Khu Bốn đẩy ra
Khu Ba đẩy vào
Bỏ chạy sang Lào
Nước Lào không nhận
Tức mình nổi giận
Lập quốc gia riêng
Thủ đô thiêng liêng
Là huyện Nông Cống
Quốc ca chính thống:
“Dô tá dô tà”
Nông nghiệp nước nhà:
Trồng cây rau má
Biển khơi lắm cá
Mười mẻ một cân
Nhà máy phân lân
Một năm hai tạ
Vang tiếng xa gần
Nem chua toàn lá
Còn công nghiệp hoá
Là phá đường tàu …
Tìm kiếm "mặt trăng"
-
-
Trai nam nhi lược ngà búi tóc
Trai nam nhi lược ngà búi tóc
Dây lưng thì nhuộm sắc hoa hiên
Vui chơi xe lọ, ống tiêm
Cái khay trắc khảm, ngọn đèn mờ xanh
Có phen vui thú lều tranh
Gối đầu bằng gạch, che manh chiếu buồm
Chiếu bắt khom để mà che gió
Thế rồi mang xe lọ giăng ra
Nạo kì đến sái mười ba
Quan tướng hút đỡ để mà cầm hơi
Trông người như cái ma trơi
Tóc xù cổ ngẵng, nằm phơi xương sườn
Hết thuốc chúng bạn hết thương
Vợ con cũng mất với nường phù dung! -
Hỡi người mặc áo nhuộm nâu
Hỡi người mặc áo nhuộm nâu
Tay bưng cơi trầu đi dạm gái choa
Bưng vô rồi lại bưng ra
Trai bây cờ bạc, gái choa không màng
Gái choa là gái vẻ vang
Khoét một cổ yếm khuyênh khoang ba vòng
Trai bây như con mòng mòng
Ăn rồi tắm mát chơi rong cả ngày
Gái choa như ngọn trầu cay
Ăn vào một miếng thơm bay nhiều mùi … -
Nghề làm mỏ là nghề cực khổ
Nghề làm mỏ là nghề cực khổ
Dấn thân vào những chỗ hang sâu
Quanh năm cơm nắm nước bầu
Trời xanh mây biếc trên đầu biết chi
Dưới lò giếng lần đi từng bước
Đào khoét ra mới được đồng công
Suốt ngày cặm cụi lao lung
Than già, đá rắn cũng không quản gì
Tay cầm cuốc, mặt thì cúi gập
Lưng gò vào như gấp làm đôi
Loanh quanh xoay xở hết hơi
Tấm thân như hãm vào nơi ngục tù
Mãi đến lúc sương mù ngả bóng
Mới là giờ vội vã trèo lên
Trong ra non nước hai bên
Biết mình còn sống ở trên cõi trần. -
Chị bảo tôi lấy làm Hai
Chị bảo tôi lấy làm Hai
Suốt một đêm dài chị nói vân vi
Nhà chị chẳng thiếu thứ chi
Muốn mặc của gì chị sắm cho ngay
Bây giờ chị gọi: bớ Hai!
Mau mau trở dậy thái khoai đâm bèo
Thưa chị: cám bã còn nhiều
Rau khoai em thái từ chiều hôm qua
Xin chị cứ ở trong nhà
Nồi cơm ấm nước đã là có em
Đêm đêm chị nổi cơn ghen
Chị phá bức thuận, chị len mình vào
Tay chị cầm một con dao
Chị nổi máu hồng bào, nhà cửa tan hoang
Hầm hầm mặt đỏ như vang
Chị la, năm bảy xã làng đổ ra -
Bớ này anh nó ơi
Bớ này anh nó ơi
Số phận em giao phó cho trời xanh
Lấy anh em không lấy, nhưng dạ cũng không đành làm ngơ
Vốn em cũng chẳng bơ thờ
Em đã hằng chọn trong lóng đục, nhưng vẫn còn chờ nợ duyên
Vốn em muốn lấy ông thầy thuốc cho giàu sang, nhưng lại sợ ổng hay gia hay giảm
Em muốn lấy ông thầy pháp cho đảm, nhưng lại sợ ổng hét la ghê gốc
Em muốn lấy chú thợ mộc, nhưng lại sợ chú hay đục khoét rầy rà
Em muốn lấy anh thợ cưa cho thật thà, nhưng lại sợ trên tàn dưới mạt
Em muốn lấy người hạ bạc, nhưng lại sợ mang lưới mang chài
Em muốn lấy anh cuốc đất trồng khoai, nhưng lại sợ ảnh hay đào hay bới
Em cũng muốn chọn anh thợ rèn kết ngỡi, nhưng lại sợ ảnh nói tức nói êm
Bằng lấy anh đặt rượu làm men, thì lại sợ ảnh hay cà riềng cà tỏi … -
Vè loài vật
Ve vẻ vè ve
Cái vè loài vật
Trên lưng cõng gạch
Là họ nhà cua
Nghiến răng gọi mưa
Đúng là cụ cóc
Thích ngồi cắn chắt
Chuột nhắt, chuột đàn
Đan lưới dọc ngang
Anh em nhà nhện
Gọi kiểu tóc bện
Vợ chồng nhà sam … -
Vè chợ Lệ Thủy
-
Nam Định là chốn quê nhà
Nam Định là chốn quê nhà
Có ai về mộ cu li ra làm
Anh em cơm nắm rời Nam
Theo ông cai mộ đi làm mỏ than
Cu li kể có hàng ngàn
Toàn là rách mặc, đói ăn, vật vờ
Điểm mặt nhớn bé cũng vừa
Từ nhớn chí bé không thừa một ai
Điểm rồi lại phải theo cai
Những cai đầu dài thúc giục ra đi
Ra ngay cà rạp tức thì
Hỏi chủ cà rạp ta đi tàu nào?
Anh em bàn tán xôn xao
– “Ta đi tàu nào đấy hả ông cai?”
– Xô-pha tới bến đây rồi
Anh em cơm nước, nghỉ ngơi, xuống tàu
Xuống tàu chờ đợi đã lâu
Đến giờ tàu tiến chẳng thấy cai ra
Cai dặn cứ xuống Xô-pha
Chừng độ sáu rưỡi thì ra tới Phòng
Hải Phòng hai sở song song
Bên kia Hạ Lý, Hải Phòng bên đây
Một ngày tàu đã tới ngay
Trông lên Cẩm Phả vui thay trăm đường … -
Ăn một bát cơm
Ăn một bát cơm,
Nhớ người cày ruộng,
Ăn đĩa rau muống,
Nhớ người đào ao,
Ăn một quả đào,
Nhớ người vun gốc,
Ăn một con ốc,
Nhớ người đi mò,
Sang đò,
Nhớ người chèo chống,
Nằm võng,
Nhớ người mắc dây,
Đứng mát gốc cây,
Nhớ người trồng trọt. -
Trách phận (Nẫu ca)
Thân trách thân, thân sao lận đận
Mình trách mình số phận hẩm hiu
Bởi thân tui cực khổ tui eo nghèo
Nên vợ tui nó mới không ở nữa mà nó theo nẫu rồi
Em ơi chứ bây giờ em ở kìa nơi đâu
Để cho anh trông đứng trông ngồi canh khuya
Hồi nào qua Phú Lễ ăn ổi chua
Xuống Đại Lãnh uống nước ngọt, qua Hòn Chùa ăn mực nang
Bây giờ em không ngó nữa em không ngàng
Đến chồng nghèo cực khổ gian nan cơ hàn
Hồi nào em thất nghiệp em đi lang thang
Anh thấy em nữa tội nghiệp, anh di mang anh nuôi rày
Hồi nào em bán nước đá rồi anh đi may
Hai đứa mình chung sống không biết ngày mai sau
Hồi nào em bắt ốc rồi anh hái rau
Bây giờ em để lại mối sầu cho qua
Hồi nào trái chuối chín cũng cắn làm ba
Trái cam tươi cũng cắn làm bốn
Nửa trái cà cũng cắn làm năm
Bây giờ em lấy nẫu em ăn nằm
Bỏ qua hiu quạnh năm canh qua một mình
Anh bây giờ, khóe mắt sầu cứ rung rinh
Giọt lệ sầu, giọt lệ thảm như nước trong bình nó tuôn ra
Anh bây giờ như con cuốc nó kêu tù oa
Nó lẻ đôi, nó lẻ bạn, quớ chu choa ơi là buồn.Video
-
Vè nói láo
Tiếng đồn quả thiệt chẳng sai
Có người nói láo không ai dám bì
Lội ngang qua biển một khi
Thấy tàu đương chạy tôi ghì ngừng như không
Lên rừng tôi vác đá hàn sông
Gặp cọp tôi bồng về để nuôi chơi
Nhà tôi có trồng một bụi cải trời
Lá bằng cái sịa kinh thời tôi quá kinh
Dưa gang của tôi cái hột bằng cái chình
Sức tôi một mình ăn hết nồi ba
Tôi trồng chơi có một dây khổ qua
Nó ra một trái tôi xách mà năm ky … -
Mời chư vị giai nhân tài tử
Mời chư vị giai nhân tài tử
Tới đây nghe tôi thử pháo tre
Của bán ra không phải nói khoe
Thời thực vật sắm vừa túc dụng
Có pháo nhiều đốt cũng vui tình
Từ cựu thời bộc trước nhi thinh
Có pháo mới văn minh xuân nhựt
Dưới con cháu cũng vui cũng ức
Trên ông bà khỏi bực khỏi phiền
Nếu như mà cứ giữ tiếc tiền
Lấy gì đặng minh niên hỉ hạ
Coi như lễ Tết Tây trong dã
Lại có ngày kỷ niệm ngoài kinh
Pháo Điện Quang đốt tựa lôi đình
Phí của nọ vui tình không tiếc
Vậy nên mời… biết phải thiệt vui hung
Luật vui xuân ai cũng nên dùng
Có pháo mới đùng đùng là thú
Cùng mấy người no đủ tiêu xoay
Đều xúm lại hàng này
Mua pháo nầy về đốt
Vốn tôi không nói tốt
Hay thiệt tình có một mình tôi
Nhiều người bán xảo làm mồi
Đốt đây khá về rồi dại dở
Có kẻ làm kêu cũng đỡ
Vấn nhiều tay tôi sợ không đều
Của bán ra là biết bao nhiêu
Một mình vấn nên kêu đều đặn
Mười như chục tiếng kêu đúng đắn
Đốt cả trăm cũng chẳng điếc câm
Tiếng nổ lên chuyển động sơn lâm
Như đại bác vang gầm trời đất
Hễ đốt thì xác tan bay mất
Không khi nào gió phất ngún hừng
Của tôi làm, tôi đã biết chừng
Xin quý chức mua đừng có ngại
Để đốt thử vài trái
Nghe có phải hay không
Đang buổi chợ mua đông
Tôi cũng trông bán đắt
Giá pháo nầy mỗi chục mỗi cắc
Xin bà con mua hắt tôi về
Pháo tôi đây thiệt hết ngõ chê
Bằng có ngại đứng xê ra cho tôi thử đốt: đùng, đùng… -
Đồn em hay truyện Thúy Kiều
Đồn em hay truyện Thúy Kiều
Lại đây mà giảng mấy điều cho minh
Vì đâu Kiều gặp Kim sinh?
Vì đâu Kiều phải bán mình chuộc cha?
Vì đâu Kiều phải đi xa?
Vì đâu Kiều phải vào nhà lầu xanh?
Hoa trôi bèo dạt đã đành
Vì đâu mắc phải Sở Khanh nói lừa?
Vì đâu kết tóc xe tơ?
Vì đâu Kiều phải lên chùa làm sư?
Vì đâu Kiều gặp họ Từ?
Báo ân báo oán trả thù sạch không?
Vì đâu Kiều bị mất chồng?
Vì đâu Kiều phải xuống sông Tiền Đường?
Bao nhiêu nghĩa thảm, tình thương
Em ơi giảng hết mọi đường anh nghe … -
Vè bán quán
Tui xin mời cô bác
Cùng quý vị gần xa
Đi chơi hay về nhà
Lâu lâu gặp bằng hữu
Tui mời cho đầy đủ
Không sót một người nào
Chủ quán xin mời vào
Dùng cơm hay hủ tiếu
Thịt quay cùng xá xíu
Hễ có tiền là ăn
Thịt chó xào rau cần
Thịt bò thì nhúng giấm
Gà tơ thì nấu nấm
Chim sẻ thì rô ti
Cua lột chiên bột mì
Cá lý ngư làm gỏi
Nem nướng rồi bánh hỏi
Trứng vịt, trứng gà ung
Hẹ bông nấu với lòng
Cá thu thì kho rục … -
Vè cầu Doumer
Cầu sắt mà bắc ngang sông
Chàng ơi sang tỉnh mà trông chẳng lầm
Hà Nội bắc sang Gia Lâm
Tính cây lô mét độ năm cây tròn
Họa hình Tây bắc ống nhòm
Ngắm đi ngắm lại xem còn cong không
Giở về hội nghị cộng đồng
Đến năm Mậu Tuất khởi công bắc cầu
Mộ phu khắp cả đâu đâu
Xây từ Ái Mộ bắt đầu xây ra
Bắc qua con sông Nhị Hà
Chia khoang làm nhịp, mười ba cột vừa
Lập mưu xây được bây giờ
Chế ra cái chụp để mà bơm lên
Bơm hết nước đến bùn đen
Người chết như rạ vẫn phải len mình vào … -
Bài thơ thuốc lào
Người Việt Nam phải lấy thuốc lào làm quốc tuý
Còn thú vị nào hơn thú vị yên vân!
Từ vua, quan, đến hạng bình dân,
Ai là chẳng bạn thân với điếu
Từ ông thừa, trở lên cụ thiếu,
Đi ngoài đường, phi điếu bất thành quan.
Ngồi công đường, vin xe trúc nghênh ngang,
Hút mồi thuốc, óc nhà quan thêm sáng suốt.
Nhà thi sĩ gọt câu văn cho chuốt,
Tất phải nhờ điếu thuốc gọi hồn thơ.
Lại những khi óc mỏi, mắt mờ,
Nhờ điếu thuốc mới có cơ tỉnh tớm
Dân thuyền thợ thức khuya, dậy sớm,
Phải cần dùng điếu đóm làm vui.
Khi nhọc nhằn lau trán đẫm mồ hôi,
Vớ lấy điếu, kéo một hơi thời cũng khoái.
Dân cày cấy mưa dầm, nắng dãi,
Bạn tâm giao với cái điếu cày.
Lúc nghỉ ngơi, ngồi dưới bóng cây,
Rít mồi thuốc, say ngây say ngất.
Rồi ngả lưng trên đám cỏ tươi xanh ngắt,
Dễ thiu thiu một giấc êm đềm.
Bạn nhà binh canh gác thâu đêm,
Nhờ điếu thuốc mới khỏi lim dim ngủ gật.
Nội các thức say sưa nghiện ngập,
Ngẫm mà coi, thú nhất thuốc lào.
Nghiện thuốc lào là cái nghiện thanh tao,
Chẳng hại tiền của, mà chẳng hao sĩ diện.
Chốn phòng khách, anh em khi hội kiến,
Có thuốc lào câu chuyện mới thêm duyên.
Khi lòng ta tư lự không yên,
Hút mồi thuốc cũng giải phiền đôi chút.
Nghe tiếng điếu kêu giòn, nhìn khói bay nghi ngút,
Nỗi lo buồn theo khói vút thăng thiên.
Cái điếu cùng ta là bạn chí hiền,
Từ thiên cổ tơ duyên chặt kết.
Cũng có kẻ muốn dứt tình khăng khít,
Vùi điếu đi cho hết đa mang.
Nhưng nỗi nhớ nhung bứt rứt tấm gan vàng,
Chút nghĩa cũ lại đa mang chi tận tuỵ.
Cho nên bảo điếu thuốc lào là quốc tuý,
Thật là lời chí lý không ngoa.
Thuốc lào, ta hút điếu ta,
Điếu ta thọ với sơn hà muôn năm… -
Hai mặt mà mắt miệng không
-
Thẳng mực Tàu đau lòng gỗ
Dị bản
-
Nước trong, cá chẳng ăn mồi
Nước trong cá chẳng ăn mồi
Đừng câu mà mệt đừng ngồi mà trưaDị bản
Câu cá, cá chẳng ăn mồi
Đừng câu mà mệt đừng ngồi mà trưaNước trong cá chẳng cắn mồi
Càng câu càng mất, càng ngồi càng khuya
Chú thích
-
- Khu 4
- Một đơn vị hành chính - quân sự cũ ở vùng Bắc Trung Bộ, do chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đặt ra và sử dụng từ cuối năm 1945 đến đầu năm 1948, gồm có các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên.
-
- Khu 3
- Một đơn vị hành chính - quân sự cũ ở vùng đồng bằng sông Hồng, do chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đặt ra và sử dụng từ cuối năm 1945 đến đầu năm 1948, gồm có các tỉnh thành: Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Kiến An, Quảng Yên, Hải Ninh, Hải Phòng.
-
- Nông Cống
- Tên một huyện nằm ở phía Nam tỉnh Thanh Hóa, trước đây còn có tên là Tư Nông.
-
- Hò sông Mã
- Một thể loại hò đặc sắc của Thanh Hóa, được những người chèo đò (gọi là trai đò) hát trên sông Mã. Hò sông Mã được gọi tên theo từng chặng khác nhau từ lúc đò rời bến cho đến khi cập bến: Hò rời bến, sắng đò ngược, hò xuôi dòng, hò đường trường, hò ru ngủ, hò mắc cạn, hò niệm Phật, hò cập bến...
Xem phóng sự Điệu hò trên một dòng sông.
-
- Rau má
- Một loại cây thân thảo ngắn ngày, thường được trồng để ăn tươi hoăc sắc lấy nước uống. Nước rau má có tác dụng giải độc, hạ huyết áp, làm mát cơ thể. Lá rau má hình thận, nhỏ bằng đồng xu.
-
- Nem
- Một món ăn làm từ thịt lợn, lợi dụng men của các loại lá (lá ổi, lá sung...) và thính gạo để ủ chín, có vị chua ngậy. Nem được chia làm nhiều loại như nem chua, nem thính... Nem phổ biến ở nhiều vùng, mỗi vùng đều có hương vị riêng: Vĩnh Yên, làng Ước Lễ (Hà Đông), làng Vẽ (Hà Nội), Quảng Yên (Quảng Ninh), Thanh Hóa, Đông Ba (Huế), Ninh Hòa (Khánh Hòa), Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh), Lai Vung (Đồng Tháp)...
-
- Hoa hiên
- Cũng gọi là kim châm, một loại cây thân cỏ sống lâu năm ra hoa vào mùa hạ và mùa thu. Hoa hiên màu vàng hoặc màu đỏ, có mùi thơm, được dùng làm màu nhuộm, gọi là màu hoa hiên.
-
- Xe
- Ống dài dùng để hút thuốc lào hay thuốc phiện. Ống cắm vào điếu bát để hút thuốc lào được gọi là xe điếu hoặc cần hút. Ống để hút thuốc phiện gọi là xe lọ.
-
- Trắc
- Loại cây lớn, cho gỗ quý, thường dùng để làm đồ thủ công mĩ nghệ, chạm khảm...
-
- Sái
- Phần bã thuốc phiện, thuốc lào còn lại sau khi hút. Người hút thuốc phiện, sau khi hút cữ đầu tiên, nếu còn thòm thèm mà không còn tiền thì thường nạo sái trong ống thuốc ra để hút lại.
Dân gian có từ "hưởng sái" chính là từ chữ này.
-
- Ma trơi
- Đám sáng thường thấy lập lòe ban đêm trên bãi tha ma, do hợp chất phốt-pho từ xương người chết thoát ra và bốc cháy khi gặp không khí, theo mê tín cho là có ma hiện.
Bàn độc chen chân chó nhảy ngồi
Mồ chiều xanh lạnh lửa ma trơi
Dậu chưa đổ đã bìm chen lấn
Huyệt chửa đào xong đã quỷ cười
(Chờ đợi nghìn năm - Mai Thảo)
-
- Nường
- Nàng (từ cũ).
-
- Phù dung
- Tên gọi khác của cây thuốc phiện. Chiết xuất của loại cây này dùng làm thuốc giảm đau rất tốt, đồng thời cũng là nguyên liệu để chế thuốc phiện. Vì thế người xưa gọi thuốc phiện là "nàng phù dung" hoặc "ả phù dung."
-
- Nâu
- Cũng gọi là bồ nâu, một loại cây mọc hoang ở vùng núi, có củ hình tròn, vỏ sần sùi, màu xám nâu, thịt đỏ hay hơi trắng, rất chát. Củ nâu có thể dùng để nhuộm (gọi là nhuộm nâu), luộc ăn, hoặc làm vị thuốc.
-
- Cơi trầu
- Một đồ dùng thường làm bằng gỗ, phủ sơn, trông như một cái khay tròn có nắp đậy, dùng để đựng trầu. Tục xưa khi khách đến nhà, chủ thường mang cơi trầu ra mời khách ăn trầu.
-
- Choa
- Tôi, tao, mình. Cách xưng hô của ngôi thứ nhất (phương ngữ của một số tỉnh miền Trung).
-
- Yếm
- Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.
-
- Mòng
- Cũng gọi là mòng mòng hoặc ruồi trâu, loài ruồi lớn chuyên hút máu trâu bò, truyền nhiễm bệnh dịch ở gia súc.
-
- Lò giếng
- Loại lò đục sâu xuống (thẳng đứng hoặc nghiêng) trong các mỏ than.
-
- Vân vi
- Đầu đuôi câu chuyện, đầu đuôi sự tình (từ cũ).
-
- Đâm
- Giã, như đâm bèo, đâm tiêu... (phương ngữ).
-
- Bức thuận
- Bức vách ngăn giữa các gian, phòng trong những công trình cổ, thường được chạm trổ tinh xảo để trang trí.
-
- Máu hồng bào
- Máu ghen.
-
- Tô mộc
- Còn gọi là vang, tô phượng, vang nhuộm, co vang, mạy vang, một loại cây thân gỗ nhỏ, rất rắn, có phần đỏ nâu ở phần lõi và trắng ở phần ngoài. Gỗ cây được dùng làm vị thuốc đông y, hay làm thuốc nhuộm đỏ. Ở nước ta gỗ tô mộc còn được sử dụng như một thành phần nấu nước rửa hài cốt khi cải táng. Phần lõi gỗ được dùng trong chạm khắc mĩ nghệ.
-
- Bơ thờ
- Thẫn thờ và ngơ ngẩn vì không ổn định trong lòng.
-
- Lắng
- Để yên cho cấn, bã chìm xuống đáy. Cũng gọi là lóng.
-
- Thầy pháp
- Thầy phù thủy, theo tín ngưỡng dân gian được cho là có pháp thuật, trừ được tà ma quỷ quái.
-
- Hạ bạc
- Nghề bắt cá. Trong xã hội cũ, đây là một nghề bị coi thường, khinh rẻ.
-
- Ngỡi
- Tiếng địa phương Nam Bộ của "ngãi" (nghĩa, tình nghĩa).
-
- Cắn chắt
- Cắn ăn hạt lúa (cho vui miệng hoặc đỡ đói).
Về ngóng cô nàng xưa cắn chắt
cười lia dăm hạt cốm
giờ đã nằm sương giậu lả tầm xuân
(Người không về - Hoàng Cầm)
-
- Sam
- Một sinh vật biển thuộc bộ giáp xác. Sam thường đi thành cặp ở dưới nước, lúc nào con sam đực cũng ôm lấy con sam cái, gọi là đôi sam. Dân gian ta có thành ngữ "thương như sam" hoặc "dính như sam."
-
- Chè
- Cũng gọi là trà, tên chung của một số loại cây được trồng lấy lá nấu thành nước uống. Một loại có thân mọc cao, lá lớn và dày, có thể hái về vò nát để nấu uống tươi, gọi là chè xanh. Loại thứ hai là chè đồn điền du nhập từ phương Tây, cây thấp, lá nhỏ, thường phải ủ rồi mới nấu nước, hiện được trồng ở nhiều nơi, phổ biến nhất là Thái Nguyên và Bảo Lộc thành một ngành công nghiệp.
-
- Dứa
- Còn gọi là thơm hoặc gai, loại cây ăn quả có thân ngắn, lá dài, cứng, có gai ở mép và mọc thành cụm ở ngọn thân, quả có nhiều mắt, phía trên có một cụm lá.
-
- Chợ Động
- Tên một ngôi chợ thuộc xã Mai Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Tên chợ được người dân ở đây phát âm nặng hơn là chợ Đôộng.
-
- Cá bống
- Một họ cá sông rất quen thuộc ở khắp ba miền Bắc, Trung, Nam (tại đây loài cá này cũng được gọi là cá bóng). Cá bống sống thành đàn, thường vùi mình xuống bùn. Họ Cá bống thật ra là có nhiều loài. Tỉnh Quảng Ngãi ở miền Trung nước ta có loài cá bống sông Trà nổi tiếng, trong khi ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, loài được nhắc tới nhiều nhất là cá bống tượng. Cá bống được chế biến thành nhiều món ăn ngon, có giá trị cao.
-
- Chợ Chè
- Tên một ngôi chợ thuộc xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
-
- Vừng
- Miền Trung và miền Nam gọi là mè, một loại cây nông nghiệp ngắn ngày, cho hạt. Hạt vừng là loại hạt có hàm lượng chất béo và chất đạm cao, dùng để ăn và ép lấy dầu.
-
- Chợ Trạm
- Tên một ngôi chợ ở xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
-
- Rạm
- Loài cua nhỏ thân dẹp có nhiều lông, sống ở vùng nước lợ. Rạm giàu chất bổ dưỡng, được chế biến thành nhiều món ăn quen thuộc như: rạm rang lá lốt, rạm nướng muối ớt, canh rạm rau đay, canh rạm rau dền mồng tơi...
-
- Chợ Thùi
- Tên một ngôi chợ thuộc xã An Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Trước thời kỳ chống Pháp, chợ Thùi đóng ở bến đò chợ Thùi (thôn Thạch Bàn), nơi hạ nguồn sông Kiến Giang. Đến những năm 1960, chợ được dời sang Mũi Viết, thuộc thôn Phú Thọ. Quy mô không lớn như nhiều chợ khác nhưng chợ Thùi đã nức tiếng hàng trăm năm nay và có nhiều khác biệt so với những chợ trong vùng. Sách Địa chí Lệ Thủy giải thích: “Thùi theo tiếng Chăm có nghĩa là quán lợp lá, từ đó có thể suy ra chợ Thùi có nghĩa là chợ có những cái quán lợp bằng lá. Điều này phù hợp với thực tế, bởi chợ Thùi tuy tồn tại khá lâu nhưng chỉ là những quán lá san sát nhau, không có đình chợ như các chợ khác trong vùng”. Chợ là nơi hội tụ những sản vật đồng ruộng, đầm phá.
-
- Chợ Tréo
- Tên một ngôi chợ nay thuộc địa phận thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, nằm ở ngã ba sông Kiến Giang. Chợ rất sầm uất, bán rất nhiều món ăn đặc trưng của vùng quê chiêm trũng: bánh ướt, bánh tráng, bánh đòn, bánh nếp, chè bột lọc, bún thịt lợn...
-
- Chợ Tuy Lộc
- Tên một ngôi chợ ở xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
-
- Cá thu
- Loại cá biển, thân dài, thon, không có hoặc có rất ít vảy. Từ cá thu chế biến ra được nhiều món ăn ngon.
-
- Cá ngừ
- Một loài cá biển đặc biệt thơm ngon, mắt rất bổ, được chế biến thành nhiều loại món ăn ngon và hiện nay là nguồn hàng xuất khẩu có giá trị. Nghề câu cá ngừ đại dương tại Việt Nam ra đời năm 1994, nhờ công sức phát hiện ra phương pháp câu của ngư dân Phú Yên. Sau đó nghề này dần lan rộng, trở thành thế mạnh của ngư dân duyên hải Nam Trung Bộ như Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa...
-
- Nuốt
- Cũng viết là nuốc, một loại sứa gặp nhiều ở các vùng biển Bắc Trung Bộ. Nuốt được chế biến thành các món bình dân như nuốt chấm ruốc, bún giấm nuốt…
-
- Chợ Cưỡi
- Tên một ngôi chợ thuộc thôn Thanh Mỹ, xã Thanh Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
-
- Khoai mì
- Miền Trung và Nam gọi là sắn, một loại cây lương thực cho củ. Củ sắn dùng để ăn tươi, làm thức ăn gia súc, chế biến sắn lát khô, bột sắn nghiền, tinh bột sắn... Sắn cũng thường được ăn độn với cơm, nhất là trong thời kì khó khăn (như thời bao cấp).
-
- Thị
- Loài cây thân gỗ, sống lâu năm, cho quả màu vàng, rất thơm, ăn được.
Trước giờ ra về, bao giờ nó cũng bóc thị ra và hai đứa tôi cùng ăn. Ăn xong, chúng tôi không quên dán những mảnh vỏ thị lên bàn rồi ngoẹo cổ nhìn. Những mảnh vỏ thị được bóc khéo khi dán lên bàn hoặc lên tường trông giống hệt một bông hoa, có khi là hoa quì, có khi là hoa cúc đại đóa, có khi là một loài hoa không tên nào đó màu vàng.
(Mắt biếc - Nguyễn Nhật Ánh)
-
- Chợ Mỹ Đức
- Tên một ngôi chợ thuộc xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
-
- Lệ Thủy
- Một địa danh nay là huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Nơi đây nổi tiếng với sông Kiến Giang, khu nghỉ mát suối nước khoáng Bang, văn hóa đặc trưng Hò khoan Lệ Thủy, trong đó có điệu hò khoan chèo đò, hò giã gạo. Hằng năm, vào ngày 2 tháng 9, nơi đây diễn ra đua thuyền truyền thống. Tương truyền đây là vùng đất địa linh nhân kiệt, là quê hương của Sùng Nham hầu Dương Văn An, Chiêu Vũ hầu Nguyễn Hữu Dật, Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, Kim tử Vinh Lộc Đại phu Đặng Đại Lược, Thạc Đức hầu Đặng Đại Độ, Sư bảo Nguyễn Đăng Tuân, Vũ Đăng Phương, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm...
-
- Nam Định
- Một địa danh nay là một tỉnh thuộc đồng bằng Bắc Bộ. Nam Định có bề dày truyền thống lịch sử và văn hoá từ thời kì dựng nước, là quê hương của nhiều danh nhân như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Hiền, Lương Thế Vinh, Trần Tế Xương, Nguyên Hồng, Văn Cao... Ở đây cũng có nhiều di tích, lễ hội dân gian, đặc sản...
-
- Cu li
- Từ tiếng Pháp coolie, chỉ người lao động làm những công việc nặng nhọc.
-
- Cai mộ
- Người trông coi, quản lí việc tuyển mộ phu phen dưới thời Pháp thuộc.
-
- Cà rạp
- Cách phiên âm từ craft, nghĩa là tàu.
-
- Sauvage
- Tên một hãng vận tải đường thủy lớn của Pháp ở các nước Đông Dương vào đầu thế kỉ 20. Dân gian cũng gọi hãng này là hãng Tây Điếc vì chủ hãng là Fortuné Sauvage bị điếc.
-
- Hải Phòng
- Một địa danh nay là thành phố Hải Phòng, thành phố cảng lớn nhất thuộc miền Bắc nước ta. Theo thư tịch cũ, toàn địa bàn xứ Đông (Hải Dương) xưa - bao gồm cả Hải Phòng ngày nay - thời Hùng Vương thuộc bộ Dương Tuyền, là một trong 15 bộ của nhà nước Văn Lang. Đến cuối thế kỉ 19, Hải Phòng đã thành một trong các thành phố lớn nhất nước. Về văn hóa, tại đây có nhiều đền chùa thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo, Lê Hoàn và Ngô Quyền, đồng thời là quê hương của các nhạc sĩ lớn như Văn Cao, Hoàng Quý, Đoàn Chuẩn, Ngô Thụy Miên... Hải Phòng cũng là một trung tâm du lịch nổi tiếng của Việt Nam với bãi biển Đồ Sơn và quần đảo Cát Bà. Vì có nhiều hoa phượng nên Hải Phòng còn được gọi là thành phố hoa phượng đỏ.
-
- Hạ Lý
- Địa danh nay là một phường thuộc thành phố Hải Phòng, nằm bên bờ sông Cấm.
-
- Cẩm Phả
- Một địa danh nay là thành phố thuộc tỉnh Quảng Ninh. Tại đây từ xưa đã nổi tiếng với ngành khai thác than đá. Cẩm Phả cũng có nghề khai thác hải sản với hơn 50 km bờ biển, nhưng chủ yếu là đánh bắt gần bờ, sản lượng thấp.
-
- Nậu
- Nghĩa gốc là một nhóm nhỏ cùng làm một nghề (nên có từ "đầu nậu" nghĩa là người đứng đầu). Ví dụ: “Nậu nguồn” chỉ nhóm người khai thác rừng, “Nậu nại” chỉ nhóm người làm muối, “Nậu rổi” chỉ nhóm người bán cá, “Nậu rớ” chỉ nhóm người đánh cá bằng rớ vùng nước lợ, “Nậu cấy” chỉ nhóm người đi cấy mướn, “Nậu vựa” chỉ nhóm người làm mắm... Từ chữ “Nậu” ban đầu, phương ngữ Phú Yên-Bình Định tỉnh lược đại từ danh xưng ngôi thứ ba (cả số ít và số nhiều) bằng cách thay từ gốc thanh hỏi. Ví dụ: Ông ấy, bà ấy được thay bằng: “ổng,” “bả.” Anh ấy, chị ấy được thay bằng: “ảnh,” “chỉ.” Và thế là “Nậu” được thay bằng “Nẩu” hoặc "Nẫu" do đặc điểm không phân biệt dấu hỏi/ngã khi phát âm của người miền Trung. Người dân ở những vùng này cũng gọi quê mình là "Xứ Nẫu."
-
- Phú Lễ
- Tên một thôn nay thuộc xã Hòa Thành, huyện Đông Hoà, tỉnh Phú Yên.
-
- Mũi Đại Lãnh
- Còn có tên gọi khác là Mũi Nạy, Mũi Ba, Mũi Điện, Cap Varella (đặt theo tên một tướng giặc Pháp tự cho có công phát hiện nơi này), thuộc địa phận thôn Phước Tân, xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Đây là một nhánh của dãy Trường Sơn đâm ra biển. Trên mũi có ngọn hải đăng lớn chỉ đường cho tàu thuyền trong khu vực. Đây được xem là điểm cực Đông, nơi đón ánh nắng đầu tiên của nước ta.
-
- Mực nang
- Một loại mực có thịt dày, trắng ngần như cơm dừa, vị giòn, ngọt, thơm. Mực nang thường được chế biến thành món mực hấp, xào, nướng... đều rất ngon.
-
- Cơ hàn
- Đói (cơ 飢) và lạnh (hàn 寒). Chỉ chung sự nghèo khổ cơ cực.
Bạn ngồi bạn uống rượu khan
Tôi ngồi uống nỗi cơ hàn bạn tôi!
(Gặp bạn ở chợ Bến Thành - Hoàng Đình Quang)
-
- Rày
- Nay, bây giờ (phương ngữ).
-
- Qua
- Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
-
- Chu choa
- Cũng viết là chu cha, thán từ người miền Trung thường dùng để bộc lộ sự ngạc nhiên, sợ hãi, vui vẻ...
-
- Sịa
- Đồ đan bằng tre, nứa, lòng nông, mắt thưa, nhỏ hơn cái nia, dùng để phơi hoặc sấy.
-
- Dưa gang
- Một loại dưa quả dài, vỏ xanh pha vàng cam (càng chín sắc vàng càng đậm), kích thước tương đối lớn.
-
- Chình
- Cái chĩnh nhỏ, dùng để đựng gạo hoặc mắm (phương ngữ).
-
- Nồi bảy, nồi ba
- Cách phân loại độ lớn của nồi thời xưa. Nồi bảy nấu được bảy lon gạo, nồi ba nấu được ba lon.
-
- Mướp đắng
- Miền Trung và miền Nam gọi là khổ qua (từ Hán Việt khổ: đắng, qua: dưa) hoặc ổ qua, một loại dây leo thuộc họ bầu bí, vỏ sần sùi, vị đắng, dùng làm thức ăn hoặc làm thuốc.
-
- Ki
- Một loại giỏ đan bằng nan tre (tương tự như cần xé) thường gặp ở Trung và Nam Bộ, dùng để đựng trái cây, nông sản.
-
- Tài tử giai nhân
- Người con trai có tài, người con gái có sắc. Chỉ những người tài sắc nói chung.
Dập dìu tài tử giai nhân
Ngựa xe như nước, áo quần như nêm
(Truyện Kiều)
-
- Thực vật
- Đồ ăn uống, đồ dùng sinh hoạt nói chung.
-
- Túc dụng
- Đủ dùng (từ Hán Việt).
-
- Cựu thời
- Thời trước, thời xưa (từ Hán Việt).
-
- Bộc
- Phơi bày, bộc bạch (từ Hán Việt).
-
- Nhi thinh
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Nhi thinh, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Xuân nhựt
- Xuân nhật, ngày xuân (từ Hán Việt).
-
- Ức
- Ham, muốn (từ cũ).
-
- Minh niên
- Năm nay (từ Hán Việt).
-
- Hỉ hạ
- Vui mừng, chung vui. Như hỉ hả, hể hả.
-
- Dã
- Chốn quê mùa. Ở đây ý chỉ Bình Định.
-
- Huế
- Một địa danh ở miền Trung, nay là thành phố thủ phủ của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Là kinh đô của Việt Nam dưới triều đại phong kiến nhà Nguyễn (1802 - 1945), Huế còn được gọi là đất Thần Kinh (ghép từ hai chữ kinh đô và thần bí) hoặc cố đô. Huế là một vùng đất thơ mộng, được đưa vào rất nhiều thơ văn, ca dao dân ca và các loại hình văn học nghệ thuật khác, đồng thời cũng là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa với nón Bài Thơ, nhã nhạc cung đình, ca Huế, các đền chùa, lăng tẩm, các món ẩm thực đặc sắc...
Địa danh "Huế" được cho là bắt nguồn từ chữ "Hóa" trong Thuận Hóa, tên cũ của vùng đất bao gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.
-
- Điện Quang
- Tên một hiệu pháo nổi tiếng ngày trước. Pháo Điện Quang tuy nhỏ nhưng nổ rất giòn giã, không có viên lép, xác pháo đều.
-
- Lôi đình
- Sấm sét (từ Hán Việt).
-
- Hung
- Dữ, quá (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Tiêu xoay
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Tiêu xoay, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Ngún hừng
- Ngún (thường nói về lửa) là cháy ngầm; hừng là cháy phừng lên, dấy lên. Ngún hứng là chập chờn không đều lửa.
-
- Hắt
- Dứt khoát (phương ngữ Trung Bộ).
-
- Đây là lời các gian hàng bán pháo Tết rao bằng cách hát theo điệu bài chòi, thường thấy ngày xưa ở chợ Gò (Tuy Phước, Bình Định). Chợ Gò ngày ấy mỗi dịp Tết lại bán pháo rất nhiều, nên còn gọi là chợ Pháo. Bài này do thi sĩ Sinh Hòa cung cấp, dẫn bởi Trần Đình Thái trong sách Ai có về Qui Nhơn (1973).
-
- Truyện Kiều
- Tên gọi phổ biến của tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh gồm 3.254 câu thơ lục bát của đại thi hào Nguyễn Du. Nội dung chính của truyện dựa theo tác phẩm Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, Trung Quốc, xoay quanh quãng đời lưu lạc sau khi bán mình chuộc cha của Thúy Kiều.
Truyện Kiều có ảnh hưởng rất lớn đối với nền văn hóa nước ta. Đối đáp bằng những ngôn từ, lời lẽ trong truyện Kiều cũng đã trở thành một hình thức sinh hoạt văn hóa của một số cộng đồng người Việt như lẩy Kiều, trò Kiều, vịnh Kiều, tranh Kiều, bói Kiều... Một số tên nhân vật, địa danh và các chi tiết trong Truyện Kiều cũng đã đi vào cuộc sống: Sở Khanh, Tú Bà, Hoạn Thư, chết đứng như Từ Hải...
-
- Minh
- Sáng suốt (từ Hán Việt).
-
- Thúy Kiều
- Nhân vật chính trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du. Thúy Kiều là một người con gái tài sắc vẹn toàn, vì bán mình chuộc cha mà phải trải qua mười lăm năm lưu lạc, gặp nhiều đắng cay khổ sở, "thanh lâu hai lượt thanh y hai lần," cuối cùng mới được đoàn viên cùng người tình là Kim Trọng.
-
- Kim Trọng
- Một nhân vật trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du. Kim Trọng là một thư sinh hào hoa phong nhã, bạn học của Vương Quan (em ruột Thúy Kiều). Kiều và Kim Trọng gặp và đem lòng yêu nhau. Khi phải bán mình chuộc cha, Kiều nhờ em là Thúy Vân thay mình gá nghĩa cùng Kim Trọng. Sau mười lăm năm lưu lạc, hai người lại đoàn viên.
-
- Lầu xanh
- Từ chữ thanh lâu, chỉ nhà thổ, nơi gái điếm hành nghề. Ở Trung Hoa ngày trước, nhà thổ thường sơn màu xanh nên gọi như vậy.
-
- Sở Khanh
- Tên một nhân vật trong tác phẩm Truyện Kiều. Vốn là một gã ăn chơi, Sở Khanh đã lừa Thúy Kiều rằng y thật lòng yêu thương và muốn cứu nàng khỏi chốn lầu xanh, nhưng cuối cùng lại "quất ngựa truy phong." Cái tên Sở Khanh ngày nay thường được dùng để chỉ những kẻ chuyên đi lừa những người con gái nhẹ dạ.
-
- Kết tóc xe tơ
- Kết tóc: Thuở xưa, con trai và con gái đều để tóc dài bới lên đầu. Trong đêm tân hôn, tóc của dâu rể được các nữ tì buộc vào nhau. Xe tơ: Xem chú thích Nguyệt Lão.
Kết tóc xe tơ có nghĩa là cưới nhau, thành vợ thành chồng.
-
- Từ Hải
- Nhân vật trong Truyện Kiều, cũng là một tướng cướp có thật trong lịch sử. Dưới triều đình phong kiến, Từ Hải là kẻ phiến loạn, mang tội bất trung. Từ Hải gặp Thúy Kiều trong lầu xanh và chuộc Kiều ra, giúp Kiều báo ân báo oán. Về sau Từ Hải nghe lời khuyên của Thúy Kiều, quy hàng triều đình, chẳng ngờ mắc mưu và bị giết. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du mô tả cái chết của Từ Hải là chết đứng giữa trận tiền:
Trơ như đá, vững như đồng,
Ai lay chẳng chuyển, ai rung chẳng dời
-
- Tiền Đường
- Sông Tiền Đường, còn có tên cổ là Chiết Giang, Khúc Giang hay Chi Giang, là dòng sông lớn nhất của tỉnh Chiết Giang, chảy ra vịnh Hàng Châu. Sông Tiền Đường bắt nguồn từ vùng ranh giới giữa hai tỉnh An Huy và Giang Tây, chảy qua Hàng Châu, thủ phủ tỉnh Chiết Giang. Đây cũng là địa bàn của nước Việt cổ trong lịch sử Trung Hoa, là nơi phát nguyên của văn hóa Việt bên Trung Hoa. Về cơ bản, con sông này chảy theo hướng tây nam-đông bắc.
-
- Bằng hữu
- Bạn bè (từ Hán Việt).
-
- Hủ tiếu
- Cũng viết là hủ tíu, cách đọc tiếng Quảng Đông của 粿條 (quả điều), một món ăn của người Triều Châu và người Mân Nam, sau trở thành món ăn rất quen thuộc ở miền Nam. Đặc biệt là Sài Gòn, hầu như trên bất cứ con đường nào cũng có thể bắt gặp một quán hủ tiếu hoặc xe đẩy hủ tiếu (hủ tiếu gõ). Có thể nói Hủ tiếu là món ăn đặc trưng tại Sài gòn, tương tự như phở ở Hà Nội.
Nguyên liệu chính của món hủ tiếu là bánh hủ tiếu, nước dùng chính là với thịt bằm nhỏ và lòng heo, có thể ăn với thịt bò viên và tương.
-
- Xá xíu
- Cách phát âm của chữ Hán 叉燒 (xoa thiêu), món thịt heo quay theo kiểu Trung Quốc, thường gặp ở miền Nam. Món này vốn bắt nguồn từ cách lấy thịt heo, lạng bỏ xương, ướp gia vị, xỏ ghim rồi đem nướng trên lửa (xoa thiêu có nghĩ là nướng xâu). Thịt thường dùng là thịt vai, ướp mật ong, ngũ vị hương, xì dầu, chao, tương đen hoisin, phẩm màu đỏ, và rượu. Hỗn hợp gia vị trên làm cho món xá xíu có sắc đỏ. Đôi khi mạch nha được dùng quết lên để làm thịt óng ả thêm hấp dẫn. Thịt xá xíu thường có bán ở những hiệu thịt quay người Hoa, bán chung với vịt quay, heo quay, dùng làm nhân bánh bao, trộn với cơm chiên, hoặc ăn kèm với mì hay cơm trắng.
-
- Rau cần
- Một loại rau xanh thường được nhân dân ta trồng để nấu canh, xào với thịt bò, hoặc làm vị thuốc.
-
- Rô ti
- Quay (thịt). Từ này bắt nguồn từ tiếng Pháp rôti.
-
- Cá chép
- Tên Hán Việt là lí ngư, một loại cá nước ngọt rất phổ biến ở nước ta. Ngoài giá trị thực phẩm, cá chép còn được nhắc đến trong sự tích "cá chép vượt vũ môn hóa rồng" của văn hóa dân gian, đồng thời tượng trưng cho sức khỏe, tài lộc, công danh.
Ở một số địa phương miền Trung, cá chép còn gọi là cá gáy.
-
- Nem nướng
- Một món ăn làm từ thịt heo nạc băm nhuyễn, thêm đường, hạt nêm, tiêu để cho ngấm rồi viên dài, xiên vào que tre đã chuẩn bị sẵn, nướng trên bếp than hồng, ăn với bánh tráng và rau sống (dấp cá, hẹ, húng quế, xà lách, dưa leo, chuối chát, khế...). Nem nướng nổi tiếng nhất có lẽ là ở Ninh Hòa.
-
- Bánh hỏi
- Một đặc sản có mặt ở nhiều vùng khác nhau: Vũng Tàu, Bến Tre, Phú Yên, Nha Trang, Bình Định, Sóc Trăng... Bánh được làm từ bột gạo và có quy trình chế biến đặc biệt công phu, tỉ mỉ. Thường được ăn chung với mỡ hành, thịt quay, thịt nướng, lòng heo... đây là món ăn không thể thiếu trong những dịp lễ, cúng giỗ, cưới hỏi.
-
- Hẹ
- Một loại rau được dùng nhiều trong các món ăn và các bài thuốc dân gian Việt Nam.
-
- Cầu Long Biên
- Cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng tại Hà Nội, do Pháp xây dựng (1898 - 1902), là cây cầu sắt dài thứ nhì thế giới thời bấy giờ (sau cầu Brooklyn ở Mỹ). Cầu ban đầu mang tên viên Toàn quyền Đông Dương là Paul Doumer, dân gian hay gọi là cầu sông Cái, cầu Bồ Đề, cầu Dốc Gạch. Năm 1954, cầu được đổi tên thành cầu Long Biên. Là một cây cầu lâu năm và có giá trị lịch sử, hiện nay có nhiều đề xuất tu sửa, cải tạo cầu Long Biên.
-
- Tỉnh Hà Nội
- Một trong số 13 tỉnh được thành lập sớm nhất ở Bắc Kỳ, lập vào năm 1831 dưới thời Minh Mạng.
Tỉnh Hà Nội gồm có 4 phủ: Hoài Đức (kinh thành Thăng Long cũ và huyện Từ Liêm thuộc phủ Quốc Oai của tỉnh Sơn Tây), các phủ Ứng Hòa, Lý Nhân, Thường Tín của trấn Sơn Nam Thượng. Tỉnh lỵ là thành Thăng Long cũ. Phủ Ứng Hòa có 4 huyện Chương Đức (sau đổi là Chương Mỹ), Hoài An, Sơn Minh và Thanh Oai. Phủ Lý Nhân có 5 huyện Bình Lục, Duy Tiên, Kim Bảng, Nam Xương và Thanh Liêm. Phủ Thường Tín có 3 huyện Phú Xuyên, Thanh Trì và Thượng Phúc. Tổng cộng tỉnh Hà Nội có 15 huyện thuộc 4 phủ trên.
-
- Gia Lâm
- Địa danh nay là một huyện ngoại thành, ở về phía Đông của thành phố Hà Nội. Tại đây nổi tiếng với làng gốm Bát Tràng, đồng thời là quê hương của hai nhân vật trong Tứ Bất Tử: Chử Đồng Tử và Thánh Gióng, cùng với nhiều danh nhân văn hóa - lịch sử khác: Nguyên phi Ỷ Lan, Ngọc Hân công chúa, Lý Thường Kiệt...
-
- Cây lô mét
- Còn đọc là ki lô mét, mượn từ tiếng Pháp kilomètre.
-
- Mộ phu
- Tuyển mộ dân phu (những người làm công việc chân tay nặng nhọc).
-
- Ái Mộ
- Tên một làng cũ, nay thuộc địa bàn quận Long Biên, Hà Nội.
-
- Sông Hồng
- Còn gọi là sông Cái, con sông lớn nhất chảy qua các tỉnh miền Bắc với nhiều phụ lưu cũng là các con sông lớn như sông Đà, sông Lô... Vùng hạ lưu sông gọi là đồng bằng sông Hồng, rất rộng lớn và màu mỡ, là vựa lúa lớn thứ hai của cả nước (sau đồng bằng sông Cửu Long). Đoạn chảy qua Thăng Long trước đây gọi là Nhị Hà.
Sông Hồng là con sông gắn liền với đời sống văn hoá, tình cảm của người dân Bắc Bộ.
-
- Nhịp cầu
- Khoảng cách giữa hai trụ cầu và mố cầu liền nhau.
-
- Rạ
- Rơm, phần còn lại của lúa sau khi gặt. Nhân dân ta thường dùng rơm rạ để lợp nhà hoặc làm chất đốt.
-
- Thuốc lào
- Theo học giả Đào Duy Anh, cây thuốc lào có lẽ từ Lào du nhập vào Việt Nam nên mới có tên gọi như thế. Sách Vân Đài loại ngữ và Đồng Khánh dư địa chí gọi cây thuốc lào là tương tư thảo (cỏ nhớ thương), vì người nghiện thuốc lào mà hai, ba ngày không được hút thì trong người luôn cảm thấy bứt rứt khó chịu, trong đầu luôn luôn nghĩ đến một hơi thuốc, giống như nhớ người yêu lâu ngày không gặp. Thời xưa, ngoài "miếng trầu là đầu câu chuyện," thuốc lào cũng được đem ra để mời khách. Hút thuốc lào (cũng gọi là ăn thuốc lào) cần có công cụ riêng gọi là điếu.
Thuốc lào thường được đóng thành bánh để lưu trữ, gọi là bánh thuốc lào.
-
- Quốc túy
- Cái đặc sắc về tinh thần hoặc vật chất của một dân tộc.
-
- Yên vân
- Khói (yên) mây (vân).
-
- Thừa
- Một chức vụ nhỏ trong các nha phủ dưới thời phong kiến.
-
- Đa mang
- Tự vương vấn vào nhiều tình cảm để rồi phải đeo đuổi, vấn vương, dằn vặt không dứt ra được.
Thôi em chả dám đa mang nữa
Chẳng buộc vào chân sợi chỉ hồng
(Xuân tha hương - Nguyễn Bính)
-
- Sơn hà
- Núi sông (từ Hán Việt). Từ cũ, nghĩa rộng dùng để chỉ đất nước.
Nam quốc sơn hà Nam Đế cư
Tiệt nhiên phận định tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư
(Lý Thường Kiệt)Dịch thơ:
Sông núi nước Nam vua Nam ở
Rành rành định phận tại sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.
-
- Mực Tàu
- Mực đen đóng thành thỏi, dùng mài vào nước để viết thư pháp (chữ Hán và gần đây là chữ quốc ngữ) bằng bút lông, hoặc để vẽ.
-
- Thẳng mực Tàu: Người thợ mộc dùng sợi dây nhỏ thấm ướt mực Tàu, căng thẳng trên mặt miếng gỗ, rồi búng nhẹ cho sợi dây chạm vào gỗ, làm mực Tàu dính vào gỗ thành một đường thẳng. Người thợ cứ theo mực đó mà cưa, hay đẽo gọt.
Đau lòng gỗ: Miếng gỗ thường cong, nếu lấy thẳng thì không được bao nhiêu gỗ, những miếng gỗ cong thì bị vứt ra không dùng đến.
Câu thành ngữ này có ý nói nếu xử sự một cách quá thẳng thắn thì gây đụng chạm, mích lòng nhiều người.
-
- Vạy
- Cong queo, không ngay thẳng. Từ chữ này mà có các từ tà vạy, thói vạy, đạo vạy...
-
- Dây nảy mực
- Trước đây khi xẻ gỗ (theo bề dọc), để xẻ được thẳng, người thợ cầm một cuộn dây có thấm mực Tàu, kéo dây thẳng ra và nảy dây để mực dính vào mặt gỗ, tạo thành một đường thẳng. Hành động kéo dây nảy mực này cũng gọi là kẻ chỉ.