Ca dao Mẹ

  • Vè các lái (hát vô)

    Ghe bầu các lái đi buôn
    Đêm khuya ngồi buồn, kể chuyện ngâm nga
    Bắt từ Gia Định kể ra
    Anh em thuận hòa ngoài Huế kể vô
    Trên thời ngói lợp tòa đô
    Dưới sông thủy cát ra vô dập dìu
    Trên thời vua Thuấn, vua Nghiêu
    Ngoài dân, trong triều tòa chính sửa sang
    Trên thời ngói lợp tòa vàng
    Dưới dân buôn bán nghênh ngang chật bờ
    Này đoạn các lái trở vô
    Thuận An là chốn thuyền đô ra vào
    Vát ra một đỗi khơi cao
    Ta sẽ lần vào thì tới Cửa Ông
    Nay đà giáp phủ Thuận Phong
    Hòn Am, Cửa Kiểng nằm trong thay là
    Nới lèo ráng bánh trở ra
    Khỏi mũi Châu Mới thì ta lần vào
    Ngó lên núi Ải rất cao
    Ta sẽ lần vào Hồ Chuối, Hang Dơi
    Ghe vô củi nước nghỉ ngơi
    Hòn Hành nằm đó là nơi Cửa Hàn
    Cửa Hàn còn ở trong xa
    Ngoài mũi Sơn Trà lại có Hòn Nghê
    Bãi Nồm, Bãi Bấc dựa kề
    Mỹ Khê làng mới làm nghề lưới đăng
    Ngó về Non Nước thẳng băng
    Có chùa thờ Phật, Phật hằng linh thiêng
    Lao Chàm nay đã gần miền
    Hòn Lá, Hòn Lụi nằm liền Hòn Tai
    Năm hòn nằm đó không sai
    Hòn Khô, Hòn Dài lố nhố thêm vui
    Ngó về Cửa Đợi thương ôi
    Hòn Nồm nằm đó mồ côi một mình
    Tam Ấp có rạn trời sinh
    Bàn Than, Cửa Lở liên kinh An Hòa
    Sa Cần, Châu Ổ bao xa
    Ngoài mũi Cây Quýt thiệt là Tổng Binh
    Lâm châm, cỏ ngựa trời sinh
    Làng Gành, Mỹ Giảng ăn quanh Vũng Tàu
    Nới lèo, ráng lái mau mau
    Châu Me, Lò Rượu sóng xao Hòn Nhàn
    Vát mặt xem thấy Bàn Than
    Ngoài cù lao Ré nằm ngang Sa Kỳ
    Quảng Ngãi, Trà Khúc núi chi?
    Có hòn Thiên Ấn dấu ghi để đời
    Hòn Sụp ta sẽ buông khơi
    Trong vịnh, ngoài vời, núi đất mênh mang
    Buồm giăng ba cánh sẵn sàng
    Anh em chúng bạn nhiều đàng tư lương
    Mỹ Á, Cửa Cạn, Hàng Thương
    Chạy hết Bãi Trường xích thố băng băng
    Vát ra khỏi mũi Sa Hoàng
    Kìa kìa ngó thấy Tam Quan nhiều dừa
    Hèn chi lời thốt thuở xưa
    Nam thanh nữ tú đã vừa con ngươi
    Gặp nhau chưa nói đã cười
    Kìa mũi Từ Phú là nơi nhiều ghè
    Non xanh nước biếc chỉnh ghê
    Núi Hương, Gành Trọc dựa kề Lộ Giao
    Ngó ra thấy lố Khô Cao
    Ta sẽ đi vào cửa cạn Hà Ra
    Bàu Bàng, Gành Mét bao xa
    Trống Kinh, Hòn Đụn thiệt là Lố Ông
    Ngó vô thấy mũi Vi Rồng
    Hòn Lan, Nước Ngọt ăn vòng Hòn Khô
    Trực nhìn Suối Bún, Vũng Tô
    Ông Ầm nằm đó lớn to vô hồi
    Thương cha nhớ mẹ bùi ngùi
    Hòn núi Kẻ Thử có người bồng con
    Nhớ lời thề nước hẹn non
    Bồng con tạc đá ghi son để đời
    Vũng Nồm, Vũng Bấc buông khơi
    Trong vịnh ngoài vời, Hòn Cỏ, Hòn Cân
    Nam Lò, Eo Vượt rần rần
    San Hô, Mũi Mác ăn lần Hòn Mai
    Cửa Giã có hòn án ngoài
    Các lái thường ngày hay gọi Lao Xanh
    Vũng Mú, trong vịnh ngoài gành
    Cù Mông, Vũng Trích ăn quanh bãi liền
    Gành Ba ai khéo đặt tên
    Cảnh Dương, Gành Móm nối liền Vũng La
    Bắt từ Vũng Lấm bương qua
    Xuân Đài, Mũi Yến chạy qua Sông Cầu
    Mái Nhà, Cát Xối liền nhau
    Sơn thủy sắc màu tợ gấm kim quy
    Ngó vô mây nước cực kỳ
    Trong thì có mả, ngoài thì có lao
    Giữa kinh có một Hòn Trào
    Hòn Yến, Hòn Mác ăn vào Ma Liên
    Hòn Chùa, Hòn Dứa nằm riêng
    Chớp Chài nằm đó ăn liền Bãi Dinh
    Ngó vô thấy tháp xinh xinh
    Nới lèo, ráng lái Bãi Dinh dặm dài
    Tuy Hòa cách chẳng bao dai
    Qua khỏi nơi này tới cửa Đà Nông
    Hòn Khô đá chất chập chùng
    Thông trong có vịnh, giữa dòng có kinh
    Mũi Nạy có Đá Bia xinh
    Tạc để lưu truyền nối nghiệp Hùng Vương
    Vũng Rô núi tấn bốn phương
    Mịt mờ sơn thủy như sương tựa đồ
    Bịt bùng chỉ một đường vô
    Dầu nồm, dầu bấc không xô phía nào
    Hòn Nưa không thấp không cao
    Ta sẽ đi vào Bãi Võ sóng ngang
    Hòn Gầm sóng vỗ đá vang
    Chạy khỏi Cát Thắm lại sang Đồi Mồi
    Anh em lời thốt thương ôi
    Đi bảy ngày trời mới tới Bà Gia
    Ngó vô bãi cát trường sa
    Có đôi lưới bủa, có nhà thôn dân
    Xa Cừ nay đã hầu gần
    Lần qua Bãi Giếng lánh thân Trâu Nằm
    Nam lò Hòn Khói tăm tăm
    Cứt Chim, Hòn Bạc, Cây Sung, Chà Là
    Nha Trang, Đất Chụt bao xa
    Kẻ vô mua đệm, người ra mua chằng
    Gặp nhau chào hỏi lăng xăng
    Xùng xình Bãi Miễu, phăng phăng lướt vào
    Nhìn ra Nội, Ngoại sóng xao
    Vát mũi chạy vào Bãi Dài, Con Nghê
    Chụt đèn ngó xuống chỉnh ghê
    Ngó về Hòn Tý dựa kề Cam Linh
    Mò O, Dỏ Tó rất kinh
    Lại thêm Đá Vách dựa kề Vũng Găng
    Vũng Găng, Đá Vách tựa thành
    Hai bên núi tấn vây quanh như buồng
    Mặc dầu thuyền đậu bán buôn
    Nào ai đình trú ở luôn mặc lòng
    Túi thơ bầu rượu rong chơi
    Buồm giương ba cánh nhắm vời chạy ra
    Nam mù mù, Hòn Chông, Bãi Lúa
    Khỏi Ma Văn ới tới Phan Rang
    Vũng Tròn lai láng nguồn cơn
    Trông xa thăm thẳm là rừng Mũi Dinh
    Qua Mũi Dinh cho liền Chín Vại
    Tắt mặt trời các lái ra đi
    Nhắm chừng bãi lưới một khi
    Tây phương chỉ mũi lái thì gác Đông
    Gò lèo ba cánh thẳng dong,
    Cà Ná đã tới khu Ông đã gần
    Lao Cau sóng vỗ rần rần,
    Cà Ná Bực Lở cũng lần mà qua.
    Gò lèo ráng lái gác ra,
    Lòng Sông, Mũi Chọ thẳng ngay La Gàn
    Ngó vô thuyền đậu nghênh ngang
    Gành Son, Trại Lưới tiếng vang làng nghề
    Cửa Duồng nay đã gần kề
    Lạch kia Phan Rí ghe nghề xôn xao
    Nhắm chừng Mũi Nhỏ băng qua
    Vũng Môn, Đá Dựng đã xa Hòn Hường
    Hòn Nghề, Quang Thí dựa nương
    Hòn Rơm, Mũi Né là đường vô ra
    Ghe thuyền tụ tập gần xa
    Phú Hài, Phan Thiết ấy là trạm trung
    Hỡi ai đốn củi Gành Thông
    Sơn lâm một gánh chất chồng hai vai
    Kê Gà nay đã đến nơi
    Anh em làm lễ một hồi cho qua
    Nới lèo, quay lái trở ra
    Hòn Lan, Cửa Cạn ấy là Tam Tân
    Sóng ào ào, buồm giương ba cánh
    Chạy một hồi tỏ rạng La Gi
    Hòn Bà, Rạn Gõ một khi
    Ngoài khơi Rạn Đập, trong ni Rạn Hồ
    Buồm giương ba cánh chạy vô
    Hòn Bà, Hóc Kiểm quanh co Hồ Tràm
    Kim ngân lễ vật cúng dường
    Lâm râm khấn nguyện lòng thường chớ quên
    Bãi Giống chạy thẳng Xích Ram
    Lưới Rê qua khỏi, Rạn Cam nằm ngoài
    Ngoài Ba Lũy sóng rền Cửa Cạn
    Vát một hồi tỏ rạng Thùy Vân
    Ngoài Kỳ Vân trong liền Giếng Bộng
    Vát một hồi lồng lộng ra khơi
    Ba non chót vót cao vời
    Muốn cho khỏi rạn phải lơi ra ngoài
    Vũng Tàu kia đã đến rồi
    Trình đồn, rồi lại thẳng nơi Sài Gòn
    Nhà Bè nước chảy chia hai
    Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về

  • Bình luận

Cùng thể loại:

Có cùng từ khóa:

Chú thích

  1. Ghe bầu
    Loại ghe (thuyền) đi biển chạy bằng buồm, chủ yếu dùng để vận chuyển hàng hóa. Ghe bầu ra đời từ giữa thế kỷ 16, có nguồn gốc tương đồng với loại thuyền prao (hay prau) của Mã Lai. Tên "ghe bầu" bắt nguồn từ tiếng Khmer xòm pầu.

    Hình vẽ ghe bầu và các dụng cụ đi biển của ngư dân Hoàng Sa

    Hình vẽ ghe bầu và các dụng cụ đi biển của ngư dân Hoàng Sa

  2. Lái
    Người chuyên nghề buôn chuyến một loại hàng hóa nhất định (lái gỗ, lái trâu...)
  3. Gia Định
    Tên gọi một tỉnh ở miền Nam nước ta dưới thời triều Nguyễn. Tỉnh Gia Định xưa nằm giáp ở phía Nam tỉnh Đồng Nai, có thủ phủ là thành Gia Định. Dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, vào năm 1957, tỉnh Gia Định gồm 6 quận: Gò Vấp, Tân Bình, Hóc Môn, Thủ Đức, Nhà Bè, Bình Chánh, đến năm 1970 thêm Quảng Xuyên và Cần Giờ. Đến tháng 6/1975, tỉnh Gia Định (ngoại trừ 2 quận Cần Giờ và Quảng Xuyên) được sáp nhập với Đô thành Sài Gòn, cộng thêm một phần các tỉnh Long An, Bình Dương, Hậu Nghĩa để trở thành thành phố Sài Gòn - Gia Định. Đến ngày 2 tháng 7 năm 1976, thành phố Sài Gòn - Gia Định được chính thức đổi tên là Thành phố Hồ Chí Minh.

    Ngày nay, địa danh Gia Định chỉ còn dùng để chỉ khu vực trung tâm quận Bình Thạnh của Thành phố Hồ Chí Minh.

  4. Huế
    Một địa danh ở miền Trung, nay là thành phố thủ phủ của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Là kinh đô của Việt Nam dưới triều đại phong kiến nhà Nguyễn (1802 - 1945), Huế còn được gọi là đất Thần Kinh (ghép từ hai chữ kinh đôthần bí) hoặc cố đô. Huế là một vùng đất thơ mộng, được đưa vào rất nhiều thơ văn, ca dao dân ca và các loại hình văn học nghệ thuật khác, đồng thời cũng là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa với nón Bài Thơ, nhã nhạc cung đình, ca Huế, các đền chùa, lăng tẩm, các món ẩm thực đặc sắc...

    Địa danh "Huế" được cho là bắt nguồn từ chữ "Hóa" trong Thuận Hóa, tên cũ của vùng đất bao gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương, một biểu tượng của Huế

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương, một biểu tượng của Huế

    Thành Nội, Huế

    Thành Nội

  5. Thuấn, Nghiêu
    Vua Thuấn và vua Nghiêu, hai vị vua kế tiếp nhau trong huyền sử Trung Hoa cổ. Tương tuyền rằng đây là hai vị minh quân và thời Nghiêu Thuấn được coi là thời thái bình an lạc.
  6. Bến Thuận An
    Bến cảng nằm bên cửa biển Thuận An cách thành phố Huế 15km về phía Đông Bắc, là nơi sông Hương chảy qua phá Tam Giang rồi đổ ra biển Đông. Trước đây cửa biển này có tên cửa Eo, cửa Nộn. Tên Thuận An là do vua Minh Mệnh nhà Nguyễn đặt cho, còn vua Thiệu Trị thì liệt Thuận An là một trong hai mươi thắng cảnh của kinh thành Huế. Vào ngày 11, 12 tháng Giêng âm lịch, nơi đây có lễ hội truyền thống gọi là lễ Cầu Ngư, có hàng ngàn người tham dự.

    Biển Thuận An

    Biển Thuận An

  7. Chạy giác
    Kĩ thuật lái ghe thuyền chạy theo góc (giác), tức là theo đường dích dắc để tránh hoặc lợi dụng gió ngược. Từ này cũng được viết trại thành vát.
  8. Cửa Tư Hiền
    Tục gọi là cửa Ông hay cửa Biện, cửa biển thông đầm Cầu Hai với Biển Đông. Đây là một trong hai cửa biển chính của hệ đầm phá Tam Giang-Cầu Hai thuộc tỉnh Thừa Thiên-Huế. Cửa biển này từ thời nhà Lý đã được nhắc đến dưới tên cửa Ô Long. Đời Trần gọi là cửa Tư Dung. Sang thời nhà Mạc vì kiêng tên vua Mạc Thái Tổ nên gọi là cửa Tư Khách. Nhà Lê vẫn dùng tên Tư Dung. Tên Tư Hiền thì mãi đến triều Thiệu Trị mới đặt.

    Cửa Tư Hiền

    Cửa Tư Hiền

  9. Có bản chép: Hòn Om.
  10. Cửa Kiểng
    Tên một cửa biển ở Huế, là nơi dòng sông Bù Lu đổ ra biển Đông.
  11. Lèo
    Dây buộc từ cánh buồm đến chỗ lái để điều khiển buồm hứng gió. Gió cả, buồm căng thì lèo thẳng. Động tác sử dụng lèo cũng gọi là lèo (như trong lèo lái).
  12. Châu Mới
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Châu Mới, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  13. Hải Vân
    Một con đèo nằm giữa tỉnh Thừa Thiên-Huế ở phía Bắc và thành phố Đà Nẵng (trước đây là tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng) ở phía Nam. Đèo còn có tên là đèo Ải Vân hoặc đèo Mây, vì trên đỉnh đèo thường có mây bao phủ. Đèo Hải Vân một bên là biển, một bên là dốc núi dựng đứng, có tiếng hiểm trở, nhưng đồng thời cũng là một danh thắng từ trước đến nay.

    Đèo Hải Vân

    Đèo Hải Vân

  14. Hồ Chuối
    Tên một bến thuyền ở phía Nam chân đèo Hải Vân, thuộc tỉnh Thừa Thiên-Huế.
  15. Hang Dơi
    Tên một cái hang ở chân núi phía Đông khu vực đèo Hải Vân, nằm sát biển. Tương truyền ngày xưa ở đây hay có sóng thần, gió to, rất nguy hiểm cho thuyền bè đi lại.
  16. Hòn Hành
    Tên chữ là Thông Sơn, một hòn núi nhỏ có hình dáng trông tựa củ hành, đứng nhô ra biển che khuất một vũng nước cạn nơi chân đèo Hải Vân. Thời Minh Mạng, một pháo đài phòng thủ được xây dựng trên đỉnh núi này.

    Mũi Hòn Hành

    Mũi Hòn Hành

  17. Đà Nẵng
    Tên thành phố thuộc Nam Trung Bộ, trước đây thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Nguồn gốc từ "Đà Nẵng" là biến dạng của từ Chăm cổ Daknan, nghĩa là "vùng nước rộng lớn" hay "sông lớn", "cửa sông cái" vì thành phố nằm bên bờ sông Hàn. Dưới thời nhà Nguyễn, Đà Nẵng có tên là Cửa Hàn, là thương cảng lớn nhất miền Trung. Cuộc xâm lược của Pháp tại Việt Nam khởi đầu chính tại thành phố này.

    Hiện nay Đà Nẵng là một thành phố hiện đại, trong lành, có tiềm năng du lịch rất lớn, và được xem là thành phố đáng sống nhất Việt Nam.

    Bến sông Hàn ngày xưa

    Bến sông Hàn ngày xưa

    Cầu sông Hàn, một trong những biểu tượng của Đà Nẵng

    Cầu sông Hàn, một trong những biểu tượng của Đà Nẵng

  18. Sơn Trà
    Tên một bán đảo nay thuộc quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng, đồng thời cũng là tên một ngọn núi thuộc khu vực này.

    Bán đảo Sơn Trà nhìn từ biển

    Bán đảo Sơn Trà nhìn từ biển

  19. Hòn Nghê
    Một hòn núi nhỏ trên bán đảo Sơn Trà, thuộc thành phố Đà Nẵng. Có tên như vậy vì núi có hình dáng giống con nghê.

    Hòn Nghê

    Hòn Nghê

  20. Bãi Nam
    Bãi biển hướng về hướng chính Nam trên bán đảo Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng, dân địa phương thường quen gọi là bãi Nờm hay bãi Nồm.
  21. Bãi Bắc
    Dân địa phương quen gọi bãi Bấc, một bãi biển hướng về phía Đông Bắc trên bán đảo Sơn Trà, nay thuộc phường Thọ Quang. Bãi này có hai gành Đông và Tây, nơi từ khoảng tháng 10 đến tháng 11 âm lịch, có rất nhiều rong biển màu xanh sẫm bám trên các tảng đá. Dân địa phương gọi loại rong này là "mứt," một đặc sản khá ngon, ăn sống cũng được, nấu chín cùng với cá cơm mờm hay cá khoai ăn cũng khá thú vị. Bãi Bắc hiện nay là một khu du lịch sinh thái biển.

    Quang cảnh Bãi Bắc

    Quang cảnh Bãi Bắc

  22. Mỹ Khê
    Một địa danh nay là phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, thành Phố Đà Nẵng. Làng đã ra đời và chính thức có tên trong bản đồ Thuận Quảng từ năm 1571, vào thời Anh Tông Hoàng Đế Niên Hiệu Hồng Phúc năm thứ 13. Mỹ Khê có nghĩa là "khe nước đẹp," vì ở đây có một khe nước chảy giữa làng.

    Ngày nay Mỹ Khê nổi tiếng với bãi biển có chiều dài 900m, thuộc vào loại nhộn nhịp nhất trong số các bãi tắm của Đà Nẵng, và được xem là một trong những bãi biển đẹp nhất thế giới.

    Bãi biển Mỹ Khê

    Bãi biển Mỹ Khê

  23. Đăng
    Dụng cụ đánh bắt cá, bao gồm hệ thống cọc và lưới hoặc bện bằng dây bao quanh kín một vùng nước để chặn cá bơi theo dòng.

    Cái đăng

    Cái đăng

  24. Non Nước
    Tên một bãi biển đẹp thuộc quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng, đồng thời cũng là tên của cụm Ngũ Hành Sơn thuộc thành phố này.
  25. Cù lao Chàm
    Một cụm đảo thuộc Hội An, tỉnh Quảng Nam, cách bờ biển Cửa Đại khoảng 15 cây số. Cù lao Chàm bao gồm 8 đảo: Hòn Lao, Hòn Dài, Hòn Mồ, Hòn Tai, Hòn Ông, Hòn Lá, và Hòn Khô chia làm hai: Hòn Khô Mẹ (Hòn Khô Lớn) và Hòn Khô Con (Hòn Khô Nhỏ), trong đó năm đảo lớn nhất là thuộc cụm đảo chính là Hòn Lao (đảo lớn nhất), Hòn Lá, Hòn Dài, Hòn Mồ và Hòn Tai. Đảo Hòn Ông còn gọi là Hòn Nồm nằm tách biệt khỏi cụm này khoảng hai mươi cây số về hướng Đông Nam.

    Hiện nay Cù lao Chàm đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới, đồng thời là một điểm du lịch nổi tiếng.

    Phong cảnh cù lao Chàm

    Phong cảnh cù lao Chàm

  26. Cửa Đại
    Tên cũ là cửa Đại Chiêm, cửa sông nơi sông Thu Bồn đổ ra Biển Đông, thuộc Hội An, Quảng Nam. Cửa Đại (hay Cửa Đợi) cũng là tên của bãi biển khu vực này.

    Vùng Cửa Đại xưa kia là hải cảng chính của nước Champa và kinh thành Champa trên đất Quảng Nam, là nơi giao thương buôn bán sầm uất. Hiện nay Cửa Đại là một điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Quảng Nam.

    Biển Cửa Đại

    Biển Cửa Đại

  27. Tam Ấp
    Một làng nằm ven sông Trường Giang, nay thuộc thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Tại đây có nghề làm nước mắm truyền thống.
  28. Rạn
    Đá ngầm hoặc nhô trên mặt sông hoặc mặt biển, gây nguy hiểm cho thuyền bè.
  29. Bàn Than
    Tên một ghềnh đá thuộc xã Tam Hòa, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Ở đây có nhiều khối đá sắc đen như than, xếp chồng lên nhau kéo dài hơn 2 km, đỉnh cao khoảng 40 mét, với nhiều hình thù lạ mắt.

    Bàn Than

    Bàn Than

  30. Cửa Lở
    Một cửa biển nay thuộc xã Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.

    Cửa Lở

    Cửa Lở

  31. An Hòa
    Một vũng biển thuộc huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, cách bờ biển Tam Hải khoảng 4km. Đây là một thắng cảnh độc đáo của vùng đất phía nam Quảng Nam.

    Tàu cá tại An Hòa

    Tàu cá tại An Hòa

  32. Sa Cần
    Một trong năm cửa biển của tỉnh Quảng Ngãi, nằm về phía Bắc huyện Bình Sơn, là nơi sông Trà Bồng (hay sông Châu Tử) đổ ra biển. Sách xưa gọi Sa Cần là Thái Cần hay Thể Cần. Sông Trà Bồng chạy đến gần cửa biển thì mở rộng lòng, nước rất êm. Giữa lòng sông nổi lên một quả núi nhỏ với nhiều tảng đá lớn chồng chất lên nhau, gọi là hòn Bà, sách Ðại Nam nhất thống chí gọi là "Ghềnh Thạch Bàn." Bên ngoài cửa biển, đối diện với hòn Bà và lớn hơn hòn Bà là hòn Ông, cũng nhiều đá nhưng có cây cối xanh tốt.
  33. Châu Ổ
    Địa danh nay là thị trấn huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
  34. Mũi Cây Quýt
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Mũi Cây Quýt, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  35. Tổng Binh
    Tên một mũi đất thuộc Quảng Ngãi (?)
  36. Cỏ ngựa
    Còn gọi là cỏ roi ngựa, một loại cây lâu năm, thân mảnh, cao chừng 1m, có hoa nhỏ màu tím nở thành cụm. Cây có thể dùng làm thuốc.

    Cỏ roi ngựa

    Cỏ roi ngựa

  37. Có bản chép: chạy quanh.
  38. Gành Cả
    Tên một làng biển nay thuộc xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
  39. Mỹ Giảng
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Mỹ Giảng, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  40. Vũng Tàu
    Một vũng biển thuộc Sa Kỳ, tỉnh Quảng Ngãi.
  41. Châu Me
    Một địa danh thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Châu Me là tên một con sông ở Quảng Ngãi, chảy ra biển Đông bằng cửa Sa Kỳ, đồng thời là tên một cái chợ tập nập, là đầu mối gom hàng để bán cho ngư dân và cho những thương thuyền.
  42. Lò Rượu
    Tên một hang đá thuộc cụm "đá Ông Câu" ở bờ Nam cửa biển Sa Kỳ, thuộc thôn An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh, cách tỉnh lỵ Quảng Ngãi 16km về phía Đông Bắc. Tương truyền ngày xưa, lúc vùng này còn là bể, có một ông khổng lồ gánh đá lấp cửa biển chỉ còn một đôi gánh nữa là xong nhưng vì có một gánh đá quá nặng, khi bước chân qua cửa biển, đòn gánh bị gãy, đá đổ hai bên cửa nay thành hai quả núi. Dấu chân ông khổng lồ còn in rõ và hang đá là lò nấu rượu của ông.

    Lò Rượu (đá Ông Câu)

    Lò Rượu (đá Ông Câu)

  43. Hòn Nhàn
    Tên một hòn đảo nhỏ thuộc vùng biển Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
  44. Bàn Than
    Tên một hòn đảo chìm nằm cách bờ biển khu du lịch biển Mỹ Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi khoảng 6km về phía Đông, địa hình đá trầm tích không bằng phẳng với tổng diện tích khoảng trên 4ha, hiện đang được đưa vào khai thác du lịch.
  45. Lý Sơn
    Địa danh nay là một huyện đảo thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Đây là một cụm đảo gồm Lý Sơn (tên dân gian là cù lao Ré), hòn Bé (cù lao Bờ Bãi) nằm ở phía Bắc, và hòn Mù Cu ở phía Đông. Trong số ba đảo này thì cù lao Ré là đảo lớn nhất. Sở dĩ có tên gọi như vậy vì xưa kia dân đảo này dùng nhiều dây ré dùng để buộc đồ rất dai và bền chắc. Đại Nam nhất thống chí chép: “Cù Lao Ré ở giữa biển, cách huyện Bình Sơn 65 dặm về hướng Đông, xung quanh núi cao, ở giữa trũng xuống ước mấy chục mẫu, nhân dân hai phường Vĩnh An và An Hải ở tại đây. Phía Đông Bắc có động, trên động có chùa mấy gian, có giếng đá, bên hữu động có giếng nước trong veo, chung quanh cây cối xanh tươi...”.

    Đây là một địa điểm du lịch rất đẹp, đồng thời nổi tiếng với đặc sản gỏi tỏi, được mệnh danh là "vương quốc tỏi."

    Tàu cá trên đảo Lý Sơn

    Tàu cá trên đảo Lý Sơn

    Trồng tỏi trên đảo Lý Sơn

    Trồng tỏi trên đảo Lý Sơn

  46. Sa Kỳ
    Tên một cửa biển ở Quảng Ngãi, nay thuộc xã Bình Châu, huyện Bình Sơn. Cửa Sa Kỳ là nơi đổ ra biển của các con sông Châu Me Đông, Diêm Điềm, Chợ Mới - Mỹ Khê... Hiện nay Sa Kỳ là một cảng biển quan trọng thuộc khu công nghiệp Dung Quất.
  47. Quảng Ngãi
    Địa danh nay là một tỉnh nằm ở duyên hải Nam Trung Bộ, nằm hai bên bờ sông Trà Khúc, được mệnh danh là vùng đất Núi Ấn Sông Trà. Quảng Ngãi là mảnh đất có bề dày lịch sử về văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Chăm Pa, đặc biệt là hệ thống thành lũy Chàm. Tại đây cũng nổi tiếng cả nước với đặc sản đường mía (đường phèn, đường phổi, mạch nha...) và tỏi ở Lý Sơn.

    Núi Ấn

    Núi Ấn sông Trà

  48. Trà Khúc
    Tên con sông lớn nhất chảy qua các huyện Sơn Hà, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, thành phố Quảng Ngãi thuộc tỉnh Quảng Ngãi và đổ ra cửa Đại Cổ Lũy. Sông Trà Khúc và núi Thiên Ấn là biểu tượng của tỉnh Quảng Ngãi, còn gọi là vùng đất núi Ấn sông Trà.

    Sông Trà Khúc

    Sông Trà Khúc

  49. Núi Thiên Ấn
    Gọi tắt là núi Ấn, dân gian còn gọi là núi Hó, là một ngọn núi nằm ở tả ngạn sông Trà Khúc, cao chừng 100m, bốn phía sườn có hình thang cân như chiếc ấn niêm cạnh dòng sông nên người xưa gọi là Thiên Ấn Niêm Hà. Cùng với sông Trà, núi Ấn được xem là biểu tượng của Quảng Ngãi, vì thế Quảng Ngãi còn được gọi là vùng đất núi Ấn sông Trà.

    Núi Ấn

    Núi Ấn

  50. Hòn Sụp
    Một đảo đá nhỏ gần cửa biển Sa Huỳnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.
  51. Tư lương
    Tư: lo nghĩ. Lương: đo lường. Tư lương: Đoán trước sự thể về sau.

    Đạo học ngày nay đã chán rồi
    Mười người đi học, chín người thôi
    Cô hàng bán sách lim dim ngủ
    Thầy khóa tư lương nhấp nhổm ngồi

    (Đạo học ngày nay - Tú Xương)

  52. Mỹ Á
    Một cửa biển nay thuộc xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi.
  53. Cửa Cạn
    Một cửa biển nhỏ thuộc quận Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.
  54. Hàng Thương
    Một cửa biển nhỏ thuộc huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.
  55. Bãi Trường
    Bãi Trường Sa. Đại Nam nhất thống chí, quyển chép về tỉnh Quảng Ngãi có đoạn: “Trên đảo có bãi Trường Sa, kéo dài không biết mấy ngàn dặm, tục danh là Vạn Lý Trường Sa...”
  56. Xích Thố
    Tên một con ngựa nổi tiếng trong Tam Quốc Diễn Nghĩa của tác giả La Quán Trung. Con ngựa này dài một trượng, cao tám thước, màu đỏ rực như lửa (nên gọi là Xích Thố), tuyệt không có một sợi lông tạp, ngày đi ngàn dặm, trèo non vượt suối dễ dàng. Ngựa Xích Thố ban đầu của Đổng Trác, sau đó Đổng Trác tặng lại cho Lã Bố. Lúc Lã Bố chết, nó được Tào Tháo cho người chăm sóc, sau trao lại cho Quan Công. Khi Quan Công mất thì ngựa cũng nhịn ăn mà chết theo.

    Về sau, tên Xích Thố thường dùng để chỉ ngựa hay.

    Đồ hoạ vi tính: Lã Bố cưỡi ngựa Xích Thố

    Đồ hoạ vi tính: Lã Bố cưỡi ngựa Xích Thố

  57. Sa Huỳnh
    Một địa danh thuộc địa phận hai xã Phổ Châu và Phổ Thạnh của huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Trước đây, địa danh này có tên là Sa Hoàng (bãi cát vàng), song vì chữ Hoàng trùng tên với chúa Nguyễn Hoàng nên đọc trại ra thành Sa Huỳnh. Nơi đây nổi tiếng với nền văn hóa Sa Huỳnh - một trong ba cái nôi của nền văn minh Việt Nam cổ xưa, cùng với văn hóa Đông Sơn và văn hóa Óc Eo.

    Mộ chum, cổ vật tìm thấy của nền văn hóa Sa Huỳnh.

    Mộ chum, cổ vật tìm thấy của nền văn hóa Sa Huỳnh.

  58. Tam Quan
    Thị trấn phía bắc tỉnh Bình Định, thuộc huyện Hoài Nhơn. Đây nổi tiếng là "xứ dừa" của Bình Định.

    Dừa Tam Quan

    Dừa Tam Quan

  59. Nam thanh nữ tú
    Đảo ngữ của "nam tú nữ thanh," có nghĩa là nam thì khôi ngô tuấn tú, nữ thì dịu dàng, thanh cao.
  60. Từ Phú
    Một mũi đất nằm bên cạnh cửa An Dũ, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Nơi đây ngày xưa có nghề truyền thống là sản xuất đồ gốm.
  61. Ghè
    Đồ đựng (nước, rượu, lúa gạo) làm bằng đất hoặc sành sứ, sau này thì có làm bằng xi măng.

    Cái ghè

    Cái ghè

  62. Núi Hương
    Tên một ngọn núi nhỏ nay thuộc địa phận xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, nơi sông Lại Giang đổ ra cửa biển An Dũ.
  63. Gành Trọc
    Tên một ghềnh đá thuộc thôn Châu Me, xã Phổ Châu, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Đi từ Bắc xuống Nam, đây là một gành đá cuối cùng của tỉnh Quảng Ngãi, cách thành phố Quảng Ngãi khoảng 60 km về phía nam.
  64. Lộ Diêu
    Còn gọi là Lộ Giao, một bến thuyền nay thuộc địa phận xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.
  65. Lố
    Đảo nhỏ hoặc núi đá nhô ra biển.
  66. Hòn Tranh
    Một hòn đảo nhỏ gần bờ, án ngữ cửa biển Hà Ra (nay đã bị bồi lấp) thuộc Quy Nhơn, Bình Định. Khi thủy triều xuống người ta có thể đi bộ từ bờ ra đảo rất dễ dàng. Đảo này có tên gọi là Hòn Tranh vì trên đảo chủ yếu là cỏ tranh, chà là và một số loài cỏ khác sinh sống. Đảo còn được gọi là Hòn Quy vì nhìn giống con rùa.
  67. Hà Ra
    Một cửa biển thuộc xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Dưới triều Minh Mạng, đây là một cửa biển quan trọng, có đặt đồn biên phòng. Ngày nay cửa đã bị bồi lấp.
  68. Trà Ổ
    Còn có tên là Trà Ô, Châu Trúc hoặc Bàu Bàng, tên một cái đầm thuộc khu vực các xã Mỹ Thắng, Mỹ Lợi, Mỹ Đức và Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Đầm Trà Ổ nằm giữa vùng bằng phẳng, được bao bọc bởi những dãy núi cao thấp trập trùng ở phía Bắc, phía Tây và phía Nam. Trà Ổ là một trong những cảnh quan sinh thái tạo nên vẻ đẹp duyên dáng, nên thơ của Bình Định.

    Đua thuyền trên đầm Trà Ổ

    Đua thuyền trên đầm Trà Ổ

  69. Có nguồn chú giải: [Gành Mét] còn có tên Gành Mác nằm trong thắng cảnh Bạch Sa động, Quảng Ngãi.
  70. Hòn Đụn
    Một hòn đảo thuộc xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định.
  71. Hòn Ông Già
    Một hòn đảo nhỏ thuộc xã Nhơn Châu, Quy Nhơn, Bình Định, gần Cù Lao Xanh.

    Hòn Ông Già giữa biển

    Hòn Ông Già giữa biển

  72. Vi Rồng
    Một thắng cảnh thuộc thôn Long Phụng, xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định ngày nay. Đây là một ghềnh đá nhô ra biển chừng 20m, chính giữa hòn đá lớn nhô lên, ngày đêm nước biển xô vào rồi lại trào ra miệng như rồng phun nước trắng xóa. Mũi Vi Rồng là một thắng cảnh nổi tiếng của tỉnh Bình Định.

    Bãi Bàng thuộc mũi Vi Rồng, Bình Định

    Bãi Bàng thuộc mũi Vi Rồng, Bình Định

  73. Hòn Lan
    Một hòn đảo nhỏ thuộc địa phận thôn Vĩnh Lợi, xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định.
  74. Nước Ngọt
    Tên chữ là Đạm Thủy, một cái đầm nằm trên ranh giới phía Đông của xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ và xã Cát Minh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, đồng thời cũng là tên mũi đất ở đó. Người ta kể rằng, vào thời kỳ Nguyễn Ánh đang phải trốn chạy quân Tây Sơn, có lần hết nước uống, phải cho thuyền cập cửa Đề Gi nhưng không dám vào làng gặp dân vì sợ bị lộ. Nước đầm mặn không uống được, ông ngửa mặt lên trời khấn: "Nếu mệnh trời của họ Nguyễn chưa dứt thì xin ban cho nước ngọt," rồi cho đào sâu xuống thì gặp mạch nước ngọt, vì vậy thành tên đầm.

    Mũi Nước Ngọt

    Mũi Nước Ngọt

  75. Hòn Khô
    Một hòn đảo nhỏ nằm ngay trước mặt xã bán đảo Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định ngày nay. Đảo còn có tên là Hòn Rùa, vì bãi cát nhỏ khoảng giữa đảo là khu vực bảo tồn rùa biển với bãi đẻ của rùa. Hiện nay Hòn Khô là một địa điểm du lịch của tỉnh Bình Định.

    Hòn Khô

    Hòn Khô

  76. Suối Bún
    Một khe suối trên núi Bà, gần hòn Vọng Phu, tỉnh Bình Định.

    Núi Bà ở Bình Định

    Núi Bà ở Bình Định

  77. Vũng Tô
    Một trong vài vũng nhỏ (Vũng Tô, Vũng Bấc, Vũng Nồm) nơi núi Bà (Bình Định) chạy sát biển, tạo thành những gành đá gồ ghề.
  78. Ông Ầm
    Tên một hòn núi đá nhỏ thuộc xã Cát Hải, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định hiện nay.

    Đá Ông Ầm

    Đá Ông Ầm

  79. Cách Thử
    Tên khác là Kẻ Thử, một cửa biển thuộc Bình Định trước đây (nay đã bị lấp). Tương truyền ngày xưa nơi đây ghe thuyền ra vào tấp nập. Chẳng những chỉ có thương gia bốn phương giao dịch với nhau, mà người cõi âm cũng đến mua hàng hóa. Người trần không biết, bán hàng lấy tiền, nhưng đem về nhà mở ra đếm lại, thì thấy toàn giấy tiền vàng bạc. Để khỏi bị thiệt thòi người ta mới bày ra cách thử tiền: Lấy một chậu nước bỏ tiền vào, đồng nào chìm tức là tiền thiệt, đồng nào nổi là tiền giấy. Nhân cách thử tiền ấy mà cửa biển lấy tên là Cách Thử.
  80. Hòn Vọng Phu
    Hai khối đá, một cao, một thấp trông giống một người đàn bà tay dắt đứa con đang đứng ngóng nhìn ra khơi xa trên đỉnh núi Bà, thuộc thôn Chánh Oai, xã Cát Hải, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.

    Núi Bà ở Bình Định

    Núi Bà ở Bình Định, trên đỉnh là hòn Vọng Phu.

  81. Vũng Nồm
    Địa danh thuộc xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định hiện nay, còn có tên là thôn Xương Lý.

    Vũng Nồm

    Vũng Nồm

  82. Vũng Bấc
    Một địa danh thuộc xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định hiện nay, còn có tên là thôn Hưng Lương.

    Vũng Bấc

    Vũng Bấc

  83. Hòn Cỏ
    Một cù lao nhỏ nằm án ngữ trước Vũng NồmVũng Bấc, thuộc thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Có tên như vậy vì trước đây nơi này có nhiều cỏ tranh, nhân dân ta thường lấy lợp nhà.
  84. Hòn Cân
    Một hòn đảo nằm án ngữ trước Vũng BấcVũng Nồm, tỉnh Bình Định, thuộc cụm Đảo Hòn Cân. Cụm gồm 5 đảo nhỏ trong đó có Hòn ông Căn là điểm A9 trong 12 điểm để xác định đường cơ sở của nước ta.
  85. Nam Lò
    Loại gió Nam thổi vào mùa hè ở Bình Định. Gió thổi rất mạnh, nhiều khi thổi trốc cả cây cối, nhà cửa. Vùng biển dọc theo triền phía đông bán đảo Triều Châu, ngọn gió thổi lại còn mạnh gấp bội, nhất là tại Eo Vượt. Ghe thuyền đi qua gặp lúc Nam Lò thổi mạnh thì khó tránh khỏi tai nạn.
  86. Eo Vượt
    Cũng viết là Eo Vược, tên một dải núi dài khoảng hai cây số, bề ngang hẹp độ nửa cây, nối liền bán đảo Phương Mai và dãy Triều Châu thuộc tỉnh Bình Định. Giải thích tên gọi và hình dạnh của eo núi, truyền thuyết dân gian kể rằng, ngày xưa đầm Thị Nại không ăn sâu vào bán đảo như hiện nay. Một hôm có ông khổng lồ đến đây be bờ tát cá trong đầm. Thình lình có một con cá vược rất lớn tung mình vọt qua núi. Ông khổng lồ chạy theo nhưng chụp không được. Tức quá, ông dậm chân, khiến đất núi sụp xuống. Vết chân của ông chính là vùng biển ăn sát phía Tây dải núi. Không hiểu vì truyền thuyết khổng lồ tát cá hay vì hình dáng giống cái gàu mà vũng nước có tên gọi Sòng Tát Khổng Lồ, còn dải núi sau đó có tên là Eo Vược.
  87. Vũng San Hô
    Một vũng biển nhỏ nằm dọc theo bán đảo Triều Châu, tỉnh Bình Định, có nhiều san hô. Trên bờ vũng có một làng cũng lấy tên là San Hô. Dân cư thường lấy san hô ở vũng bán cho thợ hầm vôi.
  88. Mũi Mác
    Tức mũi Yến, một mũi đá nhọn hoắc đâm thẳng vào Nam, là là điểm cuối của dãy Triều Châu thuộc tỉnh Bình Định.

    Mũi Yến trên bán đảo Phương Mai

    Mũi Yến trên bán đảo Phương Mai

  89. Hòn Mai
    Một hòn núi thấp thuộc dãy Triều Châu, tỉnh Bình Định.
  90. Thị Nại
    Còn có tên là Thi Nại hoặc cửa Giã, một cửa biển nằm ở Bình Định trước kia, nay đã bị phù sa bồi lấp thành đầm Thị Nại thuộc thành phố Quy Nhơn. Tại đây từng xảy ra nhiều trận thủy chiến khốc liệt: trận Giáp Thân (1284) giữa quân Thoát Hoan (Mông Cổ) và thủy quân Chiêm Thành, các trận Nhâm Tý (1792), Quý Sửu (1793), Kỷ Tỵ (1799)... giữa quân Nguyễn Ánh và quân Tây Sơn. Ngày nay Thị Nại là một danh thắng của tỉnh Bình Định.

    Đầm Thị Nại

    Đầm Thị Nại

  91. Cù lao Xanh
    Cách thành phố Quy Nhơn tỉnh Bình Định chừng 13 hải lý về phía Đông Nam, Cù lao Xanh là một trong 4 xã đảo và bán đảo nằm gần vịnh Xuân Đài, thuộc xã Nhơn Châu ở phía Đông Nam của Quy Nhơn. Đảo có diện tích 365 ha, gồm các thôn: thôn Tây, thôn Trung, thôn Đông. Đảo cách Sông Cầu - Phú Yên 6 km, được sáp nhập về Quy Nhơn sau năm 1975.

    Năm 1890, người Pháp đã xây dựng ở đây một ngọn hải đăng sớm nhất và hiện đại nhất Đông Dương. Hải đăng cao 118 m so với mực nước biển. Đứng từ trên đỉnh núi dưới chân ngọn hải đăng nhìn xuống, Cù Lao Xanh trông như một bức tranh với màu xanh chủ đạo trải dài từ những ngọn dừa đong đưa trong gió, lan tỏa trên những cây bàng non chạy dọc bờ biển và ngút ngát trên mặt biển mênh mang bất tận. Bãi trước là cát trắng nhìn vào đất liền, nơi cư dân trên đảo sinh sống, còn bãi sau toàn đá. Những tảng đá khổng lồ xếp chồng lên nhau quanh năm chống chọi với gió hú và sóng gầm.

    Cù lao Xanh ở Bình Định

    Cù lao Xanh ở Bình Định

  92. Vũng Mú
    Một địa danh nay thuộc thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Đây là một vùng biển dồi dào tôm cá.
  93. Ghềnh
    Cũng gọi là gành, chỗ lòng sông hoặc biển có đá lởm chởm nằm chắn ngang làm nước dồn lại, chảy xiết. Ở nước ta có nhiều địa danh có chữ Gành hoặc Ghềnh như Gành Son, Gành Hào, Gành Cả, Gành Ráng...

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa, Phú Yên

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa, Phú Yên

  94. Cù Mông
    Một con đèo rất hiểm trở nằm giáp ranh giữa hai tỉnh Phú Yên và Bình Định. Đường đèo rất dốc, có nhiều cua gấp, hai bên là núi cao. Trước đây khi chưa có tuyến đường Quy Nhơn-Sông Cầu thì đèo là con đường chính để qua lại giữa hai tỉnh.

    Đèo Cù Mông

    Đèo Cù Mông

  95. Mũi Gành Ba
    Còn gọi là mũi Vũng Trích, một mũi đất nhô ra ở phía Bắc bán đảo bao bọc vịnh Xuân Đài về phía Đông, phía Bắc mũi Ông Diên, thuộc địa phận huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên.
  96. Cảnh Dương
    Một địa danh thuộc phủ Phú Yên ngày trước.

    Sách Phủ biên tạp lục chép: "Các thuộc Kim Hộ, Sông Ba, Cảnh Dương, Phú Lộc, Tân Dân phủ Phú Yên, số người, số vàng, tiền gạo như sau: Chính hộ, khách hộ 1.154 người, trừ các chức, lính các thuyền, các hạng nhiêu học, tiểu sai, cùng, đào còn thực nạp 960 người. Sai dư là 10 hốt 1 lạng 5 đồng cân 7 phân vàng, hai lễ phu hầu là 2 lạng 3 phân 5 ly vàng, tiết liệu là 1 hốt 5 lạng 9 đồng cân 5 phân vàng.”

  97. Gành Móm
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Gành Móm, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  98. Vũng La
    Một địa danh nay thuộc xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Ở đây có hai mỏm núi nhô ra biển nên cá thường vào ẩn trú. Mỗi lần có mẻ cá dạt vào, ngư dân hô hoán la to, báo hiệu cùng nhau đem thuyền lưới ra bắt, lệ ấy thành quen, từ đó có tên là Vũng La.
  99. Vũng Lấm
    Còn gọi là Vũng Lắm, Ao Xóm Lưới, một địa danh nay thuộc thôn Tân Thạnh, xã Xuân Thọ 2, huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Gọi là Vũng Lấm vì dọc theo bờ vũng này toàn đất bùn. Phía Đông vũng có cửa thông ra biển, thời xưa tấp nập thương thuyền vào ra buôn bán, trao đổi phẩm vật. Thời bình, Vũng Lấm là thương cảng sầm uất, thời chiến nó trở thành một quân cảng quan trọng. Vịnh Xuân Đài - Vũng Lấm là nơi các văn thân Cần Vương dùng làm căn cứ địa kháng Pháp.

    Vũng Lấm (Ảnh: Dương Thanh Xuân)

    Vũng Lấm (Ảnh: Dương Thanh Xuân)

  100. Xuân Đài
    Hoặc Sơn Đài, tên một ngọn đèo nay thuộc xã Xuân Thọ 2, huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, là ranh giới tự nhiên giữa xã An Dân (huyện Tuy An) và xã Xuân Thọ (huyện Sông Cầu) trước đây. Tại đây có một vịnh biển dài khoảng 50 cây số, với nhiều gành đá, bãi cát rất đẹp, cũng tên là vịnh Xuân Đài.

    Vịnh Xuân Đài

    Vịnh Xuân Đài

  101. Hòn Yến
    Tên một đảo đá cao nằm ngoài khơi xã An Hòa, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Ngày xưa nơi đây có rất nhiều chim yến đến làm tổ, nên có tên gọi như vậy. Hiện nay Hòn Yến được xem là một thắng cảnh độc đáo của Phú Yên.

    Hòn Yến

    Hòn Yến

  102. Sông Cầu
    Một địa danh thuộc tỉnh Phú Yên, nay là thị xã cực bắc của tỉnh. Tại đây trồng rất nhiều dừa và có nhiều sản vật từ dừa. Sông Cầu cũng có nhiều lễ hội tiêu biểu mang đậm bản sắc văn hoá địa phương như lễ hội cầu ngư, lễ hội Sông nước Tam Giang được tổ chức vào mồng 5 và mồng 6 tháng Giêng âm lịch...

    Vịnh Xuân Đài, thuộc thị xã Sông Cầu

    Vịnh Xuân Đài, thuộc thị xã Sông Cầu

  103. Có bản chép: Hố Trầu.
  104. Mái Nhà
    Còn gọi là Cù Lao Mái Nhà hoặc Hòn Lao Mái Nhà, một hòn đảo nhỏ thuộc xã An Hải, huyện Tuy An, Phú Yên, cách đầm Ô Loan hơn 4 km. Cách đây hơn 20 năm, trên đảo đã có người ở nhưng do điều kiện địa lý cách trở nên hòn đảo này vẫn còn rất xa lạ với nhiều người, ngay cả với dân địa phương. Đảo có diện tích khoảng 1,2 km², xung quanh được bao bọc bởi dãy núi cao trập trùng, có hang đá và bãi biển đẹp hoang sơ.

    Bãi đá trên cù lao Mái Nhà

    Bãi đá trên cù lao Mái Nhà

  105. Cát Xối
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Cát Xối, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  106. Câu này có bản chép: Mái nhà gác xối liền nhau.
  107. Tợ
    Tựa như, giống như (phương ngữ Nam Bộ).
  108. Tục truyền khi xưa Cao Biền chết chôn ở đây. Điều này không đúng với lịch sử.
  109. Ma Liên
    Tên một làng biển nay thuộc thôn Mỹ Quang, xã An Chấn, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Tại đây có chợ Ma Liên (nay là chợ Mỹ Quang). Ngày xưa, ranh giới giữa hai làng Phú Quý (Mỹ Quang hiện nay) và Long Thủy có một bãi cát rộng làm nơi chôn cất người chết, rất nhiều mồ mả. Theo truyền thuyết, xưa thường hay có người âm trà trộn vào đi chợ.
  110. Các hòn đảo này đều nằm phía ngoài bãi biển Ma Liên.
  111. Chóp Chài
    Một ngọn núi cao 391 mét, nổi lên giữa đồng bằng Tuy Hòa, thuộc địa phận xã Bình Kiến, ngoại ô thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Núi Chóp Chài có hình dáng khá vuông vức, trông tựa như một kim tự tháp. Đứng trên đỉnh núi sẽ có được tầm nhìn bao quát tới biển và vùng đồng bằng dưới chân núi.

    Núi Chóp Chài

    Núi Chóp Chài

  112. Bãi Dinh
    Tên gọi xưa của bãi biển Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.
  113. Tháp Nhạn
    Tên dân gian còn gọi là tháp Dinh hoặc Dinh Ông, một tòa tháp Chăm nằm trên núi Nhạn, thắng cảnh tiêu biểu của Tuy Hòa, tỉnh lị của Phú Yên. Tháp được người Chăm sinh sống ở lưu vực châu thổ sông Ba xây dựng nên vào khoảng thế kỉ 11-12. Qua sự tàn phá của thời gian và chiến tranh, nhiều phần của tháp bị hư hỏng nặng, hiện đã được trùng tu lại.

    Tháp Nhạn

    Tháp Nhạn

  114. Tuy Hòa
    Một địa danh nay là thành phố trực thuộc tỉnh Phú Yên, được mệnh danh là vựa lúa của miền Trung. Tại đây có nhiều thắng cảnh tự nhiên tuyệt đẹp do thiên nhiên ban tặng, những dòng sông uốn lượn quanh dãy Trường Sơn, tạo nên nhiều đầm, phá, vịnh, vũng tuyệt đẹp.

    Cầu bắc ngang sông Đà Rằng, thành phố Tuy Hoà

    Cầu bắc ngang sông Đà Rằng, thành phố Tuy Hoà

  115. Sông Đà Nông
    Con sông lớn thứ ba ở tỉnh Phú Yên, dài 86 km, bắt nguồn từ vùng núi Hòn Du thuộc dãy núi Trường Sơn ở phía Tây huyện Tây Hòa, chảy qua huyện Đông Hòa và đổ ra biển Đông ở cửa Đà Nông. Sông có các chi lưu là sông Bánh Lái và sông Trong.

    Sông Đà Nông

    Sông Đà Nông

  116. Hòn Khô
    Một địa danh thuộc xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên hiện nay.
  117. Mũi Đại Lãnh
    Còn có tên gọi khác là Mũi Nạy, Mũi Ba, Mũi Điện, Cap Varella (đặt theo tên một tướng giặc Pháp tự cho có công phát hiện nơi này), thuộc địa phận thôn Phước Tân, xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Đây là một nhánh của dãy Trường Sơn đâm ra biển. Trên mũi có ngọn hải đăng lớn chỉ đường cho tàu thuyền trong khu vực. Đây được xem là điểm cực Đông, nơi đón ánh nắng đầu tiên của nước ta.

    Ngọn hải đăng trên mũi Đại Lãnh

    Ngọn hải đăng trên mũi Đại Lãnh

  118. Núi Đá Bia
    Tên chữ là Thạch Bi Sơn, dân gian cũng gọi là núi Ông hoặc Đá Chồng, ngọn núi cao nhất trong khối núi Đại Lãnh thuộc dãy Đèo Cả, một thời là cột mốc biên giới của Đại Việt xưa. Đá Bia nằm ở xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, phía Nam tỉnh Phú Yên, nổi tiếng vì tảng đá Bia khổng lồ cao khoảng 80 m trên đỉnh núi, đứng cách xa vẫn nhìn thấy. Có tên như vậy vì tương truyền vào năm 1471, khi thân chinh cầm quân tấn công Chăm Pa, vua Lê Thánh Tông dừng tại chân núi, cho quân lính trèo lên khắc tên, ghi rõ cương vực Đại Việt tại nơi này.

    Núi Đá Bia

    Núi Đá Bia

  119. Vũng Rô
    Tên cũ là Ô Rô, một vịnh nhỏ thuộc xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, nằm ngay sát rìa dãy núi Đèo Cả. Vịnh là ranh giới tự nhiên trên biển giữa Phú Yên với Khánh Hòa. Hiện nay Vũng Rô là một cảng biển lớn, đồng thời là một điểm đến du lịch nổi tiếng của tỉnh Phú Yên.

    Vũng Rô

    Vũng Rô

  120. Gió nồm
    Loại gió mát và ẩm ướt thổi từ phía đông nam tới, thường vào mùa hạ.
  121. Gió mùa Đông Bắc
    Tên gọi dân gian là gió bấc, một loại gió lạnh thổi vào mùa đông, thường kèm theo mưa phùn.
  122. Hòn Nưa
    Một hòn đảo nằm phía nam vịnh Vũng Rô, có đỉnh cao 105 m so với mực nước biển. Một bên sườn là cây cối tương đối xanh tốt, bên còn lại là vách đá dựng đứng. Đại Nam nhất thống chí ghi Hòn Nưa là Trụ tự - là cột mốc tự nhiên chia ranh giới hành chính trước đây giữa Đại Việt và Chiêm Thành. Ngày nay Hòn Nưa là một địa điểm du lịch với bãi tắm, rạn san hô...

    Hòn Nưa

    Hòn Nưa

  123. Bãi Võ
    Tên gọi xưa kia của bãi biển Đại Lãnh, thuộc tỉnh Phú Yên.
  124. Hòn Gầm
    Một hòn đảo nhỏ nằm trong vịnh Đầm Môn, thuộc tỉnh Khánh Hòa. Có tên gọi như vậy vì đây là hòn đảo đầy đá, sóng vỗ ầm ầm quanh năm. Vào mùa gió Tây Nam, người địa phương thường đến dựng lều để bắt cá, tôm, khi hết mùa gió thì rời đi.
  125. Bãi Cát Thắm
    Một bãi biển dài thuộc huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, hiện đang được đầu tư xây dựng thành khu du lịch sinh thái.

    Mộc góc Bãi Cát Thắm

    Mộc góc Bãi Cát Thắm

  126. Hòn Đầu
    Còn gọi là Hòn Đôi, một hòn đảo nằm ở ngoài khơi Mũi Đôi, thuộc huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Có tên gọi như vậy ở đây có nhiều cụm đá xếp thành những hình dạng kì lạ, đẹp mắt. Xưa trên đảo có nhiều đồi mồi sinh sống, nên còn có tên là hòn Đồi Mồi. Theo Đại Nam nhất thống trí: Đầm Đại Mạo (hay đầm Đồi Mồi): ở phía đông huyện Quảng Phước gần bờ biển. Gần bờ đầm có hòn đảo có rất nhiều con đồi mồi.

    Ngày nay Mũi Đôi - Hòn Đầu là một danh thắng của tỉnh Khánh Hòa.

    Hòn Đầu

    Hòn Đầu

  127. Bà Gia
    Tên một cái đầm thuộc Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà, cách đảo Hòn Gầm khoảng 20 cây số.
  128. Hòn Gầm và đầm Bà Gia cách nhau chỉ hai mươi cây số, nhưng nếu biển động thì đi mất bảy ngày.
  129. Xa Cừ
    Một hòn núi thuộc tỉnh Khánh Hoà, có màu sắc óng ánh như xa cừ (xà cừ) khi mặt trời xuống.
  130. Bãi Giếng
    Một bán đảo nằm trên vịnh Vân Phong, thuộc thôn Khải Lương, Xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Thật ra tên gốc là Bảy Giếng, nhưng sau bị gọi chệch đi thành Bãi Giếng.

    Làng chài Bãi Giếng

    Làng chài Bãi Giếng

  131. Vũng Trâu Nằm
    Một vũng nhỏ nằm trong vịnh Vân Phong, thuộc huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hoà, được bán đảo Hòn Nhạn che chắn.
  132. Hòn Khói
    Một bán đảo nằm cách thị trấn Ninh Hoà, huyện Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà chừng 10km về hướng Đông Bắc. Có tài liệu chép rằng xưa kia tại đây là cửa biển quan trọng, triều đình nhà Nguyễn cho đặt quan trấn phòng ngự, trên đỉnh núi có chất củi khô, khi nào có giặc bể vào cướp bóc thì quan trấn ra lệnh đốt lửa un khói làm hiệu để gọi quân tiếp viện. Vì vậy nơi này có tên là Hòn Khói, tên chữ là Yên Cang.

    Ngày nay, Hòn Khói là một bán đảo đẹp, cảnh quan hấp dẫn, nơi có nhiều chim yến làm tổ của tỉnh Khánh Hoà, đồng thời cũng là vựa muối của cả nước.

    Ruộng muối ở Hòn Khói

    Ruộng muối ở Hòn Khói

  133. Cứt Chim
    Một hòn đảo nhỏ nằm trong vịnh Cù Huân, về hướng Đông Bắc của bãi biển Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà.
  134. Hòn Bạc
    Một hòn đảo nhỏ thuộc Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà. Đứng tại hòn Bạc thấy Nha Trang, nhưng nếu quay mũi ghe về phía tay phải sẽ vào vịnh Nha Phu.
  135. Mũi Cây Sung
    Một trong nhiều mũi đá nằm duới chân núi Hòn Hèo thuộc tỉnh Khánh Hoà.
  136. Chà Là
    Một hòn đảo nhỏ nằm vào phía bắc vịnh Nha Phu (tiếp giáp giữa vịnh Nha Trang và vịnh Vân Phong – thuộc tỉnh Khánh Hòa).
  137. Nha Trang
    Một địa danh thuộc tỉnh Khánh Hòa, hiện là một thành phố biển nổi tiếng không chỉ ở nước ta mà trên cả thế giới về du lịch biển, đồng thời là một trong những trung tâm kinh tế của cả nước.

    Theo nhiều nhà nghiên cứu, tên "Nha Trang" được hình thành do cách đọc của người Việt phỏng theo âm một địa danh Chăm vốn có trước là Ya Trang hay Ea Trang (có nghĩa là "sông Lau," tiếng người Chăm gọi sông Cái chảy qua Nha Trang ngày nay, vì chỗ con sông này đổ ra biển mọc rất nhiều cây lau). Từ tên sông, sau chỉ rộng ra vùng đất từ năm 1653.

    Vẻ đẹp Nha Trang

    Vẻ đẹp Nha Trang

  138. Trường Tây
    Tục danh là xóm Chụt, một vạn chài nằm bên cửa Bé trước đây thuộc xã Vĩnh Nguyên, huyện Vĩnh Xương, nay thuộc phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Nơi đây từ lâu người ta đã bán những mặt hàng dành cho ghe thuyền đi biển: đệm buồm, dây neo, dây chằng, phao lưới... Chụt vốn có nghĩa là "vũng nhỏ ở dựa gành có thể cho ghe thuyền núp gió" (Đại Nam quấc âm tự vị).

    Xóm Chụt ngày nay

    Xóm Chụt ngày nay

  139. Hòn Miễu
    Một trong bốn hòn đảo nằm ở phía Nam hòn Tre, thuộc vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà - gồm hòn Miễu, hòn Tằm, hòn Một và hòn Mun. Trong số bốn đảo nhỏ này, hòn Miễu là nơi dân cư tập trung khá đông đúc từ hàng trăm năm nay, vì đây là hòn đảo gần bờ nhất. Về hành chính, hòn Miễu thuộc thôn Trí Nguyên, phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang. Vì thế, người ta cũng gọi hòn Miếu là đảo Trí Nguyên. Bãi biển trên hòn Miễu được gọi là bãi Miễu.

    Hòn Miễu

    Hòn Miễu

  140. Hòn Nội
    Một hòn đảo thuộc tỉnh Khánh Hòa, cùng với Hòn Ngoại (nằm ở ngoài) là hai hòn đảo có nhiều tổ yến nhất. Ngoài ra Hòn Nội còn là nơi có bãi tắm đôi rất độc đáo.

    Bãi tắm đôi ở Hòn Nội

    Bãi tắm đôi ở Hòn Nội

  141. Bãi Dài
    Một bãi biển nằm giữa Cam Ranh và Nha Trang, thuộc xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hoà. Bãi Dài ngày nay là một điểm đến du lịch của tỉnh Khánh Hoà.

    Một khu nghỉ dưỡng thuộc Bãi Dài

    Một khu nghỉ dưỡng thuộc Bãi Dài

  142. Con Nghê
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Con Nghê, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  143. Hòn Tý
    Còn gọi là hòn Chút, một hòn đảo thuộc thôn Bình Hưng, xã Cam Bình, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hoà.
  144. Cam Ranh
    Một địa danh của tỉnh Khánh Hoà, nay là thành phố Cam Ranh, nằm bên bờ vịnh Cam Ranh, được xem là vịnh tự nhiên tốt nhất Đông Nam Á. Cảng Cam Ranh có một vai trò quân sự và chính trị hết sức quan trọng, đồng thời vùng đất này có tiềm năng du lịch rất lớn.

    Tên gọi Cam Ranh xuất phát từ địa danh Kamran trong tiếng Chăm. Trong các bản đồ và sổ sách bằng chữ Hán dưới thời Nguyễn, Cam Ranh được viết là 甘伶 (âm Nôm là Cam Ranh, còn âm Hán Việt là Cam Linh).

    Hình vẽ minh họa căn cứ hải quân của Liên Xô tại vịnh Cam Ranh vào khoảng đầu thập niên 1980

    Hình vẽ minh họa căn cứ hải quân của Liên Xô tại vịnh Cam Ranh vào khoảng đầu thập niên 1980

  145. Mò O, Dỏ Tó
    Các đảo nhỏ gần Hòn Tý ngoài khơi Cam Ranh.
  146. Mũi Đá Vách
    Một mũi đá thuộc huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. Đây là một bức tường thành tự nhiên, dài hơn bốn cây số, rất hùng vĩ với những đợt sóng lớn tung bọt trắng xóa đập vào vách đá có độ cao từ 20-30m sừng sững dựng đứng nhô ra biển.

    Mũi Đá Vách

    Mũi Đá Vách

  147. Vĩnh Hy
    Tên cũ là Vũng Găng, một vịnh biển cách trung tâm thành phố Phan Rang – Tháp Chàm về hướng Đông Bắc hơn 40km. Vịnh nằm trong quần thể Vườn Quốc Gia núi Chúa, có tiềm năng du lịch rất lớn với các hòn đảo đa dạng, hiện đang được dần dần khai thác.

    Mõm Cá Heo, một thắng cảnh trong vịnh Vĩnh Hy

    Mõm Cá Heo, một thắng cảnh trong vịnh Vĩnh Hy

  148. Hòn Chông
    Một hòn đảo thuộc xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận.

    Hòn Chông

    Hòn Chông

  149. Thái An
    Một địa danh nay là thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. Thôn này có tục danh là Bãi Lúa. Có một số giả thuyết về tục danh này:

    - Giả thuyết thứ nhất cho rằng dân chúng ở đây hay làm rẫy và gặt lúa thuê. Hàng năm, cứ đến mùa lúa, từ sáng sớm tinh sương, họ đi bộ từ miệt biển lên phía trên các làng để gặt lúa, đập lúa thuê, rồi chiều đến họ kéo nhau về, mang theo lúa công. Khi về đến đây thì đã mệt, họ ngồi tụ lại nghỉ chân, chia nhau lúa trước khi về nhà.

    - Giả thuyết thứ hai cho rằng trước kia tại ấp Thái An có thờ một vỏ lúa rất to, vỏ lúa của cái thời loài người chưa phải trồng trọt khó nhọc, lúa tự mọc ngoài đồng, khi chín thì tự lăn về cho loài người thụ hưởng.

    - Giả thuyết sau cùng cho rằng xưa kia có một đoàn ghe bầu của nhà nước chở lúa đi dọc bờ biển, đến vùng này chẳng may một chiếc bị chìm, viên quan tải lương bèn ra lệnh vớt lúa đem lên bãi phơi. Khi lúa khô và được thu góp lại, một số bị rớt lại trên bãi và sau một trận mưa, lúa mọc lên xanh cả bãi.

  150. Ma Văn
    Tên một cửa biển cũ thuộc tỉnh Ninh Thuận, thông với vùng biển mà hiện nay đã bị bồi lấp thành đầm Nại (hay đầm Phương Cựu) qua một khúc sông dài vào khoảng hai cây số gọi là sông Tri Thủy.
  151. Phan Rang
    Một địa danh thuộc tỉnh Ninh Thuận, nay là thành phố Phan Rang - Tháp Chàm (gọi tắt là Phan Rang). Vùng đất này từng là kinh đô Panduranga của Vương quốc Champa cổ.

    Tháp Po Klong Garai ở Phan Rang

    Tháp Po Klong Garai ở Phan Rang

  152. Vũng Tròn
    Một vũng biển nằm trên bờ biển đoạn từ vùng Cam Ranh chạy vào Cà Ná, thuộc thôn Vĩnh Tường, xã Phước Dinh, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Có tên như vậy vì vũng có hình gần như tròn.
  153. Mũi Dinh
    Tên một mũi đất (cũng là một ngọn núi) nhô ra biển, nay thuộc xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, nằm cách Phan Rang khoảng 25km về phía Nam. Trên sườn núi có một ngọn hải đăng do người Pháp xây dựng để chỉ hướng cho tàu thuyền qua lại, nay vẫn còn.

    Hải đăng Mũi Dinh

    Hải đăng Mũi Dinh

  154. Chín Vại
    Có nguồn chú là "Chín bậc đá cao, địa danh ở Ninh Thuận." Chúng tôi chưa tìm ra thông tin cụ thể.
  155. Ghe đi theo bờ biển mũi hướng về phía Tây, còn lái quay về phía Đông.
  156. Cà Ná
    Một địa danh nay là xã Cà Ná thuộc huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận. Biển ở đây nổi tiếng trong xanh, bãi cát trắng, là địa điểm lí tưởng để phát triển du lịch biển.

    Vẻ đẹp Cà Ná

    Vẻ đẹp Cà Ná

  157. Khu Ông
    Nơi có đền thờ và để nhiều cốt cá ông (cá voi).
  158. Cù lao Câu
    Còn gọi là Hòn Câu, một hòn đảo nhỏ ở xã Phước Thể, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Đảo cách đất liền chừng 7 hải lí và cách thành phố Phan Thiết khoảng 110 km về hướng Đông Bắc, có chiều dài trên 1.500 m, nơi rộng nhất gần 700 m, nơi cao nhất chỉ 7 m, nổi lên giữa biển khơi như một “chiến hạm.” Trên đảo ít có đất, chủ yếu là đá chồng tạo nên nhiều hình thù độc đáo, vì vậy đảo đang là điểm đến du lịch nổi tiếng của tỉnh.

    Cù lao Câu

    Cù lao Câu

  159. Bực Lở
    Một làng biển nằm dưới chân núi Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận giáp ranh giữa tỉnh này và tỉnh Ninh Thuận.
  160. Sông Lòng Sông
    Tên một con sông chảy qua huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.
  161. Mũi Chọ
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Mũi Chọ, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  162. La Gàn
    Mũi đất nay thuộc xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Đây là một làng chài nhỏ cách thị trấn Liên Hương chừng 7-8 km tính theo đường chim bay về phía Nam của huyện Tuy Phong. La Gàn phía đông giáp bờ biển, phía nam giáp xã Chí Công (Duồng). Ngoài đánh bắt hải sản, người địa phương còn sống bằng nghề làm rẫy và vườn.

    Mũi La Gàn nằm lấn ra ngoài biển tạo thành vòng cung nên là nơi rất thuận tiện cho ghe thuyền núp tránh bão hay chờ gió để ra khơi, nhất là về mùa đông. Nơi đây còn được biết đến với nhiều danh thắng và di tịch lịch sử như: chùa Cổ Thạch (chùa Hang), bãi đá sỏi Bảy Màu, bãi Cà Dược, đình Bình An... Hiện nay La Gàn là một trong những điểm đến của ngành du lịch Bình Thuận.

    Bãi biển La Gàn

    Bãi biển La Gàn

  163. Gành Son
    Một vịnh biển nay thuộc xã Chí Công, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Có tên như vậy vì ở đây có ghềnh đá màu đỏ như son. Gành Son hiện là một thắng cảnh du lịch có tiếng của Bình Thuận.

    Gành Son

    Gành Son

  164. Trại Lưới
    Tên một làng chài ven biển Bình Thuận.
  165. Cửa Duồng
    Một cửa biển nay thuộc huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. "Duồng" là tiếng chỉ người Việt của người dân tộc Chăm. Cửa biển này có lẽ đã bị bồi lấp.
  166. Phan Rí
    Một địa danh thuộc tỉnh Bình Thuận, nay là thị trấn Phan Rí Cửa của huyện Tuy Phong, nằm ngay cửa sông Lũy. Địa danh Phan Rí có nguồn gốc từ tiếng Chăm Panrik.

    Thị trấn Phan Rí Cửa

    Không ảnh Phan Rí Cửa

  167. Mũi Nhỏ
    Một mũi đất do nhánh núi đâm ra biển ở tỉnh Bình Thuận.
  168. Vũng Môn
    Tên một con lạch ở xã Hoà Thắng, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận.
  169. Đá Dựng
    Tên một khúc sông Dinh chảy qua vùng nay là trung tâm thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận, có bờ là vách đá dựng đứng. Vào năm 1958, đập Đá Dựng được xây chắn ngang dòng sông Dinh nối với hai bờ Tân An và Tân Bình, dẫn nước vào đồng ruộng và cung cấp nước sinh hoạt cho toàn thị xã La Gi và ba xã Tân An, Tân Thiện, Tân Bình.

    Đập Đá Dựng

    Đập Đá Dựng

  170. Hòn Hồng
    Một ngọn núi sát biển thuộc thôn Hồng Chinh, nằm về phía Đông Bắc thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Núi có độ cao 236m.
  171. Hòn Nghề
    Tên một hòn đảo nhỏ thuộc xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. Nơi đây hiện đang được đầu tư xây dựng khu du lịch.

    Hòn Nghề

    Hòn Nghề

  172. Hòn Nôm, Quảng Thí
    Hai hòn đảo nhỏ nằm ngoài khơi Mũi Né, tỉnh Bình Thuận.
  173. Hòn Rơm
    Một hòn núi nhỏ nay thuộc phường Mũi Né, thành phố Phan Thiết tỉnh Bình Thuận. Ngày nay, Hòn Rơm thực chất là một "tiểu khu" du lịch của Mũi Né, với cảnh quan đẹp trầm lắng, bãi tắm dài hơn 17 km, vẫn còn nguyên sơ, chưa có người ở và khai thác, gọi là Bãi sau Hòn Rơm. Tại đây, nước xanh trong vắt, sóng êm, không có đá ngầm. Vào mỗi buổi sáng hoặc buổi chiều, người ta có thể ngồi tại đây ngắm bình minh hay hoàng hôn; vào buổi tối nhìn trăng lên hay tổ chức lửa trại.

    Hòn Rơm

    Hòn Rơm

  174. Mũi Né
    Một địa danh nay thuộc thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Tên gọi Mũi Né xuất phát từ việc ngư dân đánh cá, mỗi khi đi biển gặp bão, thường đến đây tránh bão. Từ một dải bờ biển hoang vu với các đồi cát đỏ như sa mạc nằm rất xa đường giao thông, chỉ có lác đác vài xóm chài nghèo, ngày nay Mũi Né là trung tâm du lịch nổi tiếng của Bình Thuận, được đưa vào danh sách các khu du lịch cấp quốc gia.

    Đồi cát Mũi Né

    Đồi cát Mũi Né

  175. Phú Hài
    Một cửa sông đổ nước ra vịnh Phan Thiết, nay thuộc phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
  176. Phan Thiết
    Một địa danh nay là tỉnh lị, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật của tỉnh Bình Thuận. Vùng đất này khi xưa thuộc vương quốc Chăm Pa, sau này sáp nhập vào Đại Việt. Tại đây có nhiều danh lam thắng cảnh như Mũi Né, Hòn Rơm, Lầu Ông Hoàng, đồi cát, núi Tà Cú...

    Đồi cát Mũi Né

    Đồi cát Mũi Né

  177. Gành Thông
    Một ghềnh đá nằm cạnh đảo Hòn Một, gần thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
  178. Mũi Kê Gà
    Còn gọi là mũi Khe Gà, Mũi Điện hoặc Mũi Đèn (do có ngọn hải đăng), một mũi đất nhô ra biển Đông, nay nằm ở xã Thuận Quý, thuộc huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Thật ra đây là một hòn đảo nhỏ cách đất liền khoảng 500 mét, tục gọi là Hòn Bà. Khi thủy triều lên thì Kê Gà bị cách biệt như một hải đảo nhưng khi nước rút xuống thì một dải cát hiện ra nối mũi với đất liền.

    Vào thời Pháp thuộc năm 1897 chính quyền Bảo hộ cho dựng một ngọn hải đăng cao bằng đá với bình diện tháp hình bát giác ở Kê Gà. Đèn soi đặt ở mực 65 mét, giúp tàu bè đi ngang cửa biển này. Ngọn hải đăng bắt đầu hoạt động năm 1900 và đến nay vẫn chiếu sáng.

    Ngọn hải đăng trên mũi Kê Gà

    Ngọn hải đăng trên mũi Kê Gà

  179. Hòn Lan
    Tên một mũi đất nhô ra biển thuộc tỉnh Bình Thuận, nằm về phía Tây của Hòn Bà (mũi Kê Gà) chừng ba cây số.

    Hòn Lan

    Hòn Lan

  180. Cửa Cạn
    Một cửa biển nay thuộc vùng biển Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Theo Đại Nam nhất thống chí thì cửa Cạn "có tên là cửa Thiên Môn, thời Nguyễn Trung Hưng có đặt đồn binh."
  181. Tam Tân
    Một địa danh nay thuộc huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận. Đây là đỉnh đồi cao nhất của thị xã La Gi, từ trên đỉnh có thể nhìn bao quát xuống biển.
  182. La Gi
    Địa danh nay là thị xã của tỉnh Bình Thuận, nằm ở ven biển. Đây là vùng đất giàu tài nguyên rừng, biển và cả khoáng sản. Cảng La Gi là một trong những cảng cá biển vào loại lớn nhất tỉnh Bình Thuận và khu vực.
  183. Hòn Bà
    Một hòn đảo nhô cao lên giữa biển Bình Thuận, cách bờ biển La Gi huyện Hàm Tân gần hai cây số về hướng Đông, cách Phan Thiết khoảng 70 km về phía Đông Nam. Nửa đầu thế kỷ 17, người Chăm xây dựng trên đảo một ngôi đền thờ nữ thần Thiên Y Thánh Mẫu để mong được Bà phù hộ, cứu giúp những người đi biển gặp nạn.

    Hòn Bà

    Hòn Bà

  184. Rạn Gõ, Rạn Đập, Rạn Hồ
    Các địa danh thuộc huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận. "Rạn" là những hòn núi đá nhỏ nhô lên giữa biển.
  185. Hóc Kiểm
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Hóc Kiểm, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  186. Hồ Tràm
    Một dải bờ biển dài nằm giữa Long Hải và Bình Châu, trên địa bàn huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây là một bãi biển đẹp và còn hoang sơ, hiện nay đang được khai thác tiềm năng du lịch.

    Theo Gia Định thành thông chí: [Hải Động Hồ] Tục gọi là Hồ Tràm, cách trấn về phía đông bắc 227 dặm rưỡi. Nơi đây, động cát nối liền, cỏ cây xanh tốt, trong có hồ lớn xanh trong, nước đều ngọt cả, không khi nào khô, mọi người đều nhờ nước ấy.

    Bãi biển Hồ Tràm

    Bãi biển Hồ Tràm

  187. Bãi Giống
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Bãi Giống, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  188. Xích Ram
    Một địa danh thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày nay đọc trại thành Xích Lam. Theo Gia Định thành thông chí: [Sông Xích Ram] Ở về phía đông bắc cách trấn 209 dặm, có cầu ván bắc ngang. Sông dài 173 tầm, là nơi đường bộ đi ngang qua, nước sâu 5 thước ta. Phía hạ lưu của cầu chuyển quanh vào nam 3 dặm là cảng biển Xích Ram, khi thủy triều lên sâu 10 thước ta, rộng 33 trượng rưỡi, cảng dời đổi, thông kẹt bất thường...
  189. Lưới Rê
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Lưới Rê, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  190. Rạn Cam
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Rạn Cam, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  191. Ba Lũy
    Có lẽ là đọc trại Bà Lỵ hay Bà Lịa, những cách đọc khác của địa danh Bà Rịa ngày nay.
  192. Cửa Cạn
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Cửa Cạn, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  193. Mũi Kỳ Vân
    Còn gọi là Thuỳ Vân, một mũi đất nhô ra biển thuộc thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Mũi đất này có độ cao chừng 327m, là đích nhắm của lái buôn ghe thuyền ngày xưa khi đi qua khu vực này.

    Bình minh ở mũi Kỳ Vân

    Bình minh ở mũi Kỳ Vân

  194. Giếng Bộng
    Một địa danh nay là xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Phước Tỉnh nằm ở phía Đông Cửa Lấp, thuận lợi cho ghe tàu đánh cá ra vào và đỗ nghỉ. Tương truyền từ thời Gia Long, người ta đã dựng Đàn Kỳ Phong ở Phước Tỉnh để thờ các vị hải thần. Trước năm Minh Mạng thứ 18 (năm 1837) Phước Tỉnh có tên gọi là làng Giếng Bộng. Ngày nay, Phước Tỉnh là một làng biển giàu có với nghề đóng tàu và đánh bắt xa bờ.

    Theo Gia định thành thông chí: Tắc Ký (Cửa Lấp hay Giếng Bọng)... Cách trấn về phía đông 210 dặm. Lòng cảng có cồn cát dời đổi bất thường. Cửa cảng bề ngang rộng 90 tầm, khi nước lên cảng sâu từ 13 thước ta trở lên, 17 thước ta trở xuống. Dân miền biển nhóm đến đây làm nghề chài lưới câu cá, là nơi sản xuất cá muối của trấn này.

  195. Vũng Tàu
    Một địa danh nay là thành phố thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Vũng Tàu từng là trung tâm kinh tế, tài chính, văn hóa và giáo dục của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và là một trong những trung tâm kinh tế của vùng Đông Nam Bộ. Tại đây nổi tiếng với ngành nghề du lịch biển với nhiều bãi biển lí tưởng, đồng thời có các danh lam thắng cảnh như Chùa Thích Ca Phật Đài, tượng Chúa Kitô, Bạch Dinh, Núi Nhỏ, Núi Lớn...

    Bãi biển Vũng Tàu

    Bãi biển Vũng Tàu

  196. Sài Gòn
    Nay là thành phố Hồ Chí Minh, thành phố đông dân nhất, đồng thời cũng là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục quan trọng của nước ta. Vùng đất này ban đầu được gọi là Prey Nokor, thành phố sau đó hình thành nhờ công cuộc khai phá miền Nam của nhà Nguyễn. Năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh cho lập phủ Gia Định, đánh dấu sự ra đời thành phố. Khi người Pháp vào Đông Dương, để phục vụ công cuộc khai thác thuộc địa, thành phố Sài Gòn được thành lập và nhanh chóng phát triển, trở thành một trong hai đô thị quan trọng nhất Việt Nam, được mệnh danh Hòn ngọc Viễn Đông hay Paris Phương Đông. Năm 1954, Sài Gòn trở thành thủ đô của Việt Nam Cộng hòa và thành phố hoa lệ này trở thành một trong những đô thị quan trọng của vùng Đông Nam Á. Sau 1975, Sài Gòn được đổi tên thành "Thành phố Hồ Chí Minh," nhưng người dân vẫn quen gọi là Sài Gòn.

    Chợ Bến Thành, một trong những biểu tượng của Sài Gòn

    Chợ Bến Thành, một trong những biểu tượng của Sài Gòn

    Sài Gòn về đêm

    Sài Gòn về đêm

  197. Nhà Bè
    Tên một đoạn sông ngắn và cũng là tên một huyện ngoại thành của thành phố Hồ Chí Minh ngày nay. Đoạn sông Nhà Bè bắt đầu ở nơi giao nhau giữa sông Sài Gònsông Đồng Nai, chảy xuôi về phía Nam khoảng 12 km thì lại chia hai thành sông Soài Rạp và sông Lòng Tàu. Xưa kia, tại khúc sông này, việc đi lại rất khó khăn, vì lòng sông rộng và nước chảy xiết. Ghe thuyền phải neo lại, đợi khi nào thuận lợi mới đi tiếp. Một phú hộ tên Võ Thủ Hoằng (thường gọi Thủ Huồn), nhằm chuộc lại tội lỗi trước đây, đã làm phước kết tre làm bè và cất nhà ở trên sông, chứa sẵn củi, gạo, nước ngọt để giúp khách đi đường thuỷ khỏi bị đói. Sau đó, nhiều người buôn bán cũng kết hàng chục chiếc bè, tạo thành chợ nổi trên sông. Vì vậy mới có địa danh Nhà Bè.

    Ngã ba sông Nhà bè nhìn từ  máy bay. Nhánh sông lớn phía trên bên trái là sông Sài Gòn.

    Ngã ba sông Nhà bè nhìn từ máy bay. Nhánh sông lớn phía trên bên phải là sông Sài Gòn.

  198. Đồng Nai
    Tên gọi chung của toàn thể miền đồng bằng Nam Bộ, phổ biến vào thế kỉ 19 trở về trước, nay được giới hạn để chỉ một tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ. Lịch sử của Đồng Nai gắn liền với lịch sử của vùng đất Nam Bộ, khi có làn sóng di dân từ Bắc vào Nam trong cuộc Trịnh-Nguyễn phân tranh vào thế kỉ 16. Hiện nay Đồng Nai là cửa ngõ đi vào vùng kinh tế Đông Nam Bộ, đồng thời là một trong ba mũi nhọn kinh tế miền Nam cùng với thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương.

    Văn miếu Trấn Biên - di tích tiêu biểu của Đồng Nai

    Văn miếu Trấn Biên - di tích tiêu biểu của Đồng Nai

  199. Bài vè này được gọi là Vè Hải Trình (đường biển), tục gọi là Vè các lái, do những người làm nghề buôn bán theo đường biển từ Huế vào Vũng Tàu và ngược lại đúc kết nên theo kinh nghiệm thực tiễn dưới hình thức vần vè, trong đó mô tả gần như đầy đủ các địa danh với những mũi, hòn, cù lao, rạn đá ngầm, vũng, núi, bến cảng, cửa sông, phố xá và cả những nơi hiểm trở thường gây nguy hiểm cho thuyền bè qua lại. Bài có rất nhiều dị bản, và cho đến nay vẫn chưa được thu thập đầy đủ. Một số câu trong bài vè này cũng được tách ra thành những câu ca dao riêng biệt.
  200. Ốc gạo
    Loài động vật thân mềm thuộc họ ốc, sống ở vùng nước lợ và đáy sông, có vỏ trắng xanh, xoáy tròn, phía sau ốc có phần chóp nhọn, ốc lớn bằng đầu ngón tay, khi trưởng thành ốc gạo lớn bằng hột mít. Khi nấu chín dưới yếm hiện ra một cục mỡ nhỏ như hạt gạo. Ốc gạo được chế biến thành nhiều món đặc sản miền Nam.

    Ốc gạo Phú Đa (Bến Tre)

    Ốc gạo Phú Đa (Bến Tre)

  201. Thạch Hãn
    Tên con sông lớn nhất tỉnh Quảng Trị, có chiều dài 155 km, bắt nguồn từ dãy núi Trường Sơn ở phía Tây tỉnh Quảng Trị và đổ ra biển Đông qua Cửa Việt. Sông vốn có tên là Thạch Hàn [石瀚], có lí giải rằng do ở giữa nguồn có một mạch đá ngầm chắn ngang sông, mạch đá như mồ hôi (hãn 汗) tiết ra thành dòng chảy, nên mới đổi thành Thạch Hãn.

    Một góc cảng Cửa Việt

    Một góc cảng Cửa Việt

  202. Núi, rừng nói chung (phương ngữ Trung Bộ).
  203. Bát phường Mai Xá
    Tên gọi chung của tám phường do dân khai hoang ở miền Tây Gio Linh, Quảng Trị lập nên từ thế kỉ 17: Bình An (Gio Bình), Phú Thọ, Ninh Xá, Phú Ốc (Gio Hoà), Lịch Sơn, Phú Nhuận, Nam Dương (Gio Sơn), Trung An (nông trường Cồn Tiên).
  204. Hà Trung
    Một làng cổ thuộc phủ Triệu Phong, huyện Gio Linh, tổng An Xá, nay thuộc Gio Linh, Quảng Trị.

    Đình làng Hà Trung

    Đình làng Hà Trung

  205. Mắm ruốc
    Mắm làm từ con ruốc, rất nặng mùi. Đây là một loại nước chấm đặc trưng của nước ta, cùng với mắm tômmắm nêm. Mắm ruốc còn là nguyên liệu chính trong nhiều món rau và thịt xào.

    Mắm ruốc

    Mắm ruốc

  206. Cửa Tùng
    Địa danh nay là một thị trấn ven biển thuộc huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Cửa Tùng rất giàu thủy hải sản và là một địa điểm du lịch biển có tiếng.

    Biển Cửa Tùng

    Biển Cửa Tùng

  207. Mắm nêm
    Cũng gọi là mắm cái ở một số vùng, một loại mắm lên men từ cá, có nhiều ở miền Trung và miền Nam, dùng làm nước chấm trong các bữa ăn. Tùy theo phong tục từng vùng mà mắm nêm được pha với các loại gia vị khác nhau, thường là tỏi, ớt, thơm (dứa)...

    Mắm nêm Bình Thuận

    Mắm nêm Bình Thuận

  208. Sãi
    Một địa danh nay thuộc xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Sãi là gọi theo chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, người đã cho lập nên vùng đất này. Tại đây có chợ Sãi nổi tiếng với món nem lụi.
  209. Lúa (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  210. Xuân Viên
    Địa danh nay thuộc xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.
  211. Hội Thống
    Địa danh nay thuộc xã Xuân Hội, cực Bắc của huyện Nghi Xuân, cũng là cực Bắc của tỉnh Hà Tĩnh. Nằm ở mé bờ Nam cửa Hội, Hội Thống có nghề nông, nghề buôn nhưng nổi tiếng nhất vẫn là nghề biển. Ở đây ngoài ngôi Đình Kiên Nghĩa còn có các đền miếu mà trong đó có 3 ngôi đền thờ Nam Hải Ngư thần (cá ông) thường gọi là đền Cô, đền Cố, đền Cậu. Lễ cầu ngư ở Hội Thống được tổ chức hàng năm hoặc 3 năm 1 lần vào ngày 3/2 âm lịch.
  212. Nống
    Cái nong (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  213. Do Nha
    Còn gọi là Xuân Nha, một làng xưa thuộc tổng Tam Chế, huyện Nghi Xuân, phủ Đức Quang, xứ Nghệ An, sau thuộc xã Ngũ Lộc, huyện La Sơn, phủ Đức Quang, nay thuộc huyện Nghi Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Làng có nghề truyền thống là đan lát.
  214. Lộc Châu
    Địa danh trước kia là một xã thuộc huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.
  215. Dâu tằm
    Loại cây thường được trồng hai bên bờ sông, chủ yếu để lấy lá cho tằm ăn. Lá và rễ dâu cũng là vị thuốc đông y. Quả dâu tằm chín cũng có thể dùng để ăn hoặc ngâm rượu, gọi là rượu dâu tằm. Ở nước ta, dâu có nhiều giống: dâu bầu, dâu da, dâu cỏ, dâu tam bội...

    Lá và quả dâu tằm

    Lá và quả dâu tằm

  216. Cẩm Mỹ
    Địa danh trước đây là một xã thuộc huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.
  217. Kẻ Giăng
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Kẻ Giăng, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  218. Kẻ Cừa
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Kẻ Cừa, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  219. Trung Sơn
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An.
  220. Cơn
    Cây (phương ngữ một số vùng Bắc Trung Bộ).
  221. Yên Xứ
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Yên Xứ, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  222. La Vang
    Địa danh nay thuộc xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Có giả thuyết cho rằng tên gọi này bắt nguồn từ cây lá vằng (một loại cây có thể nấu làm nước uống), hoặc chỉ tiếng kêu la của người dân để xua đuổi thú dữ. Theo truyền thuyết của người Công giáo, dưới thời vua Cảnh Thịnh, triều Tây Sơn, Ðức Mẹ đã hiện ra tại đây. Vì thế, La Vang hiện nay được xem là một thánh địa Công giáo, hàng năm có hơn nửa triệu người về hành hương.

    Tượng Đức Mẹ tại La Vang

    Tượng Đức Mẹ tại La Vang

  223. Quán Ngang
    Một địa danh thuộc huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.
  224. Dầu tràm
    Loại dầu được chiết xuất từ lá của cây tràm, có hương thơm và mùi vị dễ chịu nên được dùng trong nhiều loại thuốc ho, nước súc miệng, thuốc sát khuẩn…

    Dầu tràm

    Dầu tràm

  225. Đại Nại
    Tên một làng cũ thuộc xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Hiện nay làng đã được sáp nhập với làng An Thái và làng Ba Khê thành một làng lớn là Đại An Khê.
  226. Phường Trúc
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Phường Trúc, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  227. Kim Giao
    Địa danh nay là một làng thuộc xã Hải Dương, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
  228. Phước Điền
    Địa danh nay thuộc xã Hải Thành, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
  229. Chiêng
    Nhạc cụ bằng đồng thau, hình tròn, giữa có thể có hoặc không có núm nổi lên. Người ta đánh chiêng bằng dùi gỗ có quấn vải mềm, hoặc bằng tay. Cồng, chiêng là các nhạc cụ đặc trưng cho các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

    Đánh chiêng

    Đánh chiêng

  230. Chùa Tịnh Quang
    Còn có tên là chùa Sắc Tứ, một ngôi chùa ở vùng núi phía tây nam làng Ái Tử, thuộc huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Đây là ngôi tổ đình duy nhất của tỉnh Quảng Trị thuộc hệ phái Phật giáo Bắc tông, là biểu tượng tâm linh của Phật giáo Quảng Trị.

    Chùa Tịnh Quang

    Chùa Tịnh Quang

  231. Trà Bát
    Địa danh nay là làng Trà Liên, xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
  232. Chợ Sòng
    Một địa danh nay thuộc làng Kim Đâu, xã Cam An, huyện Cam Lộ, Quảng Trị, cũng là tên một ngôi chợ ở đây. Chợ Sòng cùng với chợ phiên Cam Lộ từng là hai trung tâm thương mại sầm uất nhất Quảng Trị ngày trước. Theo Phủ biên tạp lục: Xã Phổ-lạc huyện Đăng-xương tục gọi là Chợ Sòng đấy là nơi đường thủy, đường bộ đến thâu tập lại, đi về tất phải qua lối ấy, tự chợ ấy theo con đường chính mà đi, qua cửa Điếu-ngao đến dinh Cát thì trong một trống canh.
  233. Bích La
    Địa danh nay là một làng ở xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, nằm bên bờ Đông của sông Thạch Hãn. Đây là một ngôi làng cổ có bề dày lịch sử và truyền thống văn hoá lâu đời, nơi được coi là vùng đất "địa linh nhân kiệt."
  234. Trà Lộc
    Địa danh nay là một làng thuộc xã Hải Xuân, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Làng có trằm (bàu nước) Trà Lộc, nay là một khu du lịch sinh thái có tiếng trong vùng.
  235. An Đôn
    Địa danh nay là một phường thuộc thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị.
  236. Mai Lĩnh
    Địa danh nay là một quận thuộc tỉnh Quảng Trị.
  237. Đạo Đầu
    Địa danh nay là một thôn thuộc xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
  238. Trầu nguồn
    Loại trầu của đồng bào dân tộc trồng trên núi, có lá to, hương đậm.
  239. Khe Gió
    Địa danh thuộc địa phận xã Cam Thành, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Khe Gió vốn là một khe suối và một thung lũng nhỏ nằm giữa hai dãy núi cao chạy theo hướng đông, tạo nên một địa hình lòng máng hút gió từ sông Hiếu đổ về. Đây là một địa điểm du lịch sinh thái nổi tiếng của tỉnh.

    Khe Gió

    Khe Gió

  240. Trung Đơn
    Địa danh nay là một làng thuộc xã Hải Thành, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
  241. Dứa
    Còn gọi là thơm hoặc gai, loại cây ăn quả có thân ngắn, lá dài, cứng, có gai ở mép và mọc thành cụm ở ngọn thân, quả có nhiều mắt, phía trên có một cụm lá.

    Cây dứa đang ra quả

    Cây dứa đang ra quả

  242. Bồ Bản
    Địa danh nay là một làng thuộc xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
  243. An Lộng
    Địa danh nay là một làng thuộc xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
  244. Xôi thống
    Một loại xôi đặc sản ở xã Hải Thành, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Xôi làm từ loại nếp rất thơm, khi ăn có vị ngọt.
  245. Hải Thành
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Xuất hiện trên bản đồ nhà Nguyễn khoảng đầu thế kỷ 19, hiện nay Hải Thành còn lưu giữ một vài truyền thống như lễ cúng thần hoàng, lễ chạp mã làng, chạp mã họ, lễ đua ghe...
  246. Trí Bưu
    Tên một làng nay thuộc phường 2, thị xã Quảng Trị. Làng có tên cũ là Cổ Bưu (gọi trại là Cổ Vưu), do trước đây có một nhà trạm để lo việc chuyển nhận thư từ và công văn từ triều đình.
  247. Triệu Phước
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
  248. Đông Hà
    Địa danh nay là thành phố trung tâm của tỉnh Quảng Trị.
  249. Hội Yên
    Địa danh nay là một làng thuộc xã Hải Quế, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
  250. Chợ Gò Chàm
    Tên một phiên chợ ở Bình Định. Trước đây chợ ở cách thị trấn Bình Định khoảng hai cây số về phía Bắc. Vùng này có tên là xứ Lam Kiều vì trồng nhiều cây chàm để nhuộm vải, vì vậy chợ có tên chữ là Lam Kiều thị. Đúng ra phải gọi là chợ Cầu Chàm, nhưng dân chúng lại quen gọi là chợ Gò Chàm. Bởi đó, có người còn cho rằng chợ được lập trên vùng đất gò có nhiều mồ mả người Chàm. Năm 1940, chợ Gò Chàm dời vào khu đất phía đông bắc bên ngoài thành Bình Ðịnh, sát với khu phố của thị trấn và đổi tên là chợ Bình Ðịnh, hay chợ Thành, nhưng dân chúng vẫn quen gọi tên cũ. Chợ mới vẫn giữ vai trò lớn nhất tỉnh, nhóm chợ mỗi ngày và mỗi tháng có sáu phiên vào các ngày mồng 3, 8, 13, 18, 23, 28. Ngoài ra, xưa nay vẫn giữ lệ phiên chợ 23, 28 tháng chạp âm lịch nhóm suốt ngày đêm và đông hơn các phiên chợ khác trong năm.

    Chợ Bình Định ngày nay

    Chợ Bình Định ngày nay

  251. Bánh đúc
    Bánh nấu bằng bột gạo tẻ hoặc bột ngô quấy với nước vôi trong, khi chín đổ ra cho đông thành tảng, thường được ăn kèm với mắm tôm. Bánh đúc là món quà quen thuộc của làng quê.

    Bánh đúc Hà Nội

    Bánh đúc Hà Nội

  252. Bánh xèo
    Một loại bánh làm bằng bột, bên trong có nhân là tôm, thịt, giá, đúc hình tròn. Tùy theo mỗi vùng mà cách chế biến và thưởng thức bánh xèo có khác nhau. Ở Huế, món ăn này thường được gọi là bánh khoái và thường kèm với thịt nướng, nước chấm là nước lèo gồm tương, gan, đậu phộng. Ở miền Nam, bánh có cho thêm trứng, chấm nước mắm chua ngọt. Ở miền Bắc, nhân bánh xèo còn có thêm củ đậu thái mỏng hoặc khoai môn thái sợi. Các loại rau ăn kèm với bánh xèo rất đa dạng gồm rau diếp, cải xanh, diếp cá, tía tô, rau húng, lá quế, lá cơm nguội non...

    Bánh xèo

    Bánh xèo

  253. Bánh khô
    Còn gọi là bánh khô mè, hoặc bánh khô khổ, là một loại bánh miền Trung, làm từ bột gạo nếp, đường và mè.

    Bánh khô mè Cẩm Lệ - Quảng Nam

    Bánh khô mè Cẩm Lệ - Quảng Nam

  254. Bánh nổ
    Một loại bánh đặc sản của miền Trung. Bánh làm bằng gạo nếp rang cho nổ bung ra (nên có tên là bánh nổ), trộn với nước đường nấu sôi và gừng giã nhỏ, cho vào khuôn hình chữ nhật. Bánh ăn có vị ngọt của đường, bùi của nếp và cay của gừng.

    Bánh nổ

    Bánh nổ

  255. Bánh bèo
    Một món bánh rất phổ biến ở miền Trung và miền Nam. Bánh làm từ bột gạo, có nhân phía trên mặt bánh làm bằng tôm xay nhuyễn. Nước chấm bánh bèo làm từ nước mắm, và thường đổ trực tiếp vào bánh chứ không cần chấm. Thành phần phụ của bánh bèo thường là mỡ hành, đậu phộng rang giã nhỏ. Tuỳ theo địa phương, có những cách thêm bớt khác nhau cho món bánh này, ví dụ ở Sài Gòn thường bỏ đậu xanh, đồ chua, lại cho ăn kèm bánh đúc, bánh ít, bánh bột lọc...

    Bánh bèo

    Bánh bèo

  256. Cá chép
    Tên Hán Việt là lí ngư, một loại cá nước ngọt rất phổ biến ở nước ta. Ngoài giá trị thực phẩm, cá chép còn được nhắc đến trong sự tích "cá chép vượt vũ môn hóa rồng" của văn hóa dân gian, đồng thời tượng trưng cho sức khỏe, tài lộc, công danh.

    Ở một số địa phương miền Trung, cá chép còn gọi là cá gáy.

    Cá chép

    Cá chép

  257. Cá thu
    Loại cá biển, thân dài, thon, không có hoặc có rất ít vảy. Từ cá thu chế biến ra được nhiều món ăn ngon.

    Cá thu

    Cá thu

  258. Cá ngừ
    Một loài cá biển đặc biệt thơm ngon, mắt rất bổ, được chế biến thành nhiều loại món ăn ngon và hiện nay là nguồn hàng xuất khẩu có giá trị. Nghề câu cá ngừ đại dương tại Việt Nam ra đời năm 1994, nhờ công sức phát hiện ra phương pháp câu của ngư dân Phú Yên. Sau đó nghề này dần lan rộng, trở thành thế mạnh của ngư dân duyên hải Nam Trung Bộ như Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa...

    Cá ngừ

    Cá ngừ

  259. Cá nục
    Một loại cá biển, có rất nhiều ở các vùng biển miền Trung. Cá nục được dùng làm nguyên liệu chính cho nhiều món ăn ngon như cá nục sốt cà, cá nục kho, cá nục hấp cuốn bánh tráng...

    Cá nục

    Cá nục

  260. Cá ngừ chù
    Gọi tắt là cá chù, một loại cá thuộc họ cá ngừ, có nhiều ở các vùng biển miền Trung. Tại đây cá ngừ chù được xem là “cá nhà nghèo,” món quen thuộc trong giỏ đi chợ của các bà nội trợ. Những món ăn từ cá ngừ chù có cà ngừ kho dưa gang, cá ngừ rim cà chua, cá ngừ hấp...

    Cá ngừ chù

    Cá ngừ chù

  261. Ngó
    Nhìn, trông (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  262. Nậu
    Nghĩa gốc là một nhóm nhỏ cùng làm một nghề (nên có từ "đầu nậu" nghĩa là người đứng đầu). 

Ví dụ: “Nậu nguồn” chỉ nhóm người khai thác rừng, “Nậu nại” chỉ nhóm người làm muối, “Nậu rổi” chỉ nhóm người bán cá, “Nậu rớ” chỉ nhóm người đánh cá bằng rớ vùng nước lợ, “Nậu cấy” chỉ nhóm người đi cấy mướn, “Nậu vựa” chỉ nhóm người làm mắm... Từ chữ “Nậu” ban đầu, phương ngữ Phú Yên-Bình Định tỉnh lược đại từ danh xưng ngôi thứ ba (cả số ít và số nhiều) bằng cách thay từ gốc thanh hỏi. Ví dụ: Ông ấy, bà ấy được thay bằng: “ổng,” “bả.” Anh ấy, chị ấy được thay bằng: “ảnh,” “chỉ.” 

Và thế là “Nậu” được thay bằng “Nẩu” hoặc "Nẫu" do đặc điểm không phân biệt dấu hỏi/ngã khi phát âm của người miền Trung. 

Người dân ở những vùng này cũng gọi quê mình là "Xứ Nẫu."
  263. Trạnh cày
    Cũng gọi là diệp cày, bộ phận thường bằng sắt hoặc gang, lắp tiếp trên lưỡi cày, có tác dụng nâng, tách và lật đất cày.
  264. Dùi đục
    Còn gọi là đục, dụng cụ gồm một thanh thép có chuôi cầm, đầu có lưỡi sắc, dùng để tạo những chỗ lõm hoặc những lỗ trên các vật rắn như gỗ, đá, kim loại.

    Sử dụng dùi đục

    Sử dụng dùi đục

  265. Chàng
    Dụng cụ của thợ mộc gồm một lưỡi thép dẹp hình tam giác tra vào cán, dùng để vạt gỗ (đẽo xiên).

    Dùng chàng

    Dùng chàng

  266. Quảng Nam
    Tên một tỉnh ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, trước đây bao gồm cả thành phố Đà Nẵng, gọi chung là tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Quảng Nam có nghĩa là "mở rộng về phương Nam." Tỉnh Quảng Nam giàu truyền thống, độc đáo về bản sắc văn hóa với những danh tích như thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An...

    Vẻ đẹp Hội An

    Vẻ đẹp Hội An

  267. Đông Sấu
    Cũng gọi là làng Sấu, địa danh nay là một thôn thuộc xã Liêm Túc, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam.
  268. Ở đây có nghĩa hay tảo tần thu vén.
  269. Đấu
    Đồ dùng để đong thóc gạo ngày trước, bằng khoảng một lít hiện nay.
  270. Nong
    Dụng cụ hình tròn, đan bằng tre, có vành, đáy nông, thường dùng để phơi nông sản hoặc để nuôi tằm. Có vùng gọi là nống. Nhỏ hơn nong một chút gọi là nia.

    Nong, nia, thúng

    Nong, nia, thúng

  271. Bài chòi
    Một loại hình trò chơi dân gian và nghệ thuật độc đáo ở miền Trung, được tổ chức hằng năm vào dịp Tết Nguyên đán. Người ta dựng 9-11 chòi trên một bãi đất trống. Bộ bài để đánh bài chòi gồm 33 lá, với những cái tên nôm na như: Nhứt Nọc, Nhì Nghèo, Ông Ầm, Sáu Ghe, Bảy Liễu... vẽ trên giấy, dán vào thẻ tre. Vào cuộc chơi, anh hiệu (tức người hô thai) xóc ống bài, rút ra một con và xướng tên con bài lên. Để gây thêm sự hồi hộp và bắt người chơi phải suy đoán, anh hiệu hô lên một câu thai hoặc một câu ca dao có tên con bài. Chòi nào trúng tên con bài thì gõ mõ để anh hiệu mang con bài đến. Trúng ba con bài là chòi đó “tới.”

    Một buổi hát bài chòi

    Một buổi hát bài chòi

    Xem hát bài chòi ở Hội An.

  272. Bài tới
    Một trò chơi bài rất phổ biến ở miền Trung ngày trước. Bộ bài 60 con chia làm ba pho, được chia cho hai phe, mỗi phe ba người, mỗi người lấy sáu con bài, xây bài trên tay. Người chọn đi bài, trước tiên rút một con bài bỏ ra, lệ cấm dùng các con bài có dấu triện đỏ (Ông ầm, Thái tử, Đỏ mỏ). Những tay bài khác, nếu có con bài giống con bài chợ (bài vừa được đánh ra) thì rút con ấy ra bắt và đi một con bài khác. Các tay bài khác lại tiếp tục bắt và đi cho đến khi có một tay bài tới là hết một ván bài. Tới bài tức là khi trên tay chỉ còn hai lá bài và lúc đó, người đi bài đã đi đúng tên một trong hai con bài mà mình đang chờ để tới.

    Bài chòi cũng dùng bộ bài này, nhưng chỉ chơi vào ngày Tết và không có tính ăn thua đỏ đen như bài tới.

  273. Dề
    Phương ngữ Trung Bộ, chỉ những thứ kết lại với nhau thành mảng lớn (một dề lục bình, một dề rác rến...)
  274. Ghe
    Thuyền nhỏ, thường đan bằng tre (gọi là ghe nan) hoặc bằng gỗ. Từ này đôi khi được dùng để chỉ tàu thuyền nói chung, nhất là ở vùng Trung và Nam Bộ.

    Chèo ghe

    Chèo ghe

  275. Dừng
    Thanh bằng tre nứa cài ngang dọc để trát vách.

    Vách đất trát lên tấm dừng

    Đất trát lên tấm dừng làm vách nhà

  276. Trợt
    Trượt (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  277. Chợ Lường
    Tên dân gian của chợ Đô Lương, một ngôi chợ nay thuộc địa phận huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Thời Pháp thuộc, chợ là địa điểm tập trung dân phu để đi làm đường. Đến bây giờ, chợ Lường vẫn được coi như là biểu tượng của cảnh bán buôn sầm uất, tấp nập trong vùng.
  278. Tru
    Trâu (phương ngữ một số vùng Bắc Trung Bộ).
  279. Lụa sồi
    Lụa dệt bằng tơ tằm nhưng sợi thô, nếu sợi dệt xe đôi thì gọi là sồi xe, khác với lụa tơ tằm được dệt bằng tơ tằm sợi nhỏ nên mỏng, mềm và mịn hơn.
  280. Hàng xén
    Cửa hàng tạp hóa hoặc gánh hàng chuyên bán những thứ vặt vãnh như kim, chỉ, đá lửa, giấy bút...

    Những cô hàng xén răng đen
    Cười như mùa thu tỏa nắng
    (Bên kia sông Đuống - Hoàng Cầm)

  281. Ngong
    Ngóng (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  282. Trửa
    Giữa (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  283. Chộ
    Thấy (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  284. Hồng
    Loại cây cho trái, khi chín có màu vàng cam hoặc đỏ. Tùy theo giống hồng mà quả có thể giòn hoặc mềm, ngọt hoặc còn vị chát khi chín.

    Quả hồng

    Quả hồng

  285. Mấu
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Mấu, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  286. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  287. Bòng
    Một loại quả rất giống bưởi. Ở một số tỉnh miền Trung, người ta không phân biệt bưởi và bòng. Trong ca dao hay có sự chơi chữ giữa chữ "bòng" trong "đèo bòng" và quả bòng.
  288. Hát bội
    Một loại hình văn nghệ dân gian cổ truyền phổ biến trước đây. Đây là một loại hình mang nặng tính ước lệ. Các diễn viên hát bộ phân biệt từ mặt mũi, râu tóc, áo quần để rõ kẻ trung nịnh, người sang hèn, ai thô lậu, thanh tú, ai minh chánh, gian tà. Sắc đỏ được dùng dặm mặt để biểu hiện vai trung thần; màu xám là nịnh thần; màu đen là kẻ chân thật; màu lục là hồn ma... Dàn nhạc dùng trong hát bội gồm có những nhạc cụ như: trống chiến, đồng la, kèn, đờn cò và có khi ống sáo. Nội dung các vở hát bội thường là các điển tích Trung Hoa.

    Về tên gọi, "bộ" đây có nghĩa là diễn xuất của nghệ sĩ đều phải phân đúng từng bộ diễn, nên gọi là "hát bộ", "diễn bộ", "ra bộ.. Gọi là “hát bội” là vì trong nghệ thuật hóa trang, đào kép phải đeo, phải giắt (bội) những cờ phướng, lông công, lông trĩ… lên người. Còn "tuồng" là do chữ "Liên Trường" (kéo dài liên tiếp thành một vở tuồng tích có khởi đầu truyện, có hồi kết cuộc, phân biệt với các ca diễn từng bài ngắn, từng trích đoạn), do ngôn ngữ địa phương mà thành "luông tuồng," "luôn tuồng..."

    Một cảnh hát bội

    Một cảnh hát bội

    Xem vở hát bội Thần nữ dâng Ngũ Linh Kỳ.

  289. Quy Nhơn
    Một địa danh nay là thành phố trực thuộc tỉnh Bình Định. Quy Nhơn được hình thành từ rất sớm, thuộc vùng đất Đàng Trong, xứ Thuận Quảng, từ cách đây hơn 400 năm. Mảnh đất này đã có lịch sử hình thành phát triển cùng với nền văn hoá Chăm Pa từ thế kỷ 11. Tại Quy Nhơn có các danh thắng như Tháp Đôi, Gành Ráng, biển Quy Hòa... cùng các đặc sản như bún chả cá, nem chua...

    Thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định

    Thành phố Quy Nhơn

  290. Có bản chép là “làm đơn,” đều có ý chỉ việc kiện tụng, tranh chấp.
  291. Thư lại
    Viên chức trông coi việc giấy tờ ở công đường thời phong kiến, thực dân. Ở Trung và Nam Bộ, từ này cũng được phát âm thành thơ lại.
  292. Hò khoan
    Một thể loại hò thường gặp ở miền Trung, trong đó người hò thường đệm các cụm "hò khoan" "hố khoan" "hố hò khoan" (nên cũng gọi là hò hố). Hò khoan thường có tiết tấu nhanh, nhộn nhịp.
  293. Bài này nói về tài năng hoặc nét đặc trưng của người dân ở bốn địa phương.
  294. Sinh đồ
    Một học vị trong hệ thống giáo dục Việt Nam thời phong kiến, được xác định trong kỳ thi Hương (là kỳ thi sơ khởi nhất để triều đình tuyển chọn người tài; người nào đỗ kỳ thi Hương thì năm sau mới được dự kỳ thi cao hơn là thi Hội, thi Đình).
  295. Bồ
    Đồ cỡ lớn đựng thóc lúa, thường đan bằng tre.

    Bồ và cối xay thóc

    Bồ và cối xay thóc

  296. Cống
    Học vị dành cho những người thi đỗ khoa thi Hương dưới chế độ phong kiến.

    Nào có ra gì cái chữ Nho
    Ông Nghè, ông Cống cũng nằm co

    (Chữ Nho - Tú Xương)

  297. Nghè
    Tên gọi dân gian của học vị Tiến sĩ dưới chế độ phong kiến.
  298. Tiến sĩ
    Học vị được trao cho những người đỗ tất cả ba kỳ thi: thi Hương, thi Hội và thi Đình, được ghi danh trong khoa bảng (trừ thời nhà Nguyễn, có thêm học vị Phó bảng không phải là tiến sĩ, nhưng cũng được chấm đỗ ba kỳ thi trên). Thời nhà Trần, những người đỗ Tiến sĩ được gọi là Thái học sinh.
  299. Trạng nguyên
    Danh hiệu của người đỗ cao nhất khoa thi Đình dưới thời phong kiến. Đỗ nhì là Bảng nhãn, đỗ ba là Thám hoa. Các trạng nguyên nổi tiếng nhất trong lịch sử nước ta có thể kể đến: Nguyễn Hiền, Lương Thế Vinh (Trạng Lường), Mạc Đĩnh Chi (Lưỡng quốc Trạng nguyên), Nguyễn Bỉnh Khiêm (Trạng Trình)... Ngoài ra, một số nhân vật trong lịch sử tuy không đạt danh hiệu này nhưng nhờ có tài năng lớn mà cũng được nhân dân tôn làm Trạng (Trạng Ăn Lê Như Hổ, Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, Trạng Quỳnh...)
  300. Bảng nhãn
    Danh hiệu của người đỗ cao nhất khoa thi Đình dưới thời phong kiến, dưới Trạng nguyên và trên Thám hoa.
  301. Bài vè này nói về truyền thống hiếu học, khoa bảng của Bắc Ninh.
  302. Bánh tổ
    Một loại bánh tết truyền thống của Quảng Nam. Bánh được chế biến từ nếp và đường, đựng trong những cái "rọ" bằng lá chuối. Bánh dẻo, ngọt, có thể cắt ăn ngay hoặc chiên giòn.

    Bánh tổ

    Bánh tổ

  303. Bánh kẹp
    Một loại bánh làm từ bột và trứng, thêm lá dứa, nước dừa, đường... nướng bằng khuôn gang đặt trên lò than nóng. Vì khuôn bánh thường có họa tiết dạng lỗ như tổ ong nên bánh cũng được gọi là bánh tàn ong, hoặc bánh kẹp tàn ong.

    Bánh kẹp lá dứa

    Bánh kẹp lá dứa

  304. Bánh tráng
    Miền Trung và miền Nam gọi là bánh tráng, miền Bắc gọi là bánh đa. Đây một dạng loại bánh làm từ bột gạo, tráng mỏng, phơi khô, khi ăn có thể nướng giòn hoặc ngâm sơ với nước cho mềm để cuốn các thức ăn khác. Ngoài ra, bánh tráng còn có thể được làm với các thành phần khác để tạo thành bánh tráng mè, bánh tráng đường, bánh tráng dừa... mỗi loại có hương vị khác nhau.

    Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng

    Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng

  305. Bánh bàng
    Một loại bánh làm từ bột mì, đường, và trứng, được nướng xốp, mặt vàng, gần giống bánh ga-tô, có hình dáng giống quả bàng,

     

  306. Bánh da lợn
    Một loại bánh tráng miệng được làm từ bột năng, đường trắng, dừa nạo, va ni hay lá dứa và một số gia vị khác. Nhân bánh được làm từ đậu xanh, khoai môn nghiền mịn hoặc bào sợi hấp chín và bột gạo, đường. Bánh được hấp rồi cắt nhỏ thành từng miếng khi ăn.

    Bánh da lợn

    Bánh da lợn

  307. Bánh da trời
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Bánh da trời, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  308. Bánh ít
    Loại bánh dẻo làm bằng bột nếp, có mặt ở nhiều địa phương, có nơi gọi là bánh ếch hay bánh ết. Tùy theo từng vùng mà bánh ít có hình dạng và mùi vị khác nhau: hình vuông, hình tháp, hình trụ dài, gói lá chuối, lá dứa, không nhân, nhân mặn, nhân ngọt... Bánh ít là món bánh không thể thiếu trong các dịp lễ Tết, giỗ cúng.

    Bánh ít lá gai

    Bánh ít lá gai

    Bánh ít trần

    Bánh ít trần

  309. Bánh men
    Một loại bánh nướng làm từ bột năng (hoặc bột sắn dây) và nước cốt dừa, khi ăn giòn, tan trong miệng và rất thơm.

    Bánh men

    Bánh men

  310. Xôi vị
    Một loại xôi ngọt nấu từ nếp và dừa, thường được nấu trong các đám tiệc. Có tên như vậy vì khi nấu, người ta thường thêm chút tai vị nướng và tán nhuyễn vào. Xôi vị nấu chín thơm mùi nước dừa và đường, có vị ngọt vừa phải.

    Xôi vị

    Xôi vị

  311. Nhất Y, nhì Mống, tam Bông, tứ Đường, năm Nghè, sáu Lợi
    Tên sáu cây cầu lâu đời ở Sài Gòn: cầu chữ Y, cấu Mống, cầu Bông, cầu Nhị Thiên Đường, cầu Thị Nghè và cầu Bình Lợi.
  312. Họ Hồ làm quan, họ Đoàn làm giặc
    Hai dòng họ ở làng An Truyền (Phú Vang, Thừa Thiên-Huế), họ Hồ có nhiều người đỗ đạt cao và làm quan (Hồ Đắc Trung, Hồ Đắc Di...), trong khi họ Đoàn có anh em Đoàn Hữu Trưng khởi xướng loạn "giặc chày vôi" dưới thời vua Tự Đức (xem thêm).
  313. Mủng
    Cái thúng (phương ngữ Trung Bộ).
  314. Phanh
    Khoanh (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  315. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  316. Hát đối về nghề làm dây từ xơ dừa ở thôn Chánh Khoan Đông, Mỹ Lợi, Phù Mỹ, Bình Định.
  317. Quy
    Con rùa (từ Hán Việt).
  318. Cá mại
    Loài cá nước ngọt cùng họ với cá chép, cỡ nhỏ bằng ngón tay cái, thân dẹp và ngắn.

    Cá mại nấu canh chua

    Cá mại nấu canh chua

  319. Cá hóa long
    Cá hóa rồng. Theo truyền thuyết phương Đông, cá chép có thể vượt vũ môn và hóa thành rồng. Nghĩa bóng chỉ việc học hành đỗ đạt, có công danh.
  320. Đây được cho là hai câu hát mỉa mai nhau của hai nhà họ Nguyễn và họ Hồ, đều là bá hộ làng Niêm Phò ngày trước (nay thuộc huyện Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế). Họ Hồ có cô con gái tên Qui, họ Nguyễn có người con trai tên Mại. Hai ông chồng đều muốn làm sui với nhau nhưng hai bà vợ không chịu nên mới có câu hát đối đáp nhau như thế. Nguyễn Văn Mại sau này đỗ đạt cao, làm đến quan nhất phẩm triều Nguyễn. (Theo sách Cố đô Huế của Thái Văn Kiểm)
  321. Theo sách Cố đô Huế của Thái Văn Kiểm: Theo cụ Tùng Lâm, câu này do đám dân chài làng Quảng Tế, huyện Hương Trà đặt ra để nhắc lại sự tích ông Huỳnh Hữu Thường, con một ngư phủ, mà biết chăm lo việc học hành, thi đỗ Cử nhân, rồi đỗ Hoàng giáp, làm quan đến Thượng thư. Vua Tự Đức rất mến ông, nhận thấy làng ông không có đất đai chi cả, bèn hạ chỉ cắt 20 mẫu đất làng Nguyệt Biều giao cho làng Quảng Tế để có đất cho dân cư ngụ, trồng trỉa và xây cất đền chùa.
  322. Tam Thai
    Còn gọi là Tả Phụ Sơn, tên một ngọn núi thấp thuộc phường An Cựu (Huế). Tam Thai nằm cạnh núi Ngự Bình, cùng với núi Bân (Hữu Bật Sơn) tạo nên thế "Đệ nhất án sơn" cho kinh thành Huế.
  323. Tài tử giai nhân
    Người con trai có tài, người con gái có sắc. Chỉ những người tài sắc nói chung.

    Dập dìu tài tử giai nhân
    Ngựa xe như nước, áo quần như nêm

    (Truyện Kiều)

  324. Thực vật
    Đồ ăn uống, đồ dùng sinh hoạt nói chung.
  325. Túc dụng
    Đủ dùng (từ Hán Việt).
  326. Cựu thời
    Thời trước, thời xưa (từ Hán Việt).
  327. Bộc
    Phơi bày, bộc bạch (từ Hán Việt).
  328. Nhi thinh
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Nhi thinh, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  329. Xuân nhựt
    Xuân nhật, ngày xuân (từ Hán Việt).
  330. Ức
    Ham, muốn (từ cũ).
  331. Minh niên
    Năm nay (từ Hán Việt).
  332. Hỉ hạ
    Vui mừng, chung vui. Như hỉ hả, hể hả.
  333. Chốn quê mùa. Ở đây ý chỉ Bình Định.
  334. Điện Quang
    Tên một hiệu pháo nổi tiếng ngày trước. Pháo Điện Quang tuy nhỏ nhưng nổ rất giòn giã, không có viên lép, xác pháo đều.

    Pháo Điện Quang

    Pháo Điện Quang

  335. Lôi đình
    Sấm sét (từ Hán Việt).
  336. Hung
    Dữ, quá (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  337. Tiêu xoay
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Tiêu xoay, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  338. Ngún hừng
    Ngún (thường nói về lửa) là cháy ngầm; hừng là cháy phừng lên, dấy lên. Ngún hứng là chập chờn không đều lửa.
  339. Hắt
    Dứt khoát (phương ngữ Trung Bộ).
  340. Đây là lời các gian hàng bán pháo Tết rao bằng cách hát theo điệu bài chòi, thường thấy ngày xưa ở chợ Gò (Tuy Phước, Bình Định). Chợ Gò ngày ấy mỗi dịp Tết lại bán pháo rất nhiều, nên còn gọi là chợ Pháo. Bài này do thi sĩ Sinh Hòa cung cấp, dẫn bởi Trần Đình Thái trong sách Ai có về Qui Nhơn (1973).
  341. Soi Bún
    Cũng gọi là Soi Búng, địa danh nay thuộc thôn Ngọc Lãng, xã Bình Ngọc, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Tại đây có nghề truyền thống là trồng dưa (chủ yếu là dưa hấu).
  342. Lục Lễ
    Địa danh nay là một thôn thuộc xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.
  343. Có bản chép là "Luật Lễ."
  344. Sông Hương
    Tên con sông rất đẹp chảy ngang thành phố Huế và một số huyện của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Tùy theo giai đoạn lịch sử, sông còn có các tên là Linh Giang, Kim Trà, Hương Trà... Ngoài ra, người xưa còn có những tên địa phương như sông Dinh, sông Yên Lục, sông Lô Dung... Sông Hương đã được đưa vào rất nhiều bài thơ, bài hát về Huế, đồng thời cùng với núi Ngự là hình ảnh tượng trưng cho vùng đất này.

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương