Anh thời chẻ nứa đan sàng,
Còn lưng bát cháo em đang để dành.
Em đi tỉa cải nấu canh,
Em rang đỗ nành, em hái tầm tơi
Ba thứ rau em nấu ba mùi,
Em đơm năm bát, em mời chàng ăn.
Tìm kiếm "nam mô"
-
-
Ca dao tế mẹ
Trời hỡi trời! Sao dời vật đổi
Nên chi cỏ héo hoa sầu!
Kể từ ngày nương tựa lều tranh
Công ơn mẹ kể không xiết kể!
Tuần cay đắng chín trăng có lẻ
Chữ sinh thành nghĩa mẹ tày non
Bên ướt mẹ nằm bên ráo phần con.
Mẹ nuôi con vuông tròn khôn lớn
Cho con xin đền miếng ngọt mùi ngon … -
Đêm qua trăng sáng mập mờ
Đêm qua trăng sáng mập mờ
Em đi gánh nước tình cờ gặp anh
Vào vườn trẩy quả cau xanh
Bổ ra làm sáu trình anh xơi trầu
Trầu này têm những vôi tàu
Ở giữa đệm quế, đôi đầu thơm cay
Mời anh xơi miếng trầu này
Dù mặn dù nhạt, dù cay dù nồng
Dù chẳng nên đạo vợ chồng
Xơi năm ba miếng kẻo lòng nhớ thương
Cầm lược lại nhớ tới gương
Cầm khăn nhớ túi, nằm giường nhớ nhauDị bản
Sáng trăng, sáng tỏ mập mờ,
Em đi gánh nước tình cờ gặp anh
Vô vườn bẻ trái cau xanh
Bửa làm sáu miếng mời anh ăn trầu
Trầu em trầu thảm trầu sầu,
Ở giữa thì quế, hai đầu sâm nhungSớm mai gánh nước mờ mờ
Đi qua ngõ giữa tình cờ gặp anh
Vào vườn hái quả cau xanh
Bổ ra làm tám mời anh xơi trầu
Trầu nầy ăn thật là cay
Dù mặn dù lạt dù cay dù nồng
Dù chẳng nên vợ nên chồng
Xơi năm ba miếng kẻo lòng nhớ thương
Cầm lược thì nhớ tới gương
Cầm trầu nhớ túi, nằm giường nhớ nhau
-
Rủ nhau đi gánh nước thuyền
-
Vè lo lót
Sáp vàng hai bánh
Yến huyết một cân
Mứt bí, mứt gừng
Trà Tàu, trà Huế
Mứt chanh, mứt khế
Cam rim, hồng rim
Đường phổi, đường đá
Tôm khô, vi cá
Đồm độp, gân nai
Bột báng, bột khoai
Dầu thông, mắm muối … -
Bấy lâu ta ở với ta
Bấy lâu ta ở với ta
Bây giờ có Phú Lang Sa lọt vào
Bây giờ đất thấp trời cao
An Nam, Quảng Tống phải vào lụy Tây
Bây giờ khố bẹ đi giày
Bờ lau lên phố, đĩ nay lên bà
Mấy đời khoai sắn nở hoa
Thau rau đắc thế, trẻ già thất kinh
Bấy lâu vua trị một mình
Bây giờ Nhà nước đã rành chia đôi
Văn nhân khoa mục ở rồi
Những phường dốt nát lên ngồi làm quan
Những anh phơ phất loàng xoàng
Làm bồi làm bếp ra ràng cậu chiêu
Các quan trung nghĩa trong triều
Về nhà ngồi xó liệu chiều thủ thân
Những quân vô nghĩa, nịnh thần
Tìm thầy, tìm cách lần lần thăng quan
Trị dân lắm sự tham tàn
Kiếm tiền kiếm bạc mới toan bằng lòng
Muốn cho bể lặng, sông trong
Cách hết lũ ấy mới mong thái bình -
Chiều chiều lại nhớ chiều chiều
Chiều chiều lại nhớ chiều chiều
Nhớ nồi cơm nguội, nhớ siêu nước chè
Nhớ hồi lên ngựa xuống xe
Nhớ bát nước chè, nhớ tộ đường non
Cá mòi, cá nục y con
Thịt heo y khúc lòng còn ước mơ
Nhớ khi rau muống bò bờ
Nhớ khi con nhện giăng tơ mới vào
Nhớ lê, nhớ lựu, nhớ đào
Đêm nằm tơ tưởng, chiêm bao mơ màng
Trông đò chẳng thấy đò sang
Cầm giằng quên gặt, nhớ đến nghĩa nàng, nàng ơi! -
Hoàng triều Bảo Đại tứ niên
-
Bài này có từ ngữ và/hoặc nội dung nhạy cảm.
Hãy cân nhắc trước khi bấm xem.Tôi cưới bà từ thuở mười lăm
Tôi cưới bà từ thuở mười lăm
Vợ chồng hủ hỉ ăn nằm với nhau
Nhớ hồi nào bà ốm bà đau
Tôi lo thang thuốc cho bà mau chóng lành
Bây giờ bà béo nước bà ngọt canh
Bà quên đi cái nghĩa ba sinh thuở nào
Tôi nói ra chẳng phải tính công lao
Tôi nuôi bà mập ú cặp nhũ bà tròn inh
Bây giờ bà bạc nghĩa bạc tình
Để tôi ngậm đắng cũng chịu đành vậy thôi
Gia tài chẳng có là bao
Chỉ có cái cối giã gạo của tôi với bà
Mai này lỡ có ra tòa
Bà rinh cái cối tôi na cái chày
Đêm về ngẫm nghĩ gác tay
Cái cối bà lạnh lẽo mới sang mượn cái chày của tôi. -
Chị bảo tôi lấy làm Hai
Chị bảo tôi lấy làm Hai
Suốt một đêm dài chị nói vân vi
Nhà chị chẳng thiếu thứ chi
Muốn mặc của gì chị sắm cho ngay
Bây giờ chị gọi: bớ Hai!
Mau mau trở dậy thái khoai đâm bèo
Thưa chị: cám bã còn nhiều
Rau khoai em thái từ chiều hôm qua
Xin chị cứ ở trong nhà
Nồi cơm ấm nước đã là có em
Đêm đêm chị nổi cơn ghen
Chị phá bức thuận, chị len mình vào
Tay chị cầm một con dao
Chị nổi máu hồng bào, nhà cửa tan hoang
Hầm hầm mặt đỏ như vang
Chị la, năm bảy xã làng đổ ra -
Tài trai đâu đáng tài trai
Tài trai đâu đáng tài trai
Tổ tôm xóc đĩa dông dài cả đêm
Canh trước tướng hãy còn tiền
Canh sau thua hết, ngồi bên lọ hồ
Cái ngoảnh đi, đưa tay thò
Cái ngoảnh lại, giả đò chén say
Còn tiền đánh cái cũng hay
Hết tiền đi ngủ, cũng hay giật mình
Tưởng sự tình, bạc nầy hai sấp
Chẳng ai ngờ, nó lại sấp ba … -
Mẹ em tham giàu khiến em lấy thằng bé tỉ tì ti
Mẹ em tham giàu khiến em lấy thằng bé tỉ tì ti
Làng trên chạ dưới thiếu gì trai tơ!
Em trót đem thân cho thằng bé nó giày vò,
Đên đông tháng giá, nó nằm co trong lòng.
Em cũng mang thân là gái có chồng,
Chín đêm chực tiết, nằm không cả mười!
Em nói ra đây sợ chúng chị em cười,
Má hồng bỏ quá, thiệt đời xuân xanh!
Em cũng liều thằng bé trẻ ranh
Sờ mó qua quýt, năm canh cho nó đỡ buồn!
Em buồn, em lại nhấc thằng bé nó lên trên,
Nó còn bé dại đã nên cơm cháo gì!
Nó ngủ nó ngáy tì tì,
Một giấc đến sáng còn gì là xuân!
Chị em ơi! Hoa nở mấy lần? -
Trách thân mà lại giận trời
Trách thân mà lại giận trời,
Trách chàng quân tử ở ra người thờ ơ.
Phòng không để thiếp đợi chờ,
Năm canh vò võ những là thở than.
Nào khi họp mặt chén vàng,
Non nguyền biển hẹn tưởng chàng chẳng quên.
Ai ngờ ra dạ bạc đen,
Say bên nhan sắc bỏ bên ngãi tình.
Để cho em vò võ một mình,
Tương tư khắc khoải, bệnh thất tình đầy vơi.
Trách thân mà lại giận trời. -
Hỡi anh làm thợ nơi nao
Hỡi anh làm thợ nơi nao
Để em gánh đục, gánh bào đi theo
Cột queo anh đẽo cho ngay
Anh bào cho thẳng, anh xoay một bề
Bốn cửa chạm bốn con nghê
Bốn con nghê đực chầu về xứ Đông
Bốn cửa chạm bốn con rồng
Ngày thời rồng ấp tối thời rồng leo
Bốn cửa chạm bốn con mèo
Đêm thời bắt chuột, ngày leo xà nhà
Bốn cửa chạm bốn con gà
Đêm thì gà gáy, ngày ra bới vườn
Bốn cửa chạm bốm con lươn
Ngày thì chui ống tối trườn xuống ao
Bốn cửa chạm bốn con dao
Chăm thì liếc sắc, chăm chào thì quen
Bốn cửa chạm bốn cây đèn
Ngày thì đèn tắt tối thì đèn chong
Bốn cửa chạm bốn cái cong
Để em gánh nước tưới hồng tưới hoa
Ngày mai khi anh về nhà
Trăm năm em gọi anh là chồng em -
Bài ca người lính hôm nay
Trải bao cuộc chiến, thắng rồi,
Nay thời dân lính về ngơi, kiếm nghề:
Đầu đường đại tá vá xe,
Giữa đường trung tá bán chè đậu đen
Cuối đường thiếu tá bán kem,
Trong làng đại úy thổi kèn đám ma
Trước sân thượng úy nuôi gà,
Đầu hồi trung úy chăm và chú heo
Ao sâu thiếu úy vớt bèo,
Vườn sau thượng sĩ leo trèo bẻ cau
Gốc đa trung sĩ cúp đầu,
Bờ đê hạ sĩ hái rau “tập tàng”
Xóm ngoài binh nhất vót nan,
Xóm trong binh nhị gảy đàn ống bơ
Ca rằng “trí dũng có thừa…”
Bởi “chiến tranh” mới ra cơ sự này!Dị bản
Đầu đường đại tá vá xe
Giữa đường trung tá bán chè đậu đen
Cuối đường thiếu tá bán kem
Về hưu đại úy thổi kèn đám ma
Thượng úy thì đi buôn gà
Trung úy về nhà lại bám đít trâu
Hỏi rằng thiếu úy đi đâu
Ba lô lộn ngược nhảy tàu Bắc NamĐầu đường đại tá vá xe
Cuối đường trung tá bán chè đỗ đen
Đại úy thì bán dầu đèn
Để cho trung úy thổi kèn đám ma
-
Ai ơi phải nghĩ trước sau
Ai ơi phải nghĩ trước sau
Đừng tham lắm của nhà giàu làm chi
Làm thì xem chẳng ra gì
Làm tất làm tả, nói thì điếc tai
Đi ngủ thì hết canh hai
Thức khuya dậy sớm, mình ai dãi dầu
Sớm ngày đi cắt cỏ trâu
Trưa về lại bảo: ngồi đâu, không đầy
Hết mẹ rồi lại đến thầy
Gánh cỏ có đầy cũng nói rằng vơi
Nói thì nói thật là dai
Lắm câu chua cạnh, đắng cay trăm chiều
Phận em là gái nhà nghèo
Lấy phải chồng giàu, ai thấu cho chăng
Nói ra đau đớn trong lòng
Chịu khổ chịu nhục suốt trong một đời -
Tháng giêng ăn tết ở nhà
Tháng giêng ăn tết ở nhà
Tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè
Tháng tư đong đậu nấu chè
Ăn tết Đoan Ngọ trở về tháng năm
Tháng sáu buôn nhãn bán trâm
Tháng bảy ngày rằm, xá tội vong nhân
Tháng tám chơi đèn kéo quân
Trở về tháng chín chung chân buôn hồng
Tháng mười buôn thóc, bán bông
Tháng một tháng chạp nên công hoàn thành. -
Vè đi ở
Tóc quăn chải lược đồi mồi
Chải đứng chải ngồi, quăn vẫn hoàn quăn
Nên thì tớ ở tớ ăn
Không nên tớ giã đầu quăn tớ về.
Tháng năm công việc ê hề
Thằng ở ra về, chủ phải cưỡi trâu.
Giã ơn chúng bạn chăn trâu,
Tớ về đồng bãi hái dâu, chăn tằm.
Tớ ở chưa được nửa năm,
Chủ nhà mắng tớ, tớ nằm không yên … -
Nghĩ rằng em đã có chồng rồi
Nghĩ rằng em đã có chồng rồi,
Sao em chưa có, đứng ngồi vân vi?
– Ôi thầy mẹ ơi, cấm đoán con chi!
Mười lăm mười tám, sao chẳng cho đi lấy chồng?
Ôi ông trời ơi, ông ở bất công,
Người ta có cả, sao tôi không có gì?
Một mai quá lứa, nhỡ thì,
Tuổi già kéo đến còn gì là xuân!
Đêm nằm vuốt bụng khấn thầm,
Xin ông thí bỏ một chồng cho xong.
Rồi tôi sẽ tạ ơn ông,
Con bò to béo, cho xứng với anh chồng béo to!Dị bản
Anh nghĩ rằng em đã có chồng rồi,
Sao em chưa có, đứng ngồi vân vi?
– Ôi thầy mẹ ơi, cấm đoán em chi!
Mười lăm mười tám, sao chưa cho đi lấy chồng?
Ới ông trời ơi, sao ông ở không công?
Người ta có cả, sao tôi không có gì?
Duyên em đã lỡ, em trách ông Tơ Hồng sao ông khéo trêu ngươi
Cứ đêm đêm tôi nằm, tôi vuốt bụng, tôi gọi Trời,
Xin ông thí bỏ cho tôi chút chồng.
Tôi về làm lễ tế ông,
Mổ con bò béo, ông cho tôi lấy anh chồng cho nó to,
Bõ công ôi đi mượn chú lái mổ bò.
-
Nắng lên cho mối bắt gà
Nắng lên cho mối bắt gà
Một trăm đàn bà đánh giặc cho vua
Con tép nó kẹp con cua
Một bầy cá mại cõng rùa đi ăn
Chồn đèn cắn cổ chó săn
Chuột kêu chút chít, đòi ăn con mèo
Chó chạy, chồn rượt đuổi theo
Chuột gặm chân mèo, muỗi đốt cánh dơi
Cây cao bóng mát chơi vơi
Gà con tha quạ lên ngồi cành tre
Con voi ấp trứng sau hè
Gà con đi kiện, vịt què vô Nha
Nực cười rết nuốt trứng gà
Đàn ông có chửa, đàn bà có râu
Trai tơ sắm cối giã trầu
Bà già bạc đầu nằm ngửa trong nôi
Chẳng tin đốt đuốc mà coi
Thầy chùa đang ướp cá mòi nấu chay
Chú thích
-
- Thời
- Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
-
- Nứa
- Loài cây cùng họ với tre, mình mỏng, gióng dài, mọc từng bụi ở rừng, thường dùng để đan phên và làm các đồ thủ công mĩ nghệ. Ống nứa ngày xưa cũng thường được dùng làm vật đựng (cơm, gạo, muối...).
-
- Sàng
- Đồ đan bằng tre, hình tròn, lòng nông, có lỗ nhỏ và thưa, thường dùng để làm cho gạo sạch thóc, trấu và tấm. Hành động dùng cái sàng mà lắc cho vật vụn rơi xuống, vật to còn lại cũng gọi là sàng.
-
- Đậu nành
- Một giống đậu rất phổ biến ở nước ta và trên cả thế giới. Hạt đậu nành được sử dụng rất đa dạng, bao gồm dùng trực tiếp (rang, luộc, nấu canh, nấu chè...) hoặc chế biến thành đậu phụ, ép thành dầu đậu nành, nước tương, làm bánh kẹo, sữa...
-
- Mồng tơi
- Một số địa phương phát âm thành "mùng tơi" hay "tầm tơi", loại dây leo quấn, mập và nhớt. Lá và đọt thân non của mồng tơi thường được dùng để nấu canh, ăn mát và có tính nhuận trường. Nước ép từ quả dùng trị đau mắt.
-
- Đơm
- Lấy, xới cơm hay xôi từ nồi vào vật đựng khác (đơm xôi, đơm cơm).
-
- Trăng
- Chỉ tháng, thu: chỉ năm. Cách nói của người xưa.
-
- Vuông tròn
- Toàn vẹn, tốt đẹp về mọi mặt.
-
- Cau
- Loại cây nhiều đốt, thân nhỏ và cao vút, có quả dùng để ăn với trầu.
-
- Trầu
- Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.
Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.
Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.
-
- Quế
- Một loại cây rừng, lá và vỏ có tinh dầu thơm. Vỏ quế ăn có vị cay, là một vị thuốc quý (Quế chi) trong các bài thuốc Đông y. Trong văn học cổ, cây quế thường tượng trưng cho sự thanh cao, đẹp đẽ.
-
- Bửa
- Bổ (phương ngữ miền Trung).
-
- Nhân sâm
- Loại cây thân thảo, củ và rễ được sử dụng làm thuốc từ rất lâu đời tại nhiều nước châu Á. Gọi là nhân sâm vì củ sâm có hình dáng hao hao giống người (nhân). Nhân sâm là một vị thuốc rất quý, chữa được nhiều loại bệnh, bổ sung trí lực, đôi khi được thần thoại hóa thành thuốc cải tử hoàn sinh.
-
- Nguyệt Lão
- Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.
-
- Sáp vàng
- Tổ ong được nấu hoặc phơi cho chảy, rồi lọc, cô đặc thành bánh. Sáp ong từng được xem là sản vật quý hiếm, và nay vẫn được đánh giá cao vì giá trị dinh dưỡng và các lợi ích sức khỏe mà nó mang lại.
-
- Đường phổi
- Loại đường được nấu từ mật mía, được đúc thành bánh màu trắng hơi vàng, xốp và giòn, vị ngọt thanh. Đường phổi là đặc sản riêng của Quảng Ngãi. Có tên gọi đường phổi là do hình dạng thỏi đường nhìn tựa lá phổi.
-
- Vi cá
- Vây cá mập, được xem là món ăn bổ dưỡng, quý hiếm, và rất đắt đỏ.
-
- Hải sâm
- Tên dân gian là đồn đột, đột ngậu, đồm độp, đỉa biển hay nhím biển, là tên gọi chung của một nhóm động vật biển có thân hình thuôn dài, da có lông, có xương trong nằm ngay dưới da. Hải sâm được xem là một loại thức ăn rất bổ dưỡng và có nhiều công dụng trị bệnh.
-
- Báng
- Giống cây lâu năm thuộc họ Cau, còn có tên gọi khác là đoác, co pảng, quang lang, bụng báng, búng báng, báng búng. Ở ta báng mọc nhiều ở các chân núi ẩm, chân núi đá vôi, rừng thứ sinh. Bột bên trong lõi cây có thể ăn hay làm đồ uống. Báng còn được trồng làm cảnh vì dáng đẹp. Rượu báng là một đặc sản của các vùng núi đá cao (Tây Bắc).
-
- Dầu thông
- Tinh dầu được chưng cất từ lá, cành non và quả của một số loài thông. Dầu thông có tác dụng tẩy uế, làm đẹp và trị một số bệnh ngoài da.
-
- Lang Sa
- Pha Lang Sa, Phú Lang Sa, Phú Lãng Sa, hay Lang Sa đều là những cách người Việt thời trước dùng để chỉ nước Pháp, ngày nay ít dùng. Các tên gọi này đều là phiên âm của từ "France".
-
- Quảng Tống
- Cách nói của Quảng Đông, chỉ người Hoa.
-
- Thau rau
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Thau rau, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Văn nhân
- Người viết văn hoặc có kiến thức về văn học; người trí thức.
Trông chừng thấy một văn nhân,
Lỏng buông tay khấu bước lần dặm băng.
(Truyện Kiều)
-
- Khoa mục
- Những danh mục, hạng, loại trong khoa cử thời phong kiến, như Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, Hoàng giáp... Những người đỗ đạt ngày xưa cũng gọi là người khoa mục.
-
- Phường
- Nhóm người, bọn (thường dùng với nghĩa thiếu tôn trọng).
Con này chẳng phải thiện nhân
Chẳng phường trốn chúa, thì quân lộn chồng
(Truyện Kiều)
-
- Bồi
- Người hầu hạ, giúp việc, thường là nam giới nhỏ tuổi. Từ này có gốc là phiên âm của từ tiếng Anh boy.
Biết thân, thuở trước đi làm quách,
Chẳng kí, không thông, cũng cậu bồi!
(Than nghèo - Tú Xương)
-
- Cậu ấm cô chiêu
- Chiêu là từ chỉ học vị tiến sĩ thời Lê còn ấm là chức tước do triều đình ban cho con cháu các quan từ ngũ phẩm trở lên. Con cái những người này được gọi là "cậu ấm," "cô chiêu," sau được dùng để chỉ chung con cái những nhà giàu có.
-
- Cách
- Tước bỏ chức tước, phẩm hàm, công việc.
-
- Chè
- Cũng gọi là trà, tên chung của một số loại cây được trồng lấy lá nấu thành nước uống. Một loại có thân mọc cao, lá lớn và dày, có thể hái về vò nát để nấu uống tươi, gọi là chè xanh. Loại thứ hai là chè đồn điền du nhập từ phương Tây, cây thấp, lá nhỏ, thường phải ủ rồi mới nấu nước, hiện được trồng ở nhiều nơi, phổ biến nhất là Thái Nguyên và Bảo Lộc thành một ngành công nghiệp.
-
- Tộ
- Cái tô bằng đất nung, thường dùng để kho thịt, cá. Những món kho trong tộ gọi là kho tộ (thịt heo kho tộ, cá lóc kho tộ...)
-
- Đường non
- Đường được tạo thành từ mía qua một giai đoạn gọi là nấu đường. Nước ép mía được đổ vào những chảo gang, đặt trên lò lửa. Thợ lò chờ nước đường được nấu đến “độ” thì múc ra thùng gỗ, dùng chày đánh nước đường cho sánh đặc lại rồi rót vào những cái bát to làm bằng nhôm, có phết một lớp dầu phộng (để dễ gỡ đường). Một lát sau đường nguội thì gỡ ra, xếp theo cặp, cho vào những chiếc rổ to gánh về phơi cho khô. Loại đường này gọi là đường bát hay đường tán.
Đường non là nước đường nấu chưa tới "độ." Thợ lò múc một ít đường, đổ vào bẹ chuối và nghiêng cho đường tráng đều bẹ chuối là được. Khi đường non nguội thì sánh lại và có màu vàng, dẻo, vị ngọt thanh, rất thơm ngon.
-
- Cá mòi
- Một loại cá thuộc họ cá trích, có tập tục bơi thành đàn từ biển ngược lên nguồn vào tháng giêng để đẻ trứng, vì vậy nhân dân ta thường giăng lưới bắt cá mòi ở sông vào dịp này. Cá mòi ngon nhất là trứng cá, và thường được chế biến thành các món nướng, món kho. Cá mòi có hai loại: cá mòi lửa và cá mòi he.
-
- Cá nục
- Một loại cá biển, có rất nhiều ở các vùng biển miền Trung. Cá nục được dùng làm nguyên liệu chính cho nhiều món ăn ngon như cá nục sốt cà, cá nục kho, cá nục hấp cuốn bánh tráng...
-
- Lê
- Một loại cây cho quả ngọt, nhiều nước, thịt hơi xốp. Nước ép quả lê có thể dùng làm thạch, mứt trái cây, hoặc ủ men làm rượu. Gỗ lê là một loại gỗ tốt, được dùng làm đồ nội thất, chạm khắc... Lê là một hình ảnh mang tính ước lệ thường gặp trong ca dao tục ngữ, tượng trưng cho người con trai hoặc con gái.
-
- Lựu
- Một loại cây ăn quả có hoa màu đỏ tươi, thường nở vào mùa hè. Quả khi chín có màu vàng hoặc đỏ, trong có rất nhiều hạt tròn mọng, sắc hồng trắng, vị ngọt thơm. Vỏ, thân, rễ lựu còn là những vị thuốc Đông y.
Dưới trăng quyên đã gọi hè
Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông
(Truyện Kiều)Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, mơ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.
-
- Đào
- Loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, cũng được trồng để lấy quả hay hoa. Hoa đào nở vào mùa xuân, là biểu tượng của mùa xuân và ngày Tết ở miền Bắc. Quả đào vị ngọt hoặc chua, mùi thơm, vỏ quả phủ một lớp lông mịn. Đào xuất hiện rất nhiều trong văn học cổ Trung Quốc và các nước đồng văn. Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, mơ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.
-
- Bảo Đại
- (1913-1997) Hoàng đế thứ mười ba và cuối cùng của triều Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng ở nước ta, đồng thời cũng là quốc trưởng đầu tiên của Đế quốc Việt Nam (3/1945) và Quốc gia Việt Nam (7/1949). Ông sinh tại Huế, là con vua Khải Định, có tên huý là Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy. Ông có một câu nói nổi tiếng khi chính thức thoái vị và trao ấn tín, quốc bảo của hoàng triều cho cách mạng vào ngày 23 tháng 8 năm 1945: Trẫm muốn được làm Dân một nước tự do, hơn làm Vua một nước bị trị. Cuối đời ông sống lưu vong tại Pháp và qua đời trong lặng lẽ vào ngày 31 tháng 7 năm 1997, thọ 85 tuổi.
-
- Bảo Đại tứ niên
- Bảo Đại năm thứ 4, tức năm 1929.
-
- Sâu keo
- Một loại sâu ăn lúa, phá hoại mùa màng, phát triển mạnh có thể tạo thành nạn dịch.
-
- Ngũ tỉnh
- Năm tỉnh giáp với Hà Nội: Thái Nguyên ở phía bắc, Bắc Ninh và Hưng Yên ở phía đông và đông nam, Hà Tây và Vĩnh Phúc ở phía nam và phía tây. Khái niệm này được dùng trong một số giai đoạn lịch sử của nước ta.
-
- Đồn điền
- Trang trại có quy mô lớn, trồng những loại cây công nghiệp như bông gòn, thuốc lá, cà phê, chè, mía, cao su, cây lấy gỗ hoặc cây ăn trái. Vào thời Pháp thuộc, người Pháp mở rất nhiều đồn điền cao su, cà phê... ở các tỉnh Nam Kỳ, mộ dân phu làm lụng vô cùng cực nhọc với mức công rẻ mạt.
-
- Cu li
- Từ tiếng Pháp coolie, chỉ người lao động làm những công việc nặng nhọc.
-
- Ba sinh
- Ba kiếp người: kiếp trước, kiếp này và kiếp sau, theo thuyết luân hồi của Phật giáo. Văn học cổ thường dùng chữ "nghĩa ba sinh" hoặc "nguyện ước ba sinh" để nói về sự gắn kết nam nữ.
Ví chăng duyên nợ ba sinh,
Làm chi những thói khuynh thành trêu ngươi?
(Truyện Kiều)
-
- Nhũ
- Vú (từ Hán Việt).
-
- Na
- Mang theo, vác theo (phương ngữ, khẩu ngữ).
-
- Vân vi
- Đầu đuôi câu chuyện, đầu đuôi sự tình (từ cũ).
-
- Đâm
- Giã, như đâm bèo, đâm tiêu... (phương ngữ).
-
- Bức thuận
- Bức vách ngăn giữa các gian, phòng trong những công trình cổ, thường được chạm trổ tinh xảo để trang trí.
-
- Máu hồng bào
- Máu ghen.
-
- Tô mộc
- Còn gọi là vang, tô phượng, vang nhuộm, co vang, mạy vang, một loại cây thân gỗ nhỏ, rất rắn, có phần đỏ nâu ở phần lõi và trắng ở phần ngoài. Gỗ cây được dùng làm vị thuốc đông y, hay làm thuốc nhuộm đỏ. Ở nước ta gỗ tô mộc còn được sử dụng như một thành phần nấu nước rửa hài cốt khi cải táng. Phần lõi gỗ được dùng trong chạm khắc mĩ nghệ.
-
- Tổ tôm
- Một trò chơi bài lá phổ biến trong dân gian ngày trước (hiện chỉ thấy được chơi ở nước ta), thường chơi trong các dịp lễ, Tết. Tên gọi của trò chơi được đọc chệch ra từ chữ "tụ tam" nghĩa là hội tụ của ba lại hàng Văn, Vạn và Sách.
-
- Xóc đĩa
- Lối đánh bạc ăn tiền bằng cách xóc bốn đồng tiền (hoặc bốn miếng bìa có hai mặt khác nhau) trong một cái đĩa, trên có bát úp kín, ai đoán trúng có mấy đồng sấp, mấy đồng ngửa thì được. Có nơi gọi xóc đĩa là xóc dĩa, hoặc có tên khác là mở bát.
-
- Canh
- Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
-
- Lọ hồ
- Lọ đựng tiền xâu trong một canh bạc.
-
- Cái
- Cũng gọi là nhà cái, người nắm vai chủ của một ván bài, sới bạc hoặc cuộc cá cược.
-
- Chạ
- Xóm. Đây là âm xưa của chữ 社 mà từ trong tiếng Việt hiện đại là xã.
-
- Dùi đục
- Còn gọi là đục, dụng cụ gồm một thanh thép có chuôi cầm, đầu có lưỡi sắc, dùng để tạo những chỗ lõm hoặc những lỗ trên các vật rắn như gỗ, đá, kim loại.
-
- Bào
- Đồ dùng nghề mộc, gồm hai lưỡi thép đặt trong khối gỗ, hai bên có tay cầm, dùng để làm nhẵn mặt gỗ. Động tác sử dụng bào cũng gọi là bào. Những việc đau lòng cũng được ví von là xót như bào, ruột xót gan bào...
-
- Queo
- Cong, bị biến dạng.
-
- Xứ Đông
- Tên một địa danh cổ, một trấn ở phía Đông của Kinh thành Thăng Long xưa. Xứ Đông bao gồm một vùng văn hóa rộng lớn ở Đông Bắc đồng bằng sông Hồng, gồm các tỉnh Hải Dương (nằm ở trung tâm), Hải Phòng, Quảng Ninh và một phần đất thuộc hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình.
-
- Rồng ấp
- Hay rồng phủ, giao long (交龍), một loại họa tiết cổ thường thấy trong các kiến trúc thời Lý, Trần, có hình hai con rồng quấn nhau hay đuôi xoắn vào nhau.
-
- Liếc
- Miết đi miết lại lưỡi dao vào đá mài hoặc vật cứng để dao sắc hơn.
-
- Và
- Vài.
-
- Rau tập tàng
- Các loại rau trộn lẫn với nhau, mỗi loại một ít, thường dùng để nấu canh. Có nơi gọi là rau vặt.
-
- Ống bơ
- Vỏ lon đồ hộp. Trước dân ta hay dùng vỏ lon sữa đặc để đong gạo.
-
- Thầy
- Cha, bố (phương ngữ một số địa phương Bắc và Bắc Trung Bộ).
-
- Đoan Ngọ
- Còn gọi là tết giết sâu bọ, tết đoan dương, đoan ngũ, tổ chức ngày năm tháng năm âm lịch, là ngày tết truyền thống ở ta cũng như Trung Quốc và Triều Tiên. Truyền thuyết về ngày tết này ở mỗi nước đều khác nhau. Trong ngày này, dân ta thường uống rượu nếp hay ăn cơm rượu, bánh tro và các loại trái cây để cho sâu bọ trong người say và chết.
-
- Trâm
- Một loại cây gỗ cao, tán rộng, có quả nạc nhỏ hình bầu dục thon, xanh lúc ban đầu, khi chín chuyển sang màu hồng và cuối cùng có màu tím đen, ăn có vị ngọt chát.
-
- Xá tội vong nhân
- Xá tội: tha tội, vong nhân: người chết. Thời xưa quan niệm khi người ta chết, ai có tội sẽ bị giam dưới âm phủ, đến rằm tháng bảy (âm lịch) thì được Diêm Vương tha cho về dương thế một ngày. Do vậy cứ đến ngày này mỗi năm, người trần lại cúng cháo, gạo, muối, tiền vàng, quần áo... cho quỷ đói để chúng không quấy nhiễu.
-
- Đèn kéo quân
- Còn gọi là đèn cù, là một loại đồ chơi bằng giấy có nguồn gốc từ Trung Quốc, ngày xưa phổ biến trong nhiều dịp lễ tết, nay chỉ còn xuất hiện trong dịp Tết Trung Thu. Đèn có đặc điểm khi thắp nến thì những hình ảnh được thiết kế bên trong sẽ hiện ra trên mặt đèn và xoay vòng theo một chiều liên tục không dừng lại.
-
- Chung chân
- Góp vốn buôn bán chung với nhau.
-
- Tháng một
- Tháng thứ mười một trong âm lịch, tục gọi là tháng Một (không phải là nói tắt của "tháng Mười Một").
-
- Đồi mồi
- Một loài rùa biển, mai có vân đẹp nên thường bị đánh bắt để làm đồ mĩ nghệ (lược, vòng tay, vòng đeo cổ...). Những đốm nám trên da hoặc trái cây cũng gọi là vết đồi mồi.
-
- Giã
- Như từ giã. Chào để rời đi xa.
-
- Giã ơn
- Cảm tạ ơn.
Kíp truyền thu lễ, trao lời giã ơn
(Nhị Độ Mai)
-
- Tằm
- Còn gọi là tằm tơ, ấu trùng của loài bướm tằm. Tằm ăn lá dâu tằm và nhả tơ thành kén. Tằm đã sẵn sàng nhả tơ được gọi là tằm chín, có màu vàng óng hoặc đỏ nâu bóng, trong suốt. Tơ tằm dùng để dệt lụa và có giá trị kinh tế cao.
-
- Thầy mẹ
- Cha mẹ (phương ngữ miền Bắc).
Con đi mười mấy năm trời,
Một thân, một bóng, nửa đời gió sương.
Thầy đừng nhớ, mẹ đừng thương,
Cầm như đồng kẽm ngang đường bỏ rơi!
Thầy mẹ ơi, thầy mẹ ơi,
Tiếc công thầy mẹ đẻ người con hư!
(Thư gửi thầy mẹ - Nguyễn Bính)
-
- Chồn đèn
- Một loại chồn nhỏ, có bộ lông màu hoe hoe, hung hung đỏ, chân thấp, mỏ dài nhỏ, răng rất sắc. Chồn đèn thường sống trong bụi rậm, ăn thức ăn chính là thịt động vật nhỏ như gà con, vịt con, chim, chuột, cá, lươn...
-
- Nha
- Sở quan (từ Hán Việt), nơi các quan làm việc. Theo Thiều Chửu: Ta gọi là quan nha 官衙 hay là nha môn 衙門 vì ngày xưa trước quân trướng đều cắm lá cờ có tua như cái răng lớn, nên gọi là nha môn 衙門, nguyên viết là 牙門.