Thành ngữ / Tục ngữ

Chú thích

  1. Nằm gai nếm mật
    Thành ngữ này có nguồn gốc từ câu Ngọa tân thưởng đảm, xuất phát từ một điển tích trong chiến tranh Ngô-Việt vào thời Xuân Thu của Trung Quốc. Việt vương Câu Tiễn bị Ngô vương Phù Sai bắt làm tù binh, phải chịu mọi điều khổ nhục, kể cả việc phải nếm phân của Phù Sai. Khi được thả về, ông thường nằm trên đệm gai, không ăn cao lương mĩ vị mà thường lấy tăm nhúng vào mật đắng nếm để luôn nhắc nhở mình không quên mối thù xưa. Sau hai mươi năm chuẩn bị lực lượng, Câu Tiễn đã phục thù, đánh lấy được Ngô.
  2. Đánh trống bỏ dùi
    Theo cách hiểu phổ biến nhất, "dùi" ở đây chỉ dùi đánh trống. Theo đó, câu này có nghĩa nói về tính vô ơn bạc nghĩa. Tuy nhiên, "dùi" còn là từ chỉ những tiếng trống lẻ sau những hồi trống dài, liên tục. Đánh trống mà bỏ những "dùi" lẻ này thì người nghe không biết tiếng trống mang hiệu lệnh gì. Theo cách này, câu này lại chỉ về việc làm việc không chu đáo và thiếu trách nhiệm.
  3. Cả
    Lớn, nhiều (từ cổ).
  4. Cả vú lấp miệng em
    Cậy lớn lấn bé, cậy mạnh hiếp yếu.
  5. Ở huyện Lâm Thao tỉnh Phú Thọ, theo Tục ngữ ca dao dân ca Vĩnh Phú, trong các xứ đồng xã Tứ Xã, đồng Nhà Gia cao ráo, đất rộng; xóm Trám có phường Trám là phường trình diễn trò Trám trong hội làng.
  6. Ấm ớ hội tề
    Hội tề là tên gọi chung cho những người làm cấp hành chính cơ sở ở làng xã ngày trước. Trong thang bậc hành chính, những người này có quyền lực thấp nhất, thường bị cấp trên ra lệnh, chỉ thị, mắng mỏ, và cũng không dành được cảm tình từ phía nhân dân. Họ thường ở vào cái thế trên quan ép xuống, dưới dân ép lên nên nhiều khi lâm vào thế khó xử và chọn cách ấm ớ cho qua chuyện và tránh mọi sự rắc rối phiền hà.
  7. Xổi
    Cách muối (dưa, cà) nhanh, làm ăn ngay trong ngày.
  8. Thì
    Thời, lúc.
  9. Đọi
    Cái chén, cái bát (phương ngữ một số vùng ở Bắc Trung Bộ).
  10. Vòi rồng
    Hiện tượng cột nước xoáy bốc lên từ biển, dân gian còn gọi là rồng cuốn.
  11. Giày
    Giẫm đi giẫm lại nhiều lần cho nát ra.
  12. Mả tổ
    Mồ mả tổ tiên.
  13. Tao
    Lần, lượt, phen.
  14. Tuyết
    Cũng ghi là "tiết." Từ này vốn không có nghĩa, được sử dụng làm đối âm với "tao" trong cấu trúc thành ngữ.
  15. Theo nhiều ý kiến, nguyên bản của thành ngữ “ướt như chuột lột” phải là “ướt như chuột lụt” để chỉ tình trạng thảm hại, ngoi ngóp của chuột vào mùa mưa lụt, nước ngập trắng đồng. Vần "uột" và "ụt" đặt kế tiếp nhau khó phát âm, nên dân gian đọc trại thành "ột". Hơn nữa, trong thành ngữ, nghĩa toàn phần có thể được nhận biết nhờ vào phần đứng đầu là ướt và người bản ngữ thấy có thể thoả mãn điều mình nói, mình nghe.
  16. Tứ cố vô thân
    Cô độc, bốn phương không có ai là người thân thích (chữ Hán).
  17. Rươi
    Một loại giun đất nhiều chân, thân nhiều lông tơ, thường sinh ra ở những gốc rạ mục ở những chân ruộng nước lợ. Tới mùa rươi (khoảng tháng 9, tháng 10 âm lịch), rươi sinh sản rất nhiều, bà con nông dân thường bắt về làm mắm ăn.

    Con rươi

    Con rươi

  18. Tiền trảm hậu tấu
    Chém trước tâu sau (tiền 前: trước; trảm 斬: chém; hậu 後: sau; tấu 奏: tâu, thưa trình). Trong thời phong kiến, đôi khi vua trao cho cận thần quyền tiền trảm hậu tấu, tức là có thể chém người có tội trước rồi mới về tâu trình lại với vua.
  19. Văn tự
    Văn bản, giấy tờ.
  20. Thiên Lôi
    Vị thần có nhiệm vụ làm ra sấm sét theo tưởng tượng của người xưa. Thiên Lôi thường được khắc họa là một vị thần tính tình nóng nảy, mặt mũi đen đúa dữ tợn, tay cầm lưỡi búa (gọi là lưỡi tầm sét). Trong văn hóa Việt Nam, Thiên Lôi còn được gọi là ông Sấm, thần Sấm, hoặc thần Sét.
  21. Giậu
    Tấm tre nứa đan hoặc hàng cây nhỏ và rậm để ngăn sân vườn.

    Hàng giậu tre

    Hàng giậu tre

  22. Bìm bìm
    Một loại cây leo, hoa hình phễu, trắng hoặc tím xanh, thường mọc hoang hoặc được trồng làm cảnh ở các bờ rào.

    Bìm bìm

    Bìm bìm

  23. Cốc
    Loài chim lội nước thuộc họ Bồ nông, thức ăn là các loại động vật thủy hải sản nhỏ

    Chim cốc

    Chim cốc