Ca dao Mẹ

  • Vè rau

    Ve vẻ vè ve
    Nghe vè các rau
    Thứ ở hỗn hào
    Là rau ngành ngạnh
    Trong lòng không chánh
    Vốn thiệt tâm lang
    Đất rộng bò ngang
    Là rau muống biển
    Quan đòi thầy kiện
    Bình bát nấu canh
    Ăn hơi tanh tanh
    Là rau dấp cá
    Có ba không má
    Rau má mọc bờ
    Thò tay sợ dơ
    Nó là rau nhớt
    Ăn cay như ớt
    Vốn thiệt rau răm
    Sống trước ngàn năm
    Là rau vạn thọ
    Tánh hay sợ vợ
    Vốn thiệt rau co
    Làng hiếp chẳng cho
    Thiệt là rau húng
    Lên chùa mà cúng
    Vốn thiệt hành hương
    Giục ngựa buông cương
    Là rau mã đề

  • Bình luận

Cùng thể loại:

Có cùng từ khóa:

Chú thích

  1. Có bản chép: Ăn ở hỗn hào.
  2. Ngành ngạnh
    Một loại rau rừng thường được hái để ăn sống, có mùi vị thơm ngon, chua, chát.

    Đọt và lá ngành ngạnh

    Đọt và lá ngành ngạnh

  3. Khoai lang
    Một loại cây nông nghiệp với rễ củ lớn, chứa nhiều tinh bột, có vị ngọt, gọi là củ khoai lang. Nhân dân ta trồng và sử dụng khoai lang làm lương thực, tận dụng cả phần củ (rễ), thân, và lá.

    Thu hoạch khoai lang

    Thu hoạch khoai lang

  4. Muống biển
    Loài thực vật thuộc họ Bìm bìm, mọc ở phần trên các bãi biển. Muống biển là một trong các các loài thực vật chịu mặn phổ biến nhất, phân bố rộng rãi nhất và là một trong những ví dụ nổi bật nhất minh hoạ cho các loại cây có hạt trôi theo dòng nước.

    Hoa muống biển

    Hoa muống biển

  5. Bình bát
    Loại cây leo thuộc họ bầu bí, đọt, lá và quả đều làm rau ăn được, là loài rau phổ biến ở nông thôn miền Nam. Còn được gọi là rau bát, mảnh bát, mỏ quạ, bình bát dây (để phân biệt với cây bình bát thuộc họ mãng cầu). Rau bình bát dùng để trị ghẻ, hạt bình bát trị giun sán.

    Rau bình bát đang ra hoa

    Rau bình bát đang ra hoa

  6. Diếp cá
    Còn có tên là dấp cá, giấp cá, hay rau diếp, là một loại cây nhỏ được trồng để làm rau và làm thuốc. Rau diếp cá khi vò có mùi tanh như mùi cá (vì vậy có tên chữ Hán là ngư tinh thảo - cỏ tanh mùi cá), thường dùng ăn lá sống kèm với nhiều món như thịt nướng, chả giò bún, gỏi cuốn...

    Rau diếp cá

    Rau diếp cá

  7. Rau má
    Một loại cây thân thảo ngắn ngày, thường được trồng để ăn tươi hoăc sắc lấy nước uống. Nước rau má có tác dụng giải độc, hạ huyết áp, làm mát cơ thể. Lá rau má hình thận, nhỏ bằng đồng xu.

    Rau má

  8. Rau đay
    Một loại rau chủ yếu dùng nấu canh (với cua, tôm tép), đôi khi với mồng tơi hoặc mướp. Rau đay khi nấu có nhiều nhớt, nên còn gọi là rau nhớt.

    Rau đay

    Rau đay

  9. Rau răm
    Một loại cây nhỏ, lá có vị cay nồng, được trồng làm gia vị hoặc để ăn kèm.

    Rau răm

    Rau răm

  10. Vạn thọ
    Một loài cây họ cúc, hoa thường có màu vàng hoặc cam, có rất nhiều cánh. Vì "vạn thọ" có thể dịch thoát ý là "sống thọ một vạn năm," nên hoa vạn thọ thường được nhân dân ta dùng trong các dịp Tết hoặc lễ cúng.

    Hoa vạn thọ

    Hoa vạn thọ

  11. Rau húng
    Tên chung cho một số loài rau thuộc họ Bac Hà. Rau húng có nhiều loài, tên gọi mỗi loài thường chỉ mùi đặc trưng hay cách sinh trưởng của cây như húng quế (miền Nam gọi là rau quế) có mùi quế, húng chanh (miền Nam gọi là rau tần dày lá) có mùi tương tự chanh, húng lủi vì cây rau bò sát mặt đất... Ở miền Trung và miền Nam, một số loài húng được gọi tên là é. Rau húng là gia vị đặc sắc và không thể thiếu trong các món ăn dân gian như nộm, dồi, lòng lợn, tiết canh, thịt vịt, phở, bún... Tinh dầu trong lá và ngọn có hoa của một số loại húng được có tác dụng chữa bệnh (ví dụ húng chanh trị ho) hoặc dùng làm nguyên liệu sản xuất hương phẩm. Ở miền Nam, người ta lấy hạt húng quế (hạt é) làm nước uống giải nhiệt.

    Làng Láng thuộc Thăng Long xưa là nơi nổi tiếng với nghề trồng rau húng lủi, gọi là húng Láng.

    Rau húng

    Húng lủi (húng Láng)

  12. Hành hương
    Một tên khác của hẹ tây, cũng có tên là hành ta hay hành tím. 

    Củ hành

    Củ hành

  13. Mã đề
    Một loại cây được trồng và mọc hoang khắp nước ta, dùng làm thuốc chữa suyễn, lợi tiểu, lọc máu...

    Cây rau mã đề

    Cây rau mã đề

  14. Ngư lương
    Chỗ đắp bờ để nuôi cá (từ Hán Việt).
  15. Tử hổ
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Tử hổ, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  16. Cá nục
    Một loại cá biển, có rất nhiều ở các vùng biển miền Trung. Cá nục được dùng làm nguyên liệu chính cho nhiều món ăn ngon như cá nục sốt cà, cá nục kho, cá nục hấp cuốn bánh tráng...

    Cá nục

    Cá nục

  17. Cá úc
    Một loài cá da trơn, chủ yếu sống ngoài biển, một số sống trong môi trường nước lợ hay ngọt, thường thấy ở khu vực ôn đới ấm và nhiệt đới. Cá úc được chế biến thành nhiều món đặc sản Nam Bộ.

    Cá úc

    Cá úc

  18. Cá thơm
    Một loại cá nước ngọt có nhiều ở đồng bằng sông Cửu Long.
  19. Cá thác lác
    Cũng gọi là cá thát lát hoặc cá phác lác, một loại cá nước ngọt rất thường gặp ở Trung và Nam Bộ, đặc biệt là Tây Nam Bộ. Cá thường được đánh bắt để làm chả cá thác lác - một đặc sản nổi tiếng - và các món ngon khác như lẩu cá, muối sả ớt, canh...

    Cá thác lác

    Cá thác lác

  20. Thiên hạ
    Toàn bộ mọi vật, mọi người. Đây là một khái niệm có gốc từ Trung Quốc (thiên 天 (trời) hạ 下 (ở dưới), nghĩa đen là "dưới gầm trời").

    "Nào ta biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ." (Chữ người tử tù - Nguyễn Tuân)

  21. Cá cơm
    Cũng gọi là cá duội (ruội) hay cá chi, một loại cá biển phổ biến ở Việt Nam, có thể chế biến thành các món ăn, phơi làm khô cá, hoặc làm nước mắm.

    Cá cơm

    Cá cơm

  22. Cá ngát
    Một loại cá sống ở biển và những vùng nước lợ, có da trơn, thân hình giống như con cá trê, đầu to có râu và hai chiếc ngạnh sắc nhọn hai bên, thân dài đuôi dẹt. Cá ngát khi đã trưởng thành thường to bằng cán dao đến cổ tay người lớn. Ngư dân đánh bắt cá ngát bằng cách giăng lưới hoặc câu nhưng hiệu quả nhất là giăng lưới ở những luồng nước đục, chảy nhẹ vì chỗ này thường có nhiều cá. Cá ngát có thể chế biến thành nhiều loại thức ăn, nhưng nổi tiếng nhất có lẽ vẫn là món canh chua cá ngát.

    Canh chua cá ngát

    Canh chua cá ngát

  23. Cá bã trầu
    Một loại cá biển thân dẹp, vẩy có màu hồng nhạt, mắt to. Cá cho thịt mềm, rất ngọt, được chế biến nhiều món ngon như nướng, chiên, nấu canh chua... Tùy vùng miền mà loại cá này có những cái tên khác nhau như cá thóc, cá mắt kiếng, cá trao tráo (hai tên sau có lẽ là dựa vào đặc điểm của mắt cá).

    Cá bã trầu

    Cá bã trầu

  24. Nhài
    Còn gọi là lài, loại cây nhỏ có hoa màu trắng rất thơm. Nhân dân ta thường dùng hoa lài để ướp trà.

    Bông hoa nhài

    Bông hoa lài (nhài)

  25. Mẫu đơn
    Một loại cây sống lâu năm, cho hoa rất to, đường kính đạt tới 15-20 cm, màu đỏ, tím hoặc trắng, mùi thơm gần giống mùi thơm của hoa hồng, do vậy hay được trồng làm cảnh. Theo y học cổ truyền, bộ phận dùng làm thuốc là vỏ rễ phơi hay sấy khô, gọi là mẫu đơn bì. Mẫu đơn còn được gọi là hoa phú quý, hoa vương, thiên hương quốc sắc...

    Hoa mẫu đơn

    Hoa mẫu đơn

  26. Hải đường
    Loài cây nhỡ, sống nhiều năm, họ Chè. Lá dài, dày, mặt trên bóng, mép có nhiều răng cưa. Hoa mọc từ 1 đến 3 đóa ở gần ngọn cây, ngọn cành; hoa có cuống dài, tràng hoa đỏ tía, nhiều nhị đực. Hoa nở vào dịp Tết Âm lịch, đẹp nhưng không thơm.

    Hoa hải đường

    Hoa hải đường

  27. Dã quỳ
    Còn có tên là cúc quỳ, sơn quỳ hoặc hướng dương dại, một loại cây cho hoa màu vàng mọc nhiều ở các khu vực cận nhiệt đới và nhiệt đới. Ở nước ta, dã quỳ được người Pháp đưa vào các đồn điền ở Lâm Đồng, sau dần mọc hoang khắp các tỉnh Tây Nguyên.

    Hoa quỳ

    Hoa quỳ

  28. Liễu
    Một loại cây thân nhỏ, lá rủ. Liễu xuất hiện rất nhiều trong thơ ca Á Đông, và thường tượng trưng cho người con gái chân yếu tay mềm.

    Liễu rủ bên hồ Gươm

    Liễu rủ bên hồ Gươm

  29. Phù dung
    Còn gọi là mộc phù dung, địa phù dung, mộc liên, loại cây thân nhỡ có hoa, lá có năm cánh, hoa lớn, có hai loại là hoa đơn và hoa kép, hoa nở xòe to bằng cái bát, chất cánh xốp, trông như hoa giấy. Hoa thay đổi màu sắc từ sáng đến chiều (sáng trắng, trưa hồng, chiều đỏ).

    Hoa phù dung

    Hoa phù dung

  30. Câu này có lẽ lấy ý từ hai câu thơ của Thôi Hộ thời Đường:

    Nhân diện bất tri hà xứ khứ,
    Đào hoa y cựu tiếu đông phong

    Dịch:

    Mặt người giờ ở nơi nao?
    Hoa đào vẫn đó cười chào gió đông.

  31. Mo
    Phần vỏ ngoài của hoa dừa hay hoa cau. Khi hoa còn non chưa nở, mo màu xanh, hai cánh dạng thuyền úp lại che chở cho hoa bên trong. Mo tự tách ra khi hoa nở và khô dần đi khi cây đậu quả. Mo cau, mo dừa già sẽ tự rụng xuống hoặc được người trồng giật xuống khi thu hái quả. Mo cau mềm mại, dẻo dai, được dân ta sử dụng để gói giò (chả) và nhất là gói cơm nắm mang theo khi làm đồng làm rẫy. Cơm nắm mo cau là một hình ảnh quen thuộc và thân thương với người nông dân nước ta.

    Mo cau

    Mo cau

    Cơm nắm gói trong mo cau.

    Cơm nắm gói trong mo cau.

  32. Bánh in
    Một loại bánh có xuất xứ từ Huế, được làm từ bột năng, bột nếp, đậu xanh, đường, các nguyên liệu khác và được ép, đức thành khuôn mặt đáy của bánh thường khắc các hình chữ Phúc, Lộc, Thọ hoặc các hình trang trí khác và gói trong giấy bóng kính ngũ sắc. Đây là loại bánh để dùng trong ngày Tết, phục vụ việc thờ cúng và đãi khách.

    Bánh in

    Bánh in

  33. Bánh bàng
    Một loại bánh làm từ bột mì, đường, và trứng, được nướng xốp, mặt vàng, gần giống bánh ga-tô, có hình dáng giống quả bàng,

     

  34. Bánh bò
    Một loại bánh làm bằng bột gạo, nước, đường và men, một số nơi còn cho thêm dừa nạo. Có một số loại bánh bò khác nhau tùy vùng miền, ví dụ Sóc Trăng có bánh bò bông, Châu Đốc có bánh bò thốt nốt...

    Bánh bò

    Bánh bò

  35. Bánh ít
    Loại bánh dẻo làm bằng bột nếp, có mặt ở nhiều địa phương, có nơi gọi là bánh ếch hay bánh ết. Tùy theo từng vùng mà bánh ít có hình dạng và mùi vị khác nhau: hình vuông, hình tháp, hình trụ dài, gói lá chuối, lá dứa, không nhân, nhân mặn, nhân ngọt... Bánh ít là món bánh không thể thiếu trong các dịp lễ Tết, giỗ cúng.

    Bánh ít lá gai

    Bánh ít lá gai

    Bánh ít trần

    Bánh ít trần

  36. Mít nghệ
    Một loại mít có múi to, dày, ráo, độ ngọt vừa phải, màu vàng đậm, có thể ăn tươi hoặc làm mít sấy.

    Mít nghệ

    Mít nghệ

  37. Bánh đúc
    Bánh nấu bằng bột gạo tẻ hoặc bột ngô quấy với nước vôi trong, khi chín đổ ra cho đông thành tảng, thường được ăn kèm với mắm tôm. Bánh đúc là món quà quen thuộc của làng quê.

    Bánh đúc Hà Nội

    Bánh đúc Hà Nội

  38. Bánh ít lá gai
    Gọi tắt là bánh gai, một loại bánh ít đặc sản của miền Trung. Bánh làm từ lá gai quết nhuyễn với bột dẻo, tạo cho lớp áo ngoài của bánh có màu xanh đen đặc trưng. Nhưn (nhân) bánh thường là đậu xanh, dừa, đường, thêm chút quế và vani để tạo mùi thơm; đôi khi người ta cũng làm nhân bánh từ tôm xào với thịt, tạo ra món bánh ít mặn.

    Lá gai

    Lá gai

    Bánh ít lá gai

    Bánh ít lá gai

  39. Bánh bèo
    Một món bánh rất phổ biến ở miền Trung và miền Nam. Bánh làm từ bột gạo, có nhân phía trên mặt bánh làm bằng tôm xay nhuyễn. Nước chấm bánh bèo làm từ nước mắm, và thường đổ trực tiếp vào bánh chứ không cần chấm. Thành phần phụ của bánh bèo thường là mỡ hành, đậu phộng rang giã nhỏ. Tuỳ theo địa phương, có những cách thêm bớt khác nhau cho món bánh này, ví dụ ở Sài Gòn thường bỏ đậu xanh, đồ chua, lại cho ăn kèm bánh đúc, bánh ít, bánh bột lọc...

    Bánh bèo

    Bánh bèo

  40. Kơ nia
    Người Kinh gọi là cây cầy hoặc cây cốc, một loại cây gỗ cứng mọc nhiều ở các tỉnh Tây Nguyên, ngoài ra còn phân bố từ Quảng Nam đến một số tỉnh Nam Bộ cũng như các đảo Phú Quốc, Côn Đảo. Cây kơ nia có một ý nghĩa tâm linh rất lớn đối với đồng bào các dân tộc thiểu số.

    Cây kơ nia

    Cây kơ nia

  41. Thảo
    Viết ra.
  42. Nghĩa nhân
    Cũng viết nhân nghĩa, nghĩa là "lòng yêu thương người (nhân) và biết làm điều phải (nghĩa)." Hiểu rộng là đạo nghĩa sống ở đời.
  43. Đắc thời đắc lễ đắc nghi
    Được thời thì được lễ nghi (chữ Hán).
  44. Thất thế
    Mất thế lực, mất chỗ tựa. Từ chữ Hán thất 失 (mất) và thế 勢 (thế lực).
  45. Thất nghiệp
    Không có nghề nghiệp, việc làm.
  46. Mãn kiếp
    Suốt đời, cho đến tận lúc chết (thường nói về việc không hay).
  47. Phong lưu
    Ngọn gió bay (phong), dòng nước chảy (lưu). Từ này vốn nghĩa là phẩm cách, tinh thần riêng của mỗi người, hiểu rộng ra là sung sướng, vui với cảnh, không phải chịu buồn khổ.

    Cõi trần thế nhân sinh là khách cả
    Nợ phong lưu kẻ giả có người vay

    (Nợ phong lưu - Nguyễn Công Trứ)

  48. Chí
    Đến, kéo dài cho đến (từ Hán Việt).
  49. Căn
    Gốc rễ (chữ Hán). Khái niệm căn thường được gặp trong lí thuyết Phật giáo, chỉ những điều căn bản, gốc rễ của nhận thức, sự việc.

    Thiện căn ở tại lòng ta
    Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài
    (Truyện Kiều)

  50. Số kiếp
    Vận mệnh của một đời người.
  51. Lâm bô
    Có nguồn gốc từ danh từ limbo trong tiếng Bồ Đào Nha, có nghĩa là một nơi giam cầm các linh hồn hay đang ở vào một tình trạng nào đó dang dở.
  52. Cửu
    Số chín, thứ chín (từ Hán Việt)
  53. Lợn lạo
    Có thể là cách đọc trại đi của từ lộn lạo.
  54. Đồi mồi
    Một loài rùa biển, mai có vân đẹp nên thường bị đánh bắt để làm đồ mĩ nghệ (lược, vòng tay, vòng đeo cổ...). Những đốm nám trên da hoặc trái cây cũng gọi là vết đồi mồi.

    Con đồi mồi

    Con đồi mồi

  55. Giã
    Như từ giã. Chào để rời đi xa.
  56. Giã ơn
    Cảm tạ ơn.

    Kíp truyền thu lễ, trao lời giã ơn
    (Nhị Độ Mai)

  57. Dâu tằm
    Loại cây thường được trồng hai bên bờ sông, chủ yếu để lấy lá cho tằm ăn. Lá và rễ dâu cũng là vị thuốc đông y. Quả dâu tằm chín cũng có thể dùng để ăn hoặc ngâm rượu, gọi là rượu dâu tằm. Ở nước ta, dâu có nhiều giống: dâu bầu, dâu da, dâu cỏ, dâu tam bội...

    Lá và quả dâu tằm

    Lá và quả dâu tằm

  58. Tằm
    Còn gọi là tằm tơ, ấu trùng của loài bướm tằm. Tằm ăn lá dâu tằm và nhả tơ thành kén. Tằm đã sẵn sàng nhả tơ được gọi là tằm chín, có màu vàng óng hoặc đỏ nâu bóng, trong suốt. Tơ tằm dùng để dệt lụa và có giá trị kinh tế cao.

    Tằm đang ăn lá dâu

    Tằm đang ăn lá dâu

    Kén tằm

    Kén tằm

  59. Cắn chắt
    Cắn ăn hạt lúa (cho vui miệng hoặc đỡ đói).

    Về ngóng cô nàng xưa cắn chắt
    cười lia dăm hạt cốm
    giờ đã nằm sương giậu lả tầm xuân

    (Người không về - Hoàng Cầm)

  60. Sam
    Một sinh vật biển thuộc bộ giáp xác. Sam thường đi thành cặp ở dưới nước, lúc nào con sam đực cũng ôm lấy con sam cái, gọi là đôi sam. Dân gian ta có thành ngữ "thương như sam" hoặc "dính như sam."

    Đôi sam

    Đôi sam

  61. Cha chả
    Thán từ dùng để biểu lộ sự ngạc nhiên (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  62. Trùm
    Người đứng đầu một phường hội thời xưa.

    Nghệ sĩ Minh Nhí trong vai trùm Sò (áo the xanh) trong vở cải lương Ngao Sò Ốc Hến

    Nghệ sĩ Minh Nhí trong vai trùm Sò (áo the xanh) trong vở cải lương Ngao Sò Ốc Hến

  63. Có bản chép: Tôi lại cửa công.
  64. Thuở tạo thiên
    Lúc mới lập ra trời đất.
  65. Đọi
    Cái chén, cái bát (phương ngữ một số vùng ở Bắc Trung Bộ).
  66. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  67. Nguyệt hoa
    Cũng viết là hoa nguyệt (trăng hoa), chỉ chuyện trai gái yêu đương. Từ này có gốc từ nguyệt hạ hoa tiền (dưới trăng, trước hoa, những cảnh nên thơ mà trai gái hẹn hò để tình tự với nhau), nay thường dùng với nghĩa chê bai.

    Cởi tình ra đếm, ra đong
    Đâu lời chân thật, đâu vòng trăng hoa?

    (Tơ xuân - Huy Trụ)

  68. Bánh hạt sen
    Gọi tắt là bánh sen, một số nơi gọi là kẹo hạt sen, loại bánh ngọt làm bằng bột vo nhỏ như hạt sen, ngoài bọc bằng giấy bóng kính nhiều màu. Bánh thường gặp trong dịp Tết nguyên đán.

    Bánh hạt sen

    Bánh hạt sen

  69. Bánh cam
    Một loại bánh hình tròn nhìn giống quả cam, làm bằng bột nếp, nhân đậu xanh, bên ngoài phủ nhiều mè (vừng), được rán trong dầu, ăn rất ngọt và thơm. Bánh cam được bán nhiều ở các chợ và hàng rong, là một món quà mà trẻ em rất ưa thích. Miền Bắc gọi bánh này là bánh rán, ở một số địa phương miền Trung thì gọi là bánh ram.

    Bánh cam

    Bánh cam

  70. Bánh tét
    Có nơi gọi là bánh đòn, một loại bánh của miền Trung và miền Nam, tương tự như bánh chưng ở miền Bắc. Bánh làm bằng gạo nếp, hình trụ dài, gói bằng lá chuối, có thể có nhân đậu và thịt mỡ hoặc không có nhân, khi ăn thì cắt thành khoanh tròn. Những dịp giỗ Tết không thể thiếu món bánh này.

    Một dĩa bánh tét

    Một dĩa bánh tét

  71. Hủ lậu
    Cũ kĩ, lạc hậu, không còn hợp thời nữa.
  72. Bánh tổ
    Một loại bánh tết truyền thống của Quảng Nam. Bánh được chế biến từ nếp và đường, đựng trong những cái "rọ" bằng lá chuối. Bánh dẻo, ngọt, có thể cắt ăn ngay hoặc chiên giòn.

    Bánh tổ

    Bánh tổ

  73. Tu hú
    Một loài chim có kích cỡ khá lớn, ăn quả và côn trùng, có tiếng kêu to dễ phân biệt. Chúng là chim đẻ nhờ, đẻ trứng của mình vào tổ của các loài chim khác, đặc biệt vào tổ của các loài chim dạng sẻ.

    Chim tu hú

    Chim tu hú

  74. Ác là
    Còn có tên là bồ các, một loại chim lớn (có thể dài từ 40-50 cm) có đầu, cổ và ngực màu đen bóng, bụng và vai màu trắng. Ác là loài ăn tạp, chúng có thể ăn từ chim non tới trứng, thú, sâu bọ nhỏ, hạt ngũ cốc và nhiều thứ khác. Có lẽ vì vậy trong ca dao dân ca, ác là thường tượng trưng cho điều xấu hoặc những kẻ độc ác. Tuy nhiên trong văn hóa Trung Quốc, ác là lại có tên là hỉ thước, tượng trưng cho điềm lành.

    Bồ các (ác là)

    Ác là

  75. Chích chòe
    Tên chung của một số loài chim nhỏ, đuôi dài, ăn sâu bọ. Các loại chính chòe thường gặp là chích chòe than (lông màu đen, có đốm trắng), chích chòe lửa (có bụng màu gạch đỏ như lửa), chích chòe đất... Hiện nay chích chòe thường được nuôi làm cảnh.

    Chích chòe lửa

    Chích chòe lửa

  76. Bìm bịp
    Tên chung để chỉ khoảng 30 loài chim do tiếng kêu của chúng tương tự như "bìm bịp" vào mùa sinh sản. Bìm bịp có lông cánh màu nâu như áo của thầy tu.

    Một con bìm bịp

    Một con bìm bịp

  77. Một loài chim ăn thịt, thường kiếm mồi vào ban đêm, có mắt lớn ở phía trước đầu. Người xưa xem cú là loài vật xấu xa, tượng trưng cho những người hoặc việc xấu, việc xui xẻo.

    Cú mèo

    Cú mèo

  78. Diều hâu
    Loài chim dữ, mỏ quặp, có thị lực rất sắc bén, hay bắt gà, chuột, rắn.

    Một loại diều hâu

    Một loại diều hâu

  79. Sáo
    Tên chung của một số loài chim nhỏ, có bộ lông sẫm màu, thường sống trong các hốc, lỗ, và đẻ trứng có vỏ màu xanh lam hoặc trắng. Vài loài sáo có khả năng bắt chước tiếng người, nên thường được nuôi làm chim cảnh.

    Chim sáo

    Chim sáo

  80. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  81. Vợ bé
    Vợ lẽ, vợ thứ (phương ngữ). Làm vợ lẽ, vợ thứ cũng gọi là làm bé.
  82. Cá giếc
    Loại cá trắng nước ngọt, mắt có viền đỏ, thân dẹt hai bên, có màu bạc, sống phổ biến ở ao hồ, ruộng vùng đồng bằng hay vùng cao. Thịt thơm ngon nhưng nhiều xương dăm. Ngoài những món chế biến thông thường, cá giếc còn là một món ăn bài thuốc.

    Cá diếc

    Cá giếc

  83. Bồ
    Đồ cỡ lớn đựng thóc lúa, thường đan bằng tre.

    Bồ và cối xay thóc

    Bồ và cối xay thóc

  84. Mác
    Một loại vũ khí cổ, có lưỡi dài và sắc, cán dài, có thể dùng để chém xa.
  85. Dao bầu
    Loại dao to, mũi nhọn, phần giữa phình ra, thường dùng để chọc tiết lợn, trâu bò.

    Dao bầu

    Dao bầu

  86. Mắm tôm
    Một loại mắm ở miền Bắc, được làm chủ yếu từ tôm hoặc moi (một loại tôm nhỏ) và muối ăn, qua quá trình lên men tạo mùi vị và màu sắc rất đặc trưng. Mắm tôm thường có ba dạng: đặc, sệt và lỏng. Ba dạng này chỉ khác nhau ở tỉ lệ muối và quá trình phơi nắng. Trước khi sử dụng, mắm tôm thường được pha với chanh và ớt.

    Mắm tôm đã pha

    Mắm tôm đã pha

  87. Biểu
    Bảo (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  88. Gá nghĩa
    Kết nghĩa (gá nghĩa vợ chồng, gá nghĩa anh em), tiếng miền Nam còn đọc trại thành gá ngãi.
  89. Vồng
    Phần đất được dùng cuốc vun lên cao hơn mặt đất để trồng rau, củ, tương tự nhưng cao hơn líp.
  90. Khánh Vân
    Tên một làng cũ nổi tiếng với nghề thợ hồ, sau sát nhập với làng Thanh Đơn thành làng Thanh Vân, thuộc xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.