Tìm kiếm "ván cờ"

Chú thích

  1. Nam Kỳ lục tỉnh
    Tên gọi miền Nam Việt Nam thời nhà Nguyễn, trong khoảng thời gian từ năm 1832 tới năm 1862 (khi Pháp chiếm 3 tỉnh Miền Đông) và năm 1867 (khi Pháp chiếm nốt 3 tỉnh Miền Tây), bao gồm sáu (lục) tỉnh:

    1. Phiên An, sau đổi thành Gia Định (tỉnh lỵ là tỉnh thành Sài Gòn),
    2. Biên Hòa (tỉnh lỵ là tỉnh thành Biên Hòa),
    3. Định Tường (tỉnh lỵ là tỉnh thành Mỹ Tho) ở miền Đông;
    4. Vĩnh Long (tỉnh lỵ là tỉnh thành Vĩnh Long),
    5. An Giang (tỉnh lỵ là tỉnh thành Châu Đốc),
    6. Hà Tiên (tỉnh lỵ là tỉnh thành Hà Tiên) ở miền Tây.

    Bản đồ Lục tỉnh năm 1808

    Bản đồ Lục tỉnh năm 1808

  2. Gá duyên
    Kết thành nghĩa vợ chồng.
  3. Bùi Kiệm
    Tên một nhân vật phản diện trong truyện thơ Lục Vân Tiên. Y và Trịnh Hâm là bạn đồng hành của Lục Vân Tiên, Vương Tử Trực và Hớn Minh khi lên kinh ứng thí, nhưng rất ghen ghét và đố kị tài năng của Lục Vân Tiên. Sau này, Trịnh Hâm lừa đẩy Lục Vân Tiên xuống sông, còn Bùi Kiệm thì ép Kiều Nguyệt Nga phải lấy mình. Về cuối truyện, Lục Vân Tiên thành trạng nguyên, Hớn Minh đòi giết Trịnh Hâm và Bùi Kiệm, nhưng Vân Tiên truyền thả, đuổi về quê.

    Trịnh Hâm khỏi giết rất vui,
    Vội vàng cúi lạy chân lui ra về.
    Còn người Bùi Kiệm máu dê,
    Ngồi chai bề mặt như sề thịt trâu.

  4. Lục Vân Tiên
    Tên nhân vật chính, đồng thời là tên tác phẩm truyện thơ Nôm nổi tiếng của Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), được sáng tác theo thể lục bát vào đầu những năm 50 của thế kỷ 19, đề cao đạo lý làm người. Lục Vân Tiên là một chàng trai khôi ngô tuấn tú, tài kiêm văn võ, cùng với Kiều Nguyệt Nga, một người con gái chung thủy, đức hạnh trải qua nhiều sóng gió nhưng cuối cùng cũng đạt được hạnh phúc.

    Đối với người dân Nam Bộ, truyện Lục Vân Tiên có sức ảnh hưởng rất lớn, được xem là hơn cả Truyện Kiều của Nguyễn Du.

  5. Răng đen
    Người xưa có phong tục nhuộm răng đen. Từ điển Văn hoá cổ truyền Việt Nam, Nhà xuất bản Thế giới, 2002, trang 511, nói về nhuộm răng như sau:

    "Phong tục người Việt cổ coi răng càng đen càng đẹp. Trước khi nhuộm đen phải nhuộm đỏ. Thuốc nhuộm răng đỏ là cánh kiến đỏ trộn với rượu rồi đun quánh như bột nếp. Quét bột này lên mảnh lá chuối hột ấp vào răng trước khi đi ngủ. Làm nhiều lần cho đến khi hàm răng bóng ánh nổi màu cánh gián. Thuốc nhuộm đen: phèn đen, vỏ lựu khô, quế chi, hoa hồi, đinh hương nghiền nhỏ, hòa giấm hoặc rượu, đun cho quánh như hồ dán. Quét lên lá chuối đắp lên răng như nhuộm đỏ. Từ 5 đến 7 ngày thuốc mới bám vào răng, nổi màu đen thẫm rồi đen bóng. Súc miệng bằng nước cốt dừa. Kiêng ăn thịt mỡ, cua cá, vật cứng, nóng. Có khi chỉ nuốt cơm hoặc húp cháo. Kể cả nhuộm đỏ và đen, thời gian kéo dài đến nửa tháng."

    Xem phóng sự về phong tục nhuộm răng và ăn trầu.

    Răng đen

    Răng đen

  6. Lọc lừa
    Chọn đi lọc lại (cũng nói là "lừa lọc", trong đó "lừa" do từ "lựa" đọc trại đi).

    Bây giờ gương vỡ lại lành,
    Khuôn thiêng lừa lọc, đã đành có nơi.

    (Truyện Kiều)

  7. Bánh tráng
    Miền Trung và miền Nam gọi là bánh tráng, miền Bắc gọi là bánh đa. Đây một dạng loại bánh làm từ bột gạo, tráng mỏng, phơi khô, khi ăn có thể nướng giòn hoặc ngâm sơ với nước cho mềm để cuốn các thức ăn khác. Ngoài ra, bánh tráng còn có thể được làm với các thành phần khác để tạo thành bánh tráng mè, bánh tráng đường, bánh tráng dừa... mỗi loại có hương vị khác nhau.

    Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng

    Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng

  8. Bánh ít
    Loại bánh dẻo làm bằng bột nếp, có mặt ở nhiều địa phương, có nơi gọi là bánh ếch hay bánh ết. Tùy theo từng vùng mà bánh ít có hình dạng và mùi vị khác nhau: hình vuông, hình tháp, hình trụ dài, gói lá chuối, lá dứa, không nhân, nhân mặn, nhân ngọt... Bánh ít là món bánh không thể thiếu trong các dịp lễ Tết, giỗ cúng.

    Bánh ít lá gai

    Bánh ít lá gai

    Bánh ít trần

    Bánh ít trần

  9. Bánh ít lá gai
    Gọi tắt là bánh gai, một loại bánh ít đặc sản của miền Trung. Bánh làm từ lá gai quết nhuyễn với bột dẻo, tạo cho lớp áo ngoài của bánh có màu xanh đen đặc trưng. Nhưn (nhân) bánh thường là đậu xanh, dừa, đường, thêm chút quế và vani để tạo mùi thơm; đôi khi người ta cũng làm nhân bánh từ tôm xào với thịt, tạo ra món bánh ít mặn.

    Lá gai

    Lá gai

    Bánh ít lá gai

    Bánh ít lá gai

  10. Bánh phu thê
    Còn gọi là bánh xu xê, xu xuê, một loại bánh ngọt cổ truyền, thành phần chủ yếu là bột gạo, bột năng, đậu xanh, đường trắng, được gói trong hai lớp lá chuối và lá dừa, tùy nơi mà bánh có màu sắc và nhân khác nhau. Bánh tượng trưng cho tình nghĩa vợ chồng, thường được dùng trong các dịp cưới hỏi.

    "...Bánh xu xê. Cái tên kì khôi này ở đâu mà ra? Thứ bột vàng và trong như hổ phách ấy, dẻo và quánh dưới hàm răng, là một thứ bánh rất ngon. Dù sao, cũng là một thứ bột thẳng thắn, vì nó dễ cho ta đoán trước để mà thèm thuồng những cái ngon ngọt hơn ẩn náu bên trong. Qua cái màu vàng óng ánh ấy, màu trắng của sợi dừa và màu vàng nhạt của đậu thêm một sắc nóng ấm và thân mật. Tôi bao giờ cũng ưa thức ăn nào có một hình sắc đẹp đẽ, cái đẹp lúc trông ngắm giúp nhiều cho cái thưởng thức lúc ăn lắm." (Hà Nội băm sáu phố phường - Thạch Lam)

    Bánh phu thê

    Bánh phu thê

  11. Bánh giầy
    Cũng viết là bánh dầy hoặc bánh dày, một loại bánh truyền thống của dân tộc ta. Bánh thường được làm bằng xôi đã được giã thật mịn, có thể có nhân đậu xanh và sợi dừa với vị ngọt hoặc mặn. Bánh có thể được làm vào các dịp Tết cổ truyền của dân tộc Việt và vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch (ngày giỗ tổ), nhằm thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông và đất trời xứ sở. Theo truyền thuyết, Lang Liêu, hoàng tử đời Hùng Vương thứ 6 là người nghĩ ra bánh chưng và bánh giầy.

    Cùng với bánh chưng, bánh giầy có thể tượng trưng cho quan niệm về vũ trụ của người Việt xưa. Bánh có màu trắng, hình tròn, được coi là đặc trưng cho bầu trời trong tín ngưỡng của người Việt. Có ý kiến lại cho rằng bánh chưng và bánh giầy tượng trưng cho dương vật và âm hộ trong tín ngưỡng phồn thực Việt Nam.

    Bánh giầy

    Bánh giầy

  12. Bánh chưng
    Một loại bánh truyền thống của dân tộc ta, làm từ gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, lá dong. Bánh thường được làm vào các dịp Tết cổ truyền của dân tộc Việt và ngày giổ tổ Hùng Vương, nhằm thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông và đất trời xứ sở. Theo quan niệm phổ biến hiện nay, cùng với bánh giầy, bánh chưng tượng trưng cho quan niệm về vũ trụ của cha ông ta.

    Bánh chưng

    Bánh chưng

  13. Trôm
    Một loại cây thân gỗ, cho mủ (nhựa) có vị ngọt, thường được dùng làm thức uống giải khát.

    Khai thác mủ trôm

    Khai thác mủ trôm

  14. Sao Kim
    Hành tinh thứ hai trong hệ Mặt Trời, khi xuất hiện lúc chiều tối thì được gọi là sao Hôm, khi xuất hiện lúc sáng sớm thì được gọi là sao Mai. Người xưa lầm tưởng sao Hôm và sao Mai là hai ngôi sao riêng biệt. Trong thi ca, sao Hôm là hoán dụ của hoàng hôn, còn sao Mai là hoán dụ của bình minh.
  15. Tù và
    Một loại dụng cụ làm từ sừng trâu, sừng bò, ngà voi, hoặc các loại vỏ ốc, thường dùng để báo hiệu bằng cách thổi vào phần đáy. Trong chiến tranh, tù và được dùng để đốc thúc tinh thần quân sĩ. Tù và cũng là nhạc cụ truyền thống của một số dân tộc thiểu số.

    Tù và sừng trâu

    Tù và sừng trâu

  16. Mảng
    Mải, mê mải (từ cũ).
  17. Bánh canh
    Một món ăn bao gồm nước dùng được nấu từ tôm, cá và giò heo thêm gia vị tùy theo từng loại. Sợi bánh to, được làm từ bột gạo, bột mì, hoặc bột sắn hoặc bột gạo pha bột sắn. Trảng Bàng (Tây Ninh) là nơi có đặc sản bánh canh có thể xem là nổi tiếng nhất nước ta.

    Bánh canh Trảng Bàng

    Bánh canh Trảng Bàng

  18. Bánh canh ngọt
    Loại chè được làm từ sợi bánh canh nấu với nước đường, thêm gừng cho thơm.

    Chè bánh canh

    Chè bánh canh

  19. Rượu bọt bỏ ve
    Cách gọi nước ngọt hoặc xá xị của người Nam Bộ ngày trước, theo Sơn Nam. Xem thêm ve.
  20. Kết tóc xe tơ
    Kết tóc: Thuở xưa, con trai và con gái đều để tóc dài bới lên đầu. Trong đêm tân hôn, tóc của dâu rể được các nữ tì buộc vào nhau. Xe tơ: Xem chú thích Nguyệt Lão.

    Kết tóc xe tơ có nghĩa là cưới nhau, thành vợ thành chồng.

  21. Hiệp
    Họp, hợp (sum họp, hòa hợp) (phương ngữ Nam Bộ).
  22. Kiều Nguyệt Nga
    Tên nhât vật nữ chính trong truyện thơ Lục Vân Tiên. Kiều Nguyệt Nga là một người con gái xinh đẹp, đức hạnh, được Vân Tiên cứu thoát khỏi tay bọn cướp Phong Lai. Nghe tin Vân Tiên chết, nàng đã ôm bức hình Vân Tiên nhảy xuống sông tự vẫn, nhưng được Phật Bà đưa dạt vào vườn hoa nhà họ Bùi. Bùi Kiệm ép nàng lấy hắn. Nàng trốn đi, nương tựa nhà một bà lão dệt vải. Sau này khi Vân Tiên dẹp giặc Ô Qua, đi lạc vào rừng đã gặp lại Nguyệt Nga, hai người sống sum vầy hạnh phúc.

    Kiều Nguyệt Nga được người dân Nam Bộ xem là biểu tượng của lòng chung thủy.

  23. Quảng Nam
    Tên một tỉnh ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, trước đây bao gồm cả thành phố Đà Nẵng, gọi chung là tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Quảng Nam có nghĩa là "mở rộng về phương Nam." Tỉnh Quảng Nam giàu truyền thống, độc đáo về bản sắc văn hóa với những danh tích như thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An...

    Vẻ đẹp Hội An

    Vẻ đẹp Hội An

  24. Hải Phòng
    Một địa danh nay là thành phố Hải Phòng, thành phố cảng lớn nhất thuộc miền Bắc nước ta. Theo thư tịch cũ, toàn địa bàn xứ Đông (Hải Dương) xưa - bao gồm cả Hải Phòng ngày nay - thời Hùng Vương thuộc bộ Dương Tuyền, là một trong 15 bộ của nhà nước Văn Lang. Đến cuối thế kỉ 19, Hải Phòng đã thành một trong các thành phố lớn nhất nước. Về văn hóa, tại đây có nhiều đền chùa thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo, Lê HoànNgô Quyền, đồng thời là quê hương của các nhạc sĩ lớn như Văn Cao, Hoàng Quý, Đoàn Chuẩn, Ngô Thụy Miên... Hải Phòng cũng là một trung tâm du lịch nổi tiếng của Việt Nam với bãi biển Đồ Sơn và quần đảo Cát Bà. Vì có nhiều hoa phượng nên Hải Phòng còn được gọi là thành phố hoa phượng đỏ.

    Một góc Hải Phòng

    Một góc Hải Phòng

  25. Sông Hồng
    Còn gọi là sông Cái, con sông lớn nhất chảy qua các tỉnh miền Bắc với nhiều phụ lưu cũng là các con sông lớn như sông Đà, sông Lô... Vùng hạ lưu sông gọi là đồng bằng sông Hồng, rất rộng lớn và màu mỡ, là vựa lúa lớn thứ hai của cả nước (sau đồng bằng sông Cửu Long). Đoạn chảy qua Thăng Long trước đây gọi là Nhị Hà.

    Sông Hồng là con sông gắn liền với đời sống văn hoá, tình cảm của người dân Bắc Bộ.

    Sông Hồng buổi chiều nhìn từ cầu Long Biên

    Sông Hồng buổi chiều nhìn từ cầu Long Biên

  26. Hạ giới
    Nhân gian, theo quan niệm dân gian Trung Hoa và các nước đồng văn, là nơi người bình thường sinh hoạt, trái với thượng giới là nơi thần tiên ở.
  27. Phủ
    Tên gọi một đơn vị hành chính thời xưa, cao hơn cấp huyện nhưng nhỏ hơn cấp tỉnh. Đứng đầu phủ gọi là quan phủ, cũng gọi tắt là phủ.
  28. Phú quý
    Giàu có và sang trọng (từ Hán Việt).
  29. Vinh hoa
    Vẻ vang, được hưởng sung sướng về vật chất (từ Hán Việt).
  30. Thuyền quyên
    Gốc từ chữ thiền quyên. Theo từ điển Thiều Chửu: Thiền quyên 嬋娟  tả cái dáng xinh đẹp đáng yêu, cho nên mới gọi con gái là thiền quyên.

    Trai anh hùng, gái thuyền quyên
    Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng

    (Truyện Kiều)

  31. Má hồng
    Từ chữ hồng nhan (cũng nói là hường nhan ở Nam Bộ), từ dùng trong văn thơ cổ chỉ người con gái đẹp.

    Phận hồng nhan có mong manh
    Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương

    (Truyện Kiều)

  32. Gàu sòng
    Thứ gàu có cán dài, treo vào một cái gạc ba chân, một người tát.

    Tát gàu sòng

    Tát gàu sòng

  33. Gàu giai
    Có nơi gọi là gàu dây, dụng cụ nhà nông dùng để tát nước cho lúa hoặc tát ao, tát đầm khi bắt cá. Gàu giai được đan bằng tre, nứa hoặc mây. Khi tát nước, hai người đứng hai bên, mỗi người nắm một đầu thừng để cùng tát.

    Tát nước bằng gàu giai

    Tát nước bằng gàu giai

  34. Xâu
    Cũng gọi là sưu, món tiền mà người đàn ông từ mười tám tuổi trở lên phải nộp (sưu thế), hoặc những công việc mà người dân phải làm cho nhà nước phong kiến hay thực dân (đi xâu).
  35. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  36. Dao lá trúc
    Dao sắc bén và mỏng như lá trúc.
  37. Tứ bề
    Bốn bề, xung quanh.
  38. Đèo bòng
    Mang lấy vào mình cái làm cho vương vấn, bận bịu thêm (thường nói về tình cảm yêu đương).
  39. Khánh Hòa
    Một tỉnh duyên hải thuộc Nam Trung Bộ. Khánh Hòa có bờ biển dài hơn 200 km và gần 200 hòn đảo lớn nhỏ, nhiều vịnh biển đẹp như Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh... cùng khu du lịch quốc tế bắc bán đảo Cam Ranh. Với khí hậu ôn hòa và nhiều di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng khác, Khánh Hòa đã trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước.

    Vịnh Vân Phong tỉnh Khánh Hòa

    Vịnh Vân Phong

  40. Chí
    Đến, kéo dài cho đến (từ Hán Việt).
  41. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  42. Phú Lộc
    Một làng nay thuộc xã Đại An, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, có nghề truyền thống là làm hương (nhang).
  43. Tri âm
    Bá Nha đời Xuân Thu chơi đàn rất giỏi, thường phàn nàn thiên hạ không ai thưởng thức được tiếng đàn của mình. Một lần Bá Nha đem đàn ra khảy, nửa chừng đàn đứt dây. Đoán có người rình nghe trộm, Bá Nha sai lục soát, bắt được người đốn củi là Tử Kỳ. Tử Kỳ thanh minh rằng nghe tiếng đàn quá hay nên dừng chân thưởng thức. Khi Bá Nha ngồi gảy đàn, tâm trí nghĩ tới cảnh non cao, Tử Kỳ nói: Nga nga hồ, chí tại cao sơn (Tiếng đàn cao vút, ấy hồn người ở tại núi cao). Bá Nha chuyển ý, nghĩ đến cảnh nước chảy, Tử Kỳ lại nói: Dương dương hồ, chí tại lưu thủy (Tiếng đàn khoan nhặt, ấy hồn người tại nơi nước chảy). Bá Nha bèn kết bạn với Tử Kỳ. Sau khi Tử Kỳ chết, Bá Nha đập vỡ đàn mà rằng "Trong thiên hạ không ai còn được nghe tiếng đàn của ta nữa." Do tích này, hai chữ tri âm (tri: biết, âm: tiếng) được dùng để nói về những người hiểu lòng nhau.
  44. Tằm
    Còn gọi là tằm tơ, ấu trùng của loài bướm tằm. Tằm ăn lá dâu tằm và nhả tơ thành kén. Tằm đã sẵn sàng nhả tơ được gọi là tằm chín, có màu vàng óng hoặc đỏ nâu bóng, trong suốt. Tơ tằm dùng để dệt lụa và có giá trị kinh tế cao.

    Tằm đang ăn lá dâu

    Tằm đang ăn lá dâu

    Kén tằm

    Kén tằm

  45. Tấn Tần
    Việc hôn nhân. Thời Xuân Thu bên Trung Quốc, nước Tần và nước Tấn nhiều đời gả con cho nhau. Tấn Hiến Công gả con gái là Bá Cơ cho Tần Mục Công. Tần Mục Công lại gả con gái là Hoài Doanh cho Tấn Văn Công. Việc hôn nhân vì vậy gọi là việc Tấn Tần.

    Trộm toan kén lứa chọn đôi,
    Tấn Tần có lẽ với người phồn hoa.

    (Truyện Hoa Tiên)

  46. Sắt cầm
    Đàn sắt và đàn cầm, hai loại đàn của Trung Quốc. Tương truyền, đàn sắt do vua Phục Hy chế ra vào khoảng gần ba nghìn năm trước công nguyên, còn đàn cầm do vua Thuấn chế ra khoảng một nghìn năm sau đó. Đàn sắt và đàn cầm thường được đánh hòa với nhau, vì vậy chữ sắt cầm, duyên cầm sắt được dùng để chỉ tình cảm vợ chồng.

    Chàng dù nghĩ đến tình xa
    Đem tình cầm sắt đổi ra cầm kỳ

    (Truyện Kiều)

  47. Quan thư
    Bài thơ mở đầu Kinh Thi. Thật ra những bài thơ trong Kinh Thi đều không có tiêu đề, người biên soạn thường lấy một hai từ đầu của bài thơ để đặt cho dễ nhớ. Riêng ở đây từ “quan thư” có thể hiểu là tiếng “chim thư kêu.” Bốn câu đầu của bài như sau:

    Quan quan thư cưu
    Tại hà chi châu.
    Yểu điệu thục nữ,
    Quân tử hảo cầu

  48. Tảo tần
    Cũng như tần tảo, chỉ người phụ nữ khéo thu vén công việc trong nhà. Tần 苹 là bèo, tảo 藻 là rong, hai thứ rau cỏ mọc dưới nước, người Trung Hoa cổ dùng vào việc cúng tế. Thơ "Thái tần" trong Kinh Thi ca ngợi người vợ biết chu toàn việc cúng tế tổ tiên, viết: "Vu dĩ thái tần, nam giản chi tân. Vu dĩ thái tảo, vu bỉ hành lạo" (Hái bèo ở đâu, bên bờ khe nam. Hái rong ở đâu, bên lạch nước kia). "Tảo tần" còn chỉ sự vất vả cực khổ.
  49. Canh cửi
    Sợi chỉ dọc (canh hoặc kinh) trên Khung cửi">khung dệt (cửi). Chỉ công việc dệt vải, dệt lụa.

    Dệt cưởi

    Dệt cửi

  50. Kinh sử
    Sách vở Nho giáo nói chung. Thời xưa sách vở được phân làm bốn loại: kinh (kinh điển), sử (lịch sử), tử (lời của các nhà tư tưởng), tập (tuyển tập văn thơ).
  51. Thì
    Thời, lúc.
  52. Chúa
    Chủ, vua.
  53. Từ đâu này đến cuối, có bản chép:

    Một mai chiếm bảng xuân vi
    Ấy là đề diệp tinh kỳ từ đây
    Ai ơi nghe thiếp lời này

  54. Căn duyên
    Theo giáo lý nhà Phật, hai người gặp nhau được là nhờ duyên nợ từ kiếp trước, hay còn gọi là nhân duyên. Lấy bản tính làm nhân duyên, gọi là căn duyên. Còn lấy ngoại cảnh làm duyên gọi là trần duyên. Cũng có sách gọi căn duyên là tâm duyên.
  55. Giang sơn
    Cũng gọi là giang san, nghĩa đen là sông núi, nghĩa rộng là đất nước. Từ này đôi khi cũng được hiểu là cơ nghiệp.
  56. Phong lưu
    Ngọn gió bay (phong), dòng nước chảy (lưu). Từ này vốn nghĩa là phẩm cách, tinh thần riêng của mỗi người, hiểu rộng ra là sung sướng, vui với cảnh, không phải chịu buồn khổ.

    Cõi trần thế nhân sinh là khách cả
    Nợ phong lưu kẻ giả có người vay

    (Nợ phong lưu - Nguyễn Công Trứ)

  57. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  58. Tàn
    Cũng gọi là tán, đồ dùng có cán dài cắm vào một khung tròn bọc nhiễu hoặc vóc, xung quanh rủ dài xuống, để che cho vua quan thời xưa, hoặc dùng trong các đám rước.

    Cái tàn vàng.

    Cái tàn vàng.

  59. Chín phương trời, mười phương Phật
    Một khái niệm của dân gian Trung Quốc và Việt Nam. Có một số cách giải thích khác nhau về khái niệm này, trong đó có: Chín phương trời (cửu thiên) gồm Đông, Tây, Nam, Bắc, Đông Nam, Đông Bắc, Tây Nam, Tây Bắc và trung ương. Mười phương Phật (thập phương chư Phật) gồm có Đông, Tây, Nam, Bắc, Đông Nam, Đông Bắc, Tây Nam, Tây Bắc, trên trời, dưới đất. Cũng có ý kiến cho rằng mười phương Phật gồm có cửu thiên cộng với Niết Bàn.

    Mười phương (thập phương) vì vậy mang nghĩa là rộng khắp, tất cả mọi nơi.

  60. Thiên hạ
    Toàn bộ mọi vật, mọi người. Đây là một khái niệm có gốc từ Trung Quốc (thiên 天 (trời) hạ 下 (ở dưới), nghĩa đen là "dưới gầm trời").

    "Nào ta biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ." (Chữ người tử tù - Nguyễn Tuân)

  61. Dãi
    Phơi ra giữa trời, chịu tác động của những biến đổi thời tiết.
  62. Đỗ quyên
    Có giả thuyết cho là chim cuốc. Theo hai học giả Đào Duy Anh và An Chi thì chim quyên là chim tu hú. Hình ảnh chim quyên trong ca dao dân ca thường tượng trưng cho những điều tốt đẹp.

    Chim tu hú

    Chim tu hú

  63. Thiếp
    Từ Hán Việt chỉ người vợ lẽ, hoặc cách người phụ nữ ngày xưa dùng để tự xưng một cách nhún nhường.
  64. Cầu Long Biên
    Cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng tại Hà Nội, do Pháp xây dựng (1898 - 1902), là cây cầu sắt dài thứ nhì thế giới thời bấy giờ (sau cầu Brooklyn ở Mỹ). Cầu ban đầu mang tên viên Toàn quyền Đông Dương là Paul Doumer, dân gian hay gọi là cầu sông Cái, cầu Bồ Đề, cầu Dốc Gạch. Năm 1954, cầu được đổi tên thành cầu Long Biên. Là một cây cầu lâu năm và có giá trị lịch sử, hiện nay có nhiều đề xuất tu sửa, cải tạo cầu Long Biên.

    Cầu Long Biên hồi đầu thế kỉ XX

    Cầu Long Biên hồi đầu thế kỉ 20

  65. Tỉnh Hà Nội
    Một trong số 13 tỉnh được thành lập sớm nhất ở Bắc Kỳ, lập vào năm 1831 dưới thời Minh Mạng.

    Tỉnh Hà Nội gồm có 4 phủ: Hoài Đức (kinh thành Thăng Long cũ và huyện Từ Liêm thuộc phủ Quốc Oai của tỉnh Sơn Tây), các phủ Ứng Hòa, Lý Nhân, Thường Tín của trấn Sơn Nam Thượng. Tỉnh lỵ là thành Thăng Long cũ. Phủ Ứng Hòa có 4 huyện Chương Đức (sau đổi là Chương Mỹ), Hoài An, Sơn Minh và Thanh Oai. Phủ Lý Nhân có 5 huyện Bình Lục, Duy Tiên, Kim Bảng, Nam Xương và Thanh Liêm. Phủ Thường Tín có 3 huyện Phú Xuyên, Thanh Trì và Thượng Phúc. Tổng cộng tỉnh Hà Nội có 15 huyện thuộc 4 phủ trên.

  66. Gia Lâm
    Địa danh nay là một huyện ngoại thành, ở về phía Đông của thành phố Hà Nội. Tại đây nổi tiếng với làng gốm Bát Tràng, đồng thời là quê hương của hai nhân vật trong Tứ Bất Tử: Chử Đồng Tử và Thánh Gióng, cùng với nhiều danh nhân văn hóa - lịch sử khác: Nguyên phi Ỷ Lan, Ngọc Hân công chúa, Lý Thường Kiệt...
  67. Cây lô mét
    Còn đọc là ki lô mét, mượn từ tiếng Pháp kilomètre.
  68. Có nhiều con số về chiều dài cầu Long Biên, nhưng cũng chỉ trên dưới 2 km.
  69. Tức năm 1898, năm làm lễ khởi công xây dựng cầu Doumer - tên ban đầu của cầu Long Biên.

    Chữ khắc trên tấm biển kim loại ở đầu cầu ghi nhận thời gian hoàn thành xây cầu (1899 - 1902), và hãng thầu là Daydé & Pillé (hãng Eiffel không trúng thầu, đến năm 1938 mới trúng hợp đồng gia cố cầu).

    Chữ khắc trên tấm biển kim loại ở đầu cầu ghi nhận thời gian hoàn thành xây cầu (1899 - 1902), và hãng thầu là Daydé & Pillé có trụ sở ở Paris.

  70. Mộ phu
    Tuyển mộ dân phu (những người làm công việc chân tay nặng nhọc).
  71. Ái Mộ
    Tên một làng cũ, nay thuộc địa bàn quận Long Biên, Hà Nội.
  72. Nhịp cầu
    Khoảng cách giữa hai trụ cầu và mố cầu liền nhau.
  73. Rạ
    Rơm, phần còn lại của lúa sau khi gặt. Nhân dân ta thường dùng rơm rạ để lợp nhà hoặc làm chất đốt.

    Mái rạ

    Mái rạ

  74. Nguyễn Duy Hiệu
    Có sách ghi là Nguyễn Hiệu, tục gọi là Hường Hiệu, một chí sĩ và lãnh tụ thuộc phong trào Cần Vương. Ông sinh năm Đinh Mùi (1847) tại làng Thanh Hà, huyện Duyên Phúc (nay là xã Cẩm Hà, thành phố Hội An), tỉnh Quảng Nam. Năm 1885, hưởng ứng chiếu Cần Vương, ông cùng Trần Văn Dư (1839-1885), Phan Bá Phiến (còn gọi là Phan Thanh Phiến, 1839-1887), Nguyễn Tiểu La (tức Nguyễn Hàm, 1863-1911), thành lập Nghĩa hội Quảng Nam, rồi ra bản cáo thị kêu gọi toàn dân trong tỉnh cùng đứng lên đáp nghĩa. Đến năm 1887, cuộc khởi nghĩa thất bại, ông tự trói mình nạp cho giặc để cứu nghĩa quân. Ông bị chém ngày 15/10/1887, hưởng dương 40 tuổi, để lại hai bài thơ tuyệt mệnh bằng chữ Hán. Sau đây là một bài được Huỳnh Thúc Kháng dịch:

    Cần vương Nam Bắc kết tơ đồng
    Cứu giúp đường kia khổ chẳng thông
    Muôn thuở cương thường ai Ngụy Tháo?
    Trăm năm tâm sự có Quan Công
    Non sông phần tự thơ trời định
    Cây cỏ buồn trông thấy đất cùng
    Nhắn bảo nổi chìm ai đó tá?
    Chớ đem thành bại luận anh hùng.

  75. Thanh Hà
    Tên một ngôi làng ở Quảng Nam, nằm ngay bên bờ sông Thu Bồn, cách phố cổ Hội An chừng 3 km về hướng Tây. Làng có nghề làm gốm truyền thống từ đầu thế kỉ 16.

    Gốm Thanh Hà

    Gốm Thanh Hà

  76. Ba kỳ
    Tức Tam Kỳ, tên gọi chung cho ba vùng đất do thực dân Pháp và triều đình bù nhìn nhà Nguyễn phân chia nước ta vào thế kỉ 19. Ba kỳ gồm có: Bắc Kỳ (Tonkin, từ phía Nam tỉnh Ninh Bình trở ra), Trung Kỳ (Annam, từ phía bắc tỉnh Bình Thuận đến Đèo Ngang) và Nam Kỳ (Cochinchine).

    Bản đồ Việt Nam thời Pháp thuộc

    Bản đồ Việt Nam thời Pháp thuộc

  77. Nguyễn Thân
    (1854 - 1914) Võ quan nhà Nguyễn dưới triều vua Đồng Khánh, là cộng sự đắc lực của thực dân Pháp trong việc đàn áp các cuộc khởi nghĩa trong phong trào Cần Vương.
  78. Mãi quốc
    Bán nước (từ Hán Việt).
  79. Chừng mô
    Chừng nào (phương ngữ Trung Bộ).
  80. Sơn băng thủy kiệt
    Núi lở, sông cạn (thành ngữ Hán Việt). Tiếng Việt ta có thành ngữ tương tự là sông cạn đá mòn, thường dùng để thề nguyền. Ở một số ngữ cảnh, đây được coi là điềm báo đất nước sắp gặp họa lớn, dân chúng phải lầm than khổ sở.
  81. Rái
    Sợ hãi, e ngại. Có chỗ đọc là dái.
  82. Tam tòng
    Những quy định mang tính nghĩa vụ đối với người phụ nữ phương Đông trong xã hội phong kiến ngày trước, xuất phát từ các quan niệm của Nho giáo. Tam tòng bao gồm:

    Tại gia tòng phụ:  khi còn nhỏ ở với gia đình phải theo cha,
    Xuất giá tòng phu: khi lập gia đình rồi phải theo chồng,
    Phu tử tòng tử: khi chồng qua đời phải theo con.

  83. Tần
    Tên triều đại kế tục nhà Chu và được thay thế bởi nhà Hán, kéo dài từ năm 221 đến 206 trước Công nguyên trong lịch sử Trung Quốc. Nhà Tần, đứng đầu là Tần Thủy Hoàng Đế, có công rất lớn trong việc thống nhất Trung Quốc, đặt nền móng cho nhiều mặt văn hóa - lịch sử của Trung Quốc, nhưng cũng gây bất bình mạnh mẽ trong nhân dân vì cách cai trị hà khắc. Vì vậy, chỉ 4 năm sau khi Tần Thủy Hoàng chết, nhà Tần đã bị các cuộc khởi nghĩa nông dân làm suy yếu, và cuối cùng mất vào tay Hạng Vũ, kéo theo đó là cuộc Hán Sở tranh hùng kéo dài 5 năm với kết quả là sự thành lập nhà Hán của Hán Cao Tổ Lưu Bang.

    Tần Thủy Hoàng, người sáng lập nhà Tần

    Tần Thủy Hoàng, người sáng lập nhà Tần

  84. Hồng trần
    Bụi hồng (từ cũ, văn chương). Tự điển Thiều Chửu giảng: Sắc hồng là mầu đỏ tươi hơn các sắc đỏ khác, cho nên gọi các kẻ được yêu dấu vẻ vang là hồng. Chốn bụi hồng là chỉ các nơi đô hội.

    Đùng đùng gió giật mây vần
    Một xe trong cõi hồng trần như bay

    (Truyện Kiều)

  85. Núi Bồng Lai
    Một vùng cảnh đẹp thần tiên trong thần thoại Trung Quốc. Truyền thuyết này du nhập vào Nhật Bản và trở thành truyền thuyết về Hōrai. Theo đó, có thuyết cho rằng núi Bồng Lai chính là núi Phú Sĩ. Bồng Lai cũng là tên một thị xã ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, nhưng chưa có chứng cứ xác thực liệu đây có phải là nơi mà thần thoại miêu tả hay không. Cụm từ "bồng lai tiên cảnh" nay được dùng phổ biến để chỉ những nơi cảnh đẹp như chốn thần tiên.

    Bức họa vẽ cảnh "Bồng Lai tam đảo".

    Bức họa vẽ cảnh "Bồng Lai tam đảo"

  86. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  87. Con đào
    Cách người Nam Bộ trước đây gọi người con gái.
  88. Thổ Phồn
    Cũng gọi là Thổ Phiên, Thổ Phiền hoặc Phiên, tên mà người Trung Quốc từ thời nhà Đường dùng để gọi một vương quốc thống trị vùng Tây Tạng từ khoảng thế kỷ thứ 6 đến thế kỷ thứ 9.
  89. Suối vàng
    Cõi chết. Từ này bắt nguồn từ chữ hoàng tuyền, cũng đọc là huỳnh tuyền. Hoàng tuyền vốn có nghĩa là suối ngầm, mạch nước ngầm ở dưới đất, vì đất màu vàng nên có tên như vậy.

    Gọi là gặp gỡ giữa đường
    Họa là người dưới suối vàng biết cho

    (Truyện Kiều)

  90. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  91. Long Thành
    Thành Thăng Long, tên cũ của Hà Nội trước năm 1831.
  92. Ba mươi sáu phố
    Một cách gọi của đô thị cổ Hà Nội, khu vực dân cư nằm về phía đông của hoàng thành Thăng Long, nơi tập trung nhiều hoạt động buôn bán. Khu vực này rộng hơn khu phố cổ Hà Nội ngày nay.

    "Ba mươi sáu" là một con số mang tính ước lệ, số phố thực tế nhiều hơn con số này, và thay đổi theo thời kì.

  93. Hàng Bồ
    Một con phố của Hà Nội xưa, nay là đoạn phố Hàng Bồ từ ngã tư Hàng Thiếc - Thuốc Bắc đến ngã tư Hàng Cân - Lương Văn Can, thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phố Hàng Bồ xưa là nơi tập trung các cửa hàng bán đồ tre nứa như bồ, sọt, thúng, mủng.

    Một cửa hàng trên phố Hàng Bồ cũ

    Một cửa hàng trên phố Hàng Bồ cũ

  94. Hàng Bạc
    Một con phố của Hà Nội xưa, nay vẫn mang tên là phố Hàng Bạc, thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Thời Lê, trường đúc bạc của triều đình đặt ở đây, đến thời Nguyễn mới dời vào Huế. Phố Hàng Bạc xưa là nơi tập trung nhiều cửa hiệu làm đồ kim hoàn, đúc vàng bạc và đổi tiền.

    Phố Hàng Bạc, tranh của Bùi Xuân Phái.

    Phố Hàng Bạc, tranh của Bùi Xuân Phái.

  95. Hàng Gai
    Một con phố của Hà Nội xưa, nay vẫn mang tên là phố Hàng Gai, thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phố Hàng Gai thời Lê có nhiều cửa hàng bán các loại dây gai, dây đay, võng, thừng, nên dân gian còn gọi là phố Hàng Thừng. Sang thời Nguyễn, các sản phẩm này mai một dần, phố Hàng Gai trở thành khu in ấn và bán sách.

    Phố Hàng Gai thời Pháp thuộc

    Phố Hàng Gai thời Pháp thuộc

  96. Hàng Buồm
    Một con phố của Hà Nội xưa, nay vẫn mang tên là phố Hàng Buồm, thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phố Hàng Buồm xưa chuyên bán các loại buồm may bằng vải hoặc đan bằng cói cho thuyền bè, các loại vỉ buồm, chiếu buồm, cùng bị, giỏ, chiếu, mành, và các sản phẩm làm từ cói khác.

    Phố Hàng Buồm dưới thời Pháp thuộc

    Phố Hàng Buồm dưới thời Pháp thuộc

  97. Hàng Thiếc
    Một phố nghề có từ lâu đời của Hà Nội xưa, nay vẫn mang tên là phố Hàng Thiếc, thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ban đầu phố Hàng Thiếc chuyên làm các sản phẩm như đèn, lư hương, khay, ấm... bằng thiếc, về sau phát triển thêm các mặt hàng gia dụng bằng sắt tây. Ngày nay nghề làm đồ sắt vẫn phát triển mạnh ở đây, giúp Hàng Thiếc trở thành một trong số ít các phố nghề ở Hà Nội vẫn còn giữ được nghề truyền thống.
  98. Hàng Hài
    Một phố của Hà Nội xưa, tương ứng với đoạn đầu của phố Hàng Bông từ Hàng Hòm đến Hàng Mành, thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phố Hàng Hài xưa có nhiều hàng làm hài, giầy, guốc.
  99. Có bản chép "Hàng Bài," cũng là một con phố của Hà Nội xưa, nay là phố Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phố Hàng Bài xưa có nhiều hàng bán những cỗ bài lá (tam cúc, tổ tôm).
  100. Hàng Khay
    Còn gọi là phố Thợ Khảm, một phố của Hà Nội xưa, chạy dọc theo bờ nam hồ Hoàn Kiếm, tương ứng với phố Hàng Khay và đoạn cuối phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội hiện nay. Mặt hàng chính của phố Hàng Khay xưa là các sản phẩm gỗ khảm xà cừ như khay, mâm, sập, gụ, tủ, bàn.
  101. Mã Vĩ
    Một phố của Hà Nội xưa, nay là đoạn phố Hàng Nón ngắn từ ngã ba Hàng Thiếc đến ngã ba Hàng Hòm. Phố Mã Vĩ xưa có nhiều cửa hàng chuyên bán các loại trang phục sân khấu như mũ mão, mũ cánh chuồn, râu tóc, chủ yếu làm từ lông đuôi ngựa, nên có tên là phố Mã Vĩ (đuôi ngựa).
  102. Hàng Điếu
    Một phố của Hà Nội xưa, nay vẫn mang tên là phố Hàng Điếu, thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Mặt hàng chính của phố Hàng Điếu xưa là các dụng cụ để hút thuốc, như ống điếu, điếu bát, điếu cày, nghề này mai một vào đầu thế kỉ hai mươi.

    Phố Hàng Điếu ngày trước

    Phố Hàng Điếu ngày trước

  103. Hàng Giầy
    Một phố của Hà Nội xưa, nay vẫn mang tên là phố Hàng Giầy, thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phố Hàng Giầy xưa là nơi tập trung những người thợ đóng giầy dép gốc làng Chắm, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương lên Thăng Long làm ăn.
  104. Hàng Lờ
    Một phố của Hà Nội xưa, ngay là đoạn cuối của phố Hàng Bông, từ ngõ Hội Vũ đến Cửa Nam, thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phố Hàng Lờ xưa chuyên bán các dụng cụ bắt cá đan bằng tre như đó, đơm, lờ.
  105. Hàng Cót
    Một phố cổ của Hà Nội, thời Pháp thuộc tên Rue Takou, sau 1945 đổi thành Hàng Cót. Vào những năm đầu thế kỉ 20, cư dân ở đây chủ yếu sống bằng nghề đan và buôn bán cót.

    Phố Hàng Cót những năm 1980

    Phố Hàng Cót những năm 1980

  106. Hàng Mây
    Tên một phố cổ của Hà Nội xưa, nay là phía bắc của phố Mã Mây. Cư dân phố Hàng Mây trước đây chuyên làm các đồ dùng chế biến từ mây và cả sợi mây nguyên liệu.
  107. Hàng Đàn
    Một phố của Hà Nội xưa, nay là đoạn giữa của phố Hàng Quạt. Gọi là Hàng Đàn vì trước đây khu phố nay chuyên làm và bán các loại đàn như đàn tranh, đàn bầu, đàn nguyệt...
  108. Phố Mới
    Tên gọi khác của phố Hàng Chiếu, một phố nằm trong 36 phố cổ Hà Nội. Phố được xây trên thôn Thanh Hà cũ của huyện Thọ Xương. Ngày xưa, nơi đây bán nhiều chiếu cói và còn có bán cả bát (nên còn có tên là phố Hàng Bát). Thời Pháp thuộc, phố có tên là Rue Jean Dupuis, phía đầu phố là nơi chuyên buôn súng ống đạn dược cho quân đội Pháp. Đây là phố đầu tiên ở Hà Nội có kiến trúc kiểu Pháp, có vỉa hè, cây xanh, cột đèn... nên người dân quen gọi là phố Mới.
  109. Phúc Kiến
    Tên gọi dân gian của phố Lãn Ông, một phố thuộc ba sáu phố của Hà Nội ngày xưa. Gọi như vậy vì nơi đây là khu vực cư ngụ của nhiều người Hoa Kiều gốc tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc).
  110. Hàng Ngang
    Tên một phố cổ của Hà Nội. Vào thế kỉ 18 đoạn đầu phố giáp phố Hàng Đào gọi là phố Hàng Lam, chuyên bán đồ tơ lụa màu xanh lam; đến thế kỉ 19 có tên là phố Việt Đông do có nhiều người Trung Hoa gốc Quảng Đông sinh sống. Khu phố Hoa Kiều buôn bán sầm uất, giàu có, hai đầu phố làm hai cánh cổng để buổi tối đóng lại, đó có thể là một nguồn gốc của tên gọi Hàng Ngang.

    Cổng vào của phố Hàng Ngang, cuối thế kỉ 19.

    Cổng vào của phố Hàng Ngang, kí họa cuối thế kỉ 19.

  111. Hàng Mã
    Một phố cổ của Hà Nội, ngày xưa có nhiều cửa hàng bán đồ giấy và đồ mã.
  112. Hàng Mắm
    Một phố cổ của Hà Nội. Ngày xưa, khi sông Hồng chảy sát chân đê, phồ Hàng Mắm nằm cạnh bờ sông, các thuyền bán mắm đậu ở đây. Phố Hàng Mắm cho đến trước 1945 vẫn còn nhiều cửa hàng bán các loại mắm tôm, mắm cá, và cả nước mắm.
  113. Hàng Than
    Một phố cổ của Hà Nội, ngày xưa có nhiều lò nung vôi, bán than.
  114. Hàng Đồng
    Một phố cổ của Hà Nội, ngày xưa là nơi có các hàng sửa chữa cũng như bán các đồ dùng bằng đồng như mâm, nồi, chân nến, lư hương.

    Phố Hàng Đồng ngày trước

    Phố Hàng Đồng ngày trước

  115. Hàng Muối
    Một phố cổ của Hà Nội. Xưa kia phố này nằm sát bờ sông Hồng, có nhiều thuyền chở muối lên đem bán ở đây.
  116. Hàng Nón
    Một phố cổ của Hà Nội, thời Pháp thuộc tên là Rue des Chapeaux, ngày nay tương ứng với đoạn phía tây của phố Hàng Nón ngã ba Hàng Thiếc trở đi, thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội (đoạn phía đông phố Hàng Nón ngay nay xưa gọi là phố Mã Vĩ). Phố Hàng Nón ngày xưa có bán đủ loại nón đội đầu.

    Đoạn chính của phố Hàng Nón đầu thế kỉ 20.

    Đoạn chính của phố Hàng Nón đầu thế kỉ 20

  117. Cầu Đông
    Một phố cổ của Hà Nội, một trong những khu vực sầm uất nhất của Thăng Long - Hà Nội xưa, tương ứng với phố Hàng Đường ngày nay. Thời xưa, sông Tô Lịch chảy ngang Hà Nội từ sông Hồng, có cây cầu đá bắc qua sông (ở vị trí ngã tư Hàng Đường - Ngõ Gạch ngày nay) gọi là cầu Đông, người dân họp chợ ngay đầu cầu, gọi là chợ Cầu Đông hay chợ Chùa. Đoạn sông này bị lấp hoàn toàn vào năm 1889, cầu cũng không còn, và người Pháp giải tỏa chợ Cầu Đông và chợ Bạch Mã (họp quanh đền Bạch Mã), dời các hàng quán vào Đồng Xuân. Phố Cầu Đông nằm bên cạnh chợ Đồng Xuân ngày nay là một phố mới, đặt tên để kỉ niệm phố Cầu Đông cũ.

    Lọ là oanh yến hẹn hò,
    Cầu Đông sẵn lối cầu Ô đó mà.
    (Bích câu kì ngộ - Vũ Khắc Trân)

  118. Hàng Hòm
    Một phố cổ của Hà Nội, thời xưa có nhiều hàng làm nghề sơn gỗ, dần dần phát triển thành bán các loại rương, hòm, tráp bằng gỗ sơn, về sau lại phát triển thêm các mặt hàng mới như va li, cặp da, túi xách. Tên phố vẫn giữ nguyên qua nhiều thời đại, nghề làm hòm vẫn phát triển cho đến sau 1975, chỉ mới mai một gần đây, thay vào đó là nghề bán sơn phát triển mạnh.

    Phố Hàng Hòm

    Phố Hàng Hòm

  119. Hàng Đậu
    Một phố cổ của Hà Nội. Đầu phía đông phố là cửa ô Phúc Lâm, còn gọi là ô Hàng Đậu, đây là nơi ngày xưa mỗi phiên chợ người ngoại thành tập trung bán các loại đậu: đậu đen, đậu xanh, đậu trắng, đậu nành. Đầu phía tây phố là tháp nước Hàng Đậu, xây từ thời Pháp thuộc.

    Tháp nước Hàng Đậu thời Pháp thuộc

    Tháp nước Hàng Đậu thời Pháp thuộc

  120. Hàng Bông
    Tên một phố thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, gồm nhiều phố cổ gộp lại mà thành: Hàng Hài, Hàng Bông Đệm, Hàng Bông Cửa Quyền, Hàng Bông Lờ, Hàng Bông Thợ Nhuộm. Thời Pháp thuộc phố tên là Rue du Coton, sau 1945 mới chính thức mang tên Hàng Bông.

    Phố Hàng Bông đầu thế kỉ 20

    Phố Hàng Bông đầu thế kỉ 20

  121. Hàng Bè
    Một phố cổ của Hà Nội, nay vẫn mang tên là phố Hàng Bè. Phố này trước đây là một khúc của con đê cũ, khi dòng sông còn chảy sát chân đê, đây là nơi kết tập và bán các bè gỗ và vật liệu từ miền ngược.

    Phố Hàng Bè, tranh của Bùi Xuân Phái.

    Phố Hàng Bè, tranh của Bùi Xuân Phái.

  122. Hàng Thùng
    Một phố cổ của Hà Nội, xưa kia có nhiều nhà sản xuất các loại thùng bằng tre, nứa, rồi gắn sơn, vật liệu tre nứa được lấy từ phố Hàng Tre kế cận.
  123. Hàng Bát
    Một phố cổ của Hà Nội, phố này bán cả hai mặt hàng là chén bát và chiếu cói. Nay là đoạn đầu của phố Hàng Chiếu giáp với Ô Quan Chưởng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
  124. Hàng Tre
    Một phố cổ của Hà Nội. Ngày xưa, phố Hàng Tre nằm sát bờ sông Hồng, tre nứa từ các nơi tập kết lại rồi bán ở các gian hàng phía bờ sông.

    Phố Hàng Tre cuối thế kỉ 19.

    Phố Hàng Tre cuối thế kỉ 19.

  125. Hàng Vôi
    Một phố cổ của Hà Nội, trước đây nằm sát bờ sông Hồng, có nhiều chỗ nung vôi và bán vôi. Phố Hàng Vôi xưa tương đương với hai phố ngày nay là phố Hàng Vôi và phố Tông Đản, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
  126. Hàng Giấy
    Một phố cổ của Hà Nội, ngày xưa có nhiều hàng bán các loại giấy sản xuất ở làng Bưởilàng Cót, cũng như các loại giấy quyến, giấy bạch nhập khẩu từ Trung Quốc.
  127. Hàng The
    Một phố cổ của Hà Nội, nơi buôn bán các loại vải the, tơ lụa. Nay là đoạn đầu của phố Hàng Đào về phía phố Cầu Gỗ, thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
  128. Hàng Gà
    Một phố cổ của Hà Nội, ngày xưa phố này nằm trên con đường từ cửa Đông thành hướng ra, có nhiều người dân đem gà vịt và các loại gia cầm nói chung đến tập trung buôn bán, dần thành mối. Về sau, gà vịt được bán sỉ ở trong nhà, hoặc đem bán rong ở các hàng quán. Phố Hàng Gà xưa ngày nay tương ứng với đoạn phố Hàng Gà phía trên, giữa phố Cửa Đông và ngã tư Hàng Cót - Hàng Mã, còn đoạn phố Hàng Gà phía dưới, xưa gọi là phố Thuốc Nam.

    Phố Hàng Gà

    Phố Hàng Gà

  129. Hàng Da
    Một phố cổ của Hà Nội. Ngày xưa phố có nhiều hàng bán các loại da trâu, da bò thuộc. Da được chế biến ở các ngõ Tạm Thương, phố Yên Thái gần đó rồi đem ra phố Hàng Da để bán. Đầu phố Hàng Da có chợ Hàng Da, ban đầu chủ yếu buôn bán da sống phơi khô.
  130. Mắc cửi
    Mắc sợi lên khung cửi; nghĩa bóng chỉ sự tình trạng đan xen ngang dọc dày đặc như những sợ chỉ trên khung dệt.
  131. Bút hoa
    Cây bút nở hoa, ý nói tài năng văn chương. Theo một điển tích Trung Quốc, nhà thơ Lí Bạch đời Đường nằm mơ thấy cây bút của mình nở hoa rất đẹp, từ đó thơ văn của ông ngày càng xuất sắc, nổi tiếng khắp nơi.
  132. Tự Đức
    (1829 – 1883) Vị hoàng đế thứ tư của nhà Nguyễn, vương triều cuối cùng trong lịch sử phong kiến nước ta. Thời gian ông ở ngôi đánh dấu nhiều sự kiện trong lịch sử nước ta, trong đó quan trọng nhất là tháng 8/1858, quân Pháp nổ phát súng đầu tiên tấn công Đà Nẵng, mở đầu cho thời kì thống trị của người Pháp ở Việt Nam.

    Vua Tự Đức

    Vua Tự Đức

  133. Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về , hãy đóng góp cho chúng tôi.
  134. Mần
    Làm (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Như mần ăn, mần việc, đi mần...
  135. Răng
    Sao (phương ngữ Trung Bộ).