Tìm kiếm "dẫu anh"

  • Ngó lên đám đất thổ

    Ngó lên đám đất thổ
    Thấy bầy chim đỗ
    Một con mổ
    Chín mười con bay
    Em thương anh từ chín tháng nay
    Còn ba tháng nữa thì đầy một năm
    Buồn sao buồn tối buồn tăm
    Buồn ăn không đặng, buồn nằm không yên
    Ví dù cha dứt mẹ riềng
    Khổ em em chịu, em cũng nguyền theo anh.

  • Bài này có từ ngữ và/hoặc nội dung nhạy cảm.
    Hãy cân nhắc trước khi bấm xem.

    Ai đi thuyền ấy hỡi ai

    – Ai đi thuyền ấy hỡi ai
    Dừng chèo em có đôi lời hỏi thăm:
    Ở đâu mà có đồng Quan,
    Ở đâu mà lắm Nồn Nàng, Nồn Anh?
    – Em hỏi thật rõ rành rành
    Chánh Lộc có lắm Nồn Anh, Nồn Nàng,
    Lại còn Nồn Bái, Nồn Hang
    Nồn Hoa té bẹ, Nồn Giàng tênh hênh.

  • Em về thưa với mẹ cha

    Em về thưa với mẹ cha
    Anh chẳng có lợn, có gà đi cheo
    Anh có cái cối giã bèo
    Anh xin bán để nộp cheo cho làng
    Bao giờ anh cưới được nàng
    Vợ chồng ta dựng tòa ngang dãy dài
    Toà này hương lí đánh bài
    Nhà trong thờ tổ, sân ngoài mổ trâu
    Một bên thì hát ả đầu
    Một bên hai họ têm trầu bổ cau
    Làng trên xóm dưới đồn nhau
    Đám cheo nhà ấy, đứng đầu tổng ta
    Nghĩ gần rồi lại nghĩ xa
    Mai ngày cheo nộp, hết chín vạn ba cái cối giã bèo.

  • Đêm qua lốp đốp mưa rào

    Đêm qua lốp đốp mưa rào
    Hạt rơi xuống giếng, hạt vào vườn hoa
    Đôi bên bác mẹ thì già
    Lấy anh hay chữ để mà cậy trông
    Mùa hè cho chí mùa đông
    Mùa nào áo ấy cho chồng đi thi
    Hết gạo em lại gánh đi
    Hỏi thăm chàng học trọ thì nơi nao
    Hỏi thăm phải ngõ mà vào
    Vai đặt gánh gạo, miệng chào: Kìa anh

  • Ai làm Ngưu Chức đôi đàng

    Ai làm Ngưu Chức đôi đàng
    Để cho quân tử đa mang nặng tình
    Thuyền quyên lấp ló dạng hình
    Em đành chẳng chịu gởi mình cho anh
    Trách ai nỡ phụ lòng thành
    Đêm nằm thổn thức tam canh ưu sầu
    Ai làm ra cuộc biển dâu
    Gối luông chẳng đặng giao đầu từ đây

  • Lạ lùng bắt gặp chàng đây

    – Lạ lùng bắt gặp chàng đây
    Có mấy câu này, em đoán chưa ra.
    Nếu mà anh giảng cho ra,
    Thì em kết nghĩa giao hòa cùng anh.
    Cái gì trong trắng ngoài xanh,
    Cái gì soi tỏ mặt anh mặt nàng,
    Cái gì xanh đỏ trắng tím vàng,
    Cái gì ăn phải dạ càng tương tư,
    Cái gì năm đợi tháng chờ,
    Cái gì tiện chũm phơi khô để dành,
    Cái gì mà đổ vào xanh,
    Cái gì nó ở trên cành mà lại tốt tươi,
    Cái gì trong héo ngoài tươi,
    Cái gì làm bạn với trời tám trăm năm,
    Cái gì chung chiếu chung chăn,
    Cái gì làm bạn với trăng đêm ngày,
    Cái gì nó bé nó cay,
    Cái gì nó bé nó hay cậy quyền?

  • Chim gì kêu suốt mùa hè

    Chim gì kêu suốt mùa hè,
    Nó kêu “nước nước” ven đê, ven đường?
    Chim gì kêu chẳng ai thương,
    Kêu ra người mắng tìm đường bay xa?
    Chim gì kêu giữa tháng ba,
    Giục chùm vải chín là đà bên sông?
    Chim gì nhảy nhót trên đồng,
    Trên lưng trâu đậu mà trông luống cày?
    Chim gì làm tổ trên cây,
    Chim gì sẵn đó đẻ ngay tức thì,
    Đẻ rồi chắp cánh bay đi,
    Ấp nở mặc trứng, con thì không nuôi?
    Chim gì mà lượn trên giời,
    Rình con gà nhỏ làm mồi nó ăn?
    Chim gì bé tị lăn tăn,
    Làm tổ cây ngáinhện chăng ven đường?
    Chim gì đuôi, cánh màu vàng,
    Véo von cho cả xóm làng đều thân?
    Chim gì bay ra ầm ầm?
    Chim gì ăn tối âm thầm đó ai?
    Chim gì hót đủ trăm bài?
    Chim gì mặt nguyệt xòe dài lông đuôi?
    Chim gì chả thấy ai nuôi,
    Chỉ đậu cửa điện, đứng nơi cửa đền?

    Là những loại chim gì?

    Chim cuốc kêu suốt mùa hè,
    Nó kêu “nước, nước” ven đê ven đường.
    Chim quạ kêu chẳng ai thương,
    Kêu ra người mắng, tìm đường bay xa.
    Tu hú kêu vào tháng ba,
    Giục chùm vải chín là đà ven sông.
    Sáo sậu nhảy nhót trên đồng,
    Trên lưng trâu đậu mà trông luống cày.
    Bồ các làm tổ trên cây,
    Tu hú đẻ đó liền ngay tức thì.
    Đẻ rồi chắp cánh bay đi,
    Ấp nở mặc trứng, con thì không nuôi.
    Diều hâu mà lượn trên giời,
    Rình con gà nhỏ làm mồi nó ăn.
    Chim sâu bé tị lăn tăn,
    Làm tổ cây ngái nhện chăng ven đường.
    Hoàng anh đuôi cánh màu vàng,
    Véo von cho cả xóm làng đều thân.
    Én, mòng bay lượn ầm ầm,
    Chim vạc ăn tối âm thầm đó ai.
    Chim khướu hót đủ trăm bài,
    Chim công mặt nguyệt xòe dài lông đuôi.
    Chim hạc chẳng thấy ai nuôi
    Chỉ đậu cửa điện, đứng nơi cửa đền.

     

     

  • Vè chàng Lía

    Lía ta nổi tiếng anh hào
    Sơn hà một góc thiếu nào người hay
    Bạc tiền thừa đủ một hai
    Chiêu binh mãi mã càng ngày càng đông
    Làm cho bốn biển anh hùng
    Mến danh đều tới phục tùng chân tay.
    Kẻ nào tàn ác lâu nay
    Lía sai cướp của đoạt tài chẳng dung
    Nhà giàu mấy tỉnh trong vùng
    Thảy đều kinh sợ vô cùng lo toan
    Nhất nhì những bực nhà quan
    Nghe chàng Lía doạ kinh hoàng như điên
    Nhà nào nhiều bạc dư tiền
    Mà vô ân đức, Lía bèn đoạt thâu.
    Tuy chàng ở chốn non đầu
    Nhưng mà lương thực vật nào lại không
    Lâu la ngày một tụ đông
    Vỡ rừng làm rẫy, vun trồng bắp khoai
    Mọi người trên dưới trong ngoài
    Thảy đều no đủ sớm trưa an nhàn
    Tiếng tăm về đến trào đàng
    Làm cho văn võ bàng hoàng chẳng an.
    Nam triều chúa ngự ngai vàng
    Bá quan chầu chực hai hàng tung hô
    Có quan ngự sử bày phô
    Tâu lên vua rõ lai do sự tình
    Đem việc chàng Lía chiêu binh
    Trình lên cặn kẽ phân minh mọi đàng
    Nào khi Lía phá xóm làng
    Đến khi lên núi dọc ngang thế nào
    Kể tên những bậc phú hào
    Từng bị quân Lía đoạt thâu gia tài
    Vua ngồi nghe rõ một hai,
    Đập bàn, vỗ án giận rày thét la:
    – Dè đâu có đứa gian tà
    Giết người, đoạt của thiệt là khó dung
    Truyền cho mười vạn binh hùng
    Dưới cờ đại tướng binh nhung lên đàng
    Đại quân vâng lệnh Nam hoàng
    Hành quân tức khắc thẳng đàng ruổi dong
    Gập ghềnh bao quản núi non
    Dậy trời sát khí quân bon lên rừng.

  • Bớ chị em ơi! Đi chợ

    Bớ chị em ơi! Đi chợ
    Chợ nào bằng chợ Gò Chàm
    Tôm tươi cá trụng thịt bò thịt heo
    Còn thêm bánh đúc bánh xèo
    Bánh khô bánh nổ bánh bèo liên u
    Những con cá chép cá thu
    Cá ngừ cá nục cá chù thiệt ngon
    Ngó ra ngoài chợ
    Nẫu bán thịt phay
    Nem tươi chả lụa
    Rượu trà no say
    Ngó ra ngoài chợ
    Nẫu bán trạnh cày
    Roi mây, lưỡi cuốc
    Nẫu bày nghinh ngang
    Ngó ra ngoài chợ
    Nẫu bán sàn sàn
    Khoai lang, bắp đỗ
    Ðục, chàng, kéo, dao
    Xem ra chẳng sót hàng nào
    Quảng Nam, Quảng Ngãi cũng vào đây mua

  • Vè con dao

    Nhà anh bất phú bất bần
    Có con dao đoản hộ thân tháng ngày
    Con dao anh rày
    Dài vừa năm tấc
    Khi mài đã sắc
    Phá lở rú rừng hoang
    Cũng biện đủ cỗ cho làng
    Cũng no ngày đủ tháng.
    Đèn có khêu mới rạng
    Ngọc bất trác bất thành
    Ngẫm như con dao anh
    Nội trần gian không ai có
    Nội dưới trời không ai có

  • Thơ thằng Lía

    Ngàn năm dưới bóng thái dương,
    Biết bao là sự lạ thường đáng ghi,
    Noi nghề hàng mặc bấy nay,
    Một pho dị sự vắn dài chép ra.
    Trước là giải muộn ngâm nga,
    Sau nêu gương nọ đặng mà soi chung.
    Xưa kia có một phú ông,
    Vợ chồng chuyên một nghề nông nuôi mình,
    Bấy lâu loan phụng hòa minh,
    Xóm làng kiêng nể tánh tình thiện lương.
    Tuy là sành sỏi ruộng nương,
    Ông bà xấu số gặp đường chẳng may,
    Thuở trước cũng chẳng thua ai,
    Tiền dư bạc sẵn tháng ngày thung dung,
    Ruộng vườn khai khẩn khắp cùng,
    Thôn lân đều thảy có lòng bợ nâng.
    Đến nay nhằm buổi lao lung,
    Ruộng nương thất phát vô cùng thảm thương,
    Tháng ngày khổ hại trăm đường,
    Bảy năm chịu sự tai ương nguy nàn,
    Bấm gan cam chịu gian nan,
    Vợ chồng đau đớn đoạn tràng thiết tha.
    Lần hồi ngày lụn tháng qua,
    Nghèo nàn túng tíu gẫm đà thói quen,
    Thét rồi cũng chẳng than phiền,
    Cắn răng mà chịu đảo điên qua hồi.
    Lão mụ tuổi đã lớn rồi,
    Vợ bốn mươi chẵn chồng thời bốn ba,
    Đêm ngày lo tính gần xa,
    Chẳng con kế tự thật là đáng lo,
    Choanh ngoảnh chồng vợ đơn cô,
    Tuổi già sức yếu biết nhờ cậy ai?

  • Chỉ vì một chữ ăn

    Ăn lông ở lỗ, từ thuở tạo thiên
    Hôm sớm cửa thiền, ăn chay niệm Phật
    Cả đời chật vật, làm không đủ ăn
    Tánh hay hiểu lầm, làm sao ăn ở
    Biết ăn theo thuở, biết ở theo thời
    Tài sức thua người, thì bị ăn hiếp
    Đờn ca ăn nhịp, mới thật tài năng
    Người không chịu làm, hay đi ăn ké
    Cần phải tránh né, cái bọn ăn dơ
    Vừa vét vừa quơ, muốn ăn trọn gói
    Hễ ăn một đọi, thì nói một lời
    Ăn phải coi nồi, ngồi thời coi hướng

  • Vè Lụt Bất Quá

    Thuở vua Tự Đức trị vì
    Thái hoà tự Võ khác gì Đường, Ngu
    Nơi nơi kích nhưỡng khang cù
    Thái Sơn bàn thạch cơ đồ vững an
    Tuy loài hải thủy sơn man
    Cũng mến oai đức thê bằng lai quy
    Cớ sao vận hội bất kỳ
    Năm ba mươi mốt can chi Mậu Dần
    Tai trời khắp xuống chúng dân
    Ba huyện Quảng Ngãi mười phần tả tơi
    Nắng cho năm bảy tháng trời
    Lúa lang bắp đậu cháy phơi cánh đồng
    Tháng ba bị háp đã xong
    Lúa nhồng, bát ngoạt làm đòng cũng khô

  • Trách lòng thầy ký thầy cai

    Trách lòng thầy ký thầy cai
    Đồng hồ nhà nước tính sai giờ làm
    Mười hai giờ rưỡi mới tầm
    Anh em bụng đói âm thầm xót xa
    Trên tầng cuốc cuốc xe xe
    Dưới bơm nó chạy như ve kêu sầu
    Bơm nước lên một chầu một cạn
    Để cho phu làm gạn kiếm công
    Một ngày vay được một đồng
    Nhịn ăn mà để cho chồng xuôi Nam.

  • Vọng phu hoá đá chờ chồng

    Vọng phu hoá đá chờ chồng
    Sao anh chưa thấy dải đồng phu thê?
    Phiên bang nhiều kẻ chán chê
    Tới đây bỏ mạng, có về được đâu?
    Khuyên anh suy nghĩ cho sâu
    Đừng thèm đi lính, bỏ đầu bên Tây

Chú thích

  1. Chợ Hà Đông
    Ngôi chợ lớn nhất của Hà Đông trước đây. Chợ Hà Đông vốn là chợ làng Đơ (nên còn gọi là chợ Đơ hay chợ Cầu Đơ) xây ba dãy cầu gạch lợp ngói song song với nhau tồn tại mãi đến những năm 80 của thế kỉ 20, khi xây ba nhà chợ lớn lợp mái tôn. Khu vực chợ gia súc mở năm 1904 nay là khu vực Ngân hàng nông nghiệp, Đài phát thanh truyền hình thành phố, viện Kiểm sát nhân dân quận, Trường Mỹ nghệ sơn mài.

    Chợ Hà Đông hiện nay

    Chợ Hà Đông hiện nay

  2. Củ cải trắng
    Một loại cải có rễ mọc phình to thành củ, màu trắng, có vị ngọt hơi cay. Phần lá cũng gọi là rau lú bú. Nhân dân ta thường trồng củ cải để lấy lá luộc ăn, lá già muối dưa và để lấy củ chế biến nhiều món ăn như luộc, kho với thịt, với cá, xào mỡ, xào thịt, nấu canh... hoặc làm dưa muối. Ngoài ra, củ cải trắng còn được dùng làm vị thuốc Đông y giúp long đờm, trị viêm, bỏng, lợi tiểu, trừ lị...

    Củ cải trắng

    Củ cải trắng

  3. Ví dầu
    Nếu mà, nhược bằng (từ cổ). Cũng nói là ví dù.
  4. Dưa hồng
    Dưa hấu non. Gọi vậy vì dưa hấu non có ruột màu hồng nhạt (hường) chứ chưa đỏ như khi dưa chín.
  5. Đất thổ
    Đất để ở.
  6. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  7. Riềng
    La rầy (phương ngữ Bình Định - Phú Yên).
  8. Thiện ác đáo đầu chung hữu báo, cao phi viễn tẩu dã nan tàng
    Một câu trong sách Minh Tâm Bửu Giám, có nghĩa là: Làm điều thiện hay điều ác thì sớm muộn cũng đều có báo ứng, cao bay xa chạy cũng khó trốn thoát.
  9. Phượng hoàng
    Một loài chim trong thần thoại Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng. Trước đây, con trống được gọi là Phượng (hay phụng) còn con mái được gọi là Hoàng, nhưng ngày nay thì sự phân biệt đực, cái đã gần như không còn, và phượng hoàng được xem là giống cái, trong khi rồng được xem là giống đực. Phượng hoàng là vua của các loài chim, tượng trưng cho sự thanh cao.

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

  10. Đồng Quan, đồng Chùa
    Hai cánh đồng thuộc địa phận xã Hà Lâm, nay là xã Yến Sơn, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa.
  11. Chánh Lộc
    Tên một làng nay thuộc xã Hà Giang, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa.
  12. Nồn Nàng, Nồn Bái, Nồn Anh, Nồn Hoa, Nồn Giàng, Nồn Hang
    Tên cái xứ đồng kéo dài từ xã Hà Giang sang xã Hà Lĩnh, thuộc địa phận huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa.
  13. Huế
    Một địa danh ở miền Trung, nay là thành phố thủ phủ của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Là kinh đô của Việt Nam dưới triều đại phong kiến nhà Nguyễn (1802 - 1945), Huế còn được gọi là đất Thần Kinh (ghép từ hai chữ kinh đôthần bí) hoặc cố đô. Huế là một vùng đất thơ mộng, được đưa vào rất nhiều thơ văn, ca dao dân ca và các loại hình văn học nghệ thuật khác, đồng thời cũng là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa với nón Bài Thơ, nhã nhạc cung đình, ca Huế, các đền chùa, lăng tẩm, các món ẩm thực đặc sắc...

    Địa danh "Huế" được cho là bắt nguồn từ chữ "Hóa" trong Thuận Hóa, tên cũ của vùng đất bao gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương, một biểu tượng của Huế

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương, một biểu tượng của Huế

    Thành Nội, Huế

    Thành Nội

  14. Áo địa
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Áo địa, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  15. Nón dấu
    Cũng gọi là nón sơn hoặc nón dầu sơn, loại nón của lính thời Lê - Nguyễn, gần giống như nón lá nhưng nhỏ hơn, thường đan bằng mây, có chóp bằng đồng.

    Nón dấu

    Nón dấu

  16. Tấn Tần
    Việc hôn nhân. Thời Xuân Thu bên Trung Quốc, nước Tần và nước Tấn nhiều đời gả con cho nhau. Tấn Hiến Công gả con gái là Bá Cơ cho Tần Mục Công. Tần Mục Công lại gả con gái là Hoài Doanh cho Tấn Văn Công. Việc hôn nhân vì vậy gọi là việc Tấn Tần.

    Trộm toan kén lứa chọn đôi,
    Tấn Tần có lẽ với người phồn hoa.

    (Truyện Hoa Tiên)

  17. Thuốc bắc
    Tên chung của các loại thuốc được sử dụng trong y học cổ truyền của Trung Quốc, phân biệt với thuốc nam là thuốc theo y học cổ truyền Việt Nam. Các vị trong thuốc bắc có nguồn gốc từ thực vật (vỏ, rễ, lá cây...), động vật (sừng, xương, da lông...) và khoáng chất (hoàng thổ, thạch tín ...) được chia thành thang, luộc trong nước (gọi là sắc thuốc) trước khi uống.

    Một số vị thuốc bắc

    Một số vị thuốc bắc

  18. Đông sàng
    Cái giường ở phía Đông. Thời nhà Tấn ở Trung Quốc, quan thái úy Khích Giám muốn lấy chồng cho con gái mình, liền sai người qua nhà Vương Đạo có nhiều con cháu để kén rể. Các cậu con trai nghe tin, ra sức ganh đua nhau, chỉ có một người cứ bình thản nằm ngửa mà ăn bánh trên chiếc giường ở phía đông. Người ta trở về nói lại, ông khen "Ấy chính là rể tốt" và gả con cho. Người con trai ấy chính là danh nhân Vương Hi Chi, nhà thư pháp nổi danh bậc nhất Trung Quốc, được mệnh danh là Thư thánh. Chữ đông sàng vì vậy chỉ việc kén rể giỏi giang.

    Vương Hi Chi

    Vương Hi Chi

  19. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  20. Cheo
    Khoản tiền nhà trai nạp cho làng xã bên nhà gái khi làm lễ dạm hỏi theo tục lệ xưa.
  21. Bèo ong
    Còn gọi là bèo tai chuột, lá mọc thành cụm dày, cuộn lại dọc theo sống lá như tổ ong. Nhân dân ta thường băm bèo ong cho lợn ăn.

    Bèo ong

    Bèo ong

  22. Hương
    Tên gọi chung của một số chức tước ở cấp xã dưới thời Nguyễn, ví dụ hương chánh làm nhiệm vụ thu thuế, chi xuất, phân công sai phái, hương quản chuyên trách giữ gìn an ninh trật tự, kiểm tra nhân khẩu, hương thân làm nhiệm vụ giáo hóa thuần phong mỹ tục...
  23. Lí trưởng
    Tên một chức quan đứng đầu làng (: làng, trưởng: đứng đầu), bắt đầu có từ đời Minh Mệnh nhà Nguyễn.
  24. Nhà trò
    Như ả đào, cô đầu, chỉ người phụ nữ làm nghề hát xướng (gọi là hát ả đào) ở các nhà chứa khách ngày trước. Thú chơi cô đầu thịnh hành nhất vào những năm thuộc Pháp và ở phía Bắc, với địa danh nổi nhất là phố Khâm Thiên. Ban đầu cô đầu chỉ chuyên hát, nhưng về sau thì nhiều người kiêm luôn bán dâm.
  25. Tổng
    Đơn vị hành chính thời Lê, Nguyễn, trên xã, dưới huyện. Một tổng thường gồm nhiều xã. Người đứng đầu tổng là chánh tổng, cũng gọi là ông Tổng.
  26. Bác mẹ
    Cha mẹ (từ cổ).
  27. Ngưu Lang, Chức Nữ
    Còn có các tên chàng Ngưu ả Chức hay ông Ngâu bà Ngâu, hai nhân vật trong truyện cổ tích Ngưu Lang Chức Nữ có mặt trong văn hóa của cả Việt Nam và Trung Quốc. Trong phiên bản Việt Nam, Ngưu Lang là vị thần chăn trâu của Ngọc Hoàng, còn Chức Nữ là một tiên nữ dệt vải, vì say mê nhau nên trễ nải công việc. Ngọc Hoàng giận dữ, bắt cả hai phải ở cách xa nhau, người ở đầu kẻ ở cuối sông Ngân, và chỉ được gặp nhau mỗi năm một lần vào đêm rằm tháng Bảy âm lịch, trên một cây cầu do đàn quạ bắc nên (gọi là cầu Ô Thước). Khi tiễn biệt nhau, Ngưu Lang và Chức Nữ khóc sướt mướt, nước mắt của họ rơi xuống trần hóa thành cơn mưa, người trần gọi là mưa ngâu.
  28. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  29. Quân tử
    Hình mẫu con người lí tưởng theo Nho giáo. Quân tử là người ngay thẳng, đứng đắn, công khai theo lẽ phải, trung thực và cẩn trọng.
  30. Đa mang
    Tự vương vấn vào nhiều tình cảm để rồi phải đeo đuổi, vấn vương, dằn vặt không dứt ra được.

    Thôi em chả dám đa mang nữa
    Chẳng buộc vào chân sợi chỉ hồng

    (Xuân tha hương - Nguyễn Bính)

  31. Thuyền quyên
    Gốc từ chữ thiền quyên. Theo từ điển Thiều Chửu: Thiền quyên 嬋娟  tả cái dáng xinh đẹp đáng yêu, cho nên mới gọi con gái là thiền quyên.

    Trai anh hùng, gái thuyền quyên
    Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng

    (Truyện Kiều)

  32. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  33. Bể dâu
    Từ tiếng Hán thương hải tang điền (biển xanh, nương dâu). Tiếng Việt ta có thành ngữ là bãi bể nương dâu. Theo Thần tiên truyện, tiên nữ Ma Cô nói với Vương Phương Bình rằng "Từ khi được hầu tiếp ông đến nay đã thấy biển xanh ba lần biến thành nương dâu."

    Các từ ngữ bể dâu, bãi bể nương dâu, dâu biển (biển dâu) đều chỉ sự biến đổi, thăng trầm của cuộc đời.

    Trải qua một cuộc bể dâu
    Những điều trông thấy mà đau đớn lòng

    (Truyện Kiều)

  34. Luông
    Cách may giấu đường chỉ một bên. Đối với luông là ép, cách may để lộ đường chỉ ra cả hai bên.
  35. Nghĩa giao hòa
    Nghĩa vợ chồng (dùng trong ca dao dân ca).
  36. Chũm
    Phần đầu và đuôi của quả cau.
  37. Xanh
    Dụng cụ để nấu, làm bằng đồng, có hai quai, giống cái chảo lớn nhưng đáy bằng chứ không cong.

    Cái xanh đồng.

    Cái xanh đồng.

  38. Đê
    Một lũy đất nhân tạo hay tự nhiên kéo dài dọc theo các bờ sông hoặc bờ biển để ngăn lũ lụt.

    Đường đê

    Đường đê

  39. Vải
    Tên Hán Việt là lệ chi, một loại cây ăn quả thân gỗ vùng nhiệt đới. Quả có lớp vỏ màu đỏ, sần sùi dễ bóc, bên trong là lớp cùi thịt màu trắng mờ, ăn rất ngọt. Quả được thu hoạch vào mùa hè.

    Vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang)

    Vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang)

  40. Giời
    Trời (phương ngữ Bắc và Bắc Trung Bộ).
  41. Ngái
    Một loại cây thuộc họ dâu tằm, có tên khác là sung ngái, dã vô hoa. Theo kinh nghiệm dân gian, tất cả các bộ phận của cây ngái đều có tác dụng chữa bệnh.

    Cây ngái

    Cây ngái

  42. Mặt nguyệt
    Một loại họa tiết cổ gồm một hình dĩa tròn tựa trên mấy cụm mây, thường xuất hiện trên mái đình, chùa. Họa tiết này thường kèm theo hình hai con rồng.

    Mặt nguyệt ở giữa hai con rồng trong họa tiết "rồng chầu mặt nguyệt"

    Mặt nguyệt ở giữa hai con rồng trong họa tiết "rồng chầu mặt nguyệt"

  43. Cuốc
    Còn gọi là chim quốc, con nghịt, một loại chim nhỏ thường gặp ngoài đồng ruộng, có tiếng kêu "cuốc, cuốc." Tương truyền chim cuốc (cũng gọi là chim đỗ quyên, xin xem chi tiết ở chú thích Đỗ quyên) là do vua Thục Đế mất nước khóc đến chảy máu mắt, chết đi hóa thành.

    Chim cuốc

    Chim cuốc

  44. Liên tưởng từ mô phỏng tiếng kêu "cuốc, cuốc" của loài chim này, đồng âm với "quốc, quốc" (Tiếng Hán Việt nghĩa là "nước").
  45. Quạ
    Còn gọi là ác, loài chim có bộ lông màu đen đặc trưng, ăn tạp. Theo mê tín dân gian, quạ có thể đem lại điềm xui xẻo.

    Con quạ

    Con quạ

  46. Tu hú
    Một loài chim có kích cỡ khá lớn, ăn quả và côn trùng, có tiếng kêu to dễ phân biệt. Chúng là chim đẻ nhờ, đẻ trứng của mình vào tổ của các loài chim khác, đặc biệt vào tổ của các loài chim dạng sẻ.

    Chim tu hú

    Chim tu hú

  47. Sáo sậu
    Còn được gọi là cà cưỡng, một chi chim thuộc họ Sáo, vì vậy mang các đặc tính họ này như: thích sống vùng nông thôn rộng thoáng, chủ yếu ăn sâu bọ và quả, hay làm tổ trong các hốc, lỗ và đẻ các trứng màu xanh lam hay trắng. Họ Sáo, đặc biệt là sáo sậu, có khả năng bắt chước âm thanh từ môi trường xung quanh, kể cả tiếng còi ô tô hay giọng nói con người. Các loài trong chi này có thân nhỏ, lông thường màu đen hoặc đen xám, tím biếc hoặc xanh biếc, mỏ và chân màu vàng. Ở nước ta, loại chim này được nuôi phổ biến để dạy cho nói tiếng người.

    Sáo sậu

    Sáo sậu

  48. Ác là
    Còn có tên là bồ các, một loại chim lớn (có thể dài từ 40-50 cm) có đầu, cổ và ngực màu đen bóng, bụng và vai màu trắng. Ác là loài ăn tạp, chúng có thể ăn từ chim non tới trứng, thú, sâu bọ nhỏ, hạt ngũ cốc và nhiều thứ khác. Có lẽ vì vậy trong ca dao dân ca, ác là thường tượng trưng cho điều xấu hoặc những kẻ độc ác. Tuy nhiên trong văn hóa Trung Quốc, ác là lại có tên là hỉ thước, tượng trưng cho điềm lành.

    Bồ các (ác là)

    Ác là

  49. Diều hâu
    Loài chim dữ, mỏ quặp, có thị lực rất sắc bén, hay bắt gà, chuột, rắn.

    Một loại diều hâu

    Một loại diều hâu

  50. Chim sâu
    Tên chung của một số loài chim nhỏ như chim sẻ, thường ăn mật hoa, quả mọng, nhện và sâu bọ.

    Chim sâu bình nguyên

    Chim sâu bình nguyên

  51. Hoàng anh
    Còn gọi là chim vàng anh hay hoàng oanh, là loài chim di cư nhỏ, ăn côn trùng và quả cây. Hoàng anh trống nổi bật với bộ lông vàng và đen, hoàng anh mái có bộ lông vàng ánh xanh lục.

    Chim Hoàng Anh (Chim Vàng Anh)

    Chim Hoàng Anh

  52. Én
    Loài chim nhỏ, cánh dài nhọn, đuôi chẻ đôi, mỏ ngắn, thường bay thành đàn.

    Chim én

    Chim én

  53. Hải âu
    Còn gọi là chim mòng hay mòng biển. Là loài chim có kích thước từ trung bình tới lớn, thường có màu xám hay trắng, với các đốm đen trên đầu hay cánh, mỏ dài khỏe, chân có màng bơi. Người đi biển có thể xem chim hải âu bay để dự đoán thời tiết.

    Chim mòng (hải âu)

    Chim hải âu

  54. Vạc
    Một loại chim có chân cao, cùng họ với diệc, , thường đi ăn đêm, tiếng kêu rất to.

    Vạc

    Vạc

  55. Khướu
    Loại chim nhỏ, lông dày xốp, thường có màu xỉn, cánh tròn, chân khỏe và cao, thích nghi với việc di chuyển trên mặt đất và các cành cây. Chim khướu có nhiều loài khác nhau, có tiếng hót hay và vang xa nên thường được nuôi làm cảnh.

    Chim khướu

    Chim khướu

  56. Công
    Một loài chim thuộc họ Trĩ, có tên Hán Việt là khổng tước. Chim trống bộ lông có màu lục óng ánh, đuôi rất dài, có màu lục ánh đồng, mỗi lông ở mút có sao màu lục xanh, đỏ đồng, vàng, nâu. Mào dài, hẹp thẳng đứng, phần mặt của nó có màu vàng và xanh, khi nó múa đuôi xòe ra hình nan quạt để thu hút chim mái. Công mái không có đuôi dài và đẹp như công trống.

    Chim công

    Chim công

  57. Hạc
    Loại chim cổ cao, chân và mỏ dài. Trong Phật giáo và văn chương cổ, hạc tượng trưng cho tuổi thọ hoặc tính thanh cao của người quân tử. Trước cửa các điện thờ thường có đôi hạc đá chầu.

    Đỉnh Hoa biểu từ khơi bóng hạc
    Gót Nam Du nhẹ bước tang bồng

    (Nhị thập tứ hiếu)

    Tranh vẽ hạc

    Tranh vẽ hạc

  58. Chim hạc nói đây là chim hạc bằng gỗ sơn hoặc bằng đồng

    Hạc gỗ trang trí nơi thờ phượng

    Hạc gỗ trang trí nơi thờ phượng

  59. Lía
    Dân gian còn gọi là chàng Lía, chú Lía, người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa nông dân chống ách thống trị của nhà Nguyễn vào thế kỉ 18 nổ ra tại Truông Mây, Bình Định. Có giả thuyết cho rằng ông tên thật là Võ Văn Doan, quê nội huyện Phù Ly (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định ngày nay), quê ngoại làng Phú Lạc, tổng Thời Hòa, huyện Tuy Viễn (nay là huyện Tây Sơn). Lía tập hợp dân nghèo nổi dậy, chọn Truông Mây (Hoài Ân, Bình Định) làm căn cứ, lấy của người giàu chia cho người nghèo. Tương truyền sau khi cuộc khởi nghĩa thất bại, ông uất ức bỏ lên núi và tự sát.
  60. Anh hào
    Anh hùng hào kiệt, người có tài năng, chí khí. Hội anh hào là dịp để anh hào gặp và thi thố lẫn nhau để lập nên những công trạng hiển hách.

    Đường đường một đấng anh hào,
    Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài.

    (Truyện Kiều)

  61. Sơn hà
    Núi sông (từ Hán Việt). Từ cũ, nghĩa rộng dùng để chỉ đất nước.

    Nam quốc sơn hà Nam Đế cư
    Tiệt nhiên phận định tại thiên thư
    Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
    Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư

    (Lý Thường Kiệt)

    Dịch thơ:

    Sông núi nước Nam vua Nam ở
    Rành rành định phận tại sách trời
    Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
    Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.

  62. Chiêu binh mãi mã
    Chiêu mộ binh lính và mua ngựa chiến (để chuẩn bị cho chiến tranh). Hiểu rộng ra là tập hợp lực lượng, vây cánh.
  63. Dung
    Biết là việc xấu, sai nhưng vẫn để tồn tại.
  64. Lâu la
    Từ chữ Hán 嘍囉, chỉ quân lính, tay chân của giặc cướp.
  65. Trào đàng
    Triều đình (cách nói cũ của Trung và Nam Bộ).

    Trạng nguyên tâu trước trào đàng,
    Thái sư trữ dưỡng tôi gian trong nhà.

    (Lục Vân Tiên - Nguyễn Đình Chiểu)

  66. Bá quan
    Từ chữ Hán Việt 百 (trăm), và quan 官 (quan lại), chỉ tất cả các quan lại trong triều đình. Cũng nói là bá quan văn võ.
  67. Ngự sử
    Tên chung của một số chức quan có nhiệm vụ giám sát từ cấp cao nhất (vua) đến các cấp quan lại.
  68. Lai do
    Nguyên do sự việc.
  69. Phú hào
    Những người giàu và có thế lực ở nông thôn thời phong kiến (từ Hán Việt).
  70. Ngờ (phương ngữ Nam Bộ).
  71. Binh nhung
    Binh 兵 (binh lính) và nhung 戎 (vũ khí, binh lính). Chỉ binh khí, quân đội, hoặc hiểu rộng ra là việc quân.
  72. Nam hoàng
    Vua nước Nam.
  73. Quản
    E ngại (từ cổ).
  74. Chợ Gò Chàm
    Tên một phiên chợ ở Bình Định. Trước đây chợ ở cách thị trấn Bình Định khoảng hai cây số về phía Bắc. Vùng này có tên là xứ Lam Kiều vì trồng nhiều cây chàm để nhuộm vải, vì vậy chợ có tên chữ là Lam Kiều thị. Đúng ra phải gọi là chợ Cầu Chàm, nhưng dân chúng lại quen gọi là chợ Gò Chàm. Bởi đó, có người còn cho rằng chợ được lập trên vùng đất gò có nhiều mồ mả người Chàm. Năm 1940, chợ Gò Chàm dời vào khu đất phía đông bắc bên ngoài thành Bình Ðịnh, sát với khu phố của thị trấn và đổi tên là chợ Bình Ðịnh, hay chợ Thành, nhưng dân chúng vẫn quen gọi tên cũ. Chợ mới vẫn giữ vai trò lớn nhất tỉnh, nhóm chợ mỗi ngày và mỗi tháng có sáu phiên vào các ngày mồng 3, 8, 13, 18, 23, 28. Ngoài ra, xưa nay vẫn giữ lệ phiên chợ 23, 28 tháng chạp âm lịch nhóm suốt ngày đêm và đông hơn các phiên chợ khác trong năm.

    Chợ Bình Định ngày nay

    Chợ Bình Định ngày nay

  75. Bánh đúc
    Bánh nấu bằng bột gạo tẻ hoặc bột ngô quấy với nước vôi trong, khi chín đổ ra cho đông thành tảng, thường được ăn kèm với mắm tôm. Bánh đúc là món quà quen thuộc của làng quê.

    Bánh đúc Hà Nội

    Bánh đúc Hà Nội

  76. Bánh xèo
    Một loại bánh làm bằng bột, bên trong có nhân là tôm, thịt, giá, đúc hình tròn. Tùy theo mỗi vùng mà cách chế biến và thưởng thức bánh xèo có khác nhau. Ở Huế, món ăn này thường được gọi là bánh khoái và thường kèm với thịt nướng, nước chấm là nước lèo gồm tương, gan, đậu phộng. Ở miền Nam, bánh có cho thêm trứng, chấm nước mắm chua ngọt. Ở miền Bắc, nhân bánh xèo còn có thêm củ đậu thái mỏng hoặc khoai môn thái sợi. Các loại rau ăn kèm với bánh xèo rất đa dạng gồm rau diếp, cải xanh, diếp cá, tía tô, rau húng, lá quế, lá cơm nguội non...

    Bánh xèo

    Bánh xèo

  77. Bánh khô
    Còn gọi là bánh khô mè, hoặc bánh khô khổ, là một loại bánh miền Trung, làm từ bột gạo nếp, đường và mè.

    Bánh khô mè Cẩm Lệ - Quảng Nam

    Bánh khô mè Cẩm Lệ - Quảng Nam

  78. Bánh nổ
    Một loại bánh đặc sản của miền Trung. Bánh làm bằng gạo nếp rang cho nổ bung ra (nên có tên là bánh nổ), trộn với nước đường nấu sôi và gừng giã nhỏ, cho vào khuôn hình chữ nhật. Bánh ăn có vị ngọt của đường, bùi của nếp và cay của gừng.

    Bánh nổ

    Bánh nổ

  79. Bánh bèo
    Một món bánh rất phổ biến ở miền Trung và miền Nam. Bánh làm từ bột gạo, có nhân phía trên mặt bánh làm bằng tôm xay nhuyễn. Nước chấm bánh bèo làm từ nước mắm, và thường đổ trực tiếp vào bánh chứ không cần chấm. Thành phần phụ của bánh bèo thường là mỡ hành, đậu phộng rang giã nhỏ. Tuỳ theo địa phương, có những cách thêm bớt khác nhau cho món bánh này, ví dụ ở Sài Gòn thường bỏ đậu xanh, đồ chua, lại cho ăn kèm bánh đúc, bánh ít, bánh bột lọc...

    Bánh bèo

    Bánh bèo

  80. Cá chép
    Tên Hán Việt là lí ngư, một loại cá nước ngọt rất phổ biến ở nước ta. Ngoài giá trị thực phẩm, cá chép còn được nhắc đến trong sự tích "cá chép vượt vũ môn hóa rồng" của văn hóa dân gian, đồng thời tượng trưng cho sức khỏe, tài lộc, công danh.

    Ở một số địa phương miền Trung, cá chép còn gọi là cá gáy.

    Cá chép

    Cá chép

  81. Cá thu
    Loại cá biển, thân dài, thon, không có hoặc có rất ít vảy. Từ cá thu chế biến ra được nhiều món ăn ngon.

    Cá thu

    Cá thu

  82. Cá ngừ
    Một loài cá biển đặc biệt thơm ngon, mắt rất bổ, được chế biến thành nhiều loại món ăn ngon và hiện nay là nguồn hàng xuất khẩu có giá trị. Nghề câu cá ngừ đại dương tại Việt Nam ra đời năm 1994, nhờ công sức phát hiện ra phương pháp câu của ngư dân Phú Yên. Sau đó nghề này dần lan rộng, trở thành thế mạnh của ngư dân duyên hải Nam Trung Bộ như Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa...

    Cá ngừ

    Cá ngừ

  83. Cá nục
    Một loại cá biển, có rất nhiều ở các vùng biển miền Trung. Cá nục được dùng làm nguyên liệu chính cho nhiều món ăn ngon như cá nục sốt cà, cá nục kho, cá nục hấp cuốn bánh tráng...

    Cá nục

    Cá nục

  84. Cá ngừ chù
    Gọi tắt là cá chù, một loại cá thuộc họ cá ngừ, có nhiều ở các vùng biển miền Trung. Tại đây cá ngừ chù được xem là “cá nhà nghèo,” món quen thuộc trong giỏ đi chợ của các bà nội trợ. Những món ăn từ cá ngừ chù có cà ngừ kho dưa gang, cá ngừ rim cà chua, cá ngừ hấp...

    Cá ngừ chù

    Cá ngừ chù

  85. Ngó
    Nhìn, trông (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  86. Nậu
    Nghĩa gốc là một nhóm nhỏ cùng làm một nghề (nên có từ "đầu nậu" nghĩa là người đứng đầu). 

Ví dụ: “Nậu nguồn” chỉ nhóm người khai thác rừng, “Nậu nại” chỉ nhóm người làm muối, “Nậu rổi” chỉ nhóm người bán cá, “Nậu rớ” chỉ nhóm người đánh cá bằng rớ vùng nước lợ, “Nậu cấy” chỉ nhóm người đi cấy mướn, “Nậu vựa” chỉ nhóm người làm mắm... Từ chữ “Nậu” ban đầu, phương ngữ Phú Yên-Bình Định tỉnh lược đại từ danh xưng ngôi thứ ba (cả số ít và số nhiều) bằng cách thay từ gốc thanh hỏi. Ví dụ: Ông ấy, bà ấy được thay bằng: “ổng,” “bả.” Anh ấy, chị ấy được thay bằng: “ảnh,” “chỉ.” 

Và thế là “Nậu” được thay bằng “Nẩu” hoặc "Nẫu" do đặc điểm không phân biệt dấu hỏi/ngã khi phát âm của người miền Trung. 

Người dân ở những vùng này cũng gọi quê mình là "Xứ Nẫu."
  87. Trạnh cày
    Cũng gọi là diệp cày, bộ phận thường bằng sắt hoặc gang, lắp tiếp trên lưỡi cày, có tác dụng nâng, tách và lật đất cày.
  88. Dùi đục
    Còn gọi là đục, dụng cụ gồm một thanh thép có chuôi cầm, đầu có lưỡi sắc, dùng để tạo những chỗ lõm hoặc những lỗ trên các vật rắn như gỗ, đá, kim loại.

    Sử dụng dùi đục

    Sử dụng dùi đục

  89. Chàng
    Dụng cụ của thợ mộc gồm một lưỡi thép dẹp hình tam giác tra vào cán, dùng để vạt gỗ (đẽo xiên).

    Dùng chàng

    Dùng chàng

  90. Quảng Nam
    Tên một tỉnh ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, trước đây bao gồm cả thành phố Đà Nẵng, gọi chung là tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Quảng Nam có nghĩa là "mở rộng về phương Nam." Tỉnh Quảng Nam giàu truyền thống, độc đáo về bản sắc văn hóa với những danh tích như thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An...

    Vẻ đẹp Hội An

    Vẻ đẹp Hội An

  91. Quảng Ngãi
    Địa danh nay là một tỉnh nằm ở duyên hải Nam Trung Bộ, nằm hai bên bờ sông Trà Khúc, được mệnh danh là vùng đất Núi Ấn Sông Trà. Quảng Ngãi là mảnh đất có bề dày lịch sử về văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Chăm Pa, đặc biệt là hệ thống thành lũy Chàm. Tại đây cũng nổi tiếng cả nước với đặc sản đường mía (đường phèn, đường phổi, mạch nha...) và tỏi ở Lý Sơn.

    Núi Ấn

    Núi Ấn sông Trà

  92. Bất phú bất bần
    Không giàu không nghèo.
  93. Rú rừng
    Rừng núi (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  94. Biện
    Lo liệu, chuẩn bị.
  95. Cỗ
    Những món ăn bày thành mâm để cúng lễ ăn uống theo phong tục cổ truyền (đám cưới, đám giỗ...) hoặc để thết khách sang trọng.

    Mâm cỗ

    Mâm cỗ

  96. Rạng
    Sáng tỏ.
  97. Ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học bất tri lí
    Ngọc không mài giũa thì không thành món đồ (trang sức), người không học thì không hiểu lí lẽ. Đây là một câu trong Lễ Ký, một trong Ngũ Kinh.
  98. Dị sự
    Chuyện lạ thường (từ Hán Việt).
  99. Vắn
    Ngắn (từ cổ).

    Tự biệt nhiều lời so vắn giấy
    Tương tư nặng gánh chứa đầy thuyền

    (Bỏ vợ lẽ cảm tác - Nguyễn Công Trứ)

  100. Loan phụng hòa minh
    Chim loan, chim phượng cùng hót. Chỉ vợ chồng hòa thuận, thương yêu nhau.
  101. Thung dung
    Thong dong.
  102. Thôn lân
    Làng xóm láng giềng (từ Hán Việt).
  103. Lao lung
    Khổ cực (từ cổ).
  104. Thất phát
    Cũng như thất bát – mất mùa.
  105. Nàn
    Nạn (từ cũ).
  106. Đoạn trường
    Đau đớn như đứt từng khúc ruột (đoạn: chặt đứt, trường: ruột). Theo Sưu thần kí, có người bắt được hai con vượn con, thường đem ra hiên đùa giỡn. Vượn mẹ ngày nào cũng đến ở trên cây gần đầu nhà, kêu thảm thiết. Ít lâu sau thì vượn mẹ chết, xác rơi xuống gốc cây. Người ta đem mổ thì thấy ruột đứt thành từng đoạn.
  107. Túng tíu
    Túng thiếu (từ cũ).
  108. Thét
    Chịu đựng lâu thành quen (phương ngữ).
  109. Kế tự
    Nối dõi (từ Hán Việt).
  110. Thuở tạo thiên
    Lúc mới lập ra trời đất.
  111. Đọi
    Cái chén, cái bát (phương ngữ một số vùng ở Bắc Trung Bộ).
  112. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  113. Tự Đức
    (1829 – 1883) Vị hoàng đế thứ tư của nhà Nguyễn, vương triều cuối cùng trong lịch sử phong kiến nước ta. Thời gian ông ở ngôi đánh dấu nhiều sự kiện trong lịch sử nước ta, trong đó quan trọng nhất là tháng 8/1858, quân Pháp nổ phát súng đầu tiên tấn công Đà Nẵng, mở đầu cho thời kì thống trị của người Pháp ở Việt Nam.

    Vua Tự Đức

    Vua Tự Đức

  114. Nguyễn Phúc Khoát
    Còn gọi là Chúa Vũ, Chúa Khoát, hay Võ Vương, Vũ Vương (1714-1765), vị chúa Nguyễn thứ 8 trong lịch sử nước ta. Ông được đánh giá là có công xây dựng Đô thành Phú Xuân (thế kỷ 18), hoàn thành công cuộc Nam tiến của người Việt (bắt đầu từ thế kỉ 11 và hoàn tất vào thế kỉ 18 để có toàn vẹn lãnh thổ như hiện nay), và được xem là người có công khai sáng và định hình chiếc áo dài Việt Nam (theo sách Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn và Đại Nam Thực Lục Tiền Biên của nhiều sử quan thuộc Quốc Sử Quán).

    Ông là con trai trưởng của chúa Nguyễn Phúc Chu và mẹ là Thục phi Trương Thị Thư. Lúc thế ngôi chúa của cha năm 24 tuổi, ông lấy hiệu là Từ Tế Đạo Nhân (vì chuộng đạo Phật). Năm 1744, sau nhiều thành tựu đối nội, quần thần dân biểu tôn Chúa Vũ lên ngôi vương, tục gọi là Võ Vương. Năm Võ Vương mất (1765), ông được truy tôn là Thế Tôn Hiếu Võ Hoàng Ðế.

    Tiến trình Nam tiến của người Việt

    Tiến trình Nam tiến của người Việt

  115. Nhà Đường (618 - 907) và nhà Ngu dưới thời vua Nghiêu (2337 TCN –2258 TCN) được coi là hai thời đại thịnh trị nhất của Trung Quốc.
  116. Kích nhưỡng khang cù
    Kích nhưỡngKhang cù là tên hai bài ca dao thời vua Nghiêu bên Trung Hoa. Kích nhưỡng khang cù chỉ cảnh thiên hạ thái bình, nhân dân vui chơi ca hát.
  117. Thái Sơn
    Một ngọn núi ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, là một trong năm ngọn núi thiêng của Trung Quốc (gồm Hành Sơn, Hằng Sơn, Thái Sơn, Hoa Sơn và Tung Sơn). Núi Thái Sơn được xem là thiêng nhất trong năm ngọn núi này.

    Núi Thái Sơn

    Núi Thái Sơn

  118. Bàn thạch
    Đá tảng (từ Hán Việt).
  119. Hải thủy sơn man
    Những loài quái vật dưới nước và man di mọi rợ trên núi.
  120. Năm Tự Đức thứ ba mươi mốt, tức năm Mậu Dần (1878).
  121. Ba huyện là Bình Sơn, Mộ Đức, Tư Nghĩa.
  122. Cháy háp
    Cháy một phần.
  123. Lúa nhồng
    Còn đọc là lúa nhộng, chỉ lúa trổ bông bị nghẽn không thoát ra gié lúa, giống như con nhộng còn trong tổ kén. Hiện tượng nhộng lúa thường xảy ra khi lúa sắp trổ gặp thời tiết hạn hán, khô nước.
  124. Mèo
    Phương ngữ Nam Bộ lấy ý từ thành ngữ "mèo mả gà đồng" hoặc "mèo đàng chó điếm," chỉ nhân tình vụng trộm. Trong một số ngữ cảnh, mèo cũng chỉ người được được hứa hẹn là sẽ cưới hỏi sau này.
  125. Kí lục
    Một trong hai chức quan phụ tá cho chức quan lưu thủ đứng đầu một tỉnh dưới thời nhà Nguyễn (chức quan kia là cai bạ). Quan kí lục coi việc lễ nghi, khánh tiết, hình án và thưởng phạt cấp dưới. Vị quan kí lục nổi tiếng nhất có lẽ là ông Nguyễn Cư Trinh, trước là kí lục tỉnh Quảnh Bình, sau có công bình định vùng đồng bằng sông Cửu Long về cho nhà Nguyễn.

    Trong thời Pháp thuộc, kí lục chỉ người làm nghề ghi chép sổ sách trong các sở, còn gọi là thầy kí.

  126. Cai
    Người trông coi trong các công trường, nhà tù thời phong kiến, Pháp thuộc.
  127. Còi tầm
    Còi báo bắt đầu hoặc kết thúc giờ làm việc các xưởng, mỏ, công trường, nhà máy…
  128. Mắm
    Một loại cây rừng ngập mặn, gặp rất nhiều ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Có bốn loại mắm: mắm lưỡi đồng, mắm đen, mắm ổi, mắm quăn. Tuy có giá trị kinh tế không đáng kể, mắm cùng các loại cây khác như bần, đước... giữ một vai trò rất quan trọng trong việc giữ đất, lấn biển.

    Cây mắm

    Cây mắm

  129. Một loài cây sống ở nước lợ, thường mọc thành bụi lùm ở các vùng đầm lầy ven biển, lá bẹt bằng, quả tròn dài có núm đỏ, vỏ cây màu đỏ sẫm. Nhờ bộ rễ chằng chịt có khả năng giữ đất các tốt, sú và đước là những loại cây rất quan trọng trong việc chống xói mòn đất.

    Cây sú

    Cây sú

  130. Cá mòi
    Một loại cá thuộc họ cá trích, có tập tục bơi thành đàn từ biển ngược lên nguồn vào tháng giêng để đẻ trứng, vì vậy nhân dân ta thường giăng lưới bắt cá mòi ở sông vào dịp này. Cá mòi ngon nhất là trứng cá, và thường được chế biến thành các món nướng, món kho. Cá mòi có hai loại: cá mòi lửa và cá mòi he.

    Cá mòi

    Cá mòi

  131. Cẩm Phả
    Một địa danh nay là thành phố thuộc tỉnh Quảng Ninh. Tại đây từ xưa đã nổi tiếng với ngành khai thác than đá. Cẩm Phả cũng có nghề khai thác hải sản với hơn 50 km bờ biển, nhưng chủ yếu là đánh bắt gần bờ, sản lượng thấp.

    Cẩm Phả về đêm

    Cẩm Phả về đêm

  132. Đun
    Đẩy.
  133. Vọng Phu
    Hình tượng người phụ nữ bồng con đứng trên đỉnh núi chờ chồng rồi sau hóa thành đá, rất thường gặp trong văn học dân gian. Trên khắp đất nước ta có rất nhiều đỉnh núi được mang tên là núi Vọng Phu hoặc đá Vọng Phu.
  134. Chữ đồng
    Từ cụm từ Hán Việt "đồng tâm đái," hoặc "dải đồng," chỉ sợi thắt lưng ngày xưa có hai dải lụa buộc lại với nhau. Văn chương cổ dùng từ "chữ đồng" hoặc "đạo đồng" để chỉ sự kết nguyền chung thủy của vợ chồng.

    Đã nguyền hai chữ đồng tâm
    Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai

    (Truyện Kiều)

  135. Phiên bang
    Nước của người Phiên. Người Trung Quốc xưa gọi các dân tộc sống ngoài biên cương của mình là người Phiên. Về sau chữ "Phiên" được sử dụng để chỉ nước ngoài nói chung, đặc biệt là những nước không theo văn hiến Trung Hoa.