Tìm kiếm "bảy ba"

  • Em gặp anh đây, cho em hỏi thử đôi lời

    – Em gặp anh đây, cho em hỏi thử đôi lời
    Chữ chi anh chôn xuống đất,
    Chữ chi anh cất lên trang,
    Chữ chi anh mang không nổi,
    Chữ chi gió thổi không bay,
    Trai nam nhi anh mà đối đặng,
    Em thưởng cái nón bài thơ đội liền.
    – Chữ Triệu anh chôn xuống đất,
    Chữ Tiên sư anh cất lên trang,
    Chữ Trung chữ Hiếu anh mang không nổi,
    Bia tạc đá vàng, gió thổi không bay,
    Trai nam nhi anh đà đối đặng, em thưởng cái nón bài thơ đâu rồi?

  • Năm ngoái lên ngọn sông Ngâu

    Năm ngoái lên ngọn sông Ngâu
    Dầm sương dãi nắng chẳng tìm đâu bằng nàng
    Năm nay anh về, lắm bạc nhiều vàng
    Ðể anh sắm sửa thời nàng lấy anh
    Lấy anh, anh sắm sửa cho
    Sắm ăn, sắm mặc, sắm cho chơi bời
    Khuyên em có bấy nhiêu lời
    Thủy chung như nhất là người phải nghe
    Mùa đông lụa lụa the the
    Mùa hè bán bạc hoa xòe sắm khăn
    Sắm gối thì phải sắm chăn
    Sắm gương, sắm lược, sắm ngăn đựng trầu
    Sắm cho em đôi lược chải đầu
    Cái ống đựng sáp, vuốt đầu cho xinh

  • Người sao kiệu bạc, ngai vàng

    Người sao kiệu bạc ngai vàng
    Người sao cuối chợ đầu làng kêu ca
    Người sao đệm thắm chiếu hoa
    Người sao ngồi đất lê la suốt ngày
    Người sao chăn đắp, màn quây
    Người sao trần trụi thân thây bẽ bàng
    Người sao võng giá nghênh ngang
    Người sao đầu đội vai mang nặng nề
    Người sao năm thiếp bảy thê
    Người sao côi cút sớm khuya chịu sầu
    Người sao kẻ quạt người hầu
    Người sao nắng dãi mưa dầu long đong
    Trời ơi! Trời ở bất công!

    Dị bản

    • Người thì kiệu bạc đai vàng
      Người sao đầu chợ cuối đàng kêu ca
      Người thì đệm gắm chiếu hoa
      Người sao ngồi đất lê la tối ngày
      Người thì chăn đắp, màn quây
      Người sao trần trụi khố dây bẽ bàng
      Người thì võng giá nghênh ngang
      Người sao đầu đội vai mang nặng nề
      Người thì ăn mặc phủ phê
      Người sao đói rách, ê chề tấm thân.

  • Bớ chị em ơi! Đi chợ

    Bớ chị em ơi! Đi chợ
    Chợ nào bằng chợ Gò Chàm
    Tôm tươi cá trụng thịt bò thịt heo
    Còn thêm bánh đúc bánh xèo
    Bánh khô bánh nổ bánh bèo liên u
    Những con cá chép cá thu
    Cá ngừ cá nục cá chù thiệt ngon
    Ngó ra ngoài chợ
    Nẫu bán thịt phay
    Nem tươi chả lụa
    Rượu trà no say
    Ngó ra ngoài chợ
    Nẫu bán trạnh cày
    Roi mây, lưỡi cuốc
    Nẫu bày nghinh ngang
    Ngó ra ngoài chợ
    Nẫu bán sàn sàn
    Khoai lang, bắp đỗ
    Ðục, chàng, kéo, dao
    Xem ra chẳng sót hàng nào
    Quảng Nam, Quảng Ngãi cũng vào đây mua

  • Em thương nhớ ai ngơ ngẩn bên đầu cầu

    Em thương nhớ ai ngơ ngẩn bên đầu cầu
    Lược thưa biếng chải, gương tàu biếng soi
    Cái sập đá hoa bỏ vắng em không ngồi
    Vườn hoa bỏ vắng mặc người quay tơ
    Em thương nhớ ai ra ngẩn vào ngơ
    Đêm quên giấc ngủ ngày mơ trận cười
    Bấy lâu nay gần bến, xa vời

    Dị bản

    • Cô thương nhớ ai ngơ ngẩn đầu cầu
      Lược thưa biếng chải, gương tàu biếng soi
      Sập đá hoa bỏ vắng chẳng ai ngồi
      Buồng hương bỏ vắng cho người quay tơ
      Cô thương nhớ ai ra ngẩn vào ngơ
      Đêm quên giấc ngủ ngày mơ trận cười
      Đêm năm canh, ngày sáu khắc chàng ôi!
      Chàng cười nửa miệng, thiếp tôi vui nửa lòng.

  • Tài trai đâu đáng tài trai

    Tài trai đâu đáng tài trai
    Tổ tôm xóc đĩa dông dài cả đêm
    Canh trước tướng hãy còn tiền
    Canh sau thua hết, ngồi bên lọ hồ
    Cái ngoảnh đi, đưa tay thò
    Cái ngoảnh lại, giả đò chén say
    Còn tiền đánh cái cũng hay
    Hết tiền đi ngủ, cũng hay giật mình
    Tưởng sự tình, bạc nầy hai sấp
    Chẳng ai ngờ, nó lại sấp ba

  • Ai bì anh có tiền bồ

    Ai bì anh có tiền bồ,
    Anh đi anh lấy sáu cô một lần.
    Cô Hai buôn tảo bán tần,
    Cô Ba đòi nợ chỗ gần chỗ xa,
    Cô Tư dọn dẹp trong nhà,
    Cô Năm sắc thuốc, mẹ già cô trông.
    Cô Sáu trải chiếu giăng mùng,
    Một mình cô Bảy nằm chung với chồng.

  • Hôm qua anh đến chơi nhà

    Hôm qua anh đến chơi nhà,
    Thấy mẹ nằm võng, thấy cha nằm giường.
    Thấy em nằm đất anh thương,
    Anh ra Kẻ Chợ đóng giường tám thang.
    Bốn góc thời anh bịt vàng,
    Bốn chân bịt bạc, tám thang chạm rồng.
    Bây giờ phải bỏ giường không,
    Em đi lấy chồng phí cả công anh.

  • Bạn hẹn với ta mồng bốn tháng giêng

    – Bạn hẹn với ta mùng bốn tháng giêng
    Trông hoài không thấy bạn hiền vãng lai
    Bạn hẹn với ta mùng bốn tháng hai
    Tiết xuân con én đưa thoi đã rồi
    Tháng ba, tháng tư ta không thấy bạn thời thôi
    Chim kêu thỏ thẻ trước nơi sân hòe
    Tháng năm, tháng sáu ta chẳng thấy nhắn nhe
    Chim kêu nhỏ nhẻ, mùa hè sang thu
    Chim kêu, vượn hú, cu gù
    Cây khô lá rụng, mịt mù tang thương
    Tháng bảy, tháng tám, tháng chín mưa trường
    Đến khi ta nhắn gửi, hết lời ta lại qua
    Tháng mười, tháng mười một, nước chảy mưa sa
    Đương khi tiết lạnh bạn với ta xa vời
    Còn mình tháng chạp bạn ơi
    Niên tàn nguyệt tận, bạn phải tính cho rồi mưu chi?
    Về nhà ngửa bàn tay tính lại đính đi
    Tháng thời mười hai tháng, mùa y bốn mùa
    Chuỗi sầu ai khéo thêu thùa
    Đớn đau dạ ngọc, xót chua gan vàng!

  • Cầu Tràng Tiền sáu vài, mười hai nhịp

    Cầu Tràng Tiền sáu vài, mười hai nhịp
    Anh qua không kịp, tội lắm, em ơi !
    Nghĩa tào khang ai mà vội dứt
    Đêm nằm tấm tức, lụy nhỏ tuôn rơi
    Bấy lâu ni chịu tiếng mang lời
    Dẫu có xa nhau đi nữa cũng bởi ông trời mà xa

  • Canh một dọn cửa dọn nhà

    Canh một dọn cửa dọn nhà
    Canh hai dệt cửi canh ba đi nằm
    Canh tư bước sang canh năm
    Chiềng anh dậy học còn nằm làm chi
    Một mai chúa mở khoa thi
    Bảng vàng chói lọi bia đề tên anh
    Bõ công cha mẹ sắm sanh
    Tiền lưng gạo bị cho anh về trường
    Nghi vệ đóng hai bên đường
    Ngựa anh đi trước võng nàng theo sau
    Kẻ chiêng người trống đua nhau
    Tiếng khoan tiếng nhịp tiếng mau rộn ràng
    Rước vinh quy về nhà bái tổ
    Ngả trâu bò làm lễ tế thần
    Để cho bảy huyện nhân dân
    No say được đội hoàng ân từ rày

  • Em là con gái nhà quê

    Em là con gái nhà quê
    Ham bên tài sắc nhiều bề ái ân
    Chẳng ham tham phú phụ bần
    Duyên rằng duyên phải nợ nần nhau đây
    Chàng có sang, chàng phải chọn ngày
    Mối manh cho rõ xe dây xích thằng
    Cầm cân chàng nhấc cho bằng
    Một bên cối đá một đằng tiền cheo
    Hỏi chàng rằng có hay nghèo
    Lệ làng phải sửa bấy nhiêu mới từng

  • Thấy anh hay chữ, em hỏi thử đôi lời

    Thấy anh hay chữ, em hỏi thử đôi lời
    Anh nhìn lên trời thấy sao mấy cái?
    Trâu ngoài đồng đực, cái mấy con?
    Chuối non mấy bẹ, chuối mẹ mấy tàu?
    Đất Ba Xuyên một mẫu mấy sào?
    Trai anh đối đặng, em mở rào cho anh vô
    – Anh nhìn trời cao thấy sao nhiều cái
    Trâu ngoài đồng đực, cái hai con
    Chuối non sáu bẹ, chuối mẹ mười hai tàu
    Đất Ba Xuyên một mẫu bảy mươi hai sào
    Anh đà đối đặng, em mở rào cho anh vô

  • Một yêu em béo như bồ

    Một yêu em béo như bồ
    Chân tay ngắn ngủn, đít to như giành
    Hai yêu mắt toét ba vành
    Đầu đuôi khoé mắt nhử xanh bám đầy
    Ba yêu tới cặp môi dày
    Mỗi khi ăn nói bắn đầy dãi ra
    Bốn yêu bộ mặt rỗ hoa
    Lại thêm em có nước da mực Tàu
    Năm yêu mái tóc trên đầu
    Hôi như tổ cú, chấy bâu đầy đàn

  • Phú bói giò gà

    Đầu năm ra mắt mồng ba
    Cúng ông Hành Khiển cùng là Hành Binh
    Bói giò phải bói cho tinh
    Xem tường màu sắc chân hình rủi may
    Đôi giò cần để thẳng ngay
    Nhuận hồng vàng ánh năm nay chắc giàu
    No rồi chụm móng khít khao
    Đỡ cái chặt chẽ cũng giàu cũng sang
    Đỏ mà gân máu nổi loang
    Là điềm hao của tan hoang cửa nhà
    Trắng xanh bền bệt thây ma
    Ấy điềm tang chế ông bà cháu con
    Da gà tươi mượt vàng son
    Đi thi chắc đậu đi buôn chắc lời
    Khe chân gà hở tơi bời
    Tiền vô nhiều cũng phủi rồi tay không

  • Vè bài cào

    Đêm nằm ngơ ngẩn, ngẩn ngơ
    Ngồi buồn tôi đặt cái thơ bài cào
    Anh em quí vị đồng bào
    Già trẻ, lớn nhỏ, nghèo giàu đều hay
    Cờ bạc nhiều nỗi khổ gay,
    Kề vai, cọ vế: anh Hai, anh Mười…
    Tới đây chẳng thiếu chi người,
    Thuở giò chọn lựa, chần chừ chờ anh
    Dòm lên mấy cái trách trên giàn
    Té nghiêng, té ngửa thấy càng éo le

  • Lạy trời mưa xuống

    Lạy trời mưa xuống
    Lấy nước tôi uống
    Lấy ruộng tôi cày
    Lấy đầy bát cơm
    Lấy rơm đun bếp
    Lấy nếp nấu xôi
    Lấy vôi ăn trầu
    Lấy bậu về ôm
    Lấy nơm đơm cá
    Lấy rá vo gạo
    Lấy dao thái thịt
    Lấy liếp làm nhà
    Lấy hoa về cúng

  • Vè ăn hàng

    Vai mang xấp vải trong mo
    Đi chưa tới chợ đã lo ăn hàng
    Bánh in cùng những bánh bàng
    Bánh bò bông, bánh ít trần, ngon thay.
    Mít nghệ múi bằng cổ tay
    Bánh đúc chấm mật, bánh gai, bánh bèo
    Muốn ăn đừng có lo nghèo
    Tiền tui trong túi đem theo đủ dùng,
    Ăn một bụng ba mươi đồng
    Mua mấy thứ để cho chồng tui đây
    Vừa mới tới vuông đất cày
    Ngồi dưới gốc cầy lật nón ra ăn
    Làm vầy dạ cũng băn khoăn
    Vì chưng lỗ miệng muốn ăn không chừng

  • Mời chư vị giai nhân tài tử

    Mời chư vị giai nhân tài tử
    Tới đây nghe tôi thử pháo tre
    Của bán ra không phải nói khoe
    Thời thực vật sắm vừa túc dụng
    Có pháo nhiều đốt cũng vui tình
    Từ cựu thời bộc trước nhi thinh
    Có pháo mới văn minh xuân nhựt
    Dưới con cháu cũng vui cũng ức
    Trên ông bà khỏi bực khỏi phiền
    Nếu như mà cứ giữ tiếc tiền
    Lấy gì đặng minh niên hỉ hạ
    Coi như lễ Tết Tây trong dã
    Lại có ngày kỷ niệm ngoài kinh
    Pháo Điện Quang đốt tựa lôi đình
    Phí của nọ vui tình không tiếc
    Vậy nên mời… biết phải thiệt vui hung
    Luật vui xuân ai cũng nên dùng
    Có pháo mới đùng đùng là thú
    Cùng mấy người no đủ tiêu xoay
    Đều xúm lại hàng này
    Mua pháo nầy về đốt
    Vốn tôi không nói tốt
    Hay thiệt tình có một mình tôi
    Nhiều người bán xảo làm mồi
    Đốt đây khá về rồi dại dở
    Có kẻ làm kêu cũng đỡ
    Vấn nhiều tay tôi sợ không đều
    Của bán ra là biết bao nhiêu
    Một mình vấn nên kêu đều đặn
    Mười như chục tiếng kêu đúng đắn
    Đốt cả trăm cũng chẳng điếc câm
    Tiếng nổ lên chuyển động sơn lâm
    Như đại bác vang gầm trời đất
    Hễ đốt thì xác tan bay mất
    Không khi nào gió phất ngún hừng
    Của tôi làm, tôi đã biết chừng
    Xin quý chức mua đừng có ngại
    Để đốt thử vài trái
    Nghe có phải hay không
    Đang buổi chợ mua đông
    Tôi cũng trông bán đắt
    Giá pháo nầy mỗi chục mỗi cắc
    Xin bà con mua hắt tôi về
    Pháo tôi đây thiệt hết ngõ chê
    Bằng có ngại đứng xê ra cho tôi thử đốt: đùng, đùng…

  • Vè chàng Lía

    Lía ta nổi tiếng anh hào
    Sơn hà một góc thiếu nào người hay
    Bạc tiền thừa đủ một hai
    Chiêu binh mãi mã càng ngày càng đông
    Làm cho bốn biển anh hùng
    Mến danh đều tới phục tùng chân tay.
    Kẻ nào tàn ác lâu nay
    Lía sai cướp của đoạt tài chẳng dung
    Nhà giàu mấy tỉnh trong vùng
    Thảy đều kinh sợ vô cùng lo toan
    Nhất nhì những bực nhà quan
    Nghe chàng Lía doạ kinh hoàng như điên
    Nhà nào nhiều bạc dư tiền
    Mà vô ân đức, Lía bèn đoạt thâu.
    Tuy chàng ở chốn non đầu
    Nhưng mà lương thực vật nào lại không
    Lâu la ngày một tụ đông
    Vỡ rừng làm rẫy, vun trồng bắp khoai
    Mọi người trên dưới trong ngoài
    Thảy đều no đủ sớm trưa an nhàn
    Tiếng tăm về đến trào đàng
    Làm cho văn võ bàng hoàng chẳng an.
    Nam triều chúa ngự ngai vàng
    Bá quan chầu chực hai hàng tung hô
    Có quan ngự sử bày phô
    Tâu lên vua rõ lai do sự tình
    Đem việc chàng Lía chiêu binh
    Trình lên cặn kẽ phân minh mọi đàng
    Nào khi Lía phá xóm làng
    Đến khi lên núi dọc ngang thế nào
    Kể tên những bậc phú hào
    Từng bị quân Lía đoạt thâu gia tài
    Vua ngồi nghe rõ một hai,
    Đập bàn, vỗ án giận rày thét la:
    – Dè đâu có đứa gian tà
    Giết người, đoạt của thiệt là khó dung
    Truyền cho mười vạn binh hùng
    Dưới cờ đại tướng binh nhung lên đàng
    Đại quân vâng lệnh Nam hoàng
    Hành quân tức khắc thẳng đàng ruổi dong
    Gập ghềnh bao quản núi non
    Dậy trời sát khí quân bon lên rừng.

Chú thích

  1. Trang
    Đồ bằng gỗ, được đóng hoặc treo trên tường, chỗ cao ráo, trang trọng để thắp nhang, đặt bình hoa và các vật phẩm khác để thờ cúng ông bà tổ tiên.
  2. Nón bài thơ
    Loại nón nổi tiếng của xứ Huế, giữa hai lớp lá nón có lồng ép thơ, ca dao hoặc/ và hình hoa văn trang trí, chỉ thấy được khi soi ngược sáng.

    Nón bài thơ

    Nón bài thơ

  3. Tấm triệu
    Còn gọi là minh tinh, dải lụa dài trên có chữ ghi tên họ, tuổi tác, chức tước, ngày từ trần… của người chết, treo trên một chiếc đòn nhỏ có người khiêng (gọi là giá triệu), được khiêng đi trước quan tài trong đám tang.
  4. Tiên sư
    Người dựng nên một thuyết hay một nghề nghiệp (từ Hán Việt).
  5. The
    Hàng dệt bằng tơ nhỏ sợi, mặt thưa, mỏng, không bóng, thời xưa thường dùng để may áo dài hoặc khăn, màn.

    Áo dài the

    Áo dài the

  6. Đồng bạc Mexicana
    Đồng bạc của nước Cộng hòa Mexico (Republica Mexicana), do thực dân Pháp cho phép lưu hành ở nước ta từ năm 1862, tới 1906 thì chính thức cấm lưu hành trên toàn Đông Dương. Đồng bạc hình tròn, chính giữa có hình con ó biển cổ cong, nhân dân gọi là đồng bạc con cò (còn gọi là điểu ngân - đồng tiền có hình chim, hoặc đồng hoa xòe, vì mặt sau có hình chiếc nón tỏa hào quang trông như bông hoa đang xòe ra). Đồng con cò trị giá 600 đồng tiền kẽm, bằng giá với một quan tiền cổ truyền.

    Đồng bạc con cò

    Đồng bạc con cò

  7. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  8. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  9. Khố
    Một trong những loại trang phục cổ xưa nhất của nhân loại, gồm một tấm vải dài, khổ hẹp dùng để để bọc và che vùng hạ bộ bằng cách quấn tựa vào vòng thắt lưng. Trước đây nhiều vùng sử dụng, hiện tại khố vẫn còn được sử dụng hạn chế như ở vùng cao, vùng xa nơi còn lạc hậu, ngoài ra một số nước giữ gìn nó như bản sắc văn hóa khi có hội hè. Đóng khố đuôi lươn là kiểu mặc khố có thừa một đoạn buôn thõng ở phía sau cho tới khoeo chân, như cái đuôi con lươn, còn không có thì gọi là khố cộc.

    Đóng khố

    Đóng khố

  10. Võng giá
    Vua quan ngày xưa thường đi bằng võng và xe (giá) do lính khiêng.

    Quan đi võng thời nhà Nguyễn

    Quan đi võng thời nhà Nguyễn

  11. Chợ Gò Chàm
    Tên một phiên chợ ở Bình Định. Trước đây chợ ở cách thị trấn Bình Định khoảng hai cây số về phía Bắc. Vùng này có tên là xứ Lam Kiều vì trồng nhiều cây chàm để nhuộm vải, vì vậy chợ có tên chữ là Lam Kiều thị. Đúng ra phải gọi là chợ Cầu Chàm, nhưng dân chúng lại quen gọi là chợ Gò Chàm. Bởi đó, có người còn cho rằng chợ được lập trên vùng đất gò có nhiều mồ mả người Chàm. Năm 1940, chợ Gò Chàm dời vào khu đất phía đông bắc bên ngoài thành Bình Ðịnh, sát với khu phố của thị trấn và đổi tên là chợ Bình Ðịnh, hay chợ Thành, nhưng dân chúng vẫn quen gọi tên cũ. Chợ mới vẫn giữ vai trò lớn nhất tỉnh, nhóm chợ mỗi ngày và mỗi tháng có sáu phiên vào các ngày mồng 3, 8, 13, 18, 23, 28. Ngoài ra, xưa nay vẫn giữ lệ phiên chợ 23, 28 tháng chạp âm lịch nhóm suốt ngày đêm và đông hơn các phiên chợ khác trong năm.

    Chợ Bình Định ngày nay

    Chợ Bình Định ngày nay

  12. Bánh đúc
    Bánh nấu bằng bột gạo tẻ hoặc bột ngô quấy với nước vôi trong, khi chín đổ ra cho đông thành tảng, thường được ăn kèm với mắm tôm. Bánh đúc là món quà quen thuộc của làng quê.

    Bánh đúc Hà Nội

    Bánh đúc Hà Nội

  13. Bánh xèo
    Một loại bánh làm bằng bột, bên trong có nhân là tôm, thịt, giá, đúc hình tròn. Tùy theo mỗi vùng mà cách chế biến và thưởng thức bánh xèo có khác nhau. Ở Huế, món ăn này thường được gọi là bánh khoái và thường kèm với thịt nướng, nước chấm là nước lèo gồm tương, gan, đậu phộng. Ở miền Nam, bánh có cho thêm trứng, chấm nước mắm chua ngọt. Ở miền Bắc, nhân bánh xèo còn có thêm củ đậu thái mỏng hoặc khoai môn thái sợi. Các loại rau ăn kèm với bánh xèo rất đa dạng gồm rau diếp, cải xanh, diếp cá, tía tô, rau húng, lá quế, lá cơm nguội non...

    Bánh xèo

    Bánh xèo

  14. Bánh khô
    Còn gọi là bánh khô mè, hoặc bánh khô khổ, là một loại bánh miền Trung, làm từ bột gạo nếp, đường và mè.

    Bánh khô mè Cẩm Lệ - Quảng Nam

    Bánh khô mè Cẩm Lệ - Quảng Nam

  15. Bánh nổ
    Một loại bánh đặc sản của miền Trung. Bánh làm bằng gạo nếp rang cho nổ bung ra (nên có tên là bánh nổ), trộn với nước đường nấu sôi và gừng giã nhỏ, cho vào khuôn hình chữ nhật. Bánh ăn có vị ngọt của đường, bùi của nếp và cay của gừng.

    Bánh nổ

    Bánh nổ

  16. Bánh bèo
    Một món bánh rất phổ biến ở miền Trung và miền Nam. Bánh làm từ bột gạo, có nhân phía trên mặt bánh làm bằng tôm xay nhuyễn. Nước chấm bánh bèo làm từ nước mắm, và thường đổ trực tiếp vào bánh chứ không cần chấm. Thành phần phụ của bánh bèo thường là mỡ hành, đậu phộng rang giã nhỏ. Tuỳ theo địa phương, có những cách thêm bớt khác nhau cho món bánh này, ví dụ ở Sài Gòn thường bỏ đậu xanh, đồ chua, lại cho ăn kèm bánh đúc, bánh ít, bánh bột lọc...

    Bánh bèo

    Bánh bèo

  17. Cá chép
    Tên Hán Việt là lí ngư, một loại cá nước ngọt rất phổ biến ở nước ta. Ngoài giá trị thực phẩm, cá chép còn được nhắc đến trong sự tích "cá chép vượt vũ môn hóa rồng" của văn hóa dân gian, đồng thời tượng trưng cho sức khỏe, tài lộc, công danh.

    Ở một số địa phương miền Trung, cá chép còn gọi là cá gáy.

    Cá chép

    Cá chép

  18. Cá thu
    Loại cá biển, thân dài, thon, không có hoặc có rất ít vảy. Từ cá thu chế biến ra được nhiều món ăn ngon.

    Cá thu

    Cá thu

  19. Cá ngừ
    Một loài cá biển đặc biệt thơm ngon, mắt rất bổ, được chế biến thành nhiều loại món ăn ngon và hiện nay là nguồn hàng xuất khẩu có giá trị. Nghề câu cá ngừ đại dương tại Việt Nam ra đời năm 1994, nhờ công sức phát hiện ra phương pháp câu của ngư dân Phú Yên. Sau đó nghề này dần lan rộng, trở thành thế mạnh của ngư dân duyên hải Nam Trung Bộ như Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa...

    Cá ngừ

    Cá ngừ

  20. Cá nục
    Một loại cá biển, có rất nhiều ở các vùng biển miền Trung. Cá nục được dùng làm nguyên liệu chính cho nhiều món ăn ngon như cá nục sốt cà, cá nục kho, cá nục hấp cuốn bánh tráng...

    Cá nục

    Cá nục

  21. Cá ngừ chù
    Gọi tắt là cá chù, một loại cá thuộc họ cá ngừ, có nhiều ở các vùng biển miền Trung. Tại đây cá ngừ chù được xem là “cá nhà nghèo,” món quen thuộc trong giỏ đi chợ của các bà nội trợ. Những món ăn từ cá ngừ chù có cà ngừ kho dưa gang, cá ngừ rim cà chua, cá ngừ hấp...

    Cá ngừ chù

    Cá ngừ chù

  22. Ngó
    Nhìn, trông (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  23. Nậu
    Nghĩa gốc là một nhóm nhỏ cùng làm một nghề (nên có từ "đầu nậu" nghĩa là người đứng đầu). 

Ví dụ: “Nậu nguồn” chỉ nhóm người khai thác rừng, “Nậu nại” chỉ nhóm người làm muối, “Nậu rổi” chỉ nhóm người bán cá, “Nậu rớ” chỉ nhóm người đánh cá bằng rớ vùng nước lợ, “Nậu cấy” chỉ nhóm người đi cấy mướn, “Nậu vựa” chỉ nhóm người làm mắm... Từ chữ “Nậu” ban đầu, phương ngữ Phú Yên-Bình Định tỉnh lược đại từ danh xưng ngôi thứ ba (cả số ít và số nhiều) bằng cách thay từ gốc thanh hỏi. Ví dụ: Ông ấy, bà ấy được thay bằng: “ổng,” “bả.” Anh ấy, chị ấy được thay bằng: “ảnh,” “chỉ.” 

Và thế là “Nậu” được thay bằng “Nẩu” hoặc "Nẫu" do đặc điểm không phân biệt dấu hỏi/ngã khi phát âm của người miền Trung. 

Người dân ở những vùng này cũng gọi quê mình là "Xứ Nẫu."
  24. Trạnh cày
    Cũng gọi là diệp cày, bộ phận thường bằng sắt hoặc gang, lắp tiếp trên lưỡi cày, có tác dụng nâng, tách và lật đất cày.
  25. Dùi đục
    Còn gọi là đục, dụng cụ gồm một thanh thép có chuôi cầm, đầu có lưỡi sắc, dùng để tạo những chỗ lõm hoặc những lỗ trên các vật rắn như gỗ, đá, kim loại.

    Sử dụng dùi đục

    Sử dụng dùi đục

  26. Chàng
    Dụng cụ của thợ mộc gồm một lưỡi thép dẹp hình tam giác tra vào cán, dùng để vạt gỗ (đẽo xiên).

    Dùng chàng

    Dùng chàng

  27. Quảng Nam
    Tên một tỉnh ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, trước đây bao gồm cả thành phố Đà Nẵng, gọi chung là tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Quảng Nam có nghĩa là "mở rộng về phương Nam." Tỉnh Quảng Nam giàu truyền thống, độc đáo về bản sắc văn hóa với những danh tích như thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An...

    Vẻ đẹp Hội An

    Vẻ đẹp Hội An

  28. Quảng Ngãi
    Địa danh nay là một tỉnh nằm ở duyên hải Nam Trung Bộ, nằm hai bên bờ sông Trà Khúc, được mệnh danh là vùng đất Núi Ấn Sông Trà. Quảng Ngãi là mảnh đất có bề dày lịch sử về văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Chăm Pa, đặc biệt là hệ thống thành lũy Chàm. Tại đây cũng nổi tiếng cả nước với đặc sản đường mía (đường phèn, đường phổi, mạch nha...) và tỏi ở Lý Sơn.

    Núi Ấn

    Núi Ấn sông Trà

  29. Tàu
    Cách nhân dân ta gọi nước Trung Quốc hay người Trung Quốc (người Hoa), thường có ý khinh miệt. Theo học giả An Chi, chữ này có gốc từ tào 曹 (quan lại). Bác sĩ Trần Ngọc Ninh giảng là do chữ Tào là họ cuả Ngụy Tào Tháo. Lại có tên Ba Tàu, đến nay vẫn chưa thống nhất nguồn gốc của tên này.
  30. Sập
    Loại giường không có chân riêng, nhưng các mặt chung quanh đều có diềm thường được chạm trổ. Sập thường được làm bằng gỗ quý, thời xưa chỉ nhà giàu mới có.

    Cái sập

    Cái sập

  31. Buồng hương
    Do chữ Hán hương khuê (phòng thơm), chỉ phòng riêng của người phụ nữ.
  32. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  33. Khắc
    Đơn vị tính thời gian ban ngày thời xưa. Người xưa chia ban ngày ra thành sáu khắc (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo Lý Thái Thuận, khắc một là giờ Mão/Mạo (5h-7h), khắc hai là giờ Thìn (7h-9h), khắc ba là giờ Tị (9h-11h), khắc tư là giờ Ngọ (11h-13h), khắc năm là giờ Mùi (13-15h), khắc sáu là giờ Thân (15-17h). Theo đó, giờ Dậu (17-19h) không thuộc về ngày cũng như đêm. Xem thêm chú thích Canh.
  34. Tổ tôm
    Một trò chơi bài lá phổ biến trong dân gian ngày trước (hiện chỉ thấy được chơi ở nước ta), thường chơi trong các dịp lễ, Tết. Tên gọi của trò chơi được đọc chệch ra từ chữ "tụ tam" nghĩa là hội tụ của ba lại hàng Văn, Vạn và Sách.

    Lá bài tổ tôm

    Lá bài tổ tôm

  35. Xóc đĩa
    Lối đánh bạc ăn tiền bằng cách xóc bốn đồng tiền (hoặc bốn miếng bìa có hai mặt khác nhau) trong một cái đĩa, trên có bát úp kín, ai đoán trúng có mấy đồng sấp, mấy đồng ngửa thì được. Có nơi gọi xóc đĩa là xóc dĩa, hoặc có tên khác là mở bát.

    Đồ để xóc đĩa

    Đồ để xóc đĩa

  36. Lọ hồ
    Lọ đựng tiền xâu trong một canh bạc.
  37. Cái
    Cũng gọi là nhà cái, người nắm vai chủ của một ván bài, sới bạc hoặc cuộc cá cược.
  38. Sánh bằng.
  39. Bồ
    Đồ cỡ lớn đựng thóc lúa, thường đan bằng tre.

    Bồ và cối xay thóc

    Bồ và cối xay thóc

  40. Tảo tần
    Cũng như tần tảo, chỉ người phụ nữ khéo thu vén công việc trong nhà. Tần 苹 là bèo, tảo 藻 là rong, hai thứ rau cỏ mọc dưới nước, người Trung Hoa cổ dùng vào việc cúng tế. Thơ "Thái tần" trong Kinh Thi ca ngợi người vợ biết chu toàn việc cúng tế tổ tiên, viết: "Vu dĩ thái tần, nam giản chi tân. Vu dĩ thái tảo, vu bỉ hành lạo" (Hái bèo ở đâu, bên bờ khe nam. Hái rong ở đâu, bên lạch nước kia). "Tảo tần" còn chỉ sự vất vả cực khổ.
  41. Sắc thuốc
    Sắc nghĩa là làm cho keo, đậm lại. Sắc thuốc là đun thuốc Bắc hoặc thuốc Nam với lượng nước lúc đầu khoảng ba chén, sau khi sôi thật lâu để thuốc ra hết chất và nước chỉ còn khoảng một chén, vừa uống.
  42. Có bản chép: Hôm xưa.
  43. Kẻ chợ
    Kinh đô (từ cũ). Khi dùng như danh từ riêng, Kẻ Chợ là tên gọi dân gian của kinh thành Thăng Long xưa.
  44. Thang giường
    Thanh gỗ bắc theo chiều ngang của khung giường, để kê ván hoặc chiếu nệm lên trên.
  45. Có bản chép: thếp vàng.
  46. Vãng lai
    Đi lại (từ Hán Việt).
  47. Tiết khí
    Gọi tắt là tiết, một khái niệm về thiên văn bắt nguồn từ Trung Quốc. Tiết khí là 24 điểm đặc biệt trên quỹ đạo của Trái Đất xung quanh Mặt Trời, mỗi điểm cách nhau 15°, khoảng cách kề nhau giữa hai tiết khí là 14-16 ngày. Tiết khí có mối liên quan gần gũi với các yếu tố khí hậu, thời tiết ở các nước nông nghiệp. Hiểu theo nghĩa rộng, tiết còn chỉ một khoảng thời gian, thời cuộc.

    Tiết khí

    Tiết khí

  48. Én đưa thoi
    Én bay lượn trên bầu trời như thoi trong khung cửi. Thường dùng để chỉ hoặc miêu tả mùa xuân.

    Ngày xuân con én đưa thoi
    Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi

    (Truyện Kiều)

  49. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  50. Sân hòe
    Từ chữ Hán hòe đình, nghĩa là sân có trồng cây hòe. Đời nhà Tống, Vương Hựu tự tay trồng ba cây hòe trong sân nhà và nói rằng "Con cháu ta sau này sẽ có đứa làm đến Tam công." Về sau, con của Vương Hựu là Vương Đán làm đến Tam công thật. Sân hòe vì vậy chỉ nhà có con cái đỗ đạt, song cũng dùng để chỉ nhà cha mẹ.

    Sân hòe đôi chút thơ ngây,
    Trân cam ai kẻ đỡ thay việc mình

    (Truyện Kiều)

  51. Niên tàn nguyệt tận
    Hết năm hết tháng (chữ Hán). Cũng nói là niên cùng nguyệt tận.
  52. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  53. Cầu Tràng Tiền
    Còn có tên gọi là cầu Trường Tiền, một chiếc cầu gồm sáu nhịp dầm thép thiết kế theo phong cách kiến trúc Gothic, bắc qua sông Hương, ngay trung tâm thành phố Huế. Đây là một trong những chiếc cầu thép đầu tiên được xây tại Đông Dương. Tràng Tiền hay Trường Tiền đều có nghĩa là "công trường đúc tiền" vì chiếc cầu này được xây gần công trường đúc tiền của nhà Nguyễn. Sau 30 tháng 4 năm 1975, tên gọi dân gian này trở thành tên chính thức. Trước đó, cầu còn có các tên gọi khác: cầu Đông Ba (do ở gần chợ Đông Ba), cầu Mây, cầu Mống, Thành Thái, Clémenceau, và Nguyễn Hoàng.

    Cầu Tràng Tiền

    Cầu Tràng Tiền

  54. Vài
    Từ cổ là (kèo), kết cấu nối hai nhịp giữa hai mố cầu và tựa lên các mố đó.

    Cầu Tràng Tiền có 12 vài và 6 nhịp

    Cầu Tràng Tiền có 12 vài và 6 nhịp

  55. Nhịp cầu
    Khoảng cách giữa hai trụ cầu và mố cầu liền nhau.
  56. Cấu trúc cầu Tràng Tiền thực ra có 12 vài và 6 nhịp. Trong thi ca dân gian, để hợp vần người ta hay nói thành "sáu vài, mười hai nhịp."
  57. Tao khang
    Cũng nói là tào khang hay tào khương, từ Hán Việt: tao là bã rượu, khang là cám gạo, những thứ mà người nghèo khổ thường phải ăn. Vua Hán Quang Vũ (đời Đông Hán, Trung Quốc) có ý muốn gả người chị góa chồng là Hồ Dương công chúa cho quan đại phu Tống Hoằng, nên hỏi "Ngạn vân: phú dịch thê, quý dịch giao, hữu chư?" (Ngạn ngữ có nói: giàu thì đổi vợ, sang thì đổi bạn, có chăng?). Tống Hoằng đáp "Thần văn: Bần tiện chi giao mạc khả vong, tao khang chi thê bất khả hạ đường" (Thần nghe: Bạn bè lúc nghèo hèn chớ nên quên, người vợ tấm cám chớ để ở nhà sau). Nghĩa tao khang do đó chỉ tình nghĩa vợ chồng vun đắp từ những ngày cực khổ.
  58. Lụy
    Nước mắt (phương ngữ Nam Bộ, nói trại từ lệ).
  59. Ni
    Này, nay (phương ngữ miền Trung).
  60. Có bản chép: Cũng tại ông Trời nên xa.
  61. Canh cửi
    Sợi chỉ dọc (canh hoặc kinh) trên Khung cửi">khung dệt (cửi). Chỉ công việc dệt vải, dệt lụa.

    Dệt cưởi

    Dệt cửi

  62. Chiềng
    Trình, trình bày (từ cổ).
  63. Bõ công
    Đáng công.
  64. Nghi vệ
    Nghi phục và thị vệ theo hầu quan hay vua.

    Nghi vệ một vị quan nhà Nguyễn

    Nghi vệ một vị quan nhà Nguyễn

  65. Chiêng
    Nhạc cụ bằng đồng thau, hình tròn, giữa có thể có hoặc không có núm nổi lên. Người ta đánh chiêng bằng dùi gỗ có quấn vải mềm, hoặc bằng tay. Cồng, chiêng là các nhạc cụ đặc trưng cho các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

    Đánh chiêng

    Đánh chiêng

  66. Vinh quy
    Trở về một cách vẻ vang (thường nói về người thi đỗ các khoa thi xưa kia). Từ này thường được dùng trong cụm "vinh quy bái tổ" (trở về bái lạy tổ tiên).

    Chồng tôi cưỡi ngựa vinh quy
    Hai bên có lính hầu đi dẹp đường.
    Tôi ra đón tận gốc bàng
    Chồng tôi xuống ngựa, cả làng ra xem.

    (Thời trước - Nguyễn Bính)

  67. Ngả
    Giết thịt (ngả trâu, ngả lợn...).
  68. Hoàng ân
    Ơn vua (từ Hán Việt)
  69. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  70. Ái ân
    Nguyên nghĩa là tình ái và ân huệ khắng khít với nhau. Về sau được hiểu là sự âu yếm, giao hợp của vợ chồng hay cặp tình nhân.
  71. Tham phú phụ bần
    Vì ham giàu (phú) mà phụ bạc người nghèo khó (bần).
  72. Mối manh
    Làm mối (đồng nghĩa với mai mối).
  73. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  74. Cheo
    Khoản tiền nhà trai nạp cho làng xã bên nhà gái khi làm lễ dạm hỏi theo tục lệ xưa.
  75. Ba Xuyên
    Tên một phủ dưới thời nhà Nguyễn, gồm ba tổng: Vĩnh Định, Phong Nhiêu và Phong Thạnh. Từ năm 1889, Pháp nâng phủ lên thành tỉnh, lấy tên cũ là Sóc Trăng.
  76. Mẫu
    Đơn vị đo diện tích ruộng đất, bằng 10 sào tức 3.600 mét vuông (mẫu Bắc Bộ) hay 4.970 mét vuông (mẫu Trung Bộ).
  77. Sào
    Một đơn vị đo diện tích cũ ở nước ta trước đây. Tùy theo vùng miền mà sào có kích thước khác nhau. Một sào ở Bắc Bộ là 360 m2, ở Trung Bộ là 500 m2, còn ở Nam Bộ là 1000 m2.
  78. Đà
    Đã (từ cổ, phương ngữ).
  79. Giành
    Còn gọi là trác, đồ đan bằng tre nứa hoặc mây, đáy phẳng, thành cao, thường dùng để chứa nông sản, gặp ở miền Bắc và một số tỉnh Bắc Trung Bộ.

    Cái giành

    Cái giành

  80. Ba vành
    Hiện tượng mắt bị gió cát làm cho toét, tạo thành ba vạnh.
  81. Dử
    Gỉ mắt (có nơi gọi là nhử). Miền Trung và miền Nam gọi là ghèn.
  82. Mực Tàu
    Mực đen đóng thành thỏi, dùng mài vào nước để viết thư pháp (chữ Hán và gần đây là chữ quốc ngữ) bằng bút lông, hoặc để vẽ.

    Bút và nghiên mực Tàu

    Bút và nghiên mực Tàu

  83. Hành khiển
    Tên chung của mười hai vị thần văn (gọi là Thập nhị Đại vương Hành khiển) thay mặt Ngọc Hoàng – vị vua của thiên giới - trông coi mọi việc trên thế gian, mỗi vị một năm theo chu kỳ 12 con giáp. Bắt đầu là năm Tý, năm cuối cùng là năm Hợi, hết năm Hợi lại quay trở lại với vị Đại vương hành khiển của 12 năm trước. Vào đêm giao thừa người ta làm lễ cúng tế để tiễn hành khiển cũ và đón hành khiển mới. Đọc thêm về Hành binh, Hành khiển và Pháp quan.
  84. Hành binh
    Tên chung của mười hai vị thần võ thay mặt Ngọc Hoàng trông coi mọi việc trên thế gian, mỗi vị một năm theo chu kỳ của 12 con giáp. Xem thêm: Hành khiển.
  85. Bói giò gà
    Cũng gọi là xem chân giò, một nghi thức tín ngưỡng dân gian sử dụng chân gà để đoán việc lành dữ. Xem thêm.
  86. Bài cào
    Một kiểu đánh bài bằng bài Tây (bài tú-lơ-khơ). Luật chơi rất đơn giản: mỗi người chơi được chia ba lá bài, cộng điểm lại rồi lấy chữ số cuối cùng, ai điểm cao nhất thì thắng.
  87. Đồng bào
    Cùng chung (đồng) bào thai, nghĩa hẹp dùng để chỉ anh em ruột vì cùng một mẹ sinh ra, nghĩa rộng chỉ người trong cùng một nước vì cùng một tổ tiên.
  88. Trách
    Một loại nồi đất, hơi túm miệng, đáy bầu, hông phình.
  89. Nếp
    Loại lúa cho hạt gạo hạt to và trắng, nấu chín thì trong và dẻo, thường dùng thổi xôi, làm bánh.

    Xôi nếp

    Xôi nếp

  90. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  91. Nữ nhi
    Con gái nói chung.
  92. Đồ đan bằng tre có vành (gọi là cạp), dùng để đựng gạo hoặc nông sản.

    Sàng và rá

    Sàng và rá

  93. Liếp
    Tấm mỏng đan bằng tre nứa, dùng để che chắn.

    Tấm liếp

    Tấm liếp

  94. Mo
    Phần vỏ ngoài của hoa dừa hay hoa cau. Khi hoa còn non chưa nở, mo màu xanh, hai cánh dạng thuyền úp lại che chở cho hoa bên trong. Mo tự tách ra khi hoa nở và khô dần đi khi cây đậu quả. Mo cau, mo dừa già sẽ tự rụng xuống hoặc được người trồng giật xuống khi thu hái quả. Mo cau mềm mại, dẻo dai, được dân ta sử dụng để gói giò (chả) và nhất là gói cơm nắm mang theo khi làm đồng làm rẫy. Cơm nắm mo cau là một hình ảnh quen thuộc và thân thương với người nông dân nước ta.

    Mo cau

    Mo cau

    Cơm nắm gói trong mo cau.

    Cơm nắm gói trong mo cau.

  95. Bánh in
    Một loại bánh có xuất xứ từ Huế, được làm từ bột năng, bột nếp, đậu xanh, đường, các nguyên liệu khác và được ép, đức thành khuôn mặt đáy của bánh thường khắc các hình chữ Phúc, Lộc, Thọ hoặc các hình trang trí khác và gói trong giấy bóng kính ngũ sắc. Đây là loại bánh để dùng trong ngày Tết, phục vụ việc thờ cúng và đãi khách.

    Bánh in

    Bánh in

  96. Bánh bàng
    Một loại bánh làm từ bột mì, đường, và trứng, được nướng xốp, mặt vàng, gần giống bánh ga-tô, có hình dáng giống quả bàng,

     

  97. Bánh bò
    Một loại bánh làm bằng bột gạo, nước, đường và men, một số nơi còn cho thêm dừa nạo. Có một số loại bánh bò khác nhau tùy vùng miền, ví dụ Sóc Trăng có bánh bò bông, Châu Đốc có bánh bò thốt nốt...

    Bánh bò

    Bánh bò

  98. Bánh ít
    Loại bánh dẻo làm bằng bột nếp, có mặt ở nhiều địa phương, có nơi gọi là bánh ếch hay bánh ết. Tùy theo từng vùng mà bánh ít có hình dạng và mùi vị khác nhau: hình vuông, hình tháp, hình trụ dài, gói lá chuối, lá dứa, không nhân, nhân mặn, nhân ngọt... Bánh ít là món bánh không thể thiếu trong các dịp lễ Tết, giỗ cúng.

    Bánh ít lá gai

    Bánh ít lá gai

    Bánh ít trần

    Bánh ít trần

  99. Mít nghệ
    Một loại mít có múi to, dày, ráo, độ ngọt vừa phải, màu vàng đậm, có thể ăn tươi hoặc làm mít sấy.

    Mít nghệ

    Mít nghệ

  100. Bánh ít lá gai
    Gọi tắt là bánh gai, một loại bánh ít đặc sản của miền Trung. Bánh làm từ lá gai quết nhuyễn với bột dẻo, tạo cho lớp áo ngoài của bánh có màu xanh đen đặc trưng. Nhưn (nhân) bánh thường là đậu xanh, dừa, đường, thêm chút quế và vani để tạo mùi thơm; đôi khi người ta cũng làm nhân bánh từ tôm xào với thịt, tạo ra món bánh ít mặn.

    Lá gai

    Lá gai

    Bánh ít lá gai

    Bánh ít lá gai

  101. Kơ nia
    Người Kinh gọi là cây cầy hoặc cây cốc, một loại cây gỗ cứng mọc nhiều ở các tỉnh Tây Nguyên, ngoài ra còn phân bố từ Quảng Nam đến một số tỉnh Nam Bộ cũng như các đảo Phú Quốc, Côn Đảo. Cây kơ nia có một ý nghĩa tâm linh rất lớn đối với đồng bào các dân tộc thiểu số.

    Cây kơ nia

    Cây kơ nia

  102. Tài tử giai nhân
    Người con trai có tài, người con gái có sắc. Chỉ những người tài sắc nói chung.

    Dập dìu tài tử giai nhân
    Ngựa xe như nước, áo quần như nêm

    (Truyện Kiều)

  103. Thực vật
    Đồ ăn uống, đồ dùng sinh hoạt nói chung.
  104. Túc dụng
    Đủ dùng (từ Hán Việt).
  105. Cựu thời
    Thời trước, thời xưa (từ Hán Việt).
  106. Bộc
    Phơi bày, bộc bạch (từ Hán Việt).
  107. Nhi thinh
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Nhi thinh, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  108. Xuân nhựt
    Xuân nhật, ngày xuân (từ Hán Việt).
  109. Ức
    Ham, muốn (từ cũ).
  110. Minh niên
    Năm nay (từ Hán Việt).
  111. Hỉ hạ
    Vui mừng, chung vui. Như hỉ hả, hể hả.
  112. Chốn quê mùa. Ở đây ý chỉ Bình Định.
  113. Huế
    Một địa danh ở miền Trung, nay là thành phố thủ phủ của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Là kinh đô của Việt Nam dưới triều đại phong kiến nhà Nguyễn (1802 - 1945), Huế còn được gọi là đất Thần Kinh (ghép từ hai chữ kinh đôthần bí) hoặc cố đô. Huế là một vùng đất thơ mộng, được đưa vào rất nhiều thơ văn, ca dao dân ca và các loại hình văn học nghệ thuật khác, đồng thời cũng là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa với nón Bài Thơ, nhã nhạc cung đình, ca Huế, các đền chùa, lăng tẩm, các món ẩm thực đặc sắc...

    Địa danh "Huế" được cho là bắt nguồn từ chữ "Hóa" trong Thuận Hóa, tên cũ của vùng đất bao gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương, một biểu tượng của Huế

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương, một biểu tượng của Huế

    Thành Nội, Huế

    Thành Nội

  114. Điện Quang
    Tên một hiệu pháo nổi tiếng ngày trước. Pháo Điện Quang tuy nhỏ nhưng nổ rất giòn giã, không có viên lép, xác pháo đều.

    Pháo Điện Quang

    Pháo Điện Quang

  115. Lôi đình
    Sấm sét (từ Hán Việt).
  116. Hung
    Dữ, quá (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  117. Tiêu xoay
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Tiêu xoay, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  118. Ngún hừng
    Ngún (thường nói về lửa) là cháy ngầm; hừng là cháy phừng lên, dấy lên. Ngún hứng là chập chờn không đều lửa.
  119. Hắt
    Dứt khoát (phương ngữ Trung Bộ).
  120. Đây là lời các gian hàng bán pháo Tết rao bằng cách hát theo điệu bài chòi, thường thấy ngày xưa ở chợ Gò (Tuy Phước, Bình Định). Chợ Gò ngày ấy mỗi dịp Tết lại bán pháo rất nhiều, nên còn gọi là chợ Pháo. Bài này do thi sĩ Sinh Hòa cung cấp, dẫn bởi Trần Đình Thái trong sách Ai có về Qui Nhơn (1973).
  121. Lía
    Dân gian còn gọi là chàng Lía, chú Lía, người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa nông dân chống ách thống trị của nhà Nguyễn vào thế kỉ 18 nổ ra tại Truông Mây, Bình Định. Có giả thuyết cho rằng ông tên thật là Võ Văn Doan, quê nội huyện Phù Ly (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định ngày nay), quê ngoại làng Phú Lạc, tổng Thời Hòa, huyện Tuy Viễn (nay là huyện Tây Sơn). Lía tập hợp dân nghèo nổi dậy, chọn Truông Mây (Hoài Ân, Bình Định) làm căn cứ, lấy của người giàu chia cho người nghèo. Tương truyền sau khi cuộc khởi nghĩa thất bại, ông uất ức bỏ lên núi và tự sát.
  122. Anh hào
    Anh hùng hào kiệt, người có tài năng, chí khí. Hội anh hào là dịp để anh hào gặp và thi thố lẫn nhau để lập nên những công trạng hiển hách.

    Đường đường một đấng anh hào,
    Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài.

    (Truyện Kiều)

  123. Sơn hà
    Núi sông (từ Hán Việt). Từ cũ, nghĩa rộng dùng để chỉ đất nước.

    Nam quốc sơn hà Nam Đế cư
    Tiệt nhiên phận định tại thiên thư
    Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
    Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư

    (Lý Thường Kiệt)

    Dịch thơ:

    Sông núi nước Nam vua Nam ở
    Rành rành định phận tại sách trời
    Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
    Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.

  124. Chiêu binh mãi mã
    Chiêu mộ binh lính và mua ngựa chiến (để chuẩn bị cho chiến tranh). Hiểu rộng ra là tập hợp lực lượng, vây cánh.
  125. Dung
    Biết là việc xấu, sai nhưng vẫn để tồn tại.
  126. Lâu la
    Từ chữ Hán 嘍囉, chỉ quân lính, tay chân của giặc cướp.
  127. Trào đàng
    Triều đình (cách nói cũ của Trung và Nam Bộ).

    Trạng nguyên tâu trước trào đàng,
    Thái sư trữ dưỡng tôi gian trong nhà.

    (Lục Vân Tiên - Nguyễn Đình Chiểu)

  128. Bá quan
    Từ chữ Hán Việt 百 (trăm), và quan 官 (quan lại), chỉ tất cả các quan lại trong triều đình. Cũng nói là bá quan văn võ.
  129. Ngự sử
    Tên chung của một số chức quan có nhiệm vụ giám sát từ cấp cao nhất (vua) đến các cấp quan lại.
  130. Lai do
    Nguyên do sự việc.
  131. Phú hào
    Những người giàu và có thế lực ở nông thôn thời phong kiến (từ Hán Việt).
  132. Ngờ (phương ngữ Nam Bộ).
  133. Binh nhung
    Binh 兵 (binh lính) và nhung 戎 (vũ khí, binh lính). Chỉ binh khí, quân đội, hoặc hiểu rộng ra là việc quân.
  134. Nam hoàng
    Vua nước Nam.
  135. Quản
    E ngại (từ cổ).