Những bài ca dao - tục ngữ về "Thoại Khanh – Châu Tuấn":

  • Gẫm thân phận thiếp như thuyền kia không bánh

    Gẫm thân phận thiếp như thuyền kia không bánh
    Thân vì muốn lập thân mà ngại nặng gánh gia đình
    Chàng ơi! Tại cảnh gia đàng em có một ông cha già đành cỡi hạc chầu tiên
    Còn bà mẹ hiền như trái chín trên nhành chờ khi ướm rụng.
    Chàng ơi! Em ra đây, gặp chàng em hỏi thiệt
    Trai chàng tính cho em ở vậy hay là em cất bước thượng trình tòng phu
    Chàng ơi! Tại cảnh gia đàng của em, mấy ống tre ngã xiêu ngã tó.
    Mấy tấm vạt cau rớt lên rớt xuống, ai ngó vào cũng chặc lưỡi lắc đầu, hỡi ôi cho thân phận thiếp.
    Anh kết nghĩa lương duyên với em tình chồng nghĩa vợ. Anh em bạn của anh đứng ngoài xa, miệng kêu tay ngoắc.
    Bớ Tư ơi ! Người đâu sao không khác chi chị Thoại Khanh thuở trước khảy đàn tầm bạn mà kết nghĩa ái ân làm gì?

Chú thích

  1. Thoại Khanh - Châu Tuấn
    Một truyện thơ Nôm khuyết danh rất nổi tiếng ở Nam Bộ ngày trước, đã được chuyển thể thành cải lương và phim. Thoại Khanh là một phụ nữ xinh đẹp, người vợ hiền, dâu thảo. Châu Tuấn - chồng nàng, bị đày đi sứ 17 năm. Thoại Khanh lưu lạc, đói rách, nhưng vẫn nhường cơm sẻ áo với mẹ chồng, thậm chí cắt thịt ở cánh tay để nuôi mẹ, khoét mắt mình để cứu mẹ. Châu Tuấn thi đỗ Trạng nguyên, hai lần được hai vua Tống vương và Tề vương gả con gái, nhưng chàng đều khước từ, không phụ người vợ thuở hàn vi. Mối tình chung thủy của Thoại Khanh, Châu Tuấn đã cảm hoá cả hai vị vua và hai nàng công chúa, làm thần Phật xúc động. Sau cùng Châu Tuấn được lên ngôi vua, sống sung sướng cùng Thoại Khanh và hai người vợ thứ con Tề vương và Tống vương.

    Xem vở cải lương Thoại Khanh - Châu Tuấn.

  2. Bài ca dao này rút từ truyện Ngày xưa tháng chạp trong tập Biển cỏ miền Tây của nhà văn Sơn Nam. Theo nhà văn Sơn Nam, đây là một bài hát huê tình, lớp hò nghèo (than nghèo). Hát huê tình là một thể loại ca dao đặc biệt của người miền Tây: "Hát đưa em với hát huê tình không khác nhau. Đưa em ở trong nhà. Hò hát ở ngoài ruộng."