Tìm kiếm "quy"

Chú thích

  1. Chợ Gò Chàm
    Tên một phiên chợ ở Bình Định. Trước đây chợ ở cách thị trấn Bình Định khoảng hai cây số về phía Bắc. Vùng này có tên là xứ Lam Kiều vì trồng nhiều cây chàm để nhuộm vải, vì vậy chợ có tên chữ là Lam Kiều thị. Đúng ra phải gọi là chợ Cầu Chàm, nhưng dân chúng lại quen gọi là chợ Gò Chàm. Bởi đó, có người còn cho rằng chợ được lập trên vùng đất gò có nhiều mồ mả người Chàm. Năm 1940, chợ Gò Chàm dời vào khu đất phía đông bắc bên ngoài thành Bình Ðịnh, sát với khu phố của thị trấn và đổi tên là chợ Bình Ðịnh, hay chợ Thành, nhưng dân chúng vẫn quen gọi tên cũ. Chợ mới vẫn giữ vai trò lớn nhất tỉnh, nhóm chợ mỗi ngày và mỗi tháng có sáu phiên vào các ngày mồng 3, 8, 13, 18, 23, 28. Ngoài ra, xưa nay vẫn giữ lệ phiên chợ 23, 28 tháng chạp âm lịch nhóm suốt ngày đêm và đông hơn các phiên chợ khác trong năm.

    Chợ Bình Định ngày nay

    Chợ Bình Định ngày nay

  2. Chợ Giã
    Còn gọi là chợ Quy Nhơn, một phiên chợ ở tỉnh Bình Định, thuộc làng Chánh Thành (bao gồm phường Hải Cảng, Trần Phú và một phần phường Trần Hưng Đạo và phường Lê Lợi ngày nay), cùng với chợ Thị Nại (chợ Quy Nhơn ngày nay) là những trung tâm mua bán sầm uất vào bậc nhất của cảng Thị Nại với các sản phẩm như gạo, củi, vôi, ngư cụ dưới thời nhà Nguyễn.
  3. Chợ Dinh
    Một ngôi chợ nay thuộc thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
  4. Chợ Huyện
    Một địa danh nay là làng Vinh Thạnh, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Chợ Huyện nổi tiếng với món nem chua cùng tên.

    Cổng làng Chợ Huyện

    Cổng làng Chợ Huyện

  5. Nem chợ Huyện
    Nem ở huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Đây là đặc sản rất nổi tiếng của tỉnh Bình Định.

    Nem chợ Huyện

    Nem chợ Huyện

  6. Quán Ngỗng
    Một cái chợ ở thôn Chánh Định, xã Cát Chánh, huyện Phù Cát, sát với huyện An Nhơn, Bình Định. Chợ Quán Ngỗng hình thành từ thời kì người Chàm thành Đồ Bàn sống chung với người Việt, (khoảng thế kỉ 17, 18). Có tên như vậy vì chợ bán nhiều gia cầm.
  7. Gò Chim
    Tên một cái chợ ở thôn Phú Giáo xã Cát Thắng, huyện Phù Cát, Bình Định. Trước kia chợ nổi tiếng có nhiều thợ bạc khéo tay. Ngày nay chợ vẫn còn hoạt động.
  8. Cầu Chàm
    Tên chữ là Lam Kiều, một địa danh nằm ở phía Bắc Bình Định ngày trước. Tại đây có trồng nhiều cây chàm để nhuộm nên gọi là Cầu Chàm, sau đọc trại ra thành Gò Chàm.
  9. Đập Đá
    Một địa danh nay là một phường thuộc thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Ngày xưa đây là vùng sông nước, nhân dân phải đắp đập bổi để canh tác, gọi là đập Thạch Yển, sau là đập Thạch Đề tức là Đập Đá. Nằm ở phía đông thành Đồ Bàn xưa của Chiêm Thành và thành Hoàng Đế sau này của vua Tây Sơn Nguyễn Nhạc, nơi đây hội tụ nhiều ngành nghề thủ công mỹ nghệ tinh xảo để cung cấp cho vua quan và các thân bằng quyến thuộc chi dùng: dệt vải, rèn, đúc đồng, gốm, kim hoàn...

    Hiện nay Đập Đá là một địa điểm du lịch có tiếng của Bình Định.

    Nghề dệt sợi ở Đập Đá

    Nghề dệt sợi ở Đập Đá

  10. Vũng Nồm
    Địa danh thuộc xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định hiện nay, còn có tên là thôn Xương Lý.

    Vũng Nồm

    Vũng Nồm

  11. Vũng Bấc
    Một địa danh thuộc xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định hiện nay, còn có tên là thôn Hưng Lương.

    Vũng Bấc

    Vũng Bấc

  12. Bơ thờ
    Thẫn thờ và ngơ ngẩn vì không ổn định trong lòng.
  13. Lắng
    Để yên cho cấn, bã chìm xuống đáy. Cũng gọi là lóng.
  14. Thầy pháp
    Thầy phù thủy, theo tín ngưỡng dân gian được cho là có pháp thuật, trừ được tà ma quỷ quái.
  15. Hạ bạc
    Nghề bắt cá. Trong xã hội cũ, đây là một nghề bị coi thường, khinh rẻ.
  16. Ngỡi
    Tiếng địa phương Nam Bộ của "ngãi" (nghĩa, tình nghĩa).
  17. Thảo
    Viết ra.
  18. Nghĩa nhân
    Cũng viết nhân nghĩa, nghĩa là "lòng yêu thương người (nhân) và biết làm điều phải (nghĩa)." Hiểu rộng là đạo nghĩa sống ở đời.
  19. Đắc thời đắc lễ đắc nghi
    Được thời thì được lễ nghi (chữ Hán).
  20. Thất thế
    Mất thế lực, mất chỗ tựa. Từ chữ Hán thất 失 (mất) và thế 勢 (thế lực).
  21. Thất nghiệp
    Không có nghề nghiệp, việc làm.
  22. Mãn kiếp
    Suốt đời, cho đến tận lúc chết (thường nói về việc không hay).
  23. Phong lưu
    Ngọn gió bay (phong), dòng nước chảy (lưu). Từ này vốn nghĩa là phẩm cách, tinh thần riêng của mỗi người, hiểu rộng ra là sung sướng, vui với cảnh, không phải chịu buồn khổ.

    Cõi trần thế nhân sinh là khách cả
    Nợ phong lưu kẻ giả có người vay

    (Nợ phong lưu - Nguyễn Công Trứ)

  24. Chí
    Đến, kéo dài cho đến (từ Hán Việt).
  25. Căn
    Gốc rễ (chữ Hán). Khái niệm căn thường được gặp trong lí thuyết Phật giáo, chỉ những điều căn bản, gốc rễ của nhận thức, sự việc.

    Thiện căn ở tại lòng ta
    Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài
    (Truyện Kiều)

  26. Số kiếp
    Vận mệnh của một đời người.
  27. Lâm bô
    Có nguồn gốc từ danh từ limbo trong tiếng Bồ Đào Nha, có nghĩa là một nơi giam cầm các linh hồn hay đang ở vào một tình trạng nào đó dang dở.
  28. Cửu
    Số chín, thứ chín (từ Hán Việt)
  29. Lợn lạo
    Có thể là cách đọc trại đi của từ lộn lạo.
  30. Từ bi
    Còn gọi là cây đại bi, long não hương, mai hoa não, có lẽ vì có mùi gần giống như mùi long não. Cây thuộc loại cây bụi nhỏ, mọc hoang, thân và lá có lông mịn, lá hình trứng, hai đầu nhọn, mép lá có răng cưa, vò lá thấy thơm mùi long não. Cây từ bi là vị thuốc chữa được nhiều bệnh như cảm sốt, cúm, ra mồ hôi, đau bụng do ăn không tiêu, ho nhiều đờm, gãy xương, vết lở loét, sưng đau, mất ngủ, tâm thần kích thích, phù nề, viêm xoang...

    Cây từ bi

    Cây từ bi

  31. Mận
    Loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, hoa trắng, nở vào mùa xuân. Quả mận vị chua ngọt, có loại vỏ màu tím, xanh nhạt, vàng, hay đỏ. Các bộ phận của cây mận như quả, rễ, nhựa, lá, nhân hạt... đều có tác dụng chữa bệnh.

    Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.

    Mận tam hoa ở Bắc Hà, Lào Cai

    Mận tam hoa ở Bắc Hà, Lào Cai

  32. Đào
    Loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, cũng được trồng để lấy quả hay hoa. Hoa đào nở vào mùa xuân, là biểu tượng của mùa xuân và ngày Tết ở miền Bắc. Quả đào vị ngọt hoặc chua, mùi thơm, vỏ quả phủ một lớp lông mịn. Đào xuất hiện rất nhiều trong văn học cổ Trung Quốc và các nước đồng văn. Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.

    Quả đào

    Quả đào

  33. Nhài
    Còn gọi là lài, loại cây nhỏ có hoa màu trắng rất thơm. Nhân dân ta thường dùng hoa lài để ướp trà.

    Bông hoa nhài

    Bông hoa lài (nhài)

  34. Ngâu
    Một loài cây bụi nhỏ. Trong văn hóa người Việt, ngâu là một trong ba loài gắn liền với nghệ thuật thưởng thức trà hương của người xưa. Cây ngâu gắn liền với kiến trúc Việt cổ. Nhà dân dã thuần Việt thường có cây ngâu trước sân. Đình chùa và các công trình văn hóa tín ngưỡng của người Việt cũng luôn có bóng dáng và hương thơm của hoa ngâu. Trong kiến trúc hiện đại ở Việt Nam cũng như Đông Nam Á, ngâu được sử dụng nhiều trong cảnh quan làm cây cảnh, có thể xén cắt hình khối dễ dàng (tròn đều, vuông góc).

    Hoa và quả ngâu

    Hoa và quả ngâu

  35. Mẫu đơn
    Một loại cây sống lâu năm, cho hoa rất to, đường kính đạt tới 15-20 cm, màu đỏ, tím hoặc trắng, mùi thơm gần giống mùi thơm của hoa hồng, do vậy hay được trồng làm cảnh. Theo y học cổ truyền, bộ phận dùng làm thuốc là vỏ rễ phơi hay sấy khô, gọi là mẫu đơn bì. Mẫu đơn còn được gọi là hoa phú quý, hoa vương, thiên hương quốc sắc...

    Hoa mẫu đơn

    Hoa mẫu đơn

  36. Dạ hợp
    Còn gọi là cây hoa trứng gà, một loại cây cho hoa màu trắng, ra đơn độc ở kẽ lá, rất thơm, dùng ướp chè được. Hoa dạ hợp tượng trưng cho sự êm ấm của vợ chồng và hôn nhân hạnh phúc.

    Hoa dạ hợp

    Hoa dạ hợp

  37. Tấn Tần
    Việc hôn nhân. Thời Xuân Thu bên Trung Quốc, nước Tần và nước Tấn nhiều đời gả con cho nhau. Tấn Hiến Công gả con gái là Bá Cơ cho Tần Mục Công. Tần Mục Công lại gả con gái là Hoài Doanh cho Tấn Văn Công. Việc hôn nhân vì vậy gọi là việc Tấn Tần.

    Trộm toan kén lứa chọn đôi,
    Tấn Tần có lẽ với người phồn hoa.

    (Truyện Hoa Tiên)

  38. Nguyệt hoa
    Cũng viết là hoa nguyệt (trăng hoa), chỉ chuyện trai gái yêu đương. Từ này có gốc từ nguyệt hạ hoa tiền (dưới trăng, trước hoa, những cảnh nên thơ mà trai gái hẹn hò để tình tự với nhau), nay thường dùng với nghĩa chê bai.

    Cởi tình ra đếm, ra đong
    Đâu lời chân thật, đâu vòng trăng hoa?

    (Tơ xuân - Huy Trụ)

  39. Bánh hạt sen
    Gọi tắt là bánh sen, một số nơi gọi là kẹo hạt sen, loại bánh ngọt làm bằng bột vo nhỏ như hạt sen, ngoài bọc bằng giấy bóng kính nhiều màu. Bánh thường gặp trong dịp Tết nguyên đán.

    Bánh hạt sen

    Bánh hạt sen

  40. Bánh cam
    Một loại bánh hình tròn nhìn giống quả cam, làm bằng bột nếp, nhân đậu xanh, bên ngoài phủ nhiều mè (vừng), được rán trong dầu, ăn rất ngọt và thơm. Bánh cam được bán nhiều ở các chợ và hàng rong, là một món quà mà trẻ em rất ưa thích. Miền Bắc gọi bánh này là bánh rán, ở một số địa phương miền Trung thì gọi là bánh ram.

    Bánh cam

    Bánh cam

  41. Bánh tét
    Có nơi gọi là bánh đòn, một loại bánh của miền Trung và miền Nam, tương tự như bánh chưng ở miền Bắc. Bánh làm bằng gạo nếp, hình trụ dài, gói bằng lá chuối, có thể có nhân đậu và thịt mỡ hoặc không có nhân, khi ăn thì cắt thành khoanh tròn. Những dịp giỗ Tết không thể thiếu món bánh này.

    Một dĩa bánh tét

    Một dĩa bánh tét

  42. Bánh ít
    Loại bánh dẻo làm bằng bột nếp, có mặt ở nhiều địa phương, có nơi gọi là bánh ếch hay bánh ết. Tùy theo từng vùng mà bánh ít có hình dạng và mùi vị khác nhau: hình vuông, hình tháp, hình trụ dài, gói lá chuối, lá dứa, không nhân, nhân mặn, nhân ngọt... Bánh ít là món bánh không thể thiếu trong các dịp lễ Tết, giỗ cúng.

    Bánh ít lá gai

    Bánh ít lá gai

    Bánh ít trần

    Bánh ít trần

  43. Hủ lậu
    Cũ kĩ, lạc hậu, không còn hợp thời nữa.
  44. Bánh tổ
    Một loại bánh tết truyền thống của Quảng Nam. Bánh được chế biến từ nếp và đường, đựng trong những cái "rọ" bằng lá chuối. Bánh dẻo, ngọt, có thể cắt ăn ngay hoặc chiên giòn.

    Bánh tổ

    Bánh tổ

  45. Dị sự
    Chuyện lạ thường (từ Hán Việt).
  46. Vắn
    Ngắn (từ cổ).

    Tự biệt nhiều lời so vắn giấy
    Tương tư nặng gánh chứa đầy thuyền

    (Bỏ vợ lẽ cảm tác - Nguyễn Công Trứ)

  47. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  48. Loan phụng hòa minh
    Chim loan, chim phượng cùng hót. Chỉ vợ chồng hòa thuận, thương yêu nhau.
  49. Thung dung
    Thong dong.
  50. Thôn lân
    Làng xóm láng giềng (từ Hán Việt).
  51. Lao lung
    Khổ cực (từ cổ).
  52. Thất phát
    Cũng như thất bát – mất mùa.
  53. Nàn
    Nạn (từ cũ).
  54. Đoạn trường
    Đau đớn như đứt từng khúc ruột (đoạn: chặt đứt, trường: ruột). Theo Sưu thần kí, có người bắt được hai con vượn con, thường đem ra hiên đùa giỡn. Vượn mẹ ngày nào cũng đến ở trên cây gần đầu nhà, kêu thảm thiết. Ít lâu sau thì vượn mẹ chết, xác rơi xuống gốc cây. Người ta đem mổ thì thấy ruột đứt thành từng đoạn.
  55. Túng tíu
    Túng thiếu (từ cũ).
  56. Thét
    Chịu đựng lâu thành quen (phương ngữ).
  57. Kế tự
    Nối dõi (từ Hán Việt).
  58. Bằng hữu
    Bạn bè (từ Hán Việt).
  59. Hủ tiếu
    Cũng viết là hủ tíu, cách đọc tiếng Quảng Đông của 粿條 (quả điều), một món ăn của người Triều Châu và người Mân Nam, sau trở thành món ăn rất quen thuộc ở miền Nam. Đặc biệt là Sài Gòn, hầu như trên bất cứ con đường nào cũng có thể bắt gặp một quán hủ tiếu hoặc xe đẩy hủ tiếu (hủ tiếu gõ). Có thể nói Hủ tiếu là món ăn đặc trưng tại Sài gòn, tương tự như phở ở Hà Nội.

    Nguyên liệu chính của món hủ tiếu là bánh hủ tiếu, nước dùng chính là với thịt bằm nhỏ và lòng heo, có thể ăn với thịt bò viên và tương.

    Hủ tiếu

    Hủ tiếu

    Xe hủ tiếu

    Xe hủ tiếu

  60. Xá xíu
    Cách phát âm của chữ Hán 叉燒 (xoa thiêu), món thịt heo quay theo kiểu Trung Quốc, thường gặp ở miền Nam. Món này vốn bắt nguồn từ cách lấy thịt heo, lạng bỏ xương, ướp gia vị, xỏ ghim rồi đem nướng trên lửa (xoa thiêu có nghĩ là nướng xâu). Thịt thường dùng là thịt vai, ướp mật ong, ngũ vị hương, xì dầu, chao, tương đen hoisin, phẩm màu đỏ, và rượu. Hỗn hợp gia vị trên làm cho món xá xíu có sắc đỏ. Đôi khi mạch nha được dùng quết lên để làm thịt óng ả thêm hấp dẫn. Thịt xá xíu thường có bán ở những hiệu thịt quay người Hoa, bán chung với vịt quay, heo quay, dùng làm nhân bánh bao, trộn với cơm chiên, hoặc ăn kèm với mì hay cơm trắng.

    Xá xíu

    Xá xíu

  61. Rau cần
    Một loại rau xanh thường được nhân dân ta trồng để nấu canh, xào với thịt bò, hoặc làm vị thuốc.

    Canh cá nấu cần

    Canh cá nấu cần

  62. Rô ti
    Quay (thịt). Từ này bắt nguồn từ tiếng Pháp rôti.

    Gà rô ti

    Gà rô ti

  63. Cá chép
    Tên Hán Việt là lí ngư, một loại cá nước ngọt rất phổ biến ở nước ta. Ngoài giá trị thực phẩm, cá chép còn được nhắc đến trong sự tích "cá chép vượt vũ môn hóa rồng" của văn hóa dân gian, đồng thời tượng trưng cho sức khỏe, tài lộc, công danh.

    Ở một số địa phương miền Trung, cá chép còn gọi là cá gáy.

    Cá chép

    Cá chép

  64. Nem nướng
    Một món ăn làm từ thịt heo nạc băm nhuyễn, thêm đường, hạt nêm, tiêu để cho ngấm rồi viên dài, xiên vào que tre đã chuẩn bị sẵn, nướng trên bếp than hồng, ăn với bánh tráng và rau sống (dấp cá, hẹ, húng quế, xà lách, dưa leo, chuối chát, khế...). Nem nướng nổi tiếng nhất có lẽ là ở Ninh Hòa.

    Nem nướng

    Nem nướng

  65. Bánh hỏi
    Một đặc sản có mặt ở nhiều vùng khác nhau: Vũng Tàu, Bến Tre, Phú Yên, Nha Trang, Bình Định, Sóc Trăng... Bánh được làm từ bột gạo và có quy trình chế biến đặc biệt công phu, tỉ mỉ. Thường được ăn chung với mỡ hành, thịt quay, thịt nướng, lòng heo... đây là món ăn không thể thiếu trong những dịp lễ, cúng giỗ, cưới hỏi.

    Bánh hỏi thịt heo

    Bánh hỏi thịt heo

  66. Hẹ
    Một loại rau được dùng nhiều trong các món ăn và các bài thuốc dân gian Việt Nam.

    Bông hẹ

    Bông hẹ

  67. Cá thu
    Loại cá biển, thân dài, thon, không có hoặc có rất ít vảy. Từ cá thu chế biến ra được nhiều món ăn ngon.

    Cá thu

    Cá thu

  68. Quy Nhơn
    Một địa danh nay là thành phố trực thuộc tỉnh Bình Định. Quy Nhơn được hình thành từ rất sớm, thuộc vùng đất Đàng Trong, xứ Thuận Quảng, từ cách đây hơn 400 năm. Mảnh đất này đã có lịch sử hình thành phát triển cùng với nền văn hoá Chăm Pa từ thế kỷ 11. Tại Quy Nhơn có các danh thắng như Tháp Đôi, Gành Ráng, biển Quy Hòa... cùng các đặc sản như bún chả cá, nem chua...

    Thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định

    Thành phố Quy Nhơn

  69. Chệch
    Từ gọi một cách bình dân, thiếu tôn trọng dành cho người Hoa sinh sống ở nước ta. Có ý kiến cho rằng từ này có gốc từ từ a chệch, cách người Triều Châu (một vùng ở Trung Quốc) gọi chú (em của bố). Hiện nay từ này hay bị viết và đọc nhầm là chệt hoặc chệc. Ở miền Bắc, từ này có một biến thể là chú Chiệc.
  70. Lầu ông Tây
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Lầu ông Tây, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  71. Thông ngôn
    Phiên dịch (bằng miệng). Đây là một từ cũ, thường dùng trong thời Pháp thuộc. Người làm nghề thông ngôn cũng gọi là thầy thông.
  72. Kí lục
    Một trong hai chức quan phụ tá cho chức quan lưu thủ đứng đầu một tỉnh dưới thời nhà Nguyễn (chức quan kia là cai bạ). Quan kí lục coi việc lễ nghi, khánh tiết, hình án và thưởng phạt cấp dưới. Vị quan kí lục nổi tiếng nhất có lẽ là ông Nguyễn Cư Trinh, trước là kí lục tỉnh Quảnh Bình, sau có công bình định vùng đồng bằng sông Cửu Long về cho nhà Nguyễn.

    Trong thời Pháp thuộc, kí lục chỉ người làm nghề ghi chép sổ sách trong các sở, còn gọi là thầy kí.

  73. Ba toong
    Gậy chống, thường cong một đầu để làm tay cầm. Từ này có gốc từ tiếng Pháp bâton. Các viên chức, trí thức dưới thời Pháp thuộc thường mang theo gậy này.
  74. Tháp Thầy Bói
    Còn có tên là Tháp Chòi Mòi, một gành đá nổi giữa đầm Thị Nại, thuộc thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Sách Đại Nam nhất thống chí ghi: “Đầm biển cạn chu vi 9.500 trượng, trong đầm có núi nhỏ, tục gọi Tháp Thầy Bói.” Sách Nước non Bình Định của Quách Tấn chép: “Trong đầm ở phía tây, gần phía Quy Nhơn, nổi lên một cụm đá rộng, chừng vài sào, cao chỉ trên mặt nước chừng một thước, một thước rưỡi, khi thủy triều thay đổi. Người ta gọi là Tháp Thầy Bói.”

    Về tên gọi “Tháp Thầy Bói,” có người giải thích sở dĩ có tên như vậy vì xưa kia có một ông thầy xem bói rất giỏi đến đây xây tháp, hành nghề. Những người sùng mộ phải đi thuyền ra để được xem bói. Sau khi ông thầy qua đời, không ai coi sóc, lâu ngày tháp bị gió bão phá sập. Hiện nay vẫn còn một ngôi miếu nhỏ, do dân chài lập ra để thờ thuỷ thần.

    Gành đá Tháp Thầy Bói

    Gành đá Tháp Thầy Bói

  75. Thị Nại
    Còn có tên là Thi Nại hoặc cửa Giã, một cửa biển nằm ở Bình Định trước kia, nay đã bị phù sa bồi lấp thành đầm Thị Nại thuộc thành phố Quy Nhơn. Tại đây từng xảy ra nhiều trận thủy chiến khốc liệt: trận Giáp Thân (1284) giữa quân Thoát Hoan (Mông Cổ) và thủy quân Chiêm Thành, các trận Nhâm Tý (1792), Quý Sửu (1793), Kỷ Tỵ (1799)... giữa quân Nguyễn Ánh và quân Tây Sơn. Ngày nay Thị Nại là một danh thắng của tỉnh Bình Định.

    Đầm Thị Nại

    Đầm Thị Nại

  76. Vàng hồ
    Giấy vàng để đốt cúng cho người chết.
  77. Nhà chay
    Còn gọi là trai đường, là khu vực nhà ăn trong chùa, nơi các nhà sư dùng bữa.
  78. Bụt
    Cách gọi dân gian của Phật, bắt nguồn từ cách phiên âm từ Buddha (bậc giác ngộ - Phật) trong tiếng Ấn Độ.
  79. Quyển Sơn
    Một làng nay thuộc xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Làng tựa lưng vào một dãy núi lớn, có nhiều phong cảnh đẹp. Hằng năm vào tháng giêng, tháng hai, làng tổ chức lễ hội hát giặm (dậm) và bơi chải.

    Tương truyền khi Lý Thường Kiệt đem quân đi chinh phạt giặc phương Nam vào năm 1069, đoàn chiến thuyền đi theo sông Đáy, qua trại Canh Dịch thì gặp một trận gió lớn, phải nép vào chân núi để tránh gió. Trận cuồng phong này đã bẻ gãy cột buồm và cuốn luôn lá cờ đại lên đỉnh núi. Thấy điều lạ, Lý Thường Kiệt cho quân sĩ dừng lại dưới chân núi rồi cùng tướng lĩnh lên bờ sửa lễ tế trời đất cầu mong chiến thắng. Ông đặt đàn tế trong rừng trúc, gần ngôi đền thờ hai mẹ con bà hàng nước. Nửa đêm, hai mẹ con bà hiện lên báo mộng, xin cùng đi theo phù ông đánh giặc. Từ đó ông đặt tên núi là núi Quyển Sơn (núi Cuốn) và trại Canh Dịch cũng được đổi thành làng Quyển Sơn.

  80. Hát dặm
    Còn gọi là hát dậm hoặc giặm, một loại hình múa hát độc đáo chỉ có ở làng Quyển Sơn, xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Tương truyền khi đánh đuổi xong quân xâm lược, Lý Thường Kiệt đã cho quân dừng lại bên núi Cấm, làng Quyển Sơn. Trong lúc cơm no rượu say, tức cảnh sinh tình ông đã sáng tác ra làn điệu hát Dậm gồm 30 tiết mục với hơn 1.000 câu thơ. Từ đó, nhân dân trong vùng lập đền thờ Lý Thường Kiệt và truyền nhau câu hát mỗi khi diễn ra lễ hội đền Trúc vào ngày mùng 10 tháng Giêng đến ngày mùng 10 tháng Hai âm lịch tại núi Cấm.

    Xem phóng sự Lưu giữ nét đẹp truyền thống hát dặm Quyển Sơn.

  81. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  82. Miếu
    Trung và Nam Bộ cũng gọi là miễu, một dạng công trình có ý nghĩa tâm linh, tín ngưỡng trong văn hóa nước ta. Nhà nghiên cứu Toan Ánh trong Tín ngưỡng Việt Nam, quyển thượng, cho rằng: Miếu cũng như đền, là nơi quỷ thần an ngự. Miếu nhỏ hơn đền, thường xây theo kiểu hình chữ nhật với hai phần cách nhau bởi một bức rèm, nội điện bên trong và nhà tiền tế bên ngoài… Miếu thường được xây trên gò cao, nơi sườn núi, bờ sông hoặc đầu làng, cuối làng, những nơi yên tĩnh để quỷ thần có thể an vị, không bị mọi sự ồn ào của đời sống dân chúng làm nhộn. Trong miếu cũng có tượng thần hoặc bài vị thần linh, đặt trên ngai, ngai đặt trên bệ với thần sắc hoặc bản sao…

    Miếu Nhị Phủ ở Sài Gòn

    Miếu Nhị Phủ ở Sài Gòn

  83. Phụ mẫu
    Cha mẹ (từ Hán Việt).
  84. Quỳ
    Một loại sen, cũng gọi là sen quỳ. Nhìn theo vẻ ngoài thì sen và quỳ rất giống nhau, nhưng hoa quỳ có màu đậm hơn. Lá và gai quỳ có độc tính hơn sen, gây ngứa ngáy. Búp sen cũng có dạng bầu chứ không nhọn như búp quỳ.

    Hoa quỳ

    Hoa quỳ

  85. Nam Kỳ lục tỉnh
    Tên gọi miền Nam Việt Nam thời nhà Nguyễn, trong khoảng thời gian từ năm 1832 tới năm 1862 (khi Pháp chiếm 3 tỉnh Miền Đông) và năm 1867 (khi Pháp chiếm nốt 3 tỉnh Miền Tây), bao gồm sáu (lục) tỉnh:

    1. Phiên An, sau đổi thành Gia Định (tỉnh lỵ là tỉnh thành Sài Gòn),
    2. Biên Hòa (tỉnh lỵ là tỉnh thành Biên Hòa),
    3. Định Tường (tỉnh lỵ là tỉnh thành Mỹ Tho) ở miền Đông;
    4. Vĩnh Long (tỉnh lỵ là tỉnh thành Vĩnh Long),
    5. An Giang (tỉnh lỵ là tỉnh thành Châu Đốc),
    6. Hà Tiên (tỉnh lỵ là tỉnh thành Hà Tiên) ở miền Tây.

    Bản đồ Lục tỉnh năm 1808

    Bản đồ Lục tỉnh năm 1808

  86. Tòa loa
    (Miệng) mở rộng. Có ý kiến cho rằng tòa là phối ngữ âm, loa là con ốc, nên tòa loa chỉ miệng rộng như miệng ốc. Những người nói nhiều cũng thường bị giễu là "cái miệng tòa loa."
  87. Tộ
    Cái tô bằng đất nung, thường dùng để kho thịt, cá. Những món kho trong tộ gọi là kho tộ (thịt heo kho tộ, cá lóc kho tộ...)

    Cá kho tộ

    Cá kho tộ