Tìm kiếm "làm ma"

  • Mẹ già ở tấm lều tranh

    Mẹ già ở tấm lều tranh
    Đói no chẳng quản, rách lành chẳng hay
    Ra đi công vụ nặng nề
    Nửa lo thê tử nửa sầu từ thân
    Bởi vậy cho nên con vợ tui nó mới biểu tui rằng:
    Ới anh ơi, anh ở đây làm chi cho vua quan sưu thuế nặng nề
    Đứa lên một, đứa lên hai, đứa lên năm, đứa lên bảy
    Tao biểu mày quảy, mày không quảy
    Để phần tao quảy, quảy, quảy, quảy về cái đất Phú Ơn
    Nặng nề gánh vác giang sơn
    Đầu con đầu vợ cái đất Phú Ơn ta lặng về
    Kìa hỡi kia đỉnh núi tứ bề,
    Nhành mai chớm nở ta về xứ ta
    Biết bao về tới quê nhà…
    Hết hòn Vay, ta qua hòn Trả
    Hết hòn Trả, lại sang hòn Hành
    Tấc dạ bao đành dắt con cùng vợ,
    Biết no nào trả xong nợ bên dương trần
    Nợ lần lần, tay bồng tay dắt
    Tay đặt chân trèo, ta về xứ ta
    Biết bao là về tới quê nhà…

    Dị bản

    • Hết Hòn Vay đến Hòn Trả
      Hết Hòn Trả, lại đến Hòn Hành
      Tấc dạ cam đành,
      Dắt con cùng vợ.
      Biết bao giờ trả nợ dương trần?
      Nợ dương trần, tay lần tay vác,
      Tay vịn, chân trèo,
      Ta về xứ ta!
      Biết bao giờ trở lại quê nhà?

    • Tao biểu mày quảy, mày không chịu quảy
      Mày để tao quảy về cái đất Phú Ơn!

    • Đầu con, đầu vợ
      Đứa lớn, đứa bé, đứa bế, đứa nằm
      Đứa lên một, đứa lên ba, đứa lên năm, đứa lên bảy
      Tao biểu mày quảy, mày không quảy
      Mày để tao quảy về cái đất Phú Ơn
      Nặng nề gánh vác giang sơn
      Đầu con, đầu vợ, cái đất Phú Ơn ta lại về
      Nhìn trông đỉnh núi tứ bề
      Cành mai chớm nở, ta về xứ ta!

  • Chúng anh xưa cũng kiếp học trò

    Chúng anh xưa cũng kiếp học trò,
    Bây giờ dốt nát, anh mới nằm co xó rừng
    Văn không hay, chẳng đỗ thì đừng,
    Gió mưa mà khỏi chết, nửa mừng anh lại nửa thương.
    Cái nghiệp bút nghiên cay đắng đủ trăm đường,
    Bảng vàng mũ bạc thôi anh nhường mặc ai.
    Muốn lên bà khó lắm em ơi!

  • Ơn Phật ơn trời

    Ơn Phật, nhờ trời
    Cha mẹ sinh hạ được mười anh em
    Anh Cả nhàn thật là nhàn
    Cởi trần đóng khố, đốt than trong rừng
    Anh Hai vặn chão đánh thừng
    Anh Ba làm mướn kiếm lưng cơm người
    Anh Tư bắt ếch, mình ơi
    Anh Tư bắt rắn, bắt dơi ngoài đồng
    Anh Sáu đánh giậm dưới sông
    Anh Bảy kéo lưới ở đồng làng ta
    Anh Tám vác gạo trên ga
    Anh Chín gánh mướn chợ xa chợ gần
    Còn anh là út thanh tân
    Có nghe anh kể, lại gần mà nghe

  • Vè giết đốc phủ Ca

    Giáp Thân đã mãn
    Ất Dậu tấn lai
    Chánh ngoạt sơ khai
    Bình yên phước thọ
    Nhựt nguyệt soi tỏ
    Nam chiếu phúc bồn
    Tục danh Hóc Môn
    Xứ Bình Long huyện
    Hà do khởi chuyện?
    Hà sự hàm mai?
    Tích ác bởi ai?
    Giết quan rửa hận

  • Bớ này anh nó ơi

    Bớ này anh nó ơi
    Số phận em giao phó cho trời xanh
    Lấy anh em không lấy, nhưng dạ cũng không đành làm ngơ
    Vốn em cũng chẳng bơ thờ
    Em đã hằng chọn trong lóng đục, nhưng vẫn còn chờ nợ duyên
    Vốn em muốn lấy ông thầy thuốc cho giàu sang, nhưng lại sợ ổng hay gia hay giảm
    Em muốn lấy ông thầy pháp cho đảm, nhưng lại sợ ổng hét la ghê gốc
    Em muốn lấy chú thợ mộc, nhưng lại sợ chú hay đục khoét rầy rà
    Em muốn lấy anh thợ cưa cho thật thà, nhưng lại sợ trên tàn dưới mạt
    Em muốn lấy người hạ bạc, nhưng lại sợ mang lưới mang chài
    Em muốn lấy anh cuốc đất trồng khoai, nhưng lại sợ ảnh hay đào hay bới
    Em cũng muốn chọn anh thợ rèn kết ngỡi, nhưng lại sợ ảnh nói tức nói êm
    Bằng lấy anh đặt rượu làm men, thì lại sợ ảnh hay cà riềng cà tỏi

  • Con cò bay lả bay la

    Con cò bay lả bay la
    Bay từ cửa tổ bay ra cánh đồng
    Suốt mình trắng nõn như bông
    Gió xuân thỉnh thoảng bợp lông trên đầu
    Hỏi cò vội vã đi đâu
    Xung quanh mặt nước một màu bao la
    Cò tôi bay lả bay la
    Bay từ cửa tổ bay ra cánh đồng
    Cha sinh mẹ đẻ tay không
    Cho nên bay khắp tây đông kiếm mồi

  • Chém cha tục lệ bất công

    Chém cha tục lệ bất công
    Lấy vợ, lấy chồng thì ở mẹ cha
    Người con chẳng dám nói ra
    Cha mẹ ép gả thật là khổ đau
    Người giàu thì lại lấy giàu
    Chúng ta khổ cực có đâu dám vời
    Nào là lễ lạt khắp nơi
    Tuần kia, tiết nọ nhờ người nói năng
    Nào là tiền chục bạc trăm
    Cỗ bàn ăn uống ì ầm đôi bên
    Thắp hương mặc cả số tiền
    Hoặc nhiều hoặc ít phải liền đủ ngay
    Làm cho người rể đắng cay
    Nhờ người khất hộ chịu thay mới đành

  • Nghĩ rằng em đã có chồng rồi

    Nghĩ rằng em đã có chồng rồi,
    Sao em chưa có, đứng ngồi vân vi?
    – Ôi thầy mẹ ơi, cấm đoán con chi!
    Mười lăm mười tám, sao chẳng cho đi lấy chồng?
    Ôi ông trời ơi, ông ở bất công,
    Người ta có cả, sao tôi không có gì?
    Một mai quá lứa, nhỡ thì,
    Tuổi già kéo đến còn gì là xuân!
    Đêm nằm vuốt bụng khấn thầm,
    Xin ông thí bỏ một chồng cho xong.
    Rồi tôi sẽ tạ ơn ông,
    Con bò to béo, cho xứng với anh chồng béo to!

    Dị bản

    • Anh nghĩ rằng em đã có chồng rồi,
      Sao em chưa có, đứng ngồi vân vi?
      – Ôi thầy mẹ ơi, cấm đoán em chi!
      Mười lăm mười tám, sao chưa cho đi lấy chồng?
      Ới ông trời ơi, sao ông ở không công?
      Người ta có cả, sao tôi không có gì?
      Duyên em đã lỡ, em trách ông Tơ Hồng sao ông khéo trêu ngươi
      Cứ đêm đêm tôi nằm, tôi vuốt bụng, tôi gọi Trời,
      Xin ông thí bỏ cho tôi chút chồng.
      Tôi về làm lễ tế ông,
      Mổ con bò béo, ông cho tôi lấy anh chồng cho nó to,
      Bõ công ôi đi mượn chú lái mổ bò. 

  • Thân hươu lẩn khuất bóng tùng

    Thân hươu lẩn khuất bóng tùng,
    Biết nhau thương lấy nhau cùng ai ơi.
    Tiếc công trước đã nặng nhời,
    Tiếc công gắn bó mấy người đã lâu.
    Tiếc công tình tự với nhau,
    Tiếc công đi lại trước sau bấy giờ.
    Tiếc công đắp đập be bờ,
    Để cho người khác đem lờ đến đơm.
    Tiếc thay cho hạt mưa trong,
    Tiếc tờ giấy trắng vẽ nhằng vẽ xiên.
    Cuộc đời lắm lúc đảo điên,
    Ai ơi để mãi lụy phiền đến hoa.

  • Lạ lùng bắt gặp chàng đây

    – Lạ lùng bắt gặp chàng đây
    Có mấy câu này, em đoán chưa ra.
    Nếu mà anh giảng cho ra,
    Thì em kết nghĩa giao hòa cùng anh.
    Cái gì trong trắng ngoài xanh,
    Cái gì soi tỏ mặt anh mặt nàng,
    Cái gì xanh đỏ trắng tím vàng,
    Cái gì ăn phải dạ càng tương tư,
    Cái gì năm đợi tháng chờ,
    Cái gì tiện chũm phơi khô để dành,
    Cái gì mà đổ vào xanh,
    Cái gì nó ở trên cành mà lại tốt tươi,
    Cái gì trong héo ngoài tươi,
    Cái gì làm bạn với trời tám trăm năm,
    Cái gì chung chiếu chung chăn,
    Cái gì làm bạn với trăng đêm ngày,
    Cái gì nó bé nó cay,
    Cái gì nó bé nó hay cậy quyền?

  • Cầu Đơ là chợ đằng xuôi

    Cầu Đơ là chợ đằng xuôi
    Ngỗng, vịt cũng lắm, đồ chơi cũng nhiều
    Tưởng rằng chợ Sái mỹ miều
    Chỉ lắm hàng củi với nhiều hàng cơm
    Chợ Nủa hàng giậm, hàng nơm
    Chợ Trôi hàng vải, hàng rơm dãi dầu
    Chợ Nghệ thì bán bò, trâu
    The, đoạn cũng lắm, chúc bâu cũng nhiều
    Sơn Đồng chợ họp về chiều
    Chỉ lắm hàng sắn với nhiều hàng dao
    Chợ Phùng hàng xén xiết bao
    Chợ Gạch cũng lắm thuốc lào, nhang đen
    Chợ Cốc nửa tháng sáu phiên
    Chỉ nhiều ngô, đậu với nguyên củ từ
    Thọ Lão chợ họp chần chừ
    Lều quán chẳng có y như ngoài đồng
    Lờ đờ chợ Triệu mà đông
    Tưởng rằng có lớn mà không bán bò
    Chợ Mía mới họp mà to
    Mía vàng, mía đỏ bán cho lò đường
    Bán nhiều nón là chợ Chuông
    Trắng trời, trắng chợ ai thương đội đầu
    Chợ Sêu bán hom, lá dâu
    Bán nhộng, bán kén tơ màu xe dây.

  • Vè bán quán

    Tui xin mời cô bác
    Cùng quý vị gần xa
    Đi chơi hay về nhà
    Lâu lâu gặp bằng hữu
    Tui mời cho đầy đủ
    Không sót một người nào
    Chủ quán xin mời vào
    Dùng cơm hay hủ tiếu
    Thịt quay cùng xá xíu
    Hễ có tiền là ăn
    Thịt chó xào rau cần
    Thịt bò thì nhúng giấm
    Gà tơ thì nấu nấm
    Chim sẻ thì rô ti
    Cua lột chiên bột mì
    Cá lý ngư làm gỏi
    Nem nướng rồi bánh hỏi
    Trứng vịt, trứng gà ung
    Hẹ bông nấu với lòng
    Cá thu thì kho rục

  • Bước sang tháng sáu giá chân

    Bước sang tháng sáu giá chân
    Tháng chạp nằm trần bức đổ mồ hôi
    Con chuột kéo cày lồi lồi
    Con trâu bốc gạo vào ngồi trong cong
    Vườn rộng thì thả rau rong
    Ao sâu vãi cải lấy ngồng làm dưa
    Đàn bò đi tắm đến trưa
    Một đàn con vịt đi bừa ruộng nương
    Voi kia nằm dưới gậm giường
    Cóc đi đánh giặc bốn phương nhọc nhằn

  • Tuổi Tí con chuột cống xù

    Tuổi Tí là con chuột xù
    Thu gạo thu nếp nó bò xuống hang
    Tuổi Sửu con trâu kềnh càng
    Cày chưa đúng buổi nó mang cày về
    Tuổi Dần con cọp chỉn ghê
    Bắt người ăn thịt tha về non cao
    Tuổi Mẹo là con mèo ngao
    Hay quấu hay quào ăn vụng thành tinh
    Tuổi Thìn, rồng ở thiên đình
    Đằng vân giá vũ ẩn mình trên mây

  • Ngó lên dốc Một, chùa Lầu

    Ngó lên dốc Một, chùa Lầu,
    Cảm thương người bạn buổi đầu thâm ân
    Kể từ qua lại mấy lần,
    Nào ai khỏa lấp sông Ngân, suối Vàng.
    Gẫm trong kim cổ kì quan,
    Bướm vô vườn liễu, hoa tàn vì ai?
    Nhìn xem nguyệt xế non Đoài,
    Bóng trăng mờ lợt không ai nương cùng.
    Xưa rày nhân nghĩa bập bùng,
    Xuống lên không đặng tỏ cùng anh hay.
    Mưu kia, kế nọ ai bày,
    Làm cho chàng thiếp mỗi ngày mỗi xa.

  • Thư gửi chồng

    Jê-cờ-ri một bức tình thư,
    Ăng-voa, thăm hỏi me-xừ di-đăng
    Tú xon gạt nước mắt than rằng:
    Cô-song cái phận lăng nhăng nhỡ nhàng.
    Đờ-puy thiếp bén duyên chàng,
    Nô-xờ chưa được một bàn tiệc vui.
    Ê-loa-nhê ai khéo giục xui,
    Cu-tô ai nỡ cắt mùi nguyệt hoa
    La cua mút mọc, luyn tà,
    La săm biết lấy ai là a-mi
    Lạnh lùng mảnh áo sơ-mi
    Năm canh trằn trọc lơ li một mình.
    A-mi ai có thấu tình,
    Để cho đến nỗi thân mình biếng ba
    Pơ-răng qua để làm quà,
    Jê-cơ-ri uyn lét để mà ca-đô
    Tự ngày bước xuống ba-tô
    Lác-mơ nó chảy như hồ Trúc Yên
    Xi vu lét-xê moa tiền,
    Thì moa cũng chẳng được yên bông cờ
    Tiện lời thăm hỏi ta xơ,
    Cùng cả gia quyến ơ-rơ thanh nhàn.
    Lơ roa Thành Thái Annam
    23 tháng Tám bước sang tháng Mười
    Tên em là Nguyễn Thị Thời.​

  • Vè nói trạng

    Láo thiên láo địa,
    Láo từ ngoài Sịa láo vô
    Ngồi buồn nói chuyện láo thiên:
    Lúc nhỏ tôi có đi khiêng ông Trời
    Ra đồng thấy muỗi bắt dơi,
    Bọ hung làm giỗ có mời ông voi
    Nhà tôi có một củ khoai,
    Xắt ra bảy thúng hẳn hòi còn dư
    Nhà tôi có một củ từ,
    Bới lên một củ nó hư cả vườn.
    Tôi vừa câu được con lươn
    Cái thịt làm chả, cái xương đẽo chày
    Nhà tôi có một cối xay
    Đầu cong bịt bạc, đầu ngay bịt vàng

  • Trách phận (Nẫu ca)

    Thân trách thân, thân sao lận đận
    Mình trách mình số phận hẩm hiu
    Bởi thân tui cực khổ tui eo nghèo
    Nên vợ tui nó mới không ở nữa mà nó theo nẫu rồi
    Em ơi chứ bây giờ em ở kìa nơi đâu
    Để cho anh trông đứng trông ngồi canh khuya
    Hồi nào qua Phú Lễ ăn ổi chua
    Xuống Đại Lãnh uống nước ngọt, qua Hòn Chùa ăn mực nang
    Bây giờ em không ngó nữa em không ngàng
    Đến chồng nghèo cực khổ gian nan cơ hàn
    Hồi nào em thất nghiệp em đi lang thang
    Anh thấy em nữa tội nghiệp, anh di mang anh nuôi rày
    Hồi nào em bán nước đá rồi anh đi may
    Hai đứa mình chung sống không biết ngày mai sau
    Hồi nào em bắt ốc rồi anh hái rau
    Bây giờ em để lại mối sầu cho qua
    Hồi nào trái chuối chín cũng cắn làm ba
    Trái cam tươi cũng cắn làm bốn
    Nửa trái cà cũng cắn làm năm
    Bây giờ em lấy nẫu em ăn nằm
    Bỏ qua hiu quạnh năm canh qua một mình
    Anh bây giờ, khóe mắt sầu cứ rung rinh
    Giọt lệ sầu, giọt lệ thảm như nước trong bình nó tuôn ra
    Anh bây giờ như con cuốc nó kêu tù oa
    Nó lẻ đôi, nó lẻ bạn, quớ chu choa ơi là buồn.

    Video

Chú thích

  1. Thê tử
    Vợ con (từ Hán-Việt).
  2. Từ thân
    Cha mẹ hiền (từ Hán Việt).
  3. Biểu
    Bảo (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  4. Phú Yên
    Một địa danh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, có bề dày văn hóa, du lịch, với các lễ hội bài chòi, lễ hội đầm Ô Loan, lễ đâm trâu, lễ bỏ mả... và các thắng cảnh như gành Đá Dĩa, vịnh Xuân Đài...

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa, Phú Yên

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa

  5. Giang sơn
    Cũng gọi là giang san, nghĩa đen là sông núi, nghĩa rộng là đất nước. Từ này đôi khi cũng được hiểu là cơ nghiệp.
  6. Hòn Vay, hòn Trả
    Hai quả núi tại tỉnh Phú Yên. Nhà yêu nước Trần Cao Vân có một bài thơ vịnh về hai hòn núi này, như sau:

    Ai nhủ hỏi đòi khéo lá lay
    Ở qua Hòn Trả bởi vì Vay,
    Tờ mây bóng rợp bà so chỉ,
    Nợ nước ơn đền ông phủi tay
    Ngày tháng rảnh chân muốn cụm bước,
    Cỏ cây dâng lộc bốn mùa thay
    Khách giang hồ những tha hồ mượn,
    Lân Hải Vân rồi đó sẽ hay.

  7. Hòn Hành
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Hòn Hành, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  8. Những hòn núi này, có bản chép: Hòn Vậy, hòn Cả, hòn Trả, hòn Hành...
  9. No nào
    Chừng nào, phải chi (phương ngữ Nam Bộ).
  10. Đây là một bài hát của một người Hời được nhắc đến trong tác phẩm Tuồng cổ có còn hi vọng được trông thấy những ngày tốt đẹp nữa không? của nhà văn Vũ Bằng.
  11. Quẩy
    Hoặc quảy: động tác mang vật gì bằng cách dòng qua vai và áp sát lưng, thường thấy là cách dùng một đầu quang gánh.
  12. Nghiên
    Đồ dùng để mài mực hoặc son khi viết chữ Hán hoặc gần đây là thư pháp.

    Bút và nghiên mực Tàu

    Bút và nghiên mực Tàu

  13. Khố
    Một trong những loại trang phục cổ xưa nhất của nhân loại, gồm một tấm vải dài, khổ hẹp dùng để để bọc và che vùng hạ bộ bằng cách quấn tựa vào vòng thắt lưng. Trước đây nhiều vùng sử dụng, hiện tại khố vẫn còn được sử dụng hạn chế như ở vùng cao, vùng xa nơi còn lạc hậu, ngoài ra một số nước giữ gìn nó như bản sắc văn hóa khi có hội hè. Đóng khố đuôi lươn là kiểu mặc khố có thừa một đoạn buôn thõng ở phía sau cho tới khoeo chân, như cái đuôi con lươn, còn không có thì gọi là khố cộc.

    Đóng khố

    Đóng khố

  14. Dây chão
    Dây thừng loại to, rất bền chắc.
  15. Giậm
    Đồ đan bằng tre, miệng rộng hình bán cầu, có cán cầm, dùng để đánh bắt tôm cá. Việc đánh bắt tôm cá bằng giậm gọi là đánh giậm.

    Đánh giậm

    Đánh giậm

  16. Thanh tân
    Tươi trẻ, trong sáng (thường dùng để nói về người phụ nữ).
  17. Có bản chép:
    Còn em là út thanh tân
    Có nghe em kể, lại gần mà nghe
  18. Mãn
    Trọn, đầy đủ, hết (từ Hán Việt).
  19. Tấn lai
    Bước đến.
  20. Chánh ngoạt
    Cách đọc trại của chính nguyệt (tháng đầu năm âm lịch, tháng Giêng).
  21. Nhật nguyệt
    Mặt trời (nhật) và mặt trăng (nguyệt), ở miền Nam cũng được phát âm thành nhựt nguyệt. Cùng là biểu tượng của sự trường tồn vĩnh cửu, hình ảnh nhật nguyệt thường được đem ra để thề thốt.

    Mai sau dầu đến thế nào,
    Kìa gương nhật nguyệt nọ dao quỷ thần

    (Truyện Kiều)

  22. Nam chiếu phúc bồn
    Chậu úp khó mà soi thấu.
  23. Hóc Môn
    Một địa danh nay là huyện ngoại thành của thành phố Hồ Chí Minh. Từ năm 1698 đến năm 1731, một số lưu dân từ miền Bắc, miền Trung do không cam chịu sự thống trị hà khắc của triều Trịnh-Nguyễn nên đã đến vùng đất này để sinh cơ, lập nghiệp. Họ lập ra những thôn ấp và nông trại, lúc đầu có sáu thôn, dần dần phát triển thành mười tám thôn, nổi tiếng với nghề trồng trầu. Đến đầu thế kỷ 19, một số thôn của Hóc Môn vẫn còn những nét hoang dã, có cọp dữ nổi tiếng như “cọp vườn trầu” và có nhiều đầm môn nước mọc um tùm, nên thành địa danh Hóc Môn.
  24. Bình Long
    Tên của huyện Hóc Môn dưới thời nhà Nguyễn.
  25. Hà do
    Tại sao.
  26. Hàm mai
    Cái thẻ khớp miệng ngựa cho nó không hí lên được. Ý nói sự chèn ép, bụm miệng dân chúng của thực dân.
  27. Bơ thờ
    Thẫn thờ và ngơ ngẩn vì không ổn định trong lòng.
  28. Lắng
    Để yên cho cấn, bã chìm xuống đáy. Cũng gọi là lóng.
  29. Thầy pháp
    Thầy phù thủy, theo tín ngưỡng dân gian được cho là có pháp thuật, trừ được tà ma quỷ quái.
  30. Hạ bạc
    Nghề bắt cá. Trong xã hội cũ, đây là một nghề bị coi thường, khinh rẻ.
  31. Ngỡi
    Tiếng địa phương Nam Bộ của "ngãi" (nghĩa, tình nghĩa).
  32. Câu liêm
    Dụng cụ gồm một lưỡi quắm hình lưỡi liềm lắp vào cán dài, dùng để móc vào mà giật, cắt những vật ở trên cao. Ngày xưa câu liêm còn được dùng làm vũ khí.

    Câu liêm

    Câu liêm

  33. Liềm
    Một nông cụ cầm tay có lưỡi cong khác nhau tùy từng loại, phía lưỡi thường có răng cưa nhỏ (gọi là chấu), dùng để gặt lúa hoặc cắt cỏ. Liềm có thể được xem là biểu tượng của nông nghiệp.

    Cái liềm

    Cái liềm

  34. Có bản chép: Mười lăm.
  35. Trăng náu
    Có ý kiến cho rằng trăng náu bắt nguồn từ "trăng đáo" nghĩa là trăng đầy, đủ.
  36. Trăng treo
    Có ý kiến cho rằng trăng treo bắt nguồn từ "trăng chiêu," nghĩa là trăng sáng.
  37. Vân vi
    Đầu đuôi câu chuyện, đầu đuôi sự tình (từ cũ).
  38. Thầy mẹ
    Cha mẹ (phương ngữ miền Bắc).

    Con đi mười mấy năm trời,
    Một thân, một bóng, nửa đời gió sương.
    Thầy đừng nhớ, mẹ đừng thương,
    Cầm như đồng kẽm ngang đường bỏ rơi!
    Thầy mẹ ơi, thầy mẹ ơi,
    Tiếc công thầy mẹ đẻ người con hư!

    (Thư gửi thầy mẹ - Nguyễn Bính)

  39. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  40. Be bờ
    Đắp đất thành bờ để ngăn nước.

    Be bờ

    Be bờ

  41. Lờ
    Dụng cụ đánh bắt cá đồng làm bằng nan tre. Hình dạng của lờ giống như một cái lồng, ở một đầu có chế tạo một miệng tròn gọi là miệng hom sao cho cá chỉ có thể từ ngoài chui vào lờ thông qua miệng hom mà không thể chui ra. Khi đặt lờ thường người đặt thả mồi vào trong để dụ cá bơi vào.

    Lờ có nhiều loại: Loại đại dài từ 0,5 đến 1 m, gọi là “lờ bầu”, thả chỗ nước sâu như sông, hồ để bắt cá diếc, sảnh, dầy. Loại tiểu gọi là “lờ đồng”, thả nơi nước cạn như ao, đìa, ruộng bắt cá trê, rô, sặc, mương, nhét…

    Lờ bắt cá

    Lờ bắt cá

  42. Nghĩa giao hòa
    Nghĩa vợ chồng (dùng trong ca dao dân ca).
  43. Chũm
    Phần đầu và đuôi của quả cau.
  44. Xanh
    Dụng cụ để nấu, làm bằng đồng, có hai quai, giống cái chảo lớn nhưng đáy bằng chứ không cong.

    Cái xanh đồng.

    Cái xanh đồng.

  45. Chợ Hà Đông
    Ngôi chợ lớn nhất của Hà Đông trước đây. Chợ Hà Đông vốn là chợ làng Đơ (nên còn gọi là chợ Đơ hay chợ Cầu Đơ) xây ba dãy cầu gạch lợp ngói song song với nhau tồn tại mãi đến những năm 80 của thế kỉ 20, khi xây ba nhà chợ lớn lợp mái tôn. Khu vực chợ gia súc mở năm 1904 nay là khu vực Ngân hàng nông nghiệp, Đài phát thanh truyền hình thành phố, viện Kiểm sát nhân dân quận, Trường Mỹ nghệ sơn mài.

    Chợ Hà Đông hiện nay

    Chợ Hà Đông hiện nay

  46. Quảng Minh
    Tên Nôm là Đại Sái, một làng thuộc xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây cũ (nay là Hà Nội). Chợ ở làng cũng gọi là chợ Sái.
  47. Chợ Nủa
    Cũng phát âm sai thành chợ Lủa, một ngôi chợ trước đây thuộc kẻ Nủa, nay thuộc địa phận xã Binh Phú, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Đây là phiên chợ ở Thủ đô vẫn còn giữ được những nét đặc sắc của chợ phiên vùng đồng bằng Bắc bộ xưa. Chợ bán nhiều vật dụng truyền thống làm từ tre, nứa như đũa, tăm, mành che nắng, gàu nước...

    Chợ Nủa

    Chợ Nủa

  48. Nơm
    Dụng cụ bắt cá, được đan bằng tre, hình chóp có miệng rộng để úp cá vào trong, chóp có lỗ để thò tay vào bắt cá.

    Úp nơm

    Úp nơm

  49. Chợ Trôi
    Một ngôi chợ hiện nay thuộc địa phận làng Phú Đa, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Chợ họp vào ngày hai mươi sáu tháng chạp âm lịch, rất đông vui.
  50. Chợ Nghệ
    Một ngôi chợ có từ xưa, thuộc địa phận thị xã Sơn Tây, nổi tiếng là nơi buôn bán, chuyển nhượng trâu bò từ miền ngược về miền xuôi. Trước đây chợ họp theo phiên vào các ngày mồng 3, mồng 8, 13, 18, 23, 28 âm lịch hằng tháng. Vào năm 2005, chợ Nghệ bị cháy, sau đó chợ mới được xây dựng lại trên nền chợ cũ.

    Chợ Nghệ hiện nay

    Chợ Nghệ hiện nay

  51. The
    Hàng dệt bằng tơ nhỏ sợi, mặt thưa, mỏng, không bóng, thời xưa thường dùng để may áo dài hoặc khăn, màn.

    Áo dài the

    Áo dài the

  52. Đoạn
    Một loại vải dày dệt từ tơ tằm. Đoạn cũng được dệt theo cách thức của lĩnh, nhưng dày hơn, sợi dọc nhiều hơn cả gấm. Đặc biệt sợi dọc, sợi ngang nổi đều nhau, mịn màng, óng ả. Đoạn dùng để may áo dài cho nam giới mặc vào những dịp long trọng. Do hàng đoạn dày nên người ta thường may áo đoạn bọc lụa bên trong mặc vào mùa lạnh.
  53. Chúc bâu
    Loại vải dệt khung tay, khổ 40 phân, dày, cứng và bền.
  54. Sơn Đồng
    Địa danh nay là một xã thuộc hiện Hoài Đức, Hà Nội.
  55. Chợ Phùng
    Chợ phố Phùng, nay thuộc thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng, Hà Nội. Chợ họp theo phiên vào các ngày 2, 4, 7, 9 âm lịch hằng tháng.
  56. Hàng xén
    Cửa hàng tạp hóa hoặc gánh hàng chuyên bán những thứ vặt vãnh như kim, chỉ, đá lửa, giấy bút...

    Những cô hàng xén răng đen
    Cười như mùa thu tỏa nắng
    (Bên kia sông Đuống - Hoàng Cầm)

  57. Chợ Gạch
    Chợ thuộc phố Gạch, thôn Đồng Lục (tên nôm là Kẻ Lọc) thuộc xã Thọ Lộc, huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Trước đây chợ Gạch họp vào các ngày 2, 5, 7 trong tháng.
  58. Thuốc lào
    Theo học giả Đào Duy Anh, cây thuốc lào có lẽ từ Lào du nhập vào Việt Nam nên mới có tên gọi như thế. Sách Vân Đài loại ngữĐồng Khánh dư địa chí gọi cây thuốc lào là tương tư thảo (cỏ nhớ thương), vì người nghiện thuốc lào mà hai, ba ngày không được hút thì trong người luôn cảm thấy bứt rứt khó chịu, trong đầu luôn luôn nghĩ đến một hơi thuốc, giống như nhớ người yêu lâu ngày không gặp. Thời xưa, ngoài "miếng trầu là đầu câu chuyện," thuốc lào cũng được đem ra để mời khách. Hút thuốc lào (cũng gọi là ăn thuốc lào) cần có công cụ riêng gọi là điếu.

    Thuốc lào thường được đóng thành bánh để lưu trữ, gọi là bánh thuốc lào.

    Hút thuốc lào bằng ống điếu

    Hút thuốc lào bằng ống điếu

  59. Chợ Cốc
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Chợ Cốc, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  60. Thọ Lão
    Địa danh xưa thuộc tổng Thọ Nghiêm, huyện Thọ Xương, kinh thành Thăng Long, nay là khoảng dốc Thọ Lão-Lò Đúc, thành phố Hà Nội.
  61. Chợ Triệu
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Chợ Triệu, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  62. Chợ Mía
    Chợ thuộc làng Mía, Sơn Tây. Xưa chợ có tên là chợ Tam Bảo, nằm ngay chân Tam quan của chùa Mía. Chợ do bà Nguyễn Thị Ngọc Dao - sau trở thành cung phi của Thanh đô vương Trịnh Tráng - dựng nên, họp mỗi tháng có 6 phiên chính vào các ngày mùng 1, 6, 11, 16, 21 và 26. Đọc thêm: Chợ cổ bên ngôi chùa cổ.
  63. Quang Trung
    Một làng nay thuộc xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội, có tên nôm là làng Chuông. Làng nổi tiếng với nghề làm nón lá. Chợ làng cũng gọi là chợ Chuông, chuyên bán nón và các nguyên vật liệu làm nón.

    Phơi lá lụi để làm nón

    Phơi lá lụi để làm nón

  64. Chợ Sêu
    Chợ thuộc làng Sêu, là đầu mối thông thương cho nhiều chợ khác quanh vùng. Địa thế cận giang đã làm cho chợ Sêu ngày càng lớn, rộng, giao lưu không chỉ trong huyện, mà còn liên huyện, liên tỉnh Hà Tây - Hoà Bình. Vì thế ít có chợ nào trong vùng có nhiều sản vật và phong phú như chợ Sêu.

    Chợ Sêu

    Chợ Sêu

  65. Hom
    Đoạn thân cây dùng để giâm thành cây mới.
  66. Dâu tằm
    Loại cây thường được trồng hai bên bờ sông, chủ yếu để lấy lá cho tằm ăn. Lá và rễ dâu cũng là vị thuốc đông y. Quả dâu tằm chín cũng có thể dùng để ăn hoặc ngâm rượu, gọi là rượu dâu tằm. Ở nước ta, dâu có nhiều giống: dâu bầu, dâu da, dâu cỏ, dâu tam bội...

    Lá và quả dâu tằm

    Lá và quả dâu tằm

  67. Bằng hữu
    Bạn bè (từ Hán Việt).
  68. Hủ tiếu
    Cũng viết là hủ tíu, cách đọc tiếng Quảng Đông của 粿條 (quả điều), một món ăn của người Triều Châu và người Mân Nam, sau trở thành món ăn rất quen thuộc ở miền Nam. Đặc biệt là Sài Gòn, hầu như trên bất cứ con đường nào cũng có thể bắt gặp một quán hủ tiếu hoặc xe đẩy hủ tiếu (hủ tiếu gõ). Có thể nói Hủ tiếu là món ăn đặc trưng tại Sài gòn, tương tự như phở ở Hà Nội.

    Nguyên liệu chính của món hủ tiếu là bánh hủ tiếu, nước dùng chính là với thịt bằm nhỏ và lòng heo, có thể ăn với thịt bò viên và tương.

    Hủ tiếu

    Hủ tiếu

    Xe hủ tiếu

    Xe hủ tiếu

  69. Xá xíu
    Cách phát âm của chữ Hán 叉燒 (xoa thiêu), món thịt heo quay theo kiểu Trung Quốc, thường gặp ở miền Nam. Món này vốn bắt nguồn từ cách lấy thịt heo, lạng bỏ xương, ướp gia vị, xỏ ghim rồi đem nướng trên lửa (xoa thiêu có nghĩ là nướng xâu). Thịt thường dùng là thịt vai, ướp mật ong, ngũ vị hương, xì dầu, chao, tương đen hoisin, phẩm màu đỏ, và rượu. Hỗn hợp gia vị trên làm cho món xá xíu có sắc đỏ. Đôi khi mạch nha được dùng quết lên để làm thịt óng ả thêm hấp dẫn. Thịt xá xíu thường có bán ở những hiệu thịt quay người Hoa, bán chung với vịt quay, heo quay, dùng làm nhân bánh bao, trộn với cơm chiên, hoặc ăn kèm với mì hay cơm trắng.

    Xá xíu

    Xá xíu

  70. Rau cần
    Một loại rau xanh thường được nhân dân ta trồng để nấu canh, xào với thịt bò, hoặc làm vị thuốc.

    Canh cá nấu cần

    Canh cá nấu cần

  71. Rô ti
    Quay (thịt). Từ này bắt nguồn từ tiếng Pháp rôti.

    Gà rô ti

    Gà rô ti

  72. Cá chép
    Tên Hán Việt là lí ngư, một loại cá nước ngọt rất phổ biến ở nước ta. Ngoài giá trị thực phẩm, cá chép còn được nhắc đến trong sự tích "cá chép vượt vũ môn hóa rồng" của văn hóa dân gian, đồng thời tượng trưng cho sức khỏe, tài lộc, công danh.

    Ở một số địa phương miền Trung, cá chép còn gọi là cá gáy.

    Cá chép

    Cá chép

  73. Nem nướng
    Một món ăn làm từ thịt heo nạc băm nhuyễn, thêm đường, hạt nêm, tiêu để cho ngấm rồi viên dài, xiên vào que tre đã chuẩn bị sẵn, nướng trên bếp than hồng, ăn với bánh tráng và rau sống (dấp cá, hẹ, húng quế, xà lách, dưa leo, chuối chát, khế...). Nem nướng nổi tiếng nhất có lẽ là ở Ninh Hòa.

    Nem nướng

    Nem nướng

  74. Bánh hỏi
    Một đặc sản có mặt ở nhiều vùng khác nhau: Vũng Tàu, Bến Tre, Phú Yên, Nha Trang, Bình Định, Sóc Trăng... Bánh được làm từ bột gạo và có quy trình chế biến đặc biệt công phu, tỉ mỉ. Thường được ăn chung với mỡ hành, thịt quay, thịt nướng, lòng heo... đây là món ăn không thể thiếu trong những dịp lễ, cúng giỗ, cưới hỏi.

    Bánh hỏi thịt heo

    Bánh hỏi thịt heo

  75. Hẹ
    Một loại rau được dùng nhiều trong các món ăn và các bài thuốc dân gian Việt Nam.

    Bông hẹ

    Bông hẹ

  76. Cá thu
    Loại cá biển, thân dài, thon, không có hoặc có rất ít vảy. Từ cá thu chế biến ra được nhiều món ăn ngon.

    Cá thu

    Cá thu

  77. Giá
    Lạnh buốt.
  78. Cong
    Đồ đựng nước hoặc gạo, làm bằng sành, hông phình, miệng rộng, hình dáng như cái .
  79. Vãi
    Ném vung ra.
  80. Ngồng
    Thân non của một số cây như cải, thuốc lá... mọc cao lên và ra hoa. "Ngồng" cũng có nghĩa là trổ hoa ở các loại cây này.

    Ngồng cải

    Ngồng cải

  81. Chuột, là con giáp đứng đầu trong mười hai cung hoàng đạo dùng để tính thời gian và tính lịch cổ truyền của Việt Nam, bắt nguồn từ Trung Quốc. Xem thêm các chú thích về đêm năm canh, ngày sáu khắc.
  82. Sửu
    Con trâu, là con giáp thứ hai trong mười hai cung hoàng đạo dùng để tính thời gian và tính lịch cổ truyền của Việt Nam, bắt nguồn từ Trung Quốc. Xem thêm các chú thích về đêm năm canh, ngày sáu khắc.
  83. Dần
    Con hổ, là con giáp đứng thứ ba trong mười hai cung hoàng đạo dùng để tính thời gian và tính lịch cổ truyền của Việt Nam, bắt nguồn từ Trung Quốc. Xem thêm các chú thích về đêm năm canh, ngày sáu khắc.
  84. Chỉn
    Vốn là, thật là. Theo học giả An Chi, từ này bắt nguồn từ chữ Hán chân 真 (vốn là, nguyên là).
  85. Mẹo
    Còn gọi là Mão, chỉ con mèo, là con giáp đứng thứ tư trong mười hai cung hoàng đạo dùng để tính thời gian và tính lịch cổ truyền của Việt Nam, bắt nguồn từ Trung Quốc. Xem thêm các chú thích về đêm năm canh, ngày sáu khắc.
  86. Thìn
    Con rồng, là con giáp đứng thứ năm trong mười hai cung hoàng đạo dùng để tính thời gian và tính lịch cổ truyền của Việt Nam, bắt nguồn từ Trung Quốc. Xem thêm các chú thích về đêm năm canh, ngày sáu khắc.
  87. Thiên cung
    Cung điện trên trời, cũng gọi là thiên đình. Theo thần thoại Trung Quốc và một số nước Đông Á (trong đó có Việt Nam), trên trời có cung điện cho Ngọc Hoàng và các thần thánh ăn ở, vui chơi và trông coi mọi việc trong vũ trụ.
  88. Đằng vân giá vũ
    Cưỡi mưa, đè mây (chữ Hán). Thường dùng để chỉ sự đi lại của thần tiên.
  89. Dốc Một, chùa Lầu
    Hai địa danh nay thuộc tỉnh Phú Yên. Dốc Một ở cách đèo Quán Cau về phía núi Đọ 3 km, trên dốc có một chùa có gác chuông cao nên gọi là Chùa Lầu. Nơi đây gắn liền với truyền thuyết của một đôi trai gái không lấy được nhau, bỏ nhà đi tu.
  90. Thâm ân
    Ân tình, ân nghĩa sâu nặng.
  91. Ngân Hà
    Tên gọi của thiên hà bao gồm Trái Đất của chúng ta. Trên bầu trời đêm, Ngân Hà trông như một dải sáng trắng vắt ngang bầu trời, nên được hình tượng hóa thành một dòng sông trên thượng giới. Trong thần thoại Trung Quốc, Ngưu Lang và Chức Nữ bị sông Ngân Hà chia cách, nên sông Ngân còn tượng trưng cho sự ngăn cách lứa đôi.

    Nguồn: Rick Whitacre.

    Dải Ngân Hà. Nguồn: Rick Whitacre.

  92. Suối vàng
    Cõi chết. Từ này bắt nguồn từ chữ hoàng tuyền, cũng đọc là huỳnh tuyền. Hoàng tuyền vốn có nghĩa là suối ngầm, mạch nước ngầm ở dưới đất, vì đất màu vàng nên có tên như vậy.

    Gọi là gặp gỡ giữa đường
    Họa là người dưới suối vàng biết cho

    (Truyện Kiều)

  93. Kim cổ kì quan
    Những cảnh lạ (kì quan, hiểu rộng ra là chuyện lạ) từ xưa (cổ) đến nay (kim).
  94. Đoài
    Phía Tây.
  95. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  96. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  97. Jê-cờ-ri
    Tôi viết (từ tiếng Pháp J'écris).
  98. Ăng-voa
    Gửi (từ tiếng Pháp envoie).
  99. Me xừ
    Từ tiếng Pháp monsieur, nghĩa là "quý ông."
  100. Di-đăng
    Công sứ (từ tiếng Pháp résident).
  101. Tú xon
    Cô đơn, một mình (từ tiếng Pháp tout seul).
  102. Cô soong
    Con lợn (từ tiếng Pháp couchon), dùng làm tiếng chửi.
  103. Đờ-puy
    Từ khi (từ tiếng Pháp depuis).
  104. Nô-xờ
    Tiệc cưới (từ tiếng Pháp noce).
  105. Ê-loa-nhê
    Xa cách (từ tiếng Pháp éloigné).
  106. Cu-tô
    Con dao (từ tiếng Pháp couteau).
  107. Nguyệt hoa
    Cũng viết là hoa nguyệt (trăng hoa), chỉ chuyện trai gái yêu đương. Từ này có gốc từ nguyệt hạ hoa tiền (dưới trăng, trước hoa, những cảnh nên thơ mà trai gái hẹn hò để tình tự với nhau), nay thường dùng với nghĩa chê bai.

    Cởi tình ra đếm, ra đong
    Đâu lời chân thật, đâu vòng trăng hoa?

    (Tơ xuân - Huy Trụ)

  108. La cua
    Cái sân (từ tiếng Pháp la cour).
  109. Mút
    Rêu (từ tiếng Pháp mousse).
  110. Luyn
    Mặt trăng (từ tiếng Pháp lune).
  111. La săm
    Buồng (từ tiếng Pháp la chambre).
  112. A-mi
    Bạn thân, bạn gái (từ tiếng Pháp amie).
  113. Sơ-mi
    Nghĩa gốc là áo lót (từ tiếng Pháp chemise). Ngày nay, sơ mi có cổ áo, tay áo và hàng nút phía trước.
  114. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  115. Lơ li
    Cái giường (từ tiếng Pháp le lit).
  116. Biếng ba
    Xanh xao (từ tiếng Pháp bien pale).
  117. Pơ-răng qua
    Lấy gì (từ tiếng Pháp prendre quoi).
  118. Uyn lét
    Một lá thư (từ tiếng Pháp une lettre).
  119. Ca-đô
    Quà (từ tiếng Pháp cadeau).
  120. Ba-tô
    Tàu thủy (từ tiếng Pháp bateau).
  121. Lác-mơ
    Nước mắt (từ tiếng Pháp larme).
  122. Hồ Trúc Bạch
    Tên một cái hồ thuộc quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Hồ được cho là một phần của hồ Tây trước kia, chúa Trịnh cho đắp đê Cố Ngự (sau đọc thành Cổ Ngư, giờ là đường Thanh Niên). Trước hồ thuộc làng Trúc Yên, ven hồ có Trúc Lâm viện là nơi chúa Trịnh giam giữ các cung nữ phạm tội. Những cung nữ này làm nghề dệt lụa để kiếm sống. Vì lụa đẹp nổi tiếng, nên dân gian lấy đó làm tên gọi cho hồ (Trúc Bạch nghĩa là lụa làng Trúc).

    Hồ Trúc Bạch ngày nay

    Hồ Trúc Bạch ngày nay

  123. Xi vu lét-xê moa
    Nếu anh để lại cho tôi (từ tiếng Pháp si vous laissez moi).
  124. Bông cờ
    Lòng tốt (từ tiếng Pháp bon cœur).
  125. Ta xơ
    Chị gái của anh (từ tiếng Pháp ta sœur).
  126. Ơ-rơ
    Sung sướng (từ tiếng Pháp heureux).
  127. Lơ roa
    Vua (từ tiếng Pháp le roi).
  128. Thành Thái
    (14/3/1879 – 24/3/1954) Hoàng đế thứ 10 của nhà Nguyễn, tại vị từ 1889 đến 1907. Lên ngôi khi mới mười tuổi, ông sớm bộc lộ tinh thần dân tộc và chủ trương đánh Pháp. Nǎm 1916 ông đày ra đảo Réunion cùng với con trai là vua Duy Tân, đến tháng 5 năm 1945 mới được cho về Việt Nam. Ông sống tại Cap Saint Jacques (Vũng Tàu) đến năm 1954 thì mất.

    Vua Thành Thái

    Vua Thành Thái

  129. An Nam
    Tên gọi của nước ta trong một số giai đoạn lịch sử. Tiêu biểu nhất có lẽ là dưới thời kì đô hộ của thực dân Pháp, khi nước ta bị chia thành ba kỳ.
  130. 23 tháng Tám là ngày âm lịch; tháng Mười là dương lịch, cách nhau hơn một tháng.
  131. Theo Hoàng Ngọc Phách thì Nguyễn Thị Thời là tên một người phụ nữ quê ở Hải Phòng cưới chồng Tây, theo chồng lên Bắc Ninh. Được ít lâu thì chồng về Tây, cô nhờ người viết hộ một lá thư (cô nói ra, người viết ghi vào giấy), sau thành bài ca dao truyền miệng này.
  132. Sịa
    Một địa danh nay là tên thị trấn của huyện Quảng Điền nằm ở phía bắc của Thừa Thiên-Huế, cách thành phố Huế khoảng 30km theo hướng Đông trên Quốc lộ 1. Về tên Sịa, có một số giả thuyết:

    - Sịa là cách đọc trại của sỉa, cũng như sẩy (trong sẩy chân), nghĩa là vùng trũng, vùng sỉa, lầy.
    - Sịa là cách đọc trại của sẻ. Vùng Sịa xưa là vùng có nhiều lúa, chim sẻ thường về.
    - Sịa là cách đọc trại của sậy, vì trước đây vùng này nhiều lau sậy.

  133. Câu này xuất phát từ câu: "Trạng thiên trạng địa, trạng từ chợ Sịa trạng về" là câu người Huế chọc ghẹo dân Sịa vì họ thường hay khoe về làng mình (ở Huế còn có thành ngữ "Nhứt Huế nhì Sịa").
  134. Láo thiên
    Tương tự "láo địa", cùng nghĩa là nói tào lao, nói dóc trên trời dưới đất
  135. Bọ hung
    Một loài bọ cánh cứng ăn phân, đầu có râu và sừng cứng chắc, ngực gắn 6 chân.

    Bọ hung

    Bọ hung

  136. Khoai từ
    Loại khoai thuộc họ củ nâu. Ở Việt Nam, loại có gai phân bố ở Phú Quốc, loại không gai phân bố rộng rãi, ngoài ra còn có củ từ nước mọc ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Khoai từ thường dùng làm lương thực, thực phẩm và là một vị thuốc với nhiều công dụng.

    Khoai từ luộc

    Khoai từ luộc

  137. Lươn
    Loài cá nước ngọt, thân hình trụ, dài khoảng 24-40 cm, đuôi vót nhọn, thoạt nhìn có hình dạng như rắn. Lươn không có vảy, da trơn có nhớt, màu nâu vàng, sống chui rúc trong bùn ở đáy ao, đầm lầy, kênh mương, hay ruộng lúa. Lươn kiếm ăn ban đêm, thức ăn của chúng là các loài cá, giun và giáp xác nhỏ.

    Ở nước ta, lươn là một loại thủy sản phổ biến, món ăn từ lươn thường được coi là đặc sản. Lươn được chế biến thành nhiều món ngon như: cháo lươn, miến lươn, lươn xào...

    Con lươn

    Con lươn

  138. Chày giã gạo
    Ngày xưa người ta giã gạo trong cối, dùng chày. Chày là một cây gỗ cứng, nặng, đầu nhẵn, phần giữa thuôn nhỏ (gọi là cổ chày).

    Giã gạo bằng chày

    Giã gạo bằng chày

  139. Cối xay
    Dụng cụ nhà nông dùng để bóc vỏ hạt thóc, tách trấu ra khỏi hạt gạo, hoặc để nghiền các hạt nông sản. Ngày nay cối xay ít được sử dụng vì được thay thế bằng các loại máy xay công nghiệp có hiệu suất cao hơn.

    Xay lúa

    Xay lúa

  140. Phượng hoàng
    Một loài chim trong thần thoại Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng. Trước đây, con trống được gọi là Phượng (hay phụng) còn con mái được gọi là Hoàng, nhưng ngày nay thì sự phân biệt đực, cái đã gần như không còn, và phượng hoàng được xem là giống cái, trong khi rồng được xem là giống đực. Phượng hoàng là vua của các loài chim, tượng trưng cho sự thanh cao.

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

  141. Hạc
    Loại chim cổ cao, chân và mỏ dài. Trong Phật giáo và văn chương cổ, hạc tượng trưng cho tuổi thọ hoặc tính thanh cao của người quân tử. Trước cửa các điện thờ thường có đôi hạc đá chầu.

    Đỉnh Hoa biểu từ khơi bóng hạc
    Gót Nam Du nhẹ bước tang bồng

    (Nhị thập tứ hiếu)

    Tranh vẽ hạc

    Tranh vẽ hạc

  142. Công
    Một loài chim thuộc họ Trĩ, có tên Hán Việt là khổng tước. Chim trống bộ lông có màu lục óng ánh, đuôi rất dài, có màu lục ánh đồng, mỗi lông ở mút có sao màu lục xanh, đỏ đồng, vàng, nâu. Mào dài, hẹp thẳng đứng, phần mặt của nó có màu vàng và xanh, khi nó múa đuôi xòe ra hình nan quạt để thu hút chim mái. Công mái không có đuôi dài và đẹp như công trống.

    Chim công

    Chim công

  143. Có bản chép: Bên trái thì công (cùng một nghĩa).
  144. Sếu
    Loài chim lớn, có cổ và chân dài. Sếu sống theo đàn, và cứ mỗi mùa đông thì cả đàn bay về phương Nam tránh rét.

    Đàn sếu

    Đàn sếu

  145. Có bản chép: Bên phải thì sếu (cùng một nghĩa).
  146. Giang
    Một loài chim khá lớn, chân dài, cổ cao, thường bay theo bầy. Lông chim có màu ghi ở cánh và lưng, trắng nhạt ở phía bụng. Chim thường kiếm ăn ở sông, hoặc ở những cánh đồng mới gặt xong.

    Chim giang sen

    Chim giang sen

  147. Bồ nông
    Một loài chim săn cá, có chiếc mỏ dài và túi cổ họng lớn đặc trưng để bắt con mồi.

    Bồ nông

    Bồ nông

  148. Nậu
    Nghĩa gốc là một nhóm nhỏ cùng làm một nghề (nên có từ "đầu nậu" nghĩa là người đứng đầu). 

Ví dụ: “Nậu nguồn” chỉ nhóm người khai thác rừng, “Nậu nại” chỉ nhóm người làm muối, “Nậu rổi” chỉ nhóm người bán cá, “Nậu rớ” chỉ nhóm người đánh cá bằng rớ vùng nước lợ, “Nậu cấy” chỉ nhóm người đi cấy mướn, “Nậu vựa” chỉ nhóm người làm mắm... Từ chữ “Nậu” ban đầu, phương ngữ Phú Yên-Bình Định tỉnh lược đại từ danh xưng ngôi thứ ba (cả số ít và số nhiều) bằng cách thay từ gốc thanh hỏi. Ví dụ: Ông ấy, bà ấy được thay bằng: “ổng,” “bả.” Anh ấy, chị ấy được thay bằng: “ảnh,” “chỉ.” 

Và thế là “Nậu” được thay bằng “Nẩu” hoặc "Nẫu" do đặc điểm không phân biệt dấu hỏi/ngã khi phát âm của người miền Trung. 

Người dân ở những vùng này cũng gọi quê mình là "Xứ Nẫu."
  149. Phú Lễ
    Tên một thôn nay thuộc xã Hòa Thành, huyện Đông Hoà, tỉnh Phú Yên.
  150. Mũi Đại Lãnh
    Còn có tên gọi khác là Mũi Nạy, Mũi Ba, Mũi Điện, Cap Varella (đặt theo tên một tướng giặc Pháp tự cho có công phát hiện nơi này), thuộc địa phận thôn Phước Tân, xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Đây là một nhánh của dãy Trường Sơn đâm ra biển. Trên mũi có ngọn hải đăng lớn chỉ đường cho tàu thuyền trong khu vực. Đây được xem là điểm cực Đông, nơi đón ánh nắng đầu tiên của nước ta.

    Ngọn hải đăng trên mũi Đại Lãnh

    Ngọn hải đăng trên mũi Đại Lãnh

  151. Hòn Chùa
    Tên một hòn đảo thuộc địa phận xã An Phú, thành phố Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên, cùng cụm đảo với hai hòn khác là Hòn DứaHòn Than. Hiện nay Hòn Chùa là một địa điểm du lịch sinh thái của tỉnh Phú Yên.

    Hòn Chùa

    Hòn Chùa

  152. Có bản chép là Hòn Dùa (Hòn Dừa), cũng là một hòn đảo gần khu vực Hòn Chùa.
  153. Mực nang
    Một loại mực có thịt dày, trắng ngần như cơm dừa, vị giòn, ngọt, thơm. Mực nang thường được chế biến thành món mực hấp, xào, nướng... đều rất ngon.

    Mực nang

    Mực nang

  154. Cơ hàn
    Đói (cơ 飢) và lạnh (hàn 寒). Chỉ chung sự nghèo khổ cơ cực.

    Bạn ngồi bạn uống rượu khan
    Tôi ngồi uống nỗi cơ hàn bạn tôi!

    (Gặp bạn ở chợ Bến Thành - Hoàng Đình Quang)

  155. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  156. Cuốc
    Còn gọi là chim quốc, con nghịt, một loại chim nhỏ thường gặp ngoài đồng ruộng, có tiếng kêu "cuốc, cuốc." Tương truyền chim cuốc (cũng gọi là chim đỗ quyên, xin xem chi tiết ở chú thích Đỗ quyên) là do vua Thục Đế mất nước khóc đến chảy máu mắt, chết đi hóa thành.

    Chim cuốc

    Chim cuốc

  157. Chu choa
    Cũng viết là chu cha, thán từ người miền Trung thường dùng để bộc lộ sự ngạc nhiên, sợ hãi, vui vẻ...
  158. Bài này là một tác phẩm của Nguyễn Hữu Ninh, được nhạc sĩ Phan Bá Chức phổ nhạc trên điệu bài chòi, nhưng đã phổ biến đến mức được xem như dân ca của tỉnh Phú Yên.