Tìm kiếm "tam bảo"

  • Vè lương tháng

    Ve vẻ vè ve
    Nghe vè lương tháng
    Hai trăm ngồi phán
    Trăm tám ngồi nghe
    Tranh đài tranh xe
    Là thằng trăm rưỡi
    Tất ta tất tưởi
    Là lũ trăm hai
    Vừa làm vừa sai
    Là quân chín chục
    Vợ chồng lục đục
    Là bọn sáu mươi
    Dở khóc dở cười
    Là bọn bốn chịch
    Chẳng ta chẳng địch
    Là lũ con phe
    Nói chẳng ai nghe
    Là ông Nhà nước

  • Đã mang lấy cái thân tằm

    Đã mang lấy cái thân tằm
    Không vương tơ nữa cũng nằm trong tơ
    Đêm qua ba bốn lần mơ
    Chiêm bao thấy bậu, dậy rờ chiếu không

    Dị bản

    • Đã mang lấy cái thân tằm
      Không vương tơ nữa cũng nằm trong tơ
      Đêm nằm tơ tưởng tưởng tơ
      Chiêm bao thấy bậu, dậy sờ chiếu không.

  • Thứ bảy thời bao cấp

    Chồng:
    Cắt cơm
    Bơm xe
    Nghe thời tiết
    Liếc đồng hồ
    Thồ bao gạo
    Cạo bộ râu
    Xâu quai dép
    Tránh mặt sếp
    Tót lên yên
    Guồng như điên
    Về với vợ

    Vợ:
    Mau tắm rửa
    Sửa lông mày
    Thay quần áo
    Báo thêm cơm
    Bơm nước hoa
    Xoa thêm phấn
    Quấn lại tóc
    Bóc coóc-xê
    Kê chân giường
    Giương mắt đợi
    Kêu ối ối

  • Từ khi em về làm dâu

    Từ khi em về làm dâu
    Thì anh dặn bảo trước sau mọi lời
    Mẹ già dữ lắm em ơi
    Nhịn ăn, nhịn mặc nhịn lời mẹ cha
    Nhịn cho nên cửa nên nhà
    Nên kèo nên cột nên xà tầm vông
    Nhịn cho nên vợ nên chồng
    Thì em coi sóc lấy trong cửa nhà
    Đi chợ thì chớ ăn quà
    Về chợ thì chớ rề rà ở trưa
    Dù ai bảo đợi bảo chờ
    Thì em nói dối: con thơ em về

  • Anh muốn trông

    Anh muốn trông
    Anh lên Ba Dội anh trông
    Một Dội anh trông
    Hai Dội anh trông
    Trống thu không ba hồi điểm chỉ
    Anh ngồi anh nghĩ
    Thở vắn than dài
    Trúc nhớ mai
    Thuyền quyên nhớ khách
    Quan nhớ ngựa bạch
    Bóng lại nhớ cây
    Anh nhớ em đây
    Biết bao giờ cho được
    Đạo vợ chồng chẳng trước thì sau
    Trăm năm xin chớ quên nhau.

  • Tôi Đà Phật, nàng A men

    Tôi Đà Phật, nàng A men
    Hai ta tôn giáo cách hai miền xa xăm
    Bỗng đâu gió bão mưa dầm
    Để tôi buộc mối đồng tâm với nàng
    Thế là đeo lấy dở dang
    Bỏ nhau chẳng được, sang ngang không thuyền
    Biết rằng duyên lỡ làng duyên
    Trăm năm để lại một thiên hận tình
    Bảo cho những kẻ đầu xanh
    Đến nơi đến tháng cầu kinh thì cầu
    Đừng mơ những việc đâu đâu
    Mà vương phải kiếp cú sầu vạn niên

  • Anh muốn trông, anh lên Ba Dội anh trông

    Anh muốn trông, anh lên Ba Dội anh trông,
    Một Dội anh ngồi, hai Dội anh trông.
    Trống thu không ba hồi điểm chỉ,
    Anh ngồi anh nghĩ, thở ngắn, than dài.
    Trúc nhớ mai, thuyền quyên nhớ khách,
    Quan nhớ ngựa bạch, bóng lại nhớ câu
    Anh nhớ em đây biết bao giờ được,
    Đạo vợ chồng chẳng trước thời sau,
    Trăm năm xin chớ quên nhau.

  • Vè chăn vịt

    Thân tôi coi vịt cực khổ vô hồi
    Sáng ra ngồi trông trời mau xế như chúa trông hiền thần
    Hai cẳng lần lần như Địch Thanh thắng trận
    Quần áo chưa kịp bận như Tào Tháo bị vây
    Tay cầm cái cây như Tề Thiên cầm thiết bảng
    Vịt chạy qua bờ ngăn đón cản như Tiết Nhơn Quý rượt Cáp Tô Văn
    Quần bận còn xăn như Uất Trì tắm ngựa
    Vịt ăn ngồi dựa bóng tùng như Tần Thúc Bảo lúc bệnh đau
    Vịt chạy đuổi lao xao như La Thông tảo Bắc
    Tối về nhà đèn chưa tắt như đãi yến công nương
    Ngày ra tới đứng ngoài đường, chiều về như Phàn Lê Huê nhập trại.

  • Cánh phu lò Mông Dương Cẩm Phả

    Cánh phu lò Mông Dương Cẩm Phả
    Kiếp khổ nghèo ai chả như ai
    Còi tầm chiều, tối, ban mai
    Búa rìu, đèn đất khoác vai vào lò
    Tìm cái sống hơn lo cái chết
    Sập hầm lò hết kiếp ngựa trâu
    Chui vào lò giếng sâu sâu
    Chui sang lò chợ trông nhau dặn dò
    Đã đeo cái thẻ phu lò
    Khéo chui thì thoát, khéo bò thì lên
    Khói cửa lò người đen như cháy
    Mình đầu trần nhễ nhại mồ hôi
    Đời người đến thế thì thôi
    Bát cơm mấy bát mồ hôi cho vừa
    Mong đất nước bao giờ đổi mới
    Dân Nam mình thoát khỏi cùm gông
    Hai mươi nhăm triệu tiên rồng
    Chen vai gánh vác non sông mới là.

  • Bài này có từ ngữ và/hoặc nội dung nhạy cảm.
    Hãy cân nhắc trước khi bấm xem.

    Tôi cưới bà từ thuở mười lăm

    Tôi cưới bà từ thuở mười lăm
    Vợ chồng hủ hỉ ăn nằm với nhau
    Nhớ hồi nào bà ốm bà đau
    Tôi lo thang thuốc cho bà mau chóng lành
    Bây giờ bà béo nước bà ngọt canh
    Bà quên đi cái nghĩa ba sinh thuở nào
    Tôi nói ra chẳng phải tính công lao
    Tôi nuôi bà mập ú cặp nhũ bà tròn inh
    Bây giờ bà bạc nghĩa bạc tình
    Để tôi ngậm đắng cũng chịu đành vậy thôi
    Gia tài chẳng có là bao
    Chỉ có cái cối giã gạo của tôi với bà
    Mai này lỡ có ra tòa
    Bà rinh cái cối tôi na cái chày
    Đêm về ngẫm nghĩ gác tay
    Cái cối bà lạnh lẽo mới sang mượn cái chày của tôi.

  • Em là con gái nhà quê

    Em là con gái nhà quê
    Ham bên tài sắc nhiều bề ái ân
    Chẳng ham tham phú phụ bần
    Duyên rằng duyên phải nợ nần nhau đây
    Chàng có sang, chàng phải chọn ngày
    Mối manh cho rõ xe dây xích thằng
    Cầm cân chàng nhấc cho bằng
    Một bên cối đá một đằng tiền cheo
    Hỏi chàng rằng có hay nghèo
    Lệ làng phải sửa bấy nhiêu mới từng

  • Vè phu làm đường lên Tam Đảo

    Tôi có nhời thăm u cùng bá
    Ở trên này khổ quá u ơi
    Khi nào thong thả mát giời
    Mời u quá bộ lên chơi vài ngày
    Làm kíp chả được tiền ngay
    Phải ăn gạo ngữ của thầy cai Sơn
    Một đồng mười sáu bơ đơn
    Đong đi đong lại chỉ còn mười lăm
    Thầy cai cứ đứng chăm chăm
    Hễ ai hút thuốc lại nhằm cắt công
    Trời mưa có thấu hay không
    Quanh năm chẳng có một đồng thừa ra
    Lấy gì đồng bánh, đồng quà
    Lấy gì mà gửi về nhà nuôi con
    Mười năm làm ở đỉnh non
    Ở nhà cha mẹ vợ con mất nhờ
    Thân tôi khổ đến bao giờ?

  • Vè chàng Lía

    Lía ta nổi tiếng anh hào
    Sơn hà một góc thiếu nào người hay
    Bạc tiền thừa đủ một hai
    Chiêu binh mãi mã càng ngày càng đông
    Làm cho bốn biển anh hùng
    Mến danh đều tới phục tùng chân tay.
    Kẻ nào tàn ác lâu nay
    Lía sai cướp của đoạt tài chẳng dung
    Nhà giàu mấy tỉnh trong vùng
    Thảy đều kinh sợ vô cùng lo toan
    Nhất nhì những bực nhà quan
    Nghe chàng Lía doạ kinh hoàng như điên
    Nhà nào nhiều bạc dư tiền
    Mà vô ân đức, Lía bèn đoạt thâu.
    Tuy chàng ở chốn non đầu
    Nhưng mà lương thực vật nào lại không
    Lâu la ngày một tụ đông
    Vỡ rừng làm rẫy, vun trồng bắp khoai
    Mọi người trên dưới trong ngoài
    Thảy đều no đủ sớm trưa an nhàn
    Tiếng tăm về đến trào đàng
    Làm cho văn võ bàng hoàng chẳng an.
    Nam triều chúa ngự ngai vàng
    Bá quan chầu chực hai hàng tung hô
    Có quan ngự sử bày phô
    Tâu lên vua rõ lai do sự tình
    Đem việc chàng Lía chiêu binh
    Trình lên cặn kẽ phân minh mọi đàng
    Nào khi Lía phá xóm làng
    Đến khi lên núi dọc ngang thế nào
    Kể tên những bậc phú hào
    Từng bị quân Lía đoạt thâu gia tài
    Vua ngồi nghe rõ một hai,
    Đập bàn, vỗ án giận rày thét la:
    – Dè đâu có đứa gian tà
    Giết người, đoạt của thiệt là khó dung
    Truyền cho mười vạn binh hùng
    Dưới cờ đại tướng binh nhung lên đàng
    Đại quân vâng lệnh Nam hoàng
    Hành quân tức khắc thẳng đàng ruổi dong
    Gập ghềnh bao quản núi non
    Dậy trời sát khí quân bon lên rừng.

  • Lỗ mũi mười tám gánh lông

    Lỗ mũi mười tám gánh lông,
    Chồng yêu chồng bảo râu rồng trời cho.
    Đêm nằm thì ngáy o o,
    Chồng yêu chồng bảo ngáy cho vui nhà.
    Đi chợ thì hay ăn quà,
    Chồng yêu chồng bảo về nhà đỡ cơm.
    Trên đầu những rác cùng rơm,
    Chồng yêu chồng bảo hoa thơm giắt đầu.

Chú thích

  1. Con phe
    Con buôn.
  2. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  3. Nhật thực
    Hiện tượng thiên văn học xảy ra khi mặt trăng chen vào giữa mặt trời và trái đất. Khi quan sát từ trái đất, mặt trăng che khuất một phần hay toàn bộ mặt trời, làm trời tối giữa ban ngày và cho cảm giác mặt trời bị mặt trăng ăn (thực).
  4. Giờ Ngọ
    Khoảng thời gian từ khoảng 11 giờ trưa đến 1 giờ chiều. Xem thêm Khắc.
  5. Bài ca dao này nói về trận bão năm Giáp Thìn (1904). Các cụ già kể lại: Một trận mưa bão dữ dội kéo dài suốt ngày 13 tháng 3 âm lịch làm trời đất tối âm u.
  6. Căn duyên
    Theo giáo lý nhà Phật, hai người gặp nhau được là nhờ duyên nợ từ kiếp trước, hay còn gọi là nhân duyên. Lấy bản tính làm nhân duyên, gọi là căn duyên. Còn lấy ngoại cảnh làm duyên gọi là trần duyên. Cũng có sách gọi căn duyên là tâm duyên.
  7. Đờn
    Đàn (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  8. Phụng loan
    Đôi vợ chồng hoặc tình cảm vợ chồng. Xem thêm chú thích phượngloan.
  9. Coóc-xê
    Áo ngực của phụ nữ, cũng phát âm là coọc-xê (từ tiếng Pháp corset).
  10. Kèo
    Thanh bằng tre hay gỗ từ nóc nhà xuôi xuống đỡ các tay đòn hay xà gỗ.

    Kèo

    Kèo

  11. Xà gồ
    Cũn gọi là đòn tay, thanh cứng (ngày xưa thường làm bằng gỗ hoặc tre) được đặt nằm ngang để đỡ các bộ phận bên trên của một công trình xây dựng (nhà cửa, đền chùa...).

    Xà gồ chạm hoa văn

    Xà gồ chạm hoa văn

  12. Tầm vông
    Một loài cây thuộc họ tre, có khả năng chịu khô hạn khá tốt, ưa ánh sáng dồi dào. Thân cây gần như đặc ruột và rất cứng, không gai, thường dùng trong xây dựng, sản xuất chiếu và làm hàng thủ công mỹ nghệ. Ngoài việc sử dụng làm vật liệu xây dựng như những loài tre khác, do độ bền cao, đặc biệt là khả năng dễ uốn cong nên tầm vông còn được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác.

    Bụi tầm vông

    Bụi tầm vông

  13. Gà cồ
    Gà trống lớn.
  14. Hạt tấm
    Mảnh vỡ từ hạt gạo.
  15. Nong
    Dụng cụ hình tròn, đan bằng tre, có vành, đáy nông, thường dùng để phơi nông sản hoặc để nuôi tằm. Có vùng gọi là nống. Nhỏ hơn nong một chút gọi là nia.

    Nong, nia, thúng

    Nong, nia, thúng

  16. Tam Điệp
    Tên một dãy núi nằm giữa Ninh Bình và Thanh Hóa, chạy ra biển theo hướng Tây Bắc–Đông Nam, gồm có 3 ngọn. Trên dãy núi này cũng có đèo Tam Điệp, con đường thiên lý cổ thời phong kiến từ Thăng Long vào Nam, đi qua 3 đoạn đèo: Đèo phía Bắc, đèo phía Nam, và đèo Giữa. Đèo Tam Điệp cũng có tên dân gian là Ba Dội (dội tiếng Việt cổ nghĩa là đợt, lớp).

    Một đèo, một đèo, lại một đèo,
    Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo.
    Cửa son đỏ loét tùm hum nóc,
    Hòn đá xanh rì lún phún rêu.

    (Đèo Ba Dội - Hồ Xuân Hương)

    Phòng tuyến Tam Điệp

    Phòng tuyến Tam Điệp

  17. Thu không
    (Trống hoặc chiêng) đánh vào mỗi mỗi chiều tối, lính huyện thu quân và đóng cổng thành (thành bảo vệ huyện đường) sau khi xem xét trong thành không có gì khả nghi.

    Kiều từ trở gót trướng hoa,
    Mặt trời gác núi chiêng đà thu không.

    (Truyện Kiều)

  18. Thuyền quyên
    Gốc từ chữ thiền quyên. Theo từ điển Thiều Chửu: Thiền quyên 嬋娟  tả cái dáng xinh đẹp đáng yêu, cho nên mới gọi con gái là thiền quyên.

    Trai anh hùng, gái thuyền quyên
    Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng

    (Truyện Kiều)

  19. Chín chữ cù lao
    Tức cửu tự cù lao, chỉ công lao khó nhọc của bố mẹ. (Cù 劬: nhọc nhằn; lao: khó nhọc). Theo Kinh Thi, chín chữ cù lao gồm: Sinh - đẻ, cúc - nâng đỡ, phủ - vuốt ve, súc - cho bú mớm lúc nhỏ, trưởng - nuôi cho lớn, dục - dạy dỗ, cố - trông nom săn sóc, phục - xem tính nết mà dạy bảo cho thành người tốt, và phúc - giữ gìn.
  20. Tam niên nhũ bộ
    Ba năm đầu đời của đứa trẻ được mẹ cho bú sữa (nhũ), mớm cơm (bộ).
  21. Đây cũng là câu 585-586 trong truyện Lục Vân Tiên:

    Thương thay chín chữ cù lao
    Ba năm nhũ bộ biết bao nhiêu tình

  22. Nam mô A Di Đà Phật
    Câu niệm danh hiệu của Phật A Di Đà, một phép tu hành được sử dụng trong Phật giáo Đại Thừa, đặc biệt là Tịnh Độ Tông.
  23. A-men
    Một từ mà người theo đạo Chúa (Công giáo, Tin Lành...) thường nói khi kết thúc một bài kinh, có thể dịch thành "Thật vậy" hoặc "Xin được như nguyện."
  24. Chữ đồng
    Từ cụm từ Hán Việt "đồng tâm đái," hoặc "dải đồng," chỉ sợi thắt lưng ngày xưa có hai dải lụa buộc lại với nhau. Văn chương cổ dùng từ "chữ đồng" hoặc "đạo đồng" để chỉ sự kết nguyền chung thủy của vợ chồng.

    Đã nguyền hai chữ đồng tâm
    Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai

    (Truyện Kiều)

  25. Đầu xanh
    Chỉ người tuổi còn trẻ.

    Hay là thuở trước khách hồng nhan?
    Sắc sảo khôn ngoan trời đất ghen.
    Phong trần xui gặp bước lưu lạc,
    Đầu xanh theo một chuyến xuân tàn.
    (Thăm mả cũ bên đường - Tản Đà)

  26. Vô hồi
    Không ngừng, không hết, một cách nói của người Nam Bộ (cực vô hồi, mừng rỡ vô hồi...).
  27. Hiền thần
    Người bầy tôi giỏi (trong xã hội phong kiến).
  28. Địch Thanh
    Một danh tướng của nhà Tống trong lịch sử Trung Quốc.

    Địch Thanh

    Địch Thanh

  29. Tào Tháo
    Một nhà quân sự kiệt xuất cuối thời Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc, được người Việt Nam biết đến chủ yếu qua tác phẩm Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, theo đó ông được miêu tả là một người gian hùng và đa nghi. Trong lịch sử, Tào Tháo là người đặt cơ sở cho thế lực quân sự cát cứ ở miền Bắc Trung Quốc, lập nên chính quyền Tào Ngụy thời Tam Quốc, và có công rất lớn trong việc dẹp loạn Khăn Vàng (Huỳnh Cân) và nạn Đổng Trác.

    Tào Tháo

    Tào Tháo

  30. Tôn Ngộ Không
    Một trong số các nhân vật chính trong tiểu thuyết Tây Du Ký của nhà văn Trung Quốc Ngô Thừa Ân, rất quen thuộc trong văn hóa Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc. Tôn Ngộ Không vốn là một con khỉ nứt từ đá ra, học được 72 phép biến hóa, có phép Cân đẩu vân (bay lộn trên mây, nhún mình một cái bay được một vạn tám ngàn dặm), sử dụng vũ khí là gậy sắt (thiết bảng), tự xưng là Tề Thiên Đại Thánh. Sau Tôn Ngộ Không theo phò Đường Tam Tạng sang Tây Trúc thỉnh kinh, dọc đường có nhiều công trạng trong việc đánh yêu ma quỷ quái, bảo vệ Đường Tăng, đồng thời cũng gặp phải nhiều kiếp nạn.

    Tạo hình nhân vật Tôn Ngộ Không trên phim

    Tạo hình nhân vật Tôn Ngộ Không trên phim

  31. Tiết Nhơn Quý
    Một danh tướng thời nhà Đường trong lịch sử Trung Quốc. Ông được biết đến nhiều bởi hình tượng nhân vật tiêu biểu trong văn hóa kinh kịch Trung Quốc. Hình ảnh Tiết Nhơn Quý được thần thoại hóa thành "tướng tinh cọp trắng" và có nhiều câu chuyện dân gian xung quanh nhân vật này.

    Ở nước ta, cuốn tiểu thuyết dã sử của Trung Quốc Tiết Nhơn Quý chinh Đông đã được chuyển thể thành vở cải lương cùng tên được nhân dân khá yêu thích. Xem trích đoạn vở cải lương này tại đây.

  32. Cáp Tô Văn
    Tướng tài của nước Cao Ly (bán đảo Triều Tiên ngày nay). Theo chuyện ghi trong bộ tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc Tiết Nhơn Quý chinh Đông sau được dựng thành tuồng và cải lương ở nước ta, trong chuyến xuất đại binh chinh phạt của vua Trung Quốc đời Đường là Đường Thái Tông, Cáp Tô Văn đánh bại tất thảy các tướng nhà Đường nhưng cuối cùng thua dưới tay Tiết Nhơn Quý, chặt đầu mình tự vẫn.
  33. Uất Trì Cung
    Một danh tướng thời Đường bên Trung Hoa. Ông họ Uất Trì tên Cung, tên chữ là Kính Đức, nổi tiếng có sức mạnh phi thường, phò tá vua Đường Thái Tông rất trung thành. Hình tượng Uất Trì Cung trong quan niệm dân gian Trung Hoa là một viên tướng mặt đen như than, cùng với Tần Quỳnh (mặt vàng) là hai vị thần giữ cửa (môn thần) trong tín ngưỡng truyền thống.

    Hai vị môn thần, mặt đen là Uất Trì Cung, mặt vàng là Tần Quỳnh.

    Hai vị môn thần, mặt đen là Uất Trì Cung, mặt vàng là Tần Quỳnh.

  34. Tần Thúc Bảo
    Danh tướng nhà Đường dưới thời Đường Thái Tông, là một trong những khai quốc công thần của nhà Đường, được dân gian tôn làm Môn Thần (thần giữ cửa) và được tiểu thuyết hoá trong nhiều tác phẩm văn học và sân khấu-điện ảnh.
  35. La Thông
    Một danh tướng đời Đường trong tiểu thuyết cổ điển của Trung Quốc La Thông tảo Bắc kể việc La Thông kéo quân lên cứu Đường Thái Tông bị vây khốn ở Bắc Phiên. Tiểu thuyết này đã được chuyển thể thành một vở cải lương cùng tên (còn có tên khác là "Công chúa Đồ Lư"), được nhân dân ta, đặc biệt là người miền trong, ưa chuộng. Nhân vật La Thông cũng được nhắc đến trong các vở tuồng cổ Tiết Nhơn Quý chinh ĐôngTiết Đinh San chinh Tây.

    Xem vở cải lương "La Thông tảo Bắc".

  36. Phàn Lê Huê
    Một nữ tướng thời Đường, vợ của Tiết Đinh San, cũng là một danh tướng trong dã sử Trung Quốc. Phàn Lê Huê là nhân vật chính trong nhiều vở tuồng và cải lương biên soạn dựa trên tiểu thuyết Trung Quốc ở nước ta.

    Xem trích đoạn cải lương Phàn Lê Huê phá Hồng thuỷ trận và Tiết Định San cầu Phàn Lê Huê tại đây.

  37. Mông Dương
    Địa danh nay là tên một phường thuộc thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Đây là nơi có mỏ than Mông Dương, một trong những mỏ thang có trữ lượng lớn và chất lượng tốt nhất từ thời Pháp thuộc.

    Khai thác than ở mỏ Mông Dương

    Khai thác than ở mỏ Mông Dương

  38. Cẩm Phả
    Một địa danh nay là thành phố thuộc tỉnh Quảng Ninh. Tại đây từ xưa đã nổi tiếng với ngành khai thác than đá. Cẩm Phả cũng có nghề khai thác hải sản với hơn 50 km bờ biển, nhưng chủ yếu là đánh bắt gần bờ, sản lượng thấp.

    Cẩm Phả về đêm

    Cẩm Phả về đêm

  39. Còi tầm
    Còi báo bắt đầu hoặc kết thúc giờ làm việc các xưởng, mỏ, công trường, nhà máy…
  40. Đèn đất
    Loại đèn của thợ mỏ ngày trước, được thắp sáng bằng phản ứng hóa học giữa đất đèn (acétylen) và nước.

    Đèn đất

    Đèn đất

  41. Lò giếng
    Loại lò đục sâu xuống (thẳng đứng hoặc nghiêng) trong các mỏ than.
  42. Lò chợ
    Nơi nhiều thợ mỏ cùng trực tiếp khai thác than trong mỏ.
  43. Ba sinh
    Ba kiếp người: kiếp trước, kiếp này và kiếp sau, theo thuyết luân hồi của Phật giáo. Văn học cổ thường dùng chữ "nghĩa ba sinh" hoặc "nguyện ước ba sinh" để nói về sự gắn kết nam nữ.

    Ví chăng duyên nợ ba sinh,
    Làm chi những thói khuynh thành trêu ngươi?

    (Truyện Kiều)

  44. Nhũ
    Vú (từ Hán Việt).
  45. Na
    Mang theo, vác theo (phương ngữ, khẩu ngữ).
  46. Ái ân
    Nguyên nghĩa là tình ái và ân huệ khắng khít với nhau. Về sau được hiểu là sự âu yếm, giao hợp của vợ chồng hay cặp tình nhân.
  47. Tham phú phụ bần
    Vì ham giàu (phú) mà phụ bạc người nghèo khó (bần).
  48. Mối manh
    Làm mối (đồng nghĩa với mai mối).
  49. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  50. Cheo
    Khoản tiền nhà trai nạp cho làng xã bên nhà gái khi làm lễ dạm hỏi theo tục lệ xưa.
  51. U
    Tiếng gọi mẹ ở một số vùng quê Bắc Bộ.
  52. Chị của mẹ.
  53. Kíp
    Gấp, vội. Từ này có nguồn gốc từ chữ Hán Việt cấp.
  54. Gạo ngữ
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Gạo ngữ, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  55. Cai
    Người trông coi trong các công trường, nhà tù thời phong kiến, Pháp thuộc.
  56. Ống bơ
    Vỏ lon đồ hộp. Trước dân ta hay dùng vỏ lon sữa đặc để đong gạo.

    Ống bơ

    Ống bơ

  57. Lía
    Dân gian còn gọi là chàng Lía, chú Lía, người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa nông dân chống ách thống trị của nhà Nguyễn vào thế kỉ 18 nổ ra tại Truông Mây, Bình Định. Có giả thuyết cho rằng ông tên thật là Võ Văn Doan, quê nội huyện Phù Ly (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định ngày nay), quê ngoại làng Phú Lạc, tổng Thời Hòa, huyện Tuy Viễn (nay là huyện Tây Sơn). Lía tập hợp dân nghèo nổi dậy, chọn Truông Mây (Hoài Ân, Bình Định) làm căn cứ, lấy của người giàu chia cho người nghèo. Tương truyền sau khi cuộc khởi nghĩa thất bại, ông uất ức bỏ lên núi và tự sát.
  58. Anh hào
    Anh hùng hào kiệt, người có tài năng, chí khí. Hội anh hào là dịp để anh hào gặp và thi thố lẫn nhau để lập nên những công trạng hiển hách.

    Đường đường một đấng anh hào,
    Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài.

    (Truyện Kiều)

  59. Sơn hà
    Núi sông (từ Hán Việt). Từ cũ, nghĩa rộng dùng để chỉ đất nước.

    Nam quốc sơn hà Nam Đế cư
    Tiệt nhiên phận định tại thiên thư
    Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
    Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư

    (Lý Thường Kiệt)

    Dịch thơ:

    Sông núi nước Nam vua Nam ở
    Rành rành định phận tại sách trời
    Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
    Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.

  60. Chiêu binh mãi mã
    Chiêu mộ binh lính và mua ngựa chiến (để chuẩn bị cho chiến tranh). Hiểu rộng ra là tập hợp lực lượng, vây cánh.
  61. Dung
    Biết là việc xấu, sai nhưng vẫn để tồn tại.
  62. Lâu la
    Từ chữ Hán 嘍囉, chỉ quân lính, tay chân của giặc cướp.
  63. Trào đàng
    Triều đình (cách nói cũ của Trung và Nam Bộ).

    Trạng nguyên tâu trước trào đàng,
    Thái sư trữ dưỡng tôi gian trong nhà.

    (Lục Vân Tiên - Nguyễn Đình Chiểu)

  64. Bá quan
    Từ chữ Hán Việt 百 (trăm), và quan 官 (quan lại), chỉ tất cả các quan lại trong triều đình. Cũng nói là bá quan văn võ.
  65. Ngự sử
    Tên chung của một số chức quan có nhiệm vụ giám sát từ cấp cao nhất (vua) đến các cấp quan lại.
  66. Lai do
    Nguyên do sự việc.
  67. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  68. Phú hào
    Những người giàu và có thế lực ở nông thôn thời phong kiến (từ Hán Việt).
  69. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  70. Ngờ (phương ngữ Nam Bộ).
  71. Binh nhung
    Binh 兵 (binh lính) và nhung 戎 (vũ khí, binh lính). Chỉ binh khí, quân đội, hoặc hiểu rộng ra là việc quân.
  72. Nam hoàng
    Vua nước Nam.
  73. Quản
    E ngại (từ cổ).
  74. Có bản chép: tơ hồng.