Tìm kiếm "bộ mặt"

  • Em là con gái nhà giàu

    Em là con gái nhà giàu
    Mẹ cha thách cưới ra màu xinh sao
    Cưới em trăm tấm gấm đào
    Một trăm hòn ngọc, hai mươi tám ông sao trên trời
    Tráp tròn dẫn đủ trăm đôi
    Ống thuốc bằng bạc, ống vôi bằng vàng
    Sắm xe tứ mã đem sang
    Để quan viên họ nhà nàng đưa dâu
    Ba trăm nón Nghệ đội đầu
    Một người một cái quạt Tàu thật xinh
    Anh về sắm nhiễu Nghi Ðình
    May chăn cho rộng ta mình đắp chung
    Cưới em chín chĩnh mật ong
    Mười cót xôi trắng, mười nong xôi vò
    Cưới em tám vạn trâu bò
    Bảy vạn dê lợn, chín vò rượu tăm
    Lá đa mặt nguyệt hôm rằm
    Răng nanh thằng Cuội, râu hàm Thiên Lôi
    Gan ruồi mỡ muỗi cho tươi
    Xin chàng chín chục con dơi góa chồng
    Thách thế mới thỏa trong lòng
    Chàng mà lo được thiếp cùng theo chân

  • Vè lính mộ

    Tai nghe nhà nước mộ dân,
    những lo những sợ chín mười phần em ôi.
    Anh đi ra mặt biển chưn trời,
    ơn cha nghĩa mẹ hai nơi chưa đền.
    Dầu mà ông Tây bắt làm phên,
    nhất thắng nhì bại, không quên cái nghĩa sinh thành.
    Xót em vò võ một mình,
    anh đi ra biển thẳm non xanh tư bề.
    Vai mang khẩu súng lưng dắt lưỡi lê,
    thôi thiếp bồng con dại lui về mần ăn.
    Ví dầu anh có mần răng,
    nơi mô xứng gió vừa trăng em đành.
    Phận chàng vạn tử nhứt sanh,
    trên thời mây đen kịt, dưới nước xanh dờn dờn.
    Tư bề sóng bể như sơn,
    đau lòng xót dạ nhiều cơn lắm bớ nàng.
    Trăm lạy ông trời đặng chữ bình an,
    đóng lon chức Đội về làng hiển vinh.
    Làm thịt con heo quy tế tại đình,
    rượu chè chàng đãi dân tình một diên.
    Tay bắt tay miệng lại hỏi liền:
    anh đi ra mấy tháng em có phiền hay không.
    Bảy giờ mai bước xuống tàu đồng,
    tối tăm mù mịt như rồng với mây.
    Hai bên những lính cùng Tây,
    quân gia kéo tới chở đầy tàu binh…

  • Chữ rằng “Thiên võng khôi khôi”

    – Chữ rằng “Thiên võng khôi khôi
    Sơ nhi bất lậu” lưới trời bủa giăng
    Xa xôi chưa kịp nói năng
    Từ qua đến bậu như trăng xế chiều
    Thân em như tấm lụa điều
    Phất phơ trước chợ nhiều điều đáng thương
    Dốc lòng trồng cửu lý hương
    Ba năm hai lá, người thương giã đầu

  • Vè chửi Thượng Bắc

    Văn thân kéo giữa ban ngày,
    Bắt ông Thượng Bắc đi đày ở đâu?
    Tiếc ngài có một bộ râu,
    Để cho bà lớn ăn sầu lo toan.
    Ngày thường độc ác gian ngoan,
    Giờ bà kêu khóc lạy van dân lành.
    Bởi chưng ngài muốn giàu sang,
    Theo Tây hại nước hại làng hại dân
    Đạo trời nổi nghĩa Văn thân,
    Giết quân phản tặc vinh thân hại nòi!
    Đao gươm vây kín trong ngoài,
    Gia nhân ngài Thượng rụng rời thất kinh.
    Thân hào đốt cháy tư dinh,
    Đập gãy ghế bành, tràng kỷ, án thư
    Phá hết của nả riêng tư,
    Xé tan cả bộ kinh Thư phẩm màu

  • Trách phận (Nẫu ca)

    Thân trách thân, thân sao lận đận
    Mình trách mình số phận hẩm hiu
    Bởi thân tui cực khổ tui eo nghèo
    Nên vợ tui nó mới không ở nữa mà nó theo nẫu rồi
    Em ơi chứ bây giờ em ở kìa nơi đâu
    Để cho anh trông đứng trông ngồi canh khuya
    Hồi nào qua Phú Lễ ăn ổi chua
    Xuống Đại Lãnh uống nước ngọt, qua Hòn Chùa ăn mực nang
    Bây giờ em không ngó nữa em không ngàng
    Đến chồng nghèo cực khổ gian nan cơ hàn
    Hồi nào em thất nghiệp em đi lang thang
    Anh thấy em nữa tội nghiệp, anh di mang anh nuôi rày
    Hồi nào em bán nước đá rồi anh đi may
    Hai đứa mình chung sống không biết ngày mai sau
    Hồi nào em bắt ốc rồi anh hái rau
    Bây giờ em để lại mối sầu cho qua
    Hồi nào trái chuối chín cũng cắn làm ba
    Trái cam tươi cũng cắn làm bốn
    Nửa trái cà cũng cắn làm năm
    Bây giờ em lấy nẫu em ăn nằm
    Bỏ qua hiu quạnh năm canh qua một mình
    Anh bây giờ, khóe mắt sầu cứ rung rinh
    Giọt lệ sầu, giọt lệ thảm như nước trong bình nó tuôn ra
    Anh bây giờ như con cuốc nó kêu tù oa
    Nó lẻ đôi, nó lẻ bạn, quớ chu choa ơi là buồn.

    Video

  • Trương Chi (hát xẩm)

    Ngày xưa có anh Trương Chi
    Người thì thậm xấu, hát thì thậm hay
    Cô Mỵ Nương người ở lầu Tây
    Con quan thừa tướng ngày rày cấm cung
    Anh Trương Chi ở dưới dòng sông
    Chở đò ngang dọc suốt đêm đông anh dãi dầu
    Đêm thanh chàng hát một câu
    Gió đưa thoang thoảng đến lầu cô Mỵ Nương
    Cô Mỵ Nương nghe tiếng hát thì thương
    Mà trông thấy mặt anh chường lại chê
    Anh Trương Chi bèn trở ra về
    Cắm sào cho chặt anh mới hát thề một câu:
    “Kiếp này đã lỡ duyên nhau
    Xin nguyền kiếp khác duyên sau lại thành!”

  • Vè xin xâu

    Lẳng lặng mà nghe
    Cái vè xin thuế
    Mùa màng mất tệ
    Buôn bán không ra
    Kẻ gần người xa
    Cũng nghèo cũng khổ
    Hai đồng xâu nọ
    Bảy ngày công sưu
    Cao đã quá đầu
    Kêu đà ngắn cổ
    Ở đâu ở đó
    Cũng rúc mà ra
    Kẻ kéo xuống Tòa
    Người nằm trên tỉnh
    Đông đà quá đông
    Trong tự Hà Đông
    Ngoài từ Diên Phước

  • Vè các lái (hát vô)

    Ghe bầu các lái đi buôn
    Đêm khuya ngồi buồn, kể chuyện ngâm nga
    Bắt từ Gia Định kể ra
    Anh em thuận hòa ngoài Huế kể vô
    Trên thời ngói lợp tòa đô
    Dưới sông thủy cát ra vô dập dìu
    Trên thời vua Thuấn, vua Nghiêu
    Ngoài dân, trong triều tòa chính sửa sang
    Trên thời ngói lợp tòa vàng
    Dưới dân buôn bán nghênh ngang chật bờ
    Này đoạn các lái trở vô
    Thuận An là chốn thuyền đô ra vào
    Vát ra một đỗi khơi cao
    Ta sẽ lần vào thì tới Cửa Ông
    Nay đà giáp phủ Thuận Phong
    Hòn Am, Cửa Kiểng nằm trong thay là

  • Vè Lụt Bất Quá

    Thuở vua Tự Đức trị vì
    Thái hoà tự Võ khác gì Đường, Ngu
    Nơi nơi kích nhưỡng khang cù
    Thái Sơn bàn thạch cơ đồ vững an
    Tuy loài hải thủy sơn man
    Cũng mến oai đức thê bằng lai quy
    Cớ sao vận hội bất kỳ
    Năm ba mươi mốt can chi Mậu Dần
    Tai trời khắp xuống chúng dân
    Ba huyện Quảng Ngãi mười phần tả tơi
    Nắng cho năm bảy tháng trời
    Lúa lang bắp đậu cháy phơi cánh đồng
    Tháng ba bị háp đã xong
    Lúa nhồng, bát ngoạt làm đòng cũng khô

  • Vè Đông Kinh

    Cơn mây gió trời Nam bảng lảng
    Bước anh hùng nhiều chặng gian truân
    Ngẫm xem con tạo xoay vần
    Bày ra một cuộc duy tân cũng kì
    Suốt thân sĩ ba kì Nam Bắc
    Bỗng giật mình sực thức cơn mê
    Học, thương, xoay đủ mọi nghề
    Cái hồn ái quốc gọi về cũng mau
    Hồn đã tỉnh, bảo nhau cùng dậy
    Chưa học bò vội chạy đua theo
    Khi lên như gió thổi diều
    Trong hò xin thuế, ngoài reo hãm thành
    Cách hoạt động người mình còn dại
    Sức oai quyền ép lại càng mau
    Tội nguyên đổ đám nho lưu
    Bắc kì thân sĩ đứng đầu năm tên

  • Vè Cần vương

    Vâng lời troàn ngươn soái
    Mình đeo ấn Tổng nhung
    Lời khuyên rao chư sĩ anh hùng
    Mặt phải trái coi qua thời biết
    Mình là con trong đất Việt
    Chẳng phải người sanh sản cõi Tây phiên
    Mà ham di địch tước quyền
    Lại nỡ khiến tấm lòng vô hậu
    Chớ bắt chước những loài quân dậu
    A dua hùa lưng lớn thờ chồn
    Đừng bày theo những đảng ác côn

  • Thơ thầy Thông Chánh

    Nhựt trình Vĩnh Ký đặt ra
    Chép làm một bổn để mà coi chơi
    Trà Vinh nhiều kẻ kỳ tời
    Có thầy Thông Chánh thiệt người khôn ngoan
    Đêm nằm khô héo lá gan
    Nghĩ giận Biện lý không an tấm lòng
    Chừng nào tỏ nỗi đục trong
    Giết tên Biện lý trong lòng mới thanh
    Lang sa làm việc Châu thành
    Mười bốn tháng bảy lễ rày Chánh Chung
    Chỉ sai đua ngựa rần rần
    Trát đòi làng tổng tư bề đến đây
    Bốn giờ đua ngựa cát bay
    Phủ Hơn, Biện lý đương rày ngồi coi
    Có thầy Thông Chánh hẳn hòi
    Xách súng nai nịt đi coi châu thành

  • Vè chàng Lía

    Lía ta nổi tiếng anh hào
    Sơn hà một góc thiếu nào người hay
    Bạc tiền thừa đủ một hai
    Chiêu binh mãi mã càng ngày càng đông
    Làm cho bốn biển anh hùng
    Mến danh đều tới phục tùng chân tay.
    Kẻ nào tàn ác lâu nay
    Lía sai cướp của đoạt tài chẳng dung
    Nhà giàu mấy tỉnh trong vùng
    Thảy đều kinh sợ vô cùng lo toan
    Nhất nhì những bực nhà quan
    Nghe chàng Lía doạ kinh hoàng như điên
    Nhà nào nhiều bạc dư tiền
    Mà vô ân đức, Lía bèn đoạt thâu.
    Tuy chàng ở chốn non đầu
    Nhưng mà lương thực vật nào lại không
    Lâu la ngày một tụ đông
    Vỡ rừng làm rẫy, vun trồng bắp khoai
    Mọi người trên dưới trong ngoài
    Thảy đều no đủ sớm trưa an nhàn
    Tiếng tăm về đến trào đàng
    Làm cho văn võ bàng hoàng chẳng an.
    Nam triều chúa ngự ngai vàng
    Bá quan chầu chực hai hàng tung hô
    Có quan ngự sử bày phô
    Tâu lên vua rõ lai do sự tình
    Đem việc chàng Lía chiêu binh
    Trình lên cặn kẽ phân minh mọi đàng
    Nào khi Lía phá xóm làng
    Đến khi lên núi dọc ngang thế nào
    Kể tên những bậc phú hào
    Từng bị quân Lía đoạt thâu gia tài
    Vua ngồi nghe rõ một hai,
    Đập bàn, vỗ án giận rày thét la:
    – Dè đâu có đứa gian tà
    Giết người, đoạt của thiệt là khó dung
    Truyền cho mười vạn binh hùng
    Dưới cờ đại tướng binh nhung lên đàng
    Đại quân vâng lệnh Nam hoàng
    Hành quân tức khắc thẳng đàng ruổi dong
    Gập ghềnh bao quản núi non
    Dậy trời sát khí quân bon lên rừng.

  • Bài này có từ ngữ và/hoặc nội dung nhạy cảm.
    Hãy cân nhắc trước khi bấm xem.

  • Bài này có từ ngữ và/hoặc nội dung nhạy cảm.
    Hãy cân nhắc trước khi bấm xem.

  • Cái cò trắng bạch như vôi

    Cái cò trắng bạch như vôi
    Có lấy làm lẽ chú tôi thì về
    Chú tôi chẳng mắng chẳng chê
    Thím tôi móc mắt mổ mề xem gan

    Dị bản

    • Cái cò trắng bạch như vôi
      Cô kia có lấy chú tôi thì về
      Chú tôi chẳng mắng chẳng chê
      Thím tôi thì mổ lấy mề nấu canh

    • Cái cò trắng bạch như vôi
      Có ai lấy lẽ chú tôi thì về
      Chú tôi chẳng đánh chẳng chê
      Thím tôi móc ruột, lôi mề ăn gan

    • Con cóc ăn trầu đỏ môi
      Ai muốn lấy lẽ bố tôi thì về
      Mẹ tôi chẳng đánh chẳng chê
      Mài dao cho sắc, mổ mề xem gan

  • Nói ra sợ chị em cười

    Nói ra sợ chị em cười
    Rằng tôi ở giá vẫn mười đứa con
    Lóng rày bụi đế còn non
    Núp bờ, núp bụi sớm con muộn chồng

    Dị bản

    • Nói ra sợ chị em cười
      Thân tôi ở góa đã mười mặt con
      Tưởng là yếm đỏ còn son
      Ai hay yếm đỏ có con một bầy

  • Vè gái hư

    Ai ơi lẳng lặng mà nghe
    Người xưa để lại bài vè gái hư
    Nấu cơm bữa thiếu bữa dư
    Bữa sống bữa khét bữa như cháo bồi
    Đụng đâu cũng lết vào ngồi
    Lấm lem vạt áo như nùi giẻ lau
    Quần thì ống thấp ống cao
    Đầu bù tóc rối tào lao suốt ngày
    Ngồi lê đôi mách thật tài
    Sáng thì đôi chối chiều thì phân bua
    Tính tình quạu quọ câu mâu
    Gặp trai cọ vế ngoẹo đầu múa may
    Người thì lúc lắc lúc lay
    Hở hang mất nết nhướng mày vảnh môi

Chú thích

  1. Gấm
    Một loại vải dệt từ tơ tằm có nền dày, bóng. Nền gấm thường có hoa văn hay chữ Hán với màu sắc sặc sỡ bằng kim tuyến, ngân tuyến được dệt như thêu. Một tấm gấm thường có nhiều màu, phổ biến là năm màu hay bảy màu, gọi là gấm ngũ thể hay thất thể. Do sợi ngang (tạo hoa nổi lên trên) và sợi dọc (tạo nền chìm ở dưới) đều được nhuộm màu nên khi dưới những góc nhìn khác nhau, gấm sẽ có nhiều màu sắc khác nhau. Gấm có vẻ đẹp lộng lẫy, rực rỡ nên ngày xưa chỉ dành may y phục của vua chúa và quan lại, thường dân không được dùng.

    Gấm

    Gấm

  2. Tráp
    Đồ dùng hình hộp nhỏ bằng gỗ, thời trước dùng để đựng các vật nhỏ hay giấy tờ, trầu cau. Ở miền Trung, từ này cũng được phát âm thành trắp.

    Cái tráp

    Cái tráp

  3. Thuốc xỉa
    Một nhúm thuốc lào được ngậm bằng môi trên trong lúc ăn trầu để tẩy cổ trầu (nước bọt có màu hồng) và xác trầu bám vào răng. Động tác bỏ thuốc xỉa vào miệng gọi là xỉa thuốc.
  4. Bình vôi
    Ngày xưa nhân dân ta thường hay ăn trầu với cau và vôi. Bình vôi là dụng cụ bằng gốm hay kim loại để đựng vôi ăn trầu, đôi khi được chế tác rất tinh xảo, và tùy theo hình dạng mà cũng gọi là ống vôi.

    Bình vôi bằng gốm làng Dưỡng Động (Hải Phòng)

    Bình vôi bằng gốm làng Dưỡng Động (Hải Phòng)

  5. Xe tứ mã
    Xe bốn ngựa kéo.
  6. Quan viên
    (Kiểu cách) quan khách, những người tham dự cuộc vui nói chung.
  7. Nón Nghệ
    Thứ nón tốt xưa làm tại Nghệ An.
  8. Nhiễu
    Hàng dệt bằng tơ, sợi ngang xe rất săn, làm cho mặt nổi cát.
  9. Chĩnh
    Đồ đựng bằng sành hoặc đất nung, miệng hơi thu lại, đáy thót, nhỏ hơn chum. Xem thêm Cái chum
  10. Cót
    Đồ đựng được làm bằng tấm cót đan từ những nan tre nứa mỏng đan chéo và khít vào nhau, quây kín, đặt trên một cái nong.

    Đan cót

    Đan cót

  11. Nong
    Dụng cụ hình tròn, đan bằng tre, có vành, đáy nông, thường dùng để phơi nông sản hoặc để nuôi tằm. Có vùng gọi là nống. Nhỏ hơn nong một chút gọi là nia.

    Nong, nia, thúng

    Nong, nia, thúng

  12. Xôi vò
    Xôi nấu rồi trộn đều với đậu xanh chín giã nhỏ.

    Xôi vò

    Xôi vò

  13. Hũ lớn làm bằng sành sứ, thường để đựng nước uống, rượu.

    Cái vò

    Cái vò

  14. Cuội
    Một nhân vật trong truyện cổ tích Việt Nam. Chú Cuội (hay thằng Cuội) là một người tiều phu. Cuội có một cây đa thần, lá có khả năng cải tử hoàn sinh. Một hôm vợ Cuội tưới nước bẩn vào gốc cây đa, cây đa trốc gốc bay lên trời. Cuội bám vào rễ đa kéo lại, nhưng cây đa bay lên đến tận cung Trăng. Từ đó trên cung Trăng có hình chú Cuội. (Xem thêm: Sự tích chú Cuội cung trăng).
  15. Thiên Lôi
    Vị thần có nhiệm vụ làm ra sấm sét theo tưởng tượng của người xưa. Thiên Lôi thường được khắc họa là một vị thần tính tình nóng nảy, mặt mũi đen đúa dữ tợn, tay cầm lưỡi búa (gọi là lưỡi tầm sét). Trong văn hóa Việt Nam, Thiên Lôi còn được gọi là ông Sấm, thần Sấm, hoặc thần Sét.
  16. Lính mộ
    Lính được chiêu mộ. Từ này thường dùng để chỉ những người bị thực dân Pháp gọi (mộ) đi lính trước đây.

    Lính khố đỏ.

    Lính khố đỏ.

  17. Phên
    Đồ đan bằng tre, nứa, cứng và dày, dùng để che chắn. Một số vùng ở Bắc Trung Bộ gọi là phên thưng, bức thưng.

    Tấm phên

    Tấm phên

  18. Mần răng
    Làm sao (phương ngữ Trung Bộ).
  19. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  20. Vạn tử nhất sinh
    Vạn phần chết, một phần sống (thành ngữ Hán Việt).
  21. Bể
    Biển (từ cũ).
  22. Đội
    Một chức vụ trong quân đội thời thực dân Pháp, tương đương với tiểu đội trưởng hiện nay (Đội Cung, Đội Cấn...).
  23. Quy tế
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Quy tế, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  24. Diên
    Tiệc rượu (từ Hán Việt).
  25. Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu
    Lưới trời lồng lộng, thưa mà không lọt.
  26. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  27. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  28. Cửu lý hương
    Tên chung của một số loài cây có mùi thơm rất mạnh, thường được trồng vừa làm cây cảnh vừa làm thuốc.

    Một loài cửu lý hương

    Một loài cửu lý hương

  29. Văn thân
    Người có học thức ngày xưa, chọn khoa bảng làm đường tiến thân.
  30. Thượng Bắc
    Người Thanh Hóa, làm tay sai đắc lực cho Pháp.
  31. Bởi chưng
    Bởi vì (từ cổ).
  32. Án thư
    Bàn thời xưa dùng để sách vở bút nghiên trên đó.
  33. Ngũ Kinh
    Năm bộ sách kinh điển trong văn học Trung Hoa dùng làm nền tảng trong Nho giáo, được cho là do Khổng Tử san định, soạn thảo hay hiệu đính. Ngũ Kinh gồm có:

    1. Kinh Thi: sưu tập các bài thơ dân gian có từ trước Khổng Tử, nói nhiều về tình yêu nam nữ.
    2. Kinh Thư: ghi lại các truyền thuyết, biến cố về các đời vua cổ có trước Khổng Tử.
    3. Kinh Lễ: ghi chép các lễ nghi thời trước.
    4. Kinh Dịch: nói về các tư tưởng triết học của người Trung Hoa cổ đại dựa trên các khái niệm âm dương, bát quái...
    5. Kinh Xuân Thu: ghi lại các biến cố xảy ra ở nước Lỗ, quê hương của Khổng Tử. Xuân thu có nghĩa là mùa xuân và mùa thu, ý nói những sự việc đã xảy ra.

  34. Nậu
    Nghĩa gốc là một nhóm nhỏ cùng làm một nghề (nên có từ "đầu nậu" nghĩa là người đứng đầu). 

Ví dụ: “Nậu nguồn” chỉ nhóm người khai thác rừng, “Nậu nại” chỉ nhóm người làm muối, “Nậu rổi” chỉ nhóm người bán cá, “Nậu rớ” chỉ nhóm người đánh cá bằng rớ vùng nước lợ, “Nậu cấy” chỉ nhóm người đi cấy mướn, “Nậu vựa” chỉ nhóm người làm mắm... Từ chữ “Nậu” ban đầu, phương ngữ Phú Yên-Bình Định tỉnh lược đại từ danh xưng ngôi thứ ba (cả số ít và số nhiều) bằng cách thay từ gốc thanh hỏi. Ví dụ: Ông ấy, bà ấy được thay bằng: “ổng,” “bả.” Anh ấy, chị ấy được thay bằng: “ảnh,” “chỉ.” 

Và thế là “Nậu” được thay bằng “Nẩu” hoặc "Nẫu" do đặc điểm không phân biệt dấu hỏi/ngã khi phát âm của người miền Trung. 

Người dân ở những vùng này cũng gọi quê mình là "Xứ Nẫu."
  35. Phú Lễ
    Tên một thôn nay thuộc xã Hòa Thành, huyện Đông Hoà, tỉnh Phú Yên.
  36. Mũi Đại Lãnh
    Còn có tên gọi khác là Mũi Nạy, Mũi Ba, Mũi Điện, Cap Varella (đặt theo tên một tướng giặc Pháp tự cho có công phát hiện nơi này), thuộc địa phận thôn Phước Tân, xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Đây là một nhánh của dãy Trường Sơn đâm ra biển. Trên mũi có ngọn hải đăng lớn chỉ đường cho tàu thuyền trong khu vực. Đây được xem là điểm cực Đông, nơi đón ánh nắng đầu tiên của nước ta.

    Ngọn hải đăng trên mũi Đại Lãnh

    Ngọn hải đăng trên mũi Đại Lãnh

  37. Hòn Chùa
    Tên một hòn đảo thuộc địa phận xã An Phú, thành phố Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên, cùng cụm đảo với hai hòn khác là Hòn DứaHòn Than. Hiện nay Hòn Chùa là một địa điểm du lịch sinh thái của tỉnh Phú Yên.

    Hòn Chùa

    Hòn Chùa

  38. Có bản chép là Hòn Dùa (Hòn Dừa), cũng là một hòn đảo gần khu vực Hòn Chùa.
  39. Mực nang
    Một loại mực có thịt dày, trắng ngần như cơm dừa, vị giòn, ngọt, thơm. Mực nang thường được chế biến thành món mực hấp, xào, nướng... đều rất ngon.

    Mực nang

    Mực nang

  40. Cơ hàn
    Đói (cơ 飢) và lạnh (hàn 寒). Chỉ chung sự nghèo khổ cơ cực.

    Bạn ngồi bạn uống rượu khan
    Tôi ngồi uống nỗi cơ hàn bạn tôi!

    (Gặp bạn ở chợ Bến Thành - Hoàng Đình Quang)

  41. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  42. Cuốc
    Còn gọi là chim quốc, con nghịt, một loại chim nhỏ thường gặp ngoài đồng ruộng, có tiếng kêu "cuốc, cuốc." Tương truyền chim cuốc (cũng gọi là chim đỗ quyên, xin xem chi tiết ở chú thích Đỗ quyên) là do vua Thục Đế mất nước khóc đến chảy máu mắt, chết đi hóa thành.

    Chim cuốc

    Chim cuốc

  43. Chu choa
    Cũng viết là chu cha, thán từ người miền Trung thường dùng để bộc lộ sự ngạc nhiên, sợ hãi, vui vẻ...
  44. Bài này là một tác phẩm của Nguyễn Hữu Ninh, được nhạc sĩ Phan Bá Chức phổ nhạc trên điệu bài chòi, nhưng đã phổ biến đến mức được xem như dân ca của tỉnh Phú Yên.
  45. Thậm
    Rất, lắm.
  46. Tể tướng
    Chức quan cao nhất dưới thời phong kiến, có nhiệm vụ thay mặt vua để giải quyết chuyện chính sự của một đất nước. Tùy theo thời đại, vị trí này có thể có tên là thừa tướng hoặc tướng quốc. Nước ta có các tể tướng nổi danh như Nguyễn Quán Nho, Lý Đạo Thành, Tô Hiến Thành, Trần Thủ Độ...

    Tể tướng Nguyễn Quán Nho

    Tể tướng Nguyễn Quán Nho

  47. Cấm cung
    Cấm không được phép ra khỏi nhà, không được phép tự do tiếp xúc với người ngoài (thường nói về con gái nhà quyền quý thời phong kiến).
  48. Chường
    Chàng (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  49. Sưu thuế
    Sưu (hay xâu) là số ngày người dân phải tham gia lao động công ích, nhưng cho phép nộp bằng tiền để thuê người làm thay; thuế là số tiền (hoặc hiện vật) người dân phải nộp cho chính quyền.
  50. Đà
    Đã (từ cổ, phương ngữ).
  51. Đây là Tòa Đại lí Tam Kỳ chứ không phải Tòa Công sứ Hội An (theo Nguyễn Q. Thắng).
  52. Hà Đông
    Vùng đất nay là thành phố Tam Kỳ, thủ phủ của tỉnh Quảng Nam. Huyện Hà Đông thuộc phủ Thăng Hoa của đạo Thừa Tuyên – Quảng Nam, được hình thành từ năm 1471 dưới thời vua Lê Thánh Tông. Đến năm 1906, đời vua Thành Thái, huyện được nâng lên thành phủ Hà Đông, và sau đó đổi thành phủ Tam Kỳ.
  53. Diên Phước
    Tên một huyện ở phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam ngày trước (nay là xã Điện Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).
  54. Ghe bầu
    Loại ghe (thuyền) đi biển chạy bằng buồm, chủ yếu dùng để vận chuyển hàng hóa. Ghe bầu ra đời từ giữa thế kỷ 16, có nguồn gốc tương đồng với loại thuyền prao (hay prau) của Mã Lai. Tên "ghe bầu" bắt nguồn từ tiếng Khmer xòm pầu.

    Hình vẽ ghe bầu và các dụng cụ đi biển của ngư dân Hoàng Sa

    Hình vẽ ghe bầu và các dụng cụ đi biển của ngư dân Hoàng Sa

  55. Lái
    Người chuyên nghề buôn chuyến một loại hàng hóa nhất định (lái gỗ, lái trâu...)
  56. Gia Định
    Tên gọi một tỉnh ở miền Nam nước ta dưới thời triều Nguyễn. Tỉnh Gia Định xưa nằm giáp ở phía Nam tỉnh Đồng Nai, có thủ phủ là thành Gia Định. Dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, vào năm 1957, tỉnh Gia Định gồm 6 quận: Gò Vấp, Tân Bình, Hóc Môn, Thủ Đức, Nhà Bè, Bình Chánh, đến năm 1970 thêm Quảng Xuyên và Cần Giờ. Đến tháng 6/1975, tỉnh Gia Định (ngoại trừ 2 quận Cần Giờ và Quảng Xuyên) được sáp nhập với Đô thành Sài Gòn, cộng thêm một phần các tỉnh Long An, Bình Dương, Hậu Nghĩa để trở thành thành phố Sài Gòn - Gia Định. Đến ngày 2 tháng 7 năm 1976, thành phố Sài Gòn - Gia Định được chính thức đổi tên là Thành phố Hồ Chí Minh.

    Ngày nay, địa danh Gia Định chỉ còn dùng để chỉ khu vực trung tâm quận Bình Thạnh của Thành phố Hồ Chí Minh.

  57. Huế
    Một địa danh ở miền Trung, nay là thành phố thủ phủ của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Là kinh đô của Việt Nam dưới triều đại phong kiến nhà Nguyễn (1802 - 1945), Huế còn được gọi là đất Thần Kinh (ghép từ hai chữ kinh đôthần bí) hoặc cố đô. Huế là một vùng đất thơ mộng, được đưa vào rất nhiều thơ văn, ca dao dân ca và các loại hình văn học nghệ thuật khác, đồng thời cũng là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa với nón Bài Thơ, nhã nhạc cung đình, ca Huế, các đền chùa, lăng tẩm, các món ẩm thực đặc sắc...

    Địa danh "Huế" được cho là bắt nguồn từ chữ "Hóa" trong Thuận Hóa, tên cũ của vùng đất bao gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương, một biểu tượng của Huế

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương, một biểu tượng của Huế

    Thành Nội, Huế

    Thành Nội

  58. Thuấn, Nghiêu
    Vua Thuấn và vua Nghiêu, hai vị vua kế tiếp nhau trong huyền sử Trung Hoa cổ. Tương tuyền rằng đây là hai vị minh quân và thời Nghiêu Thuấn được coi là thời thái bình an lạc.
  59. Bến Thuận An
    Bến cảng nằm bên cửa biển Thuận An cách thành phố Huế 15km về phía Đông Bắc, là nơi sông Hương chảy qua phá Tam Giang rồi đổ ra biển Đông. Trước đây cửa biển này có tên cửa Eo, cửa Nộn. Tên Thuận An là do vua Minh Mệnh nhà Nguyễn đặt cho, còn vua Thiệu Trị thì liệt Thuận An là một trong hai mươi thắng cảnh của kinh thành Huế. Vào ngày 11, 12 tháng Giêng âm lịch, nơi đây có lễ hội truyền thống gọi là lễ Cầu Ngư, có hàng ngàn người tham dự.

    Biển Thuận An

    Biển Thuận An

  60. Chạy giác
    Kĩ thuật lái ghe thuyền chạy theo góc (giác), tức là theo đường dích dắc để tránh hoặc lợi dụng gió ngược. Từ này cũng được viết trại thành vát.
  61. Cửa Tư Hiền
    Tục gọi là cửa Ông hay cửa Biện, cửa biển thông đầm Cầu Hai với Biển Đông. Đây là một trong hai cửa biển chính của hệ đầm phá Tam Giang-Cầu Hai thuộc tỉnh Thừa Thiên-Huế. Cửa biển này từ thời nhà Lý đã được nhắc đến dưới tên cửa Ô Long. Đời Trần gọi là cửa Tư Dung. Sang thời nhà Mạc vì kiêng tên vua Mạc Thái Tổ nên gọi là cửa Tư Khách. Nhà Lê vẫn dùng tên Tư Dung. Tên Tư Hiền thì mãi đến triều Thiệu Trị mới đặt.

    Cửa Tư Hiền

    Cửa Tư Hiền

  62. Có bản chép: Hòn Om.
  63. Cửa Kiểng
    Tên một cửa biển ở Huế, là nơi dòng sông Bù Lu đổ ra biển Đông.
  64. Tự Đức
    (1829 – 1883) Vị hoàng đế thứ tư của nhà Nguyễn, vương triều cuối cùng trong lịch sử phong kiến nước ta. Thời gian ông ở ngôi đánh dấu nhiều sự kiện trong lịch sử nước ta, trong đó quan trọng nhất là tháng 8/1858, quân Pháp nổ phát súng đầu tiên tấn công Đà Nẵng, mở đầu cho thời kì thống trị của người Pháp ở Việt Nam.

    Vua Tự Đức

    Vua Tự Đức

  65. Nguyễn Phúc Khoát
    Còn gọi là Chúa Vũ, Chúa Khoát, hay Võ Vương, Vũ Vương (1714-1765), vị chúa Nguyễn thứ 8 trong lịch sử nước ta. Ông được đánh giá là có công xây dựng Đô thành Phú Xuân (thế kỷ 18), hoàn thành công cuộc Nam tiến của người Việt (bắt đầu từ thế kỉ 11 và hoàn tất vào thế kỉ 18 để có toàn vẹn lãnh thổ như hiện nay), và được xem là người có công khai sáng và định hình chiếc áo dài Việt Nam (theo sách Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn và Đại Nam Thực Lục Tiền Biên của nhiều sử quan thuộc Quốc Sử Quán).

    Ông là con trai trưởng của chúa Nguyễn Phúc Chu và mẹ là Thục phi Trương Thị Thư. Lúc thế ngôi chúa của cha năm 24 tuổi, ông lấy hiệu là Từ Tế Đạo Nhân (vì chuộng đạo Phật). Năm 1744, sau nhiều thành tựu đối nội, quần thần dân biểu tôn Chúa Vũ lên ngôi vương, tục gọi là Võ Vương. Năm Võ Vương mất (1765), ông được truy tôn là Thế Tôn Hiếu Võ Hoàng Ðế.

    Tiến trình Nam tiến của người Việt

    Tiến trình Nam tiến của người Việt

  66. Nhà Đường (618 - 907) và nhà Ngu dưới thời vua Nghiêu (2337 TCN –2258 TCN) được coi là hai thời đại thịnh trị nhất của Trung Quốc.
  67. Kích nhưỡng khang cù
    Kích nhưỡngKhang cù là tên hai bài ca dao thời vua Nghiêu bên Trung Hoa. Kích nhưỡng khang cù chỉ cảnh thiên hạ thái bình, nhân dân vui chơi ca hát.
  68. Thái Sơn
    Một ngọn núi ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, là một trong năm ngọn núi thiêng của Trung Quốc (gồm Hành Sơn, Hằng Sơn, Thái Sơn, Hoa Sơn và Tung Sơn). Núi Thái Sơn được xem là thiêng nhất trong năm ngọn núi này.

    Núi Thái Sơn

    Núi Thái Sơn

  69. Bàn thạch
    Đá tảng (từ Hán Việt).
  70. Hải thủy sơn man
    Những loài quái vật dưới nước và man di mọi rợ trên núi.
  71. Năm Tự Đức thứ ba mươi mốt, tức năm Mậu Dần (1878).
  72. Quảng Ngãi
    Địa danh nay là một tỉnh nằm ở duyên hải Nam Trung Bộ, nằm hai bên bờ sông Trà Khúc, được mệnh danh là vùng đất Núi Ấn Sông Trà. Quảng Ngãi là mảnh đất có bề dày lịch sử về văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Chăm Pa, đặc biệt là hệ thống thành lũy Chàm. Tại đây cũng nổi tiếng cả nước với đặc sản đường mía (đường phèn, đường phổi, mạch nha...) và tỏi ở Lý Sơn.

    Núi Ấn

    Núi Ấn sông Trà

  73. Ba huyện là Bình Sơn, Mộ Đức, Tư Nghĩa.
  74. Cháy háp
    Cháy một phần.
  75. Lúa nhồng
    Còn đọc là lúa nhộng, chỉ lúa trổ bông bị nghẽn không thoát ra gié lúa, giống như con nhộng còn trong tổ kén. Hiện tượng nhộng lúa thường xảy ra khi lúa sắp trổ gặp thời tiết hạn hán, khô nước.
  76. Con tạo
    Từ chữ hóa nhi, một cách người xưa gọi tạo hóa với ý trách móc, cho rằng tạo hóa như đứa trẻ nghịch ngợm, hay bày ra cho người đời những chuyện oái ăm, bất thường.
  77. Phong trào Duy tân
    Cuộc vận động cải cách công khai ở miền Trung Việt Nam, kéo dài từ 1906 đến 1908 do Phan Chu Trinh phát động.

    Phong trào Duy tân (duy tân: theo cái mới) chủ trương bất bạo động, mở mang dân trí, đổi mới giáo dục, văn hóa và kinh tế để tạo nên thế tự lực tự cường cho người Việt - lúc bấy giờ ở dưới nền thống trị thuộc địa của Pháp. Phong trào mang khẩu hiệu: "Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh".

    Cùng thời và cùng theo tư tưởng cải cách còn có Duy tân hội (1904-1912) của Phan Bội Châu, do hoạt động bí mật nên được gọi là Ám xã (Hội trong bóng tối). Phong trào Duy tân hoạt động công khai, được gọi là Minh xã (Hội ngoài ánh sáng).

    Một trong những đỉnh cao của phong trào Duy tân là Đông Kinh nghĩa thục (3/1907 - 11/1907).

    Phan Châu Trinh

    Phan Châu Trinh

  78. Thân sĩ
    Thân nghĩa là đai áo chầu. Thân sĩ là từ chỉ các quan đã về hưu.
  79. Ái quốc
    Yêu nước (từ Hán Việt).
  80. Phong trào chống sưu thuế Trung Kỳ
    Còn gọi là Trung kỳ dân biến, khởi phát bằng cuộc đấu tranh chống sưu thuế của nhân dân Quảng Nam vào đầu tháng 3 năm 1908, kéo dài hơn một tháng và lan ra các tỉnh lân cận như Quảng Ngãi, Bình Định, Thừa Thiên, Phú Yên, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Do nhiều người lãnh đạo chủ chốt trong phong trào này cũng tham gia phong trào Duy Tân nên chính quyền thực dân thẳng tay đàn áp cả hai. Đến cuối tháng 5 năm 1908, cả hai phong trào đều kết thúc.

    Xem bài Vè xin xâu liên quan đến phong trào này.

  81. Chỉ vụ Hà thành đầu độc năm 1908.
  82. Tội nguyên
    Người đứng đầu chịu tội.
  83. Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về , hãy đóng góp cho chúng tôi.
  84. Troàn
    Truyền.
  85. Ngươn soái
    Nguyên soái (phương ngữ Nam Bộ).
  86. Tổng nhung
    Vị quan võ thống lĩnh toàn bộ việc quân của một địa phương.
  87. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  88. Sanh sản
    Sinh sản.
  89. Thổ Phồn
    Cũng gọi là Thổ Phiên, Thổ Phiền hoặc Phiên, tên mà người Trung Quốc từ thời nhà Đường dùng để gọi một vương quốc thống trị vùng Tây Tạng từ khoảng thế kỷ thứ 6 đến thế kỷ thứ 9.
  90. Di địch
    Mọi rợ, chưa khai hóa. Người Trung Hoa thời cổ cho rằng nước mình ở giữa thế giới, gọi các dân tộc xung quanh họ, chưa tiếp thu văn hóa Trung Hoa, là Man (ở phía nam), Di (ở phía đông), Nhung (ở phía tây), Địch (ở phía bắc).
  91. Ác côn
    Đứa vô lại, hung dữ.
  92. Nhật trình
    Tờ báo đọc hằng ngày. Ở Trung và Nam Bộ, từ này cũng được phát âm thành nhựt trình.
  93. Trương Vĩnh Ký
    Nhà văn, nhà ngôn ngữ học, nhà giáo dục học, nhà văn hóa lỗi lạc của nước ta vào cuối thế kỉ 19. Ông sinh ngày 6/12/1837 tại ấp Cái Mơn, xã Vĩnh Thành, tổng Minh Lý, huyện Tân Minh, phủ Hoàng An, tỉnh Vĩnh Long (nay thuộc huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre), mất ngày 1/9/1898 tại Sài Gòn. Thông minh và ham học từ nhỏ, sau này ông đọc thông viết thạo 27 ngoại ngữ, là tác giả của hơn 100 tác phẩm về văn học, lịch sử, địa lý, từ điển và dịch thuật, có tri thức vô cùng uyên bác, được tấn phong Giáo sư Viện sĩ Pháp, được ghi tên trong Bách khoa Tự điển Larousse, và được xem là một trong 18 nhà bác học hàng đầu thế giới thế kỷ 19. Cùng với Nguyễn Văn Vĩnh, ông thường được coi là "ông tổ nghề báo Việt Nam" vì là người sáng lập Gia Định báo, tờ báo quốc ngữ đầu tiên của nước ta.

    Trường chuyên Lê Hồng Phong, thuộc thành phố Hồ Chí Minh hiện nay, trước đây có tên là trường Pétrus Ký, chính là đặt theo tên ông.

    Trương Vĩnh Ký

    Trương Vĩnh Ký

  94. Bổn
    Bản (phương ngữ Nam Bộ).
  95. Trà Vinh
    Tên một tỉnh ven biển ở đồng bằng sông Cửu Long, có kho tàng văn hoá đa dạng, đặc biệt là văn hoá vật thể và phi vật thể của người Khmer: chữ viết, lễ hội, đền chùa... Tại đây cũng có nhiều đặc sản như cốm dẹp trộn dừa kiểu Khmer; các món đuông như đuông chà là, đuông đất và đuông dừa; mắm rươi; rượu Xuân Thạnh, bánh tét, bánh tráng ba xe, mắm kho, bún nước lèo...

    Chùa Kompong Ksan tại Trà Vinh

    Chùa Kompong Ksan tại Trà Vinh

    Bún nước lèo - đặc sản Trà Vinh

    Bún nước lèo - đặc sản Trà Vinh

  96. Kỳ tời
    Đọc trại chữ kỳ tài, cách phát âm của người Nam Bộ.
  97. Thầy Thông Chánh
    Một người làm nghề thông ngôn tên là Chánh. Theo nhà nghiên cứu Trần Dũng thì thầy Thông Chánh tên thật là Nguyễn Văn Chánh, còn gọi là Nguyễn Trung Chánh, sinh khoảng năm 1850 tại Trà Vinh trong một gia đình theo đạo Thiên chúa, làm thông ngôn cho Pháp. Vợ (có nguồn nói là con gái) của thầy là cô Ba, sắc đẹp nổi tiếng lúc bấy giờ, nên tên Biện lý Jaboin rắp tâm chiếm đoạt. Quá uất ức, thầy đã dùng súng giết chết viên quan thực dân háo sắc ngày 14 tháng 5 năm 1893 (theo Sơn Nam), bị Tòa đại hình Mỹ Tho kết án ngày 19 tháng 6 năm 1893, và bị chém đầu ngày 8 tháng 1 năm 1894 tại Trà Vinh.
  98. Lang Sa
    Pha Lang Sa, Phú Lang Sa, Phú Lãng Sa, hay Lang Sa đều là những cách người Việt thời trước dùng để chỉ nước Pháp, ngày nay ít dùng. Các tên gọi này đều là phiên âm của từ "France".
  99. Châu thành
    Phố phường, thành thị, nơi dân cư đông đúc. Các tỉnh Nam Bộ ngày xưa đều có quận, huyện châu thành.
  100. Lễ Chánh Chung
    Tên nhân dân ta thời Pháp thuộc đặt cho lễ ngày Quốc khánh Pháp 14 tháng 7 (kỷ niệm phá ngục Bastille năm 1789). Vào ngày này thực dân Pháp tổ chức diễu binh, đua ngựa, vui chơi với mục đích mị dân.
  101. Trát
    Giấy truyền lệnh của quan lại ngày xưa. Từ chữ Hán 札 nghĩa là cái thẻ, vì ngày xưa không có giấy nên mọi mệnh lệnh muốn truyền đạt phải viết vào miếng gỗ nhỏ.
  102. Phủ
    Tên gọi một đơn vị hành chính thời xưa, cao hơn cấp huyện nhưng nhỏ hơn cấp tỉnh. Đứng đầu phủ gọi là quan phủ, cũng gọi tắt là phủ.
  103. Lía
    Dân gian còn gọi là chàng Lía, chú Lía, người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa nông dân chống ách thống trị của nhà Nguyễn vào thế kỉ 18 nổ ra tại Truông Mây, Bình Định. Có giả thuyết cho rằng ông tên thật là Võ Văn Doan, quê nội huyện Phù Ly (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định ngày nay), quê ngoại làng Phú Lạc, tổng Thời Hòa, huyện Tuy Viễn (nay là huyện Tây Sơn). Lía tập hợp dân nghèo nổi dậy, chọn Truông Mây (Hoài Ân, Bình Định) làm căn cứ, lấy của người giàu chia cho người nghèo. Tương truyền sau khi cuộc khởi nghĩa thất bại, ông uất ức bỏ lên núi và tự sát.
  104. Anh hào
    Anh hùng hào kiệt, người có tài năng, chí khí. Hội anh hào là dịp để anh hào gặp và thi thố lẫn nhau để lập nên những công trạng hiển hách.

    Đường đường một đấng anh hào,
    Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài.

    (Truyện Kiều)

  105. Sơn hà
    Núi sông (từ Hán Việt). Từ cũ, nghĩa rộng dùng để chỉ đất nước.

    Nam quốc sơn hà Nam Đế cư
    Tiệt nhiên phận định tại thiên thư
    Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
    Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư

    (Lý Thường Kiệt)

    Dịch thơ:

    Sông núi nước Nam vua Nam ở
    Rành rành định phận tại sách trời
    Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
    Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.

  106. Chiêu binh mãi mã
    Chiêu mộ binh lính và mua ngựa chiến (để chuẩn bị cho chiến tranh). Hiểu rộng ra là tập hợp lực lượng, vây cánh.
  107. Dung
    Biết là việc xấu, sai nhưng vẫn để tồn tại.
  108. Lâu la
    Từ chữ Hán 嘍囉, chỉ quân lính, tay chân của giặc cướp.
  109. Trào đàng
    Triều đình (cách nói cũ của Trung và Nam Bộ).

    Trạng nguyên tâu trước trào đàng,
    Thái sư trữ dưỡng tôi gian trong nhà.

    (Lục Vân Tiên - Nguyễn Đình Chiểu)

  110. Bá quan
    Từ chữ Hán Việt 百 (trăm), và quan 官 (quan lại), chỉ tất cả các quan lại trong triều đình. Cũng nói là bá quan văn võ.
  111. Ngự sử
    Tên chung của một số chức quan có nhiệm vụ giám sát từ cấp cao nhất (vua) đến các cấp quan lại.
  112. Lai do
    Nguyên do sự việc.
  113. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  114. Phú hào
    Những người giàu và có thế lực ở nông thôn thời phong kiến (từ Hán Việt).
  115. Ngờ (phương ngữ Nam Bộ).
  116. Binh nhung
    Binh 兵 (binh lính) và nhung 戎 (vũ khí, binh lính). Chỉ binh khí, quân đội, hoặc hiểu rộng ra là việc quân.
  117. Nam hoàng
    Vua nước Nam.
  118. Quản
    E ngại (từ cổ).
  119. Mi
    Mày, ngôi thứ hai số ít để xưng hô thân mật, suồng sã ở các tỉnh miền Trung.
  120. Lóng rày
    Dạo này (phương ngữ Trung Bộ).
  121. Lách
    Cũng gọi là đế, một dạng lau sậy mọc thành bụi hoang, thân nhỏ lá cứng, có nhiều ở đồng bằng sông Cửu Long.

    Lách

    Lách

  122. Yếm
    Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

  123. Son
    Còn trẻ chưa có vợ, chưa có chồng.
  124. Cháo bồi
    Một món cháo dân dã, nấu cùng với bột bán, bẹ môn xắt khúc, tôm tươi lột vỏ, giò heo...

    Cháo bồi

    Cháo bồi

  125. Câu mâu
    Hay quạu, hay bắt lỗi bắt phép (Đại Nam quấc âm tự vị - Huình Tịnh Paulus Của).