bệnh, bị bệnh (phương ngữ Nam Bộ).
-
- Gia đường
- (Gia: nhà, đường: nhà lớn) nhà cửa ở có thờ phụng ông bà. Cũng dùng để chỉ cha (xuân đường) và mẹ (huyên đường). Người Nam Bộ phát âm thành gia đàng.
-
- Sơn lâm
- Núi rừng (từ Hán Việt). Cũng nói san lâm hoặc lâm san.
-
- Vô nghì
- Không có tình nghĩa (từ cũ). Cũng nói bất nghì.
-
- Thị phi
- Phải và không phải. Chỉ sự đồn đại, chê bai.
Kẻ yêu nên ít lời cao hạ,
Người ghét càng nhiều tiếng thị phi.
(Than thân - Nguyễn Hữu Chỉnh)
-
- Thí phát
- Cắt tóc (phương ngữ).
-
- Phong trào Duy tân
- Cuộc vận động cải cách công khai ở miền Trung Việt Nam, kéo dài từ 1906 đến 1908 do Phan Chu Trinh phát động.
Phong trào Duy tân (duy tân: theo cái mới) chủ trương bất bạo động, mở mang dân trí, đổi mới giáo dục, văn hóa và kinh tế để tạo nên thế tự lực tự cường cho người Việt - lúc bấy giờ ở dưới nền thống trị thuộc địa của Pháp. Phong trào mang khẩu hiệu: "Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh".
Cùng thời và cùng theo tư tưởng cải cách còn có Duy tân hội (1904-1912) của Phan Bội Châu, do hoạt động bí mật nên được gọi là Ám xã (Hội trong bóng tối). Phong trào Duy tân hoạt động công khai, được gọi là Minh xã (Hội ngoài ánh sáng).
Một trong những đỉnh cao của phong trào Duy tân là Đông Kinh nghĩa thục (3/1907 - 11/1907).
-
- Thân sĩ
- Thân nghĩa là đai áo chầu. Thân sĩ là từ chỉ các quan đã về hưu.
-
- Ái quốc
- Yêu nước (từ Hán Việt).
-
- Phong trào chống sưu thuế Trung Kỳ
- Còn gọi là Trung kỳ dân biến, khởi phát bằng cuộc đấu tranh chống sưu thuế của nhân dân Quảng Nam vào đầu tháng 3 năm 1908, kéo dài hơn một tháng và lan ra các tỉnh lân cận như Quảng Ngãi, Bình Định, Thừa Thiên, Phú Yên, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Do nhiều người lãnh đạo chủ chốt trong phong trào này cũng tham gia phong trào Duy Tân nên chính quyền thực dân thẳng tay đàn áp cả hai. Đến cuối tháng 5 năm 1908, cả hai phong trào đều kết thúc.
Xem bài Vè xin xâu liên quan đến phong trào này.
-
- Chỉ vụ Hà thành đầu độc năm 1908.
-
- Tội nguyên
- Người đứng đầu chịu tội.
-
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về , hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Can qua
- Can 干 chữ Hán nghĩa là cái mộc để đỡ. Qua 戈 là cây mác, một loại binh khí ngày xưa. Can qua chỉ việc chiến tranh.
-
- Thái Nguyên
- Một tỉnh ở miền Bắc nước ta, nổi tiếng với nghề trồng và chế biến chè (trà).
-
- Lính tập
- Một lực lượng vũ trang của chính quyền thuộc địa Pháp ở Đông Dương, theo chính sách dùng người bản xứ làm quân đội chính quy trong việc đánh dẹp. Lính tập gồm lính khố đỏ, lính khố xanh, lính khố vàng, lính khố lục, những tên gọi xuất phát từ màu dải thắt lưng họ quấn quanh quân phục.
-
- Đội Cấn
- Tên thật là Trịnh Văn Cấn (1881 - 1918), người làng Yên Nhiên, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên, nay thuộc xã Vũ Di, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Ông còn có tên khác là Trịnh Văn Đạt, là viên đội lính khố xanh trong cơ binh Pháp ở Thái Nguyên. Ông cùng Lương Ngọc Quyến - một chí sĩ yêu nước bị giam tại nhà tù ở Thái Nguyên - lãnh đạo binh lính người Việt đứng lên chống Pháp vào đêm 30/8/1917. Từ đó đến ngày 5/9, các cuộc tấn công của địch liên tiếp nổ ra. Do không chống nổi lực lượng của địch, nghĩa quân phải rút lui. Ngày 10/1/1918, trong trận chiến đấu với quân Pháp tại núi Pháo, Đội Cấn bị thương nặng và tự sát.
-
- Cai
- Từ gọi tắt của cai vệ, chức danh chỉ huy một tốp lính dưới thời thực dân Pháp.
-
- Nhà pha
- Nhà tù (từ cũ). Có ý kiến cho rằng từ này có gốc từ tiếng Pháp bagne, nghĩa là giam cầm.
-
- Thị thường
- Xem thường.
-
- Tài bồi
- Vun đắp, vun trồng (từ Hán Việt).
-
- Nam bang
- Bờ cõi nước Nam.
-
- Bãi Cháy
- Tên cổ là Vạ Cháy, nay là một phường thuộc thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Ngày xưa đây là khu bãi cát ven biển, nơi ngư dân bảo dưỡng thuyền gỗ bằng cách đốt lửa thui thuyền (dưới đáy và bên sườn thuyền thường có con hà bám vào rất chắc có thể ăn hỏng thuyền), do lửa khói quanh năm mà thành tên. Ngày nay với bãi biển bãi cháy, đây là một địa điểm du lịch có tiếng ở Quảng Ninh.
-
- Hồng Gai
- Cũng gọi là Hòn Gai, tên cũ là Bang Gai hoặc Áng Gai, nay là một phường thuộc thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Cuối thế kỷ 19 trở về trước, đây là một vùng vắng vẻ, cư dân thưa thớt, vốn chỉ là vũng biển đậu thuyền. Tại đây có mỏ Hòn Gai, một mỏ than đã được đưa vào khai thác từ thời Pháp thuộc.
-
- Quan hai
- Tên gọi thời Pháp thuộc của cấp hàm trung úy (lieutenant). Gọi vậy vì quân hàm này có 2 vạch.
-
- Cửa Lục
- Vịnh biển nhỏ ở thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, chỉ rộng 18 km² và chỗ sâu nhất chỉ 17m.
-
- Hà Tu
- Tên cũ là Hà Sú, nay là một phường thuộc thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Tại đây có mỏ than Hà Tu, vào thời Pháp thuộc thuộc sự quản lí của công ti than Bắc Kì.
-
- Hà Lầm
- Địa danh nay là một phường thuộc thành phố Hạ Long. Tại đây có mỏ Hà Lầm, một mỏ than đã được đưa vào khai thác từ thời Pháp thuộc.
-
- Còi tầm
- Còi báo bắt đầu hoặc kết thúc giờ làm việc các xưởng, mỏ, công trường, nhà máy…
-
- Cu li
- Từ tiếng Pháp coolie, chỉ người lao động làm những công việc nặng nhọc.
-
- Síp lê
- Từ tiếng Pháp siffler nghĩa là huýt còi.
-
- Thuở tạo thiên
- Lúc mới lập ra trời đất.
-
- Đọi
- Cái chén, cái bát (phương ngữ một số vùng ở Bắc Trung Bộ).
-
- Thời
- Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
-
- Tao khang
- Cũng nói là tào khang hay tào khương, từ Hán Việt: tao là bã rượu, khang là cám gạo, những thứ mà người nghèo khổ thường phải ăn. Vua Hán Quang Vũ (đời Đông Hán, Trung Quốc) có ý muốn gả người chị góa chồng là Hồ Dương công chúa cho quan đại phu Tống Hoằng, nên hỏi "Ngạn vân: phú dịch thê, quý dịch giao, hữu chư?" (Ngạn ngữ có nói: giàu thì đổi vợ, sang thì đổi bạn, có chăng?). Tống Hoằng đáp "Thần văn: Bần tiện chi giao mạc khả vong, tao khang chi thê bất khả hạ đường" (Thần nghe: Bạn bè lúc nghèo hèn chớ nên quên, người vợ tấm cám chớ để ở nhà sau). Nghĩa tao khang do đó chỉ tình nghĩa vợ chồng vun đắp từ những ngày cực khổ.
-
- Phượng hoàng
- Một loài chim trong thần thoại Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng. Trước đây, con trống được gọi là Phượng (hay phụng) còn con mái được gọi là Hoàng, nhưng ngày nay thì sự phân biệt đực, cái đã gần như không còn, và phượng hoàng được xem là giống cái, trong khi rồng được xem là giống đực. Phượng hoàng là vua của các loài chim, tượng trưng cho sự thanh cao.
-
- Le le
- Tên một loài chim gần giống vịt trời, hay kiếm ăn ở vùng đồng ruộng hay bưng biền, gặp nhiều ở vùng Đồng Tháp Mười.
-
- Nhạn
- Vốn nghĩa là con ngỗng trời. Theo Thiều Chửu: Chim nhạn, mùa thu lại, mùa xuân đi, cho nên gọi là hậu điểu 候鳥 chim mùa. Chim nhạn bay có thứ tự, nên anh em gọi là nhạn tự 雁序. Có khi viết là nhạn 鴈. Ta gọi là con chim mòng. Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của cũng chép “Nhạn: Thứ chim giống con ngỗng.” Trong văn học cổ ta thường bắt gặp những cụm từ "nhạn kêu sương," "tin nhạn." Hiện nay từ này thường được dùng để chỉ chim én.
-
- Quế
- Một loại cây rừng, lá và vỏ có tinh dầu thơm. Vỏ quế ăn có vị cay, là một vị thuốc quý (Quế chi) trong các bài thuốc Đông y. Trong văn học cổ, cây quế thường tượng trưng cho sự thanh cao, đẹp đẽ.
-
- Trúc
- Một loại cây giống tre, mọc thành bụi, lá nhỏ và thưa hơn lá tre. Do trúc có dáng đẹp nên được trồng làm cây cảnh. Trong văn chương ngày xưa, trúc thường được dùng tượng trưng cho hình ảnh người quân tử, hoặc người con gái.
-
- Mai
- Còn gọi là mơ, một loại cây thân nhỏ, nhiều cành, rất phổ biến các nước Đông Á, nhất là Trung Quốc và Nhật Bản. Cây ra hoa vào cuối mùa đông, đầu mùa xuân. Hoa mai nhỏ, mỗi hoa có năm cánh, thường hoa có màu trắng, mặc dù một số giống mai có thể cho hoa màu hồng hay đỏ sẫm. Trong văn học cổ, mai thường được dùng như một hình ảnh ước lệ, đại diện cho người phụ nữ. Lưu ý, cây mai này không phải là loại mai vàng của miền Nam nước ta.
-
- Chim di
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Chim di, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Nhân ngãi
- Người thương, người tình (từ cổ). Cũng nói nhân ngãi, ngỡi nhân.
-
- Xở xang
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Xở xang, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Thời
- Cái giỏ cá (phương ngữ).
-
- Tù và
- Dạ dày ếch, hay được chế biến thành các món ăn.
-
- Ngóe
- Loại nhái rất nhỏ, thân hình chỉ lớn bằng đầu ngón tay cái.
-
- Xương sông
- Loài cây có thân thẳng đứng, cao khoảng một mét hoặc hơn. Lá thuôn dài, mép có răng cưa, có mùi hơi hăng của dầu. Lá xương sông là một loại rau gia vị phổ biến, và cũng là vị thuốc chữa bệnh đường hô hấp, cảm cúm...
-
- Tổ tôm
- Một trò chơi bài lá phổ biến trong dân gian ngày trước (hiện chỉ thấy được chơi ở nước ta), thường chơi trong các dịp lễ, Tết. Tên gọi của trò chơi được đọc chệch ra từ chữ "tụ tam" nghĩa là hội tụ của ba lại hàng Văn, Vạn và Sách.
-
- Xóc đĩa
- Lối đánh bạc ăn tiền bằng cách xóc bốn đồng tiền (hoặc bốn miếng bìa có hai mặt khác nhau) trong một cái đĩa, trên có bát úp kín, ai đoán trúng có mấy đồng sấp, mấy đồng ngửa thì được. Có nơi gọi xóc đĩa là xóc dĩa, hoặc có tên khác là mở bát.
-
- Canh
- Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
-
- Lọ hồ
- Lọ đựng tiền xâu trong một canh bạc.
-
- Cái
- Cũng gọi là nhà cái, người nắm vai chủ của một ván bài, sới bạc hoặc cuộc cá cược.
-
- Nghĩa sĩ
- Người anh dũng dấn thân vì việc nghĩa.
-
- Lạc Hồng
- Con Lạc cháu Hồng (Con của loài chim Lạc, cháu của dòng giống Hồng Bàng). Chim Lạc là một loài chim trong truyền thuyết, được xem là biểu tượng của Âu Lạc, nhà nước thứ hai trong lịch sử nước ta (sau Văn Lang của các vua Hùng). Hồng Bàng là tên gọi chung cho giai đoạn thượng cổ nước ta, chủ yếu dựa trên các truyền thuyết, truyện kể và một số ít bằng chứng khảo cổ học.
Nhân dân ta tự nhận là con Lạc cháu Hồng. Từ "Lạc Hồng" đôi khi được đảo thành Hồng Lạc, tương tự như đối với "con Hồng cháu Lạc."
-
- Giàng
- Hay Yàng, Yang, tên gọi của vị chúa tể thần linh (ông trời) theo cách gọi của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên.
-
- Liệt sĩ bốn người
- Bốn hạ sĩ quân đội lính khố đỏ cầm đầu vụ đầu độc binh lính Pháp thành Hà Nội, gồm: đội Bình, độc Cốc, đội Nhân, và cai Nga. Bốn người đều bị giặc Pháp xử tử ngày 8/7/1908.
-
- Hoàng thành Thăng Long
- Gọi tắt là thành Hà Nội hoặc Hà thành, một công trình kiến trúc đồ sộ, được xây dựng qua nhiều triều đại phong kiến nước ta. Khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, tại thành Hà Nội đã xảy ra ít nhất hai trận đánh quan trọng: trận thành Hà Nội thứ nhất (20/11/1873) và trận thành Hà Nội thứ hai (25/4/1882). Chỉ huy thành trong hai trận này lần lượt là đô đốc Nguyễn Tri Phương và tổng đốc Hoàng Diệu.
-
- Đòi phen
- Nhiều lúc, nhiều lần (đòi từ cổ nghĩa là "nhiều").
Trông tư bề chân trời mặt đất;
Lên, xuống lầu thấm thoát đòi phen
(Chinh phụ ngâm khúc - Đặng Trần Côn)