Tìm kiếm "gà thóc"

  • Nữ nhi là phận tam tùng

    Nữ nhi là phận tam tùng
    Tới đây em hỏi góp anh hùng:
    Ai mà đem lửa đốt cung nhà Tần?
    Ai mà ôm khảy đờn thần?
    Ai làm rung chuyển hồng trần một khi?
    Ai mà ngắt ngọn rau vi?
    Ai mà tưởng Phật ngồi thì bồng lai?
    Ai mà sanh đặng tám trai?
    Lại thêm hai gái sắc tài in nhau?
    Ai mà mắt sáng như thau?
    Ai mà bắt gả con đào về Phiên?
    Ai mà hãm hại Vân Tiên?
    Ai mà nhảy xuống huỳnh tuyền uổng oan?
    Phận gái em hỏi tràn lan
    Như nam nhi anh đối đặng
    Thời nữ em nguyền ôm gói theo anh!

  • Một nhánh trảy, năm bảy cành mai

    – Một nhánh trảy, năm bảy cành mai
    Một nhánh mai, trăm hai nhánh thị
    Chữ văn, chữ sĩ, anh đối trọn trăm câu
    Đối rồi, anh hỏi chị em đâu?
    Nếu chị em không có, anh bắt em hầu mười năm
    – Một bụi tre sinh năm, ba bụi trảy
    Một nhánh trảy sinh năm, bảy cây viết son,
    Em có gả chị cho anh thì nhân nghĩa vẫn còn
    Em mà không gả, anh bắt giữ con trọn đời

  • Răng to mắt xếch người lùn

    Răng to mắt xếch người lùn
    Bay quen ác độc lại còn khoe hay
    Ngô tao đang tốt xanh cây
    Bay đem bắt nhổ cấy đay điền vào
    Lúa, bông, lạc của dân tao
    Bay cướp, bay giật, bay nào tha chi
    Đi bộ bay chẳng muốn đi
    Bay bắt phu kéo, bay thì quỵt công
    Vác gươm hống hách đi rong
    Buồn mồm chén phở, bay không trả tiền
    Nhà tao con nối cha truyền
    Bay vào bay ở, bay liền đuổi ra
    Bay vơ mâm, bắt lợn gà
    Bay hiếp con gái bà già xôn xao
    Bay thù gì tổ tiên tao
    Chết rồi bay vẫn còn đào mả lên
    Đình chùa, nghè miếu thiêng liêng
    Tiện đường bay đạp, chả kiêng chỗ nào
    Tội bay ác độc là bao
    Phải đâm, phải chém, phải cào mặt bay!

  • Vè Tà Lơn

    Xứ hiểm địa chim kêu vượn hú
    Dế ngâm sầu nhiều nỗi đa đoan
    Ngó dưới sông thấy cá mập lội nghinh ngang
    Nhìn dưới suối thấy sấu nằm hơn trăm khúc
    Con tới đây là nguồn cao nước đục
    Loài thú cầm nhiều thứ gớm ghê
    Gấu chằn tinh lai vãng dựa bên hè
    Còn gấu ngựa tới lui khít vách
    Ra một đỗi xa ngoài mé rạch
    Thấy beo nằm đếm biết mấy ngàn
    Ngó lên bờ thấy cọp dọc ngang
    Lần tay tính biết bao nhiêu chục
    Bầy chồn cáo đua nhau lúc nhúc
    Lũ heo rừng trừng giỡn bất loạn thiên

  • Anh là thợ mộc Thanh Hoa

    Anh là thợ mộc Thanh Hoa,
    Làm cầu, làm quán, làm nhà khéo thay.
    Lựa cột anh dựng đòn tay,
    Bào trơn, đóng bén nó ngay một bề.
    Bốn cửa anh chạm bốn dê,
    Bốn con dê đực chầu về tổ tông.
    Bốn cửa anh chạm bốn rồng,
    Trên thì rồng ấp, dưới thì rồng leo.
    Bốn cửa anh chạm bốn mèo,
    Con thì bắt chuột, con leo xà nhà.
    Bốn cửa anh chạm bốn gà,
    Đêm thì nó gáy, ngày ra ăn vườn.
    Bốn cửa anh chạm bốn lươn,
    Con thì uốn khúc, con trườn bò ra.
    Bốn cửa anh chạm bốn hoa,
    Trên là hoa sói, dưới là hoa sen.
    Bốn cửa anh chạm bốn đèn,
    Một đèn dệt cửi, một đèn quay tơ.
    Một đèn đọc sách ngâm thơ,
    Một đèn anh để đợi chờ nàng đây.

  • Chim gì kêu suốt mùa hè

    Chim gì kêu suốt mùa hè,
    Nó kêu “nước nước” ven đê, ven đường?
    Chim gì kêu chẳng ai thương,
    Kêu ra người mắng tìm đường bay xa?
    Chim gì kêu giữa tháng ba,
    Giục chùm vải chín là đà bên sông?
    Chim gì nhảy nhót trên đồng,
    Trên lưng trâu đậu mà trông luống cày?
    Chim gì làm tổ trên cây,
    Chim gì sẵn đó đẻ ngay tức thì,
    Đẻ rồi chắp cánh bay đi,
    Ấp nở mặc trứng, con thì không nuôi?
    Chim gì mà lượn trên giời,
    Rình con gà nhỏ làm mồi nó ăn?
    Chim gì bé tị lăn tăn,
    Làm tổ cây ngáinhện chăng ven đường?
    Chim gì đuôi, cánh màu vàng,
    Véo von cho cả xóm làng đều thân?
    Chim gì bay ra ầm ầm?
    Chim gì ăn tối âm thầm đó ai?
    Chim gì hót đủ trăm bài?
    Chim gì mặt nguyệt xòe dài lông đuôi?
    Chim gì chả thấy ai nuôi,
    Chỉ đậu cửa điện, đứng nơi cửa đền?

    Là những loại chim gì?

    Chim cuốc kêu suốt mùa hè,
    Nó kêu “nước, nước” ven đê ven đường.
    Chim quạ kêu chẳng ai thương,
    Kêu ra người mắng, tìm đường bay xa.
    Tu hú kêu vào tháng ba,
    Giục chùm vải chín là đà ven sông.
    Sáo sậu nhảy nhót trên đồng,
    Trên lưng trâu đậu mà trông luống cày.
    Bồ các làm tổ trên cây,
    Tu hú đẻ đó liền ngay tức thì.
    Đẻ rồi chắp cánh bay đi,
    Ấp nở mặc trứng, con thì không nuôi.
    Diều hâu mà lượn trên giời,
    Rình con gà nhỏ làm mồi nó ăn.
    Chim sâu bé tị lăn tăn,
    Làm tổ cây ngái nhện chăng ven đường.
    Hoàng anh đuôi cánh màu vàng,
    Véo von cho cả xóm làng đều thân.
    Én, mòng bay lượn ầm ầm,
    Chim vạc ăn tối âm thầm đó ai.
    Chim khướu hót đủ trăm bài,
    Chim công mặt nguyệt xòe dài lông đuôi.
    Chim hạc chẳng thấy ai nuôi
    Chỉ đậu cửa điện, đứng nơi cửa đền.

     

     

  • Gặp mình ta đố chuyện vui

    Gặp mình ta đố chuyện vui
    Cái chi mà chát, cái chi mà nồng?
    Cái chi mà ở dưới sông?
    Cái chi trên đồng, chi ở rừng xanh?
    Cái chi mà lại tu hành?
    Cái chi mà ở một mình lắm con?
    Cái chi mà lại tròn tròn?
    Cái chi đẹp giòn, chỉ để cầm tay?
    Mình ơi mình giảng ta hay
    Mình mà giảng được, ta nay theo về

  • Trực nhìn đầu non hoa nở

    Trực nhìn đầu non hoa nở
    Cảm thương mụ vợ không con
    Cớ mần răng khô héo hao mòn
    Sợ e thác nhục, xương còn bọc da
    Ra đường thấy vợ người ta
    Mập mịa chắc chắn, vợ nhà khô khan
    Đêm nằm tôi thở, tôi than
    Cầu trời, khấn Phật cho nàng sinh thai
    Bất kỳ con gái, con trai
    Sanh đặng một chút hôm mai thỏa lòng
    Vợ chồng tôi cui cút một mình
    Không con có của, để dành ai ăn?
    Vừa may sinh đặng một thằng

  • Vè Tết

    Hạ lợi bước qua
    Chánh ngày hăm ba
    Lễ đưa ông Táo
    Hai là lễ đáo
    Tảo mộ ông bà
    Cổ tích bày ra
    Truyền cho con cháu
    Từ ngày hăm sáu
    Dĩ chí ba mươi
    Cá thịt tốt tươi
    Ông bà tiếp rước
    Phải dùng cây trước
    Lấy nó làm nêu
    Thiên hạ cũng đều
    Lo chưng đồ đạc

  • Vè giết đốc phủ Ca

    Giáp Thân đã mãn
    Ất Dậu tấn lai
    Chánh ngoạt sơ khai
    Bình yên phước thọ
    Nhựt nguyệt soi tỏ
    Nam chiếu phúc bồn
    Tục danh Hóc Môn
    Xứ Bình Long huyện
    Hà do khởi chuyện?
    Hà sự hàm mai?
    Tích ác bởi ai?
    Giết quan rửa hận

  • Rủ nhau chơi khắp Long Thành

    Rủ nhau chơi khắp Long Thành,
    Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai:
    Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Gai,
    Hàng Buồm, Hàng Thiếc, Hàng Hài, Hàng Khay.
    Mã Vĩ, Hàng Điếu, Hàng Giầy,
    Hàng Lờ, Hàng Cót, Hàng Mây, Hàng Đàn.
    Phố Mới, Phúc Kiến, Hàng Ngang,
    Hàng Mã, Hàng Mắm, Hàng Than, Hàng Đồng.
    Hàng Muối, Hàng Nón, Cầu Đông,
    Hàng Hòm, Hàng Đậu, Hàng Bông, Hàng Bè.
    Hàng Thùng, Hàng Bát, Hàng Tre,
    Hàng Vôi, Hàng Giấy, Hàng The, Hàng Gà.
    Quanh đi đến phố Hàng Da,
    Trải xem hàng phố thật là cũng xinh.
    Phồn hoa thứ nhất Long Thành,
    Phố giăng mắc cửi, đường quanh bàn cờ.
    Người về nhớ cảnh ngẩn ngơ,
    Bút hoa xin chép vần thơ lưu truyền.

  • Cái gì mà thấp, cái gì mà cao?

    Cái gì mà thấp, cái gì mà cao?
    Cái gì sáng tỏ hơn sao trên trời?
    Cái gì em trải anh ngồi?
    Cái gì thơ thẩn ra chơi vườn đào?
    Cái gì mà sắc hơn dao?
    Cái gì phơn phớt lòng đào thì em bảo anh?
    Cái gì trong trắng ngoài xanh?
    Cái gì soi tỏ mặt anh, mặt nàng?
    Cái gì xanh, đỏ, trắng, vàng?
    Cái gì ăn phải dạ càng tương tư?
    Cái gì năm đợi tháng chờ?
    Cái gì em đội phất phơ trên đầu?
    Cái gì sắc hơn dao cau?
    Cái gì tiện chũm cho nhau ăn cùng?
    Một quan là mấy trăm đồng?
    Một mối tơ hồng là mấy trăm dây?
    Một cây là mấy trăm cành?
    Một cành là mấy trăm hoa?
    Em ngồi em giảng cho ra,
    Thì anh kết nghĩa giao hòa cùng em
    – Đất thì thấp, trời thì cao
    Ngọn đèn sáng tỏ hơn sao trên trời
    Chiếu hoa em trải anh ngồi
    Khi buồn thơ thẩn ra chơi vườn đào
    Con mắt em sắc hơn dao
    Trứng gà phơn phớt lòng đào hỡi anh
    Cau non trong trắng ngoài xanh
    Gương tàu soi tỏ mặt anh, mặt nàng
    Chỉ ngũ sắc xanh, đỏ, trắng, tím, vàng
    Bùa yêu ăn phải dạ càng tương tư
    Đôi ta năm đợi, tháng chờ
    Cái khăn em đội phất phơ trên đầu
    Con mắt anh liếc sắc hơn dao cau
    Cau non tiện chũm cho nhau ăn cùng
    Một quan là sáu trăm đồng
    Một mối tơ hồng là sáu trăm dây
    Một cây là sáu trăm cành
    Một cành là sáu trăm hoa
    Thưa anh em đã giải ra
    Mong anh kết nghĩa giao hòa cùng em!

  • Vè đội Cấn

    Năm Đinh Tỵ mười ba tháng bảy
    Nước Nam mình phút dậy can qua
    Thái Nguyên nay có một tòa
    Khố xanh, khố đỏ được ba trăm người
    Cũng chí toan chọc trời khuấy nước
    Ông Đội ra đi trước cầm binh
    Rủ nhau lập tiểu triều đình
    Những là cai đội khố xanh bằng lòng
    Duy phó quản bất tòng quân lệnh
    Hóa cho nên hủy mệnh xót xa
    Sai người mở cửa nhà pha
    Đem tù ra điểm được là bao nhiêu?
    Truyền tù nhân cứ theo quân lệnh
    Chớ thị thường uổng mệnh như chơi
    Rồi ra làm lễ tế trời
    Cờ đề “Phục Quốc” tài bồi Nam bang

  • Vè Cần vương

    Vâng lời troàn ngươn soái
    Mình đeo ấn Tổng nhung
    Lời khuyên rao chư sĩ anh hùng
    Mặt phải trái coi qua thời biết
    Mình là con trong đất Việt
    Chẳng phải người sanh sản cõi Tây phiên
    Mà ham di địch tước quyền
    Lại nỡ khiến tấm lòng vô hậu
    Chớ bắt chước những loài quân dậu
    A dua hùa lưng lớn thờ chồn
    Đừng bày theo những đảng ác côn

  • Vè Lụt Bất Quá

    Thuở vua Tự Đức trị vì
    Thái hoà tự Võ khác gì Đường, Ngu
    Nơi nơi kích nhưỡng khang cù
    Thái Sơn bàn thạch cơ đồ vững an
    Tuy loài hải thủy sơn man
    Cũng mến oai đức thê bằng lai quy
    Cớ sao vận hội bất kỳ
    Năm ba mươi mốt can chi Mậu Dần
    Tai trời khắp xuống chúng dân
    Ba huyện Quảng Ngãi mười phần tả tơi
    Nắng cho năm bảy tháng trời
    Lúa lang bắp đậu cháy phơi cánh đồng
    Tháng ba bị háp đã xong
    Lúa nhồng, bát ngoạt làm đòng cũng khô

  • Vè bần phú

    Thảo một bài bần phú,
    Luận đôi câu nhơn nghĩa tinh vi.
    Kẻ đắc thời đắc lễ đắc nghi
    Người thất thế, thất thi thất nghiệp.

    Cũng có kẻ cực già đời mãn kiếp,
    Cũng có người phong lưu tự bé chí già.
    Việc ấy nghĩ không ra,
    Chẳng biết tại căn hay là tại số?

    Cũng có kẻ ở phường, ở phố,
    Cũng có người sầu giả lâm bô.
    Đã khắp trong cửu quận mười đô,
    Vì hai chữ phú bần lợn lạo.

  • Vè các lái (hát vô)

    Ghe bầu các lái đi buôn
    Đêm khuya ngồi buồn, kể chuyện ngâm nga
    Bắt từ Gia Định kể ra
    Anh em thuận hòa ngoài Huế kể vô
    Trên thời ngói lợp tòa đô
    Dưới sông thủy cát ra vô dập dìu
    Trên thời vua Thuấn, vua Nghiêu
    Ngoài dân, trong triều tòa chính sửa sang
    Trên thời ngói lợp tòa vàng
    Dưới dân buôn bán nghênh ngang chật bờ
    Này đoạn các lái trở vô
    Thuận An là chốn thuyền đô ra vào
    Vát ra một đỗi khơi cao
    Ta sẽ lần vào thì tới Cửa Ông
    Nay đà giáp phủ Thuận Phong
    Hòn Am, Cửa Kiểng nằm trong thay là

  • Vè cậu Hai Miêng

    Đêm thu bóng nguyệt soi mành
    Bâng khuâng dạ ngọc chạnh tình ngâm nga
    Xét trong thế sự người ta
    Tài ba cho mấy cũng là như không
    Cho hay thiên địa chí công
    Dữ lành báo ứng vô cùng màu linh
    Gương xưa trông thấy đành rành
    Người nay xem đó giữ mình cho yên
    Nam Kỳ có cậu Hai Miêng
    Con quan lớn Tấn ở miền Gò Công
    Cậu Hai là bực anh hùng
    Ăn chơi đúng bực vô cùng liệt oanh
    Nam Kỳ lục tỉnh nổi danh
    Thật là một bực hùng anh trên đời

Chú thích

  1. Tam tòng
    Những quy định mang tính nghĩa vụ đối với người phụ nữ phương Đông trong xã hội phong kiến ngày trước, xuất phát từ các quan niệm của Nho giáo. Tam tòng bao gồm:

    Tại gia tòng phụ:  khi còn nhỏ ở với gia đình phải theo cha,
    Xuất giá tòng phu: khi lập gia đình rồi phải theo chồng,
    Phu tử tòng tử: khi chồng qua đời phải theo con.

  2. Tần
    Tên triều đại kế tục nhà Chu và được thay thế bởi nhà Hán, kéo dài từ năm 221 đến 206 trước Công nguyên trong lịch sử Trung Quốc. Nhà Tần, đứng đầu là Tần Thủy Hoàng Đế, có công rất lớn trong việc thống nhất Trung Quốc, đặt nền móng cho nhiều mặt văn hóa - lịch sử của Trung Quốc, nhưng cũng gây bất bình mạnh mẽ trong nhân dân vì cách cai trị hà khắc. Vì vậy, chỉ 4 năm sau khi Tần Thủy Hoàng chết, nhà Tần đã bị các cuộc khởi nghĩa nông dân làm suy yếu, và cuối cùng mất vào tay Hạng Vũ, kéo theo đó là cuộc Hán Sở tranh hùng kéo dài 5 năm với kết quả là sự thành lập nhà Hán của Hán Cao Tổ Lưu Bang.

    Tần Thủy Hoàng, người sáng lập nhà Tần

    Tần Thủy Hoàng, người sáng lập nhà Tần

  3. Hồng trần
    Bụi hồng (từ cũ, văn chương). Tự điển Thiều Chửu giảng: Sắc hồng là mầu đỏ tươi hơn các sắc đỏ khác, cho nên gọi các kẻ được yêu dấu vẻ vang là hồng. Chốn bụi hồng là chỉ các nơi đô hội.

    Đùng đùng gió giật mây vần
    Một xe trong cõi hồng trần như bay

    (Truyện Kiều)

  4. Núi Bồng Lai
    Một vùng cảnh đẹp thần tiên trong thần thoại Trung Quốc. Truyền thuyết này du nhập vào Nhật Bản và trở thành truyền thuyết về Hōrai. Theo đó, có thuyết cho rằng núi Bồng Lai chính là núi Phú Sĩ. Bồng Lai cũng là tên một thị xã ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, nhưng chưa có chứng cứ xác thực liệu đây có phải là nơi mà thần thoại miêu tả hay không. Cụm từ "bồng lai tiên cảnh" nay được dùng phổ biến để chỉ những nơi cảnh đẹp như chốn thần tiên.

    Bức họa vẽ cảnh "Bồng Lai tam đảo".

    Bức họa vẽ cảnh "Bồng Lai tam đảo"

  5. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  6. Con đào
    Cách người Nam Bộ trước đây gọi người con gái.
  7. Thổ Phồn
    Cũng gọi là Thổ Phiên, Thổ Phiền hoặc Phiên, tên mà người Trung Quốc từ thời nhà Đường dùng để gọi một vương quốc thống trị vùng Tây Tạng từ khoảng thế kỷ thứ 6 đến thế kỷ thứ 9.
  8. Lục Vân Tiên
    Tên nhân vật chính, đồng thời là tên tác phẩm truyện thơ Nôm nổi tiếng của Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), được sáng tác theo thể lục bát vào đầu những năm 50 của thế kỷ 19, đề cao đạo lý làm người. Lục Vân Tiên là một chàng trai khôi ngô tuấn tú, tài kiêm văn võ, cùng với Kiều Nguyệt Nga, một người con gái chung thủy, đức hạnh trải qua nhiều sóng gió nhưng cuối cùng cũng đạt được hạnh phúc.

    Đối với người dân Nam Bộ, truyện Lục Vân Tiên có sức ảnh hưởng rất lớn, được xem là hơn cả Truyện Kiều của Nguyễn Du.

  9. Suối vàng
    Cõi chết. Từ này bắt nguồn từ chữ hoàng tuyền, cũng đọc là huỳnh tuyền. Hoàng tuyền vốn có nghĩa là suối ngầm, mạch nước ngầm ở dưới đất, vì đất màu vàng nên có tên như vậy.

    Gọi là gặp gỡ giữa đường
    Họa là người dưới suối vàng biết cho

    (Truyện Kiều)

  10. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  11. Trảy
    Loại cây thuộc họ tre trúc, thân thẳng, không có gai.
  12. Mai
    Còn gọi là mơ, một loại cây thân nhỏ, nhiều cành, rất phổ biến các nước Đông Á, nhất là Trung Quốc và Nhật Bản. Cây ra hoa vào cuối mùa đông, đầu mùa xuân. Hoa mai nhỏ, mỗi hoa có năm cánh, thường hoa có màu trắng, mặc dù một số giống mai có thể cho hoa màu hồng hay đỏ sẫm. Trong văn học cổ, mai thường được dùng như một hình ảnh ước lệ, đại diện cho người phụ nữ. Lưu ý, cây mai này không phải là loại mai vàng của miền Nam nước ta.

    Hoa mai

    Hoa mai

  13. Thị
    Loài cây thân gỗ, sống lâu năm, cho quả màu vàng, rất thơm, ăn được.

    Trước giờ ra về, bao giờ nó cũng bóc thị ra và hai đứa tôi cùng ăn. Ăn xong, chúng tôi không quên dán những mảnh vỏ thị lên bàn rồi ngoẹo cổ nhìn. Những mảnh vỏ thị được bóc khéo khi dán lên bàn hoặc lên tường trông giống hệt một bông hoa, có khi là hoa quì, có khi là hoa cúc đại đóa, có khi là một loài hoa không tên nào đó màu vàng.
    (Mắt biếc - Nguyễn Nhật Ánh)

    Quả thị trên cây

    Quả thị

  14. Nghĩa nhân
    Cũng viết nhân nghĩa, nghĩa là "lòng yêu thương người (nhân) và biết làm điều phải (nghĩa)." Hiểu rộng là đạo nghĩa sống ở đời.
  15. Đay
    Một loại cây thuộc họ bông gòn, chiều cao từ 2 - 5 m, vỏ cây dùng để làm sợi. Trong Chiến tranh Đông Dương, Pháp và Nhật đã bắt dân ta "nhổ lúa trồng đay" nhằm phục vụ chiến tranh (sản xuất quân trang, quân phục), làm sản lượng lương thực bị giảm mạnh, góp phần gây nên nạn đói năm Ất Dậu ở miền Bắc.

    Cây đay

    Cây đay

  16. Bông vải
    Một loại cây thấp, được trồng từ rất sớm. Hoa bông mới trổ có màu trắng sữa, sau chuyển thành màu trắng phấn. Tiếp đó xuất hiện múi bông, sau 6 đến 9 tuần thì múi bông chín muồi chuyển sang màu nâu, khi nở lộ ra chất sợi mềm màu trắng. Sợi này là lông dài, mọc trên vỏ của hạt bông. Người ta thu hoạch bông để kéo sợi, dệt thành vải.

    Bông vải

    Hoa bông vải

  17. Xe kéo
    Cũng gọi là xe tay, một loại xe hai bánh do một người kéo, thường dùng để chở khách. Xe kéo xuất hiện ở nước ta vào khoảng cuối thế kỉ 19, do người Pháp đem qua, và đã trở thành biểu tượng cho sự phân biệt giai cấp, người bóc lột người trong xã hội Pháp thuộc. Sau 1945, xe kéo bị cấm sử dụng ở Việt Nam.

    Xe kéo

    Xe kéo

    Hàng xóm khóc bằng câu đối đỏ
    Ông chồng thương đến cái xe tay

    (Mồng hai Tết viếng cô Ký - Tú Xương)

  18. Nghè
    Một hình thức của đền miếu. Nghè có thể là nơi thờ thành hoàng ở làng nhỏ được tách ra từ làng gốc, cũng có thể là một ngôi đền nhỏ ở một thôn nhằm thuận tiện cho dân sở tại trong sinh hoạt tâm linh khi ngôi đền chính của làng xã khó đáp ứng nhu cầu thờ cúng thường nhật.

    Nghè La ở thôn Nam Thành, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, TP. Bắc Giang

    Nghè La ở thôn Nam Thành, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, TP. Bắc Giang

  19. Miếu
    Trung và Nam Bộ cũng gọi là miễu, một dạng công trình có ý nghĩa tâm linh, tín ngưỡng trong văn hóa nước ta. Nhà nghiên cứu Toan Ánh trong Tín ngưỡng Việt Nam, quyển thượng, cho rằng: Miếu cũng như đền, là nơi quỷ thần an ngự. Miếu nhỏ hơn đền, thường xây theo kiểu hình chữ nhật với hai phần cách nhau bởi một bức rèm, nội điện bên trong và nhà tiền tế bên ngoài… Miếu thường được xây trên gò cao, nơi sườn núi, bờ sông hoặc đầu làng, cuối làng, những nơi yên tĩnh để quỷ thần có thể an vị, không bị mọi sự ồn ào của đời sống dân chúng làm nhộn. Trong miếu cũng có tượng thần hoặc bài vị thần linh, đặt trên ngai, ngai đặt trên bệ với thần sắc hoặc bản sao…

    Miếu Nhị Phủ ở Sài Gòn

    Miếu Nhị Phủ ở Sài Gòn

  20. Trong Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai, chính phủ Pháp, vì đã đầu hàng Đức Quốc Xã, phải đồng ý cho quân đội Nhật Bản đổ bộ vào Đông Dương. Trong thời kì cai trị ở nước ta (1940 - 1945), các chính sách cai trị của quân đội Nhật đã khiến đời sống người dân thêm cơ cực, và đặc biệt góp phần gây nên nạn đói khủng khiếp từ tháng 10 năm 1944 đến tháng 5 năm 1945 (nạn đói năm Ất Dậu), làm từ nửa triệu đến hai triệu người chết đói. Bài ca dao này có lẽ ra đời vào khoảng thời gian này.
  21. Phượng hoàng
    Một loài chim trong thần thoại Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng. Trước đây, con trống được gọi là Phượng (hay phụng) còn con mái được gọi là Hoàng, nhưng ngày nay thì sự phân biệt đực, cái đã gần như không còn, và phượng hoàng được xem là giống cái, trong khi rồng được xem là giống đực. Phượng hoàng là vua của các loài chim, tượng trưng cho sự thanh cao.

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

  22. Hạc
    Loại chim cổ cao, chân và mỏ dài. Trong Phật giáo và văn chương cổ, hạc tượng trưng cho tuổi thọ hoặc tính thanh cao của người quân tử. Trước cửa các điện thờ thường có đôi hạc đá chầu.

    Đỉnh Hoa biểu từ khơi bóng hạc
    Gót Nam Du nhẹ bước tang bồng

    (Nhị thập tứ hiếu)

    Tranh vẽ hạc

    Tranh vẽ hạc

  23. Công
    Một loài chim thuộc họ Trĩ, có tên Hán Việt là khổng tước. Chim trống bộ lông có màu lục óng ánh, đuôi rất dài, có màu lục ánh đồng, mỗi lông ở mút có sao màu lục xanh, đỏ đồng, vàng, nâu. Mào dài, hẹp thẳng đứng, phần mặt của nó có màu vàng và xanh, khi nó múa đuôi xòe ra hình nan quạt để thu hút chim mái. Công mái không có đuôi dài và đẹp như công trống.

    Chim công

    Chim công

  24. Có bản chép: Bên trái thì công (cùng một nghĩa).
  25. Sếu
    Loài chim lớn, có cổ và chân dài. Sếu sống theo đàn, và cứ mỗi mùa đông thì cả đàn bay về phương Nam tránh rét.

    Đàn sếu

    Đàn sếu

  26. Có bản chép: Bên phải thì sếu (cùng một nghĩa).
  27. Giang
    Một loài chim khá lớn, chân dài, cổ cao, thường bay theo bầy. Lông chim có màu ghi ở cánh và lưng, trắng nhạt ở phía bụng. Chim thường kiếm ăn ở sông, hoặc ở những cánh đồng mới gặt xong.

    Chim giang sen

    Chim giang sen

  28. Bồ nông
    Một loài chim săn cá, có chiếc mỏ dài và túi cổ họng lớn đặc trưng để bắt con mồi.

    Bồ nông

    Bồ nông

  29. Hiểm địa
    Vùng đất hiểm trở, đi lại khó khăn (từ Hán Việt).
  30. Đa đoan
    Lắm mối, lắm chuyện lôi thôi, rắc rối.

    Cơ trời dâu bể đa đoan,
    Một nhà để chị riêng oan một mình

    (Truyện Kiều)

  31. Nghinh ngang
    Nghênh ngang.
  32. Cá sấu
    Một loài bò sát ăn thịt, thường sống ở môi trường nước như đầm lầy, sông suối, có bộ hàm rất khỏe. Chữ sấu trong cá sấu bắt nguồn từ phiên âm tiếng Trung 兽 (shou) có nghĩa là "thú." Người Trung Quốc xưa gọi như vậy vì nó vừa sống dưới nước như cá vừa có nanh vuốt giống thú.

    Cá sấu

    Cá sấu

  33. Gấu ngựa
    Một loài gấu lớn có tai lớn, toàn thân lông đen, dài, thô, có yếm hình chữ V ở ngực màu kem hoặc trắng mờ, leo trèo giỏi, kiếm ăn chủ yếu vào ban đêm. Gấu ngựa ăn tạp, từ quả chín, mầm cây, mật ong tới các loài cá và chim thú nhỏ. Hiện gấu ngựa được xếp vào một trong số các động vật đang bị đe dọa.

    Gấu ngựa

    Gấu ngựa

  34. Rạch
    Sông nhỏ chảy ra sông lớn.
  35. Báo đen
    Còn gọi là beo, là một dạng biến dị di truyền xảy ra đối với một vài loài mèo lớn, có màu đen do mang đột biến gen liên quan đến quá trình chuyển hóa melanin. Biến dị này có thể đem lại một vài ưu thế chọn lọc giúp báo đen dễ sinh sống trong những khu vực có mật độ rừng dày dặc, mức chiếu sáng rất thấp. Báo đen không được xem là một loài riêng vì không có sự cách ly giao phối với các nhóm khác. Biến dị này phổ biến ở báo đốm Mỹ và báo hoa mai. Ở nước ta ghi nhận có 3 loại báo là báo hoa mai, báo gấm, và báo lửa.
  36. Hổ
    Còn gọi là cọp, hùm, dân gian còn gọi là ông ba mươi hay chúa sơn lâm, một loài động vật có vú, ăn thịt sống, có tuổi thọ khoảng 20 năm. Phần lớn các loài hổ sống trong rừng và đồng cỏ, kém leo trèo nhưng đa số bơi lội giỏi, hay đi săn đơn lẻ. Thức ăn của chúng chủ yếu là các động vật ăn cỏ cỡ trung bình như hươu, nai, lợn rừng, trâu, v.v., ngoài ra chúng cũng săn bắt và ăn thịt các loại mồi to hay nhỏ hơn nếu cần. Một con hổ trung bình có thể ăn tới 27 kg một ngày và có thể nhịn ăn khoảng 2 hoặc 3 ngày.

    Loài hổ thường thấy ở Việt Nam là hổ Đông Dương. Tuy nhiên, ở nước ta, gần 3/4 lượng hổ đã bị giết. Năm 2010, số lượng hổ ở Việt Nam chỉ còn vỏn vẹn 30 con. Hổ thường bị săn bắt để lấy da, xương, hay các bộ phận khác. Nạn săn bắt, buôn bán hổ khiến số lượng loài động vật quý hiếm này giảm 95% so với đầu thế kỷ 20. Ngày nay trên thế giới chỉ còn khoảng 5.000 - 7.000 cá thể hổ hoang dã, trong đó có khoảng 200 ở Việt Nam và 1.500 ở Ấn Độ. Loài hổ đã được đưa vào danh sách các loài đang gặp nguy hiểm.

    Hổ Đông Dương

    Hổ Đông Dương

  37. Chồn
    Một họ động vật có vú thuộc bộ Ăn thịt, có loài sống trên cạn, có loài sống dưới nước (như rái cá). Xem thêm về các loài chồn có tại Việt Nam ở đây.

    Chồn vàng ở Việt Nam

    Chồn vàng ở Việt Nam

  38. Cáo
    Loài thú ăn thịt thuộc họ chó, cỡ trung bình, ăn các loài lợn rừng nhỏ, nai, hoẵng và các loài chim thú khác. Cáo thường sống thành đàn lớn, có thể lớn tới 15 - 20 con, ở các kiểu rừng khác nhau, từ rừng già, rừng tái sinh, đến rừng hỗn giao tre nứa. Đây là loài rất hiếm, hiện đang suy giảm, có nguy cơ tuyệt chủng. Ở nước ta, chúng thường phân bố ở các tỉnh phía Bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn.

    Cáo

    Cáo

  39. Lợn rừng
    Cũng gọi là lợn lòi, loài lợn được xem là thủy tổ của lợn nhà. Lợn rừng nặng 40-200 kg, lông thô cứng màu đen xám, thường có răng nanh to dài chìa ra ngoài mõm, sống thành đàn 5-20 con trong rừng hoặc ven các nương rẫy, kiếm ăn đêm , ngày nghỉ trong các bụi rậm, thích đằm mình trong vũng nước. Lợn rừng ăn tạp gồm các loại củ, quả giàu tinh bột, các loại quả cây rừng, măng tre nứa, chuối và nhiều động vật nhỏ như nhái, ngoé, giun đất, ong...

    Tại nước ta, lợn rừng có mặt khắp các tỉnh miền núi và trung du.

    Lợn rừng

    Lợn rừng

  40. Bất loạn thiên
    Cũng nói là bắt loạn thiên hoặc nói tắt là bắt loạn, cách nói mô tả mức độ rất nhiều của người Nam Bộ.
  41. Có bản chép: Anh làm thợ mộc Thanh Hoa.
  42. Thanh Hoa
    Tên cũ của tỉnh Thanh Hóa, bao gồm toàn bộ tỉnh Thanh Hóa ngày nay và một phần của tỉnh Ninh Bình.
  43. Lươn
    Loài cá nước ngọt, thân hình trụ, dài khoảng 24-40 cm, đuôi vót nhọn, thoạt nhìn có hình dạng như rắn. Lươn không có vảy, da trơn có nhớt, màu nâu vàng, sống chui rúc trong bùn ở đáy ao, đầm lầy, kênh mương, hay ruộng lúa. Lươn kiếm ăn ban đêm, thức ăn của chúng là các loài cá, giun và giáp xác nhỏ.

    Ở nước ta, lươn là một loại thủy sản phổ biến, món ăn từ lươn thường được coi là đặc sản. Lươn được chế biến thành nhiều món ngon như: cháo lươn, miến lươn, lươn xào...

    Con lươn

    Con lươn

  44. Hoa sói
    Còn gọi là hoa hòe hay hoa trân châu, một loại cây cho hoa màu trắng đục, rất thơm, thường được dùng để ướp trà. Bốn loài hoa được dùng ướp trà hương là hoa sen (có nhiều ở vùng Đồng Tháp Mười), hoa lài (vùng Phú Thọ Hòa, Gò Vấp), hoa ngâu (Bình Định) và hoa sói (Bảo Lộc, Lâm Đồng).

    Hoa sói

    Hoa sói

  45. Khung cửi
    Dụng cụ dệt vải truyền thống của nhiều dân tộc Việt Nam. Khung cửi có hình hộp chữ nhật có 4 cột trụ và các thanh nối ngang dọc tạo cho khung cửi có tính chất vững chắc. Khung cửi có nhiều bộ phận:

    1. Khung: làm bằng gỗ với 4 cột trụ to, chắc, có các thanh dọc, ngang nối với nhau.
    2. Trục: một thanh gỗ tròn ngang để cuốn vải, kéo cho mặt vải dệt có độ phẳng để dệt vải mịn.
    3. Phưm: giống như chiếc lược được làm hình chữ nhật, bên trong đan bằng nan tre vót nhỏ, đều nhau. Phưm có tác dụng chia đều các sợi vải dọc và dập chặt các sợi vải ngang để cho mặt vải mịn đều.
    4. Go: Bộ go gồm hai lá, mỗi lá go được làm bằng hai thanh tre nhỏ dài chừng 7 tấc. Go là bộ phận chính trong khung cửi.
    5. Bàn đạp: Hai thanh gỗ để đạp chân lên, buộc 2 sợi dây đính với go để điều chỉnh sợi lên xuống để đưa thoi vào dệt sợi ngang.
    6. Thanh ngáng sợi: Một thanh gỗ to bề ngang khoảng 10cm, để ngang giữa 2 làn sợi dọc cho cao lên để đưa thoi qua dễ dàng.

    Dệt bằng khung cửi

    Dệt bằng khung cửi

  46. Đê
    Một lũy đất nhân tạo hay tự nhiên kéo dài dọc theo các bờ sông hoặc bờ biển để ngăn lũ lụt.

    Đường đê

    Đường đê

  47. Vải
    Tên Hán Việt là lệ chi, một loại cây ăn quả thân gỗ vùng nhiệt đới. Quả có lớp vỏ màu đỏ, sần sùi dễ bóc, bên trong là lớp cùi thịt màu trắng mờ, ăn rất ngọt. Quả được thu hoạch vào mùa hè.

    Vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang)

    Vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang)

  48. Giời
    Trời (phương ngữ Bắc và Bắc Trung Bộ).
  49. Ngái
    Một loại cây thuộc họ dâu tằm, có tên khác là sung ngái, dã vô hoa. Theo kinh nghiệm dân gian, tất cả các bộ phận của cây ngái đều có tác dụng chữa bệnh.

    Cây ngái

    Cây ngái

  50. Mặt nguyệt
    Một loại họa tiết cổ gồm một hình dĩa tròn tựa trên mấy cụm mây, thường xuất hiện trên mái đình, chùa. Họa tiết này thường kèm theo hình hai con rồng.

    Mặt nguyệt ở giữa hai con rồng trong họa tiết "rồng chầu mặt nguyệt"

    Mặt nguyệt ở giữa hai con rồng trong họa tiết "rồng chầu mặt nguyệt"

  51. Cuốc
    Còn gọi là chim quốc, con nghịt, một loại chim nhỏ thường gặp ngoài đồng ruộng, có tiếng kêu "cuốc, cuốc." Tương truyền chim cuốc (cũng gọi là chim đỗ quyên, xin xem chi tiết ở chú thích Đỗ quyên) là do vua Thục Đế mất nước khóc đến chảy máu mắt, chết đi hóa thành.

    Chim cuốc

    Chim cuốc

  52. Liên tưởng từ mô phỏng tiếng kêu "cuốc, cuốc" của loài chim này, đồng âm với "quốc, quốc" (Tiếng Hán Việt nghĩa là "nước").
  53. Quạ
    Còn gọi là ác, loài chim có bộ lông màu đen đặc trưng, ăn tạp. Theo mê tín dân gian, quạ có thể đem lại điềm xui xẻo.

    Con quạ

    Con quạ

  54. Tu hú
    Một loài chim có kích cỡ khá lớn, ăn quả và côn trùng, có tiếng kêu to dễ phân biệt. Chúng là chim đẻ nhờ, đẻ trứng của mình vào tổ của các loài chim khác, đặc biệt vào tổ của các loài chim dạng sẻ.

    Chim tu hú

    Chim tu hú

  55. Sáo sậu
    Còn được gọi là cà cưỡng, một chi chim thuộc họ Sáo, vì vậy mang các đặc tính họ này như: thích sống vùng nông thôn rộng thoáng, chủ yếu ăn sâu bọ và quả, hay làm tổ trong các hốc, lỗ và đẻ các trứng màu xanh lam hay trắng. Họ Sáo, đặc biệt là sáo sậu, có khả năng bắt chước âm thanh từ môi trường xung quanh, kể cả tiếng còi ô tô hay giọng nói con người. Các loài trong chi này có thân nhỏ, lông thường màu đen hoặc đen xám, tím biếc hoặc xanh biếc, mỏ và chân màu vàng. Ở nước ta, loại chim này được nuôi phổ biến để dạy cho nói tiếng người.

    Sáo sậu

    Sáo sậu

  56. Ác là
    Còn có tên là bồ các, một loại chim lớn (có thể dài từ 40-50 cm) có đầu, cổ và ngực màu đen bóng, bụng và vai màu trắng. Ác là loài ăn tạp, chúng có thể ăn từ chim non tới trứng, thú, sâu bọ nhỏ, hạt ngũ cốc và nhiều thứ khác. Có lẽ vì vậy trong ca dao dân ca, ác là thường tượng trưng cho điều xấu hoặc những kẻ độc ác. Tuy nhiên trong văn hóa Trung Quốc, ác là lại có tên là hỉ thước, tượng trưng cho điềm lành.

    Bồ các (ác là)

    Ác là

  57. Diều hâu
    Loài chim dữ, mỏ quặp, có thị lực rất sắc bén, hay bắt gà, chuột, rắn.

    Một loại diều hâu

    Một loại diều hâu

  58. Chim sâu
    Tên chung của một số loài chim nhỏ như chim sẻ, thường ăn mật hoa, quả mọng, nhện và sâu bọ.

    Chim sâu bình nguyên

    Chim sâu bình nguyên

  59. Hoàng anh
    Còn gọi là chim vàng anh hay hoàng oanh, là loài chim di cư nhỏ, ăn côn trùng và quả cây. Hoàng anh trống nổi bật với bộ lông vàng và đen, hoàng anh mái có bộ lông vàng ánh xanh lục.

    Chim Hoàng Anh (Chim Vàng Anh)

    Chim Hoàng Anh

  60. Én
    Loài chim nhỏ, cánh dài nhọn, đuôi chẻ đôi, mỏ ngắn, thường bay thành đàn.

    Chim én

    Chim én

  61. Hải âu
    Còn gọi là chim mòng hay mòng biển. Là loài chim có kích thước từ trung bình tới lớn, thường có màu xám hay trắng, với các đốm đen trên đầu hay cánh, mỏ dài khỏe, chân có màng bơi. Người đi biển có thể xem chim hải âu bay để dự đoán thời tiết.

    Chim mòng (hải âu)

    Chim hải âu

  62. Vạc
    Một loại chim có chân cao, cùng họ với diệc, , thường đi ăn đêm, tiếng kêu rất to.

    Vạc

    Vạc

  63. Khướu
    Loại chim nhỏ, lông dày xốp, thường có màu xỉn, cánh tròn, chân khỏe và cao, thích nghi với việc di chuyển trên mặt đất và các cành cây. Chim khướu có nhiều loài khác nhau, có tiếng hót hay và vang xa nên thường được nuôi làm cảnh.

    Chim khướu

    Chim khướu

  64. Chim hạc nói đây là chim hạc bằng gỗ sơn hoặc bằng đồng

    Hạc gỗ trang trí nơi thờ phượng

    Hạc gỗ trang trí nơi thờ phượng

  65. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  66. Giòn
    Xinh đẹp, dễ coi (từ cổ).
  67. Cớ mần răng
    Cớ làm sao (phương ngữ Trung Bộ).
  68. Hạ lợi
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Hạ lợi, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  69. Ông Táo
    Còn gọi là Táo quân hoặc vua bếp, tên vị thần cai quản việc bếp núc trong mỗi nhà (táo 灶 có nghĩa là bếp). Theo tín ngưỡng Việt Nam, hàng năm, đúng vào ngày 23 tháng Chạp, Táo quân cưỡi cá chép lên chầu Ngọc Hoàng, báo cáo những chuyện đã xảy ra trong năm cũ. Táo quân thực ra gồm hai ông và một bà, được gọi chung như vậy theo thuyết "Tam vị nhất thể."

    Táo quân (tranh dân gian)

    Táo quân (tranh dân gian)

  70. Lễ đáo
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Lễ đáo, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  71. Tảo mộ
    Quét mồ. Theo tục cổ, đến tiết Thanh minh con cháu đi viếng và sửa sang lại phần mộ của cha mẹ tổ tiên. Ở Trung và Nam Bộ, lễ này được gọi là dẫy mả, và được tổ chức vào tháng chạp hằng năm.

    Thanh minh trong tiết tháng ba
    Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh

    (Truyện Kiều - Nguyễn Du)

  72. Dĩ chí
    Cho đến (từ Hán Việt).
  73. Cây trước
    Cây trúc (cách phát âm của người Nam Bộ).
  74. Nêu
    Cây tre cao đem trồng trước sân nhà mỗi dịp tết Nguyên Đán, trên ngọn có đeo một vòng tròn nhỏ và treo nhiều vật dụng có tính chất biểu tượng tùy theo địa phương, phong tục, dân tộc. Đọc thêm về sự tích cây nêu.

    Cây nêu

    Cây nêu

  75. Thiên hạ
    Toàn bộ mọi vật, mọi người. Đây là một khái niệm có gốc từ Trung Quốc (thiên 天 (trời) hạ 下 (ở dưới), nghĩa đen là "dưới gầm trời").

    "Nào ta biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ." (Chữ người tử tù - Nguyễn Tuân)

  76. Mãn
    Trọn, đầy đủ, hết (từ Hán Việt).
  77. Tấn lai
    Bước đến.
  78. Chánh ngoạt
    Cách đọc trại của chính nguyệt (tháng đầu năm âm lịch, tháng Giêng).
  79. Nhật nguyệt
    Mặt trời (nhật) và mặt trăng (nguyệt), ở miền Nam cũng được phát âm thành nhựt nguyệt. Cùng là biểu tượng của sự trường tồn vĩnh cửu, hình ảnh nhật nguyệt thường được đem ra để thề thốt.

    Mai sau dầu đến thế nào,
    Kìa gương nhật nguyệt nọ dao quỷ thần

    (Truyện Kiều)

  80. Nam chiếu phúc bồn
    Chậu úp khó mà soi thấu.
  81. Hóc Môn
    Một địa danh nay là huyện ngoại thành của thành phố Hồ Chí Minh. Từ năm 1698 đến năm 1731, một số lưu dân từ miền Bắc, miền Trung do không cam chịu sự thống trị hà khắc của triều Trịnh-Nguyễn nên đã đến vùng đất này để sinh cơ, lập nghiệp. Họ lập ra những thôn ấp và nông trại, lúc đầu có sáu thôn, dần dần phát triển thành mười tám thôn, nổi tiếng với nghề trồng trầu. Đến đầu thế kỷ 19, một số thôn của Hóc Môn vẫn còn những nét hoang dã, có cọp dữ nổi tiếng như “cọp vườn trầu” và có nhiều đầm môn nước mọc um tùm, nên thành địa danh Hóc Môn.
  82. Bình Long
    Tên của huyện Hóc Môn dưới thời nhà Nguyễn.
  83. Hà do
    Tại sao.
  84. Hàm mai
    Cái thẻ khớp miệng ngựa cho nó không hí lên được. Ý nói sự chèn ép, bụm miệng dân chúng của thực dân.
  85. Long Thành
    Thành Thăng Long, tên cũ của Hà Nội trước năm 1831.
  86. Ba mươi sáu phố
    Một cách gọi của đô thị cổ Hà Nội, khu vực dân cư nằm về phía đông của hoàng thành Thăng Long, nơi tập trung nhiều hoạt động buôn bán. Khu vực này rộng hơn khu phố cổ Hà Nội ngày nay.

    "Ba mươi sáu" là một con số mang tính ước lệ, số phố thực tế nhiều hơn con số này, và thay đổi theo thời kì.

  87. Hàng Bồ
    Một con phố của Hà Nội xưa, nay là đoạn phố Hàng Bồ từ ngã tư Hàng Thiếc - Thuốc Bắc đến ngã tư Hàng Cân - Lương Văn Can, thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phố Hàng Bồ xưa là nơi tập trung các cửa hàng bán đồ tre nứa như bồ, sọt, thúng, mủng.

    Một cửa hàng trên phố Hàng Bồ cũ

    Một cửa hàng trên phố Hàng Bồ cũ

  88. Hàng Bạc
    Một con phố của Hà Nội xưa, nay vẫn mang tên là phố Hàng Bạc, thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Thời Lê, trường đúc bạc của triều đình đặt ở đây, đến thời Nguyễn mới dời vào Huế. Phố Hàng Bạc xưa là nơi tập trung nhiều cửa hiệu làm đồ kim hoàn, đúc vàng bạc và đổi tiền.

    Phố Hàng Bạc, tranh của Bùi Xuân Phái.

    Phố Hàng Bạc, tranh của Bùi Xuân Phái.

  89. Hàng Gai
    Một con phố của Hà Nội xưa, nay vẫn mang tên là phố Hàng Gai, thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phố Hàng Gai thời Lê có nhiều cửa hàng bán các loại dây gai, dây đay, võng, thừng, nên dân gian còn gọi là phố Hàng Thừng. Sang thời Nguyễn, các sản phẩm này mai một dần, phố Hàng Gai trở thành khu in ấn và bán sách.

    Phố Hàng Gai thời Pháp thuộc

    Phố Hàng Gai thời Pháp thuộc

  90. Hàng Buồm
    Một con phố của Hà Nội xưa, nay vẫn mang tên là phố Hàng Buồm, thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phố Hàng Buồm xưa chuyên bán các loại buồm may bằng vải hoặc đan bằng cói cho thuyền bè, các loại vỉ buồm, chiếu buồm, cùng bị, giỏ, chiếu, mành, và các sản phẩm làm từ cói khác.

    Phố Hàng Buồm dưới thời Pháp thuộc

    Phố Hàng Buồm dưới thời Pháp thuộc

  91. Hàng Thiếc
    Một phố nghề có từ lâu đời của Hà Nội xưa, nay vẫn mang tên là phố Hàng Thiếc, thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ban đầu phố Hàng Thiếc chuyên làm các sản phẩm như đèn, lư hương, khay, ấm... bằng thiếc, về sau phát triển thêm các mặt hàng gia dụng bằng sắt tây. Ngày nay nghề làm đồ sắt vẫn phát triển mạnh ở đây, giúp Hàng Thiếc trở thành một trong số ít các phố nghề ở Hà Nội vẫn còn giữ được nghề truyền thống.
  92. Hàng Hài
    Một phố của Hà Nội xưa, tương ứng với đoạn đầu của phố Hàng Bông từ Hàng Hòm đến Hàng Mành, thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phố Hàng Hài xưa có nhiều hàng làm hài, giầy, guốc.
  93. Có bản chép "Hàng Bài," cũng là một con phố của Hà Nội xưa, nay là phố Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phố Hàng Bài xưa có nhiều hàng bán những cỗ bài lá (tam cúc, tổ tôm).
  94. Hàng Khay
    Còn gọi là phố Thợ Khảm, một phố của Hà Nội xưa, chạy dọc theo bờ nam hồ Hoàn Kiếm, tương ứng với phố Hàng Khay và đoạn cuối phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội hiện nay. Mặt hàng chính của phố Hàng Khay xưa là các sản phẩm gỗ khảm xà cừ như khay, mâm, sập, gụ, tủ, bàn.
  95. Mã Vĩ
    Một phố của Hà Nội xưa, nay là đoạn phố Hàng Nón ngắn từ ngã ba Hàng Thiếc đến ngã ba Hàng Hòm. Phố Mã Vĩ xưa có nhiều cửa hàng chuyên bán các loại trang phục sân khấu như mũ mão, mũ cánh chuồn, râu tóc, chủ yếu làm từ lông đuôi ngựa, nên có tên là phố Mã Vĩ (đuôi ngựa).
  96. Hàng Điếu
    Một phố của Hà Nội xưa, nay vẫn mang tên là phố Hàng Điếu, thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Mặt hàng chính của phố Hàng Điếu xưa là các dụng cụ để hút thuốc, như ống điếu, điếu bát, điếu cày, nghề này mai một vào đầu thế kỉ hai mươi.

    Phố Hàng Điếu ngày trước

    Phố Hàng Điếu ngày trước

  97. Hàng Giầy
    Một phố của Hà Nội xưa, nay vẫn mang tên là phố Hàng Giầy, thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phố Hàng Giầy xưa là nơi tập trung những người thợ đóng giầy dép gốc làng Chắm, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương lên Thăng Long làm ăn.
  98. Hàng Lờ
    Một phố của Hà Nội xưa, ngay là đoạn cuối của phố Hàng Bông, từ ngõ Hội Vũ đến Cửa Nam, thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phố Hàng Lờ xưa chuyên bán các dụng cụ bắt cá đan bằng tre như đó, đơm, lờ.
  99. Hàng Cót
    Một phố cổ của Hà Nội, thời Pháp thuộc tên Rue Takou, sau 1945 đổi thành Hàng Cót. Vào những năm đầu thế kỉ 20, cư dân ở đây chủ yếu sống bằng nghề đan và buôn bán cót.

    Phố Hàng Cót những năm 1980

    Phố Hàng Cót những năm 1980

  100. Hàng Mây
    Tên một phố cổ của Hà Nội xưa, nay là phía bắc của phố Mã Mây. Cư dân phố Hàng Mây trước đây chuyên làm các đồ dùng chế biến từ mây và cả sợi mây nguyên liệu.
  101. Hàng Đàn
    Một phố của Hà Nội xưa, nay là đoạn giữa của phố Hàng Quạt. Gọi là Hàng Đàn vì trước đây khu phố nay chuyên làm và bán các loại đàn như đàn tranh, đàn bầu, đàn nguyệt...
  102. Phố Mới
    Tên gọi khác của phố Hàng Chiếu, một phố nằm trong 36 phố cổ Hà Nội. Phố được xây trên thôn Thanh Hà cũ của huyện Thọ Xương. Ngày xưa, nơi đây bán nhiều chiếu cói và còn có bán cả bát (nên còn có tên là phố Hàng Bát). Thời Pháp thuộc, phố có tên là Rue Jean Dupuis, phía đầu phố là nơi chuyên buôn súng ống đạn dược cho quân đội Pháp. Đây là phố đầu tiên ở Hà Nội có kiến trúc kiểu Pháp, có vỉa hè, cây xanh, cột đèn... nên người dân quen gọi là phố Mới.
  103. Phúc Kiến
    Tên gọi dân gian của phố Lãn Ông, một phố thuộc ba sáu phố của Hà Nội ngày xưa. Gọi như vậy vì nơi đây là khu vực cư ngụ của nhiều người Hoa Kiều gốc tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc).
  104. Hàng Ngang
    Tên một phố cổ của Hà Nội. Vào thế kỉ 18 đoạn đầu phố giáp phố Hàng Đào gọi là phố Hàng Lam, chuyên bán đồ tơ lụa màu xanh lam; đến thế kỉ 19 có tên là phố Việt Đông do có nhiều người Trung Hoa gốc Quảng Đông sinh sống. Khu phố Hoa Kiều buôn bán sầm uất, giàu có, hai đầu phố làm hai cánh cổng để buổi tối đóng lại, đó có thể là một nguồn gốc của tên gọi Hàng Ngang.

    Cổng vào của phố Hàng Ngang, cuối thế kỉ 19.

    Cổng vào của phố Hàng Ngang, kí họa cuối thế kỉ 19.

  105. Hàng Mã
    Một phố cổ của Hà Nội, ngày xưa có nhiều cửa hàng bán đồ giấy và đồ mã.
  106. Hàng Mắm
    Một phố cổ của Hà Nội. Ngày xưa, khi sông Hồng chảy sát chân đê, phồ Hàng Mắm nằm cạnh bờ sông, các thuyền bán mắm đậu ở đây. Phố Hàng Mắm cho đến trước 1945 vẫn còn nhiều cửa hàng bán các loại mắm tôm, mắm cá, và cả nước mắm.
  107. Hàng Than
    Một phố cổ của Hà Nội, ngày xưa có nhiều lò nung vôi, bán than.
  108. Hàng Đồng
    Một phố cổ của Hà Nội, ngày xưa là nơi có các hàng sửa chữa cũng như bán các đồ dùng bằng đồng như mâm, nồi, chân nến, lư hương.

    Phố Hàng Đồng ngày trước

    Phố Hàng Đồng ngày trước

  109. Hàng Muối
    Một phố cổ của Hà Nội. Xưa kia phố này nằm sát bờ sông Hồng, có nhiều thuyền chở muối lên đem bán ở đây.
  110. Hàng Nón
    Một phố cổ của Hà Nội, thời Pháp thuộc tên là Rue des Chapeaux, ngày nay tương ứng với đoạn phía tây của phố Hàng Nón ngã ba Hàng Thiếc trở đi, thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội (đoạn phía đông phố Hàng Nón ngay nay xưa gọi là phố Mã Vĩ). Phố Hàng Nón ngày xưa có bán đủ loại nón đội đầu.

    Đoạn chính của phố Hàng Nón đầu thế kỉ 20.

    Đoạn chính của phố Hàng Nón đầu thế kỉ 20

  111. Cầu Đông
    Một phố cổ của Hà Nội, một trong những khu vực sầm uất nhất của Thăng Long - Hà Nội xưa, tương ứng với phố Hàng Đường ngày nay. Thời xưa, sông Tô Lịch chảy ngang Hà Nội từ sông Hồng, có cây cầu đá bắc qua sông (ở vị trí ngã tư Hàng Đường - Ngõ Gạch ngày nay) gọi là cầu Đông, người dân họp chợ ngay đầu cầu, gọi là chợ Cầu Đông hay chợ Chùa. Đoạn sông này bị lấp hoàn toàn vào năm 1889, cầu cũng không còn, và người Pháp giải tỏa chợ Cầu Đông và chợ Bạch Mã (họp quanh đền Bạch Mã), dời các hàng quán vào Đồng Xuân. Phố Cầu Đông nằm bên cạnh chợ Đồng Xuân ngày nay là một phố mới, đặt tên để kỉ niệm phố Cầu Đông cũ.

    Lọ là oanh yến hẹn hò,
    Cầu Đông sẵn lối cầu Ô đó mà.
    (Bích câu kì ngộ - Vũ Khắc Trân)

  112. Hàng Hòm
    Một phố cổ của Hà Nội, thời xưa có nhiều hàng làm nghề sơn gỗ, dần dần phát triển thành bán các loại rương, hòm, tráp bằng gỗ sơn, về sau lại phát triển thêm các mặt hàng mới như va li, cặp da, túi xách. Tên phố vẫn giữ nguyên qua nhiều thời đại, nghề làm hòm vẫn phát triển cho đến sau 1975, chỉ mới mai một gần đây, thay vào đó là nghề bán sơn phát triển mạnh.

    Phố Hàng Hòm

    Phố Hàng Hòm

  113. Hàng Đậu
    Một phố cổ của Hà Nội. Đầu phía đông phố là cửa ô Phúc Lâm, còn gọi là ô Hàng Đậu, đây là nơi ngày xưa mỗi phiên chợ người ngoại thành tập trung bán các loại đậu: đậu đen, đậu xanh, đậu trắng, đậu nành. Đầu phía tây phố là tháp nước Hàng Đậu, xây từ thời Pháp thuộc.

    Tháp nước Hàng Đậu thời Pháp thuộc

    Tháp nước Hàng Đậu thời Pháp thuộc

  114. Hàng Bông
    Tên một phố thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, gồm nhiều phố cổ gộp lại mà thành: Hàng Hài, Hàng Bông Đệm, Hàng Bông Cửa Quyền, Hàng Bông Lờ, Hàng Bông Thợ Nhuộm. Thời Pháp thuộc phố tên là Rue du Coton, sau 1945 mới chính thức mang tên Hàng Bông.

    Phố Hàng Bông đầu thế kỉ 20

    Phố Hàng Bông đầu thế kỉ 20

  115. Hàng Bè
    Một phố cổ của Hà Nội, nay vẫn mang tên là phố Hàng Bè. Phố này trước đây là một khúc của con đê cũ, khi dòng sông còn chảy sát chân đê, đây là nơi kết tập và bán các bè gỗ và vật liệu từ miền ngược.

    Phố Hàng Bè, tranh của Bùi Xuân Phái.

    Phố Hàng Bè, tranh của Bùi Xuân Phái.

  116. Hàng Thùng
    Một phố cổ của Hà Nội, xưa kia có nhiều nhà sản xuất các loại thùng bằng tre, nứa, rồi gắn sơn, vật liệu tre nứa được lấy từ phố Hàng Tre kế cận.
  117. Hàng Bát
    Một phố cổ của Hà Nội, phố này bán cả hai mặt hàng là chén bát và chiếu cói. Nay là đoạn đầu của phố Hàng Chiếu giáp với Ô Quan Chưởng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
  118. Hàng Tre
    Một phố cổ của Hà Nội. Ngày xưa, phố Hàng Tre nằm sát bờ sông Hồng, tre nứa từ các nơi tập kết lại rồi bán ở các gian hàng phía bờ sông.

    Phố Hàng Tre cuối thế kỉ 19.

    Phố Hàng Tre cuối thế kỉ 19.

  119. Hàng Vôi
    Một phố cổ của Hà Nội, trước đây nằm sát bờ sông Hồng, có nhiều chỗ nung vôi và bán vôi. Phố Hàng Vôi xưa tương đương với hai phố ngày nay là phố Hàng Vôi và phố Tông Đản, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
  120. Hàng Giấy
    Một phố cổ của Hà Nội, ngày xưa có nhiều hàng bán các loại giấy sản xuất ở làng Bưởilàng Cót, cũng như các loại giấy quyến, giấy bạch nhập khẩu từ Trung Quốc.
  121. Hàng The
    Một phố cổ của Hà Nội, nơi buôn bán các loại vải the, tơ lụa. Nay là đoạn đầu của phố Hàng Đào về phía phố Cầu Gỗ, thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
  122. Hàng Gà
    Một phố cổ của Hà Nội, ngày xưa phố này nằm trên con đường từ cửa Đông thành hướng ra, có nhiều người dân đem gà vịt và các loại gia cầm nói chung đến tập trung buôn bán, dần thành mối. Về sau, gà vịt được bán sỉ ở trong nhà, hoặc đem bán rong ở các hàng quán. Phố Hàng Gà xưa ngày nay tương ứng với đoạn phố Hàng Gà phía trên, giữa phố Cửa Đông và ngã tư Hàng Cót - Hàng Mã, còn đoạn phố Hàng Gà phía dưới, xưa gọi là phố Thuốc Nam.

    Phố Hàng Gà

    Phố Hàng Gà

  123. Hàng Da
    Một phố cổ của Hà Nội. Ngày xưa phố có nhiều hàng bán các loại da trâu, da bò thuộc. Da được chế biến ở các ngõ Tạm Thương, phố Yên Thái gần đó rồi đem ra phố Hàng Da để bán. Đầu phố Hàng Da có chợ Hàng Da, ban đầu chủ yếu buôn bán da sống phơi khô.
  124. Mắc cửi
    Mắc sợi lên khung cửi; nghĩa bóng chỉ sự tình trạng đan xen ngang dọc dày đặc như những sợ chỉ trên khung dệt.
  125. Bút hoa
    Cây bút nở hoa, ý nói tài năng văn chương. Theo một điển tích Trung Quốc, nhà thơ Lí Bạch đời Đường nằm mơ thấy cây bút của mình nở hoa rất đẹp, từ đó thơ văn của ông ngày càng xuất sắc, nổi tiếng khắp nơi.
  126. Cầu Long Biên
    Cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng tại Hà Nội, do Pháp xây dựng (1898 - 1902), là cây cầu sắt dài thứ nhì thế giới thời bấy giờ (sau cầu Brooklyn ở Mỹ). Cầu ban đầu mang tên viên Toàn quyền Đông Dương là Paul Doumer, dân gian hay gọi là cầu sông Cái, cầu Bồ Đề, cầu Dốc Gạch. Năm 1954, cầu được đổi tên thành cầu Long Biên. Là một cây cầu lâu năm và có giá trị lịch sử, hiện nay có nhiều đề xuất tu sửa, cải tạo cầu Long Biên.

    Cầu Long Biên hồi đầu thế kỉ XX

    Cầu Long Biên hồi đầu thế kỉ 20

  127. Tương tư
    Nhớ nhau (từ Hán Việt). Trong văn thơ, tương tư thường được dùng để chỉ nỗi nhớ nhung đơn phương trong tình yêu trai gái.

    Gió mưa là bệnh của Trời
    Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng

    (Tương tư - Nguyễn Bính)

  128. Dao cau
    Thứ dao nhỏ và sắc, dùng để bổ cau.

    Dao cau

    Dao cau

  129. Chũm
    Phần đầu và đuôi của quả cau.
  130. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  131. Tơ hồng
    Một loại cây dây leo, thân có màu vàng, đôi khi màu da cam hoặc đỏ. Tơ hồng là thực vật sống kí sinh, một khi tìm được cây chủ thích hợp sẽ bám vào và phát triển rất mạnh, đồng thời rễ trong đất cũng bắt đầu tiêu hủy đi. Dây và hạt tơ hồng có thể dùng làm vị thuốc Đông y.

    Dây tơ hồng

    Dây tơ hồng

  132. Nghĩa giao hòa
    Nghĩa vợ chồng (dùng trong ca dao dân ca).
  133. Tức 30/8/1917 dương lịch, ngày nổ ra cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên do đội Cấn chỉ huy.
  134. Can qua
    Can 干 chữ Hán nghĩa là cái mộc để đỡ. Qua 戈 là cây mác, một loại binh khí ngày xưa. Can qua chỉ việc chiến tranh.
  135. Thái Nguyên
    Một tỉnh ở miền Bắc nước ta, nổi tiếng với nghề trồng và chế biến chè (trà).

    Đồi chè Thái Nguyên

    Đồi chè Thái Nguyên

  136. Lính tập
    Một lực lượng vũ trang của chính quyền thuộc địa Pháp ở Đông Dương, theo chính sách dùng người bản xứ làm quân đội chính quy trong việc đánh dẹp. Lính tập gồm lính khố đỏ, lính khố xanh, lính khố vàng, lính khố lục, những tên gọi xuất phát từ màu dải thắt lưng họ quấn quanh quân phục.

    Lính tập (Tập binh 習兵)

    Lính tập (Tập binh 習兵)

  137. Có bản chép: Rủ nhau.
  138. Đội Cấn
    Tên thật là Trịnh Văn Cấn (1881 - 1918), người làng Yên Nhiên, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên, nay thuộc xã Vũ Di, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Ông còn có tên khác là Trịnh Văn Đạt, là viên đội lính khố xanh trong cơ binh Pháp ở Thái Nguyên. Ông cùng Lương Ngọc Quyến - một chí sĩ yêu nước bị giam tại nhà tù ở Thái Nguyên - lãnh đạo binh lính người Việt đứng lên chống Pháp vào đêm 30/8/1917. Từ đó đến ngày 5/9, các cuộc tấn công của địch liên tiếp nổ ra. Do không chống nổi lực lượng của địch, nghĩa quân phải rút lui. Ngày 10/1/1918, trong trận chiến đấu với quân Pháp tại núi Pháo, Đội Cấn bị thương nặng và tự sát.

    Di ảnh Đội Cấn

    Di ảnh Đội Cấn

  139. Cai
    Từ gọi tắt của cai vệ, chức danh chỉ huy một tốp lính dưới thời thực dân Pháp.

    Lính lệ

    Lính lệ

  140. Theo lệnh của Đội Cấn, Đội Trường đã tiêu diệt Giám binh Noen, Ba Chén giết tên Phó quản Lạp và 7-8 binh sĩ chống đối.
  141. Nhà pha
    Nhà tù (từ cũ). Có ý kiến cho rằng từ này có gốc từ tiếng Pháp bagne, nghĩa là giam cầm.
  142. Thị thường
    Xem thường.
  143. Tài bồi
    Vun đắp, vun trồng (từ Hán Việt).
  144. Nam bang
    Bờ cõi nước Nam.
  145. Nghĩa quân sử dụng quân kì màu vàng đề bốn chữ "Nam binh phục quốc."
  146. Troàn
    Truyền.
  147. Ngươn soái
    Nguyên soái (phương ngữ Nam Bộ).
  148. Tổng nhung
    Vị quan võ thống lĩnh toàn bộ việc quân của một địa phương.
  149. Sanh sản
    Sinh sản.
  150. Di địch
    Mọi rợ, chưa khai hóa. Người Trung Hoa thời cổ cho rằng nước mình ở giữa thế giới, gọi các dân tộc xung quanh họ, chưa tiếp thu văn hóa Trung Hoa, là Man (ở phía nam), Di (ở phía đông), Nhung (ở phía tây), Địch (ở phía bắc).
  151. Ác côn
    Đứa vô lại, hung dữ.
  152. Tự Đức
    (1829 – 1883) Vị hoàng đế thứ tư của nhà Nguyễn, vương triều cuối cùng trong lịch sử phong kiến nước ta. Thời gian ông ở ngôi đánh dấu nhiều sự kiện trong lịch sử nước ta, trong đó quan trọng nhất là tháng 8/1858, quân Pháp nổ phát súng đầu tiên tấn công Đà Nẵng, mở đầu cho thời kì thống trị của người Pháp ở Việt Nam.

    Vua Tự Đức

    Vua Tự Đức

  153. Nguyễn Phúc Khoát
    Còn gọi là Chúa Vũ, Chúa Khoát, hay Võ Vương, Vũ Vương (1714-1765), vị chúa Nguyễn thứ 8 trong lịch sử nước ta. Ông được đánh giá là có công xây dựng Đô thành Phú Xuân (thế kỷ 18), hoàn thành công cuộc Nam tiến của người Việt (bắt đầu từ thế kỉ 11 và hoàn tất vào thế kỉ 18 để có toàn vẹn lãnh thổ như hiện nay), và được xem là người có công khai sáng và định hình chiếc áo dài Việt Nam (theo sách Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn và Đại Nam Thực Lục Tiền Biên của nhiều sử quan thuộc Quốc Sử Quán).

    Ông là con trai trưởng của chúa Nguyễn Phúc Chu và mẹ là Thục phi Trương Thị Thư. Lúc thế ngôi chúa của cha năm 24 tuổi, ông lấy hiệu là Từ Tế Đạo Nhân (vì chuộng đạo Phật). Năm 1744, sau nhiều thành tựu đối nội, quần thần dân biểu tôn Chúa Vũ lên ngôi vương, tục gọi là Võ Vương. Năm Võ Vương mất (1765), ông được truy tôn là Thế Tôn Hiếu Võ Hoàng Ðế.

    Tiến trình Nam tiến của người Việt

    Tiến trình Nam tiến của người Việt

  154. Nhà Đường (618 - 907) và nhà Ngu dưới thời vua Nghiêu (2337 TCN –2258 TCN) được coi là hai thời đại thịnh trị nhất của Trung Quốc.
  155. Kích nhưỡng khang cù
    Kích nhưỡngKhang cù là tên hai bài ca dao thời vua Nghiêu bên Trung Hoa. Kích nhưỡng khang cù chỉ cảnh thiên hạ thái bình, nhân dân vui chơi ca hát.
  156. Thái Sơn
    Một ngọn núi ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, là một trong năm ngọn núi thiêng của Trung Quốc (gồm Hành Sơn, Hằng Sơn, Thái Sơn, Hoa Sơn và Tung Sơn). Núi Thái Sơn được xem là thiêng nhất trong năm ngọn núi này.

    Núi Thái Sơn

    Núi Thái Sơn

  157. Bàn thạch
    Đá tảng (từ Hán Việt).
  158. Hải thủy sơn man
    Những loài quái vật dưới nước và man di mọi rợ trên núi.
  159. Năm Tự Đức thứ ba mươi mốt, tức năm Mậu Dần (1878).
  160. Quảng Ngãi
    Địa danh nay là một tỉnh nằm ở duyên hải Nam Trung Bộ, nằm hai bên bờ sông Trà Khúc, được mệnh danh là vùng đất Núi Ấn Sông Trà. Quảng Ngãi là mảnh đất có bề dày lịch sử về văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Chăm Pa, đặc biệt là hệ thống thành lũy Chàm. Tại đây cũng nổi tiếng cả nước với đặc sản đường mía (đường phèn, đường phổi, mạch nha...) và tỏi ở Lý Sơn.

    Núi Ấn

    Núi Ấn sông Trà

  161. Ba huyện là Bình Sơn, Mộ Đức, Tư Nghĩa.
  162. Cháy háp
    Cháy một phần.
  163. Lúa nhồng
    Còn đọc là lúa nhộng, chỉ lúa trổ bông bị nghẽn không thoát ra gié lúa, giống như con nhộng còn trong tổ kén. Hiện tượng nhộng lúa thường xảy ra khi lúa sắp trổ gặp thời tiết hạn hán, khô nước.
  164. Thảo
    Viết ra.
  165. Đắc thời đắc lễ đắc nghi
    Được thời thì được lễ nghi (chữ Hán).
  166. Thất thế
    Mất thế lực, mất chỗ tựa. Từ chữ Hán thất 失 (mất) và thế 勢 (thế lực).
  167. Thất nghiệp
    Không có nghề nghiệp, việc làm.
  168. Mãn kiếp
    Suốt đời, cho đến tận lúc chết (thường nói về việc không hay).
  169. Phong lưu
    Ngọn gió bay (phong), dòng nước chảy (lưu). Từ này vốn nghĩa là phẩm cách, tinh thần riêng của mỗi người, hiểu rộng ra là sung sướng, vui với cảnh, không phải chịu buồn khổ.

    Cõi trần thế nhân sinh là khách cả
    Nợ phong lưu kẻ giả có người vay

    (Nợ phong lưu - Nguyễn Công Trứ)

  170. Chí
    Đến, kéo dài cho đến (từ Hán Việt).
  171. Căn
    Gốc rễ (chữ Hán). Khái niệm căn thường được gặp trong lí thuyết Phật giáo, chỉ những điều căn bản, gốc rễ của nhận thức, sự việc.

    Thiện căn ở tại lòng ta
    Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài
    (Truyện Kiều)

  172. Số kiếp
    Vận mệnh của một đời người.
  173. Lâm bô
    Có nguồn gốc từ danh từ limbo trong tiếng Bồ Đào Nha, có nghĩa là một nơi giam cầm các linh hồn hay đang ở vào một tình trạng nào đó dang dở.
  174. Cửu
    Số chín, thứ chín (từ Hán Việt)
  175. Lợn lạo
    Có thể là cách đọc trại đi của từ lộn lạo.
  176. Ghe bầu
    Loại ghe (thuyền) đi biển chạy bằng buồm, chủ yếu dùng để vận chuyển hàng hóa. Ghe bầu ra đời từ giữa thế kỷ 16, có nguồn gốc tương đồng với loại thuyền prao (hay prau) của Mã Lai. Tên "ghe bầu" bắt nguồn từ tiếng Khmer xòm pầu.

    Hình vẽ ghe bầu và các dụng cụ đi biển của ngư dân Hoàng Sa

    Hình vẽ ghe bầu và các dụng cụ đi biển của ngư dân Hoàng Sa

  177. Lái
    Người chuyên nghề buôn chuyến một loại hàng hóa nhất định (lái gỗ, lái trâu...)
  178. Gia Định
    Tên gọi một tỉnh ở miền Nam nước ta dưới thời triều Nguyễn. Tỉnh Gia Định xưa nằm giáp ở phía Nam tỉnh Đồng Nai, có thủ phủ là thành Gia Định. Dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, vào năm 1957, tỉnh Gia Định gồm 6 quận: Gò Vấp, Tân Bình, Hóc Môn, Thủ Đức, Nhà Bè, Bình Chánh, đến năm 1970 thêm Quảng Xuyên và Cần Giờ. Đến tháng 6/1975, tỉnh Gia Định (ngoại trừ 2 quận Cần Giờ và Quảng Xuyên) được sáp nhập với Đô thành Sài Gòn, cộng thêm một phần các tỉnh Long An, Bình Dương, Hậu Nghĩa để trở thành thành phố Sài Gòn - Gia Định. Đến ngày 2 tháng 7 năm 1976, thành phố Sài Gòn - Gia Định được chính thức đổi tên là Thành phố Hồ Chí Minh.

    Ngày nay, địa danh Gia Định chỉ còn dùng để chỉ khu vực trung tâm quận Bình Thạnh của Thành phố Hồ Chí Minh.

  179. Huế
    Một địa danh ở miền Trung, nay là thành phố thủ phủ của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Là kinh đô của Việt Nam dưới triều đại phong kiến nhà Nguyễn (1802 - 1945), Huế còn được gọi là đất Thần Kinh (ghép từ hai chữ kinh đôthần bí) hoặc cố đô. Huế là một vùng đất thơ mộng, được đưa vào rất nhiều thơ văn, ca dao dân ca và các loại hình văn học nghệ thuật khác, đồng thời cũng là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa với nón Bài Thơ, nhã nhạc cung đình, ca Huế, các đền chùa, lăng tẩm, các món ẩm thực đặc sắc...

    Địa danh "Huế" được cho là bắt nguồn từ chữ "Hóa" trong Thuận Hóa, tên cũ của vùng đất bao gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương, một biểu tượng của Huế

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương, một biểu tượng của Huế

    Thành Nội, Huế

    Thành Nội

  180. Thuấn, Nghiêu
    Vua Thuấn và vua Nghiêu, hai vị vua kế tiếp nhau trong huyền sử Trung Hoa cổ. Tương tuyền rằng đây là hai vị minh quân và thời Nghiêu Thuấn được coi là thời thái bình an lạc.
  181. Bến Thuận An
    Bến cảng nằm bên cửa biển Thuận An cách thành phố Huế 15km về phía Đông Bắc, là nơi sông Hương chảy qua phá Tam Giang rồi đổ ra biển Đông. Trước đây cửa biển này có tên cửa Eo, cửa Nộn. Tên Thuận An là do vua Minh Mệnh nhà Nguyễn đặt cho, còn vua Thiệu Trị thì liệt Thuận An là một trong hai mươi thắng cảnh của kinh thành Huế. Vào ngày 11, 12 tháng Giêng âm lịch, nơi đây có lễ hội truyền thống gọi là lễ Cầu Ngư, có hàng ngàn người tham dự.

    Biển Thuận An

    Biển Thuận An

  182. Chạy giác
    Kĩ thuật lái ghe thuyền chạy theo góc (giác), tức là theo đường dích dắc để tránh hoặc lợi dụng gió ngược. Từ này cũng được viết trại thành vát.
  183. Cửa Tư Hiền
    Tục gọi là cửa Ông hay cửa Biện, cửa biển thông đầm Cầu Hai với Biển Đông. Đây là một trong hai cửa biển chính của hệ đầm phá Tam Giang-Cầu Hai thuộc tỉnh Thừa Thiên-Huế. Cửa biển này từ thời nhà Lý đã được nhắc đến dưới tên cửa Ô Long. Đời Trần gọi là cửa Tư Dung. Sang thời nhà Mạc vì kiêng tên vua Mạc Thái Tổ nên gọi là cửa Tư Khách. Nhà Lê vẫn dùng tên Tư Dung. Tên Tư Hiền thì mãi đến triều Thiệu Trị mới đặt.

    Cửa Tư Hiền

    Cửa Tư Hiền

  184. Có bản chép: Hòn Om.
  185. Cửa Kiểng
    Tên một cửa biển ở Huế, là nơi dòng sông Bù Lu đổ ra biển Đông.
  186. Thiên địa chí công
    Trời đất rất công bằng.
  187. Huỳnh Công Miêng
    Con trai của lãnh binh Huỳnh Công Tấn, một tay sai đắc lực của thực dân Pháp vào cuối thế kỉ 19. Trái ngược với cha, ông là người có máu giang hồ mã thượng, thích ngao du và làm việc nghĩa, tính tình hào phóng, hay bênh vực kẻ yếu, vì vậy được nhân dân yêu mến và gọi là "cậu." Nhờ oai danh cha, cậu hai Miêng được mệnh danh là "miễn tử lưu linh," có nghĩa là được miễn sưu thuế, đi đâu mặc tình, không ai được phép "hỏi giấy"... và cũng lợi dụng những đặc ân đó để làm những chuyện nghĩa hiệp.
  188. Lãnh binh Tấn
    Tên thật là Huỳnh Tấn hay Huỳnh Văn Tấn, cũng gọi là Huỳnh Công Tấn, một cộng sự đắc lực của thực dân Pháp trong việc đàn áp các cuộc khởi nghĩa của nông dân vào những năm gần cuối thế kỷ 19 tại các tỉnh Nam Kỳ. Tấn là người đã dẫn quân Pháp tấn công, vây bắt Trương Định năm 1864, Võ Duy Dương (1866) và Nguyễn Trung Trực (1968). Nhờ những "công lao" này, ông được Pháp ban cho huy chương “Bắc đẩu Bội tinh” và chức Lãnh binh, đồng thời xây dựng "đài ghi công" tại Gò Công (sau đã bị đập nát).
  189. Gò Công
    Nay là tên một thị xã thuộc tỉnh Tiền Giang, giáp với thành phố Mỹ Tho. Tỉnh Gò Công ngày xưa bao gồm thị xã Gò Công, huyện Gò Công Đông và huyện Gò Công Tây ngày nay. Gò Công Đông và Gò Công Tây là vùng duyên hải, có hai cửa biển của sông Tiền: cửa Đại và cửa Tiểu. Tên gọi Gò Công xuất phát từ việc vùng đất này trước đây có nhiều chim công (khổng tước), vì vậy tên Hán Việt của Gò Công là Khổng Tước Nguyên. Gò Công gắn liền với tên tuổi người anh hùng Trương Định.

    Phong cảnh Gò Công Đông

    Phong cảnh Gò Công Đông

  190. Nam Kỳ lục tỉnh
    Tên gọi miền Nam Việt Nam thời nhà Nguyễn, trong khoảng thời gian từ năm 1832 tới năm 1862 (khi Pháp chiếm 3 tỉnh Miền Đông) và năm 1867 (khi Pháp chiếm nốt 3 tỉnh Miền Tây), bao gồm sáu (lục) tỉnh:

    1. Phiên An, sau đổi thành Gia Định (tỉnh lỵ là tỉnh thành Sài Gòn),
    2. Biên Hòa (tỉnh lỵ là tỉnh thành Biên Hòa),
    3. Định Tường (tỉnh lỵ là tỉnh thành Mỹ Tho) ở miền Đông;
    4. Vĩnh Long (tỉnh lỵ là tỉnh thành Vĩnh Long),
    5. An Giang (tỉnh lỵ là tỉnh thành Châu Đốc),
    6. Hà Tiên (tỉnh lỵ là tỉnh thành Hà Tiên) ở miền Tây.

    Bản đồ Lục tỉnh năm 1808

    Bản đồ Lục tỉnh năm 1808