Tìm kiếm "cả mười"

  • Nón em đang đội trên đầu

    Nón em đang đội trên đầu
    Anh mà giật mất dạ sầu em thay
    Lấy gì mà đội hôm nay
    Anh mua nón khác, nón này em xin
    Nón em chả đáng đồng tiền
    Chưa kết được bạn chưa yên cửa nhà
    Nón em mua ở tỉnh xa
    Mua ở Hà Nội quan ba mươi đồng
    Trở về gặp khách má hồng
    Sao anh ăn ở ra lòng thờ ơ
    Mua nón, em phải mua tua
    Nón này thầy mẹ em mua rành rành
    Nhẽ đâu em để cho anh
    Về nhà mẹ mắng, em đành bảo sao

  • Một thương tóc bỏ đuôi gà

    Một thương tóc bỏ đuôi gà
    Hai thương ăn nói mặn mà có duyên
    Ba thương má lúm đồng tiền
    Bốn thương răng nhánh hạt huyền kém thua
    Năm thương cổ yếm đeo bùa
    Sáu thương nón thượng quai tua dịu dàng
    Bảy thương nết ở khôn ngoan
    Tám thương ăn nói dịu dàng thêm xinh
    Chín thương em ở một mình
    Mười thương con mắt có tình với ai.

  • Một yêu mặt trắng má tròn

    Một yêu mặt trắng má tròn
    Hai yêu môi mọng thoa son điểm hồng
    Ba yêu mắt sáng mày cong
    Bốn yêu mái tóc nực nồng nước hoa
    Năm yêu mảnh áo ngắn tà
    Sáu yêu quần trắng là đà gót sen
    Bảy yêu vóc liễu dịu mềm
    Tám yêu giọng nói vừa hiền vừa vui
    Chín yêu học thức hơn người
    Mười yêu, yêu cả đức tài hình dong!

  • Một mừng ăn một miếng trầu

    Một mừng ăn một miếng trầu
    Hai mừng ta gặp nhau đây tự tình
    Ba mừng tài sắc đều xinh
    Bốn mừng bác mẹ sinh thành được đôi
    Năm mừng nguyện ước một lời
    Sáu mừng duyên phận bởi trời xui nên
    Bảy mừng gặp được bạn hiền
    Tám mừng giải tấm lòng nguyền thủy chung
    Chín mừng tài tử anh hùng
    Mười mừng ta ở cùng chung một nhà
    Mừng chàng mừng thực mừng thà
    Em nay tri kỉ không là mừng chơi
    Chàng ơi ghi hết mọi nơi
    Xin chàng mừng lại cho tôi bằng lòng

  • Nghĩ xa xôi lại nghĩ gần

    Nghĩ xa xôi lại nghĩ gần
    Làm thân con nhện mấy lần vương tơ
    Chắc về đâu trong đục mà chờ
    Hoa thơm mất tuyết, biết nương nhờ về đâu
    Số em giàu, lấy khó cũng giàu
    Số em nghèo, chín đụn mười trâu cũng nghèo
    Phải duyên phải kiếp thì theo
    Thân em có quản khó nghèo làm chi!
    Chữ nhân duyên thiên tải nhất thì
    Giàu ăn, khó chịu, lo gì mà lo

  • Một thương em nhỏ móng tay

    Một thương em nhỏ móng tay
    Hai thương em bậu khéo may yếm đào
    Ba thương cám cảnh phù lao
    Bốn thương em bậu miệng chào có duyên
    Năm thương má lúm đồng tiền
    Sáu thương em bậu như tiên chăng là
    Bảy thương em có nguyệt hoa
    Tám thương em có bậu làm qua phải lòng
    Chín thương nước mắt ròng ròng
    Mười thương em bậu phải lòng qua chăng
    Mười một thương em hãy còn son
    Mười hai thương vú dậy đã tròn như vung
    Mười ba thương em đã có chồng
    Bước qua mười bốn trong lòng thọ trai
    Mười lăm sinh đặng con trai
    Sang năm mười sáu đặng hai đời chồng
    Mười bảy em còn ở không
    Đến năm mười tám lấy chồng căn duyên
    Mười chín lấy thợ đóng thuyền
    Hai mươi lấy lính quan quyền thờ vua
    Hai mốt lấy chàng câu cua
    Hăm hai lên chùa mê mệt thầy tu
    Hai ba lấy thợ đóng dù
    Bước qua hăm bốn lấy phu đi đàng
    Lỡ duyên em bậu ngỡ ngàng
    Trở về em lấy dân làng cho xong.

  • Tháng giêng là nắng hơi hơi

    Tháng giêng là nắng hơi hơi
    Tháng hai là nắng giữa trời nắng ra
    Thứ nhất là nắng tháng ba
    Tháng tư có nắng nhưng mà nắng non
    Tháng năm nắng đẹp nắng giòn
    Tháng sáu có nắng bóng tròn về trưa
    Tháng bảy là nắng vừa vừa
    Tháng tám là nắng tờ ơ thế này
    Tháng chín nắng gắt nắng gay
    Tháng mười có nắng, nhưng ngày nắng không
    Tháng một là nắng mùa đông
    Tháng chạp có nắng nhưng không có gì

    Dị bản

    • Tháng giêng thì nắng hơi hơi
      Tháng hai thì nắng tuyết giời nắng ra
      Tháng ba được trận nắng già
      Tháng tư có nắng nhưng mà nắng non
      Tháng năm nắng đẹp nắng ròn
      Tháng sáu có nắng bóng tròn về trưa
      Tháng bảy vừa nắng vừa mưa
      Tháng tám còn nắng nhưng chưa ngắn ngày
      Tháng chín nắng ớt, nắng cay
      Tháng mười có nắng nhưng ngày ngắn hơn

  • Anh ơi, phải lính thì đi

    Anh ơi! phải lính thì đi
    Cửa nhà mọi việc em thì chẳng sai
    Tháng chạp là tiết trồng khoai
    Tháng giêng trồng đậu, tháng hai trồng cà
    Tháng ba cày vỡ đất ra
    Tháng tư gieo mạ, thuận hòa mọi nơi
    Tháng mười gặt hái vừa rồi
    Trời đổ mưa xuống, nước trôi đầy đồng
    Anh ơi, hãy giữ việc công
    Để em cày cấy, mặc lòng em lo

    Dị bản

    • Anh ơi, phải lính thì đi
      Cửa nhà đơn chiếc đã thì có em

    • Anh ơi, phải lính thì đi
      Con còn măng dại đã thì có em

  • Tháng giêng là gió hây hây

    Tháng giêng là gió hây hây
    Tháng hai gió mát, trăng bay vào đền
    Tháng ba gió đưa nước lên
    Tháng tư gió đánh cho mềm ngọn cây
    Tháng năm là tiết gió tây
    Tháng sáu gió mát cấy cày tính sao
    Tháng bảy gió lọt song đào
    Tháng tám là tháng tạt vào hôm mai
    Tháng chín là tháng gió ngoài
    Tháng mười là tháng heo may rải đồng
    Tháng một gió về mùa đông
    Tháng chạp gió lạnh gió lùng, chàng ơi
    Mười hai tháng gió tôi đã họa rồi
    Mưa đâu, chàng họa một bài cùng nghe!

  • Thôi thôi đã lỡ ra rồi

    Thôi thôi đã lỡ ra rồi
    Bồng con ra ngồi coi thử giống ai
    Cái mặt thì giống tuần Hai
    Cái vai Tư Chõng, xương sống giống biện Tài
    Chân mày giống Tám Lịch
    Cái đít giống hịt bầu Khuê
    Cái đề giống Tư Đũi
    Cái mũi giống Ba Hầu
    Cái đầu lại giống Ba Phó
    Còn cái chứng ngó thì thiệt giống Mười Trương

  • Ai đem tôi đến chốn này

    Ai đem tôi đến chốn này
    Bên kia Vạ Cháy, bên này Bang Gai
    Trên đồn có lão quan hai
    Cửa Lục tàu đậu một vài chỗ sâu
    Thằng Tây mưu mẹo đã lâu
    Đóng ba chiếc tầu chạy cạn cả ba
    Một chiếc thì chạy Cốt Na
    Chiếc vào Hà Sú, chiếc ra Hà Lầm
    Mười giờ rưỡi nó kéo còi tầm
    Cu li đâu đấy về nằm nghỉ ngơi
    Đến mười hai giờ bốn mươi
    Síp lê một tiếng muôn người kéo ra
    Nó quát một tiếng chẳng là
    Nó quát hai tiếng giãn ra hai hàng
    Xướng thẻ thì xướng rõ ràng
    Nó biên vào sổ đi làm táo tươi
    Người thì ghè đá nung vôi
    Người thì vác gỗ ai coi cho tường
    Người thì xẻ đất đắp đường
    Người thì đánh sắt ở trong lò rèn
    Người thì xẻ ván đóng xe
    Người thì chẻ trúc, chẻ tre đan lồng
    Người xe hỏa, người máy rồng
    Người biên kho gỗ, người trông kho dầu

  • Tháng giêng ăn tết ở nhà

    Tháng giêng ăn tết ở nhà
    Tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè
    Tháng tư đong đậu nấu chè
    Ăn tết Đoan Ngọ trở về tháng năm
    Tháng sáu buôn nhãn bán trâm
    Tháng bảy ngày rằm, xá tội vong nhân
    Tháng tám chơi đèn kéo quân
    Trở về tháng chín chung chân buôn hồng
    Tháng mười buôn thóc, bán bông
    Tháng một tháng chạp nên công hoàn thành.

  • Trong nhà anh lát đá hoa

    Trong nhà anh lát đá hoa
    Chân tảng đồng bạch, lợp nhà tiền trinh
    Cửa bức bàn anh lồng kính thủy tinh
    Hai bên bức thuận anh chạm tứ linh rồng chầu
    Nhà anh kín trước rào sau
    Tường xây bốn mặt hơn đâu hỡi nàng
    Nhà anh vóc nhiễu nghênh ngang
    Nhiễu điều lót áo cho nàng đi chơi
    Áo này anh sắm mười đôi
    Bộ ba áo nhiễu mặc chơi ngày thường
    Dù nàng có bụng nàng thương
    Thì anh quyết đóng bốn thang giường gỗ lim

  • Ngồi rồi may túi đựng trời

    Ngồi rồi may túi đựng trời
    Đan phên chắn gió, giết voi xem giò
    Ngồi rồi vác thước đi đo
    Đo hết núi Sở về đo chùa Thầy
    Lên ngàn, đo gió đo mây
    Xuống sông đo nước, về đây đo người,
    Đo người mười tám đôi mươi
    Mười tám chẳng được, đo người mười lăm.

    Dị bản

    • Ngồi buồn may túi đựng trời,
      Đem sề sảy đá, giết voi xem giò.
      Ngồi buồn đem thước đi đo,
      Đo từ núi Sở, núi So, núi Thầy
      Lên trời đo gió đo mây
      Xuống sông đo nước, lại đây đo người.
      Đo từ mười tám, đôi mươi
      Đo lên chẳng được, đo người mười lăm.
      Tuổi em vừa đúng trăng rằm,
      Tuổi anh mười sáu kết trăm năm vừa.

    • Ngồi buồn may túi đựng trời,
      Đem sề sảy đá, giết voi xem giò.
      Ngồi buồn đem thước ra đo,
      Đo từ núi Sở, núi So, núi Thầy
      Lên trời đo gió đo mây
      Xuống sông đo nước, về đây đo người.
      Đo từ mười tám, đôi mươi
      Đo được một người vừa đẹp vừa xinh.

  • Tiếc thay trong giá trắng ngần

    Tiếc thay trong giá trắng ngần,
    Lỗi thì nên phải đem thân bùn lầy.
    Sá chi mặt nước chân mày,
    Thân sao thân khéo đọa đầy mấy thân.
    Phận bồ lắm nỗi gian truân,
    Khiến cho chẳng vẹn mười phần như ai.
    Tiếc người da trắng tóc dài,
    Tiếc người thục nữ hôm mai tự tình.

  • Tôi chào cô Hai như sao mai rạng mọc

    Tôi chào cô Hai như sao Mai rạng mọc
    Tôi chào cô Ba như hạt ngọc lung linh
    Tôi chào cô Tư như thủy tinh trong vắt
    Tôi chào cô Năm như hương ngát bông lan
    Tôi chào cô Sáu như hào quang lóng lánh
    Tôi chào cô Bảy như cuốn sách chạm bìa vàng
    Tôi chào cô Tám như hai làng liễn cẩn
    Chào cô Chín như rồng ẩn mây xanh
    Chào cô Mười như chim oanh uốn lưỡi trên cành
    Chào rồi tôi chụp hỏi rành rành
    Hỏi căn cơ hà xứ phụ mẫu cùng huynh đệ thiểu đa
    Hỏi cho biết cửa biết nhà
    Nhờ ông mai tới nói, nay tới chết tôi cũng quyết giao hòa với một cô.

  • Tháng Giêng, tháng Hai, tháng Ba, tháng Bốn, tháng khốn, tháng nạn

    Tháng Giêng, tháng Hai, tháng Ba, tháng Bốn, tháng khốn, tháng nạn
    Đi vay đi dạm được một quan tiền
    Ra chợ Kẻ Diên mua con gà mái về nuôi, hắn đẻ ra mười trứng
    Một trứng: ung
    Hai trứng: ung
    Ba trứng: ung
    Bốn trứng: ung
    Năm trứng: ung
    Sáu trứng: ung
    Bảy trứng: ung
    Còn ba trứng nở ra ba con
    Con diều tha
    Con quạ bắt
    Con cắt xơi
    Chớ than phận khó ai ơi
    Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây.

  • Một quan tiền tốt mang đi

    – Một quan tiền tốt mang đi
    Nàng mua những gì mà tính chẳng ra?
    – Thoạt tiên mua ba tiền gà,
    Tiền rưỡi gạo nếp với ba đồng trầu.
    Trở lại mua sáu đồng cau,
    Tiền rưỡi miếng thịt, bó rau  mười đồng.
    Có gì mà tính chẳng thông?
    Tiền rưỡi gạo tẻ, sáu đồng chè tươi.
    Ba mươi đồng rượu, chàng ơi!
    Ba mươi đồng mật, hai mươi đồng vàng.
    Hai chén nước mắm rõ ràng,
    Hai bảy mười bốn, kẻo chàng hồ nghi.
    Hăm mốt đồng bột nấu chè,
    Mười đồng nải chuối, chẵn thì một quan.

Chú thích

  1. Tỉnh Hà Nội
    Một trong số 13 tỉnh được thành lập sớm nhất ở Bắc Kỳ, lập vào năm 1831 dưới thời Minh Mạng.

    Tỉnh Hà Nội gồm có 4 phủ: Hoài Đức (kinh thành Thăng Long cũ và huyện Từ Liêm thuộc phủ Quốc Oai của tỉnh Sơn Tây), các phủ Ứng Hòa, Lý Nhân, Thường Tín của trấn Sơn Nam Thượng. Tỉnh lỵ là thành Thăng Long cũ. Phủ Ứng Hòa có 4 huyện Chương Đức (sau đổi là Chương Mỹ), Hoài An, Sơn Minh và Thanh Oai. Phủ Lý Nhân có 5 huyện Bình Lục, Duy Tiên, Kim Bảng, Nam Xương và Thanh Liêm. Phủ Thường Tín có 3 huyện Phú Xuyên, Thanh Trì và Thượng Phúc. Tổng cộng tỉnh Hà Nội có 15 huyện thuộc 4 phủ trên.

  2. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  3. Má hồng
    Từ chữ hồng nhan (cũng nói là hường nhan ở Nam Bộ), từ dùng trong văn thơ cổ chỉ người con gái đẹp.

    Phận hồng nhan có mong manh
    Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương

    (Truyện Kiều)

  4. Quai thao
    Còn gọi quai tua, phần quai để giữ nón quai thao. Một bộ quai thao gồm từ hai đến ba sợi thao (dệt từ sợi tơ) bện lại với nhau, gọi là quai kép, thả võng đến thắt lưng. Khi đội phải lấy tay giữ quai ở trước ngực để tiện điều chỉnh nón.

    Chiếc nón quai thao ngày xưa

    Chiếc nón quai thao ngày xưa

  5. Thầy mẹ
    Cha mẹ (phương ngữ miền Bắc).

    Con đi mười mấy năm trời,
    Một thân, một bóng, nửa đời gió sương.
    Thầy đừng nhớ, mẹ đừng thương,
    Cầm như đồng kẽm ngang đường bỏ rơi!
    Thầy mẹ ơi, thầy mẹ ơi,
    Tiếc công thầy mẹ đẻ người con hư!

    (Thư gửi thầy mẹ - Nguyễn Bính)

  6. Huyền
    Một loại đá màu đen nhánh, dùng làm đồ trang sức. Cũng chỉ màu đen nhánh như hạt huyền.

    Chuỗi hạt huyền

    Chuỗi hạt huyền

  7. Răng đen
    Người xưa có phong tục nhuộm răng đen. Từ điển Văn hoá cổ truyền Việt Nam, Nhà xuất bản Thế giới, 2002, trang 511, nói về nhuộm răng như sau:

    "Phong tục người Việt cổ coi răng càng đen càng đẹp. Trước khi nhuộm đen phải nhuộm đỏ. Thuốc nhuộm răng đỏ là cánh kiến đỏ trộn với rượu rồi đun quánh như bột nếp. Quét bột này lên mảnh lá chuối hột ấp vào răng trước khi đi ngủ. Làm nhiều lần cho đến khi hàm răng bóng ánh nổi màu cánh gián. Thuốc nhuộm đen: phèn đen, vỏ lựu khô, quế chi, hoa hồi, đinh hương nghiền nhỏ, hòa giấm hoặc rượu, đun cho quánh như hồ dán. Quét lên lá chuối đắp lên răng như nhuộm đỏ. Từ 5 đến 7 ngày thuốc mới bám vào răng, nổi màu đen thẫm rồi đen bóng. Súc miệng bằng nước cốt dừa. Kiêng ăn thịt mỡ, cua cá, vật cứng, nóng. Có khi chỉ nuốt cơm hoặc húp cháo. Kể cả nhuộm đỏ và đen, thời gian kéo dài đến nửa tháng."

    Xem phóng sự về phong tục nhuộm răng và ăn trầu.

    Răng đen

    Răng đen

  8. Áo yếm đeo bùa
    Một kiểu áo của phụ nữ ngày xưa. Người mặc yếm đeo thêm một cái bùa nhỏ, vừa để làm đẹp vừa có ý nghĩa tâm linh.
  9. Nón quai thao
    Còn gọi là nón ba tầm, nón thúng, một loại nón xưa của phụ nữ đồng bằng Bắc Bộ. Nón làm bằng lá gồi hoặc lá cọ, mặt nón rộng 70 - 80 cm, hình bánh xe, đỉnh bằng, có vành cao độ 10 - 12 cm. Mặt dưới nón gắn một vành tròn vừa đầu người đội, gọi là khua. Quai nón dài, khi đội thì thả võng đến thắt lưng, người đội dùng tay giữ quai. Quai nón làm bằng từ một 1 tới 8 dây thao đen kết bằng tơ, chỉ, ngoài bọc tơ dệt liên tục. Đời nhà Trần, nón này được cải tiến cho cung nữ đội và gọi là nón thượng.

    Phụ nữ Hà Nội đội nón quai thao (đầu thế kỉ 20).

    Phụ nữ Hà Nội đội nón quai thao (đầu thế kỉ 20).

  10. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  11. Bác mẹ
    Cha mẹ (từ cổ).
  12. Tri kỉ
    Người thân thiết, hiểu rõ mình, từ chữ tri (biết) và kỉ (mình).
  13. Mai
    Còn gọi là mơ, một loại cây thân nhỏ, nhiều cành, rất phổ biến các nước Đông Á, nhất là Trung Quốc và Nhật Bản. Cây ra hoa vào cuối mùa đông, đầu mùa xuân. Hoa mai nhỏ, mỗi hoa có năm cánh, thường hoa có màu trắng, mặc dù một số giống mai có thể cho hoa màu hồng hay đỏ sẫm. Trong văn học cổ, mai thường được dùng như một hình ảnh ước lệ, đại diện cho người phụ nữ. Lưu ý, cây mai này không phải là loại mai vàng của miền Nam nước ta.

    Hoa mai

    Hoa mai

  14. Đụn
    Kho thóc.
  15. Quản
    E ngại (từ cổ).
  16. Thiên tải nhất thì
    Nghìn năm mới có một lần (chữ Hán).
  17. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  18. Yếm
    Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

  19. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  20. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  21. Tháng một
    Tháng thứ mười một trong âm lịch, tục gọi là tháng Một (không phải là nói tắt của "tháng Mười Một").
  22. Chạp
    Tháng thứ mười hai âm lịch. Có thuyết cho chạp do đọc trạch từ tiếng Hán lạp nguyệt mà ra.
  23. Mạ
    Cây lúa non. Sau khi ngâm ủ thóc giống, người ta có thể gieo thẳng các hạt thóc đã nảy mầm vào ruộng lúa đã được cày, bừa kỹ hoặc qua giai đoạn gieo mạ trên ruộng riêng để cây lúa non có sức phát triển tốt, sau một khoảng thời gian thì nhổ mạ để cấy trong ruộng lúa chính.

    Bó mạ

    Bó mạ

    Cấy lúa

    Cấy lúa

  24. Song đào
    Cửa sổ làm bằng gỗ xoan đào.
  25. Heo may
    Một loại gió nhẹ, hơi lạnh và khô, thường thổi vào mùa thu.

    Chỉ còn anh và em
    Cùng tình yêu ở lại…
    - Kìa bao người yêu mới
    Đi qua cùng heo may.

    (Thơ tình cuối mùa thu - Xuân Quỳnh)

  26. Tuần đinh
    Người giúp việc canh phòng trong làng xã dưới thời phong kiến hoặc Pháp thuộc.
  27. Biện tuần
    Một chức vụ dưới thời Pháp thuộc, chuyên lo việc biên kí, sổ sách.
  28. Hịt
    Hệt (phương ngữ Nam Bộ).
  29. Đề
    Móng (thường dùng cho thú vật).
  30. Bãi Cháy
    Tên cổ là Vạ Cháy, nay là một phường thuộc thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Ngày xưa đây là khu bãi cát ven biển, nơi ngư dân bảo dưỡng thuyền gỗ bằng cách đốt lửa thui thuyền (dưới đáy và bên sườn thuyền thường có con hà bám vào rất chắc có thể ăn hỏng thuyền), do lửa khói quanh năm mà thành tên. Ngày nay với bãi biển bãi cháy, đây là một địa điểm du lịch có tiếng ở Quảng Ninh.

    Bãi biển Bãi Cháy

    Bãi biển Bãi Cháy

  31. Hồng Gai
    Cũng gọi là Hòn Gai, tên cũ là Bang Gai hoặc Áng Gai, nay là một phường thuộc thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Cuối thế kỷ 19 trở về trước, đây là một vùng vắng vẻ, cư dân thưa thớt, vốn chỉ là vũng biển đậu thuyền. Tại đây có mỏ Hòn Gai, một mỏ than đã được đưa vào khai thác từ thời Pháp thuộc.

    Một góc mỏ than Hòn Gai thời Pháp thuộc

    Một góc mỏ than Hòn Gai thời Pháp thuộc

  32. Quan hai
    Tên gọi thời Pháp thuộc của cấp hàm trung úy (lieutenant). Gọi vậy vì quân hàm này có 2 vạch.
  33. Cửa Lục
    Vịnh biển nhỏ ở thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, chỉ rộng 18 km² và chỗ sâu nhất chỉ 17m.

    Vịnh Cửa Lục ngày nay

    Vịnh Cửa Lục ngày nay

  34. Tức tàu hỏa.
  35. Nagotna
    Một mỏ than thuộc quyền sở hữu của công ti Than Bắc Kì dưới thời Pháp thuộc, nối với mỏ than Hà Tu bằng một tuyến đường sắt dài 3km.
  36. Hà Tu
    Tên cũ là Hà Sú, nay là một phường thuộc thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Tại đây có mỏ than Hà Tu, vào thời Pháp thuộc thuộc sự quản lí của công ti than Bắc Kì.

    Đường sắt mỏ Hà Tu (Nguồn: Thư viện quốc gia Pháp)

    Đường sắt mỏ Hà Tu (Nguồn: Thư viện quốc gia Pháp)

  37. Hà Lầm
    Địa danh nay là một phường thuộc thành phố Hạ Long. Tại đây có mỏ Hà Lầm, một mỏ than đã được đưa vào khai thác từ thời Pháp thuộc.
  38. Còi tầm
    Còi báo bắt đầu hoặc kết thúc giờ làm việc các xưởng, mỏ, công trường, nhà máy…
  39. Cu li
    Từ tiếng Pháp coolie, chỉ người lao động làm những công việc nặng nhọc.
  40. Síp lê
    Từ tiếng Pháp siffler nghĩa là huýt còi.
  41. Một hàng nam, một hàng nữ.
  42. Đoan Ngọ
    Còn gọi là tết giết sâu bọ, tết đoan dương, đoan ngũ, tổ chức ngày năm tháng năm âm lịch, là ngày tết truyền thống ở ta cũng như Trung Quốc và Triều Tiên. Truyền thuyết về ngày tết này ở mỗi nước đều khác nhau. Trong ngày này, dân ta thường uống rượu nếp hay ăn cơm rượu, bánh tro và các loại trái cây để cho sâu bọ trong người say và chết.

    Những món dùng trong ngày tết Đoan Ngọ

    Những món dùng trong ngày tết Đoan Ngọ

  43. Trâm
    Một loại cây gỗ cao, tán rộng, có quả nạc nhỏ hình bầu dục thon, xanh lúc ban đầu, khi chín chuyển sang màu hồng và cuối cùng có màu tím đen, ăn có vị ngọt chát.

    Quả trâm chín

    Quả trâm chín

  44. Xá tội vong nhân
    Xá tội: tha tội, vong nhân: người chết. Thời xưa quan niệm khi người ta chết, ai có tội sẽ bị giam dưới âm phủ, đến rằm tháng bảy (âm lịch) thì được Diêm Vương tha cho về dương thế một ngày. Do vậy cứ đến ngày này mỗi năm, người trần lại cúng cháo, gạo, muối, tiền vàng, quần áo... cho quỷ đói để chúng không quấy nhiễu.
  45. Đèn kéo quân
    Còn gọi là đèn cù, là một loại đồ chơi bằng giấy có nguồn gốc từ Trung Quốc, ngày xưa phổ biến trong nhiều dịp lễ tết, nay chỉ còn xuất hiện trong dịp Tết Trung Thu. Đèn có đặc điểm khi thắp nến thì những hình ảnh được thiết kế bên trong sẽ hiện ra trên mặt đèn và xoay vòng theo một chiều liên tục không dừng lại.

    Đèn kéo quân

    Đèn kéo quân

  46. Chung chân
    Góp vốn buôn bán chung với nhau.
  47. Chân tảng
    Chân đá tảng để dựng cột nhà.

    Chân tảng

    Chân tảng

  48. Đồng bạch
    Cũng gọi là đồng thòa, hợp kim của đồng với niken, gọi như vậy vì có màu trắng bạc lấp lánh thay vì màu đỏ thông thường của đồng. Đồng bạch thường được dùng để đúc, tiện những vật trang trí tinh xảo.

    Lư làm bằng đồng bạch

    Lư làm bằng đồng bạch

  49. Tiền trinh
    Tiền xu bằng đồng, đục lỗ ở giữa để xâu thành chuỗi.

    ... Khốn nạn, con mụ tái mặt. Nó vội giơ phắt hai cánh tay lên trời. Thầy quản khoác súng vào vai, dần dần lần các túi áo.
    Túi bên phải: một gói thuốc lào. Thầy chẳng nói gì, quẳng toạch xuống đất.
    Túi bên trái: bốn đồng trinh.
    - À, con này gớm thật, mày vẫn còn trinh à?
    Chẳng biết cho là câu nói ý nhị hay nói hớ, thầy quản liếc mắt cười tủm, rồi lại nắn.

    (Lập gioòng - Nguyễn Công Hoan)

  50. Bức bàn
    Kiểu cửa gỗ rộng suốt cả gian, gồm nhiều cánh rời dễ tháo lắp, thường có trong các kiểu nhà cũ.

    Cử bức bàn tại lăng Hoàng Gia, Tiền Giang

    Cửa bức bàn tại lăng Hoàng Gia, Tiền Giang

  51. Tứ linh
    Bốn loài vật thiêng trong văn hóa của nhiều nước phương Đông chịu ảnh hưởng của Trung Quốc, gồm long (rồng), lân (kì lân, cũng gọi là ly), quy (rùa) và phụng (chim phượng).

    Tứ linh (tranh Đông Hồ)

    Tứ linh (tranh Đông Hồ)

  52. Nhiễu
    Hàng dệt bằng tơ, sợi ngang xe rất săn, làm cho mặt nổi cát.
  53. Nhiễu điều
    Tấm nhiễu màu đỏ, dùng phủ lên những đồ vật quý để trang trí và che bụi.
  54. Lim
    Một loại cây cho gỗ rất quý. Gỗ lim là một trong bốn loại gỗ "tứ thiết" (cứng như sắt) của nước ta, gồm đinh, lim, sến, táu. Gỗ cứng, chắc, nặng, không bị mối mọt; có màu hơi nâu đến nâu thẫm, nếu để lâu hay ngâm nước bùn thì mặt gỗ chuyển sang màu đen.

    Cây lim cổ thụ

    Cây lim cổ thụ

    Gỗ lim

    Gỗ lim

  55. Rồi
    Rảnh rỗi.
  56. Phên
    Đồ đan bằng tre, nứa, cứng và dày, dùng để che chắn. Một số vùng ở Bắc Trung Bộ gọi là phên thưng, bức thưng.

    Tấm phên

    Tấm phên

  57. Núi Sở
    Một ngọn núi ở huyện Chương Mỹ, trước thuộc tỉnh Hà Tây, nơi có chùa Trăm Gian.

    Chùa Trăm Gian

    Chùa Trăm Gian

  58. Chùa Thầy
    Một ngôi chùa ở chân núi Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây cũ (nay là xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội). Hội chùa Thầy diễn ra từ ngày mùng 5 đến ngày mùng 7 tháng ba Âm lịch hàng năm.

    Phong cảnh chùa Thầy

    Phong cảnh chùa Thầy

    Lễ rước hội chùa Thầy

    Lễ rước hội chùa Thầy

  59. Sề
    Đồ đan mắt thưa, nan thô, rộng, to hơn rổ, thường dùng đựng bèo, khoai...
  60. Núi So
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Núi So, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  61. Núi Thầy
    Còn gọi là Sài Sơn, thuộc huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây cũ, nay là xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Ở chân núi là di tích chùa Thầy nổi tiếng. 

    Chùa Thầy bên chân núi Sài Sơn

    Chùa Thầy bên chân núi Sài Sơn

  62. Ác là
    Còn có tên là bồ các, một loại chim lớn (có thể dài từ 40-50 cm) có đầu, cổ và ngực màu đen bóng, bụng và vai màu trắng. Ác là loài ăn tạp, chúng có thể ăn từ chim non tới trứng, thú, sâu bọ nhỏ, hạt ngũ cốc và nhiều thứ khác. Có lẽ vì vậy trong ca dao dân ca, ác là thường tượng trưng cho điều xấu hoặc những kẻ độc ác. Tuy nhiên trong văn hóa Trung Quốc, ác là lại có tên là hỉ thước, tượng trưng cho điềm lành.

    Bồ các (ác là)

    Ác là

  63. Dải đất nền phía trước hoặc chung quanh nhà.
  64. Tréo que tréo quảy
    Tréo ngoe tréo ngoảy - ngược đời (phương ngữ miền Trung).
  65. Trảy
    Loại cây thuộc họ tre trúc, thân thẳng, không có gai.
  66. Nậu
    Nghĩa gốc là một nhóm nhỏ cùng làm một nghề (nên có từ "đầu nậu" nghĩa là người đứng đầu). 

Ví dụ: “Nậu nguồn” chỉ nhóm người khai thác rừng, “Nậu nại” chỉ nhóm người làm muối, “Nậu rổi” chỉ nhóm người bán cá, “Nậu rớ” chỉ nhóm người đánh cá bằng rớ vùng nước lợ, “Nậu cấy” chỉ nhóm người đi cấy mướn, “Nậu vựa” chỉ nhóm người làm mắm... Từ chữ “Nậu” ban đầu, phương ngữ Phú Yên-Bình Định tỉnh lược đại từ danh xưng ngôi thứ ba (cả số ít và số nhiều) bằng cách thay từ gốc thanh hỏi. Ví dụ: Ông ấy, bà ấy được thay bằng: “ổng,” “bả.” Anh ấy, chị ấy được thay bằng: “ảnh,” “chỉ.” 

Và thế là “Nậu” được thay bằng “Nẩu” hoặc "Nẫu" do đặc điểm không phân biệt dấu hỏi/ngã khi phát âm của người miền Trung. 

Người dân ở những vùng này cũng gọi quê mình là "Xứ Nẫu."
  67. Ngoi nam
    Mua thưa, nhỏ hạt trong mùa hè, trước khi có gió Lào thổi.
  68. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  69. Phận bồ
    Phận bồ liễu, chỉ thân phận người con gái.
  70. Thục nữ
    Người con gái hiền dịu, nết na (từ Hán Việt).
  71. Sao Kim
    Hành tinh thứ hai trong hệ Mặt Trời, khi xuất hiện lúc chiều tối thì được gọi là sao Hôm, khi xuất hiện lúc sáng sớm thì được gọi là sao Mai. Người xưa lầm tưởng sao Hôm và sao Mai là hai ngôi sao riêng biệt. Trong thi ca, sao Hôm là hoán dụ của hoàng hôn, còn sao Mai là hoán dụ của bình minh.
  72. Lan
    Tên chung của một họ cây thân thảo lưu niên, thường cho hoa đẹp, do đó được trồng rất phổ biến. Hoa lan rất đa dạng về màu sắc và hình dạng, nhưng hoa của tất cả những loài lan đều có cấu tạo gồm ba lá đài và ba cánh hoa, trong đó có một cánh môi, luôn to hơn và có hình dạng rất khác hai cánh hoa còn lại. Vì ba lá đài của hoa lan khá giống với những cánh hoa chính nên thường có sự nhầm lẫn là hoa lan có sáu cánh. Hoa lan thường được chia làm phong lan, sống trên những thân gỗ mục lơ lửng trên cao, và địa lan, mọc trên lớp đất mùn. Hoa lan ưa nơi râm mát và độ ẩm cao nên những khu rừng và cao nguyên ở nước ta như Nam Cát Tiên, Tây Nguyên, Yên Bái, Sa Pa là nơi sống của nhiều loài lan quý như giả hạc, ngọc điểm, lan hài, ...

    Lan ngọc điểm (còn gọi là nghênh xuân hay đai châu)

    Lan ngọc điểm (còn gọi là nghênh xuân hay đai châu)

  73. Liễn
    Dải vải hoặc giấy, hoặc tấm gỗ dài dùng từng đôi một, trên có viết câu đối, thường mang ý nghĩa tốt đẹp, cầu hạnh phúc may mắn cho chủ nhà. Liễn thường được treo song song với nhau, gọi là cặp (đôi) liễn.

    Liễn

    Liễn

  74. Oanh
    Tên gọi chung của một số loài chim có bộ lông đẹp và giọng hát hay. Trong văn chương cổ, chim oanh tượng trưng cho điều cao quý.

    Gần xa nô nức yến oanh
    Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân

    (Truyện Kiều)

    Chim oanh cổ đỏ

    Chim oanh cổ đỏ

  75. Cha mẹ quê quán ở đâu, anh chị em nhiều hay ít.
  76. Làm mai
    Còn gọi là làm mối, mai mối. Người làm mai gọi là ông (bà) mối hay ông (bà) mai, là người đứng trung gian, giới thiệu cho hai bên trai gái làm quen hoặc cưới nhau.
  77. Nghĩa giao hòa
    Nghĩa vợ chồng (dùng trong ca dao dân ca).
  78. Diên Sanh
    Tên Nôm là kẻ Diên, một làng xưa thuộc xã Diên Thọ, huyện Lợi Điều, châu Thuận Hóa, nay thuộc xã Hải Thọ, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Tại đây có những địa danh như làng Diên Sanh, chợ Diên Sanh (chợ Kẻ Diên), chùa Diên Thọ, chùa Diên Bình, chùa Diên Phước, nhà thờ Diên Sanh...

    Chợ Diên Sanh ngày nay

    Chợ Diên Sanh ngày nay

  79. Cắt
    Loài chim ăn thịt hay chim săn mồi, có cánh mỏng và nhọn, cho phép chúng lao xuống bắt mồi với tốc độ rất cao.

    Chim cắt

    Chim cắt

  80. Có bản chép: Con mặt cắt xơi
  81. Ba câu cuối này có bản chép:

    Con mặt cắt lôi
    Lấy chi đâm lộc nảy chồi
    Lâu ngày cũng qua...

  82. Tiền quý
    Tiền có hai hạng, tiền quý (còn gọi là cổ tiền, tiền tốt) thì một tiền bằng 60 đồng tiền kẽm (một quan bằng 10 tiền, tức 600 đồng kẽm), tiền gián (còn gọi là sử tiền) thì một tiền bằng 36 đồng kẽm (tức một quan bằng 360 đồng kẽm). Hình thức lưu hành hai loại tiền tệ này xuất hiện vào khoảng thế kỉ 18, và tồn tại không lâu vì cách tính phức tạp của nó.
  83. Có bản chép: Nàng mua những gì hãy tính cho ra.
  84. Có bản chép: giá, rau.
  85. Chè
    Cũng gọi là trà, tên chung của một số loại cây được trồng lấy lá nấu thành nước uống. Một loại có thân mọc cao, lá lớn và dày, có thể hái về vò nát để nấu uống tươi, gọi là chè xanh. Loại thứ hai là chè đồn điền du nhập từ phương Tây, cây thấp, lá nhỏ, thường phải ủ rồi mới nấu nước, hiện được trồng ở nhiều nơi, phổ biến nhất là Thái Nguyên và Bảo Lộc thành một ngành công nghiệp.

    Đồi chè Thái Nguyên

    Đồi chè Thái Nguyên

  86. Vàng
    Vàng mã để đốt cho người đã khuất.