Tìm kiếm "SAO sa"

  • Trương Chi (hát xẩm)

    Ngày xưa có anh Trương Chi
    Người thì thậm xấu, hát thì thậm hay
    Cô Mỵ Nương người ở lầu Tây
    Con quan thừa tướng ngày rày cấm cung
    Anh Trương Chi ở dưới dòng sông
    Chở đò ngang dọc suốt đêm đông anh dãi dầu
    Đêm thanh chàng hát một câu
    Gió đưa thoang thoảng đến lầu cô Mỵ Nương
    Cô Mỵ Nương nghe tiếng hát thì thương
    Mà trông thấy mặt anh chường lại chê
    Anh Trương Chi bèn trở ra về
    Cắm sào cho chặt anh mới hát thề một câu:
    “Kiếp này đã lỡ duyên nhau
    Xin nguyền kiếp khác duyên sau lại thành!”

  • Ai cùng gặt lúa đỏ đuôi

    Ai cùng gặt lúa đỏ đuôi
    Chàng về mà đập mà phơi kịp ngày
    Ai mà giã gạo ba chày
    Giã đi cho trắng gùi ngay cho chàng
    Sẵn tiền mua bạc mua vàng
    Sẵn tiền sắm áo cho chàng trẩy kinh
    Sáng trời chàng mới tập binh
    Em ngồi vò võ một mình em lo

  • Vè con dao

    Nhà anh bất phú bất bần
    Có con dao đoản hộ thân tháng ngày
    Con dao anh rày
    Dài vừa năm tấc
    Khi mài đã sắc
    Phá lở rú rừng hoang
    Cũng biện đủ cỗ cho làng
    Cũng no ngày đủ tháng.
    Đèn có khêu mới rạng
    Ngọc bất trác bất thành
    Ngẫm như con dao anh
    Nội trần gian không ai có
    Nội dưới trời không ai có

  • Bồng bồng đổ lộc ra hoa

    Bồng bồng đổ lộc ra hoa
    Một đàn vợ lính trẩy ra thăm chồng
    Trẩy ra có gánh có gồng
    Trẩy ra thăm chồng bảy bị còn ba
    “Nào ai nhắn nhủ mi ra?
    Mi ngồi mi kể con cà con kê
    Muốn tốt quảy bị mà về
    Việc quan anh chịu một bề cho xong”
    Xưa kia anh ở trong phòng
    Bây giờ anh đã vào trong hàng quyền

  • Ai đem tôi đến chốn này

    Ai đem tôi đến chốn này
    Bên kia Vạ Cháy, bên này Bang Gai
    Trên đồn có lão quan hai
    Cửa Lục tàu đậu một vài chỗ sâu
    Thằng Tây mưu mẹo đã lâu
    Đóng ba chiếc tầu chạy cạn cả ba
    Một chiếc thì chạy Cốt Na
    Chiếc vào Hà Sú, chiếc ra Hà Lầm
    Mười giờ rưỡi nó kéo còi tầm
    Cu li đâu đấy về nằm nghỉ ngơi
    Đến mười hai giờ bốn mươi
    Síp lê một tiếng muôn người kéo ra
    Nó quát một tiếng chẳng là
    Nó quát hai tiếng giãn ra hai hàng
    Xướng thẻ thì xướng rõ ràng
    Nó biên vào sổ đi làm táo tươi
    Người thì ghè đá nung vôi
    Người thì vác gỗ ai coi cho tường
    Người thì xẻ đất đắp đường
    Người thì đánh sắt ở trong lò rèn
    Người thì xẻ ván đóng xe
    Người thì chẻ trúc, chẻ tre đan lồng
    Người xe hỏa, người máy rồng
    Người biên kho gỗ, người trông kho dầu

  • Vè ăn hàng

    Vai mang xấp vải trong mo
    Đi chưa tới chợ đã lo ăn hàng
    Bánh in cùng những bánh bàng
    Bánh bò bông, bánh ít trần, ngon thay.
    Mít nghệ múi bằng cổ tay
    Bánh đúc chấm mật, bánh gai, bánh bèo
    Muốn ăn đừng có lo nghèo
    Tiền tui trong túi đem theo đủ dùng,
    Ăn một bụng ba mươi đồng
    Mua mấy thứ để cho chồng tui đây
    Vừa mới tới vuông đất cày
    Ngồi dưới gốc cầy lật nón ra ăn
    Làm vầy dạ cũng băn khoăn
    Vì chưng lỗ miệng muốn ăn không chừng

  • Vè xin xâu

    Lẳng lặng mà nghe
    Cái vè xin thuế
    Mùa màng mất tệ
    Buôn bán không ra
    Kẻ gần người xa
    Cũng nghèo cũng khổ
    Hai đồng xâu nọ
    Bảy ngày công sưu
    Cao đã quá đầu
    Kêu đà ngắn cổ
    Ở đâu ở đó
    Cũng rúc mà ra
    Kẻ kéo xuống Tòa
    Người nằm trên tỉnh
    Đông đà quá đông
    Trong tự Hà Đông
    Ngoài từ Diên Phước

  • Thiên triều văn

    Thương thay, hỡi các chú ơi
    Ăn uống đã rồi thầy kể một văn:
    Quý Tỵ giữa ngày mồng năm,
    Giờ Dần chính nguyệt ầm ầm huyên hoa
    Một chi đánh ở Đống Đa
    Cầu Duệ kéo đến tốt xa muôn phần
    Phép voi bại trận tiên phong
    Cầu nhương sụt cả xuống sông Bồ Đề
    Đao binh tử trận đầy khe
    Dọc đường gài gác nằm kề năn năn
    Chú sang cứu viện nước Nam
    Chẳng may gặp phải suối vàng thương thay
    Chú thì thắt cổ trên cây
    Chú thì tự vẫn ở nay trong nhà
    Chú thì thác xuống Diêm La
    Chú nào còn sống về nhà đại minh

  • Tài nguyên than mỏ nước Nam

    Tài nguyên than mỏ nước Nam
    Thằng Tây làm chủ, mình làm cu li
    Chỉ vì đói rách phải đi
    Đi làm phu mỏ, bỏ quê, bỏ nhà
    Một nghìn chín trăm ba ba
    Là năm Quý Dậu con gà ác thay
    Kể dời phu mỏ Hòn Gai
    Công ty than của chủ Tây sang làm
    Chiêu phu mộ Khách, An Nam
    Cuốc tầng khai mỏ tìm than ra vầy
    Than ra ở các mỏ này
    Hà Lầm, Hà Sú, mỏ rày Ngã Hai
    Bán than cho các nước ngoài
    Tàu bè ngoại quốc vãng lai mua dùng
    Chủ nhì, chủ nhất, đốc công
    Mỗi sở một sếp cai trong sở làm
    Làm ra máy trục, máy sàng
    Sở Tàu, Than Luyện, Sở Than chung là
    Va-gông, than chở về ga
    La-ga đặt ở Cốt Na cổng đồn
    Để cho xe hỏa dắt dồn
    Thật là tiện lợi gọn gàng vân vi
    Ăng Lê, Nhật Bản, Hoa Kỳ
    Hồng Kông, Thượng Hải đều thì sang mua
    Cửa Ông là Cẩm Phả po
    Cẩm Phả min, Cọc Sáu, cùng là Mông Dương
    Ngoại giao các nước thông thương
    Hòn Gai giàu vốn lại cường thịnh ra
    Tây Bay coi sổ la voa
    Bắc ngay đường sắt cho xe thông hành
    Một đường đi thẳng Hà Lầm
    Một đường Núi Béo, Cọc Năm đi về

  • Vè say rượu

    Ngôn đa ngữ thất
    Nói trật nhiều điều
    Tiền rượu chúng kêu
    Còn ngồi nói pháo
    Nhiếc rằng nói láo
    Uống chẳng biết lo
    Rượu muốn đong cho
    Tiền không chịu trả
    Say rồi bậy bạ
    Nói dọc nói ngang
    Nằm sá nằm đàng
    Té lên té xuống
    Rượu bao nhiêu cũng uống
    Uống quá mẹ hũ chìm
    Nói như bìm bìm
    Leo dây leo nhợ

  • Vè chàng Lía

    Lía ta nổi tiếng anh hào
    Sơn hà một góc thiếu nào người hay
    Bạc tiền thừa đủ một hai
    Chiêu binh mãi mã càng ngày càng đông
    Làm cho bốn biển anh hùng
    Mến danh đều tới phục tùng chân tay.
    Kẻ nào tàn ác lâu nay
    Lía sai cướp của đoạt tài chẳng dung
    Nhà giàu mấy tỉnh trong vùng
    Thảy đều kinh sợ vô cùng lo toan
    Nhất nhì những bực nhà quan
    Nghe chàng Lía doạ kinh hoàng như điên
    Nhà nào nhiều bạc dư tiền
    Mà vô ân đức, Lía bèn đoạt thâu.
    Tuy chàng ở chốn non đầu
    Nhưng mà lương thực vật nào lại không
    Lâu la ngày một tụ đông
    Vỡ rừng làm rẫy, vun trồng bắp khoai
    Mọi người trên dưới trong ngoài
    Thảy đều no đủ sớm trưa an nhàn
    Tiếng tăm về đến trào đàng
    Làm cho văn võ bàng hoàng chẳng an.
    Nam triều chúa ngự ngai vàng
    Bá quan chầu chực hai hàng tung hô
    Có quan ngự sử bày phô
    Tâu lên vua rõ lai do sự tình
    Đem việc chàng Lía chiêu binh
    Trình lên cặn kẽ phân minh mọi đàng
    Nào khi Lía phá xóm làng
    Đến khi lên núi dọc ngang thế nào
    Kể tên những bậc phú hào
    Từng bị quân Lía đoạt thâu gia tài
    Vua ngồi nghe rõ một hai,
    Đập bàn, vỗ án giận rày thét la:
    – Dè đâu có đứa gian tà
    Giết người, đoạt của thiệt là khó dung
    Truyền cho mười vạn binh hùng
    Dưới cờ đại tướng binh nhung lên đàng
    Đại quân vâng lệnh Nam hoàng
    Hành quân tức khắc thẳng đàng ruổi dong
    Gập ghềnh bao quản núi non
    Dậy trời sát khí quân bon lên rừng.

  • Vè cầu Doumer

    Cầu sắt mà bắc ngang sông
    Chàng ơi sang tỉnh mà trông chẳng lầm
    Hà Nội bắc sang Gia Lâm
    Tính cây lô mét độ năm cây tròn
    Họa hình Tây bắc ống nhòm
    Ngắm đi ngắm lại xem còn cong không
    Giở về hội nghị cộng đồng
    Đến năm Mậu Tuất khởi công bắc cầu
    Mộ phu khắp cả đâu đâu
    Xây từ Ái Mộ bắt đầu xây ra
    Bắc qua con sông Nhị Hà
    Chia khoang làm nhịp, mười ba cột vừa
    Lập mưu xây được bây giờ
    Chế ra cái chụp để mà bơm lên
    Bơm hết nước đến bùn đen
    Người chết như rạ vẫn phải len mình vào

  • Vè Hà thành đầu độc

    Một cơn gió táp mưa sa
    Non sông nổi giận, cỏ hoa đeo sầu
    Gió mưa nghe vẳng bên lầu
    Tưởng hồn nghĩa sĩ ở đâu ngang trời
    Than ôi cũng một kiếp người
    Một lòng yêu nước thương nòi xót xa
    Non sông Hồng Lạc một nhà
    Nhớ người ta phải hương hoa cúng giàng
    Mực hòa máu lệ một chương
    Khóc trang nghĩa dũng nêu gương muôn đời
    Nhớ xưa liệt sĩ bốn người
    Ở trong ban lính đóng nơi Hà thành
    Đòi phen trận mạc tập tành
    Thấy người xe ngựa, tủi mình non sông

  • Ba gian nhà khách

    Ba gian nhà khách
    Chiếu sạch giường cao
    Mời các thầy vào
    Muốn sao được thế
    Mắm Nghệ lòng giòn
    Rượu ngon cơm trắng
    Các thầy dù chẳng sá vào
    Hãy dừng chân lại em chào cái nao
    Đêm qua em mới chiêm bao
    Có năm ông cử bước vào nhà em
    Cau non bổ, trầu cay têm
    Đựng trong đĩa sứ em đem kính mời
    Năm thầy tốt số hơn người
    Khoa này tất đỗ, nhớ lời em đây

  • Hỡi cô yếm trắng lòa lòa

    Hỡi cô yếm trắng lòa lòa
    Sao cô không bảo mẹ già nhuộm thâm?
    Hay là ta hãy làm thân
    Ðể anh nhuộm hộ thấm nhuần công anh!

    Dị bản

    • Hỡi cô yếm trắng lòa lòa
      Sao cô không bảo mẹ già nhuộm thâm?
      Ước gì anh được ở gần
      Để anh nhuộm hộ, thấm nhuần lòng anh

  • Bây giờ sông lặng nước yên

    Bây giờ sông lặng nước yên
    Sào kia nhớ bến chống thuyền lại chơi
    Sào thì nhớ lắm ai ơi
    Cách đồn quan phủ không xuôi được đò
    Sông kia ai cấm ai dò
    Muốn xuôi thì nộp thuế đò mà xuôi
    Chẳng buôn chẳng bán thì thôi
    Nộp quan hết vốn còn xuôi nỗi gì!

Chú thích

  1. Đỗ quyên
    Có giả thuyết cho là chim cuốc. Theo hai học giả Đào Duy Anh và An Chi thì chim quyên là chim tu hú. Hình ảnh chim quyên trong ca dao dân ca thường tượng trưng cho những điều tốt đẹp.

    Chim tu hú

    Chim tu hú

  2. Cồng cộc
    Tên gọi miền Nam của chim cốc đế, một loại chim làm tổ trong các rừng ngập mặn đồng bằng sông Cửu Long. Chim có đầu, mào, cổ toàn bộ mặt lưng và đuôi màu đen, cánh xanh lục hay tím đỏ. Thức ăn chủ yếu là cá.

    Chim cồng cộc

    Chim cồng cộc

  3. Le le
    Tên một loài chim gần giống vịt trời, hay kiếm ăn ở vùng đồng ruộng hay bưng biền, gặp nhiều ở vùng Đồng Tháp Mười.

    Con le le

    Con le le

  4. Chèo bẻo
    Một loài chim thuộc họ chim cắt, có bộ lông màu đen nhánh, cũng có con điểm vài chiếc lông trắng ở dưới đuôi và hai cánh. Chim chèo bẻo là loài chim rất hung dữ, nhất là khi tranh mồi hoặc bảo vệ tổ và chim non.

    Chèo bẻo

    Chèo bẻo

  5. Cò ma
    Một loại cò có bộ lông trắng, mỏ vàng và chân màu vàng xám. Trong mùa sinh sản, chim trưởng thành chuyển sang màu cam trên lưng, ngực và đầu, còn mỏ, chân và mắt chuyển màu đỏ.

    Cò ma

    Cò ma

  6. Thậm
    Rất, lắm.
  7. Tể tướng
    Chức quan cao nhất dưới thời phong kiến, có nhiệm vụ thay mặt vua để giải quyết chuyện chính sự của một đất nước. Tùy theo thời đại, vị trí này có thể có tên là thừa tướng hoặc tướng quốc. Nước ta có các tể tướng nổi danh như Nguyễn Quán Nho, Lý Đạo Thành, Tô Hiến Thành, Trần Thủ Độ...

    Tể tướng Nguyễn Quán Nho

    Tể tướng Nguyễn Quán Nho

  8. Cấm cung
    Cấm không được phép ra khỏi nhà, không được phép tự do tiếp xúc với người ngoài (thường nói về con gái nhà quyền quý thời phong kiến).
  9. Chường
    Chàng (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  10. Lúa đỏ đuôi
    Lúa vừa đến độ chín, đầu bông có các hạt mới hoe vàng.
  11. Trẩy
    Đi đến nơi xa (thường nói về một số đông người). Trẩy hội nghĩa là đi dự ngày hội hằng năm.
  12. Bất phú bất bần
    Không giàu không nghèo.
  13. Rú rừng
    Rừng núi (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  14. Biện
    Lo liệu, chuẩn bị.
  15. Cỗ
    Những món ăn bày thành mâm để cúng lễ ăn uống theo phong tục cổ truyền (đám cưới, đám giỗ...) hoặc để thết khách sang trọng.

    Mâm cỗ

    Mâm cỗ

  16. Rạng
    Sáng tỏ.
  17. Ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học bất tri lí
    Ngọc không mài giũa thì không thành món đồ (trang sức), người không học thì không hiểu lí lẽ. Đây là một câu trong Lễ Ký, một trong Ngũ Kinh.
  18. Bồng bồng
    Loại cây thân cứng, mọc vươn thẳng, lá màu xanh đậm, nhỏ thon dài, ưa nơi đất ẩm, râm mát. Hoa bồng bồng ra từ búp ngọn rồi buông xuống thành từng chùm dài, màu trắng ngà, mùi thơm, có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon. Lá bồng bồng cũng là một vị thuốc nam.

    Hoa bồng bồng

    Hoa bồng bồng

  19. Bị
    Đồ đựng, thường đan bằng cói hay tre, có quai xách.

    Bị cói

    Bị cói

  20. Có bản chép:

    Bồng bồng đổ lộc ra hoa
    Một đàn con gái hái hoa bồng bồng
    Trở ra lấy chồng
    Gánh gánh gồng gồng, bảy bị còn ba...

  21. Quyền
    Cách xưng hô với người có chức vụ ngày xưa (ông quyền, cậu quyền...).
  22. Bãi Cháy
    Tên cổ là Vạ Cháy, nay là một phường thuộc thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Ngày xưa đây là khu bãi cát ven biển, nơi ngư dân bảo dưỡng thuyền gỗ bằng cách đốt lửa thui thuyền (dưới đáy và bên sườn thuyền thường có con hà bám vào rất chắc có thể ăn hỏng thuyền), do lửa khói quanh năm mà thành tên. Ngày nay với bãi biển bãi cháy, đây là một địa điểm du lịch có tiếng ở Quảng Ninh.

    Bãi biển Bãi Cháy

    Bãi biển Bãi Cháy

  23. Hồng Gai
    Cũng gọi là Hòn Gai, tên cũ là Bang Gai hoặc Áng Gai, nay là một phường thuộc thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Cuối thế kỷ 19 trở về trước, đây là một vùng vắng vẻ, cư dân thưa thớt, vốn chỉ là vũng biển đậu thuyền. Tại đây có mỏ Hòn Gai, một mỏ than đã được đưa vào khai thác từ thời Pháp thuộc.

    Một góc mỏ than Hòn Gai thời Pháp thuộc

    Một góc mỏ than Hòn Gai thời Pháp thuộc

  24. Quan hai
    Tên gọi thời Pháp thuộc của cấp hàm trung úy (lieutenant). Gọi vậy vì quân hàm này có 2 vạch.
  25. Cửa Lục
    Vịnh biển nhỏ ở thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, chỉ rộng 18 km² và chỗ sâu nhất chỉ 17m.

    Vịnh Cửa Lục ngày nay

    Vịnh Cửa Lục ngày nay

  26. Tức tàu hỏa.
  27. Nagotna
    Một mỏ than thuộc quyền sở hữu của công ti Than Bắc Kì dưới thời Pháp thuộc, nối với mỏ than Hà Tu bằng một tuyến đường sắt dài 3km.
  28. Hà Tu
    Tên cũ là Hà Sú, nay là một phường thuộc thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Tại đây có mỏ than Hà Tu, vào thời Pháp thuộc thuộc sự quản lí của công ti than Bắc Kì.

    Đường sắt mỏ Hà Tu (Nguồn: Thư viện quốc gia Pháp)

    Đường sắt mỏ Hà Tu (Nguồn: Thư viện quốc gia Pháp)

  29. Hà Lầm
    Địa danh nay là một phường thuộc thành phố Hạ Long. Tại đây có mỏ Hà Lầm, một mỏ than đã được đưa vào khai thác từ thời Pháp thuộc.
  30. Còi tầm
    Còi báo bắt đầu hoặc kết thúc giờ làm việc các xưởng, mỏ, công trường, nhà máy…
  31. Cu li
    Từ tiếng Pháp coolie, chỉ người lao động làm những công việc nặng nhọc.
  32. Síp lê
    Từ tiếng Pháp siffler nghĩa là huýt còi.
  33. Một hàng nam, một hàng nữ.
  34. Mo
    Phần vỏ ngoài của hoa dừa hay hoa cau. Khi hoa còn non chưa nở, mo màu xanh, hai cánh dạng thuyền úp lại che chở cho hoa bên trong. Mo tự tách ra khi hoa nở và khô dần đi khi cây đậu quả. Mo cau, mo dừa già sẽ tự rụng xuống hoặc được người trồng giật xuống khi thu hái quả. Mo cau mềm mại, dẻo dai, được dân ta sử dụng để gói giò (chả) và nhất là gói cơm nắm mang theo khi làm đồng làm rẫy. Cơm nắm mo cau là một hình ảnh quen thuộc và thân thương với người nông dân nước ta.

    Mo cau

    Mo cau

    Cơm nắm gói trong mo cau.

    Cơm nắm gói trong mo cau.

  35. Bánh in
    Một loại bánh có xuất xứ từ Huế, được làm từ bột năng, bột nếp, đậu xanh, đường, các nguyên liệu khác và được ép, đức thành khuôn mặt đáy của bánh thường khắc các hình chữ Phúc, Lộc, Thọ hoặc các hình trang trí khác và gói trong giấy bóng kính ngũ sắc. Đây là loại bánh để dùng trong ngày Tết, phục vụ việc thờ cúng và đãi khách.

    Bánh in

    Bánh in

  36. Bánh bàng
    Một loại bánh làm từ bột mì, đường, và trứng, được nướng xốp, mặt vàng, gần giống bánh ga-tô, có hình dáng giống quả bàng,

     

  37. Bánh bò
    Một loại bánh làm bằng bột gạo, nước, đường và men, một số nơi còn cho thêm dừa nạo. Có một số loại bánh bò khác nhau tùy vùng miền, ví dụ Sóc Trăng có bánh bò bông, Châu Đốc có bánh bò thốt nốt...

    Bánh bò

    Bánh bò

  38. Bánh ít
    Loại bánh dẻo làm bằng bột nếp, có mặt ở nhiều địa phương, có nơi gọi là bánh ếch hay bánh ết. Tùy theo từng vùng mà bánh ít có hình dạng và mùi vị khác nhau: hình vuông, hình tháp, hình trụ dài, gói lá chuối, lá dứa, không nhân, nhân mặn, nhân ngọt... Bánh ít là món bánh không thể thiếu trong các dịp lễ Tết, giỗ cúng.

    Bánh ít lá gai

    Bánh ít lá gai

    Bánh ít trần

    Bánh ít trần

  39. Mít nghệ
    Một loại mít có múi to, dày, ráo, độ ngọt vừa phải, màu vàng đậm, có thể ăn tươi hoặc làm mít sấy.

    Mít nghệ

    Mít nghệ

  40. Bánh đúc
    Bánh nấu bằng bột gạo tẻ hoặc bột ngô quấy với nước vôi trong, khi chín đổ ra cho đông thành tảng, thường được ăn kèm với mắm tôm. Bánh đúc là món quà quen thuộc của làng quê.

    Bánh đúc Hà Nội

    Bánh đúc Hà Nội

  41. Bánh ít lá gai
    Gọi tắt là bánh gai, một loại bánh ít đặc sản của miền Trung. Bánh làm từ lá gai quết nhuyễn với bột dẻo, tạo cho lớp áo ngoài của bánh có màu xanh đen đặc trưng. Nhưn (nhân) bánh thường là đậu xanh, dừa, đường, thêm chút quế và vani để tạo mùi thơm; đôi khi người ta cũng làm nhân bánh từ tôm xào với thịt, tạo ra món bánh ít mặn.

    Lá gai

    Lá gai

    Bánh ít lá gai

    Bánh ít lá gai

  42. Bánh bèo
    Một món bánh rất phổ biến ở miền Trung và miền Nam. Bánh làm từ bột gạo, có nhân phía trên mặt bánh làm bằng tôm xay nhuyễn. Nước chấm bánh bèo làm từ nước mắm, và thường đổ trực tiếp vào bánh chứ không cần chấm. Thành phần phụ của bánh bèo thường là mỡ hành, đậu phộng rang giã nhỏ. Tuỳ theo địa phương, có những cách thêm bớt khác nhau cho món bánh này, ví dụ ở Sài Gòn thường bỏ đậu xanh, đồ chua, lại cho ăn kèm bánh đúc, bánh ít, bánh bột lọc...

    Bánh bèo

    Bánh bèo

  43. Kơ nia
    Người Kinh gọi là cây cầy hoặc cây cốc, một loại cây gỗ cứng mọc nhiều ở các tỉnh Tây Nguyên, ngoài ra còn phân bố từ Quảng Nam đến một số tỉnh Nam Bộ cũng như các đảo Phú Quốc, Côn Đảo. Cây kơ nia có một ý nghĩa tâm linh rất lớn đối với đồng bào các dân tộc thiểu số.

    Cây kơ nia

    Cây kơ nia

  44. Sưu thuế
    Sưu (hay xâu) là số ngày người dân phải tham gia lao động công ích, nhưng cho phép nộp bằng tiền để thuê người làm thay; thuế là số tiền (hoặc hiện vật) người dân phải nộp cho chính quyền.
  45. Đà
    Đã (từ cổ, phương ngữ).
  46. Đây là Tòa Đại lí Tam Kỳ chứ không phải Tòa Công sứ Hội An (theo Nguyễn Q. Thắng).
  47. Hà Đông
    Vùng đất nay là thành phố Tam Kỳ, thủ phủ của tỉnh Quảng Nam. Huyện Hà Đông thuộc phủ Thăng Hoa của đạo Thừa Tuyên – Quảng Nam, được hình thành từ năm 1471 dưới thời vua Lê Thánh Tông. Đến năm 1906, đời vua Thành Thái, huyện được nâng lên thành phủ Hà Đông, và sau đó đổi thành phủ Tam Kỳ.
  48. Diên Phước
    Tên một huyện ở phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam ngày trước (nay là xã Điện Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).
  49. Tức ngày mùng năm tháng Giêng năm Kỷ Dậu, bắt đầu trận Ngọc Hồi. Theo Lê quý kỷ sựViệt sử Thông giám cương mục, mờ sáng mùng 5, 100 voi chiến Tây Sơn tiến lên. Ngựa quân Thanh sợ voi, lui lại, giẫm lên nhau lùi về đồn. Quân Thanh cố thủ trong đồn bắn ra. Quang Trung chia tượng binh làm hai cánh, một cánh vòng qua sau đồn Ngọc Hồi, đóng phía đông đê Yên Duyên để chặn đường địch rút; cánh kia dùng mộc tẩm rơm ướt tiến lên hãm đồn. Đại bác quân Thanh bị vô hiệu lực. Quân Tây Sơn tiến vào đồn hỗn chiến. Đại Nam chính biên liệt truyện mô tả, quân Thanh không chống nổi chạy tản ra tứ phía, lại giẫm phải địa lôi chính mình đặt từ trước nên chết rất nhiều. Đồn Ngọc Hồi bị quân Tây Sơn thiêu cháy.
  50. Giờ Dần
    Khoảng thời gian từ 3 đến 5 giờ sáng, là canh cuối cùng trong năm canh, nên thường dùng để chỉ sớm mai.
  51. Chính nguyệt
    Tháng giêng âm lịch.
  52. Huyên hoa
    Huyên náo, ồn ào (từ cổ).
  53. Đống Đa
    Địa danh nay là một quận nằm ở trung tâm thủ đô Hà Nội. Tại đây năm 1789 quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy của vua Quang Trung đã đánh tan hai vạn quân Thanh xâm lược. Tương truyền sau chiến thắng, vua Quang Trung cho thu nhặt xác giặc xếp vào 12 cái hố rộng, lấp đất chôn và đắp thành gò cao, trên gò cây cối mọc um tùm nên có tên là gò Đống Đa.

    Tượng đài Nguyễn Huệ ở gò Đống Đa

    Tượng đài Nguyễn Huệ ở gò Đống Đa

  54. Cầu Duệ
    Chưa rõ ở đâu. Có ý kiến cho rằng đây là một cái cầu bắc qua sông Nhuệ, chảy qua Thăng Long.
  55. Tốt xa
    Quân lính (tốt) và xe (xa).
  56. Ý nói đội quân tiên phong của giặc đã thất bại vì khiếp sợ tượng binh của ta.
  57. Cầu nhương
    Tranh cướp nhau để lên cầu.
  58. Có bản chép: Cầu Tương.
  59. Sông Bồ Đề
    Một đoạn sông Hồng thuộc thành Thăng Long ngày trước. Đây chính là nơi 20 vạn quân Thanh của Tôn Sĩ Nghị đóng quân khi sang xâm lược nước ta vào năm 1788, trước khi bị vua Quang Trung dẫn nghĩa quân Tây Sơn tiến ra Bắc đánh cho tan tành.

    Quang Trung tiến quân ra Bắc

    Quang Trung tiến quân ra Bắc

  60. Năn năn
    Xót thương, oán hận (từ cổ).
  61. Hai vạn quân Thanh do Tôn Sĩ Nghị cầm đầu kéo xuống nước ta, mang tiếng là cứu viện cho Lê Chiêu Thống, nhưng thực chất mang ý đồ xâm lược.
  62. Suối vàng
    Cõi chết. Từ này bắt nguồn từ chữ hoàng tuyền, cũng đọc là huỳnh tuyền. Hoàng tuyền vốn có nghĩa là suối ngầm, mạch nước ngầm ở dưới đất, vì đất màu vàng nên có tên như vậy.

    Gọi là gặp gỡ giữa đường
    Họa là người dưới suối vàng biết cho

    (Truyện Kiều)

  63. Câu này có lẽ muốn ám chỉ tướng giặc Sầm Nghi Đống. Khi quan quân đại bại, y đã thắt cổ tự vẫn ở núi Loa, Khương Thượng, gần thành Thăng Long.
  64. Âm phủ
    Cũng gọi là âm ty, âm cung, một khái niệm trong tín ngưỡng dân gian của nhiều dân tộc. Theo đó, linh hồn của người chết sẽ được đưa đến âm phủ, được luận xét công tội khi còn là người trần, sau đó tuỳ mức độ công tội mà được đưa đi đầu thai (thành người hoặc vật) hoặc phải chịu các hình phạt khủng khiếp. Trong văn hoá Trung Hoa và Việt Nam, âm phủ cũng có hệ thống như trần gian: đứng đầu âm phủ là Diêm Vương (cũng gọi là Diêm La Vương, nên âm phủ còn có tên là Điện Diêm La), dưới là các phán quan, cuối cùng là các quỷ dạ xoa.

    Một hình vẽ âm phủ

    Một hình vẽ âm phủ

  65. Đại minh
    Giác ngộ, hiểu rõ.
  66. Công ti than Bắc Kì
    Tên tiếng Pháp là Société française des charbonnages du Tonkin (viết tắt là SFCT), một công ti Pháp được thành lập 1988 với mục đích quản lí và vơ vét tài nguyên than đá ở Hạ Long với thị trường xuất khẩu chính là Nhật Bản. Công ti này tuyển dụng người Hoa ("khách") và người Việt làm phu mỏ với mức lương rẻ mạt. Đây là cái nôi ra đời của giai cấp công nhân Việt Nam nói chung và công nhân khu mỏ Quảng Ninh nói riêng.

    Mỏ than Hà Tu

    Mỏ than Hà Tu thuộc công ti than Bắc Kì

  67. Chú khách
    Một cách gọi người Hoa sống ở Việt Nam. Từ này bắt nguồn từ chữ "khách trú," cũng gọi trại thành cắc chú.
  68. An Nam
    Tên gọi của nước ta trong một số giai đoạn lịch sử. Tiêu biểu nhất có lẽ là dưới thời kì đô hộ của thực dân Pháp, khi nước ta bị chia thành ba kỳ.
  69. Ngã Hai
    Một khu vực thuộc xã Dương Huy, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Tại đây có mỏ than Ngã Hai, hiện vẫn còn được khai thác.
  70. Vãng lai
    Đi lại (từ Hán Việt).
  71. Đốc công
    Người thay mặt chủ xí nghiệp trông nom công việc của thợ thuyền ngày trước.
  72. Cai
    Người trông coi trong các công trường, nhà tù thời phong kiến, Pháp thuộc.
  73. Va-gông
    Toa xe (từ tiếng Pháp wagon).
  74. La ga
    Tiếng Pháp la gare, nghĩa là nhà ga.
  75. Vân vi
    Đầu đuôi câu chuyện, đầu đuôi sự tình (từ cũ).
  76. Ăng-lê
    Nước Anh hoặc người Anh (từ tiếng Pháp Anglais).
  77. Cửa Ông
    Địa danh nay là phường Cửa Ông, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Tại đây có đền Cửa Ông, được xem là một trong những ngôi đền đẹp nhất Việt Nam, thờ Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng cùng nhiều nhân vật lịch sử thời Trần.

    Đền Cửa Ông

    Đền Cửa Ông

  78. Cẩm Phả Po
    Cảng Cẩm Phả ("po" phiên âm từ tiếng Pháp port, nghĩa là cửa hoặc cảng).
  79. Cẩm Phả min
    Mỏ than Cẩm Phả ("min" phiên âm từ tiếng Pháp mine, nghĩa là mỏ).
  80. Cọc Sáu
    Tên một mỏ than nay thuộc địa phận phường Cẩm Phú, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh.
  81. Mông Dương
    Địa danh nay là tên một phường thuộc thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Đây là nơi có mỏ than Mông Dương, một trong những mỏ thang có trữ lượng lớn và chất lượng tốt nhất từ thời Pháp thuộc.

    Khai thác than ở mỏ Mông Dương

    Khai thác than ở mỏ Mông Dương

  82. Tên Baille, sếp đường tàu hỏa.
  83. La voa
    Sổ nhật trình.
  84. Núi Béo
    Tên một mỏ than nay thuộc địa phận phường Bạch Đằng, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
  85. Cọc Năm
    Một mỏ than thuộc quyền quản lí của công ti than Bắc Kì dưới thời Pháp thuộc, nay thuộc địa phận phường Hồng Gai, thành phố Hạ Long.
  86. Ngôn đa ngữ thất
    Trích từ sách Cảnh Hạnh Lục (Minh Tâm Bảo Giám): Ngôn đa ngữ thất giai nhân tửu, nghĩa đoạn thân sơ chỉ vị tiền (nói nhiều, nói bậy đều do rượu, dứt tình nghĩa, chia lìa thân thuộc cũng vì tiền).
  87. Nói pháo
    Nói khoác.
  88. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  89. Bìm bìm
    Một loại cây leo, hoa hình phễu, trắng hoặc tím xanh, thường mọc hoang hoặc được trồng làm cảnh ở các bờ rào.

    Bìm bìm

    Bìm bìm

  90. Lía
    Dân gian còn gọi là chàng Lía, chú Lía, người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa nông dân chống ách thống trị của nhà Nguyễn vào thế kỉ 18 nổ ra tại Truông Mây, Bình Định. Có giả thuyết cho rằng ông tên thật là Võ Văn Doan, quê nội huyện Phù Ly (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định ngày nay), quê ngoại làng Phú Lạc, tổng Thời Hòa, huyện Tuy Viễn (nay là huyện Tây Sơn). Lía tập hợp dân nghèo nổi dậy, chọn Truông Mây (Hoài Ân, Bình Định) làm căn cứ, lấy của người giàu chia cho người nghèo. Tương truyền sau khi cuộc khởi nghĩa thất bại, ông uất ức bỏ lên núi và tự sát.
  91. Anh hào
    Anh hùng hào kiệt, người có tài năng, chí khí. Hội anh hào là dịp để anh hào gặp và thi thố lẫn nhau để lập nên những công trạng hiển hách.

    Đường đường một đấng anh hào,
    Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài.

    (Truyện Kiều)

  92. Sơn hà
    Núi sông (từ Hán Việt). Từ cũ, nghĩa rộng dùng để chỉ đất nước.

    Nam quốc sơn hà Nam Đế cư
    Tiệt nhiên phận định tại thiên thư
    Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
    Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư

    (Lý Thường Kiệt)

    Dịch thơ:

    Sông núi nước Nam vua Nam ở
    Rành rành định phận tại sách trời
    Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
    Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.

  93. Chiêu binh mãi mã
    Chiêu mộ binh lính và mua ngựa chiến (để chuẩn bị cho chiến tranh). Hiểu rộng ra là tập hợp lực lượng, vây cánh.
  94. Dung
    Biết là việc xấu, sai nhưng vẫn để tồn tại.
  95. Lâu la
    Từ chữ Hán 嘍囉, chỉ quân lính, tay chân của giặc cướp.
  96. Trào đàng
    Triều đình (cách nói cũ của Trung và Nam Bộ).

    Trạng nguyên tâu trước trào đàng,
    Thái sư trữ dưỡng tôi gian trong nhà.

    (Lục Vân Tiên - Nguyễn Đình Chiểu)

  97. Bá quan
    Từ chữ Hán Việt 百 (trăm), và quan 官 (quan lại), chỉ tất cả các quan lại trong triều đình. Cũng nói là bá quan văn võ.
  98. Ngự sử
    Tên chung của một số chức quan có nhiệm vụ giám sát từ cấp cao nhất (vua) đến các cấp quan lại.
  99. Lai do
    Nguyên do sự việc.
  100. Phú hào
    Những người giàu và có thế lực ở nông thôn thời phong kiến (từ Hán Việt).
  101. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  102. Ngờ (phương ngữ Nam Bộ).
  103. Binh nhung
    Binh 兵 (binh lính) và nhung 戎 (vũ khí, binh lính). Chỉ binh khí, quân đội, hoặc hiểu rộng ra là việc quân.
  104. Nam hoàng
    Vua nước Nam.
  105. Quản
    E ngại (từ cổ).
  106. Cầu Long Biên
    Cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng tại Hà Nội, do Pháp xây dựng (1898 - 1902), là cây cầu sắt dài thứ nhì thế giới thời bấy giờ (sau cầu Brooklyn ở Mỹ). Cầu ban đầu mang tên viên Toàn quyền Đông Dương là Paul Doumer, dân gian hay gọi là cầu sông Cái, cầu Bồ Đề, cầu Dốc Gạch. Năm 1954, cầu được đổi tên thành cầu Long Biên. Là một cây cầu lâu năm và có giá trị lịch sử, hiện nay có nhiều đề xuất tu sửa, cải tạo cầu Long Biên.

    Cầu Long Biên hồi đầu thế kỉ XX

    Cầu Long Biên hồi đầu thế kỉ 20

  107. Tỉnh Hà Nội
    Một trong số 13 tỉnh được thành lập sớm nhất ở Bắc Kỳ, lập vào năm 1831 dưới thời Minh Mạng.

    Tỉnh Hà Nội gồm có 4 phủ: Hoài Đức (kinh thành Thăng Long cũ và huyện Từ Liêm thuộc phủ Quốc Oai của tỉnh Sơn Tây), các phủ Ứng Hòa, Lý Nhân, Thường Tín của trấn Sơn Nam Thượng. Tỉnh lỵ là thành Thăng Long cũ. Phủ Ứng Hòa có 4 huyện Chương Đức (sau đổi là Chương Mỹ), Hoài An, Sơn Minh và Thanh Oai. Phủ Lý Nhân có 5 huyện Bình Lục, Duy Tiên, Kim Bảng, Nam Xương và Thanh Liêm. Phủ Thường Tín có 3 huyện Phú Xuyên, Thanh Trì và Thượng Phúc. Tổng cộng tỉnh Hà Nội có 15 huyện thuộc 4 phủ trên.

  108. Gia Lâm
    Địa danh nay là một huyện ngoại thành, ở về phía Đông của thành phố Hà Nội. Tại đây nổi tiếng với làng gốm Bát Tràng, đồng thời là quê hương của hai nhân vật trong Tứ Bất Tử: Chử Đồng Tử và Thánh Gióng, cùng với nhiều danh nhân văn hóa - lịch sử khác: Nguyên phi Ỷ Lan, Ngọc Hân công chúa, Lý Thường Kiệt...
  109. Cây lô mét
    Còn đọc là ki lô mét, mượn từ tiếng Pháp kilomètre.
  110. Có nhiều con số về chiều dài cầu Long Biên, nhưng cũng chỉ trên dưới 2 km.
  111. Tức năm 1898, năm làm lễ khởi công xây dựng cầu Doumer - tên ban đầu của cầu Long Biên.

    Chữ khắc trên tấm biển kim loại ở đầu cầu ghi nhận thời gian hoàn thành xây cầu (1899 - 1902), và hãng thầu là Daydé & Pillé (hãng Eiffel không trúng thầu, đến năm 1938 mới trúng hợp đồng gia cố cầu).

    Chữ khắc trên tấm biển kim loại ở đầu cầu ghi nhận thời gian hoàn thành xây cầu (1899 - 1902), và hãng thầu là Daydé & Pillé có trụ sở ở Paris.

  112. Mộ phu
    Tuyển mộ dân phu (những người làm công việc chân tay nặng nhọc).
  113. Ái Mộ
    Tên một làng cũ, nay thuộc địa bàn quận Long Biên, Hà Nội.
  114. Sông Hồng
    Còn gọi là sông Cái, con sông lớn nhất chảy qua các tỉnh miền Bắc với nhiều phụ lưu cũng là các con sông lớn như sông Đà, sông Lô... Vùng hạ lưu sông gọi là đồng bằng sông Hồng, rất rộng lớn và màu mỡ, là vựa lúa lớn thứ hai của cả nước (sau đồng bằng sông Cửu Long). Đoạn chảy qua Thăng Long trước đây gọi là Nhị Hà.

    Sông Hồng là con sông gắn liền với đời sống văn hoá, tình cảm của người dân Bắc Bộ.

    Sông Hồng buổi chiều nhìn từ cầu Long Biên

    Sông Hồng buổi chiều nhìn từ cầu Long Biên

  115. Nhịp cầu
    Khoảng cách giữa hai trụ cầu và mố cầu liền nhau.
  116. Rạ
    Rơm, phần còn lại của lúa sau khi gặt. Nhân dân ta thường dùng rơm rạ để lợp nhà hoặc làm chất đốt.

    Mái rạ

    Mái rạ

  117. Có bản chép: Vẳng tai nghe tiếng đài đầu. "Đài đầu" ở đây có lẽ là đoạn đầu đài.
  118. Nghĩa sĩ
    Người anh dũng dấn thân vì việc nghĩa.
  119. Có bản chép: nghĩa liệt.
  120. Lạc Hồng
    Con Lạc cháu Hồng (Con của loài chim Lạc, cháu của dòng giống Hồng Bàng). Chim Lạc là một loài chim trong truyền thuyết, được xem là biểu tượng của Âu Lạc, nhà nước thứ hai trong lịch sử nước ta (sau Văn Lang của các vua Hùng). Hồng Bàng là tên gọi chung cho giai đoạn thượng cổ nước ta, chủ yếu dựa trên các truyền thuyết, truyện kể và một số ít bằng chứng khảo cổ học.

    Nhân dân ta tự nhận là con Lạc cháu Hồng. Từ "Lạc Hồng" đôi khi được đảo thành Hồng Lạc, tương tự như đối với "con Hồng cháu Lạc."

    Hình ảnh chim Lạc trên trống đồng

    Hình ảnh chim Lạc trên trống đồng

  121. Giàng
    Hay Yàng, Yang, tên gọi của vị chúa tể thần linh (ông trời) theo cách gọi của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên.
  122. Liệt sĩ bốn người
    Bốn hạ sĩ quân đội lính khố đỏ cầm đầu vụ đầu độc binh lính Pháp thành Hà Nội, gồm: đội Bình, độc Cốc, đội Nhân, và cai Nga. Bốn người đều bị giặc Pháp xử tử ngày 8/7/1908.
  123. Hoàng thành Thăng Long
    Gọi tắt là thành Hà Nội hoặc Hà thành, một công trình kiến trúc đồ sộ, được xây dựng qua nhiều triều đại phong kiến nước ta. Khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, tại thành Hà Nội đã xảy ra ít nhất hai trận đánh quan trọng: trận thành Hà Nội thứ nhất (20/11/1873) và trận thành Hà Nội thứ hai (25/4/1882). Chỉ huy thành trong hai trận này lần lượt là đô đốc Nguyễn Tri Phương và tổng đốc Hoàng Diệu.

    Quân Pháp tấn công thành Hà Nội lần thứ nhất

    Quân Pháp tấn công thành Hà Nội lần thứ nhất

  124. Đòi phen
    Nhiều lúc, nhiều lần (đòi từ cổ nghĩa là "nhiều").

    Trông tư bề chân trời mặt đất;
    Lên, xuống lầu thấm thoát đòi phen

    (Chinh phụ ngâm khúc - Đặng Trần Côn)

  125. Mắm Nghệ
    Nước mắm làm ở Nghệ An (nổi tiếng với các làng làm nước mắm như Vạn Phần, Hải Đông, Phú Lợi...). Mắm Nghệ không có màu cánh gián như nước mắm Phú Quốc mà có màu sẫm đen, nhưng độ đạm thì rất cao, mùi vị cũng đặc trưng.
  126. Cử nhân
    Học vị cấp cho những người thi đỗ kì thi hương dưới thời phong kiến, trên tú tài. Người có học vị này thường được gọi là ông cử.
  127. Đây được cho là mấy câu hát sáo mời mọc sĩ tử của những cô hàng cơm ở Thăng Long ngày xưa mỗi khi ở đây tổ chức kì thi Hương. Các nhà trọ, hàng cơm thường tập trung ở gần trường thi, người trước gọi khu ấy là xóm học trò. Theo Doãn Kế Thiện trong Hà Nội cũ: "Xóm học trò ở vào chỗ nào? Cứ xem như tập Long thành tạp thoại thì di chỉ xóm ấy ở vào khoảng đầu vườn hoa Cửa Nam cho tới ngõ Hội Vũ bây giờ."

    Sĩ tử ăn cơm

    Sĩ tử ăn cơm

  128. Đây vốn là hai câu thơ của nhà thơ Bàng Bá Lân.
  129. Yếm
    Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

  130. Đồn
    Chỗ trú đóng của quan chức nhà nước.
  131. Quan phủ
    Tên thường gọi cho chức tuần phủ. Ở nước ta, tuần phủ có từ thời nhà Nguyễn, học theo phép quan chế của nhà Thanh. Tuần phủ ở Việt Nam cũng là người đứng đầu một tỉnh nhỏ, khác với tổng đốc là quan kiêm quản vài tỉnh hoặc đứng đầu một tỉnh lớn.
  132. Thuế đò
    Một loại phí đường sông do quan chức địa phương yêu cầu các chủ đò phải nộp khi có việc phải đi qua đoạn sông đó
  133. Nguyệt hoa
    Cũng viết là hoa nguyệt (trăng hoa), chỉ chuyện trai gái yêu đương. Từ này có gốc từ nguyệt hạ hoa tiền (dưới trăng, trước hoa, những cảnh nên thơ mà trai gái hẹn hò để tình tự với nhau), nay thường dùng với nghĩa chê bai.

    Cởi tình ra đếm, ra đong
    Đâu lời chân thật, đâu vòng trăng hoa?

    (Tơ xuân - Huy Trụ)

  134. Cuội
    Một nhân vật trong truyện cổ tích Việt Nam. Chú Cuội (hay thằng Cuội) là một người tiều phu. Cuội có một cây đa thần, lá có khả năng cải tử hoàn sinh. Một hôm vợ Cuội tưới nước bẩn vào gốc cây đa, cây đa trốc gốc bay lên trời. Cuội bám vào rễ đa kéo lại, nhưng cây đa bay lên đến tận cung Trăng. Từ đó trên cung Trăng có hình chú Cuội. (Xem thêm: Sự tích chú Cuội cung trăng).