Thiếp nay thi lễ con nhà
Thấy chàng mĩ mạo, nết na dịu dàng
Cho nên lòng muốn đa mang
Biết rằng quân tử có màng hay không ?
Ngẫm duyên kỳ ngộ tương phùng
Lứa đôi ai có đẹp bằng Tương Như ?
Cầu hoàng một khúc lẳng lơ
Trác Văn Quân luống ngẩn ngơ lòng sầu
Vì đâu để lấy được nhau
Nếu không duyên nợ có đâu thế này
Đôi ta nay gặp nhau đây
Ba sinh âu hẳn nợ dầy chẳng không
Xin chàng hãy quyết đành lòng
Nâng khăn sửa túi, má hồng tựa nương
Họa may thau lộn với vàng
Tìm kiếm "Hàn lộ"
-
-
Tôi Đà Phật, nàng A men
Tôi Đà Phật, nàng A men
Hai ta tôn giáo cách hai miền xa xăm
Bỗng đâu gió bão mưa dầm
Để tôi buộc mối đồng tâm với nàng
Thế là đeo lấy dở dang
Bỏ nhau chẳng được, sang ngang không thuyền
Biết rằng duyên lỡ làng duyên
Trăm năm để lại một thiên hận tình
Bảo cho những kẻ đầu xanh
Đến nơi đến tháng cầu kinh thì cầu
Đừng mơ những việc đâu đâu
Mà vương phải kiếp cú sầu vạn niên -
Liệu bề đát được thì đan
-
Phụ đồng ếch
Hồn ếch ta đã về đây
Mãi năm khô hạn ta nay ở bờ
Ở bờ những hộc cùng hang
Tay thì cá giỏ, tay thì cần câu
Nó có chiếc nón đội đầu
Khăn vuông chít tóc ra màu xinh xinh
Nó có cái quạt cầm tay
Nó có ống nứa bỏ đầy cóc con
Nó có chiếc cán thon thon
Nó có sợi chỉ thon thon mà dài
Ếch tôi mới ngồi bờ khoai
Nó giật một cái đã sai quai hàm
Mẹ ơi lấy thuốc cho con
Lấy những lá ớt cùng là xương sông
Ếch tôi ở tận hang cùng
Bên hè rau muống, phía trong bờ dừa
Thằng măng là con chú tre
Nó bắt tôi về làm tội lột da
Thằng hành cho chí thằng hoa
Mắm muối cho vào cay hỡi đắng cay -
Thơ thầy Thông Chánh
Nhựt trình Vĩnh Ký đặt ra
Chép làm một bổn để mà coi chơi
Trà Vinh nhiều kẻ kỳ tời
Có thầy Thông Chánh thiệt người khôn ngoan
Đêm nằm khô héo lá gan
Nghĩ giận Biện lý không an tấm lòng
Chừng nào tỏ nỗi đục trong
Giết tên Biện lý trong lòng mới thanh
Lang sa làm việc Châu thành
Mười bốn tháng bảy lễ rày Chánh Chung
Chỉ sai đua ngựa rần rần
Trát đòi làng tổng tư bề đến đây
Bốn giờ đua ngựa cát bay
Phủ Hơn, Biện lý đương rày ngồi coi
Có thầy Thông Chánh hẳn hòi
Xách súng nai nịt đi coi châu thành … -
Vè đi phu Cửa Rào
Từ ngày có mặt thằng Tây
Phu phen tạp dịch hàng ngày khốn thân!
Tai vạ trửa dân
Hắn mần đã nghiệt:
Khắp nơi ráo riết
Giở sổ đếm người
Kể chi lão phụ con trai
Người đi phu cũng tội
Kẻ ở nhà cũng tội
Vua quan bối rối
Họ đập đánh lút đầu:
– Phu phải đi cho mau
Việc quan cần cho kịp!
Một ngày phải kíp
Để kiểm phu chợ Lường … -
Anh ra đi lính cho làng
Anh ra đi lính cho làng
Nước mắt ròng ròng nhớ mẹ nhớ cha
Cực vì ông nớ trong tòa
Sức anh đi lính vậy mà phải đi
Ra đi tới rặng Trà My
Thấy kẻ thăm con, người thăm cháu, thiếp đi thăm chàng
Đi ra vừa tới ngoài Hàn
Thấy lính đi tập dư ngàn, dư trăm
Thiếp thương chàng mới ghé qua thăm
Chàng qua nước bển biết mấy mươi năm chàng về
Thôi thôi em trở lộn về
Nuôi cha với mẹ trọn bề hiếu trung -
Tháng Giêng, tháng Hai, tháng Ba, tháng Bốn, tháng khốn, tháng nạn
Tháng Giêng, tháng Hai, tháng Ba, tháng Bốn, tháng khốn, tháng nạn
Đi vay đi dạm được một quan tiền
Ra chợ Kẻ Diên mua con gà mái về nuôi, hắn đẻ ra mười trứng
Một trứng: ung
Hai trứng: ung
Ba trứng: ung
Bốn trứng: ung
Năm trứng: ung
Sáu trứng: ung
Bảy trứng: ung
Còn ba trứng nở ra ba con
Con diều tha
Con quạ bắt
Con cắt xơi
Chớ than phận khó ai ơi
Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây. -
Vè Cần vương
Vâng lời troàn ngươn soái
Mình đeo ấn Tổng nhung
Lời khuyên rao chư sĩ anh hùng
Mặt phải trái coi qua thời biết
Mình là con trong đất Việt
Chẳng phải người sanh sản cõi Tây phiên
Mà ham di địch tước quyền
Lại nỡ khiến tấm lòng vô hậu
Chớ bắt chước những loài quân dậu
A dua hùa lưng lớn thờ chồn
Đừng bày theo những đảng ác côn … -
Vè các lái (hát vô)
Ghe bầu các lái đi buôn
Đêm khuya ngồi buồn, kể chuyện ngâm nga
Bắt từ Gia Định kể ra
Anh em thuận hòa ngoài Huế kể vô
Trên thời ngói lợp tòa đô
Dưới sông thủy cát ra vô dập dìu
Trên thời vua Thuấn, vua Nghiêu
Ngoài dân, trong triều tòa chính sửa sang
Trên thời ngói lợp tòa vàng
Dưới dân buôn bán nghênh ngang chật bờ
Này đoạn các lái trở vô
Thuận An là chốn thuyền đô ra vào
Vát ra một đỗi khơi cao
Ta sẽ lần vào thì tới Cửa Ông
Nay đà giáp phủ Thuận Phong
Hòn Am, Cửa Kiểng nằm trong thay là … -
Tiếng đồn anh hay chữ
– Tiếng đồn anh hay chữ
Lại đây em hỏi thử
Đôi câu lịch sử Khánh Hòa
Từ ngày Tây cướp nước ta
Những ông nào đã dựng cờ khởi nghĩa,
Anh hãy nói ra cho em tường?
– Nghe lời em hỏi mà thương
Thương người nghĩa kiệt, tơ vương vấn lòng
Vì thù non sông
Thề không đội trời chung với giặc
Từ Nam chí Bắc
Thiếu chi trang dạ sắt, gan đồng … -
Nàng khoe tam cúc nàng cao
Nàng khoe tam cúc nàng cao,
Nên tôi hân hạnh được vào dự chơi.
Ba cô ngồi ở ba nơi,
Với tôi là bốn, đều ngồi khang trang.
Thoạt đầu đảo đảo, trang trang,
Bắt cái tam tịnh cái nàng gần tôi.
Sau khi bài đã chia rồi,
Mỗi người có tám cây bài trên tay.
Cầm bài tôi liếc thấy ngay,
Có hai tốt đỏ lại vầy tốt đen.
Kế đến là đôi xe đen,
Bộ ba tướng trắng còn kèm trên tay.
Bài tốt tôi giục gọi ngay,
Cô nàng gọi “một” đánh ngay sĩ điều.
Được rồi nàng gọi tiếp “đôi,”
Đánh đôi mã đỏ rồi ngồi đợi xem.
Lá này tôi ra xe đen,
Bắt đôi mã đỏ làm nàng xuýt xoa.
Được rồi tôi mới gọi “ba,”
Tướng sĩ tượng đỏ nàng ra bắt liền.
Bắt rồi hạ kết tốt đen,
Cả làng xúm lại để xem bài này.
Trách em bé, đứng cạnh tay,
Tánh nết nhanh nhảu, nói ngay một lời.
Sao bác dại thế bác ơi,
Có đôi tốt đỏ toan chui không đè.
Không dè, làng cũng không nghe,
Nàng đành phải chịu tôi đè tốt đen.
Bây giờ sự đã quả nhiên,
Nàng đành móc túi, xỉa tiền ra chung. -
Vè các lái (hát ra)
Tiếng đồn các lái Đồng Nai
Tháng giêng cưa ván, tháng hai đóng thuyền
Tháng ba củi lửa huyên thuyên
Tháng tư dọn thuyền quay lại lộn ra
Sài Gòn, Rạch Giá bao xa
Lần theo tăm cá xa nhà đã lâu
Một trăm ông lái làu làu
Đi qua Giáp Nước, Vũng Tàu phải ghê
Kỳ Vân có bãi lưới rê
Non cao biển thẳm ủ ê tấc lòng
Khúc nôi lụy nhỏ đằm đằm
Xích Ram đã khỏi, Bãi Dầm đã qua
Hồ Tràm, Hồ Đắng de ra
Thân Trong nằm trước, Mũi Bà nằm trong … -
Vè Hà thành đầu độc
Một cơn gió táp mưa sa
Non sông nổi giận, cỏ hoa đeo sầu
Gió mưa nghe vẳng bên lầu
Tưởng hồn nghĩa sĩ ở đâu ngang trời
Than ôi cũng một kiếp người
Một lòng yêu nước thương nòi xót xa
Non sông Hồng Lạc một nhà
Nhớ người ta phải hương hoa cúng giàng
Mực hòa máu lệ một chương
Khóc trang nghĩa dũng nêu gương muôn đời
Nhớ xưa liệt sĩ bốn người
Ở trong ban lính đóng nơi Hà thành
Đòi phen trận mạc tập tành
Thấy người xe ngựa, tủi mình non sông … -
Vè Đông Kinh
Cơn mây gió trời Nam bảng lảng
Bước anh hùng nhiều chặng gian truân
Ngẫm xem con tạo xoay vần
Bày ra một cuộc duy tân cũng kì
Suốt thân sĩ ba kì Nam Bắc
Bỗng giật mình sực thức cơn mê
Học, thương, xoay đủ mọi nghề
Cái hồn ái quốc gọi về cũng mau
Hồn đã tỉnh, bảo nhau cùng dậy
Chưa học bò vội chạy đua theo
Khi lên như gió thổi diều
Trong hò xin thuế, ngoài reo hãm thành
Cách hoạt động người mình còn dại
Sức oai quyền ép lại càng mau
Tội nguyên đổ đám nho lưu
Bắc kì thân sĩ đứng đầu năm tên … -
Vè Tà Lơn
Xứ hiểm địa chim kêu vượn hú
Dế ngâm sầu nhiều nỗi đa đoan
Ngó dưới sông thấy cá mập lội nghinh ngang
Nhìn dưới suối thấy sấu nằm hơn trăm khúc
Con tới đây là nguồn cao nước đục
Loài thú cầm nhiều thứ gớm ghê
Gấu chằn tinh lai vãng dựa bên hè
Còn gấu ngựa tới lui khít vách
Ra một đỗi xa ngoài mé rạch
Thấy beo nằm đếm biết mấy ngàn
Ngó lên bờ thấy cọp dọc ngang
Lần tay tính biết bao nhiêu chục
Bầy chồn cáo đua nhau lúc nhúc
Lũ heo rừng trừng giỡn bất loạn thiên … -
Con gả con gà
Con gả con gà
Nó đổ trên nhà
Bay ra đống rác
Cục ta cục tác
Nó nhảy vào buồng
Lên giường nó nghỉ
Hỡi thằng cu Tí
Lo đi đuổi gà
Cục ta cục tác
Con diều hung ác
Bay lượn trên đầu
Gà con ở đâu?
Về mau mẹ ủ
Mẹ con đông đủ
Chẳng sợ diều hâu!Dị bản
Con gả con gà
Hắn đổ trên nhà
Bay ra đống rác
Cục ta cục tác
Hắn nhảy lên chuồng
Lên giường hắn nghỉ
Ơ thằng cu Tí!
Lo đuổi gà đi
Cục ta cục tác!
Con diều hung ác
Bay lượn trên đầu
Gà con ở đâu?
Về mau mẹ ủ
Mẹ con đông đủ
Chẳng sợ diều hâu!
Cục tác cục ta
Con gà nhảy ổ
Cái rổ đầu hè
Vàng hoe nắng lọt
Mẹ lót ổ gà
Cục ta cục tác
-
Khoan khoan gá nghĩa
Khoan khoan gá nghĩa
Thủng thỉnh giao hòa
Để cho em hỏi cửa nhà ra sao?
Anh em thúc bá thế nào?
Nói ra em biết âm hao em tường
Hà miền, hà thị, hà phương,
Hà quê, hà quán em chưa tường đục trong,
Và đây lời hỏi sau cùng,
Nói ra cho em biết đã tơ hồng đâu chưa ?
– Xa xôi chi đó mà hỏi miền hỏi thị
Lạ lùng chi em mà hỏi quán hỏi quê
Bình Dương vốn thật quê chàng,
Lánh nơi thành thị lạc đàng núi non
Xuân xanh hai tám tuổi tròn,
Hoa còn ẩn nhụy chờ bình đơm bông.Dị bản
Khoan khoan gá nghĩa
Thủng thỉnh giao hòa
Để cho em hỏi cửa nhà ra sao?
Anh em thúc bá thế nào?
Nói ra em biết âm hao em tường
Hà miền, hà thị, hà hương,
Hà quê, hà quán em chưa tường đục trong,
Và đây lời hỏi sau cùng,
Nói ra cho em biết đã tang bồng đâu chưa?
– Xa xôi chi đó,
Kẻ đơn người tống,
Lạ lùng gì em phải hỏi han.
Ở đây vốn thật quê chàng,
Lánh nơi thành phố lạc đàng núi non.
Xuân thu hai tám tuổi tròn,
Hoa còn ẩn nhụy chờ bình đơm bông .
-
Tuổi em chừng độ mười chín đôi mươi
-
Nghe chàng đọc sách Kinh Thi
Nghe chàng đọc sách Kinh Thi
Con cá nằm dưới cỏ cá chi rứa chàng?
– Anh đây chẳng đọc sách Kinh Thi
Cá nằm dưới cỏ anh nghi con cá tràuDị bản
Chú thích
-
- Thi lễ
- Kinh Thi và kinh Lễ, dùng để chỉ sự nền nếp, gia giáo thời phong kiến.
-
- Mĩ mạo
- Mặt đẹp (từ Hán-Việt).
-
- Đa mang
- Tự vương vấn vào nhiều tình cảm để rồi phải đeo đuổi, vấn vương, dằn vặt không dứt ra được.
Thôi em chả dám đa mang nữa
Chẳng buộc vào chân sợi chỉ hồng
(Xuân tha hương - Nguyễn Bính)
-
- Màng
- Mơ tưởng, ao ước, thèm muốn (từ cổ).
-
- Kỳ ngộ
- Gặp gỡ một cách may mắn kỳ lạ (từ Hán Việt).
-
- Tương phùng
- Gặp nhau (từ Hán Việt).
-
- Tư Mã Tương Như
- Tự là Tràng Khanh, người ở Thành Ðô, đời vua Cảnh Ðế nhà Hán. Ông là một người đa tài, văn hay đàn giỏi, được phong làm quan nhưng sau đó sinh chán nên cáo bệnh từ quan. Khi ông đến nhà Trác Vương Tôn chơi, Trác Vương Tôn yêu cầu ông cho đàn một bài. Biết Trác Vương Tôn có người con gái rất đẹp tên là Văn Quân, còn trẻ mà sớm goá chồng, thích nghe đàn nên Tương Như sinh lòng yêu mến, nhân đó định trêu nàng nên vừa đàn vừa hát khúc Phượng cầu hoàng. Trác Văn Quân đứng nép bên trong nghe tiếng đàn thì lòng cảm thấy bồi hồi, sau bỏ nhà đi theo Tương Như.
Dập dìu lá gió cành chim,
Sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Tràng Khanh
(Truyện Kiều)
-
- Phượng cầu hoàng
- Nghĩa là "chim phượng trống tìm chim phượng mái," một khúc đàn được Tư Mã Tương Như gảy để tỏ tình với Trác Văn Quân. Ðây là một khúc đàn tình tứ lãng mạn:
Phượng hề phượng hề quy cố hương
Ngao du tứ hải cầu kỳ hoàng
Thời vị ngô hề vô sở tương
Hữu diện thục nữ tại khuê phường
Thất nhĩ ngân hà, sầu ngã trường
Hà duyên giao cảnh vi uyên ương
Tương hiệt ương hề cộng cao tườngTrong Bích Câu Kỳ ngộ có câu:
Cầu hoàng tay lựa nên vần
Tương Như lòng ấy Văn Quân lòng nào
-
- Trác Văn Quân
- Con gái của Trác Vương Tôn, người ở đất Lâm Cùng, đời Tây Hán trong lịch sử Trung Quốc. Nàng là người con gái rất đẹp mà sớm goá chồng, thích nghe đàn. Khi nghe Tương Như vừa đàn vừa hát khúc Phượng cầu hoàng nàng đã đem lòng say mê rồi quyết bỏ nhà đi theo Tương Như.
Như chuyện Tương Như và Trác thị,
Đưa nhau về ở đất Lâm Cùng
Vườn xuân trắng xóa hoa cam rụng
Tôi với em Nhi kết vợ chồng
(Hoa với rượu - Nguyễn Bính)
-
- Luống
- Từ dùng để biểu thị mức độ nhiều, diễn ra liên tục, không dứt.
Vì lòng anh luống âm thầm tha thiết
Gán đời mình trọn kiếp với Dê Sao
(Nỗi lòng Tô Vũ - Bùi Giáng)
-
- Duyên nợ
- Theo giáo lí nhân quả của nhà Phật, hai người gặp nhau được là nhờ duyên (nhân duyên), và nên nghĩa vợ chồng để trả nợ từ kiếp trước.
-
- Ba sinh
- Ba kiếp người: kiếp trước, kiếp này và kiếp sau, theo thuyết luân hồi của Phật giáo. Văn học cổ thường dùng chữ "nghĩa ba sinh" hoặc "nguyện ước ba sinh" để nói về sự gắn kết nam nữ.
Ví chăng duyên nợ ba sinh,
Làm chi những thói khuynh thành trêu ngươi?
(Truyện Kiều)
-
- Đồng thau
- Hợp kim của đồng và kẽm. Đồng thau có màu khá giống màu của vàng, nên khi xưa thường được dùng để đúc đồ trang trí hay làm tiền xu. Tuy nhiên, khi hơ lửa đồng thau sẽ bị xỉn màu (do bị oxy hóa) còn vàng thì không.
-
- Nam mô A Di Đà Phật
- Câu niệm danh hiệu của Phật A Di Đà, một phép tu hành được sử dụng trong Phật giáo Đại Thừa, đặc biệt là Tịnh Độ Tông.
-
- A-men
- Một từ mà người theo đạo Chúa (Công giáo, Tin Lành...) thường nói khi kết thúc một bài kinh, có thể dịch thành "Thật vậy" hoặc "Xin được như nguyện."
-
- Chữ đồng
- Từ cụm từ Hán Việt "đồng tâm đái," hoặc "dải đồng," chỉ sợi thắt lưng ngày xưa có hai dải lụa buộc lại với nhau. Văn chương cổ dùng từ "chữ đồng" hoặc "đạo đồng" để chỉ sự kết nguyền chung thủy của vợ chồng.
Đã nguyền hai chữ đồng tâm
Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai
(Truyện Kiều)
-
- Đầu xanh
- Chỉ người tuổi còn trẻ.
Hay là thuở trước khách hồng nhan?
Sắc sảo khôn ngoan trời đất ghen.
Phong trần xui gặp bước lưu lạc,
Đầu xanh theo một chuyến xuân tàn.
(Thăm mả cũ bên đường - Tản Đà)
-
- Đát được thì đươn
- Đươn (đan) và đát là hai công đoạn bắt buộc người làm nghề đan phải biết. Nghĩa rộng của câu này nhằm nói: Cần phải nắm chắc các công đoạn cần thiết của một việc gì rồi mới bắt tay vào làm, nếu không thì việc sẽ thành dang dở.
-
- Mủng
- Cái thúng (phương ngữ Trung Bộ).
-
- Khăn vuông
- Loại khăn to bề khổ, bốn cạnh bằng nhau, dùng để đội đầu hoặc gói bọc đồ đạc quần áo đem theo mình. Đầu tiên, người ta để quần áo vật dụng vào giữa khăn, lấy hai chéo đối nhau siết chặt lại, cuối cùng thắt gút hai chéo còn lại với nhau, xỏ tay vào để mang túi lên vai.
-
- Nứa
- Loài cây cùng họ với tre, mình mỏng, gióng dài, mọc từng bụi ở rừng, thường dùng để đan phên và làm các đồ thủ công mĩ nghệ. Ống nứa ngày xưa cũng thường được dùng làm vật đựng (cơm, gạo, muối...).
-
- Xương sông
- Loài cây có thân thẳng đứng, cao khoảng một mét hoặc hơn. Lá thuôn dài, mép có răng cưa, có mùi hơi hăng của dầu. Lá xương sông là một loại rau gia vị phổ biến, và cũng là vị thuốc chữa bệnh đường hô hấp, cảm cúm...
-
- Nhật trình
- Tờ báo đọc hằng ngày. Ở Trung và Nam Bộ, từ này cũng được phát âm thành nhựt trình.
-
- Trương Vĩnh Ký
- Nhà văn, nhà ngôn ngữ học, nhà giáo dục học, nhà văn hóa lỗi lạc của nước ta vào cuối thế kỉ 19. Ông sinh ngày 6/12/1837 tại ấp Cái Mơn, xã Vĩnh Thành, tổng Minh Lý, huyện Tân Minh, phủ Hoàng An, tỉnh Vĩnh Long (nay thuộc huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre), mất ngày 1/9/1898 tại Sài Gòn. Thông minh và ham học từ nhỏ, sau này ông đọc thông viết thạo 27 ngoại ngữ, là tác giả của hơn 100 tác phẩm về văn học, lịch sử, địa lý, từ điển và dịch thuật, có tri thức vô cùng uyên bác, được tấn phong Giáo sư Viện sĩ Pháp, được ghi tên trong Bách khoa Tự điển Larousse, và được xem là một trong 18 nhà bác học hàng đầu thế giới thế kỷ 19. Cùng với Nguyễn Văn Vĩnh, ông thường được coi là "ông tổ nghề báo Việt Nam" vì là người sáng lập Gia Định báo, tờ báo quốc ngữ đầu tiên của nước ta.
Trường chuyên Lê Hồng Phong, thuộc thành phố Hồ Chí Minh hiện nay, trước đây có tên là trường Pétrus Ký, chính là đặt theo tên ông.
-
- Bổn
- Bản (phương ngữ Nam Bộ).
-
- Trà Vinh
- Tên một tỉnh ven biển ở đồng bằng sông Cửu Long, có kho tàng văn hoá đa dạng, đặc biệt là văn hoá vật thể và phi vật thể của người Khmer: chữ viết, lễ hội, đền chùa... Tại đây cũng có nhiều đặc sản như cốm dẹp trộn dừa kiểu Khmer; các món đuông như đuông chà là, đuông đất và đuông dừa; mắm rươi; rượu Xuân Thạnh, bánh tét, bánh tráng ba xe, mắm kho, bún nước lèo...
-
- Kỳ tời
- Đọc trại chữ kỳ tài, cách phát âm của người Nam Bộ.
-
- Thầy Thông Chánh
- Một người làm nghề thông ngôn tên là Chánh. Theo nhà nghiên cứu Trần Dũng thì thầy Thông Chánh tên thật là Nguyễn Văn Chánh, còn gọi là Nguyễn Trung Chánh, sinh khoảng năm 1850 tại Trà Vinh trong một gia đình theo đạo Thiên chúa, làm thông ngôn cho Pháp. Vợ (có nguồn nói là con gái) của thầy là cô Ba, sắc đẹp nổi tiếng lúc bấy giờ, nên tên Biện lý Jaboin rắp tâm chiếm đoạt. Quá uất ức, thầy đã dùng súng giết chết viên quan thực dân háo sắc ngày 14 tháng 5 năm 1893 (theo Sơn Nam), bị Tòa đại hình Mỹ Tho kết án ngày 19 tháng 6 năm 1893, và bị chém đầu ngày 8 tháng 1 năm 1894 tại Trà Vinh.
-
- Lang Sa
- Pha Lang Sa, Phú Lang Sa, Phú Lãng Sa, hay Lang Sa đều là những cách người Việt thời trước dùng để chỉ nước Pháp, ngày nay ít dùng. Các tên gọi này đều là phiên âm của từ "France".
-
- Châu thành
- Phố phường, thành thị, nơi dân cư đông đúc. Các tỉnh Nam Bộ ngày xưa đều có quận, huyện châu thành.
-
- Lễ Chánh Chung
- Tên nhân dân ta thời Pháp thuộc đặt cho lễ ngày Quốc khánh Pháp 14 tháng 7 (kỷ niệm phá ngục Bastille năm 1789). Vào ngày này thực dân Pháp tổ chức diễu binh, đua ngựa, vui chơi với mục đích mị dân.
-
- Trát
- Giấy truyền lệnh của quan lại ngày xưa. Từ chữ Hán 札 nghĩa là cái thẻ, vì ngày xưa không có giấy nên mọi mệnh lệnh muốn truyền đạt phải viết vào miếng gỗ nhỏ.
-
- Phủ
- Tên gọi một đơn vị hành chính thời xưa, cao hơn cấp huyện nhưng nhỏ hơn cấp tỉnh. Đứng đầu phủ gọi là quan phủ, cũng gọi tắt là phủ.
-
- Dân phu
- Người dân lao động phải làm những công việc nặng nhọc trong chế độ cũ (phu xe, phu mỏ, phu đồn điền).
-
- Tạp dịch
- Những việc lặt vặt (từ Hán Việt).
-
- Trửa
- Giữa (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
-
- Mần
- Làm (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Như mần ăn, mần việc, đi mần...
-
- Nghiệt
- Ác nghiệt, nghiệt ngã.
-
- Kíp
- Gấp, vội. Từ này có nguồn gốc từ chữ Hán Việt cấp.
-
- Chợ Lường
- Tên dân gian của chợ Đô Lương, một ngôi chợ nay thuộc địa phận huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Thời Pháp thuộc, chợ là địa điểm tập trung dân phu để đi làm đường. Đến bây giờ, chợ Lường vẫn được coi như là biểu tượng của cảnh bán buôn sầm uất, tấp nập trong vùng.
-
- Nớ
- Kia, đó (phương ngữ Trung Bộ).
-
- Sức
- Hành động quan truyền lệnh cho dân bằng văn bản.
Việc này tuy là việc thể dục, nhưng các thầy không được coi thường, nếu không tuân lệnh sẽ bị cữu.
Nay sức.
Lê Thăng
(Tinh thần thể dục - Nguyễn Công Hoan)
-
- Đà Nẵng
- Tên thành phố thuộc Nam Trung Bộ, trước đây thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Nguồn gốc từ "Đà Nẵng" là biến dạng của từ Chăm cổ Daknan, nghĩa là "vùng nước rộng lớn" hay "sông lớn", "cửa sông cái" vì thành phố nằm bên bờ sông Hàn. Dưới thời nhà Nguyễn, Đà Nẵng có tên là Cửa Hàn, là thương cảng lớn nhất miền Trung. Cuộc xâm lược của Pháp tại Việt Nam khởi đầu chính tại thành phố này.
Hiện nay Đà Nẵng là một thành phố hiện đại, trong lành, có tiềm năng du lịch rất lớn, và được xem là thành phố đáng sống nhất Việt Nam.
-
- Diên Sanh
- Tên Nôm là kẻ Diên, một làng xưa thuộc xã Diên Thọ, huyện Lợi Điều, châu Thuận Hóa, nay thuộc xã Hải Thọ, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Tại đây có những địa danh như làng Diên Sanh, chợ Diên Sanh (chợ Kẻ Diên), chùa Diên Thọ, chùa Diên Bình, chùa Diên Phước, nhà thờ Diên Sanh...
-
- Cắt
- Loài chim ăn thịt hay chim săn mồi, có cánh mỏng và nhọn, cho phép chúng lao xuống bắt mồi với tốc độ rất cao.
-
- Troàn
- Truyền.
-
- Ngươn soái
- Nguyên soái (phương ngữ Nam Bộ).
-
- Tổng nhung
- Vị quan võ thống lĩnh toàn bộ việc quân của một địa phương.
-
- Thời
- Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
-
- Sanh sản
- Sinh sản.
-
- Thổ Phồn
- Cũng gọi là Thổ Phiên, Thổ Phiền hoặc Phiên, tên mà người Trung Quốc từ thời nhà Đường dùng để gọi một vương quốc thống trị vùng Tây Tạng từ khoảng thế kỷ thứ 6 đến thế kỷ thứ 9.
-
- Di địch
- Mọi rợ, chưa khai hóa. Người Trung Hoa thời cổ cho rằng nước mình ở giữa thế giới, gọi các dân tộc xung quanh họ, chưa tiếp thu văn hóa Trung Hoa, là Man (ở phía nam), Di (ở phía đông), Nhung (ở phía tây), Địch (ở phía bắc).
-
- Ác côn
- Đứa vô lại, hung dữ.
-
- Ghe bầu
- Loại ghe (thuyền) đi biển chạy bằng buồm, chủ yếu dùng để vận chuyển hàng hóa. Ghe bầu ra đời từ giữa thế kỷ 16, có nguồn gốc tương đồng với loại thuyền prao (hay prau) của Mã Lai. Tên "ghe bầu" bắt nguồn từ tiếng Khmer xòm pầu.
-
- Lái
- Người chuyên nghề buôn chuyến một loại hàng hóa nhất định (lái gỗ, lái trâu...)
-
- Gia Định
- Tên gọi một tỉnh ở miền Nam nước ta dưới thời triều Nguyễn. Tỉnh Gia Định xưa nằm giáp ở phía Nam tỉnh Đồng Nai, có thủ phủ là thành Gia Định. Dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, vào năm 1957, tỉnh Gia Định gồm 6 quận: Gò Vấp, Tân Bình, Hóc Môn, Thủ Đức, Nhà Bè, Bình Chánh, đến năm 1970 thêm Quảng Xuyên và Cần Giờ. Đến tháng 6/1975, tỉnh Gia Định (ngoại trừ 2 quận Cần Giờ và Quảng Xuyên) được sáp nhập với Đô thành Sài Gòn, cộng thêm một phần các tỉnh Long An, Bình Dương, Hậu Nghĩa để trở thành thành phố Sài Gòn - Gia Định. Đến ngày 2 tháng 7 năm 1976, thành phố Sài Gòn - Gia Định được chính thức đổi tên là Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngày nay, địa danh Gia Định chỉ còn dùng để chỉ khu vực trung tâm quận Bình Thạnh của Thành phố Hồ Chí Minh.
-
- Huế
- Một địa danh ở miền Trung, nay là thành phố thủ phủ của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Là kinh đô của Việt Nam dưới triều đại phong kiến nhà Nguyễn (1802 - 1945), Huế còn được gọi là đất Thần Kinh (ghép từ hai chữ kinh đô và thần bí) hoặc cố đô. Huế là một vùng đất thơ mộng, được đưa vào rất nhiều thơ văn, ca dao dân ca và các loại hình văn học nghệ thuật khác, đồng thời cũng là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa với nón Bài Thơ, nhã nhạc cung đình, ca Huế, các đền chùa, lăng tẩm, các món ẩm thực đặc sắc...
Địa danh "Huế" được cho là bắt nguồn từ chữ "Hóa" trong Thuận Hóa, tên cũ của vùng đất bao gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.
-
- Thuấn, Nghiêu
- Vua Thuấn và vua Nghiêu, hai vị vua kế tiếp nhau trong huyền sử Trung Hoa cổ. Tương tuyền rằng đây là hai vị minh quân và thời Nghiêu Thuấn được coi là thời thái bình an lạc.
-
- Bến Thuận An
- Bến cảng nằm bên cửa biển Thuận An cách thành phố Huế 15km về phía Đông Bắc, là nơi sông Hương chảy qua phá Tam Giang rồi đổ ra biển Đông. Trước đây cửa biển này có tên cửa Eo, cửa Nộn. Tên Thuận An là do vua Minh Mệnh nhà Nguyễn đặt cho, còn vua Thiệu Trị thì liệt Thuận An là một trong hai mươi thắng cảnh của kinh thành Huế. Vào ngày 11, 12 tháng Giêng âm lịch, nơi đây có lễ hội truyền thống gọi là lễ Cầu Ngư, có hàng ngàn người tham dự.
-
- Chạy giác
- Kĩ thuật lái ghe thuyền chạy theo góc (giác), tức là theo đường dích dắc để tránh hoặc lợi dụng gió ngược. Từ này cũng được viết trại thành vát.
-
- Cửa Tư Hiền
- Tục gọi là cửa Ông hay cửa Biện, cửa biển thông đầm Cầu Hai với Biển Đông. Đây là một trong hai cửa biển chính của hệ đầm phá Tam Giang-Cầu Hai thuộc tỉnh Thừa Thiên-Huế. Cửa biển này từ thời nhà Lý đã được nhắc đến dưới tên cửa Ô Long. Đời Trần gọi là cửa Tư Dung. Sang thời nhà Mạc vì kiêng tên vua Mạc Thái Tổ nên gọi là cửa Tư Khách. Nhà Lê vẫn dùng tên Tư Dung. Tên Tư Hiền thì mãi đến triều Thiệu Trị mới đặt.
-
- Cửa Kiểng
- Tên một cửa biển ở Huế, là nơi dòng sông Bù Lu đổ ra biển Đông.
-
- Khánh Hòa
- Một tỉnh duyên hải thuộc Nam Trung Bộ. Khánh Hòa có bờ biển dài hơn 200 km và gần 200 hòn đảo lớn nhỏ, nhiều vịnh biển đẹp như Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh... cùng khu du lịch quốc tế bắc bán đảo Cam Ranh. Với khí hậu ôn hòa và nhiều di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng khác, Khánh Hòa đã trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước.
-
- Chí
- Đến, kéo dài cho đến (từ Hán Việt).
-
- Chi
- Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Tam cúc
- Một trò chơi bài lá dân gian từng rất phổ ở miền Bắc, thường được chơi trong những khi rỗi rãi hoặc các dịp lễ tết. Bộ bài tam cúc có 32 lá với các quân tương tự như cờ tướng, chia làm hai loại là đỏ và đen. Xem thêm Cách chơi tam cúc.
-
- Đồng Nai
- Tên gọi chung của toàn thể miền đồng bằng Nam Bộ, phổ biến vào thế kỉ 19 trở về trước, nay được giới hạn để chỉ một tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ. Lịch sử của Đồng Nai gắn liền với lịch sử của vùng đất Nam Bộ, khi có làn sóng di dân từ Bắc vào Nam trong cuộc Trịnh-Nguyễn phân tranh vào thế kỉ 16. Hiện nay Đồng Nai là cửa ngõ đi vào vùng kinh tế Đông Nam Bộ, đồng thời là một trong ba mũi nhọn kinh tế miền Nam cùng với thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương.
-
- Sài Gòn
- Nay là thành phố Hồ Chí Minh, thành phố đông dân nhất, đồng thời cũng là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục quan trọng của nước ta. Vùng đất này ban đầu được gọi là Prey Nokor, thành phố sau đó hình thành nhờ công cuộc khai phá miền Nam của nhà Nguyễn. Năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh cho lập phủ Gia Định, đánh dấu sự ra đời thành phố. Khi người Pháp vào Đông Dương, để phục vụ công cuộc khai thác thuộc địa, thành phố Sài Gòn được thành lập và nhanh chóng phát triển, trở thành một trong hai đô thị quan trọng nhất Việt Nam, được mệnh danh Hòn ngọc Viễn Đông hay Paris Phương Đông. Năm 1954, Sài Gòn trở thành thủ đô của Việt Nam Cộng hòa và thành phố hoa lệ này trở thành một trong những đô thị quan trọng của vùng Đông Nam Á. Sau 1975, Sài Gòn được đổi tên thành "Thành phố Hồ Chí Minh," nhưng người dân vẫn quen gọi là Sài Gòn.
-
- Rạch Giá
- Địa danh nay là thành phố thuộc tỉnh Kiên Giang. Có ý kiến cho rằng tên "Rạch Giá" có nguồn gốc từ việc vùng đất này có rất nhiều cây giá mọc hai bên bờ rạch. Vào thời vua Gia Long, Rạch Giá là một vùng đất chưa khai khẩn, còn hoang vu, dân cư thưa thớt, chủ yếu là người Khmer. Dưới thời kháng chiến chống Pháp, Rạch Giá là căn cứ địa của người anh hùng Nguyễn Trung Trực. Thành phố Rạch Giá ngày nay có nhiều lợi thế về giao thông đường thủy, đường biển, đường bộ và đường hàng không nhằm kết nối với các trung tâm lớn trong nước và khu vực Đông Nam Á.
-
- Giáp Nước
- Nơi hai dòng hải lưu gặp nhau ở ngoài khơi Vũng Tàu.
-
- Vũng Tàu
- Một địa danh nay là thành phố thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Vũng Tàu từng là trung tâm kinh tế, tài chính, văn hóa và giáo dục của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và là một trong những trung tâm kinh tế của vùng Đông Nam Bộ. Tại đây nổi tiếng với ngành nghề du lịch biển với nhiều bãi biển lí tưởng, đồng thời có các danh lam thắng cảnh như Chùa Thích Ca Phật Đài, tượng Chúa Kitô, Bạch Dinh, Núi Nhỏ, Núi Lớn...
-
- Mũi Kỳ Vân
- Còn gọi là Thuỳ Vân, một mũi đất nhô ra biển thuộc thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Mũi đất này có độ cao chừng 327m, là đích nhắm của lái buôn ghe thuyền ngày xưa khi đi qua khu vực này.
-
- Khúc nôi
- Nỗi lòng tâm sự thầm kín khó nói ra (từ cũ). Cũng nói là khúc nhôi.
-
- Xích Ram
- Một địa danh thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày nay đọc trại thành Xích Lam. Theo Gia Định thành thông chí: [Sông Xích Ram] Ở về phía đông bắc cách trấn 209 dặm, có cầu ván bắc ngang. Sông dài 173 tầm, là nơi đường bộ đi ngang qua, nước sâu 5 thước ta. Phía hạ lưu của cầu chuyển quanh vào nam 3 dặm là cảng biển Xích Ram, khi thủy triều lên sâu 10 thước ta, rộng 33 trượng rưỡi, cảng dời đổi, thông kẹt bất thường...
-
- Bãi Dầm
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Bãi Dầm, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Hồ Tràm
- Một dải bờ biển dài nằm giữa Long Hải và Bình Châu, trên địa bàn huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây là một bãi biển đẹp và còn hoang sơ, hiện nay đang được khai thác tiềm năng du lịch.
Theo Gia Định thành thông chí: [Hải Động Hồ] Tục gọi là Hồ Tràm, cách trấn về phía đông bắc 227 dặm rưỡi. Nơi đây, động cát nối liền, cỏ cây xanh tốt, trong có hồ lớn xanh trong, nước đều ngọt cả, không khi nào khô, mọi người đều nhờ nước ấy.
-
- Hồ Đắng
- Tên một làng chài nhỏ (hiện chỉ có trên dưới hai mươi hộ dân) thuộc xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ngư dân ở đây sống bằng nghề chài lưới và đánh bắt ven bờ; cuộc sống cho đến nay vẫn còn gần như hoang sơ và tạm bợ.
-
- Thân Trong
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Thân Trong, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Mũi Bà Kiệm
- Một mũi đất nhô ra biển thuộc huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận, nằm giữa hai tỉnh Bình Thuận và Bà Rịa-Vũng Tàu.
-
- Nghĩa sĩ
- Người anh dũng dấn thân vì việc nghĩa.
-
- Lạc Hồng
- Con Lạc cháu Hồng (Con của loài chim Lạc, cháu của dòng giống Hồng Bàng). Chim Lạc là một loài chim trong truyền thuyết, được xem là biểu tượng của Âu Lạc, nhà nước thứ hai trong lịch sử nước ta (sau Văn Lang của các vua Hùng). Hồng Bàng là tên gọi chung cho giai đoạn thượng cổ nước ta, chủ yếu dựa trên các truyền thuyết, truyện kể và một số ít bằng chứng khảo cổ học.
Nhân dân ta tự nhận là con Lạc cháu Hồng. Từ "Lạc Hồng" đôi khi được đảo thành Hồng Lạc, tương tự như đối với "con Hồng cháu Lạc."
-
- Giàng
- Hay Yàng, Yang, tên gọi của vị chúa tể thần linh (ông trời) theo cách gọi của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên.
-
- Liệt sĩ bốn người
- Bốn hạ sĩ quân đội lính khố đỏ cầm đầu vụ đầu độc binh lính Pháp thành Hà Nội, gồm: đội Bình, độc Cốc, đội Nhân, và cai Nga. Bốn người đều bị giặc Pháp xử tử ngày 8/7/1908.
-
- Hoàng thành Thăng Long
- Gọi tắt là thành Hà Nội hoặc Hà thành, một công trình kiến trúc đồ sộ, được xây dựng qua nhiều triều đại phong kiến nước ta. Khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, tại thành Hà Nội đã xảy ra ít nhất hai trận đánh quan trọng: trận thành Hà Nội thứ nhất (20/11/1873) và trận thành Hà Nội thứ hai (25/4/1882). Chỉ huy thành trong hai trận này lần lượt là đô đốc Nguyễn Tri Phương và tổng đốc Hoàng Diệu.
-
- Đòi phen
- Nhiều lúc, nhiều lần (đòi từ cổ nghĩa là "nhiều").
Trông tư bề chân trời mặt đất;
Lên, xuống lầu thấm thoát đòi phen
(Chinh phụ ngâm khúc - Đặng Trần Côn)
-
- Phong trào Duy tân
- Cuộc vận động cải cách công khai ở miền Trung Việt Nam, kéo dài từ 1906 đến 1908 do Phan Chu Trinh phát động.
Phong trào Duy tân (duy tân: theo cái mới) chủ trương bất bạo động, mở mang dân trí, đổi mới giáo dục, văn hóa và kinh tế để tạo nên thế tự lực tự cường cho người Việt - lúc bấy giờ ở dưới nền thống trị thuộc địa của Pháp. Phong trào mang khẩu hiệu: "Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh".
Cùng thời và cùng theo tư tưởng cải cách còn có Duy tân hội (1904-1912) của Phan Bội Châu, do hoạt động bí mật nên được gọi là Ám xã (Hội trong bóng tối). Phong trào Duy tân hoạt động công khai, được gọi là Minh xã (Hội ngoài ánh sáng).
Một trong những đỉnh cao của phong trào Duy tân là Đông Kinh nghĩa thục (3/1907 - 11/1907).
-
- Thân sĩ
- Thân nghĩa là đai áo chầu. Thân sĩ là từ chỉ các quan đã về hưu.
-
- Ái quốc
- Yêu nước (từ Hán Việt).
-
- Phong trào chống sưu thuế Trung Kỳ
- Còn gọi là Trung kỳ dân biến, khởi phát bằng cuộc đấu tranh chống sưu thuế của nhân dân Quảng Nam vào đầu tháng 3 năm 1908, kéo dài hơn một tháng và lan ra các tỉnh lân cận như Quảng Ngãi, Bình Định, Thừa Thiên, Phú Yên, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Do nhiều người lãnh đạo chủ chốt trong phong trào này cũng tham gia phong trào Duy Tân nên chính quyền thực dân thẳng tay đàn áp cả hai. Đến cuối tháng 5 năm 1908, cả hai phong trào đều kết thúc.
Xem bài Vè xin xâu liên quan đến phong trào này.
-
- Chỉ vụ Hà thành đầu độc năm 1908.
-
- Tội nguyên
- Người đứng đầu chịu tội.
-
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về , hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Hiểm địa
- Vùng đất hiểm trở, đi lại khó khăn (từ Hán Việt).
-
- Đa đoan
- Lắm mối, lắm chuyện lôi thôi, rắc rối.
Cơ trời dâu bể đa đoan,
Một nhà để chị riêng oan một mình
(Truyện Kiều)
-
- Nghinh ngang
- Nghênh ngang.
-
- Cá sấu
- Một loài bò sát ăn thịt, thường sống ở môi trường nước như đầm lầy, sông suối, có bộ hàm rất khỏe. Chữ sấu trong cá sấu bắt nguồn từ phiên âm tiếng Trung 兽 (shou) có nghĩa là "thú." Người Trung Quốc xưa gọi như vậy vì nó vừa sống dưới nước như cá vừa có nanh vuốt giống thú.
-
- Gấu ngựa
- Một loài gấu lớn có tai lớn, toàn thân lông đen, dài, thô, có yếm hình chữ V ở ngực màu kem hoặc trắng mờ, leo trèo giỏi, kiếm ăn chủ yếu vào ban đêm. Gấu ngựa ăn tạp, từ quả chín, mầm cây, mật ong tới các loài cá và chim thú nhỏ. Hiện gấu ngựa được xếp vào một trong số các động vật đang bị đe dọa.
-
- Rạch
- Sông nhỏ chảy ra sông lớn.
-
- Báo đen
- Còn gọi là beo, là một dạng biến dị di truyền xảy ra đối với một vài loài mèo lớn, có màu đen do mang đột biến gen liên quan đến quá trình chuyển hóa melanin. Biến dị này có thể đem lại một vài ưu thế chọn lọc giúp báo đen dễ sinh sống trong những khu vực có mật độ rừng dày dặc, mức chiếu sáng rất thấp. Báo đen không được xem là một loài riêng vì không có sự cách ly giao phối với các nhóm khác. Biến dị này phổ biến ở báo đốm Mỹ và báo hoa mai. Ở nước ta ghi nhận có 3 loại báo là báo hoa mai, báo gấm, và báo lửa.
-
- Hổ
- Còn gọi là cọp, hùm, dân gian còn gọi là ông ba mươi hay chúa sơn lâm, một loài động vật có vú, ăn thịt sống, có tuổi thọ khoảng 20 năm. Phần lớn các loài hổ sống trong rừng và đồng cỏ, kém leo trèo nhưng đa số bơi lội giỏi, hay đi săn đơn lẻ. Thức ăn của chúng chủ yếu là các động vật ăn cỏ cỡ trung bình như hươu, nai, lợn rừng, trâu, v.v., ngoài ra chúng cũng săn bắt và ăn thịt các loại mồi to hay nhỏ hơn nếu cần. Một con hổ trung bình có thể ăn tới 27 kg một ngày và có thể nhịn ăn khoảng 2 hoặc 3 ngày.
Loài hổ thường thấy ở Việt Nam là hổ Đông Dương. Tuy nhiên, ở nước ta, gần 3/4 lượng hổ đã bị giết. Năm 2010, số lượng hổ ở Việt Nam chỉ còn vỏn vẹn 30 con. Hổ thường bị săn bắt để lấy da, xương, hay các bộ phận khác. Nạn săn bắt, buôn bán hổ khiến số lượng loài động vật quý hiếm này giảm 95% so với đầu thế kỷ 20. Ngày nay trên thế giới chỉ còn khoảng 5.000 - 7.000 cá thể hổ hoang dã, trong đó có khoảng 200 ở Việt Nam và 1.500 ở Ấn Độ. Loài hổ đã được đưa vào danh sách các loài đang gặp nguy hiểm.
-
- Cáo
- Loài thú ăn thịt thuộc họ chó, cỡ trung bình, ăn các loài lợn rừng nhỏ, nai, hoẵng và các loài chim thú khác. Cáo thường sống thành đàn lớn, có thể lớn tới 15 - 20 con, ở các kiểu rừng khác nhau, từ rừng già, rừng tái sinh, đến rừng hỗn giao tre nứa. Đây là loài rất hiếm, hiện đang suy giảm, có nguy cơ tuyệt chủng. Ở nước ta, chúng thường phân bố ở các tỉnh phía Bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn.
-
- Lợn rừng
- Cũng gọi là lợn lòi, loài lợn được xem là thủy tổ của lợn nhà. Lợn rừng nặng 40-200 kg, lông thô cứng màu đen xám, thường có răng nanh to dài chìa ra ngoài mõm, sống thành đàn 5-20 con trong rừng hoặc ven các nương rẫy, kiếm ăn đêm , ngày nghỉ trong các bụi rậm, thích đằm mình trong vũng nước. Lợn rừng ăn tạp gồm các loại củ, quả giàu tinh bột, các loại quả cây rừng, măng tre nứa, chuối và nhiều động vật nhỏ như nhái, ngoé, giun đất, ong...
Tại nước ta, lợn rừng có mặt khắp các tỉnh miền núi và trung du.
-
- Bất loạn thiên
- Cũng nói là bắt loạn thiên hoặc nói tắt là bắt loạn, cách nói mô tả mức độ rất nhiều của người Nam Bộ.
-
- Diều hâu
- Loài chim dữ, mỏ quặp, có thị lực rất sắc bén, hay bắt gà, chuột, rắn.
-
- Gá nghĩa
- Kết nghĩa (gá nghĩa vợ chồng, gá nghĩa anh em), tiếng miền Nam còn đọc trại thành gá ngãi.
-
- Nghĩa giao hòa
- Nghĩa vợ chồng (dùng trong ca dao dân ca).
-
- Âm hao
- Tin tức. Như âm háo 音耗 tăm hơi. Ta quen đọc là âm hao (từ điển Thiều Chửu).
Cố hương đệ muội âm hao tuyệt,
Bất kiến bình an nhất chỉ thư.
Dịch thơ:
Xa cách các em tin tức bặt
Bình yên mấy chữ thấy đâu mà.
(Sơn cư mạn hứng - Nguyễn Du, người dịch: Nguyễn Thạch Giang)
-
- Tường
- Rõ ràng, hiểu rõ, nói đủ mọi sự không thiếu tí gì. Như tường thuật 詳述 kể rõ sự việc, tường tận 詳盡 rõ hết sự việc (Thiều Chửu).
-
- Tơ hồng
- Xem chú thích Nguyệt Lão.
-
- Bình Dương
- Một tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, có tỉnh lị là thành phố Thủ Dầu Một, cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 30 cây số. Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai lập thành tam giác kinh tế mũi nhọn của miền Nam.
-
- Đàng
- Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Thúc bá
- Chú bác (từ Hán Việt).
-
- Tang bồng
- Cung bằng gỗ dâu (tang) và tên bằng cỏ bồng. Theo Kinh Lễ, khi nhà vua sinh con trai, quan coi việc bắn sẽ lấy cung bằng gỗ dâu và tên bằng cỏ bồng, bắn bốn phát ra bốn hướng, một phát lên trời, một phát xuống đất, ngụ ý rằng người làm trai chí ở bốn phương, tung hoành trời đất, giúp nước giúp đời. Chí làm trai vì thế gọi là chí tang bồng.
-
- Thất tiết
- Không giữ gìn trinh tiết (từ Hán Việt).
-
- Bất trung
- Không trung thành (từ Hán Việt).
-
- Tàn
- Cũng gọi là tán, đồ dùng có cán dài cắm vào một khung tròn bọc nhiễu hoặc vóc, xung quanh rủ dài xuống, để che cho vua quan thời xưa, hoặc dùng trong các đám rước.
-
- Kinh Thi
- Một trong Ngũ Kinh, gồm 311 bài thơ vô danh được sáng tác trong khoảng thời gian 500 năm, từ đầu thời Tây Chu đến giữa thời Xuân Thu, chia làm ba bộ phận lớn là Phong, Nhã và Tụng. Nguồn gốc các bài thơ trong Kinh Thi khá phức tạp, gồm cả ca dao, dân ca và nhã nhạc triều đình, với các tác giả thuộc mọi tầng lớp trong xã hội đương thời.
-
- Chi rứa
- Gì thế (phương ngữ Trung Bộ).
-
- Cá lóc
- Còn có các tên khác là cá tràu, cá quả tùy theo vùng miền. Đây là một loại cá nước ngọt, sống ở đồng và thường được nuôi ở ao để lấy giống hoặc lấy thịt. Thịt cá lóc được chế biến thành nhiều món ăn ngon. Ở miền Trung, cá tràu và được coi là biểu tượng của sự lanh lợi, khỏe mạnh, vì thế một số nơi có tục ăn cá tràu đầu năm.
-
- Cá chạch
- Miền Nam gọi là cá nhét, một loại cá nước ngọt trông giống như lươn, nhưng cỡ nhỏ, thân ngắn và có râu, thường rúc trong bùn, da có nhớt rất trơn. Vào mùa mưa cá chạch xuất hiện nhiều ở các ao hồ, kênh rạch; nhân dân ta thường đánh bắt về nấu thành nhiều món ngon như canh nấu gừng, canh chua, chiên giòn, kho tộ...
-
- Lươn
- Loài cá nước ngọt, thân hình trụ, dài khoảng 24-40 cm, đuôi vót nhọn, thoạt nhìn có hình dạng như rắn. Lươn không có vảy, da trơn có nhớt, màu nâu vàng, sống chui rúc trong bùn ở đáy ao, đầm lầy, kênh mương, hay ruộng lúa. Lươn kiếm ăn ban đêm, thức ăn của chúng là các loài cá, giun và giáp xác nhỏ.
Ở nước ta, lươn là một loại thủy sản phổ biến, món ăn từ lươn thường được coi là đặc sản. Lươn được chế biến thành nhiều món ngon như: cháo lươn, miến lươn, lươn xào...
-
- Đó
- Dụng cụ đan bằng tre hoặc mây, dùng để bắt tôm cá.