Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Gạo tám xoan
    Cũng gọi là gạo tám thơm, loại gạo hạt nhỏ và dài, khi nấu thành cơm thì dẻo và thơm đặc biệt.

    Gạo tám xoan Hải Hậu

    Gạo tám xoan Hải Hậu

  2. Chính chuyên
    Tiết hạnh, chung thủy với chồng (từ Hán Việt).
  3. Quang
    Vật dụng gồm có một khung đáy và các sợi dây quai thắt bằng sợi dây mây (hoặc vật liệu khác) tết lại với nhau, có 4 (hoặc 6) quai để mắc vào đầu đòn gánh khi gánh, và có thể treo trên xà nhà để đựng đồ đạc (thường là thức ăn). Người ta đặt đồ vật (thùng, chum, rổ, rá) vào trong quang, tra đòn gánh vào rồi gánh đi. Quang thường có một đôi để gánh cho cân bằng.

    Cái quang

    Cái quang

    Quang gánh

    Quang gánh

  4. Vầng hồng
    Mặt trời (vầng hồng: khối lớn màu đỏ).
  5. Theo giai thoại, câu hát này do một cô gái hát để trêu Trần Hàn, trong có nhắc tên ông (Hàn) và tên thân phụ ông (Trần Liệu).
  6. Thông ngôn
    Phiên dịch (bằng miệng). Đây là một từ cũ, thường dùng trong thời Pháp thuộc. Người làm nghề thông ngôn cũng gọi là thầy thông.
  7. Kí lục
    Một trong hai chức quan phụ tá cho chức quan lưu thủ đứng đầu một tỉnh dưới thời nhà Nguyễn (chức quan kia là cai bạ). Quan kí lục coi việc lễ nghi, khánh tiết, hình án và thưởng phạt cấp dưới. Vị quan kí lục nổi tiếng nhất có lẽ là ông Nguyễn Cư Trinh, trước là kí lục tỉnh Quảnh Bình, sau có công bình định vùng đồng bằng sông Cửu Long về cho nhà Nguyễn.

    Trong thời Pháp thuộc, kí lục chỉ người làm nghề ghi chép sổ sách trong các sở, còn gọi là thầy kí.

  8. Dầu
    Dù (phương ngữ Nam Bộ).
  9. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  10. Xuất giá
    Lấy chồng (từ Hán Việt)
  11. Trai (gái) tơ
    Trai gái mới lớn, chưa có vợ có chồng.
  12. Quảng Ngãi
    Địa danh nay là một tỉnh nằm ở duyên hải Nam Trung Bộ, nằm hai bên bờ sông Trà Khúc, được mệnh danh là vùng đất Núi Ấn Sông Trà. Quảng Ngãi là mảnh đất có bề dày lịch sử về văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Chăm Pa, đặc biệt là hệ thống thành lũy Chàm. Tại đây cũng nổi tiếng cả nước với đặc sản đường mía (đường phèn, đường phổi, mạch nha...) và tỏi ở Lý Sơn.

    Núi Ấn

    Núi Ấn sông Trà

  13. Cù lao Bờ Bãi
    Tên dân gian là hòn Bé (đảo Bé), một hòn đảo thuộc huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

    Một góc hòn Bé

    Một góc hòn Bé

  14. Thành Ô Ma
    Tên tiếng Pháp là Camp aux Mares (trại ở nơi có nhiều ao), một trại lính do người Pháp lập nên vào cuối thế kỉ 19. Trên bản đồ Sài Gòn 1947, khu vực Thành Ô Ma được đánh số 132, trên khu đất bao quanh bởi các con đường:

    (1) Rue Chasseloup Laubat (trước 1975 là Hồng Thập Tự, nay là Nguyễn Thị Minh Khai)
    (2) Rue de Nancy (trước 1975 là Cộng Hòa, nay là Nguyễn Văn Cừ)
    (3) Rue Frère Louis (nay là một phần đường Nguyễn Trãi)
    (4) Rue d'Arras (nay là đường Cống Quỳnh)

    Lính An Nam luyện tập trong thành Ô Ma

    Lính An Nam luyện tập trong thành Ô Ma

  15. Đông Ba
    Một địa danh ở Huế, vốn là tên dân gian của cửa Chính Đông, kinh thành Huế. Địa danh này gắn liền với chợ Đông Ba, ngôi chợ nổi tiếng nhất của Huế, trước đây tên là Quy Giả thị ("chợ của những người trở về," đánh dấu sự kiện trở lại Phú Xuân của quan quân nhà Nguyễn). Đến năm 1887 vua Đồng Khánh cho xây lại gồm có “đình chợ” và “quán chợ” lấy tên là Đông Ba. Đến năm 1899, trong công cuộc chỉnh trang đô thị theo phong cách phương Tây, vua Thành Thái chuyển chợ Đông Ba về vị trí bây giờ, đình chợ cũ sửa lại làm thành trường Pháp Việt Đông Ba.

    Địa danh Đông Ba thật ra tên cũ là Đông Hoa, nhưng do kị húy với tên vương phi Hồ Thị Hoa dưới thời Nguyễn mà đổi tên.

    Chợ Đông Ba ngày trước

    Chợ Đông Ba ngày trước

  16. Giại có nghĩa là bãi đất trống. Trong bài Đi dọc sông Hương, tác giả Võ Quang Yến cho rằng: Năm 1885, chợ hoàn toàn bị đốt sau ngày Kinh đô thất thủ, vua Đồng Khánh cho xây lại với tên chợ Đông Ba, và năm 1899 vua Thành Thái cho dời qua địa điểm bây giờ là một chỗ đất trống lúc trước có trại sửa chữa thuyền ngự, đọc trạnh ra thành giại [...]
  17. Cầu Tràng Tiền
    Còn có tên gọi là cầu Trường Tiền, một chiếc cầu gồm sáu nhịp dầm thép thiết kế theo phong cách kiến trúc Gothic, bắc qua sông Hương, ngay trung tâm thành phố Huế. Đây là một trong những chiếc cầu thép đầu tiên được xây tại Đông Dương. Tràng Tiền hay Trường Tiền đều có nghĩa là "công trường đúc tiền" vì chiếc cầu này được xây gần công trường đúc tiền của nhà Nguyễn. Sau 30 tháng 4 năm 1975, tên gọi dân gian này trở thành tên chính thức. Trước đó, cầu còn có các tên gọi khác: cầu Đông Ba (do ở gần chợ Đông Ba), cầu Mây, cầu Mống, Thành Thái, Clémenceau, và Nguyễn Hoàng.

    Cầu Tràng Tiền

    Cầu Tràng Tiền

  18. Xi măng
    Từ mượn của tiếng Pháp ciment, trước đây cũng gọi là xi-mon.
  19. Gá nghĩa
    Kết nghĩa (gá nghĩa vợ chồng, gá nghĩa anh em), tiếng miền Nam còn đọc trại thành gá ngãi.
  20. Câu ca dao này được cho là tả tình cảnh của Huế sau trận bão lụt năm Thìn (1904). Xem thêm chú thích bão lụt năm Thìn.
  21. Bồ Tát
    Viết tắt của Bồ-đề-tát-đỏa, cách phiên âm tiếng Phạn bodhisattva sang chữ Hán Việt, nghĩa là người hữu tình (tát đỏa) đã giác ngộ (bồ đề). Theo Phật giáo đại thừa, bồ tát là những người đã đạt được cảnh giới, nhưng quyết không trở thành Phật khi nào toàn bộ chúng sinh còn chưa giác ngộ. Phật tử khi tụng kinh thường niệm Bồ Tát.

    Quan Thế Âm bồ tát

    Quan Thế Âm bồ tát

  22. Lạt
    Tre hoặc nứa chẻ mỏng, dẻo, dùng làm dây buộc.
  23. Bồ đề
    Còn gọi tắt là cây đề, một loại cây lớn, có ý nghĩa thiêng liêng trong quan niệm của Ấn Độ giáo, Kì Na giáo và Phật giáo. Tương truyền thái tử Tất Đạt Đa Cồ Đàm ngồi thiền định dưới một gốc cây như vậy và đạt giác ngộ, trở thành một vị Phật (Thích Ca), từ đó cây có tên bồ đề (theo âm tiếng Phạn bodhi, có nghĩa là giác ngộ, thức tỉnh).

    Cây bồ đề

    Cây bồ đề

  24. Kèo
    Thanh bằng tre hay gỗ từ nóc nhà xuôi xuống đỡ các tay đòn hay xà gỗ.

    Kèo

    Kèo

  25. Đòn tay
    Đoạn tre hay gỗ nằm trên kèo, dùng để đỡ rui của mái nhà.
  26. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  27. Bích là bức tường. Dặm bích, theo văn cảnh, chỉ đường xa, trúc trắc.
  28. Dùn
    Chùng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  29. Gàu
    Đồ dùng để kéo nước từ giếng hay tát nước từ đồng ruộng. Trước đây gàu thường được đan bằng tre hoặc làm từ bẹ cau, sau này thì gàu có thể được làm bằng nhựa hoặc tôn mỏng.

    Tát gàu sòng

    Tát gàu sòng

  30. Nong
    Dụng cụ hình tròn, đan bằng tre, có vành, đáy nông, thường dùng để phơi nông sản hoặc để nuôi tằm. Có vùng gọi là nống. Nhỏ hơn nong một chút gọi là nia.

    Nong, nia, thúng

    Nong, nia, thúng