Tìm kiếm "bát hương"

  • Tôi lạy vua lạy chúa trước đình

    Tôi lạy vua, lạy chúa trước đình
    Thương làng, thương nước, thương tình cho tôi
    Trời làm thất bát liên hồi
    Lấy gì trả nợ mua ngôi cho chồng
    Tôi nói ra thêm cực tấm lòng
    Được ngôi được cả cái gông, cái cùm
    Thôi thôi tôi lạy ông trùm
    Mai tôi bồng bế lên rừng kiếm ăn

  • Đôi ta bàn án giao lân

    Đôi ta bàn án giao lân
    Mặt thì thấy mặt nằm gần thì không
    Cũng vì ai kẻ đợi người trông
    Thảm sầu, muốn nhảy xuống sông trầm mình
    – Anh đừng đem dạ bất bình
    Bỏ em ở lại một mình bơ vơ

  • Biết nhau làm chi cho thiếp thương chàng nhớ

    Biết nhau làm chi cho thiếp thương chàng nhớ
    Hay như hồi xưa kia, thiếp chớ chàng đừng
    Đặt mình xuống chiếu, chiếu chẳng dính lưng
    Bưng bát cơm để xuống, cứ tưởng trông chừng ai theo

    Dị bản

    • Biết nhau chi cho thiếp thương chàng nhớ
      Hay chi hồi xưa thiếp nhớ, chàng đừng
      Điệu chung tình thảm lắm chàng ôi,
      Về nhà cơm dọn, còn ngồi khoanh tay
      Không ăn thì cha đánh mẹ rầy
      Ăn thì nước mắt nhỏ đầy bát cơm.

  • Anh lính là anh lính ơi

    Anh lính là anh lính ơi
    Em thương anh lính nắng nôi, sương hàn
    Lính vua, lính chúa, lính làng
    Ai bắt ra lính cho chàng phải đi
    Thương chàng như lá đài bi
    Ngày thì dãi nắng, đêm thì dầm mưa
    Nhớ chàng ra ngẩn vào ngơ
    Biết rằng quan cắt đến cơ độ nào?

  • Em có thương anh, anh mới dám đón ngăn

    Em có thương anh, anh mới dám đón ngăn
    Em có thương anh, anh mới dám mở khăn ăn trầu
    Thương nhau vì bởi miếng trầu
    Em trao anh bắt, tận đầu ngón tay
    Anh thương em, thương đắng thương cay
    Thương da thương diết, thương ngày rày em biết không?
    Tài gì uống rượu không nồng
    Ngậm bồ hòn không biết đắng, dạ luống trông ưu phiền?

  • Mùa đông môi xám như chì

    Mùa đông môi xám như chì
    Mùa hè dạ sậm khác gì hòn than
    Áo manh che trận gió hàn
    Đầu trần nắng lửa mưa chan dãi dầu
    Ối mẹ đâu, ối cha đâu
    Đi đâu mà bắt con hầu người ta
    Tưởng tình nghĩa mẹ, công cha
    Chưa đền chút đỉnh xót xa dạ này

  • Trên trời lác đác mưa sa

    Trên trời lác đác mưa sa
    Em đi nhổ mạ đem ra cấy đồng
    Nhổ xong đem xén, đem giồng
    Cấy thì cấy xuống lưng chừng gốc cây
    Quản chi nước lội bùn lầy
    Người ơi bưng bát cơm đầy biết không?

  • Hai người cùng họ khác tên

    Hai người cùng họ khác tên
    Mua về mới kết nhân duyên vợ chồng
    Cưới về để ở trong phòng
    Đến khi có giặc, đùng đùng kéo ra
    Chồng đi trước phá cửa phá nhà
    Vợ đi sau bắt sạch đàn bà trẻ con

    Là những cái gì?

    Lược thưa và lược dày

  • Hòn đá cheo leo

    Hòn đá cheo leo
    Con trâu trèo con trâu trượt
    Con ngựa trèo con ngựa đổ
    Anh thương em lao khổ
    Tận cổ chí kim
    Anh thương em khó kiếm, khôn tìm
    Cây kim luồn qua sợi chỉ
    Sự bất đắc dĩ phu phải lìa thê
    Nên hay không nên, anh ở em về
    Đừng giao, đừng kết, đừng thề mà vương

    Dị bản

    • Đá cheo leo, trâu trèo trâu trượt
      Ngựa trèo ngựa đổ
      Tiếc công anh lao khổ
      Tự cổ chí kim
      Mất em đi, anh khó kiếm khó tìm
      Cùng giả tỉ như cây kim mà lòn sợi chỉ
      Sao em không biết nghĩ suy
      Em ham nơi quyền quý, em không có nghĩ gì tới anh
      Hoa kia gió thổi lìa cành
      Mẹ cha ép gả, em đành chịu sao?
  • Đồng ếch đồng ác

    Đồng ếch đồng ác
    Con đã về đây
    Giường chiếu chẳng có
    Thiệt thay trăm đường
    Ban ngày ếch ở trong hang
    Đêm khuya thanh vắng xở xang ra ngoài
    Trời cho quan tướng nhà trời
    Thắt lưng bó đuốc tìm tôi làm gì
    Tìm tôi bắt bỏ vào thời
    Tôi kêu ì ộp, chẳng rời tôi ra
    Sáng rạng ngày ra
    Con dao cái thớt xách mà đem băm
    Ba thằng cầm đũa nhăm nhăm
    Thằng gắp miếng thịt, thằng nhằm miếng da
    Một thằng gắp miếng tù và
    Nó thổi phì phà, nó lại khen ngon

    Dị bản

    • Hồn ếch ta đã về đây
      Phải năm khô cạn, ta nay ở bờ
      Ở bờ những hốc cùng hang
      Chăn chiếu chẳng có trăm đường xót xa
      Lạy trời cho đến tháng ba
      Được trận mưa lớn ta ra ngồi ngoài
      Ngồi ngoài rộng rãi thảnh thơi
      Phòng khi mưa nắng ngồi ngoài kiếm ăn
      Trước kia ta vẫn tu thân
      Ta tu chẳng được thì thân ta hèn
      Ta gặp thằng bé đen đen
      Nó đứng nó nhìn nó chẳng nói chi
      Ta gặp thằng bé đen sì
      Tay thì cái giỏ tay thì cần câu
      Nó có chiếc nón đội đầu
      Khăn vuông chít tóc ra màu xinh thay
      Nó có cái quạt cầm tay
      Nó có ống nứa bỏ đầy ngóe con
      Nó có chiếc cán thon thon
      Nó có sợi chỉ sơn son mà dài
      Ếch tôi mới ngồi bờ khoai
      Nó giật một cái đã sai quai hàm
      Mẹ ơi lấy thuốc cho con
      Lấy những lá ớt cùng là xương sông
      Ếch tôi ở tận hang cùng
      Bên bè rau muống phía trong bè dừa
      Thằng Măng là chú thằng Tre
      Nó bắt tôi về làm tội lột da
      Thằng Hành cho chí thằng Hoa
      Mắm muối cho vào, ơi hỡi đắng cay!

  • Lưỡi người ta vốn không xương

    Lưỡi người ta vốn không xương
    Nên cơ đắc thất cũng thường từ đây
    Lòng người ta lúc vơi đầy
    Chớ rằng kết ngãi bao ngày nặng sâu
    Cha con còn phải xa nhau
    Vợ chồng chia ngả trước sau dứt tình
    Đất trời bao sự bất bình
    Chắc ai giữ trọn lòng thành với ai

  • Gặp mặt em lúc đêm thanh trăng tỏ

    – Gặp mặt em lúc đêm thanh trăng tỏ
    Hát hò chơi cho rõ nhân tình
    Phòng loan thục nữ một mình
    Hay là đã kết duyên tình cùng ai?
    – Vẳng nghe ai hát, lòng em bát ngát thêm phiền,
    Cô phòng còn giữ dạ thuyền quyên
    Chờ người nhơn nghĩa, em nguyền trao thân

  • Trên trời có ông sao Tua

    Trên trời có ông sao Tua
    Ở dưới hạ giới có vua trị vì
    Nghe rằng thất đức thất uy
    Cho nên giặc nổi như ri ngoài đồng
    Giặc nổi tỉnh Bắc tỉnh Đông
    Còn các tỉnh nhỏ cũng không yên rồi
    Đồn rằng mấy tỉnh Đường Ngoài
    Nó bắt theo đạo rụng rời chân tay

  • Này rìu này đục sẵn sàng

    Này rìu này đục sẵn sàng
    Này dây nảy mực, này chàng này cưa
    Mái kia ai cất nên chùa
    Đìnhnày ai dựng, nhà vua ai làm
    Quán kia ai dựng bên đàng
    Cầu này ai bắt sẵn sàng mà đi
    Gỗ này bào để làm chi
    Đóng bàn cho bậc nam nhi học hành
    Một mai gặp bước công danh
    Quan sang chức trọng, chớ khinh thợ thuyền

  • Vè nói ngược

    Nghe vẻ nghe ve
    Nghe vè nói ngược
    Nắng hạn đầy nước
    Mưa dầm khô rang
    Đám cưới đình làng
    Kì yên ngoài chợ
    Nhà giầu khất nợ
    Nhà nghèo cho vay
    Đàn bà đi cày
    Đàn ông đi cấy
    Ghe nổi thì đẩy
    Ghe cạn thì chèo
    Nuôi chuột bắt mèo
    Nuôi heo lấy trứng
    Xu xoa thì cứng
    Đá núi thì mềm
    Trời nắng về đêm
    Ban ngày sao mọc

  • Cha mẹ nàng đòi ba ngàn anh đi đủ chín ngàn

    Cha mẹ nàng đòi ba ngàn anh đi đủ chín ngàn
    Anh mua gấm lát đàng, mua vàng lát ngõ
    Chiếu bông, chiếu hoa trải ra sáng rõ
    Mâm sơn, bát sứ, đũa ngự, chén ngà
    Nhà ngói chín tòa phần anh liệu trăm cái
    Trai như chàng trai đà xứng rể
    Gái như nàng xứng điệu xuân nương
    Voi bốn ngà anh chầu chực bốn phương
    Họ anh đi bảy vạn, tiền anh tương chín ngàn
    Cha mẹ em thách của em đừng khoe khoang

Chú thích

  1. Chúa
    Chủ, vua.
  2. Ngôi
    Chức vị, cấp bậc.
  3. Giao lân
    Đi lại (giao) với hàng xóm láng giềng (lân).
  4. Đài bi
    Hay đại bi, còn có tên khác là từ bi xanh, đại ngải, bơ nạt, phặc phả (Tày), co nát (Thái), là loại cây nhỏ, toàn thân và quả có lông mềm và tinh dầu thơm. Cụm hoa hình ngù ở nách lá hay ở ngọn, gồm nhiều đầu, trong mỗi đầu có nhiều hoa màu vàng. Cây đại bi có vị cay và đắng, mùi thơm nóng, tính ấm, được dùng làm vị thuốc chữa một số bệnh ngoài da.

    Hoa đài bi

    Hoa đài bi

  5. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  6. Bồ hòn
    Cây to cùng họ với vải, nhãn, quả tròn, khi chín thì thịt quả mềm như mạch nha. Quả bồ hòn có vị rất đắng, có thể dùng để giặt thay xà phòng.

    Quả bồ hòn

    Quả bồ hòn

  7. Dạ
    Bên trong. Thường được dùng để chỉ tình cảm con người.
  8. Hàn
    Lạnh (từ Hán Việt).
  9. Bồ đề
    Còn gọi tắt là cây đề, một loại cây lớn, có ý nghĩa thiêng liêng trong quan niệm của Ấn Độ giáo, Kì Na giáo và Phật giáo. Tương truyền thái tử Tất Đạt Đa Cồ Đàm ngồi thiền định dưới một gốc cây như vậy và đạt giác ngộ, trở thành một vị Phật (Thích Ca), từ đó cây có tên bồ đề (theo âm tiếng Phạn bodhi, có nghĩa là giác ngộ, thức tỉnh).

    Cây bồ đề

    Cây bồ đề

  10. Giồng
    Trồng (phương ngữ Bắc Bộ).
  11. Lược dày
    Lược có răng nhỏ và dày dùng để chải gàu hoặc chấy (chí).

     

  12. Cỏ tranh
    Loại cỏ thân cao, sống lâu năm, có thân rễ lan dài, ăn sâu dưới đất. Lá mọc đứng, cứng, gân nổi, dáng lá hẹp dài, mép lá rất sắc, có thể cứa đứt tay. Ở nhiều vùng quê, nhân dân ta thường đánh (bện) cỏ tranh thành tấm lợp nhà. Tro của cỏ tranh có vị mặn, vì vậy thú rừng thường liếm tro cỏ tranh thay cho muối.

    Nhà dài Ê Đê lợp tranh

    Nhà dài Ê Đê lợp tranh

  13. Tôn Ngộ Không
    Một trong số các nhân vật chính trong tiểu thuyết Tây Du Ký của nhà văn Trung Quốc Ngô Thừa Ân, rất quen thuộc trong văn hóa Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc. Tôn Ngộ Không vốn là một con khỉ nứt từ đá ra, học được 72 phép biến hóa, có phép Cân đẩu vân (bay lộn trên mây, nhún mình một cái bay được một vạn tám ngàn dặm), sử dụng vũ khí là gậy sắt (thiết bảng), tự xưng là Tề Thiên Đại Thánh. Sau Tôn Ngộ Không theo phò Đường Tam Tạng sang Tây Trúc thỉnh kinh, dọc đường có nhiều công trạng trong việc đánh yêu ma quỷ quái, bảo vệ Đường Tăng, đồng thời cũng gặp phải nhiều kiếp nạn.

    Tạo hình nhân vật Tôn Ngộ Không trên phim

    Tạo hình nhân vật Tôn Ngộ Không trên phim

  14. Huyền Trang
    Thường gọi là Đường Tam Tạng hoặc Đường Tăng, một cao tăng sống vào thời Đại Đường ở Trung Quốc (nên cũng gọi là Đường Huyền Trang). Ông tên tục Trần Huy (Trần Vĩ hoặc Trần Y), sinh khoảng năm 602-604 tại Lạc Châu, huyện Câu Thị, tỉnh Hà Nam, quy y từ rất sớm. Ông là người đã sang Ấn Độ (thời ấy gọi là Tây Trúc) để học Phật pháp trong nguyên gốc tiếng Phạn và đem về phổ biến ở Trung Quốc. Chuyến đi Ấn Độ của ông được dân gian thần thoại hóa, và được Ngô Thừa Ân chép lại thành bộ tiểu thuyết Tây Du Ký, một trong những tác phẩm kinh điển của văn học Trung Hoa. Trong truyện, Đường Tăng được mô tả là một người hiền lành nhưng nhu nhược và u mê, thường bị yêu quái đón bắt để ăn thịt.

    Hình vẽ Đường Tăng

    Hình vẽ Đường Tăng

  15. La Sát
    Phiên âm từ tiếng Phạn Rakshasa (hay Raksha), chỉ một sinh vật thần thoại có hình dáng, tính cách của quỷ thần bất thiện trong đạo Hindu và đạo Phật. Ở nước ta, La Sát thường được dùng để chỉ của những nữ ác thần hay những phụ nữ có tính tình hung dữ. Hình tượng này đi vào dân gian bắt nguồn từ nhân vật Bà La Sát (Thiết Phiến Công chúa) trong tác phẩm Tây Du Ký.
  16. Đây là một cuộc hát đối đáp xứ Nghệ khi bên trai bị bắt bí, dọa đốt nhà bên gái (!) “Tư tờ vô bộ” có nghĩa là gửi đơn vào bộ Hình.
  17. Tận cổ chí kim
    Từ xưa đến nay.
  18. Khôn
    Khó mà, không thể.
  19. Phu
    Chồng (từ Hán Việt).
  20. Thê
    Vợ (từ Hán Việt).
  21. Lòn
    Luồn, lách (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  22. Xở xang
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Xở xang, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  23. Thời
    Cái giỏ cá (phương ngữ).
  24. Tù và
    Dạ dày ếch, hay được chế biến thành các món ăn.

    Tù và ếch xào măng

    Tù và ếch xào măng

  25. Ngóe
    Loại nhái rất nhỏ, thân hình chỉ lớn bằng đầu ngón tay cái.
  26. Xương sông
    Loài cây có thân thẳng đứng, cao khoảng một mét hoặc hơn. Lá thuôn dài, mép có răng cưa, có mùi hơi hăng của dầu. Lá xương sông là một loại rau gia vị phổ biến, và cũng là vị thuốc chữa bệnh đường hô hấp, cảm cúm...

    Lá xương sông

    Lá xương sông

  27. Đắc thất
    Được mất (từ Hán Việt).
  28. Ngãi
    Nghĩa, tình nghĩa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  29. Phòng loan
    Phòng của đôi vợ chồng, nhất là vợ chồng mới cưới. Cũng có thể hiểu là phòng của người phụ nữ. Xem thêm chú thích Loan.

    Người vào chung gối loan phòng
    Nàng ra tựa bóng đèn chong canh dài

    (Truyện Kiều)

  30. Thục nữ
    Người con gái hiền dịu, nết na (từ Hán Việt).
  31. Cô phòng
    Buồng riêng của người sống cảnh cô đơn (từ Hán Việt). Thường dùng để chỉ cảnh cô đơn của người phụ nữ không chồng hoặc xa chồng.

    Đình thoa trường nhiên tư viễn nhân,
    Độc túc cô phòng lệ như vũ.

    (Ô dạ đề - Lí Bạch)

    Tản Đà dịch:
    Dừng thoi buồn bã nhớ ai,
    Phòng không gối chiếc, giọt dài tuôn mưa.

  32. Thuyền quyên
    Gốc từ chữ thiền quyên. Theo từ điển Thiều Chửu: Thiền quyên 嬋娟  tả cái dáng xinh đẹp đáng yêu, cho nên mới gọi con gái là thiền quyên.

    Trai anh hùng, gái thuyền quyên
    Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng

    (Truyện Kiều)

  33. Nghĩa nhân
    Cũng viết nhân nghĩa, nghĩa là "lòng yêu thương người (nhân) và biết làm điều phải (nghĩa)." Hiểu rộng là đạo nghĩa sống ở đời.
  34. Sao chổi
    Còn có tên gọi dân gian là sao cờ hoặc sao tua, một thiên thể gần giống một tiểu hành tinh nhưng cấu tạo chủ yếu không phải từ đất đá, mà từ băng. Chúng bay quanh Mặt Trời theo quỹ đạo rất dẹt, khi đi vào vòng trong Hệ Mặt trời thì được mặt trời chiếu sáng, từ đó mới sinh ra các ánh sáng rực rỡ như ta thấy khi quan sát từ Trái Đất.

    Ngày xưa, theo quan niệm dân gian, sao chổi xuất hiện thường được cho là điềm loạn lạc.

    Sao chổi

    Sao chổi

  35. Hạ giới
    Nhân gian, theo quan niệm dân gian Trung Hoa và các nước đồng văn, là nơi người bình thường sinh hoạt, trái với thượng giới là nơi thần tiên ở.
  36. Đây là vua Tự Đức.
  37. Thất đức thất uy
    Mất đạo đức và uy quyền.
  38. Chim ri
    Một loài chim như chim sẻ, ăn thóc gạo và các loại hạt. Văn học thường dùng các thành ngữ "khóc như ri," "nổi như ri..."

    Chim ri

    Chim ri

  39. Kinh Bắc
    Một địa danh thuộc miền Bắc trước đây, hiện nay bao gồm toàn bộ ranh giới hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và một phần nhỏ các tỉnh thành lân cận là Hà Nội (toàn bộ khu vực phía bắc sông Hồng là: Gia Lâm, Long Biên, Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn); Hưng Yên (Văn Giang, Văn Lâm) và Lạng Sơn (Hữu Lũng). Là nơi có ba kinh đô cổ của Việt Nam gồm: Cổ Loa, Mê Linh và Long Biên. Kinh Bắc cùng với xứ Đoài là hai vùng văn hóa cổ nhất so với xứ Sơn Nam và xứ Đông, với nhiều di tích lịch sử có giá trị như Cổ Loa, đền Sóc, chùa Phật Tích, đền thờ Hai Bà Trưng...

    Quê hương Kinh Bắc có dân ca quan họlễ hội Gióng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

    Hội Gióng

    Hội Gióng

  40. Xứ Đông
    Tên một địa danh cổ, một trấn ở phía Đông của Kinh thành Thăng Long xưa. Xứ Đông bao gồm một vùng văn hóa rộng lớn ở Đông Bắc đồng bằng sông Hồng, gồm các tỉnh Hải Dương (nằm ở trung tâm), Hải Phòng, Quảng Ninh và một phần đất thuộc hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình.

    Tứ xứ

    Tứ xứ

  41. Đàng Ngoài
    Còn có tên là Bắc Hà hoặc Đường Ngoài (ít gặp), tên gọi bắt nguồn từ thời Trịnh-Nguyễn phân tranh vào thế kỷ 17 đến cuối thế kỷ 18, chỉ phần lãnh thổ nước ta từ sông Gianh (tỉnh Quảng Bình) trở ra Bắc, được kiểm soát bởi vua Lê - chúa Trịnh. Đến năm 1786, quân Tây Sơn tiến ra Bắc diệt Trịnh, chính thức chấm dứt chính thể Đàng Ngoài.
  42. Ở đây là đạo Công giáo, phát triển mạnh ở nước ta dưới thời nhà Nguyễn.
  43. Cái rìu
    Dụng cụ dùng để chặt cây hay bửa củi. Rìu gồm lưỡi rìu nặng và sắc bén, rèn bằng sắt hay thép tra vào một cán gỗ. Trước đây, rìu còn lại một loại vũ khí dùng trong chiến tranh.

    Cái rìu.

    Cái rìu.

  44. Dùi đục
    Còn gọi là đục, dụng cụ gồm một thanh thép có chuôi cầm, đầu có lưỡi sắc, dùng để tạo những chỗ lõm hoặc những lỗ trên các vật rắn như gỗ, đá, kim loại.

    Sử dụng dùi đục

    Sử dụng dùi đục

  45. Dây nảy mực
    Trước đây khi xẻ gỗ (theo bề dọc), để xẻ được thẳng, người thợ cầm một cuộn dây có thấm mực Tàu, kéo dây thẳng ra và nảy dây để mực dính vào mặt gỗ, tạo thành một đường thẳng. Hành động kéo dây nảy mực này cũng gọi là kẻ chỉ.
  46. Chàng
    Dụng cụ của thợ mộc gồm một lưỡi thép dẹp hình tam giác tra vào cán, dùng để vạt gỗ (đẽo xiên).

    Dùng chàng

    Dùng chàng

  47. Đình
    Công trình kiến trúc cổ truyền ở làng quê Việt Nam, là nơi thờ Thành hoàng, và cũng là nơi hội họp của người dân trong làng.

    Đình Tiên Canh (tỉnh Vĩnh Phúc)

    Đình Tiên Canh (tỉnh Vĩnh Phúc)

  48. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  49. Thợ thuyền
    Công nhân (từ cũ).
  50. Cầu an
    Cũng gọi là kì yên, một nghi lễ của Phật giáo. Lễ cầu an (cầu cho an bình) có mục đích sám hối tội lỗi, dứt trừ nghiệp chướng, tránh mọi bệnh hoạn, tai họa và nghiệp báo.
  51. Ghe
    Thuyền nhỏ, thường đan bằng tre (gọi là ghe nan) hoặc bằng gỗ. Từ này đôi khi được dùng để chỉ tàu thuyền nói chung, nhất là ở vùng Trung và Nam Bộ.

    Chèo ghe

    Chèo ghe

  52. Xu xoa
    Một món giải khát rất phổ biến ở miền Trung. Xu xoa (có nơi gọi là xoa xoa) được nấu từ rau câu, đông lại như thạch dừa, khi ăn thì cắt thành nhiều miếng nhỏ hình vuông hoặc chữ nhật to khoảng đầu ngón tay cái, ăn kèm với mật đường mía, có thể cho thêm đá.

    Xu xoa

    Xu xoa

  53. Niêu
    Nồi nhỏ bằng đất nung hoặc đồng, có nắp đậy, dùng để nấu nướng hoặc sắc thuốc. Niêu sắc thuốc thì có thêm cái vòi để rót thuốc.

    Cơm niêu

    Cơm niêu

  54. Đụn
    Kho thóc.
  55. Ngự
    Từ dùng để chỉ những vật hay việc thuộc về hoàng cung. Về sau hiểu rộng ra, những vật quý đôi khi cũng gọi là ngự.
  56. Xuân nương
    Người con gái trẻ trung, xinh đẹp (từ Hán Việt).