Tìm kiếm "xương rồng"

  • Vè chợ

    Nghe vẻ nghe ve
    Nghe vè cái chợ
    Sáng mơi xách rổ
    Đi giáp một vòng
    Hàng hóa mênh mông
    Kêu bằng Chợ Lớn
    Thiên hạ phát ớn
    Là chợ Bình Đông
    Ấm bụng no lòng
    Kêu bằng Chợ Gạo
    Thiệt là huyên náo
    Là chợ Bến Thành
    Xúm nhau giựt giành
    Là chợ Bến Tranh
    Ăn ở hiền lành
    Đi chợ Thủ Đức

  • Vè cầu Doumer

    Cầu sắt mà bắc ngang sông
    Chàng ơi sang tỉnh mà trông chẳng lầm
    Hà Nội bắc sang Gia Lâm
    Tính cây lô mét độ năm cây tròn
    Họa hình Tây bắc ống nhòm
    Ngắm đi ngắm lại xem còn cong không
    Giở về hội nghị cộng đồng
    Đến năm Mậu Tuất khởi công bắc cầu
    Mộ phu khắp cả đâu đâu
    Xây từ Ái Mộ bắt đầu xây ra
    Bắc qua con sông Nhị Hà
    Chia khoang làm nhịp, mười ba cột vừa
    Lập mưu xây được bây giờ
    Chế ra cái chụp để mà bơm lên
    Bơm hết nước đến bùn đen
    Người chết như rạ vẫn phải len mình vào

  • Đồn em hay truyện Thúy Kiều

    Đồn em hay truyện Thúy Kiều
    Lại đây mà giảng mấy điều cho minh
    Vì đâu Kiều gặp Kim sinh?
    Vì đâu Kiều phải bán mình chuộc cha?
    Vì đâu Kiều phải đi xa?
    Vì đâu Kiều phải vào nhà lầu xanh?
    Hoa trôi bèo dạt đã đành
    Vì đâu mắc phải Sở Khanh nói lừa?
    Vì đâu kết tóc xe tơ?
    Vì đâu Kiều phải lên chùa làm sư?
    Vì đâu Kiều gặp họ Từ?
    Báo ân báo oán trả thù sạch không?
    Vì đâu Kiều bị mất chồng?
    Vì đâu Kiều phải xuống sông Tiền Đường?
    Bao nhiêu nghĩa thảm, tình thương
    Em ơi giảng hết mọi đường anh nghe

  • Hoa từ bi dãi nắng dầm sương

    Hoa từ bi dãi nắng dầm sương
    Hoa cam hoa quýt anh thương hoa nào
    Anh thương hoa mận hoa đào
    Còn bên hoa cúc lọt vào tay ai
    Đào kia chưa thắm đã phai
    Thoang thoảng hoa nhài mà lại thơm lâu
    Xin chàng đừng phụ hoa ngâu
    Tham vời phú quý đi cầu mẫu đơn
    Dù chàng trăm giận nghìn hờn
    Bông hoa dạ hợp đương cơn Tấn Tần

  • Vè kể giăng

    Mồng một cho tới mồng năm
    Giăng còn thơ ấu, tối tăm biết gì
    Mồng sáu, mồng bảy trở đi
    Đến ngày mồng tám giăng thì lên cao
    Mồng chín giăng ánh vườn đào
    Mồng mười giăng mọc đã cao hơn đầu
    Mười một sáng cả vườn dâu
    Mười hai giăng ở địa cầu trung thiên
    Mười ba giăng gió giữ duyên
    Đến ngày mười bốn giăng lên giữa trời
    Gặp giăng em hỏi em chơi
    Liệu giăng sáng cả trần đời được chăng?
    Đến rằm giăng đã lên cao
    Tới ngày mười sáu giăng treo tỏ tường
    Mười bảy giăng sẩy chiếu giường
    Mười tám dọn dẹp cương thường anh đi
    Mười chín em định em ngồi
    Hai mươi giấc tết, em thì ra trông
    Kể từ hăm mốt nửa đêm
    Giăng già thì cũng có phen bạc đầu
    Cuối tháng giăng xuống biển sâu
    Ba mươi mồng một ai cầu được giăng

  • Vè Tà Lơn

    Xứ hiểm địa chim kêu vượn hú
    Dế ngâm sầu nhiều nỗi đa đoan
    Ngó dưới sông thấy cá mập lội nghinh ngang
    Nhìn dưới suối thấy sấu nằm hơn trăm khúc
    Con tới đây là nguồn cao nước đục
    Loài thú cầm nhiều thứ gớm ghê
    Gấu chằn tinh lai vãng dựa bên hè
    Còn gấu ngựa tới lui khít vách
    Ra một đỗi xa ngoài mé rạch
    Thấy beo nằm đếm biết mấy ngàn
    Ngó lên bờ thấy cọp dọc ngang
    Lần tay tính biết bao nhiêu chục
    Bầy chồn cáo đua nhau lúc nhúc
    Lũ heo rừng trừng giỡn bất loạn thiên

  • Cô mơ cô mận cô đào

    Cô mơ cô mận cô đào
    Trong ba cô ấy ai nào kém ai
    Cô mít thì chỉ nói dai
    Còn như cô dứa sởn gai cũng kì
    Bình boong lại giống hồng bì
    Trong lòng những hạt có gì nữa đâu
    Quý thay bậc nhất cô cau
    Cúng người cúng Phật khấn cầu bình yên
    Trước là hai chữ nhân duyên
    Nghinh hôn sính lễ được nên vợ chồng
    Trung thu mới thấy cô hồng
    Cô cam, cô quýt ra lòng đua chơi
    Lạ lùng anh mới tới nơi
    Hỏi thăm cô nhãn là người ở đâu
    Xuân xanh chừng mấy tuổi đầu
    Mà xem ăn vận ra mầu gái tơ
    Cô táo chính thực lẳng lơ
    Ở cao có ý đợi chờ tình nhân

  • Thư gửi chồng

    Jê-cờ-ri một bức tình thư,
    Ăng-voa, thăm hỏi me-xừ di-đăng
    Tú xon gạt nước mắt than rằng:
    Cô-song cái phận lăng nhăng nhỡ nhàng.
    Đờ-puy thiếp bén duyên chàng,
    Nô-xờ chưa được một bàn tiệc vui.
    Ê-loa-nhê ai khéo giục xui,
    Cu-tô ai nỡ cắt mùi nguyệt hoa
    La cua mút mọc, luyn tà,
    La săm biết lấy ai là a-mi
    Lạnh lùng mảnh áo sơ-mi
    Năm canh trằn trọc lơ li một mình.
    A-mi ai có thấu tình,
    Để cho đến nỗi thân mình biếng ba
    Pơ-răng qua để làm quà,
    Jê-cơ-ri uyn lét để mà ca-đô
    Tự ngày bước xuống ba-tô
    Lác-mơ nó chảy như hồ Trúc Yên
    Xi vu lét-xê moa tiền,
    Thì moa cũng chẳng được yên bông cờ
    Tiện lời thăm hỏi ta xơ,
    Cùng cả gia quyến ơ-rơ thanh nhàn.
    Lơ roa Thành Thái Annam
    23 tháng Tám bước sang tháng Mười
    Tên em là Nguyễn Thị Thời.​

  • Bực mình lên tận thiên cung

    Bực mình lên tận thiên cung
    Bắt ông Nguyệt lão hỏi thăm vài lời
    Nỡ lòng trêu ghẹo chi tôi
    Lênh đênh bèo nổi mây trôi một thì
    Biết người biết mặt nhau chi
    Để đêm em tưởng ngày thì em mơ
    Bắc Ninh cho đến Phủ Từ
    Qua cầu sông Nhị ngẩn ngơ tìm người
    Tìm người chẳng biết mấy nơi
    Tìm ba mươi sáu phố thấy người ở đây.

  • Vè gái lỡ thời

    Ống tre khô người ta còn chuộng
    Bậu lỡ thời như ruộng bỏ hoang
    Ruộng bỏ hoang người ta còn cấy
    Bậu lỡ thời như giấy trôi sông
    Giấy trôi sông người ta còn vớt
    Bậu lỡ thời như ớt chín cây
    Ớt chín cây người ta còn hái
    Bậu lỡ thời như nhái lột da
    Nhái lột da người ta còn xáo
    Bậu lỡ thời như áo vá vai
    Áo vá vai người ta còn bận
    Bậu lỡ thời như rận cắn đêm
    Rận cắn đêm người ta còn bắt
    Bậu lỡ thời như giặc Hà Tiên

    Video

  • Trương Chi (hát xẩm)

    Ngày xưa có anh Trương Chi
    Người thì thậm xấu, hát thì thậm hay
    Cô Mỵ Nương người ở lầu Tây
    Con quan thừa tướng ngày rày cấm cung
    Anh Trương Chi ở dưới dòng sông
    Chở đò ngang dọc suốt đêm đông anh dãi dầu
    Đêm thanh chàng hát một câu
    Gió đưa thoang thoảng đến lầu cô Mỵ Nương
    Cô Mỵ Nương nghe tiếng hát thì thương
    Mà trông thấy mặt anh chường lại chê
    Anh Trương Chi bèn trở ra về
    Cắm sào cho chặt anh mới hát thề một câu:
    “Kiếp này đã lỡ duyên nhau
    Xin nguyền kiếp khác duyên sau lại thành!”

  • Phú bói giò gà

    Đầu năm ra mắt mồng ba
    Cúng ông Hành Khiển cùng là Hành Binh
    Bói giò phải bói cho tinh
    Xem tường màu sắc chân hình rủi may
    Đôi giò cần để thẳng ngay
    Nhuận hồng vàng ánh năm nay chắc giàu
    No rồi chụm móng khít khao
    Đỡ cái chặt chẽ cũng giàu cũng sang
    Đỏ mà gân máu nổi loang
    Là điềm hao của tan hoang cửa nhà
    Trắng xanh bền bệt thây ma
    Ấy điềm tang chế ông bà cháu con
    Da gà tươi mượt vàng son
    Đi thi chắc đậu đi buôn chắc lời
    Khe chân gà hở tơi bời
    Tiền vô nhiều cũng phủi rồi tay không

  • Đời có sinh có tử

    Đời có sinh có tử
    Có người dữ người hiền
    Đố anh trong truyện Vân Tiên
    Có ai thọ bịnh theo tiên chầu trời?
    Ai bị một gậy bỏ đời?
    Ai mà thổ huyết chết nơi gia đàng?
    Ai mà vừa tới lâm san
    Bị cọp ăn thịt chẳng oan ức gì?
    Ai mà ăn ở bất nghì
    Giữa đường bị cá nuốt đi?
    Ai mà hùng hổ một khi
    Kéo quân chật đất, ngựa phi dậy trời
    Xưng tài giỏi nhất trần đời
    Bị Tiên một nhát đứt lìa đầu đi?
    Anh mà phân rõ thị phi
    Em đây thí phát vô chùa đi tu

  • Bớ này anh nó ơi

    Bớ này anh nó ơi
    Số phận em giao phó cho trời xanh
    Lấy anh em không lấy, nhưng dạ cũng không đành làm ngơ
    Vốn em cũng chẳng bơ thờ
    Em đã hằng chọn trong lóng đục, nhưng vẫn còn chờ nợ duyên
    Vốn em muốn lấy ông thầy thuốc cho giàu sang, nhưng lại sợ ổng hay gia hay giảm
    Em muốn lấy ông thầy pháp cho đảm, nhưng lại sợ ổng hét la ghê gốc
    Em muốn lấy chú thợ mộc, nhưng lại sợ chú hay đục khoét rầy rà
    Em muốn lấy anh thợ cưa cho thật thà, nhưng lại sợ trên tàn dưới mạt
    Em muốn lấy người hạ bạc, nhưng lại sợ mang lưới mang chài
    Em muốn lấy anh cuốc đất trồng khoai, nhưng lại sợ ảnh hay đào hay bới
    Em cũng muốn chọn anh thợ rèn kết ngỡi, nhưng lại sợ ảnh nói tức nói êm
    Bằng lấy anh đặt rượu làm men, thì lại sợ ảnh hay cà riềng cà tỏi

  • Vè chàng Lía

    Lía ta nổi tiếng anh hào
    Sơn hà một góc thiếu nào người hay
    Bạc tiền thừa đủ một hai
    Chiêu binh mãi mã càng ngày càng đông
    Làm cho bốn biển anh hùng
    Mến danh đều tới phục tùng chân tay.
    Kẻ nào tàn ác lâu nay
    Lía sai cướp của đoạt tài chẳng dung
    Nhà giàu mấy tỉnh trong vùng
    Thảy đều kinh sợ vô cùng lo toan
    Nhất nhì những bực nhà quan
    Nghe chàng Lía doạ kinh hoàng như điên
    Nhà nào nhiều bạc dư tiền
    Mà vô ân đức, Lía bèn đoạt thâu.
    Tuy chàng ở chốn non đầu
    Nhưng mà lương thực vật nào lại không
    Lâu la ngày một tụ đông
    Vỡ rừng làm rẫy, vun trồng bắp khoai
    Mọi người trên dưới trong ngoài
    Thảy đều no đủ sớm trưa an nhàn
    Tiếng tăm về đến trào đàng
    Làm cho văn võ bàng hoàng chẳng an.
    Nam triều chúa ngự ngai vàng
    Bá quan chầu chực hai hàng tung hô
    Có quan ngự sử bày phô
    Tâu lên vua rõ lai do sự tình
    Đem việc chàng Lía chiêu binh
    Trình lên cặn kẽ phân minh mọi đàng
    Nào khi Lía phá xóm làng
    Đến khi lên núi dọc ngang thế nào
    Kể tên những bậc phú hào
    Từng bị quân Lía đoạt thâu gia tài
    Vua ngồi nghe rõ một hai,
    Đập bàn, vỗ án giận rày thét la:
    – Dè đâu có đứa gian tà
    Giết người, đoạt của thiệt là khó dung
    Truyền cho mười vạn binh hùng
    Dưới cờ đại tướng binh nhung lên đàng
    Đại quân vâng lệnh Nam hoàng
    Hành quân tức khắc thẳng đàng ruổi dong
    Gập ghềnh bao quản núi non
    Dậy trời sát khí quân bon lên rừng.

  • Vè đi ở

    Tóc quăn chải lược đồi mồi
    Chải đứng chải ngồi, quăn vẫn hoàn quăn
    Nên thì tớ ở tớ ăn
    Không nên tớ giã đầu quăn tớ về.
    Tháng năm công việc ê hề
    Thằng ở ra về, chủ phải cưỡi trâu.
    Giã ơn chúng bạn chăn trâu,
    Tớ về đồng bãi hái dâu, chăn tằm.
    Tớ ở chưa được nửa năm,
    Chủ nhà mắng tớ, tớ nằm không yên

  • Vè giết đốc phủ Ca

    Giáp Thân đã mãn
    Ất Dậu tấn lai
    Chánh ngoạt sơ khai
    Bình yên phước thọ
    Nhựt nguyệt soi tỏ
    Nam chiếu phúc bồn
    Tục danh Hóc Môn
    Xứ Bình Long huyện
    Hà do khởi chuyện?
    Hà sự hàm mai?
    Tích ác bởi ai?
    Giết quan rửa hận

  • Vè Ba Đình chống Pháp

    Cơ trời đất vần xoay chính khí,
    Đấng nam nhi phỉ chí tang bồng,
    Làm cho tỏ mặt anh hùng,
    Giang sơn để mất, trong lòng sao nguôi?
    Nước nhà Tây đã chiếm rồi,
    Chư quân chư tướng ắt thời theo ta.
    Kéo quân về đất Thanh Hoa,
    Tìm nơi hiểm yếu để ta lập đồn.
    Quân truyền điểm được hai vàn
    Đinh công Đại tướng có gan chăng là.
    Đánh Tây Nhâm Ngọ tháng Ba
    Năm mươi khẩu súng cùng là lá lê
    Đạn thời cướp được năm xe,
    Tháng một Bính Tuất kéo về huyện Nga
    Thần công khí giới đem ra,
    Khoa sơn đại bác cho ta tức thì

  • Đi ra gặp chị, đi vô gặp chị

    Đi ra gặp chị, đi vô gặp chị
    Thiên hạ đồn mị, tôi với chị là vợ với chồng
    Ngó lên mây trắng trời hồng,
    Ngẫm tôi với chị vợ chồng xứng đôi

    Dị bản

    • Tui đi lên tui gặp chị
      Tui đi xuống, tui cũng gặp chị
      Người ta đồn mộng đồn mị
      Đồn chị với tui là hai vợ chồng
      Hôm nay gặp giữa chợ đông
      Kéo tay chị lại, tui hỏi: bây giờ tính sao?

Chú thích

  1. Mơi
    Mai (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  2. Chợ Lớn
    Tên chính thức là chợ Bình Tây, còn gọi là chợ Lớn mới để phân biệt với chợ Lớn cũ (nay không còn), hiện nay thuộc địa bàn quận 6, giáp ranh quận 5 và quận 10, được xem là trung tâm mua bán của người Việt gốc Hoa ở thành phố Hồ Chí Minh. Chợ được Quách Đàm - một phú thương người Hoa - xây dựng vào năm 1928 (nên còn được gọi là chợ Quách Đàm), kiến trúc chợ mang nhiều nét Á Đông pha lẫn tân kì.

    Chợ Bình Tây ngày trước

    Chợ Bình Tây ngày trước

  3. Chợ Bình Đông
    Xưa là một trong bốn khu chợ lớn nhất quận 5. Năm 2008, chợ được xây lại và nay thuộc khu Bình Đông, quận 8, thành phố Hồ Chí Minh, gần bến Bình Đông trên kênh Tàu Hũ (theo Địa chí quận 5, xuất bản năm 2000).

    Chợ Bình Đông

    Chợ Bình Đông

  4. Chợ Gạo
    Một huyện thuộc tỉnh Tiền Giang. Nơi đây có con sông Chợ Gạo là tuyến đường sông huyết mạch nối giữa thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh miền Tây Nam Bộ.

    Kênh Chợ Gạo

    Kênh Chợ Gạo

  5. Chợ Bến Thành
    Còn gọi là chợ Sài Gòn, ban đầu được xây bằng gạch, sườn gỗ, lợp tranh, nằm bên cạnh sông Bến Nghé, gần thành Gia Định (nên được gọi là Bến Thành). Sau một thời gian, chợ cũ xuống cấp, người Pháp cho xây mới lại chợ tại địa điểm ngày nay. Chợ mới được xây trong khoảng hai năm (1912-1914), cho đến nay vẫn là khu chợ sầm uất bậc nhất của Sài Gòn, đồng thời là biểu tượng của thành phố.

    Chợ Bến Thành

    Chợ Bến Thành

  6. Chợ Bến Tranh
    Một ngôi chợ thuộc tỉnh Tiền Giang, hiện là vựa nông sản của các xã ven thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.
  7. Thủ Đức
    Một địa danh thuộc Sài Gòn, nay là quận ở cửa ngõ Đông Bắc của thành phố Hồ Chí Minh. Về tên gọi Thủ Đức, có ý kiến cho rằng xưa ông Tạ Dương Minh (Tạ Huy), hiệu Thủ Đức, đã góp phần khai khẩn lập ấp vùng Linh Chiểu và xây dựng ngôi chợ đầu tiên tại đây mang tên hiệu của ông là chợ Thủ Đức. Lại có thuyết khác cho ông Tạ Dương Minh lấy tên vị quan tên Đức trấn thủ ngọn đồi nơi đây đặt tên chợ để tỏ lòng biết ơn.

    Chợ Thủ Đức

    Chợ Thủ Đức

  8. Cầu Long Biên
    Cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng tại Hà Nội, do Pháp xây dựng (1898 - 1902), là cây cầu sắt dài thứ nhì thế giới thời bấy giờ (sau cầu Brooklyn ở Mỹ). Cầu ban đầu mang tên viên Toàn quyền Đông Dương là Paul Doumer, dân gian hay gọi là cầu sông Cái, cầu Bồ Đề, cầu Dốc Gạch. Năm 1954, cầu được đổi tên thành cầu Long Biên. Là một cây cầu lâu năm và có giá trị lịch sử, hiện nay có nhiều đề xuất tu sửa, cải tạo cầu Long Biên.

    Cầu Long Biên hồi đầu thế kỉ XX

    Cầu Long Biên hồi đầu thế kỉ 20

  9. Tỉnh Hà Nội
    Một trong số 13 tỉnh được thành lập sớm nhất ở Bắc Kỳ, lập vào năm 1831 dưới thời Minh Mạng.

    Tỉnh Hà Nội gồm có 4 phủ: Hoài Đức (kinh thành Thăng Long cũ và huyện Từ Liêm thuộc phủ Quốc Oai của tỉnh Sơn Tây), các phủ Ứng Hòa, Lý Nhân, Thường Tín của trấn Sơn Nam Thượng. Tỉnh lỵ là thành Thăng Long cũ. Phủ Ứng Hòa có 4 huyện Chương Đức (sau đổi là Chương Mỹ), Hoài An, Sơn Minh và Thanh Oai. Phủ Lý Nhân có 5 huyện Bình Lục, Duy Tiên, Kim Bảng, Nam Xương và Thanh Liêm. Phủ Thường Tín có 3 huyện Phú Xuyên, Thanh Trì và Thượng Phúc. Tổng cộng tỉnh Hà Nội có 15 huyện thuộc 4 phủ trên.

  10. Gia Lâm
    Địa danh nay là một huyện ngoại thành, ở về phía Đông của thành phố Hà Nội. Tại đây nổi tiếng với làng gốm Bát Tràng, đồng thời là quê hương của hai nhân vật trong Tứ Bất Tử: Chử Đồng Tử và Thánh Gióng, cùng với nhiều danh nhân văn hóa - lịch sử khác: Nguyên phi Ỷ Lan, Ngọc Hân công chúa, Lý Thường Kiệt...
  11. Cây lô mét
    Còn đọc là ki lô mét, mượn từ tiếng Pháp kilomètre.
  12. Có nhiều con số về chiều dài cầu Long Biên, nhưng cũng chỉ trên dưới 2 km.
  13. Tức năm 1898, năm làm lễ khởi công xây dựng cầu Doumer - tên ban đầu của cầu Long Biên.

    Chữ khắc trên tấm biển kim loại ở đầu cầu ghi nhận thời gian hoàn thành xây cầu (1899 - 1902), và hãng thầu là Daydé & Pillé (hãng Eiffel không trúng thầu, đến năm 1938 mới trúng hợp đồng gia cố cầu).

    Chữ khắc trên tấm biển kim loại ở đầu cầu ghi nhận thời gian hoàn thành xây cầu (1899 - 1902), và hãng thầu là Daydé & Pillé có trụ sở ở Paris.

  14. Mộ phu
    Tuyển mộ dân phu (những người làm công việc chân tay nặng nhọc).
  15. Ái Mộ
    Tên một làng cũ, nay thuộc địa bàn quận Long Biên, Hà Nội.
  16. Sông Hồng
    Còn gọi là sông Cái, con sông lớn nhất chảy qua các tỉnh miền Bắc với nhiều phụ lưu cũng là các con sông lớn như sông Đà, sông Lô... Vùng hạ lưu sông gọi là đồng bằng sông Hồng, rất rộng lớn và màu mỡ, là vựa lúa lớn thứ hai của cả nước (sau đồng bằng sông Cửu Long). Đoạn chảy qua Thăng Long trước đây gọi là Nhị Hà.

    Sông Hồng là con sông gắn liền với đời sống văn hoá, tình cảm của người dân Bắc Bộ.

    Sông Hồng buổi chiều nhìn từ cầu Long Biên

    Sông Hồng buổi chiều nhìn từ cầu Long Biên

  17. Nhịp cầu
    Khoảng cách giữa hai trụ cầu và mố cầu liền nhau.
  18. Rạ
    Rơm, phần còn lại của lúa sau khi gặt. Nhân dân ta thường dùng rơm rạ để lợp nhà hoặc làm chất đốt.

    Mái rạ

    Mái rạ

  19. Truyện Kiều
    Tên gọi phổ biến của tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh gồm 3.254 câu thơ lục bát của đại thi hào Nguyễn Du. Nội dung chính của truyện dựa theo tác phẩm Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, Trung Quốc, xoay quanh quãng đời lưu lạc sau khi bán mình chuộc cha của Thúy Kiều.

    Truyện Kiều có ảnh hưởng rất lớn đối với nền văn hóa nước ta. Đối đáp bằng những ngôn từ, lời lẽ trong truyện Kiều cũng đã trở thành một hình thức sinh hoạt văn hóa của một số cộng đồng người Việt như lẩy Kiều, trò Kiều, vịnh Kiều, tranh Kiều, bói Kiều... Một số tên nhân vật, địa danh và các chi tiết trong Truyện Kiều cũng đã đi vào cuộc sống: Sở Khanh, Tú Bà, Hoạn Thư, chết đứng như Từ Hải...

  20. Minh
    Sáng suốt (từ Hán Việt).
  21. Thúy Kiều
    Nhân vật chính trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du. Thúy Kiều là một người con gái tài sắc vẹn toàn, vì bán mình chuộc cha mà phải trải qua mười lăm năm lưu lạc, gặp nhiều đắng cay khổ sở, "thanh lâu hai lượt thanh y hai lần," cuối cùng mới được đoàn viên cùng người tình là Kim Trọng.
  22. Kim Trọng
    Một nhân vật trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du. Kim Trọng là một thư sinh hào hoa phong nhã, bạn học của Vương Quan (em ruột Thúy Kiều). Kiều và Kim Trọng gặp và đem lòng yêu nhau. Khi phải bán mình chuộc cha, Kiều nhờ em là Thúy Vân thay mình gá nghĩa cùng Kim Trọng. Sau mười lăm năm lưu lạc, hai người lại đoàn viên.
  23. Kim Trọng là một thư sinh nên còn được gọi là Kim sinh.
  24. Lầu xanh
    Từ chữ thanh lâu, chỉ nhà thổ, nơi gái điếm hành nghề. Ở Trung Hoa ngày trước, nhà thổ thường sơn màu xanh nên gọi như vậy.
  25. Sở Khanh
    Tên một nhân vật trong tác phẩm Truyện Kiều. Vốn là một gã ăn chơi, Sở Khanh đã lừa Thúy Kiều rằng y thật lòng yêu thương và muốn cứu nàng khỏi chốn lầu xanh, nhưng cuối cùng lại "quất ngựa truy phong." Cái tên Sở Khanh ngày nay thường được dùng để chỉ những kẻ chuyên đi lừa những người con gái nhẹ dạ.
  26. Kết tóc xe tơ
    Kết tóc: Thuở xưa, con trai và con gái đều để tóc dài bới lên đầu. Trong đêm tân hôn, tóc của dâu rể được các nữ tì buộc vào nhau. Xe tơ: Xem chú thích Nguyệt Lão.

    Kết tóc xe tơ có nghĩa là cưới nhau, thành vợ thành chồng.

  27. Từ Hải
    Nhân vật trong Truyện Kiều, cũng là một tướng cướp có thật trong lịch sử. Dưới triều đình phong kiến, Từ Hải là kẻ phiến loạn, mang tội bất trung. Từ Hải gặp Thúy Kiều trong lầu xanh và chuộc Kiều ra, giúp Kiều báo ân báo oán. Về sau Từ Hải nghe lời khuyên của Thúy Kiều, quy hàng triều đình, chẳng ngờ mắc mưu và bị giết. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du mô tả cái chết của Từ Hải là chết đứng giữa trận tiền:

    Trơ như đá, vững như đồng,
    Ai lay chẳng chuyển, ai rung chẳng dời

    Từ Hải chết đứng oan ức giữa trận tiền. (Tranh của họa sĩ Ngọc Mai)

    Từ Hải chết đứng oan ức giữa trận tiền. (Tranh của họa sĩ Ngọc Mai)

  28. Tiền Đường
    Sông Tiền Đường, còn có tên cổ là Chiết Giang, Khúc Giang hay Chi Giang, là dòng sông lớn nhất của tỉnh Chiết Giang, chảy ra vịnh Hàng Châu. Sông Tiền Đường bắt nguồn từ vùng ranh giới giữa hai tỉnh An Huy và Giang Tây, chảy qua Hàng Châu, thủ phủ tỉnh Chiết Giang. Đây cũng là địa bàn của nước Việt cổ trong lịch sử Trung Hoa, là nơi phát nguyên của văn hóa Việt bên Trung Hoa. Về cơ bản, con sông này chảy theo hướng tây nam-đông bắc.
  29. Từ bi
    Còn gọi là cây đại bi, long não hương, mai hoa não, có lẽ vì có mùi gần giống như mùi long não. Cây thuộc loại cây bụi nhỏ, mọc hoang, thân và lá có lông mịn, lá hình trứng, hai đầu nhọn, mép lá có răng cưa, vò lá thấy thơm mùi long não. Cây từ bi là vị thuốc chữa được nhiều bệnh như cảm sốt, cúm, ra mồ hôi, đau bụng do ăn không tiêu, ho nhiều đờm, gãy xương, vết lở loét, sưng đau, mất ngủ, tâm thần kích thích, phù nề, viêm xoang...

    Cây từ bi

    Cây từ bi

  30. Mận
    Loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, hoa trắng, nở vào mùa xuân. Quả mận vị chua ngọt, có loại vỏ màu tím, xanh nhạt, vàng, hay đỏ. Các bộ phận của cây mận như quả, rễ, nhựa, lá, nhân hạt... đều có tác dụng chữa bệnh.

    Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.

    Mận tam hoa ở Bắc Hà, Lào Cai

    Mận tam hoa ở Bắc Hà, Lào Cai

  31. Đào
    Loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, cũng được trồng để lấy quả hay hoa. Hoa đào nở vào mùa xuân, là biểu tượng của mùa xuân và ngày Tết ở miền Bắc. Quả đào vị ngọt hoặc chua, mùi thơm, vỏ quả phủ một lớp lông mịn. Đào xuất hiện rất nhiều trong văn học cổ Trung Quốc và các nước đồng văn. Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.

    Quả đào

    Quả đào

  32. Nhài
    Còn gọi là lài, loại cây nhỏ có hoa màu trắng rất thơm. Nhân dân ta thường dùng hoa lài để ướp trà.

    Bông hoa nhài

    Bông hoa lài (nhài)

  33. Ngâu
    Một loài cây bụi nhỏ. Trong văn hóa người Việt, ngâu là một trong ba loài gắn liền với nghệ thuật thưởng thức trà hương của người xưa. Cây ngâu gắn liền với kiến trúc Việt cổ. Nhà dân dã thuần Việt thường có cây ngâu trước sân. Đình chùa và các công trình văn hóa tín ngưỡng của người Việt cũng luôn có bóng dáng và hương thơm của hoa ngâu. Trong kiến trúc hiện đại ở Việt Nam cũng như Đông Nam Á, ngâu được sử dụng nhiều trong cảnh quan làm cây cảnh, có thể xén cắt hình khối dễ dàng (tròn đều, vuông góc).

    Hoa và quả ngâu

    Hoa và quả ngâu

  34. Mẫu đơn
    Một loại cây sống lâu năm, cho hoa rất to, đường kính đạt tới 15-20 cm, màu đỏ, tím hoặc trắng, mùi thơm gần giống mùi thơm của hoa hồng, do vậy hay được trồng làm cảnh. Theo y học cổ truyền, bộ phận dùng làm thuốc là vỏ rễ phơi hay sấy khô, gọi là mẫu đơn bì. Mẫu đơn còn được gọi là hoa phú quý, hoa vương, thiên hương quốc sắc...

    Hoa mẫu đơn

    Hoa mẫu đơn

  35. Dạ hợp
    Còn gọi là cây hoa trứng gà, một loại cây cho hoa màu trắng, ra đơn độc ở kẽ lá, rất thơm, dùng ướp chè được. Hoa dạ hợp tượng trưng cho sự êm ấm của vợ chồng và hôn nhân hạnh phúc.

    Hoa dạ hợp

    Hoa dạ hợp

  36. Tấn Tần
    Việc hôn nhân. Thời Xuân Thu bên Trung Quốc, nước Tần và nước Tấn nhiều đời gả con cho nhau. Tấn Hiến Công gả con gái là Bá Cơ cho Tần Mục Công. Tần Mục Công lại gả con gái là Hoài Doanh cho Tấn Văn Công. Việc hôn nhân vì vậy gọi là việc Tấn Tần.

    Trộm toan kén lứa chọn đôi,
    Tấn Tần có lẽ với người phồn hoa.

    (Truyện Hoa Tiên)

  37. Giăng
    Trăng (phương ngữ Bắc Bộ).

    Lòng tôi không giăng gió
    Nhưng gặp người gió giăng

    (Khúc hát - Lưu Quang Vũ)

  38. Cương thường
    Cũng đọc là cang thường, cách nói tắt của tam cương ngũ thường, một khái niệm về đạo lí của Nho giáo trong chế độ phong kiến dành cho nam giới. Tam cương nghĩa là ba giềng mối (cương là đầu mối của lưới, nắm được cương thì các mắt lưới sẽ giương lên), gồm có quân thần (vua tôi), phụ tử (cha con), và phu phụ (chồng vợ). Ngũ thường (năm đức tính phải có) gồm: Nhân (đức khoan dung), lễ (lễ độ), nghĩa (đạo nghĩa), trí (trí tuệ) và tín (lòng thành thật).

    Trong ca dao - dân ca, đạo cang thường thường dùng để chỉ tình cảm vợ chồng.

  39. Hiểm địa
    Vùng đất hiểm trở, đi lại khó khăn (từ Hán Việt).
  40. Đa đoan
    Lắm mối, lắm chuyện lôi thôi, rắc rối.

    Cơ trời dâu bể đa đoan,
    Một nhà để chị riêng oan một mình

    (Truyện Kiều)

  41. Nghinh ngang
    Nghênh ngang.
  42. Cá sấu
    Một loài bò sát ăn thịt, thường sống ở môi trường nước như đầm lầy, sông suối, có bộ hàm rất khỏe. Chữ sấu trong cá sấu bắt nguồn từ phiên âm tiếng Trung 兽 (shou) có nghĩa là "thú." Người Trung Quốc xưa gọi như vậy vì nó vừa sống dưới nước như cá vừa có nanh vuốt giống thú.

    Cá sấu

    Cá sấu

  43. Gấu ngựa
    Một loài gấu lớn có tai lớn, toàn thân lông đen, dài, thô, có yếm hình chữ V ở ngực màu kem hoặc trắng mờ, leo trèo giỏi, kiếm ăn chủ yếu vào ban đêm. Gấu ngựa ăn tạp, từ quả chín, mầm cây, mật ong tới các loài cá và chim thú nhỏ. Hiện gấu ngựa được xếp vào một trong số các động vật đang bị đe dọa.

    Gấu ngựa

    Gấu ngựa

  44. Rạch
    Sông nhỏ chảy ra sông lớn.
  45. Báo đen
    Còn gọi là beo, là một dạng biến dị di truyền xảy ra đối với một vài loài mèo lớn, có màu đen do mang đột biến gen liên quan đến quá trình chuyển hóa melanin. Biến dị này có thể đem lại một vài ưu thế chọn lọc giúp báo đen dễ sinh sống trong những khu vực có mật độ rừng dày dặc, mức chiếu sáng rất thấp. Báo đen không được xem là một loài riêng vì không có sự cách ly giao phối với các nhóm khác. Biến dị này phổ biến ở báo đốm Mỹ và báo hoa mai. Ở nước ta ghi nhận có 3 loại báo là báo hoa mai, báo gấm, và báo lửa.
  46. Hổ
    Còn gọi là cọp, hùm, dân gian còn gọi là ông ba mươi hay chúa sơn lâm, một loài động vật có vú, ăn thịt sống, có tuổi thọ khoảng 20 năm. Phần lớn các loài hổ sống trong rừng và đồng cỏ, kém leo trèo nhưng đa số bơi lội giỏi, hay đi săn đơn lẻ. Thức ăn của chúng chủ yếu là các động vật ăn cỏ cỡ trung bình như hươu, nai, lợn rừng, trâu, v.v., ngoài ra chúng cũng săn bắt và ăn thịt các loại mồi to hay nhỏ hơn nếu cần. Một con hổ trung bình có thể ăn tới 27 kg một ngày và có thể nhịn ăn khoảng 2 hoặc 3 ngày.

    Loài hổ thường thấy ở Việt Nam là hổ Đông Dương. Tuy nhiên, ở nước ta, gần 3/4 lượng hổ đã bị giết. Năm 2010, số lượng hổ ở Việt Nam chỉ còn vỏn vẹn 30 con. Hổ thường bị săn bắt để lấy da, xương, hay các bộ phận khác. Nạn săn bắt, buôn bán hổ khiến số lượng loài động vật quý hiếm này giảm 95% so với đầu thế kỷ 20. Ngày nay trên thế giới chỉ còn khoảng 5.000 - 7.000 cá thể hổ hoang dã, trong đó có khoảng 200 ở Việt Nam và 1.500 ở Ấn Độ. Loài hổ đã được đưa vào danh sách các loài đang gặp nguy hiểm.

    Hổ Đông Dương

    Hổ Đông Dương

  47. Chồn
    Một họ động vật có vú thuộc bộ Ăn thịt, có loài sống trên cạn, có loài sống dưới nước (như rái cá). Xem thêm về các loài chồn có tại Việt Nam ở đây.

    Chồn vàng ở Việt Nam

    Chồn vàng ở Việt Nam

  48. Cáo
    Loài thú ăn thịt thuộc họ chó, cỡ trung bình, ăn các loài lợn rừng nhỏ, nai, hoẵng và các loài chim thú khác. Cáo thường sống thành đàn lớn, có thể lớn tới 15 - 20 con, ở các kiểu rừng khác nhau, từ rừng già, rừng tái sinh, đến rừng hỗn giao tre nứa. Đây là loài rất hiếm, hiện đang suy giảm, có nguy cơ tuyệt chủng. Ở nước ta, chúng thường phân bố ở các tỉnh phía Bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn.

    Cáo

    Cáo

  49. Lợn rừng
    Cũng gọi là lợn lòi, loài lợn được xem là thủy tổ của lợn nhà. Lợn rừng nặng 40-200 kg, lông thô cứng màu đen xám, thường có răng nanh to dài chìa ra ngoài mõm, sống thành đàn 5-20 con trong rừng hoặc ven các nương rẫy, kiếm ăn đêm , ngày nghỉ trong các bụi rậm, thích đằm mình trong vũng nước. Lợn rừng ăn tạp gồm các loại củ, quả giàu tinh bột, các loại quả cây rừng, măng tre nứa, chuối và nhiều động vật nhỏ như nhái, ngoé, giun đất, ong...

    Tại nước ta, lợn rừng có mặt khắp các tỉnh miền núi và trung du.

    Lợn rừng

    Lợn rừng

  50. Bất loạn thiên
    Cũng nói là bắt loạn thiên hoặc nói tắt là bắt loạn, cách nói mô tả mức độ rất nhiều của người Nam Bộ.
  51. Một loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, có hoa trắng hoặc đỏ, nở vào mùa xuân. Quả mơ vị chua chát, dùng để làm nước ép, ướp đường, làm ô mai, làm rượu, mứt, hoặc chế biến thành các món canh.

    Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, mơ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.

    Quả mơ

    Quả mơ

  52. Mít
    Loại cây ăn quả thân gỗ nhỡ, lá thường xanh, cao từ 8-15m. Cây ra quả vào mùa xuân, quả chín vào mùa hè. Vỏ quả có gai xù xì, ruột chứa nhiều múi, vị ngọt, có loại mít dai và mít mật. Mít là loại cây quen thuộc ở làng quê nước ta, gỗ mít dùng để làm nhà, đóng đồ đạc, thịt quả để ăn tươi, sấy khô, làm các món ăn như xôi mít, gỏi mít, hạt mít ăn được, có thể luộc, rang hay hấp, xơ mít dùng làm dưa muối (gọi là nhút), quả non dùng để nấu canh, kho cá...

    Quả mít

    Quả mít

  53. Dứa
    Còn gọi là thơm hoặc gai, loại cây ăn quả có thân ngắn, lá dài, cứng, có gai ở mép và mọc thành cụm ở ngọn thân, quả có nhiều mắt, phía trên có một cụm lá.

    Cây dứa đang ra quả

    Cây dứa đang ra quả

  54. Hồng bì
    Cũng gọi là quất bì, quất hồng bì hoặc hoàng bì, một loại cây được trồng nhiều ở miền Bắc. Quả hồng bì khi chín có vị chua, mùi thơm, có thể để ăn tươi, làm mứt, cất rượu hoặc làm thuốc.

    Quả hồng bì

    Quả hồng bì

  55. Cau
    Loại cây nhiều đốt, thân nhỏ và cao vút, có quả dùng để ăn với trầu.

    Cây cau

    Cây cau

    Quả cau và lá trầu

    Quả cau và lá trầu

  56. Nghinh hôn
    Cũng nói là nghênh hôn, nghĩa là đón dâu. Đây là một lễ trong phong tục cưới hỏi của người Việt.
  57. Sính lễ
    Lễ vật của nhà trai đem đến nhà gái để xin cưới.
  58. Hồng
    Loại cây cho trái, khi chín có màu vàng cam hoặc đỏ. Tùy theo giống hồng mà quả có thể giòn hoặc mềm, ngọt hoặc còn vị chát khi chín.

    Quả hồng

    Quả hồng

  59. Nhãn
    Tên đầy đủ là long nhãn (nghĩa là "mắt rồng," vì hạt có màu đen bóng), một loại cây cho quả khi chín có vị ngọt thanh, rất phổ biến ở nước ta. Nổi tiếng nhất có thể kể đến nhãn lồng ở Hưng Yên, và nhãn xuồng ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ.

    Nhãn lồng Hưng Yên

    Nhãn lồng Hưng Yên

  60. Jê-cờ-ri
    Tôi viết (từ tiếng Pháp J'écris).
  61. Ăng-voa
    Gửi (từ tiếng Pháp envoie).
  62. Me xừ
    Từ tiếng Pháp monsieur, nghĩa là "quý ông."
  63. Di-đăng
    Công sứ (từ tiếng Pháp résident).
  64. Tú xon
    Cô đơn, một mình (từ tiếng Pháp tout seul).
  65. Cô soong
    Con lợn (từ tiếng Pháp couchon), dùng làm tiếng chửi.
  66. Đờ-puy
    Từ khi (từ tiếng Pháp depuis).
  67. Nô-xờ
    Tiệc cưới (từ tiếng Pháp noce).
  68. Ê-loa-nhê
    Xa cách (từ tiếng Pháp éloigné).
  69. Cu-tô
    Con dao (từ tiếng Pháp couteau).
  70. Nguyệt hoa
    Cũng viết là hoa nguyệt (trăng hoa), chỉ chuyện trai gái yêu đương. Từ này có gốc từ nguyệt hạ hoa tiền (dưới trăng, trước hoa, những cảnh nên thơ mà trai gái hẹn hò để tình tự với nhau), nay thường dùng với nghĩa chê bai.

    Cởi tình ra đếm, ra đong
    Đâu lời chân thật, đâu vòng trăng hoa?

    (Tơ xuân - Huy Trụ)

  71. La cua
    Cái sân (từ tiếng Pháp la cour).
  72. Mút
    Rêu (từ tiếng Pháp mousse).
  73. Luyn
    Mặt trăng (từ tiếng Pháp lune).
  74. La săm
    Buồng (từ tiếng Pháp la chambre).
  75. A-mi
    Bạn thân, bạn gái (từ tiếng Pháp amie).
  76. Sơ-mi
    Nghĩa gốc là áo lót (từ tiếng Pháp chemise). Ngày nay, sơ mi có cổ áo, tay áo và hàng nút phía trước.
  77. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  78. Lơ li
    Cái giường (từ tiếng Pháp le lit).
  79. Biếng ba
    Xanh xao (từ tiếng Pháp bien pale).
  80. Pơ-răng qua
    Lấy gì (từ tiếng Pháp prendre quoi).
  81. Uyn lét
    Một lá thư (từ tiếng Pháp une lettre).
  82. Ca-đô
    Quà (từ tiếng Pháp cadeau).
  83. Ba-tô
    Tàu thủy (từ tiếng Pháp bateau).
  84. Lác-mơ
    Nước mắt (từ tiếng Pháp larme).
  85. Hồ Trúc Bạch
    Tên một cái hồ thuộc quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Hồ được cho là một phần của hồ Tây trước kia, chúa Trịnh cho đắp đê Cố Ngự (sau đọc thành Cổ Ngư, giờ là đường Thanh Niên). Trước hồ thuộc làng Trúc Yên, ven hồ có Trúc Lâm viện là nơi chúa Trịnh giam giữ các cung nữ phạm tội. Những cung nữ này làm nghề dệt lụa để kiếm sống. Vì lụa đẹp nổi tiếng, nên dân gian lấy đó làm tên gọi cho hồ (Trúc Bạch nghĩa là lụa làng Trúc).

    Hồ Trúc Bạch ngày nay

    Hồ Trúc Bạch ngày nay

  86. Xi vu lét-xê moa
    Nếu anh để lại cho tôi (từ tiếng Pháp si vous laissez moi).
  87. Bông cờ
    Lòng tốt (từ tiếng Pháp bon cœur).
  88. Ta xơ
    Chị gái của anh (từ tiếng Pháp ta sœur).
  89. Ơ-rơ
    Sung sướng (từ tiếng Pháp heureux).
  90. Lơ roa
    Vua (từ tiếng Pháp le roi).
  91. Thành Thái
    (14/3/1879 – 24/3/1954) Hoàng đế thứ 10 của nhà Nguyễn, tại vị từ 1889 đến 1907. Lên ngôi khi mới mười tuổi, ông sớm bộc lộ tinh thần dân tộc và chủ trương đánh Pháp. Nǎm 1916 ông đày ra đảo Réunion cùng với con trai là vua Duy Tân, đến tháng 5 năm 1945 mới được cho về Việt Nam. Ông sống tại Cap Saint Jacques (Vũng Tàu) đến năm 1954 thì mất.

    Vua Thành Thái

    Vua Thành Thái

  92. An Nam
    Tên gọi của nước ta trong một số giai đoạn lịch sử. Tiêu biểu nhất có lẽ là dưới thời kì đô hộ của thực dân Pháp, khi nước ta bị chia thành ba kỳ.
  93. 23 tháng Tám là ngày âm lịch; tháng Mười là dương lịch, cách nhau hơn một tháng.
  94. Theo Hoàng Ngọc Phách thì Nguyễn Thị Thời là tên một người phụ nữ quê ở Hải Phòng cưới chồng Tây, theo chồng lên Bắc Ninh. Được ít lâu thì chồng về Tây, cô nhờ người viết hộ một lá thư (cô nói ra, người viết ghi vào giấy), sau thành bài ca dao truyền miệng này.
  95. Thiên cung
    Cung điện trên trời, cũng gọi là thiên đình. Theo thần thoại Trung Quốc và một số nước Đông Á (trong đó có Việt Nam), trên trời có cung điện cho Ngọc Hoàng và các thần thánh ăn ở, vui chơi và trông coi mọi việc trong vũ trụ.
  96. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  97. Bắc Ninh
    Một tỉnh thuộc khu vực phía bắc của vùng đồng bằng sông Hồng, rất giàu truyền thống văn hóa. Bắc Ninh có nhiều lễ hội (hội Lim, hội Đền Đô, hội Phù Đổng...), nhiều đền chùa (chùa Bút Tháp, chùa Dâu, chùa Phật Tích...), là quê hương của danh tướng Cao Lỗ, Lý Thái Tổ, Nguyên Phi Ỷ Lan, đồng thời là cái nôi của dân ca quan họ.

    Hát quan họ

    Hát quan họ

  98. Từ Sơn
    Một địa danh thuộc tỉnh Bắc Ninh. Trước đây Từ Sơn là một phủ (nên còn gọi là Phủ Từ), thuộc thừa tuyên Kinh Bắc. Sau cách mạng tháng Tám (1945), bỏ cấp phủ, đổi làm huyện Từ Sơn. Hiện nay Từ Sơn thị xã cửa ngõ phía Nam của Bắc Ninh, tiếp giáp Hà Nội. Từ Sơn là quê hương của các vị vua nhà Lý và nhiều danh nhân văn hóa - lịch sử như Vạn Hạnh Thiền sư, Ngô Gia Tự, Trần Đức Thảo...
  99. Nhị Hà
    Tên gọi trước đây của đoạn sông Hồng chảy qua địa phận Hà Nội, tính từ đoạn sông huyện Từ Liêm (hữu ngạn) và Đông Anh (tả ngạn) chảy qua phía Nam huyện Thanh Trì. Có thuyết nói rằng, đoạn sông này chảy uốn khúc như cái vòng đeo tai, nên có tên gọi là Nhị Hà (chữ Hán nhị 珥 là vòng đeo tai). Sông còn có tên khác là Phù Luông vì nước sông chảy cuốn theo phù sa sắc đỏ như son, đến mùa thu nước mới trong trở lại.
  100. Ba mươi sáu phố
    Một cách gọi của đô thị cổ Hà Nội, khu vực dân cư nằm về phía đông của hoàng thành Thăng Long, nơi tập trung nhiều hoạt động buôn bán. Khu vực này rộng hơn khu phố cổ Hà Nội ngày nay.

    "Ba mươi sáu" là một con số mang tính ước lệ, số phố thực tế nhiều hơn con số này, và thay đổi theo thời kì.

  101. Có bản chép: Trúc chẻ hai.
  102. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  103. Xáo
    Nấu trộn lộn nhiều đồ ăn vào một món.
  104. Bận
    Mặc (quần áo).
  105. Rận
    Loại côn trùng nhỏ, thân dẹp, không cánh, hút máu, sống kí sinh trên người và một số động vật.
  106. Chữ "đêm" trong câu này và câu sau có bản chép là "trâu."
  107. Giặc Hà Tiên
    Dưới thời Thiệu Trị nhà Nguyễn, tháng giêng năm Nhâm Dần (1842) tướng Xiêm La là Phi Nhã Chất Tri sai tướng Ô Thiệt Vương cho thủy quân tấn công Phú Quốc thăm dò, còn trên bộ, cho khoảng 5000 quân đến Sách Sô (thuộc hạt Nam Ninh, trấn Tây Thành) và 10 thuyền đến đồn Cần Thăng thám sát, kích động người Chân Lập nổi dậy ở phủ Ba Xuyên, Sóc Trăng, Thất Sơn... Qua tháng hai, chúng xua đại quân tràn qua kinh Vĩnh Tế kết hợp với quân nổi dậy đánh phá các đồn Thất Sơn, Tân Châu, An Lạc, Hồng Ngự, Thông Bình... cướp bóc, bắn giết, gây thảm cảnh tang tóc thê lương khắp biên giới. Nhất là ở Hà Tiên, chúng dùng súng lớn bắn suốt ngày đêm, gây nhiều thiệt hại cho dân thường. Dân gian gọi chúng là giặc Hà Tiên.
  108. Thậm
    Rất, lắm.
  109. Tể tướng
    Chức quan cao nhất dưới thời phong kiến, có nhiệm vụ thay mặt vua để giải quyết chuyện chính sự của một đất nước. Tùy theo thời đại, vị trí này có thể có tên là thừa tướng hoặc tướng quốc. Nước ta có các tể tướng nổi danh như Nguyễn Quán Nho, Lý Đạo Thành, Tô Hiến Thành, Trần Thủ Độ...

    Tể tướng Nguyễn Quán Nho

    Tể tướng Nguyễn Quán Nho

  110. Cấm cung
    Cấm không được phép ra khỏi nhà, không được phép tự do tiếp xúc với người ngoài (thường nói về con gái nhà quyền quý thời phong kiến).
  111. Chường
    Chàng (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  112. Hành khiển
    Tên chung của mười hai vị thần văn (gọi là Thập nhị Đại vương Hành khiển) thay mặt Ngọc Hoàng – vị vua của thiên giới - trông coi mọi việc trên thế gian, mỗi vị một năm theo chu kỳ 12 con giáp. Bắt đầu là năm Tý, năm cuối cùng là năm Hợi, hết năm Hợi lại quay trở lại với vị Đại vương hành khiển của 12 năm trước. Vào đêm giao thừa người ta làm lễ cúng tế để tiễn hành khiển cũ và đón hành khiển mới. Đọc thêm về Hành binh, Hành khiển và Pháp quan.
  113. Hành binh
    Tên chung của mười hai vị thần võ thay mặt Ngọc Hoàng trông coi mọi việc trên thế gian, mỗi vị một năm theo chu kỳ của 12 con giáp. Xem thêm: Hành khiển.
  114. Bói giò gà
    Cũng gọi là xem chân giò, một nghi thức tín ngưỡng dân gian sử dụng chân gà để đoán việc lành dữ. Xem thêm.
  115. Lục Vân Tiên
    Tên nhân vật chính, đồng thời là tên tác phẩm truyện thơ Nôm nổi tiếng của Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), được sáng tác theo thể lục bát vào đầu những năm 50 của thế kỷ 19, đề cao đạo lý làm người. Lục Vân Tiên là một chàng trai khôi ngô tuấn tú, tài kiêm văn võ, cùng với Kiều Nguyệt Nga, một người con gái chung thủy, đức hạnh trải qua nhiều sóng gió nhưng cuối cùng cũng đạt được hạnh phúc.

    Đối với người dân Nam Bộ, truyện Lục Vân Tiên có sức ảnh hưởng rất lớn, được xem là hơn cả Truyện Kiều của Nguyễn Du.

  116. Thọ bịnh
    Thọ bệnh, bị bệnh (phương ngữ Nam Bộ).
  117. Gia đường
    (Gia: nhà, đường: nhà lớn) nhà cửa ở có thờ phụng ông bà. Cũng dùng để chỉ cha (xuân đường) và mẹ (huyên đường). Người Nam Bộ phát âm thành gia đàng.
  118. Sơn lâm
    Núi rừng (từ Hán Việt). Cũng nói san lâm hoặc lâm san.
  119. Vô nghì
    Không có tình nghĩa (từ cũ). Cũng nói bất nghì.
  120. Thị phi
    Phải và không phải. Chỉ sự đồn đại, chê bai.

    Kẻ yêu nên ít lời cao hạ,
    Người ghét càng nhiều tiếng thị phi.

    (Than thân - Nguyễn Hữu Chỉnh)

  121. Thí phát
    Cắt tóc (phương ngữ).
  122. Bơ thờ
    Thẫn thờ và ngơ ngẩn vì không ổn định trong lòng.
  123. Lắng
    Để yên cho cấn, bã chìm xuống đáy. Cũng gọi là lóng.
  124. Thầy pháp
    Thầy phù thủy, theo tín ngưỡng dân gian được cho là có pháp thuật, trừ được tà ma quỷ quái.
  125. Hạ bạc
    Nghề bắt cá. Trong xã hội cũ, đây là một nghề bị coi thường, khinh rẻ.
  126. Ngỡi
    Tiếng địa phương Nam Bộ của "ngãi" (nghĩa, tình nghĩa).
  127. Lía
    Dân gian còn gọi là chàng Lía, chú Lía, người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa nông dân chống ách thống trị của nhà Nguyễn vào thế kỉ 18 nổ ra tại Truông Mây, Bình Định. Có giả thuyết cho rằng ông tên thật là Võ Văn Doan, quê nội huyện Phù Ly (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định ngày nay), quê ngoại làng Phú Lạc, tổng Thời Hòa, huyện Tuy Viễn (nay là huyện Tây Sơn). Lía tập hợp dân nghèo nổi dậy, chọn Truông Mây (Hoài Ân, Bình Định) làm căn cứ, lấy của người giàu chia cho người nghèo. Tương truyền sau khi cuộc khởi nghĩa thất bại, ông uất ức bỏ lên núi và tự sát.
  128. Anh hào
    Anh hùng hào kiệt, người có tài năng, chí khí. Hội anh hào là dịp để anh hào gặp và thi thố lẫn nhau để lập nên những công trạng hiển hách.

    Đường đường một đấng anh hào,
    Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài.

    (Truyện Kiều)

  129. Sơn hà
    Núi sông (từ Hán Việt). Từ cũ, nghĩa rộng dùng để chỉ đất nước.

    Nam quốc sơn hà Nam Đế cư
    Tiệt nhiên phận định tại thiên thư
    Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
    Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư

    (Lý Thường Kiệt)

    Dịch thơ:

    Sông núi nước Nam vua Nam ở
    Rành rành định phận tại sách trời
    Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
    Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.

  130. Chiêu binh mãi mã
    Chiêu mộ binh lính và mua ngựa chiến (để chuẩn bị cho chiến tranh). Hiểu rộng ra là tập hợp lực lượng, vây cánh.
  131. Dung
    Biết là việc xấu, sai nhưng vẫn để tồn tại.
  132. Lâu la
    Từ chữ Hán 嘍囉, chỉ quân lính, tay chân của giặc cướp.
  133. Trào đàng
    Triều đình (cách nói cũ của Trung và Nam Bộ).

    Trạng nguyên tâu trước trào đàng,
    Thái sư trữ dưỡng tôi gian trong nhà.

    (Lục Vân Tiên - Nguyễn Đình Chiểu)

  134. Bá quan
    Từ chữ Hán Việt 百 (trăm), và quan 官 (quan lại), chỉ tất cả các quan lại trong triều đình. Cũng nói là bá quan văn võ.
  135. Ngự sử
    Tên chung của một số chức quan có nhiệm vụ giám sát từ cấp cao nhất (vua) đến các cấp quan lại.
  136. Lai do
    Nguyên do sự việc.
  137. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  138. Phú hào
    Những người giàu và có thế lực ở nông thôn thời phong kiến (từ Hán Việt).
  139. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  140. Ngờ (phương ngữ Nam Bộ).
  141. Binh nhung
    Binh 兵 (binh lính) và nhung 戎 (vũ khí, binh lính). Chỉ binh khí, quân đội, hoặc hiểu rộng ra là việc quân.
  142. Nam hoàng
    Vua nước Nam.
  143. Quản
    E ngại (từ cổ).
  144. Đồi mồi
    Một loài rùa biển, mai có vân đẹp nên thường bị đánh bắt để làm đồ mĩ nghệ (lược, vòng tay, vòng đeo cổ...). Những đốm nám trên da hoặc trái cây cũng gọi là vết đồi mồi.

    Con đồi mồi

    Con đồi mồi

  145. Giã
    Như từ giã. Chào để rời đi xa.
  146. Giã ơn
    Cảm tạ ơn.

    Kíp truyền thu lễ, trao lời giã ơn
    (Nhị Độ Mai)

  147. Dâu tằm
    Loại cây thường được trồng hai bên bờ sông, chủ yếu để lấy lá cho tằm ăn. Lá và rễ dâu cũng là vị thuốc đông y. Quả dâu tằm chín cũng có thể dùng để ăn hoặc ngâm rượu, gọi là rượu dâu tằm. Ở nước ta, dâu có nhiều giống: dâu bầu, dâu da, dâu cỏ, dâu tam bội...

    Lá và quả dâu tằm

    Lá và quả dâu tằm

  148. Tằm
    Còn gọi là tằm tơ, ấu trùng của loài bướm tằm. Tằm ăn lá dâu tằm và nhả tơ thành kén. Tằm đã sẵn sàng nhả tơ được gọi là tằm chín, có màu vàng óng hoặc đỏ nâu bóng, trong suốt. Tơ tằm dùng để dệt lụa và có giá trị kinh tế cao.

    Tằm đang ăn lá dâu

    Tằm đang ăn lá dâu

    Kén tằm

    Kén tằm

  149. Mãn
    Trọn, đầy đủ, hết (từ Hán Việt).
  150. Tấn lai
    Bước đến.
  151. Chánh ngoạt
    Cách đọc trại của chính nguyệt (tháng đầu năm âm lịch, tháng Giêng).
  152. Nhật nguyệt
    Mặt trời (nhật) và mặt trăng (nguyệt), ở miền Nam cũng được phát âm thành nhựt nguyệt. Cùng là biểu tượng của sự trường tồn vĩnh cửu, hình ảnh nhật nguyệt thường được đem ra để thề thốt.

    Mai sau dầu đến thế nào,
    Kìa gương nhật nguyệt nọ dao quỷ thần

    (Truyện Kiều)

  153. Nam chiếu phúc bồn
    Chậu úp khó mà soi thấu.
  154. Hóc Môn
    Một địa danh nay là huyện ngoại thành của thành phố Hồ Chí Minh. Từ năm 1698 đến năm 1731, một số lưu dân từ miền Bắc, miền Trung do không cam chịu sự thống trị hà khắc của triều Trịnh-Nguyễn nên đã đến vùng đất này để sinh cơ, lập nghiệp. Họ lập ra những thôn ấp và nông trại, lúc đầu có sáu thôn, dần dần phát triển thành mười tám thôn, nổi tiếng với nghề trồng trầu. Đến đầu thế kỷ 19, một số thôn của Hóc Môn vẫn còn những nét hoang dã, có cọp dữ nổi tiếng như “cọp vườn trầu” và có nhiều đầm môn nước mọc um tùm, nên thành địa danh Hóc Môn.
  155. Bình Long
    Tên của huyện Hóc Môn dưới thời nhà Nguyễn.
  156. Hà do
    Tại sao.
  157. Hàm mai
    Cái thẻ khớp miệng ngựa cho nó không hí lên được. Ý nói sự chèn ép, bụm miệng dân chúng của thực dân.
  158. Cơ trời đất
    Cơ nghĩa là "máy." Người xưa quan niệm trời đất là một cỗ máy, vì vậy có từ "thiên cơ" nghĩa là máy trời.
  159. Tang bồng
    Cung bằng gỗ dâu (tang) và tên bằng cỏ bồng. Theo Kinh Lễ, khi nhà vua sinh con trai, quan coi việc bắn sẽ lấy cung bằng gỗ dâu và tên bằng cỏ bồng, bắn bốn phát ra bốn hướng, một phát lên trời, một phát xuống đất, ngụ ý rằng người làm trai chí ở bốn phương, tung hoành trời đất, giúp nước giúp đời. Chí làm trai vì thế gọi là chí tang bồng.
  160. Thanh Hoa
    Tên cũ của tỉnh Thanh Hóa, bao gồm toàn bộ tỉnh Thanh Hóa ngày nay và một phần của tỉnh Ninh Bình.
  161. Đinh Công Tráng
    (1842 - 1887) Lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa Ba Đình. Ông quê làng Tráng Xá, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Khi Pháp đánh chiếm Bắc Kỳ, ông gia nhập đội quân của Hoàng Kế Viêm, rồi tham gia trận Cầu Giấy ngày 19/5/1883. Sau khi cuộc khởi nghĩa Ba Đình thất bại, ông rút về về Nghệ An, định gây dựng lại phong trào, nhưng không may hi sinh trong một trận đánh vào ngày 5/10/1887. Tướng Pháp Mason nhận định: "[Ông là] Người có trật tự, trọng kỉ luật, cương trực, hay nghiêm trị những thủ hạ quấy nhiễu dân; có chí nhẫn nại, biết mình biết người, không bao giờ hành binh cẩu thả, giỏi lập trận thế."
  162. Ý nhắc đến trận đánh năm Nhâm Ngọ (1882) của nghĩa quân của Đinh Công Tráng, trong đó nghĩa quân cướp được tới 50 khẩu súng.
  163. Nga Sơn
    Tên một huyện ở phía đông bắc tỉnh Thanh Hóa, nổi tiếng với cuộc khởi nghĩa Ba Đình và chiếu cói Nga Sơn.
  164. Thần công
    Vũ khí hạng nặng, sử dụng thuốc súng hoặc các nhiên liệu cháy nổ khác để đẩy một viên đạn đi xa. Có sức sát thương lớn, súng thần công thường dùng để chống bộ binh và phá thành.

    Súng thần công

    Súng thần công

  165. Có bản chép: Ruột héo xương mòn.
  166. Thác
    Chết, mất, qua đời (từ Hán Việt).
  167. Thiên hạ
    Toàn bộ mọi vật, mọi người. Đây là một khái niệm có gốc từ Trung Quốc (thiên 天 (trời) hạ 下 (ở dưới), nghĩa đen là "dưới gầm trời").

    "Nào ta biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ." (Chữ người tử tù - Nguyễn Tuân)