Tìm kiếm "thuyền bến"

  • Tôi Đà Phật, nàng A men

    Tôi Đà Phật, nàng A men
    Hai ta tôn giáo cách hai miền xa xăm
    Bỗng đâu gió bão mưa dầm
    Để tôi buộc mối đồng tâm với nàng
    Thế là đeo lấy dở dang
    Bỏ nhau chẳng được, sang ngang không thuyền
    Biết rằng duyên lỡ làng duyên
    Trăm năm để lại một thiên hận tình
    Bảo cho những kẻ đầu xanh
    Đến nơi đến tháng cầu kinh thì cầu
    Đừng mơ những việc đâu đâu
    Mà vương phải kiếp cú sầu vạn niên

  • Thương nhau vì nết chẳng hết chi người

    Thương nhau vì nết chẳng hết chi người
    Anh không tin dạ, anh sợ đổi dời
    Em xin cắt tóc thề có đất trời chứng minh
    – Nghe em phân cạn, vô hạn thương tâm
    Vợ chồng nghĩa nặng tình thâm
    Em thề không thuyền khác ôm cầm
    Anh nhìn mái tóc phải tuôn dầm lệ châu!

  • Nước chảy lờ đờ, đôi bờ xuôi ngược

    Nước chảy lờ đờ, đôi bờ xuôi ngược
    Đường đi Non Nước rộng bước thênh thang
    Ta vui khắp xóm khắp làng
    Mặc cho chớp bể mưa ngàn vẫn vui
    Đường đi xa lắm em ơi
    Nước non ngàn dặm bể trời mênh mông
    Đi qua muôn chợ ngàn sông
    Thuyền nan một chiếc vẫy vùng bể khơi

  • Giàu như ai thì tôi không biết

    Giàu như ai thì tôi không biết
    Chớ giàu như tôi chừ, ít kẻ muốn vô:
    Trong nhà trống rỗng, chỗ mô cũng thấy trời
    Trong nhà chẳng thiếu chi đồ chơi
    Nàng nàng, bợp bợp mọc thời huyên thuyên
    Rau dền, rau má mọc riêng
    Cỏ chỉ, cỏ cú mọc liền đầy sân
    Trong nhà có sắm một cái giàn
    Để năm ba tấm đệm, vài ngàn lá tơi
    Lại thêm năm bảy cái nón cời
    Vài gùi giẻ rách để chờ thời diện sang

  • Ốc đồng nào, ốc ngon, ốc béo?

    – Ốc đồng nào, ốc ngon, ốc béo?
    Đam đồng nào, đam béo, đam ngon?
    Anh trả lời được vẹn toàn
    Tiện thuyền chèo lái gái son theo về!
    – Ốc béo thì có đồng Quan
    Đồng Chùa thì có đam ngon bốn mùa
    Vân vi anh có lời thưa
    Sẵn thuyền tiện nước anh đưa em về!

  • Giấn vốn chỉ có ba đồng

    Giấn vốn chỉ có ba đồng
    Nửa để nuôi chồng, nửa để nuôi tôi
    Còn thừa mua cái bình vôi
    Mua xanh, mua chảo, mua nồi nấu ăn
    Còn thừa mua nhiễu quấn khăn
    Mua dăm vuông vóc may chăn cho chồng
    Còn thừa mua chiếc thuyền rồng
    Đem ra cửa bể cho chồng thả chơi
    Còn thờ mua khám thờ trời
    Mua tranh sơn thủy treo chơi đầu thuyền

    Dị bản

    • Lưng vốn chỉ có mười đồng
      Phần để nuôi chồng, phần để nuôi tôi
      Còn thừa mua cái bình vôi
      Mua xanh, mua chảo, mua nồi nấu ăn
      Còn thừa mua nhiễu vấn khăn
      Mua dăm vuông vóc may chăn cho chồng
      Còn thừa mua chiếc thuyền rồng
      Đem ra cửa bể cho chồng chèo chơi
      Để chàng tùy thích, thảnh thơi
      Danh lam thắng cảnh, ngược xuôi mặc lòng

  • Con chim nó kêu

    Con chim nó kêu
    Tê lao xao xác
    Tê lao xào xạc
    Mụ ơi hỡi mụ
    Đứng lại mà xem
    Con vượn nó trèo
    Từ trái núi nọ
    Qua lối nọ đàng tê
    Mắt trông thấy trai
    Tang tình lịch sự
    Cái quần bốp tím
    Cái lông nhím bạc
    Cái lược đồi mồi
    Tình tính tinh mồi
    Lòng em quyết theo
    Em rút cái neo
    Cho con thuyền chạy

  • Lính anh là lính Đàng Trong

    Lính anh là lính Đàng Trong
    Anh dốc một lòng đi hỏi nàng kia
    Tháng giêng anh mắc đi thề
    Tháng hai đi dạo, trở về làm sao?
    Tháng ba anh mắc khảo đao
    Tháng tư tập súng, khi nao cho rồi
    Tháng năm anh mắc kiệu voi
    Tháng sáu anh mắc dọn chòi cầu Đông
    Tháng bảy anh mắc thuyền rồng
    Tháng tám anh mắc dọn trong công đường
    Tháng chín anh mắc tải lương
    Tháng mười anh mắc dọn đường vua ra
    Tháng một mắc tuổi đôi ta
    Tháng chạp mắc tuổi mẹ cha sinh thành
    Nàng ơi nàng chớ trách anh!

  • Cục ta cục tác

    Cục ta cục tác
    Chữ kê là gà
    Giữ cửa giữ nhà
    Chữ khuyển là chó
    Bắt chuột bắt bọ
    Chữ miêu là mèo
    Ăn cám ăn bèo
    Chữ trư là lợn
    Vừa cao vừa lớn
    Chữ tượng là voi
    Ăn trầu đỏ môi
    Chữ phật là bụt

  • Anh muốn trông, anh lên Ba Dội anh trông

    Anh muốn trông, anh lên Ba Dội anh trông,
    Một Dội anh ngồi, hai Dội anh trông.
    Trống thu không ba hồi điểm chỉ,
    Anh ngồi anh nghĩ, thở ngắn, than dài.
    Trúc nhớ mai, thuyền quyên nhớ khách,
    Quan nhớ ngựa bạch, bóng lại nhớ câu
    Anh nhớ em đây biết bao giờ được,
    Đạo vợ chồng chẳng trước thời sau,
    Trăm năm xin chớ quên nhau.

  • Mày ơi tao đố hỏi mày

    – Mày ơi tao đố hỏi mày:
    Cái gì thì cay
    Cái gì thì nồng
    Cái gì dưới sông
    Cái gì trên đồng
    Cái gì trên non
    Cái gì nhiều con
    Cái gì thì son
    Cái gì thì tròn
    Vừa bằng bàn tay
    Cái gì thì dày
    Cái gì thì mỏng
    Cái gì no lòng
    Cái gì sống lâu
    Cái gì đội đầu
    Cái gì đựng trầu
    Cái gì cầm tay?

  • Có đêm ra đứng đàng tây

    Có đêm ra đứng đàng tây
    Trông lên lại thấy bóng mây tà tà
    Có đêm ra đứng vườn hoa
    Trông lên lại thấy sao tà xanh xanh
    Có đêm thơ thẩn một mình
    Ở đây thức cả năm canh rõ ràng
    Có đêm tạc đá ghi vàng
    Ngày nào em chả nhớ chàng chàng ơi
    Thương chàng lắm lắm không nguôi
    Nhớ miệng chàng nói, nhớ lời chàng than
    Nhớ chàng như nhớ lạng vàng
    Khát khao vì nết mơ màng vì duyên
    Nhớ chàng như bút nhớ nghiên
    Như mực nhớ giấy như thuyền nhớ sông
    Nhớ chàng như vợ nhớ chồng
    Như chim nhớ tổ như rồng nhớ mây
    Nhớ chàng ra ngẩn vào ngây
    Sư ông nhớ Bụt mõ rày nhớ chuông
    Nhớ chàng vì nợ vì duyên
    Vì ông Tơ Nguyệt đã khuyên lấy chàng.

    Dị bản

    • Đêm đêm ra đứng vườn hoa
      Ngó lên trông thấy sao tà xanh xanh
      Đêm đêm ra đứng một mình
      Đêm dài thức trắng năm canh rõ ràng
      Có đêm tạc đá ghi vàng
      Ngày nào anh chẳng nhớ nàng nàng ôi
      Thương nàng lắm lắm nàng ôi
      Nhớ miệng ai nói, nhớ lời ai than
      Nhớ nàng như bút nhớ nghiên
      Như mực nhớ giấy, như thuyền nhớ sông
      Bao giờ nên vợ nên chồng
      Như chim về tổ như rồng gặp mây

    Video

  • Giời làm sóng lở cát bay

    Giời làm sóng lở cát bay
    Cho tớ bỏ thày cho mẹ bỏ con
    Cửa nhà trôi mất chẳng còn
    Vợ chồng cõng bế đàn con lên chùa
    Năm nay nạn nước ơn vua
    Quan trên phát chẩn ở chùa Tây Phương
    Giời làm một trận lỡ đường
    Cho nên mới biết Tây Phương thế này
    Giời làm sóng lở cát bay
    Quan trên phát chẩn mỗi ngày hai ca
    Đàn ông cho chí đàn bà
    Rạng ngày hăm tám đi ra mà về
    Quan tuần, quan án ngồi nghĩ cũng ghê
    Thuê ngay hai chiếc thuyền về đình chung
    Giàu cùng, khó lại chẳng cùng
    Ai ơi còn cậy anh hùng làm chi
    Sinh ra nước lụt làm gì
    Giàu thì bán ruộng, khó thì bán con
    Nghèo thì bán cả nồi cấn lẫn lon đựng cà
    Có thì bán cửa bán nhà
    Nghèo bán đứa bé lấy ba bẩy hào

  • Mẹ mình khéo đẻ mình ra

    Mẹ mình khéo đẻ mình ra
    Đẻ mình mười bốn, đẻ ta hôm rằm.
    Mình đen ta cũng ngăm ngăm
    Mẹ ta thách cưới một trăm quan tiền
    Mình về bán tổ bán tiên
    Bán ruộng tư điền chẳng lấy được ta
    Mình về bán cửa bán nhà
    Bán kèo bán cột bán xà đòn tay
    Mình về bán mẹ đêm nay
    Lấy được quân này đất lở trời long.
    Bao giờ bạc đổ ra nong
    Tiền quây, thóc cót lấy xong quân này
    Quân này quân ăn quân chơi
    Quân đánh trống bỏi, quân bơi thuyền rồng.
    Gái này là gái kén chồng
    Kén từ tỉnh Bắc, tỉnh Đông, tỉnh Đoài
    Kén từ mười tám ông cai
    Mười lăm ông đội, mười hai ông đồn.
    Kén từ con cháu nhà vua
    Bước chân xuống chùa lễ Phật ăn chay

  • Một thương em nhỏ móng tay

    Một thương em nhỏ móng tay
    Hai thương em bậu khéo may yếm đào
    Ba thương cám cảnh phù lao
    Bốn thương em bậu miệng chào có duyên
    Năm thương má lúm đồng tiền
    Sáu thương em bậu như tiên chăng là
    Bảy thương em có nguyệt hoa
    Tám thương em có bậu làm qua phải lòng
    Chín thương nước mắt ròng ròng
    Mười thương em bậu phải lòng qua chăng
    Mười một thương em hãy còn son
    Mười hai thương vú dậy đã tròn như vung
    Mười ba thương em đã có chồng
    Bước qua mười bốn trong lòng thọ trai
    Mười lăm sinh đặng con trai
    Sang năm mười sáu đặng hai đời chồng
    Mười bảy em còn ở không
    Đến năm mười tám lấy chồng căn duyên
    Mười chín lấy thợ đóng thuyền
    Hai mươi lấy lính quan quyền thờ vua
    Hai mốt lấy chàng câu cua
    Hăm hai lên chùa mê mệt thầy tu
    Hai ba lấy thợ đóng dù
    Bước qua hăm bốn lấy phu đi đàng
    Lỡ duyên em bậu ngỡ ngàng
    Trở về em lấy dân làng cho xong.

  • Con gái lấy thợ câu cua

    Một thương em nhỏ móng tay
    Hai thương em bậu khéo may yếm đào
    Ba thương cám cảnh cù lao
    Bốn thương em bậu miệng chào có duyên
    Năm thương má lúm đồng tiền
    Sáu thương em bậu như tiên chăng là
    Bảy thương em có nguyệt hoa
    Tám thương em bậu làm qua phải lòng
    Chín thương nước mắt ròng ròng
    Mười thương em bậu phải lòng qua chăng?
    Mười một em hãy còn son
    Mười hai vú dậy đã tròn như vung
    Mười ba em đã có chồng
    Bước qua mười bốn trong lòng thọ thai

  • Gặp mình ta đố chuyện vui

    Gặp mình ta đố chuyện vui
    Cái chi mà chát, cái chi mà nồng?
    Cái chi mà ở dưới sông?
    Cái chi trên đồng, chi ở rừng xanh?
    Cái chi mà lại tu hành?
    Cái chi mà ở một mình lắm con?
    Cái chi mà lại tròn tròn?
    Cái chi đẹp giòn, chỉ để cầm tay?
    Mình ơi mình giảng ta hay
    Mình mà giảng được, ta nay theo về

  • Bực mình lên tận thiên cung

    Bực mình lên tận thiên cung
    Bắt ông Nguyệt lão hỏi thăm vài lời
    Nỡ lòng trêu ghẹo chi tôi
    Lênh đênh bèo nổi mây trôi một thì
    Biết người biết mặt nhau chi
    Để đêm em tưởng ngày thì em mơ
    Bắc Ninh cho đến Phủ Từ
    Qua cầu sông Nhị ngẩn ngơ tìm người
    Tìm người chẳng biết mấy nơi
    Tìm ba mươi sáu phố thấy người ở đây.

Chú thích

  1. Nam mô A Di Đà Phật
    Câu niệm danh hiệu của Phật A Di Đà, một phép tu hành được sử dụng trong Phật giáo Đại Thừa, đặc biệt là Tịnh Độ Tông.
  2. A-men
    Một từ mà người theo đạo Chúa (Công giáo, Tin Lành...) thường nói khi kết thúc một bài kinh, có thể dịch thành "Thật vậy" hoặc "Xin được như nguyện."
  3. Chữ đồng
    Từ cụm từ Hán Việt "đồng tâm đái," hoặc "dải đồng," chỉ sợi thắt lưng ngày xưa có hai dải lụa buộc lại với nhau. Văn chương cổ dùng từ "chữ đồng" hoặc "đạo đồng" để chỉ sự kết nguyền chung thủy của vợ chồng.

    Đã nguyền hai chữ đồng tâm
    Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai

    (Truyện Kiều)

  4. Đầu xanh
    Chỉ người tuổi còn trẻ.

    Hay là thuở trước khách hồng nhan?
    Sắc sảo khôn ngoan trời đất ghen.
    Phong trần xui gặp bước lưu lạc,
    Đầu xanh theo một chuyến xuân tàn.
    (Thăm mả cũ bên đường - Tản Đà)

  5. Phân
    Nói cho rõ, bày tỏ.
  6. Ôm cầm
    Ôm đàn, trong văn chương thường được dùng để chỉ việc phụ nữ lấy chồng, tái giá, hoặc bỏ chồng cũ lấy chồng mới. Các thành ngữ ôm cầm thuyền ai, ôm đàn qua thuyền được cho là xuất phát từ lời thề nguyền chung thủy của nàng Kiều Oanh trong Thiên Hương Tập, khi nàng nói với chồng rằng: Thiếp đã đem thân theo chàng, dẫu nát ngọc chìm châu, cũng không ôm đàn tỳ bà qua thuyền khác.
  7. Châu
    Nước mắt. Người xưa ví nước mắt như giọt châu (ngọc).

    Giọt châu lã chã khôn cầm
    Cúi đầu chàng những gạt thầm giọt Tương

    (Truyện Kiều)

  8. Ngũ Hành Sơn
    Còn có tên là núi Non Nước, một danh thắng gồm 6 ngọn núi đá vôi nhô lên trên một bãi cát ven biển, trên một diện tích khoảng 2 km2, gồm: Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn (lớn, cao và đẹp nhất), Hỏa Sơn (có hai ngọn) và Thổ Sơn, thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng. Ngũ Hành Sơn là một thắng cảnh nổi tiếng của Đà Nẵng.

    Ngũ Hành Sơn

    Ngũ Hành Sơn

  9. Chừ
    Giờ. Bây chừ nghĩa là "bây giờ" (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  10. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  11. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  12. Nàng nàng
    Một loại cây dại có quả nhỏ màu tím mọc thành chùm, là cây thuốc dùng chữa cảm nắng, cảm hàn, thương thực, nôn cả ra máu, no hơi đầy bụng, kém ăn, mụn nhọt... Nhân dân thường dùng toàn cây sắc nước cho phụ nữ sau khi sinh đẻ uống để ăn ngon cơm. Thân lá tán bột uống giải nhiệt, giảm đau. Hạt sắc uống làm sáng mắt.

    Nàng nàng

    Nàng nàng

  13. Thù lù
    Còn có các tên là lồng đèn, tầm bóp, ở miền Trung gọi là lụp bụp (có thể đọc trại thành bụp bụp hay bợp bợp), một loại cây mọc hoang, cho quả mọng tròn, nhẵn, lúc non màu xanh, khi chín có màu hơi đỏ, bên trong chứa nhiều hạt, bên ngoài có một lớp vỏ mỏng bao trùm như cái lồng đèn. Trẻ em thường bóp vỏ để ăn quả bên trong (tên lụp bụp có lẽ bắt nguồn từ âm thanh phát ra khi làm việc này). Lá cây dùng làm rau ăn và làm thuốc chữa một số bệnh.

    Quả lụp bụp

    Quả lụp bụp

  14. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  15. Rau dền
    Một loại rau có tính mát, giàu sắt, là món ăn dân dã phổ biến với người Việt Nam. Ở Việt Nam chủ yếu có hai loại rau dền là dền trắng và dền đỏ (tía). Rau dền thường được luộc hay nấu canh.

    Rau dền đỏ

    Rau dền đỏ

  16. Rau má
    Một loại cây thân thảo ngắn ngày, thường được trồng để ăn tươi hoăc sắc lấy nước uống. Nước rau má có tác dụng giải độc, hạ huyết áp, làm mát cơ thể. Lá rau má hình thận, nhỏ bằng đồng xu.

    Rau má

  17. Cỏ gà
    Còn có các tên khác là cỏ chỉ, cỏ ống, một loại cỏ sinh trưởng rất mạnh, bò kết chằng chịt với nhau thành thảm dày đặc. Trẻ em ở nông thôn có trò chơi đơn giản từ cỏ gà gọi là "chọi cỏ gà" hay "đá cỏ gà."

    Cỏ gà

    Cỏ gà

  18. Củ gấu
    Cũng gọi là cỏ gấu hoặc cỏ cú, một loại cỏ thân cao, có nhiều củ màu nâu đỏ sẫm. Củ gấu có thể dùng làm vị thuốc dân gian, nhưng cũng là một loài cỏ rất có hại đối với nhà nông vì rất khó diệt trừ.

    Củ gấu

    Củ gấu

  19. Thật ra đây chính là cái áo tơi.
  20. Nón cời
    Nón lá rách, cũ.

    Đội nón cời

    Đội nón cời

  21. Bao vàng
    Bao bằng vải màu vàng của lính thời xưa đeo ngang lưng, để đựng vật tùy thân.
  22. Có bản chép: Ngang lưng thì thắt đai vàng.
  23. Nón dấu
    Cũng gọi là nón sơn hoặc nón dầu sơn, loại nón của lính thời Lê - Nguyễn, gần giống như nón lá nhưng nhỏ hơn, thường đan bằng mây, có chóp bằng đồng.

    Nón dấu

    Nón dấu

  24. Súng dài
    Loại súng hỏa mai được các quân đội ở Việt Nam trong giai đoạn từ thế kỉ 16 đến thế kỉ 19 sử dụng rộng rãi. Khi bắn, người lính nạp thuốc súng và đạn vào nòng súng (nạp tiền), đổ một ít thuốc súng vào cốc mồi, rồi dùng dây mồi đang cháy châm vào cốc mồi cho súng nổ.

    Súng hỏa mai

    Súng hỏa mai thời xưa

  25. Hỏa mai
    Cái mồi lửa, dùng để đốt dây mồi cho cháy trước khi bắn.
  26. Ngũ liên
    Trống đánh từng hồi năm tiếng một, âm điệu thúc giục.
  27. Tập tầm vông
    Tên một trò chơi dân gian. Cách chơi hiện nay của trò này là hai nguời chơi ngồi đối mặt nhau, vừa hát vừa theo nhịp đập lòng bàn tay vào nhau: hoặc đập thẳng, hoặc đập chéo, hoặc một cao một hạ thấp, hoặc kết hợp nhiều cách khác nhau.
  28. Ve
    Cái ly (phiên âm từ danh từ tiếng Pháp "le verre"), còn được hiểu là chai nhỏ, lọ nhỏ.
  29. Dam
    Còn gọi là dam, tên gọi ở một số địa phương Bắc Trung Bộ của con cua đồng.

    Cua đồng

    Cua đồng

  30. Đồng Quan, đồng Chùa
    Hai cánh đồng thuộc địa phận xã Hà Lâm, nay là xã Yến Sơn, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa.
  31. Vân vi
    Đầu đuôi câu chuyện, đầu đuôi sự tình (từ cũ).
  32. Giấn
    Cũng viết là dấn, động tác cố thêm một chút để đặt mình/ sự vật vào tình trạng mới, môi trường mới nhằm đạt được mục đích. Ví dụ: dấn bước = bước cố thêm để đạt được mục đích; dấn thân = cố gắng thêm để đặt thân mình vào một môi trường, tình trạng mới; dấn men = nhúng cốt gốm sứ vào men trước khi nung; dấn vốn = vốn liếng có được sau khi cố gắng huy động.
  33. Bình vôi
    Ngày xưa nhân dân ta thường hay ăn trầu với cau và vôi. Bình vôi là dụng cụ bằng gốm hay kim loại để đựng vôi ăn trầu, đôi khi được chế tác rất tinh xảo, và tùy theo hình dạng mà cũng gọi là ống vôi.

    Bình vôi bằng gốm làng Dưỡng Động (Hải Phòng)

    Bình vôi bằng gốm làng Dưỡng Động (Hải Phòng)

  34. Xanh
    Dụng cụ để nấu, làm bằng đồng, có hai quai, giống cái chảo lớn nhưng đáy bằng chứ không cong.

    Cái xanh đồng.

    Cái xanh đồng.

  35. Nhiễu
    Hàng dệt bằng tơ, sợi ngang xe rất săn, làm cho mặt nổi cát.
  36. Vuông
    Đơn vị dân gian dùng để đo vải, bằng bề ngang (hoặc khổ) của tấm vải (vuông vải, vuông nhiễu).
  37. Vóc
    Một loại vải tơ tằm, bóng mịn, có hoa, dệt bằng sợi đồng màu, dùng làm tán thờ thần hay may y phục cho vua chúa, quan lại.
  38. Khám
    Vật làm bằng gỗ, giống như cái tủ nhỏ không có cánh, dùng để đặt bài vị, đồ thờ, thường được gác hay treo cao.

    Khám thờ

    Khám thờ

  39. Kia (phương ngữ Trung Bộ).
  40. Đàng Trong
    Cũng gọi là Nam Hà, một khái niệm bắt nguồn từ thời Trịnh-Nguyễn phân tranh vào thế kỷ 17, chỉ phần lãnh thổ Đại Việt từ sông Gianh trở vào Nam, do chúa Nguyễn kiểm soát. Đàng Trong chấm dứt sự tồn tại của nó trong lịch sử từ năm 1786, khi phong trào Tây Sơn lật đổ chế độ Vua Lê-Chúa Trịnh.

    Xứ Đàng Trong (Cochinchine) với quần đảo Hoàng Sa (Isles Pracel), trong bản đồ của Joachim Ottens, năm 1710

    Xứ Đàng Trong (Cochinchine) với quần đảo Hoàng Sa (Isles Pracel), trong bản đồ của Joachim Ottens, năm 1710

  41. Mắc
    Bận làm một việc gì đó (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  42. Khảo đao
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Khảo đao, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  43. Công đường
    Nơi quan trường dưới chế độ phong kiến. Người Nam Bộ cũng gọi chữ này là công đàng.
  44. Bụt
    Cách gọi dân gian của Phật, bắt nguồn từ cách phiên âm từ Buddha (bậc giác ngộ - Phật) trong tiếng Ấn Độ.
  45. Tam Điệp
    Tên một dãy núi nằm giữa Ninh Bình và Thanh Hóa, chạy ra biển theo hướng Tây Bắc–Đông Nam, gồm có 3 ngọn. Trên dãy núi này cũng có đèo Tam Điệp, con đường thiên lý cổ thời phong kiến từ Thăng Long vào Nam, đi qua 3 đoạn đèo: Đèo phía Bắc, đèo phía Nam, và đèo Giữa. Đèo Tam Điệp cũng có tên dân gian là Ba Dội (dội tiếng Việt cổ nghĩa là đợt, lớp).

    Một đèo, một đèo, lại một đèo,
    Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo.
    Cửa son đỏ loét tùm hum nóc,
    Hòn đá xanh rì lún phún rêu.

    (Đèo Ba Dội - Hồ Xuân Hương)

    Phòng tuyến Tam Điệp

    Phòng tuyến Tam Điệp

  46. Thu không
    (Trống hoặc chiêng) đánh vào mỗi mỗi chiều tối, lính huyện thu quân và đóng cổng thành (thành bảo vệ huyện đường) sau khi xem xét trong thành không có gì khả nghi.

    Kiều từ trở gót trướng hoa,
    Mặt trời gác núi chiêng đà thu không.

    (Truyện Kiều)

  47. Son
    Màu đỏ.
  48. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  49. Đá vàng
    Cũng nói là vàng đá, lấy ý từ từ Hán Việt kim thạch. Kim là kim khí để đúc chuông, đỉnh. Thạch là đá. Ngày trước, những lời vua chúa hoặc công đức của nhân vật quan trọng được khắc ghi trên bia đá hay chuông, đỉnh đồng để lưu truyền mãi mãi. Đá vàng vì thế chỉ sự chung thủy son sắt, hoặc sự lưu truyền tên tuổi mãi mãi về sau.
  50. Nghiên
    Đồ dùng để mài mực hoặc son khi viết chữ Hán hoặc gần đây là thư pháp.

    Bút và nghiên mực Tàu

    Bút và nghiên mực Tàu

  51. Một loại nhạc khí thường làm bằng gỗ, khi gõ có tiếng vang. Trong đạo Phật, Phật tử gõ mõ khi tụng kinh. Ở làng quê Việt Nam xưa, khi muốn thông báo gì thì người ta gõ mõ. Người chuyên làm công việc đánh mõ rao việc làng cũng gọi là mõ.

    Mõ

  52. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  53. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  54. Phát chẩn
    Phân phát tiền, gạo,... để cứu giúp người nghèo đói, gặp khó khăn hoạn nạn.
  55. Chùa Tây Phương
    Tên chữ là Sùng Phúc Tự (崇福寺), là một ngôi chùa ở trên ngọn núi Tây Phương ở thôn Yên, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội. Theo nhiều thông tin còn lưu giữ lại thì chùa Tây Phương được xây dựng khoảng thể kỷ 8 và là chùa cổ thứ hai sau chùa Dâu ở Bắc Ninh nước ta. Chùa được xây dựng theo lối kiến trúc kiểu chữ Tam với ba tòa cấp dọc theo sườn núi, dựa vào thế núi từ thấp lên cao thành ba ngôi chùa song song với nhau là chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng. Chùa có 72 pho tượng được tạc bằng gỗ mít sơn son thếp vàng, trong đó có bộ tượng 16 vị La Hán lớn bằng người thật trong các tư thế khác nhau.

    Các vị La Hán chùa Tây Phương
    Tôi đến thăm về lòng vấn vương.
    Há chẳng phải đây là xứ Phật,
    Mà sao ai nấy mặt đau thương ?

    (Các vị La Hán chùa Tây Phương - Huy Cận)

    Tượng các vị La Hán trong chùa Tây Phương

    Tượng các vị La Hán trong chùa Tây Phương

  56. Hào
    Một trong các đơn vị tiền tệ (hào, xu, chinh, cắc) bắt đầu xuất hiện ở nước ta từ thời Pháp thuộc. Mười xu bằng một hào, mười hào bằng một đồng.

    Tiền giấy năm hào

    Tiền giấy năm hào

  57. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  58. Tư điền
    Ruộng của riêng.
  59. Kèo
    Thanh bằng tre hay gỗ từ nóc nhà xuôi xuống đỡ các tay đòn hay xà gỗ.

    Kèo

    Kèo

  60. Đòn tay
    Đoạn tre hay gỗ nằm trên kèo, dùng để đỡ rui của mái nhà.
  61. Nong
    Dụng cụ hình tròn, đan bằng tre, có vành, đáy nông, thường dùng để phơi nông sản hoặc để nuôi tằm. Có vùng gọi là nống. Nhỏ hơn nong một chút gọi là nia.

    Nong, nia, thúng

    Nong, nia, thúng

  62. Trống bỏi
    Trống bằng giấy cho trẻ con chơi, hai bên có hai sợi dây, đầu buộc một hạt nặng, đập vào mặt giấy thành tiếng khi xoay nhanh.

    Trống bỏi

    Trống bỏi

  63. Kinh Bắc
    Một địa danh thuộc miền Bắc trước đây, hiện nay bao gồm toàn bộ ranh giới hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và một phần nhỏ các tỉnh thành lân cận là Hà Nội (toàn bộ khu vực phía bắc sông Hồng là: Gia Lâm, Long Biên, Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn); Hưng Yên (Văn Giang, Văn Lâm) và Lạng Sơn (Hữu Lũng). Là nơi có ba kinh đô cổ của Việt Nam gồm: Cổ Loa, Mê Linh và Long Biên. Kinh Bắc cùng với xứ Đoài là hai vùng văn hóa cổ nhất so với xứ Sơn Nam và xứ Đông, với nhiều di tích lịch sử có giá trị như Cổ Loa, đền Sóc, chùa Phật Tích, đền thờ Hai Bà Trưng...

    Quê hương Kinh Bắc có dân ca quan họlễ hội Gióng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

    Hội Gióng

    Hội Gióng

  64. Xứ Đông
    Tên một địa danh cổ, một trấn ở phía Đông của Kinh thành Thăng Long xưa. Xứ Đông bao gồm một vùng văn hóa rộng lớn ở Đông Bắc đồng bằng sông Hồng, gồm các tỉnh Hải Dương (nằm ở trung tâm), Hải Phòng, Quảng Ninh và một phần đất thuộc hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình.

    Tứ xứ

    Tứ xứ

  65. Xứ Đoài
    Tên gọi nôm na của xứ Sơn Tây, một xứ thừa tuyên (đơn vị hành chính) thời Hậu Lê, nằm về phía tây kinh thành Thăng Long.

    Tứ xứ

    Tứ xứ

  66. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  67. Yếm
    Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

  68. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  69. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  70. Chín chữ cù lao
    Tức cửu tự cù lao, chỉ công lao khó nhọc của bố mẹ. (Cù 劬: nhọc nhằn; lao: khó nhọc). Theo Kinh Thi, chín chữ cù lao gồm: Sinh - đẻ, cúc - nâng đỡ, phủ - vuốt ve, súc - cho bú mớm lúc nhỏ, trưởng - nuôi cho lớn, dục - dạy dỗ, cố - trông nom săn sóc, phục - xem tính nết mà dạy bảo cho thành người tốt, và phúc - giữ gìn.
  71. Nguyệt hoa
    Cũng viết là hoa nguyệt (trăng hoa), chỉ chuyện trai gái yêu đương. Từ này có gốc từ nguyệt hạ hoa tiền (dưới trăng, trước hoa, những cảnh nên thơ mà trai gái hẹn hò để tình tự với nhau), nay thường dùng với nghĩa chê bai.

    Cởi tình ra đếm, ra đong
    Đâu lời chân thật, đâu vòng trăng hoa?

    (Tơ xuân - Huy Trụ)

  72. Son
    Còn trẻ chưa có vợ, chưa có chồng.
  73. Giòn
    Xinh đẹp, dễ coi (từ cổ).
  74. Thiên cung
    Cung điện trên trời, cũng gọi là thiên đình. Theo thần thoại Trung Quốc và một số nước Đông Á (trong đó có Việt Nam), trên trời có cung điện cho Ngọc Hoàng và các thần thánh ăn ở, vui chơi và trông coi mọi việc trong vũ trụ.
  75. Bắc Ninh
    Một tỉnh thuộc khu vực phía bắc của vùng đồng bằng sông Hồng, rất giàu truyền thống văn hóa. Bắc Ninh có nhiều lễ hội (hội Lim, hội Đền Đô, hội Phù Đổng...), nhiều đền chùa (chùa Bút Tháp, chùa Dâu, chùa Phật Tích...), là quê hương của danh tướng Cao Lỗ, Lý Thái Tổ, Nguyên Phi Ỷ Lan, đồng thời là cái nôi của dân ca quan họ.

    Hát quan họ

    Hát quan họ

  76. Từ Sơn
    Một địa danh thuộc tỉnh Bắc Ninh. Trước đây Từ Sơn là một phủ (nên còn gọi là Phủ Từ), thuộc thừa tuyên Kinh Bắc. Sau cách mạng tháng Tám (1945), bỏ cấp phủ, đổi làm huyện Từ Sơn. Hiện nay Từ Sơn thị xã cửa ngõ phía Nam của Bắc Ninh, tiếp giáp Hà Nội. Từ Sơn là quê hương của các vị vua nhà Lý và nhiều danh nhân văn hóa - lịch sử như Vạn Hạnh Thiền sư, Ngô Gia Tự, Trần Đức Thảo...
  77. Nhị Hà
    Tên gọi trước đây của đoạn sông Hồng chảy qua địa phận Hà Nội, tính từ đoạn sông huyện Từ Liêm (hữu ngạn) và Đông Anh (tả ngạn) chảy qua phía Nam huyện Thanh Trì. Có thuyết nói rằng, đoạn sông này chảy uốn khúc như cái vòng đeo tai, nên có tên gọi là Nhị Hà (chữ Hán nhị 珥 là vòng đeo tai). Sông còn có tên khác là Phù Luông vì nước sông chảy cuốn theo phù sa sắc đỏ như son, đến mùa thu nước mới trong trở lại.
  78. Ba mươi sáu phố
    Một cách gọi của đô thị cổ Hà Nội, khu vực dân cư nằm về phía đông của hoàng thành Thăng Long, nơi tập trung nhiều hoạt động buôn bán. Khu vực này rộng hơn khu phố cổ Hà Nội ngày nay.

    "Ba mươi sáu" là một con số mang tính ước lệ, số phố thực tế nhiều hơn con số này, và thay đổi theo thời kì.