Đêm nằm tôi nghĩ tôi rầu
Làm dâu thật khổ từ đầu chí đuôi
Ra thân tối mặt vùi đầu
Các chị sung sướng riêng dâu mẹ hành
Chê tôi khờ dại không lanh
Mẹ đào mẹ chửi mẹ hành xót xa
Công trình mẹ cha tôi đẻ tôi ra
Gả cho con mẹ còn bù của thêm
Phải thời chồng vợ trọn niềm
Sui gia đi lại ấm êm ở đời
Không nên mỗi đứa mỗi nơi
Tôi ra khỏi cửa để mẹ kiếm nơi sang giàu
Ở chi đây, mẹ mắng trước chửi sau
Ngày nào mẹ cũng cứ nghèo giàu mẹ đay
Tìm kiếm "đài các"
-
-
Bài này có từ ngữ và/hoặc nội dung nhạy cảm.
Hãy cân nhắc trước khi bấm xem.Nhà tôi có bảy anh em
-
Ai ơi đứng lại mà trông
Ai ơi đứng lại mà trông
Kìa vạc nấu dó, kìa sông đãi bìa
Kìa giấy Yên Thái như kia
Giếng sâu chín trượng nước thì trong xanh
Đầu chợ Bưởi có điếm cầm canh
Người đi kẻ lại như tranh họa đồ
Cổng chợ có miếu thờ vua
Đường cái chính xứ lên chùa Thiên Niên
Chùa Thiên Niên có cây vọng cách
Chùa Bà Sách có cây đa lông
Cổng làng Đông có cây khế ngọt
Con gái Kẻ Cót thì đi buôn xề
Con trai làng Nghè dệt cửi kéo hoa
An Phú nấu kẹo mạch nha
Làng Vòng làm cốm để mà tiến vua.
Họ Lại làm giấy sắc vua
Làng Láng mở hội kéo cờ hùng ghê. -
Bài này có từ ngữ và/hoặc nội dung nhạy cảm.
Hãy cân nhắc trước khi bấm xem.Lồn vàng, bẹn ngọc, đóc sơn son
-
Anh nghĩ cái công anh, anh đi lên rừng xanh lựa trúc
Anh nghĩ cái công anh, anh đi lên rừng xanh lựa trúc
Đem về đoạn khúc, chuốt cái cần dài
Lấy thép ra mài, uốn câu nồi gọ
Đêm hôm lọ mọ
Xe sợi nhợ săn
Buộc chặt vào cần
Móc mồi thơm phức
Vội ra ngoài bực
Lựa chỗ anh ngồi
Thả câu xuống rồi
Miệng anh thầm vái
Cần câu nhơn
Cần câu ngãi
Cần câu phải
Cần câu khôn
Ân oai các đấng cô hồn
Đuổi con cá nọ chạy dồn ăn câu! -
Lác đác lộc cơi
-
Vè kiến
Kiến lửa tập đoàn, kiến vàng ở ổ
Cao đầu lớn cổ thiệt là kiến hùm
Cắn chúng la um: kiến kim, kiến nhọt
Nhỏ như con mọt thiệt là kiến hôi
Động trời nó sôi: kiến cánh, kiến lửa
Bò ngang, bò ngửa: kiến riện đơn chai
Bò dông, bò dài, bò qua, bò lại
Kiến đực nói phải, kiến cái làm khôn
Rủ nhau lên cồn xoi hang lạch cạch
Thuở xưa, trong sách Bàn Cổ sở phân
Sanh ra chúng dân đỏ đen như kiến
Ấu tử làm biếng chẳng có mẹ cha
Không ai dạy la, nên không biết sợ -
Mời chư vị giai nhân tài tử
Mời chư vị giai nhân tài tử
Tới đây nghe tôi thử pháo tre
Của bán ra không phải nói khoe
Thời thực vật sắm vừa túc dụng
Có pháo nhiều đốt cũng vui tình
Từ cựu thời bộc trước nhi thinh
Có pháo mới văn minh xuân nhựt
Dưới con cháu cũng vui cũng ức
Trên ông bà khỏi bực khỏi phiền
Nếu như mà cứ giữ tiếc tiền
Lấy gì đặng minh niên hỉ hạ
Coi như lễ Tết Tây trong dã
Lại có ngày kỷ niệm ngoài kinh
Pháo Điện Quang đốt tựa lôi đình
Phí của nọ vui tình không tiếc
Vậy nên mời… biết phải thiệt vui hung
Luật vui xuân ai cũng nên dùng
Có pháo mới đùng đùng là thú
Cùng mấy người no đủ tiêu xoay
Đều xúm lại hàng này
Mua pháo nầy về đốt
Vốn tôi không nói tốt
Hay thiệt tình có một mình tôi
Nhiều người bán xảo làm mồi
Đốt đây khá về rồi dại dở
Có kẻ làm kêu cũng đỡ
Vấn nhiều tay tôi sợ không đều
Của bán ra là biết bao nhiêu
Một mình vấn nên kêu đều đặn
Mười như chục tiếng kêu đúng đắn
Đốt cả trăm cũng chẳng điếc câm
Tiếng nổ lên chuyển động sơn lâm
Như đại bác vang gầm trời đất
Hễ đốt thì xác tan bay mất
Không khi nào gió phất ngún hừng
Của tôi làm, tôi đã biết chừng
Xin quý chức mua đừng có ngại
Để đốt thử vài trái
Nghe có phải hay không
Đang buổi chợ mua đông
Tôi cũng trông bán đắt
Giá pháo nầy mỗi chục mỗi cắc
Xin bà con mua hắt tôi về
Pháo tôi đây thiệt hết ngõ chê
Bằng có ngại đứng xê ra cho tôi thử đốt: đùng, đùng… -
Bài thơ thuốc lào
Người Việt Nam phải lấy thuốc lào làm quốc tuý
Còn thú vị nào hơn thú vị yên vân!
Từ vua, quan, đến hạng bình dân,
Ai là chẳng bạn thân với điếu
Từ ông thừa, trở lên cụ thiếu,
Đi ngoài đường, phi điếu bất thành quan.
Ngồi công đường, vin xe trúc nghênh ngang,
Hút mồi thuốc, óc nhà quan thêm sáng suốt.
Nhà thi sĩ gọt câu văn cho chuốt,
Tất phải nhờ điếu thuốc gọi hồn thơ.
Lại những khi óc mỏi, mắt mờ,
Nhờ điếu thuốc mới có cơ tỉnh tớm
Dân thuyền thợ thức khuya, dậy sớm,
Phải cần dùng điếu đóm làm vui.
Khi nhọc nhằn lau trán đẫm mồ hôi,
Vớ lấy điếu, kéo một hơi thời cũng khoái.
Dân cày cấy mưa dầm, nắng dãi,
Bạn tâm giao với cái điếu cày.
Lúc nghỉ ngơi, ngồi dưới bóng cây,
Rít mồi thuốc, say ngây say ngất.
Rồi ngả lưng trên đám cỏ tươi xanh ngắt,
Dễ thiu thiu một giấc êm đềm.
Bạn nhà binh canh gác thâu đêm,
Nhờ điếu thuốc mới khỏi lim dim ngủ gật.
Nội các thức say sưa nghiện ngập,
Ngẫm mà coi, thú nhất thuốc lào.
Nghiện thuốc lào là cái nghiện thanh tao,
Chẳng hại tiền của, mà chẳng hao sĩ diện.
Chốn phòng khách, anh em khi hội kiến,
Có thuốc lào câu chuyện mới thêm duyên.
Khi lòng ta tư lự không yên,
Hút mồi thuốc cũng giải phiền đôi chút.
Nghe tiếng điếu kêu giòn, nhìn khói bay nghi ngút,
Nỗi lo buồn theo khói vút thăng thiên.
Cái điếu cùng ta là bạn chí hiền,
Từ thiên cổ tơ duyên chặt kết.
Cũng có kẻ muốn dứt tình khăng khít,
Vùi điếu đi cho hết đa mang.
Nhưng nỗi nhớ nhung bứt rứt tấm gan vàng,
Chút nghĩa cũ lại đa mang chi tận tuỵ.
Cho nên bảo điếu thuốc lào là quốc tuý,
Thật là lời chí lý không ngoa.
Thuốc lào, ta hút điếu ta,
Điếu ta thọ với sơn hà muôn năm… -
Vè Ba Đình chống Pháp
Cơ trời đất vần xoay chính khí,
Đấng nam nhi phỉ chí tang bồng,
Làm cho tỏ mặt anh hùng,
Giang sơn để mất, trong lòng sao nguôi?
Nước nhà Tây đã chiếm rồi,
Chư quân chư tướng ắt thời theo ta.
Kéo quân về đất Thanh Hoa,
Tìm nơi hiểm yếu để ta lập đồn.
Quân truyền điểm được hai vàn
Đinh công Đại tướng có gan chăng là.
Đánh Tây Nhâm Ngọ tháng Ba
Năm mươi khẩu súng cùng là lá lê
Đạn thời cướp được năm xe,
Tháng một Bính Tuất kéo về huyện Nga
Thần công khí giới đem ra,
Khoa sơn đại bác cho ta tức thì … -
Vè Hà thành đầu độc
Một cơn gió táp mưa sa
Non sông nổi giận, cỏ hoa đeo sầu
Gió mưa nghe vẳng bên lầu
Tưởng hồn nghĩa sĩ ở đâu ngang trời
Than ôi cũng một kiếp người
Một lòng yêu nước thương nòi xót xa
Non sông Hồng Lạc một nhà
Nhớ người ta phải hương hoa cúng giàng
Mực hòa máu lệ một chương
Khóc trang nghĩa dũng nêu gương muôn đời
Nhớ xưa liệt sĩ bốn người
Ở trong ban lính đóng nơi Hà thành
Đòi phen trận mạc tập tành
Thấy người xe ngựa, tủi mình non sông … -
Vè Lụt Bất Quá
Thuở vua Tự Đức trị vì
Thái hoà tự Võ khác gì Đường, Ngu
Nơi nơi kích nhưỡng khang cù
Thái Sơn bàn thạch cơ đồ vững an
Tuy loài hải thủy sơn man
Cũng mến oai đức thê bằng lai quy
Cớ sao vận hội bất kỳ
Năm ba mươi mốt can chi Mậu Dần
Tai trời khắp xuống chúng dân
Ba huyện Quảng Ngãi mười phần tả tơi
Nắng cho năm bảy tháng trời
Lúa lang bắp đậu cháy phơi cánh đồng
Tháng ba bị háp đã xong
Lúa nhồng, bát ngoạt làm đòng cũng khô … -
Vè cậu Hai Miêng
Đêm thu bóng nguyệt soi mành
Bâng khuâng dạ ngọc chạnh tình ngâm nga
Xét trong thế sự người ta
Tài ba cho mấy cũng là như không
Cho hay thiên địa chí công
Dữ lành báo ứng vô cùng màu linh
Gương xưa trông thấy đành rành
Người nay xem đó giữ mình cho yên
Nam Kỳ có cậu Hai Miêng
Con quan lớn Tấn ở miền Gò Công
Cậu Hai là bực anh hùng
Ăn chơi đúng bực vô cùng liệt oanh
Nam Kỳ lục tỉnh nổi danh
Thật là một bực hùng anh trên đời … -
Chỉ vì một chữ ăn
Ăn lông ở lỗ, từ thuở tạo thiên
Hôm sớm cửa thiền, ăn chay niệm Phật
Cả đời chật vật, làm không đủ ăn
Tánh hay hiểu lầm, làm sao ăn ở
Biết ăn theo thuở, biết ở theo thời
Tài sức thua người, thì bị ăn hiếp
Đờn ca ăn nhịp, mới thật tài năng
Người không chịu làm, hay đi ăn ké
Cần phải tránh né, cái bọn ăn dơ
Vừa vét vừa quơ, muốn ăn trọn gói
Hễ ăn một đọi, thì nói một lời
Ăn phải coi nồi, ngồi thời coi hướng … -
Bài này có từ ngữ và/hoặc nội dung nhạy cảm.
Hãy cân nhắc trước khi bấm xem.Ruồi bâu dái ngựa
Ruồi bâu dái ngựa
Dị bản
Ruồi bu cặc ngựa
-
Anh đừng tư lự, thất tình
Anh đừng tư lự, thất tình
Rồi đây trúc cũng hiệp bình với mai
Anh đừng than ngắn thở dài
Nào ai đã nỡ bỏ ai nên phiền
Nói ra về lúc Vân Tiên
Chàng mà xa thiếp, thiếp chịu phiền sáu năm
Sương sa lụy nhỏ đầm đầm
Đặt mình xuống chiếu, bụng nằm chiêm bao
Cũng vì nhơn nghĩa anh trao
Cho nên nước mắt nhỏ trào như mưa -
Chàng trẩy đi, trễ đã mấy đông
Chàng trẩy đi, kể đã mấy đông
Cho loan đón gió, cho rồng chờ mưa
Tấm gan vàng dạ sắt thiếp ngẩn ngơ
Lấy ai gìn giữ con thơ cho chàng
Nghĩa vợ chồng đồng tịch đồng sàng
Đồng sinh đồng tửcưu mang đồng lần
Chàng trẩy đi, vâng lệnh quân thân
Thiếp xin đôi chữ Tấn Tần hợp duyên
Nữa mai bóng quế dãi thềm
Bóng trăng thấp thoáng ngọn đèn mờ xanh
Chàng trẩy đi, nước mắt thiếp tôi chạy quanh
Chân đi thất thểu lời anh dặn dò -
Cái sáo mặc áo em tao
Cái sáo mặc áo em tao
Làm tổ cây cà
Làm nhà cây chanh
Đọc canh bờ giếng
Mỏi miệng tiếng kèn
Hỡi cô trồng sen!
Cho anh hái lá
Hỡi cô trồng bưởi!
Cho anh hái hoa
Cứ một cụm cà
Là ba cụm lý
Con nhà ông lý
Mặc áo tía tô … -
Ở đâu năm cửa nàng ơi
– Ở đâu năm cửa, nàng ơi?
Sông nào sáu khúc nước chảy xuôi một dòng ?
Sông nào bên đục bên trong?
Núi nào thắt cổ bồng mà có thánh sinh?
Đền nào thiêng nhất tỉnh Thanh?
Ở đâu lại có cái thành tiên xây?
Ở đâu là chín từng mây?
Ở đâu lắm nước, ở đâu nhiều vàng?
Chùa nào mà lại có hang?
Ở đâu lắm gỗ thời nàng biết không?
Ai mà xin lấy túi đồng?
Ở đâu lại có con sông Ngân Hà?
Nước nào dệt gấm thêu hoa?
Ai mà sinh cửa, sinh nhà, nàng ơi?
Kìa ai đội đá vá trời?
Kìa ai trị thủy cho đời được yên?
Anh hỏi em trong bấy nhiêu lời
Xin em giảng rõ từng nơi từng người.
– Thành Hà Nội năm cửa, chàng ơi
Sông Lục Đầu sáu khúc nước chảy xuôi một dòng
Nước sông Thương bên đục bên trong
Núi đức thánh Tản thắt cổ bồng mà lại có thánh sinh
Đền Sòng thiêng nhất tỉnh Thanh
Ở trên tỉnh Lạng có thành tiên xây
Trên trời có chín từng mây
Dưới sông lắm nước, núi nay lắm vàng
Chùa Hương Tích mà lại ở hang
Trên rừng lắm gỗ thời chàng biết không
Ông Nguyễn Minh Không xin được túi đồng
Trên trời lại có con sông Ngân Hà
Nước Tàu dệt gấm thêu hoa
Ông Hữu Sào sinh ra cửa, ra nhà, chàng ơi
Bà Nữ Oa đội đá vá trời
Vua Đại Vũ trị thủy cho đời yên vui
Anh hỏi em trong bấy nhiêu lời
Em xin giảng rõ từng nơi từng người. -
Vui nhất là chợ Đồng Xuân
Vui nhất là chợ Đồng Xuân
Mùa nào thức ấy xa gần bán mua
Cổng chợ có anh hàng dừa
Hàng cau, hàng quýt, hàng mơ, hàng đào
Xăm xăm anh mới bước vào
Thấy anh hàng thuốc hút vào say sưa
Nứt nẻ thì anh hàng na
Chua chát hàng sấu, ngọt nga hàng đường
Thơm ngát thì chị hàng hương
Tanh ngắt hàng cá, phô trương hàng vàng …
Chú thích
-
- Công trình
- Công phu khó nhọc.
-
- Đay
- Nói đi nói lại cho bõ tức, với giọng điệu làm người ta khó chịu.
-
- Thuốc bắc
- Tên chung của các loại thuốc được sử dụng trong y học cổ truyền của Trung Quốc, phân biệt với thuốc nam là thuốc theo y học cổ truyền Việt Nam. Các vị trong thuốc bắc có nguồn gốc từ thực vật (vỏ, rễ, lá cây...), động vật (sừng, xương, da lông...) và khoáng chất (hoàng thổ, thạch tín ...) được chia thành thang, luộc trong nước (gọi là sắc thuốc) trước khi uống.
-
- Địt
- Đánh rắm (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Dó
- Loại cây nhỏ trong nhóm cây gỗ lớn, cao từ 8-12m, có hoa màu trắng. Vỏ cây dó (còn gọi là cây dó giấy) là nguyên liệu chủ yếu để sản xuất giấy dó.
-
- Đãi bìa
- Một công đoạn làm giấy thủ công, người thợ dùng rá để đãi sạch con bìa (vỏ dó sau khi được nấu chín) trong nước ao.
-
- Yên Thái
- Tên một làng nằm ở phía tây bắc thành Thăng Long, nay là thủ đô Hà Nội. Tên nôm của làng là làng Bưởi, cũng gọi là kẻ Bưởi. Theo truyền thuyết ngày xưa đây là vùng bãi lầy nơi hợp lưu của sông Thiên Phù và sông Tô Lịch. Dân vùng Bưởi có hai nghề thủ công truyền thống là dệt lĩnh và làm giấy.
-
- Trượng
- Đơn vị đo chiều dài cổ của Việt Nam và Trung Hoa. Một trượng dài khoảng 4 mét. Trong văn học cổ, "trượng" thường mang tính ước lệ (nghìn trượng, trăm trượng…).
-
- Chợ Bưởi
- Ngôi chợ thuộc làng Bưởi, thuộc Thăng Long - Hà Nội. Chợ nằm ở Ngã ba Lạc Long Quân – Thụy Khê ngày nay, là nơi trao đổi, mua bán sản phẩm các làng nghề vùng Bưởi như lĩnh của Yên Thái, Bái Ân, giấy của Yên Thái, Hồ Khẩu, Đông Xã, dụng cụ sản xuất nông nghiệp của Xuân La, Xuân Đỉnh. Nơi đây cũng là chỗ để người dân lân cận mang cây, con giống đến bán, nên người Pháp trước đây cũng gọi là chợ Làng Lợn.
Vào thời nhà Lý, khu vực này sử dụng làm pháp trường, tử tội bị chém đầu và vùi thây tại đây. Người ta đồn rằng, vào phiên chợ Bưởi cuối năm các hồn ma từ âm phủ hiện về trà trộn với người trần đi sắm hàng Tết, do đó phiên chợ này từng được gọi là phiên chợ Ma Phường.
-
- Điếm canh
- Nhà nhỏ thường dựng ở đầu làng hay trên đê, dùng làm nơi canh gác.
-
- Canh
- Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
-
- Họa đồ
- Bức tranh vẽ cảnh vật, sông núi (từ Hán Việt).
-
- Miếu
- Trung và Nam Bộ cũng gọi là miễu, một dạng công trình có ý nghĩa tâm linh, tín ngưỡng trong văn hóa nước ta. Nhà nghiên cứu Toan Ánh trong Tín ngưỡng Việt Nam, quyển thượng, cho rằng: Miếu cũng như đền, là nơi quỷ thần an ngự. Miếu nhỏ hơn đền, thường xây theo kiểu hình chữ nhật với hai phần cách nhau bởi một bức rèm, nội điện bên trong và nhà tiền tế bên ngoài… Miếu thường được xây trên gò cao, nơi sườn núi, bờ sông hoặc đầu làng, cuối làng, những nơi yên tĩnh để quỷ thần có thể an vị, không bị mọi sự ồn ào của đời sống dân chúng làm nhộn. Trong miếu cũng có tượng thần hoặc bài vị thần linh, đặt trên ngai, ngai đặt trên bệ với thần sắc hoặc bản sao…
-
- Chùa Thiên Niên
- Tên chữ là Thiên Niên Cổ Tự, còn được gọi là chùa Trích Sài, một ngôi chùa nằm ngay sát bờ hồ Tây, thuộc làng Trích Sài, phường Bưởi, giáp ranh với phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội. Chùa thờ Phật và thờ bà chúa dệt lĩnh Phạm Thị Ngọc Đô - thứ phi của vua Lê Thánh Tông đã từng truyền nghề dệt lĩnh cho nhân dân trong vùng.
-
- Vọng cách
- Một loại cây mọc hoang có lá mọc đối, hình tim, mặt trên láng, mặt dưới có ít lông. Hoa nhỏ có màu trắng, mọc thành chùm. Quả tròn, cỡ đầu ngón tay, khi chín có màu đen. Lá có mùi thơm, thường dùng làm rau sống, nấu canh, cuốn thịt bò nướng…
-
- Chùa Tảo Sách
- Cũng gọi là chùa Tào Sách hay chùa Bà Sách, tên chữ là Linh Sơn Tự, một ngôi chùa nổi tiếng ở về phía tây Hồ Tây, từ chợ Bưởi đi lên, nay thuộc địa phận phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội. Theo thống kê của Viện nghiên cứu Hán Nôm thì chùa có 42 câu đối (39 câu đối chữ Hán, 3 câu đối chữ Nôm), 23 bức đại tự, 2 quả chuông trong đó 1 quả đúc năm Minh Mệnh tam niên (1822), 24 văn bia, trong đó có đến 12 bia được lập vào năm Tân Tị niên hiệu Bảo Đại (1941). Từ lâu chùa đã được công nhận là di tích văn hóa.
-
- Đa lông
- Một loại đa, lá có lông phủ trên bề mặt.
-
- Đông Xã
- Vốn là một thôn của làng Yên Thái, tách ra thành một xã độc lập từ đời Duy Tân (1907 - 1915), nay thuộc cụm 4 phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội. Thời Lê, làng nằm trong phường Yên Thái của Kinh thành Thăng Long; thời Nguyễn thuộc tổng Trung, huyện Vĩnh Thuận. Đây là một làng cổ ở ven hồ. Tục truyền thời Hùng Vương đã có dân sinh cơ lập nghiệp. Dân làng Đông Xã có nghề làm giấy dó từ rất lâu đời.
-
- Làng Cót
- Cũng gọi là kẻ Cót, tên Nôm của hai làng Yên Quyết là Thượng Yên Quyết ở phía Bắc và Hạ Yên Quyết ở phía Nam, đều nằm bên bờ phải sông Tô Lịch. Về sau làng Cót được lấy làm tên gọi cho làng Hạ Yên Quyết tức làng Bạch Liên Hoa, còn làng Thượng Yên Quyết sau đổi gọi là làng Giấy, do có nghề truyền thống là sản xuất giấy. Cả hai làng Yên Quyết nay đều thuộc phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội, nằm ven sông Tô Lịch đoạn từ cầu Giấy đến gần cầu Trung Kính.
Nghề truyền thống của làng Cót là nghề làm vàng mã. Hiện nay, còn nhiều hộ gia đình tại làng Cót vẫn giữ nghề truyền thống này.
-
- Trung Nha
- Tên nôm là làng Nghè, nay là thôn Trung Nha, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Xưa kia, trai làng giỏi nghề canh cửi, lại biết làm nghề làm giấy sắc phong, loại giấy bền, dai, dùng viết sắc chỉ, sớ tấu, biểu lệnh… “Nghè” là tiếng đập của hai chày tay do hai người giã vào xếp giấy cho mỏng tang.
-
- Làng Vòng
- Tên một làng nay là phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Làng Vòng nổi tiếng với cốm làng Vòng, một đặc sản không chỉ của riêng Hà Nội mà còn của cả nước ta.
-
- Cốm
- Thức ăn được làm từ lúa nếp làm chín bằng cách rang và sàng sảy cho hết vỏ trấu, rất thịnh hành trong ẩm thực đồng bằng Bắc Bộ, đặc biệt là tại Hà Nội. Ở miền Bắc, lúa nếp để làm cốm thường là nếp non, hạt lúa bấm ra sữa, tuy ở miền Trung và Nam Bộ cốm có thể dùng để chỉ thành phẩm sử dụng loại lúa nếp già tháng hơn rang nổ bung ra và sau đó được ngào với đường. Nổi tiếng nhất có lẽ là cốm làng Vòng, đặc sản của làng Vòng (thôn Hậu) cách trung tâm Hà Nội khoảng 5–6 km, nay là phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
-
- Họ Lại
- Một họ ở làng Trung Nha, xã Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Xưa kia, họ Lại chuyên làm giấy lệnh cho triều đình phong kiến viết sắc chỉ.
-
- Sắc
- Tờ chiếu lệnh của vua ban cho quan dân dưới thời phong kiến.
-
- Yên Lãng
- Tên nôm là làng Láng, nay thuộc phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội, xưa thuộc xã Yên Lãng, gần cửa Bảo Khánh, thành Thăng Long. Làng có nghề trồng rau, trong đó nổi tiếng nhất là rau húng. Húng Láng khi trồng ở làng thì có một hương vị riêng rất đặc biệt, hương vị này không còn nếu đem đi trồng ở làng khác.
-
- Mồng đốc
- Âm vật, một cơ quan sinh dục nữ. Tục còn gọi là hột (hay hạt) le, cái thè le, hoặc hạt chay.
-
- Sơn son thếp vàng
- Sơn màu đỏ và dát vàng mỏng lên với mục đích trang trí.
-
- Dừ
- Giờ, bây giờ. Còn đọc là giừ (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
-
- Mun
- Loài cây thân gỗ, ưa sáng, mọc chậm, sống lâu. Lõi gỗ mun khi khô có màu đen bóng, cứng và bền nên khó gia công, thường dùng làm đồ gỗ quý, thủ công mĩ nghệ cao cấp. Quả và lá dùng để nhuộm đen lụa quý. Hiện mun đang trên đà tuyệt chủng do tình trạng khai thác bừa bãi.
-
- Trắc
- Loại cây lớn, cho gỗ quý, thường dùng để làm đồ thủ công mĩ nghệ, chạm khảm...
-
- Ốc xà cừ
- Một loại ốc biển lớn, vỏ dày có nhiều hoa văn đẹp mắt. Vỏ ốc xà cừ thường được dùng để khảm vào các đồ vật bằng gỗ, có tác dụng trang trí, gọi là cẩn xà cừ.
-
- Nồi gọ
- Chỗ phình rộng ra trong hang rắn hay hang cá trê.
-
- Nhợ
- Cũng gọi là rợ, dây thừng nhỏ làm bằng gai hoặc xơ dừa, dùng để trói, buộc hoặc làm dây câu.
-
- Bực
- Bậc, chỗ đất cao bên bờ sông (phương ngữ Nam Bộ).
-
- Nhơn
- Nhân (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Ngãi
- Nghĩa, tình nghĩa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Ân oai
- Nói về người có quyền, có ân mà lại có oai nghi, người ta cảm mà lại sợ (Đại Nam quấc âm tự vị - Huình Tịnh Của).
-
- Cô hồn
- Linh hồn chưa được đầu thai kiếp khác, phải đi lang thang, chịu khổ sở đói rét, theo tín ngưỡng tâm linh. Vào tháng Bảy âm lịch, ở nước ta có tục cúng cô hồn.
-
- Cơi
- Một loại cây có lá nhỏ dài, dùng để nhuộm vải thành màu vàng lục sẫm hoặc để đánh bả cá. Theo Văn học dân gian (NXB Văn Học, 1977): Loại cây này ở xã Hùng Nhĩ, dọc bờ suối và bờ sông Bứa thấy mọc rất nhiều.
-
- Nước nghĩa
- Tục lệ kết nghĩa giữa hai làng với nhau. Đây là phong tục từ xưa của hai dân tộc Việt-Mường tại làng Hùng Nhĩ, tỉnh Phú Thọ.
-
- Phong vân
- Phong: gió, vân: mây. Gặp hội phong vân, tức Tế hội phong vân 際會風雲, chỉ sự kẻ hiền tài gặp thời được dùng, công danh hiển đạt. Kinh Dịch: "Ðồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, thuỷ lưu thấp, hoả tựu táo, vân tòng long, phong tòng hổ, thánh nhân tác nhi vạn vật đổ" (Ðồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, nước chảy xuống thấp, lửa bén tới chỗ khô, mây bay theo rồng, gió bay theo cọp, thánh nhân xuất hiện mà vạn vật trông vào).
-
- Theo Văn học dân gian (NXB Văn Học, 1977): Có người giải thích, tiếu (tiểu) là thiếu, đài (đại) là đủ, do nhân dân địa phương quen miệng nói chệch ra. Cũng có người giải thích: xưa kia khi cúng tế thường có lễ xin âm dương để bói xem lành dữ, xấu tốt, khi xem âm dương người ta thường lấy hai đồng tiền gieo lên trên một cái đĩa, nếu sấp một, ngửa một thì gọi là đài (tốt), cả hai đều ngửa là tiếu (còn gọi là cười, tức là thần cười, thần chưa bằng lòng). Nhưng nói chung tiếu và đài ở đây có ý chỉ mối tình duyên hai người chưa hợp.
-
- Kiến lửa
- Loài kiến có đầu và thân màu đồng hoặc nâu, có râu hai nhánh rất đặc biệt. Kiến lửa thường làm ổ dưới đất, đá, cây mục... cắn đau, tạo mụn mủ.
-
- Kiến vàng
- Loài kiến nhỏ, màu vàng, đốt đau, làm tổ trên cây. Ở Tây Nguyên người ta dùng kiến vàng làm muối chấm với thịt nướng rất ngon.
-
- Kiến hùm
- Loại kiến lớn, thân màu đen, thường làm tổ trên các cây cao.
-
- Kiến gió
- Còn gọi kiến kim, loài kiến rất nhỏ, màu hơi đen, cắn rất đau, vết cắn thành mẩn to.
-
- Kiến nhọt
- Loại kiến có màu đen bóng, đốt rất đau và độc.
-
- Mọt
- Giống bọ cánh cứng có hàm khỏe, chuyên đục khoét tre, gỗ, ngũ cốc khô.
-
- Kiến hôi
- Loài kiến màu nâu hoặc đen, làm tổ dưới đất hoặc trên các cây ăn quả, thức ăn là các chất đường, mật. Kiến hôi có tên gọi như vậy do có một mùi hôi rất đặc trưng.
-
- Kiến cánh
- Kiến chúa và kiến đực thường có cánh. Tới mùa sinh sản chúng bay đi tìm nơi giao phối và lập tổ kiến mới.
-
- Kiến riện
- Loại kiến có màu nâu đen, kích thước nhỏ khoảng đầu kim. Kiến riện thường làm tổ gây hại trên các loại cây ăn quả.
-
- Đơn chai
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Đơn chai, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Bàn Cổ
- Vị thần khai thiên lập địa, sáng tạo ra vũ trụ trong thần thoại Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc.
-
- Sở phân
- Phân chia rõ ràng (từ Hán Việt).
-
- Ấu tử
- Trẻ con (từ Hán Việt).
-
- Tài tử giai nhân
- Người con trai có tài, người con gái có sắc. Chỉ những người tài sắc nói chung.
Dập dìu tài tử giai nhân
Ngựa xe như nước, áo quần như nêm
(Truyện Kiều)
-
- Thực vật
- Đồ ăn uống, đồ dùng sinh hoạt nói chung.
-
- Túc dụng
- Đủ dùng (từ Hán Việt).
-
- Cựu thời
- Thời trước, thời xưa (từ Hán Việt).
-
- Bộc
- Phơi bày, bộc bạch (từ Hán Việt).
-
- Nhi thinh
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Nhi thinh, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Xuân nhựt
- Xuân nhật, ngày xuân (từ Hán Việt).
-
- Ức
- Ham, muốn (từ cũ).
-
- Minh niên
- Năm nay (từ Hán Việt).
-
- Hỉ hạ
- Vui mừng, chung vui. Như hỉ hả, hể hả.
-
- Dã
- Chốn quê mùa. Ở đây ý chỉ Bình Định.
-
- Huế
- Một địa danh ở miền Trung, nay là thành phố thủ phủ của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Là kinh đô của Việt Nam dưới triều đại phong kiến nhà Nguyễn (1802 - 1945), Huế còn được gọi là đất Thần Kinh (ghép từ hai chữ kinh đô và thần bí) hoặc cố đô. Huế là một vùng đất thơ mộng, được đưa vào rất nhiều thơ văn, ca dao dân ca và các loại hình văn học nghệ thuật khác, đồng thời cũng là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa với nón Bài Thơ, nhã nhạc cung đình, ca Huế, các đền chùa, lăng tẩm, các món ẩm thực đặc sắc...
Địa danh "Huế" được cho là bắt nguồn từ chữ "Hóa" trong Thuận Hóa, tên cũ của vùng đất bao gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.
-
- Điện Quang
- Tên một hiệu pháo nổi tiếng ngày trước. Pháo Điện Quang tuy nhỏ nhưng nổ rất giòn giã, không có viên lép, xác pháo đều.
-
- Lôi đình
- Sấm sét (từ Hán Việt).
-
- Hung
- Dữ, quá (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Tiêu xoay
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Tiêu xoay, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Ngún hừng
- Ngún (thường nói về lửa) là cháy ngầm; hừng là cháy phừng lên, dấy lên. Ngún hứng là chập chờn không đều lửa.
-
- Hắt
- Dứt khoát (phương ngữ Trung Bộ).
-
- Đây là lời các gian hàng bán pháo Tết rao bằng cách hát theo điệu bài chòi, thường thấy ngày xưa ở chợ Gò (Tuy Phước, Bình Định). Chợ Gò ngày ấy mỗi dịp Tết lại bán pháo rất nhiều, nên còn gọi là chợ Pháo. Bài này do thi sĩ Sinh Hòa cung cấp, dẫn bởi Trần Đình Thái trong sách Ai có về Qui Nhơn (1973).
-
- Thuốc lào
- Theo học giả Đào Duy Anh, cây thuốc lào có lẽ từ Lào du nhập vào Việt Nam nên mới có tên gọi như thế. Sách Vân Đài loại ngữ và Đồng Khánh dư địa chí gọi cây thuốc lào là tương tư thảo (cỏ nhớ thương), vì người nghiện thuốc lào mà hai, ba ngày không được hút thì trong người luôn cảm thấy bứt rứt khó chịu, trong đầu luôn luôn nghĩ đến một hơi thuốc, giống như nhớ người yêu lâu ngày không gặp. Thời xưa, ngoài "miếng trầu là đầu câu chuyện," thuốc lào cũng được đem ra để mời khách. Hút thuốc lào (cũng gọi là ăn thuốc lào) cần có công cụ riêng gọi là điếu.
Thuốc lào thường được đóng thành bánh để lưu trữ, gọi là bánh thuốc lào.
-
- Quốc túy
- Cái đặc sắc về tinh thần hoặc vật chất của một dân tộc.
-
- Yên vân
- Khói (yên) mây (vân).
-
- Thừa
- Một chức vụ nhỏ trong các nha phủ dưới thời phong kiến.
-
- Đa mang
- Tự vương vấn vào nhiều tình cảm để rồi phải đeo đuổi, vấn vương, dằn vặt không dứt ra được.
Thôi em chả dám đa mang nữa
Chẳng buộc vào chân sợi chỉ hồng
(Xuân tha hương - Nguyễn Bính)
-
- Sơn hà
- Núi sông (từ Hán Việt). Từ cũ, nghĩa rộng dùng để chỉ đất nước.
Nam quốc sơn hà Nam Đế cư
Tiệt nhiên phận định tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư
(Lý Thường Kiệt)Dịch thơ:
Sông núi nước Nam vua Nam ở
Rành rành định phận tại sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.
-
- Cơ trời đất
- Cơ nghĩa là "máy." Người xưa quan niệm trời đất là một cỗ máy, vì vậy có từ "thiên cơ" nghĩa là máy trời.
-
- Tang bồng
- Cung bằng gỗ dâu (tang) và tên bằng cỏ bồng. Theo Kinh Lễ, khi nhà vua sinh con trai, quan coi việc bắn sẽ lấy cung bằng gỗ dâu và tên bằng cỏ bồng, bắn bốn phát ra bốn hướng, một phát lên trời, một phát xuống đất, ngụ ý rằng người làm trai chí ở bốn phương, tung hoành trời đất, giúp nước giúp đời. Chí làm trai vì thế gọi là chí tang bồng.
-
- Vàn
- Vạn.
-
- Đinh Công Tráng
- (1842 - 1887) Lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa Ba Đình. Ông quê làng Tráng Xá, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Khi Pháp đánh chiếm Bắc Kỳ, ông gia nhập đội quân của Hoàng Kế Viêm, rồi tham gia trận Cầu Giấy ngày 19/5/1883. Sau khi cuộc khởi nghĩa Ba Đình thất bại, ông rút về về Nghệ An, định gây dựng lại phong trào, nhưng không may hi sinh trong một trận đánh vào ngày 5/10/1887. Tướng Pháp Mason nhận định: "[Ông là] Người có trật tự, trọng kỉ luật, cương trực, hay nghiêm trị những thủ hạ quấy nhiễu dân; có chí nhẫn nại, biết mình biết người, không bao giờ hành binh cẩu thả, giỏi lập trận thế."
-
- Nga Sơn
- Tên một huyện ở phía đông bắc tỉnh Thanh Hóa, nổi tiếng với cuộc khởi nghĩa Ba Đình và chiếu cói Nga Sơn.
-
- Thần công
- Vũ khí hạng nặng, sử dụng thuốc súng hoặc các nhiên liệu cháy nổ khác để đẩy một viên đạn đi xa. Có sức sát thương lớn, súng thần công thường dùng để chống bộ binh và phá thành.
-
- Nghĩa sĩ
- Người anh dũng dấn thân vì việc nghĩa.
-
- Lạc Hồng
- Con Lạc cháu Hồng (Con của loài chim Lạc, cháu của dòng giống Hồng Bàng). Chim Lạc là một loài chim trong truyền thuyết, được xem là biểu tượng của Âu Lạc, nhà nước thứ hai trong lịch sử nước ta (sau Văn Lang của các vua Hùng). Hồng Bàng là tên gọi chung cho giai đoạn thượng cổ nước ta, chủ yếu dựa trên các truyền thuyết, truyện kể và một số ít bằng chứng khảo cổ học.
Nhân dân ta tự nhận là con Lạc cháu Hồng. Từ "Lạc Hồng" đôi khi được đảo thành Hồng Lạc, tương tự như đối với "con Hồng cháu Lạc."
-
- Giàng
- Hay Yàng, Yang, tên gọi của vị chúa tể thần linh (ông trời) theo cách gọi của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên.
-
- Liệt sĩ bốn người
- Bốn hạ sĩ quân đội lính khố đỏ cầm đầu vụ đầu độc binh lính Pháp thành Hà Nội, gồm: đội Bình, độc Cốc, đội Nhân, và cai Nga. Bốn người đều bị giặc Pháp xử tử ngày 8/7/1908.
-
- Hoàng thành Thăng Long
- Gọi tắt là thành Hà Nội hoặc Hà thành, một công trình kiến trúc đồ sộ, được xây dựng qua nhiều triều đại phong kiến nước ta. Khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, tại thành Hà Nội đã xảy ra ít nhất hai trận đánh quan trọng: trận thành Hà Nội thứ nhất (20/11/1873) và trận thành Hà Nội thứ hai (25/4/1882). Chỉ huy thành trong hai trận này lần lượt là đô đốc Nguyễn Tri Phương và tổng đốc Hoàng Diệu.
-
- Đòi phen
- Nhiều lúc, nhiều lần (đòi từ cổ nghĩa là "nhiều").
Trông tư bề chân trời mặt đất;
Lên, xuống lầu thấm thoát đòi phen
(Chinh phụ ngâm khúc - Đặng Trần Côn)
-
- Tự Đức
- (1829 – 1883) Vị hoàng đế thứ tư của nhà Nguyễn, vương triều cuối cùng trong lịch sử phong kiến nước ta. Thời gian ông ở ngôi đánh dấu nhiều sự kiện trong lịch sử nước ta, trong đó quan trọng nhất là tháng 8/1858, quân Pháp nổ phát súng đầu tiên tấn công Đà Nẵng, mở đầu cho thời kì thống trị của người Pháp ở Việt Nam.
-
- Nguyễn Phúc Khoát
- Còn gọi là Chúa Vũ, Chúa Khoát, hay Võ Vương, Vũ Vương (1714-1765), vị chúa Nguyễn thứ 8 trong lịch sử nước ta. Ông được đánh giá là có công xây dựng Đô thành Phú Xuân (thế kỷ 18), hoàn thành công cuộc Nam tiến của người Việt (bắt đầu từ thế kỉ 11 và hoàn tất vào thế kỉ 18 để có toàn vẹn lãnh thổ như hiện nay), và được xem là người có công khai sáng và định hình chiếc áo dài Việt Nam (theo sách Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn và Đại Nam Thực Lục Tiền Biên của nhiều sử quan thuộc Quốc Sử Quán).
Ông là con trai trưởng của chúa Nguyễn Phúc Chu và mẹ là Thục phi Trương Thị Thư. Lúc thế ngôi chúa của cha năm 24 tuổi, ông lấy hiệu là Từ Tế Đạo Nhân (vì chuộng đạo Phật). Năm 1744, sau nhiều thành tựu đối nội, quần thần dân biểu tôn Chúa Vũ lên ngôi vương, tục gọi là Võ Vương. Năm Võ Vương mất (1765), ông được truy tôn là Thế Tôn Hiếu Võ Hoàng Ðế.
-
- Kích nhưỡng khang cù
- Kích nhưỡng và Khang cù là tên hai bài ca dao thời vua Nghiêu bên Trung Hoa. Kích nhưỡng khang cù chỉ cảnh thiên hạ thái bình, nhân dân vui chơi ca hát.
-
- Thái Sơn
- Một ngọn núi ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, là một trong năm ngọn núi thiêng của Trung Quốc (gồm Hành Sơn, Hằng Sơn, Thái Sơn, Hoa Sơn và Tung Sơn). Núi Thái Sơn được xem là thiêng nhất trong năm ngọn núi này.
-
- Bàn thạch
- Đá tảng (từ Hán Việt).
-
- Hải thủy sơn man
- Những loài quái vật dưới nước và man di mọi rợ trên núi.
-
- Quảng Ngãi
- Địa danh nay là một tỉnh nằm ở duyên hải Nam Trung Bộ, nằm hai bên bờ sông Trà Khúc, được mệnh danh là vùng đất Núi Ấn Sông Trà. Quảng Ngãi là mảnh đất có bề dày lịch sử về văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Chăm Pa, đặc biệt là hệ thống thành lũy Chàm. Tại đây cũng nổi tiếng cả nước với đặc sản đường mía (đường phèn, đường phổi, mạch nha...) và tỏi ở Lý Sơn.
-
- Cháy háp
- Cháy một phần.
-
- Lúa nhồng
- Còn đọc là lúa nhộng, chỉ lúa trổ bông bị nghẽn không thoát ra gié lúa, giống như con nhộng còn trong tổ kén. Hiện tượng nhộng lúa thường xảy ra khi lúa sắp trổ gặp thời tiết hạn hán, khô nước.
-
- Thiên địa chí công
- Trời đất rất công bằng.
-
- Huỳnh Công Miêng
- Con trai của lãnh binh Huỳnh Công Tấn, một tay sai đắc lực của thực dân Pháp vào cuối thế kỉ 19. Trái ngược với cha, ông là người có máu giang hồ mã thượng, thích ngao du và làm việc nghĩa, tính tình hào phóng, hay bênh vực kẻ yếu, vì vậy được nhân dân yêu mến và gọi là "cậu." Nhờ oai danh cha, cậu hai Miêng được mệnh danh là "miễn tử lưu linh," có nghĩa là được miễn sưu thuế, đi đâu mặc tình, không ai được phép "hỏi giấy"... và cũng lợi dụng những đặc ân đó để làm những chuyện nghĩa hiệp.
-
- Lãnh binh Tấn
- Tên thật là Huỳnh Tấn hay Huỳnh Văn Tấn, cũng gọi là Huỳnh Công Tấn, một cộng sự đắc lực của thực dân Pháp trong việc đàn áp các cuộc khởi nghĩa của nông dân vào những năm gần cuối thế kỷ 19 tại các tỉnh Nam Kỳ. Tấn là người đã dẫn quân Pháp tấn công, vây bắt Trương Định năm 1864, Võ Duy Dương (1866) và Nguyễn Trung Trực (1968). Nhờ những "công lao" này, ông được Pháp ban cho huy chương “Bắc đẩu Bội tinh” và chức Lãnh binh, đồng thời xây dựng "đài ghi công" tại Gò Công (sau đã bị đập nát).
-
- Gò Công
- Nay là tên một thị xã thuộc tỉnh Tiền Giang, giáp với thành phố Mỹ Tho. Tỉnh Gò Công ngày xưa bao gồm thị xã Gò Công, huyện Gò Công Đông và huyện Gò Công Tây ngày nay. Gò Công Đông và Gò Công Tây là vùng duyên hải, có hai cửa biển của sông Tiền: cửa Đại và cửa Tiểu. Tên gọi Gò Công xuất phát từ việc vùng đất này trước đây có nhiều chim công (khổng tước), vì vậy tên Hán Việt của Gò Công là Khổng Tước Nguyên. Gò Công gắn liền với tên tuổi người anh hùng Trương Định.
-
- Nam Kỳ lục tỉnh
- Tên gọi miền Nam Việt Nam thời nhà Nguyễn, trong khoảng thời gian từ năm 1832 tới năm 1862 (khi Pháp chiếm 3 tỉnh Miền Đông) và năm 1867 (khi Pháp chiếm nốt 3 tỉnh Miền Tây), bao gồm sáu (lục) tỉnh:
1. Phiên An, sau đổi thành Gia Định (tỉnh lỵ là tỉnh thành Sài Gòn),
2. Biên Hòa (tỉnh lỵ là tỉnh thành Biên Hòa),
3. Định Tường (tỉnh lỵ là tỉnh thành Mỹ Tho) ở miền Đông;
4. Vĩnh Long (tỉnh lỵ là tỉnh thành Vĩnh Long),
5. An Giang (tỉnh lỵ là tỉnh thành Châu Đốc),
6. Hà Tiên (tỉnh lỵ là tỉnh thành Hà Tiên) ở miền Tây.
-
- Thuở tạo thiên
- Lúc mới lập ra trời đất.
-
- Đọi
- Cái chén, cái bát (phương ngữ một số vùng ở Bắc Trung Bộ).
-
- Thời
- Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
-
- Trúc
- Một loại cây giống tre, mọc thành bụi, lá nhỏ và thưa hơn lá tre. Do trúc có dáng đẹp nên được trồng làm cây cảnh. Trong văn chương ngày xưa, trúc thường được dùng tượng trưng cho hình ảnh người quân tử, hoặc người con gái.
-
- Mai
- Còn gọi là mơ, một loại cây thân nhỏ, nhiều cành, rất phổ biến các nước Đông Á, nhất là Trung Quốc và Nhật Bản. Cây ra hoa vào cuối mùa đông, đầu mùa xuân. Hoa mai nhỏ, mỗi hoa có năm cánh, thường hoa có màu trắng, mặc dù một số giống mai có thể cho hoa màu hồng hay đỏ sẫm. Trong văn học cổ, mai thường được dùng như một hình ảnh ước lệ, đại diện cho người phụ nữ. Lưu ý, cây mai này không phải là loại mai vàng của miền Nam nước ta.
-
- Lục Vân Tiên
- Tên nhân vật chính, đồng thời là tên tác phẩm truyện thơ Nôm nổi tiếng của Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), được sáng tác theo thể lục bát vào đầu những năm 50 của thế kỷ 19, đề cao đạo lý làm người. Lục Vân Tiên là một chàng trai khôi ngô tuấn tú, tài kiêm văn võ, cùng với Kiều Nguyệt Nga, một người con gái chung thủy, đức hạnh trải qua nhiều sóng gió nhưng cuối cùng cũng đạt được hạnh phúc.
Đối với người dân Nam Bộ, truyện Lục Vân Tiên có sức ảnh hưởng rất lớn, được xem là hơn cả Truyện Kiều của Nguyễn Du.
-
- Trong truyện Lục Vân Tiên, Nguyệt Nga đã thủ tiết chờ đợi Vân Tiên cả thảy sáu năm.
-
- Lụy
- Nước mắt (phương ngữ Nam Bộ, nói trại từ lệ).
-
- Nghĩa nhân
- Cũng viết nhân nghĩa, nghĩa là "lòng yêu thương người (nhân) và biết làm điều phải (nghĩa)." Hiểu rộng là đạo nghĩa sống ở đời.
-
- Trẩy
- Đi đến nơi xa (thường nói về một số đông người). Trẩy hội nghĩa là đi dự ngày hội hằng năm.
-
- Loan
- Theo một số điển tích thì phượng hoàng là tên chung của một loại linh vật: loan là con mái, phượng là con trống. Cũng có cách giải nghĩa khác về loan, mô tả loan là một loài chim giống với phượng hoàng. Trong văn thơ cổ, loan và phụng thường được dùng để chỉ đôi vợ chồng hoặc tình cảm vợ chồng (đèn loan, phòng loan...)
Nào người phượng chạ loan chung,
Nào người tiếc lục tham hồng là ai
(Truyện Kiều)
-
- Đồng tịch đồng sàng
- Cùng chiếu cùng giường (từ Hán Việt đồng: cùng, tịch: chiếu; sàng: giường), dùng để chỉ quan hệ vợ chồng.
-
- Đồng sinh đồng tử
- Sống chết có nhau.
-
- Đồng lần
- Lần lượt như nhau, trước sau rồi ai cũng có, cũng phải làm, phải chịu hoặc phải trải qua.
-
- Quân thân
- Vua và cha mẹ (từ Hán Việt). Theo đạo Nho, trung với vua và hiếu với cha mẹ là hai phẩm chất đạo đức quan trọng nhất của con người.
-
- Tấn Tần
- Việc hôn nhân. Thời Xuân Thu bên Trung Quốc, nước Tần và nước Tấn nhiều đời gả con cho nhau. Tấn Hiến Công gả con gái là Bá Cơ cho Tần Mục Công. Tần Mục Công lại gả con gái là Hoài Doanh cho Tấn Văn Công. Việc hôn nhân vì vậy gọi là việc Tấn Tần.
Trộm toan kén lứa chọn đôi,
Tấn Tần có lẽ với người phồn hoa.
(Truyện Hoa Tiên)
-
- Thiên lý
- Một loại cây dây leo, thường được trồng thành giàn lấy bóng mát, lá non và hoa dùng để nấu ăn.
-
- Lí trưởng
- Tên một chức quan đứng đầu làng (lí: làng, trưởng: đứng đầu), bắt đầu có từ đời Minh Mệnh nhà Nguyễn.
-
- Tía tô
- Một loại cây thảo, lá có màu tía, mùi hơi hăng, dùng làm gia vị, pha trà, hoặc làm vị thuốc dân gian.
-
- Thắt cổ bồng
- Eo thót ở giữa như cổ trống bồng.
-
- Thanh Hóa
- Một tỉnh nằm ở Bắc Trung Bộ, là một trong những cái nôi của người Việt. Cư dân Việt từ xa xưa đã sinh sống trên đồng bằng các sông lớn như sông Mã hay sông Chu. Nền văn minh Đông Sơn được coi là sớm nhất của người Việt cũng thuộc tỉnh này.
Trong lịch sử, đã có giai đoạn Thanh Hóa được gọi là Thanh Hoa. Nhưng đến thời nhà Nguyễn, do kị húy với tên vương phi Hồ Thị Hoa mà tên tỉnh được đổi thành Thanh Hóa cho đến nay.
Thanh Hóa có nhiều danh lam thắng cảnh và lịch sử nổi tiếng như Vườn quốc gia Bến En, suối cá thần Cẩm Lương, bãi biển Sầm Sơn, khu di tích Lam Kinh, cầu Hàm Rồng... Đây cũng là nơi địa linh nhân kiệt, là quê hương của các nhân vật lịch sử nổi tiếng như Dương Đình Nghệ, Lê Hoàn, Lê Lợi, các chúa Trịnh, Nguyễn...
-
- Ngân Hà
- Tên gọi của thiên hà bao gồm Trái Đất của chúng ta. Trên bầu trời đêm, Ngân Hà trông như một dải sáng trắng vắt ngang bầu trời, nên được hình tượng hóa thành một dòng sông trên thượng giới. Trong thần thoại Trung Quốc, Ngưu Lang và Chức Nữ bị sông Ngân Hà chia cách, nên sông Ngân còn tượng trưng cho sự ngăn cách lứa đôi.
-
- Trị thủy
- Cải tạo sông ngòi và điều tiết dòng chảy để sử dụng sức nước và ngăn ngừa lũ lụt.
-
- Các cửa ô Hà Nội
- Theo sách Bắc thành dư địa chí soạn hồi đầu thế kỷ 19, Hà Nội có 21 cửa ô. Bản đồ Tòa thành Hà Nội (thành đất) dựng năm 1831 có ghi vị trí và tên 16 cửa ô. Bản đồ Tỉnh thành Hà Nội vẽ năm 1866 đời Tự Đức chỉ còn 15 cửa ô. Đến thế kỷ 20, trên sách vở, báo chí, trong các tác phẩm thi ca, người ta chỉ còn nhắc đến Hà Nội 5 cửa ô.
Thời xưa, các cửa ô là cửa ra vào kinh thành, có cổng ba cửa, có vọng lầu, xây bằng gạch vồ nâu đỏ. Đến nay, chỉ sót lại duy nhất Ô Quan Chưởng là giữ được hình tích cũ. Các cửa ô còn lại chỉ còn là địa danh của một số phố phường.
-
- Sông Lục Đầu
- Còn được gọi là Lục Đầu Giang, tên cũ là sông Phù Lan, quãng sông tạo thành bởi hợp lưu của sáu con sông: Cầu, Thương, Lục Nam, Đuống, Kinh Thầy và Thái Bình, nay là vùng Vạn Yên, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Phong thủy gọi đây là thế đất “lục long tranh châu” (sáu con rồng tranh nhau hòn ngọc). Giặc ngoại xâm nhiều lần theo đường thủy vào cửa Bạch Đằng, vào sông Kinh Thầy, tập kết ở Lục Đầu Giang để tấn công vào Thăng Long. Tại đây đã diễn ra nhiều cuộc thủy chiến dữ dội, mà lớn nhất là cuộc chiến năm 1285 giữa quân nhà Trần (Đại Việt) với giặc Nguyên Mông.
Ngày nay, trong lễ hội tháng tám âm lịch ở đền Kiếp Bạc, người dân vẫn tổ chức nghi lễ rước thủy trên sông Lục Đầu để tôn vinh Đức Thánh Trần (Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn) và tái hiện chiến thắng Vạn Kiếp năm 1285.
Khám phá Lục Đầu Giang - Phóng sự của kênh truyền hình VTC10
-
- Sông Thương
- Còn có tên là sông Nhật Đức, xưa còn gọi là sông Nam Bình, sông Lạng Giang, sông Long Nhỡn, một con sông lớn ở miền Bắc. Sông bắt nguồn từ dãy núi Na Pa Phước, làng Man, xã Vân Thuỷ, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn, chảy qua các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Dương rồi đổ vào sông Thái Bình. Sông Thương có hiện tượng "nước chảy đôi dòng" do hiện tượng nhập giang của sông Sim mang nhiều phù sa đục vào dòng chính trong xanh, tạo thành hai dòng chảy song song không hòa với nhau.
Nghe ca khúc Con thuyền không bến của nhạc sĩ Đặng Thế Phong, có nhắc đến sông Thương.
-
- Tản Viên
- Tên một ngọn núi nổi tiếng thuộc dãy núi Ba Vì, huyện Ba Vì, Hà Nội. Tản Viên còn có tên gọi khác là Ngọc Tản, Tản Sơn hoặc Phượng Hoàng Sơn.
Tản Viên cao 1281m, gần đỉnh thắt lại, đến đỉnh lại xòe ra như chiếc ô nên gọi là Tản (傘). Chân núi này có đền Hạ, lưng chừng núi có đền Trung, đỉnh núi có đền Thượng là nơi thờ Sơn Tinh (Đức Thánh Tản). Núi Tản Viên là nơi gắn với huyền thoại về Sơn Tinh, một trong bốn vị thánh bất tử (tứ bất tử) của người Việt.
-
- Đền Sòng Sơn
- Gọi tắt là đền Sòng, một ngôi đền xưa thuộc trang Cổ Đam, Phú Dương, Phủ Tống, Thanh Hoá, nay thuộc phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Đền thờ Mẫu Liễu Hạnh - một trong Tứ bất tử của người Việt. Lễ hội Đền Sòng thường diễn ra từ ngày mùng 10 đến 26 tháng 2 âm lịch hàng năm, trong đó ngày 25 là chính hội, đó là ngày Thánh Mẫu hạ giới. Vào ngày 15 tháng 3 hàng năm tại đền lại diễn ra lễ hội tưởng nhớ bà Chúa Liễu Hạnh, có nhiều du khách thập phương tham dự.
-
- Lạng Sơn
- Còn gọi là xứ Lạng, một tỉnh ở vùng Đông Bắc nước ta. Lạng Sơn có nhiều thắng cảnh nổi tiếng như động Nhị Thanh, chùa Tam Thanh, ải Chi Lăng, núi Tô Thị...
-
- Động Hương Tích
- Tên một hang động rất đẹp thuộc quần thể di tích Hương Sơn thuộc huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội). Tháng ba năm Canh Dần (1770), Chúa Trịnh Sâm từng tham quan động và đặt tên cho động là "Nam Thiên đệ nhất động" tức "động đẹp nhất trời Nam." Trong động có pho tượng Phật bà Quan Âm làm bằng đá xanh tạc thời Tây Sơn và hàng vạn nhũ đá nhấp nhô đẹp mắt.
-
- Lý Quốc Sư
- (1065-1141) Tên thật là Nguyễn Chí Thành, tên hiệu Nguyễn Minh Không, đạo hiệu Không Lộ, được nhân dân tôn là Đức thánh Nguyễn. Ông sinh tại xã Đàm Xá, phủ Tràng An (nay thuộc Gia Viễn, Ninh Bình), là một vị cao tăng đứng đầu tổ chức phật giáo thời nhà Lý. Ông đã dựng tới 500 ngôi chùa trên đất Đại Việt, đồng thời là người sưu tầm và phục hưng nghề đúc đồng, được suy tôn là ông tổ nghề đúc đồng. Lý Quốc Sư là người đúc tượng Phật chùa Quỳnh Lâm ở Quảng Ninh và đỉnh đồng trên tháp Báo Thiên ở Thăng Long, hai trong số bốn báu vật nổi tiếng gọi là "An Nam Tứ đại khí” của nước Đại Việt thời Lý - Trần (hai báu vật còn lại là chuông Quy Điền và vạc Phổ Minh).
-
- Hữu Sào
- Một vị vua huyền thoại trong Tam Hoàng Ngũ Đế của Trung Quốc.
-
- Nữ Oa
- Tên một vị nữ thần khổng lồ có mặt trong cả trong thần thoại Trung Quốc và Việt Nam với tích "Nữ Oa đội đá vá trời." Theo đó, trước đây bầu trời được chống bởi một ngọn núi cao (gọi là trụ trời). Một hôm trụ trời bị gãy sụp, trời thủng, khắp nơi hỗn độn, trăm họ rơi vào cảnh lầm than. Không nỡ nhìn nhân dân lâm vào cảnh cực khổ, bà Nữ Oa bèn bay khắp nơi tìm đá ngũ sắc, vá lại bầu trời.
Nữ Oa còn là một nhân vật huyền thoại trong Tam Hoàng Ngũ Đế của Trung Quốc.
-
- Hạ Vũ
- Tên khai sinh là Tự Văn Mệnh, thường được gọi là Đại Vũ, sinh vào khoảng năm 2205 - 2200 TCN, mất khoảng 2198 - 2100 TCN. Ông là người sáng lập ra triều đại nhà Hạ, là một vị vua huyền thoại ở Trung Quốc cổ đại, được nhớ tới nhiều nhất bởi đã có công phát triển kỹ thuật trị thủy chinh phục các sông ngòi Trung Quốc.
-
- Chợ Đồng Xuân
- Một trong những chợ lớn nhất tại Hà Nội, nằm trong khu phố cổ. Chợ Đồng Xuân được người Pháp xây dựng từ giữa năm 1889, phía tây là phố Đồng Xuân, phía bắc là phố Hàng Khoai, phía nam là phố Cầu Đông, phía đông là ngõ chợ Đồng Xuân. Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ vào năm 1946, chợ Đồng Xuân nằm trong Liên khu Một và trở thành điểm chiến đấu ác liệt. Năm 1995, chợ Đồng Xuân được xây dựng lại thành 3 tầng với tổng diện tích mặt bằng gần 14.000m² như hiện nay.
-
- Cau
- Loại cây nhiều đốt, thân nhỏ và cao vút, có quả dùng để ăn với trầu.
-
- Quýt
- Một loại cây thân gỗ. Quả hình cầu hơi dẹt, màu xanh, vàng da cam hay đỏ, vỏ mỏng, nhẵn hay hơi sần sùi, không dính với múi nên dễ bóc; cơm quả dịu, thơm, ăn có vị ngọt; hạt trắng xanh. Hoa, lá, vỏ, xơ và múi quýt cũng là những vị thuộc dân gian.
-
- Mơ
- Một loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, có hoa trắng hoặc đỏ, nở vào mùa xuân. Quả mơ vị chua chát, dùng để làm nước ép, ướp đường, làm ô mai, làm rượu, mứt, hoặc chế biến thành các món canh.
Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, mơ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.
-
- Đào
- Loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, cũng được trồng để lấy quả hay hoa. Hoa đào nở vào mùa xuân, là biểu tượng của mùa xuân và ngày Tết ở miền Bắc. Quả đào vị ngọt hoặc chua, mùi thơm, vỏ quả phủ một lớp lông mịn. Đào xuất hiện rất nhiều trong văn học cổ Trung Quốc và các nước đồng văn. Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, mơ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.
-
- Mãng cầu
- Miền Bắc gọi là na, một loại cây ăn quả cho quả tròn có nhiều múi (thực ra, mỗi múi là một quả) khi chín có vị ngọt, mùi rất thơm. Lá, hạt và rễ mãng cầu cũng là những vị thuốc dân gian.
-
- Sấu
- Loại cây gỗ lớn sống lâu năm, lá thường xanh. Hoa sấu màu trắng, mọc thành chùm, nở vào tháng ba, tháng tư. Quả sấu vị chua, mùi thơm đặc trưng, thường dùng để nấu canh, làm ô mai, sấu dầm, sấu ngâm nước đường... Sấu được trồng phổ biến ở miền Bắc nước ta để lấy bóng mát và lấy quả. Vỏ cây, lá, hoa và quả sấu còn được dùng làm thuốc.