Ca dao Mẹ

  • Tài trai đâu đáng tài trai

    Tài trai đâu đáng tài trai
    Tổ tôm xóc đĩa dông dài cả đêm
    Canh trước tướng hãy còn tiền
    Canh sau thua hết, ngồi bên lọ hồ
    Cái ngoảnh đi, đưa tay thò
    Cái ngoảnh lại, giả đò chén say
    Còn tiền đánh cái cũng hay
    Hết tiền đi ngủ, cũng hay giật mình
    Tưởng sự tình, bạc nầy hai sấp
    Chẳng ai ngờ, nó lại sấp ba
    Bây giờ tướng nghĩ chẳng ra
    Áo đem bán hết, trở ra mình trần
    Về giữa sân, vạch quần ra bắt rận
    Ở trong nhà, vợ giận chẳng cơm
    Bực mình, tướng chúi ổ rơm,
    Chẳng dám hạch nước, hạch cơm, hạch trầu
    Vợ thương chồng ra mầu rét mướt
    Đem tiền đi để chuộc áo về
    Từ nay tướng mới xin thề
    Còn đi đánh bạc, chẳng về chi đây

    Dị bản

    • Quan tướng là quan tướng dai
      Tổ tôm xóc đĩa dông dài cả đêm
      Canh trước còn khi êm êm
      Canh sau thua thiệt ngồi bên lọ hồ
      Cái ngoảnh đi thò tay móc lọ
      Cái ngoảnh lại chuyện trò tỉnh say
      Được thời đàn hát cũng hay
      Thua thời đi ngủ lại hay giật mình

    • Trời sinh ra ông tướng tài,
      Tổ tôm xóc đĩa dông dài cả đêm.
      Canh trước tướng hãy còn tiền,
      Canh sau thua hết, ngồi bên lọ hồ.
      Cái quay đi, thò tay móc lọ
      Cái ngoảnh lại, giả bộ chén say.
      Còn tiền đánh cái cũng hay,
      Hết tiền đi ngủ, lại hay giật mình.
      Tưởng sự tình bạc nầy hai sấp,
      Chẳng ai ngờ nó lại sấp ba.
      Bấy giờ quan tướng thua ra
      Áo quần cố hết, trở ra mình trần.
      Về đến sân, vạch quần bắt rận
      Vợ trong nhà tức giận không cơm.
      Tướng vào tướng ngự ổ rơm,
      Thấy con kẹt cửa dọn cơm, tướng mừng.
      Khi tướng đi, cơm gà cá gỏi,
      Khi tướng về, cơm thổi với khoai.
      Tướng ngồi chép miệng thở dài,
      Bụng đói cật rét, đánh hai bát liền.
      Ăn xong, vợ nó nghiền nó chửi,
      – Thừa cơm mà cho lão hủi nó ăn.
      Thừa quần, thừa áo, thừa khăn,
      Làm tao đi chuộc mấy lần mấy phen.
      Chẳng thà tao có đồng tiền,
      Tao vất xuống giếng, tao liền thấy tăm.
      – Bạc thời canh đỏ, canh đen,
      Nào ai có dại mang tiền vất đi.
      Ngày mai bu mày thử đi,
      Xem bạc tướng đánh vậy thì làm sao.
      Vợ tướng mới ghé lưng vào,
      Mở canh xóc đĩa được bao tiền đầy.
      Vợ tướng mới đội về ngay,
      Miệng cười hớn hở như cây sênh tiền.
      Về nhà đem ra đếm liền,
      Gọi con lấy lõi xỏ tiền cho tao.
      Thì thào mà cất tiền vào,
      Để ai bán ruộng cho tao tậu dần.
      Gà đâu con nhốt vào bu,
      Bố có uống rượu thì mua mấy đồng.
      Bấy giờ tướng chúi ổ rơm,
      Chẳng dám hạch nước, hạch sơm, hạch trầu.
      Vợ thương chồng ra màu rét mướt,
      Đem tiền đi mà chuộc áo về.
      Từ rày tướng  hẳn xin thê:
      Còn đi cờ bạc chẳng về chi đây.

  • Bình luận

Cùng thể loại:

Có cùng từ khóa:

Chú thích

  1. Tổ tôm
    Một trò chơi bài lá phổ biến trong dân gian ngày trước (hiện chỉ thấy được chơi ở nước ta), thường chơi trong các dịp lễ, Tết. Tên gọi của trò chơi được đọc chệch ra từ chữ "tụ tam" nghĩa là hội tụ của ba lại hàng Văn, Vạn và Sách.

    Lá bài tổ tôm

    Lá bài tổ tôm

  2. Xóc đĩa
    Lối đánh bạc ăn tiền bằng cách xóc bốn đồng tiền (hoặc bốn miếng bìa có hai mặt khác nhau) trong một cái đĩa, trên có bát úp kín, ai đoán trúng có mấy đồng sấp, mấy đồng ngửa thì được. Có nơi gọi xóc đĩa là xóc dĩa, hoặc có tên khác là mở bát.

    Đồ để xóc đĩa

    Đồ để xóc đĩa

  3. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  4. Lọ hồ
    Lọ đựng tiền xâu trong một canh bạc.
  5. Cái
    Cũng gọi là nhà cái, người nắm vai chủ của một ván bài, sới bạc hoặc cuộc cá cược.
  6. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  7. Rận
    Loại côn trùng nhỏ, thân dẹp, không cánh, hút máu, sống kí sinh trên người và một số động vật.
  8. Bu
    Mẹ (phương ngữ một số vùng miền Bắc).
  9. Sênh tiền
    Còn gọi là sinh tiền, tên cổ là phách sâu tiền hay phách quán tiền, một loại nhạc cụ gõ độc đáo của Việt Nam. Sênh tiền được làm từ ba thanh gỗ làm phách. Hai thanh nối bằng dây da là lá phách kép. Một thanh rời lá phách đơn, còn gọi là "con dao." Cuối hai thanh phách kép có đóng đinh, trên xâu đồng tiền. Trên các thanh đều có rãnh khứa. Khi đánh phách, tay trái cầm lá phách kép, tay phải cầm lá phách đơn vừa đập, vừa rung, vừa quẹt tạo ra các tiết tấu rộn ràng.

    Sinh tiền

    Sênh tiền

    Một số dân tộc miền núi phía Bắc nước ta dùng nhạc cụ này biến tấu thành điệu múa gọi là múa sênh tiền.

    Tiết mục múa sênh tiền của dân tộc Mường

  10. Tậu
    Mua sắm vật có giá trị lớn (tậu trâu, tậu nhà)...
  11. Lu
    Mờ, không thấy rõ. Lu li: hơi mờ, mờ mờ (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  12. Thuốc lào
    Theo học giả Đào Duy Anh, cây thuốc lào có lẽ từ Lào du nhập vào Việt Nam nên mới có tên gọi như thế. Sách Vân Đài loại ngữĐồng Khánh dư địa chí gọi cây thuốc lào là tương tư thảo (cỏ nhớ thương), vì người nghiện thuốc lào mà hai, ba ngày không được hút thì trong người luôn cảm thấy bứt rứt khó chịu, trong đầu luôn luôn nghĩ đến một hơi thuốc, giống như nhớ người yêu lâu ngày không gặp. Thời xưa, ngoài "miếng trầu là đầu câu chuyện," thuốc lào cũng được đem ra để mời khách. Hút thuốc lào (cũng gọi là ăn thuốc lào) cần có công cụ riêng gọi là điếu.

    Thuốc lào thường được đóng thành bánh để lưu trữ, gọi là bánh thuốc lào.

    Hút thuốc lào bằng ống điếu

    Hút thuốc lào bằng ống điếu

  13. Quốc túy
    Cái đặc sắc về tinh thần hoặc vật chất của một dân tộc.
  14. Yên vân
    Khói (yên) mây (vân).
  15. Thừa
    Một chức vụ nhỏ trong các nha phủ dưới thời phong kiến.
  16. Phi điếu bất thành quan: Không có điếu (cày) không thể thành quan.
  17. Đa mang
    Tự vương vấn vào nhiều tình cảm để rồi phải đeo đuổi, vấn vương, dằn vặt không dứt ra được.

    Thôi em chả dám đa mang nữa
    Chẳng buộc vào chân sợi chỉ hồng

    (Xuân tha hương - Nguyễn Bính)

  18. Sơn hà
    Núi sông (từ Hán Việt). Từ cũ, nghĩa rộng dùng để chỉ đất nước.

    Nam quốc sơn hà Nam Đế cư
    Tiệt nhiên phận định tại thiên thư
    Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
    Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư

    (Lý Thường Kiệt)

    Dịch thơ:

    Sông núi nước Nam vua Nam ở
    Rành rành định phận tại sách trời
    Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
    Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.

  19. Hệ giáo dục phổ thông miền Bắc từ năm 1956 đến năm 1985 chia làm ba cấp: cấp I bốn năm, cấp II và cấp III mỗi cấp ba năm, tổng cộng là mười năm.
  20. Giôn-xơn
    Lyndon Baines Johnson, tổng thống thứ 36 của Mỹ, nắm giữ hai nhiệm kì từ năm 1963 đến năm 1969. Ông này chủ trương đẩy mạnh sự can thiệp của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, mà tiêu biểu là việc triển khai quân đội Mỹ trực tiếp tham chiến sau sự kiện vịnh Bắc Bộ năm 1964.

    Tổng thống Mỹ Johnson

    Tổng thống Mỹ Johnson

  21. Trường Sơn, Lào, Thủ Đô, Tam Đảo, Điện Biên đều là tên của các nhãn hoặc loại thuốc lá phổ biến ở miền Bắc vào những năm 1960-1970.

    Thuốc lá Điện Biên

    Thuốc lá Điện Biên

  22. Thái Bình
    Địa danh nay là một tỉnh ven biển ở đồng bằng Bắc Bộ, cách thủ đô Hà Nội khoảng 110 km. Phần đất thuộc tỉnh Thái Bình ngày nay trước đây thuộc về trấn Sơn Nam. Tới năm Thành Thái thứ hai (1890) tỉnh Thái Bình được thành lập. Tỉnh có nhiều khu du lịch và danh lam thắng cảnh nổi tiếng như bãi biển Đồng Châu, cồn Vành, chùa Keo... Các ngành nghề truyền thống như chạm bạc, làm chiếu ở đây cũng khá phát triển. Ngoài ra, Thái Bình còn được mệnh danh là Quê Lúa.

    Bãi biển Đồng Châu

    Bãi biển Đồng Châu

  23. Cá sặc
    Một loại cá đồng, có rất nhiều ở vùng Tây Nam Bộ vào mùa nước nổi. Người dân Nam Bộ thường đánh bắt cá sặc để làm khô cá, mắm sặc, hoặc nấu thành nhiều món ăn ngon như gỏi, cháo, canh chua bông súng...

    Khô cá sặc

    Khô cá sặc

  24. Vùa
    Gom góp hết về phía mình. Từ này ở miền Trung và miền Nam được phát âm thành dùa.
  25. Mã tà
    Lính cảnh sát thời thuộc địa. Nguồn gốc của từ này đến nay vẫn chưa thống nhất. Có ý kiến cho rằng từ này có gốc từ tiếng Mã Lai là mata-mata, có nghĩa là "cảnh sát," lại có người cho rằng xuất xứ từ này là matraque, tiếng Pháp nghĩa là cái dùi cui.
  26. Phao
    Quăng, ném (từ cũ).
  27. Chà Và
    Việt hóa từ âm chữ Java, chỉ đảo Java ở Indonesia. Nhưng do từ xưa, người Việt chưa phân biệt rõ về địa lý và nhân chủng của khu vực biển đảo phía nam nên dùng từ "người Chà Và" để gọi chung những người có nguồn gốc từ Ấn Độ, Malaysia, Indonesia di cư đến Việt Nam.
  28. Ma Ní
    Còn gọi Ma Ni, tức người từ Manille (thủ đô Philippines, xưa ta gọi là Phi Luật Tân, Lữ Tống), trước làm lính thuộc địa của Tây Ban Nha, được Pháp thuê trong thời kì đô hộ nước ta.
  29. Ni
    Này, nay (phương ngữ miền Trung).
  30. Đương thì
    Đang ở thời kì tuổi trẻ, đầy sức sống (thường nói về con gái).
  31. Cần
    Siêng năng (từ Hán Việt).
  32. Tiên sa
    Tiên giáng trần (từ Hán Việt).
  33. Chạ
    Hỗn tạp, chung lộn.
  34. Hai Cua
    Tên một sòng bạc lớn ở phố Khâm Thiên (Hà Nội) trước 1945.
  35. Tơ hồng
    Một loại cây dây leo, thân có màu vàng, đôi khi màu da cam hoặc đỏ. Tơ hồng là thực vật sống kí sinh, một khi tìm được cây chủ thích hợp sẽ bám vào và phát triển rất mạnh, đồng thời rễ trong đất cũng bắt đầu tiêu hủy đi. Dây và hạt tơ hồng có thể dùng làm vị thuốc Đông y.

    Dây tơ hồng

    Dây tơ hồng

  36. Giành
    Còn gọi là trác, đồ đan bằng tre nứa hoặc mây, đáy phẳng, thành cao, thường dùng để chứa nông sản, gặp ở miền Bắc và một số tỉnh Bắc Trung Bộ.

    Cái giành

    Cái giành

  37. Lang vân
    Lang chạ, trắc nết.
  38. Gá bạc
    Tổ chức đánh bạc.
  39. Phúc
    Những điều tốt lành. Kinh Thi chia ra năm phúc: Giàu, Yên lành, Thọ, Có đức tốt, và Vui hết tuổi trời (theo Thiều Chửu). Từ thời nhà Nguyễn, chữ này được đọc trại ra thành phước vì kị húy họ Nguyễn Phúc của vua chúa nhà Nguyễn.