Tìm kiếm "cả mười"

  • Giấn vốn chỉ có ba đồng

    Giấn vốn chỉ có ba đồng
    Nửa để nuôi chồng, nửa để nuôi tôi
    Còn thừa mua cái bình vôi
    Mua xanh, mua chảo, mua nồi nấu ăn
    Còn thừa mua nhiễu quấn khăn
    Mua dăm vuông vóc may chăn cho chồng
    Còn thừa mua chiếc thuyền rồng
    Đem ra cửa bể cho chồng thả chơi
    Còn thờ mua khám thờ trời
    Mua tranh sơn thủy treo chơi đầu thuyền

    Dị bản

    • Lưng vốn chỉ có mười đồng
      Phần để nuôi chồng, phần để nuôi tôi
      Còn thừa mua cái bình vôi
      Mua xanh, mua chảo, mua nồi nấu ăn
      Còn thừa mua nhiễu vấn khăn
      Mua dăm vuông vóc may chăn cho chồng
      Còn thừa mua chiếc thuyền rồng
      Đem ra cửa bể cho chồng chèo chơi
      Để chàng tùy thích, thảnh thơi
      Danh lam thắng cảnh, ngược xuôi mặc lòng

  • Một nong tằm bằng năm nong kén

    Một nong tằm bằng năm nong kén
    Một nong kén bằng chín nén tơ
    Em thương anh tháng đợi năm chờ
    Lòng nào dứt mối lìa tơ cho đành.

    Dị bản

    • Một nong tằm là năm nong kén
      Một nong kén là chín nén tơ
      Quản bao tháng đợi năm chờ
      Ai ơi dứt mối lìa tơ sao đành

    • Một nong tằm là năm nong kén
      Một nong kén là chín nén tơ
      Thương anh chín đợi mười chờ
      Ai ơi dứt mối lìa tơ sao đành

    Video

  • Ai đi đâu đấy hỡi ai

    Ai đi đâu đấy hỡi ai
    Hay là trúc đã nhớ mai đi tìm?
    Tìm em như thể tìm chim
    Chim bay bể Bắc anh tìm bể Đông
    Tìm bể Ðông thấy lông chim nhạn
    Tìm bể cạn thấy đàn chim di
    Ai mang nhân ngãi ta đi
    Thì mang nhân ngãi ta về cho ta!

    Dị bản

    • Ai đi đâu đấy hỡi ai
      Hay là trúc đã nhớ mai đi tìm?
      Tìm em như thể tìm chim
      Chim ăn bể Bắc anh tìm bể Đông
      Bể Đông không bóng chim bay
      Hôm qua là chín, hôm nay là mười
      Tìm em đã mướt mồ hôi
      Lại đứt nút áo, lại rơi khăn đầu
      Tìm em chẳng thấy em đâu
      Lội sông ướt áo, qua cầu tủi ghe
      Có nghe nín lặng mà nghe
      Những lời anh nói như se vào lòng

  • Cái cò cái vạc cái nông

    Cái cò cái vạc cái nông
    Ba con cùng béo vặt lông con nào
    Vặt lông con cốc cho tao
    Tao nấu tao nướng tao xào tao ăn

    Dị bản

    • Cái cò, cái vạc, cái nông
      Ba con cùng béo, vặt lông con nào?
      Vặt lông con vạc cho tao
      Hành, răm, mắm muối bỏ vào mà thuôn

  • Hôm qua tát nước đầu đình

    Hôm qua tát nước đầu đình,
    Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen
    Em được thì cho anh xin.
    Hay là em để làm tin trong nhà?
    Áo anh sứt chỉ đường tà,
    Vợ anh chưa có, mẹ già chưa khâu.
    Áo anh sứt chỉ đã lâu,
    Mai cậy cô ấy về khâu cho cùng.
    Khâu rồi anh sẽ trả công,
    Đến khi lấy chồng anh lại giúp cho.
    Giúp cho một thúng xôi vò,
    Một con lợn béo, một vò rượu tăm,
    Giúp cho đôi chiếu em nằm,
    Đôi chăn em đắp, đôi trằm em đeo.
    Giúp cho quan tám tiền cheo,
    Quan năm tiền cưới lại đèo buồng cau.

    Dị bản

    • Áo anh rách lỗ bàn sàng
      Cậy nàng mua vải vá quàng cho anh
      Vá rồi anh trả tiền công
      Đến lúc lấy chồng anh giúp của cho:
      Giúp cho một quả xôi vò,
      Một con heo béo, một vò rượu tǎm.
      Giúp cho chiếc chiếu nàng nằm,
      Đôi áo nàng bận đôi vòng nàng đeo.
      Giúp cho quan mốt tiền cheo,
      Quan nǎm tiền cưới, lại đèo bông tai
      Giúp cho một rổ lá gai
      Một cân nghệ bột với hai tô mè
      Giúp cho năm bảy lạng chè
      Cái ấm sắc thuốc cái bồ đựng than
      Giúp cho đứa nữa nuôi nàng
      Mai ngày trọn tháng cho chàng tới lui…

    • Áo anh đã rách hai tay
      Cậy nàng so chỉ và may cho cùng
      Vá rồi anh trả tiền công
      Mai mốt lấy chồng anh giúp của cho
      Giúp cho quan mốt tiền cheo
      Quan năm tiền cưới, lại đeo mâm chè
      Giúp cho nửa giạ hột mè
      Nửa ang tiêu sọ, nửa ghè muối khô
      Giúp cho cái ấm, cái ô
      Cái niêu sắc thuốc, cái bồ đựng than
      Anh giúp cho một đứa nuôi nàng
      Lâu ngày chẵn tháng rồi chàng tới thăm…

    Video

  • Xỉa cá mè

    Xỉa cá mè
    Đè cá chép
    Tay nào đẹp
    Đi bẻ ngô
    Tay nào to
    Đi dỡ củi
    Tay nào nhỏ
    Hái đậu đen
    Tay lọ lem
    Ở nhà mà rửa

    Dị bản

    • Xỉa cá mè
      Đè cá chép
      Chân nào đẹp
      Thì đi buôn men
      Chân nào đen
      Ở nhà làm chó
      Ai mua men?
      Mua men gì?
      Men vàng
      Đem ra ngõ khác
      Ai mua men?
      Mua men gì?
      Men bạc
      Men bạc vác ra ngõ này
      Một quan bán chăng?
      Chừng chừng chẳng bán!
      Hai quan bán chăng?
      Chừng chừng chẳng bán!
      Ba quan bán chăng?
      Chừng chừng chẳng bán!
      Bốn quan bán chăng?
      chừng chừng chẳng bán!
      Năm quan bán chăng?
      Chừng chừng chẳng bán!
      Sáu quan bán chăng?
      chừng chừng chẳng bán!
      Bảy quan bán chăng?
      chừng chừng chẳng bán!
      Tám quan bán chăng?
      Chừng chừng chẳng bán!
      Chín quan bán chăng?
      Chừng chừng chẳng bán!
      Mười quan bán chăng?
      Chừng chừng chẳng bán!
      Tôi gởi đòn gánh
      Tôi đi ăn cỗ
      Đi lấy phần về cho tôi
      Nào phần đâu?
      Phần tôi để ở gốc đa
      Chó ăn mất cả!
      Tôi xin đòn gánh
      Đòn gánh gì?
      Đòn gánh tre!
      Làm bè chó ỉa!
      Đòn gánh gỗ?
      Bổ ra thổi!
      Đòn gánh lim?
      Chìm xuống ao
      Đào chẳng thấy
      Lấy chẳng được!
      Xin cây mía
      Ra vườn mà đẵn.

    Video

  • Vè giết đốc phủ Ca

    Giáp Thân đã mãn
    Ất Dậu tấn lai
    Chánh ngoạt sơ khai
    Bình yên phước thọ
    Nhựt nguyệt soi tỏ
    Nam chiếu phúc bồn
    Tục danh Hóc Môn
    Xứ Bình Long huyện
    Hà do khởi chuyện?
    Hà sự hàm mai?
    Tích ác bởi ai?
    Giết quan rửa hận

  • Con chim nó kêu

    Con chim nó kêu
    Tê lao xao xác
    Tê lao xào xạc
    Mụ ơi hỡi mụ
    Đứng lại mà xem
    Con vượn nó trèo
    Từ trái núi nọ
    Qua lối nọ đàng tê
    Mắt trông thấy trai
    Tang tình lịch sự
    Cái quần bốp tím
    Cái lông nhím bạc
    Cái lược đồi mồi
    Tình tính tinh mồi
    Lòng em quyết theo
    Em rút cái neo
    Cho con thuyền chạy

  • Vè cầu Doumer

    Cầu sắt mà bắc ngang sông
    Chàng ơi sang tỉnh mà trông chẳng lầm
    Hà Nội bắc sang Gia Lâm
    Tính cây lô mét độ năm cây tròn
    Họa hình Tây bắc ống nhòm
    Ngắm đi ngắm lại xem còn cong không
    Giở về hội nghị cộng đồng
    Đến năm Mậu Tuất khởi công bắc cầu
    Mộ phu khắp cả đâu đâu
    Xây từ Ái Mộ bắt đầu xây ra
    Bắc qua con sông Nhị Hà
    Chia khoang làm nhịp, mười ba cột vừa
    Lập mưu xây được bây giờ
    Chế ra cái chụp để mà bơm lên
    Bơm hết nước đến bùn đen
    Người chết như rạ vẫn phải len mình vào

  • Phụ đồng ếch

    Hồn ếch ta đã về đây
    Mãi năm khô hạn ta nay ở bờ
    Ở bờ những hộc cùng hang
    Tay thì cá giỏ, tay thì cần câu
    Nó có chiếc nón đội đầu
    Khăn vuông chít tóc ra màu xinh xinh
    Nó có cái quạt cầm tay
    Nó có ống nứa bỏ đầy cóc con
    Nó có chiếc cán thon thon
    Nó có sợi chỉ thon thon mà dài
    Ếch tôi mới ngồi bờ khoai
    Nó giật một cái đã sai quai hàm
    Mẹ ơi lấy thuốc cho con
    Lấy những lá ớt cùng là xương sông
    Ếch tôi ở tận hang cùng
    Bên hè rau muống, phía trong bờ dừa
    Thằng măng là con chú tre
    Nó bắt tôi về làm tội lột da
    Thằng hành cho chí thằng hoa
    Mắm muối cho vào cay hỡi đắng cay

Chú thích

  1. Giấn
    Cũng viết là dấn, động tác cố thêm một chút để đặt mình/ sự vật vào tình trạng mới, môi trường mới nhằm đạt được mục đích. Ví dụ: dấn bước = bước cố thêm để đạt được mục đích; dấn thân = cố gắng thêm để đặt thân mình vào một môi trường, tình trạng mới; dấn men = nhúng cốt gốm sứ vào men trước khi nung; dấn vốn = vốn liếng có được sau khi cố gắng huy động.
  2. Bình vôi
    Ngày xưa nhân dân ta thường hay ăn trầu với cau và vôi. Bình vôi là dụng cụ bằng gốm hay kim loại để đựng vôi ăn trầu, đôi khi được chế tác rất tinh xảo, và tùy theo hình dạng mà cũng gọi là ống vôi.

    Bình vôi bằng gốm làng Dưỡng Động (Hải Phòng)

    Bình vôi bằng gốm làng Dưỡng Động (Hải Phòng)

  3. Xanh
    Dụng cụ để nấu, làm bằng đồng, có hai quai, giống cái chảo lớn nhưng đáy bằng chứ không cong.

    Cái xanh đồng.

    Cái xanh đồng.

  4. Nhiễu
    Hàng dệt bằng tơ, sợi ngang xe rất săn, làm cho mặt nổi cát.
  5. Vuông
    Đơn vị dân gian dùng để đo vải, bằng bề ngang (hoặc khổ) của tấm vải (vuông vải, vuông nhiễu).
  6. Vóc
    Một loại vải tơ tằm, bóng mịn, có hoa, dệt bằng sợi đồng màu, dùng làm tán thờ thần hay may y phục cho vua chúa, quan lại.
  7. Khám
    Vật làm bằng gỗ, giống như cái tủ nhỏ không có cánh, dùng để đặt bài vị, đồ thờ, thường được gác hay treo cao.

    Khám thờ

    Khám thờ

  8. Hoàng cầm
    Cũng gọi là huỳnh cầm, một loại cây nhỏ, lá nhọn, rễ sắc vàng, dùng làm thuốc hạ huyết áp, kháng sinh, giảm sốt, lợi tiểu...

    Xuyên hoàng cầm

    Xuyên hoàng cầm

  9. Song le
    Nhưng mà (từ cũ).

    Ta muốn lòng ta cứ lạnh lùng
    Gác tình duyên cũ chẳng đường trông
    Song le hương khói yêu đương vẫn
    Phảng phất còn vương vấn cạnh lòng

    (Giây phút chạnh lòng - Thế Lữ)

  10. Nhân sâm
    Loại cây thân thảo, củ và rễ được sử dụng làm thuốc từ rất lâu đời tại nhiều nước châu Á. Gọi là nhân sâm vì củ sâm có hình dáng hao hao giống người (nhân). Nhân sâm là một vị thuốc rất quý, chữa được nhiều loại bệnh, bổ sung trí lực, đôi khi được thần thoại hóa thành thuốc cải tử hoàn sinh.

    Nhân sâm

    Nhân sâm

  11. Chíp miệng
    Chép miệng (phương ngữ Trung Bộ).
  12. Nêu
    Cây tre cao đem trồng trước sân nhà mỗi dịp tết Nguyên Đán, trên ngọn có đeo một vòng tròn nhỏ và treo nhiều vật dụng có tính chất biểu tượng tùy theo địa phương, phong tục, dân tộc. Đọc thêm về sự tích cây nêu.

    Cây nêu

    Cây nêu

  13. Dải đất nền phía trước hoặc chung quanh nhà.
  14. Vừng
    Miền Trung và miền Nam gọi là mè, một loại cây nông nghiệp ngắn ngày, cho hạt. Hạt vừng là loại hạt có hàm lượng chất béo và chất đạm cao, dùng để ăn và ép lấy dầu.

    Hạt vừng có hai loại: trắng và đen

    Hạt vừng có hai loại: trắng và đen

  15. Lóng
    Dạo (lóng rày nghĩa là "dạo này").
  16. Đờn
    Đàn (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  17. Thất ngôn
    Lỡ lời (từ Hán Việt).
  18. Bạn
    Người bạn gái, thường được dùng để chỉ người mình yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  19. Tằm
    Còn gọi là tằm tơ, ấu trùng của loài bướm tằm. Tằm ăn lá dâu tằm và nhả tơ thành kén. Tằm đã sẵn sàng nhả tơ được gọi là tằm chín, có màu vàng óng hoặc đỏ nâu bóng, trong suốt. Tơ tằm dùng để dệt lụa và có giá trị kinh tế cao.

    Tằm đang ăn lá dâu

    Tằm đang ăn lá dâu

    Kén tằm

    Kén tằm

  20. Ve
    Cái ly (phiên âm từ danh từ tiếng Pháp "le verre"), còn được hiểu là chai nhỏ, lọ nhỏ.
  21. Quảng Đà
    Tên gọi tắt, dân gian của tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng ngày trước, nay được tách thành tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng.
  22. Bài ca dao này ngụ ý châm biếm tục hút thuốc lá của phụ nữ Quảng Nam-Đà Nẵng ngày trước.
  23. Cẩm Hà
    Địa danh nay là một xã thuộc thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.
  24. Cẩm Thanh
    Địa danh nay là một xã thuộc thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Nơi đây nổi tiếng với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ tre, dừa.

    Rừng dừa Bảy Mẫu ở Cẩm Thanh

    Rừng dừa Bảy Mẫu ở Cẩm Thanh

  25. Điện Dương
    Tên cũ là Cẩm Hải, nay là một xã ở phía Đông Nam của huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
  26. Trúc
    Một loại cây giống tre, mọc thành bụi, lá nhỏ và thưa hơn lá tre. Do trúc có dáng đẹp nên được trồng làm cây cảnh. Trong văn chương ngày xưa, trúc thường được dùng tượng trưng cho hình ảnh người quân tử, hoặc người con gái.

    Tranh thủy mặc vẽ trúc

    Tranh thủy mặc vẽ trúc

  27. Mai
    Còn gọi là mơ, một loại cây thân nhỏ, nhiều cành, rất phổ biến các nước Đông Á, nhất là Trung Quốc và Nhật Bản. Cây ra hoa vào cuối mùa đông, đầu mùa xuân. Hoa mai nhỏ, mỗi hoa có năm cánh, thường hoa có màu trắng, mặc dù một số giống mai có thể cho hoa màu hồng hay đỏ sẫm. Trong văn học cổ, mai thường được dùng như một hình ảnh ước lệ, đại diện cho người phụ nữ. Lưu ý, cây mai này không phải là loại mai vàng của miền Nam nước ta.

    Hoa mai

    Hoa mai

  28. Nhạn
    Vốn nghĩa là con ngỗng trời. Theo Thiều Chửu: Chim nhạn, mùa thu lại, mùa xuân đi, cho nên gọi là hậu điểu 候鳥  chim mùa. Chim nhạn bay có thứ tự, nên anh em gọi là nhạn tự 雁序. Có khi viết là nhạn 鴈. Ta gọi là con chim mòng. Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của cũng chép “Nhạn: Thứ chim giống con ngỗng.” Trong văn học cổ ta thường bắt gặp những cụm từ "nhạn kêu sương," "tin nhạn." Hiện nay từ này thường được dùng để chỉ chim én.
  29. Chim di
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Chim di, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  30. Nhân ngãi
    Người thương, người tình (từ cổ). Cũng nói nhân ngãi, ngỡi nhân.
  31. Một loài chim rất quen thuộc với đồng quê Việt Nam. Cò có bộ lông màu trắng, sống thành đàn ở vùng đất ngập nước ngọt như hồ ao, kênh mương, sông, bãi bùn ngập nước, ruộng lúa... Thức ăn chủ yếu là các loại ốc, các động vật thuỷ sinh như ếch, nhái, cua và côn trùng lớn. Hình ảnh con cò thường được đưa vào ca dao dân ca làm biểu tượng cho người nông dân lam lũ cực khổ.

    “Con cò bay la
    Con cò bay lả
    Con cò Cổng Phủ,
    Con cò Đồng Đăng…”
    Cò một mình, cò phải kiếm lấy ăn,
    Con có mẹ, con chơi rồi lại ngủ.

    (Con cò - Chế Lan Viên)

    Cò

  32. Vạc
    Một loại chim có chân cao, cùng họ với diệc, , thường đi ăn đêm, tiếng kêu rất to.

    Vạc

    Vạc

  33. Bồ nông
    Một loài chim săn cá, có chiếc mỏ dài và túi cổ họng lớn đặc trưng để bắt con mồi.

    Bồ nông

    Bồ nông

  34. Cốc
    Loài chim lội nước thuộc họ Bồ nông, thức ăn là các loại động vật thủy hải sản nhỏ

    Chim cốc

    Chim cốc

  35. Rau răm
    Một loại cây nhỏ, lá có vị cay nồng, được trồng làm gia vị hoặc để ăn kèm.

    Rau răm

    Rau răm

  36. Thuôn
    Chế biến món ăn làm từ thịt bằng cách nấu nhiều nước cùng với hành và rau răm.

    Thịt bò thuôn

    Thịt bò thuôn

  37. Đình
    Công trình kiến trúc cổ truyền ở làng quê Việt Nam, là nơi thờ Thành hoàng, và cũng là nơi hội họp của người dân trong làng.

    Đình Tiên Canh (tỉnh Vĩnh Phúc)

    Đình Tiên Canh (tỉnh Vĩnh Phúc)

  38. Có ý kiến cho rằng cành hoa sen trong bài này là hoa sen đất. Sen đất là một loại cây thuộc chi mộc lan, thân gỗ, hoa có 9-10 cánh trắng ngần, hương thơm ngát, trông giống như hoa sen mọc ở ao hồ.

    Hoa sen đất

    Hoa sen đất

  39. Xôi vò
    Xôi nấu rồi trộn đều với đậu xanh chín giã nhỏ.

    Xôi vò

    Xôi vò

  40. Rượu tăm
    Loại rượu ngon, khi lắc thì sủi tăm lên.
  41. Trằm
    Hoa tai. Cũng gọi là tằm.
  42. Cheo
    Khoản tiền nhà trai nạp cho làng xã bên nhà gái khi làm lễ dạm hỏi theo tục lệ xưa.
  43. Theo phong tục cưới hỏi ngày xưa, khi đi hỏi vợ nhất thiết phải có buồng cau.
  44. Sàng
    Đồ đan bằng tre, hình tròn, lòng nông, có lỗ nhỏ và thưa, thường dùng để làm cho gạo sạch thóc, trấu và tấm. Hành động dùng cái sàng mà lắc cho vật vụn rơi xuống, vật to còn lại cũng gọi là sàng.

    Sàng gạo

    Sàng gạo

  45. Quàng
    (Làm việc gì) một cách vội vã, cốt cho xong để còn làm việc khác.
  46. Quả
    Đồ đựng hình tròn, có nắp đậy, thường được dùng để đựng lễ vật khi đi hỏi cưới.

    Mâm quả cưới

    Mâm quả cưới

  47. Bận
    Mặc (quần áo).
  48. Gai
    Cũng gọi là cây lá gai, một loại cây thường mọc hoang hoặc được trồng quanh nhà, có lá dày hình trái tim, mặt hơi sần. Lá gai thường dùng để làm bánh ít, bánh gai hoặc làm vị thuốc dân gian.

    Lá gai

    Lá gai

  49. Chè
    Cũng gọi là trà, tên chung của một số loại cây được trồng lấy lá nấu thành nước uống. Một loại có thân mọc cao, lá lớn và dày, có thể hái về vò nát để nấu uống tươi, gọi là chè xanh. Loại thứ hai là chè đồn điền du nhập từ phương Tây, cây thấp, lá nhỏ, thường phải ủ rồi mới nấu nước, hiện được trồng ở nhiều nơi, phổ biến nhất là Thái Nguyên và Bảo Lộc thành một ngành công nghiệp.

    Đồi chè Thái Nguyên

    Đồi chè Thái Nguyên

  50. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  51. Giạ
    Đồ đong lúa đan bằng tre (có chỗ ghép bằng gỗ), giống cái thúng sâu lòng, thường đựng từ 10 ô trở lại, thường thấy ở miền Trung và Nam (Đại Nam quấc âm tự vị - Huình Tịnh Của). Một giạ ta tùy địa phương lại có giá trị khác nhau, từ 32 cho tới 45 lít, giạ tây (thời Pháp đô hộ) chứa 40 lít. Đến giữa thế kỉ 20 xuất hiện loại giạ thùng được gò bằng tôn, chứa 40 lít.

    Giạ đong lúa

    Giạ đong lúa bằng gỗ

  52. Ang
    Dụng cụ để đong, đo thóc lúa, bằng gỗ, khối vuông, có nơi đan ang bằng nan tre. Dụng cụ đo gạo của người Việt rất đa dạng, tùy vùng, tùy thời và theo từng thể tích mà người ta dùng các dụng cụ khác nhau như cái giạ, cái vuông, cái yến, cái đấu, cái thưng, cái cảo, cái bơ, cái ô, cái lương, cái lon sữa bò... để đo gạo. Một ang bằng 22 lon gạo.
  53. Ghè
    Đồ đựng (nước, rượu, lúa gạo) làm bằng đất hoặc sành sứ, sau này thì có làm bằng xi măng.

    Cái ghè

    Cái ghè

  54. Niêu
    Nồi nhỏ bằng đất nung hoặc đồng, có nắp đậy, dùng để nấu nướng hoặc sắc thuốc. Niêu sắc thuốc thì có thêm cái vòi để rót thuốc.

    Cơm niêu

    Cơm niêu

  55. Bồ
    Đồ cỡ lớn đựng thóc lúa, thường đan bằng tre.

    Bồ và cối xay thóc

    Bồ và cối xay thóc

  56. Kèo
    Thanh bằng tre hay gỗ từ nóc nhà xuôi xuống đỡ các tay đòn hay xà gỗ.

    Kèo

    Kèo

  57. Rung
    Tiếng ì ầm của biển (phương ngữ Thanh Hóa).
  58. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  59. Cá mè
    Tên chung của một số loài cá nước ngọt cùng họ với cá chép, có thân dẹp, đầu to, vẩy nhỏ, trắng. Có nhiều loài cá mè, nhưng cá mè trắng và mè hoa là phổ biến hơn cả. Nhân dân ta đánh bắt cá mè để lấy thịt, mỡ và mật cá, vừa để chế biến thức ăn vừa làm thuốc.

    Cá mè

    Cá mè

  60. Cá chép
    Tên Hán Việt là lí ngư, một loại cá nước ngọt rất phổ biến ở nước ta. Ngoài giá trị thực phẩm, cá chép còn được nhắc đến trong sự tích "cá chép vượt vũ môn hóa rồng" của văn hóa dân gian, đồng thời tượng trưng cho sức khỏe, tài lộc, công danh.

    Ở một số địa phương miền Trung, cá chép còn gọi là cá gáy.

    Cá chép

    Cá chép

  61. Bài đồng dao này thường được hát khi chơi trò chơi dân gian. Cách chơi: Đứng (hoặc ngồi) thành vòng tròn quay mặt vào nhau, hai tay chìa ra đọc bài đồng dao. Người điều khiển đứng giữa vòng tròn vừa đi vừa khẽ đập vào bàn tay người chơi theo nhịp bài ca, mỗi tiếng đập vào một tay. Tiếng cuối cùng “Rửa” rơi vào tay ai thì người đó phải ra khỏi hàng hoặc bị phạt phải làm một trò khác rồi mới được vào chơi.
  62. Lim
    Một loại cây cho gỗ rất quý. Gỗ lim là một trong bốn loại gỗ "tứ thiết" (cứng như sắt) của nước ta, gồm đinh, lim, sến, táu. Gỗ cứng, chắc, nặng, không bị mối mọt; có màu hơi nâu đến nâu thẫm, nếu để lâu hay ngâm nước bùn thì mặt gỗ chuyển sang màu đen.

    Cây lim cổ thụ

    Cây lim cổ thụ

    Gỗ lim

    Gỗ lim

  63. Mãn
    Trọn, đầy đủ, hết (từ Hán Việt).
  64. Tấn lai
    Bước đến.
  65. Chánh ngoạt
    Cách đọc trại của chính nguyệt (tháng đầu năm âm lịch, tháng Giêng).
  66. Nhật nguyệt
    Mặt trời (nhật) và mặt trăng (nguyệt), ở miền Nam cũng được phát âm thành nhựt nguyệt. Cùng là biểu tượng của sự trường tồn vĩnh cửu, hình ảnh nhật nguyệt thường được đem ra để thề thốt.

    Mai sau dầu đến thế nào,
    Kìa gương nhật nguyệt nọ dao quỷ thần

    (Truyện Kiều)

  67. Nam chiếu phúc bồn
    Chậu úp khó mà soi thấu.
  68. Hóc Môn
    Một địa danh nay là huyện ngoại thành của thành phố Hồ Chí Minh. Từ năm 1698 đến năm 1731, một số lưu dân từ miền Bắc, miền Trung do không cam chịu sự thống trị hà khắc của triều Trịnh-Nguyễn nên đã đến vùng đất này để sinh cơ, lập nghiệp. Họ lập ra những thôn ấp và nông trại, lúc đầu có sáu thôn, dần dần phát triển thành mười tám thôn, nổi tiếng với nghề trồng trầu. Đến đầu thế kỷ 19, một số thôn của Hóc Môn vẫn còn những nét hoang dã, có cọp dữ nổi tiếng như “cọp vườn trầu” và có nhiều đầm môn nước mọc um tùm, nên thành địa danh Hóc Môn.
  69. Bình Long
    Tên của huyện Hóc Môn dưới thời nhà Nguyễn.
  70. Hà do
    Tại sao.
  71. Hàm mai
    Cái thẻ khớp miệng ngựa cho nó không hí lên được. Ý nói sự chèn ép, bụm miệng dân chúng của thực dân.
  72. Kia (phương ngữ Trung Bộ).
  73. Cầu Long Biên
    Cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng tại Hà Nội, do Pháp xây dựng (1898 - 1902), là cây cầu sắt dài thứ nhì thế giới thời bấy giờ (sau cầu Brooklyn ở Mỹ). Cầu ban đầu mang tên viên Toàn quyền Đông Dương là Paul Doumer, dân gian hay gọi là cầu sông Cái, cầu Bồ Đề, cầu Dốc Gạch. Năm 1954, cầu được đổi tên thành cầu Long Biên. Là một cây cầu lâu năm và có giá trị lịch sử, hiện nay có nhiều đề xuất tu sửa, cải tạo cầu Long Biên.

    Cầu Long Biên hồi đầu thế kỉ XX

    Cầu Long Biên hồi đầu thế kỉ 20

  74. Tỉnh Hà Nội
    Một trong số 13 tỉnh được thành lập sớm nhất ở Bắc Kỳ, lập vào năm 1831 dưới thời Minh Mạng.

    Tỉnh Hà Nội gồm có 4 phủ: Hoài Đức (kinh thành Thăng Long cũ và huyện Từ Liêm thuộc phủ Quốc Oai của tỉnh Sơn Tây), các phủ Ứng Hòa, Lý Nhân, Thường Tín của trấn Sơn Nam Thượng. Tỉnh lỵ là thành Thăng Long cũ. Phủ Ứng Hòa có 4 huyện Chương Đức (sau đổi là Chương Mỹ), Hoài An, Sơn Minh và Thanh Oai. Phủ Lý Nhân có 5 huyện Bình Lục, Duy Tiên, Kim Bảng, Nam Xương và Thanh Liêm. Phủ Thường Tín có 3 huyện Phú Xuyên, Thanh Trì và Thượng Phúc. Tổng cộng tỉnh Hà Nội có 15 huyện thuộc 4 phủ trên.

  75. Gia Lâm
    Địa danh nay là một huyện ngoại thành, ở về phía Đông của thành phố Hà Nội. Tại đây nổi tiếng với làng gốm Bát Tràng, đồng thời là quê hương của hai nhân vật trong Tứ Bất Tử: Chử Đồng Tử và Thánh Gióng, cùng với nhiều danh nhân văn hóa - lịch sử khác: Nguyên phi Ỷ Lan, Ngọc Hân công chúa, Lý Thường Kiệt...
  76. Cây lô mét
    Còn đọc là ki lô mét, mượn từ tiếng Pháp kilomètre.
  77. Có nhiều con số về chiều dài cầu Long Biên, nhưng cũng chỉ trên dưới 2 km.
  78. Tức năm 1898, năm làm lễ khởi công xây dựng cầu Doumer - tên ban đầu của cầu Long Biên.

    Chữ khắc trên tấm biển kim loại ở đầu cầu ghi nhận thời gian hoàn thành xây cầu (1899 - 1902), và hãng thầu là Daydé & Pillé (hãng Eiffel không trúng thầu, đến năm 1938 mới trúng hợp đồng gia cố cầu).

    Chữ khắc trên tấm biển kim loại ở đầu cầu ghi nhận thời gian hoàn thành xây cầu (1899 - 1902), và hãng thầu là Daydé & Pillé có trụ sở ở Paris.

  79. Mộ phu
    Tuyển mộ dân phu (những người làm công việc chân tay nặng nhọc).
  80. Ái Mộ
    Tên một làng cũ, nay thuộc địa bàn quận Long Biên, Hà Nội.
  81. Sông Hồng
    Còn gọi là sông Cái, con sông lớn nhất chảy qua các tỉnh miền Bắc với nhiều phụ lưu cũng là các con sông lớn như sông Đà, sông Lô... Vùng hạ lưu sông gọi là đồng bằng sông Hồng, rất rộng lớn và màu mỡ, là vựa lúa lớn thứ hai của cả nước (sau đồng bằng sông Cửu Long). Đoạn chảy qua Thăng Long trước đây gọi là Nhị Hà.

    Sông Hồng là con sông gắn liền với đời sống văn hoá, tình cảm của người dân Bắc Bộ.

    Sông Hồng buổi chiều nhìn từ cầu Long Biên

    Sông Hồng buổi chiều nhìn từ cầu Long Biên

  82. Nhịp cầu
    Khoảng cách giữa hai trụ cầu và mố cầu liền nhau.
  83. Rạ
    Rơm, phần còn lại của lúa sau khi gặt. Nhân dân ta thường dùng rơm rạ để lợp nhà hoặc làm chất đốt.

    Mái rạ

    Mái rạ

  84. Khăn vuông
    Loại khăn to bề khổ, bốn cạnh bằng nhau, dùng để đội đầu hoặc gói bọc đồ đạc quần áo đem theo mình. Đầu tiên, người ta để quần áo vật dụng vào giữa khăn, lấy hai chéo đối nhau siết chặt lại, cuối cùng thắt gút hai chéo còn lại với nhau, xỏ tay vào để mang túi lên vai.
  85. Nứa
    Loài cây cùng họ với tre, mình mỏng, gióng dài, mọc từng bụi ở rừng, thường dùng để đan phên và làm các đồ thủ công mĩ nghệ. Ống nứa ngày xưa cũng thường được dùng làm vật đựng (cơm, gạo, muối...).

    Bụi nứa

    Bụi nứa

  86. Xương sông
    Loài cây có thân thẳng đứng, cao khoảng một mét hoặc hơn. Lá thuôn dài, mép có răng cưa, có mùi hơi hăng của dầu. Lá xương sông là một loại rau gia vị phổ biến, và cũng là vị thuốc chữa bệnh đường hô hấp, cảm cúm...

    Lá xương sông

    Lá xương sông