Tìm kiếm "cả mười"

  • Một mừng Tần Tấn gặp nhau

    Một mừng Tần Tấn gặp nhau,
    Hai mừng ngỏ ý Trần Châu một nhà
    Ba mừng vui vẻ giao hòa
    Bốn mừng đây đó trước xa sau gần
    Năm mừng đi lại ân cần
    Sáu mừng không để đêm xuân mơ màng
    Bảy mừng nên đạo cương thường
    Tám mừng giải tỏ lời nguyền thề chung
    Chín mừng tiếp khách non bồng,
    Mười mừng kết nghĩa loan phòng từ đây

  • Trăm khúc sông, khúc lở khúc bồi

    Trăm khúc sông, khúc lở khúc bồi
    Miệng chàng nói thế, chàng ngồi chàng trông
    Gió bên đông xin chàng gỡ giúp
    Ngón tay tháp bút mà chấm chậu lan
    Dù ai nói ngang chàng đừng ngao ngán
    Trước thì là bạn sau nên vợ chồng
    Em còn trong tròng xin chàng thong thả
    Em quyết trận này trả của lấy anh
    Em hai mươi tuổi xuân xanh
    Thầy mẹ ép uổng dỗ dành vào cửa người ta
    Cho nên duyên chẳng thuận hòa
    Vợ chồng xung khắc xót xa nhiều bề

  • Đàn bà sao quá vô duyên

    – Đàn bà sao quá vô duyên
    Mặc quần thủng đáy hớ hênh kia kìa
    – Có gì đâu mà kia nọ, nọ kia
    Chẳng qua vô ý mới chìa nó ra
    Nó cho tôi làm mẹ, anh làm cha
    Giữ dòng, giữ giống quốc gia hùng cường
    Anh từng đi tám hướng, mười phương
    Vào Nam ra Bắc, hội Nõ Nường xem chưa?

  • Trai nam nhi lược ngà búi tóc

    Trai nam nhi lược ngà búi tóc
    Dây lưng thì nhuộm sắc hoa hiên
    Vui chơi xe lọ, ống tiêm
    Cái khay trắc khảm, ngọn đèn mờ xanh
    Có phen vui thú lều tranh
    Gối đầu bằng gạch, che manh chiếu buồm
    Chiếu bắt khom để mà che gió
    Thế rồi mang xe lọ giăng ra
    Nạo kì đến sái mười ba
    Quan tướng hút đỡ để mà cầm hơi
    Trông người như cái ma trơi
    Tóc xù cổ ngẵng, nằm phơi xương sườn
    Hết thuốc chúng bạn hết thương
    Vợ con cũng mất với nường phù dung!

  • Hai tay cầm nắm lạt bẻ cò

    Hai tay cầm nắm lạt bẻ cò
    Lòng anh thương da diết, sao em giả đò làm lơ
    Thương em phát dại phát khờ
    Đang ăn đũa rớt bao giờ không hay
    Cầm kéo quên cắt quên may
    Cầm ve quên rượu, cầm khay quên trầu
    Cầm đèn quên bấc quên dầu
    Cầm trang sách đọc quên đầu quên đuôi
    Cầm cân quên giá quên lui
    Cầm tiền mà xỉa không biết mấy mươi một tiền
    Thương em nhất dại nhì điên

  • Em là con gái làng Keo

    Em là con gái làng Keo
    Em ra thách cưới, thách cheo với chàng
    Xin chàng chín chiếc tàu sang
    Mỗi tàu hai chiếc xà lan đi kèm
    Tàu thì gạo trắng, gân bò
    Tàu thì rượu nếp với vò rượu tăm
    Lá đa hái giữa đêm rằm
    Răng nanh thằng Cuội, râu cằm Thiên Lôi
    Gan ruồi, mỡ muỗi cho tươi
    Lại thêm chín chục con dơi góa chồng.

  • Một nhánh trảy, năm bảy cành mai

    – Một nhánh trảy, năm bảy cành mai
    Một nhánh mai, trăm hai nhánh thị
    Chữ văn, chữ sĩ, anh đối trọn trăm câu
    Đối rồi, anh hỏi chị em đâu?
    Nếu chị em không có, anh bắt em hầu mười năm
    – Một bụi tre sinh năm, ba bụi trảy
    Một nhánh trảy sinh năm, bảy cây viết son,
    Em có gả chị cho anh thì nhân nghĩa vẫn còn
    Em mà không gả, anh bắt giữ con trọn đời

  • Em đố anh sao trên trời mấy cái

    – Em đố anh sao trên trời mấy cái
    Nhái ngoài ruộng mấy con
    Chuối non mấy bẹ, chuối mẹ mấy tàu
    Đất Ba Xuyên một mẫu mấy sào
    Anh mà đối được, em nhào em vô
    – Sao trời trên sao Hôm, sao Mai hai cái
    Nhái ngoài ruộng nhái đực nhái cái hai con
    Chuối non chín bẹ, chuối mẹ mười tàu
    Anh đã đối đặng em có nhào vô không?

  • Đu tiên mới dựng năm nay

    Đu tiên mới dựng năm nay
    Cô nào hay hát kỳ này hát lên
    Tháng ba nô nức hội đền
    Nhớ ngày giỗ Tổ bốn nghìn năm nay
    Dạo xem phong cảnh trời mây
    , Ðà, Tam Ðảo cũng quay đầu về
    Khắp nơi con cháu ba kỳ
    Kẻ đi cầu phúc, người đi cầu tài
    Sở cầu như ý ai ơi
    Xin rằng nhớ lấy mồng mười tháng ba

  • Khó thay công việc nhà quê

    Khó thay công việc nhà quê
    Quanh năm khó nhọc dám hề khoan thai
    Tháng chạp thì mắc trồng khoai
    Tháng giêng trồng đậu tháng hai trồng cà
    Tháng ba cày vỡ ruộng ra
    Tháng tư bắc mạ thuận hòa mọi nơi
    Tháng năm gặt hái vừa rồi
    Bước sang tháng sáu lúa trôi đầy đồng
    Nhà nhà vợ vợ chồng chồng
    Đi làm ngoài đồng sá kể sớm trưa
    Tháng sáu tháng bảy khi vừa
    Vun trồng giống lúa bỏ chừa cỏ tranh
    Tháng tám lúa giỗ đã đành
    Tháng mười cắt hái cho nhanh kịp người
    Khó khăn làm mấy tháng trời
    Lại còn mưa nắng thất thời khổ trông
    Cắt rồi nộp thuế nhà công
    Từ rày mới được yên lòng ấm no.

  • Cậu lính là cậu lính ơi

    Cậu lính là cậu lính ơi
    Tôi thương cậu lắm, nắng nôi thương hàn
    Lính này có vua, có quan
    Nào ai cắt lính cho chàng phải đi
    Trời ơi sinh giặc mà chi
    Nay trẩy kim thì, mai trẩy kim ngân
    Lấy nhau chửa được ái ân
    Chưa được kim chỉ, Tấn Tần như xưa
    Trầu lộc em phong lá dừa
    Chàng trẩy mười bốn, em đưa hôm rằm
    Rủ nhau ra chợ Quỳnh Lâm
    Vai đỗ gánh xuống, hỏi thăm tin chồng
    Xót xa như muối bóp lòng
    Nửa muốn theo chồng, nửa bận con thơ

  • Anh ra đi lính cho làng

    Anh ra đi lính cho làng
    Nước mắt ròng ròng nhớ mẹ nhớ cha
    Cực vì ông nớ trong tòa
    Sức anh đi lính vậy mà phải đi
    Ra đi tới rặng Trà My
    Thấy kẻ thăm con, người thăm cháu, thiếp đi thăm chàng
    Đi ra vừa tới ngoài Hàn
    Thấy lính đi tập dư ngàn, dư trăm
    Thiếp thương chàng mới ghé qua thăm
    Chàng qua nước bển biết mấy mươi năm chàng về
    Thôi thôi em trở lộn về
    Nuôi cha với mẹ trọn bề hiếu trung

  • Đầu làng có một cây đa

    Đầu làng có một cây đa
    Cuối làng cây thị, ngã ba cây dừa
    Dầu anh đi sớm về trưa
    Anh cũng nghỉ mát cây dừa nhà tôi
    Anh vào anh chẳng đứng chẳng ngồi
    Hay là anh phải duyên tôi anh buồn
    Anh buồn anh chẳng muốn đi buôn
    Một vốn bốn lãi anh buồn làm chi
    Tôi là con gái nhỡ thì
    Chẳng thách tiền cưới làm chi bẽ bàng
    Rượu hoa chỉ lấy muôn quan
    Trâu bò chín chục họ hàng ăn chơi
    Vòng vàng chỉ lấy mười đôi
    Nhiễu tàu trăm tấm tiền rời một muôn
    Nào là của hỏi của han
    Ấy tiền dẫn cưới anh toan thế nào?

    Dị bản

    • Đầu làng có một cây đa
      Cuối làng cây thị, ngã ba cây dừa
      Dù anh đi sớm về trưa
      Xin anh nghỉ bóng mát cây dừa nhà em!

  • Lại đây anh nói câu này

    Lại đây anh nói câu này
    Cưới em nhà ngói anh xây ba toà
    Trong nhà anh lót đá hoa
    Chân táng đồng bạch, lợp nhà tiền trinh
    Cửa bức bàn anh lồng kính thủy tinh
    Hai bên bức thuận tứ linh rồng chầu
    Nhà anh kín trước rào sau
    Tường xây bốn mặt, hào sâu rõ ràng
    Trong rương vóc nhiễu nghênh ngang
    Nhiễu điều lót áo, cho nàng đi chơi
    Áo dài sắm đủ mười đôi
    Chăn hoa đệm gấm tiện nghi trên giường
    Nếu mà nàng có lòng thương
    Thì anh lại đóng cái giường gỗ lim

  • Đất Đồng Môn dệt vải

    Đất Đồng Môn dệt vải,
    Đất Cổ Đạm vắt nồi,
    Bố Chính vắt bình vôi
    Đất Xuân Liệu bầy tui
    Ra bắt nạm cáy hôi
    Về đâm đâm, phơi phơi.
    Tay tui múc miệng mời,
    Ruốc tui ngon lắm bà ơi,
    Ngon bằng năm ruốc họ,
    Ngon bằng mười ruốc họ

    Dị bản

    • Đất Đồng Môn dệt vải,
      Đất Cổ Đạm vắt nồi,
      Còn Thạch Hạ bầy tui
      Bắt một nạm cáy hôi
      Về đâm đâm phơi phơi
      Đem lên chợ tỉnh ngồi
      Tay mút miệng thì mời
      Ngon ngon lắm người ơi
      Ngon bằng năm ruốc bể
      Ngọt bằng mười ruốc bể

    • Đất Văn Tràng chạy cá
      Đất Trung Hạ đết vôi
      Đất Kỳ Thọ bầy tui
      Bắt ba nạm cáy hôi
      Về đâm đâm phơi phơi
      Đưa ra trửa chợ mà ngồi
      Ruốc tui ngon lắm mệ ơi
      Ngon bằng năm ruốc bể
      Ngon bằng mười ruốc bể

  • Lính anh là lính Đàng Trong

    Lính anh là lính Đàng Trong
    Anh dốc một lòng đi hỏi nàng kia
    Tháng giêng anh mắc đi thề
    Tháng hai đi dạo, trở về làm sao?
    Tháng ba anh mắc khảo đao
    Tháng tư tập súng, khi nao cho rồi
    Tháng năm anh mắc kiệu voi
    Tháng sáu anh mắc dọn chòi cầu Đông
    Tháng bảy anh mắc thuyền rồng
    Tháng tám anh mắc dọn trong công đường
    Tháng chín anh mắc tải lương
    Tháng mười anh mắc dọn đường vua ra
    Tháng một mắc tuổi đôi ta
    Tháng chạp mắc tuổi mẹ cha sinh thành
    Nàng ơi nàng chớ trách anh!

  • Trên trời có đám mây xanh

    Trên trời có đám mây xanh
    Ở giữa mây trắng chung quanh mây vàng
    Ước gì anh lấy được nàng
    Hà Nội Nam Định dọn đàng đưa dâu
    Tỉnh Thanh cung đốn trầu cau
    Nghệ An thời phải thui trâu mổ bò
    Hưng Yên quạt nước hỏa lò
    Thái Bình thời phải giã giò gói nem
    Ninh Bình trải chiếu bưng mâm
    Hải Dương vót đũa phủ Đông đúc nồi
    Sơn Tây gánh đá nung vôi
    Bắc Cạn thời phải thổi xôi nấu chè
    Gia Định hầu điếu hầu xe
    Phủ Đình thời phải chém tre bắc cầu
    Anh mời mười tám nước chư hầu
    Nước Tây nước Tàu anh gửi tận nơi
    Anh mời hai họ nhà trời
    Ông Sấm ông Sét đứng đầu Thiên Lôi

  • Vào vườn trảy quả cau non

    Vào vườn trảy quả cau non
    Anh thấy em giòn, muốn kết nhân duyên
    Hai má có hai đồng tiền
    Càng nom càng đẹp, càng nhìn càng ưa
    Anh đã có vợ con chưa?
    Mà anh ăn nói gió đưa ngọt ngào
    Mẹ già anh ở nơi nào?
    Để em tìm vào hầu hạ thay anh
    Chẳng tham nhà ngói rung rinh
    Tham về một nỗi anh xinh miệng cười
    Miệng cười anh đáng mấy mươi
    Chân đi đáng nén, miệng cười đáng trăm

  • Tháng giêng thì lúa xanh già

    Tháng giêng thì lúa xanh già
    Tháng hai lúa trổ, tháng ba lúa vàng
    Tháng tư cuốc đất trồng lang
    Tháng năm cày cuốc tiếng nàng hò lơ
    Tháng sáu làm cỏ dọn bờ
    Tháng bảy trổ cờ, tháng tám chín thơm
    Gặt về đạp lúa phơi rơm
    Mồ hôi đổi lấy bát cơm hàng ngày
    Lúa khô giê sạch cất ngay
    Chỗ cao ta để phòng ngày nước dâng
    Mùa đông mưa bão nhiều lần
    Nàng xay, chàng giã cùng ngân tiếng hò
    Tháng mười cày cấy mưa to
    Trông trời, trông đất cầu cho được mùa

Chú thích

  1. Tấn Tần
    Việc hôn nhân. Thời Xuân Thu bên Trung Quốc, nước Tần và nước Tấn nhiều đời gả con cho nhau. Tấn Hiến Công gả con gái là Bá Cơ cho Tần Mục Công. Tần Mục Công lại gả con gái là Hoài Doanh cho Tấn Văn Công. Việc hôn nhân vì vậy gọi là việc Tấn Tần.

    Trộm toan kén lứa chọn đôi,
    Tấn Tần có lẽ với người phồn hoa.

    (Truyện Hoa Tiên)

  2. Châu Trần
    Việc hôn nhân. Thời xưa ở huyện Phong thuộc Từ Châu bên Trung Quốc có thôn Châu Trần, trong thôn chỉ có hai dòng họ là họ Châu và họ Trần, đời đời kết hôn với nhau.

    Thật là tài tử giai nhân,
    Châu Trần còn có Châu Trần nào hơn.

    (Truyện Kiều)

  3. Cương thường
    Cũng đọc là cang thường, cách nói tắt của tam cương ngũ thường, một khái niệm về đạo lí của Nho giáo trong chế độ phong kiến dành cho nam giới. Tam cương nghĩa là ba giềng mối (cương là đầu mối của lưới, nắm được cương thì các mắt lưới sẽ giương lên), gồm có quân thần (vua tôi), phụ tử (cha con), và phu phụ (chồng vợ). Ngũ thường (năm đức tính phải có) gồm: Nhân (đức khoan dung), lễ (lễ độ), nghĩa (đạo nghĩa), trí (trí tuệ) và tín (lòng thành thật).

    Trong ca dao - dân ca, đạo cang thường thường dùng để chỉ tình cảm vợ chồng.

  4. Phòng loan
    Phòng của đôi vợ chồng, nhất là vợ chồng mới cưới. Cũng có thể hiểu là phòng của người phụ nữ. Xem thêm chú thích Loan.

    Người vào chung gối loan phòng
    Nàng ra tựa bóng đèn chong canh dài

    (Truyện Kiều)

  5. Hải hồ
    Biển và hồ, chỉ chí khí rộng lớn người con trai trong xã hội phong kiến.

    Lòng tôi phơi phới quên thương tiếc
    Đưa tiễn anh ra chốn hải hồ

    (Giây phút chạnh lòng - Thế Lữ)

  6. Huê
    Hoa (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Gọi như thế do kiêng húy tên của bà Hồ Thị Hoa, chính phi của hoàng tử Đảm (về sau là vua Minh Mạng).
  7. Hội Nõ Nường
    Còn gọi là lễ hội Trò Trám, diễn ra vào đêm 11 và ngày 12 tháng Giêng Âm lịch hàng năm ở xóm Trám, xã Tứ Xá, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Lễ hội Trò Trám là lễ hội phồn thực của người Việt cổ nhằm tôn vinh sức sống con người, cầu cho mùa màng tươi tốt, mọi vật sinh sôi nảy nở. Lễ hội này gồm ba phần chính:

    1. Lễ mật tắt đèn hay lễ hội "Linh tinh tình phộc," diễn ra tại Miếu Trò vào đêm ngày 11 tháng Giêng. Chủ tế đưa cho người con trai một vật bằng gỗ gọi là Nõ (tượng trưng cho sinh khí thực nam) và người con gái một vật hình mui rùa gọi là Nường (tượng trưng cho sinh thực khí nữ). Sau đó, đèn đóm được tắt hết, người chủ tế sẽ hô ba lần câu "Linh tinh tình phộc". Cứ sau mỗi câu hô, đôi trai gái phải rướn người lên, giơ cao dùi gỗ, mui rùa để miệng há rồi chọc mạnh vào nhau. Nếu cả ba lần đều đâm trúng thì đó là điềm lành báo trước một năm mùa màng tốt tươi, gặp nhiều may mắn thuận lợi.

    2. Lễ rước lúa thần được tổ chức vào sáng 12 tháng Giêng. Lúa thần là những bông lúa thật to, thật mẩy, lá lúa được tượng trưng bằng lá mía được đặt trên hương án kiệu, giữa cắm một gióng mía to, róc vỏ. Lễ hội này ngoài mục đích cầu mong cho mùa màng tươi tốt còn là dịp để tỏ lòng biết ơn của dân làng đối với các vua Hùng - những người đã dạy cho người dân nghề trồng lúa

    3. Hội trình nghề Tứ dân chi nghiệp, còn có tên gọi khác là "Bách nghệ khôi hài," bao gồm những màn kịch dân gian vui nhộn khắc họa bốn nghề chính trong đời sống (sĩ, nông, công, thương) do chính những người nông dân tham gia trình diễn các vai: thợ cày, thợ cấy, thợ mộc, người chăn tằm, dệt vải, thầy đồ, thầy thuốc, thầy cúng, người đi buôn, đi câu, bắt cá… với những động tác, ngôn ngữ gây cười cho người xem.>

    Linh tinh tình phộc

    Linh tinh tình phộc

  8. Khi hát bài chòi, bài này được dùng để báo con Bạch Huê.
  9. Hoa hiên
    Cũng gọi là kim châm, một loại cây thân cỏ sống lâu năm ra hoa vào mùa hạ và mùa thu. Hoa hiên màu vàng hoặc màu đỏ, có mùi thơm, được dùng làm màu nhuộm, gọi là màu hoa hiên.

    Hoa hiên

    Hoa hiên

  10. Xe
    Ống dài dùng để hút thuốc lào hay thuốc phiện. Ống cắm vào điếu bát để hút thuốc lào được gọi là xe điếu hoặc cần hút. Ống để hút thuốc phiện gọi là xe lọ.

    Bát điếu và xe điếu

    Bát điếu và xe điếu

  11. Trắc
    Loại cây lớn, cho gỗ quý, thường dùng để làm đồ thủ công mĩ nghệ, chạm khảm...

    Khay gỗ trắc khảm xà cừ

    Khay gỗ trắc khảm xà cừ

  12. Sái
    Phần bã thuốc phiện, thuốc lào còn lại sau khi hút. Người hút thuốc phiện, sau khi hút cữ đầu tiên, nếu còn thòm thèm mà không còn tiền thì thường nạo sái trong ống thuốc ra để hút lại.

    Dân gian có từ "hưởng sái" chính là từ chữ này.

  13. Ma trơi
    Đám sáng thường thấy lập lòe ban đêm trên bãi tha ma, do hợp chất phốt-pho từ xương người chết thoát ra và bốc cháy khi gặp không khí, theo mê tín cho là có ma hiện.

    Bàn độc chen chân chó nhảy ngồi
    Mồ chiều xanh lạnh lửa ma trơi
    Dậu chưa đổ đã bìm chen lấn
    Huyệt chửa đào xong đã quỷ cười

    (Chờ đợi nghìn năm - Mai Thảo)

  14. Nường
    Nàng (từ cũ).
  15. Phù dung
    Tên gọi khác của cây thuốc phiện. Chiết xuất của loại cây này dùng làm thuốc giảm đau rất tốt, đồng thời cũng là nguyên liệu để chế thuốc phiện. Vì thế người xưa gọi thuốc phiện là "nàng phù dung" hoặc "ả phù dung."

    Cây anh túc - nguồn chiết xuất thuốc phiện

    Cây anh túc - nguồn chiết xuất thuốc phiện

  16. Lạt
    Tre hoặc nứa chẻ mỏng, dẻo, dùng làm dây buộc.
  17. Bẻ cò
    Bẻ gập lại thành từng khúc để đếm (mỗi khúc là một lần).
  18. Ve
    Cái ly (phiên âm từ danh từ tiếng Pháp "le verre"), còn được hiểu là chai nhỏ, lọ nhỏ.
  19. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  20. Bấc
    Sợi vải tết lại, dùng để thắp đèn dầu hoặc nến. Ở một số vùng quê, bấc còn được tết từ sợi bông gòn. Hành động đẩy bấc cao lên để đèn cháy sáng hơn gọi là khêu bấc.

    Đèn dầu

    Đèn dầu

  21. Tiền
    Năm 1439, vua Lê Thánh Tông quy định: 1 quan = 10 tiền = 600 đồng, gọi là tiền tốt hoặc tiền quý (quy định này ổn định cho đến năm 1945). Khoảng thế kỉ 18, trong dân gian xuất hiện cách tính tiền gián, mỗi quan tiền gián chỉ gồm 360 đồng.
  22. Làng Keo
    Làng Keo vốn là tên Nôm của hương Giao Thủy, phủ Hà Thanh (nay thuộc huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định). Tại đây có ngôi chùa Keo do Không Lộ thiền sư xây dựng từ năm 1061 dưới thời Lý Thánh Tông. Năm 1611, sau một trận lụt lớn, làng và chùa cùng bị phá hủy, dân làng Keo phải rời bỏ quê hương: một nửa sang bên tả ngạn sông Hồng lập làng mới, một nửa dời xuống vùng Hành Thiện. Cả hai làng vẫn giữ tên Nôm của làng mình là làng Keo, đồng thời xây chùa Keo trên đất mới.
  23. Cheo
    Khoản tiền nhà trai nạp cho làng xã bên nhà gái khi làm lễ dạm hỏi theo tục lệ xưa.
  24. Xà lan
    Cũng viết là sà lan, từ tiếng Pháp chaland, phương tiện vận tải đường thủy có đáy bằng, thường được dùng ở sông, kênh đào và bến cảng.

    Xà lan

    Xà lan

  25. Rượu tăm
    Loại rượu ngon, khi lắc thì sủi tăm lên.
  26. Trảy
    Loại cây thuộc họ tre trúc, thân thẳng, không có gai.
  27. Mai
    Còn gọi là mơ, một loại cây thân nhỏ, nhiều cành, rất phổ biến các nước Đông Á, nhất là Trung Quốc và Nhật Bản. Cây ra hoa vào cuối mùa đông, đầu mùa xuân. Hoa mai nhỏ, mỗi hoa có năm cánh, thường hoa có màu trắng, mặc dù một số giống mai có thể cho hoa màu hồng hay đỏ sẫm. Trong văn học cổ, mai thường được dùng như một hình ảnh ước lệ, đại diện cho người phụ nữ. Lưu ý, cây mai này không phải là loại mai vàng của miền Nam nước ta.

    Hoa mai

    Hoa mai

  28. Thị
    Loài cây thân gỗ, sống lâu năm, cho quả màu vàng, rất thơm, ăn được.

    Trước giờ ra về, bao giờ nó cũng bóc thị ra và hai đứa tôi cùng ăn. Ăn xong, chúng tôi không quên dán những mảnh vỏ thị lên bàn rồi ngoẹo cổ nhìn. Những mảnh vỏ thị được bóc khéo khi dán lên bàn hoặc lên tường trông giống hệt một bông hoa, có khi là hoa quì, có khi là hoa cúc đại đóa, có khi là một loài hoa không tên nào đó màu vàng.
    (Mắt biếc - Nguyễn Nhật Ánh)

    Quả thị trên cây

    Quả thị

  29. Nghĩa nhân
    Cũng viết nhân nghĩa, nghĩa là "lòng yêu thương người (nhân) và biết làm điều phải (nghĩa)." Hiểu rộng là đạo nghĩa sống ở đời.
  30. Ba Xuyên
    Tên một phủ dưới thời nhà Nguyễn, gồm ba tổng: Vĩnh Định, Phong Nhiêu và Phong Thạnh. Từ năm 1889, Pháp nâng phủ lên thành tỉnh, lấy tên cũ là Sóc Trăng.
  31. Mẫu
    Đơn vị đo diện tích ruộng đất, bằng 10 sào tức 3.600 mét vuông (mẫu Bắc Bộ) hay 4.970 mét vuông (mẫu Trung Bộ).
  32. Sào
    Một đơn vị đo diện tích cũ ở nước ta trước đây. Tùy theo vùng miền mà sào có kích thước khác nhau. Một sào ở Bắc Bộ là 360 m2, ở Trung Bộ là 500 m2, còn ở Nam Bộ là 1000 m2.
  33. Sao Kim
    Hành tinh thứ hai trong hệ Mặt Trời, khi xuất hiện lúc chiều tối thì được gọi là sao Hôm, khi xuất hiện lúc sáng sớm thì được gọi là sao Mai. Người xưa lầm tưởng sao Hôm và sao Mai là hai ngôi sao riêng biệt. Trong thi ca, sao Hôm là hoán dụ của hoàng hôn, còn sao Mai là hoán dụ của bình minh.
  34. Đu tiên
    Một trò chơi có nguồn gốc từ miền Bắc, được tổ chức trong các dịp lễ hội, nhất là dịp Tết Nguyên đán. Bên cạnh cây đu, người ta treo một chiếc khăn hồng ở độ cao xấp xỉ chiều cao giá đu. Người dự cuộc đu phải đưa cánh đu bay cao, giật cho được chiếc khăn kia, mới được coi là thắng cuộc. Ngoài việc đu cao, họ còn phải nhún sao cho đẹp mắt, thì mới được tán thưởng. Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết: “Ất Tị, năm thứ tám niên hiệu Đại Trị đời Trần Dụ Tông (1363)… mùa xuân, tháng Giêng, người Chiêm Thành đến bắt dân ở châu Hóa. Hàng năm, cứ đến mùa xuân tháng Giêng, con trai, con gái họp nhau đánh đu ở Bà Dương. Người Chiêm Thành khoảng tháng 12 năm trước, nấp sẵn ở nơi đầu nguồn của châu Hóa, đến khi ấy ụp đến cướp bắt lấy người đem về.”

    Đu tiên

    Đu tiên

  35. Giỗ Tổ Hùng Vương
    Ngày giỗ hằng năm vào ngày 10 tháng 3 âm lịch, để tưởng nhớ công ơn dựng nước của mười tám đời vua Hùng. Vào ngày này lễ hội Hùng Vương được tổ chức tại Đền Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

    Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương

    Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương

  36. Sông Lô
    Còn có tên là sông Mã (ít dùng, do dễ nhầm lẫn với sông Mã ở Thanh Hóa), một phụ lưu của sông Hồng, bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), chảy vào nước ta tại xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Điểm cuối sông là "ngã ba sông" Việt Trì, thuộc thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, nơi sông Lô đổ vào sông Hồng. Sông Lô có hai phụ lưu lớn là sông Chảy và sông Gâm, ngoài ra còn có các phụ lưu nhỏ là sông Phó Đáy và sông Con.

    Sông Lô đoạn chảy qua Hà Giang

    Sông Lô đoạn chảy qua Hà Giang

  37. Sông Đà
    Còn gọi là sông Bờ, phụ lưu lớn nhất của sông Hồng, bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, chảy theo hướng tây bắc - đông nam. Điểm đầu của sông Đà trên nước ta là biên giới Việt Nam - Trung Quốc tại huyện Mường Tè (Lai Châu). Sông chảy qua các tỉnh Tây Bắc là Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, nhập với sông Hồng ở "ngã ba sông" (Việt Trì, Phú Thọ).

    Sông Đà

    Sông Đà

  38. Tam Đảo
    Tên một dãy núi đá ở vùng Đông Bắc nước ta nằm trên địa bàn ba tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên và Tuyên Quang. Gọi là Tam Đảo vì ở đây có ba ngọn núi cao là Thạch Bàn, Thiên Thị và Máng Chỉ. Đầu thế kỉ XX, đây là nơi thực dân Pháp chọn làm nơi nghỉ mát. Ngày nay Tam Đảo là địa điểm du lịch nổi tiếng ở miền Bắc.

    Tam Đảo trong sương

    Tam Đảo trong sương

  39. Ba kỳ
    Tức Tam Kỳ, tên gọi chung cho ba vùng đất do thực dân Pháp và triều đình bù nhìn nhà Nguyễn phân chia nước ta vào thế kỉ 19. Ba kỳ gồm có: Bắc Kỳ (Tonkin, từ phía Nam tỉnh Ninh Bình trở ra), Trung Kỳ (Annam, từ phía bắc tỉnh Bình Thuận đến Đèo Ngang) và Nam Kỳ (Cochinchine).

    Bản đồ Việt Nam thời Pháp thuộc

    Bản đồ Việt Nam thời Pháp thuộc

  40. Sở cầu như ý
    Được như mong muốn. Cụm từ này thường được dùng khi cầu xin với thần Phật. Cũng đọc là như ý sở cầu.
  41. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  42. Thương hàn
    Bệnh cảm lạnh theo Đông y (lưu ý phân biệt với bệnh thương hàn của Tây y, một bệnh về đường tiêu hóa).
  43. Kim thì
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Kim thì, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  44. Kim ngân
    Vàng bạc (từ Hán Việt).
  45. Chửa
    Chưa (từ cổ, phương ngữ).
  46. Quỳnh Lâm
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình.
  47. Nớ
    Kia, đó (phương ngữ Trung Bộ).
  48. Sức
    Hành động quan truyền lệnh cho dân bằng văn bản.

    Việc này tuy là việc thể dục, nhưng các thầy không được coi thường, nếu không tuân lệnh sẽ bị cữu.
    Nay sức.
    Lê Thăng

    (Tinh thần thể dục - Nguyễn Công Hoan)

  49. Trà My
    Một địa danh thuộc miền núi của tỉnh Quảng Nam, nay là hai huyện Bắc Trà My và Nam Trà My, là địa bàn sinh sống của các dân tộc Ca Dong (Xê Đăng), M'nông, Co và Kinh. Trà My từ lâu nổi tiếng với đặc sản là cây quế.
  50. Đà Nẵng
    Tên thành phố thuộc Nam Trung Bộ, trước đây thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Nguồn gốc từ "Đà Nẵng" là biến dạng của từ Chăm cổ Daknan, nghĩa là "vùng nước rộng lớn" hay "sông lớn", "cửa sông cái" vì thành phố nằm bên bờ sông Hàn. Dưới thời nhà Nguyễn, Đà Nẵng có tên là Cửa Hàn, là thương cảng lớn nhất miền Trung. Cuộc xâm lược của Pháp tại Việt Nam khởi đầu chính tại thành phố này.

    Hiện nay Đà Nẵng là một thành phố hiện đại, trong lành, có tiềm năng du lịch rất lớn, và được xem là thành phố đáng sống nhất Việt Nam.

    Bến sông Hàn ngày xưa

    Bến sông Hàn ngày xưa

    Cầu sông Hàn, một trong những biểu tượng của Đà Nẵng

    Cầu sông Hàn, một trong những biểu tượng của Đà Nẵng

  51. Đa
    Một loại cây thân thuộc, được coi như biểu tượng của làng quê Việt Nam, cùng với giếng nước và sân đình. Cây đa cổ thụ có tán rất rộng, có nhiều gốc và rễ phụ. Ở một số địa phương, cây đa còn được gọi là cây đa đa, hoặc cây da. Theo học giả An Chi, tên cây bắt nguồn từ đa căn thụ 多根樹 (cây nhiều rễ), “một hình thức dân dã mà văn chương Phật giáo dùng để mô tả và gọi tên cây một cách súc tích nhất có thể có.”

    Cây đa Tân Trào

    Cây đa Tân Trào

  52. Muôn
    Mười nghìn (từ cũ), đồng nghĩa với vạn.
  53. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  54. Nhiễu
    Hàng dệt bằng tơ, sợi ngang xe rất săn, làm cho mặt nổi cát.
  55. Dẫn cưới
    Đưa lễ đến nhà gái để xin cưới.
  56. Đá hoa
    Còn gọi là cẩm thạch, một loại đá có giá trị cao, thường dùng để tạc tượng hoặc các vật trang trí trong nhà.

    Lăng mộ Taj Mahal được làm từ đá hoa

    Lăng mộ Taj Mahal được làm từ đá hoa

  57. Đồng bạch
    Cũng gọi là đồng thòa, hợp kim của đồng với niken, gọi như vậy vì có màu trắng bạc lấp lánh thay vì màu đỏ thông thường của đồng. Đồng bạch thường được dùng để đúc, tiện những vật trang trí tinh xảo.

    Lư làm bằng đồng bạch

    Lư làm bằng đồng bạch

  58. Tiền trinh
    Tiền xu bằng đồng, đục lỗ ở giữa để xâu thành chuỗi.

    ... Khốn nạn, con mụ tái mặt. Nó vội giơ phắt hai cánh tay lên trời. Thầy quản khoác súng vào vai, dần dần lần các túi áo.
    Túi bên phải: một gói thuốc lào. Thầy chẳng nói gì, quẳng toạch xuống đất.
    Túi bên trái: bốn đồng trinh.
    - À, con này gớm thật, mày vẫn còn trinh à?
    Chẳng biết cho là câu nói ý nhị hay nói hớ, thầy quản liếc mắt cười tủm, rồi lại nắn.

    (Lập gioòng - Nguyễn Công Hoan)

  59. Bức bàn
    Kiểu cửa gỗ rộng suốt cả gian, gồm nhiều cánh rời dễ tháo lắp, thường có trong các kiểu nhà cũ.

    Cử bức bàn tại lăng Hoàng Gia, Tiền Giang

    Cửa bức bàn tại lăng Hoàng Gia, Tiền Giang

  60. Bức thuận
    Bức vách ngăn giữa các gian, phòng trong những công trình cổ, thường được chạm trổ tinh xảo để trang trí.
  61. Tứ linh
    Bốn loài vật thiêng trong văn hóa của nhiều nước phương Đông chịu ảnh hưởng của Trung Quốc, gồm long (rồng), lân (kì lân, cũng gọi là ly), quy (rùa) và phụng (chim phượng).

    Tứ linh (tranh Đông Hồ)

    Tứ linh (tranh Đông Hồ)

  62. Vóc
    Một loại vải tơ tằm, bóng mịn, có hoa, dệt bằng sợi đồng màu, dùng làm tán thờ thần hay may y phục cho vua chúa, quan lại.
  63. Có bản chép: Bộ ba áo nhiễu để mặc chơi ngày thường.
  64. Lim
    Một loại cây cho gỗ rất quý. Gỗ lim là một trong bốn loại gỗ "tứ thiết" (cứng như sắt) của nước ta, gồm đinh, lim, sến, táu. Gỗ cứng, chắc, nặng, không bị mối mọt; có màu hơi nâu đến nâu thẫm, nếu để lâu hay ngâm nước bùn thì mặt gỗ chuyển sang màu đen.

    Cây lim cổ thụ

    Cây lim cổ thụ

    Gỗ lim

    Gỗ lim

  65. Đồng Môn
    Địa danh xưa là một xã thuộc tổng Thượng Nhị, huyện Thạch Hà, trấn Nghệ An, nay thuộc địa phận tỉnh Hà Tĩnh.
  66. Cổ Đạm
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Đây là vùng đất nổi tiếng về truyền thống lịch sử và văn hoá với “nôi” ca trù Cổ Đạm, nghề làm gốm cổ truyền (nồi đất Cổ Đạm) và nhiều di tích lịch sử - văn hoá như Đình Hoa Vân Hải, đền Phan Tôn Chu, Đền Nguyễn Xí, Đền Cửa Bà, Chùa Bến, Đền Tống...

    Làm gốm ở Cổ Đạm

    Làm gốm ở Cổ Đạm

  67. Bố Chính
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Bố Chính, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  68. Xuân Liễu
    Cũng phát âm thành Xuân Liệu, tên một xã cũ thuộc huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
  69. Bầy tui
    Chúng tôi, bọn tôi (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  70. Nạm
    Nắm, nhúm (nạm tóc, nạm gạo...).
  71. Cáy hôi
    Một giống cáy chân có lông, được xem là nguyên liệu làm mắm cáy ngon nhất.
  72. Thạch Hạ
    Địa danh nay là một xã thuộc thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh.
  73. Văn Tràng
    Mộ làng thuộc xóm Bắc Hải xã Kỳ Hải, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.
  74. Chạy cá
    Buôn bán cá.
  75. Trung Hạ
    Địa danh nay là một thôn thuộc xã Kỳ Trinh, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh.
  76. Đết
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Đết, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  77. Kỳ Thọ
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.
  78. Trửa
    Giữa (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  79. Mệ
    Bà cụ già, mẹ (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  80. Đàng Trong
    Cũng gọi là Nam Hà, một khái niệm bắt nguồn từ thời Trịnh-Nguyễn phân tranh vào thế kỷ 17, chỉ phần lãnh thổ Đại Việt từ sông Gianh trở vào Nam, do chúa Nguyễn kiểm soát. Đàng Trong chấm dứt sự tồn tại của nó trong lịch sử từ năm 1786, khi phong trào Tây Sơn lật đổ chế độ Vua Lê-Chúa Trịnh.

    Xứ Đàng Trong (Cochinchine) với quần đảo Hoàng Sa (Isles Pracel), trong bản đồ của Joachim Ottens, năm 1710

    Xứ Đàng Trong (Cochinchine) với quần đảo Hoàng Sa (Isles Pracel), trong bản đồ của Joachim Ottens, năm 1710

  81. Mắc
    Bận làm một việc gì đó (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  82. Khảo đao
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Khảo đao, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  83. Công đường
    Nơi quan trường dưới chế độ phong kiến. Người Nam Bộ cũng gọi chữ này là công đàng.
  84. Tỉnh Hà Nội
    Một trong số 13 tỉnh được thành lập sớm nhất ở Bắc Kỳ, lập vào năm 1831 dưới thời Minh Mạng.

    Tỉnh Hà Nội gồm có 4 phủ: Hoài Đức (kinh thành Thăng Long cũ và huyện Từ Liêm thuộc phủ Quốc Oai của tỉnh Sơn Tây), các phủ Ứng Hòa, Lý Nhân, Thường Tín của trấn Sơn Nam Thượng. Tỉnh lỵ là thành Thăng Long cũ. Phủ Ứng Hòa có 4 huyện Chương Đức (sau đổi là Chương Mỹ), Hoài An, Sơn Minh và Thanh Oai. Phủ Lý Nhân có 5 huyện Bình Lục, Duy Tiên, Kim Bảng, Nam Xương và Thanh Liêm. Phủ Thường Tín có 3 huyện Phú Xuyên, Thanh Trì và Thượng Phúc. Tổng cộng tỉnh Hà Nội có 15 huyện thuộc 4 phủ trên.

  85. Nam Định
    Một địa danh nay là một tỉnh thuộc đồng bằng Bắc Bộ. Nam Định có bề dày truyền thống lịch sử và văn hoá từ thời kì dựng nước, là quê hương của nhiều danh nhân như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Hiền, Lương Thế Vinh, Trần Tế Xương, Nguyên Hồng, Văn Cao... Ở đây cũng có nhiều di tích, lễ hội dân gian, đặc sản...

    Đền Trần ở Nam Định

    Đền Trần ở Nam Định

  86. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  87. Thanh Hóa
    Một tỉnh nằm ở Bắc Trung Bộ, là một trong những cái nôi của người Việt. Cư dân Việt từ xa xưa đã sinh sống trên đồng bằng các sông lớn như sông Mã hay sông Chu. Nền văn minh Đông Sơn được coi là sớm nhất của người Việt cũng thuộc tỉnh này.

    Trong lịch sử, đã có giai đoạn Thanh Hóa được gọi là Thanh Hoa. Nhưng đến thời nhà Nguyễn, do kị húy với tên vương phi Hồ Thị Hoa mà tên tỉnh được đổi thành Thanh Hóa cho đến nay.

    Thanh Hóa có nhiều danh lam thắng cảnh và lịch sử nổi tiếng như Vườn quốc gia Bến En, suối cá thần Cẩm Lương, bãi biển Sầm Sơn, khu di tích Lam Kinh, cầu Hàm Rồng... Đây cũng là nơi địa linh nhân kiệt, là quê hương của các nhân vật lịch sử nổi tiếng như Dương Đình Nghệ, Lê Hoàn, Lê Lợi, các chúa Trịnh, Nguyễn...

    Suối cá thần Cẩm Lương

    Suối cá thần Cẩm Lương

  88. Cau
    Loại cây nhiều đốt, thân nhỏ và cao vút, có quả dùng để ăn với trầu.

    Cây cau

    Cây cau

    Quả cau và lá trầu

    Quả cau và lá trầu

  89. Nghệ An
    Tỉnh có diện tích lớn nhất nước ta, nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ, phía Bắc giáp tỉnh Thanh Hóa, phía Nam giáp tỉnh Hà Tĩnh, phía Tây giáp Lào và phía Đông giáp biển Đông. Trước đây, Nghệ An với Hà Tĩnh được gọi là Hoan Châu, trải qua nhiều lần sáp nhập và chia tách với tỉnh Hà Tĩnh, từ năm 1991 tỉnh Nghệ An lại tách ra như ngày nay.

    Nghệ An là nơi có nhiều danh thắng đẹp như biển Cửa Lò, sông Lam, vườn quốc gia Pù Mát... Đây cũng là nơi sản sinh ra rất nhiều danh nhân văn hóa - lịch sử như Mai Hắc Đế, Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh...

    Biển Cửa Lò

    Biển Cửa Lò

  90. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  91. Hưng Yên
    Một tỉnh nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc Bộ của nước ta. Tỉnh Hưng Yên trước đây thuộc trấn Sơn Nam, đến năm Minh Mạng thứ 12 (1831), tỉnh được thành lập. Hưng Yên được xem là vùng đất "địa linh nhân kiệt," là quê hương của rất nhiều danh nhân văn hóa - lịch sử: Phạm Ngũ Lão, Hoàng Hoa Thám, Hải Thượng Lãn Ông, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Tô Ngọc Vân... Về sản vật, nhãn lồng Hưng Yên nổi tiếng khắp cả nước từ xưa đến nay.

    Một góc thành phố Hưng Yên về đêm

    Một góc thành phố Hưng Yên về đêm

  92. Hỏa lò
    Cái lò lửa (từ Hán Việt).
  93. Thái Bình
    Địa danh nay là một tỉnh ven biển ở đồng bằng Bắc Bộ, cách thủ đô Hà Nội khoảng 110 km. Phần đất thuộc tỉnh Thái Bình ngày nay trước đây thuộc về trấn Sơn Nam. Tới năm Thành Thái thứ hai (1890) tỉnh Thái Bình được thành lập. Tỉnh có nhiều khu du lịch và danh lam thắng cảnh nổi tiếng như bãi biển Đồng Châu, cồn Vành, chùa Keo... Các ngành nghề truyền thống như chạm bạc, làm chiếu ở đây cũng khá phát triển. Ngoài ra, Thái Bình còn được mệnh danh là Quê Lúa.

    Bãi biển Đồng Châu

    Bãi biển Đồng Châu

  94. Nem
    Một món ăn làm từ thịt lợn, lợi dụng men của các loại lá (lá ổi, lá sung...) và thính gạo để ủ chín, có vị chua ngậy. Nem được chia làm nhiều loại như nem chua, nem thính... Nem phổ biến ở nhiều vùng, mỗi vùng đều có hương vị riêng: Vĩnh Yên, làng Ước Lễ (Hà Đông), làng Vẽ (Hà Nội), Quảng Yên (Quảng Ninh), Thanh Hóa, Đông Ba (Huế), Ninh Hòa (Khánh Hòa), Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh), Lai Vung (Đồng Tháp)...

    Nem chua

    Nem chua

  95. Ninh Bình
    Một tỉnh nằm ở cửa ngõ cực nam miền Bắc và khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Vùng đất này từng là kinh đô nước ta vào thế kỉ 10, là địa bàn quan trọng về quân sự qua các thời kỳ Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Tây Sơn. Với vị trí đặc biệt về giao thông, địa hình và lịch sử văn hóa, Ninh Bình là tỉnh có tiềm năng du lịch phong phú và đa dạng.

    Cố đô Hoa Lư

    Cố đô Hoa Lư, Ninh Bình

  96. Hải Dương
    Một tỉnh nằm ở đồng bằng sông Hồng, cách thủ đô Hà Nội 57km. Hải Dương là một trong những vùng đất "địa linh nhân kiệt", gắn liền với tên tuổi Trần Hưng Đạo, Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Mạc Đĩnh Chi, Tuệ Tĩnh, Đoàn Nhữ Hài cùng các di tích lịch sử như đền Kiếp Bạc, đền Tranh, Côn Sơn... Tại đây cũng nổi tiếng về quả vải. Vải Thanh Hà từ lâu đã trở thành loại trái cây có tiếng khắp cả nước.

    Cổng đền Kiếp Bạc

    Cổng đền Kiếp Bạc

  97. Xứ Đông
    Tên một địa danh cổ, một trấn ở phía Đông của Kinh thành Thăng Long xưa. Xứ Đông bao gồm một vùng văn hóa rộng lớn ở Đông Bắc đồng bằng sông Hồng, gồm các tỉnh Hải Dương (nằm ở trung tâm), Hải Phòng, Quảng Ninh và một phần đất thuộc hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình.

    Tứ xứ

    Tứ xứ

  98. Sơn Tây
    Một địa danh ở Bắc Bộ, nay là thị xã trực thuộc thủ đô Hà Nội. Vào thế kỉ 15, đây là trấn sở Sơn Tây, đổi thành tỉnh Sơn Tây vào năm Minh Mệnh thứ hai (1832). Sơn Tây nổi tiếng có làng Đường Lâm, quê hương của hai vị vua Ngô Quyền và Phùng Hưng, nên gọi là đất hai vua.

    Cổng vào làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây)

    Cổng vào làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây)

  99. Bắc Cạn
    Hay Bắc Kạn, một tỉnh thuộc vùng Đông Bắc, nổi tiếng với hồ Ba Bể, kì quan thiên nhiên được xem là một trong hai mươi hồ đẹp nhất thế giới. Ngoài ra, ở đây còn có các danh thắng khác như động Puông, động Hua Mạ, động Nàng Tiên, động Nả Phòong, động Ba Cửa, hang Sơn Dương...

    Hồ Ba Bể

    Hồ Ba Bể

  100. Gia Định
    Tên gọi một tỉnh ở miền Nam nước ta dưới thời triều Nguyễn. Tỉnh Gia Định xưa nằm giáp ở phía Nam tỉnh Đồng Nai, có thủ phủ là thành Gia Định. Dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, vào năm 1957, tỉnh Gia Định gồm 6 quận: Gò Vấp, Tân Bình, Hóc Môn, Thủ Đức, Nhà Bè, Bình Chánh, đến năm 1970 thêm Quảng Xuyên và Cần Giờ. Đến tháng 6/1975, tỉnh Gia Định (ngoại trừ 2 quận Cần Giờ và Quảng Xuyên) được sáp nhập với Đô thành Sài Gòn, cộng thêm một phần các tỉnh Long An, Bình Dương, Hậu Nghĩa để trở thành thành phố Sài Gòn - Gia Định. Đến ngày 2 tháng 7 năm 1976, thành phố Sài Gòn - Gia Định được chính thức đổi tên là Thành phố Hồ Chí Minh.

    Ngày nay, địa danh Gia Định chỉ còn dùng để chỉ khu vực trung tâm quận Bình Thạnh của Thành phố Hồ Chí Minh.

  101. Phủ Đình
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Phủ Đình, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  102. Chư hầu
    Tên gọi chung của những vua chúa cấp dưới bị phụ thuộc, phải phục tùng vua chúa lớn mạnh hơn. Những nhà quý tộc do một hoàng đế phong tước để cai trị một vùng đất cũng gọi là chư hầu.
  103. Tàu
    Cách nhân dân ta gọi nước Trung Quốc hay người Trung Quốc (người Hoa), thường có ý khinh miệt. Theo học giả An Chi, chữ này có gốc từ tào 曹 (quan lại). Bác sĩ Trần Ngọc Ninh giảng là do chữ Tào là họ cuả Ngụy Tào Tháo. Lại có tên Ba Tàu, đến nay vẫn chưa thống nhất nguồn gốc của tên này.
  104. Thiên Lôi
    Vị thần có nhiệm vụ làm ra sấm sét theo tưởng tượng của người xưa. Thiên Lôi thường được khắc họa là một vị thần tính tình nóng nảy, mặt mũi đen đúa dữ tợn, tay cầm lưỡi búa (gọi là lưỡi tầm sét). Trong văn hóa Việt Nam, Thiên Lôi còn được gọi là ông Sấm, thần Sấm, hoặc thần Sét.
  105. Trảy
    Hái, ngắt.
  106. Giòn
    Xinh đẹp, dễ coi (từ cổ).
  107. Khoai lang
    Một loại cây nông nghiệp với rễ củ lớn, chứa nhiều tinh bột, có vị ngọt, gọi là củ khoai lang. Nhân dân ta trồng và sử dụng khoai lang làm lương thực, tận dụng cả phần củ (rễ), thân, và lá.

    Thu hoạch khoai lang

    Thu hoạch khoai lang

  108. , hay giê, hoạt động làm cho lúa sạch bằng cách đổ từ trên cao xuống cho gió cuốn đi những bụi rác (phương ngữ Trung và Nam Bộ).