Tìm kiếm "cánh gà"

  • Gẫm thân phận thiếp như thuyền kia không bánh

    Gẫm thân phận thiếp như thuyền kia không bánh
    Thân vì muốn lập thân mà ngại nặng gánh gia đình
    Chàng ơi! Tại cảnh gia đàng em có một ông cha già đành cỡi hạc chầu tiên
    Còn bà mẹ hiền như trái chín trên nhành chờ khi ướm rụng.
    Chàng ơi! Em ra đây, gặp chàng em hỏi thiệt
    Trai chàng tính cho em ở vậy hay là em cất bước thượng trình tòng phu
    Chàng ơi! Tại cảnh gia đàng của em, mấy ống tre ngã xiêu ngã tó.
    Mấy tấm vạt cau rớt lên rớt xuống, ai ngó vào cũng chặc lưỡi lắc đầu, hỡi ôi cho thân phận thiếp.
    Anh kết nghĩa lương duyên với em tình chồng nghĩa vợ. Anh em bạn của anh đứng ngoài xa, miệng kêu tay ngoắc.
    Bớ Tư ơi ! Người đâu sao không khác chi chị Thoại Khanh thuở trước khảy đàn tầm bạn mà kết nghĩa ái ân làm gì?

  • Ngọn bù rầy ngọn dài ngọn vắn

    Ngọn bù rầy ngọn dài ngọn vắn,
    Cải tần ô ngã dọc ngã ngang,
    Trái dưa gang sọc trắng sọc vàng,
    Cọng rau đắng trong trắng ngoài xanh.
    Công anh đấp rẫy bồi thành,
    Trồng cây vượng trái để dành ai ăn.

    Dị bản

    • Ngọn rau lang ngọn dài ngọn vắn,
      Ngọn rau đắng trong trắng ngoài xanh.
      Tiếc công anh đắp lũy bồi thành,
      Trồng cây hái trái để dành ai ăn ?

    • Trái dưa gang sọc đen sọc trắng.
      Ngọn rau đắng trong trắng ngoài xanh.
      Chim quyên uốn lưỡi trên cành,
      Bớ em ở bạc ông trời nào đành để em.

  • Làng ta phong cảnh hữu tình

    Làng ta phong cảnh hữu tình
    Dân cư giang khúc như hình con long
    Nhờ trời hạ kế sang đông,
    Làm nghề cày cấy, vun trồng tốt tươi
    Vụ năm cho đến vụ mười
    Trong làng già trẻ gái trai đua nghề
    Mặt trời lặn mới ra về
    Ngày ngày, tháng tháng, nghiệp nghề truân chuyên
    Dưới dân họ, trên quan viên
    Công bình giữ mực cầm quyền thẳng ngay
    Bây giờ gặp hội chẳng may
    Khi thời hạn hán, khi hay mưa dầm
    Khi thời gió bão ầm ầm
    Đồng điền thóc lúa mười phần được ba
    Lấy gì cung ứng can qua
    Lấy gì lo việc trong nhà cho đương
    Lấy gì sưu thuế phép thường
    Lấy gì hỗ trợ cho đường làm ăn
    Trời làm khổ cực hại dân
    Vì mùa mất mát trăm phần lao đao

  • Gặp đây hỏi khách má đào

    Gặp đây hỏi khách má đào
    Còn không hay đã nơi nào xứng cân?
    Gặp đây hỏi khách Châu Trần
    Còn không hay đã Tấn Tần cùng ai?
    Gặp đây hỏi khách Chương Đài
    Còn không hay đã có ai vin cành?
    Gặp đây hỏi khách xuân xanh
    Có nên thì nói cho tình được hay

  • Cà Mau hãy đến mà coi

    Rừng thiêng nước độc thú bầy
    Muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội đầy như bánh canh

    Dị bản

    • Xứ đâu hơn xứ Cạnh Đền
      Muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội lềnh như bánh canh

    • Muỗi kêu như sáo thổi
      Đỉa lội như bánh canh
      Cỏ mọc thành tinh
      Rắn đồng biết gáy

  • Ra vườn ngắt một cành chanh

    Ra vườn ngắt một cành chanh
    Con dao lá trúc gọt quanh tứ bề
    Đôi ta đã trót lời thề
    Con dao lá trúc để kề tóc mai
    Bây giờ chàng đã nghe ai
    Nghe trăng nghe gió, nghe ai mặc lòng
    Tưởng rằng chàng ở một lòng
    Ngờ đâu chàng lại đèo bòng đôi nơi

  • Giàu thì thịt cá cơm canh

    Giàu thì thịt cá cơm canh
    Khó thì rau muối cúng anh tôi đi lấy chồng
    Hỡi anh xấu số, chồng cũ tôi ơi
    Có khôn thiêng về hưởng đĩa xôi nhang đèn
    Anh đà hết kiếp, xin chớ ghen
    Để cho người khác cầm quyền thê nhi
    Miệng em khóc, tay bưng cái thần vì
    Tay em gạt nước mắt tay thì thắp nhang
    Bởi vì đâu gây nỗi xót xa muôn vàn
    Em cầm lòng chẳng được nên sang ngang từ rày

    Dị bản

    • Giàu thì thịt cá cơm canh
      Khó thì lưng rau dĩa muối, cúng anh tôi đi lấy chồng
      Hỡi anh chồng cũ tôi ơi
      Anh có khôn thiêng thì anh trở dậy ăn xôi nghe kèn
      Thôi anh đã về nghiệp ấy xin anh đừng ghen
      Để cho người khác cầm quyền thê nhi
      Miệng em khóc, tay em bế ẵm cái ông cái thần vì
      Tay em gạt nước mắt, tay em thì thắp nén nhang
      Bởi vì đâu gây nỗi xót xa muôn vàn!

  • Con chim manh manh

    Con chim manh manh
    Nó đậu cây chanh
    Tôi vác miểng sành
    Chọi chim chết giẫy
    Tôi làm bảy mâm
    Cho ông một mâm
    Cho bà một dĩa
    Bà ăn hết rồi
    Hỏi con chim gì?
    (Tôi nói)
    Con chim manh manh…

    Dị bản

    • Con chim xanh xanh,
      Nó đậu cành chanh,
      Tôi chành nó chết.
      Đem về làm thịt,
      Được ba nongđầy.
      Ông thầy ăn một,
      Bà cốt ăn hai,
      Cái thủ, cái tai,
      Đem về biếu chú,
      Chú hỏi thịt gì?
      Thịt chim xanh xanh

    • Con chim chích choè,
      Nó đậu cành chanh,
      Tôi ném hòn sành,
      Nó quay lông lốc.
      Tôi làm một chốc,
      Được ba mâm đầy
      Ông thầy ăn một,
      Bà cốt ăn hai.
      Cái thủ, cái tai,
      Tôi đem biếu Chúa.
      Chúa hỏi chim gì?
      Con chim chích choè

    • Con chim se sẻ
      Nó đẻ mái tranh
      Tôi vác hòn sành
      Tôi lia chết giãy
      Tôi đem tôi kỉnh
      Cho thầy một mâm
      Thầy hỏi chim gì?
      Con chim se sẻ.

    • Con chim se sẻ
      Nó đẻ cành chanh
      Tôi lấy hòn sành
      Tôi chành nó chết
      Mang về làm thịt
      Được ba mâm đầy
      Ông thầy ăn một
      Bà cốt ăn hai
      Cái thủ cái tai
      Mang lên biếu Chúa
      Chúa hỏi thịt gì
      Thịt con chim sẻ
      Nó đẻ cành chanh…

    • Cái con chim chích
      Nó rích cành chanh
      Tôi lấy mảnh sành
      Tôi vành cho chết
      Gặp ba ngày tết
      Làm ba mâm đầy
      Ông thầy ăn một
      Bà cốt ăn hai
      Cái thủ cái tai
      Mang lên biếu chú
      Chú hỏi thịt gì
      Thịt con chim chích
      Nó rích cành chanh

    Video

  • Đào lý một cành, tơ trúc phím loan

    Đào một cành, tơ trúc phím loan,
    Ban tối hôm qua, nguyệt lặn, bóng ông sao tàn.
    Đêm khuya thanh vắng khách hồng nhan lững lờ.
    Cây xanh thì lá cũng xanh,
    Đã trót vin nhành thì hái lấy hoa.
    Cung đàn tỳ bà ai khéo gảy tang tình, tính tang,
    Long ngâm hổ đối, cái cống xang hồ, cái hồ xừ xang
    Anh thương cô nàng như lá đài bi,
    Ngày thì dãi nắng, đêm thì dầm sương.

  • Vè gái lỡ thời

    Ống tre khô người ta còn chuộng
    Bậu lỡ thời như ruộng bỏ hoang
    Ruộng bỏ hoang người ta còn cấy
    Bậu lỡ thời như giấy trôi sông
    Giấy trôi sông người ta còn vớt
    Bậu lỡ thời như ớt chín cây
    Ớt chín cây người ta còn hái
    Bậu lỡ thời như nhái lột da
    Nhái lột da người ta còn xáo
    Bậu lỡ thời như áo vá vai
    Áo vá vai người ta còn bận
    Bậu lỡ thời như rận cắn đêm
    Rận cắn đêm người ta còn bắt
    Bậu lỡ thời như giặc Hà Tiên

    Video

  • Một nhánh trảy, năm bảy cành mai

    – Một nhánh trảy, năm bảy cành mai
    Một nhánh mai, trăm hai nhánh thị
    Chữ văn, chữ sĩ, anh đối trọn trăm câu
    Đối rồi, anh hỏi chị em đâu?
    Nếu chị em không có, anh bắt em hầu mười năm
    – Một bụi tre sinh năm, ba bụi trảy
    Một nhánh trảy sinh năm, bảy cây viết son,
    Em có gả chị cho anh thì nhân nghĩa vẫn còn
    Em mà không gả, anh bắt giữ con trọn đời

  • Cánh phu lò Mông Dương Cẩm Phả

    Cánh phu lò Mông Dương Cẩm Phả
    Kiếp khổ nghèo ai chả như ai
    Còi tầm chiều, tối, ban mai
    Búa rìu, đèn đất khoác vai vào lò
    Tìm cái sống hơn lo cái chết
    Sập hầm lò hết kiếp ngựa trâu
    Chui vào lò giếng sâu sâu
    Chui sang lò chợ trông nhau dặn dò
    Đã đeo cái thẻ phu lò
    Khéo chui thì thoát, khéo bò thì lên
    Khói cửa lò người đen như cháy
    Mình đầu trần nhễ nhại mồ hôi
    Đời người đến thế thì thôi
    Bát cơm mấy bát mồ hôi cho vừa
    Mong đất nước bao giờ đổi mới
    Dân Nam mình thoát khỏi cùm gông
    Hai mươi nhăm triệu tiên rồng
    Chen vai gánh vác non sông mới là.

  • Gặp anh, em đố mấy lời

    Gặp anh, em đố mấy lời
    Gì cao hơn núi gì dài hơn sông?
    Cái gì ăn lại no lòng
    Cái gì hồng hồng ăn lại đỏ môi?
    Cái gì hay ngáp hay ngồi?
    Cái gì cầm quạt đứng chơi vỗ đầu?
    Cái gì mà nhỏ như sâu?
    Cái gì đội đầu, gì lại kéo quân?
    Cái gì ngái lại nên ngưn?
    Cái gì rất gần mà lại nên xa?
    Cái gì có quả không hoa?
    Cái gì lắm cánh nở ra đầy cành?
    Cái gì mà lại có bành?
    Cái gì một mình mà lại có ang?
    Cái gì mà lắm quân quan?
    Cái gì nên đàn, gì lại nên say?
    Cái gì ăn với trầu cay?
    Cái gì thấp thoáng đợi ngày xe duyên?

  • Lạ lùng bắt gặp chàng đây

    – Lạ lùng bắt gặp chàng đây
    Có mấy câu này, em đoán chưa ra.
    Nếu mà anh giảng cho ra,
    Thì em kết nghĩa giao hòa cùng anh.
    Cái gì trong trắng ngoài xanh,
    Cái gì soi tỏ mặt anh mặt nàng,
    Cái gì xanh đỏ trắng tím vàng,
    Cái gì ăn phải dạ càng tương tư,
    Cái gì năm đợi tháng chờ,
    Cái gì tiện chũm phơi khô để dành,
    Cái gì mà đổ vào xanh,
    Cái gì nó ở trên cành mà lại tốt tươi,
    Cái gì trong héo ngoài tươi,
    Cái gì làm bạn với trời tám trăm năm,
    Cái gì chung chiếu chung chăn,
    Cái gì làm bạn với trăng đêm ngày,
    Cái gì nó bé nó cay,
    Cái gì nó bé nó hay cậy quyền?

  • Vè con gái làng Sấu

    Con gái làng Sấu
    Hay cấu hay cào
    Cấu ra bờ rào
    Cấu vào chuồng lợn
    Nào ai có tợn
    Lấy gái làng này?
    Nó vác cả cày
    Ra đồng nó cấu
    Nó vác cả đấu
    Ra đồng nó đong
    Nó vác cả nong
    Ra đồng nó quạt
    Nó vác cả tháp
    Ra đồng nó xây
    Nó gói cả mây
    Bỏ trong giỏ nó
    Nó thắt khăn đỏ
    Nó múa gươm thần

  • Thân thiếp như cánh hoa đào

    Thân thiếp như cánh hoa đào
    Đang tươi đang tốt thiếp trao cho chàng
    Bây giờ nhuỵ rữa hoa tàn
    Vườn xuân nó kém, sao chàng lại chê?
    Chàng cho đôi chữ thiếp về
    Dầu chàng năm thiếp, mười thê, mặc chàng
    Lắm quân quan nhộn nhà hàng
    Lắm nơi lịch sự hơn chàng, chàng ơi!
    Chàng ngồi chàng nghĩ mà coi
    Sao chàng chẳng nghĩ những hồi ngày xưa

Chú thích

  1. Thoại Khanh - Châu Tuấn
    Một truyện thơ Nôm khuyết danh rất nổi tiếng ở Nam Bộ ngày trước, đã được chuyển thể thành cải lương và phim. Thoại Khanh là một phụ nữ xinh đẹp, người vợ hiền, dâu thảo. Châu Tuấn - chồng nàng, bị đày đi sứ 17 năm. Thoại Khanh lưu lạc, đói rách, nhưng vẫn nhường cơm sẻ áo với mẹ chồng, thậm chí cắt thịt ở cánh tay để nuôi mẹ, khoét mắt mình để cứu mẹ. Châu Tuấn thi đỗ Trạng nguyên, hai lần được hai vua Tống vương và Tề vương gả con gái, nhưng chàng đều khước từ, không phụ người vợ thuở hàn vi. Mối tình chung thủy của Thoại Khanh, Châu Tuấn đã cảm hoá cả hai vị vua và hai nàng công chúa, làm thần Phật xúc động. Sau cùng Châu Tuấn được lên ngôi vua, sống sung sướng cùng Thoại Khanh và hai người vợ thứ con Tề vương và Tống vương.

    Xem vở cải lương Thoại Khanh - Châu Tuấn.

  2. Bài ca dao này rút từ truyện Ngày xưa tháng chạp trong tập Biển cỏ miền Tây của nhà văn Sơn Nam. Theo nhà văn Sơn Nam, đây là một bài hát huê tình, lớp hò nghèo (than nghèo). Hát huê tình là một thể loại ca dao đặc biệt của người miền Tây: "Hát đưa em với hát huê tình không khác nhau. Đưa em ở trong nhà. Hò hát ở ngoài ruộng."
  3. Gối loan
    Gối của vợ chồng. Xem thêm chú thích loan.
  4. Loan
    Theo một số điển tích thì phượng hoàng là tên chung của một loại linh vật: loan là con mái, phượng là con trống. Cũng có cách giải nghĩa khác về loan, mô tả loan là một loài chim giống với phượng hoàng. Trong văn thơ cổ, loan và phụng thường được dùng để chỉ đôi vợ chồng hoặc tình cảm vợ chồng (đèn loan, phòng loan...)

    Nào người phượng chạ loan chung,
    Nào người tiếc lục tham hồng là ai

    (Truyện Kiều)

  5. Đồng tịch đồng sàng
    Cùng chiếu cùng giường (từ Hán Việt đồng: cùng, tịch: chiếu; sàng: giường), dùng để chỉ quan hệ vợ chồng.
  6. Bù rầy
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Bù rầy, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  7. Vắn
    Ngắn (từ cổ).

    Tự biệt nhiều lời so vắn giấy
    Tương tư nặng gánh chứa đầy thuyền

    (Bỏ vợ lẽ cảm tác - Nguyễn Công Trứ)

  8. Cải cúc
    Còn gọi là rau tần ô, một loại rau có vị ngọt nhạt, hơi đắng, the, mùi thơm, có thể dùng ăn sống như xà lách, hoặc chế dầu giấm, ăn với lẩu, nấu canh... Cải cúc còn dùng làm thuốc chữa ho lâu ngày và chữa đau mắt.

    Cải cúc

    Cải cúc

  9. Dưa gang
    Một loại dưa quả dài, vỏ xanh pha vàng cam (càng chín sắc vàng càng đậm), kích thước tương đối lớn.

    Dưa gang

    Dưa gang

  10. Rau đắng
    Cũng gọi là cây càng tôm, cây biển súc, một loại rau hình mũi mác, có vị đắng, thường được dùng làm rau sống hay chế biến nhiều món khác nhau, hoặc làm thuốc.

    Lá và hoa cây rau đắng.

    Lá và hoa cây rau đắng.

    Nghe bài hát Còn thương rau đắng mọc sau hè.

  11. Vượng
    Tốt, mạnh (từ Hán Việt).
  12. Khoai lang
    Một loại cây nông nghiệp với rễ củ lớn, chứa nhiều tinh bột, có vị ngọt, gọi là củ khoai lang. Nhân dân ta trồng và sử dụng khoai lang làm lương thực, tận dụng cả phần củ (rễ), thân, và lá.

    Thu hoạch khoai lang

    Thu hoạch khoai lang

  13. Đỗ quyên
    Có giả thuyết cho là chim cuốc. Theo hai học giả Đào Duy Anh và An Chi thì chim quyên là chim tu hú. Hình ảnh chim quyên trong ca dao dân ca thường tượng trưng cho những điều tốt đẹp.

    Chim tu hú

    Chim tu hú

  14. Để
    Tha thứ, tha mạng (phương ngữ Nam Bộ).
  15. Bứa
    Một loài cây có cành đâm ngang, lá có chất chua nên thường được dùng làm rau gia vị hoặc nấu canh chua, quả ăn được.

    Quả bứa

    Quả bứa

  16. Giang khúc
    Khúc sông quanh co.
  17. Con long
    Con rồng.
  18. Vụ năm
    Vụ lúa chiêm, gieo cấy vào cuối tháng mười âm lịch, thu hoạch vào đầu tháng năm âm lịch.
  19. Vụ mười
    Vụ lúa mùa, gieo cấy vào cuối tháng năm âm lịch, thu hoạch vào đầu tháng mười âm lịch.
  20. Có bản chép: Trời ra: gắng, trời lặn: về.
  21. Truân chuyên
    Vất vả. Từ này có gốc từ từ Hán Việt truân chiên 迍邅 nghĩa là "Vướng víu, chật vật không bước lên được" (theo Thiều Chửu).
  22. Dân họ
    Dân chúng.
  23. Quan viên
    Chỉ chung những người có địa vị hoặc chức vụ trong làng xã.
  24. Mực
    Mẫu mực, khuôn phép.
  25. Có bản chép: cho hay.
  26. Đồng điền
    Đồng ruộng.
  27. Có bản chép: đồng ruộng.
  28. Can qua
    Can 干 chữ Hán nghĩa là cái mộc để đỡ. Qua 戈 là cây mác, một loại binh khí ngày xưa. Can qua chỉ việc chiến tranh.
  29. Đương
    Trọn vẹn, đầy đủ.
  30. Sưu thuế
    Sưu (hay xâu) là số ngày người dân phải tham gia lao động công ích, nhưng cho phép nộp bằng tiền để thuê người làm thay; thuế là số tiền (hoặc hiện vật) người dân phải nộp cho chính quyền.
  31. Phép thường
    Quy định thông thường.
  32. Hỗ trợ
    Giúp đỡ lẫn nhau. Từ Hán Việt này được cấu thành từ hai chữ hỗ (lẫn nhau) và trợ (giúp đỡ). Hiện nay hỗ trợ thường được dùng với nghĩa "giúp đỡ" từ một phía (ví dụ: hỗ trợ học sinh học tập). Đây là một cách dùng sai.
  33. Lao đao
    Vất vả khó khăn từ nhiều phía.
  34. Má đào
    Má hồng, chỉ người phụ nữ đẹp.

    Bấy lâu nghe tiếng má đào,
    Mắt xanh chẳng để ai vào có không?
    (Truyện Kiều)

  35. Còn không
    Còn chưa có ai.
  36. Châu Trần
    Việc hôn nhân. Thời xưa ở huyện Phong thuộc Từ Châu bên Trung Quốc có thôn Châu Trần, trong thôn chỉ có hai dòng họ là họ Châu và họ Trần, đời đời kết hôn với nhau.

    Thật là tài tử giai nhân,
    Châu Trần còn có Châu Trần nào hơn.

    (Truyện Kiều)

  37. Tấn Tần
    Việc hôn nhân. Thời Xuân Thu bên Trung Quốc, nước Tần và nước Tấn nhiều đời gả con cho nhau. Tấn Hiến Công gả con gái là Bá Cơ cho Tần Mục Công. Tần Mục Công lại gả con gái là Hoài Doanh cho Tấn Văn Công. Việc hôn nhân vì vậy gọi là việc Tấn Tần.

    Trộm toan kén lứa chọn đôi,
    Tấn Tần có lẽ với người phồn hoa.

    (Truyện Hoa Tiên)

  38. Chương Đài
    Tên một con đường ở thành Trường An (Trung Quốc) thời Đường, nơi có nhiều lầu xanh. Nhà thơ Hàn Hoằng cưới một kĩ nữ họ Liễu làm vợ, nhà ở đường Chương Đài. Hàn Hoằng đi Thanh Châu nhậm chức, ba năm không về được, chỉ gửi cho vợ bài thơ: "Chương Đài liễu, Chương Đài liễu, tích nhật thanh thanh kim tại phủ? Túng sử trường điều y cựu thùy, dã ưng phan chiết tha nhân thủ." (Liễu Chương Đài, Liễu Chương Đài, ngày trước xanh xanh giờ ở đâu? Dẫu rằng cành dài rủ như xưa, cũng tay người khác vin bẻ rồi). Liễu thị cũng làm thơ đáp lại. Về sau, Liễu thị bị tướng Phiên là Sa Tra Lợi bắt làm thiếp. Một tráng sĩ là Hứa Tuấn dùng bài thơ cũ của Hàn Hoằng làm tin, liên lạc với Liễu thị, rồi lập mưu cứu nàng đưa về sum họp với Hàn Hoằng.

    Cụm khách Chương Đài dùng để chỉ người yêu, và liễu Chương Đài chỉ sự xa cách của hai người đang yêu.

    Khi về hỏi liễu Chương Đài,
    Cành xuân đã bẻ cho người chuyên tay.

    (Truyện Kiều)

  39. Xuân xanh
    Tuổi trẻ.

    Phong lưu rất mực hồng quần,
    Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê.

    (Truyện Kiều)

  40. Nên
    Thành.
  41. Đỉa
    Một loại động vật thân mềm, trơn nhầy, sống ở nước ngọt hoặc nước lợ, miệng có giác hút để châm vào con mồi và hút máu. Tên gọi này có gốc từ từ Hán Việt điệt.

    Con đỉa

    Con đỉa

  42. Bánh canh
    Một món ăn bao gồm nước dùng được nấu từ tôm, cá và giò heo thêm gia vị tùy theo từng loại. Sợi bánh to, được làm từ bột gạo, bột mì, hoặc bột sắn hoặc bột gạo pha bột sắn. Trảng Bàng (Tây Ninh) là nơi có đặc sản bánh canh có thể xem là nổi tiếng nhất nước ta.

    Bánh canh Trảng Bàng

    Bánh canh Trảng Bàng

  43. Cạnh Đền
    Địa danh nay thuộc xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu.
  44. Dao lá trúc
    Dao sắc bén và mỏng như lá trúc.
  45. Tứ bề
    Bốn bề, xung quanh.
  46. Đèo bòng
    Mang lấy vào mình cái làm cho vương vấn, bận bịu thêm (thường nói về tình cảm yêu đương).
  47. Thê nhi
    Vợ con (từ Hán Việt).
  48. Thần vì
    Cũng gọi là thần vị, thần chủ, chỉ bài vị của người chết.
  49. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  50. Manh manh
    Loại chim nhỏ, đẹp, hiện nay thường được nuôi làm cảnh. Có nhiều loại manh manh khác nhau. Manh manh trắng toàn thân lông màu trắng toát, trừ hai bên má có đốm lông vàng, mỏ đỏ, chân vàng, chim trống mỏ đỏ sậm, con mái mỏ đỏ lợt. Manh manh bông có mỏ đỏ, má vàng, hai bên mỏ có sọc trắng dọc theo mép tai, cổ vằn màu xám, ức đen, bụng trắng, lông dọc theo hai bên hông màu gạch có nổi bông trắng. Đuôi tuy nhỏ, ngắn nhưng lại cầu kỳ, khúc trắng khúc đen như chim trĩ. Manh manh nâu (sô-cô-la) ở má và cánh có đốm màu vàng anh.

    Một con chim manh manh

    Một con chim manh manh

  51. Chim xanh
    Tên một họ chim dạng sẻ, có hình dáng giống chào mào, sinh sống thành đàn trong rừng, kiếm ăn tại các rừng nghèo nhiều dây leo, bụi rậm. Chim ăn côn trùng, nên là loài có ích cho lâm nghiệp và nông nghiệp.

    Trong văn học cổ, chim xanh là sứ giả của Tây Vương Mẫu, nên thường được xem là người đưa tin, làm mối, hoặc chỉ tin tức qua lại, tuy hiện không rõ có đúng là loài chim xanh này không.

    Chim xanh cánh lam

    Chim xanh cánh lam

  52. Chành
    Mở rộng về bề ngang, như banh.
  53. Nong
    Dụng cụ hình tròn, đan bằng tre, có vành, đáy nông, thường dùng để phơi nông sản hoặc để nuôi tằm. Có vùng gọi là nống. Nhỏ hơn nong một chút gọi là nia.

    Nong, nia, thúng

    Nong, nia, thúng

  54. Đồng cốt
    Người được cho là có khả năng đặc biệt, có thể cho thần linh, ma quỷ, hồn người đã chết mượn thể xác (xương cốt) của mình trong chốc lát, qua đó các linh hồn này có thể giao tiếp với người đang sống.

    Một bà đồng ngày xưa

    Một bà đồng ngày xưa

  55. Thủ
    Đầu (từ Hán Việt).
  56. Lia
    Ném, vứt.
  57. Kỉnh
    Kính (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Cũng hiểu là kính biếu, kính tặng.
  58. Đào
    Loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, cũng được trồng để lấy quả hay hoa. Hoa đào nở vào mùa xuân, là biểu tượng của mùa xuân và ngày Tết ở miền Bắc. Quả đào vị ngọt hoặc chua, mùi thơm, vỏ quả phủ một lớp lông mịn. Đào xuất hiện rất nhiều trong văn học cổ Trung Quốc và các nước đồng văn. Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.

    Quả đào

    Quả đào

  59. Cây mận. Trong bài Quân Tử Hành của nhà thơ Tào Thực có câu “Qua điền bất nạp lí, lí hạ bất chỉnh quan” 瓜田不納履, 李下不整冠, nghĩa là (ở) ruộng dưa chớ xỏ giày, dưới gốc mận đừng sửa mũ (để tránh tình ngay lí gian).
  60. Phím loan
    Phím đàn. Tương truyền người xưa thường dùng keo làm từ máu chim loan, gọi là keo loan (loan giao) để nối dây đàn và dây cung.
  61. Nguyệt
    Mặt trăng (từ Hán Việt).
  62. Má hồng
    Từ chữ hồng nhan (cũng nói là hường nhan ở Nam Bộ), từ dùng trong văn thơ cổ chỉ người con gái đẹp.

    Phận hồng nhan có mong manh
    Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương

    (Truyện Kiều)

  63. Tì bà
    Loại đàn bốn dây có cần đàn và thùng đàn liền nhau, hình dáng như quả lê bổ đôi. Đàn có nguồn gốc từ Trung Quốc cổ đại nhưng đã được du nhập vào Việt Nam từ rất sớm và có mặt trong hầu hết các thể loại nhạc dân tộc.

    Đàn tì bà

  64. Ngũ cung
    Năm âm giai trong âm nhạc dân tộc: Hò, Xự, Xang, Xê, Cống (tương đương với Sol, La, Do, Re, Mi ngày nay). Ở miền Nam có thêm hai âm là Liếu (Líu) và Ú, thật ra là hai nấc trên của Hò và Xự.
  65. Từ bi
    Còn gọi là cây đại bi, long não hương, mai hoa não, có lẽ vì có mùi gần giống như mùi long não. Cây thuộc loại cây bụi nhỏ, mọc hoang, thân và lá có lông mịn, lá hình trứng, hai đầu nhọn, mép lá có răng cưa, vò lá thấy thơm mùi long não. Cây từ bi là vị thuốc chữa được nhiều bệnh như cảm sốt, cúm, ra mồ hôi, đau bụng do ăn không tiêu, ho nhiều đờm, gãy xương, vết lở loét, sưng đau, mất ngủ, tâm thần kích thích, phù nề, viêm xoang...

    Cây từ bi

    Cây từ bi

  66. Có bản chép: Trúc chẻ hai.
  67. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  68. Xáo
    Nấu trộn lộn nhiều đồ ăn vào một món.
  69. Bận
    Mặc (quần áo).
  70. Rận
    Loại côn trùng nhỏ, thân dẹp, không cánh, hút máu, sống kí sinh trên người và một số động vật.
  71. Chữ "đêm" trong câu này và câu sau có bản chép là "trâu."
  72. Giặc Hà Tiên
    Dưới thời Thiệu Trị nhà Nguyễn, tháng giêng năm Nhâm Dần (1842) tướng Xiêm La là Phi Nhã Chất Tri sai tướng Ô Thiệt Vương cho thủy quân tấn công Phú Quốc thăm dò, còn trên bộ, cho khoảng 5000 quân đến Sách Sô (thuộc hạt Nam Ninh, trấn Tây Thành) và 10 thuyền đến đồn Cần Thăng thám sát, kích động người Chân Lập nổi dậy ở phủ Ba Xuyên, Sóc Trăng, Thất Sơn... Qua tháng hai, chúng xua đại quân tràn qua kinh Vĩnh Tế kết hợp với quân nổi dậy đánh phá các đồn Thất Sơn, Tân Châu, An Lạc, Hồng Ngự, Thông Bình... cướp bóc, bắn giết, gây thảm cảnh tang tóc thê lương khắp biên giới. Nhất là ở Hà Tiên, chúng dùng súng lớn bắn suốt ngày đêm, gây nhiều thiệt hại cho dân thường. Dân gian gọi chúng là giặc Hà Tiên.
  73. Trảy
    Loại cây thuộc họ tre trúc, thân thẳng, không có gai.
  74. Mai
    Còn gọi là mơ, một loại cây thân nhỏ, nhiều cành, rất phổ biến các nước Đông Á, nhất là Trung Quốc và Nhật Bản. Cây ra hoa vào cuối mùa đông, đầu mùa xuân. Hoa mai nhỏ, mỗi hoa có năm cánh, thường hoa có màu trắng, mặc dù một số giống mai có thể cho hoa màu hồng hay đỏ sẫm. Trong văn học cổ, mai thường được dùng như một hình ảnh ước lệ, đại diện cho người phụ nữ. Lưu ý, cây mai này không phải là loại mai vàng của miền Nam nước ta.

    Hoa mai

    Hoa mai

  75. Thị
    Loài cây thân gỗ, sống lâu năm, cho quả màu vàng, rất thơm, ăn được.

    Trước giờ ra về, bao giờ nó cũng bóc thị ra và hai đứa tôi cùng ăn. Ăn xong, chúng tôi không quên dán những mảnh vỏ thị lên bàn rồi ngoẹo cổ nhìn. Những mảnh vỏ thị được bóc khéo khi dán lên bàn hoặc lên tường trông giống hệt một bông hoa, có khi là hoa quì, có khi là hoa cúc đại đóa, có khi là một loài hoa không tên nào đó màu vàng.
    (Mắt biếc - Nguyễn Nhật Ánh)

    Quả thị trên cây

    Quả thị

  76. Nghĩa nhân
    Cũng viết nhân nghĩa, nghĩa là "lòng yêu thương người (nhân) và biết làm điều phải (nghĩa)." Hiểu rộng là đạo nghĩa sống ở đời.
  77. Tập tầm vông
    Tên một trò chơi dân gian. Cách chơi hiện nay của trò này là hai nguời chơi ngồi đối mặt nhau, vừa hát vừa theo nhịp đập lòng bàn tay vào nhau: hoặc đập thẳng, hoặc đập chéo, hoặc một cao một hạ thấp, hoặc kết hợp nhiều cách khác nhau.
  78. Ve
    Cái ly (phiên âm từ danh từ tiếng Pháp "le verre"), còn được hiểu là chai nhỏ, lọ nhỏ.
  79. Mông Dương
    Địa danh nay là tên một phường thuộc thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Đây là nơi có mỏ than Mông Dương, một trong những mỏ thang có trữ lượng lớn và chất lượng tốt nhất từ thời Pháp thuộc.

    Khai thác than ở mỏ Mông Dương

    Khai thác than ở mỏ Mông Dương

  80. Cẩm Phả
    Một địa danh nay là thành phố thuộc tỉnh Quảng Ninh. Tại đây từ xưa đã nổi tiếng với ngành khai thác than đá. Cẩm Phả cũng có nghề khai thác hải sản với hơn 50 km bờ biển, nhưng chủ yếu là đánh bắt gần bờ, sản lượng thấp.

    Cẩm Phả về đêm

    Cẩm Phả về đêm

  81. Còi tầm
    Còi báo bắt đầu hoặc kết thúc giờ làm việc các xưởng, mỏ, công trường, nhà máy…
  82. Đèn đất
    Loại đèn của thợ mỏ ngày trước, được thắp sáng bằng phản ứng hóa học giữa đất đèn (acétylen) và nước.

    Đèn đất

    Đèn đất

  83. Lò giếng
    Loại lò đục sâu xuống (thẳng đứng hoặc nghiêng) trong các mỏ than.
  84. Lò chợ
    Nơi nhiều thợ mỏ cùng trực tiếp khai thác than trong mỏ.
  85. Xa ngái
    Xa xôi, rất xa. Ngái nghĩa là xa (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  86. Bành
    Ghế có lưng tựa, tay vịn, được mắc chặt trên lưng voi.

    Bành voi

    Bành voi

  87. Ang
    Đồ dùng bằng đất, hình dạng như cái nồi hoặc chậu, dùng để đựng nước hoặc thức ăn cho lợn. Có loại bằng đồng, dùng để đựng trầu.
  88. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  89. Nghĩa giao hòa
    Nghĩa vợ chồng (dùng trong ca dao dân ca).
  90. Chũm
    Phần đầu và đuôi của quả cau.
  91. Xanh
    Dụng cụ để nấu, làm bằng đồng, có hai quai, giống cái chảo lớn nhưng đáy bằng chứ không cong.

    Cái xanh đồng.

    Cái xanh đồng.

  92. Đông Sấu
    Cũng gọi là làng Sấu, địa danh nay là một thôn thuộc xã Liêm Túc, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam.
  93. Ở đây có nghĩa hay tảo tần thu vén.
  94. Đấu
    Đồ dùng để đong thóc gạo ngày trước, bằng khoảng một lít hiện nay.
  95. Thê thiếp
    Thê là vợ cả, thiếp là vợ lẽ. Thê thiếp chỉ vợ nói chung.