Ve vẻ vè ve
Nghe vè con gái
Tay chân mềm mại
Khác thể bông hoa
Chờ mẹ đi ra
Cắp tiền thu giấu
Muốn ăn khoai nấu
Ngồi xếp bè he
Miệng bằng cái ghè
Lưng bằng cái thúng
Ăn chùng ăn vụng
Đã sướng bụng chưa …
Tìm kiếm "bao bọc"
-
-
Vè chăn vịt
Thân tôi coi vịt cực khổ vô hồi
Sáng ra ngồi trông trời mau xế như chúa trông hiền thần
Hai cẳng lần lần như Địch Thanh thắng trận
Quần áo chưa kịp bận như Tào Tháo bị vây
Tay cầm cái cây như Tề Thiên cầm thiết bảng
Vịt chạy qua bờ ngăn đón cản như Tiết Nhơn Quý rượt Cáp Tô Văn
Quần bận còn xăn như Uất Trì tắm ngựa
Vịt ăn ngồi dựa bóng tùng như Tần Thúc Bảo lúc bệnh đau
Vịt chạy đuổi lao xao như La Thông tảo Bắc
Tối về nhà đèn chưa tắt như đãi yến công nương
Ngày ra tới đứng ngoài đường, chiều về như Phàn Lê Huê nhập trại. -
Vè say rượu
Ngôn đa ngữ thất
Nói trật nhiều điều
Tiền rượu chúng kêu
Còn ngồi nói pháo
Nhiếc rằng nói láo
Uống chẳng biết lo
Rượu muốn đong cho
Tiền không chịu trả
Say rồi bậy bạ
Nói dọc nói ngang
Nằm sá nằm đàng
Té lên té xuống
Rượu bao nhiêu cũng uống
Uống quá mẹ hũ chìm
Nói như bìm bìm
Leo dây leo nhợ … -
Chỉ vì một chữ ăn
Ăn lông ở lỗ, từ thuở tạo thiên
Hôm sớm cửa thiền, ăn chay niệm Phật
Cả đời chật vật, làm không đủ ăn
Tánh hay hiểu lầm, làm sao ăn ở
Biết ăn theo thuở, biết ở theo thời
Tài sức thua người, thì bị ăn hiếp
Đờn ca ăn nhịp, mới thật tài năng
Người không chịu làm, hay đi ăn ké
Cần phải tránh né, cái bọn ăn dơ
Vừa vét vừa quơ, muốn ăn trọn gói
Hễ ăn một đọi, thì nói một lời
Ăn phải coi nồi, ngồi thời coi hướng … -
Nghĩ xem cái nước Nam mình
Nghĩ xem cái nước Nam mình
Tây sang bảo hộ tài tình đến đâu?
Nghĩ xem tiền của ở đâu
Đưa ra mà bắc được cầu qua sông
Chả hay tiền của của chung
Đưa ra mà bắc qua sông Bồ Đề
Bắc cho thiên hạ đi về
Những cột dây thép khác gì nhện chăng
Tưởng rằng anh Pháp nghĩa nhân
Nào hay lấy của dân Nam làm giàu … -
Nghe anh hay chữ, em hỏi thử đôi lời
– Nghe anh hay chữ, em hỏi thử đôi lời
Từ mặt đất lên trời mấy trăm ngàn thước?
Từ mặt nước đo xuống âm phủ, mấy trăm dặm đường?
Em kể chuyện từ đời Tống đến đời Đường
Ông vua Đường có cuốn sách Minh Tâm
Một cuốn có mấy chục tờ?
Một tờ có mấy chục chữ?
Anh đứng làm trai quân tử tỏ lại em tường
Trăm năm kết nghĩa cang thường với anh.
– Nghe em hỏi tức, anh đáp phứt cho rồi
Từ mặt đất lên đến trời ba trăm ngàn thước
Từ mặt nước đo xuống âm phủ ba trăm dặm đường
Anh kể chuyện từ đời Tống cho đến đời Đường
Ông vua Đường có cuốn sách Minh Tâm
Một cuốn có ba trăm tờ
Một tờ có ba trăm chữ
Anh đứng làm trai quân tử tỏ lại cho em tường
Trăm năm gá nghĩa cang thường hay chưa? -
Bấy lâu ta ở với ta
Bấy lâu ta ở với ta
Bây giờ có Phú Lang Sa lọt vào
Bây giờ đất thấp trời cao
An Nam, Quảng Tống phải vào lụy Tây
Bây giờ khố bẹ đi giày
Bờ lau lên phố, đĩ nay lên bà
Mấy đời khoai sắn nở hoa
Thau rau đắc thế, trẻ già thất kinh
Bấy lâu vua trị một mình
Bây giờ Nhà nước đã rành chia đôi
Văn nhân khoa mục ở rồi
Những phường dốt nát lên ngồi làm quan
Những anh phơ phất loàng xoàng
Làm bồi làm bếp ra ràng cậu chiêu
Các quan trung nghĩa trong triều
Về nhà ngồi xó liệu chiều thủ thân
Những quân vô nghĩa, nịnh thần
Tìm thầy, tìm cách lần lần thăng quan
Trị dân lắm sự tham tàn
Kiếm tiền kiếm bạc mới toan bằng lòng
Muốn cho bể lặng, sông trong
Cách hết lũ ấy mới mong thái bình -
Thơ thằng Lía
Ngàn năm dưới bóng thái dương,
Biết bao là sự lạ thường đáng ghi,
Noi nghề hàng mặc bấy nay,
Một pho dị sự vắn dài chép ra.
Trước là giải muộn ngâm nga,
Sau nêu gương nọ đặng mà soi chung.
Xưa kia có một phú ông,
Vợ chồng chuyên một nghề nông nuôi mình,
Bấy lâu loan phụng hòa minh,
Xóm làng kiêng nể tánh tình thiện lương.
Tuy là sành sỏi ruộng nương,
Ông bà xấu số gặp đường chẳng may,
Thuở trước cũng chẳng thua ai,
Tiền dư bạc sẵn tháng ngày thung dung,
Ruộng vườn khai khẩn khắp cùng,
Thôn lân đều thảy có lòng bợ nâng.
Đến nay nhằm buổi lao lung,
Ruộng nương thất phát vô cùng thảm thương,
Tháng ngày khổ hại trăm đường,
Bảy năm chịu sự tai ương nguy nàn,
Bấm gan cam chịu gian nan,
Vợ chồng đau đớn đoạn tràng thiết tha.
Lần hồi ngày lụn tháng qua,
Nghèo nàn túng tíu gẫm đà thói quen,
Thét rồi cũng chẳng than phiền,
Cắn răng mà chịu đảo điên qua hồi.
Lão mụ tuổi đã lớn rồi,
Vợ bốn mươi chẵn chồng thời bốn ba,
Đêm ngày lo tính gần xa,
Chẳng con kế tự thật là đáng lo,
Choanh ngoảnh chồng vợ đơn cô,
Tuổi già sức yếu biết nhờ cậy ai? … -
Vè đánh Tây
Tượng nghe:
Nước có nguồn, cây có gốc
Huống chi người có da, có tóc
Mà sao không biết chúa, biết cha?
Huống chi người có nóc có gia
Mà sao không biết trung biết hiếu
Hai vai nặng trĩu
Gánh chi bằng gánh cang thường
Một dạ trung lương
Gồng chi bằng gồng xã tắc
Bớ những người tai mắt
Thử xem loại thú cầm:
Trâu ngựa dòng điếc câm
Còn biết đền ơn cho nhà chủ
Muông gà loài gáy sủa
Còn biết đáp nghĩa lại người nuôi … -
Vè phu làm đường lên Tam Đảo
Tôi có nhời thăm u cùng bá
Ở trên này khổ quá u ơi
Khi nào thong thả mát giời
Mời u quá bộ lên chơi vài ngày
Làm kíp chả được tiền ngay
Phải ăn gạo ngữ của thầy cai Sơn
Một đồng mười sáu bơ đơn
Đong đi đong lại chỉ còn mười lăm
Thầy cai cứ đứng chăm chăm
Hễ ai hút thuốc lại nhằm cắt công
Trời mưa có thấu hay không
Quanh năm chẳng có một đồng thừa ra
Lấy gì đồng bánh, đồng quà
Lấy gì mà gửi về nhà nuôi con
Mười năm làm ở đỉnh non
Ở nhà cha mẹ vợ con mất nhờ
Thân tôi khổ đến bao giờ? -
Sao ba đã đứng ngang đầu
-
Mười giờ ông Chánh về Tây
-
Hôm qua anh đi chợ trời
Hôm qua anh đi chợ trời
Thấy ông Nguyệt Lão đang ngồi ở trên
Tay thì cầm bút cầm nghiên
Tay cầm tờ giấy đang biên rành rành
Biên ta rồi lại biên mình
Biên đây lấy đấy, biên mình lấy ta
Chẳng tin lên hỏi trăng già
Trăng già cũng bảo rằng ta lấy mình
Chẳng tin lên hỏi thiên đình
Thiên đình cũng bảo rằng mình lấy ta
Quyết liều một trận phong ba
Để cho thiên hạ người ta trông vào
Quyết liều một trận mưa rào
Để cho thiên hạ trông vào đôi ta -
Con trăng non nó hỏi con trăng già
Dị bản
-
Hỡi cô thắt lưng bao xanh
-
Lạy Bà, Bà cả gió đông
-
Thiên triều văn
Thương thay, hỡi các chú ơi
Ăn uống đã rồi thầy kể một văn:
Quý Tỵ giữa ngày mồng năm,
Giờ Dần chính nguyệt ầm ầm huyên hoa
Một chi đánh ở Đống Đa
Cầu Duệ kéo đến tốt xa muôn phần
Phép voi bại trận tiên phong
Cầu nhương sụt cả xuống sông Bồ Đề
Đao binh tử trận đầy khe
Dọc đường gài gác nằm kề năn năn
Chú sang cứu viện nước Nam
Chẳng may gặp phải suối vàng thương thay
Chú thì thắt cổ trên cây
Chú thì tự vẫn ở nay trong nhà
Chú thì thác xuống Diêm La
Chú nào còn sống về nhà đại minh … -
Vè chàng Lía
Lía ta nổi tiếng anh hào
Sơn hà một góc thiếu nào người hay
Bạc tiền thừa đủ một hai
Chiêu binh mãi mã càng ngày càng đông
Làm cho bốn biển anh hùng
Mến danh đều tới phục tùng chân tay.
Kẻ nào tàn ác lâu nay
Lía sai cướp của đoạt tài chẳng dung
Nhà giàu mấy tỉnh trong vùng
Thảy đều kinh sợ vô cùng lo toan
Nhất nhì những bực nhà quan
Nghe chàng Lía doạ kinh hoàng như điên
Nhà nào nhiều bạc dư tiền
Mà vô ân đức, Lía bèn đoạt thâu.
Tuy chàng ở chốn non đầu
Nhưng mà lương thực vật nào lại không
Lâu la ngày một tụ đông
Vỡ rừng làm rẫy, vun trồng bắp khoai
Mọi người trên dưới trong ngoài
Thảy đều no đủ sớm trưa an nhàn
Tiếng tăm về đến trào đàng
Làm cho văn võ bàng hoàng chẳng an.
Nam triều chúa ngự ngai vàng
Bá quan chầu chực hai hàng tung hô
Có quan ngự sử bày phô
Tâu lên vua rõ lai do sự tình
Đem việc chàng Lía chiêu binh
Trình lên cặn kẽ phân minh mọi đàng
Nào khi Lía phá xóm làng
Đến khi lên núi dọc ngang thế nào
Kể tên những bậc phú hào
Từng bị quân Lía đoạt thâu gia tài
Vua ngồi nghe rõ một hai,
Đập bàn, vỗ án giận rày thét la:
– Dè đâu có đứa gian tà
Giết người, đoạt của thiệt là khó dung
Truyền cho mười vạn binh hùng
Dưới cờ đại tướng binh nhung lên đàng
Đại quân vâng lệnh Nam hoàng
Hành quân tức khắc thẳng đàng ruổi dong
Gập ghềnh bao quản núi non
Dậy trời sát khí quân bon lên rừng. … -
Bao giờ cạn lạch Đồng Nai
Dị bản
-
Bao giờ trúc mọc trên chì
Dị bản
Bao giờ lúa mọc trên chì
Voi đi trên giấy, Tây thì về Tây.
Chú thích
-
- Khác thể
- Chẳng khác nào, giống như.
-
- Xếp bè he
- Ngồi bệt và bó gối.
-
- Ghè
- Đồ đựng (nước, rượu, lúa gạo) làm bằng đất hoặc sành sứ, sau này thì có làm bằng xi măng.
-
- Vô hồi
- Không ngừng, không hết, một cách nói của người Nam Bộ (cực vô hồi, mừng rỡ vô hồi...).
-
- Hiền thần
- Người bầy tôi giỏi (trong xã hội phong kiến).
-
- Địch Thanh
- Một danh tướng của nhà Tống trong lịch sử Trung Quốc.
-
- Tào Tháo
- Một nhà quân sự kiệt xuất cuối thời Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc, được người Việt Nam biết đến chủ yếu qua tác phẩm Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, theo đó ông được miêu tả là một người gian hùng và đa nghi. Trong lịch sử, Tào Tháo là người đặt cơ sở cho thế lực quân sự cát cứ ở miền Bắc Trung Quốc, lập nên chính quyền Tào Ngụy thời Tam Quốc, và có công rất lớn trong việc dẹp loạn Khăn Vàng (Huỳnh Cân) và nạn Đổng Trác.
-
- Tôn Ngộ Không
- Một trong số các nhân vật chính trong tiểu thuyết Tây Du Ký của nhà văn Trung Quốc Ngô Thừa Ân, rất quen thuộc trong văn hóa Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc. Tôn Ngộ Không vốn là một con khỉ nứt từ đá ra, học được 72 phép biến hóa, có phép Cân đẩu vân (bay lộn trên mây, nhún mình một cái bay được một vạn tám ngàn dặm), sử dụng vũ khí là gậy sắt (thiết bảng), tự xưng là Tề Thiên Đại Thánh. Sau Tôn Ngộ Không theo phò Đường Tam Tạng sang Tây Trúc thỉnh kinh, dọc đường có nhiều công trạng trong việc đánh yêu ma quỷ quái, bảo vệ Đường Tăng, đồng thời cũng gặp phải nhiều kiếp nạn.
-
- Tiết Nhơn Quý
- Một danh tướng thời nhà Đường trong lịch sử Trung Quốc. Ông được biết đến nhiều bởi hình tượng nhân vật tiêu biểu trong văn hóa kinh kịch Trung Quốc. Hình ảnh Tiết Nhơn Quý được thần thoại hóa thành "tướng tinh cọp trắng" và có nhiều câu chuyện dân gian xung quanh nhân vật này.
Ở nước ta, cuốn tiểu thuyết dã sử của Trung Quốc Tiết Nhơn Quý chinh Đông đã được chuyển thể thành vở cải lương cùng tên được nhân dân khá yêu thích. Xem trích đoạn vở cải lương này tại đây.
-
- Cáp Tô Văn
- Tướng tài của nước Cao Ly (bán đảo Triều Tiên ngày nay). Theo chuyện ghi trong bộ tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc Tiết Nhơn Quý chinh Đông sau được dựng thành tuồng và cải lương ở nước ta, trong chuyến xuất đại binh chinh phạt của vua Trung Quốc đời Đường là Đường Thái Tông, Cáp Tô Văn đánh bại tất thảy các tướng nhà Đường nhưng cuối cùng thua dưới tay Tiết Nhơn Quý, chặt đầu mình tự vẫn.
-
- Uất Trì Cung
- Một danh tướng thời Đường bên Trung Hoa. Ông họ Uất Trì tên Cung, tên chữ là Kính Đức, nổi tiếng có sức mạnh phi thường, phò tá vua Đường Thái Tông rất trung thành. Hình tượng Uất Trì Cung trong quan niệm dân gian Trung Hoa là một viên tướng mặt đen như than, cùng với Tần Quỳnh (mặt vàng) là hai vị thần giữ cửa (môn thần) trong tín ngưỡng truyền thống.
-
- Tần Thúc Bảo
- Danh tướng nhà Đường dưới thời Đường Thái Tông, là một trong những khai quốc công thần của nhà Đường, được dân gian tôn làm Môn Thần (thần giữ cửa) và được tiểu thuyết hoá trong nhiều tác phẩm văn học và sân khấu-điện ảnh.
-
- La Thông
- Một danh tướng đời Đường trong tiểu thuyết cổ điển của Trung Quốc La Thông tảo Bắc kể việc La Thông kéo quân lên cứu Đường Thái Tông bị vây khốn ở Bắc Phiên. Tiểu thuyết này đã được chuyển thể thành một vở cải lương cùng tên (còn có tên khác là "Công chúa Đồ Lư"), được nhân dân ta, đặc biệt là người miền trong, ưa chuộng. Nhân vật La Thông cũng được nhắc đến trong các vở tuồng cổ Tiết Nhơn Quý chinh Đông và Tiết Đinh San chinh Tây.
-
- Phàn Lê Huê
- Một nữ tướng thời Đường, vợ của Tiết Đinh San, cũng là một danh tướng trong dã sử Trung Quốc. Phàn Lê Huê là nhân vật chính trong nhiều vở tuồng và cải lương biên soạn dựa trên tiểu thuyết Trung Quốc ở nước ta.
Xem trích đoạn cải lương Phàn Lê Huê phá Hồng thuỷ trận và Tiết Định San cầu Phàn Lê Huê tại đây.
-
- Ngôn đa ngữ thất
- Trích từ sách Cảnh Hạnh Lục (Minh Tâm Bảo Giám): Ngôn đa ngữ thất giai nhân tửu, nghĩa đoạn thân sơ chỉ vị tiền (nói nhiều, nói bậy đều do rượu, dứt tình nghĩa, chia lìa thân thuộc cũng vì tiền).
-
- Nói pháo
- Nói khoác.
-
- Đàng
- Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Bìm bìm
- Một loại cây leo, hoa hình phễu, trắng hoặc tím xanh, thường mọc hoang hoặc được trồng làm cảnh ở các bờ rào.
-
- Thuở tạo thiên
- Lúc mới lập ra trời đất.
-
- Đọi
- Cái chén, cái bát (phương ngữ một số vùng ở Bắc Trung Bộ).
-
- Thời
- Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
-
- Bảo hộ
- Giúp đỡ và che chở. Trước đây thực dân Pháp lấy danh nghĩa bảo hộ để xâm lược nước ta và nhiều nước khác.
-
- Sông Bồ Đề
- Một đoạn sông Hồng thuộc thành Thăng Long ngày trước. Đây chính là nơi 20 vạn quân Thanh của Tôn Sĩ Nghị đóng quân khi sang xâm lược nước ta vào năm 1788, trước khi bị vua Quang Trung dẫn nghĩa quân Tây Sơn tiến ra Bắc đánh cho tan tành.
-
- Ở đây có thể là cầu Long Biên.
-
- Nghĩa nhân
- Cũng viết nhân nghĩa, nghĩa là "lòng yêu thương người (nhân) và biết làm điều phải (nghĩa)." Hiểu rộng là đạo nghĩa sống ở đời.
-
- Thước
- Đơn vị đo chiều dài cổ ở nước ta. Một thước ngày đó bằng 40 cm. Ngày nay một thước được hiểu là 1 m.
-
- Âm phủ
- Cũng gọi là âm ty, âm cung, một khái niệm trong tín ngưỡng dân gian của nhiều dân tộc. Theo đó, linh hồn của người chết sẽ được đưa đến âm phủ, được luận xét công tội khi còn là người trần, sau đó tuỳ mức độ công tội mà được đưa đi đầu thai (thành người hoặc vật) hoặc phải chịu các hình phạt khủng khiếp. Trong văn hoá Trung Hoa và Việt Nam, âm phủ cũng có hệ thống như trần gian: đứng đầu âm phủ là Diêm Vương (cũng gọi là Diêm La Vương, nên âm phủ còn có tên là Điện Diêm La), dưới là các phán quan, cuối cùng là các quỷ dạ xoa.
-
- Dặm
- Đơn vị đo chiều dài được dùng ở Việt Nam và Trung Quốc ngày trước. Một dặm dài 400-600 m (tùy theo nguồn).
-
- Tống
- Một triều đại kéo dài từ năm 960 đến năm 1279 trong lịch sử Trung Quốc (cùng thời với nhà Lý trong lịch sử nước ta).
-
- Đường
- Một triều đại kéo dài từ năm 618 đến năm 907 trong lịch sử Trung Quốc. Vào thời nhà Đường, văn học Trung Quốc, nhất là thơ ca, phát triển cực thịnh. Đa số những nhà thơ lớn nhất của Trung Quốc sống với thời kì này: Vương Bột, Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Đỗ Mục...
-
- Minh Tâm Bửu Giám
- Nghĩa tiếng Việt là "gương báu sáng lòng," một cuốn sách gồm các câu nói của các bậc danh nho, hiền triết Trung Hoa từ cổ đại đến đời Tống, được chia làm 20 thiên. Trong thời kì Nho giáo trước đây, Minh Tâm Bửu Giám được xem là cuốn sách "gối đầu giường" của các nhà nho.
-
- Cương thường
- Cũng đọc là cang thường, cách nói tắt của tam cương ngũ thường, một khái niệm về đạo lí của Nho giáo trong chế độ phong kiến dành cho nam giới. Tam cương nghĩa là ba giềng mối (cương là đầu mối của lưới, nắm được cương thì các mắt lưới sẽ giương lên), gồm có quân thần (vua tôi), phụ tử (cha con), và phu phụ (chồng vợ). Ngũ thường (năm đức tính phải có) gồm: Nhân (đức khoan dung), lễ (lễ độ), nghĩa (đạo nghĩa), trí (trí tuệ) và tín (lòng thành thật).
Trong ca dao - dân ca, đạo cang thường thường dùng để chỉ tình cảm vợ chồng.
-
- Gá nghĩa
- Kết nghĩa (gá nghĩa vợ chồng, gá nghĩa anh em), tiếng miền Nam còn đọc trại thành gá ngãi.
-
- Lang Sa
- Pha Lang Sa, Phú Lang Sa, Phú Lãng Sa, hay Lang Sa đều là những cách người Việt thời trước dùng để chỉ nước Pháp, ngày nay ít dùng. Các tên gọi này đều là phiên âm của từ "France".
-
- Quảng Tống
- Cách nói của Quảng Đông, chỉ người Hoa.
-
- Thau rau
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Thau rau, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Văn nhân
- Người viết văn hoặc có kiến thức về văn học; người trí thức.
Trông chừng thấy một văn nhân,
Lỏng buông tay khấu bước lần dặm băng.
(Truyện Kiều)
-
- Khoa mục
- Những danh mục, hạng, loại trong khoa cử thời phong kiến, như Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, Hoàng giáp... Những người đỗ đạt ngày xưa cũng gọi là người khoa mục.
-
- Phường
- Nhóm người, bọn (thường dùng với nghĩa thiếu tôn trọng).
Con này chẳng phải thiện nhân
Chẳng phường trốn chúa, thì quân lộn chồng
(Truyện Kiều)
-
- Bồi
- Người hầu hạ, giúp việc, thường là nam giới nhỏ tuổi. Từ này có gốc là phiên âm của từ tiếng Anh boy.
Biết thân, thuở trước đi làm quách,
Chẳng kí, không thông, cũng cậu bồi!
(Than nghèo - Tú Xương)
-
- Cậu ấm cô chiêu
- Chiêu là từ chỉ học vị tiến sĩ thời Lê còn ấm là chức tước do triều đình ban cho con cháu các quan từ ngũ phẩm trở lên. Con cái những người này được gọi là "cậu ấm," "cô chiêu," sau được dùng để chỉ chung con cái những nhà giàu có.
-
- Cách
- Tước bỏ chức tước, phẩm hàm, công việc.
-
- Dị sự
- Chuyện lạ thường (từ Hán Việt).
-
- Vắn
- Ngắn (từ cổ).
Tự biệt nhiều lời so vắn giấy
Tương tư nặng gánh chứa đầy thuyền
(Bỏ vợ lẽ cảm tác - Nguyễn Công Trứ)
-
- Đặng
- Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
-
- Loan phụng hòa minh
- Chim loan, chim phượng cùng hót. Chỉ vợ chồng hòa thuận, thương yêu nhau.
-
- Thung dung
- Thong dong.
-
- Thôn lân
- Làng xóm láng giềng (từ Hán Việt).
-
- Lao lung
- Khổ cực (từ cổ).
-
- Thất phát
- Cũng như thất bát – mất mùa.
-
- Nàn
- Nạn (từ cũ).
-
- Đoạn trường
- Đau đớn như đứt từng khúc ruột (đoạn: chặt đứt, trường: ruột). Theo Sưu thần kí, có người bắt được hai con vượn con, thường đem ra hiên đùa giỡn. Vượn mẹ ngày nào cũng đến ở trên cây gần đầu nhà, kêu thảm thiết. Ít lâu sau thì vượn mẹ chết, xác rơi xuống gốc cây. Người ta đem mổ thì thấy ruột đứt thành từng đoạn.
-
- Túng tíu
- Túng thiếu (từ cũ).
-
- Thét
- Chịu đựng lâu thành quen (phương ngữ).
-
- Kế tự
- Nối dõi (từ Hán Việt).
-
- Gia
- Nhà (từ Hán Việt).
-
- Trung lương
- Trung chính và lương thiện.
-
- Xã tắc
- Đất nước (xã là đất, tắc là một loại lúa).
-
- U
- Tiếng gọi mẹ ở một số vùng quê Bắc Bộ.
-
- Bá
- Chị của mẹ.
-
- Kíp
- Gấp, vội. Từ này có nguồn gốc từ chữ Hán Việt cấp.
-
- Gạo ngữ
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Gạo ngữ, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Cai
- Người trông coi trong các công trường, nhà tù thời phong kiến, Pháp thuộc.
-
- Ống bơ
- Vỏ lon đồ hộp. Trước dân ta hay dùng vỏ lon sữa đặc để đong gạo.
-
- Sao ba
- Dịch Hán Nôm từ "tam tinh," gốc trong Kinh thi "三星在天 tam tinh tại thiên = ba sao giữa trời." Sao ba là ba ngôi sao thuộc nhóm sao Thương tức Sao Tâm (chỉ 3 sao mang tên Tâm), nằm giữa Sao Vĩ và Sao Phòng, cùng với Sao Phòng tạo thành phần đầu chòm Thiên Yết (Orion), ở Việt Nam được dân gian gọi là mũ Thần Nông.
-
- Thầy Thông Chánh
- Một người làm nghề thông ngôn tên là Chánh. Theo nhà nghiên cứu Trần Dũng thì thầy Thông Chánh tên thật là Nguyễn Văn Chánh, còn gọi là Nguyễn Trung Chánh, sinh khoảng năm 1850 tại Trà Vinh trong một gia đình theo đạo Thiên chúa, làm thông ngôn cho Pháp. Vợ (có nguồn nói là con gái) của thầy là cô Ba, sắc đẹp nổi tiếng lúc bấy giờ, nên tên Biện lý Jaboin rắp tâm chiếm đoạt. Quá uất ức, thầy đã dùng súng giết chết viên quan thực dân háo sắc ngày 14 tháng 5 năm 1893 (theo Sơn Nam), bị Tòa đại hình Mỹ Tho kết án ngày 19 tháng 6 năm 1893, và bị chém đầu ngày 8 tháng 1 năm 1894 tại Trà Vinh.
-
- Theo ông Nguyễn Hữu Hiệp thì trước khi chém đầu, thực dân đưa thầy Thông Chánh sang Pháp để gọi là “trình diện hung thủ” với bà mẹ của tên Biện lý.
-
- Cô Ba
- Cô Ba Thiệu, một người phụ nữ quê ở Trà Vinh có sắc đẹp nổi tiếng cả miền Nam vào khoảng cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20. Có nguồn nói cô là vợ, lại có nguồn cho rằng cô là con gái của thầy Thông Chánh, người đã nổ súng bắn chết Biện lý Jaboin vào năm 1893, gây nên một sự kiện đình đám lúc bấy giờ. Thời ấy có nhãn hiệu xà phòng (xà bông) rất thịnh hành, trên vỏ ngoài có in hình cô Ba, dân chúng quen gọi là "xà bông Cô Ba."
-
- Thông ngôn
- Phiên dịch (bằng miệng). Đây là một từ cũ, thường dùng trong thời Pháp thuộc. Người làm nghề thông ngôn cũng gọi là thầy thông.
-
- Nguyệt Lão
- Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.
-
- Nghiên
- Đồ dùng để mài mực hoặc son khi viết chữ Hán hoặc gần đây là thư pháp.
-
- Phong ba
- Gió (phong) và sóng (ba). Chỉ khó khăn thử thách.
-
- Thiên hạ
- Toàn bộ mọi vật, mọi người. Đây là một khái niệm có gốc từ Trung Quốc (thiên 天 (trời) hạ 下 (ở dưới), nghĩa đen là "dưới gầm trời").
"Nào ta biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ." (Chữ người tử tù - Nguyễn Tuân)
-
- Chà
- Cành cây có nhiều nhánh nhỏ, thường dùng để rào hoặc thả dưới nước cho cá đến ở. Miền Trung có chỗ gọi là nè (cành nè, cây nè).
-
- Thiên Chúa
- Ngôi tối cao trong trong Cơ Đốc giáo, được xem là đấng toàn năng tạo dựng ra toàn thể vũ trụ, duy trì công cuộc sáng tạo và cung cấp mọi sự cần dùng cho dân Chúa. Theo giáo lí của hầu hết các giáo hội thuộc cộng đồng Cơ Đốc giáo, Thiên Chúa là duy nhất, hiện hữu trong ba ngôi vị: Chúa Cha, Chúa Con (Giê-xu) và Chúa Thánh Thần. Khái niệm này cũng gọi là Tam vị nhất thể.
-
- Quảng Bá
- Tên cũ là Quảng Bố, một làng cổ nằm ven đê sông Hồng và bên bờ Hồ Tây, nay thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội. Quảng Bá nổi tiếng từ xưa với nghề trồng rau, trồng đào và các loại hoa Tết. Tuy nhiên, hiện nay diện tích trồng các loại hoa đã bị thu hẹp trong quá trình đô thị hóa.
-
- Bác mẹ
- Cha mẹ (từ cổ).
-
- Bà
- Nữ thần phù hộ người đi biển. Theo Sơn Nam: “Bà là nhân vật có thật nhưng lần hồi được thêu dệt về sự linh thiêng. Nhờ tu tiên (theo đạo Lão Tử), tuy ngồi nhà Bà vẫn thấy người đi biển đang bị đắm thuyền, bèn dùng bùa phép để cứu vớt.”
-
- Gió đông
- Từ từ Hán Việt đông phong, nghĩa là gió mùa xuân, từ hướng đông thổi đến.
Nhân diện bất tri hà xứ khứ,
Đào hoa y cựu tiếu đông phong.
(Đề đô thành Nam trang - Thôi Hộ)Trần Trọng San dịch:
Mặt người giờ ở nơi nao?
Hoa đào vẫn đó cười chào gió đông.
-
- Gió nồm
- Loại gió mát và ẩm ướt thổi từ phía đông nam tới, thường vào mùa hạ.
-
- Quảng Nam
- Tên một tỉnh ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, trước đây bao gồm cả thành phố Đà Nẵng, gọi chung là tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Quảng Nam có nghĩa là "mở rộng về phương Nam." Tỉnh Quảng Nam giàu truyền thống, độc đáo về bản sắc văn hóa với những danh tích như thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An...
-
- Tức ngày mùng năm tháng Giêng năm Kỷ Dậu, bắt đầu trận Ngọc Hồi. Theo Lê quý kỷ sự và Việt sử Thông giám cương mục, mờ sáng mùng 5, 100 voi chiến Tây Sơn tiến lên. Ngựa quân Thanh sợ voi, lui lại, giẫm lên nhau lùi về đồn. Quân Thanh cố thủ trong đồn bắn ra. Quang Trung chia tượng binh làm hai cánh, một cánh vòng qua sau đồn Ngọc Hồi, đóng phía đông đê Yên Duyên để chặn đường địch rút; cánh kia dùng mộc tẩm rơm ướt tiến lên hãm đồn. Đại bác quân Thanh bị vô hiệu lực. Quân Tây Sơn tiến vào đồn hỗn chiến. Đại Nam chính biên liệt truyện mô tả, quân Thanh không chống nổi chạy tản ra tứ phía, lại giẫm phải địa lôi chính mình đặt từ trước nên chết rất nhiều. Đồn Ngọc Hồi bị quân Tây Sơn thiêu cháy.
-
- Chính nguyệt
- Tháng giêng âm lịch.
-
- Huyên hoa
- Huyên náo, ồn ào (từ cổ).
-
- Đống Đa
- Địa danh nay là một quận nằm ở trung tâm thủ đô Hà Nội. Tại đây năm 1789 quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy của vua Quang Trung đã đánh tan hai vạn quân Thanh xâm lược. Tương truyền sau chiến thắng, vua Quang Trung cho thu nhặt xác giặc xếp vào 12 cái hố rộng, lấp đất chôn và đắp thành gò cao, trên gò cây cối mọc um tùm nên có tên là gò Đống Đa.
-
- Cầu Duệ
- Chưa rõ ở đâu. Có ý kiến cho rằng đây là một cái cầu bắc qua sông Nhuệ, chảy qua Thăng Long.
-
- Tốt xa
- Quân lính (tốt) và xe (xa).
-
- Cầu nhương
- Tranh cướp nhau để lên cầu.
-
- Năn năn
- Xót thương, oán hận (từ cổ).
-
- Suối vàng
- Cõi chết. Từ này bắt nguồn từ chữ hoàng tuyền, cũng đọc là huỳnh tuyền. Hoàng tuyền vốn có nghĩa là suối ngầm, mạch nước ngầm ở dưới đất, vì đất màu vàng nên có tên như vậy.
Gọi là gặp gỡ giữa đường
Họa là người dưới suối vàng biết cho
(Truyện Kiều)
-
- Đại minh
- Giác ngộ, hiểu rõ.
-
- Lía
- Dân gian còn gọi là chàng Lía, chú Lía, người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa nông dân chống ách thống trị của nhà Nguyễn vào thế kỉ 18 nổ ra tại Truông Mây, Bình Định. Có giả thuyết cho rằng ông tên thật là Võ Văn Doan, quê nội huyện Phù Ly (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định ngày nay), quê ngoại làng Phú Lạc, tổng Thời Hòa, huyện Tuy Viễn (nay là huyện Tây Sơn). Lía tập hợp dân nghèo nổi dậy, chọn Truông Mây (Hoài Ân, Bình Định) làm căn cứ, lấy của người giàu chia cho người nghèo. Tương truyền sau khi cuộc khởi nghĩa thất bại, ông uất ức bỏ lên núi và tự sát.
-
- Anh hào
- Anh hùng hào kiệt, người có tài năng, chí khí. Hội anh hào là dịp để anh hào gặp và thi thố lẫn nhau để lập nên những công trạng hiển hách.
Đường đường một đấng anh hào,
Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài.
(Truyện Kiều)
-
- Sơn hà
- Núi sông (từ Hán Việt). Từ cũ, nghĩa rộng dùng để chỉ đất nước.
Nam quốc sơn hà Nam Đế cư
Tiệt nhiên phận định tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư
(Lý Thường Kiệt)Dịch thơ:
Sông núi nước Nam vua Nam ở
Rành rành định phận tại sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.
-
- Chiêu binh mãi mã
- Chiêu mộ binh lính và mua ngựa chiến (để chuẩn bị cho chiến tranh). Hiểu rộng ra là tập hợp lực lượng, vây cánh.
-
- Dung
- Biết là việc xấu, sai nhưng vẫn để tồn tại.
-
- Lâu la
- Từ chữ Hán 嘍囉, chỉ quân lính, tay chân của giặc cướp.
-
- Trào đàng
- Triều đình (cách nói cũ của Trung và Nam Bộ).
Trạng nguyên tâu trước trào đàng,
Thái sư trữ dưỡng tôi gian trong nhà.
(Lục Vân Tiên - Nguyễn Đình Chiểu)
-
- Bá quan
- Từ chữ Hán Việt bá 百 (trăm), và quan 官 (quan lại), chỉ tất cả các quan lại trong triều đình. Cũng nói là bá quan văn võ.
-
- Ngự sử
- Tên chung của một số chức quan có nhiệm vụ giám sát từ cấp cao nhất (vua) đến các cấp quan lại.
-
- Lai do
- Nguyên do sự việc.
-
- Phú hào
- Những người giàu và có thế lực ở nông thôn thời phong kiến (từ Hán Việt).
-
- Rày
- Nay, bây giờ (phương ngữ).
-
- Dè
- Ngờ (phương ngữ Nam Bộ).
-
- Binh nhung
- Binh 兵 (binh lính) và nhung 戎 (vũ khí, binh lính). Chỉ binh khí, quân đội, hoặc hiểu rộng ra là việc quân.
-
- Nam hoàng
- Vua nước Nam.
-
- Quản
- E ngại (từ cổ).
-
- Sông Đồng Nai
- Con sông dài nhất chảy trên lãnh thổ nước ta, chảy qua các tỉnh Lâm Đồng, Đăk Nông, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh. Trước đây sông có tên là Phước Long, đặt tên theo phủ Phước Long (Biên Hòa - Thủ Dầu Một) hiện nay. Sông chảy qua thành phố Biên Hòa và đến Nhà Bè thì có thêm chi lưu là sông Sài Gòn.
-
- Chùa Thiên Mụ
- Còn gọi là chùa Linh Mụ, một ngôi chùa cổ được xây dựng từ năm 1601, nằm trên đồi Hà Khê, tả ngạn sông Hương, thành phố Huế.
-
- Chùa Châu Thới
- Tên chữ là Châu Thới Sơn Tự, một ngôi chùa được dựng từ năm 1662 trên đỉnh núi Châu Thới, thuộc xã Bình An, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương, nằm bên bờ sông Đồng Nai. Sách Gia Định Thành Thông Chí chép: "Ở đuôi dãy núi Châu Thới về phía Bắc, nứt ra một chi chạy đến địa phận thôn Long Tuy, rồi nổi lên gò cao bằng phẳng rộng rãi; ở trên núi có hang hổ và suối nước, dân chúng ở dọc theo đó. Trên núi có chùa Hội Sơn là chỗ Thiền sư Khánh Long sáng tạo để tu hành..."