Tìm kiếm "tương cà"

  • Năm ngoái anh mới sang Tây

    Năm ngoái anh mới sang Tây
    Đồn rằng buôn bán năm nay phát tài
    Lòng anh muốn lấy vợ hai
    Rằng: “Nhà có thuận, nay mai nó về?
    Rồi ra một quán đôi quê
    Tôi muốn nó về làm bạn sớm hôm
    Trước là sinh tử sinh tôn
    Sau nữa thờ phụng công môn ông bà
    Trước con nhà sau ra con nó,
    Xin nhà rồi chớ có ghen tuông
    Chợ rộng thì lắm gái buôn,
    Sông rộng lắm nước trong nguồn chảy ra
    Lòng anh ăn ở thật thà
    Coi nó mười tám, coi nhà hai mươi
    Lòng anh chẳng có như người,
    Có mới nới cũ, tội trời ai mang
    Lòng anh ăn ở bằng ngang
    Nó giàu bằng mấy cũng nàng thứ hai”.
    – “Thôi thôi, tôi biết anh rồi,
    Bụng anh nông nổi giếng khơi không bằng!
    Bây giờ anh khéo khôn ngoan,
    Sau anh tư túi, tôi làm chi anh?
    Anh mà bắt chước Thúc Sinh,
    Thì anh đừng trách vợ mình Hoạn Thư”

  • Chiều chiều lại nhớ chiều chiều

    Chiều chiều lại nhớ chiều chiều
    Nhớ nồi cơm nguội, nhớ siêu nước chè
    Nhớ hồi lên ngựa xuống xe
    Nhớ bát nước chè, nhớ tộ đường non
    Cá mòi, cá nục y con
    Thịt heo y khúc lòng còn ước mơ
    Nhớ khi rau muống bò bờ
    Nhớ khi con nhện giăng tơ mới vào
    Nhớ lê, nhớ lựu, nhớ đào
    Đêm nằm tơ tưởng, chiêm bao mơ màng
    Trông đò chẳng thấy đò sang
    Cầm giằng quên gặt, nhớ đến nghĩa nàng, nàng ơi!

  • Một anh nói anh thương

    Một anh nói anh thương,
    Hai anh nói anh thương,
    Ba anh nói anh thương,
    Anh bảo em về mua một miếng đất, lập một miếng vườn
    Để trồng hành, tỉa cải, rải hột sa kê
    Bây giờ anh chê hành khô, cải úa, sa kê tàn
    Em tưởng đâu đá đã thành vàng
    Ai ngờ anh bạc nghĩa, lập đàng không xuống lên!

  • Hoa từ bi dãi nắng dầm sương

    Hoa từ bi dãi nắng dầm sương
    Hoa cam hoa quýt anh thương hoa nào
    Anh thương hoa mận hoa đào
    Còn bên hoa cúc lọt vào tay ai
    Đào kia chưa thắm đã phai
    Thoang thoảng hoa nhài mà lại thơm lâu
    Xin chàng đừng phụ hoa ngâu
    Tham vời phú quý đi cầu mẫu đơn
    Dù chàng trăm giận nghìn hờn
    Bông hoa dạ hợp đương cơn Tấn Tần

  • Trai nào bảnh bằng trai Nhơn Ái

    Trai nào bảnh bằng trai Nhơn Ái
    Đầu thì hớt chải tóc tém bảy ba
    Mặc áo bà ba khăn rằn choàng cổ
    Thấy cô em gái Ba Xuyên ngồ ngộ
    Nên muốn cùng ai thố lộ đôi lời
    Cấy cày cực lắm em ơi
    Theo anh về vườn ăn trái một đời ấm no
    – Gái Ba Xuyên tuy quê mùa dân dã
    Tóc dài bỏ xõa áo vải bà ba
    Nắng táp mưa sa mà mịn da dài tóc
    Không đẹp bằng ai nhưng vừa vóc
    Tuy quê quýt nhưng không thích trai vườn
    Trai mà dở dở ương ương
    Ngồi không hái trái hết đường tương lai

  • Em đây chính thực anh hùng

    Em đây chính thực anh hùng
    Em đi chắn lưới ở vùng Vạn Hoa
    Chắn từ Cái Rồng mà ra
    Chắn đến Xà Kẹp chắn qua Bãi Dài
    Cái Bàn chắn từ Hòn Hai
    Chắn sang Cây Khế, Cái Đài hai hôm
    Vụng Đài thấp nước bồn chồn
    Cửa Mô sóng vỗ đầu cồn lao xao
    Rồi ra ta sẽ chèo vào
    Lò Vôi chốn ấy ta vào chắn chơi
    Sau thì ta sẽ nghỉ ngơi
    Ta chèo vào phố đậu chơi mấy ngày
    Chắn quanh cái khúc sông này
    Chỗ nào thấp nước ta nay làm chuồng
    Em đây ngỏ thực anh tường
    Để anh biết thực mọi đường chắn đăng.

  • Trời tháng Mười năng mưa năng lụt

    – Trời tháng Mười năng mưa năng lụt,
    Đất năng lở năng bồi,
    Tình ta thương quân tử cựu,
    Không lẽ đi mời quân tử tân,
    Thôi em liều mình thác xuống sông Ngân,
    Thác đi lại bỏ ái ân hai chàng.
    – Ới em ơi, muốn cho đặng cả hai bên
    Em về đan tám bức phên, dựng tường buồng
    Dựng buồng thì phải dựng luôn,
    Đừng ngăn quân tử cựu, đừng buồn quân tử tân
    Tội gì em thác xuống sông Ngân
    Thác đi lại bỏ ái ân hai chàng.

  • Cha mẹ nàng đòi ba ngàn anh đi đủ chín ngàn

    Cha mẹ nàng đòi ba ngàn anh đi đủ chín ngàn
    Anh mua gấm lát đàng, mua vàng lát ngõ
    Chiếu bông, chiếu hoa trải ra sáng rõ
    Mâm sơn, bát sứ, đũa ngự, chén ngà
    Nhà ngói chín tòa phần anh liệu trăm cái
    Trai như chàng trai đà xứng rể
    Gái như nàng xứng điệu xuân nương
    Voi bốn ngà anh chầu chực bốn phương
    Họ anh đi bảy vạn, tiền anh tương chín ngàn
    Cha mẹ em thách của em đừng khoe khoang

  • Đêm qua ra đứng bờ ao

    Đêm qua ra đứng bờ ao,
    Trông cá: cá lặn; trông sao: sao mờ.
    Buồn trông con nhện chăng tơ,
    Nhện ơi, nhện hỡi, nhện chờ mối ai?
    Buồn trông chênh chếch sao Mai,
    Sao ơi, sao hỡi, nhớ ai sao mờ?
    Đêm đêm tưởng giải Ngân Hà,
    Chuôi sao Tinh Đẩu đã ba năm tròn.
    Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn,
    Tào Khê nước chảy hãy còn trơ trơ.

  • Nàng khoe tam cúc nàng cao

    Nàng khoe tam cúc nàng cao,
    Nên tôi hân hạnh được vào dự chơi.
    Ba cô ngồi ở ba nơi,
    Với tôi là bốn, đều ngồi khang trang.
    Thoạt đầu đảo đảo, trang trang,
    Bắt cái tam tịnh cái nàng gần tôi.
    Sau khi bài đã chia rồi,
    Mỗi người có tám cây bài trên tay.
    Cầm bài tôi liếc thấy ngay,
    Có hai tốt đỏ lại vầy tốt đen.
    Kế đến là đôi xe đen,
    Bộ ba tướng trắng còn kèm trên tay.
    Bài tốt tôi giục gọi ngay,
    Cô nàng gọi “một” đánh ngay sĩ điều.
    Được rồi nàng gọi tiếp “đôi,”
    Đánh đôi mã đỏ rồi ngồi đợi xem.
    Lá này tôi ra xe đen,
    Bắt đôi mã đỏ làm nàng xuýt xoa.
    Được rồi tôi mới gọi “ba,”
    Tướng sĩ tượng đỏ nàng ra bắt liền.
    Bắt rồi hạ kết tốt đen,
    Cả làng xúm lại để xem bài này.
    Trách em bé, đứng cạnh tay,
    Tánh nết nhanh nhảu, nói ngay một lời.
    Sao bác dại thế bác ơi,
    Có đôi tốt đỏ toan chui không đè.
    Không dè, làng cũng không nghe,
    Nàng đành phải chịu tôi đè tốt đen.
    Bây giờ sự đã quả nhiên,
    Nàng đành móc túi, xỉa tiền ra chung.

  • Ớ cô Hai mày ơi

    – Ớ cô Hai mày ơi!
    Ta thấy cô Hai mày bảnh lảnh bẻo lẻo,
    Ta cũng muốn tình tang tang tình.
    Đi đâu đứng đó một mình,
    Lại đây ta hỏi tiết trinh lẽ nào.
    Có thương ta, ta mới bước vào,
    Phượng loan cất cánh hòa giao ân tình.
    – Nghe lời nói đó thất kinh,
    Bông sen tàn ai nỡ cắm lộc bình bát xưa.
    Cóc mà mang guốc ai ưa,
    Đỉa đeo chân hạc, sao vừa mà mong.
    Thôi thôi, đừng tưởng đừng hòng.
    Ta đây có xấu, cũng con dòng lương gia.
    Vô duyên ở vậy tới già,
    Dại chi lấy chú, để thiên hạ mà cười chê.
    Vụng về dốt nát đủ bề,
    Suốt năm suốt tháng, giữ bề ở trai.
    – Ớ cô kia, đừng khoe sắc khoe tài,
    Tốt xinh chi đó, chê ai trai cày.
    Sử kinh ta nắm trong tay,
    Tỉ như vua Thuấn còn cày Lịch Sơn.
    Mãi Thần lúc trước khổ bần,
    Trọng Yêm, Hàn Tín ra thân khó hèn.
    – Thôi thôi, chú đừng nhắc tích vòng vo,
    Mấy ông thủa trước, ai so cho bằng.
    Chú ăn học sao không thấy đi thi,
    Ăn thì xó bếp, nằm thì chuồng trâu.
    Chạng không xứng chạng, đừng cầu uổng công.

  • Vè say rượu

    Ngôn đa ngữ thất
    Nói trật nhiều điều
    Tiền rượu chúng kêu
    Còn ngồi nói pháo
    Nhiếc rằng nói láo
    Uống chẳng biết lo
    Rượu muốn đong cho
    Tiền không chịu trả
    Say rồi bậy bạ
    Nói dọc nói ngang
    Nằm sá nằm đàng
    Té lên té xuống
    Rượu bao nhiêu cũng uống
    Uống quá mẹ hũ chìm
    Nói như bìm bìm
    Leo dây leo nhợ

  • Vè bần phú

    Thảo một bài bần phú,
    Luận đôi câu nhơn nghĩa tinh vi.
    Kẻ đắc thời đắc lễ đắc nghi
    Người thất thế, thất thi thất nghiệp.

    Cũng có kẻ cực già đời mãn kiếp,
    Cũng có người phong lưu tự bé chí già.
    Việc ấy nghĩ không ra,
    Chẳng biết tại căn hay là tại số?

    Cũng có kẻ ở phường, ở phố,
    Cũng có người sầu giả lâm bô.
    Đã khắp trong cửu quận mười đô,
    Vì hai chữ phú bần lợn lạo.

  • Nghĩ xem cái nước Nam mình

    Nghĩ xem cái nước Nam mình
    Tây sang bảo hộ tài tình đến đâu?
    Nghĩ xem tiền của ở đâu
    Đưa ra mà bắc được cầu qua sông
    Chả hay tiền của của chung
    Đưa ra mà bắc qua sông Bồ Đề
    Bắc cho thiên hạ đi về
    Những cột dây thép khác gì nhện chăng
    Tưởng rằng anh Pháp nghĩa nhân
    Nào hay lấy của dân Nam làm giàu

  • Con cua mà có hai càng

    Con cua mà có hai càng
    Đầu, tai không có bò ngang cả đời
    Con cá mà có cái đuôi
    Hai vi ve vẩy nó bơi rất tài
    Con rùa mà có cái mai
    Cái cổ thụt ngắn, thụt dài vào ra
    Con voi mà có hai ngà
    Cái vòi nó cuốn đổ nhà, đổ cây
    Con chim mà có cánh bay
    Bay cùng nam, bắc, đông, tây tỏ tường

  • Buổi mai ngủ dậy

    Buổi mai ngủ dậy
    Ra tắm bể Đông
    Đạp cây xương rồng
    Kéo lên chín khúc
    Gặp mệ bán cá úc
    Đổ máu đầu cầu
    Gặp mệ bán dầu
    Dầu trơn lầy lẫy
    Gặp mệ bán giấy
    Giấy mỏng tanh tanh
    Gặp mệ bán chanh
    Chanh chua như dấm
    Gặp mệ bán nấm
    Nấm lại một tai
    Gặp mệ bán khoai
    Khoai lọi một cổ

  • Vè kể giăng

    Mồng một cho tới mồng năm
    Giăng còn thơ ấu, tối tăm biết gì
    Mồng sáu, mồng bảy trở đi
    Đến ngày mồng tám giăng thì lên cao
    Mồng chín giăng ánh vườn đào
    Mồng mười giăng mọc đã cao hơn đầu
    Mười một sáng cả vườn dâu
    Mười hai giăng ở địa cầu trung thiên
    Mười ba giăng gió giữ duyên
    Đến ngày mười bốn giăng lên giữa trời
    Gặp giăng em hỏi em chơi
    Liệu giăng sáng cả trần đời được chăng?
    Đến rằm giăng đã lên cao
    Tới ngày mười sáu giăng treo tỏ tường
    Mười bảy giăng sẩy chiếu giường
    Mười tám dọn dẹp cương thường anh đi
    Mười chín em định em ngồi
    Hai mươi giấc tết, em thì ra trông
    Kể từ hăm mốt nửa đêm
    Giăng già thì cũng có phen bạc đầu
    Cuối tháng giăng xuống biển sâu
    Ba mươi mồng một ai cầu được giăng

  • Giữa năm Đinh Dậu mới rồi

    Giữa năm Đinh Dậu mới rồi
    Sư ông chùa Lãng là người đảm đang
    Viết tờ quyên giáo các làng
    Lãng Đông, Năng Nhượng chuyển sang Trực Tầm
    Chiều hôm còn ở Đồng Xâm
    Rạng mai Đắc Chúng, tối tầm Dục Dương
    Cùng với nghĩa sĩ bốn phương
    Phất cờ thần tướng mở đường thiên binh
    Phá dinh công sứ Thái Bình
    Sa cơ ông đã bỏ mình vì dân.

  • Vè đánh Tây

    Tượng nghe:
    Nước có nguồn, cây có gốc
    Huống chi người có da, có tóc
    Mà sao không biết chúa, biết cha?
    Huống chi người có nóc có gia
    Mà sao không biết trung biết hiếu
    Hai vai nặng trĩu
    Gánh chi bằng gánh cang thường
    Một dạ trung lương
    Gồng chi bằng gồng xã tắc
    Bớ những người tai mắt
    Thử xem loại thú cầm:
    Trâu ngựa dòng điếc câm
    Còn biết đền ơn cho nhà chủ
    Muông gà loài gáy sủa
    Còn biết đáp nghĩa lại người nuôi

  • Vè chợ Lường

    Chợ Lường họp lại vui thay
    Đàng đông lúa gạo, đàng tây tru
    Xã đã khéo lo
    Lập lều hai dãy
    Hàng sồi hàng vải
    Thì kéo lên đình
    Hàng xén xung quanh
    Hàng thịt hàng lòng ở giữa
    Ngong vô trửa chợ
    Chộ thị với hồng
    Dòm ngang xuống sông
    Chộ thuyền với lái
    Ngong sang bên phải
    Chộ những vịt gà
    Hàng nhãn, hàng na
    Hàng trầu, hàng mấu
    Hàng ngô, hàng đậu
    Hàng mít, hàng cà
    Hàng bánh, hàng quà
    Hàng chi có cả
    Rồi nào hàng cá
    Hàng bưởi, hàng bòng

Chú thích

  1. Phát tài
    (Làm ăn, buôn bán) thuận lợi, gặp nhiều may mắn, kiếm được nhiều tiền.
  2. Sinh tử sinh tôn
    Sinh con sinh cháu (từ Hán Việt tử: con, tôn: cháu).
  3. Công môn
    Cửa công (từ Hán Việt). Thường chỉ cửa quan.
  4. Tư túi
    Lấy của chung làm của riêng một cách lén lút.
  5. Thúc sinh
    Một nhân vật trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Thúc sinh có nghĩa là thư sinh họ Thúc. Thúc sinh là một thương nhân, đã có vợ là Hoạn Thư, song lại đem lòng yêu Thúy Kiều. Thúc sinh chuộc Kiều khỏi chốn lầu xanh và giấu vợ cưới Kiều làm lẽ. Hoạn Thư biết được, bắt cóc Kiều về hành hạ, Thúc sinh nhu nhược không dám làm gì, Thúy Kiều phải đến nương nhờ cửa Phật.

    Khách du bỗng có một người
    Kỳ tâm họ Thúc, cũng nòi thư hương
    Vốn người huyện Tích Châu Thường
    Theo nghiêm đường mở ngôi hàng Lâm Tri

  6. Hoạn Thư
    Một nhân vật nữ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Là vợ của Thúc Sinh, Hoạn Thư là người thông minh, sắc sảo và thể hiện sự ghen tuông ghê gớm khi biết chồng lén cưới vợ lẽ là Thúy Kiều. Ngày nay những người phụ nữ hay ghen thường được gọi là Hoạn Thư hoặc "có máu Hoạn Thư."

    Vốn dòng họ Hoạn danh gia
    Con quan Lại bộ tên là Hoạn Thư
    Duyên đằng thuận nẻo gió đưa
    Cùng chàng kết tóc xe tơ những ngày
    Ở ăn thì nết cũng hay
    Nói điều ràng buộc thì tay cũng già

  7. Siêu
    Loại ấm có tay cầm, dùng để đun nước hay sắc thuốc.
  8. Chè
    Cũng gọi là trà, tên chung của một số loại cây được trồng lấy lá nấu thành nước uống. Một loại có thân mọc cao, lá lớn và dày, có thể hái về vò nát để nấu uống tươi, gọi là chè xanh. Loại thứ hai là chè đồn điền du nhập từ phương Tây, cây thấp, lá nhỏ, thường phải ủ rồi mới nấu nước, hiện được trồng ở nhiều nơi, phổ biến nhất là Thái Nguyên và Bảo Lộc thành một ngành công nghiệp.

    Đồi chè Thái Nguyên

    Đồi chè Thái Nguyên

  9. Tộ
    Cái tô bằng đất nung, thường dùng để kho thịt, cá. Những món kho trong tộ gọi là kho tộ (thịt heo kho tộ, cá lóc kho tộ...)

    Cá kho tộ

    Cá kho tộ

  10. Đường non
    Đường được tạo thành từ mía qua một giai đoạn gọi là nấu đường. Nước ép mía được đổ vào những chảo gang, đặt trên lò lửa. Thợ lò chờ nước đường được nấu đến “độ” thì múc ra thùng gỗ, dùng chày đánh nước đường cho sánh đặc lại rồi rót vào những cái bát to làm bằng nhôm, có phết một lớp dầu phộng (để dễ gỡ đường). Một lát sau đường nguội thì gỡ ra, xếp theo cặp, cho vào những chiếc rổ to gánh về phơi cho khô. Loại đường này gọi là đường bát hay đường tán.

    Đường non là nước đường nấu chưa tới "độ." Thợ lò múc một ít đường, đổ vào bẹ chuối và nghiêng cho đường tráng đều bẹ chuối là được. Khi đường non nguội thì sánh lại và có màu vàng, dẻo, vị ngọt thanh, rất thơm ngon.

  11. Cá mòi
    Một loại cá thuộc họ cá trích, có tập tục bơi thành đàn từ biển ngược lên nguồn vào tháng giêng để đẻ trứng, vì vậy nhân dân ta thường giăng lưới bắt cá mòi ở sông vào dịp này. Cá mòi ngon nhất là trứng cá, và thường được chế biến thành các món nướng, món kho. Cá mòi có hai loại: cá mòi lửa và cá mòi he.

    Cá mòi

    Cá mòi

  12. Cá nục
    Một loại cá biển, có rất nhiều ở các vùng biển miền Trung. Cá nục được dùng làm nguyên liệu chính cho nhiều món ăn ngon như cá nục sốt cà, cá nục kho, cá nục hấp cuốn bánh tráng...

    Cá nục

    Cá nục

  13. Một loại cây cho quả ngọt, nhiều nước, thịt hơi xốp. Nước ép quả lê có thể dùng làm thạch, mứt trái cây, hoặc ủ men làm rượu. Gỗ lê là một loại gỗ tốt, được dùng làm đồ nội thất, chạm khắc... Lê là một hình ảnh mang tính ước lệ thường gặp trong ca dao tục ngữ, tượng trưng cho người con trai hoặc con gái.

    Quả lê

    Quả lê

  14. Lựu
    Một loại cây ăn quả có hoa màu đỏ tươi, thường nở vào mùa hè. Quả khi chín có màu vàng hoặc đỏ, trong có rất nhiều hạt tròn mọng, sắc hồng trắng, vị ngọt thơm. Vỏ, thân, rễ lựu còn là những vị thuốc Đông y.

    Dưới trăng quyên đã gọi hè
    Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông

    (Truyện Kiều)

    Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.

    Hoa lựu

    Hoa lựu

    Quả lựu

    Quả lựu

  15. Đào
    Loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, cũng được trồng để lấy quả hay hoa. Hoa đào nở vào mùa xuân, là biểu tượng của mùa xuân và ngày Tết ở miền Bắc. Quả đào vị ngọt hoặc chua, mùi thơm, vỏ quả phủ một lớp lông mịn. Đào xuất hiện rất nhiều trong văn học cổ Trung Quốc và các nước đồng văn. Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.

    Quả đào

    Quả đào

  16. Vằng
    Một dụng cụ dùng để gặt lúa ở miền Trung, tương tự như cái liềm, nhưng đằng sau có thêm cái móc bằng một nhánh tre nạng để móc cây lúa nằm sâu dưới nước. Từ này cũng được phát âm thành giằng ở một số địa phương.
  17. Xa kê
    Còn gọi là sa kê, cây bánh mì, loài cây thân gỗ, lá to và dày. Nhựa cây màu trắng sữa, được dùng vào việc xảm thuyền (bít các kẽ, lỗ hổng). Quả hình trứng, thực chất là tổ hợp của nhiều quả bế (quả khô), chứa nhiều tinh bột, có thể chế biến bằng cách quay, nướng, chiên hay luộc. Rễ, lá, vỏ và nhựa được dùng làm vị thuốc.

    Quả xa kê

    Quả xa kê

  18. Đá vàng
    Cũng nói là vàng đá, lấy ý từ từ Hán Việt kim thạch. Kim là kim khí để đúc chuông, đỉnh. Thạch là đá. Ngày trước, những lời vua chúa hoặc công đức của nhân vật quan trọng được khắc ghi trên bia đá hay chuông, đỉnh đồng để lưu truyền mãi mãi. Đá vàng vì thế chỉ sự chung thủy son sắt, hoặc sự lưu truyền tên tuổi mãi mãi về sau.
  19. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  20. Từ bi
    Còn gọi là cây đại bi, long não hương, mai hoa não, có lẽ vì có mùi gần giống như mùi long não. Cây thuộc loại cây bụi nhỏ, mọc hoang, thân và lá có lông mịn, lá hình trứng, hai đầu nhọn, mép lá có răng cưa, vò lá thấy thơm mùi long não. Cây từ bi là vị thuốc chữa được nhiều bệnh như cảm sốt, cúm, ra mồ hôi, đau bụng do ăn không tiêu, ho nhiều đờm, gãy xương, vết lở loét, sưng đau, mất ngủ, tâm thần kích thích, phù nề, viêm xoang...

    Cây từ bi

    Cây từ bi

  21. Mận
    Loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, hoa trắng, nở vào mùa xuân. Quả mận vị chua ngọt, có loại vỏ màu tím, xanh nhạt, vàng, hay đỏ. Các bộ phận của cây mận như quả, rễ, nhựa, lá, nhân hạt... đều có tác dụng chữa bệnh.

    Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.

    Mận tam hoa ở Bắc Hà, Lào Cai

    Mận tam hoa ở Bắc Hà, Lào Cai

  22. Nhài
    Còn gọi là lài, loại cây nhỏ có hoa màu trắng rất thơm. Nhân dân ta thường dùng hoa lài để ướp trà.

    Bông hoa nhài

    Bông hoa lài (nhài)

  23. Ngâu
    Một loài cây bụi nhỏ. Trong văn hóa người Việt, ngâu là một trong ba loài gắn liền với nghệ thuật thưởng thức trà hương của người xưa. Cây ngâu gắn liền với kiến trúc Việt cổ. Nhà dân dã thuần Việt thường có cây ngâu trước sân. Đình chùa và các công trình văn hóa tín ngưỡng của người Việt cũng luôn có bóng dáng và hương thơm của hoa ngâu. Trong kiến trúc hiện đại ở Việt Nam cũng như Đông Nam Á, ngâu được sử dụng nhiều trong cảnh quan làm cây cảnh, có thể xén cắt hình khối dễ dàng (tròn đều, vuông góc).

    Hoa và quả ngâu

    Hoa và quả ngâu

  24. Mẫu đơn
    Một loại cây sống lâu năm, cho hoa rất to, đường kính đạt tới 15-20 cm, màu đỏ, tím hoặc trắng, mùi thơm gần giống mùi thơm của hoa hồng, do vậy hay được trồng làm cảnh. Theo y học cổ truyền, bộ phận dùng làm thuốc là vỏ rễ phơi hay sấy khô, gọi là mẫu đơn bì. Mẫu đơn còn được gọi là hoa phú quý, hoa vương, thiên hương quốc sắc...

    Hoa mẫu đơn

    Hoa mẫu đơn

  25. Dạ hợp
    Còn gọi là cây hoa trứng gà, một loại cây cho hoa màu trắng, ra đơn độc ở kẽ lá, rất thơm, dùng ướp chè được. Hoa dạ hợp tượng trưng cho sự êm ấm của vợ chồng và hôn nhân hạnh phúc.

    Hoa dạ hợp

    Hoa dạ hợp

  26. Tấn Tần
    Việc hôn nhân. Thời Xuân Thu bên Trung Quốc, nước Tần và nước Tấn nhiều đời gả con cho nhau. Tấn Hiến Công gả con gái là Bá Cơ cho Tần Mục Công. Tần Mục Công lại gả con gái là Hoài Doanh cho Tấn Văn Công. Việc hôn nhân vì vậy gọi là việc Tấn Tần.

    Trộm toan kén lứa chọn đôi,
    Tấn Tần có lẽ với người phồn hoa.

    (Truyện Hoa Tiên)

  27. Nhơn Ái
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Phong Điền, tỉnh Cần Thơ.
  28. Áo bà ba
    Một loại áo phổ biến ở các địa phương miền Nam, ở miền Bắc gọi là áo cánh. Áo không có bâu (cổ áo), được xẻ ở hai bên hông, vạt áo ngắn ngang hông, có thêm hai túi to khá tiện lợi cho việc đựng những vật dụng nhỏ như thuốc rê, diêm quẹt, tiền bạc... Chính nhờ tính tiện dụng và sự thoải mái đó, chiếc áo bà ba được cả nam lẫn nữ ở đồng bằng sông Cửu Long mặc cả lúc đi làm, đi chợ, đi chơi.

    Áo bà ba cùng với khăn rằn được coi là một trong những đặc trưng văn hóa Nam Bộ, mặc dù hiện nay áo đã được "cải tiến" khá nhiều.

    Về nguồn gốc tên áo, nhà văn, nhà nghiên cứu Sơn Nam cho rằng “Bà Ba là người Mã Lai lai Trung Hoa. Chiếc áo bà ba mà người miền Nam ưa thích, vạt ngắn không bâu chính là kiểu áo của người Bà Ba” (Văn minh miệt vườn).

    Thiếu nữ Nam Bộ với áo bà ba và khăn rằn

    Thiếu nữ Nam Bộ với áo bà ba và khăn rằn

  29. Khăn rằn
    Một loại khăn đặc trưng của người Nam Bộ, thường có hai màu đen và trắng hoặc nâu và trắng. Hai màu này đan chéo nhau, tạo thành ô vuông nhỏ, trải dài khắp mặt khăn.

    Thiếu nữ Nam Bộ với áo bà ba và khăn rằn

    Thiếu nữ Nam Bộ với áo bà ba và khăn rằn

  30. Ba Xuyên
    Tên một phủ dưới thời nhà Nguyễn, gồm ba tổng: Vĩnh Định, Phong Nhiêu và Phong Thạnh. Từ năm 1889, Pháp nâng phủ lên thành tỉnh, lấy tên cũ là Sóc Trăng.
  31. Chắn đăng
    Giăng đăng ở những vịnh, vũng để đón cá theo con nước xuống.
  32. Vạn Hoa
    Vùng biển thuộc đảo Cái Bầu (Kế Bào), nay thuộc địa phận huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Tại đây cũng có bến cảng và núi cùng tên là Vạn Hoa.

    Cảng Vạn Hoa (Port-Wallut) thập niên 1920

    Cảng Vạn Hoa (Port-Wallut) thập niên 1920

  33. Cái Rồng
    Địa danh nay là thị trấn thuộc huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, đồng thời cũng là tên cảng biển ở đây.

    Cảng Cái Rồng

    Cảng Cái Rồng

  34. Xà Kẹp
    Địa danh nay thuộc xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.
  35. Bãi Dài
    Một bãi biển nằm trong khu vực vịnh Bái Tử Long, thuộc địa phận huyện đảo Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Hiện nay đây là một địa điểm du lịch rất nổi tiếng.

    Bãi Dài Vân Đồn

    Bãi Dài Vân Đồn

  36. Cái Bàn
    Tên một hòn đảo nay thuộc địa phận huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.
  37. Hòn Hai
    Tên chung của hai hòn đảo nhỏ nằm trong vịnh Bái Tử Long, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.

    Hòn Hai

    Hòn Hai

  38. Cây Khế
    Một hòn đảo nay thuộc địa phận thôn Đông Tiến, xã Đông Xá, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.
  39. Cái Đài
    Một vùng biển thuộc địa phận huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.
  40. Vụng Đài Chuối
    Một vụng biển nay thuộc địa phận xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.
  41. Cửa Mô
    Tên một vùng biển nay thuộc địa phận huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.
  42. Cồn
    Đảo nhỏ và thấp. Ở miền Trung và Nam Bộ, cồn còn được gọi là cù lao hoặc bãi giữa, là dải đất hình thành ở giữa các con sông lớn (sông cái) nhờ quá trình bồi đắp phù sa lâu năm.

    Cồn Phụng (thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang)

    Cồn Phụng (thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang)

  43. Lò Vôi
    Địa danh nay thuộc thôn Đông Thắng, xã Đông Xá, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.
  44. Quân tử
    Hình mẫu con người lí tưởng theo Nho giáo. Quân tử là người ngay thẳng, đứng đắn, công khai theo lẽ phải, trung thực và cẩn trọng.
  45. Cựu
    Cũ, xưa (từ Hán Việt).
  46. Tân
    Mới (từ Hán Việt).
  47. Thác
    Chết, mất, qua đời (từ Hán Việt).
  48. Ngân Hà
    Tên gọi của thiên hà bao gồm Trái Đất của chúng ta. Trên bầu trời đêm, Ngân Hà trông như một dải sáng trắng vắt ngang bầu trời, nên được hình tượng hóa thành một dòng sông trên thượng giới. Trong thần thoại Trung Quốc, Ngưu Lang và Chức Nữ bị sông Ngân Hà chia cách, nên sông Ngân còn tượng trưng cho sự ngăn cách lứa đôi.

    Nguồn: Rick Whitacre.

    Dải Ngân Hà. Nguồn: Rick Whitacre.

  49. Phên
    Đồ đan bằng tre, nứa, cứng và dày, dùng để che chắn. Một số vùng ở Bắc Trung Bộ gọi là phên thưng, bức thưng.

    Tấm phên

    Tấm phên

  50. Ngự
    Từ dùng để chỉ những vật hay việc thuộc về hoàng cung. Về sau hiểu rộng ra, những vật quý đôi khi cũng gọi là ngự.
  51. Xuân nương
    Người con gái trẻ trung, xinh đẹp (từ Hán Việt).
  52. Chăng tơ
    Có bản chép: giăng tơ.
  53. Sao Kim
    Hành tinh thứ hai trong hệ Mặt Trời, khi xuất hiện lúc chiều tối thì được gọi là sao Hôm, khi xuất hiện lúc sáng sớm thì được gọi là sao Mai. Người xưa lầm tưởng sao Hôm và sao Mai là hai ngôi sao riêng biệt. Trong thi ca, sao Hôm là hoán dụ của hoàng hôn, còn sao Mai là hoán dụ của bình minh.
  54. Chuôi
    Có bản chép: bóng.
  55. Bắc Đẩu
    Cũng gọi là Bắc Thần, Tinh Đẩu, hoặc Đại Hùng Tinh (sao Gấu Lớn), một mảng sao gồm bảy ngôi sao sáng có hình dạng như cái gầu múc nước, hoặc như cái bánh lái (nên lại còn có tên là sao Bánh Lái). Cạnh ngắn phía dưới của chòm sao Bắc Đẩu (xem hình dưới) nối dài sẽ gặp sao Bắc Cực nằm rất gần với hướng Bắc. Vì vậy, người xưa thường dùng chòm sao Bắc Đẩu và sao Bắc Cực để tìm hướng Bắc.

    Chòm sao Bắc Đẩu

    Cụm sao Bắc Đẩu

  56. Tào Khê
    Tức khe Tào, một dòng suối chảy trước chùa Nam Hoa (tên cũ là chùa Bảo Lâm), ngày nay thuộc quận Khúc Giang, thành phố Thiều Quan, tỉnh Quảng Đông, Trung Hoa. Tương truyền vào năm 502, một nhà sư người Ấn Độ là Trí Dược Tam Tạng đi thuyền sang Trung Hoa, khi thuyền qua Tào Khê, sư lấy tay vốc nước nếm thử, thấy thơm ngon, liền bảo: "Đầu nguồn suối ắt có nơi đất tốt." Sư liền ngược dòng đi lên nguồn, mở núi dựng chùa gọi là chùa Bảo Lâm. Về sau sư Huệ Năng, tổ đời thứ sáu của Phật Giáo Thiền Tông Trung Quốc, đến đây tu hành, thành lập phái Nam Tông. Từ đó, nói đến Tào Khê là nói đến cảnh tu hành. Nước Tào Khê tượng trưng cho dòng nước Thiền có tác dụng thanh tẩy tâm hồn, rửa sạch bụi trần.
  57. Có bản chép: Tào Khê nước chảy, lòng còn trơ trơ.
  58. Tam cúc
    Một trò chơi bài lá dân gian từng rất phổ ở miền Bắc, thường được chơi trong những khi rỗi rãi hoặc các dịp lễ tết. Bộ bài tam cúc có 32 lá với các quân tương tự như cờ tướng, chia làm hai loại là đỏ và đen. Xem thêm Cách chơi tam cúc.

    Bộ bài tam cúc

    Bộ bài tam cúc

  59. Loan
    Theo một số điển tích thì phượng hoàng là tên chung của một loại linh vật: loan là con mái, phượng là con trống. Cũng có cách giải nghĩa khác về loan, mô tả loan là một loài chim giống với phượng hoàng. Trong văn thơ cổ, loan và phụng thường được dùng để chỉ đôi vợ chồng hoặc tình cảm vợ chồng (đèn loan, phòng loan...)

    Nào người phượng chạ loan chung,
    Nào người tiếc lục tham hồng là ai

    (Truyện Kiều)

  60. Độc bình
    Đọc trại là lục bình hoặc lộc bình, một vật dụng bằng gỗ, sứ hoặc đồng, dạnh thuôn, cổ cao, dùng để cắm hoa trên bàn thờ hoặc để trang trí.

    Độc bình sứ

    Độc bình sứ

  61. Lương
    Hiền lành, tử tế (từ Hán Việt).
  62. Gia
    Nhà (từ Hán Việt).
  63. Kinh sử
    Sách vở Nho giáo nói chung. Thời xưa sách vở được phân làm bốn loại: kinh (kinh điển), sử (lịch sử), tử (lời của các nhà tư tưởng), tập (tuyển tập văn thơ).
  64. Thuấn, Nghiêu
    Vua Thuấn và vua Nghiêu, hai vị vua kế tiếp nhau trong huyền sử Trung Hoa cổ. Tương tuyền rằng đây là hai vị minh quân và thời Nghiêu Thuấn được coi là thời thái bình an lạc.
  65. Tương truyền thuở thiếu thời, trước khi được vua Nghiêu của nhà Đường Nghiêu truyền ngôi cho, ông Thuấn thường phải đi cày đất làm ruộng ở Lịch Sơn, huyện Lỗ Sơn, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc.
  66. Chu Mãi Thần
    Một nhân vật đời Hán ở Trung Quốc. Điển tích kể rằng thuở hàn vi, nhà nghèo, Mãi Thần phải đi đốn củi rừng đem bán nhưng có tính ham đọc sách, thường treo sách đầu gánh, vừa đi vừa đọc. Vợ là Thiệt Thê không chịu nổi cảnh nghèo túng, bỏ đi lấy chồng khác. Sau Mãi Thần được công thành danh toại, trên đường vinh quy thì gặp lại vợ cũ. Thiệt Thê xin tha lỗi, cho nàng trở lại làm vợ. Mãi Thần lấy bát nước đầy, đổ xuống đất, bảo nếu hốt lại đầy bát nước như trước, sẽ nhận nàng về làm vợ như xưa.

    Chèo cổ Việt Nam có vở Chu Mãi Thần ra đời vào thế kỉ 19, không rõ tác giả. Đến nay, người ta chỉ còn trích diễn một vở hài phát triển trên vở này có tên Tuần ti đào Huế.

    Vở chèo Tuần ti đào Huế.

  67. Phạm Trọng Yêm
    Một nhà chính trị, nhà văn, nhà quân sự, nhà giáo dục thời Bắc Tống, Trung Quốc. 
  68. Hàn Tín
    Một danh tướng thời nhà Hán trong lịch sử Trung Quốc, có công giúp Lưu Bang đánh bại Hạng Vũ, lập nên nhà Hán. Ông cùng với Trương LươngTiêu Hà được đời sau xưng tụng là Hán triều tam kiệt (ba vị hào kiệt nhà Hán). Sau khi thiên hạ bình định, Hán Cao Tổ Lưu Bang vì e ngại tài năng của Hàn Tín nên giáng chức ông xuống thành Hoài Âm hầu, tước quyền bính. Đến năm 196 TCN, Hàn Tín mưu phản, bị Lã Hậu giết cả ba họ.

    Trong lịch sử Trung Quốc, Hàn Tín là một trong những danh tướng được nhắc đến nhiều nhất. Nhiều điển tích, điển cố như cơm phiếu mẫu, lòn trôn giữa chợ, câu nói "Giảo thố tử, tẩu cẩu phanh; cao điểu tận, lương cung tàn..." là từ ông mà ra.

  69. Đồng chạng
    Cùng lứa, cùng tuổi (phương ngữ Nam Bộ). Chạng là cách đọc trại của trượng.
  70. Ngôn đa ngữ thất
    Trích từ sách Cảnh Hạnh Lục (Minh Tâm Bảo Giám): Ngôn đa ngữ thất giai nhân tửu, nghĩa đoạn thân sơ chỉ vị tiền (nói nhiều, nói bậy đều do rượu, dứt tình nghĩa, chia lìa thân thuộc cũng vì tiền).
  71. Nói pháo
    Nói khoác.
  72. Bìm bìm
    Một loại cây leo, hoa hình phễu, trắng hoặc tím xanh, thường mọc hoang hoặc được trồng làm cảnh ở các bờ rào.

    Bìm bìm

    Bìm bìm

  73. Thảo
    Viết ra.
  74. Nghĩa nhân
    Cũng viết nhân nghĩa, nghĩa là "lòng yêu thương người (nhân) và biết làm điều phải (nghĩa)." Hiểu rộng là đạo nghĩa sống ở đời.
  75. Đắc thời đắc lễ đắc nghi
    Được thời thì được lễ nghi (chữ Hán).
  76. Thất thế
    Mất thế lực, mất chỗ tựa. Từ chữ Hán thất 失 (mất) và thế 勢 (thế lực).
  77. Thất nghiệp
    Không có nghề nghiệp, việc làm.
  78. Mãn kiếp
    Suốt đời, cho đến tận lúc chết (thường nói về việc không hay).
  79. Phong lưu
    Ngọn gió bay (phong), dòng nước chảy (lưu). Từ này vốn nghĩa là phẩm cách, tinh thần riêng của mỗi người, hiểu rộng ra là sung sướng, vui với cảnh, không phải chịu buồn khổ.

    Cõi trần thế nhân sinh là khách cả
    Nợ phong lưu kẻ giả có người vay

    (Nợ phong lưu - Nguyễn Công Trứ)

  80. Chí
    Đến, kéo dài cho đến (từ Hán Việt).
  81. Căn
    Gốc rễ (chữ Hán). Khái niệm căn thường được gặp trong lí thuyết Phật giáo, chỉ những điều căn bản, gốc rễ của nhận thức, sự việc.

    Thiện căn ở tại lòng ta
    Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài
    (Truyện Kiều)

  82. Số kiếp
    Vận mệnh của một đời người.
  83. Lâm bô
    Có nguồn gốc từ danh từ limbo trong tiếng Bồ Đào Nha, có nghĩa là một nơi giam cầm các linh hồn hay đang ở vào một tình trạng nào đó dang dở.
  84. Cửu
    Số chín, thứ chín (từ Hán Việt)
  85. Lợn lạo
    Có thể là cách đọc trại đi của từ lộn lạo.
  86. Bảo hộ
    Giúp đỡ và che chở. Trước đây thực dân Pháp lấy danh nghĩa bảo hộ để xâm lược nước ta và nhiều nước khác.
  87. Sông Bồ Đề
    Một đoạn sông Hồng thuộc thành Thăng Long ngày trước. Đây chính là nơi 20 vạn quân Thanh của Tôn Sĩ Nghị đóng quân khi sang xâm lược nước ta vào năm 1788, trước khi bị vua Quang Trung dẫn nghĩa quân Tây Sơn tiến ra Bắc đánh cho tan tành.

    Quang Trung tiến quân ra Bắc

    Quang Trung tiến quân ra Bắc

  88. Ở đây có thể là cầu Long Biên.
  89. Có bản chép: Hai vây.
  90. Mệ
    Bà cụ già, mẹ (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  91. Cá úc
    Một loài cá da trơn, chủ yếu sống ngoài biển, một số sống trong môi trường nước lợ hay ngọt, thường thấy ở khu vực ôn đới ấm và nhiệt đới. Cá úc được chế biến thành nhiều món đặc sản Nam Bộ.

    Cá úc

    Cá úc

  92. Lọi
    Gãy lìa (phương ngữ).
  93. Cổ
    Củ (phương ngữ Trung Bộ).
  94. Giăng
    Trăng (phương ngữ Bắc Bộ).

    Lòng tôi không giăng gió
    Nhưng gặp người gió giăng

    (Khúc hát - Lưu Quang Vũ)

  95. Cương thường
    Cũng đọc là cang thường, cách nói tắt của tam cương ngũ thường, một khái niệm về đạo lí của Nho giáo trong chế độ phong kiến dành cho nam giới. Tam cương nghĩa là ba giềng mối (cương là đầu mối của lưới, nắm được cương thì các mắt lưới sẽ giương lên), gồm có quân thần (vua tôi), phụ tử (cha con), và phu phụ (chồng vợ). Ngũ thường (năm đức tính phải có) gồm: Nhân (đức khoan dung), lễ (lễ độ), nghĩa (đạo nghĩa), trí (trí tuệ) và tín (lòng thành thật).

    Trong ca dao - dân ca, đạo cang thường thường dùng để chỉ tình cảm vợ chồng.

  96. Tức năm 1897.
  97. Chùa Lãng Đông
    Tên một ngôi chùa ở thôn Lãng Đông, nay thuộc địa phận xã Trà Giang, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Chùa được xây dựng vào khoảng cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20. Tại chùa này vào năm 1897 đã nổ ra cuộc khởi nghĩa chống Pháp do trụ trì là thiền sư Thích Thanh Thụ khởi xướng.

    Tam quan chùa Lãng Đông

    Tam quan chùa Lãng Đông

  98. Quyên giáo
    Kêu gọi quyên góp về tiền của và công sức để làm những công việc liên quan đến đạo Phật.
  99. Năng Nhượng
    Tên một xã trước đây thuộc tổng Đồng Xâm, phủ Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, nay thuộc xã Trà Giang, huyện Kiến Xương.
  100. Trực Tầm
    Một xã trước đây thuộc tổng Đồng Xâm, phủ Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, nay thuộc xã Trà Giang, huyện Kiến Xương.
  101. Đồng Xâm
    Một làng nằm ở phía Bắc của huyện Kiến Xương, thuộc xã Hồng Thái, tỉnh Thái Bình. Làng có nghề chạm bạc truyền thống. Hằng năm làng tổ chức lễ hội vào các ngày 1-5 tháng 4 âm lịch.

    Chạm bạc ở Đồng Xâm

    Chạm bạc ở Đồng Xâm

  102. Đắc Chúng
    Tên một làng trước đây thuộc tổng Đồng Xâm, phủ Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, nay thuộc xã Quốc Tuấn, huyện Kiến Xương.
  103. Dục Dương
    Một làng trước đây thuộc tổng Đồng Xâm, phủ Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, nay thuộc xã Trà Giang, huyện Kiến Xương.
  104. Nghĩa sĩ
    Người anh dũng dấn thân vì việc nghĩa.
  105. Thiên binh, thần tướng
    Binh lính (của) trời, tướng (là) thần. Chỉ quân đội mạnh mẽ, anh dũng.
  106. Công sứ
    Chức danh cai trị của người Pháp trong thời kì Pháp thuộc, đứng đầu một tỉnh.
  107. Thái Bình
    Địa danh nay là một tỉnh ven biển ở đồng bằng Bắc Bộ, cách thủ đô Hà Nội khoảng 110 km. Phần đất thuộc tỉnh Thái Bình ngày nay trước đây thuộc về trấn Sơn Nam. Tới năm Thành Thái thứ hai (1890) tỉnh Thái Bình được thành lập. Tỉnh có nhiều khu du lịch và danh lam thắng cảnh nổi tiếng như bãi biển Đồng Châu, cồn Vành, chùa Keo... Các ngành nghề truyền thống như chạm bạc, làm chiếu ở đây cũng khá phát triển. Ngoài ra, Thái Bình còn được mệnh danh là Quê Lúa.

    Bãi biển Đồng Châu

    Bãi biển Đồng Châu

  108. Sa cơ
    Lâm vào tình thế rủi ro, khốn đốn.
  109. Bài vè này nói về cuộc nổi dậy chống Pháp tại chùa Lãng Đông, tỉnh Thái Bình. Tháng 11 âm lịch năm Đinh Dậu (1897), hưởng ứng phong trào Cần Vương, trụ trì chùa là nhà sư Thích Thanh Thụ đã lãnh đạo số binh sĩ lên đến trên 200 người từ các xã Trà Giang, Hồng Thái, Quốc Tuấn thuộc vùng tổng Đồng Xâm, theo bờ sông Trà Lý tiến về thị xã Thái Bình đánh thẳng vào dinh công sứ. Tuy nhiên, do lực lượng quá chênh lệch, cuộc bạo động mau chóng thất bại. Thiền sư cùng 21 nghĩa binh bị giặc Pháp bắt đưa về gò Mống chặt đầu, sau đó thủ cấp bị treo lên để thị chúng.
  110. Trung lương
    Trung chính và lương thiện.
  111. Xã tắc
    Đất nước ( là đất, tắc là một loại lúa).
  112. Chợ Lường
    Tên dân gian của chợ Đô Lương, một ngôi chợ nay thuộc địa phận huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Thời Pháp thuộc, chợ là địa điểm tập trung dân phu để đi làm đường. Đến bây giờ, chợ Lường vẫn được coi như là biểu tượng của cảnh bán buôn sầm uất, tấp nập trong vùng.
  113. Tru
    Trâu (phương ngữ một số vùng Bắc Trung Bộ).
  114. Lụa sồi
    Lụa dệt bằng tơ tằm nhưng sợi thô, nếu sợi dệt xe đôi thì gọi là sồi xe, khác với lụa tơ tằm được dệt bằng tơ tằm sợi nhỏ nên mỏng, mềm và mịn hơn.
  115. Hàng xén
    Cửa hàng tạp hóa hoặc gánh hàng chuyên bán những thứ vặt vãnh như kim, chỉ, đá lửa, giấy bút...

    Những cô hàng xén răng đen
    Cười như mùa thu tỏa nắng
    (Bên kia sông Đuống - Hoàng Cầm)

  116. Ngong
    Ngóng (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  117. Trửa
    Giữa (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  118. Chộ
    Thấy (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  119. Hồng
    Loại cây cho trái, khi chín có màu vàng cam hoặc đỏ. Tùy theo giống hồng mà quả có thể giòn hoặc mềm, ngọt hoặc còn vị chát khi chín.

    Quả hồng

    Quả hồng

  120. Mấu
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Mấu, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  121. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  122. Bòng
    Một loại quả rất giống bưởi. Ở một số tỉnh miền Trung, người ta không phân biệt bưởi và bòng. Trong ca dao hay có sự chơi chữ giữa chữ "bòng" trong "đèo bòng" và quả bòng.