Một năm chia mười hai kì
Em ngồi em tính khó gì chẳng ra
Tháng giêng ăn tết ở nhà
Tháng hai rỗi rãi quay ra nuôi tằm
Tháng ba đi bán vải thâm
Tháng tư đi gặt, tháng năm trở về
Tháng sáu em đi buôn bè
Tháng bảy tháng tám trở về đong ngô
Chín, mười cắt rạ đồng mùa
Một, chạp vớ được anh đồ dài lưng
Anh ăn rồi anh lại nằm
Làm cho em phải quanh năm lo phiền
Chẳng thà lấy chú lực điền
Gạo bồ thóc đống còn phiền nỗi chi?
Tìm kiếm "cát bụi"
-
-
Tháng giêng thì lúa xanh già
Tháng giêng thì lúa xanh già
Tháng hai lúa trổ, tháng ba lúa vàng
Tháng tư cuốc đất trồng lang
Tháng năm cày cuốc tiếng nàng hò lơ
Tháng sáu làm cỏ dọn bờ
Tháng bảy trổ cờ, tháng tám chín thơm
Gặt về đạp lúa phơi rơm
Mồ hôi đổi lấy bát cơm hàng ngày
Lúa khô giê sạch cất ngay
Chỗ cao ta để phòng ngày nước dâng
Mùa đông mưa bão nhiều lần
Nàng xay, chàng giã cùng ngân tiếng hò
Tháng mười cày cấy mưa to
Trông trời, trông đất cầu cho được mùa -
Một nhà có bốn nàng dâu
-
Anh lính là anh lính ơi
-
Đố anh con rết mấy chân,
-
Đêm nằm chép miệng thở than
Đêm nằm chép miệng thở than
Thiếp ơi có nhớ nghĩa chàng hay không?
Dang tay rớt chén rượu nồng
Vái cùng Nguyệt lão tơ hồng xe dây
Xin cho đó hiệp cùng đây
Đừng cho gió tạt mưa bay điều gì
Mỗi ngày mỗi thảm sầu bi
Lê mê thấy cảnh, li bì thấy duyên
Ta đây vốn thật Vân Tiên
Đó phải Nguyệt Nga cất tiếng, ta khuyên vài lời
Xưa rày mỗi đứa mỗi nơi
Đám đông như hội đến chơi cũng buồn -
Hôm nay trời nắng chang chang
Hôm nay trời nắng chang chang
Ở đây xa nước, xa làng, xa dân
Chàng cho em mượn cái nón làm ân
Nhà em xa lắm, có gần ai đâu?
Trời làm gió trúc mưa mai
Không mượng chàng nón, mượn ai bây giờ
Nón này đâu phải tình cờ
Đã cất lấy nón, lại sờ đến quai
Nón này đã phải hơi ai
Mà vuốt chẳng sạch, mà mài chẳng ra
Nón này của mẹ của cha
Hay là của khách đường xa chàng cầm
Hay là của bạn tri âm
Chàng cho em cầm, che tạm nắng mưa
Mất một, em sẽ đền ba
Nhược bằng mất cả, đền ta cho mình -
Thơ thầy Thông Chánh
Nhựt trình Vĩnh Ký đặt ra
Chép làm một bổn để mà coi chơi
Trà Vinh nhiều kẻ kỳ tời
Có thầy Thông Chánh thiệt người khôn ngoan
Đêm nằm khô héo lá gan
Nghĩ giận Biện lý không an tấm lòng
Chừng nào tỏ nỗi đục trong
Giết tên Biện lý trong lòng mới thanh
Lang sa làm việc Châu thành
Mười bốn tháng bảy lễ rày Chánh Chung
Chỉ sai đua ngựa rần rần
Trát đòi làng tổng tư bề đến đây
Bốn giờ đua ngựa cát bay
Phủ Hơn, Biện lý đương rày ngồi coi
Có thầy Thông Chánh hẳn hòi
Xách súng nai nịt đi coi châu thành … -
Khó thay công việc nhà quê
Khó thay công việc nhà quê
Quanh năm khó nhọc dám hề khoan thai
Tháng chạp thì mắc trồng khoai
Tháng giêng trồng đậu tháng hai trồng cà
Tháng ba cày vỡ ruộng ra
Tháng tư bắc mạ thuận hòa mọi nơi
Tháng năm gặt hái vừa rồi
Bước sang tháng sáu lúa trôi đầy đồng
Nhà nhà vợ vợ chồng chồng
Đi làm ngoài đồng sá kể sớm trưa
Tháng sáu tháng bảy khi vừa
Vun trồng giống lúa bỏ chừa cỏ tranh
Tháng tám lúa giỗ đã đành
Tháng mười cắt hái cho nhanh kịp người
Khó khăn làm mấy tháng trời
Lại còn mưa nắng thất thời khổ trông
Cắt rồi nộp thuế nhà công
Từ rày mới được yên lòng ấm no. -
Ớ cô Hai mày ơi
– Ớ cô Hai mày ơi!
Ta thấy cô Hai mày bảnh lảnh bẻo lẻo,
Ta cũng muốn tình tang tang tình.
Đi đâu đứng đó một mình,
Lại đây ta hỏi tiết trinh lẽ nào.
Có thương ta, ta mới bước vào,
Phượng loan cất cánh hòa giao ân tình.
– Nghe lời nói đó thất kinh,
Bông sen tàn ai nỡ cắm lộc bình bát xưa.
Cóc mà mang guốc ai ưa,
Đỉa đeo chân hạc, sao vừa mà mong.
Thôi thôi, đừng tưởng đừng hòng.
Ta đây có xấu, cũng con dòng lương gia.
Vô duyên ở vậy tới già,
Dại chi lấy chú, để thiên hạ mà cười chê.
Vụng về dốt nát đủ bề,
Suốt năm suốt tháng, giữ bề ở trai.
– Ớ cô kia, đừng khoe sắc khoe tài,
Tốt xinh chi đó, chê ai trai cày.
Sử kinh ta nắm trong tay,
Tỉ như vua Thuấn còn cày Lịch Sơn.
Mãi Thần lúc trước khổ bần,
Trọng Yêm, Hàn Tín ra thân khó hèn.
– Thôi thôi, chú đừng nhắc tích vòng vo,
Mấy ông thủa trước, ai so cho bằng.
Chú ăn học sao không thấy đi thi,
Ăn thì xó bếp, nằm thì chuồng trâu.
Chạng không xứng chạng, đừng cầu uổng công. -
Vè Thanh Hóa
Khu Bốn đẩy ra
Khu Ba đẩy vào
Bỏ chạy sang Lào
Nước Lào không nhận
Tức mình nổi giận
Lập quốc gia riêng
Thủ đô thiêng liêng
Là huyện Nông Cống
Quốc ca chính thống:
“Dô tá dô tà”
Nông nghiệp nước nhà:
Trồng cây rau má
Biển khơi lắm cá
Mười mẻ một cân
Nhà máy phân lân
Một năm hai tạ
Vang tiếng xa gần
Nem chua toàn lá
Còn công nghiệp hoá
Là phá đường tàu … -
Thư gửi chồng
Jê-cờ-ri một bức tình thư,
Ăng-voa, thăm hỏi me-xừ di-đăng
Tú xon gạt nước mắt than rằng:
Cô-song cái phận lăng nhăng nhỡ nhàng.
Đờ-puy thiếp bén duyên chàng,
Nô-xờ chưa được một bàn tiệc vui.
Ê-loa-nhê ai khéo giục xui,
Cu-tô ai nỡ cắt mùi nguyệt hoa
La cua mút mọc, luyn tà,
La săm biết lấy ai là a-mi
Lạnh lùng mảnh áo sơ-mi
Năm canh trằn trọc lơ li một mình.
A-mi ai có thấu tình,
Để cho đến nỗi thân mình biếng ba
Pơ-răng qua để làm quà,
Jê-cơ-ri uyn lét để mà ca-đô
Tự ngày bước xuống ba-tô
Lác-mơ nó chảy như hồ Trúc Yên
Xi vu lét-xê moa tiền,
Thì moa cũng chẳng được yên bông cờ
Tiện lời thăm hỏi ta xơ,
Cùng cả gia quyến ơ-rơ thanh nhàn.
Lơ roa Thành Thái Annam
23 tháng Tám bước sang tháng Mười
Tên em là Nguyễn Thị Thời. -
Gẫm thân phận thiếp như thuyền kia không bánh
Gẫm thân phận thiếp như thuyền kia không bánh
Thân vì muốn lập thân mà ngại nặng gánh gia đình
Chàng ơi! Tại cảnh gia đàng em có một ông cha già đành cỡi hạc chầu tiên
Còn bà mẹ hiền như trái chín trên nhành chờ khi ướm rụng.
Chàng ơi! Em ra đây, gặp chàng em hỏi thiệt
Trai chàng tính cho em ở vậy hay là em cất bước thượng trình tòng phu
Chàng ơi! Tại cảnh gia đàng của em, mấy ống tre ngã xiêu ngã tó.
Mấy tấm vạt cau rớt lên rớt xuống, ai ngó vào cũng chặc lưỡi lắc đầu, hỡi ôi cho thân phận thiếp.
Anh kết nghĩa lương duyên với em tình chồng nghĩa vợ. Anh em bạn của anh đứng ngoài xa, miệng kêu tay ngoắc.
Bớ Tư ơi ! Người đâu sao không khác chi chị Thoại Khanh thuở trước khảy đàn tầm bạn mà kết nghĩa ái ân làm gì? -
Trăng thanh nhờ bởi trời trong
Trăng thanh nhờ bởi trời trong
Thương nhau từ chỗ mặn nồng mà thương
Xưa rày xa cách đôi đường
Chén thề gần cạn, khăn hường gần phai
Sầu riêng thức trắng đêm dài
Hai hàng nước mắt láng lai đêm trường
Nhớ khi đi đứng ngoài đường
Tay cầm tay dắt trao thương gởi sầu
Thẩn thơ thơ thẩn đêm thâu
Sương sa ướt đẫm mái đầu đôi ta
Ước sao chàng thiếp một nhà
Anh đàn em hát câu ca xuân tình
Đừng làm đôi ngả lênh đênh
Niềm vui không trọn chữ tình không xong
Xốn xang dao cắt vào lòng
Lời thề giữ vẹn, chữ đồng đừng quên -
Xa nhau cách mấy con trăng
Xa nhau cách mấy con trăng
Đêm nằm lơ lửng, uống ăn không thường
Không biết ai tôi nhắn với người thương
Nhắn anh dầu phụng Quán Rường mới ra
Nhắn bạn hàng Phong Thử, Hà Nha
Nhắn người Vĩnh Điện, La Qua xưa rày
Nhắn người quen biết xưa nay
Nhắn ông đi cuốc đi cày cũng không
Chợ chiều tôi nhắn chị hàng bông
Nhắn cô gánh nước, nhắn ông đưa đò
Nhắn người chuyển miệng giùm cho
Nhắn người cắt cỏ, giữ bò giữ trâu
Nhắn ông đi úp sông sâu
Nhắn ông bủa lưới giăng câu dọc gành
Nhắn người đốn củi rừng xanh
Nhắn cô bán cá, nhắn anh bán trầu
Nhắn người ở dưới Câu Lâu
Nhắn cô bán vải ở cầu Bình Long … -
Bài này có từ ngữ và/hoặc nội dung nhạy cảm.
Hãy cân nhắc trước khi bấm xem.Ông hàng vịt
Ông hàng vịt
Ăn ít địt nhiều
Địt vô niêu, niêu thủng
Địt vô thúng, thúng bay
Địt vô chày, chày gãy cổ
Địt vô đám giỗ, bể đọi bể bát
Địt vô nhà hát, chết con nhà trò
Địt vô đàn bò, đẻ con me cái
Địt vô con gái, có nghén có thai
Địt vô con trai, hay mần hay mạn
Địt vô Cát Ngạn, cháy cửa cháy nhà
Địt vô làng ta, giàu sang phú quý. -
Vè con gái hư
Đầu hôm ngủ tới canh tư,
Còn nằm mà ngủ, muỗi thì nó cắn dư cả vùa
Canh năm thì dộng trống chùa,
Còn nằm mà ngủ, chúng lùa một bên
Ngủ thì quên tuổi, quên tên,
Ngủ cho mặt trời mọc đã lên ba sào
Sáng ra đái dựa hàng rào,
Còn đương ngây ngủ té nhào trong gai
Quét nhà long mốt long hai,
Con mắt dáo dác thấy trai ngó chừng
Bày ra cắt áo, cắt quần,
Cắt không kích tấc, nhằm chừng cắt ngang
Vải thời một tấc một quan,
Cắt thời khoét lỗ khoét hang đâu còn
Bày ra bánh cục bánh hòn,
Nắn bằng chiếc đũa, hấp còn bột không … -
Ra vườn ngắt một cành chanh
Ra vườn ngắt một cành chanh
Con dao lá trúc gọt quanh tứ bề
Đôi ta đã trót lời thề
Con dao lá trúc để kề tóc mai
Bây giờ chàng đã nghe ai
Nghe trăng nghe gió, nghe ai mặc lòng
Tưởng rằng chàng ở một lòng
Ngờ đâu chàng lại đèo bòng đôi nơi … -
Vè Tà Lơn
Xứ hiểm địa chim kêu vượn hú
Dế ngâm sầu nhiều nỗi đa đoan
Ngó dưới sông thấy cá mập lội nghinh ngang
Nhìn dưới suối thấy sấu nằm hơn trăm khúc
Con tới đây là nguồn cao nước đục
Loài thú cầm nhiều thứ gớm ghê
Gấu chằn tinh lai vãng dựa bên hè
Còn gấu ngựa tới lui khít vách
Ra một đỗi xa ngoài mé rạch
Thấy beo nằm đếm biết mấy ngàn
Ngó lên bờ thấy cọp dọc ngang
Lần tay tính biết bao nhiêu chục
Bầy chồn cáo đua nhau lúc nhúc
Lũ heo rừng trừng giỡn bất loạn thiên … -
Chưa đi chưa biết Cửa Ông
Chưa đi chưa biết Cửa Ông
Đến đây mới biết đường không lối về
Phu sắng-tẩy ai thuê mà đánh
Thẻ than sàng ai bán mà mua
Nhà quê còn có ngày mùa
Đi nhặt, đi mót hột thừa mà ăn
Ở đây rét đói quanh năm
Đi câu cá: rủi, đi săn: hổ vồ
Khu Bò Đái xương khô rải rác
Bến Lò Vôi mấy xác bồng bềnh
Lạc loài bể khổ mông mênh
Thân vờ xơ xác lênh đênh chét mòn
Trót nghe bầu bạn ra đây
Lạ thung, lạ thổ, lạ cây, lạ nhà
Đồn Cẩm Phả sơn hà bát ngát
Huyện Hoành Bồ đá cát mênh mông
Ai ơi đứng lại mà trông
Kìa khe nước độc, nọ ông hùm già
Vui gì mà rủ nhau ra
Làm ăn khổ cực nghĩ mà tủi thân.
Chú thích
-
- Tằm
- Còn gọi là tằm tơ, ấu trùng của loài bướm tằm. Tằm ăn lá dâu tằm và nhả tơ thành kén. Tằm đã sẵn sàng nhả tơ được gọi là tằm chín, có màu vàng óng hoặc đỏ nâu bóng, trong suốt. Tơ tằm dùng để dệt lụa và có giá trị kinh tế cao.
-
- Tháng một
- Tháng thứ mười một trong âm lịch, tục gọi là tháng Một (không phải là nói tắt của "tháng Mười Một").
-
- Chạp
- Tháng thứ mười hai âm lịch. Có thuyết cho chạp do đọc trạch từ tiếng Hán lạp nguyệt mà ra.
-
- Lực điền
- Người làm ruộng có sức khỏe.
-
- Khoai lang
- Một loại cây nông nghiệp với rễ củ lớn, chứa nhiều tinh bột, có vị ngọt, gọi là củ khoai lang. Nhân dân ta trồng và sử dụng khoai lang làm lương thực, tận dụng cả phần củ (rễ), thân, và lá.
-
- Dê
- Rê, hay giê, hoạt động làm cho lúa sạch bằng cách đổ từ trên cao xuống cho gió cuốn đi những bụi rác (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Phong lưu
- Ngọn gió bay (phong), dòng nước chảy (lưu). Từ này vốn nghĩa là phẩm cách, tinh thần riêng của mỗi người, hiểu rộng ra là sung sướng, vui với cảnh, không phải chịu buồn khổ.
Cõi trần thế nhân sinh là khách cả
Nợ phong lưu kẻ giả có người vay
(Nợ phong lưu - Nguyễn Công Trứ)
-
- Đài bi
- Hay đại bi, còn có tên khác là từ bi xanh, đại ngải, bơ nạt, phặc phả (Tày), co nát (Thái), là loại cây nhỏ, toàn thân và quả có lông mềm và tinh dầu thơm. Cụm hoa hình ngù ở nách lá hay ở ngọn, gồm nhiều đầu, trong mỗi đầu có nhiều hoa màu vàng. Cây đại bi có vị cay và đắng, mùi thơm nóng, tính ấm, được dùng làm vị thuốc chữa một số bệnh ngoài da.
-
- Cầu Ô Thước
- Chiếc cầu trong điển tích Ngưu Lang - Chức Nữ, tượng trưng cho sự sum họp đôi lứa.
-
- Chợ Dinh
- Một ngôi chợ nay thuộc thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
-
- Giạ
- Đồ đong lúa đan bằng tre (có chỗ ghép bằng gỗ), giống cái thúng sâu lòng, thường đựng từ 10 ô trở lại, thường thấy ở miền Trung và Nam (Đại Nam quấc âm tự vị - Huình Tịnh Của). Một giạ ta tùy địa phương lại có giá trị khác nhau, từ 32 cho tới 45 lít, giạ tây (thời Pháp đô hộ) chứa 40 lít. Đến giữa thế kỉ 20 xuất hiện loại giạ thùng được gò bằng tôn, chứa 40 lít.
-
- Ngãi
- Nghĩa, tình nghĩa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Kết tóc xe tơ
- Kết tóc: Thuở xưa, con trai và con gái đều để tóc dài bới lên đầu. Trong đêm tân hôn, tóc của dâu rể được các nữ tì buộc vào nhau. Xe tơ: Xem chú thích Nguyệt Lão.
Kết tóc xe tơ có nghĩa là cưới nhau, thành vợ thành chồng.
-
- Hiệp
- Họp, hợp (sum họp, hòa hợp) (phương ngữ Nam Bộ).
-
- Lục Vân Tiên
- Tên nhân vật chính, đồng thời là tên tác phẩm truyện thơ Nôm nổi tiếng của Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), được sáng tác theo thể lục bát vào đầu những năm 50 của thế kỷ 19, đề cao đạo lý làm người. Lục Vân Tiên là một chàng trai khôi ngô tuấn tú, tài kiêm văn võ, cùng với Kiều Nguyệt Nga, một người con gái chung thủy, đức hạnh trải qua nhiều sóng gió nhưng cuối cùng cũng đạt được hạnh phúc.
Đối với người dân Nam Bộ, truyện Lục Vân Tiên có sức ảnh hưởng rất lớn, được xem là hơn cả Truyện Kiều của Nguyễn Du.
-
- Kiều Nguyệt Nga
- Tên nhât vật nữ chính trong truyện thơ Lục Vân Tiên. Kiều Nguyệt Nga là một người con gái xinh đẹp, đức hạnh, được Vân Tiên cứu thoát khỏi tay bọn cướp Phong Lai. Nghe tin Vân Tiên chết, nàng đã ôm bức hình Vân Tiên nhảy xuống sông tự vẫn, nhưng được Phật Bà đưa dạt vào vườn hoa nhà họ Bùi. Bùi Kiệm ép nàng lấy hắn. Nàng trốn đi, nương tựa nhà một bà lão dệt vải. Sau này khi Vân Tiên dẹp giặc Ô Qua, đi lạc vào rừng đã gặp lại Nguyệt Nga, hai người sống sum vầy hạnh phúc.
Kiều Nguyệt Nga được người dân Nam Bộ xem là biểu tượng của lòng chung thủy.
-
- Tri âm
- Bá Nha đời Xuân Thu chơi đàn rất giỏi, thường phàn nàn thiên hạ không ai thưởng thức được tiếng đàn của mình. Một lần Bá Nha đem đàn ra khảy, nửa chừng đàn đứt dây. Đoán có người rình nghe trộm, Bá Nha sai lục soát, bắt được người đốn củi là Tử Kỳ. Tử Kỳ thanh minh rằng nghe tiếng đàn quá hay nên dừng chân thưởng thức. Khi Bá Nha ngồi gảy đàn, tâm trí nghĩ tới cảnh non cao, Tử Kỳ nói: Nga nga hồ, chí tại cao sơn (Tiếng đàn cao vút, ấy hồn người ở tại núi cao). Bá Nha chuyển ý, nghĩ đến cảnh nước chảy, Tử Kỳ lại nói: Dương dương hồ, chí tại lưu thủy (Tiếng đàn khoan nhặt, ấy hồn người tại nơi nước chảy). Bá Nha bèn kết bạn với Tử Kỳ. Sau khi Tử Kỳ chết, Bá Nha đập vỡ đàn mà rằng "Trong thiên hạ không ai còn được nghe tiếng đàn của ta nữa." Do tích này, hai chữ tri âm (tri: biết, âm: tiếng) được dùng để nói về những người hiểu lòng nhau.
-
- Nhật trình
- Tờ báo đọc hằng ngày. Ở Trung và Nam Bộ, từ này cũng được phát âm thành nhựt trình.
-
- Trương Vĩnh Ký
- Nhà văn, nhà ngôn ngữ học, nhà giáo dục học, nhà văn hóa lỗi lạc của nước ta vào cuối thế kỉ 19. Ông sinh ngày 6/12/1837 tại ấp Cái Mơn, xã Vĩnh Thành, tổng Minh Lý, huyện Tân Minh, phủ Hoàng An, tỉnh Vĩnh Long (nay thuộc huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre), mất ngày 1/9/1898 tại Sài Gòn. Thông minh và ham học từ nhỏ, sau này ông đọc thông viết thạo 27 ngoại ngữ, là tác giả của hơn 100 tác phẩm về văn học, lịch sử, địa lý, từ điển và dịch thuật, có tri thức vô cùng uyên bác, được tấn phong Giáo sư Viện sĩ Pháp, được ghi tên trong Bách khoa Tự điển Larousse, và được xem là một trong 18 nhà bác học hàng đầu thế giới thế kỷ 19. Cùng với Nguyễn Văn Vĩnh, ông thường được coi là "ông tổ nghề báo Việt Nam" vì là người sáng lập Gia Định báo, tờ báo quốc ngữ đầu tiên của nước ta.
Trường chuyên Lê Hồng Phong, thuộc thành phố Hồ Chí Minh hiện nay, trước đây có tên là trường Pétrus Ký, chính là đặt theo tên ông.
-
- Bổn
- Bản (phương ngữ Nam Bộ).
-
- Trà Vinh
- Tên một tỉnh ven biển ở đồng bằng sông Cửu Long, có kho tàng văn hoá đa dạng, đặc biệt là văn hoá vật thể và phi vật thể của người Khmer: chữ viết, lễ hội, đền chùa... Tại đây cũng có nhiều đặc sản như cốm dẹp trộn dừa kiểu Khmer; các món đuông như đuông chà là, đuông đất và đuông dừa; mắm rươi; rượu Xuân Thạnh, bánh tét, bánh tráng ba xe, mắm kho, bún nước lèo...
-
- Kỳ tời
- Đọc trại chữ kỳ tài, cách phát âm của người Nam Bộ.
-
- Thầy Thông Chánh
- Một người làm nghề thông ngôn tên là Chánh. Theo nhà nghiên cứu Trần Dũng thì thầy Thông Chánh tên thật là Nguyễn Văn Chánh, còn gọi là Nguyễn Trung Chánh, sinh khoảng năm 1850 tại Trà Vinh trong một gia đình theo đạo Thiên chúa, làm thông ngôn cho Pháp. Vợ (có nguồn nói là con gái) của thầy là cô Ba, sắc đẹp nổi tiếng lúc bấy giờ, nên tên Biện lý Jaboin rắp tâm chiếm đoạt. Quá uất ức, thầy đã dùng súng giết chết viên quan thực dân háo sắc ngày 14 tháng 5 năm 1893 (theo Sơn Nam), bị Tòa đại hình Mỹ Tho kết án ngày 19 tháng 6 năm 1893, và bị chém đầu ngày 8 tháng 1 năm 1894 tại Trà Vinh.
-
- Lang Sa
- Pha Lang Sa, Phú Lang Sa, Phú Lãng Sa, hay Lang Sa đều là những cách người Việt thời trước dùng để chỉ nước Pháp, ngày nay ít dùng. Các tên gọi này đều là phiên âm của từ "France".
-
- Châu thành
- Phố phường, thành thị, nơi dân cư đông đúc. Các tỉnh Nam Bộ ngày xưa đều có quận, huyện châu thành.
-
- Lễ Chánh Chung
- Tên nhân dân ta thời Pháp thuộc đặt cho lễ ngày Quốc khánh Pháp 14 tháng 7 (kỷ niệm phá ngục Bastille năm 1789). Vào ngày này thực dân Pháp tổ chức diễu binh, đua ngựa, vui chơi với mục đích mị dân.
-
- Trát
- Giấy truyền lệnh của quan lại ngày xưa. Từ chữ Hán 札 nghĩa là cái thẻ, vì ngày xưa không có giấy nên mọi mệnh lệnh muốn truyền đạt phải viết vào miếng gỗ nhỏ.
-
- Phủ
- Tên gọi một đơn vị hành chính thời xưa, cao hơn cấp huyện nhưng nhỏ hơn cấp tỉnh. Đứng đầu phủ gọi là quan phủ, cũng gọi tắt là phủ.
-
- Rày
- Nay, bây giờ (phương ngữ).
-
- Loan
- Theo một số điển tích thì phượng hoàng là tên chung của một loại linh vật: loan là con mái, phượng là con trống. Cũng có cách giải nghĩa khác về loan, mô tả loan là một loài chim giống với phượng hoàng. Trong văn thơ cổ, loan và phụng thường được dùng để chỉ đôi vợ chồng hoặc tình cảm vợ chồng (đèn loan, phòng loan...)
Nào người phượng chạ loan chung,
Nào người tiếc lục tham hồng là ai
(Truyện Kiều)
-
- Độc bình
- Đọc trại là lục bình hoặc lộc bình, một vật dụng bằng gỗ, sứ hoặc đồng, dạnh thuôn, cổ cao, dùng để cắm hoa trên bàn thờ hoặc để trang trí.
-
- Lương
- Hiền lành, tử tế (từ Hán Việt).
-
- Gia
- Nhà (từ Hán Việt).
-
- Thuấn, Nghiêu
- Vua Thuấn và vua Nghiêu, hai vị vua kế tiếp nhau trong huyền sử Trung Hoa cổ. Tương tuyền rằng đây là hai vị minh quân và thời Nghiêu Thuấn được coi là thời thái bình an lạc.
-
- Chu Mãi Thần
- Một nhân vật đời Hán ở Trung Quốc. Điển tích kể rằng thuở hàn vi, nhà nghèo, Mãi Thần phải đi đốn củi rừng đem bán nhưng có tính ham đọc sách, thường treo sách đầu gánh, vừa đi vừa đọc. Vợ là Thiệt Thê không chịu nổi cảnh nghèo túng, bỏ đi lấy chồng khác. Sau Mãi Thần được công thành danh toại, trên đường vinh quy thì gặp lại vợ cũ. Thiệt Thê xin tha lỗi, cho nàng trở lại làm vợ. Mãi Thần lấy bát nước đầy, đổ xuống đất, bảo nếu hốt lại đầy bát nước như trước, sẽ nhận nàng về làm vợ như xưa.
Chèo cổ Việt Nam có vở Chu Mãi Thần ra đời vào thế kỉ 19, không rõ tác giả. Đến nay, người ta chỉ còn trích diễn một vở hài phát triển trên vở này có tên Tuần ti đào Huế.
-
- Phạm Trọng Yêm
- Một nhà chính trị, nhà văn, nhà quân sự, nhà giáo dục thời Bắc Tống, Trung Quốc.
-
- Hàn Tín
- Một danh tướng thời nhà Hán trong lịch sử Trung Quốc, có công giúp Lưu Bang đánh bại Hạng Vũ, lập nên nhà Hán. Ông cùng với Trương Lương và Tiêu Hà được đời sau xưng tụng là Hán triều tam kiệt (ba vị hào kiệt nhà Hán). Sau khi thiên hạ bình định, Hán Cao Tổ Lưu Bang vì e ngại tài năng của Hàn Tín nên giáng chức ông xuống thành Hoài Âm hầu, tước quyền bính. Đến năm 196 TCN, Hàn Tín mưu phản, bị Lã Hậu giết cả ba họ.
Trong lịch sử Trung Quốc, Hàn Tín là một trong những danh tướng được nhắc đến nhiều nhất. Nhiều điển tích, điển cố như cơm phiếu mẫu, lòn trôn giữa chợ, câu nói "Giảo thố tử, tẩu cẩu phanh; cao điểu tận, lương cung tàn..." là từ ông mà ra.
-
- Đồng chạng
- Cùng lứa, cùng tuổi (phương ngữ Nam Bộ). Chạng là cách đọc trại của trượng.
-
- Khu 4
- Một đơn vị hành chính - quân sự cũ ở vùng Bắc Trung Bộ, do chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đặt ra và sử dụng từ cuối năm 1945 đến đầu năm 1948, gồm có các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên.
-
- Khu 3
- Một đơn vị hành chính - quân sự cũ ở vùng đồng bằng sông Hồng, do chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đặt ra và sử dụng từ cuối năm 1945 đến đầu năm 1948, gồm có các tỉnh thành: Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Kiến An, Quảng Yên, Hải Ninh, Hải Phòng.
-
- Nông Cống
- Tên một huyện nằm ở phía Nam tỉnh Thanh Hóa, trước đây còn có tên là Tư Nông.
-
- Hò sông Mã
- Một thể loại hò đặc sắc của Thanh Hóa, được những người chèo đò (gọi là trai đò) hát trên sông Mã. Hò sông Mã được gọi tên theo từng chặng khác nhau từ lúc đò rời bến cho đến khi cập bến: Hò rời bến, sắng đò ngược, hò xuôi dòng, hò đường trường, hò ru ngủ, hò mắc cạn, hò niệm Phật, hò cập bến...
Xem phóng sự Điệu hò trên một dòng sông.
-
- Rau má
- Một loại cây thân thảo ngắn ngày, thường được trồng để ăn tươi hoăc sắc lấy nước uống. Nước rau má có tác dụng giải độc, hạ huyết áp, làm mát cơ thể. Lá rau má hình thận, nhỏ bằng đồng xu.
-
- Nem
- Một món ăn làm từ thịt lợn, lợi dụng men của các loại lá (lá ổi, lá sung...) và thính gạo để ủ chín, có vị chua ngậy. Nem được chia làm nhiều loại như nem chua, nem thính... Nem phổ biến ở nhiều vùng, mỗi vùng đều có hương vị riêng: Vĩnh Yên, làng Ước Lễ (Hà Đông), làng Vẽ (Hà Nội), Quảng Yên (Quảng Ninh), Thanh Hóa, Đông Ba (Huế), Ninh Hòa (Khánh Hòa), Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh), Lai Vung (Đồng Tháp)...
-
- Jê-cờ-ri
- Tôi viết (từ tiếng Pháp J'écris).
-
- Ăng-voa
- Gửi (từ tiếng Pháp envoie).
-
- Me xừ
- Từ tiếng Pháp monsieur, nghĩa là "quý ông."
-
- Tú xon
- Cô đơn, một mình (từ tiếng Pháp tout seul).
-
- Cô soong
- Con lợn (từ tiếng Pháp couchon), dùng làm tiếng chửi.
-
- Đờ-puy
- Từ khi (từ tiếng Pháp depuis).
-
- Nô-xờ
- Tiệc cưới (từ tiếng Pháp noce).
-
- Ê-loa-nhê
- Xa cách (từ tiếng Pháp éloigné).
-
- Cu-tô
- Con dao (từ tiếng Pháp couteau).
-
- Nguyệt hoa
- Cũng viết là hoa nguyệt (trăng hoa), chỉ chuyện trai gái yêu đương. Từ này có gốc từ nguyệt hạ hoa tiền (dưới trăng, trước hoa, những cảnh nên thơ mà trai gái hẹn hò để tình tự với nhau), nay thường dùng với nghĩa chê bai.
Cởi tình ra đếm, ra đong
Đâu lời chân thật, đâu vòng trăng hoa?
(Tơ xuân - Huy Trụ)
-
- La cua
- Cái sân (từ tiếng Pháp la cour).
-
- Mút
- Rêu (từ tiếng Pháp mousse).
-
- Luyn
- Mặt trăng (từ tiếng Pháp lune).
-
- La săm
- Buồng (từ tiếng Pháp la chambre).
-
- A-mi
- Bạn thân, bạn gái (từ tiếng Pháp amie).
-
- Sơ-mi
- Nghĩa gốc là áo lót (từ tiếng Pháp chemise). Ngày nay, sơ mi có cổ áo, tay áo và hàng nút phía trước.
-
- Canh
- Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
-
- Lơ li
- Cái giường (từ tiếng Pháp le lit).
-
- Biếng ba
- Xanh xao (từ tiếng Pháp bien pale).
-
- Pơ-răng qua
- Lấy gì (từ tiếng Pháp prendre quoi).
-
- Uyn lét
- Một lá thư (từ tiếng Pháp une lettre).
-
- Ca-đô
- Quà (từ tiếng Pháp cadeau).
-
- Ba-tô
- Tàu thủy (từ tiếng Pháp bateau).
-
- Lác-mơ
- Nước mắt (từ tiếng Pháp larme).
-
- Hồ Trúc Bạch
- Tên một cái hồ thuộc quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Hồ được cho là một phần của hồ Tây trước kia, chúa Trịnh cho đắp đê Cố Ngự (sau đọc thành Cổ Ngư, giờ là đường Thanh Niên). Trước hồ thuộc làng Trúc Yên, ven hồ có Trúc Lâm viện là nơi chúa Trịnh giam giữ các cung nữ phạm tội. Những cung nữ này làm nghề dệt lụa để kiếm sống. Vì lụa đẹp nổi tiếng, nên dân gian lấy đó làm tên gọi cho hồ (Trúc Bạch nghĩa là lụa làng Trúc).
-
- Xi vu lét-xê moa
- Nếu anh để lại cho tôi (từ tiếng Pháp si vous laissez moi).
-
- Bông cờ
- Lòng tốt (từ tiếng Pháp bon cœur).
-
- Ta xơ
- Chị gái của anh (từ tiếng Pháp ta sœur).
-
- Ơ-rơ
- Sung sướng (từ tiếng Pháp heureux).
-
- Lơ roa
- Vua (từ tiếng Pháp le roi).
-
- Thành Thái
- (14/3/1879 – 24/3/1954) Hoàng đế thứ 10 của nhà Nguyễn, tại vị từ 1889 đến 1907. Lên ngôi khi mới mười tuổi, ông sớm bộc lộ tinh thần dân tộc và chủ trương đánh Pháp. Nǎm 1916 ông đày ra đảo Réunion cùng với con trai là vua Duy Tân, đến tháng 5 năm 1945 mới được cho về Việt Nam. Ông sống tại Cap Saint Jacques (Vũng Tàu) đến năm 1954 thì mất.
-
- Thoại Khanh - Châu Tuấn
- Một truyện thơ Nôm khuyết danh rất nổi tiếng ở Nam Bộ ngày trước, đã được chuyển thể thành cải lương và phim. Thoại Khanh là một phụ nữ xinh đẹp, người vợ hiền, dâu thảo. Châu Tuấn - chồng nàng, bị đày đi sứ 17 năm. Thoại Khanh lưu lạc, đói rách, nhưng vẫn nhường cơm sẻ áo với mẹ chồng, thậm chí cắt thịt ở cánh tay để nuôi mẹ, khoét mắt mình để cứu mẹ. Châu Tuấn thi đỗ Trạng nguyên, hai lần được hai vua Tống vương và Tề vương gả con gái, nhưng chàng đều khước từ, không phụ người vợ thuở hàn vi. Mối tình chung thủy của Thoại Khanh, Châu Tuấn đã cảm hoá cả hai vị vua và hai nàng công chúa, làm thần Phật xúc động. Sau cùng Châu Tuấn được lên ngôi vua, sống sung sướng cùng Thoại Khanh và hai người vợ thứ con Tề vương và Tống vương.
-
- Bài ca dao này rút từ truyện Ngày xưa tháng chạp trong tập Biển cỏ miền Tây của nhà văn Sơn Nam. Theo nhà văn Sơn Nam, đây là một bài hát huê tình, lớp hò nghèo (than nghèo). Hát huê tình là một thể loại ca dao đặc biệt của người miền Tây: "Hát đưa em với hát huê tình không khác nhau. Đưa em ở trong nhà. Hò hát ở ngoài ruộng."
-
- Chữ đồng
- Từ cụm từ Hán Việt "đồng tâm đái," hoặc "dải đồng," chỉ sợi thắt lưng ngày xưa có hai dải lụa buộc lại với nhau. Văn chương cổ dùng từ "chữ đồng" hoặc "đạo đồng" để chỉ sự kết nguyền chung thủy của vợ chồng.
Đã nguyền hai chữ đồng tâm
Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai
(Truyện Kiều)
-
- Con trăng
- Một chu kì của mặt trăng xoay quanh trái đất, tức một tháng âm lịch.
-
- Quán Rường
- Một địa danh thuộc xã Tam An, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam.
-
- Phong Thử
- Địa danh nay thuộc xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Làng Phong Thử nằm ở ven sông Thu Bồn, đất đai tuy nhiều nhưng ruộng lúa nước tương đối ít, vì vậy người dân xưa kia sống chủ yếu bằng nghề trồng bông, nuôi tằm dệt vải và làm nghề buôn bán nhỏ.
-
- Hà Nha
- Địa danh nay là một thôn thuộc xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, bên bờ sông Vu Gia.
-
- Vĩnh Điện
- Địa danh nay là một thị trấn thuộc huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
-
- La Qua
- Một làng thuộc tổng Hạ Nông, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, nay thuộc khối phố 3, thị trấn Vĩnh Điện, Điện Bàn, Quảng Nam. La Qua là một trong những căn cứ quan trọng của thực dân dưới thời Pháp thuộc.
-
- Nơm
- Dụng cụ bắt cá, được đan bằng tre, hình chóp có miệng rộng để úp cá vào trong, chóp có lỗ để thò tay vào bắt cá.
-
- Bủa
- Từ từ Hán Việt bố, nghĩa là giăng ra trên một diện tích rộng lớn (bủa lưới, vây bủa, sóng bủa...).
-
- Câu Lâu
- Tên một cây cầu bắc ngang sông Chợ Củi ở thị trấn Vĩnh Điện, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Cầu được xây dựng thời Pháp thuộc, trong chiến tranh Việt Nam thì được xây dựng lại lần thứ hai. Đầu thế kỷ 21, cầu được xây dựng lại với quy mô lớn hơn, có 4 làn xe chạy.
Về tên cây cầu này, có một sự tích: Ngày xưa, ven sông Chợ Củi, có một đôi vợ chồng từ xa đến lập nghiệp. Ngày ngày, chồng đi câu cá đổi gạo, vợ ở nhà trồng rau, vun vén gia đình. Chỗ ngồi câu cá quen thuộc của người chồng là trên một tảng đá gần bờ sông. Một đêm nọ, có cơn nước lũ từ nguồn đột ngột đổ về, người chồng bị cuốn đi. Người vợ ở nhà, đợi mãi vẫn chẳng thấy chồng về, cứ bồng con thơ thẩn ra vào, miệng luôn lẩm bẩm: "Câu gì mà câu lâu thế!" Cuối cùng, sốt ruột quá, nàng bồng con ra sông để tìm chồng. Khi hiểu ra sự việc, nàng quỳ khóc nức nở rồi ôm con gieo mình xuống dòng nước. Dân làng cảm thương đôi vợ chồng nghèo chung tình, đặt tên cho cây cầu bắc qua sông Chợ Củi là cầu Câu Lâu.
Thật ra Câu Lâu là một địa danh gốc Champa, biến âm từ chữ Pulau có nghĩa là "hòn đảo."
-
- Niêu
- Nồi nhỏ bằng đất nung hoặc đồng, có nắp đậy, dùng để nấu nướng hoặc sắc thuốc. Niêu sắc thuốc thì có thêm cái vòi để rót thuốc.
-
- Đọi
- Cái chén, cái bát (phương ngữ một số vùng ở Bắc Trung Bộ).
-
- Nhà trò
- Như ả đào, cô đầu, chỉ người phụ nữ làm nghề hát xướng (gọi là hát ả đào) ở các nhà chứa khách ngày trước. Thú chơi cô đầu thịnh hành nhất vào những năm thuộc Pháp và ở phía Bắc, với địa danh nổi nhất là phố Khâm Thiên. Ban đầu cô đầu chỉ chuyên hát, nhưng về sau thì nhiều người kiêm luôn bán dâm.
-
- Me
- Con bê (phương ngữ Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ).
-
- Mần
- Làm (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Như mần ăn, mần việc, đi mần...
-
- Mạn
- Mượn (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
-
- Cát Ngạn
- Một địa danh nay thuộc xã Cát Văn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Cát Ngạn cũng là tên một tổng của Nghệ An ngày trước.
-
- Vùa
- Một loại đồ đựng bằng sành hoặc đất nung. Ở một số địa phương Nam Bộ, người ta cũng gọi cái gáo (dừa) múc nước là vùa.
Từ này cũng được phát âm thành dùa.
-
- Sào
- Một đơn vị đo diện tích cũ ở nước ta trước đây. Tùy theo vùng miền mà sào có kích thước khác nhau. Một sào ở Bắc Bộ là 360 m2, ở Trung Bộ là 500 m2, còn ở Nam Bộ là 1000 m2.
-
- Lồng mốt, lồng hai
- Có nơi gọi là "long mốt, long hai," hai kiểu đan nan tre hoặc mây. "Lồng mốt" hay "lồng một" là cách đan lồng từng sợi nan lẻ, dùng để đan các loại rổ rá thưa, lớn. Lồng hai (còn gọi là lồng đôi) là cách đan lồng từng cặp sợi nan, để đan rổ nhỏ, nan khít. Đan lồng mốt đòi hỏi kĩ thuật cao hơn đan lồng hai.
-
- Dao lá trúc
- Dao sắc bén và mỏng như lá trúc.
-
- Tứ bề
- Bốn bề, xung quanh.
-
- Đèo bòng
- Mang lấy vào mình cái làm cho vương vấn, bận bịu thêm (thường nói về tình cảm yêu đương).
-
- Hiểm địa
- Vùng đất hiểm trở, đi lại khó khăn (từ Hán Việt).
-
- Đa đoan
- Lắm mối, lắm chuyện lôi thôi, rắc rối.
Cơ trời dâu bể đa đoan,
Một nhà để chị riêng oan một mình
(Truyện Kiều)
-
- Nghinh ngang
- Nghênh ngang.
-
- Cá sấu
- Một loài bò sát ăn thịt, thường sống ở môi trường nước như đầm lầy, sông suối, có bộ hàm rất khỏe. Chữ sấu trong cá sấu bắt nguồn từ phiên âm tiếng Trung 兽 (shou) có nghĩa là "thú." Người Trung Quốc xưa gọi như vậy vì nó vừa sống dưới nước như cá vừa có nanh vuốt giống thú.
-
- Gấu ngựa
- Một loài gấu lớn có tai lớn, toàn thân lông đen, dài, thô, có yếm hình chữ V ở ngực màu kem hoặc trắng mờ, leo trèo giỏi, kiếm ăn chủ yếu vào ban đêm. Gấu ngựa ăn tạp, từ quả chín, mầm cây, mật ong tới các loài cá và chim thú nhỏ. Hiện gấu ngựa được xếp vào một trong số các động vật đang bị đe dọa.
-
- Rạch
- Sông nhỏ chảy ra sông lớn.
-
- Báo đen
- Còn gọi là beo, là một dạng biến dị di truyền xảy ra đối với một vài loài mèo lớn, có màu đen do mang đột biến gen liên quan đến quá trình chuyển hóa melanin. Biến dị này có thể đem lại một vài ưu thế chọn lọc giúp báo đen dễ sinh sống trong những khu vực có mật độ rừng dày dặc, mức chiếu sáng rất thấp. Báo đen không được xem là một loài riêng vì không có sự cách ly giao phối với các nhóm khác. Biến dị này phổ biến ở báo đốm Mỹ và báo hoa mai. Ở nước ta ghi nhận có 3 loại báo là báo hoa mai, báo gấm, và báo lửa.
-
- Hổ
- Còn gọi là cọp, hùm, dân gian còn gọi là ông ba mươi hay chúa sơn lâm, một loài động vật có vú, ăn thịt sống, có tuổi thọ khoảng 20 năm. Phần lớn các loài hổ sống trong rừng và đồng cỏ, kém leo trèo nhưng đa số bơi lội giỏi, hay đi săn đơn lẻ. Thức ăn của chúng chủ yếu là các động vật ăn cỏ cỡ trung bình như hươu, nai, lợn rừng, trâu, v.v., ngoài ra chúng cũng săn bắt và ăn thịt các loại mồi to hay nhỏ hơn nếu cần. Một con hổ trung bình có thể ăn tới 27 kg một ngày và có thể nhịn ăn khoảng 2 hoặc 3 ngày.
Loài hổ thường thấy ở Việt Nam là hổ Đông Dương. Tuy nhiên, ở nước ta, gần 3/4 lượng hổ đã bị giết. Năm 2010, số lượng hổ ở Việt Nam chỉ còn vỏn vẹn 30 con. Hổ thường bị săn bắt để lấy da, xương, hay các bộ phận khác. Nạn săn bắt, buôn bán hổ khiến số lượng loài động vật quý hiếm này giảm 95% so với đầu thế kỷ 20. Ngày nay trên thế giới chỉ còn khoảng 5.000 - 7.000 cá thể hổ hoang dã, trong đó có khoảng 200 ở Việt Nam và 1.500 ở Ấn Độ. Loài hổ đã được đưa vào danh sách các loài đang gặp nguy hiểm.
-
- Cáo
- Loài thú ăn thịt thuộc họ chó, cỡ trung bình, ăn các loài lợn rừng nhỏ, nai, hoẵng và các loài chim thú khác. Cáo thường sống thành đàn lớn, có thể lớn tới 15 - 20 con, ở các kiểu rừng khác nhau, từ rừng già, rừng tái sinh, đến rừng hỗn giao tre nứa. Đây là loài rất hiếm, hiện đang suy giảm, có nguy cơ tuyệt chủng. Ở nước ta, chúng thường phân bố ở các tỉnh phía Bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn.
-
- Lợn rừng
- Cũng gọi là lợn lòi, loài lợn được xem là thủy tổ của lợn nhà. Lợn rừng nặng 40-200 kg, lông thô cứng màu đen xám, thường có răng nanh to dài chìa ra ngoài mõm, sống thành đàn 5-20 con trong rừng hoặc ven các nương rẫy, kiếm ăn đêm , ngày nghỉ trong các bụi rậm, thích đằm mình trong vũng nước. Lợn rừng ăn tạp gồm các loại củ, quả giàu tinh bột, các loại quả cây rừng, măng tre nứa, chuối và nhiều động vật nhỏ như nhái, ngoé, giun đất, ong...
Tại nước ta, lợn rừng có mặt khắp các tỉnh miền núi và trung du.
-
- Bất loạn thiên
- Cũng nói là bắt loạn thiên hoặc nói tắt là bắt loạn, cách nói mô tả mức độ rất nhiều của người Nam Bộ.
-
- Cửa Ông
- Địa danh nay là phường Cửa Ông, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Tại đây có đền Cửa Ông, được xem là một trong những ngôi đền đẹp nhất Việt Nam, thờ Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng cùng nhiều nhân vật lịch sử thời Trần.
-
- Phu sắng-tẩy
- Phu chuyên việc san gạt than trong hầm chứa của tàu.
-
- Vờ
- Còn gọi là con vờ vờ, con phù du, một loại côn trùng có cánh chỉ sống trong khoảng vài phút tới vài ngày sau khi đã trưởng thành và chết ngay sau giao phối và đẻ trứng xong. Điều đáng ngạc nhiên là ấu trùng vờ lại thường mất cả năm dài sống trong môi trường nước ngọt để có thể trưởng thành. Khi chết, xác vờ phơi trên các bãi sông hoặc trên mặt nước, bị các loài cá ăn thịt. Từ đó có thành ngữ "Xác như (xác) vờ, xơ như (xơ) nhộng" để chỉ sự rách nát, cùng kiệt.
-
- Thung
- Vùng đất rộng.
-
- Cẩm Phả
- Một địa danh nay là thành phố thuộc tỉnh Quảng Ninh. Tại đây từ xưa đã nổi tiếng với ngành khai thác than đá. Cẩm Phả cũng có nghề khai thác hải sản với hơn 50 km bờ biển, nhưng chủ yếu là đánh bắt gần bờ, sản lượng thấp.
-
- Hoành Bồ
- Địa danh nay là một huyện thuộc tỉnh Quảng Ninh. Hoành Bồ là một huyện miền núi, khá biệt lập với bên ngoài, cuộc sống người dân lam lũ, vất vả.