Tìm kiếm "quy"

Chú thích

  1. Cây lương thực cùng họ với lúa, quả rất nhỏ, thường gọi là hạt, màu vàng, tập trung thành một bông dài.
  2. Quýt hôi
    Một giống quýt thường trồng ở miền núi, cây to, khỏe, quả có vỏ màu vàng tái, bóng, bóc ra có mùi hắc, ruột chua.
  3. Quyên quyên
    Dáng nước chảy (quyên 涓 chữ Hán nghĩa là dòng nước nhỏ).
  4. Quyền thằng hủi
    Nắm tay (quyền) của người bị hủi thường không có ngón. Quyền thằng hủi là một lối nói dùng để chê những tay võ kém cỏi, nói rộng ra thì nó được dùng để chê chung những kẻ bất tài mà lại nắm những vị trí quan trọng (theo An Chi).
  5. Quyền huynh thế phụ
    Quyền của anh (huynh) có thể thay thế cho cha (phụ) để giải quyết những việc trong gia đình.
  6. Quỳnh
    Tên gọi chung cho loài cây cảnh có hoa thường nở về đêm, được mệnh danh là nữ hoàng bóng đêm. Dân ta có có thói quen trồng quỳnh chung với cây cành giao. Hoa quỳnh từ lâu đã đi vào thơ văn và nhạc.

    Hài văn lần bước dặm xanh
    Một vùng như thể cây quỳnh cành giao

    (Truyện Kiều)

    Nghe bài Chuyện đóa quỳnh hương của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

    Hoa quỳnh trắng

    Hoa quỳnh trắng

  7. Bảo hoàng hơn vua
    Ủng hộ, bảo vệ cái gì đó một cách mù quáng (vua là người muốn bảo vệ hoàng quyền nhất, nhưng ở đây lại muốn bảo vệ hoàng quyền hơn cả vua).
  8. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  9. Cá nhồng
    Một loại cá săn mồi có cơ thể thuôn dài với các quai hàm khỏe, rất phàm ăn. Cá nhồng sống ngoài biển khơi, có thể bắt gặp ở dạng sống đơn độc hoặc thành bầy xung quanh các rạn san hô.

    Cá nhồng

    Cá nhồng

  10. Vinh quy
    Trở về một cách vẻ vang (thường nói về người thi đỗ các khoa thi xưa kia). Từ này thường được dùng trong cụm "vinh quy bái tổ" (trở về bái lạy tổ tiên).

    Chồng tôi cưỡi ngựa vinh quy
    Hai bên có lính hầu đi dẹp đường.
    Tôi ra đón tận gốc bàng
    Chồng tôi xuống ngựa, cả làng ra xem.

    (Thời trước - Nguyễn Bính)

  11. Phú quý
    Giàu có và sang trọng (từ Hán Việt).
  12. Đỗ quyên
    Có giả thuyết cho là chim cuốc. Theo hai học giả Đào Duy Anh và An Chi thì chim quyên là chim tu hú. Hình ảnh chim quyên trong ca dao dân ca thường tượng trưng cho những điều tốt đẹp.

    Chim tu hú

    Chim tu hú

  13. Quỳ
    Một loại sen, cũng gọi là sen quỳ. Nhìn theo vẻ ngoài thì sen và quỳ rất giống nhau, nhưng hoa quỳ có màu đậm hơn. Lá và gai quỳ có độc tính hơn sen, gây ngứa ngáy. Búp sen cũng có dạng bầu chứ không nhọn như búp quỳ.

    Hoa quỳ

    Hoa quỳ

  14. Tứ quý
    Còn gọi tứ thời, tứ thì, tứ hữu, bộ trang trí biểu tượng cho bốn mùa trong năm, thường là các cây đào, mai, lan, sen, cúc, trúc, tùng. Tứ quý thường được thể hiện dưới dạng tranh bộ bốn bức gọi là tứ bình, hay các bộ đồ bốn chiếc, bộ cây cảnh bốn cây hay đơn giản chỉ là bốn bức mành trang trí hoa-điểu đại diện cho bốn mùa. Tứ quý thường được trang trí trong các gia đình giàu có. Đối với tầng lớp bình dân, tứ quý thường là bộ tranh tứ bình bằng giấy dó hay giấy bản.

    Một bộ tứ bình: đào, lan, trúc, cúc

    Một bộ tứ bình: đào, lan, trúc, cúc

  15. Cương thường
    Cũng đọc là cang thường, cách nói tắt của tam cương ngũ thường, một khái niệm về đạo lí của Nho giáo trong chế độ phong kiến dành cho nam giới. Tam cương nghĩa là ba giềng mối (cương là đầu mối của lưới, nắm được cương thì các mắt lưới sẽ giương lên), gồm có quân thần (vua tôi), phụ tử (cha con), và phu phụ (chồng vợ). Ngũ thường (năm đức tính phải có) gồm: Nhân (đức khoan dung), lễ (lễ độ), nghĩa (đạo nghĩa), trí (trí tuệ) và tín (lòng thành thật).

    Trong ca dao - dân ca, đạo cang thường thường dùng để chỉ tình cảm vợ chồng.

  16. Thuyền quyên
    Gốc từ chữ thiền quyên. Theo từ điển Thiều Chửu: Thiền quyên 嬋娟  tả cái dáng xinh đẹp đáng yêu, cho nên mới gọi con gái là thiền quyên.

    Trai anh hùng, gái thuyền quyên
    Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng

    (Truyện Kiều)

  17. Ba đào
    Sóng gió, chỉ sự nguy hiểm, bất trắc (từ Hán Việt).
  18. Người nghĩa
    Người thương, người tình.
  19. Ghe bầu
    Loại ghe (thuyền) đi biển chạy bằng buồm, chủ yếu dùng để vận chuyển hàng hóa. Ghe bầu ra đời từ giữa thế kỷ 16, có nguồn gốc tương đồng với loại thuyền prao (hay prau) của Mã Lai. Tên "ghe bầu" bắt nguồn từ tiếng Khmer xòm pầu.

    Hình vẽ ghe bầu và các dụng cụ đi biển của ngư dân Hoàng Sa

    Hình vẽ ghe bầu và các dụng cụ đi biển của ngư dân Hoàng Sa

  20. Thơ
    Thư (phương ngữ Trung và Nam Bộ).