Mai Huyền Chi

Bài đóng góp:

Chú thích

  1. Bể
    Biển (từ cũ).
  2. Ngàn
    Rừng rậm.
  3. An Phú
    Một làng trước thuộc xã Nghĩa Đô, huyện Từ Liêm, nay thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội, là làng nghề nấu mạch nha truyền thống một thời nức tiếng.
  4. Mạch nha
    Loại mật dẻo được sản xuất chủ yếu từ mầm của lúa mạch, có vị ngọt thanh, rất bổ dưỡng. Đây là đặc sản truyền thống của vùng Thi Phổ, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Ở miền Bắc, làng An Phú, nay thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội cũng là làng nghề nấu mạch nha truyền thống.

    Một bát mạch nha

    Một bát mạch nha

  5. Có bản chép: Rung răng rung rẻ.
  6. Đây là một trò chơi của các em nhỏ. Các em dắt tay nhau vừa đi vừa đọc bài này, hát xong câu cuối thì cùng ngồi thụp xuống, rồi lại đứng lên đọc lại.
  7. Đỉa
    Một loại động vật thân mềm, trơn nhầy, sống ở nước ngọt hoặc nước lợ, miệng có giác hút để châm vào con mồi và hút máu. Tên gọi này có gốc từ từ Hán Việt điệt.

    Con đỉa

    Con đỉa

  8. Ba ba
    Động vật họ rùa mai mềm, thường có kích cỡ nhỏ hơn rùa, sống ở các vùng nước ngọt (hồ, ao, sông ngòi, đầm, v.v.). Ở nước ta có 5 loài rùa mai mềm: ba ba Nam Bộ, ba ba gai, giải, ba ba trơn, và giải sin hoe. Ba ba có bốn chân, không có đuôi, đầu có vẩy nhỏ, miệng nhiều răng.

    Con ba ba

    Con ba ba

    Hướng dẫn định dạng các loài rùa cạn và rùa nước ngọt Việt Nam (Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên, 2010)

  9. Niêu
    Nồi nhỏ bằng đất nung hoặc đồng, có nắp đậy, dùng để nấu nướng hoặc sắc thuốc. Niêu sắc thuốc thì có thêm cái vòi để rót thuốc.

    Cơm niêu

    Cơm niêu

  10. Cồng
    Nhạc cụ dân tộc thuộc bộ gõ, được làm bằng đồng thau, hình tròn như chiếc nón quai thao, đường kính khoảng từ 20 cm đến 60 cm, ở giữa có hoặc không có núm. Người ta dùng dùi gỗ có quấn vải mềm (hoặc dùng tay) để đánh cồng, chiêng. Cồng, chiêng càng to thì tiếng càng trầm, càng nhỏ thì tiếng càng cao. Nhân dân ta thường đánh cồng chiêng trong các dịp lễ hội, hoặc khi ra trận để cổ vũ tinh thần quân sĩ.

    Cồng chiêng

    Cồng chiêng

  11. Hát trống quân
    Hình thức sinh hoạt ca hát giao duyên phổ biến ở các tỉnh đồng bằng và trung du Việt Nam, kể từ Thanh Hóa trở ra Bắc. Hát trống quân ở mỗi địa phương có khác nhau về làn điệu, lối hát và thời điểm hát, nhưng đều mang một số điểm chung như: những người tham gia chia thành hai bên "hát xướng" và "hát đáp", lời ca thường mang tính ứng đối, sử dụng trống dẫn nhịp gọi là "trống thùng", giữa những câu đối đáp có đoạn ngừng gọi là "lưu không".

    Hát trống quân thường được tổ chức vào rằm tháng bảy, tháng tám âm lịch, ngoài ra còn được tổ chức hát thi vào những ngày hội. Trong những ngày mùa, vào chiều tối, những người thợ gặt ở nơi khác đến thường tổ chức hát với nhau hoặc với trai gái trong làng.

    Hát trống quân

    Hát trống quân

    Xem phóng sự Hát trống quân - Nét dân ca của đồng bằng Bắc Bộ.

  12. Nu na nu nống
    Tên của một bài đồng dao cũng là tên của một trò chơi thiếu nhi phổ biến. Ba, bốn em nhỏ ngồi tụm lại, duỗi thẳng hai chân ra. Các em đọc to bài đồng dao trong khi một em lấy tay đếm từng chân một theo từng chữ trong bài đồng dao. Tiếng "rụt" cuối bài rơi vào chân nào, chân đó phải tức thì rụt lại.

    Trò chơi dân gian "Nu na nu nống"

    Trò chơi dân gian "Nu na nu nống"

  13. Quốc kì
    Cờ quốc gia, cờ nước (từ Hán Việt)
  14. Mê Linh
    Nơi đóng đô của Trưng Nữ Vương sau khi đánh thắng quân Hán và xưng vương, lập nước. Hiện nay Mê Linh là tên một huyện nằm ở phía Bắc thành phố Hà Nội, giáp sân bay quốc tế Nội Bài.

    Đô kì đóng cõi Mê Linh
    Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta

    (Đại Nam quốc sử diễn ca)

  15. Tô Định
    Viên quan nhà Hán được cử sang Giao Chỉ (tên gọi nước ta lúc bấy giờ) làm Thái thú trong thế kỷ thứ 1. Không khuất phục trước âm mưu nô thuộc của nhà Hán, năm 40, Hai Bà Trưng kêu gọi thủ lĩnh các vùng lân cận tập hợp lực lượng, dựng cờ khởi nghĩa. Khởi nghĩa nổ ra, Tô Định bỏ chạy về phương Bắc. Trưng Trắc lập nước, xưng vương.

    Hai Bà Trưng đánh đuổi Tô Định (tranh Đông Hồ)

    Hai Bà Trưng đánh đuổi Tô Định (tranh Đông Hồ)

  16. Hai Bà Trưng
    Hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị, hai nữ tướng của Giao Chỉ (Việt Nam ta lúc bấy giờ) đã nổi cờ khởi nghĩa vào năm 40 sau Công nguyên để chống lại sự nô thuộc của nhà Đông Hán. Khởi nghĩa thắng lợi, Thái thú Giao Chỉ người Hán là Tô Định bỏ chạy về phương Bắc, Trưng Trắc xưng vương, lấy hiệu là Trưng Nữ Vương, chọn kinh đô là Mê Linh, trị vì được ba năm, đến năm 43 bại trận dưới tay tướng nhà Hán là Mã Viện. Tục truyền do không muốn đầu hàng, hai Bà đã nhảy xuống sông tự tử, nhưng cũng có thuyết cho hai Bà đã bị quân Mã Viện bắt và xử tử.

    Hai Bà Trưng đánh đuổi Tô Định (tranh Đông Hồ)

    Hai Bà Trưng đánh đuổi Tô Định (tranh Đông Hồ)

  17. Có bản chép: nhiều.
  18. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  19. Nam mô
    Phiên âm của từ Namo नमो (nghĩa là tôn kính hoặc hướng về) trong tiếng Sanskrit, để thể hiện sự sùng kính hoặc quy ngưỡng. Người theo đạo Phật thường dùng tiếng "Nam mô" để khởi đầu cho câu niệm danh hiệu các Phật và Bồ Tát. "Nam mô" còn đọc là "Nam vô" 南無 theo phiên âm từ tiếng Hán.
  20. Bồ
    Đồ cỡ lớn đựng thóc lúa, thường đan bằng tre.

    Bồ và cối xay thóc

    Bồ và cối xay thóc

  21. Bạch Đằng
    Một đòng sông lớn thuộc hệ thống sông Thái Bình, chảy theo ranh giới hai tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng, đổ ra biển bằng cửa Nam Triệu, vịnh Hạ Long. Bạch Đằng (nghĩa là "sóng trắng" vì sông thường có sóng bạc đầu) còn có tên gọi là sông Rừng, là đường giao thông quan trọng từ biển Đông vào nội địa nước ta. Sông Bạch Đằng nổi tiếng với những trận thủy chiến lừng lẫy chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, như trận Ngô Quyền đại thắng quân Nam Hán, Trần Hưng Đạo thắng Nguyên-Mông...

    Mô hình miêu tả trận Bạch Đằng năm 938

    Mô hình trận Bạch Đằng năm 938

  22. Nam Hán
    Một vương quốc tồn tại từ năm 917 đến năm 971, trong thời kỳ Ngũ Đại Thập Quốc (907-960), địa bàn trải dọc theo bờ biển phía nam Trung Quốc, kinh đô đặt ở Hưng Vương Phủ, ngày nay là thành phố Quảng Châu. Tên nước ban đầu là Đại Việt, sau đó đổi thành Đại Hán, trong sử gọi là Nam Hán để phân biệt với nước Bắc Hán trong cùng thời kì.

    Nam Hán giáp giới với nước ta, lúc ấy có tên là Tĩnh Hải quân (quân là một đơn vị hành chính quân sự đặt ra thời Đường, mỗi quân do một Tiết độ sứ cai trị). Trong một thời gian ngắn (từ khoảng 930-931), Nam Hán chiếm được Tĩnh Hải quân (bao gồm Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ hiện nay) nhưng không giữ được do bị Dương Đình Nghệ đánh đuổi. Năm 937, Kiều Công Tiễn, hào trưởng đất Phong Châu (Phú Thọ) - nổi lên giết chết Tiết độ sứ Tĩnh Hải quân là Dương Đình Nghệ để nắm quyền, cũng xưng là Tiết độ sứ. Con rể Dương Đình Nghệ là Ngô Quyền nghe tin, từ Ái Châu (Thanh Hóa) đem quân ra đánh. Kiều Công Tiễn cầu cứu Nam Hán, vua Nam Hán liền đưa quân sang, nhưng bị đánh bại tại trận Bạch Đằng (năm 938).

  23. Ngô Quyền
    (898 - 944) còn được biết đến với tên gọi Tiền Ngô Vương, là vị vua đầu tiên của nhà Ngô trong lịch sử nước ta. Năm 938, ông lãnh đạo nhân dân đánh bại quân Nam Hán trong trận Bạch Đằng lịch sử, chính thức kết thúc một ngàn năm Bắc thuộc, mở ra một thời kì độc lập lâu dài. Sau chiến thắng này, ông lên ngôi vua, trị vì từ năm 939 đến năm 944.

    Tranh vẽ trận Bạch Đằng năm 938

    Tranh vẽ trận Bạch Đằng năm 938

  24. Hàn vi
    Nghèo hèn (từ Hán Việt)
  25. Mai Hắc Đế
    Sinh vào cuối thế kỷ 7 ở Mai Phụ, Nam Đàn, Nghệ An, mất vào năm 722. Đa số các tài liệu ghi rằng tên thật của ông là Mai Thúc Loan, một số khác lại cho ông tên thật là Mai Phượng, tên tự là Mai Thúc Loan. Năm 713, ông lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Hoan Châu (tên vùng Nam Đàn, Nghệ An lúc bấy giờ) chống lại nhà Đường, đến tháng 4 thì xưng đế, lấy hiệu là Mai Hắc Đế, xây dựng kinh đô Vạn An tại vùng Sa Nam, giữ vững nền độc lập trong 10 năm (713-722). Năm 723, nhà Đường cho lực lượng lớn kéo sang đàn áp, Vạn An thất thủ. Có thuyết nói ông bị chém khi giáp trận với giặc, thuyết khác cho ông bị sát hại sau khi quân Đường chiếm được Vạn An, có thuyết lại nói trong khi rút quân, ông bị rắn độc cắn mà chết.

    Về tên hiệu của ông, một số sử sách chép rằng đó là do ông có làn da ngăm đen. Theo Việt điện u linh tập, theo thuyết Ngũ hành, Dịch lý thì màu đen tượng trưng cho nước, mà Mai Thúc Loan vốn xuất thân ở gia đình nấu muối vùng ven biển nên có thể ông lấy hiệu Hắc Đế để hợp với mệnh của mình.

    Lễ hội đền vua Mai

    Lễ hội đền vua Mai

  26. Lý Thái Tổ
    Tên húy là Lý Công Uẩn (974-1028), vị Hoàng đế đầu tiên của nhà Lý trong lịch sử nước ta, trị vì từ năm 1009 đến khi qua đời năm 1028. Dưới triều ông, triều đình trung ương được củng cố, các thế lực phiến quân bị đánh dẹp, kinh đô được dời từ Hoa Lư về thành Đại La (hay La Thành - ngày nay là Hà Nội) vào năm 1010 và đổi tên thành Thăng Long.

    Tượng đài Lý Thái Tổ

    Tượng đài Lý Thái Tổ

  27. Khi Lý Công Uẩn lên 3 tuổi, mẹ ông đem ông cho sư Khánh Văn, trụ trì chùa Cổ Pháp làm con nuôi và đi tu từ đó. Đến năm 7 tuổi, ông được cha nuôi gửi cho người bạn là thiền sư Vạn Hạnh dạy dỗ.
  28. Liềm
    Một nông cụ cầm tay có lưỡi cong khác nhau tùy từng loại, phía lưỡi thường có răng cưa nhỏ (gọi là chấu), dùng để gặt lúa hoặc cắt cỏ. Liềm có thể được xem là biểu tượng của nông nghiệp.

    Cái liềm

    Cái liềm

  29. Dục: ham muốn. Tốc: nhanh. Bất: không. Đạt: thành công. Câu tục ngữ Hán Việt này có nghĩa: Muốn nhanh thì không thành công như ý.
  30. Độc
    Đơn lẻ (từ Hán Việt).