Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Phên
    Đồ đan bằng tre, nứa, cứng và dày, dùng để che chắn. Một số vùng ở Bắc Trung Bộ gọi là phên thưng, bức thưng.

    Tấm phên

    Tấm phên

  2. Khêu
    Dùng một vật có đầu nhọn để kéo cho tim đèn trồi lên. Đèn ngày xưa đốt bằng dầu, dùng bấc. Để đèn cháy sáng thì thỉnh thoảng phải khêu bấc. Bấc đèn cũng gọi là khêu đèn.

    Một cây đèn dầu

    Một cây đèn dầu

  3. Rù Rì
    Tên một cái đèo nằm ở phía Bắc thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà. Đèo chỉ dài hơn một cây số nhưng đường đi gấp khúc, rất nguy hiểm cho xe cộ. Theo Việt Nam Tự điển của Lê Văn Đức, tên đèo bắt nguồn từ tên kĩ sư người Pháp Rury, người đã làm đường đèo này.

    Đèo Rù Rì

    Đèo Rù Rì

  4. Chữ chi
    Đường dích dắc, đường hình chữ Z, giống như hình chữ chi 之 trong tiếng Hán.
  5. Bánh tráng
    Miền Trung và miền Nam gọi là bánh tráng, miền Bắc gọi là bánh đa. Đây một dạng loại bánh làm từ bột gạo, tráng mỏng, phơi khô, khi ăn có thể nướng giòn hoặc ngâm sơ với nước cho mềm để cuốn các thức ăn khác. Ngoài ra, bánh tráng còn có thể được làm với các thành phần khác để tạo thành bánh tráng mè, bánh tráng đường, bánh tráng dừa... mỗi loại có hương vị khác nhau.

    Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng

    Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng

  6. Nỏ
    Không, chẳng (phương ngữ Trung Bộ).
  7. Trổi
    Tốt (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  8. Nhất, nhị, tam... cửu, thập là các số đếm từ 1 đến 10 (từ Hán Việt).
  9. Sơn ca
    Cũng gọi là chiền chiện, chà chiện ở Quảng Nam hoặc cà lơi ở Huế, một giống chim thuộc họ chim sẻ, có tiếng hót lảnh lót và kiểu bay liệng lạ mắt. Loài này thường làm tổ ở mặt đất hoặc nơi không cao lắm so với mặt đất. Thức ăn chính là côn trùng.

    Chim sơn ca

    Chim sơn ca

  10. Ve
    Cũng thường được gọi là ve sầu, là loài côn trùng có hai cánh dài, mỏng, nhiều vân. Con đực kêu ve ve suốt mùa hè. Trong văn chương, xác ve hay mình ve thường được dùng để chỉ tấm thân gầy gò, khô héo.

    Ruột tằm ngày một héo hon
    Tuyết sương ngày một hao mòn mình ve

    (Truyện Kiều)

    Con ve sầu

    Con ve sầu

  11. Mình chà chiện, miệng ve ve
    Nhỏ người nhưng nói nhiều.
  12. Tai
    Tai họa, tai nạn (từ Hán Việt).
  13. Hầu
    Gần như, sắp.
  14. Cá bống
    Một họ cá sông rất quen thuộc ở khắp ba miền Bắc, Trung, Nam (tại đây loài cá này cũng được gọi là cá bóng). Cá bống sống thành đàn, thường vùi mình xuống bùn. Họ Cá bống thật ra là có nhiều loài. Tỉnh Quảng Ngãi ở miền Trung nước ta có loài cá bống sông Trà nổi tiếng, trong khi ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, loài được nhắc tới nhiều nhất là cá bống tượng. Cá bống được chế biến thành nhiều món ăn ngon, có giá trị cao.

    Cá bống tượng Kiên Giang.

    Cá bống tượng

    Cá bống kho tộ

    Cá bống kho tộ

  15. Chè
    Cũng gọi là trà, tên chung của một số loại cây được trồng lấy lá nấu thành nước uống. Một loại có thân mọc cao, lá lớn và dày, có thể hái về vò nát để nấu uống tươi, gọi là chè xanh. Loại thứ hai là chè đồn điền du nhập từ phương Tây, cây thấp, lá nhỏ, thường phải ủ rồi mới nấu nước, hiện được trồng ở nhiều nơi, phổ biến nhất là Thái Nguyên và Bảo Lộc thành một ngành công nghiệp.

    Đồi chè Thái Nguyên

    Đồi chè Thái Nguyên

  16. Như Quỳnh
    Tên Nôm là làng Ghênh, xưa thuộc Gia Lâm, phủ Thuận An, xứ Kinh Bắc, nay là địa phận thị trấn Như Quỳnh, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Đây là quê của thái phi Trương Thị Ngọc Chử, mẹ của chúa Trịnh Cương, bà nội của chúa Trịnh Giang và Trịnh Doanh.
  17. Liễu Ngạn
    Xưa có tên là làng Khe, nay thuộc xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
  18. Ghênh đẻ, Khe nuôi
    Tương truyền, khi thái phi Trương Thị Ngọc Chử (người làng Ghênh) sinh ra chúa Trịnh Cương thì bị mất sữa, chúa khóc ngằn ngặt suốt ngày đêm, ai dỗ cũng không nín. Khi ấy em con dì ruột của bà Chử là Nguyễn Thị Cảo lấy chồng về làng Khe cũng vừa sinh con nên bà vời vào cung nuôi con cùng. Khi bà Cảo bế cháu lên tay thì Trịnh Cương liền nín khóc và đòi bú. Từ đó bà Cảo ở lại trong cung nuôi con nuôi cháu, dần dần trong dân gian lưu truyền câu này.
  19. Con Rồng cháu Tiên
    Người Việt Nam tự nhận mình là con của rồng (Lạc Long Quân) và tiên (Âu Cơ). Tương truyền, Lạc Long Quân và Âu Cơ lấy nhau đẻ ra một bọc trăm trứng, nở ra trăm con. Năm mươi con theo cha xuống biển, năm mươi con theo mẹ lên núi, cùng sinh con đẻ cái tạo thành nòi giống người Việt.
  20. Trường Yên
    Một làng nay thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Vào thế kỉ thứ 10, đây là kinh đô Hoa Lư của nước ta, lúc ấy quốc hiệu là Đại Cồ Việt. Tại đây có đền thờ Đinh Tiên Hoàng trên nền cung điện Hoa Lư xưa, và đền thờ Lê Đại Hành ở gần đó. Hằng năm vào tháng 2, nhân dân tổ chức lễ hội ghi nhớ công lao của hai vị vua dựng nước và giữ nước này.

    Trường Yên - Hoa Lư

    Trường Yên - Hoa Lư

  21. Đinh Tiên Hoàng
    Tên húy là Đinh Bộ Lĩnh (924 - 979), vị vua sáng lập nhà Đinh, nước Đại Cồ Việt trong lịch sử nước ta. Ông là người có công dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn và trở thành hoàng đế đầu tiên của Việt Nam sau 1000 năm Bắc thuộc. Đại Cồ Việt là nhà nước mở đầu cho thời đại độc lập, tự chủ, xây dựng chế độ quân chủ tập quyền ở Việt Nam.

    Ông sinh ở thôn Kim Lư, làng Đại Hữu, châu Đại Hoàng (nay thuộc xã Gia Phương, Gia Viễn, Ninh Bình). Tương truyền thuở bé ông đi chăn trâu cho chú, hay cùng bạn bè cưỡi trâu tập trận giả, lấy bông lau làm cờ. Vì vậy khi nhắc đến ông, hậu thế thường nhắc đến các cụm từ cờ lau tập trận, cờ lau dựng nước...

    Tượng Đinh Tiên Hoàng ở Hoa Lư

    Tượng Đinh Tiên Hoàng ở Hoa Lư

  22. Lê Đại Hành
    Tên húy là Lê Hoàn (941 – 1005), vị vua đầu tiên của nhà Tiền Lê, trị vì từ 980 đến 1005. Ông không chỉ là một vị hoàng đế có những đóng góp lớn trong chống quân Tống phương Bắc, quân Chiêm phương Nam, giữ gìn và củng cố nền độc lập dân tộc mà còn có nhiều công lao trong sự nghiệp ngoại giao, xây dựng và kiến tạo đất nước Đại Cồ Việt. Cũng chính ông đã tạo ra tiền đề cho Lý Công Uẩn sau này dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long năm 1010, mở ra một kỷ nguyên phát triển lâu dài của văn hóa Thăng Long - Hà Nội.

    Tượng Lê Đại Hành ở Hoa Lư

    Tượng Lê Đại Hành ở Hoa Lư

  23. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  24. Khăn rằn
    Một loại khăn đặc trưng của người Nam Bộ, thường có hai màu đen và trắng hoặc nâu và trắng. Hai màu này đan chéo nhau, tạo thành ô vuông nhỏ, trải dài khắp mặt khăn.

    Thiếu nữ Nam Bộ với áo bà ba và khăn rằn

    Thiếu nữ Nam Bộ với áo bà ba và khăn rằn

  25. Xổi
    Cách muối (dưa, cà) nhanh, làm ăn ngay trong ngày.
  26. Thì
    Thời, lúc.
  27. Rau bợ
    Một loại rau dại mọc nhiều ở các bờ ao, rãnh, mương, đầm lầy, thân bò ngang mặt bùn, lá nổi trên mặt nước hay vươn lên khỏi mặt nước. Rau bợ có vẻ ngoài rất giống cây me đất, ăn bùi, ngọt như rau ngót, có vị hơi chua của me, tanh giống diếp cá. Rau phơi khô dùng như trà thuốc có tác dụng giải nhiệt cơ thể, trị ngứa, rôm sảy mùa hè.

    Rau bợ

    Rau bợ

  28. Nây
    Thịt bụng của lợn, không ngon.