Quả năm ngăn trong lòng sơn đỏ,
Qua mấy lời em to nhỏ, sao anh bỏ em đành.
Thế gian tiếng dữ đồn lành,
Bao giờ ông vua Trụ hiền lành em mới xa nhau
Tìm kiếm "bao dung"
-
-
Anh muốn trông
Anh muốn trông
Anh lên Ba Dội anh trông
Một Dội anh trông
Hai Dội anh trông
Trống thu không ba hồi điểm chỉ
Anh ngồi anh nghĩ
Thở vắn than dài
Trúc nhớ mai
Thuyền quyên nhớ khách
Quan nhớ ngựa bạch
Bóng lại nhớ cây
Anh nhớ em đây
Biết bao giờ cho được
Đạo vợ chồng chẳng trước thì sau
Trăm năm xin chớ quên nhau. -
Ðèn tọa đăng để trước bàn thờ
-
Ba bà đi chợ với nhau
Ba bà đi chợ với nhau
Một bà đi trước kể chuyện nàng dâu
Một bà đi sau tu tu lên khóc
Nhà bà có phúc cưới được dâu hiền
Nhà tôi vô duyên cưới cô dâu dại
Việc làm thì rái, chỉ tưởng những ăn
Hễ bảo quét sân đánh chết ba gà
Bảo đi quét nhà, đánh chết ba chó
Có mâm giỗ họ miếng ra miếng vào
Rửa bát cầu ao liếm dĩa quèn quẹt … -
Hòn Sung không thấp không cao
-
Biết ai than thở sự tình
Biết ai than thở sự tình
Chẳng qua mình lại biết mình mà thôi
Lấy chồng gặp phải kẻ tồi
Cho nên lòng những bồi hồi đắng cay
Cả ngày chỉ rượu sưa say
Khi nay thuốc phiện khi nay tài bàn
Nói ra mang tiếng phũ phàng
Nín đi thì não can tràng xiết bao
Cũng thì phận gái má đào
Người thì gặp được anh hào đảm đang
Mình thì cũng dự phấn hương
Gặp nơi lêu lổng chẳng thương chút nào -
Trăng lên vừa tới mái hiên
Trăng lên vừa tới mái hiên
Thiếp thảm chàng phiền, có nhớ hay quên
Làm người phụ bạc sao nên
Trông xuống hổ đất, ngó lên thẹn trời
Nói ra dạ giữ lấy lời
Lênh đênh mặt biển chân trời quản bao -
Bài này có từ ngữ và/hoặc nội dung nhạy cảm.
Hãy cân nhắc trước khi bấm xem.Múi mít hạt hồng
-
Nón em đang đội trên đầu
Nón em đang đội trên đầu
Anh mà giật mất dạ sầu em thay
Lấy gì mà đội hôm nay
Anh mua nón khác, nón này em xin
Nón em chả đáng đồng tiền
Chưa kết được bạn chưa yên cửa nhà
Nón em mua ở tỉnh xa
Mua ở Hà Nội quan ba mươi đồng
Trở về gặp khách má hồng
Sao anh ăn ở ra lòng thờ ơ
Mua nón, em phải mua tua
Nón này thầy mẹ em mua rành rành
Nhẽ đâu em để cho anh
Về nhà mẹ mắng, em đành bảo sao -
Nhớ khi anh nói anh thề
-
Quê anh ở phú bên nhà
Quê anh ở phủ bên nhà
Nhà anh phú quý vinh hoa nhất miền
Bấy nay đi kén bạn hiền
Bây giờ mới gặp thuyền quyên má hồng
Hỡi cô tát nước gàu sòng
Hỏi rằng cô đã có chồng hay chưa?
Không chồng làm cuộc mây mưa
Ruộng khô mạ héo bao giờ cho tươi
Âm dương vẫn sẵn tính trời
Cùng nhau ta tát gàu giai cho đầy -
Đời vua Thái Tổ, Thái Tông
-
Anh đi, em mới trồng hoa
Anh đi, em mới trồng hoa
Em về, hoa nở đặng ba trăm nhành
Một nhành là chín búp xanh
Bán ba đồng một, để dành có nơi
Bây giờ em đã thảnh thơi
Cậy anh tính thử vốn lời bao nhiêu? -
Than rằng: con vịt đua dưới nước
-
Tháng Giêng là tháng ăn chơi
Tháng Giêng là tháng ăn chơi
Tháng Hai trồng đậu, trồng khoai, trồng cà
Tháng Ba thì đậu đã già
Ta đi ta hái về nhà phơi khô
Tháng Tư đi tậu trâu bò
Để ta sắm sửa làm mùa tháng Năm
Sáng ngày đêm lúa ra ngâm
Bao giờ mọc mầm ta sẽ vớt ra
Gánh đi ta ném ruộng ta,
Đến khi lên mạ thì ta nhổ về … -
Anh tỉ phận anh
-
Ngó lên trời mây bay vần vũ
Ngó lên trời mây bay vần vũ,
Ngó xuống âm phủ đủ mặt bá quan,
Ngó lên Nam Vang thấy cây trăm thước,
Nhìn sông Trước thấy sóng bủa lao xao,
Anh thương em ruột thắt gan bào,
Biết em có thương lại chút nào hay không?Dị bản
-
Mấy ông quan huyện Thanh Trì
Mấy ông quan huyện Thanh Trì
Khéo khôn: mỡ lấy, xương bì ông không
Lỗ lãi ông đắn sâu nông
Được lời ông lấy, lễ không thèm nhìn
Kiện cáo vài lạng làm tin
Của cái ông vét, ông tìm ở dân
Việc phạt ông bảo là ân
Ân quan mà xuống, manh áo dân chẳng cònDị bản
Ông quan ở huyện Thanh Trì
Miếng mỡ thì lấy, miếng bì thì chê
-
Em nấu cơm quên đơm vào rá
-
Trách duyên lại giận trăng già
Trách duyên lại giận trăng già
Xe tơ lầm lỗi hóa ra chỉ mành
Biết ai than thở sự tình
Chẳng qua mình lại biết mình mà thôi
Lấy chồng gặp phải kẻ tồi
Cho nên lòng những bồi hồi đắng cay
Cả ngày chỉ rượu sưa say
Khi nay thuốc phiện khi nay tài bàn
Nói ra mang tiếng phũ phàng
Nín đi thì não can tràng xiết bao
Cũng thì phận gái má đào
Người thì gặp được anh hào đảm đang
Mình thì cũng dự phấn hương
Gặp nơi lêu lổng chẳng thương chút nào
Chú thích
-
- Quả
- Đồ đựng hình tròn, có nắp đậy, thường được dùng để đựng lễ vật khi đi hỏi cưới.
-
- Trụ Vương
- Tên thật là Tử Thụ, vị vua cuối đời nhà Thương trong lịch sử Trung Quốc, khét tiếng là một ông vua dâm đãng và tàn ác.
-
- Tam Điệp
- Tên một dãy núi nằm giữa Ninh Bình và Thanh Hóa, chạy ra biển theo hướng Tây Bắc–Đông Nam, gồm có 3 ngọn. Trên dãy núi này cũng có đèo Tam Điệp, con đường thiên lý cổ thời phong kiến từ Thăng Long vào Nam, đi qua 3 đoạn đèo: Đèo phía Bắc, đèo phía Nam, và đèo Giữa. Đèo Tam Điệp cũng có tên dân gian là Ba Dội (dội tiếng Việt cổ nghĩa là đợt, lớp).
Một đèo, một đèo, lại một đèo,
Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo.
Cửa son đỏ loét tùm hum nóc,
Hòn đá xanh rì lún phún rêu.
(Đèo Ba Dội - Hồ Xuân Hương)
-
- Thu không
- (Trống hoặc chiêng) đánh vào mỗi mỗi chiều tối, lính huyện thu quân và đóng cổng thành (thành bảo vệ huyện đường) sau khi xem xét trong thành không có gì khả nghi.
Kiều từ trở gót trướng hoa,
Mặt trời gác núi chiêng đà thu không.
(Truyện Kiều)
-
- Thuyền quyên
- Gốc từ chữ thiền quyên. Theo từ điển Thiều Chửu: Thiền quyên 嬋娟 tả cái dáng xinh đẹp đáng yêu, cho nên mới gọi con gái là thiền quyên.
Trai anh hùng, gái thuyền quyên
Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng
(Truyện Kiều)
-
- Đèn tọa đăng
- Đèn dầu để bàn cũ.
-
- Thố
- Đồ đựng nhỏ, bằng sành sứ hay thủy tinh, dùng đựng cơm, đồ ăn.
-
- Tiềm
- Đồ đựng bằng sành sứ giống như cái nồi nhỏ, có nắp, dùng đựng cơm, thức ăn.
-
- Người nghĩa
- Người thương, người tình.
-
- Rái
- Sợ hãi, e ngại. Có chỗ đọc là dái.
-
- Hòn Sung
- Tên chữ là Trưng Sơn, một hòn núi thấp thuộc thôn Phú Lạc, xã Bình Thành, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Đây là nơi phát tích của anh hùng Mai Xuân Thưởng và anh em nhà Tây Sơn. Theo Quách Tấn trong Nước non Bình Định:
Trông gần thì mập mạp hung hăng như con bò đực sung sức lúc nào cũng sẵn sàng để chiến đấu. Nên người địa phương thường gọi là Hòn Sung. Lưng núi có nhiều chỗ nổi từng vồng từng ụ, như bị đánh sưng. Nên nhiều người gọi là Hòn Sưng thay vì Hòn Sung. Núi còn có tên nữa là Độc Xỉ Sơn và Độc Nhũ Sơn, vì ở xa, nếu đứng xiên một phía mà trông thì giống một chiếc răng nanh dựng ngược, còn đứng dưới mặt mà ngó thì tương tợ một nấm vú vung (theo truyền thuyết thì Độc là một mình; nhưng Đại Nam Nhất Thống Chí chép chữ Độc là con bò nghé). Do đó núi lại có tên nữa là Bút Sơn.
-
- Tây Sơn
- Tên cuộc khởi nghĩa nông dân của ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ, đồng thời cũng là tên vương triều được lập ra từ cuộc khởi nghĩa này và kéo dài từ 1788 đến 1802. Khởi nghĩa và vương triều Tây Sơn có công rất lớn trong việc bình định đất nước, chấm dứt thời kì loạn lạc Trịnh-Nguyễn phân tranh, đồng thời giữ vững bờ cõi trước sự xâm lược của quân Thanh. Tây Sơn gắn liền với hình ảnh người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ.
-
- Mai Xuân Thưởng
- Một sĩ phu và lãnh tụ phong trào kháng Pháp cuối thế kỷ 19 ở Bình Định. Ông sinh năm 1860 tại thôn Phú Lạc, xã Bình Thành, huyện Tuy Viễn (nay là huyện Tây Sơn). Năm 1885 ông hưởng ứng chiếu Cần Vương, trở về quê Phú Lạc chiêu mộ nghĩa sĩ, lập căn cứ chiến đấu, đến năm 1887 thì cuộc khởi nghĩa thất bại, ông bị giặc bắt và xử trảm tại Gò Chàm (phía đông thành Bình Định cũ). Thi hài ông sau đó được đưa về táng tại Cây Muồng (nơi cha ông đã yên nghỉ), thuộc thôn Phú Lạc.
Do từng đậu cử nhân và là con thứ bảy trong gia đình, ông còn có tục danh là ông Bảy Cử.
-
- Can trường
- Cũng đọc là can tràng, nghĩa đen là gan (can) và ruột (trường), nghĩa bóng chỉ nỗi lòng, tâm tình.
Chút riêng chọn đá thử vàng,
Biết đâu mà gửi can tràng vào đâu?
(Truyện Kiều)
-
- Hồng
- Loại cây cho trái, khi chín có màu vàng cam hoặc đỏ. Tùy theo giống hồng mà quả có thể giòn hoặc mềm, ngọt hoặc còn vị chát khi chín.
-
- Vông nem
- Còn gọi là cây vông, một loại cây thân có thể cao đến mười mét, có nhiều gai ngắn. Lá vông thường được dùng để gói nem hoặc để làm thuốc chữa bệnh trĩ, mất ngủ…
-
- Củ ấu
- Một loại củ có vỏ màu tím thẫm, có hai sừng hai bên, được dùng ăn độn hoặc ăn như quà vặt.
-
- Tỉnh Hà Nội
- Một trong số 13 tỉnh được thành lập sớm nhất ở Bắc Kỳ, lập vào năm 1831 dưới thời Minh Mạng.
Tỉnh Hà Nội gồm có 4 phủ: Hoài Đức (kinh thành Thăng Long cũ và huyện Từ Liêm thuộc phủ Quốc Oai của tỉnh Sơn Tây), các phủ Ứng Hòa, Lý Nhân, Thường Tín của trấn Sơn Nam Thượng. Tỉnh lỵ là thành Thăng Long cũ. Phủ Ứng Hòa có 4 huyện Chương Đức (sau đổi là Chương Mỹ), Hoài An, Sơn Minh và Thanh Oai. Phủ Lý Nhân có 5 huyện Bình Lục, Duy Tiên, Kim Bảng, Nam Xương và Thanh Liêm. Phủ Thường Tín có 3 huyện Phú Xuyên, Thanh Trì và Thượng Phúc. Tổng cộng tỉnh Hà Nội có 15 huyện thuộc 4 phủ trên.
-
- Má hồng
- Từ chữ hồng nhan (cũng nói là hường nhan ở Nam Bộ), từ dùng trong văn thơ cổ chỉ người con gái đẹp.
Phận hồng nhan có mong manh
Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương
(Truyện Kiều)
-
- Quai thao
- Còn gọi quai tua, phần quai để giữ nón quai thao. Một bộ quai thao gồm từ hai đến ba sợi thao (dệt từ sợi tơ) bện lại với nhau, gọi là quai kép, thả võng đến thắt lưng. Khi đội phải lấy tay giữ quai ở trước ngực để tiện điều chỉnh nón.
-
- Thầy mẹ
- Cha mẹ (phương ngữ miền Bắc).
Con đi mười mấy năm trời,
Một thân, một bóng, nửa đời gió sương.
Thầy đừng nhớ, mẹ đừng thương,
Cầm như đồng kẽm ngang đường bỏ rơi!
Thầy mẹ ơi, thầy mẹ ơi,
Tiếc công thầy mẹ đẻ người con hư!
(Thư gửi thầy mẹ - Nguyễn Bính)
-
- Dao lá trúc
- Dao sắc bén và mỏng như lá trúc.
-
- Giấm thanh
- Thứ giấm có vị chua thanh, được làm từ rượu và các loại tinh bột hoặc trái cây.
-
- Thiên hạ
- Toàn bộ mọi vật, mọi người. Đây là một khái niệm có gốc từ Trung Quốc (thiên 天 (trời) hạ 下 (ở dưới), nghĩa đen là "dưới gầm trời").
"Nào ta biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ." (Chữ người tử tù - Nguyễn Tuân)
-
- Hồ đồ
- Không phân biệt rõ ràng đúng sai, kết luận vội vàng.
-
- Cau
- Loại cây nhiều đốt, thân nhỏ và cao vút, có quả dùng để ăn với trầu.
-
- Phủ
- Tên gọi một đơn vị hành chính thời xưa, cao hơn cấp huyện nhưng nhỏ hơn cấp tỉnh. Đứng đầu phủ gọi là quan phủ, cũng gọi tắt là phủ.
-
- Phú quý
- Giàu có và sang trọng (từ Hán Việt).
-
- Vinh hoa
- Vẻ vang, được hưởng sung sướng về vật chất (từ Hán Việt).
-
- Gàu sòng
- Thứ gàu có cán dài, treo vào một cái gạc ba chân, một người tát.
-
- Gàu giai
- Có nơi gọi là gàu dây, dụng cụ nhà nông dùng để tát nước cho lúa hoặc tát ao, tát đầm khi bắt cá. Gàu giai được đan bằng tre, nứa hoặc mây. Khi tát nước, hai người đứng hai bên, mỗi người nắm một đầu thừng để cùng tát.
-
- Lê Thái Tổ
- Tên húy là Lê Lợi, sinh năm 1385, mất năm 1433, thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, đánh đuổi quân Minh, giành lại độc lập, sáng lập nhà Hậu Lê. Ông được đánh giá là một vị vua vĩ đại và là anh hùng giải phóng dân tộc trong lịch sử nước ta. Đương thời ông tự xưng là Bình Định vương.
-
- Lê Thái Tông
- Hoàng đế thứ hai của nhà Hậu Lê (ở ngôi từ năm 1433 đến 1442). Ông sinh ra tại Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa, tên thật là Lê Nguyên Long, con thứ hai của vua Lê Thái Tổ và hoàng hậu Phạm Thị Ngọc Trần. Thái Tông kế vị khi mới 11 tuổi nhưng đã tỏ ra là vị vua anh minh. Ông trọng dụng các đại thần chính trực như Nguyễn Trãi, Nguyễn Xí, Đinh Liệt và giáng chức những quyền thần như Lê Sát, Lê Ngân. Dưới thời Lê Thái Tông, trăm họ được hưởng thái bình thịnh trị.
-
- Bàu
- Chỗ sâu trũng như ao vũng, thường ở ngoài đồng.
-
- Phượng hoàng
- Một loài chim trong thần thoại Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng. Trước đây, con trống được gọi là Phượng (hay phụng) còn con mái được gọi là Hoàng, nhưng ngày nay thì sự phân biệt đực, cái đã gần như không còn, và phượng hoàng được xem là giống cái, trong khi rồng được xem là giống đực. Phượng hoàng là vua của các loài chim, tượng trưng cho sự thanh cao.
-
- Loan
- Theo một số điển tích thì phượng hoàng là tên chung của một loại linh vật: loan là con mái, phượng là con trống. Cũng có cách giải nghĩa khác về loan, mô tả loan là một loài chim giống với phượng hoàng. Trong văn thơ cổ, loan và phụng thường được dùng để chỉ đôi vợ chồng hoặc tình cảm vợ chồng (đèn loan, phòng loan...)
Nào người phượng chạ loan chung,
Nào người tiếc lục tham hồng là ai
(Truyện Kiều)
-
- Gởi
- Gửi (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Thời
- Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
-
- Mạ
- Cây lúa non. Sau khi ngâm ủ thóc giống, người ta có thể gieo thẳng các hạt thóc đã nảy mầm vào ruộng lúa đã được cày, bừa kỹ hoặc qua giai đoạn gieo mạ trên ruộng riêng để cây lúa non có sức phát triển tốt, sau một khoảng thời gian thì nhổ mạ để cấy trong ruộng lúa chính.
-
- Tỉ
- So sánh, ví dụ, giống như.
-
- Tăng Tử
- Tên thật là Tăng Sâm (曾参), tự Tử Dư, một trong những học trò xuất sắc nhất của Khổng Tử. Ông làm ra sách Đại học gồm 10 thiên và là một trong Tứ thư của Nho gia (cùng với Trung dung, Luận ngữ và Mạnh Tử). Tăng Sâm cũng nổi tiếng là người con có hiếu, tương truyền khi mẹ ông cắn ngón tay thì ông cảm thấy đau quặn trong lòng.
-
- Tử Lộ
- Tự là Trọng Do, một trong những học trò của Khổng Tử, là một người con rất hiếu thảo. Tương truyền thuở thiếu thời, Tử Lộ thường lên rừng cách xa cả trăm dặm đốn củi, sau đó đem bán lấy tiền, mua gạo đội về nuôi cha mẹ. Sau khi cha mẹ mất, ông sang nước Sở, được vua Sở trọng dụng, phong ban tước cao sang, cấp nhiều bổng lộc, nhưng vẫn thường than phiền là không còn cha mẹ để được phụng dưỡng như xưa, để ngày ngày đội gạo, bữa bữa nấu canh rau. Câu nói nổi tiếng "Mộc dục tịnh nhi phong bất đình, tử dục dưỡng nhi thân bất tại" (cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng, con muốn nuôi mà cha mẹ không còn sống) là của Tử Lộ.
-
- Vương Khải
- Quan Hậu tướng quân nhà Tây Tấn trong lịch sử Trung Quốc, em của Văn Minh hoàng hậu, nhà rất giàu có, ăn chơi xa xỉ. Ông và Thạch Sùng từng có cuộc thi xem nhà ai có nhiều của báu hơn. Ở Nam Bộ, tên ông này cũng được phát âm thành Dương Khởi.
-
- Thạch Sùng
- Tên một vị quan nhà Tây Tấn trong lịch sử Trung Quốc, nổi tiếng là nhân vật xa hoa giàu có đương thời. Giữa ông và Vương Khải từng có cuộc thi xem nhà ai giàu có hơn. Cũng vì gia sản này mà Thạch Sùng gặp tai họa, bị triều thần chém chết năm 52 tuổi.
Trong kho tàng cổ tích Việt Nam có truyện Thạch Sùng còn thiếu mẻ kho, theo đó Thạch Sùng là một phú hộ giàu có, tự đắc rằng nhà không thiếu thứ gì. Vương Khải cược với Thạch Sùng toàn bộ gia sản, cuối cùng khi đòi đến mẻ kho thì Thạch Sùng không có, đành chịu mất hết cơ nghiệp. Ông chết hoá thành con thạch sùng, suốt ngày chắc lưỡi tiếc của.
-
- Âm phủ
- Cũng gọi là âm ty, âm cung, một khái niệm trong tín ngưỡng dân gian của nhiều dân tộc. Theo đó, linh hồn của người chết sẽ được đưa đến âm phủ, được luận xét công tội khi còn là người trần, sau đó tuỳ mức độ công tội mà được đưa đi đầu thai (thành người hoặc vật) hoặc phải chịu các hình phạt khủng khiếp. Trong văn hoá Trung Hoa và Việt Nam, âm phủ cũng có hệ thống như trần gian: đứng đầu âm phủ là Diêm Vương (cũng gọi là Diêm La Vương, nên âm phủ còn có tên là Điện Diêm La), dưới là các phán quan, cuối cùng là các quỷ dạ xoa.
-
- Bá quan
- Từ chữ Hán Việt bá 百 (trăm), và quan 官 (quan lại), chỉ tất cả các quan lại trong triều đình. Cũng nói là bá quan văn võ.
-
- Nam Vang
- Tên tiếng Việt của thành phố Phnom Penh, thủ đô nước Campuchia. Vào thời Pháp thuộc, để khai thác triệt để tài nguyên thuộc địa, chính quyền thực dân cho thành lập công ty tàu thủy, mở nhiều tuyến đường sông từ Sài Gòn và các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, vận chuyển hành khách, thổ sản, hàng hoá các loại đến Nam Vang, và ngược lại. Do đời sống quá khổ cực, nhiều người Việt Nam đã đến lập nghiệp tại Nam Vang.
-
- Tiền Giang
- Tên một nhánh của sông Cửu Long, gồm có bốn nhánh nhỏ hơn đổ ra biển Đông qua sáu cửa là Tiểu, Đại, Ba La, Hàm Luông, Cổ Chiên và Cung Hầu. Trên lãnh thổ Việt Nam, Tiền Giang chảy qua các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre và Trà Vinh.
-
- Thơ
- Thư (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Thanh Trì
- Một địa danh trước đây thuộc phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông, đến năm 1961 được sát nhập và Hà Nội. Lần lượt vào năm 2001 và 2003, một phần của Thanh Trì được cắt ra để thành lập quận Thanh Xuân và quận Hoàng Mai. Thanh Trì nằm ở hữu ngạn sông Hồng, với nhiều ao, hồ, đầm. Tên cổ của huyện là Thanh Đàm có nghĩa là "đầm xanh," chính là dựa vào đặc điểm địa hình của huyện, đến thế kỉ 16 do kị húy vua Lê Thế Tông (Lê Duy Đàm) nên đổi thành Thanh Trì (ao xanh). Tại đây có món đặc sản rất nổi tiếng là bánh cuốn Thanh Trì.
-
- Bì
- Da (từ Hán Việt).
-
- Rá
- Đồ đan bằng tre có vành (gọi là cạp), dùng để đựng gạo hoặc nông sản.
-
- Giòn
- Xinh đẹp, dễ coi (từ cổ).
-
- Gá nghĩa
- Kết nghĩa (gá nghĩa vợ chồng, gá nghĩa anh em), tiếng miền Nam còn đọc trại thành gá ngãi.
-
- Thân phụ
- Cha (từ Hán Việt).
-
- Nguyệt Lão
- Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.
-
- Chỉ mành
- Sợi chỉ mỏng manh. Từ này thường dùng để chỉ những sự vật, sự việc không chắc chắn.
-
- Anh hào
- Anh hùng hào kiệt, người có tài năng, chí khí. Hội anh hào là dịp để anh hào gặp và thi thố lẫn nhau để lập nên những công trạng hiển hách.
Đường đường một đấng anh hào,
Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài.
(Truyện Kiều)