Ca dao Mẹ

  • Vè cầu Doumer

    Cầu sắt mà bắc ngang sông
    Chàng ơi sang tỉnh mà trông chẳng lầm
    Hà Nội bắc sang Gia Lâm
    Tính cây lô mét độ năm cây tròn
    Họa hình Tây bắc ống nhòm
    Ngắm đi ngắm lại xem còn cong không
    Giở về hội nghị cộng đồng
    Đến năm Mậu Tuất khởi công bắc cầu
    Mộ phu khắp cả đâu đâu
    Xây từ Ái Mộ bắt đầu xây ra
    Bắc qua con sông Nhị Hà
    Chia khoang làm nhịp, mười ba cột vừa
    Lập mưu xây được bây giờ
    Chế ra cái chụp để mà bơm lên
    Bơm hết nước đến bùn đen
    Người chết như rạ vẫn phải len mình vào
    Vỡ bơm nước lại chảy vào
    Chết thì mặc chết ai nào biết không
    Mỗi giờ thuê có một đồng
    Xi măng với đá, dây dòng xuống xây
    Đóng phà, đóng cột, cắm cây
    Xây trên buông xuống thành ngay chân cầu
    Bây giờ đục sắt bắc cầu
    Cột ngang, cột dọc, đường tàu song song
    Bắc từ Dốc Gạch bắc sang
    Chính giữa đường sắt làm đường tàu đi
    Đôi bên nhịp sắt chữ chi
    Bên đi, bên lại chớ hề gặp nhau
    Còn hai bên cạnh rìa cầu
    Sắt chằng hoa thị đi cầu không kinh
    Hai vì đèn máy sáng tinh
    Ai đi đến đấy có xinh chăng là
    Kẻ đi người lại hằng hà
    Mưu kia nào kiệt tính đà cũng thông
    Bề khoát tàu chạy bên trong
    Khoát vừa ba thước đủ dùng không hơn
    Đường ô tô chạy rập rờn
    Cũng khoát thước rưỡi đường trơn phẳng lì
    Còn đường của An Nam đi
    Khoát hơn nửa thước vậy thì tính sao
    Bây giờ kể đến bề cao
    Cao hơn mười thước ai nào biết không
    Làm xong Tây tính tiền công
    Lập mưu, lập kế trả công chẳng rành
    Chế ra giấy bạc dâu xanh
    Trừ tiền giấy bút hết toanh dăm đồng
    Tiền công chẳng đáng tiền công
    Kẻ còn, người mất mà lòng xót thay!
    Hội cầu năm ấy vui vầy
    Nhớ ngày hăm mốt tháng hai, công hoàn.

  • Bình luận

Cùng thể loại:

  • Vè ông Hường Hiệu

    Kể từ lịch sử nước Nam triều,
    Thương cho mấy người tài năng học sĩ chết đã nhiều vì Tây qua
    Quảng Nam có ông Hường Hiệu ở Thanh Hà,
    Trung thành với nước nên xa chốn triều thần
    Về nhà sầu thảm với nhân dân,
    Lâm vô tử trận chín mười phần còn chi
    Tụi Tây qua đã tới Trung Kỳ,
    Đế đô co kéo còn gì nước Nam
    Giận thay cho chú Cần Thân,
    Cầu tham lam mãi quốc biết ăn làm với ai
    Nước Nam mình thiếu chi kẻ anh tài,
    Văn chương đủ hết không dùi mài cho nên
    Để cho nhà dột khó ngăn,
    Thơ ông Hường để lại dưới đền đinh ninh
    Thương thay cho cộng sản hữu tình,
    Trung thành với Tổ quốc liều mình cho nên khô
    Nghĩ sự tình thảm biết chừng mô,
    Kẻ thì bị đày ra bỏ vợ, người bị giải vô bỏ chồng
    Thù xưa còn hỡi ghi lòng,
    Gang sơn Tổ quốc khi không mà thành
    Giậm chân kêu với ông trời xanh,
    Nhân dân xuất thế giặc Nam thành cũng tan
    Đánh Anh, Tây, Nhật đầu hàng,
    Sơn băng thuỷ kiệt mở mang cho nước nhà.

  • Nem chợ Sãi

    Nem chợ Sãi,
    Vải La Vang
    Khoai Quán Ngang,
    Dầu tràm Đại Nại
    Mai phường Trúc
    Nước độc Kim Giao
    Gạo Phước Điền
    Chiêng Sắc Tứ
    Khoai từ Trà Bát
    Quạt chợ Sòng
    Cá bống Bích La
    Gà Trà Lộc
    Môn độn An Đôn
    Tôm đồng Mai Lĩnh
    Bánh ít Đạo Đầu
    Trầu nguồn Khe Gió
    Cỗ Trung Đơn
    Thơm Bồ Bản
    Nghệ vàng An Lộng
    Xôi thống Hải Thành
    Gạch Trí Bưu
    Lựu Triệu Phước

    Tối ăn khoai
    Mai ăn sắn
    Nắng Đông Hà
    Đàn bà Hội Yên

  • Giữa năm Đinh Dậu mới rồi

    Giữa năm Đinh Dậu mới rồi
    Sư ông chùa Lãng là người đảm đang
    Viết tờ quyên giáo các làng
    Lãng Đông, Năng Nhượng chuyển sang Trực Tầm
    Chiều hôm còn ở Đồng Xâm
    Rạng mai Đắc Chúng, tối tầm Dục Dương
    Cùng với nghĩa sĩ bốn phương
    Phất cờ thần tướng mở đường thiên binh
    Phá dinh công sứ Thái Bình
    Sa cơ ông đã bỏ mình vì dân.

  • Bớ chị em ơi! Đi chợ

    Bớ chị em ơi! Đi chợ
    Chợ nào bằng chợ Gò Chàm
    Tôm tươi cá trụng thịt bò thịt heo
    Còn thêm bánh đúc bánh xèo
    Bánh khô bánh nổ bánh bèo liên u
    Những con cá chép cá thu
    Cá ngừ cá nục cá chù thiệt ngon
    Ngó ra ngoài chợ
    Nẫu bán thịt phay
    Nem tươi chả lụa
    Rượu trà no say
    Ngó ra ngoài chợ
    Nẫu bán trạnh cày
    Roi mây, lưỡi cuốc
    Nẫu bày nghinh ngang
    Ngó ra ngoài chợ
    Nẫu bán sàn sàn
    Khoai lang, bắp đỗ
    Ðục, chàng, kéo, dao
    Xem ra chẳng sót hàng nào
    Quảng Nam, Quảng Ngãi cũng vào đây mua

  • Vè con gái làng Sấu

    Con gái làng Sấu
    Hay cấu hay cào
    Cấu ra bờ rào
    Cấu vào chuồng lợn
    Nào ai có tợn
    Lấy gái làng này?
    Nó vác cả cày
    Ra đồng nó cấu
    Nó vác cả đấu
    Ra đồng nó đong
    Nó vác cả nong
    Ra đồng nó quạt
    Nó vác cả tháp
    Ra đồng nó xây
    Nó gói cả mây
    Bỏ trong giỏ nó
    Nó thắt khăn đỏ
    Nó múa gươm thần

  • Vè bài chòi

    Bài chòi bài tới là ba mươi lá
    Dang tay xớn xá là cái gã Ông Ầm
    Hay đi sụp hầm, là anh Tứ Cẳng
    Một dề trăng trắng, là chị Bạch Huê
    Ăn cận nằm kề, là anh Chín Gối
    Ba chìm bảy nổi, là chị Sáu Ghe
    Lập bạn lập bè, là anh Năm Dụm
    Hay đùm hay túm, Tứ Xách đã quen
    Quần áo lèng teng, Nhì Nghèo cực khổ
    Hay bươi hay mổ, là chị Ba Gà
    Có ngạnh có ngà, là anh Tứ Tượng
    Phủ màn treo trướng, là chị Tám Dừng
    Ướt áo ướt quần, là anh Ngũ Trợt
    Rung cây không rớt, Tứ Móc thiệt hay
    Con mắt nhắm ngay, Tam Quăng thiệt giỏi

  • Vè chợ Lường

    Chợ Lường họp lại vui thay
    Đàng đông lúa gạo, đàng tây tru
    Xã đã khéo lo
    Lập lều hai dãy
    Hàng sồi hàng vải
    Thì kéo lên đình
    Hàng xén xung quanh
    Hàng thịt hàng lòng ở giữa
    Ngong vô trửa chợ
    Chộ thị với hồng
    Dòm ngang xuống sông
    Chộ thuyền với lái
    Ngong sang bên phải
    Chộ những vịt gà
    Hàng nhãn, hàng na
    Hàng trầu, hàng mấu
    Hàng ngô, hàng đậu
    Hàng mít, hàng cà
    Hàng bánh, hàng quà
    Hàng chi có cả
    Rồi nào hàng cá
    Hàng bưởi, hàng bòng

  • Thơ thằng Lía

    Ngàn năm dưới bóng thái dương,
    Biết bao là sự lạ thường đáng ghi,
    Noi nghề hàng mặc bấy nay,
    Một pho dị sự vắn dài chép ra.
    Trước là giải muộn ngâm nga,
    Sau nêu gương nọ đặng mà soi chung.
    Xưa kia có một phú ông,
    Vợ chồng chuyên một nghề nông nuôi mình,
    Bấy lâu loan phụng hòa minh,
    Xóm làng kiêng nể tánh tình thiện lương.
    Tuy là sành sỏi ruộng nương,
    Ông bà xấu số gặp đường chẳng may,
    Thuở trước cũng chẳng thua ai,
    Tiền dư bạc sẵn tháng ngày thung dung,
    Ruộng vườn khai khẩn khắp cùng,
    Thôn lân đều thảy có lòng bợ nâng.
    Đến nay nhằm buổi lao lung,
    Ruộng nương thất phát vô cùng thảm thương,
    Tháng ngày khổ hại trăm đường,
    Bảy năm chịu sự tai ương nguy nàn,
    Bấm gan cam chịu gian nan,
    Vợ chồng đau đớn đoạn tràng thiết tha.
    Lần hồi ngày lụn tháng qua,
    Nghèo nàn túng tíu gẫm đà thói quen,
    Thét rồi cũng chẳng than phiền,
    Cắn răng mà chịu đảo điên qua hồi.
    Lão mụ tuổi đã lớn rồi,
    Vợ bốn mươi chẵn chồng thời bốn ba,
    Đêm ngày lo tính gần xa,
    Chẳng con kế tự thật là đáng lo,
    Choanh ngoảnh chồng vợ đơn cô,
    Tuổi già sức yếu biết nhờ cậy ai?

Có cùng từ khóa:

Chú thích

  1. Cầu Long Biên
    Cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng tại Hà Nội, do Pháp xây dựng (1898 - 1902), là cây cầu sắt dài thứ nhì thế giới thời bấy giờ (sau cầu Brooklyn ở Mỹ). Cầu ban đầu mang tên viên Toàn quyền Đông Dương là Paul Doumer, dân gian hay gọi là cầu sông Cái, cầu Bồ Đề, cầu Dốc Gạch. Năm 1954, cầu được đổi tên thành cầu Long Biên. Là một cây cầu lâu năm và có giá trị lịch sử, hiện nay có nhiều đề xuất tu sửa, cải tạo cầu Long Biên.

    Cầu Long Biên hồi đầu thế kỉ XX

    Cầu Long Biên hồi đầu thế kỉ 20

  2. Tỉnh Hà Nội
    Một trong số 13 tỉnh được thành lập sớm nhất ở Bắc Kỳ, lập vào năm 1831 dưới thời Minh Mạng.

    Tỉnh Hà Nội gồm có 4 phủ: Hoài Đức (kinh thành Thăng Long cũ và huyện Từ Liêm thuộc phủ Quốc Oai của tỉnh Sơn Tây), các phủ Ứng Hòa, Lý Nhân, Thường Tín của trấn Sơn Nam Thượng. Tỉnh lỵ là thành Thăng Long cũ. Phủ Ứng Hòa có 4 huyện Chương Đức (sau đổi là Chương Mỹ), Hoài An, Sơn Minh và Thanh Oai. Phủ Lý Nhân có 5 huyện Bình Lục, Duy Tiên, Kim Bảng, Nam Xương và Thanh Liêm. Phủ Thường Tín có 3 huyện Phú Xuyên, Thanh Trì và Thượng Phúc. Tổng cộng tỉnh Hà Nội có 15 huyện thuộc 4 phủ trên.

  3. Gia Lâm
    Địa danh nay là một huyện ngoại thành, ở về phía Đông của thành phố Hà Nội. Tại đây nổi tiếng với làng gốm Bát Tràng, đồng thời là quê hương của hai nhân vật trong Tứ Bất Tử: Chử Đồng Tử và Thánh Gióng, cùng với nhiều danh nhân văn hóa - lịch sử khác: Nguyên phi Ỷ Lan, Ngọc Hân công chúa, Lý Thường Kiệt...
  4. Cây lô mét
    Còn đọc là ki lô mét, mượn từ tiếng Pháp kilomètre.
  5. Có nhiều con số về chiều dài cầu Long Biên, nhưng cũng chỉ trên dưới 2 km.
  6. Tức năm 1898, năm làm lễ khởi công xây dựng cầu Doumer - tên ban đầu của cầu Long Biên.

    Chữ khắc trên tấm biển kim loại ở đầu cầu ghi nhận thời gian hoàn thành xây cầu (1899 - 1902), và hãng thầu là Daydé & Pillé (hãng Eiffel không trúng thầu, đến năm 1938 mới trúng hợp đồng gia cố cầu).

    Chữ khắc trên tấm biển kim loại ở đầu cầu ghi nhận thời gian hoàn thành xây cầu (1899 - 1902), và hãng thầu là Daydé & Pillé có trụ sở ở Paris.

  7. Mộ phu
    Tuyển mộ dân phu (những người làm công việc chân tay nặng nhọc).
  8. Ái Mộ
    Tên một làng cũ, nay thuộc địa bàn quận Long Biên, Hà Nội.
  9. Sông Hồng
    Còn gọi là sông Cái, con sông lớn nhất chảy qua các tỉnh miền Bắc với nhiều phụ lưu cũng là các con sông lớn như sông Đà, sông Lô... Vùng hạ lưu sông gọi là đồng bằng sông Hồng, rất rộng lớn và màu mỡ, là vựa lúa lớn thứ hai của cả nước (sau đồng bằng sông Cửu Long). Đoạn chảy qua Thăng Long trước đây gọi là Nhị Hà.

    Sông Hồng là con sông gắn liền với đời sống văn hoá, tình cảm của người dân Bắc Bộ.

    Sông Hồng buổi chiều nhìn từ cầu Long Biên

    Sông Hồng buổi chiều nhìn từ cầu Long Biên

  10. Nhịp cầu
    Khoảng cách giữa hai trụ cầu và mố cầu liền nhau.
  11. Rạ
    Rơm, phần còn lại của lúa sau khi gặt. Nhân dân ta thường dùng rơm rạ để lợp nhà hoặc làm chất đốt.

    Mái rạ

    Mái rạ

  12. "Theo thiết kế cầu Long Biên có 19 nhịp cầu nhưng có 20 mố cầu cả thảy. Toàn bộ những mố đá, trụ trong lòng sông đều phải thi công bằng phương pháp giếng chìm hơi ép. Những phu thợ người An Nam phải trực tiếp ngồi vào trong những "chuông sắt" thật lớn, đào đến đâu múc đất đá chuyển lên đến đấy. Hoàn toàn không có các thiết bị hạ áp để giảm rủi ro như bây giờ. Căn buồng khí nén cứ dần sâu xuống lòng sông. Trụ cầu thiết kế cao 43,5m, trong đó phần chòi lên trung bình 13,5m. Như vậy phần chìm của trụ cầu phải đạt ít nhất 30m, có những chỗ như mố cầu 14 phải xuống đến 32m với áp lực lên tới 3 atmosphere. Khí áp đã khiến nhiều người không chịu nổi, máu mũi, máu tai túa ra. Nguy hiểm nhất là máu sủi bọt mà chết. Mỗi ca lao động như thế, thợ khỏe nhất cũng chỉ kéo dài được chừng 4 tiếng đồng hồ."
    (Cầu Long Biên, "Trang sử bằng thép" bắc qua sông Hồng - Việt Anh)
  13. Xi măng
    Từ mượn của tiếng Pháp ciment, trước đây cũng gọi là xi-mon.
  14. Dốc Gạch
    Tên một xóm cũ nằm phía bắc cầu Long Biên (dân gian trước vẫn gọi cầu Long Biên là cầu Dốc Gạch), thuộc thôn Ái Mộ, thị trấn Gia Lâm, nay thuộc địa bàn quận Long Biên, Hà Nội.
  15. Chữ chi
    Đường dích dắc, đường hình chữ Z, giống như hình chữ chi 之 trong tiếng Hán.
  16. Lan can cầu bằng sắt uốn thành những họa tiết để trang trí.

    Lan can cầu Long Biên

    Lan can cầu Long Biên

  17. Vài
    Từ cổ là (kèo), kết cấu nối hai nhịp giữa hai mố cầu và tựa lên các mố đó.

    Cầu Tràng Tiền có 12 vài và 6 nhịp

    Cầu Tràng Tiền có 12 vài và 6 nhịp

  18. Hằng hà
    Nhiều quá không đếm được. Nguyên từ câu thành ngữ "Hằng hà sa số" trong Phật giáo, nghĩa là số lượng cát của sông Hằng (một con sông lớn ở Ấn Độ, có cát rất mịn).
  19. Khoát
    Bề ngang hay bề rộng nói chung (từ cũ).
  20. Thước
    Đơn vị đo chiều dài cổ ở nước ta. Một thước ngày đó bằng 40 cm. Ngày nay một thước được hiểu là 1 m.
  21. Ô tô
    Từ mượn của tiếng Pháp auto, là dạng viết tắt của automobile.
  22. An Nam
    Tên gọi của nước ta trong một số giai đoạn lịch sử. Tiêu biểu nhất có lẽ là dưới thời kì đô hộ của thực dân Pháp, khi nước ta bị chia thành ba kỳ.
  23. Giấy bạc dâu xanh
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Giấy bạc dâu xanh, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  24. Không như Paul Doumer, bấy giờ là Toàn quyền Đông Dương (1897 - 1902), viết trong hồi kí: "Những người thợ An Nam rất giỏi. Họ sống được dưới độ sâu như thế, với sự khắc nghiệt như thế, không kêu ca phàn nàn. Họ tự nguyện làm công việc ấy, và được trả lương cao."
  25. Ốc gạo
    Loài động vật thân mềm thuộc họ ốc, sống ở vùng nước lợ và đáy sông, có vỏ trắng xanh, xoáy tròn, phía sau ốc có phần chóp nhọn, ốc lớn bằng đầu ngón tay, khi trưởng thành ốc gạo lớn bằng hột mít. Khi nấu chín dưới yếm hiện ra một cục mỡ nhỏ như hạt gạo. Ốc gạo được chế biến thành nhiều món đặc sản miền Nam.

    Ốc gạo Phú Đa (Bến Tre)

    Ốc gạo Phú Đa (Bến Tre)

  26. Thạch Hãn
    Tên con sông lớn nhất tỉnh Quảng Trị, có chiều dài 155 km, bắt nguồn từ dãy núi Trường Sơn ở phía Tây tỉnh Quảng Trị và đổ ra biển Đông qua Cửa Việt. Sông vốn có tên là Thạch Hàn [石瀚], có lí giải rằng do ở giữa nguồn có một mạch đá ngầm chắn ngang sông, mạch đá như mồ hôi (hãn 汗) tiết ra thành dòng chảy, nên mới đổi thành Thạch Hãn.

    Một góc cảng Cửa Việt

    Một góc cảng Cửa Việt

  27. Núi, rừng nói chung (phương ngữ Trung Bộ).
  28. Bát phường Mai Xá
    Tên gọi chung của tám phường do dân khai hoang ở miền Tây Gio Linh, Quảng Trị lập nên từ thế kỉ 17: Bình An (Gio Bình), Phú Thọ, Ninh Xá, Phú Ốc (Gio Hoà), Lịch Sơn, Phú Nhuận, Nam Dương (Gio Sơn), Trung An (nông trường Cồn Tiên).
  29. Hà Trung
    Một làng cổ thuộc phủ Triệu Phong, huyện Gio Linh, tổng An Xá, nay thuộc Gio Linh, Quảng Trị.

    Đình làng Hà Trung

    Đình làng Hà Trung

  30. Mắm ruốc
    Mắm làm từ con ruốc, rất nặng mùi. Đây là một loại nước chấm đặc trưng của nước ta, cùng với mắm tômmắm nêm. Mắm ruốc còn là nguyên liệu chính trong nhiều món rau và thịt xào.

    Mắm ruốc

    Mắm ruốc

  31. Cửa Tùng
    Địa danh nay là một thị trấn ven biển thuộc huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Cửa Tùng rất giàu thủy hải sản và là một địa điểm du lịch biển có tiếng.

    Biển Cửa Tùng

    Biển Cửa Tùng

  32. Mắm nêm
    Cũng gọi là mắm cái ở một số vùng, một loại mắm lên men từ cá, có nhiều ở miền Trung và miền Nam, dùng làm nước chấm trong các bữa ăn. Tùy theo phong tục từng vùng mà mắm nêm được pha với các loại gia vị khác nhau, thường là tỏi, ớt, thơm (dứa)...

    Mắm nêm Bình Thuận

    Mắm nêm Bình Thuận

  33. Sãi
    Một địa danh nay thuộc xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Sãi là gọi theo chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, người đã cho lập nên vùng đất này. Tại đây có chợ Sãi nổi tiếng với món nem lụi.
  34. Lúa (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  35. Xuân Viên
    Địa danh nay thuộc xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.
  36. Hội Thống
    Địa danh nay thuộc xã Xuân Hội, cực Bắc của huyện Nghi Xuân, cũng là cực Bắc của tỉnh Hà Tĩnh. Nằm ở mé bờ Nam cửa Hội, Hội Thống có nghề nông, nghề buôn nhưng nổi tiếng nhất vẫn là nghề biển. Ở đây ngoài ngôi Đình Kiên Nghĩa còn có các đền miếu mà trong đó có 3 ngôi đền thờ Nam Hải Ngư thần (cá ông) thường gọi là đền Cô, đền Cố, đền Cậu. Lễ cầu ngư ở Hội Thống được tổ chức hàng năm hoặc 3 năm 1 lần vào ngày 3/2 âm lịch.
  37. Nống
    Cái nong (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  38. Do Nha
    Còn gọi là Xuân Nha, một làng xưa thuộc tổng Tam Chế, huyện Nghi Xuân, phủ Đức Quang, xứ Nghệ An, sau thuộc xã Ngũ Lộc, huyện La Sơn, phủ Đức Quang, nay thuộc huyện Nghi Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Làng có nghề truyền thống là đan lát.
  39. Lộc Châu
    Địa danh trước kia là một xã thuộc huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.
  40. Dâu tằm
    Loại cây thường được trồng hai bên bờ sông, chủ yếu để lấy lá cho tằm ăn. Lá và rễ dâu cũng là vị thuốc đông y. Quả dâu tằm chín cũng có thể dùng để ăn hoặc ngâm rượu, gọi là rượu dâu tằm. Ở nước ta, dâu có nhiều giống: dâu bầu, dâu da, dâu cỏ, dâu tam bội...

    Lá và quả dâu tằm

    Lá và quả dâu tằm

  41. Cẩm Mỹ
    Địa danh trước đây là một xã thuộc huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.
  42. Kẻ Giăng
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Kẻ Giăng, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  43. Kẻ Cừa
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Kẻ Cừa, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  44. Trung Sơn
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An.
  45. Cơn
    Cây (phương ngữ một số vùng Bắc Trung Bộ).
  46. Yên Xứ
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Yên Xứ, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  47. Quảng Nam
    Tên một tỉnh ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, trước đây bao gồm cả thành phố Đà Nẵng, gọi chung là tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Quảng Nam có nghĩa là "mở rộng về phương Nam." Tỉnh Quảng Nam giàu truyền thống, độc đáo về bản sắc văn hóa với những danh tích như thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An...

    Vẻ đẹp Hội An

    Vẻ đẹp Hội An

  48. Nguyễn Duy Hiệu
    Có sách ghi là Nguyễn Hiệu, tục gọi là Hường Hiệu, một chí sĩ và lãnh tụ thuộc phong trào Cần Vương. Ông sinh năm Đinh Mùi (1847) tại làng Thanh Hà, huyện Duyên Phúc (nay là xã Cẩm Hà, thành phố Hội An), tỉnh Quảng Nam. Năm 1885, hưởng ứng chiếu Cần Vương, ông cùng Trần Văn Dư (1839-1885), Phan Bá Phiến (còn gọi là Phan Thanh Phiến, 1839-1887), Nguyễn Tiểu La (tức Nguyễn Hàm, 1863-1911), thành lập Nghĩa hội Quảng Nam, rồi ra bản cáo thị kêu gọi toàn dân trong tỉnh cùng đứng lên đáp nghĩa. Đến năm 1887, cuộc khởi nghĩa thất bại, ông tự trói mình nạp cho giặc để cứu nghĩa quân. Ông bị chém ngày 15/10/1887, hưởng dương 40 tuổi, để lại hai bài thơ tuyệt mệnh bằng chữ Hán. Sau đây là một bài được Huỳnh Thúc Kháng dịch:

    Cần vương Nam Bắc kết tơ đồng
    Cứu giúp đường kia khổ chẳng thông
    Muôn thuở cương thường ai Ngụy Tháo?
    Trăm năm tâm sự có Quan Công
    Non sông phần tự thơ trời định
    Cây cỏ buồn trông thấy đất cùng
    Nhắn bảo nổi chìm ai đó tá?
    Chớ đem thành bại luận anh hùng.

  49. Thanh Hà
    Tên một ngôi làng ở Quảng Nam, nằm ngay bên bờ sông Thu Bồn, cách phố cổ Hội An chừng 3 km về hướng Tây. Làng có nghề làm gốm truyền thống từ đầu thế kỉ 16.

    Gốm Thanh Hà

    Gốm Thanh Hà

  50. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  51. Ba kỳ
    Tức Tam Kỳ, tên gọi chung cho ba vùng đất do thực dân Pháp và triều đình bù nhìn nhà Nguyễn phân chia nước ta vào thế kỉ 19. Ba kỳ gồm có: Bắc Kỳ (Tonkin, từ phía Nam tỉnh Ninh Bình trở ra), Trung Kỳ (Annam, từ phía bắc tỉnh Bình Thuận đến Đèo Ngang) và Nam Kỳ (Cochinchine).

    Bản đồ Việt Nam thời Pháp thuộc

    Bản đồ Việt Nam thời Pháp thuộc

  52. Nguyễn Thân
    (1854 - 1914) Võ quan nhà Nguyễn dưới triều vua Đồng Khánh, là cộng sự đắc lực của thực dân Pháp trong việc đàn áp các cuộc khởi nghĩa trong phong trào Cần Vương.
  53. Mãi quốc
    Bán nước (từ Hán Việt).
  54. Chừng mô
    Chừng nào (phương ngữ Trung Bộ).
  55. Sơn băng thủy kiệt
    Núi lở, sông cạn (thành ngữ Hán Việt). Tiếng Việt ta có thành ngữ tương tự là sông cạn đá mòn, thường dùng để thề nguyền. Ở một số ngữ cảnh, đây được coi là điềm báo đất nước sắp gặp họa lớn, dân chúng phải lầm than khổ sở.
  56. La Vang
    Địa danh nay thuộc xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Có giả thuyết cho rằng tên gọi này bắt nguồn từ cây lá vằng (một loại cây có thể nấu làm nước uống), hoặc chỉ tiếng kêu la của người dân để xua đuổi thú dữ. Theo truyền thuyết của người Công giáo, dưới thời vua Cảnh Thịnh, triều Tây Sơn, Ðức Mẹ đã hiện ra tại đây. Vì thế, La Vang hiện nay được xem là một thánh địa Công giáo, hàng năm có hơn nửa triệu người về hành hương.

    Tượng Đức Mẹ tại La Vang

    Tượng Đức Mẹ tại La Vang

  57. Quán Ngang
    Một địa danh thuộc huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.
  58. Dầu tràm
    Loại dầu được chiết xuất từ lá của cây tràm, có hương thơm và mùi vị dễ chịu nên được dùng trong nhiều loại thuốc ho, nước súc miệng, thuốc sát khuẩn…

    Dầu tràm

    Dầu tràm

  59. Đại Nại
    Tên một làng cũ thuộc xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Hiện nay làng đã được sáp nhập với làng An Thái và làng Ba Khê thành một làng lớn là Đại An Khê.
  60. Phường Trúc
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Phường Trúc, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  61. Kim Giao
    Địa danh nay là một làng thuộc xã Hải Dương, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
  62. Phước Điền
    Địa danh nay thuộc xã Hải Thành, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
  63. Chiêng
    Nhạc cụ bằng đồng thau, hình tròn, giữa có thể có hoặc không có núm nổi lên. Người ta đánh chiêng bằng dùi gỗ có quấn vải mềm, hoặc bằng tay. Cồng, chiêng là các nhạc cụ đặc trưng cho các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

    Đánh chiêng

    Đánh chiêng

  64. Chùa Tịnh Quang
    Còn có tên là chùa Sắc Tứ, một ngôi chùa ở vùng núi phía tây nam làng Ái Tử, thuộc huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Đây là ngôi tổ đình duy nhất của tỉnh Quảng Trị thuộc hệ phái Phật giáo Bắc tông, là biểu tượng tâm linh của Phật giáo Quảng Trị.

    Chùa Tịnh Quang

    Chùa Tịnh Quang

  65. Trà Bát
    Địa danh nay là làng Trà Liên, xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
  66. Chợ Sòng
    Một địa danh nay thuộc làng Kim Đâu, xã Cam An, huyện Cam Lộ, Quảng Trị, cũng là tên một ngôi chợ ở đây. Chợ Sòng cùng với chợ phiên Cam Lộ từng là hai trung tâm thương mại sầm uất nhất Quảng Trị ngày trước. Theo Phủ biên tạp lục: Xã Phổ-lạc huyện Đăng-xương tục gọi là Chợ Sòng đấy là nơi đường thủy, đường bộ đến thâu tập lại, đi về tất phải qua lối ấy, tự chợ ấy theo con đường chính mà đi, qua cửa Điếu-ngao đến dinh Cát thì trong một trống canh.
  67. Bích La
    Địa danh nay là một làng ở xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, nằm bên bờ Đông của sông Thạch Hãn. Đây là một ngôi làng cổ có bề dày lịch sử và truyền thống văn hoá lâu đời, nơi được coi là vùng đất "địa linh nhân kiệt."
  68. Trà Lộc
    Địa danh nay là một làng thuộc xã Hải Xuân, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Làng có trằm (bàu nước) Trà Lộc, nay là một khu du lịch sinh thái có tiếng trong vùng.
  69. An Đôn
    Địa danh nay là một phường thuộc thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị.
  70. Mai Lĩnh
    Địa danh nay là một quận thuộc tỉnh Quảng Trị.
  71. Đạo Đầu
    Địa danh nay là một thôn thuộc xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
  72. Trầu nguồn
    Loại trầu của đồng bào dân tộc trồng trên núi, có lá to, hương đậm.
  73. Khe Gió
    Địa danh thuộc địa phận xã Cam Thành, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Khe Gió vốn là một khe suối và một thung lũng nhỏ nằm giữa hai dãy núi cao chạy theo hướng đông, tạo nên một địa hình lòng máng hút gió từ sông Hiếu đổ về. Đây là một địa điểm du lịch sinh thái nổi tiếng của tỉnh.

    Khe Gió

    Khe Gió

  74. Trung Đơn
    Địa danh nay là một làng thuộc xã Hải Thành, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
  75. Dứa
    Còn gọi là thơm hoặc gai, loại cây ăn quả có thân ngắn, lá dài, cứng, có gai ở mép và mọc thành cụm ở ngọn thân, quả có nhiều mắt, phía trên có một cụm lá.

    Cây dứa đang ra quả

    Cây dứa đang ra quả

  76. Bồ Bản
    Địa danh nay là một làng thuộc xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
  77. An Lộng
    Địa danh nay là một làng thuộc xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
  78. Xôi thống
    Một loại xôi đặc sản ở xã Hải Thành, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Xôi làm từ loại nếp rất thơm, khi ăn có vị ngọt.
  79. Hải Thành
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Xuất hiện trên bản đồ nhà Nguyễn khoảng đầu thế kỷ 19, hiện nay Hải Thành còn lưu giữ một vài truyền thống như lễ cúng thần hoàng, lễ chạp mã làng, chạp mã họ, lễ đua ghe...
  80. Trí Bưu
    Tên một làng nay thuộc phường 2, thị xã Quảng Trị. Làng có tên cũ là Cổ Bưu (gọi trại là Cổ Vưu), do trước đây có một nhà trạm để lo việc chuyển nhận thư từ và công văn từ triều đình.
  81. Triệu Phước
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
  82. Đông Hà
    Địa danh nay là thành phố trung tâm của tỉnh Quảng Trị.
  83. Hội Yên
    Địa danh nay là một làng thuộc xã Hải Quế, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
  84. Tức năm 1897.
  85. Chùa Lãng Đông
    Tên một ngôi chùa ở thôn Lãng Đông, nay thuộc địa phận xã Trà Giang, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Chùa được xây dựng vào khoảng cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20. Tại chùa này vào năm 1897 đã nổ ra cuộc khởi nghĩa chống Pháp do trụ trì là thiền sư Thích Thanh Thụ khởi xướng.

    Tam quan chùa Lãng Đông

    Tam quan chùa Lãng Đông

  86. Quyên giáo
    Kêu gọi quyên góp về tiền của và công sức để làm những công việc liên quan đến đạo Phật.
  87. Năng Nhượng
    Tên một xã trước đây thuộc tổng Đồng Xâm, phủ Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, nay thuộc xã Trà Giang, huyện Kiến Xương.
  88. Trực Tầm
    Một xã trước đây thuộc tổng Đồng Xâm, phủ Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, nay thuộc xã Trà Giang, huyện Kiến Xương.
  89. Đồng Xâm
    Một làng nằm ở phía Bắc của huyện Kiến Xương, thuộc xã Hồng Thái, tỉnh Thái Bình. Làng có nghề chạm bạc truyền thống. Hằng năm làng tổ chức lễ hội vào các ngày 1-5 tháng 4 âm lịch.

    Chạm bạc ở Đồng Xâm

    Chạm bạc ở Đồng Xâm

  90. Đắc Chúng
    Tên một làng trước đây thuộc tổng Đồng Xâm, phủ Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, nay thuộc xã Quốc Tuấn, huyện Kiến Xương.
  91. Dục Dương
    Một làng trước đây thuộc tổng Đồng Xâm, phủ Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, nay thuộc xã Trà Giang, huyện Kiến Xương.
  92. Nghĩa sĩ
    Người anh dũng dấn thân vì việc nghĩa.
  93. Thiên binh, thần tướng
    Binh lính (của) trời, tướng (là) thần. Chỉ quân đội mạnh mẽ, anh dũng.
  94. Công sứ
    Chức danh cai trị của người Pháp trong thời kì Pháp thuộc, đứng đầu một tỉnh.
  95. Thái Bình
    Địa danh nay là một tỉnh ven biển ở đồng bằng Bắc Bộ, cách thủ đô Hà Nội khoảng 110 km. Phần đất thuộc tỉnh Thái Bình ngày nay trước đây thuộc về trấn Sơn Nam. Tới năm Thành Thái thứ hai (1890) tỉnh Thái Bình được thành lập. Tỉnh có nhiều khu du lịch và danh lam thắng cảnh nổi tiếng như bãi biển Đồng Châu, cồn Vành, chùa Keo... Các ngành nghề truyền thống như chạm bạc, làm chiếu ở đây cũng khá phát triển. Ngoài ra, Thái Bình còn được mệnh danh là Quê Lúa.

    Bãi biển Đồng Châu

    Bãi biển Đồng Châu

  96. Sa cơ
    Lâm vào tình thế rủi ro, khốn đốn.
  97. Bài vè này nói về cuộc nổi dậy chống Pháp tại chùa Lãng Đông, tỉnh Thái Bình. Tháng 11 âm lịch năm Đinh Dậu (1897), hưởng ứng phong trào Cần Vương, trụ trì chùa là nhà sư Thích Thanh Thụ đã lãnh đạo số binh sĩ lên đến trên 200 người từ các xã Trà Giang, Hồng Thái, Quốc Tuấn thuộc vùng tổng Đồng Xâm, theo bờ sông Trà Lý tiến về thị xã Thái Bình đánh thẳng vào dinh công sứ. Tuy nhiên, do lực lượng quá chênh lệch, cuộc bạo động mau chóng thất bại. Thiền sư cùng 21 nghĩa binh bị giặc Pháp bắt đưa về gò Mống chặt đầu, sau đó thủ cấp bị treo lên để thị chúng.
  98. Chợ Gò Chàm
    Tên một phiên chợ ở Bình Định. Trước đây chợ ở cách thị trấn Bình Định khoảng hai cây số về phía Bắc. Vùng này có tên là xứ Lam Kiều vì trồng nhiều cây chàm để nhuộm vải, vì vậy chợ có tên chữ là Lam Kiều thị. Đúng ra phải gọi là chợ Cầu Chàm, nhưng dân chúng lại quen gọi là chợ Gò Chàm. Bởi đó, có người còn cho rằng chợ được lập trên vùng đất gò có nhiều mồ mả người Chàm. Năm 1940, chợ Gò Chàm dời vào khu đất phía đông bắc bên ngoài thành Bình Ðịnh, sát với khu phố của thị trấn và đổi tên là chợ Bình Ðịnh, hay chợ Thành, nhưng dân chúng vẫn quen gọi tên cũ. Chợ mới vẫn giữ vai trò lớn nhất tỉnh, nhóm chợ mỗi ngày và mỗi tháng có sáu phiên vào các ngày mồng 3, 8, 13, 18, 23, 28. Ngoài ra, xưa nay vẫn giữ lệ phiên chợ 23, 28 tháng chạp âm lịch nhóm suốt ngày đêm và đông hơn các phiên chợ khác trong năm.

    Chợ Bình Định ngày nay

    Chợ Bình Định ngày nay

  99. Bánh đúc
    Bánh nấu bằng bột gạo tẻ hoặc bột ngô quấy với nước vôi trong, khi chín đổ ra cho đông thành tảng, thường được ăn kèm với mắm tôm. Bánh đúc là món quà quen thuộc của làng quê.

    Bánh đúc Hà Nội

    Bánh đúc Hà Nội

  100. Bánh xèo
    Một loại bánh làm bằng bột, bên trong có nhân là tôm, thịt, giá, đúc hình tròn. Tùy theo mỗi vùng mà cách chế biến và thưởng thức bánh xèo có khác nhau. Ở Huế, món ăn này thường được gọi là bánh khoái và thường kèm với thịt nướng, nước chấm là nước lèo gồm tương, gan, đậu phộng. Ở miền Nam, bánh có cho thêm trứng, chấm nước mắm chua ngọt. Ở miền Bắc, nhân bánh xèo còn có thêm củ đậu thái mỏng hoặc khoai môn thái sợi. Các loại rau ăn kèm với bánh xèo rất đa dạng gồm rau diếp, cải xanh, diếp cá, tía tô, rau húng, lá quế, lá cơm nguội non...

    Bánh xèo

    Bánh xèo

  101. Bánh khô
    Còn gọi là bánh khô mè, hoặc bánh khô khổ, là một loại bánh miền Trung, làm từ bột gạo nếp, đường và mè.

    Bánh khô mè Cẩm Lệ - Quảng Nam

    Bánh khô mè Cẩm Lệ - Quảng Nam

  102. Bánh nổ
    Một loại bánh đặc sản của miền Trung. Bánh làm bằng gạo nếp rang cho nổ bung ra (nên có tên là bánh nổ), trộn với nước đường nấu sôi và gừng giã nhỏ, cho vào khuôn hình chữ nhật. Bánh ăn có vị ngọt của đường, bùi của nếp và cay của gừng.

    Bánh nổ

    Bánh nổ

  103. Bánh bèo
    Một món bánh rất phổ biến ở miền Trung và miền Nam. Bánh làm từ bột gạo, có nhân phía trên mặt bánh làm bằng tôm xay nhuyễn. Nước chấm bánh bèo làm từ nước mắm, và thường đổ trực tiếp vào bánh chứ không cần chấm. Thành phần phụ của bánh bèo thường là mỡ hành, đậu phộng rang giã nhỏ. Tuỳ theo địa phương, có những cách thêm bớt khác nhau cho món bánh này, ví dụ ở Sài Gòn thường bỏ đậu xanh, đồ chua, lại cho ăn kèm bánh đúc, bánh ít, bánh bột lọc...

    Bánh bèo

    Bánh bèo

  104. Cá chép
    Tên Hán Việt là lí ngư, một loại cá nước ngọt rất phổ biến ở nước ta. Ngoài giá trị thực phẩm, cá chép còn được nhắc đến trong sự tích "cá chép vượt vũ môn hóa rồng" của văn hóa dân gian, đồng thời tượng trưng cho sức khỏe, tài lộc, công danh.

    Ở một số địa phương miền Trung, cá chép còn gọi là cá gáy.

    Cá chép

    Cá chép

  105. Cá thu
    Loại cá biển, thân dài, thon, không có hoặc có rất ít vảy. Từ cá thu chế biến ra được nhiều món ăn ngon.

    Cá thu

    Cá thu

  106. Cá ngừ
    Một loài cá biển đặc biệt thơm ngon, mắt rất bổ, được chế biến thành nhiều loại món ăn ngon và hiện nay là nguồn hàng xuất khẩu có giá trị. Nghề câu cá ngừ đại dương tại Việt Nam ra đời năm 1994, nhờ công sức phát hiện ra phương pháp câu của ngư dân Phú Yên. Sau đó nghề này dần lan rộng, trở thành thế mạnh của ngư dân duyên hải Nam Trung Bộ như Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa...

    Cá ngừ

    Cá ngừ

  107. Cá nục
    Một loại cá biển, có rất nhiều ở các vùng biển miền Trung. Cá nục được dùng làm nguyên liệu chính cho nhiều món ăn ngon như cá nục sốt cà, cá nục kho, cá nục hấp cuốn bánh tráng...

    Cá nục

    Cá nục

  108. Cá ngừ chù
    Gọi tắt là cá chù, một loại cá thuộc họ cá ngừ, có nhiều ở các vùng biển miền Trung. Tại đây cá ngừ chù được xem là “cá nhà nghèo,” món quen thuộc trong giỏ đi chợ của các bà nội trợ. Những món ăn từ cá ngừ chù có cà ngừ kho dưa gang, cá ngừ rim cà chua, cá ngừ hấp...

    Cá ngừ chù

    Cá ngừ chù

  109. Ngó
    Nhìn, trông (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  110. Nậu
    Nghĩa gốc là một nhóm nhỏ cùng làm một nghề (nên có từ "đầu nậu" nghĩa là người đứng đầu). 

Ví dụ: “Nậu nguồn” chỉ nhóm người khai thác rừng, “Nậu nại” chỉ nhóm người làm muối, “Nậu rổi” chỉ nhóm người bán cá, “Nậu rớ” chỉ nhóm người đánh cá bằng rớ vùng nước lợ, “Nậu cấy” chỉ nhóm người đi cấy mướn, “Nậu vựa” chỉ nhóm người làm mắm... Từ chữ “Nậu” ban đầu, phương ngữ Phú Yên-Bình Định tỉnh lược đại từ danh xưng ngôi thứ ba (cả số ít và số nhiều) bằng cách thay từ gốc thanh hỏi. Ví dụ: Ông ấy, bà ấy được thay bằng: “ổng,” “bả.” Anh ấy, chị ấy được thay bằng: “ảnh,” “chỉ.” 

Và thế là “Nậu” được thay bằng “Nẩu” hoặc "Nẫu" do đặc điểm không phân biệt dấu hỏi/ngã khi phát âm của người miền Trung. 

Người dân ở những vùng này cũng gọi quê mình là "Xứ Nẫu."
  111. Trạnh cày
    Cũng gọi là diệp cày, bộ phận thường bằng sắt hoặc gang, lắp tiếp trên lưỡi cày, có tác dụng nâng, tách và lật đất cày.
  112. Dùi đục
    Còn gọi là đục, dụng cụ gồm một thanh thép có chuôi cầm, đầu có lưỡi sắc, dùng để tạo những chỗ lõm hoặc những lỗ trên các vật rắn như gỗ, đá, kim loại.

    Sử dụng dùi đục

    Sử dụng dùi đục

  113. Chàng
    Dụng cụ của thợ mộc gồm một lưỡi thép dẹp hình tam giác tra vào cán, dùng để vạt gỗ (đẽo xiên).

    Dùng chàng

    Dùng chàng

  114. Quảng Ngãi
    Địa danh nay là một tỉnh nằm ở duyên hải Nam Trung Bộ, nằm hai bên bờ sông Trà Khúc, được mệnh danh là vùng đất Núi Ấn Sông Trà. Quảng Ngãi là mảnh đất có bề dày lịch sử về văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Chăm Pa, đặc biệt là hệ thống thành lũy Chàm. Tại đây cũng nổi tiếng cả nước với đặc sản đường mía (đường phèn, đường phổi, mạch nha...) và tỏi ở Lý Sơn.

    Núi Ấn

    Núi Ấn sông Trà

  115. Đông Sấu
    Cũng gọi là làng Sấu, địa danh nay là một thôn thuộc xã Liêm Túc, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam.
  116. Ở đây có nghĩa hay tảo tần thu vén.
  117. Đấu
    Đồ dùng để đong thóc gạo ngày trước, bằng khoảng một lít hiện nay.
  118. Nong
    Dụng cụ hình tròn, đan bằng tre, có vành, đáy nông, thường dùng để phơi nông sản hoặc để nuôi tằm. Có vùng gọi là nống. Nhỏ hơn nong một chút gọi là nia.

    Nong, nia, thúng

    Nong, nia, thúng

  119. Bài chòi
    Một loại hình trò chơi dân gian và nghệ thuật độc đáo ở miền Trung, được tổ chức hằng năm vào dịp Tết Nguyên đán. Người ta dựng 9-11 chòi trên một bãi đất trống. Bộ bài để đánh bài chòi gồm 33 lá, với những cái tên nôm na như: Nhứt Nọc, Nhì Nghèo, Ông Ầm, Sáu Ghe, Bảy Liễu... vẽ trên giấy, dán vào thẻ tre. Vào cuộc chơi, anh hiệu (tức người hô thai) xóc ống bài, rút ra một con và xướng tên con bài lên. Để gây thêm sự hồi hộp và bắt người chơi phải suy đoán, anh hiệu hô lên một câu thai hoặc một câu ca dao có tên con bài. Chòi nào trúng tên con bài thì gõ mõ để anh hiệu mang con bài đến. Trúng ba con bài là chòi đó “tới.”

    Một buổi hát bài chòi

    Một buổi hát bài chòi

    Xem hát bài chòi ở Hội An.

  120. Bài tới
    Một trò chơi bài rất phổ biến ở miền Trung ngày trước. Bộ bài 60 con chia làm ba pho, được chia cho hai phe, mỗi phe ba người, mỗi người lấy sáu con bài, xây bài trên tay. Người chọn đi bài, trước tiên rút một con bài bỏ ra, lệ cấm dùng các con bài có dấu triện đỏ (Ông ầm, Thái tử, Đỏ mỏ). Những tay bài khác, nếu có con bài giống con bài chợ (bài vừa được đánh ra) thì rút con ấy ra bắt và đi một con bài khác. Các tay bài khác lại tiếp tục bắt và đi cho đến khi có một tay bài tới là hết một ván bài. Tới bài tức là khi trên tay chỉ còn hai lá bài và lúc đó, người đi bài đã đi đúng tên một trong hai con bài mà mình đang chờ để tới.

    Bài chòi cũng dùng bộ bài này, nhưng chỉ chơi vào ngày Tết và không có tính ăn thua đỏ đen như bài tới.

  121. Dề
    Phương ngữ Trung Bộ, chỉ những thứ kết lại với nhau thành mảng lớn (một dề lục bình, một dề rác rến...)
  122. Ghe
    Thuyền nhỏ, thường đan bằng tre (gọi là ghe nan) hoặc bằng gỗ. Từ này đôi khi được dùng để chỉ tàu thuyền nói chung, nhất là ở vùng Trung và Nam Bộ.

    Chèo ghe

    Chèo ghe

  123. Dừng
    Thanh bằng tre nứa cài ngang dọc để trát vách.

    Vách đất trát lên tấm dừng

    Đất trát lên tấm dừng làm vách nhà

  124. Trợt
    Trượt (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  125. Chợ Lường
    Tên dân gian của chợ Đô Lương, một ngôi chợ nay thuộc địa phận huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Thời Pháp thuộc, chợ là địa điểm tập trung dân phu để đi làm đường. Đến bây giờ, chợ Lường vẫn được coi như là biểu tượng của cảnh bán buôn sầm uất, tấp nập trong vùng.
  126. Tru
    Trâu (phương ngữ một số vùng Bắc Trung Bộ).
  127. Lụa sồi
    Lụa dệt bằng tơ tằm nhưng sợi thô, nếu sợi dệt xe đôi thì gọi là sồi xe, khác với lụa tơ tằm được dệt bằng tơ tằm sợi nhỏ nên mỏng, mềm và mịn hơn.
  128. Hàng xén
    Cửa hàng tạp hóa hoặc gánh hàng chuyên bán những thứ vặt vãnh như kim, chỉ, đá lửa, giấy bút...

    Những cô hàng xén răng đen
    Cười như mùa thu tỏa nắng
    (Bên kia sông Đuống - Hoàng Cầm)

  129. Ngong
    Ngóng (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  130. Trửa
    Giữa (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  131. Chộ
    Thấy (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  132. Hồng
    Loại cây cho trái, khi chín có màu vàng cam hoặc đỏ. Tùy theo giống hồng mà quả có thể giòn hoặc mềm, ngọt hoặc còn vị chát khi chín.

    Quả hồng

    Quả hồng

  133. Mấu
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Mấu, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  134. Bòng
    Một loại quả rất giống bưởi. Ở một số tỉnh miền Trung, người ta không phân biệt bưởi và bòng. Trong ca dao hay có sự chơi chữ giữa chữ "bòng" trong "đèo bòng" và quả bòng.
  135. Dị sự
    Chuyện lạ thường (từ Hán Việt).
  136. Vắn
    Ngắn (từ cổ).

    Tự biệt nhiều lời so vắn giấy
    Tương tư nặng gánh chứa đầy thuyền

    (Bỏ vợ lẽ cảm tác - Nguyễn Công Trứ)

  137. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  138. Loan phụng hòa minh
    Chim loan, chim phượng cùng hót. Chỉ vợ chồng hòa thuận, thương yêu nhau.
  139. Thung dung
    Thong dong.
  140. Thôn lân
    Làng xóm láng giềng (từ Hán Việt).
  141. Lao lung
    Khổ cực (từ cổ).
  142. Thất phát
    Cũng như thất bát – mất mùa.
  143. Nàn
    Nạn (từ cũ).
  144. Đoạn trường
    Đau đớn như đứt từng khúc ruột (đoạn: chặt đứt, trường: ruột). Theo Sưu thần kí, có người bắt được hai con vượn con, thường đem ra hiên đùa giỡn. Vượn mẹ ngày nào cũng đến ở trên cây gần đầu nhà, kêu thảm thiết. Ít lâu sau thì vượn mẹ chết, xác rơi xuống gốc cây. Người ta đem mổ thì thấy ruột đứt thành từng đoạn.
  145. Túng tíu
    Túng thiếu (từ cũ).
  146. Thét
    Chịu đựng lâu thành quen (phương ngữ).
  147. Kế tự
    Nối dõi (từ Hán Việt).
  148. Cu li
    Từ tiếng Pháp coolie, chỉ người lao động làm những công việc nặng nhọc.
  149. Hồng Gai
    Cũng gọi là Hòn Gai, tên cũ là Bang Gai hoặc Áng Gai, nay là một phường thuộc thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Cuối thế kỷ 19 trở về trước, đây là một vùng vắng vẻ, cư dân thưa thớt, vốn chỉ là vũng biển đậu thuyền. Tại đây có mỏ Hòn Gai, một mỏ than đã được đưa vào khai thác từ thời Pháp thuộc.

    Một góc mỏ than Hòn Gai thời Pháp thuộc

    Một góc mỏ than Hòn Gai thời Pháp thuộc

  150. Công ti than Bắc Kì
    Tên tiếng Pháp là Société française des charbonnages du Tonkin (viết tắt là SFCT), một công ti Pháp được thành lập 1988 với mục đích quản lí và vơ vét tài nguyên than đá ở Hạ Long với thị trường xuất khẩu chính là Nhật Bản. Công ti này tuyển dụng người Hoa ("khách") và người Việt làm phu mỏ với mức lương rẻ mạt. Đây là cái nôi ra đời của giai cấp công nhân Việt Nam nói chung và công nhân khu mỏ Quảng Ninh nói riêng.

    Mỏ than Hà Tu

    Mỏ than Hà Tu thuộc công ti than Bắc Kì

  151. Chú khách
    Một cách gọi người Hoa sống ở Việt Nam. Từ này bắt nguồn từ chữ "khách trú," cũng gọi trại thành cắc chú.
  152. Hà Lầm
    Địa danh nay là một phường thuộc thành phố Hạ Long. Tại đây có mỏ Hà Lầm, một mỏ than đã được đưa vào khai thác từ thời Pháp thuộc.
  153. Hà Tu
    Tên cũ là Hà Sú, nay là một phường thuộc thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Tại đây có mỏ than Hà Tu, vào thời Pháp thuộc thuộc sự quản lí của công ti than Bắc Kì.

    Đường sắt mỏ Hà Tu (Nguồn: Thư viện quốc gia Pháp)

    Đường sắt mỏ Hà Tu (Nguồn: Thư viện quốc gia Pháp)

  154. Ngã Hai
    Một khu vực thuộc xã Dương Huy, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Tại đây có mỏ than Ngã Hai, hiện vẫn còn được khai thác.
  155. Vãng lai
    Đi lại (từ Hán Việt).
  156. Đốc công
    Người thay mặt chủ xí nghiệp trông nom công việc của thợ thuyền ngày trước.
  157. Cai
    Người trông coi trong các công trường, nhà tù thời phong kiến, Pháp thuộc.
  158. Va-gông
    Toa xe (từ tiếng Pháp wagon).
  159. La ga
    Tiếng Pháp la gare, nghĩa là nhà ga.
  160. Nagotna
    Một mỏ than thuộc quyền sở hữu của công ti Than Bắc Kì dưới thời Pháp thuộc, nối với mỏ than Hà Tu bằng một tuyến đường sắt dài 3km.
  161. Vân vi
    Đầu đuôi câu chuyện, đầu đuôi sự tình (từ cũ).
  162. Ăng-lê
    Nước Anh hoặc người Anh (từ tiếng Pháp Anglais).
  163. Cửa Ông
    Địa danh nay là phường Cửa Ông, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Tại đây có đền Cửa Ông, được xem là một trong những ngôi đền đẹp nhất Việt Nam, thờ Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng cùng nhiều nhân vật lịch sử thời Trần.

    Đền Cửa Ông

    Đền Cửa Ông

  164. Cẩm Phả Po
    Cảng Cẩm Phả ("po" phiên âm từ tiếng Pháp port, nghĩa là cửa hoặc cảng).
  165. Cẩm Phả min
    Mỏ than Cẩm Phả ("min" phiên âm từ tiếng Pháp mine, nghĩa là mỏ).
  166. Cọc Sáu
    Tên một mỏ than nay thuộc địa phận phường Cẩm Phú, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh.
  167. Mông Dương
    Địa danh nay là tên một phường thuộc thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Đây là nơi có mỏ than Mông Dương, một trong những mỏ thang có trữ lượng lớn và chất lượng tốt nhất từ thời Pháp thuộc.

    Khai thác than ở mỏ Mông Dương

    Khai thác than ở mỏ Mông Dương

  168. Tên Baille, sếp đường tàu hỏa.
  169. La voa
    Sổ nhật trình.
  170. Núi Béo
    Tên một mỏ than nay thuộc địa phận phường Bạch Đằng, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
  171. Cọc Năm
    Một mỏ than thuộc quyền quản lí của công ti than Bắc Kì dưới thời Pháp thuộc, nay thuộc địa phận phường Hồng Gai, thành phố Hạ Long.
  172. Cẩm Phả
    Một địa danh nay là thành phố thuộc tỉnh Quảng Ninh. Tại đây từ xưa đã nổi tiếng với ngành khai thác than đá. Cẩm Phả cũng có nghề khai thác hải sản với hơn 50 km bờ biển, nhưng chủ yếu là đánh bắt gần bờ, sản lượng thấp.

    Cẩm Phả về đêm

    Cẩm Phả về đêm

  173. Còi tầm
    Còi báo bắt đầu hoặc kết thúc giờ làm việc các xưởng, mỏ, công trường, nhà máy…
  174. Bắt cô trói cột
    Một loài chim thuộc họ Cu cu, chim trưởng thành nửa thân trên có màu trắng, nửa dưới có nhiều vạch trắng đen. Tiếng chim kêu nghe như "Bắt cô trói cột" nên dân gian lấy làm tên, sinh sống hầu như trên khắp nước ta. Nghe tiếng chim bắt cô trói cột.

    Bắt cô trói cột

    Bắt cô trói cột

  175. Dân phu
    Người dân lao động phải làm những công việc nặng nhọc trong chế độ cũ (phu xe, phu mỏ, phu đồn điền).
  176. Hào
    Một trong các đơn vị tiền tệ (hào, xu, chinh, cắc) bắt đầu xuất hiện ở nước ta từ thời Pháp thuộc. Mười xu bằng một hào, mười hào bằng một đồng.

    Tiền giấy năm hào

    Tiền giấy năm hào

  177. Đông Triều
    Tên một huyện thuộc tỉnh Quảng Ninh, là vùng đất cổ có từ thời Bắc thuộc, ghi đậm nhiều dấu ấn lịch sử và văn hóa. Đây cũng là nơi phát hiện ra than đá đầu tiên ở Việt Nam, và than đá Đông Triều đã được khai thác từ rất sớm – từ những năm 1820.

    Lăng mộ vua Trần ở đập Trại Lốc

    Lăng mộ vua Trần ở đập Trại Lốc

  178. Cảng Hải Phòng
    Được xây dựng từ năm 1874, một cụm cảng biển tổng hợp cấp quốc gia, lớn nhất miền Bắc và lớn thứ hai cả nước (sau cảng Sài Gòn), là cửa ngõ quốc tế nằm tại hai quận Hồng Bàng và Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng. Khu cảng chính trên sông Cấm còn gọi là bến Hoàng Diệu, trước gọi là bến Sáu Kho.

    Bến Sáu Kho ngày trước

    Bến Sáu Kho ngày trước

  179. Tức Hồng Kông (Hương Cảng).