Những bài ca dao - tục ngữ về "chim di":

  • Bồ các là bác chim ri

    Bồ các là bác chim ri
    Chim ri là dì sáo sậu
    Sáo sậu là cậu sáo đen
    Sáo đen là em tu hú
    Tu hú là chú bồ các
    Bồ các là bác chim ri

    Dị bản

    • Sáo sậu là cậu sáo đen
      Sáo đen là em sáo đá
      Sáo đá là má bồ nông
      Bồ nông là ông ác là
      Ác là là bà tu hú
      Tu hú là chú chim ri
      Chim ri là dì chim xanh
      Chim xanh là anh cò bợ
      Cò bợ là vợ thằng Ngô
      Thằng Ngô là cô sáo sậu
      Sáo sậu là cậu sáo đen

  • Ai đi đâu đấy hỡi ai

    Ai đi đâu đấy hỡi ai
    Hay là trúc đã nhớ mai đi tìm?
    Tìm em như thể tìm chim
    Chim bay bể Bắc anh tìm bể Đông
    Tìm bể Ðông thấy lông chim nhạn
    Tìm bể cạn thấy đàn chim di
    Ai mang nhân ngãi ta đi
    Thì mang nhân ngãi ta về cho ta!

    Dị bản

    • Ai đi đâu đấy hỡi ai
      Hay là trúc đã nhớ mai đi tìm?
      Tìm em như thể tìm chim
      Chim ăn bể Bắc anh tìm bể Đông
      Bể Đông không bóng chim bay
      Hôm qua là chín, hôm nay là mười
      Tìm em đã mướt mồ hôi
      Lại đứt nút áo, lại rơi khăn đầu
      Tìm em chẳng thấy em đâu
      Lội sông ướt áo, qua cầu tủi ghe
      Có nghe nín lặng mà nghe
      Những lời anh nói như se vào lòng

Chú thích

  1. Ác là
    Còn có tên là bồ các, một loại chim lớn (có thể dài từ 40-50 cm) có đầu, cổ và ngực màu đen bóng, bụng và vai màu trắng. Ác là loài ăn tạp, chúng có thể ăn từ chim non tới trứng, thú, sâu bọ nhỏ, hạt ngũ cốc và nhiều thứ khác. Có lẽ vì vậy trong ca dao dân ca, ác là thường tượng trưng cho điều xấu hoặc những kẻ độc ác. Tuy nhiên trong văn hóa Trung Quốc, ác là lại có tên là hỉ thước, tượng trưng cho điềm lành.

    Bồ các (ác là)

    Ác là

  2. Chim ri
    Một loài chim như chim sẻ, ăn thóc gạo và các loại hạt. Văn học thường dùng các thành ngữ "khóc như ri," "nổi như ri..."

    Chim ri

    Chim ri

  3. Sáo sậu
    Còn được gọi là cà cưỡng, một chi chim thuộc họ Sáo, vì vậy mang các đặc tính họ này như: thích sống vùng nông thôn rộng thoáng, chủ yếu ăn sâu bọ và quả, hay làm tổ trong các hốc, lỗ và đẻ các trứng màu xanh lam hay trắng. Họ Sáo, đặc biệt là sáo sậu, có khả năng bắt chước âm thanh từ môi trường xung quanh, kể cả tiếng còi ô tô hay giọng nói con người. Các loài trong chi này có thân nhỏ, lông thường màu đen hoặc đen xám, tím biếc hoặc xanh biếc, mỏ và chân màu vàng. Ở nước ta, loại chim này được nuôi phổ biến để dạy cho nói tiếng người.

    Sáo sậu

    Sáo sậu

  4. Sáo đen
    Một giống chim thuộc họ Sáo. Sáo đen có loại có chân vàng mỏ vàng, mắt đen kịt, không có tròng trắng. Loại khác chân ngà mỏ ngà, tròng mắt có màu vàng, con ngươi nhỏ. Lại có loại mỏ ngà chân vàng tròng mắt màu vàng và con ngươi co giãn.

    Sáo đen

    Sáo đen

  5. Tu hú
    Một loài chim có kích cỡ khá lớn, ăn quả và côn trùng, có tiếng kêu to dễ phân biệt. Chúng là chim đẻ nhờ, đẻ trứng của mình vào tổ của các loài chim khác, đặc biệt vào tổ của các loài chim dạng sẻ.

    Chim tu hú

    Chim tu hú

  6. Sáo
    Tên chung của một số loài chim nhỏ, có bộ lông sẫm màu, thường sống trong các hốc, lỗ, và đẻ trứng có vỏ màu xanh lam hoặc trắng. Vài loài sáo có khả năng bắt chước tiếng người, nên thường được nuôi làm chim cảnh.

    Chim sáo

    Chim sáo

  7. Bồ nông
    Một loài chim săn cá, có chiếc mỏ dài và túi cổ họng lớn đặc trưng để bắt con mồi.

    Bồ nông

    Bồ nông

  8. Chim xanh
    Tên một họ chim dạng sẻ, có hình dáng giống chào mào, sinh sống thành đàn trong rừng, kiếm ăn tại các rừng nghèo nhiều dây leo, bụi rậm. Chim ăn côn trùng, nên là loài có ích cho lâm nghiệp và nông nghiệp.

    Trong văn học cổ, chim xanh là sứ giả của Tây Vương Mẫu, nên thường được xem là người đưa tin, làm mối, hoặc chỉ tin tức qua lại, tuy hiện không rõ có đúng là loài chim xanh này không.

    Chim xanh cánh lam

    Chim xanh cánh lam

  9. Cò bợ
    Một giống cò có mỏ vàng với đầu mỏ đen, chân và mắt màu vàng. Bình thường cò bợ có bộ lông màu xám, đến mùa sinh sản thì chuyển sang màu đỏ, xanh và trắng.

    Cò bợ

    Cò bợ

  10. Ngô
    Trung Quốc. Thời Lê - Mạc, dân ta gọi nước Trung Quốc là Ngô, gọi người Trung Quốc là người Ngô.
  11. Trúc
    Một loại cây giống tre, mọc thành bụi, lá nhỏ và thưa hơn lá tre. Do trúc có dáng đẹp nên được trồng làm cây cảnh. Trong văn chương ngày xưa, trúc thường được dùng tượng trưng cho hình ảnh người quân tử, hoặc người con gái.

    Tranh thủy mặc vẽ trúc

    Tranh thủy mặc vẽ trúc

  12. Mai
    Còn gọi là mơ, một loại cây thân nhỏ, nhiều cành, rất phổ biến các nước Đông Á, nhất là Trung Quốc và Nhật Bản. Cây ra hoa vào cuối mùa đông, đầu mùa xuân. Hoa mai nhỏ, mỗi hoa có năm cánh, thường hoa có màu trắng, mặc dù một số giống mai có thể cho hoa màu hồng hay đỏ sẫm. Trong văn học cổ, mai thường được dùng như một hình ảnh ước lệ, đại diện cho người phụ nữ. Lưu ý, cây mai này không phải là loại mai vàng của miền Nam nước ta.

    Hoa mai

    Hoa mai

  13. Nhạn
    Vốn nghĩa là con ngỗng trời. Theo Thiều Chửu: Chim nhạn, mùa thu lại, mùa xuân đi, cho nên gọi là hậu điểu 候鳥  chim mùa. Chim nhạn bay có thứ tự, nên anh em gọi là nhạn tự 雁序. Có khi viết là nhạn 鴈. Ta gọi là con chim mòng. Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của cũng chép “Nhạn: Thứ chim giống con ngỗng.” Trong văn học cổ ta thường bắt gặp những cụm từ "nhạn kêu sương," "tin nhạn." Hiện nay từ này thường được dùng để chỉ chim én.
  14. Chim di
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Chim di, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  15. Nhân ngãi
    Người thương, người tình (từ cổ). Cũng nói nhân ngãi, ngỡi nhân.