Tìm kiếm "bát hương"

  • Trực nhìn đầu non hoa nở

    Trực nhìn đầu non hoa nở
    Cảm thương mụ vợ không con
    Cớ mần răng khô héo hao mòn
    Sợ e thác nhục, xương còn bọc da
    Ra đường thấy vợ người ta
    Mập mịa chắc chắn, vợ nhà khô khan
    Đêm nằm tôi thở, tôi than
    Cầu trời, khấn Phật cho nàng sinh thai
    Bất kỳ con gái, con trai
    Sanh đặng một chút hôm mai thỏa lòng
    Vợ chồng tôi cui cút một mình
    Không con có của, để dành ai ăn?
    Vừa may sinh đặng một thằng

  • Nàng khoe tam cúc nàng cao

    Nàng khoe tam cúc nàng cao,
    Nên tôi hân hạnh được vào dự chơi.
    Ba cô ngồi ở ba nơi,
    Với tôi là bốn, đều ngồi khang trang.
    Thoạt đầu đảo đảo, trang trang,
    Bắt cái tam tịnh cái nàng gần tôi.
    Sau khi bài đã chia rồi,
    Mỗi người có tám cây bài trên tay.
    Cầm bài tôi liếc thấy ngay,
    Có hai tốt đỏ lại vầy tốt đen.
    Kế đến là đôi xe đen,
    Bộ ba tướng trắng còn kèm trên tay.
    Bài tốt tôi giục gọi ngay,
    Cô nàng gọi “một” đánh ngay sĩ điều.
    Được rồi nàng gọi tiếp “đôi,”
    Đánh đôi mã đỏ rồi ngồi đợi xem.
    Lá này tôi ra xe đen,
    Bắt đôi mã đỏ làm nàng xuýt xoa.
    Được rồi tôi mới gọi “ba,”
    Tướng sĩ tượng đỏ nàng ra bắt liền.
    Bắt rồi hạ kết tốt đen,
    Cả làng xúm lại để xem bài này.
    Trách em bé, đứng cạnh tay,
    Tánh nết nhanh nhảu, nói ngay một lời.
    Sao bác dại thế bác ơi,
    Có đôi tốt đỏ toan chui không đè.
    Không dè, làng cũng không nghe,
    Nàng đành phải chịu tôi đè tốt đen.
    Bây giờ sự đã quả nhiên,
    Nàng đành móc túi, xỉa tiền ra chung.

  • Ba bà đi chợ với nhau

    Ba bà đi chợ với nhau
    Một bà đi trước kể chuyện nàng dâu
    Một bà đi sau tu tu lên khóc
    Nhà bà có phúc cưới được dâu hiền
    Nhà tôi vô duyên cưới cô dâu dại
    Việc làm thì rái, chỉ tưởng những ăn
    Hễ bảo quét sân đánh chết ba gà
    Bảo đi quét nhà, đánh chết ba chó
    Có mâm giỗ họ miếng ra miếng vào
    Rửa bát cầu ao liếm dĩa quèn quẹt

  • Một nhánh trảy, năm bảy cành mai

    – Một nhánh trảy, năm bảy cành mai
    Một nhánh mai, trăm hai nhánh thị
    Chữ văn, chữ sĩ, anh đối trọn trăm câu
    Đối rồi, anh hỏi chị em đâu?
    Nếu chị em không có, anh bắt em hầu mười năm
    – Một bụi tre sinh năm, ba bụi trảy
    Một nhánh trảy sinh năm, bảy cây viết son,
    Em có gả chị cho anh thì nhân nghĩa vẫn còn
    Em mà không gả, anh bắt giữ con trọn đời

  • Vè gái lỡ thời

    Ống tre khô người ta còn chuộng
    Bậu lỡ thời như ruộng bỏ hoang
    Ruộng bỏ hoang người ta còn cấy
    Bậu lỡ thời như giấy trôi sông
    Giấy trôi sông người ta còn vớt
    Bậu lỡ thời như ớt chín cây
    Ớt chín cây người ta còn hái
    Bậu lỡ thời như nhái lột da
    Nhái lột da người ta còn xáo
    Bậu lỡ thời như áo vá vai
    Áo vá vai người ta còn bận
    Bậu lỡ thời như rận cắn đêm
    Rận cắn đêm người ta còn bắt
    Bậu lỡ thời như giặc Hà Tiên

    Video

  • Anh thương em

    Anh thương em
    Thương quấn, thương quýt
    Bồng ra gốc mít, bồng xích gốc xoài
    Bồng ra ngoài đám sậy, bồng bậy vô mui
    Bồng lủi sau lái, bồng ngoái trước mũi
    Để em nằm xuống đây
    Kể từ em đau ban cua lưỡi trắng
    Tiếc công anh đỡ đứng bồng ngồi
    Bây giờ em vinh hiển, em bắt anh bán nồi làm chi.

  • Bài thơ thuốc lào

    Người Việt Nam phải lấy thuốc lào làm quốc tuý
    Còn thú vị nào hơn thú vị yên vân!
    Từ vua, quan, đến hạng bình dân,
    Ai là chẳng bạn thân với điếu
    Từ ông thừa, trở lên cụ thiếu,
    Đi ngoài đường, phi điếu bất thành quan.
    Ngồi công đường, vin xe trúc nghênh ngang,
    Hút mồi thuốc, óc nhà quan thêm sáng suốt.
    Nhà thi sĩ gọt câu văn cho chuốt,
    Tất phải nhờ điếu thuốc gọi hồn thơ.
    Lại những khi óc mỏi, mắt mờ,
    Nhờ điếu thuốc mới có cơ tỉnh tớm
    Dân thuyền thợ thức khuya, dậy sớm,
    Phải cần dùng điếu đóm làm vui.
    Khi nhọc nhằn lau trán đẫm mồ hôi,
    Vớ lấy điếu, kéo một hơi thời cũng khoái.
    Dân cày cấy mưa dầm, nắng dãi,
    Bạn tâm giao với cái điếu cày.
    Lúc nghỉ ngơi, ngồi dưới bóng cây,
    Rít mồi thuốc, say ngây say ngất.
    Rồi ngả lưng trên đám cỏ tươi xanh ngắt,
    Dễ thiu thiu một giấc êm đềm.
    Bạn nhà binh canh gác thâu đêm,
    Nhờ điếu thuốc mới khỏi lim dim ngủ gật.
    Nội các thức say sưa nghiện ngập,
    Ngẫm mà coi, thú nhất thuốc lào.
    Nghiện thuốc lào là cái nghiện thanh tao,
    Chẳng hại tiền của, mà chẳng hao sĩ diện.
    Chốn phòng khách, anh em khi hội kiến,
    Có thuốc lào câu chuyện mới thêm duyên.
    Khi lòng ta tư lự không yên,
    Hút mồi thuốc cũng giải phiền đôi chút.
    Nghe tiếng điếu kêu giòn, nhìn khói bay nghi ngút,
    Nỗi lo buồn theo khói vút thăng thiên.
    Cái điếu cùng ta là bạn chí hiền,
    Từ thiên cổ tơ duyên chặt kết.
    Cũng có kẻ muốn dứt tình khăng khít,
    Vùi điếu đi cho hết đa mang.
    Nhưng nỗi nhớ nhung bứt rứt tấm gan vàng,
    Chút nghĩa cũ lại đa mang chi tận tuỵ.
    Cho nên bảo điếu thuốc lào là quốc tuý,
    Thật là lời chí lý không ngoa.
    Thuốc lào, ta hút điếu ta,
    Điếu ta thọ với sơn hà muôn năm…

  • Tôi lạy ông Cầu bà Quán

    Tôi lạy ông Cầu bà Quán
    Phù hộ cho mẹ đĩ nhà tôi
    Nó ăn nó chơi
    Như con ngựa ngáp
    Việc làm thì nhác
    Lại hay nỏ mồm
    Củ từ khoai môn
    Bao nhiêu cũng chứa
    Vớt bèo thì ngứa
    Xay thóc nhức đầu
    Chăn trâu ngã nắng
    Chồng giận có mắng
    Thì lại hờn cơm
    Ra chân đống rơm
    Cắn chắt trừ bữa
    Nhà có đám giỗ
    Luộc gà quăng mề
    Thổi cơm thì khê
    Rang vừng thì cháy
    Con mắt nhấp nháy
    Ăn vụng thành thần
    Lấy giẻ chùi chân
    Lấy rơm lau bát…

    Dị bản

    • Tôi lạy ông Cầu bà Quán
      Phù hộ cho mẹ đĩ nhà tôi
      Nó ăn nó chơi
      Nó tươi nó cười
      Như con ngựa ngáp
      Làm ăn chậm chạp
      Có tí nỏ mồm
      Đi chợ bao nhiêu khoai lang củ từ cũng chứa
      Vớt bèo thì ngứa
      Xay lúa nhức đầu
      Chăn trâu ngã nắng
      Chồng giận chồng mắng
      Có tính hờn cơm
      Ra chân đống rơm
      Cắn chắt trừ bữa
      Nay lần mai lữa
      Mày giống tính ai?

  • Người sao kiệu bạc, ngai vàng

    Người sao kiệu bạc ngai vàng
    Người sao cuối chợ đầu làng kêu ca
    Người sao đệm thắm chiếu hoa
    Người sao ngồi đất lê la suốt ngày
    Người sao chăn đắp, màn quây
    Người sao trần trụi thân thây bẽ bàng
    Người sao võng giá nghênh ngang
    Người sao đầu đội vai mang nặng nề
    Người sao năm thiếp bảy thê
    Người sao côi cút sớm khuya chịu sầu
    Người sao kẻ quạt người hầu
    Người sao nắng dãi mưa dầu long đong
    Trời ơi! Trời ở bất công!

    Dị bản

    • Người thì kiệu bạc đai vàng
      Người sao đầu chợ cuối đàng kêu ca
      Người thì đệm gắm chiếu hoa
      Người sao ngồi đất lê la tối ngày
      Người thì chăn đắp, màn quây
      Người sao trần trụi khố dây bẽ bàng
      Người thì võng giá nghênh ngang
      Người sao đầu đội vai mang nặng nề
      Người thì ăn mặc phủ phê
      Người sao đói rách, ê chề tấm thân.

  • Mù u nhỏ rễ ăn lan

    Mù u nhỏ rễ ăn lan
    Sợ mình nói gạt qua đàng đấy thôi
    Phụng hoàng chấp cánh bay xuôi
    Liệu bề thương đặng, mình ơi, tôi chờ.
    Nước lên khỏi bực tràn bờ,
    Thương mình thương vậy, biết chờ đặng không?
    Đặng không tôi cũng gắng công
    Đợi cho con cá hóa rồng sẽ hay
    Gặp mình may quá là may
    Trông cho trời tối bắt tay đặng về

  • Tháng Giêng, tháng Hai, tháng Ba, tháng Bốn, tháng khốn, tháng nạn

    Tháng Giêng, tháng Hai, tháng Ba, tháng Bốn, tháng khốn, tháng nạn
    Đi vay đi dạm được một quan tiền
    Ra chợ Kẻ Diên mua con gà mái về nuôi, hắn đẻ ra mười trứng
    Một trứng: ung
    Hai trứng: ung
    Ba trứng: ung
    Bốn trứng: ung
    Năm trứng: ung
    Sáu trứng: ung
    Bảy trứng: ung
    Còn ba trứng nở ra ba con
    Con diều tha
    Con quạ bắt
    Con cắt xơi
    Chớ than phận khó ai ơi
    Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây.

  • Đạo nào cao bằng đạo can trường

    Đạo nào cao bằng đạo can trường,
    Chồng mà xa vợ đoạn trường trời ơi.
    Bấy lâu nay mình một ngả tui một nơi,
    Ngày nay gặp mặt giải vơi cơn sầu.
    Trống tam canh vội đổ trên lầu,
    Mình có chồng rồi tôi nói cơ cầu làm chi.
    Miệng thế gian ngôn dực trường phi,
    Còn lo phụ mẫu sao bất thành không ai.
    Bữa này mười một mai là mười hai,
    Mình tui ở lại với ai bây giờ?

  • Tiểu kia đến ở chùa ta

    Tiểu kia đến ở chùa ta,
    Một là giận mẹ, hai là giận thân.
    Đêm nằm mà nghĩ xa gần,
    Con người như thế đem thân ở chùa.
    Ở chùa ăn những tương chua,
    Ăn rau muống héo, ăn dưa cần già.
    Sao không nghĩ đến cửa nhà,
    Bát cơm manh áo, mẹ già ai nuôi?

  • Vè gái hư

    Ai ơi lẳng lặng mà nghe
    Người xưa để lại bài vè gái hư
    Nấu cơm bữa thiếu bữa dư
    Bữa sống bữa khét bữa như cháo bồi
    Đụng đâu cũng lết vào ngồi
    Lấm lem vạt áo như nùi giẻ lau
    Quần thì ống thấp ống cao
    Đầu bù tóc rối tào lao suốt ngày
    Ngồi lê đôi mách thật tài
    Sáng thì đôi chối chiều thì phân bua
    Tính tình quạu quọ câu mâu
    Gặp trai cọ vế ngoẹo đầu múa may
    Người thì lúc lắc lúc lay
    Hở hang mất nết nhướng mày vảnh môi

  • Vè Thanh Hóa

    Khu Bốn đẩy ra
    Khu Ba đẩy vào
    Bỏ chạy sang Lào
    Nước Lào không nhận
    Tức mình nổi giận
    Lập quốc gia riêng
    Thủ đô thiêng liêng
    Là huyện Nông Cống
    Quốc ca chính thống:
    “Dô tá dô tà”
    Nông nghiệp nước nhà:
    Trồng cây rau má
    Biển khơi lắm cá
    Mười mẻ một cân
    Nhà máy phân lân
    Một năm hai tạ
    Vang tiếng xa gần
    Nem chua toàn lá
    Còn công nghiệp hoá
    Là phá đường tàu

  • Ra vườn ngắt một cành chanh

    Ra vườn ngắt một cành chanh
    Con dao lá trúc gọt quanh tứ bề
    Đôi ta đã trót lời thề
    Con dao lá trúc để kề tóc mai
    Bây giờ chàng đã nghe ai
    Nghe trăng nghe gió, nghe ai mặc lòng
    Tưởng rằng chàng ở một lòng
    Ngờ đâu chàng lại đèo bòng đôi nơi

  • Cánh phu lò Mông Dương Cẩm Phả

    Cánh phu lò Mông Dương Cẩm Phả
    Kiếp khổ nghèo ai chả như ai
    Còi tầm chiều, tối, ban mai
    Búa rìu, đèn đất khoác vai vào lò
    Tìm cái sống hơn lo cái chết
    Sập hầm lò hết kiếp ngựa trâu
    Chui vào lò giếng sâu sâu
    Chui sang lò chợ trông nhau dặn dò
    Đã đeo cái thẻ phu lò
    Khéo chui thì thoát, khéo bò thì lên
    Khói cửa lò người đen như cháy
    Mình đầu trần nhễ nhại mồ hôi
    Đời người đến thế thì thôi
    Bát cơm mấy bát mồ hôi cho vừa
    Mong đất nước bao giờ đổi mới
    Dân Nam mình thoát khỏi cùm gông
    Hai mươi nhăm triệu tiên rồng
    Chen vai gánh vác non sông mới là.

  • Con ơi mẹ bảo câu này

    Con ơi mẹ bảo câu này,
    Học buôn học bán cho tày người ta.
    Con đừng học thói chua ngoa,
    Họ hàng ghét bỏ, người ta chê cười.
    Dù no dù đói cho tươi,
    Khoan ăn, bớt ngủ, liệu bài lo toan.
    Phòng khi đóng góp việc làng,
    Đồng tiền bát gạo lo toan cho chồng.
    Trước là đắc nghĩa cùng chồng,
    Sau là họ mạc cũng không chê cười.
    Con ơi, nhớ bấy nhiêu lời !

Chú thích

  1. Cớ mần răng
    Cớ làm sao (phương ngữ Trung Bộ).
  2. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  3. Rệt
    Rượt, đuổi bắt (phương ngữ).
  4. Liệt
    Mỏi mệt, rã rời.
  5. Nỏ
    Một loại vũ khí cổ truyền thường được dùng trong săn bắn và chiến tranh trước đây. Một chiếc nỏ đơn giản gồm một cánh nỏ nằm ngang hơi cong, đẽo từ một loại gỗ có sức đàn hồi cao, lắp vào báng nỏ có xẻ rãnh để đặt mũi tên. Trước khi bắn, cánh nỏ bị uốn cong bằng cách kéo căng và gài dây cung vào lẫy nỏ. Khi bóp cò, sức đàn hồi của cánh nỏ bắn mũi tên ra với sức đâm xuyên lớn và độ chính xác cao. Cây nỏ nổi tiếng trong lịch sử dân tộc ta với truyền thuyết nỏ thần của An Dương Vương, bắn một phát ra nhiều mũi tên đồng, đánh lui quân xâm lược. Trong kháng chiến chống Pháp, nhiều dân tộc Tây Nguyên đã dùng nỏ giết được nhiều quân địch.

    Ở một số vùng, nỏ cũng được gọi là ná (lưu ý phân biệt với cái bắn đạn sỏi).

    Bắn nỏ

    Bắn nỏ

  6. Chạc
    Dây bện bằng lạt tre, lạt nứa, ngắn và nhỏ hơn dây thừng.
  7. Tam cúc
    Một trò chơi bài lá dân gian từng rất phổ ở miền Bắc, thường được chơi trong những khi rỗi rãi hoặc các dịp lễ tết. Bộ bài tam cúc có 32 lá với các quân tương tự như cờ tướng, chia làm hai loại là đỏ và đen. Xem thêm Cách chơi tam cúc.

    Bộ bài tam cúc

    Bộ bài tam cúc

  8. Rái
    Sợ hãi, e ngại. Có chỗ đọc là dái.
  9. Trảy
    Loại cây thuộc họ tre trúc, thân thẳng, không có gai.
  10. Mai
    Còn gọi là mơ, một loại cây thân nhỏ, nhiều cành, rất phổ biến các nước Đông Á, nhất là Trung Quốc và Nhật Bản. Cây ra hoa vào cuối mùa đông, đầu mùa xuân. Hoa mai nhỏ, mỗi hoa có năm cánh, thường hoa có màu trắng, mặc dù một số giống mai có thể cho hoa màu hồng hay đỏ sẫm. Trong văn học cổ, mai thường được dùng như một hình ảnh ước lệ, đại diện cho người phụ nữ. Lưu ý, cây mai này không phải là loại mai vàng của miền Nam nước ta.

    Hoa mai

    Hoa mai

  11. Thị
    Loài cây thân gỗ, sống lâu năm, cho quả màu vàng, rất thơm, ăn được.

    Trước giờ ra về, bao giờ nó cũng bóc thị ra và hai đứa tôi cùng ăn. Ăn xong, chúng tôi không quên dán những mảnh vỏ thị lên bàn rồi ngoẹo cổ nhìn. Những mảnh vỏ thị được bóc khéo khi dán lên bàn hoặc lên tường trông giống hệt một bông hoa, có khi là hoa quì, có khi là hoa cúc đại đóa, có khi là một loài hoa không tên nào đó màu vàng.
    (Mắt biếc - Nguyễn Nhật Ánh)

    Quả thị trên cây

    Quả thị

  12. Nghĩa nhân
    Cũng viết nhân nghĩa, nghĩa là "lòng yêu thương người (nhân) và biết làm điều phải (nghĩa)." Hiểu rộng là đạo nghĩa sống ở đời.
  13. Thuyền Quan đại tướng quân
    Tên tự xưng của sư Sổ, một thủ lĩnh của phong trào kháng Pháp tỉnh Thái Bình những năm cuối thế kỉ 19, ngụ tại chùa Thuyền Quan (nay thuộc xã Thái Hà, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình). Nghĩa quân dưới sự lãnh đạo của sư Sổ thường căng ngọn cờ có chữ "Nam mô Thuyền Quan đại tướng quân," kéo đi đốt phá các cơ sở nhà thờ Thiên chúa giáo theo Pháp. Từ sau tháng 3-1890, nghĩa quân chịu nhiều tổn thất phải giải thể, sư Sổ về tu lại ở chùa và viên tịch tại đây, ngày nay vẫn còn mộ tháp của ông.
  14. Mũ ni
    Mũ có diềm che kín hai mang tai và sau gáy, sư tăng và các cụ già miền Bắc thường hay đội.

    Đội mũ ni

    Đội mũ ni

  15. Tích trượng
    Cũng gọi là thanh trượng, đức trượng hay minh trượng, một loại gậy mà các nhà sư hay dùng để đi đường hoặc khi khất thực. Đầu gậy có những vòng thiếc, khi rung phát ra tiếng.

    Tích trượng

    Tích trượng

  16. Phướn
    Cũng gọi là phiến hoặc phan, một loại cờ của nhà chùa, thường treo dọc, hình dải hẹp, phần cuối xẻ như đuôi cá.

    Phướn

    Phướn

  17. Bình Tây kiến lập vệ cơ: Thành lập đội dân quân đánh Tây.
  18. Lang Sa
    Pha Lang Sa, Phú Lang Sa, Phú Lãng Sa, hay Lang Sa đều là những cách người Việt thời trước dùng để chỉ nước Pháp, ngày nay ít dùng. Các tên gọi này đều là phiên âm của từ "France".
  19. Có bản chép: Trúc chẻ hai.
  20. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  21. Xáo
    Nấu trộn lộn nhiều đồ ăn vào một món.
  22. Bận
    Mặc (quần áo).
  23. Rận
    Loại côn trùng nhỏ, thân dẹp, không cánh, hút máu, sống kí sinh trên người và một số động vật.
  24. Chữ "đêm" trong câu này và câu sau có bản chép là "trâu."
  25. Giặc Hà Tiên
    Dưới thời Thiệu Trị nhà Nguyễn, tháng giêng năm Nhâm Dần (1842) tướng Xiêm La là Phi Nhã Chất Tri sai tướng Ô Thiệt Vương cho thủy quân tấn công Phú Quốc thăm dò, còn trên bộ, cho khoảng 5000 quân đến Sách Sô (thuộc hạt Nam Ninh, trấn Tây Thành) và 10 thuyền đến đồn Cần Thăng thám sát, kích động người Chân Lập nổi dậy ở phủ Ba Xuyên, Sóc Trăng, Thất Sơn... Qua tháng hai, chúng xua đại quân tràn qua kinh Vĩnh Tế kết hợp với quân nổi dậy đánh phá các đồn Thất Sơn, Tân Châu, An Lạc, Hồng Ngự, Thông Bình... cướp bóc, bắn giết, gây thảm cảnh tang tóc thê lương khắp biên giới. Nhất là ở Hà Tiên, chúng dùng súng lớn bắn suốt ngày đêm, gây nhiều thiệt hại cho dân thường. Dân gian gọi chúng là giặc Hà Tiên.
  26. Mui, lái, mũi
    Các bộ phận của một con thuyền.
  27. Ban cua lưỡi trắng
    Bệnh thương hàn, da nổi mẩn đỏ, lưỡi trắng.
  28. Vinh hiển
    Vẻ vang, rạng rỡ vì làm nên việc lớn, có tiếng tăm.
  29. Thuốc lào
    Theo học giả Đào Duy Anh, cây thuốc lào có lẽ từ Lào du nhập vào Việt Nam nên mới có tên gọi như thế. Sách Vân Đài loại ngữĐồng Khánh dư địa chí gọi cây thuốc lào là tương tư thảo (cỏ nhớ thương), vì người nghiện thuốc lào mà hai, ba ngày không được hút thì trong người luôn cảm thấy bứt rứt khó chịu, trong đầu luôn luôn nghĩ đến một hơi thuốc, giống như nhớ người yêu lâu ngày không gặp. Thời xưa, ngoài "miếng trầu là đầu câu chuyện," thuốc lào cũng được đem ra để mời khách. Hút thuốc lào (cũng gọi là ăn thuốc lào) cần có công cụ riêng gọi là điếu.

    Thuốc lào thường được đóng thành bánh để lưu trữ, gọi là bánh thuốc lào.

    Hút thuốc lào bằng ống điếu

    Hút thuốc lào bằng ống điếu

  30. Quốc túy
    Cái đặc sắc về tinh thần hoặc vật chất của một dân tộc.
  31. Yên vân
    Khói (yên) mây (vân).
  32. Thừa
    Một chức vụ nhỏ trong các nha phủ dưới thời phong kiến.
  33. Phi điếu bất thành quan: Không có điếu (cày) không thể thành quan.
  34. Đa mang
    Tự vương vấn vào nhiều tình cảm để rồi phải đeo đuổi, vấn vương, dằn vặt không dứt ra được.

    Thôi em chả dám đa mang nữa
    Chẳng buộc vào chân sợi chỉ hồng

    (Xuân tha hương - Nguyễn Bính)

  35. Sơn hà
    Núi sông (từ Hán Việt). Từ cũ, nghĩa rộng dùng để chỉ đất nước.

    Nam quốc sơn hà Nam Đế cư
    Tiệt nhiên phận định tại thiên thư
    Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
    Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư

    (Lý Thường Kiệt)

    Dịch thơ:

    Sông núi nước Nam vua Nam ở
    Rành rành định phận tại sách trời
    Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
    Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.

  36. Ông Cầu bà Quán
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Ông Cầu bà Quán, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  37. Nỏ mồm
    Lắm lời và lớn tiếng, thường hay cãi lại người khác.
  38. Khoai từ
    Loại khoai thuộc họ củ nâu. Ở Việt Nam, loại có gai phân bố ở Phú Quốc, loại không gai phân bố rộng rãi, ngoài ra còn có củ từ nước mọc ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Khoai từ thường dùng làm lương thực, thực phẩm và là một vị thuốc với nhiều công dụng.

    Khoai từ luộc

    Khoai từ luộc

  39. Khoai môn
    Tên một số giống khoai gặp nhiều ở nước ta, cho củ có nhiều tinh bột, ăn được. Có nhiều giống khoai môn như môn xanh, môn trắng, môn tím, môn tía, môn bạc hà, môn sáp, môn sen, môn thơm, môn trốn... mỗi loại có những công dụng khác nhau như nấu canh, nấu chè... Trước đây môn, sắn, khoai, ngô... thường được ăn độn với cơm để tiết kiệm gạo.

    Cây và củ khoai môn

    Cây và củ khoai môn

  40. Ngã nắng
    Hiện tượng kiệt sức, ra nhiều mồ hôi, thở nhanh, có thể ảnh hưởng đến tính mạng do ở lâu ngoài nắng.
  41. Hờn cơm
    Hờn dỗi, bỏ bữa ăn. Cũng gọi là dỗi cơm.
  42. Cắn chắt
    Cắn ăn hạt lúa (cho vui miệng hoặc đỡ đói).

    Về ngóng cô nàng xưa cắn chắt
    cười lia dăm hạt cốm
    giờ đã nằm sương giậu lả tầm xuân

    (Người không về - Hoàng Cầm)

  43. Khoai lang
    Một loại cây nông nghiệp với rễ củ lớn, chứa nhiều tinh bột, có vị ngọt, gọi là củ khoai lang. Nhân dân ta trồng và sử dụng khoai lang làm lương thực, tận dụng cả phần củ (rễ), thân, và lá.

    Thu hoạch khoai lang

    Thu hoạch khoai lang

  44. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  45. Khố
    Một trong những loại trang phục cổ xưa nhất của nhân loại, gồm một tấm vải dài, khổ hẹp dùng để để bọc và che vùng hạ bộ bằng cách quấn tựa vào vòng thắt lưng. Trước đây nhiều vùng sử dụng, hiện tại khố vẫn còn được sử dụng hạn chế như ở vùng cao, vùng xa nơi còn lạc hậu, ngoài ra một số nước giữ gìn nó như bản sắc văn hóa khi có hội hè. Đóng khố đuôi lươn là kiểu mặc khố có thừa một đoạn buôn thõng ở phía sau cho tới khoeo chân, như cái đuôi con lươn, còn không có thì gọi là khố cộc.

    Đóng khố

    Đóng khố

  46. Võng giá
    Vua quan ngày xưa thường đi bằng võng và xe (giá) do lính khiêng.

    Quan đi võng thời nhà Nguyễn

    Quan đi võng thời nhà Nguyễn

  47. Mù u
    Một loại cây gỗ lớn khá quen thuộc ở Trung và Nam Bộ. Cây mù u cùng họ với cây măng cụt, lớn chậm, gỗ cứng, thường mọc dọc bờ sông rạch, quả tròn, vỏ mỏng, hạt rất cứng có thể dùng để ép lấy dầu. Dầu mù u có nhiều dược tính và được dùng làm nhiều loại thuốc, ví dụ như thuốc trị bòng và chăm sóc da. Xưa kia, người dân Nam Bộ thường dùng dầu mù u như một nhiên liệu tự nhiên sẵn có và rẻ tiền để thắp đèn. Cây mù u còn cho gỗ tốt, thường được dùng để đóng ghe thuyền.

    Trái mù u

    Trái mù u

    Hoa mù u

    Hoa mù u

     

  48. Phượng hoàng
    Một loài chim trong thần thoại Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng. Trước đây, con trống được gọi là Phượng (hay phụng) còn con mái được gọi là Hoàng, nhưng ngày nay thì sự phân biệt đực, cái đã gần như không còn, và phượng hoàng được xem là giống cái, trong khi rồng được xem là giống đực. Phượng hoàng là vua của các loài chim, tượng trưng cho sự thanh cao.

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

  49. Diên Sanh
    Tên Nôm là kẻ Diên, một làng xưa thuộc xã Diên Thọ, huyện Lợi Điều, châu Thuận Hóa, nay thuộc xã Hải Thọ, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Tại đây có những địa danh như làng Diên Sanh, chợ Diên Sanh (chợ Kẻ Diên), chùa Diên Thọ, chùa Diên Bình, chùa Diên Phước, nhà thờ Diên Sanh...

    Chợ Diên Sanh ngày nay

    Chợ Diên Sanh ngày nay

  50. Cắt
    Loài chim ăn thịt hay chim săn mồi, có cánh mỏng và nhọn, cho phép chúng lao xuống bắt mồi với tốc độ rất cao.

    Chim cắt

    Chim cắt

  51. Có bản chép: Con mặt cắt xơi
  52. Ba câu cuối này có bản chép:

    Con mặt cắt lôi
    Lấy chi đâm lộc nảy chồi
    Lâu ngày cũng qua...

  53. Can trường
    Cũng đọc là can tràng, nghĩa đen là gan (can) và ruột (trường), nghĩa bóng chỉ nỗi lòng, tâm tình.

    Chút riêng chọn đá thử vàng,
    Biết đâu mà gửi can tràng vào đâu?

    (Truyện Kiều)

  54. Đoạn trường
    Đau đớn như đứt từng khúc ruột (đoạn: chặt đứt, trường: ruột). Theo Sưu thần kí, có người bắt được hai con vượn con, thường đem ra hiên đùa giỡn. Vượn mẹ ngày nào cũng đến ở trên cây gần đầu nhà, kêu thảm thiết. Ít lâu sau thì vượn mẹ chết, xác rơi xuống gốc cây. Người ta đem mổ thì thấy ruột đứt thành từng đoạn.
  55. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  56. Ăn nói cơ cầu
    Ăn nói rắc rối, phức tạp (phương ngữ Nam Bộ).
  57. Ngôn dực trường phi
    Lời nói có cánh, có thể bay xa.
  58. Phụ mẫu
    Cha mẹ (từ Hán Việt).
  59. Tiểu
    Người mới tập sự tu hành trong đạo Phật, thường tuổi còn nhỏ.
  60. Thân
    Bản thân.
  61. Dưa cần
    Một loại dưa muối (rau củ trộn muối để lên men) làm từ rau cần.
  62. Cháo bồi
    Một món cháo dân dã, nấu cùng với bột bán, bẹ môn xắt khúc, tôm tươi lột vỏ, giò heo...

    Cháo bồi

    Cháo bồi

  63. Câu mâu
    Hay quạu, hay bắt lỗi bắt phép (Đại Nam quấc âm tự vị - Huình Tịnh Paulus Của).
  64. Khu 4
    Một đơn vị hành chính - quân sự cũ ở vùng Bắc Trung Bộ, do chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đặt ra và sử dụng từ cuối năm 1945 đến đầu năm 1948, gồm có các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên.
  65. Khu 3
    Một đơn vị hành chính - quân sự cũ ở vùng đồng bằng sông Hồng, do chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đặt ra và sử dụng từ cuối năm 1945 đến đầu năm 1948, gồm có các tỉnh thành: Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Kiến An, Quảng Yên, Hải Ninh, Hải Phòng.
  66. Nông Cống
    Tên một huyện nằm ở phía Nam tỉnh Thanh Hóa, trước đây còn có tên là Tư Nông.
  67. Hò sông Mã
    Một thể loại đặc sắc của Thanh Hóa, được những người chèo đò (gọi là trai đò) hát trên sông Mã. Hò sông Mã được gọi tên theo từng chặng khác nhau từ lúc đò rời bến cho đến khi cập bến: Hò rời bến, sắng đò ngược, hò xuôi dòng, hò đường trường, hò ru ngủ, hò mắc cạn, hò niệm Phật, hò cập bến...

    Xem phóng sự Điệu hò trên một dòng sông.

  68. Rau má
    Một loại cây thân thảo ngắn ngày, thường được trồng để ăn tươi hoăc sắc lấy nước uống. Nước rau má có tác dụng giải độc, hạ huyết áp, làm mát cơ thể. Lá rau má hình thận, nhỏ bằng đồng xu.

    Rau má

  69. Nem
    Một món ăn làm từ thịt lợn, lợi dụng men của các loại lá (lá ổi, lá sung...) và thính gạo để ủ chín, có vị chua ngậy. Nem được chia làm nhiều loại như nem chua, nem thính... Nem phổ biến ở nhiều vùng, mỗi vùng đều có hương vị riêng: Vĩnh Yên, làng Ước Lễ (Hà Đông), làng Vẽ (Hà Nội), Quảng Yên (Quảng Ninh), Thanh Hóa, Đông Ba (Huế), Ninh Hòa (Khánh Hòa), Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh), Lai Vung (Đồng Tháp)...

    Nem chua

    Nem chua

  70. Dao lá trúc
    Dao sắc bén và mỏng như lá trúc.
  71. Tứ bề
    Bốn bề, xung quanh.
  72. Đèo bòng
    Mang lấy vào mình cái làm cho vương vấn, bận bịu thêm (thường nói về tình cảm yêu đương).
  73. Mông Dương
    Địa danh nay là tên một phường thuộc thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Đây là nơi có mỏ than Mông Dương, một trong những mỏ thang có trữ lượng lớn và chất lượng tốt nhất từ thời Pháp thuộc.

    Khai thác than ở mỏ Mông Dương

    Khai thác than ở mỏ Mông Dương

  74. Cẩm Phả
    Một địa danh nay là thành phố thuộc tỉnh Quảng Ninh. Tại đây từ xưa đã nổi tiếng với ngành khai thác than đá. Cẩm Phả cũng có nghề khai thác hải sản với hơn 50 km bờ biển, nhưng chủ yếu là đánh bắt gần bờ, sản lượng thấp.

    Cẩm Phả về đêm

    Cẩm Phả về đêm

  75. Còi tầm
    Còi báo bắt đầu hoặc kết thúc giờ làm việc các xưởng, mỏ, công trường, nhà máy…
  76. Đèn đất
    Loại đèn của thợ mỏ ngày trước, được thắp sáng bằng phản ứng hóa học giữa đất đèn (acétylen) và nước.

    Đèn đất

    Đèn đất

  77. Lò giếng
    Loại lò đục sâu xuống (thẳng đứng hoặc nghiêng) trong các mỏ than.
  78. Lò chợ
    Nơi nhiều thợ mỏ cùng trực tiếp khai thác than trong mỏ.
  79. Tày
    Bằng (từ cổ).
  80. Đắc nghĩa
    Trọn nghĩa.
  81. Họ mạc
    Bà con họ hàng.